Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Luca 4.9-13: "SỰ CÁM DỖ CỦA CHÚA JÊSUS"



Phần giới thiệu
Bối cảnh sự cảm dỗ
Satan sử dụng Thi thiên 91
Bản chất của sự cám dỗ nầy
Phản ứng của Chúa chúng ta đối với sự hiến kế của Satan
Khi Ysơraên thử Đức Chúa Trời
Các đặc điểm của việc thử Đức Chúa Trời
Kết luận
BÀI 11
SỰ CÁM DỖ CỦA CHÚA JÊSUS
(Luca 4.9-13)
Phần giới thiệu
Có nhiều điều trong cuộc sống nầy tôi xem là sự cám dỗ. Một trong những sự cám dỗ quan trọng nhất mà tôi phải đối phó với là xe hơi, mã lực, và tốc độ. Thỉnh thoảng tôi gặp bạn bè đến chơi với một chiếc xe đời mới, người bạn ấy muốn tôi nhìn thấy chiếc xe đó “lao nhanh là dường nào!” Đối với tôi, đây quả là một sự cám dỗ. Đó là một trong những lý do chính mà tôi luôn luôn lái loại xe chạy chậm hơn, đời cũ hơn (có khác chăng là tiền bạc mà thôi). Tôi có khả năng đồng cảm với hai cám dỗ đầu tiên của Chúa chúng ta. Cám dỗ thứ nhất nằm trong lãnh vực đồ ăn và đói khát. Satan tìm cách cám dỗ Chúa chúng ta phải làm thoả mãn cơn đói của Ngài bằng cách hoá đá thành bánh. Điều nầy chẳng khó khăn gì cho Chúa chúng ta, và làm thế sẽ giải quyết được vấn đề đói khát của Ngài.
Cám dỗ thứ hai nằm trong lãnh vực uy quyền. Nếu cám dỗ thứ nhất cần phải giải quyết với những “nhu cần” thuộc thể đang thúc đẩy con người, thì cám dỗ thứ hai phải giải quyết với “nhu cần” tâm lý, là phải thể hiện uy quyền trên người khác. Uy quyền của các “nước trên thế gian” đã được Satan hiến cho Chúa chúng ta nếu Ngài chịu quỳ gối xuống thờ lạy hắn. Chúa chúng ta đã từ chối sự cung hiến nầy vì sự thờ lạy của con người chỉ nhắm thẳng vào Đức Chúa Trời mà thôi. Khi sự thờ lạy mà Satan muốn phải dành cho hắn, Chúa chúng ta sẽ trở thành tôi tớ của hắn một khi Ngài chịu thua sự cám dỗ nầy.
Một lần nữa tôi nói rằng tôi có thể đồng cảm với sự khao khát [những lúc yếu đuối] của con người về đồ ăn và về quyền lực. Sự cám dỗ thứ ba là sự cám dỗ chẳng có gì hấp dẫn ngay tức thì cả. Tôi không hề cảm thấy bị thử thách phải nhảy xuống từ một toà nhà cao. Nếu tôi đang đứng ở một nơi rất cao, sự thử thách duy nhất của tôi có lẽ là phải bám vào một chỗ nào đó của toà nhà vì sợ té, hoặc mau mau bò xuống nếu có thể được. Làm sao việc xúi bẩy nhảy từ nóc cao đền thờ xuống lại trở thành một sự cám dỗ cho được?
Tôi muốn đề nghị với quý vị rằng lời xúi bẩy nầy có thể là sự cám dỗ của Con Đức Chúa Trời lắm đấy. Nếu tôi là một con chim, thì rất thú vị cho tôi khi phải bay xà xuống từ một nơi cao, chỉ để bay vút cao lên hơn khi những ngọn gió cung ứng sức nâng cho đôi cánh của tôi. Nếu tôi chỉ là một con người, thì chắc chắn sẽ trở thành một “tấm ván” bẩn thỉu rơi trên các rặng đá bên dưới mà thôi. Nhưng nếu người nầy quả thật là Con Đức Chúa Trời, là Đấng rất đẹp lòng đối với Đức Chúa Cha, là Đấng có sự bảo đảm về sự chăm sóc và bảo hộ của Ngài, thì nhảy từ trên cao xuống đúng là một tư tưởng đầy sự cám dỗ.
Quý vị có bao giờ thấy một đứa nhỏ học biết tin cậy cha của nó chưa? Khi mấy đứa con của tôi còn nhỏ chúng tôi đôi lúc đến với một hồ bơi. Với một sự tin chắc nho nhỏ, tôi muốn dụ một trong mấy đứa con nhảy đại vào vòng tay của tôi khi tôi ở trong hồ. Sau một vài lần kinh nghiệm, không cần dụ ngọt nữa, quả thật, đứa trẻ sẽ nhảy xuống lúc tôi không chú ý, nó nhấp nhô trên mặt nước [hay có lẽ nổi lên trên mặt nước] với một sự thích thú to lớn lắm. Cho nên tưởng tượng Con Đức Chúa Trời sẽ cảm nhận theo cách thức ấy về việc nhảy từ nóc cao đền thờ xuống là một điều chẳng có gì khó khăn lắm.
Vậy thì, sự Satan cám dỗ Chúa chúng ta là một sự nhìn nhận thật mỉa mai nơi phần của ma quỷ về thần tính của Đấng Christ. Satan vốn biết rõ đề nghị một cú nhảy từ nóc cao của đền thờ sẽ có một sức hấp dẫn đối với Con Đức Chúa Trời. Còn đối với người khác, là một hữu thể thấp kém hơn, thì bất quá đấy chỉ là một sự cám dỗ đến mức tự tử theo cách đột ngột mà thôi. Cho nên Satan trong lần cám dỗ thứ ba và sau cùng nầy (như Luca đã ghi lại) là sự cám dỗ Con Đức Chúa Trời trong vai trò Đức Chúa Trời. Chỉ có Đức Chúa Trời, hay ít nhất là nhân vật được sự bảo hộ nhiều nhất của Đức Chúa Trời, mới dám nhảy xuống từ nóc cao của đền thờ.
Khi chúng ta đến với lần cám dỗ thứ ba nầy, đó là lần cám dỗ sau cùng của Satan, ít nhất là theo nhịp độ của thời gian. Chúng ta biết từ câu sau cùng của phân đoạn nầy, là có những cơn cám dỗ khác sẽ nối theo sau:
“Ma quỉ dùng hết cách cám dỗ Ngài rồi, bèn tạm lìa Ngài” (Luca 4.13).
Mục đích của bài học nầy là khảo sát tỉ mỉ lần cám dỗ thứ ba mà Satan đã thực hiện đối với Chúa. Chúng ta sẽ tìm cách hiểu sự cám dỗ nầy là sự cám dỗ như thế nào mà Satan đã tìm cách hoàn thành và tại sao. Chúng ta cũng sẽ thực hiện một nỗ lực hầu quyết định lý do tại sao một cú nhảy từ nóc đền thờ sẽ là tội lỗi, và mọi hậu quả của nó, nếu Chúa chúng ta làm theo như vậy. Chúng ta cũng sẽ khảo sát tỉ mỉ lý do tại sao Chúa chúng ta lại từ chối đối với Satan. Sau cùng, chúng ta sẽ ra sức khảo sát những phương thức trong đó nhảy từ nóc cao đền thờ có thể được dân sự ngày hôm nay thực hiện.
Bối cảnh của sự cám dỗ
Mỗi sự cám dỗ đã diễn ra ở từng bối cảnh khác nhau. Lần cám dỗ đầu tiên đã xảy ra trong đồng vắng, lần thứ hai đã được đưa ra trên đỉnh một ngọn núi cao, và lần cám dỗ thứ ba diễn ra trong thành thánh, là thành Giêrusalem, và trên nóc cao đền thờ.
Chúa chúng ta không nghi ngờ chi nữa đã có mặt tại thành Giêrusalem trong một số cơ hội. Cha mẹ của Ngài, Luca đã cho chúng ta biết, đã đi lên đó hàng năm (Luca 2.41). Tới điểm nầy trong đời sống của Chúa chúng ta, Luca đã ghi lại duy nhất tình tiết diễn ra trong đền thờ tại thành Giêrusalem khi Chúa được 12 tuổi (đối chiếu Luca 3.41-51). Ở độ tuổi nầy Chúa chúng ta đã công nhận đền thờ là “nhà Cha của Ngài” (3.49).
Satan đã đưa Chúa chúng ta lên thành Giêrusalem vì một lý do rất đặc biệt. Tôi tin là đúng khi cho rằng hắn đã đưa Chúa Jêsus lên thành Giêrusalem vào trong đền thờ, hắn tưởng rằng làm như thế sẽ làm cho sự cám dỗ của hắn ra hấp dẫn hơn. Chúa Jêsus vừa được tung hô là Con của Đức Chúa Trời, “Vua của Ysơraên”, bởi Đức Chúa Cha, ngay lúc Ngài chịu phép báptêm. Giêrusalem là một địa điểm mà nhà vua sẽ trị vì ở đó. Đấy cũng là thủ đô của vương quốc nữa. Giống như “bức tường than khóc” ngày nay đem lại nhiều ký ức về quá khứ vinh hiển của Ysơraên, và giục giã niềm hy vọng về tương lai của thành ấy, cũng một thể ấy Giêrusalem và đền thờ là hai địa điểm làm dấy động nhiều tình cảm nhất. Những tình cảm mạnh mẽ đã dấy lên trong Chúa chúng ta khi Ngài đi trải qua các đường phố của thành thánh, lúc Ngài đi thẳng đến đền thờ, là bối cảnh của lần cám dỗ sau cùng của Ngài trong loạt cám dỗ nầy. Thànhh Giêrusalem rất quan trọng đối với một người Do thái. Một số người Do thái đã lấy Giêrusalem mà thề (Mathiơ 5.35). Chúa chúng ta cũng có một cảm xúc mạnh mẽ về thành Giêrusalem. Ngài đã từng phán:
“Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các tiên tri, và quăng đá các đấng chịu sai đến cùng ngươi, bao phen ta muốn nhóm họp con cái ngươi, như gà mái túc và ấp con mình dưới cánh, mà các ngươi chẳng muốn! Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang. Ta nói cùng các ngươi, các ngươi không còn thấy ta nữa cho đến chừng nào sẽ nói rằng: Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!” (Luca 13.34-35).
Về sau, Chúa chúng ta đã cảnh cáo về sự huỷ diệt thành Giêrusalem (Luca 21.20…; 23.27-31). Nước của Đức Chúa Trời sẽ đến với đất cùng với sự giáng xuống từ trời của thành Giêrusalem mới (Khải huyền 3.12; chương 21).
Thêm nữa, chắc chắn là tại thành Giêrusalem mà nhiều thánh đồ tin kính (và nhiều người không tin kính) đã sinh sống, họ đang chờ đợi sự tái lâm của Đấng Mêsi và sự bắt đầu của vương quốc Ngài, thí dụ những người như Simêôn và Anne (đối chiếu Luca 2.25…). Hạng người nầy chắc chắn là hạng người đầu tiên công nhận Đấng Mêsi khi Ngài tự bày tỏ mình ra với con người. Nếu Chúa chúng ta tự bày tỏ chính mình Ngài là Đấng Mêsi, thành Giêrusalem là một địa điểm sẽ chẳng muốn như vậy, và đền thờ sẽ là địa điểm duy nhất trong thành thánh, ở đó Ngài sẽ lộ diện. Các tiên tri thời Cựu ước đã nói vài lần về sự xuất hiện của Ngài trong đền thờ:
“Nầy, ta sai sứ giả ta, người sẽ dọn đường trước mặt ta; và Chúa mà các ngươi tìm kiếm sẽ thình lình vào trong đền thờ Ngài, tức là thiên sứ của sự giao ước mà các ngươi trông mong. Nầy, Ngài đến, ĐỨC GIÊ-HÔ-VAvạn quân phán vậy” (Malachi 3.1; đối chiếu Michê 1.2-3).
Chính ở trong thành Giêrusalem và ngay địa điểm rất cao của đền thờ mà lần cám dỗ sau cùng của Satan đã được thực hiện.
“Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy gieo mình xuống đi; vì có chép rằng: CHÚA SẼ TRUYỀN CHO THIÊN SỨ GÌN GIỮ NGƯƠI, CÁC ĐẤNG ẤY SẼ NÂNG NGƯƠI TRONG TAY, KẺO NGƯƠI VẤP CHÂN NHẰM ĐÁ NÀO CHĂNG” (Luca 4.9-11).
Sự thách thức quá rõ ràng. Satan đang thách thức, như đã nêu trên. Chúa chúng ta nhảy từ nóc cao của đền thờ. Khi Chúa chúng ta đã trích dẫn Kinh Thánh trong hai lần cám dỗ trước đó là cớ cho việc Ngài từ chối sự gạ gẫm của Satan, Satan lần nầy trích dẫn Kinh Thánh, đề nghị rằng nhảy như vậy sẽ làm nâng cao địa vị của hắn.
Satan sử dụng Thi thiên 91
Sự trưng dẫn Kinh Thánh của Satan đến từ văn mạch của Thi thiên 91. Thi thiên nói về sự an ninh của người nương náu mình nơi Đức Chúa Trời. Chúng ta vốn biết rõ rằng người Do thái trong thời đó hiểu Thi thiên nầy là Thi thiên nói về Đấng Mêsi, trong đó sự bảo hộ được nói ra đặc biệt là sự an ninh mà Đấng Mêsi đã kinh nghiệm.
Theo ý kiến của tôi thì Satan là một sinh viên rất dốt về Kinh Thánh. Trong khi Satan có thể có sự hiểu biết rất lớn, chúng ta biết rõ Kinh Thánh không thể hiểu ngoài sự soi sáng của Đức Thánh Linh (đối chiếu I Côrinhtô 2.6-16). Nếu “con người thiên nhiên” không thể hiểu được mọi việc thuộc về Đức Chúa Trời, làm sao chúng ta nghĩ Satan có được một nắm bắt tường tận Lời của Đức Chúa Trời cho được? Tôi không nghĩ rằng Satan là một sinh viên giỏi Kinh Thánh đâu, mặc dù tôi tin hắn “điều nghiên” Kinh Thánh với một nổ lực hầu quyết định điều Đức Chúa Trời sẽ làm.
Tôi tin Satan tưởng rằng Thi thiên 91 là một Thi thiên nói về Đấng Mêsi, và vì thế Thi thiên ấy có thể được trưng dẫn làm minh chứng thuyết phục về sự bảo hộ và chăm sóc Đức Chúa Con của Đức Chúa Trời, là Đấng Mêsi của Ysơraên. Tôi còn tin rằng sự lý giải của Satan về Thi thiên nầy đã được mượn từ các học giả người Do thái, họ đã duy trì quan điểm cho rằng Thi thiên nầy là Thi thiên nói về Đấng Mêsi. Tôi cũng tin rằng Satan đã học biết từ người Do thái phần truyền khẩu của họ nói rằng Đấng Mêsi sẽ tự bày tỏ Ngài ra cho Ysơraên bằng cách nhảy từ nóc cao đền thờ xuống.
Tôi tin chắc rằng Satan không những ứng dụng sai phân đoạn hắn trưng dẫn Thi thiên 91, song hắn cũng lý giải sai phân đoạn ấy nữa. Satan rất giỏi vặn cong lẽ thật, như trong trường hợp nầy, tôi không tin hắn biết rõ lẽ thật. Satan tìm cách làm cho vững chắc lần cám dỗ sau cùng của hắn với một phân đoạn Kinh Thánh mà hắn đã lý giải sai cũng như đã ứng dụng không đúng. Hắn không biết rõ ý nghĩa thực của phân đoạn ấy và đã cố tình vặn cong nó y như hắn không biết ý nghĩa của phân đoạn rồi đã ứng dụng sai nó.
Vậy thì, ý nghĩa thực của Thi thiên 91 là gì? Tôi tin Thi thiên nầy nói về sự an ninh của từng thánh đồ biết nương cậy vào Đức Chúa Trời, họ trông mong được Đức Chúa Trời bảo hộ. Đặc biệt hơn nữa, sự an ninh nói ra ở đây là sự bảo hộ được cung ứng một cách thiêng liêng tránh khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Các trận dịch lệ và nguy hiểm ở đây, theo ý kiến của tôi, không phải là những nghịch cảnh và nguy hiểm của cuộc sống, mà là các hiểm hoạ của kẻ ác trong việc nhận lãnh cơn thạnh nộ thiêng liêng. Như tác giả Thi thiên đã nói: “Ngươi chỉn lấy mắt mình nhìn xem, và sẽ thấy sự báo trả cho kẻ ác” (Thi thiên 91.8).
Thi thiên không phải là một lời hứa nói tới sự bảo hộ cho Đấng Mêsi của Ysơraên. Thực vậy, mà ngược lại thế! Đây là một lời hứa nói tới sự bảo hộ tránh khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời dành cho hết thảy những ai nương náu mình nơi Đức Chúa Trời. Đây là sự cứu ra khỏi cơn phán xét mà người tin Chúa được đảm bảo cho. Từ các phân đoạn nói đến “người tôi tớ phải chịu thương khó” trong Cựu ước (thí dụ Êsai 53) và sứ điệp của Tân ước, chúng ta biết đây là sự thương khó của Đấng Mêsi, sự thương khó ấy sẽ cung ứng sự bảo hộ cho thánh đồ. Đó là vì Đấng Christ đã gánh lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trên thập tự giá đồi Gôgôtha mà loài người không cần phải kinh nghiệm cơn thạnh nộ ấy cho mình. Vì thế sứ điệp của Thi thiên 91 không phải là một lời hứa nói tới sự bảo hộ cho Đấng Mêsi, mà là sứ điệp nói tới sự thương khó của Đấng Mêsi, Ngài gánh lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên tội nhân. Nếu Thi thiên đề cập tới sự quan phòng của Đức Chúa Trời dành cho Đấng Mêsi, thì Thi thiên nầy kín đáo nói tới sự sống lại của Đấng Mêsi sau khi Ngài chịu chết cho mọi tội lỗi của loài người (đối chiếu các câu 14-16). Vì thế đây là một minh chứng về sự cám dỗ của Satan.
Người Do thái cũng như Satan đều không nắm bắt được ý nghĩa của Thi thiên 91, cho nên họ đã thất bại không hiểu được phần ứng dụng của Thi thiên nầy cho Đấng Mêsi. Chúa chúng ta vốn hiểu Thi thiên nầy rất rõ, và vì thế không bị cuốn hút bởi sự cung hiến của Satan. Vậy thì Satan đã hiến gì cho Chúa chúng ta? Hắn hy vọng đạt được điều gì qua sự cám dỗ Chúa chúng ta nhảy từ nóc cao đền thờ xuống? Đây mới là điều mà chúng ta sẽ tìm cách khai phá.
Bản chất sự cám dỗ nầy
Hết thảy chúng ta có thể nhất trí về một việc: Satan đang tìm cách thuyết phục Chúa Jêsus nhảy xuống từ nóc của đền thờ. Nhưng tại sao phải như vậy? Giải đáp cho thắc mắc nầy thì không rõ ràng. Tôi tin rằng có vài lý do khả thi, một số lý do có thể là mục đích của Satan trong lần cám dỗ nầy:
(1) SATAN ĐANG TÌM CÁCH TUYÊN BỐ CHÚA CHÚNG TA KHÔNG ĐỦ TƯ CÁCH LÀ ĐẤNG MÊSI. Nếu Chúa chúng ta “thử Đức Chúa Trời”, Ngài sẽ phạm tội, nhơn đó Ngài sẽ không có đủ tư cách phục vụ trong vai trò Đấng Mêsi.
(2) SATAN ĐANG TÌM CÁCH LÀM CHO CHÚA CHÚNG TA PHẢI NGHI NGỜ SỰ NHƠN TỪ VÀ QUYỀN PHÉP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI, RỒI NHƠN ĐÓ “PHÂN TÁN VÀ CHẾ NGỰ”. Lý do duy nhất cho việc thử Đức Chúa Trời là nghi ngờ và vô tín. Đối với Chúa Jêsus, nhảy xuống có nghĩa là Ngài nghi ngờ Đức Chúa Trời rồi, vì thế cảm thấy thử thách tình yêu và sự quan phòng của Đức Chúa Trời là cần thiết. Những đáp ứng của Chúa chúng ta trong hai lần cám dỗ đầu tiên chỉ ra một đức tin vững vàng nơi Đức Chúa Trời, một đức tin sẵn lòng chờ đợi Đức Chúa Trời bày tỏ ý chỉ Ngài trong tình trạng thụ động, hơn là bày tỏ đức tin đó ra bằng cách hành động của chính Ngài theo cách độc lập. Satan đã tìm cách đổi đức tin thụ động sang đức tin có cơ sở, một đức tin buộc Đức Chúa Trời phải hành động.
(3) SATAN ĐÃ TÌM CÁCH TRÌNH RA PHẦN GIỚI THIỆU CHÚA JÊSUS LÀ ĐẤNG MÊSI HƠI SỚM, ĐÁNH DẤU PHẦN KHỞI ĐẦU CỦA VƯƠNG QUỐC TRƯỚC KHI NGÀI TIÊU DIỆT MA QUỶ. Satan đã biết rõ người Do thái vốn mong đợi Đấng Mêsi đến để bày tỏ chính mình Ngài bằng cách xuất hiện nơi đền thờ. Thuyết phục Ngài sớm bày tỏ chính mình Ngài ra, với quyền phép và sự giải cứu thiêng liêng, sẽ thuyết phục dân chúng ở thành Giêrusalem tin Ngài là Đấng Mêsi, lập tức khởi đầu cho vương quốc, và [theo quan điểm của Satan] loại bỏ nhu cần phải chà nát đầu của Satan.
(4) SATAN ĐANG TÌM CÁCH GIẾT ĐẤNG MÊSI. Trong Sáng thế ký chương 3, Đức Chúa Trời đã phán với Satan rằng Đấng Mêsi (dòng dõi của người nữ) sẽ chà nát đầu của hắn (3.15). Mặt khác, hắn sẽ “cắn gót chân” của người dòng dõi. Từ thời điểm nầy trở đi, tôi tin rằng Satan đã tìm cách ngăn cản người dòng dõi từng ra đời, hoặt giết đi người dòng dõi khi người ra đời. Điều nầy giúp giải thích sự chống nghịch của Satan đối với dân Ysơraên (qua họ người dòng dõi sẽ đến) trong thời kỳ Cựu ước. Khi sự giáng sinh của Đấng Mêsi diễn ra, Satan rõ ràng đang ở đàng sau mọi nổ lực của Hêrốt muốn giết chết con trẻ (đối chiếu Mathiơ 2). Đến cuối cùng, chính việc Satan nhập vào Giuđa mới bày tỏ ra kế hoạch kết quả trong sự đóng đinh Chúa Jêsus trên thập tự giá. Satan không biết “giết Đấng Mêsi” đã được Đức Chúa Trời dự trù làm phương tiện gánh lấy tội lỗi của thế gian trên cây thập tự. Tuy nhiên, mục đích của tôi ở đây là ai nấy phải nhìn thấy Satan xem việc giết Đấng Mêsi là giải pháp cho mối đe doạ Đấng Mêsi và Nước của Ngài.
Satan đã mường tượng việc giết Chúa chúng ta bằng cách thuyết phục Ngài nhảy xuống từ nóc đền thờ ra sao? Tôi có thể suy diễn bằng vài cách thức. Thứ nhất, hành động quá táo bạo sẽ là tội lỗi, và tội lỗi (như hắn vốn biết rõ) sẽ đem lại sự chết. Thứ hai, nếu Chúa chúng ta chịu nhảy xuống từ nóc đền thờ, Ngài sẽ không được giải cứu, và thế là phải chết. Sau cùng, các sứ giả của Satan sẽ được sử dụng để gây ra sự chết của Đấng Mêsi. Satan đã trích dẫn một phân đoạn Kinh Thánh mà theo sự lý giải của hắn, hắn xem các thiên sứ là công cụ của Đức Chúa Trời trong việc bảo hộ và giải cứu Đấng Mêsi. Đó cũng là “các thiên sứ đã sa ngã”, họ hình thành nên một lực lượng của Satan để chống nghịch lại Đức Chúa Trời. Dường như đây là lực lượng quỉ sứ của Satan đã đụng độ với sứ giả đến từ trời trong Đaniên 10. Há có phải Satan mong thuyết phục được Chúa Jêsus nhảy xuống, rồi ngăn trở sự giải cứu của thiên sứ bằng cách kêu gọi các lực lượng quỉ sứ của chính hắn? Một mưu định như vậy tỏ ra quá thành thật đối với một kẻ rất ư là độc ác và xảo quyệt như Satan.
Dù là cách thức nào, tôi tin Satan đã tìm cách làm cho Đấng Mêsi mất tư cách hay làm mất khả năng của Đấng Mêsi, vì vậy Ngài không còn có khả năng để chu toàn sứ mệnh của Ngài, là sứ mệnh phải huỷ diệt kẻ độc ác và thiết lập Nước Ngài ở trên đất.
Phản ứng của Chúa chúng ta đối với sự hiến kế của Satan
Một lần nữa, Chúa chúng ta không đáp ứng bằng cách sửa sai từng lỗi lầm trong thần học và trong phương pháp của Satan. Ngài tấn công vào từng tĩnh mạch của vấn đề, đưa ra chỉ một đáp ứng theo Kinh Thánh, một đáp ứng không những kết thúc lần cám dỗ nầy, mà còn kết thúc toàn bộ cục diện nữa, là cuộc đối đầu trong bốn mươi ngày. đáp ứng của Chúa chúng ta là đáp ứng theo Kinh Thánh: “NGƯƠI ĐỪNG THỬ CHÚA LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI NGƯƠI” (Luk 4.12).
Khi Ysơraên thử Đức Chúa Trời
Lời lẽ mà Chúa đã trưng dẫn cho Satan được thấy trong sách Phục truyền luật lệ ký chương 16, với câu nói theo hoạ pháp: “Các ngươi chớ thử Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, như đã thử Ngài tại Ma-sa” (Phục truyền luật lệ ký 6.16).
Nếu chúng ta muốn hiểu “thử Đức Chúa Trời ngươi” có nghĩa gì, chúng ta phải học biết thể nào Ysơraên đã thử Chúa ở đó. Câu chuyện được thấy trong chương 17 của sách Xuất Êdíptô ký:
“Cả hội chúng Y-sơ-ra-ên đi từ đồng vắng Sin, đi từng trạm, tùy theo lịnh ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, đóng trại tại Rê-phi-đim; ở đó chẳng có nước cho dân sự uống. Dân sự bèn kiếm cớ cãi lộn cùng Môi-se mà rằng: Hãy cho chúng tôi nước uống. Môi-se đáp rằng: Sao các ngươi kiếm cớ cãi lộn cùng ta? Sao ướm thử ĐỨC GIÊ-HÔ-VA vậy? Dân sự ở đó không có nước, bị khát, nên oán trách Môi-se mà rằng: Sao người khiến chúng tôi ra xứ Ê-díp-tô, hầu cho chúng tôi, con và các bầy súc vật phải chịu chết khát thế nầy? Môi-se bèn kêu cầu ĐỨC GIÊ-HÔ-VA mà rằng: Tôi phải xử thế nào cùng dân nầy? Thiếu điều họ ném đá tôi! ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đáp cùng Môi-se rằng: Hãy cầm gậy của ngươi đã đập dưới sông, dẫn theo những trưởng lão Y-sơ-ra-ên, rồi đi trước mặt dân sự. Nầy ta sẽ đứng đằng trước ngươi, ở trên hòn đá tại Hô-rếp kia, ngươi hãy đập hòn đá, thì nước từ đó chảy ra, dân sự sẽ uống lấy. Môi-se bèn làm như vậy trước mặt các trưởng lão Y-sơ-ra-ên. Người đặt tên nơi nầy là Ma-sa và Mê-ri-ba, vì cớ việc cãi lộn mà dân Y-sơ-ra-ên kiếm cớ gây cùng người, và vì họ đã ướm thử ĐỨC GIÊ-HÔ-VA mà nói rằng: Có ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ở giữa chúng ta hay chăng?” (Xuất Êdíptô ký 17.1-7).
Từ phân đoạn nầy chúng ta có thể nhận ra một số hành động được gọi là “thử Đức Chúa Trời”. Chúng ta hãy xét qua một số đặc điểm của sự thử Đức Chúa Trời ở đây, từ sự cố nầy tại Masa. Rồi chúng ta tìm cách quyết định lần cám dỗ thứ ba nầy tương tự như thế nào, khi được gọi là thử Đức Chúa Trời!?!
Các đặc điểm của việc thử Đức Chúa Trời
(1) DÂN YSƠRAÊN THỬ ĐỨC CHÚA TRỜI VÌ HỌ CẢM THẤY ĐỨC CHÚA TRỜI THẤT BẠI KHÔNG THOẢ MÃN ĐƯỢC CÁC NHU CẦN CỦA HỌ VÀ CHU TOÀN LỜI HỨA CỦA NGÀI. Xứ mà Đức Chúa Trời hứa ban cho dân sự Ngài được mô tả là một xứ “đượm sữa và mật” (Xuất Êdíptô ký 3.8, 17; 13.5). Trong khi họ lâm vào cảnh không thấy dư dật các thứ nầy, mà lại bị thiếu nước uống, là nhu cần cơ bản cho cuộc sống. Dân Ysơraên đã đến tại Rêphiđim và ở đó chẳng có nước. Dường như Ađam và Êva cũng bất tuân Đức Chúa Trời bởi việc ăn trái của cây cấm vì họ cảm thấy rằng sự biết điều thiện và điều ác là một nhu cầu không sao thoả mãn được, xứng đáng với sự bất tuân.
LÀM CHO VẤN ĐỀ RA KHÁC MỘT CHÚT, DÂN YSƠRAÊN THỬ ĐỨC CHÚA TRỜI KHI HỌ BIẾT RÕ CÁC MỤC ĐÍCH VÀ SỰ DẪN DẮT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ ĐƯA HỌ VÀO NGHỊCH CẢNH, HƠN LÀ DỄ CHỊU VÀ NHẸ NHÀNG. Trong sự chống đối của dân Ysơraên nghịch lại Môise và Đức Chúa Trời, họ đã nhắc về “những ngày xưa hoàng thị” tại Aicập và đối chiếu họ với các hoàn cảnh hiện tại (Xuất Êdíptô ký 17.3). Khi cuộc sống khác đi, họ liền chống đối. Thực ra, họ đe doạ quay trở lại khi họ thấy cuộc sống ở Aicập là dễ chịu hơn.
(2) DÂN YSƠRAÊN THỬ ĐỨC CHÚA TRỜI VÌ HỌ NGHI NGỜ Ý ĐỊNH VÀ CÁC MỤC ĐÍCH TỐT LÀNH CỦA NGÀI DÀNH CHO ĐỜI SỐNG HỌ. Dân Ysơraên đã tố cáo Đức Chúa Trời đang dẫn họ vào trong đồng vắng để giết chết họ cùng với con cháu và bầy gia súc của họ (Xuất Êdíptô ký 17.3).
(3) DÂN YSƠRAÊN THỬ ĐỨC CHÚA TRỜI BẰNG CÁCH CHỐNG LẠI QUYỀN LÃNH ĐẠO CỦA NGÀI. Dân sự đã lằm bằm nghịch lại Môise và tranh cãi với ông, nhưng rốt lại họ đã chống nghịch Đức Chúa Trời.
(4) DÂN YSƠRAÊN THỬ ĐỨC CHÚA TRỜI BẰNG CÁCH KHĂNG KHĂNG RẰNG CHÚA PHẢI LÀM MỌI ĐIỀU HỌ ĐÒI HỎI VÀ TRÔNG MONG. DÂN YSƠRAÊN THỬ ĐỨC CHÚA TRỜI BẰNG CÁCH QUYẾT ĐỊNH SỰ HIỆN DIỆN CỦA NGÀI BẰNG NHỮNG TẶNG PHẨM CỦA NGÀI. Lời của Đức Chúa Trời thì không đủ, những việc làm lạ lùng của Ngài cũng không đủ cho họ trong quá khứ. Họ muốn Đức Chúa Trời phải hành động ngay bây giờ, phải ban cho họ những thứ họ cần, khi họ muốn có điều đó, hoặc họ sẽ từ chối không công nhận sự hiện diện của Ngài giữa vòng họ. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa vòng dân sự Ngài chỉ có thể được xác minh bằng cách Ngài thi hành nhiều phép lạ liên tục, hầu cho không một nhu cần nào của họ mà không được thoả mãn.
(5) DÂN YSƠRAÊN THỬ ĐỨC CHÚA TRỜI BẰNG CÁCH ĐẢO NGƯỢC MỐI QUAN HỆ CHA – CON. Chúa Jêsus của chúng ta đã được xác định rõ ràng là “Con” của Đức Chúa Trời ngay lúc Ngài chịu phép báptêm (Luca 3.22). Là con của Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus cần phải được thử thách và xác minh, trước khi Ngài được ban cho mọi đặc ân của địa vị làm Con của Ngài.
“Cũng một thể ấy, Đấng Christ không tự tôn mình làm thầy tế lễ thượng phẩm; như tại Đấng đã phán cùng Ngài rằng: Ngươi là Con ta, Ta đã sanh ngươi ngày nay. Lại nơi khác có phán cùng Ngài rằng: Ngươi làm thầy tế lễ đời đời Theo ban Mên-chi-xê-đéc. Khi Đấng Christ còn trong xác thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng nhân đức Ngài, nên được nhậm lời. Dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu, và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài, lại có Đức Chúa Trời xưng Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mên-chi- xê-đéc” (Hêbơrơ 5.5-10).
Có một nguyên tắc rất rõ ràng nằm trong phân đoạn nầy, một nguyên tắc được ứng dụng cho mọi thánh đồ về sau trong sách Hêbơrơ. Nói về những kẻ hay lằm bằm qua những điều khổ sở nho nhỏ, tác giả nói:
“Anh em chống trả với tội ác còn chưa đến nỗi đổ huyết; lại đã quên lời khuyên anh em như khuyên con, rằng: Hỡi con, chớ dể ngươi sự sửa phạt của Chúa, Và khi Chúa trách, chớ ngã lòng; Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt. Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào là con mà cha không sửa phạt? Nhưng nếu anh em được khỏi sự sửa phạt mà ai nấy cũng phải chịu, thì anh em là con ngoại tình, chớ không phải con thật” (Hêbơrơ 12.4-8).
Ysơraên theo một ý nghĩa chung cũng là con cái của Đức Chúa Trời:
“Vậy, ngươi phải tâu cùng Pha-ra-ôn rằng: ĐỨC GIÊ-HÔ-VA có phán như vầy: Y-sơ-ra-ên là con ta, tức trưởng nam ta, nên ta có phán cùng ngươi rằng: Hãy cho con ta đi, để nó phụng sự ta, mà ngươi đã từ chối không cho nó đi. Nầy, ta sẽ giết con trai ngươi, là con trưởng nam của ngươi” (Xuất Êdíptô ký 4.22-23).
Về sau, qua tiên tri Ôsê, Đức Chúa Trời đã phán về Ysơraên rằng: “Khi Y-sơ-ra-ên còn thơ ấu, ta yêu dấu nó; ta gọi con trai ta ra khỏi Ê-díp-tô” (Ôsê 11.1).
Tôi tin đó là nguyên tắc mà người ta phải chịu thử nghiệm trước tiên, và rồi được tôn cao lên đến một địa vị xuất sắc và quyền lực, bởi chính Đức Chúa Trời, theo thì thuận tiện của Ngài. Nguyên tắc nầy rất thực đối với dân Ysơraên, vì vậy mọi nghịch cảnh mà dân Ysơraên đã kinh nghiệm trong đồng vắng đều là thử nghiệm của Đức Chúa Trời, để xem coi dân nầy có đáng để trị vì trong vai trò “Con” của Đức Chúa Trời hay không!?!
“Hãy nhớ trọn con đường nơi đồng vắng mà GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi đi trong bốn mươi năm nầy, để hạ ngươi xuống và thử ngươi, đặng biết điều có ở trong lòng ngươi, hoặc ngươi có gìn giữ những điều răn của Ngài hay chăng. Vậy, Ngài có hạ ngươi xuống, làm cho ngươi bị đói, đoạn cho ăn ma-na mà ngươi và tổ phụ ngươi chưa hề biết, để khiến ngươi biết rằng loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng ĐỨC GIÊ-HÔ-VA mà ra. Trong bốn mươi năm nầy áo xống ngươi không hư mòn, chân ngươi chẳng phù lên. Vậy, khá nhận biết trong lòng rằng GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời ngươi sửa phạt ngươi như một người sửa phạt con mình vậy” (Phục truyền luật lệ ký 8.2-5).
Ysơraên đã thất bại phần thử nghiệm “địa vị làm Con” và chính mình Chúa chúng ta đã được xác định là “Con” của Đức Chúa Trời, là Đấng sẽ thiết lập nước của Đức Chúa Trời và trị vì khắp đất. Sự cám dỗ của Satan, trong khi phục kích ở những giới hạn là một thách thức để xác minh địa vị làm con của Ngài, thực sự là một khẩn khoản xin đoạn tuyệt đừng thừa nhận địa vị đó. Là “Con Đức Chúa Trời”, Chúa chúng ta phải chịu đựng sự thiếu thốn về phần thuộc thể, chờ đợi Đức Chúa Trời làm thoả mãn mọi nhu cần của mình. Satan đã thách thức Chúa Jêsus phải làm thoả mãn nhu cần của chính mình Ngài, bằng cách hoá đá thành bánh. “Con Đức Chúa Trời” phải là một công cụ qua đó cả thế gian sẽ thờ lạy Đức Chúa Trời, thế mà Satan lại muốn Chúa chúng ta phải thờ lạy hắn, hầu cho sở hữu một nước đã nằm trong sự loạn nghịch chống lại Đức Chúa Trời. Sau cùng, trong lần cám dỗ thứ ba nầy, “Con Đức Chúa Trời” phải chờ đợi cho tới ngày chính mình Đức Chúa Trời tôn cao Ngài làm Vua. Satan tìm cách thuyết phục Cứu Chúa phải nhảy từ nóc cao đền thờ xuống, làm thế sẽ thiết lập ra một nước độc lập với Đức Chúa Cha.
Địa vị làm con thực sự là nan đề của lần cám dỗ nầy. Ysơraên đã thất bại không nắm được mọi điều địa vị làm con được hưởng, hay đã nổi loạn khi họ nhìn biết cái giá của địa vị ấy. Chúa chúng ta vốn hiểu rõ địa vị làm con sẽ như thế nào rồi, và mỗi lần Ngài đáp ứng với Satan đều dùng đến một phần Cựu ước, ở các phần ấy dạy rõ ràng ý nghĩa, và mọi hàm ý của địa vị làm con.
Đấy là điều Satan tìm cách đạt cho kỳ được trong lần cám dỗ thứ ba nầy, cho dù có độc hiểm, táo bạo hơn những gì đã diễn ra tại Masa. Ở Masa, dân Ysơraên đã chịu khổ từ một nhu cầu cần có nước uống. Nhu cần ấy do họ tạo ra, mà do Đức Giêhôva mang đến. Họ đã thử Đức Chúa Trời bằng cách đòi hỏi Đức Chúa Trời làm thoả mãn nhu cầu hầu xác minh chính mình Ngài xứng đáng với sự họ vâng phục và thờ lạy. Trong lần cám dỗ tại nóc cao đền thờ, Satan đề nghị rằng Chúa chúng ta nên tạo ra một nhu cầu và buộc Đức Chúa Trời phải can thiệp, dựa theo một phân đoạn Kinh Thánh đáng tin, phân đoạn ấy dạy rằng Đức Chúa Trời sẽ không để cho bất kỳ một điều ác nào xảy đến cho Đấng Mêsi của Ngài.
Có nhiều lúc người ta ở trong tầm nguy hiểm khi phải chịu Đức Chúa Trời lãnh đạo hoặc họ sẽ bất tuân đối với ý chỉ của Đức Chúa Trời. Thí dụ, ba bạn của Đaniên, Sađơrắc, Mêsắc, và Abếtnêgô đã ở trong sự nguy hiểm phải chết chóc [chết trong lò lửa thiêu] vì họ từ chối không chịu cúi xuống lạy pho tượng vàng. Thậm chí mối nguy hiểm lại nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, họ đã từ chối không chịu đặt Đức Chúa Trời vào một vị trí mà ở đó Ngài phải đưa ra một hành động nhất định:
“Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô tâu lại cùng vua rằng: Hỡi Nê-bu-cát-nết-sa, về sự nầy, không cần chi chúng tôi tâu lại cho vua. Nầy, hỡi vua! Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu việc, có thể cứu chúng tôi thoát khỏi lò lửa hực, và chắc cứu chúng tôi khỏi tay vua. Dầu chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu việc các thần của vua, và không thờ phượng pho tượng vàng mà vua đã dựng” (Đaniên 3.16-18).
Kết luận
Khi chúng ta hết sức khám phá điều chi có liên quan và ứng dụng được trong phân đoạn Kinh Thánh cho đời sống của chính chúng ta, chúng ta hãy nhớ rằng Cơ đốc nhân cũng mang chung danh phận “con cái Đức Chúa Trời” giống như địa vị của Chúa chúng ta, họ sẽ đồng trị với Đấng Christ (đối chiếu Ôsê 1.10; Rôma 8.19; II Côrinhtô 6.14-18; II Timôthê 2.12; Khải huyền 1.6, 20.6). Là “con cái Đức Chúa Trời”, chúng ta là đối tượng cho sự thử nghiệm và kỷ luật (Hêbơrơ 12). Chúng ta cũng phải chịu đựng cùng những cơn cám dỗ mà Ađam, Êva và Ysơraên (và mọi người) đã thất bại. Vì thế, phần thử nghiệm về địa vị con cái của Chúa chúng ta rất thích đáng với “con cái của Đức Chúa Trời”.
Phần thử nghiệm đặc biệt về địa vị làm con của Chúa chúng ta là thử nghiệm về sự “thử Đức Chúa Trời”. Tại sao thử Đức Chúa Trời là sai chứ? Hãy để tôi đưa ra vài lý do cho thấy tại sao thử Đức Chúa Trời là tội lỗi.
(1) ĐÓ LÀ TỘI CHỐNG LẠI ĐỊA VỊ LÀM CON CỦA CHÚNG TA VÀ QUYỀN TỂ TRỊ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI. Mối quan hệ cha – con là mối quan hệ có một chuỗi mạng lệnh rất rõ ràng. Cha đang nắm quyền hành trên con. Con phải tin cậy và vâng theo cha. Con phải chờ đợi cho tới khi nào cha khiến con nhậm chức làm vua.
Về việc “Con Đức Chúa Trời” thử Đức Chúa Trời, thử Đức Chúa Cha là làm đảo lộn cấu trúc uy quyền mà Đức Chúa Trời đã thiết lập. Làm vậy là quên phứt đi chính Đức Chúa Trời mới là Đấng thử chúng ta, chớ không phải chúng ta thử Đức Chúa Trời. Làm thế có nghĩa là chúng ta cần sự chứng minh, chớ không phải Đức Chúa Trời. Chính chúng ta đáng phải hầu việc Đức Chúa Trời, chớ không phải Đức Chúa Trời là tôi tớ của chúng ta, như xem Ngài là kẻ hầu cận, luôn sẵn sàng làm theo mệnh lệnh của chúng ta. Chính Ngài mới là Đấng sai khiến chúng ta, chớ không phải chúng ta là kẻ sai khiến Ngài. Thực chất lời Chúa quở trách Gióp há chẳng phải là như vậy sao? Thường thì Cơ đốc nhân hay hình dung Đức Chúa Trời là tôi tớ của con người, Ngài rất hăm hở có nhiều môn đồ đến nỗi Ngài sẵn sàng làm theo mệnh lệnh của chúng ta. Không phải như vậy đâu! Địa vị làm con có nghĩa là chúng ta phải vâng lời, chúng ta phải phục sự, chúng ta phải chịu khổ, nếu điều đó đẹp lòng Đức Chúa Cha. Chúa chúng ta vốn hiểu rõ ngày đăng quang của mình là đặc quyền của Đức Chúa Cha (đối chiếu Hêbơrơ 5.5). Vì thế, khi các môn đồ Ngài gây áp lực để biết ngày đó là ngày nào, Chúa chúng ta đã để vấn đề lại trong bàn tay của Đức Chúa Cha, chớ không phải điều đó ở trong tay Ngài (Mathiơ 24.36). Các môn đồ cứ tiếp tục gây áp lực để biết thời điểm ấy, thậm chí sau khi Chúa sống lại rồi nữa, nhưng Chúa chúng ta đã đáp: “Kỳ hạn và ngày giờ mà Cha đã tự quyền định lấy, ấy là việc các ngươi chẳng nên biết” (Công vụ các sứ đồ 1.7).
(2) ĐÓ LÀ TỘI CHỐNG LẠI TÌNH YÊU THƯƠNG. Tình yêu thương trọn vẹn quyết không có sự sợ hãi (I Giăng 4.18), sở dĩ thường có sự sợ hãi vì khi đó người ta đang tìm cách thử Đức Chúa Trời. Ysơraên sợ rằng họ sẽ chết mất trong đồng vắng. Tình yêu thương không biết đến sợ hãi. Thêm vào vấn đề nầy, tình yêu thương không hề nghi ngờ, mà chỉ tin thôi. Sứ đồ Phaolô nói theo cách của ông: “Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự” (I Côrinhtô 13.7). Thử Đức Chúa Trời là không dung thứ, không tin, và không nín chịu.
(3) ĐÓ LÀ TỘI NGHỊCH LẠI NIỀM TIN. Tin là tin tưởng Đức Chúa Trời, nói theo cách đơn giản. Tin là nắm lấy Đức Chúa Trời nơi LỜi của Ngài, và không đòi hỏi những dấu lạ và minh chứng. Gióp đã nói theo cách nầy: “Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài” (Gióp 13.15). Ông đã bắt rễ và lập nền nơi các lời hứa của Đức Chúa Trời. Đa số các lời hứa trong Kinh Thánh đều là sự bảo đảm các ơn phước và sự cố trong tương lai. Bởi chính bản chất của chúng, chúng không phải là những điều thực tế trong hiện tại. Chính sự lạm dụng mọi lời hứa của Đức Chúa Trời là nguồn cội của việc thử Ngài. Đức Chúa Trời hứa Ngài sẽ đưa dân Ysơraên vào trong một đất đượm sữa và mật, và họ bắt đầu đòi hỏi Đức Chúa Trời phải ban phước cho họ tức thì. Khi Ysơraên và Satan hiểu [sai] Thi thiên 91, Đức Chúa Trời hứa bảo hộ Đấng Mêsi của Ngài tránh khỏi mọi thiệt hại, vì vậy hắn đã giục Chúa buộc Đức Chúa Trời phải chu tất mọi lời hứa liền lúc ấy và tại nơi đó. Hết thảy mọi sự xúi giục nầy đều ngược lại với đức tin. Tác giả thơ Hêbơrơ nhắc cho độc giả của ông nhớ mọi thánh đồ trong Cựu ước đều ngã chết mà chưa nhận lãnh lời hứa của Đức Chúa Trời:
“Hết thảy những người đó dầu nhân đức tin đã được chứng tốt, song chưa hề nhận lãnh điều đã được hứa cho mình. Vì Đức Chúa Trời có sắm sẵn điều tốt hơn cho chúng ta, hầu cho ngoại chúng ta ra họ không đạt đến sự trọn vẹn được” (Hêbơrơ 11.39-40).
Đức tin là tin tưởng vào mọi lời hứa của Đức Chúa Trời, rồi chờ đợi Chúa chu tất chúng theo thời điểm của Ngài. Đức tin là chịu đựng đau khổ, bắt bớ, và nghịch cảnh trong thì hiện tại, trong khi đó cứ hướng về mọi lời hứa của Đức Chúa Trời. Thử Đức Chúa Trời là đòi hỏi Đức Chúa Trời phải ban phước ngay tức thì, và cất bỏ hết mọi đau khổ ra khỏi chúng ta.
Khi chúng ta thử Đức Chúa Trời, chúng ta đang nghi ngờ không những mọi lời hứa của Đức Chúa Trời, mà còn nghi ngờ cả sự hiện diện của Ngài giữa vòng chúng ta nữa. Hãy nhớ lại lời nói của dân Ysơraên, khi họ thử Chúa: “Có ĐỨC GIÊHÔVA ở giữa chúng ta hay chăng?” (Xuất Êdíptô ký 17.7). Chúa chúng ta đã hứa: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hêbơrơ 13.5). Ngài hứa ở với chúng ta luôn luôn, cho đến tận thế (Mathiơ 28.20). Thử Đức Chúa Trời là phản bội lại lời hứa, thử Đức Chúa Trời là cho rằng sự hiện diện của Đức Chúa Trời chỉ có ở những lúc phước hạnh và thịnh vượng. Đây là sự bội đạo trong thời của chúng ta, điều nầy không được dạy dỗ trong Kinh Thánh. Đa số dân sự trong Kinh Thánh đều thấy sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong những lúc gian truân, sự hiện diện ấy thật quý giá và rất thực.
“Ở trên trời tôi có ai trừ ra Chúa? Còn dưới đất tôi chẳng ước ao người nào khác hơn Chúa. Thịt và lòng tôi bị tiêu hao; Nhưng Đức Chúa Trời là sức lực của lòng tôi, và là phần tôi đến đời đời. Vì, kìa, những kẻ xa Chúa sẽ hư mất; Chúa sẽ hủy diệt hết thảy kẻ nào thông dâm, xây bỏ Chúa. Nhưng lấy làm tốt thay cho tôi đến gần Đức Chúa Trời; Tôi nhờ Chúa Giê-hô-va làm nơi nương náu mình, Đặng thuật lại hết thảy các công việc Ngài” (Thi thiên 73.25-28).
Theo ý kiến của tôi, hành vi táo tợn đó, “thử Đức Chúa Trời” là một sự xuyên tạc đức tin. Đức tin ấy đi lố đà. Có một đường ranh phân biệt giữa tin cậy Đức Chúa Trời và thử Đức Chúa Trời. Thử Đức Chúa Trời có thể lập nền trên lời hứa [đức tin] cho rằng Đức Chúa Trời có thể làm mọi điều Ngài đã hứa, nhưng lại là tội lỗi trong việc kháng cự biểu thời gian của Đức Chúa Trời trong việc chu tất mọi lời hứa của Ngài. Tin cậy Đức Chúa Trời phải bao gồm việc nhận lãnh mọi điều mà Đức Chúa Trời đã tiếp trợ cho trong hiện tại, nhưng phải chờ đợi mọi điều Ngài đã hứa về sau nữa.
Thử Đức Chúa Trời là tội lỗi. Chúng ta có thể nhất trí mọi điều nầy về mặt nguyên tắc. Còn về thực tế thì sao nào? Chúng ta đã thử Đức Chúa Trời trong nền văn hoá chúng ta ra sao? Hãy để tôi đề xuất vài điều khả thi, nguyện chúng mở cánh cửa ra để chúng ta nhìn thấy một số phương thức mà quý vị đang ở trong mối nguy hiểm phạm phải ở lãnh vực nầy.
(1) Cơ đốc nhân có thể thử Đức Chúa Trời bằng cách hành động theo các lời hứa trong tương lai giống như thể chúng là những lời hứa trong hiện tại vậy. Hạng Cơ đốc nhân “theo danh nghĩa” đôi khi phạm vào việc đòi hỏi những lời hứa trong tương lai phải là những thực tế trong hiện tại, và vì thế không giàu có hay không mạnh khỏe không thể lý giải bởi sự chọn lựa chính đáng của Đức Chúa Trời được, mà bởi sự thiếu đức tin của người ấy, bởi sự thất bại của người đó không chiếm được các ơn phước của Đức Chúa Trời mà thôi. Trong các trường hợp như vậy con người bị cáo là sai lầm vì không “thử Đức Chúa Trời”, chúng ta hãy nhớ ở đâu có điều ác, Satan cũng có sự lộn lạo ở đó. Thử Đức Chúa Trời có thể có một bề ngoài rất kỉnh kiền, khi thực tế cho thấy đó là đòi hỏi của con người, họ đòi Đức Chúa Trời phải nhảy qua vòng tròn bánh xe của mấy đứa trẻ đang chơi đùa kia.
Thử Đức Chúa Trời thường là kết quả của sự chúng ta mất kiên nhẫn, của sự mong muốn Đức Chúa Trời phải ban ngay cho chúng ta ơn phước, không cần phải đợi lâu. Mất kiên nhẫn như thể đòi hỏi Đức Chúa Trời phải “mau lên” những gì Ngài đang làm. Điều nầy chẳng có gì mới mẻ hết.
“Khốn thay cho kẻ lấy sự dối trá làm dây kéo sự gian ác theo sau, và như dùng đỏi xe kéo tội lỗi; họ nói: Xin vội vã kíp làm nên công việc Ngài, hầu cho chúng tôi thấy! Nguyền xin mưu của Đấng Thánh Y-sơ-ra-ên hãy lại gần, hãy tới đến, cho chúng tôi được biết!” (Êsai 5.18-19).
(2) Đáp ứng không đúng đối với nghịch cảnh. Thường thì trong nghịch cảnh khuynh hướng muốn thử Đức Chúa Trời nơi chúng ta rất rõ ràng. Chúng ta rất giỏi trong việc đặt điều kiện nơi Đức Chúa Trời, những điều mà Ngài phải làm cho chúng ta để chúng ta công nhận Ngài đang hiện diện với chúng ta, và để cho chúng ta thờ lạy Ngài. Vì thế, nếu chúng ta lâm bệnh và Đức Chúa Trời không chữa lành cho chúng ta, chúng ta thắc mắc sự hiện diện cùng sự nhơn từ của Ngài. Nếu Đức Chúa Trời không tác thành hôn nhân của chúng ta hoặc khiến cho đứa con ngỗ nghịch của chúng ta phải hành động theo như chúng ta suy nghĩ Ngài sẽ hành động, chúng ta bắt đầu cho rằng Ngài chẳng hiện diện với chúng ta. Thực ra, chúng ta đã đặt điều kiện với Đức Chúa Trời, những điều mà Ngài phải làm, nếu chúng ta thờ lạy và hầu việc Ngài. Theo ý của tôi, thì đấy là thử Đức Chúa Trời.
(3) Chúng ta có thể thử Đức Chúa Trời bằng cách sống thiếu thận trọng. Có một số người thích đùa giỡn với nguy hiểm. Sống với những đặc tính xác xơ còn sót lại, hay sự chết, hoặc tai vạ và ly kỳ sẽ níu giữ chúng ta lại không tiến bộ được. Những tay liều lĩnh thường sống theo cách nầy. Hầu hết Cơ đốc nhân đều biết rõ tốt hơn là tha thứ cho hành động liều lĩnh và họ làm thế theo nhiều cách thức khác nhau, họ thường thánh hoá lối sống liều mạng của họ bằng cách gắn cho cái nhãn “đức tin”. Họ nói với chúng ta: “Tôi không thể mua chiếc xe nầy, nhưng tôi tin Đức Chúa Trời tiếp trợ cho tiền để trả”. Sống bởi đức tin có thể dẫn chúng ta vào trong nguy hiểm, như Đaniên và ba bạn của ông đã học biết, nhưng đức tin luôn luôn hiển hiện qua sự vâng theo Lời của Đức Chúa Trời. Đức tin không phải là dại dột quy hết cho việc tin theo Đức Chúa Trời, đức tin là tin cậy Đức Chúa Trời và bỏ đi sự dại dột. Chúng ta hãy cẩn thận về việc tìm cách làm theo điều dại dột bằng cách gọi mọi hành động của chúng ta là “một bước đức tin”. Có nhiều việc để tin Đức Chúa Trời phải lo làm, chúng ta không cần phải kéo dài ra bản danh mục những việc khó mà chúng ta trông mong Đức Chúa Trời phải hoàn thành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét