Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Luca 10.25-37: "NGƯỜI SAMARI NHƠN LÀNH"



Phần giới thiệu
Nền tảng
Câu hỏi thứ nhứt
Câu hỏi thứ hai
Những gì phân đoạn Kinh Thánh nói và không nói
Người Samari bước vào bối cảnh
Chúa Jêsus kết thúc câu chuyện
Kết luận.
BÀI 36
NGƯỜI SAMARI NHƠN LÀNH
(Luca 10.25-37)
“Bấy giờ, một thầy dạy luật đứng dậy hỏi đặng thử Đức Chúa Jêsus rằng: Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời? Ngài phán rằng: Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó? Thưa rằng: Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ngươi đáp phải lắm; hãy làm điều đó, thì được sống. Song thầy ấy muốn xưng mình là công bình, nên thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Ai là người lân cận tôi? Đức Chúa Jêsus lại cất tiếng phán rằng: Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, lâm vào kẻ cướp, nó giựt lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết. Vả, gặp một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi. Song có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương; bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho. Đến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả. Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân cận với kẻ bị cướp? Thầy dạy luật thưa rằng: Ay là người đã lấy lòng thương xót đãi người. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy đi, làm theo như vậy” (Luca 10.25-37).
Phần giới thiệu
Một trong mấy người bạn cũ của tôi nhắc cho tôi nhớ câu chuyện nói về một buổi học do thần học viện tổ chức với toàn thể chủng sinh học ở đó. Họ đã yêu cầu từng chủng sinh phải chuẩn bị một sứ điệp về đề tài: “Người Samari nhơn lành” để đọc trong một buổi phát thanh. Khi ấy thần học viện sắp xếp một người phải giả đò bị đột biến tim ngay trên lề đường trước mặt chủng sinh, khi họ đang trên đường rao ra một bài giảng. Khi tôi nhớ lại câu chuyện, trong từng trường hợp chủng sinh đã đi vòng qua nạn nhân “đang hấp hối” để đi nhanh hơn, hầu kịp giờ phân phát bài giảng của mình nói về “Người Samari Nhơn Lành”. Tôi phải nhận rằng tôi thấy câu chuyện có chút gì đó đáng tin.
Trong lúc suy nghĩ về sự khác biệt giữa Người Samari Nhơn Lành được mô tả trong phân đoạn Kinh Thánh, và những ai không phải là người Samari nhơn lành giống như thế, tôi được nhắc nhớ tới hai “Jessica”, cả hai người nầy đều có mặt trên dòng đầu của báo chí mới đây thôi. Có lẽ quý vị còn nhớ câu chuyện của Jessica Hawn, và hãy nhớ lại chủ của cô ta, một nhà truyền giáo rất xuất sắc, đã làm cho cô ta. Quý vị sẽ thấy khó quên được câu chuyện nói tới bé Jessica McClure, nó mới được cứu ra khỏi cái giếng ở miền Tây bang Texas. Thật là khác biệt dường bao! Một “Jessica” là nạn nhân của một nhà truyền đạo, trong khi bé “Jessica” kia lại được cứu bởi một nhóm chuyên đào giếng. Khi chúng ta xem tin tức nói về sự giải cứu bé Jessica trên vô tuyến truyền hình, mấy người bên cạnh giếng nói: “Tôi không thể đứng xa cái giếng, cho tới chừng nào tôi biết rõ cháu bình an”. Viên cảnh sát trưởng nói: “Tôi gào lên trong hai tiếng đồng hồ khi cháu xuất hiện”, và những người giải cứu cháu bé cứ nói luôn mồm: “Chúng tôi không phải là anh hùng đâu; chúng tôi không phải là người Samari; chúng tôi chỉ có mặt ở đó để giải cứu mà thôi”. Người Samari Nhơn Lành như những người nầy ai cũng cần tới trong thời buổi của chúng ta.
Nền tảng
Câu chuyện nói về người Samari Nhơn Lành do Chúa chúng ta kể lại. Câu chuyện nầy phải được hiểu theo nội dung những gì đã được kể ra trong Luca chương 10. Quý vị có thể nhớ lại rằng trong việc ngợi khen Đức Chúa Cha, Chúa Jêsus chỉ phán:
“Lạy Cha, là Chúa trời đất, tôi ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu những sự nầy với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho trẻ nhỏ hay!” (Luca 10.21b).
Trong câu chuyện nói về người Samari Nhơn Lành, chính các học giả – “người khôn ngoan và trí tuệ” – họ đã bày tỏ ra họ có khôn ngoan, trí tuệ hay là không. Rõ ràng là “những sự nầy” – là tin lành, là các lẽ thật nói về Nước của Đức Chúa Trời – đều bị giấu khỏi họ. Người Samari chẳng phải là người có học, song ông ta lại là người hùng trong phân đoạn Kinh Thánh. Đâu là sự khác biệt giữa “người Samari” và “các học giả” trong phân đoạn Kinh Thánh, người Samari nhơn lành có thực sự là “nhơn lành” hay không, trong khi các học giả tôn giáo trong thời của Chúa chúng ta không có chút nhơn lành nào hết? Câu chuyện nói về Người Samari Nhơn Lành giúp cho chúng ta nhìn thấy sự khác biệt đó.
Phân đoạn Kinh Thánh có hai cấu trúc phân chia rất cơ bản, mỗi phần đều có gợi ý bằng một câu hỏi.
Phần thứ nhất của câu chuyện nằm trong câu trả lời cho câu hỏi: “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?”
Phần thứ hai xử lý với câu hỏi: “Ai là người lân cận của tôi?”
Có hai phần chính như sau: (1) “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” (câu 25-28), và (2) “Ai là người lân cận của tôi?” (câu 29-37). Chúng ta sẽ suy gẫm câu trả lời cho hai câu hỏi nầy trong phần nghiên cứu phân đoạn Kinh Thánh nầy.
Câu hỏi thứ nhất
Chúng ta hãy xét câu hỏi thứ nhất: “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” Người chạy đến với Chúa Jêsus là một thầy dạy luật. Thầy nầy không phải là hạng luật sư cùng đi ra toà án với chúng ta vì một vé phạt lưu thông hoặc bảo lãnh ai đó được tại ngoại đâu. “Thầy dạy luật” nầy là một chuyên gia về luật pháp Cựu ước, đặc biệt, là luật pháp Môise, là toàn bộ những điều có ghi trong 5 sách đầu tiên của Kinh Thánh. Chúng ta phải nói rằng nhân vật nầy là một học giả Cựu ước, đặc biệt về luật pháp Môise. Từ ngữ “Thầy dạy luật” nầy không được sử dụng thường xuyên trong Kinh Thánh. Chúng ta thấy từ ấy chỉ có trong các sách tin lành, ở Luca 10, và Mathiơ 22.35.
Phân đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng “thầy dạy luật” nầy đến với Chúa chúng ta, đưa ra câu hỏi nầy hầu thử nghiệm Chúa Jêsus. Đây là một câu hỏi giả nhân giả nghĩa, vì ông ta chỉ tỏ mình ra là người đang tìm kiếm, song không phải như vậy. Thực sự ông ta không tìm cách để được Chúa Jêsus dạy dỗ, ông ta cũng chẳng thú vị gì trong việc tìm đường đến với sự sống đời đời. Ông ta tin mình hiểu biết mọi sự nầy rồi. Ông ta không tin rằng Chúa Jêsus, một người không có học (giống như Do thái giáo đã xem Ngài theo cung cách đó – xem Giăng 1.46; 7.44-49; Công vụ các sứ đồ 4.13), lại có thể dạy dỗ cho ông ta biết mọi sự. Ông ta giả đò kính trọng Chúa Jêsus là một bậc thầy về luật pháp, song ông ta chỉ tìm cách thử Chúa Jêsus bằng cách hỏi Ngài như thế, để rồi ông ta có thể nói như sau: “Sự dạy dỗ của Ngài không phù hợp với luật pháp”. Khi thầy dạy luật nầy hỏi: “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?”, cách nói nầy không phải là cách nói của Cựu ước. Luật pháp Cựu ước chép: “Hãy làm theo thì được sống”. Thầy dạy luật đang sử dụng thuật ngữ của Chúa Jêsus, ông hỏi: “Trong sự dạy của Ngài, đâu là phần quan trọng”. Ông ta muốn rút tỉa tận đáy hệ thống của Chúa Jêsus và ví sánh nó với tận đáy của Do thái giáo để rồi ông ta buộc miệng nói: “Hệ thống của ông là sai”. Đấy mới là dự tính của ông ta.
Câu hỏi của thầy dạy luật ám chỉ rằng ông ta không mong Chúa Jêsus đáp ứng với một loạt hành động nối theo sau, mà đúng hơn, với một hành động có tính cách quyết định. Thật là giống với người trai trẻ giàu có trong tin lành Mathiơ, dường như ông ta nói: “Tôi phải làm việc lành gì để được sự sống đời đời?” Hãy chú ý Chúa Jêsus đáp ứng ra sao với câu hỏi của người nầy. Trước tiên, Chúa Jêsus không bỏ đi lời tuyên xưng của Ngài về quyền phép. Chúa Jêsus không phản ứng bằng loại hạ mình giả dối, rồi nói: “Được thôi, ông là thầy thông giáo”. Ông ta sẽ nói với Ngài rằng: “Ông đã trả lời thật chính xác”, khi ấy Ngài vẫn duy trì được quyền phép của mình và xử lý với ông ta như một học viên và Ngài là giáo sư lớn. Chúa Jêsus không giả vờ trở thành ai khác hơn chính mình Ngài – là Đấng Mêsi. Chúa chúng ta là bậc Thầy; người nầy thì không, thậm chí khi ai nấy đều xem Ngài là một học giả. Chúa Jêsus đã làm gì ngay lập tức? Ngài không trả lời ngay câu hỏi của ông ta. Tôi phải nói cho quý vị biết đây là phần thử thách rất quan trọng cho bất cứ ai là một giáo sư: “Đừng đứng ở đây nữa, hãy dạy dỗ điều chi đó đi!” Quý vị có thấy rằng Chúa Jêsus tự đè nén mình lại không đưa ra câu trả lời cho người nầy, và thay vì thế Ngài phán: “Ngươi biết luật pháp, ngươi đọc gì trong Kinh Thánh?”
Tôi thấy điều đáng ngạc nhiên là Chúa Jêsus đã hỏi thầy dạy luật: luật pháp dạy cái gì, vì khi tôi đến với các sách tin lành tôi đến từ nhận thức về Bài Giảng Trên Núi: “Các ngươi đã nghe Kinh Thánh dạy, song ta phán cùng các ngươi...”. Nói cách khác: “Đây là những gì Do thái giáo dạy về luật pháp, nhưng đây là mọi điều luật pháp thực sự muốn nói tới”. Vì lẽ đó, tôi đạt tới chỗ thấy Do thái giáo là sai khi Do thái giáo dạy về luật pháp, nhưng Do thái giáo không luôn luôn sai đâu. Quý vị có thể nhớ Chúa Jêsus đã dạy gì trong Mathiơ 23 (phân đoạn nầy nhắc nhở nhiều điều về Do thái giáo). Mathiơ 23.1-2 là phần chỉ trích của Chúa chúng ta đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo của người Do thái: “Các thầy thông giáo và người Pharisi đều ngồi trên ngôi của Môise”. Há thầy dạy luật trong phân đoạn Kinh Thánh ngày hôm nay không “ngồi trên ngôi Môise” sao? Nghĩa là, thầy dạy luật há không đến với Chúa Jêsus như một nhân vật có uy quyền, là người có quyền dạy người khác biết ý nghĩa của mọi điều mà Môise đã viết ra sao? Đấy là lý do tại sao Kinh Thánh cho chúng ta biết người nầy là thầy dạy luật; người nầy là một học giả Cựu ước và vì thế là một thầy dạy luật. Có ai đó sẽ mong Chúa Jêsus nói: “Đừng nghe điều chi họ dạy, họ đều sai lầm cả”. Nhưng Ngài phán:
“Vậy, hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã bảo các ngươi; nhưng đừng bắt chước việc làm của họ, vì họ nói mà không làm” (Mathiơ 23.3).
Hãy lắng nghe từ Chúa chúng ta, đây là việc chẳng có gì phải ngạc nhiên hết. Ngài đang phán: “Sự dạy của họ không phải là sai, song cách thực hành của họ là sai vì sự dạy của họ mang tính cách đạo đức giả. Hãy nghe theo mọi điều họ nói; hãy làm theo mọi điều họ bảo, song đừng làm theo những gì họ làm vì họ là hạng đạo đức giả. Họ nói một việc, và họ làm một việc khác”. Vì thế, Chúa Jêsus vui lòng nói với thầy dạy luật trong phân đoạn Kinh Thánh: “Ngươi nói cho ta biết xem luật pháp chép điều chi? Ngươi đọc gì trong đó?” Chúng ta thấy câu chuyện nầy ở những chỗ khác trong các sách tin lành, khi người trai trẻ giàu có đến gặp Chúa Jêsus và hỏi: “Tôi phải làm chi...”. Khi thầy thông giáo khác đến hỏi Chúa Jêsus: “Điều răn lớn nhất là điều răn nào?”, Chúa Jêsus nói cho ông ta biết câu trả lời. Trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, khi thầy dạy luật đưa ra câu hỏi, Chúa Jêsus phán: “Ngươi đang nói cho ta biết câu trả lời” (Điểm thú vị là cả hai câu trả lời đều gần như giống nhau). Chúa Jêsus kềm chế không đưa ra câu trả lời đối với câu hỏi của ông ta. Thay vì thế, Ngài đưa ra một câu hỏi, và thầy dạy luật đáp lại. Câu trả lời của ông ta đối với câu hỏi của Chúa kết hai phân đoạn Kinh Thánh Cựu ước rất quan trọng lại với nhau: (1) “hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi”, một trích dẫn từ Phục truyền luật lệ ký 6.5; và, (2) một trích dẫn từ Lê vi ký 19.18: “hãy yêu kẻ lân cận như mình”.
Câu trả lời mà thầy dạy luật đưa ra cho Chúa Jêsus tuyệt đối chính xác, và câu trả lời ấy cũng đúng theo giải đáp của Chúa chúng ta đưa ra khi Ngài bị hỏi một câu tương tự. Chẳng có gì khác biệt về quan điểm đối với mọi điều luật pháp dạy dỗ trong các giới hạn của luật pháp. Chúa Jêsus đã đưa ra một câu hỏi; người kia đưa ra câu trả lời. Khi ấy Chúa Jêsus mới giải đáp: “Ngươi đáp phải đó, hãy làm theo điều đó, thì được sống”. Nếu quý vị thực sự muốn biết giải đáp cho thắc mắc kia: “Làm sao, người ta đạt tới [hay, kiếm được] sự sống đời đời; luật pháp dạy rằng: ‘Hãy hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Chúa, và hãy yêu kẻ lân cận như mình, và hãy thường làm điều đó”.
Lời đáp của Chúa chúng ta: “Hãy làm theo điều nầy thì ngươi được sống” là một trưng dẫn từ Kinh Thánh. Không may thay, bản New International không nhắc tới điều nầy, song quý vị sẽ thấy lời lẽ trong bản Kinh Thánh New American Standard Version, cho thấy đấy là một trưng dẫn từ sách Lê vi ký 18.5. Câu trả lời của luật pháp là: “Nếu quý vị muốn đạt tới sự sống đời đời bằng cách tuân giữ luật pháp, rồi giữ theo luật pháp. Hãy giữ luôn luôn làm theo Kinh Thánh và được sống”.
Lời lẽ của luật pháp, do thầy dạy luật thốt ra, còn đi xa hơn thế nữa. Không những chúng đòi hỏi người ta phải tuân giữ theo luật pháp; chúng còn đòi hỏi người ta phải giữ trọn bộ luật pháp nữa. Quý vị phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết ý chí mà kính sợ Đức Chúa Trời của quý vị. Không những quý vị phải yêu kẻ lân cận mình, quý vị phải yêu người ấy như yêu chính bản thân mình nữa. Người ta phải tuân giữ luật pháp, hết thảy luật pháp, không được sai sót hay thất bại. Nói cách khác, để được xưng công bình theo luật pháp, người ta phải sống sao cho trọn lành. Chắc chắn đây không phải là điều mà thầy dạy luật kia muốn nghe. Nếu thầy dạy luật tin rằng Chúa Jêsus đã làm cho sự sống đời đời ra dễ dàng hơn, bằng cách đòi hỏi chỉ một việc, người ấy sẽ sa vào bẫy ngay (bởi lời lẽ mà ông ta đã đưa ra) vì hệ thống của ông ta đã làm cho sự sống đời đời khó đạt tới, vì không một ai có thể giữ trọn vẹn toàn bộ luật pháp được. Và đây mới là chính xác mọi điều luật pháp buộc. Hãy lắng nghe Phaolô đã viết cái gì ở thời điểm nầy.
“Vì mọi kẻ cậy các việc luật pháp, thì bị rủa sả, bởi có chép rằng: ĐÁNG RỦA THAY LÀ KẺ KHÔNG BỀN ĐỖ TRONG MỌI SỰ ĐÃ CHÉP Ở SÁCH LUẬT, ĐẶNG LÀM THEO NHỮNG SỰ ẤY!” (Galati 3.10).
Chính tại điểm nầy vị chuyên gia của chúng ta về luật pháp cảm thấy băn khoăn rõ ràng. Đây là chỗ những giọt mồ hôi bắt đầu hình thành ngay trên trán của ông ta. Chúa Jêsus chẳng nói với người nầy điều chi mới mẻ hết. Ngài chỉ hỏi ông ta đã đọc gì trong sách luật, và ông ta đọc sách luật y như Chúa Jêsus đọc vậy. Thế rồi Chúa Jêsus phán: “Được lắm, ngươi biết luật pháp nói gì rồi, hãy làm theo đi”. Đây là chỗ mà chúng ta cũng cảm thấy bất an, có phải không? Luật pháp đòi chúng ta phải làm theo những gì chúng ta không thể và chắc chắn không thể làm rồi. Nếu quý vị muốn được cứu bởi việc làm của mình, bởi việc tuân giữ theo luật pháp, thế thì quý vị sẽ được cứu bằng cách tuân giữ trọn bộ luật pháp, không phải một phần đời, mà là trọn cả đời; không phải một số mạng lệnh của luật pháp, mà là toàn bộ các lệnh lạc của luật pháp. Đây là lúc mà những giọt mồ hôi sẽ bắt đầu hình thành trên mọi trán của chúng ta nữa.
Chúng ta hiểu biết điều nầy thật là rất quan trọng: Chúa Jêsus không dạy việc làm là phương tiện để được cứu ở đây; Ngài đang dạy rằng làm nhiều việc lành (tuân giữ luật pháp) không thể cứu ai được, vì không một người nào có thể giữ trọn vẹn luật pháp nổi. Người nầy đưa ra câu hỏi: “Làm sao tôi được cứu?” Chúa Jêsus đáp: “Ngươi hãy nói cho Ta biết, theo luật pháp”. Người ấy nói: “Người ta có thể được cứu bằng cách phải hết lòng, hết linh hồn, hết ý và hết sức tuân giữ bền đỗ và trọn vẹn cả thảy luật pháp”. Thầy dạy luật đang đứng ngay chỗ lúng túng đó. Hệ thống mà ông ta đang tìm cách biện hộ cho, là một hệ thống không thể cứu được ai. Trong khi tìm cách xét đoán Chúa Jêsus, thầy dạy luật chỉ rơi vào chỗ tự xét đoán mình và cả thế gian.
Câu hỏi thứ hai
Thầy dạy luật đã tìm cách đặt Chúa Jêsus vào chỗ phải phòng thủ, buộc Ngài phải tự xưng công bình cho mình. Và bây giờ, thình lình và bất ngờ lắm, chính thầy dạy luật mới là người phải đứng vào chỗ đó. Giờ đây ông mới cảm thấy buộc phải xưng công bình cho chính mình. Và ông ta cố gắng làm điều nầy bằng cách đưa ra cho Chúa Jêsus câu hỏi thứ hai. Đúng là một người chưa bao giờ học hỏi! Phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta chép: “Song thầy ấy muốn xưng mình là công bình, nên thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Ai là người lân cận tôi?”.
Câu Kinh Thánh mà thầy dạy luật vừa trưng dẫn là: “ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi”. Quý vị thấy đấy, thầy dạy luật nầy sẽ thực sự cảm thấy bất an về khả năng làm theo câu nầy, song thay vì thế, thầy dường như lo lắng nhiều về mạng lệnh phải yêu kẻ lân cận của mình. Tại sao vậy? Lập luận của tôi (là lập luận duy nhất) ấy là thử lòng kính sợ của một người dành cho Đức Chúa Trời là một việc rất khó. Làm sao quý vị đánh giá được mọi thái độ, lòng tin kính, sự suy gẫm, mối tương giao của một người đối với Đức Chúa Trời cho được? Quý vị không thể đánh giá được đâu! Nhưng nếu quý vị muốn tìm cách để đánh giá tình cảm của ai đó đối với Đức Chúa Trời, quý vị có thể quan sát tình cảm mà người ấy dành cho kẻ lân cận mình. Há đấy không phải là điều mà sách Giacơ dạy chúng ta sao (và I Giăng nữa)? Giacơ nói rằng người nào xưng rằng mình có đức tin mà không bày tỏ ra tình thương dành cho kẻ lân cận mình thì ấy là người có lời xưng nhận giả dối. Tôi thấy rất thú vị ở chỗ đề tựa của quyển sách của Chuck Colson là Kính sợ Đức Chúa Trời, song nội dung của quyển sách ấy là nói về việc yêu thương con người. Khi quý vị đọc quyển sách nầy, quý vị thấy ngay tình cảm con người có cho Đức Chúa Trời được tỏ ra bởi tình cảm của họ dành cho kẻ đồng loại của họ. Tôi e rằng lý do thầy dạy luật nầy cảm thấy bất an về mạng lệnh phải yêu kẻ lân cận của mình là vì ông ta biết tình cảm ông ta dành cho kẻ lân cận mình là không đầy đủ.
Thầy dạy luật của luật pháp Cựu ước giờ đây bắt đầu làm theo những gì một số thầy dạy luật cũng làm – tìm kiếm một thuật ngữ chuyên môn trong bản thân luật pháp. Ông ta đang tìm cách khám phá một số sai sót từ luật pháp để tháo gỡ chính mình ra khỏi bẫy. Ông ta làm theo kiểu cách học giả của mình, như Kinh Thánh chép, rồi đưa ra thắc mắc nặng phần thần học: “Ai là người lân cận tôi?” Tôi thích điều Chúa Jêsus đang nói, hay đúng hơn, điều Ngài không nói. Chúa Jêsus không nói: “Ồ, đây là câu hỏi rất hay đấy”. Ngài không rút quyển tự điển Hybálai ra rồi nói: “Ồ, đây là từ ngữ Hybálai rất thú vị đây!” Một số nhà truyền đạo đôi lúc hướng sang các yếu tố chuyên môn của chuyên ngữ mà Kinh Thánh được viết ra, nhưng Chúa Jêsus không làm theo như vậy!
Chúa Jêsus không tự mình bước vào tranh cãi với thầy dạy luật nầy. (May mắn lắm cho thầy dạy luật đó!). Chúa Jêsus đã tranh luận với thầy dạy luật nầy, và chiến thắng! Chúng ta hãy bước vào cuộc tranh luận khả thi chỉ trong một phút đó. Nếu quý vị hỏi: “Ai là người lân cận tôi?” thì đâu là câu trả lời? Chúng ta biết rõ câu trả lời của người Do thái là: “Kẻ lân cận tôi là đồng loại Do thái của tôi”. Có một cách được xem là trả lời đúng đắn. Hãy cùng xem với tôi ở Lê vi ký 19.18, mạng lệnh phải yêu kẻ lân cận như bản thân mình. Tôi muốn quý vị cùng xem câu Kinh Thánh nầy trong một phút:
“Chớ toan báo thù, chớ giữ sự báo thù cùng con cháu dân sự mình; nhưng hãy yêu thương kẻ lân cận ngươi như mình: Ta là Đức Giê-hô-va” (Lê vi ký 19.18).
Bây giờ hãy trả lời cho câu hỏi đó chỉ trên cơ sở câu Kinh Thánh nầy mà thôi: “Ai là người lân cận tôi?” Quý vị có biết câu trả lời của ông ta chưa? Người Do thái sẽ đáp: “Một trong những người Do thái đồng bào tôi”.
Ở ngoài mặt, dường như thầy dạy luật có tánh tò mò nầy rất an toàn trên cơ sở của một câu Kinh Thánh như câu nầy. Song chúng ta hãy nhìn xa hơn câu nầy một chút. Đây là chỗ mà Chúa Jêsus thực sự làm cho thầy dạy luật nầy phải tan vỡ, và thật là kinh ngạc Ngài không làm như vậy. Thứ nhất, những chỗ khác trong luật pháp cho chúng ta biết (trong phần nghiên cứu người nầy được xem là một học giả) rằng Đức Chúa Trời yêu mến cả người ngoại; nghĩa là, Đức Chúa Trời yêu mến người không phải là người Do thái (Phục truyền luật lệ ký 10.18). Đức Chúa Trời che chở cho kẻ mồ côi và người goá bụa, và Ngài yêu người khác chủng tộc. Đức Chúa Trời yêu người nào không phải là người Do thái cũng như yêu người Do thái. Trong tâm trí người Do thái, luật pháp thuộc về người Do thái chớ không thuộc về một dân nào khác. Đức Chúa Trời phán: “Luật pháp áp dụng tương đương cho người Do thái và người không phải là Do thái, và các ngươi không được giải thích khác đi”. Hãy xem với tôi các câu Kinh Thánh nầy:
“Bất luận kẻ khách ngoại bang hay là người trong xứ, các ngươi cũng phải dùng một luật lễ: vì ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi” (Lê vi ký 24.22).
Không có hai bộ luật, một cho người Do thái và một cho dân Ngoại đâu:
“Trong hội chúng chỉ đồng có một luật lệ cho các ngươi và cho khách ngoại bang kiều ngụ giữa các ngươi. Ấy sẽ là một lệ định đời đời cho dòng dõi các ngươi trước mặt Đức Giê-hô-va; khách ngoại bang cũng đồng như các ngươi vậy. Sẽ có một luật và một lệ như nhau cho các ngươi và cho khách ngoại bang kiều ngụ giữa các ngươi” (Dân số ký 15.15-16).
“Trong lúc đó, ta ra lịnh cho những quan xét các ngươi rằng: Hãy nghe anh em các ngươi, và lấy công bình mà xét đoán sự tranh tụng của mỗi người với anh em mình, hay là với khách ngoại bang ở cùng người” (Phục truyền luật lệ ký 1.16).
Nếu tôi đến hỏi quý vị câu: “Cựu ước dạy rằng có một bộ luật cho người Do thái, và bộ luật khác dành cho dân Ngoại, có phải không?”, tôi hy vọng quý vị đều biết rõ câu trả lời là: “Không!” Câu Kinh Thánh Lêvi ký 19.34 giải thích cho Lêvi ký 19.18:
“Kẻ khách kiều ngụ giữa các ngươi sẽ kể như kẻ đã sanh đẻ giữa các ngươi; hãy thương yêu người như mình” (Lêvi ký 19.34a).
“Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời. Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Jêsus Christ; là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. A-men’ (I Phierơ 4.10-11).
Quý vị chẳng cần phải rơi vào chỗ tranh luận với thầy dạy luật nầy, quý vị có thể quay sang ông ta rồi hỏi: “Bộ ông không có đọc sách luật sao?” Ôi, thật là thú vị làm sao! Ông ta tuyệt đối sai, và Chúa Jêsus biết điều nầy rõ hơn bất kỳ ai trong chúng ta. Nhưng Chúa Jêsus không làm cho người nầy phải tan vỡ, cho dù rất dễ làm vậy đối với Ngài. Chúa Jêsus chỉ đáp lại câu hỏi thứ hai của thầy dạy luật bằng cách thuật một câu chuyện, câu chuyện về người Samari nhơn lành.
Những gì phân đoạn Kinh Thánh nói và không nói
Chúng ta hãy lưu ý những điều mà phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta không nói tới, và rồi hãy xét xem những điều phân đoạn ấy đang nói. Trong câu chuyện nầy, chúng ta có thể bị cám dỗ mà gán cho những việc không nói ra là đúng. Thí dụ, Chúa Jêsus phán: “Có một người từ thành Jerusalem xuống”. Trong khi Chúa Jêsus nói rõ ràng có hai khách bộ hành (thầy tế lễ và người Lêvi) là người Do thái, và vị anh hào kia là người Samari. Kinh Thánh không cho chúng ta biết về lai lịch của nạn nhân. Lý do rất đơn giản – không phải là vấn đề. Và nếu sự việc có ý nghĩa đối với hai người khách đầu tiên, sự việc chẳng có ý nghĩa gì đối với chúng ta. Sự việc duy nhất có ý nghĩa về người nầy là việc duy nhất chúng ta được nghe biết về người – ấy là người bị thương nặng và cần cứu giúp! Người nầy bị cướp đánh từ sau lưng. Những tên cướp đã bắt lấy, đánh đập rồi lột trần ông ta, rồi bỏ ông ta nằm cạnh con đường, dở sống dở chết. Người nầy cần sự cứu giúp. Đấy mới là vấn đề; và đấy là những gì phân đoạn Kinh Thánh kể lại cho chúng ta biết. Bây giờ dù là người Do thái hay là dân Ngoại thì chẳng thành vấn đề nữa rồi. Có một người đang nằm bên cạnh con đuờng, người ấy bị thương nặng và cần giúp đỡ.
Câu chuyện thuật cho chúng ta biết có hai người quý tộc của Do thái giáo đi ngang qua người bị thương khi họ đi đường ấy. Hai người nầy dường như có mặt ở đó là do tình cờ (xem các câu 31-32). Tôi nói như vậy là vì hai người nầy chẳng có việc chi gấp gáp hết, không có việc gì ngăn trở họ không dừng lại để giúp đỡ. Hai người nầy – thầy tế lễ và người Lêvi – đều thuộc về một giai cấp quý tộc; cả hai người đều là hàng giáo phẩm. Theo từ ngữ ngày hôm nay, chúng ta phải nói rằng một người là Mục sư xuất sắc và người kia là một nhà truyền đạo nổi tiếng. Nếu có ai đó cần phải thể hiện ra luật pháp Cựu ước, thì đó phải là hai người nầy.
Thầy tế lễ đi ngang qua nạn nhân trước hết. Ông ta có thể nhìn thấy người kia đang nằm bên vệ đường khi ông ta đến gần. Không muốn can dự vào, thầy tế lễ bước qua lề đường bên kia, không muốn đến quá gần nạn nhân ấy. Tôi e rằng thầy tế lễ cẩn thận hướng mắt mình nhìn thẳng về phía trước hoặc theo hướng ngược lại đối với người bị thương kia, làm vậy ông ta sẽ không nhìn thấy nổi đau khổ của người kia. Ông ta không kiểm tra xem người kia còn sống hay đã chết. Ông ta không hỏi thăm xem người ấy có cần giúp đỡ hay không!?! Ông ta chẳng làm một điều gì để biết rõ tình trạng của người nầy, và nhu cần của người nầy. Đối với thầy tế lễ nầy, không biết gì hết quả thực là điều vui sướng nhất.
Người Lêvi thì chẳng khác gì với thầy tế lễ. Ông ta đi ngang qua người bị thương kia một lúc sau thầy tế lễ. Mọi hành động của ông ta là lặp lại phần hành của thầy tế lễ kia. Ông ta bỏ đi qua bên kia vệ đường đối với người khách đau khổ nọ, để ông ta cảm thấy không bị buộc phải ra tay giúp đỡ cho người ấy. Nếu thầy tế lễ và người Lêvi cảm nhận được chút tình cảm nào đó đối với tình cảnh của người nầy, thì mọi sự chắc sẽ khác đi.
Điểm khác biệt giữa người Samari, thầy tế lễ và người Lêvi nằm ở chỗ lòng thương xót của họ, hoặc thiếu mất lòng thương xót ấy. Thái độ của khách bộ hành đối với người nầy và tình trạng của người là sự khác biệt mà phân đoạn Kinh Thánh đang chỉ ra. Phân đoạn Kinh Thánh thuật lại cho chúng ta biết thầy tế lễ đi ngang qua rồi nói: (phải nói như vậy) “Hứ” rồi ông ta bỏ đi mất. Phân đoạn Kinh Thánh nói y sự việc đó về người Lêvi. Ông ta đi ngang qua; ông ta quan sát thật nhanh, rồi né qua một bên. Ông ta không đến quá gần. Ông ta không nói: “Ông có còn sống không?” Ông ta chẳng lắng nghe nhịp tim, hoặc thử bắt mạch nữa. Ông ta không nói: “Tôi sẽ gọi xe cứu thương tới!” Ông ta không nói: “Tôi muốn giúp ông, nhưng nếu tôi đụng đến ông, tôi sẽ bị ô uế về mặt nghi thức”. Ông ta quan sát, rồi nhũ thầm: “Thật đáng tởm làm sao” và ông ta bỏ đi. Đúng là ngược lại với lòng thương xót. Thật đáng tởm. Ông ta không muốn biết một điều chi về người nầy.
Quý vị có bao giờ nhìn thấy một người ngồi ở phía sau chiếc xe, nghe tiếng kêu răng rắc và cảm thấy chiếc xe va chạm mạnh, thế mà không chịu ra khỏi xe để xem coi cú va chạm ấy gây thiệt hại như thế nào không? Họ không muốn biết, vì nếu họ nhìn thấy thiệt hại, họ sẽ thấy mình có trách nhiệm về thiệt hại đó. Vì vậy họ cứ lái xe đi tiếp. Đó là chính xác những gì hai người kia đang làm. Họ không quan sát, họ không biết phạm vi của nhu cần. Mọi sự họ nhìn thấy là một thảm hoạ và một nhu cần, và bấy nhiêu thôi cũng đủ xây cái đầu và tấm lòng của họ đi chỗ khác rồi. Họ đi vòng quanh người nầy để tránh đừng thấy, rồi đừng làm chi hết về nhu cần của người kia.
Người Samari bước vào bối cảnh
Tại điểm nầy trong câu chuyện, người Samari bước vào cũng chính bối cảnh đó. Trước khi chúng ta xem xét phần đáp ứng của ông ta đối với người khách bộ hành bị thương tích kia, chúng ta cần phải xem lại một ít về mối liên hệ giữa người Do thái và người Samari. Khi quân Asiri đánh bại người Do thái, họ đã tan rải dân Do thái của Vương quốc phía Bắc ra giữa các nước Ngoại bang. Họ cũng đem những người Ngoại vào trong đất Ysơraên để tái định cư trong xứ. Kết quả là một chủng tộc lai giống (nửa Do thái, nửa dân Ngoại) đã định cư trên Vương quốc phía Bắc từ đó trở đi. Khi người Babylôn chiếm lấy vương quốc Giuđa ở phía Nam, bắt họ làm phu tù, họ không pha trộn chủng tộc nhưng giữ cho người Do thái được ở riêng ra, và vì thế những người Do thái “nguyên xi” đã trở về xứ Giuđa. Người “Do thái” xứ Giuđa hay xem khinh người Samari lai giống kia, và không phải là không có lý do, kể từ lúc người Samari làm cho số người trở về từ cuộc phu tù Babylôn phải đau buồn và chống đối lúc họ cố gắng tái thiết lại thành Giêrusalem, các bức tường thành, và đền thờ (xem Exơra 4.10, 17; Nêhêmi 4.2).
Cũng chính thái độ thù nghịch ấy giữa người Do thái và người Samari rất rõ ràng trong Tân ước. Có lẽ phân đoạn sáng sủa nhất được thấy trong chương 4 sách tin lành Giăng. Khi Chúa Jêsus đi ngang qua thành Samari, Ngài bị khát và đã xin người đờn bà Samari nước uống. Người đờn bà rất đỗi ngạc nhiên và đã hỏi Chúa Jêsus tại sao Ngài, là một người Do thái, lại hỏi xin bà ta, một người Samari nước uống, kể từ khi người Do thái và người Samari không kết giao với nhau. Người đờn bà nầy tiếp tục tranh luận với Chúa Jêsus một số điểm khác biệt về mặt thần học giữa người Do thái và người Samari, nhưng Chúa Jêsus không để cho bà ta làm cho Ngài phải lạc hướng khỏi phần trình bày của Ngài về trọng tâm của tin lành. Trong tin lành Luca, chương 9, chúng ta đọc thấy các môn đồ của Chúa đi trước Chúa Jêsus, vào trong một ngôi làng của người Samari, để lo sắp xếp cho sự đến của Ngài. Khi người Samari hay được Chúa Jêsus đang hướng về thành Giêrusalem, họ không để cho Ngài vào trong làng của họ, và vì vậy các môn đồ đã xin phép Chúa Jêsus gọi lửa xuống từ trời hủy diệt ngôi làng ấy, song Ngài đã ngăn cấm và quở trách họ (9.51-55).
Quý vị có thể tưởng tượng được phần đáp ứng của thầy dạy luật người Do thái, khi Chúa Jêsus giới thiệu người Samari nhơn lành vào trong câu chuyện của Ngài. Hai người Do thái, họ nắm giữ những địa vị tôn giáo cao nhất trong Ysơraên, họ bất chấp nhu cần của một nạn nhân đang trong tình trạng vô dụng, bị cướp đánh dở sống dở chết. Thay vì cứu giúp ông ta, họ lại chọn quay mặt đi. Rồi bây giờ, khi tiếp cận với bối cảnh nầy, người Samari đến, kẻ thấp hèn nhất trong nấc thang xã hội của người Do thái. Người Samari nầy, không giống như thầy tế lễ và người Lêvi, có lý do cho chuyến đi của mình. Ông ta đang trên đường đi. Nếu có ai đó cáo lỗi miễn dính dấp vào, thì đó phải là người Samari. Thế nhưng khi ông ta nhìn thấy người kia đang nằm bên vệ đường, ông ta đã phản ứng theo một cung cách thật khác biệt. Người Samari, không giống như hai người Do thái tôn giáo nọ, đã động lòng thương xót nạn nhân (câu 33).
Ông ta đến gần nạn nhân, thay vì đi ở phía bên kia con đường. Ông ta xử lý các vết thương của người kia và băng bó cho người. Người Samari dường như không có túi cứu thương trên yên ngựa của mình mà chỉ có rượu và dầu, và có lẽ cả vải ông sử dụng để băng bó các vết thương. Ông ta đặt người bị thương lên lưng ngựa của mình, rồi đưa ông tới một nhà quán, ông bỏ ra cả đêm ở để chăm sóc cho nạn nhân. Người Samari phải tiếp tục chuyến đi của mình, nhưng ông không để cho chuyến đi nầy ngăn trở không cho ông chăm sóc cho kẻ bị thương kia. Ông đã trả tiền phòng trước cho nạn nhân, và nhắc nhở chủ quán trọ trông chừng dùm nạn nhân. Ông hứa sẽ trở lại, và để trả lại đủ cho chủ quán mọi phí tổn nào khác phát sinh. Chẳng có gì mà người Samari không làm để phục vụ cho người mà ông đã động lòng thương xót.
Chúa Jêsus kết thúc câu chuyện
Ở phần kết thúc câu chuyện, Chúa Jêsus hỏi thầy dạy luật người dothái câu hỏi cuối cùng: “Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân cận với kẻ bị cướp?”, thầy dạy luật thực sự nghẹn ngào bởi câu hỏi ấy ở đây. Ông ta không thể tìm thấy từ ngữ “người Samari” trong chính bản thân ông, vì vậy ông đáp: “Ấy là người đã lấy lòng thương xót đãi người”.
Hai lần, Chúa Jêsus bị thầy dạy luật hỏi một câu. Hai lần, Chúa Jêsus đã hỏi thầy dạy luật lại cũng chỉ có một câu. Và hai lần, Chúa Jêsus đã đáp lại câu hỏi của thầy dạy luật bằng cách bảo ông ta nên “làm theo” điều mà ông ta vừa mới nói. Thầy dạy luật đã hỏi Chúa Jêsus người ta phải làm gì để hưởng được sự sống đời đời. Khi Chúa Jêsus hỏi ông ta luật pháp đòi hỏi điều gì, thầy dạy luật đã đáp lại với hai mạng lệnh phải kính sợ Đức Chúa Trời và yêu kẻ lân cận của mình. Chúa chúng ta khi ấy bảo thầy dạy luật hãy làm theo như vậy. Khi thầy dạy luật hỏi Chúa Jêsus kẻ lân cận mình là ai, Chúa Jêsus đã kể câu chuyện nầy nói về người Samari nhơn lành, và rồi hỏi thầy dạy luật có nhận ra ai là người lân cận với người kia trong cảnh có cần hay không!?! Và khi thầy dạy luật ngần ngại xác định người Samari là “người lân cận nhơn lành”, Chúa đã bảo thầy dạy luật nên bắt chước người Samari.
Tại sao Chúa Jêsus hai lần bảo thầy dạy luật nầy nên “làm theo” như vậy để được “hưởng sự sống đời đời”? Tại sao Chúa Jêsus bảo một người phải làm theo một việc gì đó khi chính mình Ngài đã dạy rằng người ta không thể được cứu bởi việc lành của họ? Đây là câu trả lời: vì Ngài đang nói với một người tin tưởng và dạy dỗ rằng người ta được cứu bởi việc lành của mình, bởi việc tuân giữ luật pháp của người ấy. Nếu việc tuân giữ luật pháp là phương thức để được sự sống đời đời, không có gì lạ khi người nầy là thầy dạy luật! Chúa Jêsus bảo người nầy: “Hãy làm theo những gì luật pháp đòi hỏi thì được sống”, vì ông ta thực sự hỏi Chúa Jêsus câu nầy: “Dựa theo luật pháp, tôi phải làm gì để hưởng sự sống đời đời?” Câu trả lời của Chúa chúng ta là đây: “Ngươi cần phải hết lòng, hết linh hồn, hết ý, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và hãy yêu kẻ lân cận như mình”. Bây giờ chúng ta thấy lý do tại sao Chúa Jêsus không đi xa nữa với người nầy: chính vì người nầy trước tiên phải nhìn thấy sự bất khả thi của việc tuân giữ hệ thống luật pháp mà ông ta đã ôm ấp như phương tiện duy nhất để có được sự sống đời đời. Người nầy sẽ không trở lại với Đấng Christ trong vai trò Đấng Mêsi cho tới chừng nào ông ta xây khỏi sự nương cậy vào việc tuân giữ luật pháp để được cứu.
Khi một người giống với người bạn dạy luật của chúng ta trong phân đoạn Kinh Thánh lên tới điểm nầy, người ấy cần phải đưa ra quyết định cơ bản nhất: (1) Vì người bị luật pháp xét đoán, người phải tìm kiếm sự xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời bằng phương thức nào đó khác hơn việc tuân giữ theo luật pháp; hoặc, (2) Người ấy phải ra sức tránh đừng để luật pháp xét đoán bằng cách tìm kiếm thuật ngữ chuyên môn nào đó, để gỡ người ra khỏi bẫy. Không lấy làm lạ chi hết người nầy đã trở thành hạng chuyên gia trong luật pháp.
Kết luận
Có một sự mâu thuẫn rất lớn trong phân đoạn Kinh Thánh nầy giữa hai nhà lãnh đạo tôn giáo và người Samari, song ở tận gốc rễ của nó, có một việc đặc biệt phân biệt người Samari đối với người Do thái – ấy là lòng thương xót. Khi hai nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái nhìn thấy người bị nạn kia, dường như họ muốn lui đi, và họ làm mọi sự họ có thể để không màng tới và lẫn tránh ông ta. Còn người Samari, thì động lòng thương xót, lo liệu mọi thứ khả thi để phục vụ cho các nhu cần của bị nạn đó.
Chúa Jêsus ra sức dạy dỗ điều chi cho thầy dạy luật Do thái ở đây, bằng cách kể cho ông ta nghe một câu chuyện? Nói chung, tôi tin rằng Chúa Jêsus đang ra sức bày tỏ cho thầy dạy luật nầy biết rằng hệ thống tôn giáo của người Do thái trong thời buổi đó đã bị phá sản hoàn toàn. Thầy dạy luật nầy nghĩ mình là người có uy quyền, và Chúa Jêsus là một tay truyền đạo ở trong rừng ra. Thầy dạy luật nghĩ mình là đại biểu có uy tín, và nghĩ Chúa Jêsus là thực tập sinh đang chịu thử thách để được nhậm chức. Thầy dạy luật đã nghĩ rằng thuộc về Do thái giáo là có sẵn vé để vào “Nước Đức Chúa Trời”, và bất kỳ người nào chưa được tấn phong thì là hạng người lừa đảo.
Chúa Jêsus đã tìm cách chỉ ra cho thầy dạy luật tự tin nầy thấy rằng bởi những cách xác định của Ngài, việc tuân giữ luật pháp không phải là cách để có được sự sống đời đời, vì không một người nào có khả năng sống nổi với mọi đòi hỏi của luật pháp. Muốn cho một người được cứu do tuân giữ luật pháp, người ấy phải chu toàn từng đòi hỏi của luật pháp trọn đời, và phải hết lòng, hết linh hồn, hết ý và hết sức nữa. Đây là một việc rất khó làm, và vì vậy thầy dạy luật nầy cần phải biết rõ rằng luật pháp chỉ có xét đoán, chớ luật pháp không thể cứu được ai hết.
Thái độ tin cậy của thầy dạy luật nầy vào luật pháp và khả năng tuân giữ của ông ta nằm ở trọng tâm sức đề kháng ông ta có đối với Chúa Jêsus. Ông ta đối diện với Chúa Jêsus vì ông ta nhận thấy (chính xác) rằng Chúa chúng ta đã tỏ ra một mối đe doạ đối với Do thái giáo. Thầy dạy luật nầy không chịu tiếp nhận đức tin nơi Chúa Jêsus là con đường đến với sự sống đời đời vì cả đời của ông ta đã được hiến dâng cho sự bảo hộ và khuyến khích việc tuân giữ luật pháp rồi. Cho tới chừng nào thầy dạy luật nầy nhìn thấy sự phá sản của hệ thống tôn giáo của mình, ông ta mới có thể phó thác bản thân mình cho Chúa Jêsus để được cứu bởi đức tin.
Câu chuyện nói về người Samari nhơn lành dạy dỗ một số bài học rất quan trọng cho những kẻ tuân giữ luật pháp, cho hạng người suy nghĩ sai khi cho rằng họ có thể kiếm được sự sống đời đời qua việc làm lành. Câu chuyện ấy dạy rằng những người tuân giữ địa vị cao trọng trong hàng giáo phẩm của người Do thái giáo đang phạm tội thiếu mất lòng thương xót, là bổn tánh nằm ngay trọng tâm của mọi điều luật pháp đòi hỏi:
“Đức Chúa Jêsus đã đi khỏi nơi đó rồi, thấy một người tên là Ma-thi-ơ đang ngồi tại sở thâu thuế, bèn phán cùng người rằng: Hãy theo ta. Người liền đứng dậy, mà theo Ngài. Vả, đang khi Đức Chúa Jêsus ngồi ăn tại nhà Ma-thi-ơ, có nhiều người thâu thuế cùng kẻ xấu nết đến ngồi ăn với Ngài và môn đồ Ngài. Người Pha-ri-si thấy vậy, thì nói cùng môn đồ Ngài rằng: Làm sao thầy các ngươi ngồi ăn chung với người thâu thuế và kẻ xấu nết vậy? Đức Chúa Jêsus nghe điều đó, bèn phán rằng: Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bịnh. Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội” (Mathiơ 9.9-13).
Có một sự khác biệt rất cơ bản giữa phương thức cứu rỗi của Chúa chúng ta và phương thức cứu rỗi của Do thái giáo. Phương thức của Chúa chúng ta là phương thức của ân điển, nhơn đức tin nơi sự chết có tính cách hy sinh, nơi sự chôn, và nơi sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ. Phương thức của Do thái giáo là phương thức tuân giữ luật pháp, là điều bất khả thi. Nếu một người cho rằng mình có thể kiếm được sự sống đời đời bằng các việc lành của mình – bằng cách tuân giữ luật pháp – thì chẳng có gì phải lấy làm lạ hết khi thấy người ấy tự hào và tự xưng công bình. Sự cứu rỗi (sự sống đời đời) là kết quả của việc người ấy làm. Và cũng chẳng phải ngạc nhiên khi thấy thầy tế lễ và người Lêvi đi ngang qua nạn nhân bị cướp đánh mà chẳng có lòng thương xót chi hết. Họ nhìn xem người bị nạn là hạng người phải chị khổ vì cớ tội lỗi của họ (xem Giăng 9.1), và họ nhìn người giàu có là hạng người tự nhấc cao mình lên bởi mọi nổ lực của bản thân họ. Không có gì phải ngạc nhiên, họ chẳng có lòng thương xót cho “kẻ bệnh” bao giờ. Không có gì phải lấy làm lạ khi tiên tri Giôna muốn nhìn thấy người thành Ninive phải bị thiêu cho thật giòn, thậm chí cả trẻ em và các loài thú nữa (xem Giôna chương 4). Tự xưng công bình là một phụ tá của chủ nghĩa tuân giữ luật pháp, và là kẻ thù của lòng thương xót.
Mặt khác, ân điển là mẹ của lòng thương xót. Thầy dạy luật đã đúng trong phần đánh giá của mình về sự dạy của Chúa chúng ta về con đường đạt tới sự sống đời đời. Chúa Jêsus đã dạy rằng sự sống đời đời được ưng chuẩn ở chỗ làm theo (phải nói như vậy) mọi việc – nghĩa là, tin tưởng nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Nếu một người nhìn nhận rằng tuân giữ luật pháp không cứu ai được, mà chỉ có thể xét đoán, thì sự sống đời đời phải đến theo con đường khác. Và quả thật vậy. Người nào chấp nhận bản cáo trạng tội lỗi của họ theo luật pháp sẽ được cứu, không phải qua các việc lành, do tin cậy vào Đấng duy nhất đã từng tuân giữ toàn bộ luật pháp, Đấng đã chịu chết để thoả mãn hình phạt sự chết mà luật pháp tuyên bố trên hạng tội nhân. Đức Chúa Jêsus Christ là con người công bình duy nhất từng sống trên thế gian nầy. Chỉ một mình Ngài đã gánh lấy tội lỗi chúng ta trên chính mình Ngài, chịu lấy sự rủa sả của sự chết mà luật pháp tuyên bố trên chúng ta. Và bởi tin cậy vào sự chết, sự chôn, và sự sống lại của Ngài vì ích cho chúng ta, tội lỗi chúng ta đã được tha và chúng ta nhận lãnh ân ban sự sống đời đời.
Khi sự sống đời đời nầy không phải là kết quả mọi việc lành của chúng ta, mà là kết quả của ân sủng Đức Chúa Trời tỏ ra trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ, chúng ta không có gì để tự hào hết, không có cơ sở nào để cảm thấy phải tự xưng công bình cả. Và vì Đức Chúa Trời có lòng thương xót đối với chúng ta, chúng ta có thể bày tỏ ra lòng thương xót đối với tha nhân. Ân điển không có chỗ cho việc tự xưng công bình; đó là nền tảng cho lòng thương xót. Đấy là những gì Chúa Jêsus đang ra sức giúp cho thầy dạy luật nầy hiểu rõ qua thí dụ nói về người Samari nhơn lành.
Và khi người Samari từng bị chối bỏ và xem khinh nầy trở thành “cứu tinh” cho nạn nhân bị cướp đánh trên con đường từ thành Giêrusalem xuống thành Giêricô, cũng một thể ấy Chúa Jêsus ở Naxarét từng bị xem khinh và chối bỏ đã trở thành Cứu Chúa cho hết thảy những ai chịu tin cậy nơi Ngài:
“Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì. Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người” (Êsai 53.3-6).
Cho phép tôi nói thêm một việc nữa khi tôi kết luận bài học nầy. Thí dụ nầy (và bài giảng nầy) không dự trù để xử sự với hàng học giả Kinh Thánh chân thật đâu. Tôi tin rằng thí dụ nầy được sử dụng để xét đoán hàng học giả kinh điển, nghiên cứu Kinh Thánh theo lý trí đáng được thay thế bằng đức tin và sự vâng lời. Dường như thầy dạy luật nầy đang tận hưởng lẽ thật của Đức Chúa Trời là dường nào. Ông ta đã cố giữ sự bàn bạc theo kiểu thông thái và sống cuộc sống tách biệt thật khó nhọc là dường nào. Còn Chúa chúng ta Ngài không cho phép người nầy nhét Lời của Đức Chúa Trời vào trong một ống nghiệm đâu. Chúa Jêsus không định nghĩa từ ngữ “người lân cận” bằng cách thực hiện một nghiên cứu từ ngữ Hybálai. Và Chúa Jêsus không để cho thầy dạy luật kia tính toán và chuyển sự xét đoán qua người nào khác là lân cận của chúng ta; Ngài thách thức chúng ta phải tự hỏi mình, chúng ta có phải là người lân cận tốt đối với những người đang trong cảnh có cần hay không!?! Đấy mới là vấn đề mà Lời của Đức Chúa Trời đang nói tới. Lời ấy cần phải được hiểu cho đúng đắn và rồi sống sao cho đúng đắn như thế. Đức Chúa Trời không muốn chúng ta phải dâng lên cho Ngài một sổ tay xác định về tình yêu thương kẻ lân cận mình; Ngài muốn chúng ta phải bày tỏ ra tình yêu thương cho người lân cận chúng ta trong thế giới thực nầy, bằng cách tỏ ra lòng thương xót cho những ai đang trong cảnh có cần, giống như người Samari Nhơn Lành đã tỏ ra vậy. Chúng ta hãy tỉnh thức về tình trạng tri thức hoá lẽ thật. Chúng ta hãy tỉnh thức về việc nhốt Lời của Đức Chúa Trời ở trong lớp học. Và chúng ta hãy bày tỏ ân điển của Đức Chúa Trời như chúng ta đã kinh nghiệm ân điển ấy, một khi thực sự chúng ta đã kinh nghiệm ân điển đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét