Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Luca 5.12-26: "NGƯỜI KHIÊNG CÁNG VÀ HẠNG NGƯỜI CHỈ TRÍCH BÀI GIẢNG"



Phần giới thiệu
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Sự chữa lành cho người phung (5.12-16).
Người Pharisi và người đau bại (5.17-26).
Kết luận: Các bài học từ người đau bại
BÀI 16
NGƯỜI KHIÊNG CÁNG VÀ HẠNG NGƯỜI CHỈ TRÍCH BÀI GIẢNG
(Luca 5.12-26)
Phần giới thiệu
Mặc dù chức vụ của Chúa Jêsus bắt đầu ở Luca chương 4 (và chúng ta giữa chừng qua chương 5), khoảng một năm đã trôi qua kể từ lúc Ngài bắt đầu rao giảng công khai. Cho đến bây giờ, Chúa Jêsus đã giảng đạo và dạy dỗ trong các nhà hội (Luca 4.15). Tại thành Naxarét, là thành phố mà Chúa Jêsus đã lớn lên, sự dạy dỗ của Ngài đã được tiếp nhận rất phấn khởi vào lúc ban đầu, song khi mọi hàm ý đầy đủ hơn đã được tỏ ra (nghĩa là ơn phước Đấng Mêsi sẽ đem đến cho dân Ngoại, Luca 4.23-27), Ngài đã bị đuổi ra khỏi nhà hội và bị người ta dự tính quăng xuống vực cho chết đi. Khi ấy Chúa Jêsus bèn đi đến Cabênaum, ở đây Ngài đã rao giảng và nhấn mạnh sứ điệp của Ngài bằng cách đuổi quỷ ra khỏi (Luca 4.31-37). Sự chữa lành cho bà gia của Phierơ dường như dẫn tới một buổi nhóm chữa lành suốt cả đêm (4.38-41), nhưng sau một thời gian cầu nguyện riêng Chúa chúng ta cảm thấy phải đến với các địa điểm khác để Ngài thực thi phần việc chủ yếu lo rao giảng về sự đến của Nước Đức Chúa Trời (4.42-44).
Nếu Luca chương 4, chức vụ của Chúa chúng ta hướng vào những đoàn dân đông, chương 5 bắt đầu hướng chức vụ của Chúa chúng ta với sự tôn trọng cấp lãnh đạo của Ysơraên. Trong hai sự chữa lành đã được ghi lại trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta (Luca 5.12-26). Chúa tự tỏ mình ra cho các thầy tế lễ (5.14) và cho các thầy thông giáo (5.17, 21…). Trong trường hợp các thầy tế lễ, chúng ta không biết phản ứng của họ trước báo cáo của người phung đã được chữa lành rồi, thật vậy, chúng ta không biết chắc người phung đã chạy đến khán nơi thầy tế lễ (người ấy không vâng theo Chúa về việc giữ yên lặng, quý vị có thể nhớ lại). Chúng ta không biết các thầy thông giáo đã phản ứng mạnh ra sao trước những gì họ đã nghe thấy từ Chúa chúng ta. Khởi đầu sự chống đối của cấp lãnh đạo quốc gia có thể thấy ở đây trong tin lành của Luca. Đồng thời, chúng ta có thể nhìn thấy phần khởi đầu của sự đào tạo 12 môn đồ. Khi cấp lãnh đạo của Ysơraên tránh xa Chúa, Ngài kêu gọi nhiều người hãy theo Ngài, về sau họ được chỉ định làm các sứ đồ của Ngài, và các nhà lãnh đạo sau cùng của Hội thánh đã được khai sinh sau sự chết, sự sống lại, và sự thăng thiên của Ngài.
Không những chúng ta nhìn thấy sự chống đối Chúa Jêsus nơi phần của các cấp lãnh đạo Ysơraên đang bắt đầu ở chỗ nầy, chúng ta còn thấy một số lý do cho sự họ chống đối nữa. Chúng ta hãy xét cẩn thận hai sự chữa lành mà Chúa đang thực thi trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, để thấy rõ các bài học mà dân tộc cần phải tiếp thu, và học hỏi những bài học mà Đức Chúa Trời cũng đang dành cho chúng ta nữa.
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Các phân đoạn có thể tương đương với phân đoạn trong Luca có thể thấy trong Mathiơ 8.2-4; 9.1-8 và Mác 1.40-2.12. Mỗi phân đoạn đều có một điểm đặc biệt riêng. Trong bản tường trình của Mathiơ nói về sự chữa lành cho người phung, chúng ta có một tường trình rất ngắn gọn, xúc tích. Câu chuyện của Mác nói về sự chữa lành người phung thì dài hơn, nhấn mạnh: (1) Lòng thương xót của Chúa Jêsus; (2) Lời cảnh cáo mạnh mẽ của Chúa Jêsus đừng thuật lại cho ai khác; câu 43-44; (3) Lời làm chứng của người phung tạo ra một sự ngưỡng mộ phải khiến Chúa Jêsus ở lại trong những nơi vắng vẻ, (sự cầu nguyện không được nhắc tới), câu 45. Luca nhấn mạnh: (1) tầm quan trọng của tật bệnh (bệnh phung), câu 12; (2) đoàn dân đông đã đến để được chữa lành và nghe giảng đạo, câu 15; (3) Chúa Jêsus lui ra để cầu nguyện, câu 16. Tất cả những câu chuyện trên đều nhấn mạnh: Lời cầu xin thật khiêm nhường: “Lạy Chúa, nếu Chúa khứng…”. Chúa Jêsus rờ đến người. Sự bằng lòng chữa lành của Chúa Jêsus: “Ta khứng…”. Một sự chữa lành ngay tức khắc. Chúa cảnh cáo đừng nói cho ai biết, song đã truyền cho người phung đi khán nơi thầy tế lễ. Trong câu chuyện nói về người bại, Mathiơ một lần nữa cung ứng một câu chuyện rất chung chung, thậm chí chẳng nói cho chúng ta biết về việc dòng người bại xuống từ mái nhà. Mathiơ nói cho chúng ta biết Chúa Jêsus bằng thuyền đã đến với “thành mình” (Mathiơ 9.1) để chúng ta biết phép lạ đã xảy ra tại Cabênaum (cũng đối chiếu Mác 2.1, “nhà”). Mác thêm các chi tiết đám đông ở trong và ở chung quanh nhà đến nỗi không còn chỗ trống, thậm chí ở trước cửa nhà nữa (2.2). Luca cung ứng cho chúng ta sự kiện rất quan trọng: có nhiều người đang ở trong nhà là các thầy thông giáo, từ trên khắp xứ Ysơraên đến (5.17). Ông cũng cho chúng ta biết “quyền phép Chúa ở trong Ngài” ngay khi ấy để Chúa Jêsus chữa lành tật bệnh (5.17).
Phân đoạn Kinh Thánh được chia ra làm hai phần chính, mỗi phần mô tả người được Chúa chúng ta chữa lành, và đáp ứng của người được chữa lành:
Các câu 12-16 – Sự chữa lành cho người phung và mọi hậu quả của nó.
Các câu 17.26 – Sự chữa lành cho người đau bại cùng mọi hậu quả của nó.
Sự chữa lành cho người phung (5.12-16)
Trong một thành kia của người Galilê, Chúa Jêsus đã gặp một người phung. Luca, vị bác sĩ, thuật lại cho chúng ta biết đây không phải là một người phung bình thường, mà là một người “phung đầy mình” (5.12). Trong khi từ ngữ “phung” có thể được dùng để nói tới một số đau ốm, bệnh tật khác nhau. Luca muốn chúng ta phải biết rõ người nầy là một trường hợp rất khó chạy chữa. Đôi khi chúng ta nghe nói có người phải chịu giải phẫu với tính cách thăm dò, người ta tìm ra họ bị “ung thư đầy mình”. Đúng là một tình trạng rất nghiêm ngặt.
Người nầy sấp mình xuống trước mặt Chúa Jêsus nài xin Ngài chữa lành cho ông ta. Lời van nài của ông ta tỏ ra một sự hiểu biết rất cao về thân vị của Chúa chúng ta: “Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi được sạch!” (Luca 5.12).
Người phung kia không nghi ngờ chi về khả năng chữa lành của Chúa; vấn đề duy nhất: ấy là Ngài có khứng chữa lành hay không mà thôi. Có nhiều người khao khát muốn được chữa lành hôm nay có thể học hỏi nơi người phung nầy. Vấn đề cần phê phán không phải là đức tin của người phung (“Lạy Chúa nếu Chúa khứng…”), cũng không phải là quyền phép của Chúa (“Lạy Chúa nếu Chúa khứng chắc có thể…”), nhưng là ý muốn của Chúa. Thật yên ủi duờng bao khi biết cầu xin nơi một Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót.
Giơ tay ra và rờ đến người ấy, Chúa đáp: “Ta khứng, hãy sạch đi” (Luca 5.13).
Điều đáng chú ý ở đây, cũng như ở nơi khác, Chúa Jêsus rờ đến người phung, khi Ngài dường như không hề rờ đến kẻ bị tà ma ám. Bởi thế, phân đoạn Kinh Thánh có vẻ đề nghị rằng Chúa Jêsus đã rờ đến người phung trước khi Ngài tuyên bố ông ta được sạch. Chúa đang làm ra một số việc rất quan trọng ở đây. (1) Ngài đang rờ một người phung trước khi người được sạch, cho thấy Ngài không thể bị ô uế bởi tình trạng không sạch nầy. (2) Ngài đang làm ra một sự chữa lành về phần thuộc thể ngay tức thì đối với một căn bệnh rất trầm trọng. (3) Không những Ngài đang chữa lành cho người nầy, mà Ngài còn tuyên bố ông ta được sạch nữa. Chúa Jêsus không những ra lệnh cho người nầy được chữa lành, hay được trọn vẹn, mà Ngài còn tuyên bố ông ta được sạch. Sự việc cho thấy Chúa chúng ta đã làm ra một việc mà thầy tế lễ trong thời Cựu ước dám làm sau một thời gian khán nghiệm, để biết chắc người nầy quả thật không còn nhiễm bệnh nữa. Khi Chúa Jêsus làm cho người nầy được sạch, thì không cần có một thời gian khán nghiệm nữa. Người nầy chỉ có ra đi và dâng của lễ của mình, đến làm chứng cho các thầy tế lễ, song chưa được tuyên bố là được sạch (hoặc ít nhất điều nầy sẽ là hình thức thôi, một hình thức phụ thuộc so với điều Chúa chúng ta đã làm ra rồi).
Chúa đưa ra một lời cảnh cáo nghiêm khắc cho người nầy, một lời cảnh cáo mà sách tin lành Mác nhấn mạnh nhiều hơn (“Ngài lấy giọng nghiêm mà phán cùng người”, Mác 1.43), buộc ông ta không được tỏ điều nầy ra công khai. Đây dường như là một phép lạ hơn là sự chữa lành. Quý vị có thể tưởng tượng được lành bệnh phung cách hoàn toàn mà chẳng có một giải đáp nào cho những thắc mắc vô tận. Thật khó trách móc người nầy về việc thuật lại sự mình được chữa lành. Phần thứ hai trong mạng lệnh của Chúa Jêsus cho người bị phung truớc đây là phải đi gặp thầy tế lễ, như luật pháp đã dạy (Lê vi ký 13-14). Lý do chính dường như là để làm chứng cho các thầy tế lễ. Hãy chú ý “các thầy tế lễ” ở đây, là số nhiều chớ không phải số ít. Người nầy phải đến gặp “thầy tế lễ” (số ít) như một chứng nhân cho “các thầy tế lễ” (số nhiều). Tôi e rằng đã có dân chúng xếp một hàng dài đứng đợi thầy tế lễ tuyên bố người nầy được sạch về bệnh phung. Thực ra, tôi có thể hình dung thầy tế lễ đã xin lỗi, vào tham khảo với các thầy tế lễ khác, rồi sau cùng xem lại luật pháp, để biết cách xử lý thể nào với người phung mới được sạch nầy. Sự được sạch nầy có vẻ bất thường là dường nào. Đây là một bằng chứng quan trọng lắm cho các thầy tế lễ. Sẽ có một sự đồn đãi lan nhanh giữa vòng các thầy tế lễ dường bao. Đây là một cách bày tỏ khác góp phần vào cho các thầy tế lễ nhìn biết rằng Đấng Mêsi đã đến.
Người phung kia và có lẽ cả nhiều người khác nữa khi họ chứng kiến sự ông ta được lành, đã thốt ra lời tạ ơn. Chỉ một mình Luca nói cho chúng ta biết Chúa Jêsus thường hay lui vào trong đồng vắng (nơi mà Ngài bị cám dỗ) vì mục đích cầu nguyện: “Song Ngài lánh đi nơi đồng vắng mà cầu nguyện” (Luca 5.16).
Tại sao Chúa chúng ta cần phải cầu nguyện và Ngài cầu nguyện để được gì? Thứ nhất, tôi tin rằng Chúa chúng ta rất nóng lòng muốn được tương giao với Đức Chúa Cha. Ngay thời điểm nầy, chưa có ai hiểu được mục đích sự đến của Chúa chúng ta. Dân chúng nhóm lại quanh Chúa Jêsus, nhưng chỉ với cái nắm bắt vô tư và méo mó về mọi điều Ngài sắp sửa thực hiện. Chỉ có Đức Chúa Cha mới hiểu rõ mà thôi. Cầu nguyện là thời gian giao thông và tương giao giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Các phép lạ và sự hiểu lầm của dân chúng chỉ làm tăng thêm sự khát khao của Chúa chúng ta muốn được ở riêng với Đức Chúa Cha.
Hơn nữa, sự thành công theo đời nầy của Chúa chúng ta càng lớn, sự cám dỗ muốn bỏ rơi phương thức thập tự giá và theo đuổi con đường trị vì đất dễ dàng lại càng lớn lao hơn. Sự rút lui của Chúa để cầu nguyện là một cách bày tỏ sự Ngài nương cậy nơi Đức Chúa Cha. Sự rút lui đó khiến cho mọi sự thành công của Ngài có thể thấy được ở xa xa, vì Ngài đã làm ra mọi sự trong sự vâng theo ý chỉ của Đức Chúa Cha và trong quyền phép của Thánh Linh Ngài (đối chiếu Luca 4.14). Khoảng thời gian với Đức Chúa Cha như thế nầy giữ mọi điều Chúa cần phải lo làm song hành với ý chỉ của Đức Chúa Cha.
Đây là thời buổi khi có quá nhiều nhà truyền đạo và các nhân vật truyền giáo được lòng quần chúng đang thất bại. Đa số trong vòng họ, tôi e là đã thất bại không theo được tấm gương của Chúa chúng ta về việc lui về nơi vắng vẻ và cầu nguyện trong lúc thành công và được được hoan hô nhiệt liệt. Chính trong sự thành công theo đời nầy khiến cho chúng ta có khuynh hướng cảm thấy tự mãn, quên bẳng đi sự đầy dẫy năng lực của Đức Chúa Trời chỉ tỏ ra qua nỗi yếu đuối của chúng ta mà thôi.
Người Pharisi và người đau bại (5.17-26)
Chúa Jêsus đã trở về lại Cabênaum, và Kinh Thánh ghi lại Ngài đã trở về nhà của mình (Mathiơ 9.1-2; Mác 2.1-2). Các tin tức nói tới sự trở về của Chúa Jêsus tạo ra hai phản ứng khác nhau. Phản ứng thứ nhất: ấy là số người đã sinh sống trong hay gần Cabênaum, họ vốn biết Chúa Jêsus có khả năng chữa lành người đau ốm. Họ có một người bạn bị đau bại, họ muốn đem người đến cho Chúa Jêsus chữa lành. Dường như phải cần có thời gian để đưa người nầy từ chỗ anh ta ở đến nơi Chúa chúng ta đang giảng dạy. Lúc họ đến nơi, thì nhà đã đầy ắp người rồi. Và đã có một đám dân đông nhóm lại ở bên ngoài. Mác (Mác 2.2) cho chúng ta biết rằng không còn có chỗ ở cửa nữa.
Bối cảnh, Mathiơ đã bỏ qua mà không có một lời bình luận nào, quả là hơi khó chịu. Thật là không đúng khi nghĩ rằng Chúa chúng ta không ý thức được toàn bộ sự cố. Ngôi nhà đã đầy ắp người và Chúa Jêsus đang giảng dạy. Đồng thời, Luca lưu ý rằng Chúa Jêsus đã được mặc lấy quyền phép để thực thi sự chữa lành. Nếu ngôi nhà nầy có cửa sổ, thì người ta đã đứng bao kín chúng. Có lẽ Chúa đã nhìn thấy sự xáo trộn ở bên ngoài, do bốn người nầy gây ra khi cố quyết phải đưa người đau bại vào gặp Chúa Jêsus. Họ đã tìm cách vào hết cửa sổ nầy đến cửa sổ khác, hết thảy cửa sổ chung quanh ngôi nhà (cửa cái, như Mác đã nói cho chúng ta biết, thì không thể vào được).
Dù gặp nhiều khó khăn, mấy người nầy chẳng nãn lòng, họ quyết định thử “xuống từ mái nhà”. Họ khiêng người bại lên mái nhà, chúng ta hãy gọi ông ta là “Fred”. Dĩ nhiên, là có những nấc thang, song các bậc thang nầy thì nằm ở phía trong ngôi nhà. Quý vị có thể tưởng tượng cụ “Fred” đáng thương kia, không được đặt nằm cẩn thận trên loại băng ca của xe cứu thương, mà đúng hơn cụ được đặt nằm trên một loại cáng rất thô sơ. Những bàn tay vòng đan lại trong quá trình đưa “Fred” lên mái nhà, và Fred đáng thương có vài lần phải đu đưa nguy hiểm trên chiếc cáng của mình, đe doạ rơi xuống đất bất cứ lúc nào. Chúng ta có thể đoán biết Fred rất hoảng sợ và đã nài xin được đưa về nhà lại, ở đó sự sống có lẽ an toàn hơn. Nếu có dịp ở trên mái nhà, một người có thể tưởng tượng ra nổi khó khăn của bốn người khiêng một cái cáng đi trên mái ngói nóng bỏng kia. Dòng Fred xuống qua mái nhà đòi hỏi rất nhiều công phu, thật chẳng có gì dễ dàng hết.
Bối cảnh, khi được nhìn từ phía dưới, đã trở nên một cảnh tượng rất nực cười. Ngôi nhà thì đầy ắp người, chúng ta biết như thế. Chỉ có Luca thuật lại cho chúng ta biết hầu hết mọi hạng người đang có mặt ở đây. Họ là “người Pharisi và thầy thông giáo”. Chúa Jêsus đã trở thành mối đe doạ chính đối với các thầy thông giáo, như một vài phân đoạn Kinh Thánh tỏ ra:
“Chúng đều cảm động về sự dạy dỗ của Ngài, vì Ngài dạy như có quyền phép, chớ chẳng phải như các thầy thông giáo đâu” (Mác 1.22).
“Ai nấy đều lấy làm lạ, đến nỗi hỏi nhau rằng: Cái gì vậy? Sự dạy mới sao! Người nầy lấy quyền phép sai khiến đến tà ma, mà nó cũng phải vâng lời!” (Mác 1.27).
Sự giảng dạy của Chúa Jêsus ngay lập tức được nhìn nhận là mới mẻ hơn, khác biệt với, và có quyền phép hơn các thầy thông giáo và người dòng Pharisi. Chẳng phải mất thì giờ lâu để cho các thầy thông giáo nầy nhận ra sự được lòng người của Chúa Jêsus đã gây ra cho họ rắc rối không ít. Không nghi ngờ chi nữa lời đồn đãi của các giáo sư trong Ysơraên và buổi nhóm nầy tại Cabênaum ít nhất là một trong những giáo hội nghị họ đời đời triệu tập để quyết định phải xử lý ra sao về ơn giảng dạy của Chúa Jêsus.
Luca cho chúng ta biết rằng đây không phải là một sự nhóm lại ít ỏi của các vị giáo sư đâu, mà là một sự tượng trưng cho hết thảy các giáo sư trong Ysơraên:
“Một ngày kia, Đức Chúa Jêsus đang dạy dỗ, có người Pha-ri-si và mấy thầy dạy luật từ các làng xứ Ga-li-lê, xứ Giu-đê, và thành Giê-ru-sa-lem đều đến…” (Luca 5.17a).
Các thầy dạy luật đã nhóm lại để nghe Chúa Jêsus rao giảng, để đưa ra phần xét đoán Ngài, rồi không nghi ngờ chi nữa, để quyết định phải hành động ra sao về mối đe doạ mà Ngài đã tỏ ra cho họ. Một nhóm các thầy thông giáo ở đây có thể là một đoàn đại biểu. Theo ý kiến của tôi, hầu hết họ đều ngồi ở phía trong ngôi nhà. Luca kể luôn chi tiết mà tôi xem là quan trọng. Ông nói cho chúng ta biết những vị giáo sư nầy đang ngồi ở trong ngôi nhà (Luca 5.17). Nếu quý vị là số đông tối đa trong ngôi nhà ấy, làm sao quý vị xác định được họ? Quý vị để cho họ ngồi hay đứng? Dĩ nhiên, quý vị sẽ để cho họ đứng rồi. Thế thì tại sao số người Pharisi và thầy thông giáo nầy lại “ngồi” khi có nhiều người có khả năng bước vào trong nhà nếu hết thảy đều đứng? Câu trả lời của tôi là đây. Chỗ ngồi là chỗ của uy quyền dành cho thầy thông giáo. Thầy thông giáo trong thời đó không đứng để giảng dạy, họ ngồi khi giảng dạy (đối chiếu Luca 4.20-21). Số thầy thông giáo nầy sẽ không đứng, vì nếu đứng như thế sẽ thừa nhận thẩm quyền của Chúa Jêsus là một giáo sư, đây là điểm mà họ không muốn nhìn nhận. Chính nhóm đông khán giả có vẻ thù nghịch nầy đã chiếm lấy hết gian phòng bên trong ngôi nhà nầy, và họ đã ngăn trở không cho người đau bại được đưa đến gần Chúa Jêsus.
Đúng là một bức tranh thật hài hước khi nhìn thấy các giáo sư đức hạnh (và rất tự phụ) nầy lúc mái nhà được tháo ra. Đây là một công việc rất bẩn thỉu. Mà việc nầy cũng rất là nguy hiểm nữa. Nếu có những mảnh ngói (đối với tôi thì có những mảnh ngói đó), một mảnh ngói thỉnh thoảng bị rơi xuống. Chẳng lẽ quý vị không nhìn thấy các vị giáo sư đang ngồi bên dưới, họ nghiêng qua nghiêng lại để tránh ngói rơi sao? Câu chuyện của Mác thuật lại cho chúng ta biết họ đã dở mái nhà (Mác 2.4), ý ám chỉ rằng đã có bụi bặm hoặc rác rưởi rơi xuống. Những thứ nầy rơi xuống trên những kẻ ngồi theo tư thế rất tự phụ và ra vẻ lắm ở bên dưới. Chẳng lẽ quý vị không nhìn thấy họ nổi giận quát tháo với mấy người đang ở trên mái nhà, đã làm cho họ phải dơ bẩn như thế sao?
Sau cùng thì người kia cũng được dòng xuống ở trước mặt Chúa, có nhiều việc thực sự bắt đầu xảy ra. Hãy lưu ý không có một chỗ nào nói rằng bốn người kia hay người đau bại đưa ra một lời cầu xin đặc biệt nào với Chúa chúng ta. Chúa chúng ta cũng đã hành động trước khi lời cầu xin được đưa ra hoặc bốn người kia cảm thấy Chúa Jêsus không cần ai hỏi han theo cách đặc biệt, Ngài đã nhìn thấy nhu cần của người đau bại nầy. Tất cả ba sách tin lành đều tường thuật lại gần như một đáp ứng nơi phần của Chúa chúng ta: “Đức Chúa Jêsus thấy đức tin của họ, bèn phán rằng: Hỡi người, tội lỗi ngươi đã được tha” (Luca 5.20).
Tôi nghĩ, đây là một phản ứng làm đau lòng hết thảy những ai đang có mặt tại nơi xảy ra sự cố nầy: nạn nhân (Fred), bốn người khiêng cáng, người Pharisi và các thầy thông giáo.
Fred đáng thương kia rất đau buồn vì lời lẽ của Chúa Jêsus. Ông ta chưa chính thức được tha thứ, mà là được chữa lành. Ông ta dám cắn răng chịu mọi nguy hiểm của chuyến hành trình, và đặc biệt mối nguy hiểm rất lớn khi được dòng xuống từ mái nhà. Khi được truyền cho biết tội lỗi mình đã được tha, điều nầy giống như một “cái giá rất đắc” đối với Fred, là người đã đến để được chữa lành. Sau cùng, há đây không phải là điều mà bốn người bạn của ông đã đảm bảo với ông là nó sẽ xảy ra sao? Và bốn người kia cũng đã có một phản ứng tương tự. Họ đã đem Fred đến từ một khoảng cách xa và đã tìm cách xuyên qua đám đông. Họ đã tìm cách dòng Fred xuống qua ngả mái nhà, dù có nhiều khó khăn. Người chủ nhà có lẽ đã trao cho họ một hoá đơn ghi chi phí tu sửa mái nhà. Họ đã không cầu xin một sự chữa lành, nhưng chắc chắc Ngài đã thực thi sự chữa lành đó. Họ, giống như Fred, cảm thấy mình đã “bị hạ thấp”.
Người Pharisi và các thầy thông giáo rất căm phẩn. Họ có vẻ chẳng quan tâm gì lắm nơi sự Fred có được chữa lành hay không, nhưng họ đã nổi giận đối chiếu sự Chúa Jêsus cả gan tuyên bố mọi tội lỗi của người kia (hay bất kỳ người nào) đã được tha. Sự tha tội là ơn mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể ban cho mà thôi, họ lý luận, và quả đúng như vậy. Vì thế, nói cho một người biết mọi tội lỗi của người ấy đã được tha cũng là tự tuyên bố mình là Đức Chúa Trời. “Vậy thì người anh em nầy đang nghĩ mình là ai chứ?” Thắc mắc về uy quyền dấy cái đầu bẩn thỉu của nó lên, vì đây là cốt lõi sự tranh chấp giữa các thầy thông giáo nầy và Chúa Jêsus. Chúa Jêsus, đoàn dân đông đã suy nghĩ, Ngài dạy dỗ với uy quyền, mà không giống như họ. Bây giờ chính Chúa Jêsus đang xưng mình có thẩm quyền của Đức Chúa Trời. Quả thực lòng họ đang tràn ngập với sự căm phẩn có tính cách “công bình”.
Đáp ứng của Chúa Jêsus làm dấy lên một số thắc mắc. Trong chỗ thứ nhất, đáp ứng ấy làm dấy lên thắc mắc: “Làm thể nào Chúa Jêsus có thể ban cho người nầy sự tha tội trong khi người thực sự chỉ mong muốn được lành về phần xác thể thôi?” Câu trả lời cho thắc mắc nầy rất đơn giản, tôi tin như thế. Chúa Jêsus, bởi hành động của Ngài, đang dạy dỗ rằng ơn tha tội thì quan trọng hơn, có giá trị hơn là sự chữa lành về phần xác thể. Nếu một người phải chọn lựa giữa cái nầy hay cái kia, sự tha tội luôn có giá trị hơn sự chữa lành về phần xác thể.
Thứ hai, thắc mắc đang dấy lên: “Làm thể nào Chúa Jêsus lại tha tội cho người nầy, dựa theo đức tin của bốn người kia cho được?” Há ơn tha tội không dựa theo sự ăn năn và đức tin của cá nhân sao? Câu trả lời được thấy nơi cội nguồn và nền tảng cho sự tha thứ, cho danh tiếng và cho công việc của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta. Chúng ta yêu Ngài vì Ngài đã yêu chúng ta trước (I Giăng 4.19). Chúng ta có đức tin nơi Ngài vì Ngài mở lòng chúng ta trước (Công vụ các sứ đồ 16.14). Đức tin chính là sự ban cho của Đức Chúa Trời không bị chậm trễ hay được khởi xướng bởi các hành vi của con người, nó được lòng thương xót và ân sủng của Đức Chúa Trời giục giã. Ân điển được tỏ ra qua công tác cứu chuộc của Đấng Christ trên thập tự giá. Các ân tứ tốt lành của Đức Chúa Trời là kết quả lòng nhơn từ của Đức Chúa Trời, chớ không phải là kết quả của mọi hành vi nào xứng đáng của con người, mà Đức Chúa Trời đáp ứng và đền đáp lại các hành vi ấy. Phân đoạn Kinh Thánh cho chúng ta thấy các phước hạnh của Đức Chúa Trời đều đến bởi đức tin, và trong trường hợp nầy đức tin nằm ở nơi bốn người khiêng cáng, chớ không phải của người nằm trên cáng đâu.
Thứ ba, người Pharisi đang muốn biết: “Làm sao Chúa Jêsus lại dám tha tội cho người ta đang khi chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền đó?” Giải đáp cho thắc mắc nầy rất đơn giản: Chúa Jêsus có thể tha tội cho người ta vì Ngài chính là Đức Chúa Trời. Cách lý luận đã đưa người Pharisi và các thầy thông giáo đến với thần tính của Đấng Christ cũng y như bốn người kia đã khiêng người đau bại đến cùng Chúa Jêsus. Nhưng họ chẳng đòi hỏi một luận lý nào hết.
Chúa Jêsus có dụng ý chữa lành cho người đau bại, nhưng sự chữa lành nầy chỉ là một công cụ để dạy dỗ, chớ không hẳn là một phép lạ. Lòng mong muốn “của Fred” sắp sửa được hình thành, nhưng sự chữa lành của ông hiện xác minh rằng Chúa chúng ta vốn có quyền tha tội. Chúa chúng ta đã đưa ra một câu hỏi rất đơn sơ: “Nay nói rằng: Tội ngươi đã được tha, hoặc rằng: Ngươi hãy đứng dậy mà đi, thì bên nào dễ hơn?” (Luca 5.23).
Đúng là dễ nói: “Tội ngươi đã được tha”, hơn là nói: “Ngươi hãy đứng dậy mà đi”. Lý do: ấy là vì không có một minh chứng nào bằng mắt thường thấy được tội lỗi đã được tha. Một người có thể đưa ra một câu nói thể ấy mà chẳng có gì xác minh mình đã làm được điều đó. Nhưng truyền cho một người đau bại bước đi là một điều rất khó khăn. Chúng chứng minh quyền phép của quý vị là trông thấy được bằng mắt thường, hoặc là bằng chứng cho sự vắng mặt của quyền phép ấy. Truyền cho người đau bại bước đi đòi hỏi người ấy phải làm theo y như vậy. Cho nên, Chúa Jêsus đã dựng nên bối cảnh nầy để tỏ ra rằng Ngài có cả quyền tha tội và quyền khiến cho người đau bại bước đi. Phép lạ của Chúa chúng ta ở đây sẽ xác minh quyền phép của Ngài trong hai lãnh vực, chớ không phải chỉ có một. Ngài “đang bắn hai con chim với một hòn đá”, phải nói như vậy.
Với mạng lệnh nầy, Chúa chúng ta đã truyền: “Fred” phải đứng dậy, vác giường mình mà đi về nhà. Fred làm theo lệnh ấy ngay lập tức. Hãy tưởng tượng xem. Chiếc cáng mà hai giây đồng hồ trước đó đã đưa Fred đến từ nhà, giờ đây Fred đã cặp nó dưới nách của mình mà đi về nhà. Đúng đây là một gánh nặng rất thú vị. Tôi lấy làm lạ không biết Fred có vác chiếc cáng ấy suốt con đường đi về nhà, hay ông đã quăng nó vào đống rác nào đó ở ngoài ngôi nhà ấy rồi!?!
Fred rời khỏi ngôi nhà, tôn vinh Đức Chúa Trời, và mọi người còn lại cũng vậy, mọi người còn lại trừ ra người dòng Pharisi và các thầy thông giáo. Họ vẫn còn bối rối về sự “phạm thượng” mà Chúa chúng ta đã thốt ra. Tôi có thể nhìn thấy đoàn dân đông đã ngợi khen Đức Chúa Trời, họ đã đứng đợi và quan sát từ bên ngoài ngôi nhà. Có thể họ không nghe rõ lời tuyên bố tha tội cho “Fred” của Chúa chúng ta. Họ đã nhìn thấy mấy người bạn của Fred đang cố gắng đưa ông vào bên trong, khiêng ông lên trên, rồi dòng ông xuống từ mái nhà để gặp Chúa Jêsus. Rồi họ đã nhìn thấy Fred nổi bật lên từ ngôi nhà một lát sau, với chiếc cáng cặp dưới nách tay mình. Họ rất vui mừng dường bao!
Chúng ta được thuật lại cho biết cách mà người dòng Pharisi và các thầy thông giáo đã phản ứng. Đúng là họ đã rầu rĩ và im lặng. Không nghi ngờ chi nữa, họ mau mau bàn bạc xem coi phải xử lý thể nào với Chúa Jêsus, sự dạy dỗ, và các phép lạ của Ngài. Nhưng đấy là điều mà Luca mãi về sau mới nói tới trong câu chuyện của ông.
Kết luận: Các bài học từ người đau bại
Có một số bài học cần phải tiếp thu từ phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta. Tôi sẽ nhấn mạnh đến một vài bài học. Thứ nhất, phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta đóng vai trò đối chiếu sự chứng đạo của bốn người khiêng cáng với sự vô tín của người dòng Pharisi và các thầy thông giáo. Bốn người khiêng cáng đã tin theo Chúa Jêsus, người dòng Pharisi và các thầy thông giáo là hạng người đa nghi. Bốn người khiêng cáng luôn khăng khăng trong mọi nổ lực của họ để đến gần Chúa Jêsus. Người dòng Pharisi và các thầy thông giáo đều đối kháng, ngày càng cách xa Chúa Jêsus. Bốn người khiêng cáng đã thắng hơn mọi trở ngại để đến với Chúa Jêsus, còn người dòng Pharisi và các thầy thông giáo đều là những trở ngại, ngăn trở người khác không cho tới gần Chúa Jêsus. Bốn người khiêng cáng mong muốn những người khác hưởng mọi lợi ích mà Chúa Jêsus ban hiến cho con người; còn người dòng Pharisi và các thầy thông giáo, họ từ chối mọi ơn phước của Ngài và chẳng quan tâm đến việc người khác cần phải hưởng lợi ích từ Chúa Jêsus. Nếu quý vị thôi không nghĩ về việc ấy nữa, quý vị sẽ chẳng tìm thấy trong bất kỳ một sách tin lành nào một thầy thông giáo hay một người Pharisi đã đưa ai đó đến gặp Chúa Jêsus để hưởng được thương xót và ân sủng. Quý vị thường nhìn thấy họ chống đối và kháng cự người nào có lòng mong muốn đến gần Ngài. Quý vị thường nhìn thấy người dòng Pharisi và các thầy thông giáo rất thụ động. Người dòng Pharisi và các thầy thông giáo chối bỏ nền thần học và luận lý của họ khi chối bỏ Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời, tấm lòng của họ đã chai cứng buộc họ phải làm như vậy. Họ đã tự xưng mình là công bình và gán cho Chúa Jêsus là tội nhân.
Điểm cốt yếu là đây: quý vị là người khiêng cáng hay là người chỉ trích bài giảng? Bốn người khiêng cáng là hạng người công nhận quyền phép của Chúa Jêsus và là hạng người tìm cách chia sẻ Ngài với người khác, thường với nổ lực và sự hy sinh cá nhân. Những kẻ chỉ trích bài giảng là hạng người có thể lắng nghe sự dạy dỗ của Kinh Thánh, song với lý trí trá hình, chỉ chờ đợi để thoái thác vì cớ họ vô tín và chối bỏ mà thôi.
Thậm chí Cơ đốc nhân tái sanh cũng có khuynh hướng trở thành hạng người hay chỉ trích bài giảng, còn hơn cả bốn người khiêng cáng kia. Họ đến để nghe một nhà truyền đạo giảng dạy, chỉ để xem coi có phù hợp với giáo lý và ý kiến của họ hay không mà thôi. Họ chỉ muốn khám phá xem nhà truyền đạo ấy có nhất trí với họ hay không!?! Họ không muốn mọi thành kiến của họ bị bày ra và thách thức. Họ không muốn bị ở dưới uy quyền của Lời Đức Chúa Trời. Và họ đã bỏ ra nhiều thì giờ phê phán rằng họ chẳng có thì giờ để đưa người khác đến với mọi ơn phước mà Đức Chúa Trời đang sẵn dành cho những ai chịu tiếp nhận chúng.
Nguyện Đức Chúa Trời cho phép tôi và quý vị trở thành hạng người khiêng cáng, chớ không phải là hạng người chuyên chỉ trích bài giảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét