Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Luca 22.39-46: "VƯỜN GHẾTSÊMANÊ"



Phần giới thiệu
Bối cảnh
Phân đoạn Kinh Thánh
Nổi thương khó của Người-Trời Jêsus trong Vườn Ghếtsêmanê
“Cái chén” thạnh nộ của Đức Chúa Trời
Một phân đoạn khó
Một sự giải thích và một lời quở trách (22.45-46).
Kết luận.
Bài 70:

Vườn Ghếtsêmanê

(Luca 22.39-46)
Mathiơ 26.36-46: “Rồi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ đi đến một chỗ kêu là Ghết-sê-ma-nê. Ngài phán rằng: Hãy ngồi đây đợi ta đi cầu nguyện đằng kia. Đoạn, Ngài bèn đem Phi-e-rơ và hai người con của Xê-bê-đê đi với mình, tức thì Ngài buồn bực và sầu não lắm. Ngài bèn phán: Linh hồn ta buồn bực cho đến chết; các ngươi hãy ở đây và tỉnh thức với ta. Rồi Ngài bước tới một ít, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện rằng: Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha. Kế đó, Ngài trở lại với môn đồ, thấy đang ngủ, thì Ngài phán cùng Phi-e-rơ rằng: Thế thì các ngươi không tỉnh thức với ta trong một giờ được! Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối. Ngài lại đi lần thứ hai, mà cầu nguyện rằng: Cha ơi! nếu chén nầy không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống, thì xin ý Cha được nên. Ngài trở lại nữa, thì thấy môn đồ còn ngủ; vì mắt họ đã đừ quá rồi. Đoạn, Ngài bỏ mà lại đi cầu nguyện lần thứ ba, và lặp xin như lời trước. Rồi Ngài đi đến với môn đồ, mà phán rằng: Bây giờ các ngươi ngủ và nghỉ ngơi ư! Nầy, giờ đã gần tới, Con người sẽ bị nộp trong tay kẻ có tội. Hãy chờ dậy, đi hè, kìa kẻ phản ta đến kia”.
Luca 22.39-46: “Đoạn, Đức Chúa Jêsus ra đi, lên núi Ô-li-ve theo như thói quen; các môn đồ cùng đi theo Ngài. Khi đã đến nơi đó, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Hãy cầu nguyện, hầu cho các ngươi khỏi sa vào sự cám dỗ. Ngài bèn đi khỏi các môn đồ, cách chừng liệng một cục đá, quì xuống mà cầu nguyện rằng: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!... Có một thiên sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài, mà thêm sức cho Ngài. Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất. Cầu nguyện xong, Ngài đứng dậy trở lại cùng các môn đồ, thấy đương ngủ mê vì buồn rầu. Ngài phán rằng: Sao các ngươi ngủ? Hãy đứng dậy cầu nguyện, để cho khỏi sa vào sự cám dỗ”.
Mác 14.32-42: “Kế đó, đi đến một nơi kia, gọi là Ghết-sê-ma-nê, Đức Chúa Jêsus phán cùng môn đồ rằng: Các ngươi hãy ngồi đây, đợi ta cầu nguyện. Ngài bèn đem Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đi, thì Ngài khởi sự kinh hãi và sầu não. Ngài phán cùng ba người rằng: Linh-hồn ta buồn rầu lắm cho đến chết; các ngươi hãy ở đây, và tỉnh thức. Rồi Ngài đi một đỗi xa hơn, sấp mình xuống đất mà cầu nguyện rằng nếu có thể được, xin giờ nầy qua khỏi mình. Ngài rằng: A-ba, lạy Cha, mọi việc Cha làm được cả; xin Cha cất chén nầy khỏi con; nhưng không theo điều con muốn, mà theo điều Cha muốn. Rồi Ngài trở lại, thấy ba người ngủ; bèn phán cùng Phi-e-rơ rằng: Si-môn, ngủ ư! Ngươi không thức được một giờ sao? Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các ngươi khỏi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối. Ngài lại đi lần nữa, và cầu nguyện, y như lời trước. Ngài trở lại, thấy môn đồ còn ngủ, vì con mắt đã đừ quá; và không biết trả lời cùng Ngài thể nào. Ngài trở lại lần thứ ba, phán cùng môn đồ rằng: Bây giờ các ngươi ngủ và nghỉ ngơi ư! thôi, giờ đã tới rồi; nầy, Con người hầu bị nộp trong tay kẻ có tội. Hãy chờ dậy, đi hè; kìa, đứa phản ta đã đến gần”.
PHẦN GIỚI THIỆU:
Sáu câu trong phân đoạn Kinh Thánh nầy nhấn mạnh cho chúng ta thấy tầm quan trọng của một câu nói không luôn luôn được quyết định bằng chiều dài của nó. Như chúng ta thấy ở đây, đôi khi chúng ta phải phân biệt tầm quan trọng của câu nói bởi sức nặng hay tỉ trọng của nó. Có một số người chỉ ra tầm quan trọng của phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta. Thứ nhứt, hoạt động nổi bật trong phân đoạn nầy là sự cầu nguyện. Từ một nhận định chung về vườn Ghếtsêmanê kết từ sự so sánh các câu chuyện ở Mathiơ, Mác và Luca, chúng ta thấy rằng Chúa chúng ta đã dạy cho các môn đồ phải cầu nguyện ba lần. Họ cần phải cầu nguyện để họ không sa vào sự cám dỗ. Chúa Jêsus đã cầu nguyện và rất bền đỗ. Các môn đồ không cầu nguyện, và họ đã thất bại. Chúa Jêsus đã để ra ít nhất là 3 giờ đồng hồ trong sự cầu nguyện. Từ những gì chúng ta đã trông thấy ở sách Luca, cầu nguyện thường được kèm theo (hay đứng trước) những sự cố tối quan trọng. Cho nên, Chúa Jêsus đã cầu nguyện khi Đức Thánh Linh giáng trên Ngài ngay lúc mới bắt đầu chức vụ công khai (Luca 3.21). Chúa Jêsus đã ở trong sự cầu nguyện khi Ngài hoá hình trước ba môn đồ (Luca 9.29). Tương tự, Chúa Jêsus đã ở trong sự cầu nguyện tại đây, trong vườn Ghếtsêmanê. Vì thế, kinh nghiệm trong quá khứ dạy cho chúng ta biết rằng nên tìm kiếm việc chi là quan trọng sẽ diễn ra trong một tương lai rất gần.
Thứ hai, đây là hành động sau cùng của Chúa chúng ta, trước khi Ngài bị bắt, bị thử thách, và bị kết án chết. Đây cũng là những lời nói sau cùng của Ngài đã phán ra cùng các môn đồ, là những lời giáo huấn sau cùng của Ngài cho họ. Những lời nói sau cùng của một người thường có nội dung rất lớn, như những lời nói nầy của Chúa chúng ta dành cho các môn đồ, và cho chúng ta nữa.
Thứ ba, có một xúc cảm mãnh liệt đối với những gì được mô tả ở đây. Các môn đồ, Luca nói cho chúng ta biết, bị nỗi buồn rầu thắng hơn, điều nầy tỏ ra bởi sự ngủ gà ngủ gật của họ. Theo Mathiơ và Mác, Chúa Jêsus: “buồn bực cho đến chết” (Mathiơ 26.38; Mác 14.34). Chúng ta không hề thấy trước đó Chúa Jêsus quẫn về cảm xúc đến như thế. Ngài đã đối mặt với cơn bão dữ trên biển Galilê, Ngài hoàn toàn bình tĩnh, không chao đảo. Ngài đã đối diện với sự chống đối của ma quỉ, sự cám dỗ của Satan, và lưới sắt của các cấp lãnh đạo tôn giáo nơi thành Jerusalem, với một sự điềm tĩnh hoàn toàn. Còn ở đây trong Vườn, các môn đồ đã buồn bã lắm bởi những gì họ trông thấy (rất ít). Ở đây, Chúa Jêsus đã gieo mình xuống đất, thống khổ trong sự cầu nguyện. Một việc gì đó khủng khiếp lắm sẽ xảy ra. Chúa Jêsus vốn biết rõ việc ấy, và các môn đồ đang bắt đầu hiểu ra việc ấy nữa.
BỐI CẢNH:
Bữa tiệc Lễ Vượt Qua đã được dọn ăn rồi. Chúa Jêsus đã kết thúc “bài giảng trên phòng cao” của Ngài, như đã được ghi lại trong tin lành Giăng, kể cả lời cầu thay như thầy tế lễ thượng phẩm của Chúa Jêsus cho các môn đồ Ngài, trong chương 17. Chúa Jêsus cùng các môn đồ đang hát một bài thánh ca, họ đã rời khỏi phòng cao đó, và họ đã băng qua khe Kít-rôn đi đến Núi Ôlive, và đặc biệt đến Vườn Ghếtsêmanê. Luca chỉ nhắc tới đoàn người kéo ra Núi Ôlive, vì các độc giả dân Ngoại của ông sẽ không biết vị trí chính xác như một số độc giả người Do thái (trong các sách Tin lành khác) đã công nhận.
Thập tự giá giờ đây đang ló dạng lớn hơn trên đường chân trời. Chúa Jêsus đã cầu nguyện trong Vườn, Ngài trở lại hai lần với các môn đồ, chỉ thấy họ đang nằm ngủ. Ngài giục giã họ nên cầu nguyện để họ không sa vào chước cám dỗ, và kế đó Ngài quay lại với sự cầu nguyện thống thiết của mình. Trong câu chuyện của Luca, Chúa Jêsus vẫn phán ra những lời lẽ trong các câu 45 và 46 khi Giuđa và đoàn người bắt bớ đã vào đến (câu 47). Việc bắt Chúa Jêsus dẫn đến sự thử thách của Ngài, và rồi đến sự đóng đinh trên thập tự giá. Thập tự giá không những đang ở gần,mà nó cũng rất nặng nề trong tâm trí của Cứu Chúa.
PHÂN ĐOẠN KINH THÁNH:
Một người có thể mau nhận thấy rằng câu chuyện của Luca nói về sự thống khổ của Chúa chúng ta trong vườn Ghếtsêmanê thì ngắn hơn câu chuyện của Mathiơ và Mác. Thí dụ, Luca không đặt ba môn đồ (Phierơ, Giacơ, và Giăng) tách ra khỏi tám người kia, dù ba người nầy được Chúa chúng ta tách ra, để “thức canh” với Ngài ở một vị trí gần hơn. Luca cũng không chú trọng nhiều vào Phierơ, mặc dù trong các câu chuyện kia, Chúa Jêsus đặc biệt thúc giục Phierơ phải thức canh và cầu nguyện. Trong khi Mathiơ và Mác chỉ ra ba lần cầu nguyện khác nhau, với Chúa chúng ta quay trở lại ba lần để đánh thức các môn đồ của Ngài và giục giã họ nên cầu nguyện, Luca chỉ nói tới hai lần.
Phần đóng góp đặc biệt của Luca cho câu chuyện nói tới sự cầu nguyện của Chúa trong vườn Ghếtsêmanê được thấy có trong hai câu 43 - 44. Hai câu nầy đã bị bỏ sót trong một số văn bản, đã khiến cho một số người phải thắc mắc về nguồn gốc của chúng. Theo ý kiến của tôi, thì hai câu nầy không những là nguyên bản, mà chúng còn là phần đóng góp đặc biệt của Luca vào các truyện tích Tin lành nói tới sự cố. Cho nên càng dễ nhìn thấy thể nào một người sao chép sẽ để riêng chúng ra để hiểu rõ chúng được thêm vào như thế nào. Chúng ta sẽ quan sát thật cẩn thận ở hai câu nầy và xem xét phần đóng góp đặc biệt của chúng.
NỖI THƯƠNG KHÓ CỦA NGƯỜI-TRỜI JÊSUS TRONG VƯỜN GHẾTSÊMANÊ
“Đoạn, Đức Chúa Jêsus ra đi, lên núi Ô-li-ve theo như thói quen; các môn đồ cùng đi theo Ngài. Khi đã đến nơi đó, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Hãy cầu nguyện, hầu cho các ngươi khỏi sa vào sự cám dỗ. Ngài bèn đi khỏi các môn đồ, cách chừng liệng một cục đá, quì xuống mà cầu nguyện rằng: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!... Có một thiên sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài, mà thêm sức cho Ngài. Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất”.
Chúa Jêsus đang hướng tới thập tự giá của chính Ngài, dù đang ở trong vườn Ghếtsêmanê. Luca cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus “lên núi Ôlive theo thói quen” (câu 39). Hơn nữa, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Cứu Chúa cùng các môn đồ “đã đến nơi đó” (câu 40). Hết thảy mọi điều nầy là một phần của chương trình. Trong khi Chúa Jêsus giữ kín về địa điểm nơi mà bữa ăn Lễ Vượt Qua sẽ được dọn, Ngài hoàn toàn rộng mở và nói trước về địa điểm nơi mà Ngài sẽ có mặt trong đêm số phận đó. Ngài cứ theo thói quen của mình, Ngài hành động theo một khuôn mẫu đã được nói ra trước. Giuđa vốn biết chính xác địa điểm để hướng dẫn các giới chức có trách nhiệm bắt bớ, tại “nơi đó”, tại địa điểm mà họ đã ngụ lại mỗi đêm. Không có một sự lảng tránh nào ở đây, vì đây là lúc Chúa Jêsus bị phản bội. Ngài sẽ bị bắt, cho nên không có gì phải ngạc nhiên cả. Mọi sự đang diễn tiến theo đúng kế hoạch, và theo đúng sự báo trước của Chúa chúng ta.
Khi đến “địa điểm” Chúa Jêsus đã dạy cho các môn đồ Ngài phải cầu nguyện. Có một mục đích đặc biệt, một mục tiêu đặc biệt trong trí: “hầu cho các ngươi khỏi sa vào sự cám dỗ” (câu 40). Họ cần phải cầu nguyện để họ sẽ không sa vào sự cám dỗ. Hãy chú ý, Chúa Jêsus không tổ chức một buổi nhóm cầu nguyện, như đôi khi chúng ta có. Ngài để các môn đồ ở một chỗ, trong khi Ngài cứ đi tới, một mình Ngài, ở một địa điểm khác. Luca hay bất kỳ một trước giả nào khác cũng không cho chúng ta biết Chúa Jêsus đã cầu thay cho các môn đồ, như Ngài đã làm trong Giăng 17. Hơn nữa, Chúa Jêsus không yêu cầu các môn đồ Ngài phải cầu thay cho Ngài, mặc dù Ngài phải sa vào sự thử thách. Chính các môn đồ đã ở trong mối nguy hiểm của sự thất bại, chớ không phải Chúa Jêsus. Không một chỗ nào trong tiểu đoạn Kinh Thánh nầy (hay phần tương đương với nó) tôi thấy có nhắc tới Chúa Jêsus đang ở trong tầm nguy hiểm của việc quên đi con đường bước lên thập tự giá của Ngài. Chúa Jêsus, chương trình cứu rỗi, cũng không nằm trong tầm nguy hiểm ở đây. Điều nầy đã được định đoạt rồi trong cõi quá khứ đời đời. Xuyên suốt câu chuyện nói tới đời sống của Chúa chúng ta trong sách Tin lành Luca, chúng ta đã nhìn thấy duy nhất một mục đích tối hậu phải làm theo ý chỉ của Đức Chúa Cha, phải lên thành Jerusalem, phải bị người ta chối bỏ, và phải chịu chết. Tinh thần tối hậu đó cứ tiếp diễn ở đây.
Ba lần Chúa Jêsus giục giã các môn đồ Ngài phải “cầu nguyện hầu cho các ngươi khỏi sa vào sự cám dỗ”, nghĩa là, họ sẽ không phải sa vào đó. Còn Chúa chúng ta đang đề cập tới sự cám dỗ nào vậy? Tôi tin rằng sự cám dỗ ở đây rất đặc biệt, và có thể nhận ra từ nội dung câu nói của Chúa chúng ta. Theo văn mạch ấy, các môn đồ đã ở trong tầm nguy hiểm của việc làm theo điều gì, đến nỗi bị xem là đang sa vào sự cám dỗ? Sự cám dỗ, như tôi thấy, dựa vào khuynh hướng tự nhiên của họ khi nhìn thấy hoàn cảnh của họ theo ánh sáng của tham vọng và mong muốn mà họ đang có, và quan điểm cong vạy của họ như bằng cách nào và khi nào thì Nước Trời sẽ hiện đến. Trước đó, Phierơ đã ra sức quở trách Chúa khi Ngài nói trước về sự chết của Ngài (Mathiơ 16.21-23). Tuy nhiên, điều nầy đã không được ghi lại trong tin lành Luca. Trong văn mạch của tin lành Luca, chúng ta thấy các môn đồ đang tranh cãi giữa vòng họ xem ai là lớn nhất. Chúng ta cũng thấy Phierơ dạn dĩ bảo đảm với Chúa Jêsus về sự trung thành của ông, cho dù Chúa Jêsus đã nói rồi với ông là ông sẽ thất bại. Mối nguy hiểm ấy là các môn đồ sẽ ra sức chống cự sự chết có tính cách hy sinh của Chúa chúng ta trên thập tự giá tại đồi Gôgôtha, ngay cả trường hợp khi Phierơ rút gươm ra với nổ lực không để cho Ngài bị bắt (Luca 22.49-51). Thêm vào tình trạng nầy, sẽ có sự tan rãi các môn đồ khi Chúa của họ bị bắt, và khi mọi hy vọng của họ về một Nước ngay tức thì va mạnh vào vầng đá cả nước Israel chối bỏ Ngài. Nói cách ngắn gọn, các môn đồ sẽ bị cám dỗ mà chống lại ý chỉ của Đức Chúa Trời về Cứu Chúa và về bản thân họ, hơn là đầu phục ý chỉ ấy.
Sau khi ra lịnh cho các môn đồ Ngài biết bổn phận của họ là phải cầu nguyện cho bản thân họ, Chúa Jêsus cứ đi tới trước cách xa họ chừng một quãng xa xa — khoảng cách ném một hòn đá, Luca cho chúng ta biết — và bắt đầu cầu nguyện. Lời cầu nguyện của Chúa chúng ta, dầu có tới ba phần, và lời cầu nguyện nầy cần có một lượng thời gian thích ứng, có thể được tóm tắt bằng câu nói nầy: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!...” (Luca 22.42).
Chúa chúng ta đang cầu nguyện cho vấn đề gì vậy? Ngài xin gì nơi Đức Chúa Cha? Phải chăng Chúa Jêsus, trong giờ phút sau cùng, đang tìm cách tránh né việc phải bước lên thập tự giá? Có phải Ngài đang tìm cách làm thay đổi tâm ý của Đức Chúa Cha? Có phải số phận của hết thảy nhân loại đang treo trên cán cân ở đây? Phải chăng có một mối nguy hiểm khi Chúa Jêsus thay đổi tâm ý của Ngài?
Cho phép tôi chỉ ra trước hết không phải Chúa Jêsus bị hiểm nguy gì khi thay đổi tâm ý Ngài. Chúa Jêsus đang tìm cách học biết xem ý Cha là gì. Sau cùng, Chúa Jêsus đã phục theo việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha. Từ một quan điểm, Chúa Jêsus đã nói với Đức Chúa Cha Ngài đã thay đổi tâm ý, và Ngài sẽ không bước lên thập tự giá. Chúa Jêsus đã không thay đổi tâm ý Ngài về việc vâng theo Đức Chúa Cha; Ngài đang xin Đức Chúa Cha không biết Ngài có chịu thay đổi tâm ý hay không!?! Sự đầu phục của Chúa chúng ta đối với ý chỉ của Đức Chúa Cha không phải là vấn đề có trong thắc mắc. Nếu có bất kỳ một thắc mắc nào, thì đấy là ý chỉ của Đức Chúa Cha. Chỉ có một con đường, Chúa Jêsus chỉ đang tìm kiếm lần “đọc” sau cùng để cho biết ý chỉ của Đức Chúa Cha như thế nào mà thôi. Và cho tới thời điểm nầy, nhất nhất chẳng có một sự hồ nghi nào cả.
Thứ hai, Chúa Jêsus đã phát hiện vấn nạn thập tự giá với Cha của Ngài để xem coi có con đường nào khác để đạt được sự cứu rỗi cho loài người hay không!?! Chúa Jêsus đang cầu xin Đức Chúa Cha còn có đường lối nào khác nữa để tội lỗi của loài người được tha hay không!?! Câu trả lời rất rõ ràng, vì mục đích và chương trình của Đức Chúa Trời đã định, và Chúa Jêsus thành tín theo đuổi chương trình ấy.
Cho phép tôi ngừng trong một phút để nhấn mạnh điểm quan trọng nầy: KHÔNG CÓ CON ĐƯỜNG NÀO KHÁC ĐỂ LOÀI NGƯỜI ĐƯỢC CỨU HƠN SỰ THƯƠNG KHÓ CÓ TÍNH THAY THẾ VÀ VÔ TỘI CỦA ĐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST. Chúa Jêsus đã nói trước điều nầy rồi. Ngài là đường đi, lẽ thật và sự sống. Không ai được đến cùng Cha, nếu không nhờ Ngài, nếu không nhờ đức tin vào sự chết của Ngài tại đồi Gôgôtha, trong chỗ của tội nhân. Chúng ta thường nghe loài người nói tới thập tự giá của đồi Gôgôtha như một con đường, một sự chọn lựa giữa vòng nhiều con đường để giúp con loài người đạt tới sự sống đời đời. Cho phép tôi nói rằng nếu có con đường nào khác thì Chúa Jêsus sẽ không bước lên thập tự giá đâu, và Đức Chúa Cha sẽ không sai phái Ngài. Lời cầu nguyện của Chúa chúng ta trong vườn nhấn mạnh lẽ thật của Tân ước rằng chỉ có một con đường, và con đường đó là huyết đổ ra của Cứu Chúa vô tội, đã đổ ra vì tội nhân.
Thứ ba, chúng ta cần phải lưu ý từ lời cầu nguyện của của Chúa chúng ta ở trong vườn, Ngài rất sợ “cái chén” và Chúa Jêsus đang cầu xin cho “cái chén” nầy được dời đi, nếu có thể được. Tại sao “cái chén” lại là một vật đáng sợ như thế chứ? Chúa Jêsus đang đề cập tới “cái chén” nào? Câu trả lời rất rõ ràng trong Kinh Thánh. Chúng ta hãy xem xét qua một vài phân đoạn Kinh Thánh nói tới “cái chén” mà Chúa chúng ta rất sợ nầy, và chúng ta sẽ thấy sự sợ hãi của Ngài là đúng đắn.
“CÁI CHÉN” THẠNH NỘ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI:
“Vì chẳng phải từ phương đông, phương tây, Hay là từ phương nam, mà có sự tôn cao đến. Bèn là Đức Chúa Trời đoán xét: Ngài hạ kẻ nầy xuống, nhắc kẻ kia lên. Vì trong tay Đức Giê-hô-va có cái chén sôi bọt rượu; chén đầy rượu pha, Ngài rót nó ra: thật hết thảy kẻ ác nơi thế gian sẽ hút cặn rượu ấy, và uống nó. Song tôi sẽ thuật lại các điều đó luôn luôn, cũng sẽ hát ngợi khen Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Tôi sẽ chặt hết thảy các sừng kẻ ác; còn các sừng của người công bình sẽ được ngước lên” (Thi thiên 75.6-10).
“Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy thức dậy, thức dậy, và đứng lên! Ngươi đã uống chén thạnh nộ từ tay Đức Giê-hô-va; đã uống cạn chén xoàng-ba, uống cho tới cặn” (Êsai 51.17).
“Vậy tôi lấy chén khỏi tay Đức Giê-hô-va, và khiến cho mọi nước mà Đức Giê-hô-va sai tôi đến đều uống lấy: cho Giê-ru-sa-lem và cho các thành của Giu-đa, cho các vua các quan trưởng nó, làm cho chúng nó hoang vu, gở lạ, bị chê cười, chịu rủa sả như ngày nay; cho Pha-ra-ôn, vua nước Ê-díp-tô, cho những đầy tớ người, cho các quan trưởng và dân sự người; cho mọi dân lộn, …” (Giêrêmi 25.15-20a).
“Lại một vị thiên sứ khác, là vị thứ ba, theo sau, nói lớn tiếng mà rằng: Nếu ai thờ phượng con thú cũng tượng nó, và chịu dấu nó ghi trên trán hay trên tay, thì người ấy cũng vậy, sẽ uống rượu thạnh nộ không pha của Đức Chúa Trời rót trong chén thạnh nộ Ngài; và sẽ chịu đau đớn trong lửa và diêm ở trước mặt các thiên sứ thánh và trước mặt Chiên Con. Khói của sự đau đớn chúng nó bay lên đời đời. Những kẻ thờ lạy con thú và tượng nó, cũng những kẻ chịu dấu của tên nó ghi, thì cả ngày lẫn đêm không lúc nào được yên nghỉ” (Khải huyền 14.9-11).
Vậy thì, Chúa chúng ta đã sợ “cái chén” nào? Đó là cái chén thạnh nộ của Đức Chúa Trời, đã đổ ra trên tội nhân. Đó là cái chén sẽ đổ ra trên những kẻ bất kỉnh, cho dù họ là người Do thái hay dân Ngoại. Đó là “cái chén’ đã được nói trước trong Cựu ước, và vẫn còn được nói tiên tri trong sách Khải huyền. Đó là cái chén thạnh nộ của Đức Chúa Trời, bắt đầu với Kỳ Đại Nạn, và còn mãi trong suốt cõi đời đời. Cái chén mà Chúa chúng ta sợ phải uống lấy là cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, đã được tỏ ra trong khổ hình đời đời.
Không có gì phải ngạc nhiên khi Chúa chúng ta “buồn bực và sầu não lắm” (Mathiơ 26.37), và linh hồn Ngài “buồn bực cho đến chết” (Mathiơ 26.38). Sự thống khổ của Chúa Jêsus thích ứng với thập tự giá đang rõ dần ở trước mặt Ngài. Ngài không phải ở trong sự đau khổ vì Ngài bị loài người bỏ quên, mà vì Ngài đã bị Đức Chúa Trời bỏ quên và đánh đập. Chúa Jêsus đã kinh sợ, đã chịu thương khó khi biết trước Ngài phải gánh lấy tội lỗi của thế gian và cơn thạnh nộ mà họ xứng đáng nhận lãnh.
Phân đoạn Kinh Thánh cho chúng ta thấy vì Chúa Jêsus đã gánh lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời (“cái chén”) trong chỗ của tội nhân, cho nên con người không nhất thiết phải uống cái chén ấy nữa. Sự cứu rỗi đến với đức tin trong Đấng Christ, Ngài là Đấng vô tội, thế mà đã chịu chết trong chỗ của họ, Ngài gánh lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời là cơn giận mà họ xứng đáng nhận lãnh. Người nào chối bỏ Đấng Christ và của lễ chuộc tội của Ngài phải mang lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, đã được đổ ra trên hạng người không tin Chúa trong tương lai. Đó là cơn thạnh nộ mà Sách Khải huyền đề cập tới (hãy xem tiểu đoạn Kinh Thánh ở trên đây).
Có nhiều sự bất đồng giữa những nhà truyền đạo như khi nào và bằng cách nào sự tái lâm của Chúa sẽ đến, nhưng có một việc dường như chắc chắn đối với tôi, dựa theo phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta: Không một Cơ đốc nhân nào sẽ nếm trải Cơn Đại Nạn, sự đổ ra cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trong tương lai sẽ giáng trên thế giới vô tín. Hết thảy những ai sống tin kính sẽ chịu đựng “hoạn nạn” (tribulation, chữ t không hoa), là cơn giận của những người vô tín đối với Cơ đốc nhân (đối chiếu II Timôtthê 3.12), còn Cơn Đại Nạn (Tribulation, chữ T viết hoa) — là sự đổ ra cơn thạnh nộ thiêng liêng giáng trên hạng người tội lỗi — sẽ giáng trên hạng người vô tín. Cơn Đại Nạn là một sự nhắc nhớ kinh khiếp về sự thống khổ của đồi Gôgôtha mà con người phải gánh chịu vì sự họ chối bỏ Cứu Chúa, và Cơn Đại Nạn ấy sẽ giáng trên hạng người vô tín.
MỘT PHÂN ĐOẠN KHÓ:
“Có một thiên sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài, mà thêm sức cho Ngài. Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất”.
Hai câu 43 - 44 đưa ra một vấn đề cho chúng ta. Thứ nhứt, hai câu nầy không thấy có trong một vài bản dịch “khá xưa”. “Khá xưa” không nhất thiết là “hay hơn”, và khi chỉ có một vài bản dịch bỏ sót hai câu nầy, tôi thấy giả định là mấy câu nầy nằm trong nguyên bản là dễ quá. Sự thật cho thấy rằng hai câu nầy vốn khó hiểu và không thấy có trong các câu chuyện tương đương, là bằng chứng mạnh mẽ bênh vực nguồn gốc nguyên thuỷ của chúng, theo ý kiến của tôi.
Cứ cho rằng hai câu nầy là xác thực đi, thì vấn đề còn lại là giải thích chúng. Hai câu nầy, với cái nhìn đầu tiên, dường như đã ở trong thứ tự bị đảo lộn. Có người nghĩ là Chúa Jêsus cần phải được thêm sức cho ở phần cuối thời gian Ngài cầu nguyện ở trong Vườn, chớ không phải ở đâu đó khác. Có người cũng lấy làm lạ làm sao thiên sứ có thể thêm sức cho Ngài được. Một thiên sứ có thể “thêm sức” cho Con của Đức Chúa Trời bằng cách nào? Nếu đây không phải là vấn nạn trong tâm trí của quí vị, hãy tưởng tượng xem quí vị là nhân vật được sai phái từ thiên đàng xuống trần gian rồi thêm sức cho Con của Đức Chúa Trời. Quí vị sẽ làm gì đây? Quí vị sẽ nói chi hay làm gì?
May mắn thay cho chúng ta, từ ngữ “thêm sức” được thấy xuất hiện hơn một lần trong Tân ước, trong Công vụ Các Sứ Đồ 9.19, ở đây Phaolô được nói tới là “được thêm sức” sau khi dùng một số thức ăn, sau ba ngày ông kiêng ăn (khởi sự từ lúc Chúa hiện ra cùng ông trên đường đến thành Đa mách). Ở đây, rõ ràng là sự thêm sức của Phaolô vốn tự nhiên về mặt thuộc thể. Dường như là sự thêm sức của Chúa chúng ta là bằng phương tiện của một chức vụ thuộc hàng thiên sứ vào lúc kết thúc sự cám dỗ của Ngài cũng là sự thêm sức theo phần xác thịt là chủ yếu (đối chiếu Mathiơ 4.11).
Nhưng tại sao Chúa Jêsus lại cần tới sự thêm sức theo phần xác thể ở đây? Mathiơ và Mác cả hai ông đều nói cho chúng ta biết rằng Chúa chúng ta vốn buồn bực cho tới chết. Tôi lấy câu nầy theo nghĩa đen, và chẳng có một ý tưởng bóng bẩy nào hết. Luca, là một vị bác sĩ mà quí vị có thể gọi như thế, ông nói cho chúng ta biết rằng buồn bực là nguyên nhân của tình trạng hay ngủ của các môn đồ (22.45). Nếu các môn đồ nầy bị buồn ngủ từ nỗi buồn bực của họ, với ít hiểu biết về tình trạng sắp sửa xảy ra, quí vị nghĩ nỗi buồn bực của Chúa chúng ta sẽ tác động vào Ngài như thế nào!?! Luca không để cho chúng ta phải ở lại trong sự tưởng tượng xuông ở đây. Ông nói cho chúng ta biết rằng nỗi đau thương của Chúa Jêsus vốn lớn lao đến nỗi “mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất” (22.44).
Tôi tin rằng nỗi buồn bực của Chúa chúng ta vốn lớn lao đến nỗi Ngài buồn bực cho đến chết. Tôi tin khi tách ra khỏi sự vùa giúp về mặt siêu nhiên (do một thiên sứ đem xuống từ trời) Chúa Jêsus sẽ không phải chết trên thập tự giá, Ngài sẽ chịu chết trong vườn Ghếtsêmanê. Nỗi thống khổ của Ngài vốn lớn lao đến nỗi khi nghĩ tới thập tự giá cùng mọi hàm ý của nó, Chúa chúng ta đã buồn bực cho đến chết. Sự thêm sức theo phần xác thể, không nghi ngờ chi nữa, đã được dự trù để khiến cho Chúa chúng ta cứ tiếp tục trải qua mọi đòi hỏi theo phần xác thể và cảm tính khi Ngài bị bắt, bị thử thách và bị đóng đinh trên thập tự giá, mà sự ấy cũng cung ứng thêm cho Ngài sức để trải qua đêm cầu nguyện. Cho nên, sau khi Ngài được thêm sức rồi, Chúa Jêsus đã quay trở lại với sự cầu nguyện của Ngài ở trong Vườn, Ngài cầu nguyện, như Luca đang nói cho chúng ta biết, thậm chí “càng thiết” hơn (22.44).
Sự thương khó của Chúa chúng ta không những là Ngài, theo nhân tính, đang tranh đấu với những thực tại bẩn thỉu của thập tự giá. Đó là sự thương khó siêu nhiên, sự thương khó có một không hai, không có chi ví sánh được, sự thương khó của Người-Trời vô tội, chỉ một mình Ngài mới có thể dò được những sâu thẳm sự công bình của Đức Chúa Trời, tội lỗi của con người, và lượng thạnh nộ thiêng liêng mà mọi điều nầy đòi hỏi. Chúa Jêsus được thêm sức một cách siêu nhiên vì Ngài đã chịu khổ một cách siêu nhiên. Chúng ta gán cho Ngài một sự bất công rất lớn khi ví Ngài với chúng ta, và những sự thương khó của Ngài với sự đau khổ của chúng ta trong một bối cảnh như thế.
MỘT SỰ GIẢI THÍCH VÀ MỘT LỜI QUỞ TRÁCH (22.45-46)
“Cầu nguyện xong, Ngài đứng dậy trở lại cùng các môn đồ, thấy đương ngủ mê vì buồn rầu. Ngài phán rằng: Sao các ngươi ngủ? Hãy đứng dậy cầu nguyện, để cho khỏi sa vào sự cám dỗ”.
Hai câu cuối cùng kết thúc tiểu đoạn nói về Vườn Ghếtsêmanê và dẫn chúng ta vào ngay điểm Chúa chúng ta bị bắt bớ. Trong câu 47, Luca tiếp tục nói cho chúng ta biết chính Chúa Jêsus đang phán ra những lời nầy (hai câu 45-46) khi Giuđa cùng toán lính đi bắt vừa đến bối cảnh ấy. Trong phần mô tả chung toàn thể các môn đồ, Luca cho chúng ta biết rằng khi Chúa Jêsus trở lại địa điểm mà các môn đồ Ngài cần phải “thức canh và cầu nguyện”, Ngài thấy họ đang nằm ngủ. Một mình Luca cho chúng ta biết rằng giấc ngủ của họ là do sự buồn rầu. Không những đây là một sự mệt mỏi theo phần xác, hoặc là trễ giờ, chớ không phải là hờ hững đâu. Các môn đồ, tôi tin (đối chiếu “tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối” Mác 14.38) họ mong muốn được ở lại để “thức canh” với Ngài, nhưng không thể được. Nỗi buồn bực của họ, có lẽ là điều đối với họ thật là dễ hiểu hay dễ công nhận, là quá lớn đối với họ.
Tuy nhiên, các môn đồ không hoàn toàn được miễn trừ tình trạng yếu đuối của con người họ, rồi vì thế mới có lời quở trách sau cùng của Cứu Chúa trong câu 46. Họ đã bị thúc giục, một lần sau cùng, phải tỉnh thức, phải đứng lên, và phải cầu nguyện để họ không sa vào sự cám dỗ. Tuy nhiên, không còn có lần nào khác nữa, vì Giuđa giờ đây đã đến, cùng với một nhóm người có vũ trang đầy đủ, họ đang đến nơi Chúa Jêsus, có lẽ họ xem Ngài là một tên tội phạm, tên cướp rất nguy hiểm.
KẾT LUẬN:
Phân đoạn nầy rất ngắn, thực ra nó rất là nặng nề. Tôi thấy trong lòng mình chùng xuống khi đọc xong phân đoạn ấy. Chúng ta hãy xét xem một vài hàm ý và ứng dụng của phân đoạn Kinh Thánh mà chúng ta đang kết thúc.
Thứ nhứt, nỗi thống khổ của Chúa Jêsus không những là cuộc tranh đấu nơi phần nhân tính của Ngài với những đau đớn của thập tự giá về mặt xác thể, còn thần tính và nhân tính của Chúa Jêsus không thể tách rời được đang nhắm vào nỗi thống khổ của đồi Gôgôtha. Ấy không phải nhân tính của Chúa Jêsus đang chiếm ưu thế trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, mà là nhân tính của các môn đồ. Chính nhân tính và thần tính của Ngài, sẽ chịu chết cho con người, đang nằm trong tiêu điểm. Đó là sự thương khó siêu nhiên đang nằm trong tầm nhắm ở đây.
Thứ hai, lượng thống khổ của Đấng Christ tại vườn Ghếtsêmanê là lượng tình trạng tội lỗi của con người cùng những hậu quả thảm khốc và đau đớn của nó. Chúng ta đã đọc câu: “tiền công của tội lỗi là sự chết”, nhưng câu nói nầy lấy theo ý nghĩa sâu sắc nơi ánh sáng của Vườn Ghếtsêmanê.
Thứ ba, lượng thống khổ của Đấng Christ tại Vườn Ghếtsêmanê là lượng thống khổ mà Đấng Christ đã gánh chịu khi mang lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên tội nhân tại đồi Gôgôtha. Tình trạng rộng lớn sự thương khó của Đấng Christ tại Vườn Ghếtsêmanê tỉ lệ thuận với nỗi đau khổ mà những người nam người nữ chưa được cứu sẽ đối diện với trong địa ngục, khi họ uống “cái chén” thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Lẽ đạo về sự làm hoà đang nhắm vào lãnh vực nầy, lẽ đạo ấy nhấn mạnh sự thật Chúa Jêsus đang gánh lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trên thập tự giá, làm thoả mãn cơn giận công bình của Ngài, hầu cho loài người được hoà thuận lại với Đức Chúa Trời.
Thứ tư, lượng thống khổ của Đấng Christ tại Vườn Ghếtsêmanê là lượng tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho hạng tội nhân, là điều đã khiến cho Ngài phải chịu chết để chúng ta được sống. Tác giả viết nhạc thánh ca đã đúng khi ông viết: “Tình yêu ấy kỳ diệu dường bao …?” Thực vậy, chính tình yêu đáng kinh ngạc đó đã khiến cho Con Đức Chúa Trời phải tình nguyện theo đuổi con đường đau khổ dẫn tới thập tự giá. Nếu quí vị thấy bối rối bởi tư tưởng về một Đức Chúa Trời giận dữ và về địa ngục, đừng quên rằng cũng chính Đức Chúa Trời nầy đã gánh lấy cơn thạnh nộ của chính Ngài vì hạng tội nhân. Người nào gánh chịu hình khổ của địa ngục sẽ phải chịu thế vì họ đã chọn chối bỏ tình yêu của Đức Chúa Trời là tình yêu sẽ đem lại ơn cứu rỗi trên thập tự giá cho mọi người nào chịu tiếp nhận thập tự giá ấy.
Thứ năm, phân đoạn Kinh Thánh nầy nói rõ rằng những gì Chúa Jêsus đã làm để đạt được sự cứu rỗi cho con người, Ngài đã làm một mình. Các môn đồ không hiểu Chúa Jêsus đã làm gì!?! Họ đã tìm cách chống cự lại khi sự ấy sắp sửa diễn ra, bằng cách rút gươm ra. Họ không thức canh và cầu nguyện với Cứu Chúa. Họ không cùng Ngài chịu khổ trong giờ của Ngài. Chúa Jêsus đã chịu khổ và đã chịu chết một mình, không có ai trợ giúp, thậm chí là các môn đồ gần gũi, thân cận nhất của Ngài. Những gì Đấng Christ đã làm, Ngài đã làm bất chấp con người, không phải vì cớ họ.
Thứ sáu, sự thương khó của Chúa chúng ta là sự thử nghiệm, là tiêu chuẩn, cho mọi sự đau khổ khác. Hãy để cho những ai đang nghĩ họ đã chịu khổ cho Đức Chúa Trời đặt nỗi đau khổ của họ song song với nỗi thương khó của Ngài, như đã được mô tả ở đây. Tác giả thơ Hêbơrơ nhắc cho độc giả của họ nhớ rằng họ chưa chịu khổ đến nỗi đổ huyết ra (Hêbơrơ 12.4). Còn nỗi đau khổ của ai mới xấp xỉ với sự thương khó của Ngài? Chúng ta có làm hết sức trong nỗi đau khổ của chúng ta chỉ để kiếm được ý thức về mối thông công với Đấng Christ và sự thương khó của Ngài, có ít người ý thức được những gì Ngài đã chịu đựng vì chúng ta (đối chiếu Philíp 3.10). Sự thương khó của Ngài chắc chắn sẽ làm câm nín mọi sự than phiền của chúng ta vì đã bỏ mọi sự mà theo Ngài.
Sau cùng, chúng ta được nhắc nhớ về quyền năng của sự cầu nguyện. Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, sự cầu nguyện không cứu chúng ta ra khỏi sự thương khó, nhưng nó đã giúp Ngài vượt qua nó. Vì thế chúng ta thường cầu nguyện rằng Đức Chúa Trời sẽ đưa chúng ta ra khỏi nghịch cảnh, đúng hơn là vượt qua nghịch cảnh đó. Cầu nguyện là một trong những sự tiếp trợ chủ yếu của Đức Chúa Trời cho sự nhịn nhục và bền đỗ của chúng ta. Lời lẽ của Ngài dành cho các môn đồ cũng ứng dụng cho chúng ta nữa: “Hãy cầu nguyện hầu cho các ngươi không sa vào sự cám dỗ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét