Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Luca 17.1-4: "XEM TỘI LỖI LÀ TRẦM TRỌNG"



Phần giới thiệu
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Xuất xứ
Lời lẽ trang nghiêm cho vầng đá ngắn trở (17.1-2)
Mối nguy hiểm của việc làm một hòn đá ngăn trở
Có thể nào Cơ đốc nhân lại là hòn đá ngăn trở không?
Công việc của thánh đồ: tìm cách phục hồi tội nhân (17.3-4)
Ba đặc điểm của sự tha thứ.
Phần kết luận
Các đặc điểm của hòn đá ngăn trở
Các phương thức chúng ta có thể khiến cho người khác vấp ngã.
Bài 53:

XEM TỘI LỖI LÀ TRẦM TRỌNG

(Luca 17.1-4)
“Đức Chúa Jêsus lại phán cùng môn đồ rằng: Không có thể khỏi xảy đến sự gây nên phạm tội được; song khốn thay cho ai là kẻ làm ra sự ấy! Nếu ai gây cho chỉ một kẻ nhỏ nầy phạm tội, thì thà rằng buộc cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn. Các ngươi hãy giữ lấy mình. Nếu anh em ngươi đã phạm tội, hãy quở trách họ; và nếu họ ăn năn, thì hãy tha thứ. Dầu trong một ngày, họ phạm tội cùng ngươi bảy lần và bảy lần trở lại cùng ngươi mà nói rằng: Tôi ăn năn, thì hãy tha tội cho họ”.
PHẦN GIỚI THIỆU:
Chúng ta có khuynh hướng xem tội lỗi là một vấn đề “kỳ quặc”, là điều mà một con người đặc biệt phạm phải, cá nhân người ấy (nam hay nữ) chịu trách nhiệm đối với điều kỳ quặc đó. Đây là sự thật, song không phải là toàn bộ bức tranh đâu. Xin cho phép tôi minh hoạ.
Trong tạp chí Chúa nhật mới đây, một bài viết có đề tựa là: “Nữ Giới Trong Tù: Tại sao và Bằng Cách Nào Họ Bị Đưa Vào Đấy”. Bài viết bắt đầu bằng mấy câu sau đây:
“Trải qua nhiều thời đại, nhiều nhà thơ đã ca ngợi nỗi đau tình cảm đặt không đúng chỗ, và những người làm mẹ đã kêu gọi con gái của họ chống lại việc sống chung với loại đờn ông bất chính. Họ nói đúng — đặc biệt trong trường hợp một người nữ phá vỡ luật pháp. Ngày nay, số đông các phụ nữ đang tốn thì giờ ở trong lao tù vì, ít nhất, là họ đã sống chung với một gã không ra gì hết”.
Karl Rasmussen, Giám đốc điều hành Hội Nữ Tù Phạm ở New York, cho rằng mặc dù không có dữ liệu đặc biệt nào về vấn đề nầy, 85 % phụ nữ mà ông ta đã gặp gỡ qua nhiều năm tháng sẽ không vướng cảnh lao tù nếu họ không dính dáng tới tình cảm. “Họ dính díu với một tên trộm, một gã sử dụng ma túy, một tên cướp”, ông nói: “rồi lăn xả vào tội ác không còn biết tới thủy chung nữa, đối với những gì họ nghĩ là tình yêu”.
Cho nên không phải cánh đờn ông mới là hạng người đưa giới nữ vào trong chỗ rối rắm. Hãy lấy Ađam và Êva làm thí dụ. Kinh thánh nói rất rõ ràng là trong khi Êva bị dối gạt, còn Ađam thì không, thế nhưng ông đã từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình rồi bước theo vợ vào trong tội lỗi — cố ý (đối chiếu I Timôthê 3.14). Tôi tin thật là an toàn khi cho rằng con người đôi khi phạm tội một cách độc lập. Giống như hệ thống luật pháp của chúng ta công nhận rằng có những tòng phạm đối với một tội ác, cũng một thể ấy Chúa Giêxu, trong phân đoạn Kinh thánh nêu trên, Ngài nhấn mạnh rằng có những tòng phạm đối với tội lỗi.
Nếu tội lỗi đầu tiên trong Kinh thánh dính dáng ở chỗ người nầy dẫn dắt người kia vào trong tội lỗi, như Kinh thánh chép, thì tội lỗi thứ hai trong Kinh thánh dính dáng tới việc một người từ chối không chịu gánh lấy bất kỳ một trách nhiệm nào về sự có mặt của người kia. Quí vị có nhớ câu chuyện nói về Cain và Abên, em người, từ Sáng thế ký chương 4, ở đây Cain đã tìm cách bào chữa cho bản thân mình khi đáp lại Đức Chúa Trời: “Tôi là người giữ em tôi sao?” (Sáng thế ký 4.9).
Thế thì chúng ta thấy, không những là qua kinh nghiệm, mà còn qua Kinh thánh nữa, cho thấy tội lỗi không phải là một kinh nghiệm: “đơn thân độc mã” đâu. Trong Luca chương 17 Chúa Giêxu nói tới tội lỗi như một vấn đề giữa cá nhân với nhau, thay vì là một vấn đề riêng tư. Hai câu đầu tiên là một lời cảnh cáo về tầm quan trọng của việc ảnh hưởng người khác theo một phương thức khích lệ họ phạm tội. Trong giới hạn của tội lỗi đầu tiên ở Sáng thế ký chương 3, Chúa Giêxu phán ra những lời, mà nếu vâng theo, sẽ giữ chúng ta từ chỗ thuộc về “Êva” đến chỗ thuộc về “Ađam” trong thế gian nầy. Hai câu sau cùng xử lý với vai trò tích cực mà họ có thể góp phần trong đời sống của kẻ phạm tội. Một lần nữa, ở Sáng thế ký chương 4, Chúa Giêxu nói cho chúng ta biết thể nào chúng ta là “người giữ em” của chúng ta khi “em” phạm tội. Yếu tố thống nhất trong mấy câu nầy là “tội lỗi” và phần nhấn mạnh cho thấy các môn đồ của Chúa chúng ta nên (1) xem tội lỗi là trầm trọng, và (2) xem tội lỗi theo cách cá nhân…
CẤU TRÚC CỦA PHÂN ĐOẠN KINH THÁNH
Chương 17 sách Luca được xem là một tổng thể, hầu như ai cũng nhất trí khi chương nầy được chia ra như sau:
(1) Đừng gây cho anh em ngươi phạm tội—các câu 1-2
(2) Phải làm gì khi anh em ngươi phạm tội — các câu 3-4
(3) Đức tin và môn đồ — các câu 5-10
(4) Sự chữa lành 10 người phung cùng thái độ biết ơn của một người — các câu 11-19
(5) Sự dạy của Chúa Giêxu về sự đến của Nước Đức Chúa Trời — các câu 20-37
Cái khó là phải quyết định đâu là mối liên quan giữa các “chi tiết” nầy trong tổng thể. Thực vậy, có người không tìm được một sự thống nhất nào trong cả chương nầy. Plummer, trong phần chú giải sách Luca do ông viết, đã ghi đề tựa cho chương nầy: “Bốn câu nói của Đấng Christ”. Ông tiếp tục nói: “Chúng không có một nối kết nào với những lời nói có trước đó.… Và bốn câu nói nầy chẳng có một sự liền lạc nào với nhau cả”.
Tôi công nhận cái khó mà mấy câu nầy đặt ra cho chúng ta trong việc tìm kiếm một lẽ đạo thống nhất, nhưng đối với tôi, đây là chỗ “căng thẳng trong phân đoạn”, một cái khó góp phần kích thích tôi nghiên cứu phân đoạn Kinh thánh nầy. Tôi đoán rằng Luca đang phát triển một sự tranh luận có trật tự, ngay cả khi ông nói sơ qua trong phần giới thiệu của mình (1.1-4). Theo sự hiểu biết của tôi, trình tự nầy không theo thứ tự thời gian, mà theo sự hợp lý — đây là sự phát triển lô-gic của tin lành, các vấn đề của tin lành, và sự chống đối tin lành. Vì lẽ ấy, tôi phải tìm kiếm một sự thống nhất tư tưởng trong cả chương, và tôi phải tìm cho ra sợi dây liên lạc giữa chương nầy và các chương đứng trước và đứng sau. Vì thế tôi phải khác biệt với Plummer, từ chối không xem lời lẽ của Luca ở đây là một loại “nắm bắt những câu nói linh tinh”. Luca không phải là hạng trước giả đó. Ông cũng không có một điều riêng tư nào trong phần tranh luận của ông. Vì thế chúng ta hãy tìm cách nắm bắt sự thống nhất tư tưởng của Luca, công nhận rằng sự thất bại không nắm bắt được thuộc về chúng ta chớ không phải sự thất bại ấy thuộc về tác giả (tác giả chính là Đức Thánh Linh).
XUẤT XỨ
Xuyên suốt sách tin lành Luca, người Pharisi thường hay chống đối Chúa Giêxu và sự dạy của Ngài. Đây là nhóm tôn giáo, theo lý trí của họ, cứ khăng khăng bám vào luật pháp Môise trong Cựu ước, và mọi tiêu chuẩn của luật pháp ấy. Họ “khó mà phạm tội” lắm và họ tìm cách dùng ảnh hưởng của mình để phơi Chúa Giêxu ra là một kẻ vi phạm luật pháp, lừa lọc, hơn là Đấng đã đến để làm tròn luật pháp.
Sự chống đối Chúa Giêxu đã bắt đầu từ chương 5, khi Chúa Giêxu không những đã chữa lành cho người đau bại, là người đã được dòng xuống qua ngả mái nhà, mà còn nói cho người nầy biết rằng tội lỗi người đã được tha nữa. Những lời lẽ ấy, người Pharisi đã lý luận thẳng thừng rằng, chỉ có thể do Đức Chúa Trời phán ra mà thôi. Còn Chúa Giêxu thì không chịu tuân theo suy tưởng của họ về Đấng Mêsi. Chúa Giêxu đã hội hiệp với hạng tội nhân. Họ đã lãng tránh hạng tội nhân. Chúa Giêxu kêu gọi Mathiơ, một tay thu thuế, trở thành một trong số các môn đồ Ngài, và rồi ăn uống chung với Ngài cùng các tội nhân khác nữa (Luca 5.27...). Thậm chí Ngài còn ngồi chung, ăn uống với họ nữa, vui hưởng tiệc tùng! Chúa Giêxu dành ra thêm nhiều thì giờ với hạng tội nhân — hơn là với người công bình. Điều nầy quá trớn. Từ chỗ nầy trở đi, người Pharisi đã tìm kiếm những cớ tích hầu lý luận vu cáo Chúa Giêxu, làm mất uy tín của Ngài trước đám dân đông. Sự vi phạm ngày sabát đã trở thành một trong các sự cố chính họ sử dụng để lên án nghịch lại Ngài.
Sự người Pharisi chống đối Chúa Giêxu đã tăng cao trong hai chương đứng ngay trước phân đoạn Kinh thánh của chúng ta trong chương 17. Ở chương 14, Chúa Giêxu đang ăn uống tại bàn của người Pharisi vào ngày sabát, và Ngài đã chữa lành cho một người ở chỗ đó (14.1-4). Mặc dù người Pharisi giữ im lặng, Chúa Giêxu đã phơi bày ra thái độ giả hình của họ (14.5-6). Kế đó Ngài tiếp tục vạch trần động lực tìm kiếm bản ngã khi dùng cơm tối trong chỗ thứ nhứt (14.7-11). Ngài dạy rằng nên bố thí để làm lợi cho nhiều người khác, chớ không phải làm lợi cho chủ tiệc (14.12-14). Ngài giải thích sự chối bỏ của người Pharisi và của nhiều người khác thuộc giai cấp lãnh đạo của Israel trong một thí dụ tỏ ra tính tư lợi của họ, và cũng đã giải thích sự Chúa tìm kiếm những kẻ bị xã hội ruồng bỏ nữa (14.15-24).
Trong chương 15, Chúa Giêxu nói ra ba thí dụ về đồ vật “bị mất”, tỏ ra lòng thương xót của người Pharisi chỉ là ích kỷ, trong khi lòng thương xót của Đức Chúa Trời thì thật là giàu ơn. Sự người Pharisi từ chối không lấy làm vui nơi sự tội nhân ăn năn, họ sẽ không lên được thiên đàng, và bị tánh tự xưng công bình tác động. “Người anh cả” trong thí dụ nói về con trai hoang đàng là một minh hoạ xấu xa nói tới người Pharisi, là điều mà họ không chấp nhận.
Nếu trong chương 15 người Pharisi lằm bằm chống lại Chúa Giêxu, qua tới chương 16 họ càng giận dữ, càng hùng hồn, và càng công khai trong sự họ chống đối Ngài. Sau thí dụ nói tới “viên quản gia bất trung”, người Pharisi biến thành những kẻ hay chế giễu. Luca đang giải thích cho chúng ta biết là họ là “hạng người ham mến tiền tài” (15.14). Khi ấy Chúa Giêxu mới vạch trần người Pharisi, họ kiêu ngạo cho rằng mình là “hạng người tuân giữ luật pháp” lại trở thành hạng người làm suy đồi luật pháp. Thay vì tìm kiếm sự xưng công bình đến từ Đức Chúa Trời, dựa theo tấm lòng, họ đã đùa giỡn trước mặt khán thính giả con người, một cách giả hình hành động theo các giá trị của loài người (toàn là những giá trị ngược lại với giá trị của Đức Chúa Trời — 16.15), làm ra vẻ bề ngoài công bình, để cho người ta khen ngợi họ. Chúa Giêxu đã nhấn mạnh điểm nầy với thí dụ nói về “người giàu và Laxarơ”, trong đó người giàu, giống như là bậc anh hào của người Pharisi, lại ở trong địa ngục, trong khi Laxarơ (là kẻ mà họ xét đoán) lại ở trên thiên đàng. Chúa Giêxu đã đánh hạ hệ thống của họ.
Sự dạy của Chúa Giêxu trong chương 17 là người ta có thể ly dị căn cứ theo nền tảng nầy. Thực vậy, tôi hiểu lời lẽ của Chúa Giêxu chính là bản cáo trạng có tính úp mở đối với người Pharisi, Ngài sử dụng tội lỗi của họ làm một minh hoạ cho những điều mà môn đồ không nên làm. Giờ đây chúng ta hãy xét qua phân đoạn Kinh thánh theo ánh sáng nầy, tìm cách tiếp thu những điều Chúa Giêxu đã dạy các môn đồ Ngài, theo ánh sáng của văn mạch. Kế đó, chúng ta sẽ tìm cách học biết ý nghĩa mọi lời lẽ của Ngài phán cùng chúng ta nữa.
LỜI LẼ TRANG NGHIÊM CHO VẦNG ĐÁ NGĂN TRỞ (17.1-2)
“Đức Chúa Jêsus lại phán cùng môn đồ rằng: Không có thể khỏi xảy đến sự gây nên phạm tội được; song khốn thay cho ai là kẻ làm ra sự ấy! Nếu ai gây cho chỉ một kẻ nhỏ nầy phạm tội, thì thà rằng buộc cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn”.
Chúng ta đang sinh sống trong một thế giới sa ngã. Theo ý nghĩa nầy, tội lỗi là khó tránh được, và vì thế, đấy là những việc có khuynh hướng lôi cuốn. Theo các từ ngữ của Kinh thánh “thế gian, xác thịt, và ma quỉ” hết thảy đã được sử dụng để nhắc tới tội lỗi. Thế gian tìm cách “ép chúng ta trong khuôn khổ nó” (Roma 12.2), nó khiến chúng ta sử dụng mọi giá trị của nó và bắt chước hay hiệp với nó trong những việc làm xấu xa của nó. Xác thịt: ấy là bổn tánh hay sa ngã ở bên trong chúng ta, nó giục giã chúng ta hành động vì lợi ích riêng, theo đuổi mọi khoái lạc riêng của chúng ta, thậm chí với mọi phí tổn của nhiều người khác. Ma quỉ sử dụng thế gian và xác thịt cho mọi mục đích xấu xa của hắn, và có nhiều lúc, gạt gẫm từng cá nhân con người phạm tội, như hắn đã làm với Ađam và Êva (Sáng thế ký 3), và với Chúa chúng ta (Luca 4).
Những sự xui khiến và khuyến khích phạm tội vượt trổi hơn bản năng kềm chế của Cơ đốc nhân. Theo lời dạy của Chúa chúng ta, đấy là “sự gây nên phạm tội” (câu 1). Tuy nhiên, có nhiều lúc, khi Cơ đốc nhân là gốc của hòn đá ngăn trở. Thí dụ, Phierơ, đã đóng vai trò như hòn đá vấp chơn cho Chúa chúng ta, khi ông ta tìm cách xây Ngài ra khỏi con đường thập tự giá:
“Nhưng Ngài xây mặt lại mà phán cùng Phierơ rằng: Ớ Satan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chỉ nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta” (Mathiơ 16.23).
Trong trường hợp nầy, Phierơ đã không (và có lẽ không) thành công. Vì vậy, trong những trường hợp khác, bên mất lòng không sa vào tội lỗi mà chúng ta đã làm cho có sức lôi cuốn đối với họ, nhưng chúng ta đã phạm vào tội kích thích điều ác.
Vì cớ đó, tôi tin bản dịch (NIV) có tính sai lạc, khi các bản dịch khác dịch từ ngữ “hòn đá ngăn trở” (stumbling block) là “những thứ khiến cho người ta phạm tội”. Nói theo thuật ngữ, chúng ta không thể khiến cho người khác phạm tội, mà phải giúp cho họ làm theo điều chi đẹp lòng Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể ảnh hưởng người khác theo đủ chiều hướng. Chúng ta là “hòn đá ngăn trở” cho nhiều người khác khi chúng ta ảnh hưởng người khác theo chiều hướng của tội lỗi. Điều nầy đúng là sự chống đối với mạng lịnh của Kinh thánh: “Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành” (Hêbơrơ 10.24).
Để chúng ta không suy nghĩ từ ngữ nầy luôn luôn có tính cách phủ định, nghĩa là nó luôn luôn bao hàm tội lỗi nơi phần của người là hòn đá ngăn trở, hãy nhớ rằng Chúa chúng ta là một “vầng đá vấp chơn” cho người Do thái:
“Tại sao? Tại họ chẳng bởi đức tin mà tìm, nhưng bởi việc làm. Họ đã vấp phải hòn đá ngăn trở, như có chép rằng: Nầy ta để tại Si-ôn một hòn đá ngăn trở, tức là hòn đá lớn làm cho vấp ngã; Hễ ai tin đến thì khỏi bị hổ thẹn” (Roma 9.32-33).
“thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là dồ dại” (I Côrinhtô 1.23).
MỐI NGUY HIỂM CỦA VIỆC LÀM MỘT HÒN ĐÁ NGĂN TRỞ
Trong phân đoạn Kinh thánh của chúng ta, Chúa Giêxu không hề nói ra số phận của hòn đá ngăn trở sẽ như thế nào!?! Tuy nhiên, Ngài nói cho chúng ta biết điều chi tốt đẹp cho hòn đá ngăn trở ấy hơn số phận sau cùng của người. Chúa Giêxu nói rằng bị ném xuống biển, với cái cối đá buộc vào cổ, sẽ là số phận tốt đẹp hơn mọi điều sẽ xảy đến. Vậy thì điều sẽ xảy đến đó là gì? Trong khi Luca không nói cho chúng ta biết, hãy lắng nghe những lời lẽ nầy từ sách tin lành Mathiơ, lời nầy sẽ khiến cho chúng ta nhất trí với Chúa Giêxu rằng bị ném xuống biển vẫn là việc tốt hơn:
“Còn người ta nhổ cỏ lùng mà đốt trong lửa thể nào, thì ngày tận thế cũng sẽ như vậy; Con người sẽ sai các thiên sứ Ngài THÂU MỌI GƯƠNG XẤU VÀ NHỮNG KẺ LÀM ÁC khỏi nước Ngài, và quăng những người đó vào lò lửa, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng” (Mathiơ 13.40-42).
CÓ THỂ NÀO CƠ ĐỐC NHÂN LẠI LÀ HÒN ĐÁ NGĂN TRỞ KHÔNG?
Khi chúng ta xem xét phân đoạn Kinh thánh nầy trong sách tin lành Mathiơ, chúng ta sẽ thấy ngay “hòn đá ngăn trở” ở đây được xem là hạng người vô tín. Đây là những người bị coi là “cỏ lùng” ở giữa “lúa mì”. Đây là những người sẽ “bị quăng vào lò lửa”. “Hòn đá ngăn trở” trong Mathiơ dường như không phải là những người tin Chúa. Cũng nên lưu ý rằng trong Mathiơ 18 “thế gian” là gốc của hòn đá ngăn trở, và những người bị làm cho vấp chơn lại là “những đứa nhỏ nầy đã tin” (câu 6). Vì thế, dường như hòn đá ngăn trở là những người vô tín; những người đã gây vấp chơn chính là hạng người vô tín.
Khi chúng ta đến với Luca chương 17, chúng ta thấy một sự việc tương tự, nếu không phải là chính xác. Khi Chúa Giêxu phán với “các môn đồ Ngài” về mối nguy hiểm của việc trở thành hòn đá ngăn trở, Ngài đã không sử dụng đại danh từ “các ngươi”, nhưng đúng hơn Ngài đã nói tới các đại từ không ngôi (impersonal pronoun) “ai”:
“Đức Chúa Jêsus lại phán cùng môn đồ rằng: Không có thể khỏi xảy đến sự gây nên phạm tội được; song khốn thay cho ai là kẻ làm ra sự ấy! Nếu ai gây cho chỉ một kẻ nhỏ nầy phạm tội, thì thà rằng buộc cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn” (Luca 17.1-2).
Theo ý kiến của tôi, trong phân đoạn Kinh thánh, chính người Pharisi đặc biệt được xem xét ở đây khi nói tới các hậu quả nghiêm trọng sẽ giáng trên kẻ nào trở thành hòn đá ngăn trở cho nhiều người khác. Trong sách Luca, người Pharisi đã nói ra bằng lời, thấy được bằng mắt, và cố quyết trong những lần họ tấn công nghịch lại Chúa chúng ta. Chính nhóm người nầy đã tìm cách làm cho Chúa Giêxu mất uy tín, và đã tìm cách khiến cho nhiều người nam và nữ không đi theo Ngài.
Phải chăng điều nầy có ý nói chỉ có hạng người vô tín mới là hòn đá ngăn trở? Không hẳn như thế! Phierơ đang hành động như hòn đá ngăn trở đối với Chúa chúng ta khi ông tìm cách quở trách Ngài vì nói tới sự chết của Ngài, một sự chết sẽ trở thành ơn cứu rỗi của hết thảy những ai chịu tin. Nhưng khi Chúa Giêxu quở trách Phierơ trong trường hợp nầy, Ngài không gọi Phierơ là “Phierơ”, mà gọi là “Satan”. Phierơ, ngay giây phút nầy, đã nói thay cho Satan; ông suy tưởng không phải là suy tưởng của Đức Chúa Trời, mà là suy tưởng của con người; ông không nói như một môn đồ, mà là kẻ thù. Vì vậy, tôi tin rằng Cơ đốc nhân chắc chắn sẽ trở thành hòn đá ngăn trở cho nhiều người khác, nhưng khi họ làm thế, họ thôi không làm chứng cho Đức Chúa Trời nữa, và họ thôi không còn sinh hoạt là một Cơ đốc nhân nữa. Đồng thời chính giây phút nầy, họ nói thay cho Satan, họ nói như một người vô tín. Không hẳn họ là người vô tín, (hoặc giả họ sẽ trở thành người vô tín), nhưng họ sinh hoạt như một người vô tín, không thể phân biệt họ người nầy với người kia. Ở dòng cuối, trở thành hòn đá ngăn trở là một công việc của Satan, đấy là đặc điểm của hạng người vô tín, hạng vô tín bị định phải vào ở trong địa ngục. Đúng là điều bất ổn cho Cơ đốc nhân. Tội lỗi trầm trọng là dường nào!
CÔNG VIỆC CỦA THÁNH ĐỒ: TÌM CÁCH PHỤC HỒI TỘI NHÂN (17.3-4)
“Các ngươi hãy giữ lấy mình. Nếu anh em ngươi đã phạm tội, hãy quở trách họ; và nếu họ ăn năn, thì hãy tha thứ. Dầu trong một ngày, họ phạm tội cùng ngươi bảy lần và bảy lần trở lại cùng ngươi mà nói rằng: Tôi ăn năn, thì hãy tha tội cho họ”.
Nếu kẻ vô tín là người phục vụ cho các mục đích của Satan bằng cách dụ dỗ người khác phải phạm tội, chính công việc của Cơ đốc nhân là phải tìm cách phục hồi tội nhân, khi người (nam hay nữ) sa ngã. Tác động cho người khác theo chiều hướng phạm tội thì thật là bất xứng. Tìm cách phục hồi tội nhân quả là giống với Đấng Christ dường bao!
Giống như tước hiệu “hòn đá ngăn trở” chủ yếu phù hợp với người Pharisi, cũng một thể ấy, người Pharisi cũng thích ứng với hai câu nầy. Người Pharisi đang lạm dụng chức năng lãnh đạo của họ trong một nổ lực khiến cho người ta đừng nghe, đừng tin và đừng theo Chúa Giêxu. Sự dạy của Chúa chúng ta là các môn đồ phải đáp ứng như thế nào với một anh em phạm tội, đáp ứng ấy phải theo chiều ngược lại với cách thực hành và giảng dạy của người Pharisi. Người Pharisi đã cảm thấy cách đáp ứng “thuộc linh” nhất với tội nhân là phải tránh xa họ (dù nam hay nữ). Trong trường hợp người đờn bà “bị bắt quả tang phạm tội tà dâm” (Giăng 8), họ sẽ vui sướng ném đá vào bà ta. Lời quở trách của Chúa chúng ta thật khác biệt làm sao!
Ở đây Chúa chúng ta giả định rằng hòn đá ngăn trở là điều không thể tránh được (câu 1), vì vậy tội lỗi, thậm chí giữa vòng anh em chúng ta sẽ xảy ra. Vì cớ ấy, Chúa Giêxu dạy các môn đồ Ngài biết đâu là đáp ứng của họ đối với tội lỗi trong đời sống của người anh em (câu 3). Tôi tin rằng từ ngữ “anh em ngươi” trong câu 3 được chỉ ra và có mục đích. Người “anh cả” của đứa con hoang đàng dường như không thừa nhận đứa em (“con của cha kia”, Luca 15.30), là việc mà cha của nó sẽ không cho phép (“em con đây” 15.32). Vì thế, người Pharisi dường như cũng không chấp nhận anh em Do thái của họ, khi họ gắn anh em của họ vào hạng “tội nhân”.
Qua cách sử dụng từ ngữ “anh em ngươi”, Chúa Giêxu có ý ám chỉ một vài lẽ thật quan trọng. Thứ nhứt, Ngài đang báo cho các môn đồ Ngài biết rằng họ không phải chịu trách nhiệm chỉnh đốn hay quở trách con người nói chung, không những là những người mà họ quen biết, là những kẻ mà các môn đồ sống gần gũi. Người Pharisi dường như thích xét đoán những ai đang ở ngoài vòng kiểm soát của họ, những kẻ “ở bên kia đường chạy”. Chúa Giêxu nói cho chúng ta biết rằng chúng ta chịu trách nhiệm chỉnh đốn những ai chúng ta quen biết, những người mà tội lỗi của họ chúng ta biết rõ một cách cá nhân. Thứ hai, Ngài đang nhắc cho các môn đồ nhớ rằng anh em của họ dù phạm tội vẫn còn là anh em của họ. Chúng ta không thể, giống như người anh cả tự xưng công bình trong thí dụ nói tới người con trai hoang đàng, không chấp nhận những kẻ sống gần gũi chúng ta dù họ phạm tội.
Thứ ba, sự thật cho thấy rằng chúng ta chịu trách nhiệm phải quở trách và tha thứ cho anh em chúng ta, điều nầy ám chỉ rằng chúng ta cũng phải báo động về loại tội lỗi mà người anh em (nam hay nữ) thường phạm phải. Nếu người anh em nầy sống gần gũi chúng ta, thì người ấy cũng giống như chúng ta, có nghĩa là chúng ta phải bắt đầu bằng cách ý thức các tội lỗi ấy dễ dàng cản đường chúng ta. Thật là dễ dàng nhắm vào tội lỗi của người khác (thấy được bằng mắt thường, đối chiếu 16.15), hơn là nhắm vào các tội lỗi (có lẽ được xã hội chấp nhận) mà chúng ta thường phạm phải. Thí dụ, chúng ta có thể tiến vào các bịnh viện chuyên phá thai rồi nói nghịch tình trạng đồng tình luyến ái, nhưng chúng ta dễ dàng nhắm vào các tội lỗi như kiêu ngạo, tự xưng công bình, tham lam, và dã tâm — các thứ tội lỗi mà chúng ta thường hay phạm phải.
Nếu một người xem tội lỗi là trầm trọng, thì khi nhìn biết tội lỗi trong đời sống của người anh em, chúng ta buộc người ấy phải hành động theo một phương thức tìm cách đưa người anh em đó đến với sự ăn năn. Điều nầy khởi đầu với sự quở trách. Sự quở trách tìm cách đưa người anh em sai lạc kia đến với sự nhận biết bản chất tội lỗi trong mọi hành vi của người, và cũng đưa người ấy đến với nhận định rõ về tình trạng trầm trọng của tội lỗi, và nhơn đó nắm lấy hành động thích ứng — là ăn năn. Nếu người anh em nầy ăn năn, người sẽ được tha thứ.
Từ lời lẽ của câu 3, một người sẽ phân vân không biết Chúa Giêxu dạy sự tha thứ sẽ được chuẩn nhận nếu tội nhân biết ăn năn. Có phải ăn năn đi trước sự tha thứ không? Chắc chắn là không trong trường hợp của Chúa chúng ta. Trên thập tự giá, Ngài kêu la: “Lạy Cha, xin tha cho họ…” (Luca 23.34). Trước tiên sự tha thứ được chuẩn nhận, và kế đó người biết ăn năn sẽ kinh nghiệm được sự tha thứ ấy. Chúa Giêxu dạy rằng sự tha thứ sẽ được chuẩn nhận nếu tội nhân chịu ăn năn, không phải vì chúng ta từ chối không tha thứ, mà vì không phải tội nhân nào cũng ăn năn. Sự ăn năn không xảy ra, thế nhưng khi nó xảy ra, chúng ta không dám không tha thứ. Mục đích ở đây cho thấy sự tha thứ cũng được ban ra ngay lúc tội nhân ăn năn.
BA ĐẶC ĐIỂM CỦA SỰ THA THỨ
Tôi tin rằng câu 3 là câu nói chung chung, trong khi câu 4 có phần đặc biệt hơn, xử lý đặc biệt với các trường hợp kia, trong đó người nào quở trách tội nhân sẽ bị cám dổ từ chối không chịu tha thứ. Trong câu 4, Chúa Giêxu cung ứng ba đặc điểm của sự tha thứ, ba điều nầy rất là quan trọng.
(1) Sự tha thứ được chuẩn nhận, Chúa Giêxu dạy, cho những ai đã phạm tội nghịch lại chúng ta. Tha thứ cho kẻ nào phạm tội chống nghịch Đức Chúa Trời, hoặc nghịch với nhiều người khác, là một việc; còn tha thứ cho kẻ nào phạm tội nghịch với chúng ta lại là một việc khác. Chúa Giêxu đòi hỏi các môn đồ Ngài phải tha thứ cho kẻ gây mích lòng cá nhân.
(2) Sự tha thứ được chuẩn nhận, trên cơ sơ một sự xưng tội bằng lời nói. Nói thẳng ra, lời nói thì hời hợt không thành thực. Chúng ta biết rõ lời xưng tội và sự ăn năn thường hay thiếu sự chơn thật. Con cái chúng ta, giống như chúng ta, có thể mau mắn nói ra: “Con xin lỗi”, song lại thiếu thành thật, với một âm điệu và thái độ để lộ ra chúng thiếu thành thật. Khi nhận biết điều nầy, và khuynh hướng chúng ta sẽ phải đòi một vài “minh chứng” về sự ăn năn — minh chứng phải có thời gian (hầu nhận được sự tha thứ và sự phục hoà của chúng ta) — Chúa Giêxu dạy rằng sự tha thứ phải được ưng chuẩn ngay lập tức, trên cơ sở một sự xưng tội bằng lời nói.
(3) Sự tha thứ phải được chuẩn nhận, Chúa Giêxu phán, thậm chí cho hạng người phạm tội nghịch cùng chúng ta một cách lặp đi lặp lại và theo thói quen. Đây là một tội nhân quen thói, kẻ rất khó mà tha thứ — lặp đi lặp lại, và trên cơ sở một lời nói xưng tội. Vợ của người chồng nghiện rượu, hay ngược đãi đã nghe rất nhiều lần: “Anh xin lỗi”. Nói theo con người, nàng sẽ đi tới chỗ nghi ngờ, thậm chí khi dễ “sự ăn năn” của người bạn đời của mình nữa. Nàng chắc chắn muốn nhìn thấy một sự thay đổi trong cách ứng xử trước khi nàng chịu tin chàng đã thay đổi, hoặc chàng sẽ thay đổi. Chúa Giêxu dạy rằng sự tha thứ phải được chuẩn nhận bởi đức tin, chớ không phải bởi công việc của phía làm mích lòng. Cho nên, không có gì phải ngạc nhiên khi thấy các sứ đồ yêu cầu Chúa gia thêm cho đức tin của họ trong câu kế tiếp. Khả năng tha thứ trên cơ sở những đòi hỏi nầy chỉ có thể khả thi bởi đức tin mà thôi.
PHẦN KẾT LUẬN
Trong phân đoạn Kinh thánh nầy, Chúa chúng ta dạy rằng chúng ta phải xem tội lỗi là trầm trọng. Không phải trong phân đoạn Kinh thánh nầy, mà trong cả Mathiơ (5.27-32) và Mác (9.43-50) nữa, Chúa chúng ta có lời lẽ nghiêm trang cho các môn đồ Ngài về tình trạng trầm trọng của tội lỗi cá nhân, mọi tội lỗi sẽ trở thành hòn đá vấp chơn cho chúng ta. Ngài dạy rằng tốt hơn là cắt đứt một chi thể ra khỏi thân nếu điều đó giữ chúng ta không phạm tội và không đi địa ngục. Trong khi chúng ta ít ưa thích câu nói nầy, chúng ta phải xem tội lỗi là trầm trọng vì lời ấy rất quan trọng.
Nếu chúng ta xem tội lỗi là trầm trọng, chúng ta phải biết rõ các hình thái tội lỗi mà chúng ta dễ mắc phải. Chúng ta đừng tập trung vào các tội lỗi đó, chúng đánh dấu nền văn hoá, nhóm hay mảng xã hội khác. Chúng ta đừng nhắm vào các tội lỗi nào có vẻ bên ngoài, dựa theo các hành động và dáng dấp bề ngoài, mà dựa vào các tội lỗi bên trong tấm lòng. Chúng ta phải ý thức trước sự thật tấm lòng gian ác của chúng ta thuộc về loại dễ dối gạt, và nhơn đó chúng ta có thể thành công trong việc tái xác định “tội lỗi” theo một phương thức coi đấy là đức hạnh, hơn là một tội ác. Thí dụ, các thánh đồ Cơ đốc không bị xấu hổ bởi tội lỗi của một trong các thuộc viên của họ, là người đã ăn ở với vợ của cha họ. Thực vậy, họ rất tự hào về điều đó (I Côrinhtô 5.1-8). Làm sao có thể được như vậy chứ? Vì họ đã tái xác định tính thờ ơ và bất chấp đối với tội lỗi như “dung chịu” điều mà họ xem là một đức hạnh. Phần nhiều tội lỗi của chúng ta đã được “thánh hoá” bởi một số nhãn hiệu mới, kỉnh kiền lắm, thế nhưng chúng vẫn còn là tội lỗi; thực vậy, chúng là những thứ tội lỗi rất tinh vi. Những tội lỗi nầy chỉ có nhận biết được khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời áp dụng Lời Đức Chúa Trời vào đời sống của chúng ta (đối chiếu Thi thiên 119; Hêbơrơ 4.11-12).
Trong phân đoạn Kinh thánh, các môn đồ của Chúa chúng ta được dạy rằng chúng ta phải xem tội lỗi (cùng mọi hậu quả của nó) trầm trọng đến nỗi chúng ta phải thường xuyên coi chừng để không trở thành hòn đá ngăn trở trong đời sống của người khác. Nếu chúng ta xem tội lỗi là trầm trọng, tự chúng ta không muốn phạm tội, cũng không muốn khuyến khích tội lỗi trong đời sống của người khác. Có hai thắc mắc mà chúng ta phải đưa ra ngay tại điểm nầy. Thứ nhứt: “Điều chi đánh dấu một hòn đá ngăn trở?” Cho phép tôi liệt kê vắn tắt một vài đặc điểm cho quí vị xem xét kỹ lưỡng hơn:
CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA HÒN ĐÁ NGĂN TRỞ
(1) Hòn đá ngăn trở làm tăng thêm sự cám dỗ để mà phạm tội. Để cho vấn đề có một chút khác biệt, hòn đá ngăn trở khiến cho tội lỗi khó mà chống cự lại.
(2) Là hòn đá ngăn trở chính là vấn đề ảnh hưởng bị lạm dụng. Nói chung, hòn đá ngăn trở thường “mạnh hơn”, thuần thục hơn, có tác dụng hơn những kẻ mà họ đang ảnh hưởng (“bầy nhỏ”).
(3) Vậy thì, những cấp lãnh đạo, đang ở trong tầm nguy hiểm rất lớn của việc trở thành hòn đá ngăn trở.
(4) Hòn đá ngăn trở có thể hoặc không thể có ý định muốn sống như vậy; họ có thể hoặc không thể nhìn thấy rõ cái chạm của mọi việc họ đang làm.
(5) Hòn đá ngăn trở có thể hoặc không thể gây cho người khác phạm tội. Một hòn đá ngăn trở làm cho tội lỗi ra quyến rũ hơn, mặc dù người không thành công trong việc khiến cho người khác phạm tội.
(6) Vấn đề của hòn đá ngăn trở có một số điều khao khát hoặc lôi cuốn đối với kẻ yếu đuối.
(7) Hòn đá ngăn trở có thể hoặc không thể là một tín đồ.
(8) Cơ hội ngăn trở không những là lôi cuốn, mà còn có thể không phải là điều ác nữa, trong nó hay tự nó (thí dụ, các quyền “tự do” của I Côrinhtô và Roma 14).
Thứ hai, chúng ta phải tự hỏi mình: “Đâu là những phương thức trong đó chúng ta có thể trở thành hòn đá ngăn trở đối với người khác?” Hãy xét qua các phương thức nầy như một điểm khởi đầu:
CÁC PHƯƠNG THỨC CHÚNG TA CÓ THỂ KHIẾN CHO NGƯỜI KHÁC VẤP NGÃ
(1) Sự tranh cạnh — đối chiếu Mathiơ 18.1...; cũng xem Mác 9 — khi chúng ta tìm cách đứng đầu anh em mình, chúng ta sẽ không tìm cách gây dựng họ, mà đúng hơn chúng ta đang phân cách họ; chúng ta lập ra những phương thức trong đó để nhìn xem anh em mình sa ngã. (Hãy chú ý phần tranh luận của các môn đồ xem ai là lớn nhất dẫn tới lời dạy của Chúa chúng ta về hòn đá ngăn trở trong cả hai sách Mathiơ và Mác).
(2) Sự dạy giả dối — Malachi 2.8; Roma 16.17; Giacơ 3; Khải huyền 2.14 (?).
(3) Nịnh bợ — Châm ngôn 7.21-22; 26.28; 29.5.
(4) Lời quở trách và mưu luận bất kính — các bạn của Gióp /Phierơ & Chúa Giêxu (Mathiơ 16.23)
(5) Sử dụng các quyền tự do gây hại cho anh em yếu đuối hơn — Roma 14.20; I Côrinhtô 8.9; 10.32; II Côrinhtô 6.2.
(6) Truyền đạt sự xét đoán qua cho những người khác — Roma 14.13 (?).
(7) Bằng cách sử dụng địa vị hay quyền hạn của mình – nêu một gương xấu — Giacơ 3. Lạm dụng tình dục, thể xác, tâm lý trẻ em (?)
(8) Bằng cách không sống theo sự sáng, mà liên tục trong các việc làm tối tăm: 1 Giăng 2.10. II Côrinhtô 6.3 (đối chiếu các câu 1-13).
(9) Bằng cách “xét đoán”, tôi cho rằng xét đoán bằng sự lợi dụng các tiêu chuẩn trên cả Kinh thánh — đối chiếu Roma 14.13; đối chiếu Giacơ 4.11-12.
Sau cùng, nếu chúng ta xem tội lỗi trong đời sống của anh em mình là trầm trọng, chúng ta sẽ làm mọi sự có thể để xây anh em đó ra khỏi tội lỗi của người khi người sa ngã. Người Pharisi vốn tự hào về việc xem tội lỗi là trầm trọng. Tuy nhiên, họ lại tìm kiếm tội lỗi nơi những người khác, và rồi tránh xa những kẻ có tội mà họ thấy khó chịu theo cách riêng. Còn Chúa, là Đấng đã đến tìm và cứu hạng tội nhân, Ngài kêu gọi các môn đồ Ngài nên làm tương tự. Vì thế, chúng ta tỏ ra rằng chúng ta xem tội lỗi là trầm trọng khi chúng ta tìm cách tránh né người anh em phạm tội và làm mọi sự chúng ta có thể để xây người đó ra khỏi tội lỗi mà đến với Đức Chúa Trời bằng sự ăn năn.
Có thể là quí vị đang đọc sứ điệp nầy và quí vị chưa hề nhận lãnh ơn tha thứ mà Đức Chúa Trời hiến cho quí vị trong thân vị của Đức Chúa Giêxu Christ. Phân đoạn Kinh thánh nầy cung ứng cho quí vị niềm hy vọng nào!?! Các môn đồ của Chúa Giêxu được dạy dỗ trong phân đoạn Kinh thánh nầy là phải làm theo giống như Ngài đã làm vậy, để tìm cách đưa tội nhân đến với sự ăn năn. Các môn đồ của Ngài cần phải sốt sắng hơn nữa để tha thứ cho kẻ nào đã phạm tội chống nghịch họ giống như Chúa Giêxu tha thứ cho những ai đã phạm tội chống nghịch Ngài. Đây là lý do tại sao hạng tội nhân lại dễ dàng chạy đến với Chúa Giêxu, còn rất khó cho người công bình chạy đến với Ngài. Chúa Giêxu yêu thương tha thứ hạng tội nhân. Nếu quí vị chưa từng kinh nghiệm ơn tha thứ của Ngài, hãy làm theo như thế hôm nay. Chúa Giêxu đã chịu khổ, và chịu chết trên thập tự giá ở đồi Gôgôtha. Ngài đã gánh chịu sự xét đoán của Đức Chúa Trời vì tội lỗi của quí vị. Mọi sự quí vị phải lo làm là ăn năn rồi nhận lãnh ơn tha thứ ấy. Hãy làm theo điều đó ngay bây giờ đi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét