Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

1 Giăng 1.1-4: "Lời Mời"



Lời Mời
1 Giăng 1.1-4
1. Trong 12 sứ đồ gồm những người đã được Chúa Jêsus dạy dỗ theo cách riêng, vị sứ đồ tôi ưa thích nhất là sứ đồ Giăng. Phierơ là vị sứ đồ rất năng nổ, trực tính và hăng hái. Giăng thì tình cảm và tin kính hơn. Trước tiên chúng ta đã gặp Giăng và em của ông là Giacơ khi còn là những ngư phủ. Chúa Jêsus gọi họ là những "tay đánh lưới người". Với sự từ bỏ hoàn toàn, Giăng đã bỏ lưới lại mà theo Chúa Jêsus. Chúng ta thấy tình cảm của ông trong tước hiệu mà Chúa Jêsus đã trao cho hai anh em. Ngài gọi họ là "các con trai Xêbêđê" hay "Con trai của sấm sét". Phierơ, Giacơ và Giăng là "bộ ba vòng trong cùng" của 12 môn đồ, họ chứng kiến nhiều biến cố quan trọng hơn 9 người kia. Giăng đã viết sách Tin Lành cá nhân và tình cảm nhất trong bốn sách Tin Lành, trong đó ông tự nhận mình là "môn đồ Chúa Jêsus yêu thương". Một dấu hiệu khác nữa biệt Giăng riêng ra, ấy là ông trở thành vị sứ đồ còn sống sót của Hội Thánh. Trong khi tất cả những người kia đều đã tuận đạo vì cớ đức tin của họ, Giăng đã viết. Ông đã viết ba "thư tín" tổng quát nầy, những bức thư mang danh ông và cũng viết ra những sự hiện thấy có tính cách tiên tri về sự Khải Thị đang khi bị lưu đày trong hòn đảo Bát-mô. Giăng là một nhân vật rất đáng nhớ.
2. Hãy cùng tôi hình dung ra cụ sứ đồ với mái tóc bạc nầy. Đôi mắt ông đã yếu đi nhiều rồi. Hai bàn tay của ông nhức nhối với chứng viêm khớp. Tuy nhiên, tinh thần của ông nung nấu hơn bao giờ hết. Đức Thánh Linh giáng trên ông và ông ngồi xuống với ngòi viết và mực bên chiếc bàn thô sơ rồi bắt đầu viết một bức thư. Bức thư của Giăng là một lời chào thăm, một lời mời đến với mối tương giao.
3. Chúng ta có một sự hiểu biết về mối tương giao. Có một tinh thần yêu thương và cộng tác thật kỳ diệu ở đây tại Cornerstone. Chúng ta hầu việc nhau. Chúng ta làm thoả mãn mọi nhu cần của nhau. Chúng ta cũng đưa ra lời mời cho nhiều người khác hãy đến và dự phần với chúng ta. Don Graham viết về một thiếu nữ có tên là Linda, cô đi du lịch một mình trên con đường gồ ghề và lầy lội từ Alberta đến Yukon vào mùa thu trong năm. Linda không biết bạn không bao giờ đi Whitehorse một mình trên chiếc Honda Civic đã xuống cấp, vì vậy cô ấy tránh đường xe bốn bánh phải mạo hiểm. Buổi tối đầu tiên cô ấy tìm được một căn phòng trong vùng núi gần đỉnh rồi yêu cầu được gọi thức dậy lúc 5 giờ sáng để cô ấy có thể đi sớm. Cô ấy thức dậy lúc sáng sớm trời hãy còn sương mù đang bao phủ mấy đỉnh núi. Cô ấy bèn đi ăn sáng, ở đó có hai tài xế xe hàng mời cô cùng đi với họ. Cô cảm thấy bó buộc lắm vì chỗ ngồi quá nhỏ. Một trong hai tài xế xe tải hỏi: "Cô định đi tới đâu?" Linda đáp: "Whitehorse”. “Bằng chiếc Civic nhỏ kia kìa? Không còn cách nào khác! Đi ngõ nầy là rất nguy hiểm trong thời tiết như thế nầy”. Linda nói: "Tôi muốn thử xem sao”. Gã tài xế xe tải đề nghị: "Vậy, tôi đoán là chúng tôi phải bám chặt cô đấy". Linda đáp: "Không còn cách nào khác, tôi sẽ để cho mấy ông bám chặt tôi!" Gã tài xế kia chắc lưỡi: "Không phải NHƯ THẾ đâu!" "Chúng tôi sẽ chạy một chiếc ở đàng trước cô và một chiếc ở đàng sau. Với cách ấy, chúng tôi sẽ đưa cô qua vùng núi nầy". Thế rồi vào buổi sáng trời đầy sương mù đó, Linda đã đi theo hai chấm đỏ ở trước mặt mình và có sự tái bảo đảm của chiếc tải hộ tống ở đàng sau khi họ thực hiện chuyến đi an toàn qua vùng núi ấy. Bị kéo vào lớp sương mù trên hành trình qua cuộc sống, hết thảy chúng ta đều cần được "bám chặt lấy". Đấy là mối tương giao.
4. Thư tín của Giăng đang mời chúng ta nên được bám chặt lấy. Ông mời chúng ta trong câu 3 "được giao thông với chúng tôi. Vả, chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ". Chúng ta được mời đến với mối tương giao THEO CHIỀU DỌC với Đức Chúa Trời và mối tương giao THEO CHIỀU NGANG với dân sự của Ngài.
5. Thư tín của Giăng cũng có ý nói điều chỉnh lại sự sai lầm. Hầu như ông đã viết thư tín nầy từ thành Êphêsô vào lúc Hội Thánh đang mở rộng cách nhanh chóng. Chính vào thời điểm nầy có một hệ thống tín điều đang phát sinh ai cũng biết là Gnosticism [thuyết ngộ đạo]. Từ chữ Hy lạp gnosis có nghĩa là "tri thức", những người tri thức xưng mình có tri thức đặc biệt mà các Cơ đốc nhân bình thường không có. Họ tin rằng thế giới vật chất, kể cả thân thể con người vốn là xấu và thế giới thuộc linh là thanh sạch và tốt lành. Họ chối bỏ Sự hoá thân thành nhục thể và Sự chuộc tội của Chúa Jêsus. Họ xưng Chúa Jêsus là một giáo sư có tài, Ngài có một sự hiểu biết rộng lớn hơn về tri thức kín nhiệm, quyền phép thuộc linh và những tiết mục thần bí. Họ xem các tín điều của Cơ đốc nhân bình thường là thô thiển, lạc hậu và mê tín. Mặc dù thuyết ngộ đạo là một tôn giáo vốn dở hơi từ lâu rồi, những mãnh vỡ của nó có thể được thấy có trong chủ nghĩa tự do (liberalism), chủ nghĩa đổi mới (modernism) và các triết gia thuộc phong trào Kỷ Nguyên Mới rất thịnh hành hôm nay. Giăng muốn các tín đồ phải bước đi trong mối tương giao của lẽ thật.
6. Bạn có thể tiếp lấy nghiên cứu nầy về sách I Giăng bằng cách đọc qua thư tín mỗi tuần, đặt ra những thắc mắc, sáng suốt nắm lấy cơ hội nghiên cứu những luận điểm mà tôi sẽ cung ứng cho.
7. Có một số những điểm tương đồng và tương phản giữa sách Tin lành Giăng và thư tín I Giăng. Thí dụ, sách Tin lành đặt phần nhấn mạnh vào ơn cứu rỗi; phần nhấn mạnh của thư tín đặt vào sự nên thánh. Sách Tin Lành chú trọng vào các biến cố trong quá khứ; thư tín nhắm vào đời sống của chúng ta hôm nay. Sứ điệp chính trong sách Tin lành, ấy là Chúa Jêsus đã chịu chết thay cho chúng ta; sứ điệp của thư tín, ấy là Chúa Jêsus đang sống trong chúng ta. Sách Tin Lành nói cho chúng ta biết rằng Ngôi Lời đã trở thành xác thịt; còn thư tín cho chúng ta biết rằng Ngôi Lời đang sống thực trong chúng ta.
8. Mối tương giao mà chúng ta đang có hôm nay với Đức Chúa Trời và dân sự của Ngài rất là quí báu. Giăng không muốn chúng ta cho mối tương giao ấy là điều hiển nhiên. Ông mời chúng ta dự phần sâu sắc vào mối tương giao nầy vì 5 lý do.
I. Mối tương giao của chúng ta là đời đời (câu 1a).
A. Mối tương giao của chúng ta không phải là mới đâu.
1. Chúng ta ngồi đây vào lúc bình minh của tân thiên niên kỷ, ở giữa kỷ nguyên thông tin. Cuộc đua kỷ thuật đang ở trước mặt. Mọi sự dường như mới. Các tôn giáo mới và hệ thống tín điều mới xảy có từng ngày.
2. Khi Giăng trước tiên viết bức thư nầy, ở phần cuối của thế kỷ thứ nhứt, Cơ đốc giáo dường như giống như một việc rất mới mẻ.
3. Trong câu 1, Giăng nói đến "điều có từ trước hết… về lời sự sống".
4. Một học giả nói "điều có từ trước hết… về Lời sự sống" có ý nói: "những gì có luôn từ lúc ban đầu đều là thực về Lời sự sống" (Dodd).
5. Nói cách khác, Giăng không cung ứng cho chúng ta điều chi là mới hay lạ thường đâu. Ông không giới thiệu một sự cải tiến mới hay một sự kiện thiêng liêng mới xảy đến sau nầy. Thay vì thế, ông trung tín công bố những gì luôn luôn là thực về Đức Chúa Trời và về Con độc sanh của Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ.
B. Mối tương giao của chúng ta đã khởi sự từ quá khứ đời đời.
1. "Từ trước hết" có ý nói đến điều gì? Có người cho rằng nó có ý nói tới phần bắt đầu của Tin Lành, sự giáng trần hay sự đến lần đầu tiên của Chúa Jêsus, sự khởi đầu của kỷ nguyên Cơ đốc. Tuy nhiên, khi sánh với những câu khác trong I Giăng và sách Tin lành thứ tư, thì rõ ràng là Giăng đề cập tới phần khởi đầu của thời gian y như ông vốn hiểu vậy.
2. Sáng thế ký 1.1 chép: "Ban đầu Đức Chúa Trời…". Giăng 1.1-2 chép: "Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời". Khải huyền 13.8 mô tả Chúa Jêsus là "Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế".
3. Trước sự sáng tạo, Đức Chúa Trời đã tìm kiiếm bạn và tôi. Êphêsô 1.4 chép: "trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời".
4. Sứ điệp mà chúng ta đang công bố, tin lành mà chúng ta đang tin theo, Cứu Chúa mà chúng ta đang tin cậy là đời đời. Ngài luôn luôn tồn tại! Câu 2 nhắc cho chúng ta nhớ rằng trong Chúa Jêsus "sự sống đời đời vốn ở cùng Đức Chúa Cha".
II. Mối tương giao của chúng ta có tính cách lịch sử (câu 1b).
Chúa Jêsus, "Lời sự sống" đã có "từ trước hết". Ngài là hằng hữu. Tuy nhiên, Lời hằng hữu đã bước vào lịch sử của con người khi kỳ hạn đã được trọn. Đức Chúa Trời đã trở thành con người và ngự giữa vòng chúng ta. Giăng là một trong những chứng nhân về sự oai nghi của Ngài. Ông nói trong Giăng 1.14: "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha". Đây là 3 phương thức mối tương giao của chúng ta được xác nhận về mặt lịch sử:
A. Các vị sứ đồ đã nghe Ngài giảng dạy.
1. Giăng nói về Chúa Jêsus "là điều chúng ta đã nghe" trong câu 1. Hãy tưởng tượng nghe Chúa Jêsus giảng dạy là như thế nào, Ngài phán dạy những lời lẽ mà giờ đây chúng ta đang đọc sau 2.000 năm.
2. Trước tiên, Giăng đã nghe Chúa Jêsus kêu gọi ông và em ông phải lìa bỏ công việc đánh cá của họ mà trở thành những "tay đánh lưới người". "Tức thì" họ đi theo Ngài (Mathiơ 4.19-20).
3. Giăng đã nghe Chúa Jêsus giảng dạy. Ông đã nghe giảng sứ điệp phản văn hoá của Bài Giảng Trên Núi. Ông đã nghe Ngài nâng cao Kinh Thánh và đánh hạ những truyền thống do con người lập ra.
4. Giăng đã nghe Chúa Jêsus phán ra những lời lẽ có uy quyền. Ông đã nghe thấy ma quỉ kêu la trong sự hiện diện của Ngài rồi riu ríu vâng theo các mạng lịnh của Ngài. Trước mặt Ngài ma quỉ đã run sợ (Giacơ 2.19).
5. Giăng đã nghe Chúa Jêsus phán dạy về sự sáng tạo. Với Lời của Ngài, gió và sóng biển phải im lặng.
6. Giăng đã nghe Chúa Jêsus quở trách các cấp lãnh đạo tôn giáo giả hình trong thời buổi ấy. Ngài đã gọi họ là "dòng dõi rắn lục". Ngài chỉ ra thứ tôn giáo liều mạng tự xem mình là vinh hiển.
7. Giăng đã nghe Chúa Jêsus thốt ra những lời lẽ đầy ân sũng và sự tha thứ. Ông đã nghe Ngài phán với người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội: "Hỡi mụ kia, những kẻ cáo ngươi ở đâu? Không ai định tội ngươi sao? Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội nữa" (Giăng 8.10-11).
8. Giăng đã nghe Chúa Jêsus phán từ trên cây thập tự . Chúa Jêsus đã nói với Mary, mẹ Ngài: "Hỡi đàn bà kia, đó là con của ngươi!" Ngài phán cùng Giăng: "Đó là mẹ ngươi!" (Giăng 19.26-27). Ông đã nghe Ngài kêu lên trong đắc thắng: "Mọi sự đã được trọn!" (câu 30).
9. Khi Giăng lần đầu tiên nhìn thấy Chúa Jêsus trong sự vinh hiển phục sinh của Ngài, ông đã nghe Ngài phán: "Bình an cho các ngươi! Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy" (Giăng 20.21).
10. Giăng đã nghe Chúa Jêsus thốt ra những lời lẽ phó thác. Ngài phán: "Hãy chăn chiên ta" (Giăng 21.17). Ông đã nghe Ngài phán: "Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi.…" (Mathiơ 28.18-20). Là một cụ già, ông tiếp tục làm tròn sứ mệnh đó.
B. Các vị sứ đồ đã thấy Ngài.
1. Giăng mô tả việc nhìn thấy Chúa Jêsus theo hai cách trong câu 1. Trước tiên, ông nói: "điều mắt chúng tôi đã thấy". Họ đã chứng kiến Ngài ở trong loài xác thịt. Thứ hai, họ "đã thấy" Ngài. Điều nầy có nghĩa là: "nhìn kỹ, xem rất cẩn thận", giống như xem một bức tranh đẹp hay phong cảnh đẹp.
2. Giăng đã thấy Chúa Jêsus chữa lành đủ thứ bịnh tật. Ông đã thấy người mù được sáng, kẻ què được đi, người phung được sạch và thậm chí kẻ chết được sống lại. Ông đã nhìn thấy Ngài chặn một đám tang lại, không còn tiến hành được nữa!
3. Giăng đã nhìn thấy Chúa Jêsus thách thức thiên nhiên. Ông đã thấy Ngài đi bộ trên mặt biển. Ông đã thấy Ngài hoá nước thành rượu. Ông đã thấy Ngài cho đoàn dân đông ăn.
4. Giăng đã thấy Ngài hoá hình trên Núi Hẹt-môn.
5. Giăng đã thấy Ngài ẳm lấy con trẻ trên tay Ngài rồi chúc phước cho chúng.
6. Giăng đã thấy Ngài trong sự phẫn nộ công bình tẩy sạch đền thờ .
7. Giăng đã thấy Ngài bị vu cáo, bị đánh đòn, rồi bị treo trên thập tự giá. Ông đã thấy Ngài chịu thương khó với tội lỗi của chúng ta trong 6 tiếng đồng hồ và rồi ông đã thấy Ngài gục chết.
8. Giăng đã thấy ngôi mộ trống, khi chạy theo Phierơ! Giăng đã thấy Chúa Jêsus trong hình thể phục sinh trên bờ biển Galilê. Giăng đã thấy Ngài thăng thiên về trời.
9. Giăng ghi lại lời lẽ Chúa Jêsus phán cùng Thôma trong Giăng 20.29: "Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!"
C. Các vị sứ đồ đã rờ đến Ngài.
1. Giăng nói thêm trong câu 1: "tay chúng tôi đã rờ" đến Ngài. Giăng đã rờ đụng Chúa Jêsus về phần xác. Tôi tưởng tượng Chúa Jêsus đang biểu lộ sự trìu mến. Họ ôm lấy nhau, thường ôm chặt lấy nhau.
2. Giăng, "môn đồ mà Đức Chúa Jêsus yêu" được Chúa Jêsus rửa chơn mình tại Lễ Tiệc Thánh. Ở đó, ông "nghiêng mình trên ngực Đức Chúa Jêsus" (Giăng 21.20).
3. Kinh Thánh cho biết Giăng đã phụ giúp dời thi thể của Chúa Jêsus xuống khỏi thập tự giá rồi đặt Ngài trong ngôi mộ mượn.
4. Giống như các môn đồ khác, Giăng đã rờ đến thân thể phục sinh của Ngài bằng cách đặt mấy ngón tay vào các vết thương bị đóng đinh.
5. Đối với những người theo thuyết ngộ đạo, Giăng đã nói: "Đức Chúa Trời đã hiện ra trong loài xác thịt và tôi biết rõ vì tôi đã rờ đến Ngài và Ngài đã chạm đến tôi!"
III. Mối tương giao của chúng ta được chia sẻ (câu 2).
A. Giăng là một chứng nhân đáng tin. Giăng nói trong câu 2: "vì sự sống [của Chúa Jêsus] đã bày tỏ ra [làm cho biết], chúng tôi có thấy, và đang làm chứng cho". Sự thể cho thấy giống như Giăng đang xưng nhận như một chứng nhân chính trong cuộc xét xử. Nhân chứng thật không nói những điều họ đã nghe lại, mà nói tới những điều họ đã nhìn thấy trước hết.
B. Giăng là một sứ giả được uỷ nhiệm. Không những Giăng "làm chứng cho", mà ông còn nói chúng tôi "rao truyền" nữa. "Rao truyền" có nghĩa là "tuyên bố hay công bố". Họ rao truyền "sự sống đời đời vốn ở cùng Đức Chúa Cha và đã bày tỏ ra cho chúng tôi rồi". 1900 năm sau, chúng ta tiếp tục sứ mệnh của Giăng, rao truyền sự sống đời đời qua Chúa Jêsus.
IV. Mối tương giao của chúng ta rất mật thiết (câu 3).
A. Chúng ta có mối tương giao hàng ngang rất mật thiết.
1. Trong câu 3, Giăng nói cho chúng ta biết lý do tại sao các vị sứ đồ "đã thấy và nghe", họ "rao truyền" hay công bố cho nhiều người khác biết … "hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi".
2. 12 vị sứ đồ nguyên thủy cũng có những lần tranh cãi như bất cứ nhóm người nào có. Tuy nhiên, hãy hình dung chiều sâu mối giao thông của họ trong những ngày đầu tiên của Hội Thánh khi Đức Thánh Linh đến ngự ở trong họ. Hãy hình dung ra những mối dây ràng buộc trong ngọn lửa yêu thương đời đời của Đức Chúa Trời. Trên hết mọi sự, họ muốn chia sẻ mối tương giao nầy với nhiều người khác.
3. "Giao thông" hay koinonia có nghĩa là "tình bạn" và sát nghĩa hơn nữa, "chia sẻ". "Giao thông" không những là chia sẻ một bữa ăn tối. Giao thông còn là cho và nhận sự sống của chúng ta với nhau.
4. Tôi không biết tôi sẽ sống ra sao nếu không có mối tương giao của Hội Thánh chúng ta. Tôi không thể sống được nếu không có mối tương giao của các anh chị em trong thân thể Đấng Christ cả ở đây và trên khắp thế giới. Cơ đốc giáo là một tôn giáo "với nhau".
B. Chúng ta có mối tương giao hàng dọc rất mật thiết.
1. Giăng nói rằng các vị sứ đồ muốn có mối giao thông với chúng ta vì "chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ". Nếu chúng ta dự vào mối tương giao của các vị sứ đồ theo hàng ngang, thì chúng ta cũng sẽ dự vào mối giao thông của Đức Chúa Cha, qua Đức Chúa Con, theo hàng dọc.
2. Trước đó, Giăng đã ghi lại lời cầu nguyện như thầy tế lễ thượng phẩm của Chúa Jêsus. Chúng ta hãy xem xét một phần trong lời cầu nguyện ấy trong Giăng 17.20-21. Khi chúng ta có "sự hiệp một" với Chúa, chúng ta sẽ có "sự hiệp một" với nhau.
V. Mối tương giao của chúng ta rất vui vẻ (câu 4).
A. Cuối hết, Giăng nói: "Chúng tôi viết những điều đó cho anh em, hầu cho sự vui mừng của anh em được đầy dẫy". Giăng đã ghi lại lời lẽ của Chúa Jêsus trong Giăng 15.11: "Ta nói cùng các ngươi những điều đó, hầu cho sự vui mừng của ta ở trong các ngươi, và sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn". Loại vui mừng nầy Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 16.22: "…chẳng ai cướp lấy sự vui mừng các ngươi được".
B. Phierơ viết: "…Ngài là Đấng anh em không thấy mà yêu mến; dầu bây giờ anh em không thấy Ngài, nhưng tin Ngài, và vui mừng lắm một cách không xiết kể và vinh hiển" (I Phierơ 1.8).
C. Có người nói: "Vui mừng là ngọn cờ bay phất phới trên toà lâu đài lòng của chúng ta, tuyên bố rằng Nhà Vua đang ngự trị". Ngọn cờ của bạn đang bay phấp phới như thế nào? Đây là lời mời của bạn đấy! Hãy đến và tương giao với Đức Chúa Trời và gia đình đời đời của Ngài.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét