Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Luca 5.1-11: " LÀM THỂ NÀO CHÀI ĐƯỢC MỘT NGƯ PHỦ"



Phần giới thiệu
Tìm hiểu phép lạ nầy
Bối cảnh của phép lạ (5.1-3).
Mẻ lưới của trọn một đời (5.4-7).
Đáp ứng của môn đồ (5.8-11).
Phần kết luận
BÀI 15
LÀM THỂ NÀO CHÀI ĐƯỢC MỘT NGƯ PHỦ
(Luca 5.1-11)
Phần giới thiệu
Cuối tuần qua tôi có mặt ở Grand Rapods, Michigan, tôi đến giảng cho một nhà tù. Khi tôi đến nơi, Giám đốc nhà tù là Mark Ecklesdafer, đã ra đón tôi tại phi trường. Khi ấy nhằm vào giờ ăn trưa, chúng tôi ăn nhẹ vài thứ rồi xuống dòng sông xem một loại cá lai giống như cá hồi, chúng đang tìm cách nhảy vào bể nước, trong khi lội ngược dòng để đẻ trứng. Mark là một ngư phủ rất ham đánh bắt cá, và vì thế ông ta và tôi đứng quan sát hai mươi hoặc trên hai mươi tay đánh cá, họ đang đứng trên dòng sông, để đánh bắt loại cá nầy. Có nhiều người dùng câu, nhưng không một ai đánh bắt được trong khi chúng tôi quan sát. Tuy nhiên, chúng tôi thấy người ta đã bắt được một số cá dọc theo bờ sông, họ xỏ cá vào một sợi dây hoặc cột vào một cái cọc cạnh bờ sông.
Khi tôi đến ngồi đó, cạnh bờ sông vào một ngày đẹp trời, tôi không thể làm gì khác hơn là nghĩ đến phân đoạn Kinh Thánh nầy trong tin lành Luca, đây là phân đoạn Kinh Thánh mà tôi sẽ giảng dạy vào tuần tới đây. Tôi quyết rằng không một ai có thể thực sự tán thưởng phép lạ mà Chúa chúng ta đã làm ở đây nếu người ấy [nam hay nũ] đúng là một tay câu cá. Một tay câu cá thực sự là một người rất bền đỗ trong công việc của mình trải qua nhiều giờ, với khả năng kiếm được một mẻ lớn. Mark nói cho tôi biết vợ của ông có khi đã hỏi ông: “Làm sao mà anh có thể đứng ở trong nước nhiều giờ với hy vọng chỉ bắt được một con cá thôi sao?” Câu trả lời của ông, là câu trả lời mà bất kỳ một tay câu cá nào cũng có thể đồng ý với, đó là: “Dễ thôi”.
Câu chuyện nói về mẻ lưới lớn nầy còn hơn cả câu chuyện nói về một mẻ lưới, vì theo phân tích sau cùng, đây không phải là cá bị mắc lưới, mà là những tay đánh lưới mới là những kẻ bị mắc lưới, đó là Simôn Phierơ và em của ông là Anhrê, cùng các đồng nghiệp của họ là Giacơ và Giăng. Từ điểm nầy trở đi, Luca thông báo cho chúng ta biết, những người nầy đã rời bỏ công việc của họ là tay đánh cá mà đi theo Chúa Jêsus bất cứ đâu Ngài đi đến. Sự cố nầy vì lẽ đó là một trong những điểm xoay chiều trong đời sống của các môn đồ và trong những câu chuyện tin lành nói tới đời sống và chức vụ của Chúa chúng ta. Cho nên Phierơ, Giacơ và Giăng, ba tay đánh cá có ghi tên tuổi ở đây, ba người nầy được ơn chứng kiến những biến cố mà các môn đồ khác không nhìn thấy (thí dụ, sự hoá hình của Chúa chúng ta, đối chiếu Luca 9.28).
Tìm hiểu phép lạ nầy
Với cái nhìn đầu tiên, hai phân đoạn Kinh Thánh dường như là hai câu chuyện rất giống với câu chuyện của Luca trong chương 5, câu 1-11. Hai phân đoạn nầy là Mathiơ 4.18-22 và Mác 1.13-20. Câu chuyện của Mathiơ viết như sau:
“Khi Ngài đang đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, thấy hai anh em kia, là Si-môn, cũng gọi là Phi-e-rơ, với em là Anh-rê, đang thả lưới dưới biển, vì hai anh em vốn là người đánh cá. Ngài phán cùng hai người rằng: Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người. Hai anh em liền bỏ lưới mà theo Ngài. Từ đó đi một đỗi xa xa nữa, Ngài thấy hai anh em khác, là Gia-cơ, con của Xê-bê-đê, với em là Giăng, đang cùng cha mình là Xê-bê-đê vá lưới trong thuyền; Ngài bèn gọi hai người. Tức thì hai người đó bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài” (Mathiơ 4.18-22).
Những điều khác biệt giữa hai câu chuyện của Mathiơ và Mác có khác biệt với câu chuyện của Luca đến nỗi tôi không thể xem hết thảy các phân đoạn nầy là phần mô tả cùng một biến cố.
Thực ra, có một số lời kêu gọi các môn đồ, có vài chặng cam kết đã phản ảnh lại trong các sách tin lành. Một trong những chìa khoá để hiểu rõ các biến cố trong chương 5 sách Luca là công nhận có một quá trình lôi kéo các môn đồ.
Từ dữ liệu của các sách tin lành khác cho thấy sự kêu gọi đó [sự kêu gọi các môn đồ trong Luca 5.1-11] có lẽ hoàn toàn rất sớm sủa trong chức vụ tại xứ Galilê, nhưng sau lần gặp gỡ đầu tiên của Chúa với Phierơ, Giăng, Anhrê và nhiều môn đồ khác nữa (Giăng 1.35-52). Đây cũng là dịp xảy ra sau lần đầu tiên kêu gọi Phierơ và các môn đồ khác trở thành môn đồ của Chúa Jêsus (Mathiơ 4.18, Mác 1.16…). Từ đây, mặc dù họ đã theo Chúa Jêsus trong lần kêu gọi đầu tiên, họ vẫn chưa theo Ngài với một tư thế trọn vẹn và vô điều kiện. Họ chỉ theo Chúa bán thời gian, thời gian còn lại họ lo công việc đánh cá cho tới sự lựa chọn phải ra đi sau cùng đã được thực hiện và họ đã đi theo Chúa Jêsus (câu 11).
Khi tôi hiểu quá trình kêu gọi các môn đồ từ các sách tin lành, thì đây chính là hậu quả của các biến cố:
(1) Theo ý kiến của Giăng - “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời!” (Giăng 1.36) và lời mời gọi của Chúa Jêsus – “Hãy đến xem” (Giăng 1.39), Simôn và Anhrê đã theo Chúa Jêsus trong ngày đó. Qua ngày sau, Philíp và Nathanaên đã được mời gọi – “Hãy theo Ta” (Giăng 1.43). Với những người nầy (và các môn đồ khác) Chúa Jêsus đã đến dự tiệc cưới tại Cana (Giăng 2.2), và làm chứng cho người thành Samari (Giăng 4).
(2) Chúa Jêsus kêu gọi bốn môn đồ là ngư phủ (Phierơ, Anhrê, Giacơ và Giăng) đi theo Ngài (Mathiơ 4.18-22; Mác 1.16-20), họ đi theo, nhưng vẫn chưa bỏ nghề đánh cá, họ vẫn còn hành nghề ấy.
(3) Chúa Jêsus làm cho thuyền đầy những cá. Từ thời điểm nầy trở đi các môn đồ rời bỏ thuyền và nghề đánh cá của họ mà đi theo Chúa Jêsus mọi nơi (Luca 5.1-11).
(4) Chúa Jêsus cũng kêu gọi Lêvi, ông đã lìa bỏ công việc mình (Mathiơ 9.9; Mác 2.14; Luca 5.27-28).
(5) Ngay thời điểm nầy, các môn đồ khác được kêu gọi, nhưng sự kêu gọi nầy không được ghi lại trong các sách tin lành.
(6) Có nhiều người tìm kiếm Chúa Jêsus, họ muốn đi theo Ngài. Ngài khích lệ những ai đã theo Ngài, nhưng đã chỉ ra rõ ràng cái giá của chức năng môn đồ (Mathiơ 8.18-22).
(7) Sau một đêm cầu nguyện (Luca 6.12), Chúa Jêsus đã chỉ định 12 môn đồ làm sứ đồ của Ngài (Luca 6.13, đối chiếu Mathiơ 9.1-8; Mác 3.13-19; Luca 6.12-19).
Bối cảnh của phép lạ (5.1-3)
Chúa Jêsus đang đứng bên bờ biển Galilê, nơi Luca gọi là “hồ Ghênêxarết” (câu 1). Chung quanh Ngài một đoàn dân đông đã nhóm lại, họ lắng nghe Ngài rao giảng Lời của Đức Chúa Trời, bên kia đoàn dân đông đó là biển Galilê, và hai chiếc thuyền đang neo bên bờ hồ. Một chiếc là của Phierơ (câu 3), và chiếc kia là của Giacơ và Giăng (các câu 7, 10). Bốn tay ngư phủ nầy không có mặt giữa đám đông đó. Thay vì thế, họ đang giặt lưới của họ (câu 2). Họ đã tốn cả đêm đánh cá mà chẳng được gì (câu 5).
Điều đáng ngạc nhiên trong bối cảnh nầy: ấy là đoàn dân đông kia dường như đang đứng gần gũi với Chúa chúng ta, và tương tự đoàn dân đông đó dường như cũng đứng quá xa. Quý vị sẽ nghĩ rằng các môn đồ, Phierơ và Anhrê, Giacơ và Giăng, họ đã tốn thật nhiều thì giờ với Chúa Jêsus, là ba người ở vòng trong cùng, gần gũi nhất với Chúa. Thay vì thế, đoàn dân đông đã lấn ép Chúa, và các môn đồ đang đứng ở một khoảng cách xa, đang lo làm công việc, đang giặt lưới của họ. Không nghi ngờ chi nữa, họ đang quan sát với một sự thích thú khi họ giặt lưới, nhưng họ bị tách riêng ra đối với Chúa và đối với đoàn dân đông một cách đáng ngạc nhiên.
Sự xuất hiện của Chúa Jêsus tại hồ, theo ý kiến của tôi, không phải là một sự trùng khớp ngẫu nhiên đâu. Tôi tin rằng Ngài đã dự trù có mặt ở đó, Ngài biết rõ các môn đồ sẽ có mặt tại đó. Không phải là tình cờ mà Chúa chúng ta đã bước lên chiếc thuyền, và Ngài giảng dạy từ đó, là chiếc thuyền của Phierơ (câu 3). Chúa Jêsus dường như làm thế để lời nói của Ngài có tác động và có hiệu quả hơn, cũng như cung ứng một lối thoát ra khỏi đám đông khi Ngài giảng xong. Tuy nhiên, tôi tin rằng Chúa Jêsus đang tìm kiếm các môn đồ. Đấy là lúc để họ gắn bó với Ngài hơn, cùng đi với Ngài bất cứ đâu Ngài đi đến. Đây là thời điểm dành cho một cấp độ đầu phục và gắn bó. Sự xuất hiện tại bờ hồ ngày ấy có mục đích bày tỏ ra quyết định thay đổi cuộc sống nơi phần của Phierơ và các đồng nghiệp của ông. Chúa Jêsus tạm thời sử dụng chiếc thuyền làm toà giảng của Ngài, nhưng Ngài đã dự trù biến những ngư phủ trở thành tay đánh lưới người.
Mẻ lưới của trọn một đời (5.4-7)
Các môn đồ rõ ràng đã giặt xong lưới và có lẽ đã đem phơi trên thuyền để cho lưới được khô. Chúa Jêsus khi ấy đã giảng xong bài giảng của mình, Ngài yêu cầu Phierơ đem thuyền ra khỏi bờ một chút, và thả lưới mà đánh cá. Hãy chú ý lời lẽ của Chúa chúng ta:
“Hãy chèo ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá” (Luca 5.4).
Chúa Jêsus không đưa ra một đề nghị; Ngài đưa ra một mạng lệnh. Và Ngài không ra lệnh cho các môn đồ phải thả lưới để thử đánh cá đâu, Ngài đã ra lệnh cho họ phải thả lưới để có một mẻ cá. Nói cách khác, Chúa Jêsus đang sử dụng cả hai: một mạng lệnh và một lời hứa. Lời hứa là sẽ có một mẻ cá. Và đúng là một mẻ cá!
Lời lẽ của Phierơ để lộ ra một sự dè dặt, có lẽ có một chút tức tối:
“Thưa thầy, chúng tôi đã làm suốt đêm không bắt được chi hết; dầu vậy, tôi cũng theo lời thầy mà thả lưới” (Luca 5.5).
Trong chỗ thứ nhất, lời nói của Phierơ cho thấy rằng ông cùng các bạn đồng nhiệp đã mệt mỏi lắm rồi. Họ đã chịu khó làm việc suốt cả dêm. Hơn thế nữa, họ vừa mới giặt lưới xong. Họ lại sẽ phải giặt lưới nữa. Thứ hai, Phierơ tỏ ra mọi nổ lực của họ đều đã vô ích. Ban đêm là thời điểm tốt nhất để đánh bắt cá. Nếu họ chẳng bắt được gì suốt cả đêm, thì làm sao họ có thể bắt được gì vào ban ngày, là thời điểm rất khó mà đánh bắt được cá. Thứ ba, có một mắc mứu cho sự kích thích ở đây. Có phải Chúa Jêsus, là một người thợ mộc, đã nghĩ rằng Ngài biết rõ về cá hơn mấy ngư phủ nầy không? Mạng lệnh của Ngài dường như quê mùa quá.
Phierơ đã động lòng và lấy lưới xuống, nhưng dường như ông tự trấn an mình về thất bại mà ông nghĩ là chắc chắn. Quý vị hầu như ngạc nhiên nếu như Phierơ không muốn thất bại trong chuyến mạo hiểm nầy, vì vậy ông đã cung ứng cho Chúa Jêsus thấy được điều: “Con đã bảo Chúa rồi mà”. Có bao nhiêu lần Phierơ đã có cơ hội minh chứng Chúa Jêsus là sai lầm. Chắc chắn trong việc đánh bắt cá, ông là một chuyên gia. Chúa Jêsus là Thầy, và vì vậy lời của Ngài đáng được tuân theo, cho dù có sự đối kháng.
Kết quả xảy ra không thể tin được. Có những câu chuyện mà hết thảy các ngư phủ đều muốn trao đổi, về những mẻ lưới cá ngon lành, nhưng lần vượt trội nầy lấn át hết những gì Phierơ đã từng nghe nói! Mẻ lưới thật là đầy. Chúng bắt đầu muốn đứt ra. Họ đã kêu bạn đồng nghiệp đến giúp, và thậm chí với hai chiếc thuyền, mẻ lưới lớn đến nỗi cả ai chiếc thuyền hòng chìm. Mẻ lưới của trọn một đời đã được thực hiện. Và đây là lúc phải “chài” mấy tên ngư phủ nầy.
Đáp ứng của môn đồ (5.8-11)
Mỗi phép lạ đều có mục đích của nó, và phép lạ nầy không nằm ngoài ngoại lệ đó. Có một “mẻ lưới” cho câu chuyện, và nó đã được phơi bày. Simôn Phierơ là nhà lãnh đạo và là phát ngôn viên cho nhiều người khác. Ngay lập tức ông đã đáp ứng (luôn luôn là vậy) bằng cách sấp mình nơi chân của Chúa Jêsus, ông nói:
“Lạy Chúa, xin ra khỏi tôi, vì tôi là người có tội” (Luca 5.8).
Phủ phục xuống nơi chân của Chúa Jêsus là một hành động của sự hạ mình và thờ lạy. Phierơ đã làm việc trong lãnh vực mà ông rất thành thạo. Bây giờ ông đã nhìn thấy Chúa Jêsus theo một ánh sáng hoàn toàn khác. Jêsus là Chúa, và ông chỉ là một con người tội lỗi. Trong câu 5, Chúa Jêsus đã được Phierơ xưng là Thầy, còn bây giờ Ngài là Chúa của Phierơ. Sự chuyển đổi từ ngữ là tín hiệu cho thấy một sự thay đổi thình lình nơi phần nắm bắt của Phierơ đối với quyền phép và sự cao trọng của Chúa Jêsus.
Phierơ không những đã xưng ra sự cao trọng (và có lẽ là sự thánh khiết) của Chúa chúng ta, mà còn xưng ra tình trạng tội lỗi của ông nữa. Có phải trong cơ hội đặc biệt nầy, khi phép lạ nầy được thực thi đã khiến cho Phierơ nhìn nhận tình trạng tội lỗi của mình không? Phierơ đang xưng điều chi là tội lỗi vậy? Tôi tin rằng câu chuyện cung ứng cho chúng ta những manh mối cần thiết để hiểu rõ lời xưng nhận của Phierơ. Phierơ đã nhìn thấy sự đối kháng và dè dặt của mình khi vâng theo mạng lệnh của Chúa phải đem lưới thả xuống là tội lỗi. Phierơ nghĩ ông là người rất thành thạo, nhưng giờ đây ông đã nhìn thấy Jêsus cũng là Chúa của biển cả nữa. Phierơ đã không chắc họ có thể đánh được một mẻ cá lớn, và sợ rằng mọi nổ lực của mình sẽ ra hư không. Bây giờ ông đã nhìn thấy quyền tể trị của Chúa và tội lỗi của ông.
Lời xưng nhận của Phierơ thật đáng phải để ý. Ngay thời điểm Phierơ đến gần Chúa hơn bao giờ hết, duờng như ông muốn thúc giục Chúa nên rời khỏi ông. Phierơ đã rời khỏi Chúa Jêsus, nhưng tình cảm của ông và nỗi lo sợ ngày càng tăng nơi ông đã ngăn cản ông làm như thế. Sự việc giống như loài thiêu thân và ngọn lửa vậy. Ông không thể đi đâu xa, mà chỉ đến gần thêm hơn. Nếu tội lỗi đẩy một cái nêm vào giữa ông và Chúa, nó sẽ làm cho Chúa là Đấng phải tránh xa ra, chớ không phải Phierơ.
Tôi dám nói, lần đầu tiên trong tin lành của Luca mà bất kỳ ai cũng đều nhìn thấy đây là một trong các phép lạ của Chúa chúng ta. Trước đó, người ta đã lấy làm lạ nơi quyền phép và sự dạy dỗ của Ngài rồi, song chẳng có ai dám kết luận, như Phierơ đã kết luận, rằng Chúa Jêsus là người công bình, đến nỗi ông phải khốn khổ như vậy. Sự khải thị cho Phierơ nhìn thấy ông là một tội nhân là điều cần thiết cơ bản, và Phierơ có tài phân biện nên mới nhận ra sự thực nầy lần đầu tiên trong tin lành của Luca. Ba môn đồ kia có công nhận tội lỗi của chính họ do hậu quả của phép lạ nầy hay không thì chúng ta không biết rõ, nhưng Luca nói rõ ràng rằng hết thảy họ đều kinh ngạc và tràn ngập cảm xúc khi lấy làm lạ qua việc nhìn thấy những gì Chúa đã làm (Luca 5.9-10).
Đáp ứng của Chúa chúng ta rất khó hiểu, vì lời dạy của Ngài không thấy có quan hệ rõ ràng nào với lời xưng nhận của Phierơ.
“Đừng sợ chi, từ nay trở đi, ngươi sẽ nên tay đánh lưới người” (Luca 5.10).
Phierơ vừa mới tuyên xưng mình là tội nhân, và đã làm chứng cho sự cao trọng của Chúa mình. Chúa Jêsus đã đáp ứng bằng một mạng lệnh đừng sợ hãi, và một lời hứa là ông sẽ trở nên tay đánh lưới người. Lời đáp của Chúa chúng ta có phù hợp với những điều mà Phierơ mới vừa nói ra chăng? Tôi tin rằng nỗi sợ của Phierơ có thể thấy trong ba lãnh vực, và lời đáp của Chúa chúng ta cho Phierơ cung ứng cho ông đầy hy vọng trong mỗi lãnh vực.
Thứ nhất, tôi tin Phierơ rất sợ phải bỏ nghề đánh cá để đi theo Chúa Jêsus. Hãy chú ý sự đối ngược giữa hai câu đầu và câu cuối của phân đoạn Kinh Thánh trên. Câu chuyện bắt đầu bằng sự mô tả đoàn dân đông vây quanh Chúa Jêsus, trong khi mấy người ngư phủ thì đứng ở xa xa, họ đang giặt lưới – đang lo làm công việc. Khi câu chuyện được Luca kết thúc ở câu 11 các môn đồ đã bỏ hết mọi sự mà đi theo Chúa Jêsus:
“Đoạn, họ đem thuyền vào bờ, bỏ hết thảy mà theo Ngài” (Luca 5.11).
Trong một vài trường hợp, trải qua một thời gian, Chúa Jêsus đã mời Phierơ cùng các bạn ngư phủ của ông đi theo Ngài. Tôi không nghĩ rằng lời mời mọc của Chúa chúng ta chỉ có trong một thời gian ngắn đâu. Tôi tin rằng mấy người nầy vốn hiểu rõ mọi hàm ý trong lời mời gọi của Chúa Jêsus, nhưng rất sợ phải bỏ công ăn việc làm của họ mà theo Ngài đi bất cứ đâu Ngài đi. Tuy nhiên, điều nầy là cần thiết, vì Chúa Jêsus đã phục vụ rộng lớn hơn là chỉ trong xứ Galilê, xung quanh biển Galilê, nơi mà họ đã đánh bắt cá.
Điều chi đã khiến cho Phierơ và ba ngư phủ kia dám bỏ thuyền và công ăn việc làm của họ chứ? Tôi tin rằng tôi đang đọc một phân đoạn Kinh Thánh, nhưng tôi ngờ rằng họ đang có lòng lo một vấn đề thực tế: làm sao chu cấp cho mình và cho gia đình họ đây!?! Mấy người nầy càng ở với Chúa Jêsus lâu chừng nào, họ càng muốn ở lâu với Ngài suốt đời. Nhưng quý vị thấy đấy, họ đã có nhiều trách nhiệm và các bổn phận về tài chánh cũng phải xem xét nữa. Tôi có thể nhìn thấy Phierơ đang nói với vợ mình (tên của người không có ghi lại trong Kinh Thánh, tôi không biết tại sao?) rằng ông thích đi với Chúa Jêsus khi Ngài đi đây đi đó, nhưng còn công ăn việc làm… Bà có thể phản kháng: “Nhưng nầy Phierơ, làm sao chúng ta có thể trả tiền các hoá đơn? Con cái cần quần áo, mái nhà cần phải tu sửa, và anh biết chúng ta còn phải chăm sóc cho mẹ em nữa…”.
Dĩ nhiên, đây là những vấn đề rất thực tế. Song phép lạ đầy những cá nầy đã bày ra theo một phương thức rất khó mà quên được, cho thấy Jêsus không những đáng tin cậy là Giáo sư, là Tiên tri, là Đấng làm phép lạ của Ysơraên, mà còn là Đấng Tiếp Trợ Vĩ Đại của họ nữa. Với mẻ lưới khó quên nầy, Chúa Jêsus đã tỏ ra rằng Ngài có quyền tiếp trợ. Ngài tể trị trong vấn đề công ăn việc làm, cũng như trong mọi vấn đề khác. Với phép lạ nầy trong nổi sợ hãi của Phierơ về việc đi theo Chúa Jêsus đã tan biến đi. Với mẻ lưới cá thật lớn đó, ông cùng với mấy bạn đồng nghiệp đã bước đi mà chẳng có một nghĩ suy, đắn đo gì hết. Mọi nỗi sợ hãi họ hay có, và hay ngăn trở họ đã tan biến đi với mẻ lưới cá thật lớn đó. Trong mẻ cá kỳ diệu nầy Chúa chúng ta cũng giàu ơn cung ứng một sự giải thoát về mặt tâm lý đối với nghề đánh cá. Một số người trong quý vị không phải là ngư phủ có lẽ không bao giờ tán thưởng một cách trọn vẹn bỏ nghề đánh cá quả thật khó là dường nào. Quý vị luôn luôn bị lôi cuốn bởi khả năng đánh được một mẻ cá lớn. Bỏ nghề đánh cá mà không có một mẻ lưới lớn sẽ để lại một sự vô vị nơi mấy ngư phủ nầy. Mỗi lần họ nghe nói nghề đánh cá là cao quý họ sẽ có những tư tưởng phụ thuộc ngay. Với mẻ cá nầy, một mẻ cá phá vỡ mọi thành tích, sự nghiệp đánh cá sẽ còn mãi cho đến đời đời. Không một ai đã từng đánh được một mẻ lưới như thế. Họ rời bỏ hoàn toàn đang khi họ còn có thể vượt trội hơn. Đúng là cách để rút lui! Đức Chúa Trời giàu ơn dường bao khi sắp xếp cho một sự thay đổi cơ nghiệp theo cách nầy.
Thứ hai, tôi tin rằng Phierơ cùng mấy bạn đồng nghiệp mình rất lo lắng về việc bắt đầu một sự nghiệp hoàn toàn mới. Không những sự kêu gọi đi theo Chúa Jêsus đòi hỏi mấy ngư phủ nầy phải rời bỏ công ăn việc làm của họ, sự kêu gọi ấy đòi hỏi họ phải bắt đầu một sự nghiệp hoàn toàn mới. Chúa Jêsus đã ví sánh sự nghiệp mới của các môn đồ với sự nghiệp cũ. Trong cả hai trường hợp, việc của họ đều là đánh lưới. Có một sự liên tục trong phần việc của họ. Dường như công việc thứ nhất đã chuẩn bị cho họ để nắm lấy phần việc thứ hai. Nhưng còn hơn thế nữa, Chúa Jêsus đã ban cho mấy người nầy lời hứa rằng họ sẽ trở nên tay đánh lưới người, một lời hứa đặt theo ánh sáng của một mẻ lưới thật lớn, kể cả việc trở thành tay đánh lưới người rất thành công. Thật dễ dàng rời bỏ một phần việc để rồi quý vị sẽ nêu lên được một thành tích cho một thế giới mới, để nắm lấy một phần việc khác, mà quý vị đã được đảm bảo sẽ thành công. Cách ứng xử của Chúa chúng ta đối với các môn đồ nầy thật giàu ơn dường bao!
Thứ ba, phần Phierơ rất lo lắng vì ông đã công nhận tội lỗi của mình và sự công bình của Chúa. Lời lẽ của Phierơ: “Lạy Chúa, xin ra khỏi tôi”, cho thấy sự tỉnh thức của ông: một Đức Chúa Trời thánh khiết không thể có một mối giao thông mật thiết với hạng người tội lỗi. Trong khi Phierơ chẳng có một mong muốn nào rời khỏi Chúa, ông không biết làm thể nào ông có thể bước vào một mối giao thông mật thiết với tội lỗi to tát của ông cho được. Chúa chúng ta không trả lời đầy đủ cho sự bất bình của Phierơ tại điểm nầy, Ngài chỉ bảo đảm cho ông bằng cách nói cho ông biết thôi đừng sợ hãi nữa mà thôi.
Điều khoản của Chúa đối với tội lỗi của Phierơ còn dư dật hơn là sự tiếp trợ của Ngài về cá. Sự tiếp trợ ấy sẽ được thiết lập tại đồi Gôgôtha, ở đấy Ngài sẽ chịu chết trong chỗ của hàng tội nhân. Mối giao thông và sự mật thiết với Đức Chúa Trời đã được cung ứng cách dư dật bởi sự chết mang tính cách hy sinh của Chúa. Còn quá sớm cho Phierơ để nhìn biết vấn đề nầy, và vì vậy ông đã được đảm bảo cho, mà chẳng cần có một chi tiết nào được đưa ra.
Phần kết luận
Ý NGHĨA CỦA TÌNH TIẾT NẦY ĐỐI VỚI PHIERƠ VÀ MẤY BẠN ĐỒNG NGHIỆP CỦA ÔNG:
Đối với Phierơ (và Anhrê), Giacơ và Giăng, ba người sẽ thiết lập nên vòng trong cùng của môn đồ Chúa Jêsus, sự kiện nầy chính là điểm xoay chiều. Họ đã đi theo Chúa Jêsus trước, nhưng chỉ phần nào thôi, chỉ trong một thời gian. Còn bây giờ, các môn đồ nầy đã đưa ra quyết định rời bỏ mọi sự nghiệp của mình mà đi theo Chúa Jêsus bất cứ đâu Ngài đi đến. Đây không phải là quyết định nhỏ nhoi đâu. Đây là cơn khủng hoảng của mọi sự nghiệp và là cơn khủng hoảng giữa đời kết hợp lại. Từ thời điểm nầy trở đi, Chúa Jêsus sẽ bắt đầu dốc đổ sự sống của Ngài càng hơn nữa vào trong các môn đồ nầy. Mọi góc cạnh mật thiết hơn giữa đời sống và chức vụ của Ngài giờ đây sẽ được chuyển qua cho họ.
Sự thay đổi kỳ lạ đang xảy ra ở đây đã được đánh dấu bằng sự nổi bật giữa sự khác biệt của các môn đồ và sự dâng mình của họ vào công ăn việc làm của họ ở câu 1-2 và sự tách ra khỏi việc làm đó trong câu 11 để trở thành môn đồ của Chúa Jêsus. Sự thay đổi ấy cũng được đánh dấu bằng sự đổi tên của Phierơ, từ Simôn (trước đó) thành Simôn Phierơ hay Phierơ.
Cũng có một sự thay đổi theo đường lối mà Chúa Jêsus đã nhìn thấy trong đó, và trong đó các môn đồ cũng tự nhìn thấy mình, như đã được tỏ ra bởi đáp ứng của Phierơ. Chúa Jêsus chỉ là “Thầy” trước đó, một trong những địa vị cao hơn, nhưng lại chưa được xem Ngài thực sự là Đấng nào. Từ bây giờ trở đi, Jêsus là “Chúa” đối với Phierơ cùng mấy bạn đồng nghiệp của ông. Và Phierơ, là người tự cho mình là chuyên gia, ít nhất trong nghề đánh cá, giờ đây chỉ thấy mình là một tội nhân trước mặt một Đức Chúa Trời thánh khiết. Đúng là một sự đổi thay!
Ý NGHĨA CỦA BIẾN CỐ NẦY ĐỐI VỚI CHÚNG TA
Trước khi chúng ta bắt đầu khám phá ý nghĩa của phân đoạn nầy, hãy để tôi làm rõ nét những điều tôi nghĩ phân đoạn Kinh Thánh không nói tới.
PHÂN ĐOẠN KINH THÁNH NẦY KHÔNG DẠY NHỮNG AI ĐẦU PHỤC ĐẤNG CHRIST PHẢI LÌA BỎ CÔNG ĂN VIỆC LÀM CỦA HỌ ĐỂ TRỞ THÀNH MÔN ĐỒ. Có rất nhiều Cơ đốc nhân cảm nhận mình chỉ là hạng Cơ đốc nhân phụ thuộc bởi vì họ chưa ở trong “sự phục vụ trọn thời gian”. Có nhiều người đã bước vào “sự phục vụ trọn thời gian” với ý niệm rằng điều nầy sẽ khiến cho họ trở thành hạng Cơ đốc nhân thuộc linh, quan trọng hơn. Kinh Thánh không dạy như vậy đâu, và phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta không dạy như thế, mặc dù có người đã kết luận sai theo kiểu trên đây.
Có phải môn đồ không cần bỏ công ăn việc làm [đời thường] của họ để đi theo Chúa Jêsus không? Họ không nên làm như thế! Nhưng tại sao? Đúng là thời điểm nầy, Chúa Jêsus [chỉ] hiện diện về phần xác ở trên đất. Nếu Chúa Jêsus cần có các môn đồ ở với Ngài và Ngài đã được kêu gọi để rao giảng những tin tức tốt lành nói về Nước Đức Chúa Trời cho khắp mọi nơi (đối chiếu Luca 4.43-44), thì mấy tay ngư phủ nầy không còn có cách nào để tiếp tục sự nghiệp đánh cá của họ tại biển Galilê nữa. Nhưng điều chúng ta phải nhìn thấy là sau sự chết, sự chôn, sự sống lại và sự thăng thiên của Chúa chúng ta, Ngài hiện đang có mặt với hết thảy các thánh đồ qua Đức Thánh Linh. Trong khi chúng ta cần phải rời bỏ nhà cửa và công ăn việc làm của mình để vâng theo sự hướng dẫn của Ngài mà lo rao giảng tin lành, chúng ta không cần phải rời bỏ một thứ gì hết hầu cho Ngài ở cùng và ở với chúng ta.
Trong các sách tin lành, chúng ta có thể nhìn thấy sự dè dặt của các môn đồ (được sử dụng theo ý nghĩa rộng rãi hơn, chớ không phải chỉ có 12 người, đối chiếu Luca 6.17; Công vụ các sứ đồ 6.1-2), cần phải tách biệt đối với Chúa Jêsus về phần thuộc thể. Họ thích Ngài cứ giữ sự hiện diện về phần xác với họ, song Chúa Jêsus đã từ chối, và nói cho họ biết “sự ra đi” của Ngài chắc chắn là điều tốt đẹp hơn (đối chiếu Giăng 16, các câu 6-7; 20.27). Các môn đồ không ra khỏi thành Giêrusalem cho tới chừng Chúa Jêsus đến ngự trong Hội thánh Ngài qua Đức Thánh Linh, bắt đầu vào ngày Lễ Ngũ Tuần và cứ tiếp tục cho tới ngày nay. Vì thế, chúng ta không cần phải lìa bỏ công ăn việc làm của mình để sống với Đấng Christ. Chúng ta thường đưa Đấng Christ đến với một thế giới sa ngã bằng cách sống và làm chứng cho Đấng Christ trong và qua công việc của chúng ta. Tình trạng thuộc linh (sự gần gũi với Đấng Christ) không được quyết định bằng cách chúng ta có những công ăn việc làm “đời thường” hay là không. Một người chỉ cần nhớ rằng sứ đồ Phaolô đã thường tự lo liệu cho bản thân mình nhờ công ăn việc làm rất “đời thường” nầy. Và bởi phương tiện làm việc bằng hai bàn tay của chính mình, ông đã làm gương cho mọi người khác (đối chiếu Công vụ các sứ đồ 20.33-35).
Vậy thì, phân đoạn Kinh Thánh dạy chúng ta điều chi? Phân đoạn Kinh Thánh nầy chủ yếu xử lý với vấn đề đi theo Chúa Jêsus. Có nhiều bài học cho chúng ta cần phải tiếp thu về việc đi theo Đấng Christ từ phân đoạn Kinh Thánh trên. Hãy để tôi lược qua một vài bài học:
Thứ nhất, phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta ám chỉ mạnh mẽ rằng đi theo Chúa Jêsus bắt đầu với sự nhìn biết những sự không xứng đáng và các nhu cầu của chúng ta. Những ai đã đến với Chúa và đi theo Ngài trong các sách tin lành là những kẻ đang ở trong nhu cần rất cấp bách. Chính mình Chúa Jêsus phán rằng Ngài đã đến để tìm và cứu kẻ bị hư mất, rằng Ngài không đến vì người mạnh khoẻ, mà đến vì người có bệnh. Cho nên, chính những kẻ thấy mình không xứng đáng mới là những kẻ chịu đi theo Đấng Christ. Chẳng có một nhu cần nào phải theo Đấng Christ nếu quý vị đang sống tốt đẹp và với mọi nổ lực của chính mình.
Chẳng có một sự trùng khớp nào có trước mẻ lưới thành công vào buổi sáng hôm ấy, theo mạng lệnh của Chúa Jêsus, đã có một đêm dài ngao ngán về “mẻ lưới thất bại” đêm trước đó. Lãnh vực duy nhất Phierơ cảm thấy tin cậy và khả năng trong đó: ông ỷ y mình là một chuyên gia trong nghề đánh bắt cá. Vì vậy Chúa Jêsus đã để cho họ có một đêm thất bại, theo sau là buổi sáng thành công quá sức tưởng tượng. Phierơ đã thất bại với sức riêng của mình, nhưng lại thành công dư dật trong sự tuân theo mạng lệnh của Đấng Christ. Người nào theo Chúa Jêsus là người phải thấy mình thất bại với sức của riêng mình. Sự xưng nhận quan trọng của Phierơ trong phân đoạn Kinh Thánh nầy cho thấy ông là một tội nhân và Đấng Christ là Đấng công bình. Khi lời xưng nhận nầy được nhậm, thì không có gì phải ngạc nhiên khi thấy tội nhân lìa bỏ đường lối của mình rồi chọn đi theo Đấng Christ. Thất bại là bước đầu tiên trong việc đi theo Đấng Christ. Người nào theo Đấng Christ phải thấy mình thất bại với sức riêng của họ. Người nào cảm thấy mình đầy đủ sẽ không xu hướng về Đấng Christ đâu.
Thứ hai, phân đoạn Kinh Thánh dạy chúng ta theo Chúa Jêsus đòi hỏi phải tin nơi Ngài là Cứu Chúa toàn năng. Nếu Phierơ cảm nhận mình thất bại trong nghề đánh cá và là một tội nhân trong cuộc sống, ông đã nhìn thấy Đấng Christ là Đấng đang tể trị, công bình và toàn năng. Hết thảy mọi nổi lo sợ của Phierơ đã tan biến đi khi ông nhìn biết sự đầy đủ của Đấng đã kêu gọi ông trở nên tay đánh lưới người. Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng toàn năng duy nhất. Đi theo Ngài sẽ được đảm bảo về điều khoản tha thứ mọi tội và được sự công bình; đi theo Ngài được đảm bảo về các nhu cần thuộc thể của chúng ta. Đi theo Ngài được đảm bảo về sự sống đời đời. Đi theo Ngài được đảm bảo về sự dẫn dắt thiêng liêng. Đi theo Ngài được đảm bảo về mọi sự có cần để làm theo ý chỉ của Ngài. Việc chúng ta thiếu đức tin không nắm bắt được sự nhơn từ và sự cao trọng của Đức Chúa Trời sẽ bị phát hiện ra, trong hầu hết mỗi trường hợp. Khi chúng ta nhìn biết Ngài là Đấng kêu gọi chúng ta phải đi theo, đức tin muốn đi theo Ngài đến thật dễ dàng. Không nhìn biết Đức Chúa Trời, chúng ta thấy đức tin của chúng ta thiếu thốn và bất toàn.
Thứ ba, Chúa chúng ta biết rõ mọi nỗi yếu đuối và sự vô tín của chúng ta, và ban cho chúng ta chứng cớ, nền tảng rõ ràng cho đức tin của chúng ta. Chúa Jêsus vốn biết rõ nổi rối loạn bên trong mà Phierơ cùng các bạn đồng nghiệp của ông đang gặp phải, Ngài biết rõ hơn là họ biết nữa. Thay vì mắng mỏ họ hay bắt ép họ phải theo Ngài với tư thế không tin và đầu phục có phân nửa, Chúa Jêsus đã thi hành một phép lạ làm cho mọi sự lo lắng của họ phải bốc hơi và là một chất xúc tác cho đức tin của họ. Đối với mấy người nầy, một mẻ lưới tràn đầy, gần rách và hai chiếc thuyền sắp chìm là mọi chứng cớ mà họ có cần để nhìn thấy sự đầy trọn của Cứu Chúa.
Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta bằng chứng lớn lao nhất về sự đầy dẫy của Ngài. Trong chỗ thứ nhất, Ngài đã ban cho chúng ta bằng chứng của sự sống lại của Ngài. Không phải hai chiếc thuyền đầy những cá, mà là một ngôi mộ trống minh chứng cho sự thánh khiết và quyền phép của Chúa chúng ta. Thêm nữa, Ngài làm cho chúng ta được đầy dẫy Thánh Linh Ngài, và Ngài tỏ ra cho chúng ta thấy quyền phép của Ngài trong những đời sống thay đổi nơi những kẻ chịu tin cậy Đấng Christ là Cứu Chúa của họ. Sau cùng, chúng ta có bằng chứng của chính Kinh Thánh, kể cả truyện tích tin lành trong sách Luca. Chúng ta có bằng chứng rõ ràng, đức tin của chúng ta đang đặt trên bằng chứng đó. Vấn đề của chúng ta: ấy là chúng ta không xem đây là những nan đề chủ yếu phải suy gẫm. Vấn đề quan trọng nhất của chúng ta là một Hội thánh và là những cá nhân thánh đồ, tôi e, khi chúng ta thiếu đức tin, và điều nầy thích ứng với sự nắm bắt không đầy trọn về sự cao trọng của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy để cho lòng và trí mình cứ hướng thật lâu và thật sâu sắc về Ngài.
Thứ tư, phân đoạn Kinh Thánh cho chúng ta ám chỉ mạnh mẽ rằng để theo Chúa Jêsus, chúng ta phải quên đi một số việc nhất định nào đó. Để cho Phierơ, Giacơ, và Giăng đi theo Chúa Jêsus, họ phải rời bỏ thuyền và lưới của họ. Theo phần phân tích sau cùng, họ phải lìa bỏ những thứ mà niềm tin của họ gắn bó với, họ thấy sự an ninh, tầm quan trọng của họ ở trong các thứ ấy. Theo Đấng Christ, nhận thấy Ngài là Cứu Chúa toàn năng của chúng ta, đòi hỏi chúng ta quên đi mọi thứ mà chúng ta tin cậy, những thứ chúng ta cảm thấy an ninh, những thứ chúng ta cảm thấy có ý nghĩa. Đối với chàng trai trẻ giàu có, lòng tin cậy của anh ta đã đặt vào sự giàu có của mình. Chúa Jêsus đã dạy cho anh ta phải quên những sự giàu có của mình đi, hãy bán hết của cải, bố thí tiền bạc cho người nghèo, không phải vì hạng người giàu sang không được cứu, mà vì Đức Chúa Trời không muốn người ta phải tin cậy nơi Con của Ngài, và tin nơi điều nầy, điều kia hay điều khác. Bán đi hết thảy mọi thứ anh ta có sẽ trở thành một việc rất có lợi [cho chính anh ta], đây là điều mà chàng trai trẻ có thể làm, vì nó sẽ đưa anh ta tới chỗ phải đặt lòng tin cậy của anh ta vào chỉ một mình Chúa Jêsus mà thôi. Chúng ta không thể đi theo hai người chủ, chúng ta được ông chủ mà chúng ta tin cậy dẫn dắt mình. Cho nên chúng ta phải đặt lòng tin của mình vào một thân vị duy nhất, là Đức Chúa Jêsus Christ, chớ không đặt vào một điều chi khác, nếu chúng ta muốn đi theo Ngài.
Thường thì nan đề quan trọng của chúng ta sẽ đến từ lãnh vực mà chúng ta có nhiều khả năng nhất, có nhiều sự hiểu biết nhất. Đối với Phierơ, tài năng của ông ở đây chính là nghề đánh cá. Chúa Jêsus phải chỉ cho Phierơ thấy rằng Ngài biết nhiều hơn cựu binh nầy của biển Galilê, hầu cho Phierơ có thể xem Chúa Jêsus là Thầy là Chủ, thậm chí đối với nghề đánh cá. Vô luận quý vị có nhìn thấy mình tài giỏi đến đâu, vô luận quý vị tin cậy vào điều gì, quý vị cần phải quên hết để đi theo Đấng Christ.
Thứ năm, phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta đề nghị rằng nếu truyền giáo phải trở thành môn đồ của Đấng Christ, chúng ta phải làm theo những gì Ngài đang làm. Chúa Jêsus “đến tìm và cứu” kẻ bị hư mất. Các môn đồ cần phải trở nên “tay đánh lưới người” không những vì Chúa Jêsus ra lệnh cho họ phải làm theo như thế, mà vì đấy là sứ mệnh của Ngài nữa. Mấy người nầy sẽ trở nên “tay đánh lưới người” không phải vì họ là những ngư phủ, mà vì Chúa Jêsus đã đến để kéo [lưới] con người vào trong Nước của Ngài. Đi theo Đấng Christ có nghĩa là làm theo như Ngài đang làm. Người nào trở thành môn đồ của Đấng Christ không thể không biết sự kiện Chúa Jêsus là người chuyên tìm kiếm con người, và vì thế chúng ta cũng phải trở nên tay đánh lưới người. Truyền giáo là một phần không thể tách rời của sự kêu gọi nơi một môn đồ của Chúa Jêsus.
Thứ sáu, phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta đề nghị rằng nếu chúng ta chịu theo Chúa Jêsus, chúng ta không những phải làm theo việc Ngài đang làm, mà chúng ta còn phải làm việc ấy theo đường lối của Ngài. Phierơ biết rất rõ, ông đi gặt hái được thành công rất lớn. Theo Chúa Jêsus trong phần lượng xét của tôi, có nghĩa là phải để lại sau lưng các “phương pháp đã được minh chứng” nơi phần của chúng ta. Câu nói nầy có thể làm cho nhiều người cảm thấy bối rối, nhưng có nhiều lẽ thật trong đó, tôi tin như vậy. Trong các chương đầu của sách Côrinhtô, sứ đồ Phaolô đã đưa ra một luận cứ để chỉ cho người ta thấy mọi phương pháp của ông là rất dại dột, và hoàn toàn đi ngược lại với các phưong pháp của hàng diễn giả thành công trong thời của mình. Nhưng trong khi thực hiện phương thức nầy, trong khi thực hiện mọi việc theo phương thức của Đức Chúa Trời, Thánh Linh của Đức Chúa Trời đang tạo ra kết quả và Đức Chúa Trời tiếp nhận sự vinh hiển. Chúng ta hãy cẩn thận về những điều chúng ta đang ra sức đem theo với khi chúng ta tìm cách đi theo Chúa Jêsus. Không những Phierơ cùng các bạn đồng nghiệp của ông đã bỏ lại sau lưng thuyền và lưới của họ, họ còn bỏ lại các phương pháp đánh cá đã được chứng minh là hữu hiệu lại sau lưng nữa.
Thứ bảy, phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta đề nghị bằng chứng rằng chúng ta không nên đầu phục quá vội vàng để đi theo Đấng Christ, chúng ta cũng không nên kêu gọi người khác phải làm theo y như vậy. Sau cùng, hãy để tôi kết luận bằng cách nhắc cho quý vị nhớ rằng Chúa Jêsus không ép buộc mấy người nầy phải đưa ra một quyết định vội vàng đâu. Khi thời gian trôi qua, tôi nghĩ rằng trong lúc chuyển tiếp có nhiều sự tranh chiến lắm. Tại sao chúng ta lại ép người ta phải đưa ra những quyết định vội vàng, khi Chúa Jêsus không làm thế? Những quyết định quan trọng không nên đưa ra cách mau chóng. Những quyết định thuộc loại quyết định tốt, là loại quyết định sau cùng, là những quyết định được đưa ra với sự cầu nguyện, từ từ và có sự cân nhắc kỹ càng.
Nguyện mỗi một chúng ta biết xem xét trở thành môn đồ của Đức Chúa Jêsus Christ có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ về sự đầy dẫy của Ngài, và tội lỗi của chúng ta. Chúng ta hãy quên đi các phương pháp, mọi nguồn an ninh và ý nghĩa của chúng ta. Chúng ta hãy theo Ngài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét