Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Luca 15.1-32: "MẤT VÀ ĐƯỢC"



Phần giới thiệu
Cấu trúc của phân đoạn
Bối cảnh (15.1-2)
Con chiên bị lạc mất (15.3-7)
Đồng tiền bị lạc mất (15.8-10)
Các quan sát liên đến hai thí dụ đầu tiên
Câu chuyện kể về hai người con trai (15.11-32).
Người em
Người cha
Người anh
Những khác biệt của hai người con
Những điểm tương đồng nơi hai người con
Kết luận.
Bài 50:

MẤT VÀ ĐƯỢC

(Luca 15.1-32)
PHẦN GIỚI THIỆU
Tôi luôn luôn có một sự vui mừng rất đặc biệt khi tìm lại được những vật bị lạc mất. Một trong những lần “tìm gặp” vui nhất của tôi là hộp dẫn tự động C4, nó nằm ngay giữa đường. Tôi đang trên đường đi làm thì bắt gặp nó ở đó. Tôi dừng xe lại giữa đường, nhặt lấy hộp dẫn tự động nầy, rồi đặt nó vào phía sau xe. Sau khi kiểm tra an toàn lại và đưa nó đến cảnh sát, tôi nhận hộp ấy chính là tài sản của tôi. Tôi không gọi mấy người bạn hoặc tổ chức tiệc tùng chi, nhưng lần tìm gặp nầy là một nguồn vui thích đối với tôi.
Tất cả chúng ta đều vui mừng khi tìm lại được những thứ bị mất mát. Điển hình cho trường hợp nầy mới đây là niềm vui của cả nước khi Jessica McClure được đưa ra khỏi một ống thông hơi, nó bị “lạc mất” ở đó mấy ngày. Nhiều số tiền lớn và nhiều thì giờ đã được sử dụng cho việc cố gắng tìm kiếm đứa trẻ thất lạc nầy. Tiệc tùng đã được tổ chức rất lớn sau khi người ta tìm được nó.
Phân đoạn Kinh thánh của chúng ta là câu chuyện của Luca nói tới ba thí dụ, mỗi thí dụ mô tả việc tìm được một món đồ bị lạc mất, và từng thí dụ mô tả niềm vui và tiệc tùng là kết quả của việc tìm được đó. Lúc đầu tôi nghĩ rằng tất cả ba lần “tìm gặp” nầy đều giống như nhau, nhưng sau khi nghiên cứu, bàn bạc với nhiều người khác, và suy gẫm, tôi kết luận rằng lần “tìm gặp” thứ ba nầy lại rất khác biệt đối với hai lần kia. Tôi hy vọng được chia sẻ phân đoạn nầy ở đây, cùng với mọi hàm ý của nó.
Như quí vị biết rồi đấy, câu chuyện nói về người con trai hoang đàng là câu chuyện rất quen thuộc trong Kinh thánh. Ở đây cũng có một mối ngăn trở rất lớn cho phần nghiên cứu, giải thích, và ứng dụng của chúng ta về phân đoạn nầy. Ở một cấp độ, sự hiểu biết của chúng ta về phân đoạn nầy được sàng lọc qua kinh nghiệm của chính chúng ta. Bậc phụ huynh nào đã hoặc đang tranh đấu với những đứa con bướng bỉnh đều có khuynh hướng đồng cảm với người cha của đứa con hoang đàng, và nhìn vào phân đoạn nầy để tìm sự dẫn dắt và yên ủi dành cho họ ở giữa nổi đau và nghịch cảnh đó. Người nào đã sa ngã vào trong tội lỗi sẽ nhắm vào đứa con bướng bỉnh và nhắm vào tấm lòng yêu thương và đầy tình tha thứ của người cha. Một số người trong chúng ta sẽ chọn đồng cảm với người anh, và mặc nhiên, trong nội dung của chương 15, anh ta là nhân vật chính, tội lỗi của anh ta rất hiển nhiên, phản ứng của anh ta trước sự ăn năn và trở lại của đứa em là sự lý giải của Chúa chúng ta về sự lằm bằm của người Pharisi và các thầy thông giáo.
Chúng ta nên gạt qua một bên các phần giải thích trước đây về thí dụ nầy, cũng như các xu hướng và nhu cầu riêng của chính chúng ta, rồi tìm cách nghiên cứu phân đoạn nầy theo ánh sáng nội dung của nó. Chúng ta nên tìm cách nhận ra người anh đang sai lầm ở chỗ nào, rồi học biết các thái độ và hành động của anh ta đánh dấu và xét đoán tội lỗi như thế nào trong đời sống của chúng ta. Chúng ta nên tìm cách chỉ ra Thánh Linh của Đức Chúa Trời khi chúng ta tiếp cận phân đoạn rất quan trọng nầy của Lời Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ tiếp thu mọi điều Chúa chúng ta muốn khán thính giả của Ngài phải hiểu biết.
CẤU TRÚC CỦA PHÂN ĐOẠN
Tôi đã chọn xử lý với toàn bộ chương thứ 15 trong bài học nầy, hơn là xé lẽ nó ra, như tôi vốn thường làm. Lý do: ấy là cái chạm của thí dụ thứ ba (thí dụ nói về người con trai hoang đàng) được nắm bắt rõ rệt nhất trong ánh sáng của bối cảnh (các câu 1-2) và hai thí dụ đầu tiên (các câu 3-7, 8-10). Cấu trúc của cả chương có thể được tóm tắt lại như sau:
(1) Phản ứng của người Pharisi trước sự Chúa Giêxu hiệp với hạng tội nhân — Các câu 1 & 2
Bối cảnh: Hết thảy các người thâu thuế và người có tội đến gần Đức Chúa Giêxu để nghe Ngài giảng
Lời than phiền: Chúa Giêxu tiếp hạng tội nhân và thậm chí cùng ăn uống với họ
(2) Phản ứng của con người đối với kẻ bị hư mất, được đem sánh với phản ứng trên thiên đàng — Các câu 3-10
Thí dụ nói về con chiên lạc mất — các câu 3-7
Thí dụ nói về đồng tiền lạc mất —- các câu 8-10
(3) Phản ứng của người anh trước sự trở lại của đứa em tội lỗi — các câu 11-32
BỐI CẢNH (15.1-2)
“Hết thảy các người thâu thuế và người có tội đến gần Đức Chúa Giêxu để nghe Ngài giảng. Các người Pharisi và các thầy thông giáo lằm bằm mà nói rằng: Người nầy tiếp những kẻ tội lỗi, và cùng ăn với họ!”
Dù có những lời lẽ mạnh mẽ của Chúa chúng ta về cái giá của địa vị môn đồ (nếu chương 15 theo thứ tự thời gian đứng sau chương 14), và lời khuyên cho những ai có tai để nghe hãy nghe, có nhiều người đã đến với Chúa Giêxu để nghe những điều Ngài giảng dạy (câu 1). Đây là một vấn đề khác biệt đối với người Pharisi và các thầy thông giáo. Họ đã lằm bằm. Đặc biệt, họ đang lằm bằm về sự kiện Chúa Giêxu “tiếp những kẻ tội lỗi, và cùng ăn với họ” (câu 2). Tại sao điều nầy trở làm một sự xúc phạm đối với người Pharisi và các thầy thông giáo vậy? Có hề hấn chi đối với họ một khi Chúa Giêxu chọn hiệp với hạng tội nhân?
Ngay từ đầu sách Luca, người Pharisi đã trêu chọc sự Chúa Giêxu hội hiệp với những người có tội, tâm trạng vui mừng và tiệc tùng phủ lên bối cảnh Ngài cùng ăn uống với họ (Luca 5.29...). Người Pharisi chẳng thấy vui mừng gì nơi sự ăn năn của hàng tội nhân. Vậy thì điều chi cung ứng cho họ sự vui mừng? Và phải chăng sự Chúa Giêxu hiệp với những kẻ có tội và cùng ăn uống với họ đã làm cho người Pharisi đau đớn? Tôi tin rằng cách giải thích đầy đủ nhất về điều nầy sẽ được thấy trong sách Tin lành Mathiơ, ở chương thứ 23. Trong chương nầy, Chúa Giêxu đã lột hết vẻ bề ngoài của sự tự xưng công bình và tính cách thuộc linh bao quanh những người Pharisi. Ngài thẳng thừng quở trách họ, vì thế mau dẫn đến sự Ngài bị hành quyết. Điều chi trong Mathiơ 23 đánh dấu hạng người Pharisi và các thầy thông giáo, và đấy là điều giúp chúng ta hiểu rõ nét bi thảm của họ khi nhìn thấy hạng tội nhân hiệp cùng Chúa Giêxu? Xin cho phép tôi tóm tắt một vài đặc điểm thích ứng của người Pharisi, như Chúa chúng ta đã chỉ ra chúng:
(1) Người Pharisi ưa ngồi đầu trong đám tiệc (Mathiơ 23.6). Họ thích được người ta chú ý. Họ nhận ra bàn tiệc là cơ hội mà ở đó người ta đặt sự chú ý vào họ, ở đó họ sẽ được mọi người chú ý. Không có gì phải ngạc nhiên, người Pharisi rất đau đớn về “bàn tiệc” mà Chúa Giêxu đã đến dự. Ngài đã ngồi ở chỗ cao nhất, chớ không phải họ. Thêm vào với sự nầy, bàn tiệc phải được hạng người ưu tú, xuất sắc chiếm chỗ, là hạng người làm nổi bật lên hình ảnh của người Pharisi (đặc biệt nếu người Pharisi ngồi chỗ cao nhất, đối chiếu Luca 14.7-11). Chúa Giêxu, trong tâm trí của người Pharisi, đã vượt trội hơn họ.
(2) Người Pharisi thích ngăn trở, không muốn có nhiều người được cứu, trong Do thái giáo (Mathiơ 23.13). Người Do thái, như một sắc dân, họ cảm thấy siêu việt hơn dân Ngoại, còn người Pharisi thì cảm thấy họ cao đẳng hơn các người Do thái khác (Giăng 7.45-49). Họ muốn giữ người “được cứu” theo một số lượng thật thấp, và cứ như thế. Còn Chúa Giêxu, do gần gũi với đoàn dân đông, là “quần chúng nhân dân”, đã đe doạ làm cho nhóm người kỉnh kiền nầy bị mất đi chất thiêng liêng.
(3) Người Pharisi thích chú trọng vào các chi tiết không quan trọng (Mathiơ 23.16-24). Người Pharisi tự đặt mình làm đầu, dựa vào sự tinh thông của họ (theo một cấp độ nào đó) về các luật lệ phức tạp. Chúa Giêxu xét đoán vấn đề nầy trong câu chuyện của Mathiơ. Chúng ta biết từ sự dạy của Chúa Giêxu đã được ghi chép lại, cùng với sự kiện cách giảng dạy của Ngài vốn lôi cuốn đoàn dân đông, sự dạy của Ngài rất đơn sơ (theo các thí dụ), và chẳng phức tạp và rắc rối, không để cho đoàn dân đông ở lại trong sự mù mịt. Khi Chúa Giêxu dạy dỗ một cách đơn sơ, Ngài đã đe doạ làm suy yếu cách dạy phức tạp, rắc rối của người Pharisi, và vì thế họ đã ngăn trở dân chúng không cho họ đi theo Ngài đặng nghe Ngài giảng dạy.
Xin để tôi minh họa điều nầy, để quyết chắc rằng trí hiểu của tôi về vấn đề nầy là rõ ràng. Cơ quan IRS đã thực thi điều nầy. Họ đã cung ứng cho chúng ta một bộ luật lệ hình thành các thứ thuế thu nhập của chúng ta. Bất cứ người nào tìm đọc phần hướng dẫn đều biết bộ luật lệ ấy phức tạp là ngần nào. Không có gì phải ngạc nhiên khi thấy người ta ăn kết với những nhân viên kế toán hoặc người lo liệu các hình thức thuế. Hãy tưởng tượng xem có ai đó cùng đến với cách giải thích biểu mẫu thuế, mọi luật lệ (bất khả thi), lại rất dễ hiểu và dễ ứng dụng cho đoàn dân đông!?! Quí vị thử nghĩ xem có bao nhiêu người đạt tới chỗ tinh thông nào? Bây giờ quí vị nhìn thấy có nhiều đoàn dân đông chạy đến với Chúa Giêxu. Ngài làm cho lẽ thật ra giản đơn lắm; còn người Pharisi thì làm cho tâm trí người ta ra phức tạp thêm.
(4) Người Pharisi tìm cách bảo hộ và làm cho sự giả hình của họ tăng thêm do tựu trung vào các “tội lỗi” bên ngoài, hơn là các thái độ và động lực ở bên trong (Mathiơ 23.13-14, 25-36). Người Pharisi nhìn xem tội lỗi là một việc ở bề ngoài, hơn là một vấn nạn ở trong tấm lòng. Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêxu đã nhấn mạnh các phương diện bề trong của tội lỗi (đối chiếu Mathiơ 5-7). Khi hội hiệp với hạng người mà đời sống bề ngoài của họ là tội lỗi, như thế là thách thức với toàn bộ hệ thống thuộc linh mà người Pharisi đã phát triển, và cần phải tránh né tội lỗi bề ngoài, có tính xã hội, và tránh né cả những kẻ làm những điều ác như thế. Vì lẽ ấy, họ không chấp nhận quan điểm ngược lại về tình trạng thuộc linh của Chúa chúng ta, là quan điểm đã giúp Ngài giao tiếp với hạng tội nhân, mà chẳng bị ô uế bởi sự giao tiếp đó.
Chúa Giêxu vốn biết rõ lý do tại sao người Pharisi và các thầy thông giáo đang lằm bằm. Ba thí dụ mà Ngài đã nói ra khi đáp ứng, đã nhắm trực tiếp vào người Pharisi và các thầy thông giáo (đối chiếu các câu 2-3). Hai thí dụ đầu tiên cho thấy rằng người Pharisi, trong một số trường hợp, đã có lòng thương tiếc rất lớn đối với các thứ “bị lạc mất”, và họ cũng rất vui mừng khi họ tìm thấy chúng. Thí dụ thứ ba, thí dụ nói tới người con trai hoang đàng, chỉ ra các thái độ của người Pharisi đã khiến cho họ bực tức sự cứu rỗi của hàng tội nhân, hơn là vui mừng về ơn cứu ấy.
CON CHIÊN BỊ LẠC MẤT (15.3-7)
“Ngài bèn phán cho họ lời thí dụ nầy: Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao? Khi đã kiếm được, thì vui mừng vác nó lên vai; đoạn, về đến nhà, kêu bạn hữu và kẻ lân cận, mà rằng: Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được con chiên bị mất. Ta nói cùng các ngươi, trên trời cũng như vậy, sẽ vui mừng cho một kẻ có tội ăn năn hơn là chín mươi chín kẻ công bình không cần phải ăn năn”.
Chúa Giêxu đã bắt đầu bằng cách nhắm thẳng vào sự chú ý của những kẻ hay chỉ trích Ngài về mọi thái độ và hành động của họ khi nhắc tới một con chiên bị lạc mất. Có ai trong số họ, nếu họ có 100 con chiên, có chịu để 99 con kia lại rồi đi tìm chỉ một con bị lạc mất không? Sau khi tìm kiếm cẩn thận, há họ chẳng vui mừng khi tìm được con lạc mất sao? Họ có dịu dàng đặt con chiên ấy lên vai, yêu thương đưa nó trở về chuồng, hơn là “đá vào lưng”, chửi rủa nó không? Và có phải họ chẳng cho bạn bè họ biết về sự họ thành công rồi mời họ đến dự tiệc sau khi tìm được con lạc mất không?
Giả định là từng người Pharisi một sẽ đáp ứng trước sự mất mát rồi đi tìm một con y như Chúa Giêxu đã đề nghị. Trong một phương thức tương tự, Chúa Giêxu nói thêm, mọi thiên sứ ở trên trời vui mừng trước sự ăn năn của một tội nhân hư mất. Thiên đàng, cũng vui mừng nhiều nơi sự ăn năn của một tội nhân hư mất, hơn là 99 người “công bình” dường như chẳng cần phải ăn năn.
Khi quí vị suy nghĩ về vấn đề nầy, thí dụ nói về con chiên lạc mất trình bày cho chúng ta thấy với một vài thắc mắc rất hay có. Có khôn ngoan, hoặc thích ứng không khi một người dám bỏ mặc 99 con chiên, để chúng lại chẳng có ai bảo hộ trong cánh đồng rộng rãi, để đi tìm chỉ có một con chiên lạc mất thôi!?! Con chiên ấy không chừng đã bị giết, hoặc sẽ không thể tìm lại được. Và việc tìm lại được một con chiên như thế có thể trở thành cơ hội vui mừng mà người chăn muốn tổ chức với hết thảy bạn bè của mình không!?! Hãy dừng lại và suy nghĩ về cái giá phải chi cho việc tổ chức bữa tiệc, để vui mừng khi tìm lại được một con chiên!?! Đây là một bữa đại tiệc, tốn nhiều thịt lắm. Chúng ta dám nói, có tới 5 con chiên và có lẽ 2 con dê sẽ bị giết, không nhắc tới cái giá phải chi cho thức ăn khác nữa. Người ta phải bán đi hoặc giết 5 con chiên để tổ chức bữa tiệc cho việc tìm được một con chiên lạc mất. Đấy không phải là làm kinh tế giỏi đâu! Đây không phải là một câu chuyện tình cảm, song điểm thực tế của câu chuyện không phù hợp với cuộc sống thực. Chúng ta cứ giữ lấy thắc mắc nầy, trong giây lát thôi.
ĐỒNG TIỀN BỊ LẠC MẤT (15.8-10)
“Hay là, có người đờn bà nào có mười đồng bạc, mất một đồng, mà không thắp đèn, quét nhà, kiếm kỹ càng cho kỳ được sao? Khi tìm được rồi, gọi bầu bạn và người lân cận mình, mà rằng: Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được đồng bạc bị mất. Ta nói cùng các ngươi, trước mặt thiên sứ của Đức Chúa Trời cũng như vậy, sẽ mừng rỡ cho một kẻ có tội ăn năn”.
Giống như người chăn kia động lòng vì mất một con chiên, sự mất mát một phần tài chính trong gia đình sẽ sâu sắc đụng đến người đờn bà ở trong nhà. Dường như việc mất đi một đồng tiền thời ấy tương đương với tiền công của một ngày vậy. Người đờn bà sẽ “lật úp cả cái nhà” để tìm cho kỳ được đồng tiền bị mất đó. Bà ta sẽ thắp đèn lên để soi sáng chỗ cần tìm, và rồi bà ta quét sạch sẽ, cho tới chừng kiếm được đồng tiền ấy. Chúng ta có ấn tượng là bà ta sẽ không chịu dừng lại cho tới chừng nào kiếm được đồng tiền bị mất.
Khi đã kiếm được đồng tiền, bà ta, giống như người chăn chiên kia, sẽ vui mừng lắm lúc tìm được nó. Bà ta, cũng gọi bầu bạn và hàng xóm của mình tới, để họ chung vui với bà. Một lần nữa, Chúa chúng ta giả định rằng hết thảy khán thính giả của Ngài sẽ gật đầu tán thưởng. Họ sẽ tìm cho kỳ được đồng tiền bị lạc mất, y như họ sẽ vui mừng khi tìm đặng nó rồi.
Một lần nữa, niềm vui của thiên đàng nơi sự ăn năn của một tội nhân rất giống với niềm vui nầy (hãy chú ý, “cũng như vậy”, câu 10, lần thứ hai). Các thiên sứ, như Phierơ và Phaolô cho chúng ta biết (I Phierơ 1.12; I Côrinhtô 11.10), họ rất vui mừng khi sự việc còn xảy ra tại đây, trên đất. Họ vốn biết đấy là mục đích và là chương trình của Đức Chúa Trời để cứu loài người, trên cơ sở huyết của Con Đức Chúa Trời đã đổ ra. Dường như các thiên sứ đang tựa vào lan can trên thiên đàng, đang căng thẳng nhìn xem chỉ có một thánh đồ chịu đến với sự ăn năn và đức tin mà thôi! Nổ lực lớn lao đã được thực thi cho sự đến với người bị hư mất và khi người ấy chịu ăn năn, các thiên sứ reo mừng khi nhìn thấy mọi mục đích của Đức Chúa Trời đã ứng nghiệm.
Niềm vui của thiên đàng nơi sự cứu rỗi chắc chắn là thích đáng, và, theo một ý nghĩa, niềm vui ấy giống như niềm vui của người đờn bà đã tìm được đồng tiền lạc mất của mình. Thế nhưng, nổ lực của người đờn bà kia có được xưng công bình không? Há bà ta chưa tìm được đồng tiền bị mất kia sao? Bà ta có nên vui mừng khi tìm được đồng tiền nầy không? Phải chăng đó là một việc quan trọng đến nỗi bà ta phải gọi bầu bạn đến để chia sẻ niềm vui nầy với họ? Một lần nữa, việc tìm gặp và niềm vui mừng dường như đã đi quá mức độ, khi chỉ có một con chiên và một đồng tiền (bằng bạc).
CÁC QUAN SÁT LIÊN QUAN TỚI HAI THÍ DỤ ĐẦU TIÊN
Đây là cách bàn bạc của tôi: hai thí dụ đầu tiên là một cặp thí dụ, nhấn mạnh cùng một lẽ thật. Thí dụ thứ hai bắt đầu với từ ngữ: “Hay là”, ý ám chỉ rằng thí dụ thứ hai giống với thí dụ thứ nhứt. Thí dụ thứ ba được xem là thí dụ riêng biệt, hướng sự chú ý vào một lãnh vực khác biệt. Hãy chú ý cùng với tôi các đặc điểm sau đây của hai thí dụ đầu tiên, đấy là chìa khoá cho sự hiểu biết của chúng ta về những gì Chúa Giêxu muốn nói ra qua chúng, đấy cũng là cơ sở trên đó thí dụ thứ ba được giải thích.
(1) Trong cả hai thí dụ, tình trạng tội lỗi chưa được nhấn mạnh (về việc đi lạc, bị mất), chỉ có tình trạng lạc mất mà thôi.
(2) Trong cả hai thí dụ, người chủ nắm lấy việc tìm kiếm vật bị mất.
(3) Trong cả hai trường hợp, người chủ cẩn thận và khăng khăng tìm kiếm.
(4) Trong cả hai trường hợp, người chủ vui mừng và mời mọc, mong mỏi người lân cận đến chung vui.
(5) Trong cả hai trường hợp, niềm vui mừng của người đi tìm món đồ lạc mất rất giống với niềm vui mừng của thiên đàng đối với sự cứu rỗi một tội nhân.
(6) Trong cả hai trường hợp, không phải con người bị hư mất, mà là đồ vật, và chính con người (nói chung, vì có cả người nam và người nữ) đi kiếm cẩn thận để tìm gặp đồ bị mất.
(7) Trong cả hai trường hợp, tôi tin, thí dụ không có chủ ý tạo ra một bức tranh nói tới việc Đức Chúa Trời tìm kiếm hạng người bị hư mất, mà chỉ nói tới việc con người tìm kiếm đồ vật bị lạc mất mà thôi.
Phần chú ý sau cùng nầy mới là phần chú ý rất quan trọng dành cho chúng ta. Trước đây, tôi cho rằng hai thí dụ đầu tiên mô tả tấm lòng của Đức Chúa Trời dành cho kẻ bị hư mất. Đây không thể là trường hợp, vì một vài lý do. Thứ nhứt, Chúa Giêxu bắt đầu thí dụ thứ nhứt bằng câu: “Trong các ngươi … ai…, nếu…”. Chúa Giêxu không mô tả phần đáp ứng của Đức Chúa Trời đối với cái gì bị mất, mà chỉ mô tả đáp ứng của họ. Người Pharisi có thể dễ dàng đồng ý rằng nếu họ bị mất một con chiên hay một đồng bạc, họ sẽ cẩn thận tìm kiếm để gặp cho kỳ được vật bị mất, và họ sẽ vui mừng lắm khi tìm gặp được. Thứ hai, thái độ quá sốt sắng của người dòng Pharisi hướng vào việc tìm kiếm thứ bị mất hoặc niềm vui cực độ khi tìm được đã được giải thích. Lẽ nào ai đó bỏ lại 99 con chiên, chúng có thể bị hại, bị hư mất hay bị loài dã thú tấn công? Thật là không bình thường khi cho hàng xóm mình hay biết sau khi đã tìm được chỉ có một con chiên, rồi mong họ vui mừng cùng với mình? Thái độ quá sốt sắng nầy không phải là đặc điểm của Đức Chúa Trời, mà là nơi con người, đây là điều rất đáng tin. Thứ ba, đáp ứng vui mừng dưới đất được ví với sự vui mừng ở trên trời, song theo một phương thức đưa ra những điểm tương đồng và đối chiếu với các hành động và thái độ của người dòng Pharisi trong việc tìm gặp các thứ bị mất mát. Thứ tư, hai thí dụ đầu tiên nói tới lòng nhiệt thành của con người trong việc tìm kiếm và gặp được của cải bị mất, chớ không phải con người bị hư mất. Người dòng Pharisi vốn là: “ham tiền tài” (Luca 16.14), rồi vì cớ đó khó mà nhìn thấy họ chịu để lại 99 con chiên để đi tìm một con bị lạc mất, hoặc lật úp cả ngôi nhà xuống để tìm đồng bạc bị mất. Một người chuyên chú trọng về vật chất sẽ dễ dàng hoà lẫn vào nỗi đau trong lý trí khi bị mất dù chỉ một trong 100 con chiên hay một trong 10 đồng tiền. Một người chuyên về vật chất không thể đứng yên chịu mất thứ gì, và người (nam hay nữ) ấy sẽ vui mừng khi tìm được của bị mất.
Người dòng Pharisi rất giống với Chúa Giêxu ở chỗ họ cũng dễ động lòng thương xót, như có thể thấy được trong sự dịu dàng của người chăn đối cùng con chiên bị mất, người ấy đã đặt chiên lên vai mình. Người dòng Pharisi vốn quan tâm nhiều đối với của bị mất, và họ vui mừng lắm về sự tìm được của bị mất đó. Cái khác biệt quan trọng giữa Chúa Giêxu và người dòng Pharisi: ấy là họ quan tâm về của cải, trong khi Chúa Giêxu quan tâm đến con người. Người dòng Pharisi là hạng người giả hình. Họ lằm bằm rằng Chúa Giêxu có lòng vui mừng lắm tiếp nhận kẻ có tội biết ăn năn và vui mừng nơi sự họ được cứu, thế mà họ lại cẩn thận tìm kiếm của cải bị mất rồi ăn mừng khi họ tìm gặp chúng. Kế đó, hai thí dụ đầu tiên chỉ ra lòng thương xót của người Pharisi bị đặt sai chỗ. Chúng cũng đối chiếu “tình cảm dành cho của bị mất” nơi người Pharisi với tình cảm của Chúa Giêxu.
Người Pharisi cũng chẳng “đồng tình” với thiên đàng. Tại sao họ không bằng lòng tìm cách cứu những kẻ có tội và không mừng vui khi hạng tội nhân biết ăn năn? Tại sao họ không chịu hoà đồng với những người ấy? Đây là những gì thí dụ thứ ba nói cho chúng ta biết. Thí dụ thứ ba mô tả tấm lòng yêu thương và tha thứ của Đức Chúa Trời (nơi người cha), sự ăn năn của tội nhân (nơi người em), và thái độ không vui vẻ chi hết của người dòng Pharisi (nơi người anh).
CÂU CHUYỆN KỂ VỀ HAI NGƯỜI CON TRAI (Câu chuyện kể về người con trai hoang đàng) (15.11-32)
Chúa Giêxu tiếp tục: “Một người kia có hai con trai. Người em nói với cha rằng: Thưa cha, xin chia cho tôi phần của mà tôi sẽ được. Người cha liền chia của mình cho hai con. Cách ít ngày, người em tóm thâu hết, đi phương xa, ở đó, ăn chơi hoang đàng, tiêu sạch gia tài mình. Khi đã xài hết của rồi, trong xứ xảy có cơn đói lớn; nó mới bị nghèo thiếu, bèn đi làm mướn cho một người bổn xứ, thì họ sai ra đồng chăn heo. Nó muốn lấy vỏ đậu của heo ăn mà ăn cho no, nhưng chẳng ai cho. Vậy nó mới tỉnh ngộ, mà rằng: Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật, mà ta đây phải chết đói! Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha, mà rằng: Thưa cha, tôi đã đặng tội với trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy. Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha mình. Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn. Con thưa cùng cha rằng: Cha ơi, tôi đã đặng tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa. Nhưng người cha bảo đầy tớ rằng: Hãy mau mau lấy áo tốt nhứt mặc cho nó; đeo nhẫn vào ngón tay, mang giày vào chơn. Hãy bắt bò con mập làm thịt đi. Chúng ta hãy ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được. Đoạn, họ khởi sự vui mừng. Vả, con trai cả đương ở ngoài đồng. Khi trở về gần đến nhà, nghe tiếng đờn ca nhảy múa, bèn goi một đầy tớ mà hỏi cớ gì. Đầy tớ thưa rằng: Em cậu bây giờ trở về, nên cha cậu đã làm thịt bò con mập, vì thấy em về được mạnh khoẻ. Con cả liền nổi giận, không muốn vào nhà. Vậy cha nó ra khuyên nó vào. Nhưng nó thưa cha rằng: Nầy, tôi giúp việc cha đã bấy nhiêu năm, chưa từng trái phép, mà cha chẳng hề cho tôi một con dê con đặng ăn chơi với bạn hữu tôi. Nhưng nay con của cha kia, là đứa đã ăn hết gia tài cha với phường điếm đĩ rồi trở về, thì cha vì nó làm thịt bò con mập! Người cha nói rằng: Con ơi, con ở cùng cha luôn, hết thảy của cha là của con. Nhưng thật nên dọn tiệc và vui mừng, vì em con đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại thấy được”.
Bây giờ tôi muốn quyết một việc: thí dụ nói về người con trai hoang đàng không được ghi lại trong Kinh thánh như một huấn thị cho bậc cha mẹ nhắm vào hạng con cái khó dạy. Tôi hiểu thí dụ nầy theo nội dung của nó thì Chúa Giêxu đang phản ứng lại sự lằm bằm của người Pharisi và các thầy thông giáo, vì Chúa Giêxu tiếp và vui vẻ với hạng tội nhân biết ăn năn. Nếu hai thí dụ đầu tiên tỏ ra cho chúng ta thấy người dòng Pharisi vốn nghiêng (quá) nhiều về “của cải bị mất mát”, thí dụ nầy cho thấy lý do tại sao họ chẳng màng gì tới con người bị hư mất. Trong Luca 15, thí dụ nầy đóng vai trò chỉ ra phản ứng sau cùng, mạnh mẽ đối với sự lằm bằm của người dòng Pharisi khi thấy Ngài ứng tiếp những kẻ có tội.
Thực sự có ba nhân vật chính trong thí dụ nầy, chớ không phải chỉ có một đâu: người em, người cha, và người anh. Để hiểu rõ và giải thích thí dụ nầy sao cho chính xác, tôi sẽ hướng sự chú ý của chúng ta vào từng nhân vật nầy một cách ngắn gọn. Tôi cũng cảnh báo trước cho quí vị biết rằng tôi sẽ không thiên về tình cảm trong cách lý giải thí dụ nầy như một người đã từng làm (theo ý của tôi là sai). Đối với chúng ta, câu chuyện nầy dường như là một câu chuyện ấm áp, chỉ có người anh hơi giận dữ kia làm cho câu chuyện bị mờ nhạt chút đỉnh thôi. Đối với người Pharisi, đây là một sự vạch trần thẳng thừng tội lỗi và tình trạng giả hình của họ. Câu chuyện nầy không tạo ra “những cảm xúc nồng ấm, mờ nhạt”, ít nhất là không dành cho người Pharisi, họ vốn hiểu Chúa Giêxu đang nói gì với họ. Chúng ta nên tập trung vào từng nhân vật chính của thí dụ nầy.
NGƯỜI EM
Người em trong hai anh em, một ngày kia tới gặp cha mình với lời yêu cầu cha nên chia phần gia tài thừa kế cho mình sớm hơn theo thông lệ:
“Một người để tài sản mình lại cho những kẻ thừa kế theo nguyện vọng và kết ước sau cùng (đối chiếu Hêbơrơ 9.16..), trong trường hợp đó cần phải có ràng buộc theo Luật pháp. Điều nầy có nghĩa là người con đầu lòng nhận hai phần ba gia tài (Phục truyền luật lệ ký 21.17). Nhưng người cha cũng thu xếp mọi sự trước khi qua đời, và ông làm điều nầy bằng bàn tay tự do. Mọi luật lệ sử dụng tài sản đã được đề ra trong kinh Mishnah (Baba Bathra 8). Nếu một người quyết định chia gia tài, thường thì người ấy phân chia tiền bạc song giữ lại phần kế thừa. Kế đó, ông không chia tiền bạc nữa, chỉ chia phần lợi tức của món thừa kế thôi. Nhưng người nhận chẳng nhận được chi cho tới chừng người chia của qua đời. Người ấy có thể bán đi của thừa kế nếu người chọn làm như vậy, nhưng kẻ mua không nhận được của cải cho tới khi người cho qua đời”
Người cha chấp nhận lời yêu cầu của đứa con, và một thời gian ngắn sau khi người con lìa khỏi cha mình, gia đình, xứ sở, rồi đi qua một xứ xa, ở đấy anh ta tiêu xài hết tiền bạc mình trong một lối sống thật tội lỗi. Tiền bạc rồi cũng hết, và ngay khi đó, có một nạn đói quét qua trên xứ, khiến anh chàng nầy phải lâm vào cảnh lận đận.
Anh chàng buộc phải đi làm thuê, ở mướn, và công việc của anh ta chẳng xứng đáng chi hết khi chỉ lo cho heo ăn. Thậm chí mấy con heo, dường như được chăm sóc còn tốt hơn cả anh ta nữa. Chính trong trạng huống thiếu thốn nầy mà chàng thanh niên nầy mới tỉnh ngộ. Anh ta nhận ra rằng mình sống làm nô lệ cho cha mình còn hoàn hảo hơn là làm nô lệ trong một đất ngoại bang như thế nầy. Anh ta biết rõ gặp gỡ cha mình vốn là điều tối cần, và anh ta lẩm bẩm giọng nói tỏ ra sự ăn năn của mình, là điều mà anh ta chưa hề thực hiện.
Chàng thanh niên đã nhận ra sự dại dột của mình và anh trở về đối diện với cha mình. Anh ta hy vọng chỉ được tiếp nhận như một nô lệ; cha anh ta đã nhận anh ta như một người con. Anh ta đã hy vọng, mình sẽ có một ít bánh để ăn; cha anh ta đã đãi anh tới một bàn tiệc. Chàng thanh niên kia không kiếm lại được mọi thứ của cải mà anh ta đã mất mát, nhưng anh ta đã kiếm lại được niềm vui mừng và các đặc ân của người có địa vị làm con cái.
Xin cho phép tôi nhấn mạnh hai phương diện của câu chuyện nầy có quan hệ tới người em. Thứ nhứt, không có một nổ lực nào thu nhỏ sự trầm trọng hay sự điên dại nơi tội lỗi của người em. Chúa Giêxu đã tiếp nhận hạng tội nhân và cùng ăn uống với họ, nhưng Ngài không hề thu nhỏ tội lỗi. Tình trạng trầm trọng của tội lỗi người em chỉ có thể được hiểu theo ánh sáng lai lịch của anh ta (tôi dám chắc) là một người Do thái. Là một người Do thái, chàng trai trẻ nầy hiểu rõ đôi điều về các ơn phước mà Đức Chúa Trời đã hứa với tuyển dân của Ngài. Đức Chúa Trời sẽ chúc phước cho dân sự Ngài khi đang ở trong xứ. Chàng trai trẻ đã rời khỏi xứ rồi đi đến một xứ xa. Đức Chúa Trời sẽ chúc phước cho dân sự Ngài khi họ tuân theo luật pháp của Ngài. Điều nầy cũng bao hàm việc sống một đời sống biệt riêng (thánh khiết) đối với người theo tà giáo. Chàng trai trẻ nầy đã ra đi và đã sinh sống giữa vòng người tà giáo như một người theo tà giáo vậy. Cựu ước có luật lệ đặc biệt, quyết chắc rằng kẻ thừa kế của từng gia đình phải được giữ lại ở bên trong gia đình, và con cái phải chăm sóc cho cha mẹ. Chàng trai trẻ nầy đã làm cho gia đình ra vắng vẻ, thường trực mất đi địa vị thừa kế của mình, rồi bỏ cha mình lại trong một trạng huống bấp bênh (anh ta đã làm mất mát 1/3 gia sản của cha mình, và đã đánh mất khả năng chăm sóc cha). Đối với một người Do thái, chẳng một điều gì thấp hèn cho bằng đi làm nô lệ cho người theo tà giáo, và có một việc làm như chăn heo. Chàng trai trẻ nầy, tôi dám nói, đã hành động trong một phương thức rất dại dột và dữ dằn. Tôi có thể hình dung ra khán thính giả của Chúa Giêxu bị sốc ngay và lấy làm kinh khủng khi nghe thấy mọi điều chàng trai trẻ nầy đã làm. Tôi có thể nhìn thấy người Pharisi mắt họ long lên và gương mặt đỏ au nổi giận vì tội lỗi của chàng trai trẻ ấy. Chúa Giêxu không cố gắng thu nhỏ tội lỗi của chàng trai trẻ nầy.
Nếu tội lỗi của chàng trai trẻ nầy là nghiêm trọng, thì cũng một thể ấy đối với sự ăn năn của người. Thứ hai, chúng ta hãy quan sát các đặc điểm của sự ăn năn nơi người trẻ tuổi nầy. Sự ăn năn của chàng trai trẻ đã bộc lộ ra là do tội lỗi của người, anh ta đã phạm tội trọng, như chúng ta mới vừa nhấn mạnh đây. Tôi tin tiến trình ăn năn đã bắt đầu khi chàng trai trẻ bắt đầu nếm các hậu quả đau đớn của tội lỗi mình. Chỉ khi anh ta ra đi với tiền bạc và bạn bè, và khi anh ta nếm mùi đói khổ, chàng trai trẻ nầy mới “tỉnh ngộ”. Sự ăn năn bắt đầu với việc xem xét thẳng thừng mọi chuyện, và xem xét mọi việc như chúng vốn có thực vậy. Sự ăn năn bắt đầu bằng cách xem xét mọi hành vi của một người là tội lỗi, trước tiên là ở trước mặt Đức Chúa Trời, rồi sau đó ở trước mặt mọi người. Vì thế, lời lẽ của người con nói với cha mình là: “Tôi đã đặng tội với trời, và với cha” (câu 18). Sự ăn năn của người con kế đó dẫn anh ta về với cha, là người mà anh ta đã làm buồn lòng, và anh ta đã công nhận tội lỗi và sự buồn rầu với người. Thái độ ăn năn của người con được phản ảnh nơi ý thức mình chẳng xứng đáng chi. Anh ta không nói ra hoặc xưng nhận bất kỳ một quyền hạn nào của mình. Anh ta mong mỏi được thương xót. Không còn có một đòi hỏi nào nữa. Sự ăn năn của người con đã chạm đến tấm lòng của người cha vốn yêu thương mình, và đã mở lối cho sự phục hồi và vui mừng của anh ta.
NGƯỜI CHA
Trong khi người chủ bầy chiên và người đờn bà mô tả chính xác mối lo toan của người dòng Pharisi về của cải của họ, còn người cha có lòng yêu thương trong thí dụ nầy đang mô tả tấm lòng của Cha thiên thượng, Ngài đang mong mỏi sự quay về của tội nhân, Ngài bằng lòng ban ra sự tha thứ, và Ngài lấy làm vui nơi sự trở về của kẻ lầm đường lạc lối. Người cha nầy đã cung ứng cho người con những gì anh ta đòi hỏi. Ông đã để cho người con đi theo đường riêng của mình, dù ông có thể ngăn cản sự ra đi đó (ít nhất là ông có thể từ chối không trao tiền bạc cho kẻ mạo hiểm kia). Tấm lòng của người cha ấy không hề quên đứa con lầm đường lạc lối. Người cha trông thấy đứa con trở về “từ đàng xa”, đây không phải là chuyện tình cờ đâu (câu 20). Người cha chạy ra đón lấy đứa con. Ông không buộc đứa con phải quỳ gối xuống. Thậm chí ông đã không để cho đứa con nói cho xong hết lời xưng tội của mình nữa. Người cha mau mắn phục hồi địa vị của đứa con mình. Người cha truyền rằng phải nên dọn một bữa tiệc. Rồi khi người anh cả từ chối không dự, người cha liền đi tìm anh ta rồi nài mời anh đến dự bữa tiệc, không những ông thấy đây là việc phải làm, mà còn cần thiết nữa. Người cha đã rất giàu ơn đối với người con cả cũng như ông đã giàu ơn đối cùng người em. Tình yêu của người cha nầy sâu rộng là dường nào. Còn nhiều hơn thế nữa đối với Cha trên trời.
NGƯỜI ANH
Người anh mà chúng ta biết đó, đây là nhân vật tiêu biểu cho người dòng Pharisi và các thầy thông giáo, là những kẻ lằm bằm nơi sự Chúa Giêxu tiếp hạng tội nhân. Hãy chú ý người anh đang ở ngoài đồng làm lụng khi người em quay trở về. Mặt khác, người cha rõ ràng là đang đứng đợi người em quay về. Người anh chẳng biết chi về sự trở về của người em mãi cho tới khi anh ta nhận ra tiếng ồn ào của bữa đại tiệc phát ra từ ngôi nhà. Anh ta hay được từ một tên đầy tớ là người em đã trở về, rằng người cha đã tiếp lấy em, rồi bữa tiệc vui đã được dọn lên. Khi nhắc tới việc giết bò con mập là “cú sốc cuối cùng” đối với người anh cả. Anh ta bèn nổi giận và từ chối không chịu vào dự tiệc cùng với những người khác, cho dù chính cha anh ta là người dọn tiệc.
Khi người cha bước ra gặp người anh cả, nài mời anh đến dự tiệc, người anh đã từ chối. Lời lẽ của người anh là chìa khoá cho sự hiểu biết ước muốn và thái độ của anh ta. Hãy dành sự chú ý vào những việc mà người con nầy đã nhắc với người cha, đấy là cơ sở cho mọi hành động, cơn giận và sự phản kháng của anh ta:
(1) Tôi đã làm lụng khó nhọc, nhưng cha chẳng hề dọn cho tôi một bàn tiệc nào. Người anh đang làm lụng ở ngoài đồng khi người em quay trở về nhà. Dường như người anh nầy nghĩ rằng nền tảng cho việc nhận ân huệ của cha là công khó làm việc của anh ta. Lời đáp của người cha đề nghị ngược lại. Là con, người anh đã thừa hưởng mọi sự cha mình có. Anh ta không cần làm việc mới chiếm được sự tán thưởng hay ơn phước của cha, anh ta chỉ cần là con của cha thôi. Phần nhấn mạnh nầy về việc làm cũng là lầm lỗi của người dòng Pharisi. Họ đã “chịu khó làm việc” với lòng trông mong giữ chặt luật pháp, theo như họ đã giải thích, họ cho rằng làm như vậy sẽ chiếm được sự tán thưởng và ơn phước của Đức Chúa Trời.
(2) Cha đã dọn cho đứa con của cha kia một bàn tiệc, khi mọi điều nó đã làm đều là tội lỗi. Dĩ nhiên, đây là góc cạnh khác của lần phản kháng thứ nhất. Người anh vốn mong được ban thưởng trên cơ sở việc làm của mình, và tương tự anh ta đã mong mỏi người em của mình bị từ bỏ theo đúng với mọi việc làm của nó (tội lỗi). Ấy không phải do tội lỗi của người em đưa đến kết quả để cha dọn tiệc thết đãi đâu, mà là do sự ăn ăn và sự quay trở về. Không những người anh đã thất bại không hiểu tới ân điển, mà anh ta còn bực tức ân điển nữa. Có nhiều điểm tương đồng giữa tiên tri Giôna trong Cựu ước và người anh cả nầy.
(3) Tôi chưa từng trái phép. Không những người con nầy nghĩ rằng việc làm của anh ta sẽ xứng đáng với ân huệ của cha mình, mà anh ta còn ngạo mạn khi cho rằng anh ta chưa hề phạm tội. Làm sao anh ta dám nói rằng anh ta chưa hề trái phép của cha mình khi, nhiều giây phút trước đó, cha anh ta đã truyền rằng sẽ có một bữa tiệc dọn ra, và người anh đã từ chối không dự? Há đây chẳng phải là bất tuân sao? Người Pharisi cũng nghĩ trong lòng rằng họ đã giữ trọn vẹn các điều răn của Đức Chúa Trời.
Thế thì vấn đề của người anh cả chính là việc tự xưng công bình. Sự tự xưng công bình của anh ta đúng như anh ta nghĩ, rồi đòi hỏi sự tán thưởng và ơn phước của Đức Chúa Trời. Sự tự xưng công bình của anh ta rất mạnh mẽ đến nỗi anh ta bực tức ân sũng của Đức Chúa Trời rồi từ chối không chịu vui vẻ trong ân sũng ấy. Người anh đã thất bại không nhìn thấy mình là một tội nhân, và anh ta cũng thất bại không hiểu được Đức Chúa Trời đã cung ứng ơn cứu rỗi cho mọi tội nhân nào thực sự biết ăn năn. Sự ăn năn và ơn cứu rỗi là điều mà người anh không nghĩ tới chính là điều anh ta cần, anh ta đã chống đối và bực tức nơi người khác, và vì thế anh ta không thể, anh ta không dự vào bữa tiệc nầy.
Lời lẽ của người cha nói với đứa con nầy rất là quan trọng. Ông đã nhắc cho người anh nầy nhớ tới mọi ân huệ mà anh ta vốn có khi sống ở trong gia đình. Anh ta đã có mối thông công với cha mình, trong suốt các năm tháng người em đang có sự kết giao với phường tà đạo và bầy heo. Người cha nói: “Con ơi, con ở cùng cha luôn…” (câu 31). Đối với người anh, như thế nầy vẫn chưa phải là đủ, vì anh ta vốn thích vui chơi với bạn bè của mình hơn (câu 29). Câu nói thứ hai của người cha đã nhắc cho người anh nhớ rằng anh ta đã thừa hưởng mọi thứ thuộc về cha của mình: “… hết thảy của cha là của con” (câu 31b). Điều nầy dường như cũng chưa phải là đủ với người con cả nầy.
NHỮNG KHÁC BIỆT GIỮA HAI NGƯỜI CON
Hai người con nầy vốn khác biệt dường bao, trong một số phương thức:
(1) Người em rời khỏi nhà; người anh ở lại.
(2) Người em sống hoang đàng (phung phí); người anh có đời sống kết quả (một người biết làm việc).
(3) Người em mất hết cả cơ nghiệp; người anh không mất.
(4) Người em cảm thấy không còn thấy xứng đáng với ân huệ của cha mình; người anh xứng đáng.
(5) Người em nhìn biết tội lỗi mình; người anh cảm thấy mình công bình.
(6) Người em biết ăn năn; người anh thì tức tối.
Những điểm tương đồng nơi hai người con
Tôi luôn luôn nghĩ tới hai người con trai nầy theo các giới hạn mọi sự khác biệt của họ. Chỉ khi đến với phần nghiên cứu sứ điệp nầy tôi mới nhận ra có nhiều điểm giống nhau nơi hai người. Hãy xem xét những điểm tương đồng nơi hai người con nầy cùng với tôi trong một phút.
(1) Cả hai đều muốn có một sự tán tụng — một bàn tiệc. Người em “đã kết giao” với phường tà đạo trong một xứ ngoại bang. Người anh đã phản kháng cha mình vì ông đã không ban cho một bữa tiệc nào hết.
(2) Cả hai đều muốn vui vẻ mà KHÔNG CÓ CHA CỦA MÌNH. Người em đã ăn chơi trong một xứ ngoại bang, cùng với loại bạn bè sai trái. Người anh đã từ chối không dự tiệc với cha mình (và người em), nhưng anh ta đã để lộ ra một ao ước rất mạnh mẽ muốn có một bàn tiệc CÙNG VỚI BẠN HỮU MÌNH.
(3) Cả hai dường như muốn sự mừng vui và tiệc tùng đều không có mặt cha của họ. Người em đã lìa khỏi cha mình, gia đình và ngay cả xứ sở để có thì giờ ăn chơi. Sự vui vẻ, đối với anh ta, không xảy có trong môi trường thích ứng với đức tin và gia đình của anh ta. Người anh, dường như đã cảm nhận rằng sự vui vẻ không nên có với cha mình, rồi vì thế anh ta muốn dọn ăn cùng với bạn hữu mình, chớ không phải với cha anh ta. Làm nô lệ, dường như đây là nguyên tắc cai quản anh ta trong mối thông công với cha của anh ta, chớ không phải là sự vui mừng. Tôi hiểu “bò con mập” là dấu hiệu của sự vui mừng. Lời lẽ của người cha nói cùng người con cả dường như là: “Bò con mập (tiệc tùng và sự vui vẻ) đều thuộc về con muốn hưởng lúc nào cũng được”. Người anh không nghĩ tới chỗ đó. Cũng một thể ấy với người dòng Pharisi, vì họ đã sớm phản kháng Chúa Giêxu (đối chiếu Luca 5.27...).
(4) Thực sự cả hai người đều không đánh giá cao hay yêu thương cha của họ, mặc dù ông rất mực yêu thương cả hai. Người em không thích thú gì nơi cha mình, nên anh ta mới bỏ cha mà ra đi. Người anh không bỏ cha ra đi, song cũng không ưa thích gì cha mình. Khi đáp ứng với lời lẽ của người cha nói cùng con cả: “Con ơi, con ở cùng cha luôn”, phản ứng của người anh, dù không nói ra, dường như là: “Sao chứ?” hoặc: “Xử sự hay quá há!”
(5) Cả hai đều là nô lệ. Người em trước tiên bị bắt làm nô lệ do mọi nỗi đam mê của mình (tội lỗi), và cũng bởi người chủ ở xứ ngoại bang. Anh ta trở về cùng cha mình, hy vọng chỉ được nhận làm nô lệ thôi, nhưng không dám mơ mình cứ vẫn là con trong nhà đâu! Người anh thực sự cũng là một nô lệ nữa. Hãy lắng nghe lời lẽ anh ta nói với cha của mình:
“Nhưng nó thưa cha rằng: Nầy, tôi giúp việc cha đã bấy nhiêu năm, chưa từng trái phép” (Luca 15.29).
Vì người anh nầy nghĩ anh ta phải làm việc để đổi lấy sự tán thưởng và ân huệ của cha mình, anh ta chẳng kém gì em mình, là một tên nô lệ.
(6) Cả hai đều thiên về vật chất. Người em vốn yêu thích các thứ thuộc vật chất — tiền bạc — phải nhiều hơn cha mình hoặc hơn gia đình mình, vì anh ta đòi hỏi phần của mình bằng mọi giá. Người em muốn phần gia tài của mình để tiêu xài cho bản thân mình. Còn người anh, cũng là một kẻ thiên về vật chất. Cơn giận của anh ta đối cùng em mình và sự anh ta không bằng lòng tiếp nhận em mình phù hợp với sự kiện người em đã lãng phí tài sản của cha mình. Nếu người em cần tiền để tiêu xài, thì người anh muốn có tiền chỉ để để dành mà thôi, rồi vì thế (dường như sự việc) khiến anh ta cảm thấy an ninh hơn. Cả hai đều yêu tiền bạc; họ chỉ khác ở chỗ họ sẽ dùng tiền bạc vào mục đích gì và khi nào mà thôi.
(7) Cả hai đều là tội nhân. Ngay từ đầu chương nầy, dường như Chúa gán cho người Pharisi rằng đang khi nhiều người khác có thể là “tội nhân”, chính bản thân họ là công bình. Nhưng thí dụ sau cùng nầy minh chứng cách giả định nầy hoàn toàn không thật. Tội lỗi của hai người con nầy rất khác biệt trong sự họ bày tỏ ra ở bề ngoài, thế nhưng ở bên trong họ có cùng một gốc rễ.
Bạn thấy đấy, chúng ta có xu hướng đánh giá tội lỗi (và “tội nhân”) bằng các tiêu chuẩn và nhận thức bên ngoài. Chúa Giêxu luôn luôn nhìn vào bên trong tấm lòng. Chúng ta mau mắn chấp nhận ăn cướp, giết người, cưỡng hiếp, và bạo lực đều là sai trái, đặc biệt khi những điều nầy xảy ra cho chúng ta. Còn Chúa Giêxu tiếp tục chỉ ra cho chúng ta thấy trong các sách tin lành rằng cầu nguyện, dâng hiến, giảng đạo, hay tỏ ra lòng nhơn đức có thể là tội lỗi, khi động lực của tấm lòng là sai trái. Chúng ta nên nhìn vào người anh biết phục tùng, làm lụng khó nhọc kia và khen ngợi anh ta. Chẳng có một sự loạn nghịch bề ngoài nào xảy ra ở đây. Không, không có, ít nhất là không có cho tới khi có bữa tiệc. Còn các thái độ và động lực ở bên trong của người anh nầy chỉ là độc ác, vì có sự tự xưng công bình ẩn ở đàng sau sự tuân thủ bề ngoài của anh ta đối với ý muốn của cha mình và đối với việc chịu khó làm lụng của anh ta.
KẾT LUẬN
Sứ điệp chứa trong ba thí dụ nầy chú về người dòng Pharisi và các thầy thông giáo rất rõ ràng: họ quá lo về tài sản của họ bị mất mát, nhưng họ rất ít chú trọng đến người bị hư mất. Đây là lý do tại sao họ không thể vui mừng nơi sự ăn năn của hạng tội nhân bị hư mất. Nhưng sự thể cho thấy còn hơn thế nữa. Người dòng Pharisi và các thầy thông giáo cảm thấy khó mà vui vẻ được; họ đã kháng cự rất tích cực — họ đã lằm bằm. Tận đáy lòng của người Pharisi cho thấy họ đã tin sai khi nghĩ việc lành sẽ xứng đáng với ân sũng của Đức Chúa Trời, họ không nghĩ ân điển của Ngài sẽ tỏ ra đối cùng hạng tội nhân. Người anh nổi giận đối cùng cha mình vì anh ta cảm thấy mình chưa nhận được điều anh ta đáng được (một bàn tiệc), trong khi người em đã nhận lãnh điều mà nó không đáng được (một bàn tiệc). Mọi việc làm của người anh không có hiệu quả chi hết, còn sự ăn năn của người em thì lại có hiệu quả. Đấy là phương thức ân điển Đức Chúa Trời vận hành — ân điển được ban ra cho hạng người không xứng đáng, hạng tội nhân, hạng người không tin cậy vào các việc lành của họ, mà tin cậy vào ân điển của Đức Chúa Trời.
Điều nầy giải thích sự người Pharisi chối bỏ Chúa Giêxu. Ngài đã đến để đem ơn cứu rỗi ban cho hạng tội nhân, bởi ân điển, nhờ đức tin, chớ không phải nhờ vào các việc làm:
“Nhưng hiện bây giờ, sự công bình của Đức Chúa Trời, mà luật pháp và các đấng tiên tri đều làm chứng cho, đã bày tỏ ra ngoài luật pháp: tức là sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi sự tin đến Đức Chúa Giêxu Christ, cho mọi người nào tin. Chẳng có phân biệt chi hết, vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giêxu Christ” (Roma 3.21-24).
“Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu , điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Êphêsô 2.8-9).
Vấn đề của người dòng Pharisi: ấy là họ đã sống quá tốt vì cớ việc lành của họ. Họ đã xem người khác là “tội nhân”, chớ không phải họ. Họ tin rằng họ, do tuân giữ luật pháp, có thể kiếm được ơn của Đức Chúa Trời, và hạng tội nhân không xứng đáng sẽ bị đoán xét mà đi địa ngục. Họ đã thất bại khi không nhận mình là hạng tội nhân bất xứng (như người con trai hoang đàng đã nhận), và vì cớ ấy không những họ chối bỏ ân điển của Đức Chúa Trời, mà họ còn xem khinh ân điển ấy nữa.
Nầy bạn tôi ơi, chẳng hề gì trong trường hợp bạn là một tội nhân được xã hội tiếp nhận – giống như người Pharisi — hoặc một tội nhân không được xã hội chấp nhận — như người con trai hoang đàng. Trong mỗi trường hợp, bạn chỉ xứng đáng với sự xét đoán của Đức Chúa Trời mà thôi. Sẽ ra sao khi bạn biết mình là một tội nhân, rằng bạn không xứng đáng với ân điển của Đức Chúa Trời, và sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá ở đồi Gôgôtha là món quà ân sũng của Đức Chúa Trời tặng cho bạn. Mọi sự bạn phải lo làm là ăn năn — nhìn nhận tội lỗi mình, và nhận lãnh ân tứ cứu rỗi đời đời của Đức Chúa Trời.
Có nhiều bài học ở đây dành cho Cơ đốc nhân (hạng tội nhân được cứu), cũng như hạng người bị kể là hạng tội nhân không chịu ăn năn. Vui mừng là một trong các đặc điểm của Cơ đốc nhân. Vui mừng có gốc rễ bắt sâu vào ân điển của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể vui mừng trong ơn cứu rỗi của chính chúng ta, và vì thế chúng ta sẽ dự phần vào niềm vui của người nào biết chạy đến với sự ăn năn. Đối với tôi dường như có nhiều Cơ đốc nhân “lúc nào cũng buồn bã”, không thấy có sự vui mừng, vì họ không thấy rõ mình đã được cứu bởi ân điển, và họ không dự phần vào việc dẫn dắt người khác để được cứu. Sứ đồ Phaolô bị sự vui mừng tác động, thậm chí ở giữa nỗi khổ, hiểm nguy và hoạn nạn (đối chiếu mọi sự trong sách Philíp). Phaolô tìm gặp niềm vui mừng lớn lao trong sự cứu rỗi và tấn tới của nhiều người khác:
“Vì sự trông cậy, vui mừng và mão triều thiên vinh hiển của chúng tôi là gì, há chẳng phải là anh em cũng được đứng trước mặt Đức Chúa Giêxu chúng ta trong khi Ngài đến sao? Phải, anh em thật là sự vinh hiển và vui mừng của chúng tôi vậy” (I Têsalônica 2.19-20).
Tôi e chúng ta thường hay thất bại không kinh nghiệm được niềm vui mà Đức Chúa Trời đã dành cho chúng ta, vì chúng ta không dự phần vào ân điển của Đức Chúa Trời một khi ân điển ấy tác động vào đời sống của nhiều người khác, cũng như đang tác động trong chúng ta.
Tôi cũng được nhắc nhớ qua phân đoạn Kinh thánh, chúng ta nắm bắt được tình trạng hư mất của con người đang ở vào số đông, cấp độ quan hệ của chúng ta trong việc tìm kiếm người bị hư mất và niềm vui mừng của chúng ta khi họ đến với sự ăn năn. Chúng ta thất bại không truyền giảng, không phải vì chúng ta thiếu đào tạo hay thiếu phương pháp, mà vì chúng ta thiếu ý thức sâu sắc về tình trạng hư mất của con người, về số phận mà họ sẽ gặp phải, và về sự vui thích ơn cứu rỗi đang sẵn có cho họ trong Đấng Christ.
Tôi nghĩ rằng có nhiều điều mà Cơ đốc nhân cần phải tiếp thu trong lãnh vực phân rẻ và nên thánh. Chúng ta, giống như người Pharisi, dường như nghĩ rằng sự thánh khiết của chúng ta được đánh giá bằng khoảng cách chúng ta giữ đối với “hạng tội nhân”. Kinh thánh phán dạy về sự nên thánh theo các giới hạn của sự gần gũi mà chúng ta giữ đối với Đấng Christ. Nếu, trong các sách Tin lành, chúng ta thấy Đấng Christ gần gũi với hạng tội nhân, thì chúng ta cả hai cần phải có sự hội hiệp với Đấng Christ và làm bạn với hạng tội nhân. Quan niệm của chúng ta về sự phân rẻ là việc chủ yếu đang ngăn trở chúng ta không làm chứng đạo cho người bị hư mất, và là một trong những việc khiến cho hạng tội nhân lánh xa chúng ta, y như chúng ta lánh xa họ vậy. Chúng ta hãy dành tư tưởng suy nghĩ nhiều về vấn đề phân rẻ trong Kinh thánh, vì có nhiều người đội lốt phân rẻ nầy là giả mạo.
Jim Peterson, trong quyển “Truyền giáo là một phong cách sống” (Evangelism as a Lifestyle), ông tố Hội thánh thất bại không tiếp cận được với số người không tin Chúa, họ biết rất ít hay chẳng có một tiếp xúc nào với Cơ đốc giáo cả. Có rất nhiều người như thế ở lân cận chúng ta và trong xứ sở của chúng ta. “Những kẻ tà giáo” nầy không phải chỉ có ở trong các xứ ở xa đâu! Tôi e rằng chúng ta thất bại không tiếp cận được với họ bằng tin lành và rồi không đưa họ hội nhập vào Hội thánh của chúng ta là điều thích ứng với quan niệm thuộc linh bị vặn cong của chúng ta. Chúng ta hãy nhìn cho rõ vấn đề nầy, để Cơ đốc giáo có thể thẩm thấu vào trong xã hội và vào trong nền văn hoá của chúng ta.
Tôi có nói trong sứ điệp nầy rằng chúng ta phải xác định đâu là “tội lỗi” và đâu là “tội nhân”, như cách xác định của người dòng Pharisi và các thầy thông giáo, về mặt tự nhiên thường thì theo xã hội hơn là theo Kinh thánh. “Tội nhân” trong lý trí của chúng ta là hạng người được đánh dấu bằng các sinh hoạt mà xã hội không chấp nhận. Còn tội lỗi, theo nhận định của Kinh thánh, thường được đánh dấu ở các thái độ. Nói như vầy không có ý nói rằng các hành vi nhất định nào đó không nhất thiết là độc ác đâu. Thí dụ như, tà dâm luôn luôn là tội ác. Nhưng nói như thế có ý nói rằng có nhiều hành vi tỏ ra công bình và thuộc linh — thí dụ như, cầu nguyện — có thể là độc ác, nếu thái độ ở đàng sau hành động là độc ác. “Tội nhân” đối với người Pharisi thì thuộc phạm trù xã hội hơn là ở phạm trù nào khác. Kinh thánh cho chúng ta biết tội nhân không những là người nằm trong một mãng của xã hội, mà họ còn có những thái độ và hành vi ngược lại với ý muốn và mục đích của Đức Chúa Trời nữa. Chúng ta hãy suy nghĩ qua sự chúng ta xác định tội lỗi một cách kỹ lưỡng hơn.
Thí dụ nói về người con trai hoang đàng và người em kiêu ngạo kia góp phần dạy dỗ chúng ta trong lãnh vực thờ phượng. Hai người con (người em đã thay đổi) cũng không thể nếm biết cha của họ là như thế nào! Cả hai đều xem ông theo các giới hạn “những việc lành và thì thuận tiện” mà ông có thể cung ứng cho. Đối với người em, người cha là người ban bố cơ nghiệp cho, vì vậy ông có thể chìu theo mọi khao khát xác thịt của anh ta. Đối với người con cả, người cha là ông chủ của con bò mập béo, là nhân vật, nếu bằng lòng, có quyền dọn ra một bữa tiệc cho anh ta và bạn bè của anh ta. Thế nhưng người con không nhận ra người cha có lòng khao khát muốn ở với và vui vẻ với kẻ thuộc về mình.
Chúng ta đang sống rất giống với đường lối của Đức Chúa Trời. Chúng ta thường có xu hướng nghĩ về Ngài là một Đấng ban cho, hơn là một tặng phẩm. Chúng ta đến với Ngài trong sự cầu nguyện, không phải vì tình bạn và mối thông công mà chúng ta sẽ có với Ngài, mà vì những việc chúng ta mong muốn Ngài tiếp trợ cho chúng ta và cho sự vui hưởng của chúng ta. Sự thờ phượng thực là nếm biết Đức Chúa Trời là ai, chớ không phải vì những gì Ngài ban cho! Người anh không thấy được mình vốn có phước lớn vì anh ta đã từng ở với cha mình, trong khi người em đã tẻ tách ra khỏi Ngài. Chúng ta hãy tìm kiếm sự vui mừng của cha trên trời vì biết rõ Ngài là ai!?!
Sau cùng, phân đoạn Kinh thánh buộc chúng ta phải lên tiếng hỏi, nếu chúng ta, là một Hội thánh, tiếp đón hạng tội nhân, hoặc giả chúng ta, giống như người Pharisi, gửi đến cho họ một sứ điệp rõ ràng nói rằng chẳng ai cần tới họ. Nếu chúng ta hiểu rõ ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ tiếp đón hạng tội nhân là những người, giống như chúng ta đây, chẳng xứng đáng chi với ân sũng của Đức Chúa Trời, và hãy vui vẻ lên đi khi họ kinh nghiệm ân điển cũng giống như chúng ta đang kinh nghiệm vậy. Chúng ta sẽ không tìm kiếm ơn cứu rỗi của số người mà chúng ta không mời đón vào trong mối thông công của chúng ta. Chúng ta hãy tìm cách có tâm tình của Đấng Christ trong việc tiếp đón nồng hậu hạng tội nhân, giống như chúng ta vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét