Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Luca 24.36-53: "TỪ CHỖ KHÔNG THẤY ĐẾN CHỖ VÔ ĐỐI"



Phần giới thiệu
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Xuất xứ
Phần 1: Bằng chứng thuộc thể về sự sống lại của Chúa Jêsus (24.36-53).
Phần 2: Bằng chứng có tính cách lý giải (24.44-49)
Sự thăng thiên và sự dạn dĩ của các môn đồ trong sự thờ phượng (24.50-53)
Phần kết luận
Bài 77:

Từ chỗ không thấy đến chỗ vô đối

(Luca 24.36-53)
“Môn đồ đang nói chuyện như vậy, chính Đức Chúa Jêsus hiện ra giữa đó mà phán rằng: Bình an cho các ngươi! Nhưng môn đồ đều sửng sốt rụng rời, tưởng thấy thần. Ngài phán rằng: Sao các ngươi bối rối, và sao trong lòng các ngươi nghi làm vậy? Hãy xem tay chân ta: thật chính ta. Hãy rờ đến ta, và hãy xem; thần thì không có thịt xương, mà các ngươi thấy ta có. Đang phán vậy, Ngài giơ tay và chân ra cho xem. Nhưng vì cớ môn đồ vui mừng nên chưa tin chắc, và lấy làm lạ, thì Ngài phán rằng: Ở đây các ngươi có gì ăn không? Môn đồ dâng cho Ngài một miếng cá nướng. Ngài nhận lấy mà ăn trước mặt môn đồ. Đoạn, Ngài phán rằng: Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các Thi Thiên phải được ứng nghiệm. Bấy giờ Ngài mở trí cho môn đồ được hiểu Kinh Thánh. Ngài phán: Có lời chép rằng Đấng Christ phải chịu đau đớn dường ấy, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại, và người ta sẽ nhân danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sự ăn năn để được tha tội, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem. Các ngươi làm chứng về mọi việc đó; ta đây sẽ ban cho các ngươi điều Cha ta đã hứa, còn về phần các ngươi, hãy đợi trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao. Kế đó, Ngài đem môn đồ đi đến nơi xung quanh làng Bê-tha-ni, giơ tay lên mà ban phước cho. Đang khi ban phước, Ngài lìa môn đồ mà được đem lên trời. Môn đồ thờ lạy Ngài rồi trở về thành Giê-ru-sa-lem, mừng rỡ lắm. Môn đồ cứ ở trong đền thờ luôn, ngợi khen Đức Chúa Trời”
PHẦN GIỚI THIỆU:
Việc đáng lo trong phân đoạn Kinh Thánh, ấy là các môn đồ, lúc bắt đầu phân đoạn, họ mô tả đặc điểm Hội Thánh ngày nay hơn là các môn đồ ở phần cuối. Đáp ứng lúc đầu của các môn đồ trước sự chết của Đấng Christ là sự tàn phá hoàn toàn. Đáp ứng của họ trước các báo cáo và bằng chứng chỉ ra sự sống lại của Ngài đều là vô tín — sự vô tín nhất định (đối chiếu Mác 16.14-15). Các môn đồ trong phân đoạn Kinh Thánh chẳng ai thấy họ đâu hết. Họ đang trốn tránh ở đàng sau những cánh cửa đóng kín, hoặc buồn bã im lặng nơi sự an toàn trong nhà của họ (đối chiếu Luca 24.12). Ở cuối phân đoạn Kinh Thánh, nỗi sợ hãi của các môn đồ đã chuyển thành sự dạn dĩ; sự lẫn lộn của họ đổi thành tin quyết; tâm thần hoang mang của họ đổi thành vui mừng; sự họ đắm mình tự thương hại và thất vọng đổi thành thờ phượng.
Chính Frank Tillipaugh, trong quyển sách nổi tiếng của ông, có đề tựa là “Hội Thánh được gỡ rối”, ông đã đề cập tới “pháo đài tâm lý” của Hội Thánh. Tôi e rằng ông đã đúng, nghĩa là Hội Thánh đang lo nhiều về việc tự khuyến khích mình hơn là Hội Thánh đang lo đem tin lành đến với một thế giới bị hư mất. Chúng ta đang lo nhiều về bản thân của mình hơn là chúng ta lo toan cứu vớt kẻ bị hư mất. Dường như chúng ta bị kéo vào sự an ninh, an toàn hơn là đến với đức tin và sự vâng phục. Chúng ta đang hướng vào việc kiến tạo ra nhiều chương trình nhằm bảo hộ chúng ta tránh khỏi thế giới ngoại đạo mà chúng ta đang sinh sống trong đó, thay vì tập trung chia sẻ những tin tức tốt lành của Tin Lành cho thế giới đó. Với danh nghĩa gây dựng, quê hương và gia đình, chúng ta tự mình bị cái tôi của mình chiếm hữu hết. Tôi e, chúng ta rất giống với các môn đồ, đương ở trong thời điểm vô tín của họ.
Nếu thực như thế, thì đấy không phải là tệ nạn nan y hay vô vọng đâu! Các môn đồ đang ở trong chỗ nghi ngại và lo lắng đã được biến đổi trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, thành ra những người nam người nữ của sự vui mừng, của sự dạn dĩ, và của sự thờ phượng. Không bao lâu sau đó, họ đã được đánh dấu bằng sự làm chứng của họ. Bất cứ tệ nạn nào đã ngăn trở các môn đồ đều đã được chữa lành hết. Và phương thuốc chữa lành, hiện đang sẵn có và đã được áp dụng cho hôm nay y như cách đây 2.000 năm. Chúng ta hãy xem xét phân đoạn Kinh Thánh nầy, trước tiên để tiếp thu điều chi đã làm biến đổi những môn đồ không thấy được (11 môn đồ không xuất hiện trong các sách tin lành sau cái chết của Đấng Christ) thành một lực lượng vô đối đã làm rung chuyển thế giới thời bấy giờ. Kế đó, chúng ta hãy tiếp thu chính bài học đó cho bản thân mình.
CẤU TRÚC CỦA PHÂN ĐOẠN KINH THÁNH:
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh rất là đơn giãn. Các câu 36-43 mô tả thái độ vô tín của các môn đồ và nhấn mạnh “bằng chứng thuộc thể” về sự sống lại theo phần xác của Đức Chúa Jêsus Christ. Các câu 44-49 xử lý với “bằng chứng theo Kinh Thánh” trước những gì đã diễn ra, và cho những gì sẽ xảy ra. Các câu 50-53 mô tả sự thăng thiên của Chúa chúng ta, và sự khác biệt mà mọi việc nầy đã có trên các môn đồ. Tóm lại, cấu trúc của phân đoạn được chia ra như sau:
(1) Các câu 36-43 — Phần 1: Bằng chứng thuộc thể
(2) Các câu 44-49 — Phần 2: Bằng chứng theo Kinh Thánh
(3) Các câu 50-53 — Phần 3: Sự khác biệt của các môn đồ
XUẤT XỨ:
Trước khi chúng ta xem xét 3 phần nầy, ý nghĩa và sự xác đáng của chúng, chúng ta hãy dành vài sự lưu ý về phân đoạn nói chung.
Thứ nhứt, trong mấy câu nầy, thời gian được kéo ra những 40 ngày. Chúng ta biết điều nầy từ lời lẽ của Luca trong Công vụ Các Sứ Đồ chương 1, ở đây ông viết như sau:
“Sau khi chịu đau đớn rồi, thì trước mặt các sứ đồ, Ngài lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống, và hiện đến với các sứ đồ trong bốn mươi ngày, phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời” (Công vụ Các Sứ Đồ 1.3).
Chúng ta sẽ có ấn tượng như vầy: ba tiểu đoạn nầy đang mô tả toàn bộ các sự việc đang diễn ra trong cùng ngày ấy, cho nên mới có sự mô tả trong Công vụ Các Sứ Đồ 1, cùng với những câu chuyện tương ứng trong sách Mathiơ, Mác, và Giăng.
Mục đích của Luca không phải là nói cho chúng ta biết hết những gì đã xảy ra trong 40 ngày đó, cũng không chỉ ra một sự thay đổi về hiện trường, nhiều cho bằng tóm tắt phương thức trong đó Chúa Jêsus đã thuyết phục các môn đồ tin rằng Ngài đã sống lại từ kẻ chết, theo Kinh Thánh. Vì thế, chúng ta e rằng một sự thay đổi đúng lúc và đúng thời điểm sẽ được nhận ra, thí dụ trong các câu 44 đến 50. Ít nhất chúng ta biết rằng sự thăng thiên của Chúa chúng ta đã diễn ra 40 ngày sau sự sống lại của Ngài, và hơn một tháng sau lần hiện ra đầu tiên cho các môn đồ thấy, như đã được mô tả trong các câu 36-43.
Thứ hai, câu chuyện của Luca nói về những ngày sau cùng của Chúa chúng ta ở trên đất thì thấu đáo hơn câu chuyện của Mathiơ, nhưng câu chuyện của ông trong chương đầu tiên của sách Công vụ Các Sứ Đồ thì có nhiều chi tiết hơn. Mục đích của Luca, giống như mục đích của các trước giả Tin lành khác, không phải là nói cho chúng ta biết hết mọi sự đâu, mà là nói cho chúng ta biết một số việc quan trọng, và vì thế chúng sẽ được tuyển chọn trong chỗ mà họ chọn để thuật lại. Họ có nhiều việc để thuật lại cho chúng ta biết hơn những gì họ đã viết ra (đối chiếu Giăng 20.30-31).
Thứ ba, phần nhấn mạnh của Luca trong câu chuyện của ông nói về những lần hiện ra sau sự sống lại của Đấng Christ nhằm vào những gì đã diễn ra trong thành Jerusalem, chớ không nói nhiều về những gì đã diễn ra tại xứ Galilê (thí dụ, như Mathiơ đã ghi lại (28.16-17). Có nhiều lần hiện ra, một số lần hiện ra đó đã được mô tả trong một hay nhiều sách tin lành, và những lần khác có thể được mô tả bởi người khác. Có lẽ đã có một số lần hiện ra không được nhắc tới. Chúng ta không mong có sự cân đối trong tất cả các câu chuyện, vì có nhiều việc không được nói tới. Nếu tất cả các sự kiện đều được biết hết, thì mọi chi tiết phải cân đối trọn vẹn.
Thứ tư, trong khi Chúa Jêsus nhắc tới sự ứng nghiệm của kinh Cựu ước, Luca không nhắc tới một tham khảo nào cho chúng ta trong câu chuyện của ông. Hơn thế nữa, sự dạy của Chúa Jêsus thực sự không được ghi lại, mà chỉ đột phá chung chung thôi. Chúng ta sẽ khám phá một số phân đoạn khi chúng ta đến với phần nghiên cứu sách Công vụ Các Sứ Đồ, các phân đoạn không được liệt kê ra ở đây. Tôi nghĩ rằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời đang thách thức chúng ta đọc và nghiên cứu kinh Cựu ước và tự chúng ta tìm gặp chúng. Chúng ta sẽ tìm kiếm những lời tiên tri có quan hệ tới Đấng Christ trong Cựu ước, thực vậy, trong từng chi tiết của Kinh ấy. Tường trình của Luca về lời lẽ của Chúa Jêsus cho chúng ta biết những gì phải lo tìm, và ở chỗ nào, còn phần việc truy tìm vẫn là phần việc của chúng ta.
PHẦN 1: Bằng chứng thuộc thể về sự sống lại của Chúa Jêsus (24.36-42)
“Môn đồ đang nói chuyện như vậy, chính Đức Chúa Jêsus hiện ra giữa đó mà phán rằng: Bình an cho các ngươi! Nhưng môn đồ đều sửng sốt rụng rời, tưởng thấy thần. Ngài phán rằng: Sao các ngươi bối rối, và sao trong lòng các ngươi nghi làm vậy? Hãy xem tay chân ta: thật chính ta. Hãy rờ đến ta, và hãy xem; thần thì không có thịt xương, mà các ngươi thấy ta có. Đang phán vậy, Ngài giơ tay và chân ra cho xem. Nhưng vì cớ môn đồ vui mừng nên chưa tin chắc, và lấy làm lạ, thì Ngài phán rằng: Ở đây các ngươi có gì ăn không? Môn đồ dâng cho Ngài một miếng cá nướng. Ngài nhận lấy mà ăn trước mặt môn đồ”.
Hai môn đồ mà Chúa Jêsus đã gặp họ trên con đường về làng Emmaút không thể đợi được, nên đã trở lại thuật các tin tức tốt lành cho anh em của họ tại thành Jerusalem. Ngay lập tức sau khi họ nhận ra Chúa Jêsus thì Ngài biến mất, họ vội vã quay về lại thành Jerusalem, và với các môn đồ. Họ chưa thể thốt ra lời vì Chúa Jêsus đã hiện ra rồi cho Phierơ, các môn đồ đã nói cho họ biết Chúa Jêsus thực đã còn sống. Vì thế, hai môn đồ trước tiên đã nghe nói về sự sống lại chắc chắn của Chúa Jêsus từ anh em của họ. Việc mà họ có thể làm hết sức mình lúc bấy giờ là thêm phần chứng cớ của họ vào lẽ thật nầy. Chúa Jêsus thực đã sống lại từ kẻ chết, và họ đã tin theo y như thế.
Hoặc dường như vậy, nhưng khi Chúa Jêsus thực sự hiện ra, thì rõ ràng là “niềm tin” của họ nơi sự sống lại của Ngài vẫn chưa đủ. Lời lẽ đầu tiên của Chúa Jêsus cho nhóm nầy là: “Bình an cho các ngươi” (câu 36). Tuy nhiên, đấy không phải là đáp ứng của họ. Họ đã “sửng sốt” và “rụng rời”, Luca nói cho chúng ta biết (câu 37). Tại sao chứ? Tại sao họ không quá đỗi vui mừng? Tại sao họ lấy làm sợ hãi và hoang mang chứ? Từ ngữ “sửng sốt” cho thấy rằng các môn đồ bị “mất cảnh giác” dù họ không hề mong gặp Chúa Jêsus. Nếu Ngài thực sự còn sống, như họ đã xưng nhận, tại sao sự hiện ra của Ngài lại trở thành một cú sốc như thế chứ? Nếu Chúa Jêsus đã chào thăm với một lời tuyên bố về sự “bình an”, tại sao họ lại sợ hãi, ngược lại với sự bình an chứ?
Câu trả lời, ấy là họ tưởng Chúa Jêsus là một con ma, một linh hồn, và họ sợ hãi về những bóng ma. Các môn đồ đã tin vào mấy hồn ma, và, ngay giây phút đó, họ đã tin Chúa Jêsus là một hồn ma. Ở một cấp độ nào đó, điều nầy rất dễ hiểu. Tin lành của Giăng cho chúng ta biết rằng căn phòng mà các môn đồ đang nhóm lại trên đó đã có “cửa đã đóng lại” (Giăng 20.19). Vì lẽ đó, sự hiện ra của Chúa Jêsus không phải là một việc bình thường. Làm thế nào Chúa Jêsus bước vào căn phòng bằng một thân xác bình thường cho được? Sự giải thích về hồn ma khiến cho họ ý thức như thế. Đây là lần kết luận đầu tiên của họ (và dường như có sự nhất trí).
Sự thật là, rất dễ cho các môn đồ tin vào một Jêsus “hồn ma”, hơn là tin vào một Jêsus là Đấng đang hiện diện về phần xác thịt. Vấn đề thực sự trầm xuống đến chỗ “tin” hay “không tin”. Các môn đồ nghĩ họ thực sự đã tin. Họ nói rằng họ đã tin (Luca 24.34). Nhưng họ không thực sự tin như vậy. Trong câu chuyện của Mác, ông nói cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus sau đó đã hiện ra cho 11 sứ đồ khi họ đang ngồi ăn; Ngài quở trách họ vì thiếu đức tin và sự khăng khăng từ chối không chịu tin theo những người đã thấy Ngài sau khi Ngài sống lại (Mác 16.14).
Niềm tin, chúng ta biết đấy, không phải là một vấn đề cho sự tuyên bố của chúng ta, mà là vấn đề cho sự thực hành của chúng ta (đối chiếu Giacơ 1.19–2.26). Trong sách Công vụ Các Sứ Đồ, chúng ta được biết về sự hiện thấy mà Phierơ đã nhận được, thuyết phục ông rằng ông không cần phải tránh né tiếp xúc với dân Ngoại nữa (Công vụ Các Sứ Đồ 10.9-16). Sự hiện thấy nầy lót đường cho Phierơ đi đến nhà của Cọt-nây, và rao giảng Tin lành. Phierơ đã làm theo y như vậy, và ở đó người dân Ngoại đã đến với đức tin. Còn các cấp lãnh đạo người Do thái của Hội Thánh tại thành Jerusalem đã đem mọi hành động của Phierơ ra bàn cãi. Sau khi ông đưa ra một lời giải thích mỹ mãn rồi, họ mới công nhận:
“Vậy Đức Chúa Trời cũng đã ban sự ăn năn cho người ngoại để họ được sự sống!” (Công vụ Các Sứ Đồ 11.18b).
Mặc dù có sự xưng nhận nầy rồi, cách giảng đạo của họ bị hạn chế lại, vì trong câu kế chúng ta biết:
“Những kẻ bị tản lạc bởi sự bắt bớ xảy đến về dịp Ê-tiên, bèn đi đến xứ Phê-ni-xi, đảo Chíp-rơ và thành An-ti-ốt, chỉ giảng đạo cho người Giu-đa thôi” (Công vụ Các Sứ Đồ 11.19, phần nhấn mạnh là của tôi).
Nếu niềm tin và cách hành đạo của chúng ta không cân xứng, thì niềm tin của chúng ta chưa thoả đáng. Cũng vậy, đối với các môn đồ. Tôi muốn nói thêm ở chỗ nầy, cũng như đối với chúng ta nữa.
Điều đáng phải lưu ý là “niềm tin chưa trọn” của các môn đồ ở lần hiện ra của Chúa chúng ta tương tự với “niềm tin chưa trọn” của nhiều người ngày nay, khi đến với sự sống lại của Chúa chúng ta. Họ mau mắn thừa nhận rằng Chúa Jêsus, theo một ý nghĩa nào đó, vẫn còn sống hôm nay. Ngài đang sống trong tâm linh, sống trong tấm lòng của chúng ta, chớ không phải như kiểu ký ức những người thân đã qua đời đang sống trong chúng ta. Còn Ngài không được xem là sống lại từ kẻ chết về phần xác thịt và hiện diện với dân sự Ngài ngày hôm nay. Sự không tin đó giống với sự vô tín của các môn đồ. Và sự vô tín nầy Chúa Jêsus đã quyết định đổi nó thành đức tin chân chính.
Cú đột phá của các câu 36-43 là sự Chúa giàu ơn cung ứng bằng chứng rời rộng về mặt thuộc thể cho sự sống lại theo phần xác thể của Ngài. Bằng chứng đầu tiên là Chúa đến đứng trước mặt họ. Ngài không phải là một hồn ma, như họ đã nghĩ đâu! Ngài khích họ chạm đến Ngài, và nhìn thấy rằng Ngài có thịt và xương (câu 40). Ngài cũng khích họ nhìn xem hai bàn tay và chân của Ngài (câu 40). Phần suy luận rõ ràng là cả tay và chân Ngài đều mang dấu đinh mà Ngài đã có trên cây thập tự. Ít nhất là với ý nghĩa nầy, xác thể của Ngài “giống” với thân thể mà Ngài đã có trước khi Ngài chịu chết. Thân thể của Chúa chúng ta không còn giống như thân thể trước đây, trong thân thể mới nầy nó không thể bị hư nát nữa, và không cứ cách nào đó thân thể ấy có khả năng hiện ra rồi biến mất, như rõ ràng trong lần hiện ra của Ngài trên căn phòng nơi họ nhóm lại, với cánh cửa bị khoá kín. Sau cùng, Chúa Jêsus đã ăn một con cá mà họ đang ăn, minh chứng sau cùng, thực thế, là minh chứng rất chơn thực — một người không thể đòi hỏi thức ăn để mà sống, mà để tiêu hoá nó. Có đúng là Chúa Jêsus sẽ cùng dự tiệc với các môn đồ Ngài ở trên trời, và cùng uống chén và ăn bánh mới trong Nước Trời hay không (đối chiếu Luca 22.15-18)?
Bằng chứng rất thuyết phục. Các môn đồ đã chịu tin theo. Điều nầy được thấy rất rõ ràng bởi sự thay đổi trong tâm tính của họ. Có ba phần mô tả cung ứng cho chúng ta trong các câu 36-37. Hãy dừng lại trong một phút để lưu ý chúng:
(1) Sửng sốt và rụng rời (câu 37)
(2) Bối rối và nghi ngờ (câu 38)
(3) Vui mừng và lấy làm lạ (câu 41)
Đáp ứng đầu tiên của các môn đồ trước sự hiện ra của Chúa Jêsus, ấy là họ đã “sửng sốt và rụng rời” (câu 37). Chúa Jêsus dẹp tan các triệu chứng nầy, đến tận gốc rễ, để rồi tâm thần họ thấy bối rối và nghi ngờ (câu 38). Khi bằng chứng đã được các môn đồ nắm bắt được rồi, “tâm thần bối rối” của họ đổi thành “vui mừng” (tôi nghĩ, kể cả sự “bình an” mà Chúa chúng ta đã phán ra trong lời chào thăm), và sự “nghi” của họ đổi thành “lấy làm lạ”. “Nghi” trước đó là nghi của sự vô tín, “lấy làm lạ” sau đó phù hợp với sự vui mừng, tương đương với: “Tôi không thể tin điều nầy đang xảy ra cho tôi!”, hoặc: “Quá tốt chưa hẳn là chơn thật đâu!”
Chúng ta không để mấy câu nầy lại sau lưng mà không đề nghị rằng cách Chúa sử dụng từ “bình an” còn đạt hơn cả hình thái chào thăm thông thường, mà thực vậy. Chữ “bình an” là một từ rất dồi dào ý tưởng, căn cứ theo gốc rễ của Cựu ước. Sự bình an của Đức Chúa Trời (thí dụ Lêvi ký 26.1-13; Dân số ký 6.22-26; Các Quan Xét 6.11-24; Êsai 9.1-7; 48.17-18; 59.1-8; 60.17-20; Êxêchiên 37.24-28; Michê 5.5; Aghê 2.3-9) rất thường được gắn với sự hiện diện của Ngài. Ngược lại, việc thiếu vắng sự bình an được gắn với sự vắng mặt hay lui đi của Ngài. Thứ hai, lời lẽ của Chúa Jêsus đối với các môn đồ Ngài, đã được Giăng ghi lại trong bài giảng trên phòng cao (Giăng 14-17) có chứa từ “bình an” mấy lần. Sự “bình an” trong đó Chúa chúng ta nói tới có việc phải làm với thì tương lai, khi sự hiện diện của Ngài với các môn đồ sẽ được tỏ ra qua Thánh Linh Ngài, là Đấng hầu đến. Sự bình an của Đức Chúa Trời và sự hiện diện của Đức Chúa Trời không thể tách rời ra được. Vậy thì không có gì phải ngạc nhiên khi Chúa Jêsus tỏ ra cho các môn đồ Ngài thấy Ngài đang hiện diện theo phần xác thể, và cũng đang phán với họ về sự bình an.
PHẦN 2: Bằng chứng có tính cách lý giải (24.44-49)
“Đoạn, Ngài phán rằng: Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các Thi Thiên phải được ứng nghiệm. Bấy giờ Ngài mở trí cho môn đồ được hiểu Kinh Thánh. Ngài phán: Có lời chép rằng Đấng Christ phải chịu đau đớn dường ấy, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại, và người ta sẽ nhân danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sự ăn năn để được tha tội, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem. Các ngươi làm chứng về mọi việc đó; ta đây sẽ ban cho các ngươi điều Cha ta đã hứa, còn về phần các ngươi, hãy đợi trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao”.
Với hai môn đồ đương trên đường về làng Emmaút, Chúa Jêsus đã bắt đầu với bằng chứng có tính lý giải (theo Kinh Thánh) về sự chối bỏ, sự thương khó, sự chết và sự sống lại của Ngài. Kế đó Ngài mới tỏ ra cho họ, rồi biến mất ngay lập tức. Ở đây, trình tự bị đảo lộn, nhưng cả hai yếu tố khẳng định sự sống và bình luận đều có mặt.
Việc đầu tiên bắt lấy sự chú ý của tôi trong mấy câu nầy, ấy là chẳng có cái gì “mới” ở đây, về những gì đã xảy ra cho Chúa Jêsus, hoặc về những gì sắp sửa xảy ra trong và qua các môn đồ. Hết thảy mọi điều đều đã được nói tiên tri trước trong Kinh Thánh, và cũng được Chúa Jêsus nói trước rồi. Có ba lãnh vực trọng tâm đặc biệt ở đây: (1) sự chối bỏ, sự thương khó, sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ; (2) việc rao giảng Tin lành cho các nước; và, (3) lời hứa về Đức Thánh Linh, sẽ giáng trên môn đồ để mặc lấy quyền phép cho họ.
Lãnh vực đầu tiên trong ba lãnh vực nầy sẽ đến với chúng ta chẳng có gì phải ngạc nhiên hết. Sự chối bỏ, sự chết và sự sống lại của Đấng Mêsi là một trong những lẽ đạo có tính tiên tri rất nổi bật (dù phức tạp, đối chiếu I Phierơ 1.10-12) trong Kinh Cựu ước. Sự chối bỏ và sự thương khó của Chúa Jêsus đã được Simêôn nói bóng gió (Luca 2.34-35). Lẽ đạo nầy đã được gợi ra trong cách đối đãi với Giăng Báptít, người tiền khu của Chúa Jêsus. Lẽ đạo nầy đã được biết trước bởi sự chối bỏ Chúa Jêsus trong cơ hội Ngài tỏ mình công khai lần đầu tiên là Đấng Mêsi tại nhà hội thành Nazarét (Luca 4.14-30). Khi chức vụ và sứ điệp của Chúa Jêsus đã lan rộng, sự chống đối của cấp lãnh đạo tôn giáo người Do thái càng có cường độ lớn thêm và có tổ chức. Trong vài cơ hội hoặc Chúa đã phán với các môn đồ rằng đây sẽ là số phận của Ngài đã định về mặt thiêng liêng (đối chiếu Luca 9.21-23; 9.44-45; 18.31-34). Trong khi các môn đồ không nắm bắt được lẽ thật nầy, và thậm chí còn kháng cự những điều họ biết về lẽ thật đó, họ cần được nhắc nhớ rằng đây là những điều Ngài đã nói với họ rồi.
Sự chối bỏ, sự thương khó, sự chết, và sự sống lại của Chúa Jêsus không những là lẽ đạo mà Ngài đã nói với họ trước rồi, trong một số cơ hội, đây cũng là những điều mà các tiên tri trong Cựu ước đã nói trước rồi, bắt đầu với luật pháp Môise, và kể cả các sách tiên tri và các Thi thiên nữa. Ba sách nầy — luật pháp Môise, các Thi thiên, và các sách tiên tri — không những là các phần tham khảo đến mọi chứng cớ chung về sự thương khó và Đấng Mêsi; chúng còn là ba phạm trù hay ba sự phân chia chính yếu trong đó toàn bộ Cựu ước đã được chia nhỏ ra. Cho nên, Chúa Jêsus đang nhắc cho các môn đồ Ngài nhớ rằng toàn bộ Cựu ước, trong tất cả ba phần chính nầy, đều mang chứng cớ về sự thương khó và sự chết của Ngài. Hết thảy kinh Cựu ước, bắt đầu với luật pháp Môise, đều thấy trước sự sự đến của Chúa Jêsus trong vai trò Đấng Mêsi.Và hết thảy kinh Cựu ước đều nói về sự chối bỏ, sự thương khó, sự chết và sự sống lại, dù bằng lời nói gián tiếp hay bằng cách suy luận. Sách tin lành Giăng đã ghi lại câu nói của Chúa Jêsus: “Cha các ngươi là Áp-ra-ham đã nức lòng nhìn thấy ngày của ta; người đã thấy rồi, và mừng rỡ” (Giăng 8.56).
Giờ đây, hai lần trong chương cuối của tin lành Luca, Chúa Jêsus đã đưa ra phần tham khảo đến những lời tiên tri trong kinh Cựu ước về sự chối bỏ, sự thương khó, sự chết, và sự sống lại của Ngài. Ít nhất trong cuộc trao đổi với hai người đang trên đường về làng Emmaút (24.27), đặc biệt Chúa Jêsus nhắc tới một số câu gốc trong Cựu ước rồi giải thích chúng theo ánh sáng của sự chúng được ứng nghiệm nơi Ngài. Thế nhưng chúng ta không được cung ứng cho một tham khảo nào hết ở đây. Tại sao Chúa Jêsus thổ lộ cho các môn đồ Ngài những lời tiên tri trong Cựu ước có đề cập tới Ngài, còn Luca không liệt kê chúng ra cho chúng ta? Tôi e là có ít nhất hai lý do. Thứ nhứt, chúng ta sẽ thấy đâu là một lời tiên tri chủ yếu khi chúng ta bước qua sách Công vụ Các Sứ Đồ. Thí dụ, trong Công vụ Các Sứ Đồ chương 2, Phierơ nhắc tới một số câu Kinh Thánh trong kinh Cựu ước để chứng minh Chúa Jêsus phải chịu thương khó, chịu chết, và phải sống lại từ kẻ chết. Luca thì chờ đợi một thời điểm tốt hơn. Thứ hai, tôi nghĩ rằng Đức Chúa Trời có dụng ý để cho chúng ta tự tìm lấy những câu Kinh Thánh nầy. Ngài chọn không cung ứng cho chúng ta phần tham khảo theo mục lục hay theo đề tài trước vấn đề nầy. Ngài mong chúng ta đọc kinh Cựu ước với con mắt ngó chăm vào các lời tiên tri nầy nói về Đấng Mêsi. Đức Chúa Trời không làm bài tập ở nhà thay cho chúng ta đâu.
Câu 45 là câu quyết định, tôi tin, vì câu nầy chỉ ra cho chúng ta thấy rằng trong khi có một sự vô tín mà các môn đồ đã vấp phải, và họ đã bị quở trách vì cớ sự vô tín ấy (thí dụ Mác 16.14), cũng có một bất lực tự nhiên không hiểu được Kinh Thánh, cần phải được dời đi. Trong câu 45, Luca cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus đã dời đi bức màn đó, giúp cho các môn đồ hiểu được, trong lần đầu tiên, các phần kinh Cựu ước có liên quan tới Ngài là Đấng Mêsi, đặc biệt có quan hệ tới sự chối bỏ, sự thương khó, sự chết của Ngài. Điều nầy phù hợp với những gì Phaolô về sau đã viết trong bức thư ông gửi cho người thành Côrinhtô:
“Chúng tôi giảng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, là sự mầu nhiệm kín giấu, mà từ trước các đời, Đức Chúa Trời đã định sẵn cho sự vinh hiển chúng ta. Trong những người cai quản đời nầy chẳng ai từng biết sự đó; bởi chưng, nếu đã biết thì họ chẳng đóng đinh Chúa vinh hiển trên cây thập tự đâu. Song le, như có chép rằng: ẤY LÀ SỰ MẮT CHƯA THẤY, TAI CHƯA NGHE, VÀ LÒNG NGƯỜI CHƯA NGHĨ ĐẾN, NHƯNG ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ SẮM SẴN ĐIỀU ẤY CHO NHỮNG NGƯỜI YÊU MẾN NGÀI. Đức Chúa Trời đã dùng Đức Thánh Linh để bày tỏ những sự đó cho chúng ta, vì Đức Thánh Linh dò xét mọi sự, cả đến sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời nữa. Vả, nếu không phải là thần linh trong lòng người, thì ai biết sự trong lòng người? Cũng một lẽ ấy, nếu không phải là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời. Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời; chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giải bày sự thiêng liêng. Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng. Nhưng người có tánh thiêng liêng xử đoán mọi sự, và chính mình không bị ai xử đoán. VÌ AI ĐÃ BIẾT Ý CHÚA, ĐẶNG DẠY DỖ NGÀI? Nhưng phần chúng ta, thì có ý của Đấng Christ” (I Côrinhtô 2.7-16).
Từ phân đoạn nầy chúng ta có thể nhìn thấy mọi người, không được sự trợ giúp của Thánh Linh Đức Chúa Trời, thì không có khả năng hiểu biết những việc thuộc về Đức Chúa Trời vì Đức Chúa Trời, mọi đường lối Ngài, và các phương tiện của Ngài, đã vượt quá mọi khả năng hiểu biết của chúng ta. Thêm vào hàng rào ngăn trở nầy, có thêm “bức màn” phải được dời ra khỏi con mắt của người Do thái. Về bức màn nầy Phaolô cũng đã viết trong bức thư thứ hai ông gửi cho người thành Côrinhtô:
“Nhưng lòng họ đã cứng cỏi; vì đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, cái màn ấy vẫn còn chưa cất khỏi, bởi chưng ấy là trong Đấng Christ mà màn đó biến đi. Ấy vậy, cho đến ngày nay, mỗi lần người ta đọc sách Môi-se cho họ, cái màn ấy vẫn còn ở trên lòng họ. KHI HỌ SẼ TRỞ LẠI CÙNG CHÚA, THÌ MÀN ẤY MỚI CẤT KHỎI. Vả, Chúa tức là Thánh Linh, Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó. Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh” (II Côrinhtô 3.14-18).
Mãi cho tới sau sự sống lại của Ngài thì mắt của các môn đồ mới được mở ra để hiểu hết những gì các vị tiên tri đã nói liên hệ tới chức vụ của Đấng Mêsi, và đặc biệt về sự chối bỏ, sự thương khó, sự chết và sự sống lại của Ngài. Bức màn ấy giờ đây đã bị cất khỏi. Từ điểm nầy trở đi các môn đồ sẽ xây sang những lời tiên của Cựu ước để minh chứng Chúa Jêsus là Đấng Mêsi đã được hứa cho, và mọi sự đã xảy ra cho Ngài là một điều tất yếu về mặt tiên tri.
Khía cạnh thứ hai của lời tiên tri trong Cựu ước mà Chúa Jêsus đã chỉ ra cho các môn đồ thấy là sự rao giảng Tin lành cho các dân các nước, chớ không phải chỉ cho dân Israel:
“Ngài phán: Có lời chép rằng Đấng Christ phải chịu đau đớn dường ấy, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại, và người ta sẽ nhân danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sự ăn năn để được tha tội, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem. Các ngươi làm chứng về mọi việc đó; ta đây sẽ ban cho các ngươi điều Cha ta đã hứa” (Luca 24.46-48).
Hãy chú ý chữ “và” là chữ duy nhất đứng giữa khía cạnh thứ nhứt và khía cạnh thứ hai. Không có một sự phân cách nào ở đây, chỉ có sự kết nối mà thôi. Có lời chép rằng “Đấng Christ phải chịu đau đớn dường ấy, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại”, và cũng có lời chép rằng “rao giảng cho các dân các nước sự ăn năn để được tha tội”. Đây là một lẽ thật rất khó nắm bắt được như lẽ thật thứ nhứt. Thể nào người Do thái đã kháng cự phương diện nầy trong địa vị Đấng Mêsi của Đấng Christ, khi Ngài rõ ràng đã chỉ ra đây mới chỉ là khởi đầu chức vụ của Ngài mà thôi (Luca 4.24-27). Và đây không phải là lần đầu tiên mà sự cứu rỗi của dân Ngoại đã được nhắc tới trong sách Luca. Lúc Chúa Jêsus giáng sinh, thiên sứ đã báo cho mấy gã chăn chiên biết rằng “tin mừng lớn” mà Ngài đem đến cho họ là “cho muôn dân” (2.10). Tính phổ quát của Tin lành — sự thật Đấng Mêsi sẽ chịu chết vì tội lỗi của hết thảy mọi người tin, cả người Do thái và dân Ngoại — là một trong những sự chọc tức lớn lao nhất đối với người Do thái, đặc biệt đối với hạng người không xem mình là “tội nhân”.
Giao ước với Ápraham, giao ước đã được lập với Ápraham, thường được xem là nhắm vào mọi ơn phước sẽ giáng xuống cho dân Israel, còn các ơn phước mà Đức Chúa Trời đã hứa với Ápraham là những ơn phước sẽ mở rộng ra cho các dân các nước:
“Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sáng thế ký 12.3).
Những vị tiên tri về sau, họ khẳng định chính lời hứa cứu rỗi nầy và ơn phước dành cho dân Ngoại. Chúng ta hãy xem những lời tiên tri nầy:
“Sau đó, ta sẽ đổ Thần ta trên cả loài xác thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên tri; những người già cả các ngươi sẽ thấy chiêm bao, những kẻ trai trẻ các ngươi sẽ xem sự hiện thấy. Trong những ngày đó, dầu những đầy tớ trai và đầy tớ gái, ta cũng đổ Thần ta lên. Ta sẽ tỏ những sự lạ ra trong các từng trời và trên đất: tức là máu lửa, và những trụ khói. Mặt trời sẽ đổi ra tối tăm, mặt trăng ra máu, trước khi ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va chưa đến. Bấy giờ ai cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu; vì theo lời Đức Giê-hô-va, thì ở trên núi Si-ôn và trong Giê-ru-sa-lem, sẽ có những người trốn khỏi, và trong những người còn sống sót, sẽ có kẻ mà Đức Giê-hô-va kêu gọi” (Giôên 2.28-32, phần nhấn mạnh là của tôi).
“Ai là kẻ còn sót lại ở trong các ngươi đã xem thấy vinh quang khi trước của nhà nầy? và bây giờ các ngươi xem nó ra làm sao? Nó ở trước mắt các ngươi, há chẳng phải như là hư không sao? Vậy bây giờ, Đức Giê-hô-va phán: Hỡi Xô-rô-ba-bên, ngươi khá can đảm; còn ngươi, Giê-hô-sua, con trai Giô-xa-đác, thầy tế lễ cả, cũng khá can đảm; Đức Giê-hô-va lại phán: Cả dân sự trong đất, các ngươi cũng khá can đảm, và hãy làm việc; vì ta ở cùng các ngươi, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy. Lời giao ước mà ta lập với các ngươi khi các ngươi ra khỏi Ê-díp-tô cùng Thần ta ở giữa các ngươi: chớ sợ hãi. Vì Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy: Còn một lần, khỏi ít lâu nữa, ta sẽ làm rúng động các từng trời và đất, biển và đất khô. Ta cũng làm rúng động hết thảy các nước, và những sự ước ao của các nước hầu đến; rồi ta sẽ làm cho vinh quang đầy dẫy nhà nầy, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy. Bạc là của ta, vàng là của ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy. Vinh quang sau rốt của nhà nầy sẽ lớn hơn vinh quang trước, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy; và ta sẽ ban sự bình an trong chốn nầy, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (Aghê 2.3-9, phần nhấn mạnh là của tôi).
“Nầy, đầy tớ ta đây, là kẻ ta nâng đỡ; là kẻ ta chọn lựa, là kẻ mà linh hồn ta lấy làm đẹp lòng. Ta đã đặt Thần ta trên người, người sẽ tỏ ra sự công bình cho các dân ngoại” (Êsai 42.1, phần nhấn mạnh là của tôi).
Trong ánh sáng của lẽ thật, khi sự cứu rỗi mà Đấng Mêsi sẽ đem đến cho các dân các nước, Sứ Mệnh Cao Cả đến không như một khải thị mới mẻ đâu, mà như một sự dốc đổ, cả công việc của Đấng Christ trên thập tự giá đồi Gôgôtha, và cả những lời tiên tri trong Cựu ước đã nói trước sự cứu rỗi nhiều người trong từng quốc gia một. Hãy lưu ý rằng Luca (cả ở đây và trong Công vụ Các Sứ Đồ 1.8) ghi lại Sứ Mệnh Cao Cả, vừa là một mạng lịnh, vừa là một lời hứa, một sự chắc chắn.
Để cho Tin lành được rao giảng cho nhiều người của từng nước một, bắt đầu tại thành Jerusalem, các môn đồ phải được mặc lấy quyền phép, quyền phép của Đức Thánh Linh đã được hứa cho, quyền phép nầy sẽ xây những tấm lòng bằng đá thành những tấm lòng bằng thịt, quyền phép ấy sẽ thuyết phục và làm biến đổi một số người, chỉ không đầy một tháng trước đó, đã kêu gào đòi giết Đấng Mêsi. Lời hứa nầy về Đức Thánh Linh, giống như hai lãnh vực trước đó của lời tiên tri, Chúa Jêsus đã phán với các môn đồ về lời hứa đó, là điều mà các Đấng tiên tri trong Cựu ước đã nói trước. Chúng ta hãy nhìn vắn tắt vào một số tham khảo về sự đến của Đức Thánh Linh.
Sự đến của Đức Thánh Linh là “mặc lấy quyền phép từ trên cao”, như Chúa Jêsus đã phán (câu 49). Đây cũng là điều mà Đức Chúa Cha đã hứa cho. “Chờ điều Cha đã hứa” (đối chiếu Công vụ Các Sứ Đồ 1.4) phải có gốc rễ của nó trong sách các tiên tri của Cựu ước, và thực như vậy. Tuy nhiên, một lần nữa, nếu Chúa Jêsus đã nói cho các môn đồ biết các câu Kinh Thánh tiên tri nói cái gì rồi, Luca không ghi lại chúng. Chúng ta biết Công vụ Các Sứ Đồ chương 2 và Giôên chương 2 sẽ là một mà thôi. Nhưng chúng ta hãy xem vài phân đoạn Kinh Thánh khác hứa về sự đến của Đức Thánh Linh trong một tư thế rất quan trọng mà Israel đã kinh nghiệm đúng thời điểm nầy:
“Chúng nó sẽ đấm ngực vì đồng điền màu mỡ, vì cây nho sai trái. Chà chuôm gai gốc sẽ mọc lên trên đất dân ta, cùng trên mọi nhà chơi trong thành vui vẻ. Vì cung điện vắng tanh, thành đông đúc hoang loạn; đồi và tháp từ nay sẽ trở nên sào huyệt đến đời đời, cho những lừa rừng choán làm nơi nghỉ, và những bầy vật thả ăn, cho đến chừng Thần từ nơi cao được rải xuống khắp trên chúng ta, đồng vắng biến thành ruộng tốt, ruộng tốt được kể như rừng rậm. Bấy giờ sự xét đoán sẽ ở nơi đồng vắng, sự công bình sẽ trú nơi ruộng tốt. Công bình sẽ sanh ra bình an, trái của sự công bình sẽ là yên lặng và an ổn mãi mãi. Dân ta sẽ trú trong chỗ bình an, trong nhà yên ổn và nơi nghỉ lặng lẽ. Nhưng mưa đá sẽ đổ xuống trên rừng, và thành sẽ bị hạ cả xuống. Phước thay cho các ngươi gieo giống ở bên mọi dòng nước, thả chân bò lừa đi” (Êsai 32.12-20).
“Bây giờ, hỡi Gia-cốp, tôi tớ ta, hỡi Y-sơ-ra-ên mà ta đã chọn, hãy nghe! Đức Giê-hô-va, là Đấng đã làm nên ngươi, đã gây nên ngươi từ trong lòng mẹ, và sẽ giúp đỡ ngươi, phán như vầy: Hỡi Gia-cốp, tôi tớ ta, và Giê-su-run mà ta đã chọn, đừng sợ chi; vì ta sẽ rót nước trên kẻ khát, cho suối chảy nơi đất khô. Ta sẽ đổ Thần ta trên dòng dõi ngươi, và phước lành ta trên những kẻ ra từ ngươi. Chúng nó sẽ nẩy nở giữa đám cỏ, như cây liễu dưa dòng nước. Người nầy sẽ nói rằng: Ta thuộc về Đức Giê-hô-va; người kia xưng mình bằng danh của Gia-cốp, kẻ khác nữa lấy tay mình viết rằng: Ta thuộc về Đức Giê-hô-va, và xưng mình bằng danh Y-sơ-ra-ên” (Êsai 44.1-5).
“Đấng Cứu chuộc sẽ đến Si-ôn, đến cùng những kẻ thuộc về Gia-cốp, là kẻ bỏ tội lỗi, Đức Giê-hô-va phán vậy. Đức Giê-hô-va phán: Về phần ta, nầy là giao ước ta đã lập với họ. Thần ta ở trên ngươi, cả đến những lời ta đã đặt nơi miệng ngươi, sẽ chẳng lìa khỏi miệng ngươi, miệng dòng dõi ngươi, và miệng dòng dõi của dòng dõi ngươi, từ bây giờ cho đến đời đời! Đức Giê-hô-va phán vậy” (Êsai 59.20-21).
“Tay của Đức Giê-hô-va đặt trên ta; Ngài dắt ta ra trong Thần Đức Giê-hô-va, và đặt ta giữa trũng; nó đầy những hài cốt. Đoạn Ngài khiến ta đi vòng quanh những hài cốt ấy; nầy, có nhiều lắm trên đồng trũng đó, và đều là khô lắm. Ngài phán cùng ta rằng: Hỡi con người, những hài cốt nầy có thể sống chăng?… Ngài phán cùng ta rằng: Hỡi con người, những hài cốt nầy, ấy là cả nhà Y-sơ-ra-ên. Nầy, chúng nó nói rằng: Xương chúng ta đã khô, lòng trông cậy chúng ta đã mất, chúng ta đã tuyệt diệt cả! Vậy, hãy nói tiên tri, và bảo chúng nó rằng: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Hỡi dân ta, nầy, ta sẽ mở mồ mả các ngươi, làm cho các ngươi lại lên khỏi mồ mả, và ta sẽ đem các ngươi về trong đất của Y-sơ-ra-ên. Hỡi dân ta, các ngươi sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va, khi ta đã mở mồ mả các ngươi, và làm cho các ngươi lại lên khỏi mồ mả. Ta sẽ đặt Thần ta trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống. Ta sẽ lại lập các ngươi trong đất riêng của các ngươi; rồi các ngươi sẽ biết rằng ta, Đức Giê-hô-va, sau khi hứa lời ấy thì đã làm thành, Đức Giê-hô-va phán vậy” (Êxêchiên 37.1-3a,11-14).
“Ta sẽ không che mặt khỏi chúng nó nữa, vì ta sẽ đổ Thần ta trên nhà Y-sơ-ra-ên, Chúa Giê-hô-va phán vậy” (Êxêchiên 39.29).
“Ta sẽ đổ thần của ơn phước và của sự nài xin ra trên nhà Đa-vít, và trên dân cư Giê-ru-sa-lem; chúng nó sẽ nhìn xem ta là Đấng chúng nó đã đâm; và chúng nó sẽ thương khóc, như là thương khóc con trai một, sẽ ở trong sự cay đắng, như khi người ta ở trong sự cay đắng vì cớ con đầu lòng. Trong ngày đó, sẽ có sự thương khóc lớn tại Giê-ru-sa-lem, như là sự thương khóc của Ha-đát-Rim-môn ở trong đồng bằng Mê-ghi-đô. Đất nầy sẽ thương khóc, mỗi họ riêng phần mình: họ của nhà Đa-vít riêng ra, những vợ chúng nó riêng ra; họ của nhà Na-than riêng ra, những vợ chúng nó riêng ra; họ của nhà Lê-vi riêng ra, những vợ chúng nó riêng ra; Họ Si-mê-y riêng ra, những vợ chúng nó riêng ra; phàm những họ còn sót lại, mỗi họ riêng ra, và những vợ chúng nó riêng ra” (Xachari 12.10-14).
“Điều Cha đã hứa” đã được Giăng Báptít lặp lại, ông đã đối chiếu phép báptêm của mình với phép báptêm của Đấng Mêsi là Đấng đã đến sau ông (đối chiếu Luca 3.16). Chúa Jêsus cũng nói về sự đến của Đức Thánh Linh trong Luca 11.5-13. Khi các môn đồ còn chưa hiểu, và đang chịu đựng thử thách, họ được truyền cho không phải sửa soạn để biện hộ chi hết, nhưng chính trong giờ đó Đức Thánh Linh sẽ ban lời cho họ nói (Luca 12.12; Mác 13.11; Mathiơ 10.20). Trong tin lành của Giăng sự dạy của Chúa chúng ta về Đức Thánh Linh là yếu điểm. Chúa Jêsus đã ban Đức Thánh Linh cho hết thảy những kẻ nào khát (Giăng 7.37-39), và Ngài đặc biệt hứa ban Đức Thánh Linh cho các môn đồ khi vắng mặt Ngài (Giăng 14-16).
Bản chất chức vụ của Đức Thánh Linh sẽ được chiếu cố tới trong phần nghiên cứu sách Công vụ Các Sứ Đồ của chúng ta, như vậy đủ để nói rằng Chúa Jêsus đã truyền cho các môn đồ Ngài đừng đi ra làm chứng cho mọi việc đã xảy ra mà chưa có quyền phép Ngài sẽ cung ứng cho qua Thánh Linh của Ngài. Ngài là Đấng đã truyền cho các môn đồ Ngài phải trở thành chứng nhân của Ngài, cũng đã truyền cho họ chỉ làm chứng trong quyền phép mà Ngài sẽ cung ứng cho. Ngài là Đấng ban lịnh truyền Ngài cũng là Đấng có quyền phép.
Sự thăng thiên và sự dạn dĩ của các môn đồ trong sự thờ phượng (24.50-53)
“Kế đó, Ngài đem môn đồ đi đến nơi xung quanh làng Bê-tha-ni, giơ tay lên mà ban phước cho. Đang khi ban phước, Ngài lìa môn đồ mà được đem lên trời. Môn đồ thờ lạy Ngài rồi trở về thành Giê-ru-sa-lem, mừng rỡ lắm. Môn đồ cứ ở trong đền thờ luôn, ngợi khen Đức Chúa Trời”
Bốn mươi ngày đã trôi qua, như Luca đã nói rõ ràng trong Công vụ Các Sứ Đồ 1.3. Các môn đồ giờ đây được dẫn ra khu ngoại vi của thành Jerusalem, một “chuyến hành trình trong ngày sabát” từ thành phố ấy, đến ngọn núi được gọi là Ôlive (Công vụ Các Sứ Đồ 1.12). Khi Ngài giơ cao cánh tay lên trong sự chúc phước, Ngài được cất đi khỏi họ. Một câu chuyện rất chi tiết sẽ nối theo sau trong sách Công vụ Các Sứ Đồ. Luca sẽ nói nhiều từ những ngày tháng nối theo sau sự cố nầy (tôi nghĩ là sau Lễ Ngũ Tuần). Các môn đồ nầy vốn quẫn trí và bực tức bởi sự chết của Chúa Jêsus giờ đây được mô tả như đã được biến đổi hẳn.
Hãy chú ý sự thay đổi mà Luca đang mô tả ở đây. Các môn đồ nầy từng chán nản hiện giờ lại chan chứa sự ngợi khen. Và các môn đồ nầy của Chúa Jêsus chỉ mấy ngày trước đây đã cúi đầu gục xuống ở đàng sau mấy cánh cửa đóng kín, trốn tránh các cấp lãnh đạo tôn giáo Do thái đã đóng đinh Chúa của họ trên thập tự giá, giờ đây rất bền đỗ, công khai ngợi khen Đức Chúa Trời — trong đền thờ, tại trung tâm đầu não của Do thái giáo. Sự thay đổi đã được mô tả rất ngắn gọn. Sự biến đổi sẽ được mô tả nhiều chi tiết hơn trong sách Công vụ Các Sứ Đồ, là sách thứ hai, có lẽ đã có mặt rồi.
PHẦN KẾT LUẬN:
Chương cuối của sách Luca đóng vai trò như một kiểu kết luận, như chúng ta trông đợi. Song trong thực tế chương nầy khó trở thành chương kết thúc lắm. Có một câu duy nhất, câu cuối hết, cung ứng cho chúng ta một nhận định về sự kết thúc, và câu ấy ngắn gọn đến khó tin được. Lý do rất rõ ràng. Tin lành Luca không thể cung ứng một sự kết thúc cho chúng ta. Đó là một tin lành, tin lành ấy có thể cho chúng ta biết về sự giáng sinh, sự sống, sự chết, và sự sống lại của Đấng Christ, nhưng tin lành ấy không thể thuật lại cho chúng ta toàn bộ câu chuyện. Điều nầy đúng một cách chính xác tại sao Luca thấy là cần thiết khi viết ra một quyển sách khác, một phần tiếp theo cho tin lành. Trong sách nầy, Luca sẽ tiếp tục câu chuyện nói tới công việc của Đấng Christ trên thế gian qua Hội Thánh Ngài, do Đức Thánh Linh mặc lấy quyền phép cho.
Khi tôi đọc Tin lành của Luca rồi đọc tiếp sách Công vụ Các Sứ Đồ, tôi có thể hiểu dễ dàng tại sao các môn đồ đã cảm nhận và hành động như họ đã có trong Tin lành của Luca. Tôi có thể nắm bắt được mọi cảm xúc và hành động của họ thể nào đã thay đổi trong sách Công vụ Các Sứ Đồ. Nhưng cái điều làm cho tôi phải bối rối, ấy là Hội Thánh ngày nay dường như hành động càng giống với các môn đồ trong sách Luca hơn là giống với các vị sứ đồ trong sách Công vụ Các Sứ Đồ. Chúng ta có cần phải nếm trải chính sự thay đổi trong tâm trí, và hành động mà các môn đồ đã nếm trải không? Có phải chúng ta ưa thích được như họ không? Tôi nghĩ thế.
Chúng ta phải thay đổi như thế nào, để được giống như các sứ đồ trong Công vụ Các Sứ Đồ hơn là cứ tiếp tục giống với các môn đồ trong sách Luca? Phải thay đổi như thế nào? Trước hết, tôi nghĩ rằng chúng ta tin, nhiều hơn các môn đồ đã tin, rằng Chúa Jêsus phải bị chối bỏ, bị xử tử, rồi đã sống lại. Tôi không nghĩ nan đề của chúng ta là hiểu biết Cựu ước đã dạy gì về Chúa Jêsus Để nhận lấy bước nầy sâu sắc hơn, tôi không nghĩ là chúng ta có một nan đề lớn khi tìm hiểu các sách tin lành dạy cái gì, về sự sống, sự chết và sự sống lại của Chúa Jêsus. Tôi nghĩ nan đề của chúng ta, ấy là dù mọi sự chúng ta nhận biết về Chúa Jêsus, chúng ta thực sự không tin như thế. “Sự xưng nhận của chúng ta” (tín điều của chúng ta — những gì chúng ta nói chúng ta tin) có thể là hậu-Ngũ Tuần, song cách hành đạo của chúng ta, cách xử sự của chúng ta là tiền-Ngũ Tuần. Chúng ta sống giống nhiều với các môn đồ đã sống trong Luca hơn là giống họ đã sống trong Công vụ Các Sứ Đồ. Những sự thật chúng ta biết rõ, nhưng chúng ta có thực sự tin chúng, quyền phép chúng ta xưng nhận, nhưng chúng ta có thực sự thực hành quyền phép ấy không?
Nói ngắn gọn, tôi thấy nan đề đã tỏ ra ở đây trong sách Luca, nhưng giải pháp chưa được tỏ ra. Giải pháp ấy được tỏ ra trong sách Công vụ Các Sứ Đồ. Trong khi một tín điều nơi sự sống lại của Đấng Christ là quan trọng, còn có nhiều tín điều khác cần thiết hơn. Tín điều ấy là gì nào? Chúng ta hãy tiếp tục bước vào sách Công vụ Các Sứ Đồ để tìm xem tín điều ấy là gì?
Cho phép tôi gợi ý cho quí vị thấy. Các môn đồ đã đạt tới mức tin rằng Chúa Jêsus không những đã chết, mà còn đã sống lại nữa. Bản chất của sự sống lại, như các môn đồ đã nắm bắt được, là không thoả đáng — họ nghĩ bản chất ấy chỉ là một sự sống lại “thuộc linh” mà thôi. Thực sự họ không tin Chúa Jêsus đã hiện diện với họ. Đấy là lẽ thật rất khó nắm bắt được. Không những Chúa Jêsus còn sống. Chúa Jêsus đã ở với họ, ở giữa vòng họ. Ngài còn hiện diện với họ, và ở trong họ, qua Thánh Linh của Ngài, song đây là lời hứa của những điều hầu đến. Sự sống lại của Đấng Christ ngọt ngào lắm khi chúng ta đạt tới mức nhận biết rằng Ngài là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm cho sống lại từ kẻ chết không những sống, mà còn hiện diện, bởi phương tiện Thánh Linh của Ngài. Nguyện chúng ta đạt tới mức nắm bắt được sự hiện diện của Ngài nơi chúng ta, một cách cá nhân và tập thể. Ở điểm nầy là vui mừng và quyền phép. Như Phaolô về sau đã viết:
“Lại nếu Thánh Linh của Đấng làm cho Đức Chúa Jêsus sống lại từ trong kẻ chết ở trong anh em, thì Đấng làm cho Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết cũng sẽ nhờ Thánh Linh Ngài ở trong anh em mà khiến thân thể hay chết của anh em lại sống” (Roma 8.11).
Thực tại lớn lao nhất của sự sống lại có thể thấy được hôm nay là thực tại một thân thể không có khả năng sống theo một phương thức làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và làm phu phỉ các điều răn của Ngài, là đối tượng cho quyền lực của tội lỗi, có thể được cung ứng cho sự sống bởi chính Đức Thánh Linh đã làm cho thi thể chết của Chúa chúng ta lại sống. Đức Thánh Linh là Đấng đã làm cho Đấng Christ sống lại từ kẻ chết có thể cung ứng cho sự sống cho thân thể hay chết của chúng ta. Đây là một thực tại về sự sống lại mà các môn đồ không bao lâu nữa sẽ kinh nghiệm. Nguyện chúng ta cũng kinh nghiệm được sự sống lại ấy nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét