Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2010

I Giăng 2.28-3.3: "PHẢI SẴN SÀNG THẾ NÀO CHO SỰ TÁI LÂM CỦA NGÀI"



SỐNG TRONG SỰ SÁNG
PHẢI SẴN SÀNG THẾ NÀO CHO SỰ TÁI LÂM CỦA NGÀI
I Giăng 2.28-3.3
1. Vào năm 1989, một trận động đất kinh khủng ở Armenia đã làm chết 30.000 người. Giữa vòng những người vô sự là một người đàn ông cùng với vợ của ông ta. Con trai của họ, Armon có mặt trong ngôi trường tiểu học đã bị sụp đổ. Người cha luôn luôn nói cho cậu con trai của mình rằng ông sẽ đến với nó một khi có rắc rối. Ở trường, nó làm việc không mệt mỏi để di dời đống đổ nát. Sau 38 giờ, ông ta nghe được giọng nói của Armon và với sự giúp đỡ của những nhân viên cứu hộ đã giải thoát đứa con của mình cùng mấy đứa trẻ khác nữa. Armon nói: "Con nói với mấy đứa bạn là bố sẽ đến vì bố đã hứa. Con nói với tụi nó bố sẽ luôn luôn có mặt ở đó vì con. Con biết bố sẽ trở lại mà" (Great Stories, v.7, i.25, p.11).
2. Lẽ đạo chắc chắn của Tân Ước, ấy là Chúa Jêsus sẽ tái lâm để tiếp rước con cái của Ngài. Ngài phán trong Giăng 14.3: "Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó". Cho đến khi ấy, giống như Armon, chúng ta cần phải tỉnh thức, chờ đợi và nói cho người khác biết về Cha của chúng ta.
3. Armon không biết khi nào bố nó sẽ đến, nó chỉ có lòng tin cậy trọn vẹn rằng ông sẽ đến. Chúng ta không biết khi nào Chúa Jêsus sẽ đến, vì vậy chúng ta phải sẵn sàng. Trong Bài Giảng Trên Núi Ôlive ở Mathiơ 24-25, Chúa Jêsus đã dạy dỗ điều nầy trong Thí dụ nói về các ta-lâng. Ngài phán trong 25.13: "Vậy, hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày, cũng không biết giờ".
4. Khi chúng ta tiếp tục phần nghiên cứu của mình về thơ I Giăng, chúng ta sẽ xem xét bốn thách thức giúp chúng ta biết sẵn sàng đón đợi sự tái lâm của Đấng Christ.
I. Đừng để lòng tin cậy phai lạt đi (2.28).
A. Tất cả những tín đồ cần phải ở trong Chúa Jêsus.
1. Giăng bắt đầu với lời chào mừng quen thuộc: "con cái bé mọn". Đây không phải cùng một từ ngữ Hy lạp mà ông đã sử dụng trong câu 18 đề cập tới hạng Cơ đốc nhân con đỏ, chưa trưởng thành, mà là một từ có ý nói tới mọi "con cái" của Đức Chúa Trời. Những gì tiếp theo sau không những là sự dạy dỗ cho các con đỏ thuộc linh, mà còn cho hết thảy con cái của Đức Chúa Trời bất chấp sự trưởng thành. Điều nầy dành cho hết thảy chúng ta.
2. Một lần nữa, chúng ta thấy lời khuyên nên "ở trong" Chúa Jêsus, "trụ lại, ở, hay cư trú". Không những “ở” có nghĩa là mối giao thông, mà còn là mối tương giao mật thiết với Chúa Jêsus nữa. Đây là một lẽ đạo thường trực xuyên suốt thơ I Giăng. Từ ngữ "ở trong" đã được sử dụng khoảng 21 lần.
3. "Ở trong " Chúa Jêsus là trụ lại gần gũi với Ngài. Điều nầy đòi hỏi chúng ta phải đào sâu Ngôi Lời, tin theo Lời ấy, vâng theo và tin cậy Lời ấy. Nó cũng có nghĩa là phải ý thức rõ về Đức Thánh Linh "sự xức dầu" từ Đức Chúa Trời, "bước đi theo Thánh Linh" và "chớ làm trọn tư dục của xác thịt" (Galati 5.16). Nó có nghĩa là phải sống trong sự nương cậy hoàn toàn nơi Chúa trong mọi sự. Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 8.31: "Bấy giờ Ngài phán cùng những người Giu-đa đã tin Ngài, rằng: Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta".
4. Vô luận chúng ta biết Chúa Jêsus bao lâu, luôn luôn có một cấp độ tương giao sâu sắc tình cảm hơn. Phaolô nói trong Rôma 11.33: "Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!"
5. Tại sao chúng ta cần phải "ở trong"? Có nhiều lý do chúng ta phải đưa ra: cần có sự bình an và vui mừng, phải thắng hơn sự cám dỗ và tội lỗi hay phải sống hài hoà với người khác. Danh sách còn nhiều, nhiều nữa. Tuy nhiên, Giăng cung ứng cho chúng ta một lý do rất đặc biệt: "hầu cho, nếu Ngài hiện đến, chúng ta cũng đầy sự vững lòng, không bị hổ thẹn và quăng xa khỏi Ngài trong kỳ Ngài ngự đến".
B. Ở trong Chúa Jêsus cung ứng lòng tin cậy cho chúng ta.
1. Từ ngữ "tin cậy" dịch là "thẳng thắn, bộc trực, bảo đảm". Sát nghĩa, từ nầy có ý nói "nói năng công khai". Từ nầy được sử dụng ở Giăng 10.24 khi người Do thái nói với Chúa Jêsus: "Thầy để chúng tôi nghĩ vơ vẫn mãi cho đến khi nào? Nếu thầy là Đấng Christ, hãy nói RÕ cho chúng tôi".
2. Công vụ Các Sứ đồ 4.13 chép: "Khi chúng thấy sự DẠN DĨ của Phi-e-rơ và Giăng, biết rõ rằng ấy là người dốt nát không học, thì đều lấy làm lạ; lại nhận biết hai người từng ở với Đức Chúa Jêsus". Khi chúng ta "ở với Đức Chúa Jêsus" khi chúng ta "ở trong Ngài" chúng ta có được "lòng tin cậy" hay dạn dĩ rất lớn và có thể nói về Ngài và với Ngài cách công khai.
C. Thất bại không ở trong Chúa Jêsus sẽ khiến chúng ta phải xấu hổ.
1. "Hổ thẹn" đúng ra có ý nói phải "co lại hay ẩn núp trong xấu hổ hay mất ơn". Trong vườn Ê-đen trước sự Sa Ngã, Sáng thế ký 2.25 chép về Ađam và Êva: "Vả, A-đam và vợ, cả hai đều trần truồng, mà chẳng hổ thẹn". Tuy nhiên, sau khi họ phạm tội, họ đi "ẩn mình" khi họ "lối chiều nghe tiếng Chúa trong vườn" (Sáng thế ký 3.8...). Đức Chúa Trời hỏi: "Ngươi ở đâu"? Ađam đáp: "Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi lõa lồ, nên đi ẩn mình".
2. Nếu Chúa Jêsus đến trong lúc bây giờ, liệu bạn sẽ "tin cậy" hay thấy "hổ thẹn"? Bạn có dạn dĩ với sự trung tín làm chứng về Ngài hay bạn sẽ co lại trong sợ hãi rồi muốn đi ẩn mình tránh Ngài giống như Ađam?
3. Chúng ta hãy trở lại với II Côrinhtô 5.9-10. Kinh Thánh nói rõ ràng rằng "chúng ta thảy [tất cả tín đồ] đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ". Bema hay "ngai phán xét" là một nơi để ban thưởng, có người đưa ra ý tưởng là sẽ chẳng có tiếc nuối, hổ thẹn hay tiêu cực ở đó. Muốn được như thế, hãy đọc I Giăng 2.28!
4. Khi chúng ta đứng trước mặt Chúa Jêsus, sẽ chỉ có hai loại tư tưởng, lời nói và hành động: "tốt và xấu" mà thôi. Bạn sẽ nói: "Thưa Mục sư, tôi mong được cả hai. Tôi biết sẽ có những việc mà tôi sẽ thấy xấu hổ, nhưng tôi hy vọng tôi có thể tin cậy ở những lãnh vực khác".
5. Tôi thấy chẳng có chỗ nào trong Kinh Thánh nói về cả "tin cậy" và bị "hổ thẹn" hết. Đây là vấn đề cần phải giải quyết cho xong. Giăng chỉ ra rằng chúng ta có "lòng tin cậy" chúng ta sẽ không bị "hổ thẹn". Chắc chắn hết thảy chúng ta đều có một sự hổ thẹn nào đó. Tuy nhiên, ý ở đây là nói chung chung, về đặc trưng chúng ta sẽ đầy lòng tin cậy trước mặt Chúa hoặc chúng ta sẽ đi ẩn mình tránh Ngài? Có người nói rất hay: "Chúng ta đan dệt gì trong lúc bây giờ, chúng ta sẽ mặc lấy chúng trong cõi đời đời".
6. Trong ngày ấy, từng việc giấu kín sẽ phải lộ ra. Chúa Jêsus phán trong Luca 12.2-3: "Chẳng có sự gì giấu mà không phải lộ ra, chẳng có sự gì kín mà không được biết. Vậy nên mọi điều mà các ngươi đã nói nơi tối, sẽ nghe ra nơi sáng; mọi điều mà các ngươi đã nói vào lỗ tai trong buồng kín, sẽ giảng ra trên mái nhà".
7. Thực sự bạn là ai không phải là bạn trông giống với điều gì hay nghe thấy giống như sáng Chúa nhựt đâu. Thực sự bạn là ai là những gì bạn suy nghĩ, nói năng hay làm khi chẳng có ai ở chung quanh. Trong ngày ấy tất cả những việc bạn che giấu lâu nay ngay lúc ấy sẽ bị đưa ra ánh sáng. Thói quen khiêu dâm kín giấu sẽ bị lộ ra. Mối quan hệ thông dâm kín đáo bạn che đậy kỹ lắm sẽ bị lộ ra. Công việc làm ăn có tính cách lừa đảo dưới cái bàn sẽ bị đem để lên mặt bàn. Những tờ chi phiếu, các khoản chạy thuế và hoá đơn nóng chưa làm tròn sẽ bị phơi ra. Mọi lời nói dối, lường gạt, bất lương và bội tín sẽ bị đặt trơ trụi trong ánh sáng lấp lánh của sự thánh khiết của Đấng Christ. Những tinh thần thành kiến, thù hận, cay đắng và không tha thứ sẽ bị bày ra. Những lời than vãn, vô giá trị và nói xấu mà chúng ta thốt ra sẽ bị bày ra cách lớn tiếng. Sự thực về bạn và tôi mọi người đều sẽ nhìn biết rất rõ.
8. Bạn nói: "Nhưng thưa Mục sư, há huyết của Chúa Jêsus chưa thanh tẩy mọi tội của chúng ta sao? Vì chúng ta đã được cứu, những việc ấy của chúng ta không được quên đi sao?" Phải! Ân điển của Đức Chúa Trời quả thực rất là lớn lắm! Tuy nhiên, bạn có thể có một mối quan hệ mà không có mối giao thông. I Côrinhtô 3.15 nói về hạng người nầy như sau: "…Nếu công việc họ bị thiêu hủy…Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy".
9. Thế đâu là giải pháp? Làm sao tôi có được "lòng tin cậy"? Làm sao bạn biết được? Hãy nhìn vào 3.21: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, ví bằng lòng mình không cáo trách, thì chúng ta có lòng rất dạn dĩ, đặng đến gần Đức Chúa Trời". 4.17 chép rằng nếu chúng ta "được nên trọn vẹn" hay tấn tới trong tình yêu thương chúng ta sẽ "được mạnh bạo trong ngày xét đoán".
10. Hãy tháo chiếc mặt nạ ra đi. Trong sự thành thực hoàn toàn, có phải tấm lòng bạn đang xét đoán bạn không? Không nên để như vậy. Hãy xưng tội mình. Hãy bắt đầu hôm nay "ở trong Ngài" và bạn sẽ có được "lòng mạnh bạo". Một cái nút áo quên cài, một vết dơ trên cà vạt, một đường rách trên chiếc vớ … không nhằm nhò gì khi mọi sự khác trông rất ngăn nắp, một thiếu sót nào đó lôi kéo sự chú ý của bạn. Bạn cảm thấy không thích ứng vì cớ một chi tiết nhỏ. Nếu chúng ta muốn có được "lòng mạnh bạo" chúng ta phải xử lý với nó.
II. Đừng giới hạn tình yêu thương của Đức Chúa Trời (2.29-3.1).
A. Tất cả những tín đồ chân chính đều là con cái của Đức Chúa Trời (câu 29).
1. Giăng viết: "Ví bằng các con biết Ngài là công bình, thì hãy biết rằng người nào làm theo sự công bình, ấy là kẻ bởi Ngài mà sanh ra". Một người con luôn luôn dự phần vào bổn tánh của cha mình. Nếu chúng ta đã được sanh lại, chúng ta sẽ thực thi "sự công bình". Một tín đồ không làm điều mình không biết là tín đồ chân chính.
2. Đây là câu chuyển tiếp đưa chúng ta qua chương 3.
B. Chúng ta là con cái Đức Chúa Trời vì tình yêu thương của Ngài (câu 1a).
1. Giăng nhấn mạnh: "nầy" hay "hãy xem". Từ nầy giống như một ánh đèn chớp neon kêu gọi chúng ta phải đặc biệt chú ý.
2. Câu nầy không những nói cho chúng ta biết Đức Chúa Trời yêu thương, mà còn cho biết cách Ngài yêu thương nữa. Đây là một câu nói đáng kinh ngạc, sửng sốt. "Tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào" ra từ một cụm từ nguyên có nghĩa là: "của xứ đó". Tình yêu thương của Đức Chúa Trời lớn lao đến nỗi Giăng biết nó không thuộc về đời nầy, chẳng có tình yêu thương nào giống như tình yêu ấy ở đây! Tình yêu thương của Đức Chúa Trời thật là lạ lùng. Điều chi khiến cho tình yêu ấy ra lạ lùng? Sự thực, là tình yêu ấy khiến cho bạn và tôi trở nên con cái của Đức Chúa Trời (Rôma 5.8).
3. Đức Chúa Trời không những tỏ ra cho chúng ta thấy tình yêu thương của Ngài, mà còn "hiến cho" hay hậu hĩ tình yêu ấy trên chúng ta, còn hơn chúng ta suy tưởng nữa.
4. Chúng ta được "kêu gọi làm con cái của Đức Chúa Trời". Chúng ta là con cái như thế đấy! Câu 2 chép: "lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời". Đức Chúa Trời không kêu gọi hết thảy mọi người làm con cái của Ngài đâu! Galati 3.26 chép: "Vì chưng anh em bởi tin Đức Chúa Jêsus Christ, nên hết thảy đều là con trai của Đức Chúa Trời".
5. Một số người trong chúng ta đến từ những gia đình rất khác thường, những mối quan hệ có tính hủy diệt, và loại gia đình hay ngược đãi. Nhiều người gặp phải những trạng huống rất khắc nghiệt. Đừng nhầm bậc cha mẹ già của bạn với Cha mới của mình.
C. Vì chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta không thuộc về thế gian (câu 1b).
1. Mỗi tân tín hữu không thấy thoả lòng khi người tìm cách chia sẻ sự sốt sắng mới tìm được của mình về Chúa Jêsus cho gia đình và bạn hữu, rồi họ nói: "Thế à"? Giăng nói: "thế gian chẳng biết chúng ta, vì họ chẳng từng biết Ngài".
2. Chúa Jêsus nói rõ về Ngài là ai. Các hành động và lời lẽ của Ngài đã minh chứng điều nầy. Ngài bị chối bỏ vì Ngài trông giống như Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta "ở trong" Chúa Jêsus và "làm theo như Ngài đã làm" (câu 6), người ta trong thế gian sẽ không "nhìn biết" hay hiểu được chúng ta.
3. Một ứng cử viên tổng thống mới đây đã phát biểu tại một trường đại học Cơ đốc và đã bị báo chí chỉ trích gay gắt. Ứng cử viên đối lập của ông ta đã gặp một nhóm nhà hoạt động chính trị đồng tính, họ thường xuyên bày ra lối sống đồi trụy của họ và điều nầy hầu như không được nhắc tới.
4. Tại sao họ không hiểu chứ? I Côrinhtô 1.18 chép: "Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời".
5. Nếu bạn cùng song hành với những người không tin Chúa và bạn không quấy rầy họ, sở dĩ như thế là vì bạn trông giống nhiều với cha của họ hơn là Cha thiên thượng của mình! Nếu người ta nói với bạn rằng bạn là một người cuồng tín cánh hữu hay một gã tôn giáo, hãy nói cho họ biết rằng không sao vì đấy là truyền thống gia đình!
6. Có người nói: "Hết thảy chúng ta đều là những gã gàn dỡ, nhưng điểm khác biệt là, chúng ta Cơ đốc nhân giống như những cái vít được bắt vào đúng chốt cửa". Henry David Thoreau nói: "Nếu dường như tôi không giữ đúng nhịp chân với những người sống quanh tôi, sở dĩ như thế là vì tôi đang lắng nghe nhịp trống khác".
7. Nếu bạn chưa bao giờ gây rối hay kích thích thế gian, một là bạn đang ở ngoài mối tương giao với Đức Chúa Trời hay chẳng có mối quan hệ nào với Ngài. Nếu họ có thể thông cảm với bạn theo cùng một cách họ thông cảm với những bạn bè không phải là Cơ đốc nhân của họ, họ đang giới hạn dòng chảy yêu thương của Đức Chúa Trời tuôn tràn ra từ đời sống của bạn đấy. Mới đây, tôi có gặp một phụ huynh trong buổi thực tập bóng rổ của con gái tôi. Chúng tôi có mặt trong một phòng tập thể dục của Hội Thánh, vì vậy tôi hỏi ông ta đang nhóm ở đâu!?! Ông ta nói cho tôi biết ông ta chưa hề đi nhà thờ và thực sự không nhìn thấy nhu cần. Sau đó tôi đưa cho ông ta một danh thiếp và ông ta thấy bất tiện rất mau chóng! Khi con cái của Đức Chúa Trời hiện diện, thế gian sẽ thấy bất tiện ngay.
III. Đừng che giấu hy vọng của bạn (3.2).
A. Đức Chúa Trời chưa tỏ ra chúng ta sẽ ra thể nào.
1. Giăng nói: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính LÚC BÂY GIỜ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời". "Lúc bây giờ" là phần nhấn mạnh. Trong Tân Ước Hy lạp, từ nầy nằm ở đầu câu: "Chính lúc bây giờ chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời". Chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời rồi. Chúng ta không chờ đợi để trở thành con cái của Ngài.
2. Em gái và em rễ của vợ tôi đã xin một đứa con nuôi và giờ đây đang ở trong tiến trình xin một đứa con nuôi khác từ nước Nga. Cô bé gái nầy khoảng bốn tháng tuổi. Có nhiều trở ngại cần phải vượt qua trước khi nó trở thành con gái của họ. Nhưng, không phải như vậy với Đức Chúa Trời!
3. Giăng nói: "còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ". Chúng ta không biết chính xác bản chất cuộc sống của chúng ta trong tương lai là như thế nào!?! Chúng ta không biết vì chúng ta không thể hiểu được sự sống ấy.
4. Nhiều người rất quan tâm đến việc một Cơ đốc nhân thì trông giống với ai, cái gì ngay hôm nay. Chẳng có cái gì giống Cơ đốc nhân cả. Chẳng có loại y phục, tóc tai hay đồ trang sức Cơ đốc. Bạn không thể xuất hiện như một Cơ đốc nhân về mặt sinh học được. Cách duy nhất người khác có thể nói bạn là một Cơ đốc nhân là bởi cách thức bạn đang sống đây.
B. Hy vọng của chúng ta, ấy là chúng ta sẽ trở nên giống như Ngài.
1. Có hai việc sẽ xảy ra ngay lập tức. Chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa Jêsus "như vốn có thật vậy" và chúng ta sẽ được dựng nên "giống như Ngài". Chúa Jêsus phán ở Mathiơ 5.8: "Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời!" Chúa Jêsus đã cầu nguyện ở Giăng 17.24: "…để họ ngắm xem sự vinh hiển của Con, là vinh hiển Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu Con trước khi sáng thế". Phaolô nói trong I Côrinhtô 13.12: "Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau…".
2. Trong ngày vinh hiển ấy, hy vọng của chúng ta sẽ biến thành hiện thực. Chúng ta sẽ biết rõ ý nghĩa thực của sự đồng kế tự. Hêbơrơ 2.10 sẽ được ứng nghiệm: "Thật, Đấng mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài, vì muốn đem nhiều con đến sự vinh hiển, thì đã khiến Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi của những con ấy, nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành, là phải lắm".
3. Ồ, đúng là ngày vinh hiển khi mọi tội lỗi, đau khổ và buồn rầu của chúng ta đã bị dời đi! Khi chúng ta không sống cho Chúa Jêsus hôm nay, chúng ta đang chôn giấu niềm hy vọng của chúng ta.
IV. Đừng làm hỏng đi sự thanh sạch của bạn (3.3).
A. Cơ đốc nhân không sử dụng từ "hy vọng" theo cách "hy vọng thế đấy". Chúng ta có một sự trông cậy chắc chắn. Đây chỉ là vấn đề của thời gian mà thôi.
B. Đồng thời, Giăng nói: "Ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch [không vết]". Hy vọng về ngày mai dẫn tới những gì chúng ta đang làm hôm nay.
C. Con trẻ thích mặc y phục của những anh hùng thể thao chúng ưa thích vì nếu chúng chịu khó làm việc hôm nay chúng có một niềm hy vọng trở thành chuyên gia vào ngày kia. Tôi đã có một chiếc áo sơ mi mang hình Billy Graham (chỉ mặc chơi thôi)!
D. Deb và tôi đã hẹn hò trong vòng 5 năm. Lúc đầu, chúng tôi trễ hẹn và hẹn với người khác. Chúng tôi từng đính hôn, khi ấy chúng tôi có hy vọng về hôn nhân và thôi không còn tìm kiếm ai khác nữa. Chúng tôi giữ thanh sạch cho nhau vì hy vọng của chúng tôi nhìn về một cuộc hôn nhân trọn đời. Tôi làm việc rất chăm chỉ không hề nhìn tới một người đàn bà khác. Tôi chịu khó làm việc không bao giờ ở riêng một mình với người đàn bà khác. Tôi là con người, nhưng tôi cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ tôi. Tại sao chứ? Vì tôi có một sự trông cậy về cuộc hôn nhân trọn đời.
E. Hy vọng về ngày mai giữ gìn bạn thanh sạch hôm nay. Nếu bạn đang sống cho hôm nay, bạn không quan tâm về sự thanh sạch. Bạn có "lòng mạnh bạo" chưa? Jerry Vines thường thuật lại câu chuyện nói tới gia đình đông con của một Cơ đốc nhân ở Kentucky. Mất đứa nhỏ bị tật về trí khôn được dạy dỗ về tình yêu thương của Chúa Jêsus. Một ngày kia bài học Kinh Thánh nói về Chúa Jêsus sẽ trở lại trên một đám mây. Chúng nói rằng từ ngày ấy trở đi, chúng không thể giữ sạch những cánh cửa sổ vì mỗi ngày mấy đứa nhỏ cứ lấn ép vào cửa kính để xem coi Chúa Jêsus đến chưa. Ồ, chúng ta phải có đức tin giống như con trẻ như thế mới được!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét