Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Luca 23.50-24.35: "XỬ LÝ VỚI CÁI CHẾT CỦA CHÚA JÊSUS"



Phần kết luận
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Phần tiếp cận của chúng ta
Đáp ứng của Giôsép, người Arimathê (23.50-53).
Đáp ứng của mấy người đàn bà (23.54-24.12)
Phần kết luận
Bài 75:

Xử lý với cái chết của Chúa Jêsus

(Luca 23.50–24.35)
“Có một người, tên là Giô-sép, làm nghị viên tòa công luận, là người chánh trực công bình, không đồng ý và cũng không dự việc các người kia đã làm. Người ở A-ri- ma-thê, là thành thuộc về xứ Giu-đê, vẫn trông đợi nước Đức Chúa Trời. Người bèn đi đến Phi-lát mà xin xác Đức Chúa Jêsus. Khi đã đem xác Ngài xuống khỏi cây thập tự, người lấy vải liệm mà bọc, rồi chôn trong huyệt đã đục nơi hòn đá, là huyệt chưa chôn ai hết. Bấy giờ là ngày sắm sửa, và ngày Sa-bát gần tới. Các người đàn bà đã từ xứ Ga-li-lê đến với Đức Chúa Jêsus, theo Giô-sép, xem mả và cũng xem xác Ngài đặt thể nào. Khi trở về, họ sắm sửa những thuốc thơm và sáp thơm. Ngày Sa-bát, họ nghỉ ngơi theo luật lệ. Ngày thứ nhất trong tuần lễ, khi mờ sáng, các người đàn bà ấy lấy thuốc thơm đã sửa soạn đem đến mồ Ngài. Họ thấy hòn đá đã lăn ra khỏi cửa mồ; nhưng bước vào, không thấy xác Đức Chúa Jêsus. Đang khi không biết nghĩ làm sao, xảy có hai người nam mặt áo sáng như chớp, hiện ra trước mặt họ. Họ đang thất kinh, úp mặt xuống đất; thì hai người ấy nói rằng: Sao các ngươi tìm người sống trong vòng kẻ chết? Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại. Hãy nhớ khi Ngài còn ở xứ Ga-li-lê, phán cùng các ngươi thể nào, Ngài đã phán rằng: Con người phải bị nộp trong tay kẻ có tội, phải bị đóng đinh trên cây thập tự, và ngày thứ ba phải sống lại. Họ bèn nhớ lại những lời Đức Chúa Jêsus đã phán. Họ ở mồ trở về, rao truyền mọi sự ấy cho mười một sứ đồ và những người khác. Ấy là Ma-ri Ma-đơ-len, Gian-nơ, và Ma-ri mẹ của Gia-cơ, cùng các đàn bà khác đi với họ đã rao truyền như vậy cho các sứ đồ. Song các sứ đồ không tin, cho lời ấy như là hư không. Dầu vậy, Phi-e-rơ đứng dậy, chạy đến mồ, cúi xuống mà dòm, chỉ thấy vải liệm ở trên đất, đoạn về nhà, lạ lùng cho việc đã xảy ra. Cũng trong ngày ấy, có hai môn đồ đi đến làng kia, gọi là Em-ma-út, cách thành Giê-ru-sa-lem sáu mươi ếch-ta-đơ; họ đàm luận về những sự đã xảy ra. Đang khi nói và cãi lẽ nhau, chính Đức Chúa Jêsus đến gần cùng đi đường với họ. Nhưng mắt hai người ấy bị che khuất không nhìn biết Ngài được. Ngài phán cùng họ rằng: Các ngươi đang đi đường, nói chuyện gì cùng nhau vậy? Họ dừng lại, buồn bực lắm. Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-ba, trả lời rằng: Có phải chỉ ngươi là khách lạ ở thành Giê-ru-sa-lem, không hay việc đã xảy đến tại đó cách mấy bữa rày sao? Ngài hỏi rằng: Việc gì vậy? Họ trả lời rằng: Ấy là việc đã xảy ra cho Jêsus Na-xa-rét, một đấng tiên tri, có quyền phép trong việc làm và trong lời nói, trước mặt Đức Chúa Trời và cả chúng dân; làm sao mà các thầy tế lễ cả cùng các quan đề hình ta đã nộp Ngài để xử tử, và đã đóng đinh trên cây thập tự. Chúng tôi trông mong Ngài sẽ cứu lấy dân Y-sơ-ra-ên; dầu thể ấy, việc xảy ra đã được ba ngày rồi. Thật có mấy người đàn bà trong vòng chúng tôi đã làm cho chúng tôi lấy làm lạ lắm: khi mờ sáng, họ đến mồ, không thấy xác Ngài, thì về báo rằng có thiên sứ hiện đến, nói Ngài đang sống. Có mấy người trong vòng chúng tôi cũng đi thăm mồ, thấy mọi điều y như lời họ nói; còn Ngài thì không thấy. Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hỡi những kẻ dại dột, có lòng chậm tin lời các đấng tiên tri nói! Há chẳng phải Đấng Christ chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh hiển mình sao? Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh. Khi hai người đi gần đến làng mình định đi, thì Đức Chúa Jêsus dường như muốn đi xa hơn nữa. Nhưng họ ép Ngài dừng lại, mà thưa rằng: Xin ở lại với chúng tôi; vì trời đã xế chiều hầu tối. Vậy, Ngài vào ở lại cùng họ. Đang khi Ngài ngồi ăn cùng hai người, thì lấy bánh, chúc tạ, đoạn, bẻ ra cho họ. Mắt họ bèn mở ra, mà nhìn biết Ngài; song Ngài thoạt biến đi không thấy, hai người nói cùng nhau rằng: Khi nãy đi đường, Ngài nói cùng chúng ta và cắt nghĩa Kinh Thánh, lòng chúng ta há chẳng nóng nảy sao? Nội giờ đó, họ liền đứng dậy, trở về thành Giê-ru-sa-lem, gặp mười một sứ đồ cùng các môn đồ khác đang nhóm lại, nói với họ rằng: Chúa thật đã sống lại, và hiện ra với Si-môn. Rồi hai người thuật lại sự đã xảy đến khi đi đường, và nhìn biết Ngài lúc bẻ bánh ra là thể nào”.
PHẦN GIỚI THIỆU:
Giôsép người Arimathê là Mênchixêđéc của Tân ước: ông là người xuất hiện không có giới thiệu trước và ông không có xuất hiện thêm một lần nào nữa. Ông là một nhân vật mà các trước giả Tin lành đều nói tới danh tánh và mọi người đều tôn trọng. Các sách tin lành cùng nhau cung ứng cho chúng ta biết việc ông đến xin xác Chúa Jêsus, về việc đặt Chúa Jêsus vào ngôi mộ mới, được đục trong vầng đá, và được sửa soạn để dành cho chính ông.
Khi chúng ta đọc phân đoạn Kinh Thánh với Giôsép người Arimathê trong lý trí, chúng ta có cảm xúc rất lạc quan đối với ông. Và ít nhất phân đoạn Kinh Thánh cũng để lại cho tôi với một thắc mắc khá khó chịu. Trước hết là thắc mắc nầy: “Nếu Giôsép người Arimathê không chôn cất Chúa Jêsus, thì ai sẽ làm việc ấy?” Tôi cho rằng xác của Chúa Jêsus chắc sẽ được lo liệu giống như xác của hai người kia, là hai người cùng bị đóng đinh trên thập tự giá với Chúa Jêsus. Mấy cái xác không được chôn cất, mà chỉ bị ném vào đống phân của thành phố.
Quan hệ mật thiết với thắc mắc thứ nhứt là câu hỏi thứ hai: “Còn các môn đồ đâu rồi?” Tôi không nhất trí với phần kết luận của Norval Geldenhuys, ông viết:
“Truyện tích Tin lành nói về sự thương khó của Chúa Jêsus kết thúc bằng một câu nói đẹp đẽ qua phần mô tả sự chôn cất Ngài. Vì trong lời kết ấy, chúng ta thấy thể nào thi thể của Cứu Chúa, kể từ lúc được đem xuống khỏi thập tự giá bằng những bàn tay yêu thương, đã được chăm sóc bởi những bàn tay không ai khác hơn là các môn đồ trung tín của Ngài”.
Trong khi mọi nổ lực của Giôsép người Arimathê là cao thượng, đối với mọi sự, ông là một người khách lạ. Ông, với sự trợ giúp của Nicôđem, phải mau mau di dời thi thể của Chúa Jêsus xuống khỏi thập tự giá, lo mua sắm những hương liệu cần thiết (kể cả 100 cân lư hội), để việc liệm xác được tiến hành mau chóng, rồi đem xác đặt vào trong ngôi mộ đá, đóng ấn mộ ấy bằng một tảng đá lớn (đối chiếu Giăng 19.38-41). Cả hai nhân vật nầy dường như đã đạt tới điểm mà họ nhắm vào Chúa Jêsus ít nhứt là một vị tiên tri, do Đức Chúa Trời sai đến, chức vụ của Ngài là một phần trong sự khai mào Nước Đức Chúa Trời.
Nhưng cả hai người, Giôsép và Nicôđem đều là những người xa lạ đối với Chúa chúng ta và với các môn đồ. Họ là hạng người ở ngoài cuộc. Những gì hai người nầy đã làm, dường như họ đã làm vì cớ địa vị và uy quyền của họ. Những gì họ đã làm, họ đã làm chẳng dính dáng gì tới các môn đồ của Chúa chúng ta hoặc những người đờn bà đã cùng đi theo Chúa lâu ngày rồi. Trong khi các môn đồ của Giăng Báptít đã xin lấy xác của Giăng rồi đem chôn cất xác ấy (Mác 6.29), các môn đồ của Chúa Jêsus đã không làm việc đó. Thay vì thế, một người lạ đã đứng ra xin xác của Ngài rồi đem chôn cất xác đó, với sự trợ giúp của Nicôđem, mà không với sự trợ giúp của các môn đồ Chúa Jêsus hoặc thậm chí mấy người đờn bà đã cùng đi với Ngài lên thành Jerusalem.
Ở đây, rốt lại tôi đã nhận ra, vấn đề làm cho tôi bối rối trong phần nầy của sách tin lành Luca (và, ở một cấp độ nào đó, trong tất cả các sách tin lành). Các môn đồ, họ rất cừ và ai cũng nhìn thấy họ xuyên suốt chức vụ của Chúa chúng ta, bây giờ không thấy đâu hết. Trong phân đoạn Kinh Thánh, Luca mô tả sự chôn cất Chúa chúng ta và đáp ứng của nhiều người trước sự việc nầy trong 3 mãng: (1) đáp ứng của Giôsép người Arimathê; (2) đáp ứng của mấy người đờn bà cùng đi với Chúa Jêsus; và (3) đáp ứng của hai trong số “các môn đồ” của Chúa Jêsus (chẳng có ai trong họ nằm trong số 11 môn đồ hết). Mười một môn đồ, họ đã dâng đời sống họ cho Chúa Jêsus, lại không thấy có mặt? Tại sao vậy? Đây là “chỗ căng thẳng trong phân đoạn Kinh Thánh” của chúng ta. Tại sao một người lạ — dù là người ngưỡng mộ và là môn đồ kín nhiệm của Chúa Jêsus — lại là người đứng ra lo chôn xác Ngài thay vì các môn đồ của Ngài hoặc thậm chí mấy người đờn bà đã đi theo sát cánh với Ngài? Mười một môn đồ kia đâu rồi? Tại sao họ tránh xa những gì đang diễn ra? Luca đang tường thuật điều gì cho chúng ta đây? Đấy là những gì chúng ta sẽ tìm cách tiếp thu từ sự nghiên cứu cái chết của Chúa Jêsus cùng đáp ứng của nhiều người đối với cái chết ấy.
CẤU TRÚC CỦA PHÂN ĐOẠN KINH THÁNH:
Phân đoạn Kinh Thánh chúng ta đang nghiên cứu chia ra làm ba phần, có thể được tóm tắt như sau:
(1) Đáp ứng của Giôsép trước cái chết của Chúa Jêsus (23:50-53)
(2) Đáp ứng của mấy người đờn bà trước cái chết của Chúa Jêsus (23.54 – 24.12)
(3) Đáp ứng của hai môn đồ trước cái chết của Chúa Jêsus (24.13-35)
PHẦN TIẾP CẬN CỦA CHÚNG TA:
Phần tiếp cận của chúng ta trong bài học nầy sẽ nhắm vào ba đáp ứng mà Luca đang mô tả trong phân đoạn Kinh Thánh nói tới cái chết của Chúa Jêsus: đáp ứng của Giôsép người Arimathê, đáp ứng của mấy người đờn bà đi theo Chúa Jêsus, và (lướt nhanh qua) đáp ứng của hai “môn đồ” trên con đường về Emmaút. Chúng ta sẽ xét riêng từng đáp ứng, với phần nhấn mạnh đặc biệt vào hai người trên con đường về làng Emmaút, và tiếp đến, chúng ta tìm cách chỉ ra ba đáp ứng nầy có điểm gì chung và các bài học mà Luca đã tìm cách dạy dỗ chúng ta khi ghi lại chúng.
ĐÁP ỨNG CỦA GIÔSÉP NGƯỜI ARIMATHÊ (23.50-53)
“Có một người, tên là Giô-sép, làm nghị viên tòa công luận, là người chánh trực công bình, không đồng ý và cũng không dự việc các người kia đã làm. Người ở A-ri- ma-thê, là thành thuộc về xứ Giu-đê, vẫn trông đợi nước Đức Chúa Trời. Người bèn đi đến Phi-lát mà xin xác Đức Chúa Jêsus. Khi đã đem xác Ngài xuống khỏi cây thập tự, người lấy vải liệm mà bọc, rồi chôn trong huyệt đã đục nơi hòn đá, là huyệt chưa chôn ai hết”.
Giôsép người Arimathê là một điều khó hiểu đối với tôi — một người rất giống với Mêchixêđéc, không thấy xuất hiện ở một chỗ nào hết, đang đóng một vai trò quan trọng, rồi lại biến mất. Chúng ta không thấy một chỗ nào nhắc tới ông, trước hay sau, trong các câu chuyện tin lành, thế mà mỗi câu chuyện tin lành đều nói tới chỗ ông đã xin phép Philát lấy xác Chúa Jêsus rồi đem chôn trong ngôi mộ của chính ông. Câu chuyện của Giăng trong tin lành của ông cũng nói cho chúng ta biết có Nicôđem đến hiệp với Giôsép, và “chỉ có” hai người đã sắm sửa xác của Chúa Jêsus rồi đưa vào chôn trong mộ (Giăng 19.38-42).
Giôsép người Arimathê, không cần phải nói, đã đến từ xứ Arimathê. Dường như sự thể cho thấy rõ ràng là ông đã sống tại thành Jerusalem, chớ không phải ở Arimathê, một địa điểm không thể nhận ra với sự chắc chắn. Giôsép đã sống tại thành Jerusalem (chớ không phải ở Arimathê), vì ông là một thành viên của Toà Công Luận, là “Nhà Hội” ở đó. Ông cũng có một ngôi mộ đã được sửa soạn sẵn cho ông tại thành Jerusalem, là ngôi mộ mà xác của Chúa Jêsus được đặt ở đó. Vậy thì tại sao tất cả các trước giả viết sách Tin lành đều nói cho chúng ta biết ông đến từ xứ Arimathê? Tôi tin phần giải thích được thấy có nơi sự kiện ông được người ta cho là người biết “trông đợi nước Đức Chúa Trời” (Luca 23.51). Quí vị sẽ không trông đợi “nước Đức Chúa Trời” ở Arimathê, mà là ở thành Jerusalem, vì đây sẽ là thủ phủ của Israel, nhà Vua sẽ trị vì ở đó (đối chiếu Xachari 1 & 2; 8.1-8; 9.9; 14).
Giôsép cũng là một “người chánh trực và công bình” (Luca 23.50). Ông là một nhân vật có ảnh hưởng, không những là “nghị viên Toà Công Luận” (Luca 23.50), mà còn (theo Tin lành Mác), “nghị viên Toàn Công Luận có danh vọng” (Mác 15.43). Bất cứ một nghị viên nào của Toà Công Luận cũng là một nhân vật có ảnh hưởng, nhưng Giôsép là một nhân vật có ảnh hưởng giữa vòng những nghị viên đó trong Toà Công Luận. Luca mau mắn nói cho chúng ta biết là trong khi Giôsép có mặt tại Toà Công Luận, ông không bằng lòng với quyết định và hành động của họ khi kết án tử hình Chúa Jêsus (23.51).
Lúc đầu, điều nầy dường như khó xử lắm. Giôsép là một nghị viên của Toà Công Luận, Kinh Thánh cho chúng ta biết như thế. Lối suy luận trong câu chuyện của Luca cho thấy rõ ràng là Toà Công Luận đã đi tới chỗ nhất trí quyết định Chúa Jêsus đã phạm phải tội phạm thượng, và họ đã buộc Philát phải xử tử Chúa Jêsus (Luca 22.70–23:1; Mác 15.1). Tôi tin quyết định của Toà Công Luận là quyết định với sự nhất trí, thế nhưng Giôsép lẫn Nicôđem đều không được triệu tập để tham dự buổi nhóm nầy hoặc có phần trong quyết định đó. Lý do rất rõ ràng: họ không muốn bất kỳ một người nào hiện diện nói khác đi với phần quyết định của họ, và vì vậy bất kỳ nghị viên nào ở ngoài lề hay những ai bị xem là chống đối hành động ấy sẽ bị “bỏ lơ” khi Toà Công Luận được triệu tập, một cách bất hợp pháp, và chính vào lúc cuối đêm hôm Chúa Jêsus bị bắt. Luca chỉ muốn làm cho sự thể nầy ra rõ ràng mà thôi. Sự kiện Giôsép không phải là một phần trong quyết định giết Chúa Jêsus, theo ý kiến của tôi, đang đóng một vai quan trọng trong mọi hành động của Giôsép (và mọi hành động của Nicôđem nữa) vào buổi trưa Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá.
Tin lành của Giăng cho chúng ta biết rằng trong khi Giôsép là một “môn đồ của Chúa Jêsus”, ông là một “môn đồ kín nhiệm, vì sợ người Do thái” (Giăng 19.38). Tới điểm nầy, ông đã giữ “đức tin” mình một cách kín nhiệm. Trong khi ông mang lấy gánh nặng cùng với các bạn đồng sự của mình, ông không nghĩ thái độ của ông đối với Chúa Jêsus được người ta ưa thích, và vì vậy ông đã giữ im lặng về việc ấy, cho tới ngày nầy. Điều chi đã khiến cho “vị môn đồ kín đáo” nầy phải chường mặt ra vậy? Sự thay đổi nào đang diễn ra thế?
Trong khi câu trả lời của tôi có tính cách suy đoán, nó có một số nền tảng. Một manh mối quan trọng thấy được qua sự kiện do Giăng tỏ ra, ấy là Giôsép đã có một bạn đồng sự trợ giúp ông lo chôn cất Chúa Jêsus vào buổi trưa hôm ấy. Tên của người nầy là Nicôđem (Giăng 19.39). Trong khi Giôsép không có một chỗ nào nhắc tới trong Tân ước, còn Nicôđem thì được nhắc tới. Tôi tin hai người đã có nhiều điểm chung và các lý do cho mọi hành động của Nicôđem đều giống với những lý cớ đã giục giã Giôsép đến xin xác của Chúa Jêsus.
Nicôđem cũng là một người Pharisi, một nhân vật lãnh đạo của người Do thái (Giăng 3.1), và cũng là một nghị viên của Toà Công Luận (đối chiếu Giăng 7.32, 48-50). Ông cũng bị Chúa Jêsus lôi cuốn và kéo đến cùng Ngài, nhưng khi ông tìm cách gặp Ngài, ông đã đến với Chúa Jêsus trong ban đêm (Giăng 3.2). Câu chuyện cho thấy rằng Nicôđem và Giôsép đã có lòng e sợ người Do thái, cũng như có một chút thích thú nơi Chúa Jêsus. Khi Chúa Jêsus phán với Nicôđem về sự cần kíp của việc được “sanh lại”, điều nầy đã làm cho ông phải bối rối. Chúa Jêsus tiếp tục giải thích rằng một người phải sanh lại về mặt thuộc linh nếu người ấy muốn bước vào trong Nước Trời, một ý tưởng lạ đối với nhân vật nầy, dù ông là một trong những vị giáo sư lỗi lạc trong Israel (đối chiếu “giáo sư” trong Giăng 3.10). Nicôđem đã có nhiều điều để suy gẫm khi ông lìa khỏi Chúa Jêsus đêm hôm đó. Ông phải suy nghĩ sanh lại có nghĩa gì. Ông cũng phải suy nghĩ Chúa Jêsus muốn gì khi nói tới trình tự cho loài người để được sự sống đời đời, Con Người sẽ bị “treo lên” giống như Môise đã treo con rắn ngoài đồng vắng vậy (Giăng 3.14). Nếu Chúa Jêsus nầy là Đấng Mêsi, phương thức Ngài đem lại Nước Trời rất khác biệt với những gì các cấp lãnh đạo và những giáo sư người Do thái dạy dỗ. Nicôđem đã có nhiều điều phải suy gẫm.
Nicôđem bị buộc phải chọn một loại thế đứng khi Chúa Jêsus đến tại thành Jerusalem trong suốt kỳ lễ Lều Tạm đã tạo ra sự phân rẽ to lớn giữa vòng dân sự, cùng giữa dân sự với cấp lãnh đạo của họ: “Có mấy kẻ trong dân thành Giê-ru-sa-lem nói rằng: Đó có phải là người mà người ta tìm giết chăng? Kìa, người nói tự do, mà không ai nói chi người hết. Dễ thường các quan đã nhận thật người là Đấng Christ? Thế mà, chúng ta biết người nầy từ đâu lại; song khi Đấng Christ sẽ đến, thì không ai biết Ngài từ đâu đến…họ đã cố tìm cách bắt Ngài, song không ai tra tay trên Ngài, vì giờ Ngài chưa đến. Song trong vòng dân chúng nhiều kẻ tin Ngài, nói rằng: “Khi Đấng Christ đến, sẽ có làm nhiều phép lạ hơn người nầy đã làm chăng… Vậy, họ kiếm thế bắt Ngài; nhưng không ai tra tay trên Ngài, vì giờ Ngài chưa đến. Song trong vòng dân chúng nhiều kẻ tin Ngài, nói rằng: Khi Đấng Christ đến, sẽ có làm nhiều phép lạ hơn người nầy đã làm chăng? Trong đoàn dân có nhiều người nghe những lời đó, thì nói: Người nầy thật là đấng tiên tri. Người khác thì nói: Ấy là Đấng Christ. Người khác nữa lại nói: Đấng Christ há từ Ga-li-lê mà đến sao? Kinh Thánh há chẳng nói rằng Đấng Christ phải ra từ dòng dõi vua Đa-vít, làng Bết-lê-hem, là làng vua Đa-vít sao? Vậy, dân chúng cãi lẽ nhau về Ngài. Có mấy kẻ trong đám dân muốn bắt Ngài, nhưng không ai đặt tay trên mình Ngài” (Giăng 7.25-27; 30-31; 40-44).
Các cấp lãnh đạo tôn giáo, họ ý thức rằng Chúa Jêsus đang khiến cho họ phải mất tự chủ, đã ra lịnh cho lính canh đền thờ đến bắt Ngài, nhưng họ trở về mà chẳng bắt Ngài, họ giải thích: “Chẳng hề có người nào đã nói như người nầy!” (Giăng 7.46). Trước lối giải thích như thế nầy, người Pharisi đã thách thức: “Có một người nào trong các quan hay là trong những người Pha-ri-si tin đến người đó chăng? Song lũ dân nầy không biết luật chi cả, thật là dân đáng rủa!” (Giăng 7.48-49).
Có ai trong vòng những người Pharisi chịu tin Jêsus là Đấng Mêsi, hay ít nhất là một vị tiên tri được Đức Chúa Trời sai phái đến không? Không; đây là một câu hỏi thú vị nhất. Nicôđem ít nhất đang suy nghĩ về sự ấy, như chúng ta có thể thấy từ cuộc trao đổi của ông với Chúa Jêsus trong Giăng 3. Và ở một vài thời điểm, Giôsép người Arimathê đã trở thành một môn đồ kín nhiệm của Chúa Jêsus. Đây là lúc cho Nicôđem nói ra, và ông đã nói ra, song chưa dạn dĩ mấy:
“Ni-cô-đem (là người trước có đến cùng Đức Chúa Jêsus và là một người trong đám họ) nói rằng: Luật chúng ta há bắt tội một người nào chưa tra hỏi đến, và chưa biết điều người ấy đã làm, hay sao? Họ trả lời rằng: Ngươi cũng là người Ga-li-lê sao? Ngươi hãy tra xét, sẽ thấy rằng chẳng có tiên tri nào từ xứ Ga-li-lê mà ra hết” (Giăng 7.50-52).
Tôi tin Nicôđem đã có một tư thế lỏng lẻo ở đây, không phải về sự đồng hoá với thân vị của Đấng Christ, mà đúng hơn với một nguyên tắc của luật pháp. Nicôđem đã thách thức những bạn đồng sự của mình về đề tài danh xưng chúng ta sẽ gọi Jêsus là “quyền lập hiến [constitutional rights]” Dưới luật pháp của người Do thái, người bị vu cáo có quyền biện giải trước khi người bị tuyên bố phạm tội. Chúa Jêsus chưa bao giờ có “quyền biện giải” đó. Tôi giả định Toà Công Luận đã cảm thấy họ sẽ đáp ứng với mọi sự khó chịu của Nicôđem khi họ dành cho Chúa Jêsus việc ‘biện giải’ về sự Ngài bị bắt. Nhưng phần thách thức của người Pharisi có lẽ là phương tiện Đức Chúa Trời sử dụng để kích động sâu xa sự đòi hỏi nơi phần của Nicôđem thành những lời xưng nhận của Chúa Jêsus chính là Đấng Christ, Đấng Mêsi của Israel. Nếu Chúa Jêsus xuất thân từ thành Nazarét xứ Galilê mà chẳng sanh ra tại thành Bếtlêhem, như Kinh Thánh đòi hỏi (Michê 5.1), thì làm sao Ngài có thể là Đấng Mêsi cho được? Đây là ý kiến riêng của tôi, ấy là Nicôđem đã lấy sự thách thức và đòi hỏi nơi bạn đồng sự của mình chuyển thành nơi ra đời của Chúa Jêsus, chỉ để thấy rằng Ngài đã ra đời tại thành Bếtlêhem, theo gia phổ của Vua David. Và khi ông xem xét lại những câu đầu của Êsai 9, một lời tiên tri nói về Đấng Mêsi, ông cũng thấy rằng Đấng Mêsi sẽ có một chức vụ trong xứ Galilê nữa. Vì vậy, bất kỳ đòi hỏi nào quan trọng nơi phần của Nicôđem sẽ dẫn ông tối chỗ phải kết luận rằng những người đồng thời với ông đã sai lầm khi chối bỏ Chúa Jêsus, và quả thực Ngài chính là Đấng Mêsi.
Tôi nhìn nhận đây là phần ước đoán nơi phần của tôi, nhưng chúng ta đều biết rằng cả Nicôđem và Giôsép đã trở thành môn đồ của Chúa Jêsus, dù là tín đồ kín nhiệm vì họ đã e sợ sự chối bỏ của những kẻ đồng thời với Ngài. Phải chăng hai người nầy đều là những nghị viên trong Toà Công Luận, bắt đầu trao đổi với nhau về đức tin mới mẻ của họ nơi Chúa Jêsus? Phải chăng họ cẩn thận cảm nhận như nhau về đối tượng nầy, sau cùng họ cùng xưng nhận với nhau rằng họ đã để lòng tin theo Chúa Jêsus là Đấng Mêsi? Sự việc nầy sẽ giải thích làm thế nào để hai nhân vật nầy trở thành bạn đồng công trong sự chôn cất Chúa Jêsus, trong ngày đóng đinh trên thập tự giá.
Nhưng lý do tại sao bây giờ họ lại tiến lên phía trước? Tại sao họ “bước ra khỏi chỗ kín đáo” sau khi giữ niềm tin của mình về Chúa Jêsus trong chỗ thầm lặng quá lâu? Tại sao lại là bây giờ, sau cái chết của Chúa Jêsus chứ? Đối với tôi, câu trả lời rất đơn giản: vì đức tin đòi hỏi họ phải xưng ra trong các cảnh ngộ nầy. Tới điểm nầy, hai người nầy có quyền giữ lấy quan điểm cho chính họ. Nicôđem chỉ thốt ra nguyên tắc của luật pháp đòi hỏi rằng người bị vu cáo phải được quyền biện giải. Nhưng bấy giờ Toà Công Luận đã hành động. Tới thời điểm nầy, dường như là Toà Công Luận, không có một tư thế thống nhất nữa. Nhưng khi họ triệu tập một phiên họp của Toà Công Luận mà chẳng mời cả Nicôđem hay Giôsép (và Giôsép là một nghị viên có danh vọng — Mác 15.43), xét xử Chúa Jêsus như một kẻ phạm thượng, và kêu cầu tới Rôma để xử tử Ngài như một tội phạm… điều nầy thật quá đáng. Mặc dù Chúa Jêsus đã chết (và tôi nghi rằng họ đã trông mong Ngài sống lại từ kẻ chết), họ đã quyết chọn một thế đứng, một vị trí tỏ ra sự đối kháng với quyết định của Toà Công Luận mà họ là một phần tử trong Toà ấy.
Vì Giôsép (và Nicôđem) đứng xin lấy xác của Chúa Jêsus để lo liệu chôn cất cho thích đáng là một cách phát biểu công khai rằng Chúa Jêsus không phải là một tội phạm, mà là Đấng Christ. Chúa Jêsus sẽ được chôn cất trong “hóc núi” ai cũng biết trong ngày đó, nếu như Giôsép không dạn dĩ đến trước mặt Philát xin lấy xác. Giôsép, trong khoảng thời gian giới hạn, sẽ cung ứng cho Chúa Jêsus việc chôn cất tốt nhất có thể được, đặt xác Ngài vào trong chính ngôi mộ của ông. Tôi có ấn tượng rằng Giôsép sẽ làm tốt hơn cho Chúa Jêsus nếu thời gian cho phép. Nhưng đã có rất ít thời gian khi xin và được phép lấy xác (điều nầy đòi hỏi thời gian cho Philát xác chứng rằng Chúa Jêsus thực sự đã chết rồi — Mác 15.44-45), đem xác ấy xuống khỏi thập tự giá, tẩn liệm với lư hội, một dược rồi mới đem đặt xác ấy vào mộ. Toà Công Luận phải biết rõ những gì Giôsép đã làm, vì khi họ hỏi thăm tên lính canh được đặt gác ở bối cảnh ấy, họ mới hay rằng Giôsép đã đến xin xác rồi đem chôn xác ấy. Chắn chắn họ sẽ hỏi Giôsép xác được chôn cất ở chỗ nào. Hãy nhớ, mấy người đờn bà vốn biết rõ điều nầy chỉ vì họ đã đi theo Giôsép và Nicôđem, để dò cho biết địa điểm đặt xác của Chúa Jêsus. Bày tỏ sự kính trọng đối với xác của Chúa Jêsus là việc duy nhất mà Giôsép (và Nicôđem) có thể làm, vào thời điểm nầy, tự họ tách ra khỏi mọi hành động của Toà Công Luận, và tự họ kết hiệp với Chúa Jêsus, sứ điệp, chức vụ và địa vị Đấng Mêsi của Ngài. Họ đã làm những gì họ có thể làm, và họ đã làm mỹ mãn việc ấy. Các sách tin lành đều khen ngợi Giôsép một cách đặc biệt cũng như Nicôđem vậy.
Giôsép là một người, không giống như các môn đồ, ông đã tỏ ra lòng can đảm trong lúc Chúa Jêsus đã chết, và ông đã tỏ ra tình cảm của mình dành cho Cứu Chúa bằng cách bày tỏ lòng tôn kính đối với thân xác của Ngài. Dường như đối với tôi, ông đã được ghi lại cho lịch sử lòng yêu mến với sự cao độ, không phải giống như người đờn bà đã lau chơn Chúa Jêsus bằng nước mắt của nàng. Chúng ta đọc thấy về ông với sự trìu mến và về công việc của ông đầy tình yêu thương đối với cái xác của Chúa Jêsus. Có phải ông là một trong những người đã đem lòng tin cậy nơi Chúa Jêsus là Đấng Christ không? Có phải ông là một thuộc viên trong Hội Thánh đầu tiên không? Kinh Thánh không nói cho chúng ta biết. Nhưng ông là một sự tương phản rất nổi bật trước sự vắng mặt của mười một môn đồ kia. Họ đã ở đâu vậy? Tại sao họ không đứng ra xin xác Chúa Jêsus?
ĐÁP ỨNG CỦA MẤY NGƯỜI ĐỜN BÀ (23.54–24.12)
“Bấy giờ là ngày sắm sửa, và ngày Sa-bát gần tới. Các người đàn bà đã từ xứ Ga-li-lê đến với Đức Chúa Jêsus, theo Giô-sép, xem mả và cũng xem xác Ngài đặt thể nào. Khi trở về, họ sắm sửa những thuốc thơm và sáp thơm. Ngày Sa-bát, họ nghỉ ngơi theo luật lệ. Ngày thứ nhất trong tuần lễ, khi mờ sáng, các người đàn bà ấy lấy thuốc thơm đã sửa soạn đem đến mồ Ngài. Họ thấy hòn đá đã lăn ra khỏi cửa mồ; nhưng bước vào, không thấy xác Đức Chúa Jêsus. Đang khi không biết nghĩ làm sao, xảy có hai người nam mặt áo sáng như chớp, hiện ra trước mặt họ. Họ đang thất kinh, úp mặt xuống đất; thì hai người ấy nói rằng: Sao các ngươi tìm người sống trong vòng kẻ chết? Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại. Hãy nhớ khi Ngài còn ở xứ Ga-li-lê, phán cùng các ngươi thể nào, Ngài đã phán rằng: Con người phải bị nộp trong tay kẻ có tội, phải bị đóng đinh trên cây thập tự, và ngày thứ ba phải sống lại. Họ bèn nhớ lại những lời Đức Chúa Jêsus đã phán. Họ ở mồ trở về, rao truyền mọi sự ấy cho mười một sứ đồ và những người khác. Ấy là Ma-ri Ma-đơ-len, Gian-nơ, và Ma-ri mẹ của Gia-cơ, cùng các đàn bà khác đi với họ đã rao truyền như vậy cho các sứ đồ. Song các sứ đồ không tin, cho lời ấy như là hư không. Dầu vậy, Phi-e-rơ đứng dậy, chạy đến mồ, cúi xuống mà dòm, chỉ thấy vải liệm ở trên đất, đoạn về nhà, lạ lùng cho việc đã xảy ra”.
Từ lời lẽ của Luca, sự thể cho thấy rằng nhóm người đó đang đứng ở một khoảng xa xa, họ ngó xem các sự cố tại đồi Gôgôtha, không những gồm có nhiều người đờn bà đã theo Chúa Jêsus từ xứ Galilê lên thành Jerusalem, mà còn có các môn đồ (kể cả 11 người) nữa:
“Song những kẻ quen biết Đức Chúa Jêsus và các người đàn bà theo Ngài từ xứ Ga-li-lê, đều đứng đằng xa mà ngó” (Luca 23.49, phần nhấn mạnh của tôi).
Cũng chính mấy người đờn bà nầy, họ đã đi theo Giôsép và Nicôđem đến tận mộ, nơi chôn cất Chúa Jêsus (23.55), đã từ chối không chịu lìa khỏi xác Chúa Jêsus. Đặc biệt họ đã nom xem địa điểm và phương thức cái xác được đặt trong đó (câu 55). Họ đã xem thấy cái xác đã được liệm cho sự chôn cất, với việc sử dụng 100 cân một dược hoà với lư hội (Giăng 19.39). Thế nhưng nhìn thấy bấy nhiêu vẫn chưa phải là đủ. Họ muốn làm một việc tốt đẹp hơn, tỉ mỉ hơn, trong việc tẩn liệm xác Chúa Jêsus sau ngày Sabát. Họ đã trở về nhà, mua sắm các thứ thuốc thơm cần thiết (Mác 16.1), chuẩn bị mọi thứ, đợi đến lúc họ quay trở lại (Luca 23.56), nhưng họ đã đợi cho tới khi qua ngày Sabát, theo điều răn. Họ vốn biết hòn đá lớn sẽ là một nan đề và không biết làm sao dời đi hòn đá ấy (Mác 16.3).
Mấy người đờn bà không bị ngăn trở bởi những khó khăn có thể có trong phần việc của họ. Dường như là chẳng có sự chi ngăn trở họ hết. Người ta có thể thấy mấy người đờn bà nầy, mệt nhọc bởi gánh nặng của các thứ thuốc thơm mà họ mang theo, có lẽ đẩm mồ hôi và thở mệt nhọc. Đúng là một cú sốc, trong lúc trời còn lờ mờ sáng (đối chiếu Mathiơ 28.1; Mác 16.2; Luca 24.1; Giăng 20.1), khi nhìn thấy hòn đá, đây là chỗ mà họ lo lắng, đã được dời đi rồi. Sau khi bước vào ngôi mộ, họ thấy rằng cái xác không còn ở đó nữa. Trong lúc ngạc nhiên, hai vị thiên sứ hiện đến trong áo xống chói loà, rực rỡ như tia chớp, Luca thuật lại cho chúng ta biết. Ánh sáng nầy đã góp phần soi sáng phía trong ngôi mộ, cho thấy rõ ràng cái xác không còn ở đó, và cũng tỏ ra theo trình tự khăn, vải liệm đều đã được xếp lại (đối chiếu Giăng 20.6-7).
Cảnh tượng xem thấy các thiên sứ cũng rất rõ ràng. Mấy người đờn bà đã úp mặt xuống đất. Tuy nhiên, các vị thiên sứ đã tử tế quở nhẹ mấy người đờn bà vì đã đến tại mộ, mong tìm gặp “Đấng Sống” giữa vòng kẻ chết (câu 5). Các vị thiên sứ giải thích rằng sự vắng mặt của Chúa Jêsus là vì Ngài đã sống lại từ kẻ chết, và họ cũng nhắc cho mấy người đờn bà nhớ rằng đây đúng là điều mà chính mình Chúa Jêsus đã nói với họ, trong khi Ngài còn sống và ở với họ, khi trở lại trong xứ Galilê (các câu 6-7). Khi ấy mấy người đờn bà mới nhớ lại rằng Chúa Jêsus đã nói với họ mấy lời nầy.
Tôi tin chắc rằng Giôsép đã hành động như ông đã làm dựa trên sự tìm tòi riêng của ông trong Kinh Thánh, từ đó ông đã kết luận rằng Chúa Jêsus chính là Đấng Mêsi của Israel. Tôi tin mấy người đờn bà nầy bị quở trách vì không tin theo lời nói của Chúa Jêsus. Sau đó, hai người trên đường về làng Emmaút đã bị quở trách vì đã “có lòng chậm tin các lời tiên tri nói” (Luca 24.25). Theo ý kiến của tôi, thì hai người nầy đã đọc đi đọc lại các phân đoạn Kinh Thánh Cựu ước nhiều hơn là mấy người đờn bà. Vì thế, hai người nầy đã bị quở trách vì không dò xem Kinh Thánh, trong khi mấy người đờn bà bị quở trách vì không tin theo Chúa Jêsus. Tuy nhiên, mấy người đờn bà đã đi trước mấy ông một bước trong việc xem thấy (theo tôi nhận định như vậy): họ không có nhiều rắc tối khi tin rằng Chúa Jêsus sẽ bị chối bỏ và bị kết án tử hình như họ đã tin rằng Ngài sẽ sống lại. Hai người về làng Emmaút đã được chỉ cho thấy từ Kinh Thánh rằng Đấng Mêsi “phải” “chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh hiển mình” (Luca 24.26). Mấy người đờn bà chỉ cần được nhắc nhớ là Chúa Jêsus sẽ sống lại, và vì thế bị quở trách vì đã tìm Chúa Jêsus trong vòng kẻ chết.
Sự thể tương tự như Mary, em của Laxarơ, đã có mặt giữa vòng những người từ ngôi mộ trở về. Nếu thực vậy, nàng là người, chỉ một vài ngày trước đó, đã xức dầu cho Chúa Jêsus, theo lời của Ngài: “cho ngày chôn xác ta” (Giăng 12.7). Tôi e thuốc thơm cũng còn mùi. Thật vậy, tôi tin Chúa Jêsus đã chỉ ra rằng nàng đã hiểu, trong khi nhiều người khác chưa hiểu, rằng Ngài không bao lâu nữa sẽ chịu chết. Vì thế, hành động tin kính của nàng là một trong một số việc mà nàng có thể làm đúng lúc bày tỏ ra tình cảm của nàng đối với Ngài, nhận biết rằng thời điểm chết của Ngài đã gần rồi.
Mấy người đờn bà nầy đã đến tại mộ để sửa soạn cho xác Chúa Jêsus đã thấy — nhiều hơn cánh đờn ông — rằng Chúa Jêsus đã chết. Điều nầy không đến với họ như một cú sốc. Họ đã biết rõ điều nầy từ chính lời lẽ của Chúa Jêsus. Nhưng những gì Ngài đã nói, những điều họ không nắm bắt được, ấy là Ngài không những sẽ chết, mà còn sống lại từ kẻ chết nữa. Vì họ thất bại không tin điều nầy, cho nên hai vị thiên sứ mới quở nhẹ mấy người đờn bà. Tuy nhiên, giống như Giôsép trước họ, mấy người đờn bà nầy đã làm những gì họ có thể để tôn cao Chúa Jêsus trong sự chết của Ngài.
Mấy người đờn bà mau chóng rời khỏi đó mà trở về nhà, tôi e, họ đã bỏ lại các thứ thuốc thơm ở đàng sau, để báo tin cho mấy người đờn ông biết những gì họ đã thấy. Mười một môn đồ đều chạy đến đó (bất cứ chỗ nào có thể), cũng như những người khác nữa (24.9). Tuy nhiên, họ không tin mấy người đờn bà. Há quí vị không nhìn thấy mấy người đờn ông đã lúc lắc cái đầu của họ rồi nói, ít nhất là ở trong lòng: “Mấy bà ‘mát’ nầy tội nghiệp thật. Họ chưa chịu đối diện với sự thật. Chúa Jêsus đã chết mất tiêu rồi”. Đối với họ, đây là một sự chối bỏ phi lý không chịu nhận chân sự việc y theo những gì đã xảy ra rồi.
Tuy nhiên, Phierơ ít nhất đã tin theo ngôi mộ trống trơn. Ông đã nhìn lại lòng mình. Và vì thế ông đã chạy ra mộ (chúng ta biết từ tin lành của Giăng rằng Giăng cũng chạy theo Phierơ — Giăng 20.2-10). Phierơ đã nhìn thấy chứng cớ — những chiếc khăn liệm đang nằm đó, và ông cảm thấy bối rối, nhưng chưa tin. Đối với ông, đây là một sự mầu nhiệm không thể nói được, nhưng chưa phải là một sự sống lại. Dường như Giăng đã tin theo và tin chắc đây là một sự sống lại, ít nhất là ở trong lòng ông (Giăng 20.8-9). Những việc nầy chỉ thêm vào nỗi đau buồn của các môn đồ, giờ đây họ không có một cái xác hay một ngôi mộ bởi đó để tưởng nhớ Chúa Jêsus.
Phierơ đã được nhắc tới, nhưng chỉ vắn tắt thôi, trong phân đoạn Kinh Thánh nầy. Có lẽ ông là phát ngôn viên của cả nhóm. Ở một cấp độ nào đó, ông vẫn là người lãnh đạo họ. Mọi hành động của Phierơ mô tả sinh động mười một người đang làm hết sức mình, và nói như thế không phải là nhiều quá đâu. Chính lần xuất hiện ngắn nầy của Phierơ, không có chút đức tin nào hết, chỉ có bối rối thôi. Các vị sứ đồ đang ở đâu trong lúc nầy?
Chính sự vắng mặt của các môn đồ chỉ ra sự tương phản không những với mọi hành động của Giôsép, mà còn với mọi hành động của mấy người đờn bà nầy nữa. Việc lo liệu cho cái xác của Chúa Jêsus dường như không phải là “công việc của đờn bà” từ sự thật Giôsép và Nicôđem tự họ đã đứng ra lo liệu công việc nầy rồi. Mang vác gánh nặng các thứ thuốc thơm là “công việc của đờn ông” (tôi đoán các thứ thuốc nầy nặng 100 cân, dựa theo những gì Nicôđem đã mang theo. — Giăng 19.40). Còn các vị sứ đồ lại không có mặt ở đó. Không có lẽ nào các vị sứ đồ lại không biết mấy người đờn bà toan tính gì và định làm gì. Họ đã mua sắm và sửa soạn các hương liệu sớm hơn, nhưng buộc phải chờ đợi cho tới sau ngày sabát mới đi ra mộ. Mùi của các thứ hương liệu đó sẽ toả khắp chỗ đó. Mấy người đờn bà đã yêu cầu các vị sứ đồ đi ra nơi chôn cất Chúa Jêsus với họ, ít nhất là để giúp dời tảng đá đi, là nan đề đối với họ (Mác 16.3). Họ đã ra đi vào lúc sáng sớm, khi trời còn lờ mờ. Chắc chắn đây không phải là việc dễ làm đâu! Mấy người đờn ông lẽ nào không cùng đi với mấy người đờn bà vì cớ an toàn? Các vị sứ đồ không thấy có mặt. Trong câu chuyện nói tới hai người trên đường về làng Emmaút, một lần nữa Luca xây qua người khác hơn là nhắm vào 11 sứ đồ. Đây không phải là việc ngẫu nhiên.
PHẦN KẾT LUẬN:
Trong khi sự việc dường như là kỳ lạ, có lẽ cần phải chỉ ra trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta có điều chi đó để nói với chúng ta về những lần chôn cất. Trong thời thanh niên của tôi, tôi thường nói rằng khi tôi qua đời, xác của tôi sẽ được đặt trong trong chiếc quan tài bằng gỗ thông (hoặc tốt hơn, là trong chiếc quan tài ghép bằng nhiều tấm ván nhỏ), như thế cũng là đủ tốt cho tôi rồi. Rốt lại, tôi sẽ “lìa khỏi thân thể mà đi ở với Chúa”. Nhưng thực tế trong cuộc sống cho thấy chúng ta bày tỏ tình cảm của mình với người khác qua cách lo liệu mà chúng ta làm cho thân xác của họ. Trong mấy năm qua, đã có nhiều người tố giác về những nhà đòn và giá cao khi lo mai táng. Tôi không muốn biện hộ cho tính chi tiêu quá mấu trong những đám tang, nhưng tôi muốn chỉ ra rằng tình yêu và sự ngưỡng mộ của Giôsép, Nicôđem, cùng mấy người đờn bà dành cho Chúa Jêsus đã được tỏ ra qua sự lo liệu của họ đối với thi thể của Ngài khi Ngài đã chết. Chúng ta phải cẩn thận đừng xem khinh những gì Đức Chúa Trời đã dựng nên, và con người mà chúng ta yêu mến trong cuộc sống, qua việc tỏ ra sự coi thường dành cho thân xác lúc qua đời. Có một nhu cần phải cân đối ở đây.
Tuy nhiên, chắc chắn đây không phải là bài học mà Luca đưa ra cho chúng ta tiếp thu ở chỗ nầy. Tôi tin Luca đang khen ngợi đức tin của Giôsép cùng mấy người đờn bà, như đã phản ảnh qua mối lo toan của họ dành cho thân xác của Chúa chúng ta và sự chôn cất, ở một thời điểm khi đây là một việc làm mà không ai thích, và thậm chí còn nguy hiểm nữa. Đức tin nơi Đấng Christ đòi hỏi một sự đồng hoá với Đấng Christ, kể cả sự đồng hoá với Ngài trong sự chết của Ngài. Đây đúng là những gì Giôsép cùng mấy người đờn bà đã làm — họ đã tự đồng hoá mình với Chúa Jêsus trong sự chết của Ngài. Và, trong tiến trình đó, rõ ràng họ đã tự biệt mình riêng ra đối với những kẻ quyết rằng Chúa Jêsus đáng chết. Họ, trong mọi hành động của họ, đã đứng với Chúa Jêsus, và họ đã đứng cách biệt ra đối với các cấp lãnh đạo tôn giáo.
Đức tin cứu rỗi đòi hỏi sự đồng hoá nầy. Người nào đã được cứu ra khỏi tội lỗi của họ phải đứng riêng ra khỏi một thế giới đã chối bỏ Chúa Jêsus, và đứng với Ngài là Đấng đã bị chối bỏ và bị kết án tử hình. Đức tin cứu rỗi không xem thường hay chối bỏ Chúa Jêsus vì Ngài đã chết, bị nhiều người chối bỏ, nhưng đức tin ấy đồng hoá với Chúa Jêsus là Đấng Christ, Đấng Mêsi, vì Ngài đã chết trong chỗ của chúng ta. Giôsép, Nicôđem, và mấy người đờn bà là một bức tranh nói tới những gì đức tin đòi hỏi bởi những người đã được cứu. Đức tin đã được tỏ ra bởi một sự đồng hoá với Chúa Jêsus là Đấng đã chết trên thập tự giá đồi Gôgôtha. Không có gì là lạ lùng hết khi chẳng nhắm thẳng vào 11 sứ đồ vào thời điểm nầy, đức tin của họ có thể không phôi pha, song đức tin của họ chắc chắn không đáng được ngợi khen vào thời điểm nầy.
Phân đoạn Kinh Thánh nầy góp phần nhắc cho chúng ta nhớ rằng 11 sứ đồ chắc chắn không phải là hàng môn đồ “thuộc linh” nhất đã đi theo Chúa Jêsus. Giôsép, Nicôđem, cùng mấy người đờn bà còn sống phù hợp với các mục tiêu của Đức Chúa Trời ở đây hơn là 11 sứ đồ, họ vừa thu mình lại hay dầm mình trong chỗ tự thương hại, trong khi những người khác đã tự tỏ ra tình cảm và sự tôn kính dành cho Chúa Jêsus. Không một chỗ nào cho chúng ta biết là Chúa Jêsus đã chọn mấy người nầy vì họ thuộc linh hơn, đầu phục hơn, hay hứa hẹn hơn nhiều người khác. Chúa Jêsus đã chọn họ để làm một phần việc, và phần việc đó họ đã hoàn tất bằng năng lực của Ngài. Nhưng khi được chọn làm một trong 11 sứ đồ không phải là điều minh chứng cho thái độ sùng kính lớn lao hơn đâu. Phân đoạn Kinh Thánh cho chúng ta thấy rõ ràng vấn đề nầy.
Phân đoạn Kinh Thánh nầy nhắc cho chúng ta nhớ rằng thậm chí khi họ đã được chọn để lãnh đạo lại không làm tròn được việc ấy, Đức Chúa Trời luôn luôn có người với đôi cánh. Giôsép là một người mà các môn đồ không bao giờ xem là triển vọng cho địa vị môn đồ. Ông là một nghị viên có danh vọng của Toà Công Luận, là một nhóm người đã chối bỏ Chúa Jêsus. Ông là một người có ảnh hưởng và giàu có. Thế mà ông lại là người mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn để thân xác của Chúa Jêsus sẽ được tôn cao trong khi chết. Đức Chúa Trời luôn luôn có một người đứng đúng vị trí, song đây không phải là người mà chúng ta trông mong sẽ là người được chọn của Đức Chúa Trời.
Sau cùng, phân đoạn Kinh Thánh nầy chỉ cho chúng ta thấy vai trò chính yếu của Kinh Thánh. Tôi tin Nicôđem và Giôsép đáng phải là sự thách thức cho những người đồng thời với họ khi họ “dò tìm trong Kinh Thánh” và nhơn đó tìm thấy rằng Chúa Jêsus là Đấng mà Ngài đã xưng nhận — Đấng Mêsi của Israel. Những việc đã đem lại sự thất vọng cho các môn đồ là những việc, khi được tra xét qua các lời tiên tri trong Cựu ước, đã minh chứng Chúa Jêsus chính là Con của Đức Chúa Trời và là Cứu Chúa của thế gian. Thường thì chúng ta tra xét mọi cảnh ngộ qua cái thấy lờ mờ của sự hiểu biết, qua khát vọng, và qua tham vọng của chúng ta, giống như các môn đồ đã tra xét cái chết của Chúa Jêsus theo phương thức nầy — khi ở chỗ tận cùng mơ ước của họ về quyền lực và địa vị. Nhưng, trước sự thật và theo ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời, các sự cố vây quanh sự chối bỏ và sự chết của Chúa Jêsus là những điều mà Đức Chúa Trời đã ấn định để cho nhiều người sẽ được cứu và để cho Nước Trời được thiết lập ra. Nếu chúng ta thất bại ở chỗ nào, chúng ta đang thất bại giống như các môn đồ đã thất bại — chúng ta xem xét mọi cảnh ngộ của chúng ta qua con mắt xác thịt của mình, thay vì qua Kinh Thánh. Và khi chúng ta xem xét như thế, chúng ta tự mình lui đi, chúng ta rơi vào cảnh tự thương hại và thất vọng, và chúng ta thất bại không tỏ ra được tình yêu và sự tôn kính dành cho Đấng Christ, là những điều mà chỉ một mình Ngài mới đáng được mà thôi. Nguyện chúng ta không thất vọng như “các vị sứ đồ” đã thất vọng, mà giống như Giôsép, Nicôđem, cùng mấy người đờn bà nầy, họ đang chứng kiến tình yêu và lòng tôn kính của chúng ta dành cho Đấng Christ đấy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét