Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Luca 11.14-36: "CHỨNG CỚ TẠO RA CÁC NHẬN ĐỊNH KHÁC NHAU"



Phần giới thiệu
Cấu trúc của phân doạn Kinh Thánh
Chứng cớ và các nhận định (11.14-16).
Chúa Jêsus thách thức lời tố cáo về Bêênxêbun (11.17-20).
Satan không tự bắn vào chân mình (các câu 17-20).
Chỉ có một quyền phép cao cả hơn Satan mới tứt được sự ám của hắn ra khỏi người ta (11.21-23).
Trung lập đối với Chúa Jêsus là chìu theo sự tái ám của ma quỉ (11.24-26).
Lời ngợi khen của một người mẹ (11.27-28).
Tội tìm kiếm dấu lạ (11.29-32).
Nan đề thực: không phải bằng chứng, mà là mắt thấy (11.33-36).
Phần kết luận.
Ứng dụng.
BÀI 39
CHỨNG CỚ TẠO RA CÁC NHẬN ĐỊNH KHÁC NHAU
(Luca 11.14-36)
“Đức Chúa Jêsus đuổi một quỉ câm; khi quỉ ra khỏi, người câm liền nói được. Dân chúng đều lấy làm lạ; song có mấy kẻ nói rằng: Người nầy nhờ Bê-ên-xê-bun là chúa quỉ mà trừ quỉ. Kẻ khác muốn thử Ngài, thì xin Ngài một dấu lạ từ trời xuống. Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng họ, bèn phán rằng: Nước nào tự chia rẽ nhau thì tan hoang, nhà nào tự chia rẽ nhau thì đổ xuống. Vậy, nếu quỉ Sa-tan tự chia rẽ nhau, thì nước nó còn sao được, vì các ngươi nói ta nhờ Bê-ê-xê-bun mà trừ quỉ? Nếu ta nhờ Bê-ên-xê-bun mà trừ quỉ, thì con các ngươi nhờ ai mà trừ quỉ? Bởi vậy, chính con các ngươi sẽ làm quan án các ngươi. Nhưng nếu ta cậy ngón tay Đức Chúa Trời mà trừ quỉ, thì nước Đức Chúa Trời đã đến nơi các ngươi rồi. Khi một người mạnh sức cầm khí giới giữ cửa nhà mình, thì của cải nó vững vàng. Nhưng có người khác mạnh hơn đến thắng được, thì cướp lấy khí giới người kia đã nhờ cậy, và phân phát sạch của cải. Phàm ai không theo ta, thì nghịch cùng ta, ai không thâu hiệp với ta, thì tan lạc. Khi tà ma đã ra khỏi một người, thì đi dông dài các nơi khô khan để kiếm chỗ nghỉ. Kiếm không được, thì nó nói rằng: Ta sẽ trở về nhà ta là nơi ta mới ra khỏi. Nó trở về, thấy nhà quét sạch và dọn dẹp tử tế, bèn đi rủ bảy quỉ khác dữ hơn mình vào nhà mà ở; vậy số phận người nầy lại khốn khổ hơn phen trước. Đức Chúa Jêsus đang phán những điều ấy, có một người đàn bà ở giữa dân chúng cất tiếng thưa rằng: Phước cho dạ đã mang Ngài và vú đã cho Ngài bú! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Những kẻ nghe và giữ lời Đức Chúa Trời còn có phước hơn! Khi dân chúng nhóm lại đông lắm, Đức Chúa Jêsus phán rằng: Dòng dõi nầy là dòng dõi độc ác; họ xin một dấu lạ, song sẽ không cho dấu lạ nào khác hơn dấu lạ của Giô-na. Vì Giô-na là dấu lạ cho dân thành Ni-ni-ve, thì cũng một thể ấy, Con người sẽ là dấu lạ cho dòng dõi nầy. Đến ngày phán xét, nữ hoàng Nam phương sẽ đứng dậy với người của dòng dõi nầy và lên án họ, vì người từ nơi đầu cùng đất đến nghe lời khôn ngoan vua Sa-lô-môn, mà nầy, ở đây có Đấng hơn vua Sa-lô-môn! Đến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với người của dòng dõi nầy và lên án họ, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng dạy và ăn năn; mà nầy, ở đây có Đấng hơn Giô-na. Không ai thắp đèn mà để chỗ khuất hay là dưới thùng, nhưng để trên chân đèn, hầu cho kẻ vào được thấy sáng. Mắt là đèn của thân thể; nếu mắt ngươi sõi sàng, cả thân thể ngươi được sáng láng; song nếu mắt ngươi xấu, thân thể ngươi phải tối tăm. Ay vậy, hãy coi chừng kẻo sự sáng trong mình ngươi hóa ra sự tối chăng. Nếu cả thân thể ngươi sáng láng, không có phần nào tối tăm, thì sẽ được sáng hết thảy, cũng như khi có cái đèn soi sáng cho ngươi vậy” (Luca 11.14-36).
Phần giới thiệu
Josh McDowell đã viết một quyển sách có đề tựa “Evidence That Demands a Verrdict” [Chứng cớ đòi hỏi một phán quyết]. Người bạn mà tôi làm luật sư nói cho tôi biết đề tựa là không chính xác vì bằng chứng không đòi hỏi một phán quyết. Khi tôi nghiên cứu phân đoạn Kinh Thánh nầy cho tuần lễ nầy, tôi muốn nói rằng người ta sẽ rất là dại dột khi nghĩ rằng cũng chứng cớ đó lại tạo ra cũng cùng một phán quyết. Trong phân đoạn nầy của chương 11 tin lành Luca, chứng cớ là như nhau cho mọi người đều nhìn thấy: Chúa Jêsus đã đuổi con quỉ ra khỏi một người, một con quỉ đã khiến cho người nầy phải bị câm. Hết thảy những ai chứng kiến sự cố nầy đều kết luận rằng một phép lạ lớn lao đã được làm ra, nhưng từ điểm nầy trở đi có một sự khác biệt rất lớn trong dư luận. Đoàn dân đông đã lấy làm lạ khi nhìn thấy phép lạ đó, có mấy người trong đám đông (theo Mathiơ, thì họ là người Pharisi, Mathiơ 12.24); Mác cũng cho chúng ta biết rằng họ là những thầy dạy luật đến từ thành Giêrusalem (Mác 3.22), họ kết luận rằng Chúa Jêsus đã làm phép lạ nầy: là nhờ vào quyền phép của Bêênxêbun. Những người khác thì không đưa ra quyết định, hay ít nhất họ rất bàng quang, và xin “một dấu lạ từ trời xuống” (Luca 11.16). Và vẫn có nhiều người khác nữa, giống như người đờn bà cất tiếng hô lên từ đám đông, không màng tới vấn nạn đặc biệt của phép lạ nữa (Luca 11.27).
Trên cơ sở của phân đoạn Kinh Thánh nầy, tôi rất nhất trí với người nào cho rằng “bạn có thể chứng minh bất cứ điều chi bạn muốn từ Kinh Thánh”. Nói như vậy không có ý nói rằng thật là khó cho Cơ đốc nhân tìm gặp giải đáp trong Kinh Thánh để nắm bắt với lòng tin quyết được. Mặc dù vậy, cần phải nói rằng có nhiều người xem xét chứng cớ trong Kinh Thánh, thì họ lại bỏ sót mục tiêu. Nét đẹp của phân đoạn Kinh Thánh nầy không những nó tỏ ra cho chúng ta thấy con người có thể lạc mất lẽ thật, song nó còn tỏ ra cho chúng ta thấy lý do tại sao họ lại lạc mất như thế. Đây là một phân đoạn Kinh Thánh có tầm quan trọng rất lớn cho hết thảy những ai chịu tìm kiếm để nhìn biết lẽ thật, để đến với nhận định mà chứng cớ trong Kinh Thánh đang dẫn dắt chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe cho rõ mọi lời lẽ trong phân đoạn nầy, vì khi lắng nghe kỹ như vậy mới có thể giữ chúng ta không bị trôi lạc, và nó sẽ giúp cho chúng ta hiểu biết và giúp đỡ cho người nào đã lạc dấu quan điểm của Lời Đức Chúa Trời.
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Tôi tóm tắt cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh theo cách nầy:
Bối cảnh: Những đáp ứng khác nhau đối với việc Chúa Jêsus đuổi quỉ – các câu 14-16
Phản ứng của Chúa Jêsus:
A. Trước lời cáo buộc Bêêxêbun – các câu 17-23
Ai tự đánh nhau? – các câu 17-20
Ai đánh người mạnh hơn mình? – các câu 21-23
B. Đối với những người cố gắng giữ trung lập – các câu 24-26
C. Người đờn bà không màng tới ý nghĩa của phép lạ nầy – các câu 27-28
D. Đối với những người đòi chứng minh thêm bằng cách tìm kiếm một dấu lạ – các câu 29-32
3. Vấn nạn thực: Không phải là chứng cớ, mà là mắt thấy – các câu 33-36
Chứng cớ và các nhận định (11.14-16)
Ở một thời điểm trong chức vụ của Chúa Jêsus, Ngài đã đuổi quỉ ra khỏi người nầy, một con quỉ đã khiến cho người ta phải bị câm không nói được. Bằng chứng một phép lạ đã diễn ra ngay trước mắt vì người nầy bắt đầu nói được lần đầu tiên kể từ lúc người bị quỉ ám. Lời lẽ của người nầy đã tạo ra một cái chạm tức thì trên những ai chứng kiến phép lạ. Đoàn dân đông, Luca cho chúng ta biết, đã lấy làm lạ, là điều dường như cho chúng ta biết họ đã tin Chúa Jêsus đã làm ra phép lạ nầy là nhờ vào quyền phép của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, có một số người lại không xét nét theo cách nầy. Số người nầy, dù thừa nhận phép lạ đã diễn ra, song lại gán cho quyền phép của Bêênxêbun, nghĩa là cho Satan, mà không gán cho Đức Chúa Trời. Họ đã công nhận phép lạ song lại ngần ngại không dám kết luận giống như số người thừa nhận là quyền phép của Đức Chúa Trời đang tác động trong và qua các môn đồ của Chúa Jêsus, như đã được Luca ghi lại trong sách Công vụ Các Sứ đồ :
“rằng: Chúng ta xử với hai người nầy làm sao? Vì cả dân thành Giê-ru-sa-lem đều biết rõ thật họ đã làm ra một phép lạ sờ sờ; chúng ta chối không nổi” (Công vụ Các Sứ đồ 4.16).
Trong câu chuyện của Mác họ đã đi xa hơn khi tố cáo Chúa Jêsus đang bị quỉ Bêênxêbun ám (Mác 3.22), giống như họ cũng tố cáo Giăng Báptít vậy (Luca 7.33).
Nhiều người khác thì chịu khó đứng suy nghĩ. Họ không bằng lòng nhìn nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời, cũng không bằng lòng chối bỏ điều ấy, vì thế họ tố cáo Chúa Jêsus đang hành động bằng quyền phép của Satan. Họ suy nghĩ trong lòng, lý trí cởi mở và bằng lòng đưa ra nhận định. Thế nhưng họ cũng tin rằng họ chưa nhìn thấy đầy đủ chứng cớ để đi tới một kết luận tối hậu, rồi vì thế họ đã xin “một dấu lạ từ trời xuống”.
(Chỉ một mình) Luca nói cho chúng ta biết người ta đã xin một dấu lạ từ trời xuống, đây là điều rất quan trọng. Tôi cho “dấu lạ từ trời xuống” nầy là dấu lạ phải liên kết rõ ràng với lời tiên tri của Giôên, chứng tỏ rằng “Nước của Đức Chúa Trời” đang đến gần.
“Ta sẽ tỏ những sự lạ ra trong các từng trời và trên đất: tức là máu lửa, và những trụ khói. Mặt trời sẽ đổi ra tối tăm, mặt trăng ra máu, trước khi ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va chưa đến” (Giôên 2.30-31).
Ngay chính Giăng Báptít dường như chưa thoả lòng với lời lẽ và việc làm của Chúa Jêsus, và ông muốn có thêm chứng cớ tích cực hơn cho thấy Ngài chính là Đấng Mêsi (Luca 7.20-23). Chúa Jêsus không bằng lòng cung ứng cho Giăng bất kỳ một chứng cớ nào khác hơn chứng cớ về sự dạy và lời phán của Ngài. Chẳng có một dấu lạ nào từ trời xuống cho Giăng thấy nữa. Quý vị sẽ nhớ lại trong khi đóng đinh Chúa chúng ta trên thập tự giá đã có dấu lạ tối tăm ở trên trời, dấu lạ nầy đã làm chứng cho thần tính của Chúa Jêsus và làm cho nhiều người phải bắt sợ hãi (Luca 24.44-45; đối chiếu Mathiơ 27.54). Chúa Jêsus cũng dạy rằng sẽ có nhiều dấu lạ ở trên trời nói trước về sự đến lần thứ hai của Ngài (Luca 21.25-28), và các dấu lạ ở trên trời nầy cũng liên kết với sự giáng lâm của Đức Thánh Linh trong Công vụ Các Sứ đồ 2. Khi Phierơ trưng dẫn một đoạn trong chương thứ hai lời tiên tri của Giôên, lời tiên tri nói tới các dấu lạ từ trời. Nhưng Chúa Jêsus không cung ứng các dấu lạ nầy ở đây, vì đây là lần đến thứ nhất của Ngài, khi Ngài đến đặng giải cứu loài người, chớ không phải để xét đoán họ.
Chúa Jêsus thách thức lời tố cáo về Bêênxêbun (11.17-20)
Trong các câu 17-32 Chúa Jêsus đã thách thức các nhận định khác nhau của đám đông được tóm tắt lại trong mấy câu 14-16. Trước tiên Ngài nhắm vào lời tố cáo Ngài đã giải phóng kẻ bị quỉ ám khỏi quyền phép của Satan nhờ vào quyền phép của Satan. Với một loạt phản kích thật năng nổ, Chúa Jêsus đã chỉ ra cho người ta thấy phải coi chừng lối lý luận của những kẻ vu cáo Ngài là tôi tớ của Satan. Trong hai phân đoạn (các câu 17-20, và các câu 21-23) Ngài chỉ ra sự sai lầm trong lối suy nghĩ của họ. Mỗi phân đoạn đều kết thúc với một lời cáo buộc (các câu 20, 23).
Satan không tự bắn vào chân mình (các câu 17-20)
Lối lý luận của các đối thủ của Ngài thật là rõ ràng. Họ phải thừa nhận rằng Chúa Jêsus đã làm ra một phép lạ. Một con quỉ vừa bị đuổi ra. Họ sẽ không nhìn nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi, Con Đức Chúa Trời đâu. Họ đang gán quyền phép của Ngài cho ai, cho cái gì vậy? Nếu Ngài giải cứu một người thoát khỏi cái nắm bắt của Satan, có lẽ Ngài đã làm thế nhờ vào quyền phép của Satan! Đây là cách giải thích chỉ dựa theo “lý trí” mà kẻ thù của Ngài có đối với quyền phép của Chúa Jêsus: nghĩa là Chúa Jêsus đang hành động bằng quyền phép của Bêênxêbun, trong quyền phép của Satan.
Phản ứng của Chúa Jêsus tỏ ra kết luận ấy dại dột là ngần nào. Kết luận ấy cho thấy giống như Chúa Jêsus đã phán: “Ai lại bằng lòng tự bắn vào chân của mình chứ”, Satan sẽ không tự làm hại hắn đâu, có phải không? Tại sao họ lại dại dột đến nỗi nghĩ Chúa Jêsus đang tấn công nước của Satan (bằng cách đuổi quỉ) bằng sự tán thưởng và quyền phép của Satan chứ? Bất kỳ nước nào tự đánh mình thì sụp đổ ngay. Satan không muốn tự đánh mình đâu! Các đối thủ của Chúa Jêsus thật là dại dột khi đưa ra một lời tố cáo như thế nghịch cùng Ngài. Không những lời tố cáo ấy là giả dối, mà nó chẳng hợp lý nữa.
Chúa Jêsus đáp trả không phải chỉ bấy nhiêu đấy thôi đâu! Mà còn nhiều nữa. Nếu quyền phép đuổi quỉ được gán cho Satan, thì con cái của chính những kẻ nghịch lại Chúa Jêsus đó, chúng sẽ nhờ quyền phép của ai để trừ quỉ chứ? Chúng ta nhìn thấy từ các phân đoạn như Mathiơ 7.22, Luca 9.49-50, và Công vụ Các Sứ đồ 19.13-16 có một số người Do thái đang đuổi quỉ, một số trong đó là những người không tin Chúa (Mathiơ 7.22), song hết thảy đều nhơn danh Chúa Jêsus. Nếu con cái của những kẻ nghịch Chúa Jêsus đều được nhơn danh Chúa Jêsus để đuổi quỉ ám, thì mấy người nầy có bằng lòng gán quyền phép ấy cho Satan hay không? Chúa Jêsus nhấn mạnh trường hợp của họ sâu sắc hơn là vấn đề họ đưa ra, đó là kết luận hợp lý cho sự bàn bạc.
Chúa Jêsus đang phán trong lời biện hộ của Ngài, nhưng trong câu 20 Ngài đưa ra lời công kích:
“Nhưng nếu ta cậy ngón tay Đức Chúa Trời mà trừ quỉ, thì nước Đức Chúa Trời đã đến nơi các ngươi rồi”.
Chúa Jêsus đã khảo sát kỹ lưỡng lối lý luận của họ (lối lý luận ấy là sai), và Ngài đã nhấn mạnh chỗ sai đó bằng lối kết luận rất khó trả lời (con cái của họ cũng đang thực thi bởi quyền phép của Satan, vì họ cũng đang đuổi quỉ). Giờ đây, Ngài đưa ra thêm một phản kích thật hợp lý cho họ thấy: Nếu họ sai và Ngài đang thực thi bằng quyền phép của Đức Chúa Trời, thì họ phải thừa nhận nước của Đức Chúa Trời đã đến và Chúa Jêsus chính là Vua. Đây mới đúng là việc họ khiếp sợ nhất, và Chúa Jêsus vừa mới nhắc cho họ nhớ tới điều hợp lý nhất phải kết luận, ấy là: Chúa Jêsus là Vua, đối với Ngài họ đã từ chối không chịu tiếp nhận.
Chỉ có một quyền phép cao cả hơn Satan mới rứt được sự ám của hắn ra khỏi người ta (11.21-23)
Phần bàn luận thứ hai của Chúa Jêsus thì cũng mạnh mẽ như phần bàn luận thứ nhất. Không những các đối thủ của Chúa Jêsus là sai khi gán quyền phép của Ngài cho Satan vì Satan sẽ không tự tấn công mình, họ cũng sai khi Đấng tấn công Satan phải là Đấng mạnh sức hơn. Chúa Jêsus đã sánh sự giải cứu của Ngài cho kẻ bị quỉ ám với sự cướp bóc của kẻ mạnh sức (đối chiếu Êsai 49.24-26). Không một ai lấy đi của cải của người mạnh sức mà không trước hết mạnh sức hơn người ấy. Người mạnh sức trước tiên phải áp đảo, chế ngự, rồi tước khí giới, và sau cùng trói người kia lại, rồi mới phân phát sạch của cải được.
Theo cách luận suy nầy, Satan là người mạnh sức và “của cải” của hắn là người bị quỉ ám kia, và Chúa Jêsus là Đấng có quyền phép cao cường hơn, Ngài lấy đi kẻ mà hắn đang ám. Chúa Jêsus đang nói rằng Ngài phải mạnh sức hơn Satan trước khi Ngài giải cứu kẻ mà hắn đã ám trước kia. Những kẻ thù nghịch Ngài từ chối không chịu nhìn nhận Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời hoặc quyền phép của Ngài chính là quyền phép của Đức Chúa Trời, và cách lý luận một lần nữa đẩy họ vào phần kết luận nầy. Để giải cứu những người nam người nữ ra khỏi sự ám của ma quỉ, Chúa Jêsus phải cao cả hơn Satan. Gán quyền phép của Ngài cho Satan là dại dột. Suy nghĩ Ngài không cao cả hơn Satan cũng là dại dột lắm. Nếu chứng cớ được giải thích theo lối lý luận hợp lý, chứng cớ sẽ chỉ ra Chúa Jêsus chính là Đấng Mêsi.
Chúa Jêsus giờ đây chống lại lối suy luận của những kẻ chỉ trích Ngài bằng lời cáo buộc khác. Không những Satan là kẻ thù của Chúa Jêsus, không những mấy kẻ chống nghịch Ngài (là những người gán quyền phép của Ngài cho Satan) là kẻ thù của Ngài, mà còn là hết thảy những ai không thâu hiệp với Ngài nữa. Câu 23 đang nói rằng người nào tiêu cực với Chúa Jêsus đều là kẻ thù của Ngài, cũng một thể ấy cho những ai trung lập nữa. Các câu 24-32 nhắc tới những người đáp ứng cách tiêu cực đối với Chúa Jêsus, mà không đáp ứng ngay với Ngài như một sự nhận định đúng đắn mà chứng cớ đòi hỏi.
Trung lập đối với Chúa Jêsus là chìu theo sự tái ám của ma quỉ (11.24-26)
Trong bóng đá, đứng thế trung lập là một sự bực bội. Trong cuộc sống, dường như có nhiều người nghĩ rằng trung lập là một ưu điểm. Trong Kinh Thánh, trung lập đối với thân vị của Đấng Christ là xúc phạm đối với Đức Chúa Trời. Trong các câu 24-26, Luca cho độc giả của mình biết trung lập đối với Chúa Jêsus cũng là một sự nguy hiểm.
Chúa Jêsus thuật lại một câu chuyện khác. Tà ma đã bị trục xuất ra khỏi một người rồi. Con quỉ đó đi dông dài các nơi khô khan để tìm chỗ nghỉ. Sau cùng con quỉ kết luận rằng chỗ ở trước đó của nó là một nơi đầy đủ tiện nghi hơn chỗ ở khô khan bây giờ mà nó đang trú ngụ, và vì vậy nó mới trở lại chỗ ở trước, song cùng với nhiều quỉ dữ hơn. Sau cùng, tình trạng còn tệ hại hơn phen trước đó nữa, Chúa Jêsus dạy như thế.
Nếu Chúa Jêsus có sức mạnh hơn cả Satan, như phần luận lẽ sau cùng mà Ngài mới tỏ ra, con người không có khả năng tự mình đề kháng lại Satan đâu. Người kia bị một tà ma ám, Chúa Jêsus phán, người có thể bị ám lại. Quyền phép có thể giữ ma quỉ không ám vào một người là quyền phép của Đấng có khả năng giải phóng người ấy trong chỗ thứ nhất. Chúa Jêsus đang cảnh cáo người nào đang ra sức giữ sự trung lập, là người không chạy đến tiếp nhận Ngài là Đấng Mêsi của họ và tuân giữ các điều răn của Ngài, trung lập đối với Đấng Mêsi là chìu theo các thế lực thù nghịch của Satan. Con người khi không bị quỉ ám chẳng có phước hạnh gì nếu người ấy không có thân vị của Đức Chúa Trời ngự bên trong. Giống như người kia không có khả năng tự giải thoát tình trạng bị quỉ ám vào, người ấy cũng không thể ngăn không cho con quỉ ấy quay trở lại. Người ta không những phải tin Chúa Jêsus là Đấng Mêsi, mà Ngài còn phải được tiếp nhận vào trong đời sống của một người, e Satan sẽ trở lại với một thế lực lớn lao hơn.
Trung lập đối với thân vị của Chúa Jêsus không phải là ưu điểm đâu, đó là một tội ác, và quả thực trung lập là dính dáng với Satan, và trung lập dẫn tới một tình trạng sau đó còn tệ hại hơn tình trạng trước kia nữa. Và người nào gán quyền phép của Chúa Jêsus cho Satan là kẻ thù của Ngài, họ đang sống trong nguy hiểm! Cũng một thể ấy cho người nào nghĩ họ có thể giữ tình trạng trung lập đối với Ngài, vì người nào không thâu hiệp với Ngài đều là chống nghịch Ngài (câu 23).
Lời ngợi khen của một người mẹ (11.27-28)
Có người chống đối Chúa Jêsus, phải chăng có người vẫn giữ im lặng? Có một người đờn bà cất tiếng lên nói, những lời lẽ của bà nầy, nơi bề mặt, là những lời khen ngợi, song thiếu mất những điều làm cho Cứu Chúa vui lòng. Người đờn bà nầy dường như đã công nhận quyền phép và sự cao trọng của Chúa Jêsus, song lời ngợi khen của bà ta không phải là dành cho Chúa Jêsus, mà là cho Mẹ của Ngài. Bà ta thưa rằng:
“Phước cho dạ đã mang Ngài và vú đã cho Ngài bú!” (câu 27, phần nhấn mạnh là của tôi).
Khi sánh với thái độ thù nghịch của một số người nầy và thái độ trung lập của nhiều người khác, lời lẽ nầy dường như ấm áp và đáng hoan nghênh đối với chúng ta, song phản ứng của Chúa Jêsus lại mang tích cách của sự điều chỉnh. Ngài nhẹ nhàng điều chỉnh lại, như Kinh Thánh đã ghi chép, Ngài không cho phép lời lẽ của người đờn bà nầy đứng vững mà không có sự thách thức. Tiêu điểm của người đờn bà nầy đặt ngay trên mẹ của Chúa Jêsus, và ơn phước của người trong việc mang nặng và nuôi nấng Ngài. Điều nầy là sự thật, vì Mary quả thực rất được phước về việc nầy (Luca 1.28, 42, 46-49). Tuy nhiên, tiêu điểm của người đờn bà là sai. Lời khen ngợi của bà dường như càng nhắm vào Mary hơn là nhắm vào Đấng Mêsi, nhìn thấy một phước hạnh lớn lao hơn trong chức năng làm mẹ (dạ mang và cho Chúa Jêsus bú) hơn là chức năng môn đồ (vâng theo Chúa Jêsus).
Tại sao quý vị nghĩ rằng người đờn bà nầy đã nhìn thấy trong việc dạ mang và cho Chúa Jêsus bú là có phước chứ? Theo ý của tôi (tôi không muốn cứ theo điều đã chép ở đây mà bỏ qua điều không được chép) thì người đờn bà nầy đã chú trọng vào Chúa Jêsus quá nhiều theo quan điểm của người phụ nữ. Bà ta xem xét Chúa Jêsus trong vai trò một phụ nữ, chớ không xem xét Ngài trong vai trò một môn đồ. Đối với bà ta, cũng như đa số giới nữ trong thời đó, vai trò của phụ nữ và đóng góp của họ là qua việc nuôi dạy con cái (đặc biệt là con trai). Tầm quan trọng của người nữ nầy là dạ mang và cho con bú, và vì thế bà ta chỉ nghĩ tới Chúa Jêsus là một con trẻ cùng tình trạng phước hạnh của việc làm mẹ đứa trẻ đó. Trong khi người đờn bà nầy đã đi một bước xa hơn các kẻ thù nghịch Chúa Jêsus và những kẻ trung lập, bà ta chưa đi xa đủ. Nếu Chúa Jêsus đúng là điều mà chứng cớ công bố ra, thì người đờn bà nầy đáng phải tập trung vào việc tuân theo lời của Đấng Christ, chớ không tập trung vào các ơn phước của việc làm mẹ Đấng Christ.
Vâng theo Chúa Jêsus là một trong các lẽ đạo chính của các sách tin lành, một trong những yếu tố cơ bản của chức năng môn đồ. Đức Chúa Cha đã phán điều đó trên Núi Hóa Hình:
“Nầy là Con ta, Người được lựa chọn của Ta, hãy nghe Người” (Luca 9.35).
Trong tin lành Giăng, vấn đề vâng phục (hay không muốn vâng phục) rõ ràng được kết với lời tố cáo Chúa Jêsus là người bị quỉ ám:
“Nhân những lời đó, người Giu-đa lại chia phe ra nữa. Phần nhiều trong đám họ nói rằng: Người bị quỉ ám, người là điên; sao các ngươi nghe làm chi? Kẻ khác nói rằng: Ấy đó chẳng phải là lời nói của một kẻ bị quỉ ám. Quỉ há có thể mở mắt kẻ mù được sao?” (Giăng 10.19-21).
Vấn nạn thực sự nơi những kẻ chối bỏ Chúa Jêsus và những người gán quyền phép của Ngài cho Satan: ấy là vấn đề vâng theo Ngài. Khi xem đây là vấn đề, họ đã đúng. Trong việc chối bỏ Chúa Jêsus là Đấng Mêsi, là Con Đức Chúa Trời, họ đã sai.
Người đờn bà cũng đã sai luôn. Bà ta không giải thích đúng phần chứng cớ. Bà ta đã nhìn thấy Chúa Jêsus là cao trọng và mẹ của Ngài là có phước, thế nhưng bà ta không nhìn thấy Chúa Jêsus là Đấng đáng tiếp nhận và đáng đi theo bằng cách vâng theo các mạng lệnh của Ngài, chúng ta thường nhìn xem Chúa Jêsus qua toàn bộ các nhu cần và ao ước cùng quan điểm hẹp hòi của chúng ta về tầm quan trọng.
Tội tìm kiếm dấu lạ (11.29-32)
Đã có một số người trong đám đông, họ từ chối không chịu đến với một nhận định, họ không muốn tiến tới bất kỳ một kết luận nào về Chúa Jêsus là ai!?! Lý do của họ có khác nhau, mặc dù tôi không thể làm chi khác hơn là nghĩ tới hai yếu tố đang đè nặng trên vấn đề nầy:
Thứ nhất, tôi e rằng sự chống đối mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo tôn giáo người Do thái đối với Chúa Jêsus đã đặt áp lực trên người khác chớ không nghiêng về phía Ngài. Dường như sự chống đối thẳng thừng và cơ bản nhất đối với Chúa Jêsus là đến từ các cấp lãnh đạo tôn giáo của dân Israel. Những câu chuyện tương ứng trong Mathiơ và Mác cả hai đều cho chúng ta thấy rằng “lời tố cáo Bêênxêbun” đều xuất phát từ các cấp lãnh đạo tôn giáo. Đối với những người công khai nhìn nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi và chịu theo Ngài thì phải gánh chịu cơn thạnh nộ của chính các cấp lãnh đạo nầy (so sánh với Giăng 9.4). Rõ ràng là những ai đang ra sức giữ thái độ trung lập đều bị tác động, ít nhất là bởi ước muốn không nên đối lập với các nhà lãnh đạo của họ.
Thứ hai, có nhiều người không muốn tiến tới bất kỳ một quyết định khả thi nào về Chúa Jêsus thích ứng với sự hiểu biết của họ về mọi hàm ý trong một quyết định như vậy. Công nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của Israel có nghĩa là, như Chúa Jêsus đã phán với người đờn bà phấn khởi kia, là ai nấy phải lắng nghe rồi vâng theo Lời của Ngài. Nếu Chúa Jêsus là Đấng Mêsi thì người ta phải theo Ngài, và như thế có nghĩa là phải “vác lấy thập tự giá”. Chúa Jêsus không phải là loại Mêsi mà hầu hết ai nấy đều trông đợi đâu, vì vậy tiếp nhận Ngài là Đấng Mêsi có nghĩa là thay đổi kỳ vọng của một người từ thịnh vượng sang bắt bớ. Giá phải trả thì rất cao, cho nên người ta phải hoãn lại phần quyết định.
Vẻ đẹp của lập trường nầy: ấy là lập trường đó có một bầu không khí rất đứng đắn. Có người nghĩ đây là tư thế khôn khéo nhất cần phải nắm lấy. Rốt lại, tại sao có người đến với một kết luận quá vội vàng? Dường như có đủ bằng chứng cho cả hai bên rồi mà. Các cấp lãnh đạo tôn giáo đều chống đối Chúa Jêsus. Mặt khác, có người thành kính đi theo Ngài. Tại sao không “dậm chân tại chỗ” rồi nhìn xem mọi việc xảy ra như thế nào? Tốt hơn hết, tại sao không đẩy Chúa Jêsus vào mục tiêu, bằng cách đòi hỏi Ngài làm ra một dấu lạ từ trời xuống? Nếu Ngài là Đấng Mêsi, hãy để Ngài làm phép lạ ấy mà đừng tranh cãi chi hết? Sau cùng, đây là “phương pháp có tính cách khoa học”, có phải không? Sao không rút lại quyết định cho tới chừng sự thật lộ ra?
Chúa Jêsus có lời lẽ rất mạnh đối với những ai xin Ngài làm một dấu lạ xuống từ trời. Lời lẽ của Ngài cho chúng ta thấy đây là bằng chứng rõ ràng dòng dõi Israel nầy là dòng dõi độc ác, và “niềm tin” của hai người trong Cựu Ước đã làm cho họ phải xấu hổ. Dân chúng thành Ninive đã tiếp nhận “dấu lạ Giôna” và ăn năn, và Nữ hoàng Nam phương đã tin theo các báo cáo nói về sự khôn ngoan của Vua Solomon. Về điều nầy, họ sẽ làm chứng nghịch lại dòng dõi nầy vì họ đã vô tín trong ngày phán xét.
Có hai việc khiến tôi phải lưu ý về cách Chúa chúng ta sử dụng người thành Ninive và Nữ Hoàng Nam phương. Thứ nhất, cả hai đều là dân Ngoại, và họ, vì cớ niềm tin của mình, sẽ xét đoán sự vô tín của dòng dõi Israel nầy. Thứ hai, cả hai nhân vật nầy đều tin với ít chứng cớ hơn bằng chứng mà dòng dõi nầy đã trông thấy. Người thành Ninive đã ăn năn khi Giôna rao giảng, chúng ta đã thấy sự kiện nầy đã được ghi lại trong sách Giôna chỉ qua một câu rất ngắn: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninive sẽ bị đổ xuống” [3.4b]. Một câu nói như thế chẳng có chứng cớ gì nhiều! Rồi từ mọi điều chúng ta biết về Giôna, ông đã nói ra những lời lẽ nầy theo một phương thức chẳng có ý thuyết phục hoặc làm biến đổi dân sự thành nầy. Thế nhưng người dân thành Ninive đã tin. Nữ Hoàng Nam phương cũng đã tin vào sự khôn ngoan của Vua Solomon khi bà nghe thấy những lời nói của ông.
Để làm cho vấn đề ra khác một chút, NIỀM TIN MÀ ĐỨC CHÚA TRỜI ƯA THÍCH DỰA THEO LỜI LẼ ĐƯỢC CẢM THÚC, HƠN LÀ DỰA THEO CÁC VIỆC LÀM.
Mọi đáp ứng của toàn thể dân sự nầy trong vòng đám đông đã chứng kiến sự Chúa Jêsus giải cứu người bị quỉ ám rất khác nhau, song kết quả sau cùng và nan đề y như nhau trong từng trường hợp: họ không chịu tin Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của họ. Và sự không tin nầy đã bắt rễ từ sự họ chối bỏ lời dạy của Chúa Jêsus, điều nầy dẫn họ tới sự giải thích sai mọi việc làm của Ngài.
Nan đề lớn lao trong việc tìm kiếm dấu lạ: ấy là nghe thấy lời lẽ của Đức Chúa Trời cũng chưa phải là đủ, vì thế mới đòi hỏi một chuỗi liên tục những việc kỳ dấu lạ. Người Do thái xưa kia luôn luôn “đặt Đức Chúa Trời vào thử nghiệm” bằng cách không tin lời dạy của Ngài, mà cứ khăng khăng đòi cho có thêm nhiều việc kỳ dấu lạ nữa. Những thử nghiệm mà Satan đặt vào Chúa chúng ta tất cả đều được dự trù để buộc Chúa Jêsus phải thực thi một việc làm nào đó, trong một hành động không tin vào Lời của Đức Chúa Trời, đối với thử nghiệm nầy Chúa Jêsus luôn luôn đáp ứng bằng Lời của Đức Chúa Trời. Trong Hêbơrơ, chương 11, giống như ở những chỗ khác, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng đức tin không đặt nền vào những gì trông thấy được (việc làm), mà vào những gì không thấy được (Lời của Đức Chúa Trời). Những vị anh hùng được liệt kê ra trong “đại sảnh đức tin” nầy ở sách Hêbơrơ tất cả đều cho thấy họ đều sống bởi đức tin, họ tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời, mặc dù họ chưa nhìn thấy điều đã được hứa cho mình.
Người nào tự nghĩ mình là khôn ngoan bằng cách giữ thái độ trung lập sẽ bị Lời mạnh mẽ của Chúa chúng ta ở đây coi là khiếm khuyết. Ngài dạy cho họ biết rằng trung lập chính là thù nghịch, và trung lập cũng rất là nguy hiểm (chìu theo Stan, và bị xét đoán trong ngày phán xét). Việc đuổi quỉ của Chúa sẽ được lời lẽ của Chúa Jêsus giải thích, bởi sự dạy của Ngài. Giăng Báptít đã nhìn nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi đã được hứa cho. Vì thế Chúa Jêsus cũng tự xác định chính mình y như vậy. Thất bại không nhìn thấy việc làm nầy là việc làm của Đấng Mêsi chỉ là hậu quả của sự chối bỏ Lời Ngài. Ấy không phải bằng chứng là ít ỏi quá (vì người dân thành Ninive và Nữ Hoàng Nam phương đã đáp ứng với bằng chứng ít ỏi y như thế), mà là sự vô tín của họ quá lớn.
Mối quan hệ giữa lời lẽ của Chúa Jêsus và việc làm của Ngài có thể được thấy xuyên suốt các sách tin lành. Trong sách tin lành Giăng, “các dấu lạ” chắc chắn đã được chọn lọc, nhưng tầm quan trọng của mỗi dấu lạ đã được lời dạy của Chúa Jêsus xác định. Sự Chúa Jêsus chữa lành người mù đã được giải thích theo từ ngữ cho Ngài chính là: “sự sáng của thế gian” (Giăng 9). Sự Chúa Jêsus làm cho Laxarơ sống lại đã được lý giải theo từ ngữ cho Ngài là “sự sống lại và sự sống” (Giăng 11).
Dân chúng cứ khăng khăng trong việc muốn có thêm những việc kỳ từ phía Chúa Jêsus, đang khi không muốn nghe lời lẽ của Ngài. Khi Chúa Jêsus cho 5.000 người ăn, dân chúng muốn ăn bánh nầy luôn từ thời điểm đó trở đi, và họ muốn ép Ngài làm Vua của họ (Giăng 6.15). Song khi Chúa Jêsus phán về việc ăn thịt và uống huyết Ngài, dân chúng không thể đứng đấy để nghe lời dạy của Ngài, họ bèn lìa khỏi Ngài (Giăng 6.60). Khi các môn đồ bị Ngài hỏi họ có muốn đi như mấy người kia không!?! Họ đã đáp trả theo các giới hạn lời dạy của Chúa Jêsus, mà không theo các việc làm của Ngài:
“Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời” (Giăng 6.68).
Trong Luca chương 16 Chúa Jêsus đã thuật lại câu chuyện nói về người nhà giàu và Laxarơ. Khi người nhà giàu nài xin cho có ai đó đến với gia đình của ông ta, để cảnh cáo họ về sự phán xét hầu đến, “Tổ Ápraham” đã đáp rằng người thân của ông ta đã có “Môise cùng các vị Tiên Tri”, là Lời của Đức Chúa Trời rồi, Kinh Thánh chép y như vậy, để cảnh cáo họ. Ông còn nói thêm rằng nếu họ không chấp nhận lời dạy nầy, sự trở lại của một người từ kẻ chết (một phép lạ, một dấu kỳ) sẽ không làm cho họ tin đâu. Nói cách khác, con người cứ khăng khăng là Đức Chúa Trời làm ra nhiều việc kỳ, dấu lạ, khi họ từ chối không chịu tin theo lời dạy của Ngài. Tìm kiếm các dấu lạ không phải là bằng chứng của đức tin, nhưng là bằng chứng của sự vô tín.
Nan đề thực: không phải bằng chứng, mà là mắt thấy (11.33-36)
Trong phần cuối của phân đoạn nầy, Chúa Jêsus vạch ra nan đề thực nằm dưới tất cả sự giải thích không đúng:
“Không ai thắp đèn mà để chỗ khuất hay là dưới thùng, nhưng để trên chân đèn, hầu cho kẻ vào được thấy sáng. Mắt là đèn của thân thể; nếu mắt ngươi sõi sàng, cả thân thể ngươi được sáng láng; song nếu mắt ngươi xấu, thân thể ngươi phải tối tăm. Ấy vậy, hãy coi chừng kẻo sự sáng trong mình ngươi hóa ra sự tối chăng. Nếu cả thân thể ngươi sáng láng, không có phần nào tối tăm, thì sẽ được sáng hết thảy, cũng như khi có cái đèn soi sáng cho ngươi vậy” (Luca 11.33-36).
Trong câu 33 Chúa Jêsus nói rằng mục đích của ngọn đèn là soi sáng, và vì thế người ta phải đem ngọn đèn đặt trên một nơi cao ráo. Tôi hiểu Ngài muốn nói rằng Ngài đã đến như một ngọn đèn của thế gian, Ngài đã đến để soi sáng mọi người (Luca 1.79; Giăng 1.4-18, 9.1…). Khi Ngài đến để soi sáng cho nhân loại, Ngài không phán dạy hay làm trong chỗ kín nhiệm, mà là công khai. Sự sáng của Ngài, như đã chép, soi sáng cho mọi người. Thế hệ của Ngài sẽ không bị hư mất vì thiếu sự sáng.
Theo văn mạch của phân đoạn nầy chúng ta phải trình bày phân đoạn đó theo cách nầy: Khi Chúa Jêsus đã đến để làm biến đổi con người, chứng cớ của Ngài thì có rất nhiều và công khai. Bằng chứng rất rõ ràng. Thực thế, không một ai dám chối các phép lạ mà Chúa Jêsus đã làm. Trong phân đoạn nầy, không ai dám chối rằng Ngài đã đuổi một con quỉ ra khỏi người câm kia. Tuy nhiên, mỗi người đều thất bại không đạt tới một kết luận đúng với chứng cớ nầy. Họ đã đi tới một nhận định sai. Bằng chứng không thuyết phục hay biến đổi con người. Lý do tại sao là như vậy thì được thấy qua những câu kế tiếp. Chúng nói cho chúng ta biết nan đề không phải với bằng chứng mà Chúa Jêsus đã tạo ra, mà với những đôi mắt đã nhìn thấy bằng chứng đó.
Con mắt, Chúa Jêsus phán, là cửa ngõ toàn bộ tâm hồn của con người, toàn thân thể của người. Nếu con mắt ra tốt, nếu nó sõi sàng, toàn thân thể đều được sáng láng. Nếu con mắt có khuyết điểm, nếu nó xu hướng vào chỗ ít có sự sáng, thì thân thể sẽ tối tăm ngay. Chuyển từ biểu tượng sang bản chất của sự bàn bạc nầy, Chúa Jêsus phán rằng hễ ai thất bại không giải thích được bằng chứng của phép lạ nầy khi chúng đã được làm ra vì cớ họ không đủ khả năng để “thấy” sự thật, chớ không phải vì bất kỳ một sai sót nào nơi bằng chứng.
Khi tôi xem qua Kinh Thánh, tôi thấy phần suy luận về con mắt thường được sử dụng cho sự cảm nhận lẽ thật của một người, cho sự thấy của một người:
“bèn nói lời ca mình mà rằng: Lời ca của Ba-la-am, con trai Bê-ô, Lời ca của người có mắt mở ra… Người bèn nói lời ca mình mà rằng: Lời ca của Ba-la-am, con trai Bê-ô, Lời ca của người có mắt mở ra” (Dân số ký 24.3, 15).
“Ngươi chớ làm dịch sự chánh trực, chớ thiên vị ai, cũng chẳng nên nhận của hối lộ; vì của hối lộ làm cho mù mắt kẻ khôn ngoan, và làm rối lời của người công bình” (Phục truyền luật lệ ký 16.19).
“Vậy, ta đây; hãy làm chứng về ta tại trước mặt Đức Giê-hô-va và trước kẻ chịu xức dầu Ngài. Ta có bắt bò ai chăng? Bắt lừa ai chăng? Ta có lừa dối ai chăng? Hành hung cùng ai chăng? [Ta có nhận của hối lộ nơi tay ai đặng vì nó mà nhắm mắt ta chăng?] Ví bằng có làm vậy, ắt ta sẽ trả lại cho các ngươi” (I Samuên 12.3).
“Giềng mối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng; Điều răn của Đức Giê-hô-va trong sạch, làm cho mắt sáng sủa” (Thi thiên 19.8).
“Vì nó tự khoe mình rằng tội ác mình sẽ chẳng lộ ra, và sẽ không bị ghét” (Thi thiên 36.2).
“Xin Chúa mở mắt tôi, để tôi thấy Sự lạ lùng trong luật pháp của Chúa” (Thi thiên 119.18).
“Chớ khôn ngoan theo mắt mình; Hãy kính sợ Đức Giê-hô-va, và lìa khỏi sự ác” (Châm ngôn 3.7).
“Hãy làm cho dân ấy béo lòng, nặng tai, nhắm mắt, e rằng mắt nó thấy được, tai nó nghe được, lòng nó hiểu được, nó trở lại và được chữa lành chăng!” (Êsai 6.10).
“Vì Đức Giê-hô-va đã rải thần ngủ mê khắp trên các ngươi; đã bịt mắt các ngươi, tức là các kẻ tiên tri; đã trùm đầu các ngươi, tức là các kẻ tiên kiến” (Êsai 29.10).
“để mở mắt kẻ mù, làm cho kẻ tù ra khỏi khám, kẻ ngồi trong tối tăm ra khỏi ngục” (Êsai 42.7).
“Hãy đem dân nầy ra, là dân có mắt mà đui, và những kẻ có tai mà điếc!” (Êsai 43.8).
“Những người ấy không biết và không suy xét; vì mắt họ nhắm lại để đừng thấy, lòng họ lấp đi để đừng hiểu” (Êsai 44.18).
“Chúng ta đi dọc theo tường như người mù; rờ rẫm như người không có mắt; đúng trưa mà vấp chân như chạng vạng; giữa những kẻ mạnh mẽ mà mình như người chết” (Êsai 59.10).
“Hỡi con người, ngươi ở giữa nhà bạn nghịch, chúng nó có mắt để thấy mà không thấy, có tai để nghe mà không nghe; vì ấy là nhà bạn nghịch” (Êxêchiên 12.2).
“Đoạn, Ngài xây lại cùng môn đồ mà phán riêng rằng: Phước cho mắt nào được thấy điều các ngươi thấy!” (Luca 10.23).
“Vả lại, chúng không thể tin, vì Ê-sai lại có nói rằng: Ngài đã khiến mắt họ mù, lòng họ cứng, Hầu cho mắt chẳng thấy, lòng chẳng hiểu, Không tự hối cải, Và ta chẳng chữa lành cho. Ê-sai nói điều đó, khi thấy sự vinh hiển của Ngài và nói về Ngài” (Giăng 12.39-41).
“Ước gì mắt họ mù không thấy được, Và lưng họ cứ khom luôn!” (Rôma 11.10).
“cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời” (II Côrinhtô 4.4).
“bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” (II Côrinhtô 4.18).
“lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao” (Êphêsô 1.18).
“Ta khuyên ngươi hãy mua vàng thử lửa của ta, hầu cho ngươi trở nên giàu có; mua những áo trắng, hầu cho ngươi được mặc vào và điều xấu hổ về sự trần truồng ngươi khỏi lộ ra; lại mua thuốc xức mắt đặng thoa mắt ngươi, hầu cho ngươi thấy được” (Khải huyền 3.18).
Phần kết luận
Khi tôi xem qua tất cả các phân đoạn Kinh Thánh nầy, dường như khả năng hiểu biết của một người về mọi điều Đức Chúa Trời phán và làm đều nương vào khả năng “nhìn thấy” lẽ thật của người ấy. Tính dễ tiếp thu của một người đối với lẽ thật chính là nan đề. Kinh Thánh thừa mứa với bằng chứng, song con mắt của con người lại không có khả năng nhìn thấy bằng chứng đó.
Cái bất khả của con người không nhìn thấy được, ít nhất có ba nguồn giải thích nan đề đó. Thứ nhất, chính con người phải chịu trách nhiệm về tấm lòng không nhạy cảm đối với Đức Chúa Trời và đối với lẽ thật thuộc linh. Dường như đây là nhát đâm của Lời Chúa vào đám dân đông ở Luca 11:
“Ấy vậy, hãy coi chừng kẻo sự sáng trong mình ngươi hóa ra sự tối chăng” (Luca 11.35).
Sự mù loà của con người cũng được gán cho việc làm của Satan, hắn làm mù tâm trí của con người không còn nhìn thấy lẽ thật nữa (II Côrinhtô 4.4). Nhưng sự mù loà cũng là một công việc của sự phán xét nơi phần của Đức Chúa Trời, vì Ngài đã làm mù con mắt của dân Israel như một sự phán xét tạm thời, thích ứng với sự cố tình vô tín của họ (đối chiếu Giăng 12.39-41).
Vậy thì làm thế nào một người bị mù do mù không thấy ánh sáng, do tối tăm đối với sự sáng, do sự chết đối với sự sống? Tôi tin câu trả lời cho thắc mắc nầy rất rõ ràng trong Kinh Thánh. Con người, bản thân họ, không thể tự chữa lành tình trạng mù loà của mình, vì đó là sự mù loà của tấm lòng. Thay vì thế, Đức Chúa Trời, nhờ vào hành động giàu ơn và lạ lùng nơi phần của Ngài. Ngài mở mắt chúng ta để nhìn thấy lẽ thật. Tôi tin tình trạng mù loà vật lý của Phaolô và sự nhận lãnh ánh sáng của ông (Công vụ Các Sứ đồ 9.1-19), là biểu tượng cho tình trạng mù loà thuộc linh của ông. Về sau trong sách Công vụ Các Sứ đồ, chúng ta đọc thấy con mắt của Lyđi đã được mở ra, Kinh Thánh chép:
“Có một người trong bọn đó nghe chúng ta, tên là Ly-đi, quê ở thành Thi-a-ti-rơ, làm nghề buôn hàng sắc tía, vẫn kính sợ Đức Chúa Trời. Chúa mở lòng cho người, đặng chăm chỉ nghe lời Phao-lô nói” (Công vụ Các Sứ đồ 16.14).
Các thư tín thường nói về sự Đức Chúa Trời đem dân sự Ngài ra khỏi chỗ tăm tối mà vào chỗ sáng láng:
“Vì Đức Chúa Trời, là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm! đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus Christ” (II Côrinhtô 4.6, đối chiếu Êphêsô 5.8; Côlôse 1.13; I Phierơ 2.9).
Sự biến đổi của con người bắt đầu khi Đức Chúa Trời mở mắt của hạng người phạm tội (kèm theo với việc Satan làm cho mù loà) giữ họ không nhìn thấy lẽ thật và đáp ứng lại đối với lẽ thật ấy. Điều nầy có ý nói rằng con người không có trách nhiệm phải tin theo, mà con người không thể tin cho tới khi mắt người được mở ra. Chức vụ của Đức Thánh Linh cũng có phần trong “sự soi sáng” nầy (đối chiếu Êphêsô 1.17; I Côrinhtô 2.6-16).
Là hạng người từng có đức tin nơi Đấng Christ, chính Kinh Thánh bày tỏ sự sáng trong đời sống của chúng ta, và Kinh Thánh tỏ ra tội lỗi của chúng ta nữa. Kinh Thánh “làm cho điểm nhắm của chúng ta được rõ nét thêm”. Mặt khác, chúng ta phải cầu xin Đức Chúa Trời “mở mắt” chúng ta khi chúng ta đến với Lời Chúa, để chúng ta có thể nhìn thấy trong đấy mọi sự mà Đức Chúa Trời đang dành cho chúng ta (Thi thiên 119.18). Nói cách khác, Kinh Thánh góp phần mở mắt cho chúng ta, chỉ ra cho chúng ta thấy sự sống như thật vậy, chúng ta như thế nào, và Đức Chúa Trời là làm sao (Hêbơrơ 4.12-13).
Ứng dụng
Phân đoạn Kinh Thánh nầy bày tỏ rõ ràng cho chúng ta thấy con người bình thường và tự nhiên chối bỏ bằng chứng không thể chối cãi được bằng nhiều cách thức vì họ không chịu tin nơi Lời của Đức Chúa Trời, phù hợp với sự thật họ xem bằng chứng qua cách nhìn riêng của họ, qua hệ thống của họ, hơn là theo quan điểm của Đức Chúa Trời. Lẽ thật nầy có nhiều ứng dụng, nhưng cho phép tôi đề nghị một vài ứng dụng đó.
Thứ nhất, chúng ta nhìn thấy nhu cần về sự cầu nguyện và Lời của Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta. Lời của Đức Chúa Trời là lẽ thật, song chúng ta cần con mắt chúng ta mở ra để nhìn thấy và hiểu biết Lời ấy. Hãy cầu nguyện, xin Đức Chúa Trời mở con mắt chúng ta ra. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta cả hai phần: Lời của Ngài và Thánh Linh Ngài giúp cho chúng ta nắm bắt lẽ thật. Lời của Đức Chúa Trời và sự cầu nguyện là cái neo chính của người thánh đồ.
Thứ hai, Lời của Đức Chúa Trời và sự cầu nguyện là cái neo cho chức vụ của chúng ta. Tôi đã nghe nhiều Cơ đốc nhân tin theo Kinh Thánh nói như vầy: Không một ai chối bỏ Tin Lành một khi Tin Lành được giải thích rõ ràng.
Không những điều nầy không thực, mà đó còn là một sự chối bỏ lẽ thật nữa. Không một ai công bố Tin Lành trọn vẹn hơn Chúa chúng ta, và hầu hết ai nấy đều từ chối không nhận lãnh tin lành đó. Nan đề không phải với bằng chứng, mà với con mắt nhìn thấy bằng chứng ấy. Lời của Đức Chúa Trời công bố ra lẽ thật, và tư liệu của chức vụ chúng ta phải là Lời của Đức Chúa Trời. Thánh Linh của Đức Chúa Trời ở bên trong thuyết phục con người về lẽ thật của Ngôi Lời (Giăng 16.5-15). Hãy cầu nguyện xin Đức Chúa Trời mở con mắt của hạng người mù loà, nhờ Đức Thánh Linh và Ngôi Lời. Cho nên chẳng phải lấy làm lạ khi cầu nguyện và chức vụ của Ngôi Lời là ưu tiên một của các sứ đồ (Công vụ Các Sứ đồ 6.1-6). Đấy cũng phải là ưu tiên một của chúng ta nữa.
Công cuộc truyền giáo thành tựu chủ yếu là do sự rao giảng Ngôi Lời và qua sự cầu nguyện. Chúng ta sẽ không bao giờ tranh luận với một người về Nước của Đức Chúa Trời. Chúng ta không bao giờ tạo ra đủ bằng chứng để cứu lấy người nào khác. Nan đề không nằm trong bằng chứng (là điều chúng ta có thể và nên trình bày), mà ở nơi con mắt của người bị hư mất. Chúng ta hãy công bố ra lẽ thật và chúng ta hãy cầu nguyện, vì chúng ta không thể làm biến đổi một linh hồn nào. Chỉ có Đức Chúa Trời mới đem sự sáng đến thay thế cho bóng tối tăm. Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể mở con mắt nào bị mù loà đối với lẽ thật. Những người làm vợ nào mãi làm tình làm tội chồng mình với tin lành, họ quên ai và cái gì giải cứu người bạn đời của họ. Ấy không phải vì họ chưa nghe Tin Lành thường xuyên đâu (mà còn hơn thế nữa), hoặc người ta không diễn đạt Tin Lành bằng lời nói hay đẹp (dù có nói hay đi nữa), nhưng hạng người bị hư mất không thể hiểu Tin Lành đó và sẽ không tiếp nhận Tin Lành một khi họ hiểu biết. Sự cứu rỗi là một phép lạ mà Đức Chúa Trời đang làm ra, và chúng ta được đặc ân dự phần trong đó.
Thứ ba, phân đoạn Kinh Thánh nầy nhắc cho chúng ta nhớ chúng ta không nên giải thích Kinh Thánh từ “hệ thống riêng của chúng ta” mặc dù chúng ta phải ứng dụng Kinh Thánh theo ý riêng của mình. Một nan đề đối với từng cá nhân nào đã thất bại không kết luận được từ một bằng chứng cho rằng Chúa Jêsus là Đấng Mêsi: ấy là họ đã xem xét bằng chứng qua hệ thống riêng của họ. Các nhà lãnh đạo Israel đã xem Đấng Christ qua hệ thống riêng, qua khát vọng, qua tham vọng, qua uy quyền, qua sự hiểu biết Kinh Thánh của họ, và thế là họ đã chối bỏ Ngài. Người nào tìm cách giữ thái độ trung lập cũng thực y như thế theo ánh sáng các mục tiêu và khát vọngcủa riêng họ (cho nên họ chẳng muốn làm mích lòng các cấp lãnh đạo của họ). Người đờn bà đã nhìn xem Chúa Jêsus qua hệ thống xu hướng về một người mẹ, chớ không phải về một môn đồ. Vì thế hầu hết những ai học hỏi Kinh Thánh đều tiếp cận với phần nghiên cứu Kinh Thánh từ các quan điểm không đúng. Người ta nhóm lại với nhau rồi tìm kiếm giải đáp cho thắc mắc: PHÂN ĐOẠN NẦY NÓI GÌ VỚI QUÝ VỊ?
Đây đúng với những gì mỗi một người trong số họ đều sai về Chúa Jêsus. Họ đã nhìn thấy bằng chứng theo ánh sáng của mọi điều đã được tỏ ra cho họ, chớ không phải theo ánh sáng của bằng chứng đó. Lời lẽ của Chúa Jêsus và mọi việc làm của Ngài chỉ được tiếp nhận nếu chúng phù hợp với những mong đợi và khao khát của họ. Nhưng chúng ta đã nhìn thấy quan điểm của họ là không đúng, tấm lòng của chúng ta rất gian ác và có tính dối gạt. Chúng ta phải đến với lẽ thật theo ánh sáng của mọi điều Đức Chúa Trời đang phán dạy chúng ta, chớ không theo ánh sáng của những điều chúng ta muốn nghe. Chúng ta đến với Kinh Thánh trong vai trò những người làm chồng, làm cha, và các cấp lãnh đạo, những người chủ, những người làm thuê, hạng người làm mẹ, làm vợ và còn nhiều nữa, chớ không phải là các môn đồ. Chúng ta cần phải ứng dụng Kinh Thánh qua hệ thống của chúng ta, mà không giải thích chúng theo cách nầy.
Thứ tư và sau cùng, nếu quý vị vẫn giữ trung lập với Đấng Christ, quý vị thực sự đang thù nghịch cùng Ngài và thiên về phía Satan. Không có một việc nào là trung lập khi đến với Tin Lành như thế nầy. Bằng chứng từ Lời Đức Chúa Trời rất rõ ràng. Hết thảy đều là tội nhân, đáng bị án phạt của sự chết (Rôma 3.23; 6.23). Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài, là Đức Chúa Jêsus Christ, đến chịu chết trong chỗ của chúng ta, gánh lấy án phạt của chúng ta, để cho chúng ta được hưởng sự sống đời đời (Giăng 3.16). Hết thảy những ai tin cậy nơi Ngài để được cứu đều có sự sống đời đời (Giăng 1.12). Nầy bạn ơi, đừng giữ thái độ trung lập nữa, vì đây là tội lỗi rất nguy hiểm và chỉ gây hại mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét