Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Luca 4.14-30: "NÓI VỀ CÁC TIÊN TRI VÀ SỰ ĐƯỢC LÒNG DÂN"


Phần giới thiệu
Tiếp cận bài học
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Sự rao giảng và sự được lòng dân của Chúa Jêsus tại Galilê (Luca 4.14-15)
Sự Chúa đến Naxarét và phần tuyên bố của Ngài (4.16-21)
Phản ứng của dân chúng (4.22)
Đáp ứng của Chúa Jêsus trước sự được lòng dân (4.23-27)
Phản ứng mạnh và sự tránh thoát lạ lùng (4.28-30)
Phần kết luận
Thể hiện thực tế các nguyên tắc nầy
BÀI 13
NÓI VỀ CÁC TIÊN TRI VÀ SỰ ĐƯỢC LÒNG DÂN
(Luca 4.14-30)
Phần giới thiệu
Có lẽ hết thảy chúng ta đều có nghe nói đến câu chuyện về người kia mua một con ngựa trước kia nó thuộc về một nhà truyền đạo. Muốn thúc con ngựa chạy đi, thì mạng lệnh phải đưa ra là: “Ngợi khen Chúa”. Muốn con ngựa dừng lại, thì phải hô lên: “Halêlugia!”, kẻ mua con ngựa ấy đã làm theo đúng như vậy để khiến cho ngựa chạy tới, ông ta đã hô lên: “Ngợi khen Chúa”. Con ngựa liền phi nước đại ngay. Khi ấy con ngựa đang phóng ra bờ vực nhô ra phía biển. “Ôi chao!” người kia la lớn lên, nhưng chẳng ích chi hết. Thình lình ông ta nhận ra mình đã quên mạng lệnh khiến cho con ngựa dừng lại. Ông ta bèn sực nhớ lại: “Halêlugia”. Con ngựa liền dừng lại ngay chính miệng vực thẳm, người chủ mới của nó khi ấy mới có dịp nhìn xuống vực sâu ở bên dưới. Người kia cảm thấy trong mình có một chút tôn giáo, rồi với nỗi phấn khích và thoải mái, ông ta bật hô lên: “Ngợi khen Chúa”.
Mục tiêu của câu chuyện đã được kể lại hoài cho chúng ta nghe, cho thấy rằng nói ra một việc không đúng sẽ đưa một người rơi vào chỗ nhiều rắc rối ngay. Có một số nhân vật nổi tiếng có thể làm chứng cho sự thật của câu nói nầy. Tôi có thể nghĩ ngay đến một số nhân vật chính trị, không phải nhắc tới một vài cấp lãnh đạo tôn giáo, họ đã nhìn thấy những lời phát biểu của họ đã đưa họ rơi vào chỗ rắc rối.
Trong trường hợp kẻ cỡi ngựa không có thực nầy, và trong trường hợp của Đức Chúa Jêsus Christ của chúng ta, nói ra một việc không đúng đã gần đưa cả hai rơi xuống bờ vực thẳm. Điểm khác biệt duy nhất trong những lời phát biểu của Chúa chúng ta: ấy là chúng được nói ra có mục đích. Chúa Jêsus đã không chịu khổ do “sơ suất trong lời nói”, mà do một câu nói rất cẩn thận và có cân nhắc suy nghĩ, đã được thốt ra với hạng người mà Ngài đã sinh sống và đã thờ phượng cùng với họ khi Ngài lớn lên. Phần căng thẳng của đoạn Kinh Thánh là đây: TẠI SAO CHÚA JÊSUS LẠI CỐ Ý PHÁ HỎNG SỰ NGÀI ĐƯỢC LÒNG NHỮNG NGƯỜI MÀ NGÀI ĐÃ SINH SỐNG GIỮA VÒNG HỌ? Phần nghiên cứu của chúng ta sẽ cung ứng giải đáp cho thắc mắc nầy.
Tiếp cận bài học
Trong bài học nầy chúng ta sẽ khởi sự bằng cách quan sát quá trình sự xuất hiện của Chúa chúng ta tại nhà hội ở thành Naxarét. Chúng ta sẽ nghiên cứu cách tóm tắt phần chức vụ công khai của Chúa chúng ta tại thời điểm nầy, một trong khoảng thời gian gần một năm trời. Rồi chúng ta sẽ xét tiếp hoàn cảnh đặc biệt mà Chúa chúng ta có mặt tại thành Naxarét. Kế đó, chúng ta sẽ xét qua phân đoạn Kinh Thánh mà Chúa chúng ta đã kể lại, và phản ứng của dân chúng trước mọi lời lẽ của Chúa mà họ đã nghe. Điều nầy sẽ dẫn chúng ta tới phần phân tích phản ứng của Chúa chúng ta trước sự Ngài được lòng dân chúng. Đặc biệt chúng ta sẽ nhắm vào mọi nhận thức không đúng của dân chúng và những sự Chúa làm cho sáng tỏ và dạy dỗ theo ánh sáng của những điều nầy. Sau cùng, chúng ta sẽ tìm cách khai phá mọi hàm ý của nguyên tắc rằng rịt quanh toàn bộ sự cố, nguyên tắc một vị tiên tri chưa hề được chính dân sự mình trọng đãi tại quê hương.
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Phân đoạn Kinh Thánh có thể được chia ra thành các tiểu đoạn sau đây:
Câu 14-15: Tóm lược chức vụ tại Galilê – Sự rao giảng và được lòng người của Chúa Jêsus.
Câu 16-21: Chúa Jêsus tại nhà hội – Lời tiên tri của Êsai được ứng nghiệm.
Câu 22: Phản ứng tích cực của dân chúng.
Câu 23-27: Chúa Jêsus điều chỉnh những điều bị hiểu sai: các tiên tri không hề được trọng đãi.
Câu 28-30: Từ ngợi khen đến chót núi.
Câu 14 và 15 tóm tắt chức vụ của Chúa chúng ta tại thành Galilê, đóng vai trò làm nền cho sự xuất hiện của Ngài tại thành Naxarét. Trong những câu 16-21 Luca đã ghi lại sự xuất hiện của Chúa chúng ta tại nhà hội, sự Ngài đọc một phân đoạn từ sách tiên tri Êsai, và lời xưng nhận đáng ngạc nhiên của Ngài cho rằng lời tiên tri nầy đã được ứng nghiệm khi thính giả lắng nghe Ngài đọc. Phản ứng tích cực của dân chúng được mô tả trong câu 22, phản ứng nầy bị Chúa chúng ta thách thức trong câu 23-27. Kết quả là một sự rối loạn ngay tức khắc, ở đó dân chúng dự trù giết chết Chúa chúng ta bằng cách quăng Ngài từ trên chót núi xuống.
Sự rao giảng và sự được lòng dân của Chúa Jêsus tại Galilê (Luca 4.14-15)
Chúa chúng ta không xuất hiện tại nhà hội ở thành Naxarét ngay lập tức sau khi Ngài chịu phép báptêm và cám dỗ, như có người đã giả định khi đọc duy chỉ có sách tin lành Luca. Chắc chắn là gần một năm đã trôi qua kể từ khi Chúa chúng ta được giới thiệu lần đầu tiên cho dân Ysơraên là Đấng Mêsi, lần đầu tiên được Giăng Báptít giới thiệu. Chức vụ của Chúa chúng ta tại thành Galilê đã kết quả trong sự được lòng dân chúng ngày càng tăng. Dân chúng tại thành Naxarét đã nghe biết các báo cáo nói về sự rao giảng và quyền phép của Ngài, và họ rất sốt sắng muốn nhìn thấy mọi điều Ngài sẽ làm ra giữa vòng họ (đối chiếu Luca 4.23). Những câu 14 và 15 trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta là phần tóm tắt ngắn gọn chức vụ của Chúa Jêsus tại thành Galilê và tác động của chức vụ ấy. Hiển nhiên, có một tường trình ngắn về chức vụ của Chúa chúng ta trong năm đầu tiên chức vụ công khai của Ngài, và những gì chúng ta biết đều đến với chúng ta từ sách tin lành Giăng. Dưới đây là phần tóm tắt chức vụ của Chúa chúng ta, tại thời điểm Ngài xuất hiện lần đầu tiên tại thành Naxarét.

Năm Thứ nhất:
Sự cố: Giăng giới thiệu Chúa Jêsus (Giăng 1.19-34)
Chỉ các môn đồ cho Chúa Jêsus (Giăng 1.35-41)
Hoá nước thành rượu tại Canahum (Giăng 2.1-12)
Làm sạch đền thờ (Giăng 2.13-22)
Chúa Jêsus & Nicôđem (Giăng 3.1-21)
Chúa Jêsus tại xứ Giuđê, làm phép báptêm (Giăng 3.22-4.3)
Chúa Jêsus & người Samari (Giăng 4.4-42)
Năm Thứ hai:
Chúa Jêsus trở về Galilê (Mathiơ 4.12; Mác 1.14; Luca 4.14-15; Giăng 4.43-45)
Con trai quan thị vệ được chữa lành (Cana /Cabênaum) (Luca 4.16-30; Giăng 4.46-54)
Chúa Jêsus bị từ chối ở Naxarét

Biểu đồ nầy cho chúng ta biết, trước khi Chúa chúng ta xuất hiện tại nhà hội ở Naxarét, Ngài đã phục vụ công khai trong khoảng một năm. Trong năm phục vụ nầy Ngài đã được Giăng giới thiệu là Đấng Mêsi (Giăng 1.19-34), đã kêu gọi một vài (nếu không phải là tất cả) môn đồ Ngài (Giăng 1.35-51), đã làm sạch đền thờ tại thành Giêrusalem (Giăng 2.13-22), đã trò chuyện với Nicôđem, một vị giáo sư lỗi lạc của người Dothái (Giăng 3.1-21), và đã rao giảng tin lành tại Samari (Giăng 4.4-42). Khi Ngài trở về xứ Galilê (Giăng 4.43-45), Ngài đã chữa lành cho con trai của quan thị vệ từ một khoảng cách xa, quan thị vệ đến gần Ngài tại xứ Cana, trong khi con trai của ông ta đau bệnh ở tại thành Cabênaum (Giăng 4.46-54).
Như Luca đã ghi lại (4.14-15), chức vụ của Chúa chúng ta tại xứ Galilê thể hiện với sự được quyền phép của Đức Thánh Linh (4.14). Tôi giả định rằng có một số phép lạ đã được làm ra, nhưng chúng không được nhắc tới, cũng không được nhấn mạnh. Cái điều được nhấn mạnh: ấy là chức vụ giảng đạo của Chúa chúng ta tại xứ Galilê, và sự Ngài được lòng người và nổi bật lên chính là kết quả. Các báo cáo nói tới chức vụ của Chúa chúng ta nhơn đó tới tai người Naxarét trước khi Ngài đến đó. Khi Ngài đến nơi rồi, cấp độ tán thưởng và kích thích càng cao thêm lên.
Sự Chúa đến Naxarét và phần tuyên bố của Ngài (4.17-21)
Sự Chúa đến tại thành Naxarét như đã được Luca ghi lại ở đây, là lần xuất hiện công khai đầu tiên của Ngài, chớ không phải là lần cuối cùng đâu. Có hai phân đoạn trong sách Mathiơ và sách Mác, lúc đầu giống như hai câu chuyện tương đương nhau, nhưng dù giống nhau, tôi tin đấy là những tường trình về một sự cố sau nầy:
Mathiơ 13.53-58: “Đức Chúa Jêsus phán các lời ví dụ ấy rồi, thì đi khỏi chỗ đó. Ngài về đến quê hương, rồi dạy dỗ trong nhà hội, đến nỗi ai nghe cũng lấy làm lạ, mà nói rằng: Bởi đâu mà người nầy được khôn ngoan và những phép lạ nầy? Có phải là con người thợ mộc chăng? Mẹ người có phải là Ma-ri, và anh em người là Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn, Giu-đe chăng? Chị em người đều ở giữa chúng ta chăng? Bởi đâu mà người nầy được mọi điều ấy như vậy? Họ bèn vì cớ Ngài mà vấp phạm. Song Đức Chúa Jêsus phán cùng họ rằng: Đấng tiên tri chỉ bị trong xứ mình và người nhà mình khinh dể mà thôi. Ở đó, Ngài không làm nhiều phép lạ, vì chúng không có lòng tin”
Mác 6.1-6: “Đức Chúa Jêsus đi khỏi đó, đến quê hương mình, có các môn đồ cùng đi theo. Đến ngày Sa-bát, Ngài bắt đầu dạy dỗ trong nhà hội; thiên hạ nghe Ngài, lấy làm lạ mà nói rằng: Người bởi đâu được những điều nầy? Sự khôn sáng mà người được ban cho là gì, và thể nào tay người làm được những phép lạ dường ấy? Có phải người là thợ mộc, con trai Ma-ri, anh em với Gia-cơ, Giô-sê, Giu-đê, và Si-môn chăng? Chị em người há chẳng phải ở giữa chúng ta đây ư? Chúng bèn vấp phạm vì cớ Ngài. Song Đức Chúa Jêsus phán cùng họ rằng: Đấng tiên tri chỉ bị quê hương mình, bà con mình và trong nhà mình khinh dể mà thôi. Ở đó, Ngài không làm phép lạ nào được, chỉ đặt tay chữa lành một vài người đau ốm; và Ngài lấy làm lạ vì chúng chẳng tin. Rồi Ngài đi khắp các làng gần đó mà giảng dạy”.
Những điểm tương tự giữa câu chuyện của Luca nói về sự Chúa Jêsus bị chối bỏ tại thành Naxarét trong chương 4 và câu chuyện của Mathiơ và Mác rất rõ ràng. Một vài điểm khác biệt làm mờ đi các điểm giống nhau, ít nhất là theo ý kiến của tôi. Thứ nhất, trong câu chuyện của Luca, chúng ta có ấn tượng là chẳng có một phép lạ nào (ngoài sự tránh thoát kỳ lạ của Chúa chúng ta ra khỏi đoàn dân đông thù nghịch) diễn ra, trong khi các phân đoạn Kinh Thánh kia chỉ ra rằng có một ít phép lạ đã diễn ra. Thứ hai, trong câu chuyện của Luca, các môn đồ không được nhắc tới, và chẳng thấy được giới thiệu cùng với Ngài, trong khi ở những câu chuyện khác (về sau), các môn đồ đã được giới thiệu. Thứ ba, sự ra đi của Chúa chúng ta dường như khác biệt hoàn toàn trong các câu chuyện. Sau cùng, thái độ của dân sự trong câu chuyện của Luca thì rất tích cực, và bày tỏ ra sự trông mong trong khi ở những câu chuyện khác, dân chúng tỏ ra sự hồ nghi và tiêu cực. Vì vậy, trong khi câu nói: “Đây có phải là con trai của Giôsép không?” là giống nhau, ý nghĩa gắn trong câu đó lại khác nhau. Hai lần tẩy sạch đền thờ khác nhau lại có những điểm tương đồng, nhưng chúng rõ ràng là hai sự cố khác nhau, một lần vào lúc bắt đầu chức vụ của Chúa chúng ta (Giăng 2.13-22), và lần kia ngay trước khi Ngài bị đóng đinh trên cây thập tự (Mathiơ 21.12-17; Mác 11.15-18; Luca 19.45-46).
Điểm phân biệt giữa lần thăm viếng Naxarét của Luca và lần thăm viếng Naxarét của Mathiơ và Mác là một điểm rất quan trọng. Nếu chúng ta không thấy rõ điểm phân biệt đó, chúng ta sẽ phải giải thích câu chuyện của Luca theo ánh sáng của các câu chuyện kia, song khi chúng ta hiểu rõ các sự cố theo cách phân biệt, chúng ta sẽ giải thích cùng những câu nói quan trọng theo cách khác nhau (“Đây có phải là con trai của Giôsép không?” - Luca 4.22; Mathiơ 13.55-57; Mác 6.3). Trong Luca, dân chúng vẫn rất tích cực và quyền phép của Chúa Jêsus là một điều kỳ diệu, mà họ đang cố gắng nắm bắt. Trong câu chuyện của Mathiơ và Mác, quyền phép của Chúa chúng ta là một điều mầu nhiệm, mà họ buộc phải giải thích (Mác 3.22 giải thích là bị quỷ ám), vì họ không muốn nhận Ngài là Con Đức Chúa Trời.
Hãy tưởng tượng xem Chúa chúng ta cảm xúc như thế nào khi Ngài trở về tại thành Naxarét, nơi mà Ngài đã lớn lên ở đó. Là một đứa trẻ chào đời trong một gia đình vốn hèn mọn, Chúa Jêsus đương nhiên đã chịu đựng sự chê cười hoặc chối bỏ của những đứa trẻ khác, đặc biệt là những đứa trẻ xuất thân từ những gia đình có thế lực hoặc khá giả hơn. Là một con trẻ chưa hề phạm tội, Ngài hay bị những đứa trẻ đồng trang lứa hất hủi khi chúng cười nhạo Ngài là “đồ lên mặt đạo đức”, đấy là thuật ngữ đã được sử dụng trong thời buổi đó. Cũng là một cảm xúc kỳ lạ khi đi lại trên những con đường thân quen vào trong thành Naxarét, những con đường mà Ngài đã bước đi trong nhiều năm tháng, những con đường mà Ngài đã chơi đùa như một đứa trẻ trên đó. Theo một ý nghĩa, thì Ngài đang trở về lại quê nhà.
Khi Chúa Jêsus đến tại nhà hội, dường như đây là lần xuất hiện công khai đầu tiên của Ngài trong vai trò Đấng Mêsi tại thành Naxarét. Chúa Jêsus thường hay dạy dỗ trong các nhà hội, và chắc chắn đây là không phải là lần viếng đầu tiên của Chúa Jêsus đối với nhà hội nầy, vì chính tại thị trấn nầy mà Ngài đã lớn lên. Chính tại nhà hội nầy Chúa Jêsus rất thường năng lui tới nhiều năm tháng Ngài và cha mẹ sinh sống ở Naxarét. Từ những gì Luca đã thuật lại rồi cho chúng ta biết về sự tranh luận của Chúa chúng ta với các thầy thông giáo lúc 12 tuổi tại thành Giêrusalem (Luca 2.41-51), chúng ta phải bằng lòng xem xét sự việc đang xảy ra: ấy là Chúa Jêsus hay tranh luận với những thầy thông giáo Do thái tại nhà hội ở thành Naxarét. Vì thế, Chúa Jêsus là một gương mặt rất quen thuộc ở địa điểm đó. Câu hỏi: “Đây há không phải là con trai Giôsép sao?” có thể phản ảnh lại ý thức càng ngày càng tăng trong sự công nhận Đấng mà họ vốn trông đợi từ lâu rồi trong quá khứ.
Nhà hội không phải là một sự đổi mới theo Kinh Thánh đâu, Cựu ước không đòi hỏi phải có nhà hội, song đấy chính là sản phẩm của sự Ysơraên phải bị phu tù. Tuy nhiên, có sẵn một số thông tin cho biết lý do buổi thờ phượng đã được tổ chức tại nhà hội như thế nầy. Thí dụ, Shepherd viết:
“Trong sự thờ phượng ở các nhà hội, kể từ khi có sự phục hưng sau cuộc phu tù ở Babylôn, nhà hội đã đóng vai trò rất lớn trong đời sống của người Do thái, đã có ba hạng người tham gia vào: người đọc, người giải thích, và người dạy đạo. Vào dịp lễ lạc hay ngày Sabát đã có thêm vài người đọc. Hai bài học đã được đọc lên: một là parashah trích từ sách luật pháp và bài học kia là haphtorah trích từ các sách tiên tri. Hai lời cầu nguyện được thể hiện trước lần đọc đầu tiên. Khi bài được chọn từ sách luật pháp đã được đọc xong. Chúa Jêsus, được người đứng đầu trong 10 vị trưởng lão lãnh đạo mời đọc bài trích từ các sách tiên tri. Người thư ký của nhà hội, gọi là Chazzan, lấy từ chiếc hòm bằng gỗ cuộn sách tiên tri Êsai, rồi trao sách ấy cho Ngài. Ngay tại mấy chỗ ngồi chính trước mặt Ngài là 10 vị trưởng lão lãnh đạo, và sau họ là hội chúng, người nam ngồi một bên và người nữ ngồi một bên có phân biệt bằng lưới mắt cáo đặt ở giữa nhà hội”.
Chúa đứng dậy, điều nầy dường như ám chỉ Ngài vốn thích đọc trước nhà hội. Cuộn giấy chứa lời tiên tri của Êsai đã được trao cho Ngài. Ngài có đòi hỏi phải là sách nầy hay không thì chẳng thấy đề cập tới. Ngài mở ra phân đoạn sau đây trong sách Êsai, những lời nầy đã được chép ra ở đó:
“THẦN CỦA CHÚA GIÊ-HÔ-VA NGỰ TRÊN TA; VÌ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐÃ XỨC DẦU CHO TA, ĐẶNG GIẢNG TIN LÀNH CHO KẺ KHIÊM NHƯỜNG. NGÀI ĐÃ SAI TA ĐẾN ĐẶNG RỊT NHỮNG KẺ VỠ LÒNG, ĐẶNG RAO CHO KẺ PHU TÙ ĐƯỢC TỰ DO, KẺ BỊ CẦM TÙ ĐƯỢC RA KHỎI NGỤC”.
Đây là phần trích dẫn từ Êsai 61.1, mặc dù cũng có một phân đoạn khác tương tự như vậy, là Êsai 58.6. Tôi nghĩ rằng Chúa chúng ta vốn chỉ đọc có những lời nầy mà thôi. Tôi hình dung là Luca chỉ kể lại có mấy lời nầy, và đó là phần nằm trong việc đọc Kinh Thánh tại nhà hội. Những câu nầy chứa “trọng tâm” của đoạn Kinh Thánh mới vừa đọc xong. Mức quan trọng của mọi lời lẽ nầy, và với câu nói của Chúa chúng ta, ấy là Đấng Mêsi đã đến.
Trong phần đọc và giải thích của Chúa chúng ta về phân đoạn nầy của sách Êsai, Chúa Jêsus đang xưng nhận, trên nền tảng Cựu ước, chính Ngài là Đấng Mêsi. Lời xưng nhận nầy dựa trên một số lãnh vực đã được ứng nghiệm rồi. Thứ nhất, đời sống và chức vụ của Chúa Jêsus đã được đánh dấu bằng quyền phép của Đức Thánh Linh. Luca đã nhấn mạnh sự kiện Chúa chúng ta đã mặc lấy quyền phép và được Đức Thánh Linh soi dẫn, và Chúa chúng ta rõ ràng là như vậy (đối chiếu Luca 3.22; 4.1, 14). Thứ hai, chức vụ của Đấng Mêsi, còn sâu xa hơn lời xưng nhận đó nữa, ấy là giảng đạo. Hãy lưu ý phần nhấn mạnh trong những câu nầy về sự giảng đạo. Thứ ba, chức vụ của Đấng Mêsi đã được mô tả ở đây nhắm vào kẻ khiêm nhường, kẻ vỡ lòng, kẻ phu tù. Chính hạng người khốn khó đang ngồi quan sát ở đây, họ là những người “có bệnh” trong lời lẽ của Chúa Jêsus, chớ không phải người “mạnh khoẻ” (đối chiếu Mác 2.17). Sau hết, chức vụ của Đấng Mêsi không phải là đem lại sự báo thù giáng trên kẻ thù nghịch Đức Chúa Trời đâu. Phần trích dẫn từ sách Êsai kết thúc ngay trước câu nói nầy: “và ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta; đặng yên ủi mọi kẻ buồn rầu” (Êsai 61.2b).
Chúa Jêsus không đến để xét đoán, mà để cứu rỗi. Chúa chúng ta vốn hiểu rõ vai trò của Ngài là Đấng Mêsi phải đến những hai lần, lần thứ nhất để bày tỏ Đức Chúa Trời ra cho loài người, và để cung ứng con đường cứu rỗi. Lần đến thứ hai là đem sự phán xét của Đức Chúa Trời đến với đất và tiêu diệt mọi kẻ thù nghịch Ngài. Sự Chúa chúng ta sử dụng phân đoạn Kinh Thánh sách Êsai nầy phản ảnh cách phân biệt giữa lần đến đầu tiên của Ngài trong vai trò Đấng Mêsi, và lần đến thứ hai của Ngài.
Phản ứng của dân chúng (4.22)
Lời lẽ của Chúa chúng ta đã được phán ra tại nhà hội ở Naxarét đã được nồng nhiệt hoan nghênh. Hãy lắng nghe phần mô tả của Luca về phản ứng của dân chúng:
“Ai nấy đều làm chứng về Ngài, lấy làm lạ về các lời đầy ơn lành từ miệng Ngài ra, và nói rằng: Có phải con Giô-sép chăng?” (Luca 4.22).
Có một vài việc đã định rõ đặc điểm phản ứng nầy. Thứ nhất, dân chúng phản ứng rất tích cực đối với lời xưng nhận của Chúa Jêsus. Không có một sự chống đối, chẳng có một sự đề kháng, không có một sự chần chừ nào hết. Họ đã nói tốt về Chúa Jêsus. Thứ hai, chẳng có ai nắm bắt được ý nghĩa trong lời nói của Ngài. Tôi có thể nhìn thấy hai thuộc viên của nhà hội đã đến nhóm lại trong cái ngày định mệnh đó, họ đang thầm thì với nhau. Một người đã nói: “Há đấy không phải là sứ điệp vinh hiển sao?” Còn người kia thì phản ứng như vầy: “Ồ bạn ơi, tôi chỉ lấy làm lạ không biết ông kia nói gì đấy thôi?” Luca đang nói cho chúng ta biết dân chúng đã lấy làm lạ không biết Chúa Jêsus đã nói gì qua những lời Ngài nói ra. Lời nói có âm hưởng của sự nhân từ, song ý nghĩa của lời nói ấy chưa rõ rệt. Thứ ba, phản ứng nồng nhiệt trước lời lẽ của Chúa Jêsus chính là kết quả của một tư tưởng bị bóp méo về Đấng Mêsi cùng chức vụ của Ngài. Tôi tin rằng dân chúng đã có những tư tưởng rất phô trương về mọi điều Chúa Jêsus sẽ làm cho họ. Theo ý của tôi, họ đã nhìn vào sự kiện Chúa Jêsus là một chàng trai của thị trấn quê hương (“con trai của Giôsép”), và vì thế đã chấp nhận Ngài làm ra nhiều việc lớn cho họ hơn là Ngài đã làm ra ở những nơi khác. Sau cùng, há Jêsus không phải là người của họ hay sao? Chúa Jêsus đã về tới quê nhà, với một cuộc diễu hành, và được xem là “cây đinh của thành phố”. Bây giờ thì họ mong đợi Ngài làm ra những việc lớn, và Ngài vốn biết rõ như vậy.
Đáp ứng của Chúa Jêsus trước sự được lòng dân (4.23-27)
Có một câu châm ngôn ứng dụng rất hay chỉ ra ý nghĩa lời khen tặng của dân chúng:
“Lò thử bạc, dót thử vàng; Còn sự khen ngợi thử loài người” (Châm ngôn 27.21).
Nếu Chúa chúng ta bị thử thách bởi những lần cám dỗ của Satan trong đồng vắng lời khen tặng của những người đồng hương đúng là phần thử nghiệm dành cho nghị lực của Ngài. Chúng ta hãy xem xét sự viêc nầy thể hiện ra sự khôn ngoan và trọn vẹn của Chúa chúng ta là thể nào!
Tại nhà hội, sau việc đọc và giải thích Kinh Thánh thường có nhiều thắc mắc và tranh luận là chuyện rất thường. Chúa Jêsus thì không có một thắc mắc nào, hay Ngài không dành cho thính giả của mình một cơ hội để hỏi han. Thay vì thế, Chúa Jêsus lại đưa ra thắc mắc mà hết thảy họ đều đang suy nghĩ. Chúa Jêsus vốn biết rõ tấm lòng của mọi người, và Ngài cũng dư biết khán thính giả khi ấy đang nghĩ gì nữa. Ngài cắt ngang mọi nghi thức và mọi chi tiết vụn vặt rồi đi thẳng vào trọng tâm vấn đề. Ngài dư hiểu người ta ai nấy đều hiểu sai lời nói của Ngài, và vì thế Ngài đã chế ngự sự phê phán bằng cách đưa ra thắc mắc.
“Ngài phán rằng: Chắc các ngươi lấy lời tục ngữ nầy mà nói cùng ta rằng: Hỡi thầy thuốc, hãy tự chữa lấy mình; mọi điều chúng ta nghe ngươi đã làm tại Ca-bê-na-um, thì cũng hãy làm tại đây, là quê hương ngươi. Ngài lại phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, không có một đấng tiên tri nào được trọng đãi trong quê hương mình” (Luca 4.23-24).
Câu phương châm: “Hỡi thầy thuốc, hãy tự chữa lấy mình” là một câu mà ai nấy muốn biết rõ. Có phải nó có ý nghĩa là dân chúng vốn đợi mong Chúa Jêsus thành công và có uy tín qua sự xuất hiện làm chứng lần đầu tiên của Ngài. Ngài bị thách thức phải thể hiện cân đai mũ áo của sự thành công ấy không? Một y sĩ phải có lòng cứu chữa lấy bản thân mình. Một nha sĩ chắc chắn phải có hàm răng đáng yêu. Còn Đấng phải đem nhiều ơn phước và sự thịnh vượng cho Ysơraên chắc chắn phải có những con dấu riêng về sự thịnh vượng. Đấng nầy là Đấng đã đến với họ chứ không có một đấng nào khác hơn Jêsus, đứa trẻ đã lớn lên giữa vòng họ, con trai của Giôsép, một con người rất khiêm nhường trong những người bần hàn thấp kém. Nếu Jêsus là người làm ra phép lạ mà tiếng xa đồn gần Ngài chính là người ấy, chắc chắn Ngài sẽ mau chóng bày tỏ ra quyền phép của Ngài, đặc biệt Ngài là người bản xứ ở đó. Sự thật Chúa Jêsus là con trai của Giôsép không bị xem là trở ngại, như mối ngăn trở cho việc chấp nhận Ngài. Mà đúng hơn, đó là một sự đòi hỏi đặc quyền và phước hạnh lớn lao hơn các thành phố khác trong xứ Galilê đã nhận lãnh qua chức vụ của Ngài.
Từ quan điểm của con người, đúng là một sự cám dỗ phải minh chứng Ngài cho những người đồng hương Naxarét, cho những bạn hữu Ngài, đặc biệt nếu Chúa Jêsus không phải là đứa trẻ mà ai cũng biết qua những năm tháng thiếu thời của Ngài (là điều mà tôi mong sẽ là trường hợp). Trong khi Ngài tự minh chứng qua việc làm ra nhiều phép lạ ngoạn mục – những việc Chúa Jêsus không làm ra cho Satan hay cho người ở thành Naxarét – ít nhất Ngài cũng giữ cho ngọn lửa lòng được cứ cháy sáng bằng cách chẳng nói và làm một điều gì. Ngài cứ để cho người ta cứ ức đoán; Ngài cứ tiếp tục cỡi làn sóng thành công của mình căn cứ theo những tiếng đồn về chức vụ Ngài ở khắp mọi nơi.
Nguyên tắc vị tiên tri không được tôn trọng trong xứ mình, bởi dân sự mình có nghĩa là Chúa Jêsus, nếu Ngài là vị tiên tri thật, sẽ không được tiếp đón bằng những vòng tay mở rộng, hay với đầu gối quỳ xuống, mà với sự từ chối, giống như hết thảy các vị tiên tri khác. Cách duy nhất Chúa Jêsus sẽ được những người đồng hương mình đón tiếp nồng hậu và tích cực là nếu họ không hiểu Chúa Jêsus muốn nói gì qua những gì Ngài đã nói, họ không hiểu Ngài đang xưng nhận mình chính là Đấng Mêsi, Ngài là loại Mêsi gì. Chúa Jêsus không nhận lấy lời khen ngợi không đúng và vì lẽ đó Ngài phải bước ra điều chỉnh lại những điều sai lầm của họ về lai lịch và sứ mệnh Mêsi của Ngài. Mọi việc làm của Ngài, đã được Luca ghi lại trong các câu 23-27, đã được dự trù cho biết chức vụ Mêsi của Ngài có ý nghĩa như thế nào! Ở đây chẳng có một khải thị nào hết, theo ý nghĩa thông tin cho Ysơraên biết có một việc hoàn toàn mới chưa ai biết, vì điều Chúa Jêsus sắp sửa nói ra là một lẽ đạo cao tột của các vị tiên tri, và đã có trong văn mạch của sách Êsai mà Ngài đã đọc trong nhà hội.
Chúa Jêsus chỉ ra rằng nếu chức vụ của Ngài được hiểu đúng đắn, Ngài sẽ bị từ chối giống như hết thảy các tiên tri khác trong lịch sử Ysơraên. Ysơraên đã không đón tiếp các vị tiên tri, mà họ đã từ chối, bắt bớ, thậm chí đã giết chết nữa, và điều nầy không có ngoại lệ nào khác (đối chiếu I Các vua 19.10; Giêrêmi 35.15; 44.4-5; Công vụ các sứ đồ 7.52). Chúa Jêsus không những đã kể ra nguyên tắc mà các tiên tri của Ysơraên không hề được dân sự họ tôn trọng, Ngài còn vạch ra sự thật bằng cách chỉ ra các tiên tri thường được dân Ngoại đối xử tử tế, và những dân Ngoại đó đã nhận lãnh nhiều ơn phước nơi tay họ. Ngài đã kể ra trường hợp tiên tri Êli ở lại với người đờn bà goá ở Sarépta (I Các vua 17.9) và sự chữa lành cho Naaman, người Syri (một kẻ thù của Ysơraên, đúng vậy, một cấp lãnh đạo quân sự đã tấn công Ysơraên rất thành công – II Các vua 5.1-14).
Trong cả hai trường hợp, tiên tri Ysơraên đã đem lại phước hạnh cho dân Ngoại, trong khi người Do thái, dân sự của họ lại không nhận lãnh gì được hết. Trong cả hai trường hợp, các vị tiên tri được sai đến Ysơraên để xét đoán tội lỗi của họ và để công bố ra sự phán xét thiêng liêng, và dân sự của họ đã từ chối thẳng thừng.
Trong văn mạch phần mô tả sự Chúa trở lại với thành phố quê hương nầy, Chúa Jêsus phán Ngài từ chối không chu tất mọi điều họ đang mong đợi vì họ bị coi là mắc bệnh, dựa theo cái nắm bắt không đúng các phân đoạn Kinh Thánh và hiểu sai về Đấng Mêsi và chức vụ của Ngài. Chúa Jêsus đã thử nghiệm thái độ nhiệt tình của họ và đã gánh chịu cơn giận dữ của họ bằng cách nhắc cho khán thính giả của Ngài nhớ rằng Ngài, giống như các vị tiên tri khác của Ysơraên, đã đến để đem lại phước hạnh không chỉ riêng cho người Do thái, là dân tộc họ, mà còn cho dân Ngoại nữa.
Vì thế chúng ta có thể thấy rõ tại sao Chúa chúng ta thấy cần thiết phải làm phật lòng thính giả của Ngài với sự thật, hầu cho tội lỗi họ bị phô bày ra, cũng như bản chất và nhu cần sự Ngài đến trong vai trò làm người gánh lấy tội lỗi cho cả thế gian. Nhưng tại sao Chúa Jêsus lại chọn sự kiện nầy, phước hạnh cho dân Ngoại, chọc tức khán thính giả của Ngài phải hành động? Sao lại là vấn đề nầy, mà không phải là vấn đề khác?
Tôi tin rằng có ít nhất ba lý do Chúa chúng ta dấy vấn đề phước hạnh của người dân ngoại lên. Thứ nhất, phước hạnh cho dân Ngoại là lời hứa có tính tiên tri ai cũng biết. Theo Giao ước của Ápraham trong Sáng thế ký 12, Đức Chúa Trời hứa ban phước cho các dân các nước qua Ápraham. Thường trong các sách tiên tri Đức Chúa Trời hay lặp lại lẽ thật nầy. Trong khi Ysơraên tìm cách ngăn trở mục đích nầy qua sự bất tuân của họ (thí dụ Giôna), Đức Chúa Trời dự định cứ ban phước, thậm chí qua sự bất tuân của Ysơraên (đối chiếu Rôma 9-11).
Thứ hai, đây là vấn đề cốt lõi, là vấn đề nói về sự kiêu ngạo và sự tự xưng công bình của người Do thái, cần phải xử lý với và gạt qua một bên hầu cho người ta kinh nghiệm được ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Như Giăng Báptít đã chỉ ra trong đồng vắng (Mathiơ 3.9) Phaolô khẳng định trong thơ Rôma (9.6), là một dòng dõi của Ápraham không biến người ta thành một người Do thái thật đâu. Giống như người thành Naxarét nghĩ rằng con trai của Giôsép và là một cư dân của thị trấn, nghĩa là họ đã có một đòn bẩy đối với Chúa Jêsus, vì vậy họ, là những người Do thái, cảm nhận bấy nhiêu đủ cung ứng cho họ một sự độc quyền về các phước hạnh của Đức Chúa Trời. Dân chúng ở thành Naxarét đã bằng lòng tự xem mình là “nghèo ngặt”, “phu tù”, và “bị cầm tù”, giống như đã được mô tả trong sách Êsai, nhưng họ chẳng bằng lòng tự xem mình là “nghèo như dân Ngoại”, “phu tù như dân Ngoại” hoặc “bị cầm tù, giống như dân Ngoại”. Điều nầy làm cho tánh kiêu căng về chủng tộc và tôn giáo quá nặng nề của họ bị sút giảm đi. Thực ra, người Naxarét đang nói như vầy: “Nếu tôi đồng hoá với dân Ngoại theo tà giáo để được phước bởi Đấng Mêsi, tôi sẽ chẳng có gì phải làm với Đấng Mêsi ấy cả”.
Đây là điểm rất nhạy cảm, mà cũng là một điểm cốt lõi. Luật pháp không đưa người Do thái đến gần Đức Chúa Trời hơn. Thật vậy, Luật pháp chỉ đề ra một tiêu chuẩn cao hơn, mà không một người nào, kể cả người Do thái, có thể giữ nổi (đối chiếu Rôma 2.17 – 3.20; Công vụ các sứ đồ 15.8-11). Người Do thái khăng khăng tìm cách thay đổi tin lành hầu cho dân Ngoại phải bước vào nước Trời qua “cánh cổng của người Do thái”, nghĩa là bằng cách trở thành người quy đạo Do thái, bằng cách chịu phép cắt bì, và bằng cách tuân giữ luật pháp. Thực vậy, họ đang khẳng định người dân Ngoại buộc phải giữ luật pháp, là điều mà họ, là người Do thái đã thất bại không giữ nổi. Sự cứu rỗi đã hình thành nhờ huyết đã đổ ra của Đức Chúa Jêsus Christ. Ngài là cánh cửa duy nhất, và qua cánh cửa nầy con người là hạng tội nhân phải bước qua. “Việc làm của luật pháp” phải bị gạt qua một bên như một vật ô uế, như một việc làm mất lòng Đức Chúa Trời, giống như cách thực hành và niềm tin theo tà giáo của dân Ngoại phải bị bỏ lại đàng sau lưng. Muốn bước vào trong Nước của Đức Chúa Trời, người Do thái phải trở nên “giống như dân Ngoại”, bị hư mất và ô uế. Đây mới là vấn đề. Họ rất kiêu ngạo và tự xưng công bình. Phạm vi sự kiêu ngạo nầy được thấy rất rõ qua cường độ phản ứng của họ trước lời lẽ của Đấng Mêsi.
Thứ ba, tin lành của Luca đã được viết ra chủ yếu là cho dân Ngoại. Độc giả dân Ngoại sẽ đọc tin lành với thắc mắc nầy trong trí: “Làm sao một Đấng Mêsi người Do thái, chịu chết trong sự ứng nghiệm Kinh Thánh của người Do thái, lại giành được sự cứu rỗi cho dân Ngoại chứ?” Giải đáp rất đơn sơ: “Sự người Do thái chối bỏ Đấng Mêsi khiến cho dân Ngoại được cứu”. Sự cố nầy trong đời sống Đấng Christ làm chứng cho thấy người Do thái đã cảm nhận mạnh mẽ ra sao về việc lôi kéo không cho dân Ngoại nhận được ơn phước của Đức Chúa Trời. Về một ý nghĩa, dân Ngoại có thể vui mừng khi nhìn thấy phản ứng tội lỗi nầy nơi người Do thái, vì nó mở ra cánh cửa cho sự họ được cứu rỗi. Chính sự bất tuân của người Do thái đã làm thành các mục đích của Đức Chúa Trời.
Phản ứng mạnh và sự tránh thoát lạ lùng (4.28-30)
Người thành Naxarét nổi điên lên. Họ giống như những người Do thái mà về sau được Luca mô tả trong sách Công vụ các sứ đồ (13.46, 50, 22.21-22), đã hành động bạo lực trước lời lẽ của Chúa Jêsus. Mục đích của họ chẳng có gì khác hơn là giết người. Không có một nổ lực nào để “thánh hoá” hành động của họ qua việc tung ra những cớ giả dối, như đã xảy ra trong sự thử thách và đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Bất kỳ ai nói tới phước hạnh của dân Ngoại thay vì nói người Do thái đều là kẻ phản nghịch. Người ấy đáng chết! Ngay bây giờ!
Đoàn dân đông đã đẩy Chúa Jêsus ra khỏi nhà hội và lấn Ngài ra phía bờ vực, muốn quăng Ngài xuống đó cho chết đi. Chúa Jêsus không tránh thoát bằng cách trốn tránh, cũng không “chạy lùi về sau”. Thay vì thế, Ngài đã đi xuyên qua giữa những kẻ chống đối Ngài (4.30). Giống như những làn nước của Biển Đỏ rẽ ra để cho Môise và dân sự của Đức Chúa Trời đi qua, cũng một thể ấy đoàn dân đông giận dữ kia để cho Chúa Jêsus đi xuyên qua giữa vòng họ, không làm hại đến, cũng không động đến Ngài. Đây là một phép lạ và là phép lạ duy nhất mà họ đã chứng kiến. Thật lạ lùng làm sao!
Phần kết luận
Tôi tin rằng sự cố nầy trong đời sống của Chúa chúng ta có nhiều hàm ý rộng rãi cho đời sống của chúng ta. Hãy để tôi kết thúc bằng cách đưa ra vài nguyên tắc quan trọng từ phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta nói riêng và từ Lời của Đức Chúa Trời nói chung.
Nguyên tắc Một: Các vị tiên tri của Đức Chúa Trời không hề được trọng đãi. Chúa chúng ta đã nói ra vấn đề nầy rất rõ rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, không có một đấng tiên tri nào được trọng đãi trong quê hương mình” (Luca 4.24). Về sau, Êtiên đã nói với những người anh em Do thái của mình: “Há có đấng tiên tri nào mà tổ phụ các ngươi chẳng bắt bớ ư?” (Công vụ các sứ đồ 7.52).
Điều luận suy từ lời lẽ của Êtiên cho thấy rằng chưa hề có một vị tiên tri nào trong lịch sử Ysơraên được trọng đãi giữa vòng dân sự mình. Một người cần phải nghiên cứu đời sống của tiên tri Giêrêmi để tìm ra phác hoạ của nguyên tắc nầy.
Chúa Jêsus đã từ chối sự mến thích của người đồng hương mình vì Ngài biết rất rõ sự mến thích đó không dựa theo sự nắm bắt kỹ chức vụ và địa vị Mêsi của Ngài có ý nghĩa như thế nào. Ngài cũng biết sự mến thích đó không đưa Ngài lên thập tự giá đồi Gôgôtha. Chúa Jêsus đã từ chối sự mến thích vì, là vị tiên tri cao trọng nhất trong hết thảy các tiên tri, con người có thể và sẽ chẳng thích thú gì nơi Ngài.
Nguyên tắc Hai: Hết thảy Cơ đốc nhân đều được ban cho phần việc nói tiên tri. Chẳng có gì là khó khi kể Chúa chúng ta thuộc vào dạng một tiên tri, nhưng có một ít khó khăn khi kể chúng ta là hạng tiên tri. Tuy nhiên, tôi tin rằng rất đúng khi cho rằng mỗi Cơ đốc nhân đều có một sự kêu gọi nói tiên tri, một chức vụ tiên tri, và một sứ điệp tiên tri. Hội thánh, là thân thể của Đấng Christ, cứ tiếp tục thực hiện và giảng dạy theo đúng những gì Chúa chúng ta đã khởi sự trong chức vụ của Ngài ở trên đất. Sứ Mệnh Cao Cả, đã được ban cho Hội thánh, là sứ mệnh có tính cách tiên tri. Sứ điệp mà chúng ta phải rao giảng cho thế gian tựu trung quanh các lẽ đạo nói về tội lỗi, sự công bình, và sự phán xét, Đức Thánh Linh đã làm chứng cho các điều đó (Giăng 16.7-11).
Là tiên tri, Cơ đốc nhân có thể sẽ bị bắt bớ. Ngay từ lúc bắt đầu chức vụ trên đất Chúa chúng ta đã nói tới vấn đề chịu khổ của hàng thánh đồ, ràng buộc sự chịu khổ của họ với sự chịu khổ của các vị tiên tri tới trước họ:
“Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy! Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy” (Mathiơ 5.10-12).
Chúa Jêsus thường hay nói tới các môn đồ Ngài về sự bắt bớ mà họ sẽ kinh nghiệm như kết quả của việc làm các môn đồ Ngài (đối chiếu Giăng 15.17-20).
Sứ đồ Phaolô cũng nói đến sự chịu khổ của hàng thánh đồ vì sự kêu gọi có tính cách tiên tri của họ:
“Khi hai sứ đồ đã rao truyền Tin Lành trong thành đó, và làm cho khá nhiều người trở nên môn đồ, thì trở về thành Lít-trơ, thành Y-cô-ni và thành An-ti-ốt, giục các môn đồ vững lòng, khuyên phải bền đỗ trong đức tin, và bảo trước rằng phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời” (Công vụ các sứ đồ 14.20-21).
Sự dạy dỗ trước sau như một của Tân ước: ấy là Cơ đốc nhân sẽ chịu khổ vì cớ đức tin của họ (đối chiếu II Timôthê 3.8-13), và tôi tin đấy là vì bản chất tiên tri của đời sống và chức vụ Cơ đốc. Đời sống và chức vụ Cơ đốc mang tính tiên tri sẽ được thấy trong các nguyên tắc kế tiếp sau đây:
Nguyên tắc Ba: Các tiên tri không được trọng đãi vì Đấng mà họ đã đồng hoá với. Các vị tiên tri phải đồng hoá với Đức Chúa Trời, hơn là với loài người tội lỗi của họ. Giăng Báptít (không phải không giống như Êli và Êlisê) đã sống biệt riêng ra đối với nền văn hoá của ông, thậm chí xa cách cả gia đình của ông nữa. Ông không phải là không biết nền văn hoá của mình đang sinh hoạt như thế nào, mà ông không phải là một phần trong đó. Ông đã đứng riêng ra với thế gian. Cũng một thể ấy, Cơ đốc nhân phải đứng riêng ra, và chính vì thế nên mới gánh chịu sự bắt bớ:
“Ngày trước cũng đã đủ làm theo ý muốn người ngoại đạo rồi, mà ăn ở theo tà tịch, tư dục, say rượu, ăn uống quá độ, chơi bời, và thờ hình tượng đáng gớm ghiếc. Họ thấy anh em chẳng cùng họ theo sự dâm dật bậy bạ ấy, thì họ lấy làm lạ và gièm chê” (I Phierơ 4.3-4).
“và chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm, thà quở trách chúng nó thì hơn” (Êphêsô 5.11).
Cho nên, do từ chối không sống theo cách sống trước đây của chúng ta, những đường lối của thế gian, chúng ta xét đoán tội lỗi, thuyết phục tội nhân, và chẳng ai ưa.
Trong sự chúng ta đồng hoá với Đấng Christ là Cứu Chúa của chúng ta, truyền giáo cũng bị buộc phải đồng hoá với người nghèo thiếu, kẻ bị áp bức, và hạng phu tù. Người thành Naxarét muốn Chúa Jêsus phải đồng hoá với họ, nhưng họ lại từ chối không chịu đồng hoá với dân Ngoại tội lỗi trong sự họ cần được cứu rỗi và tha thứ. Tuy nhiên, các vị tiên tri trong Cựu ước thường hay nói nới về dân Ysơraên theo thuật ngữ của dân Ngoại (thí dụ “ không phải dân Ta”), ví sánh tội lỗi của họ với tội lỗi của dân Ngoại. Sôđôm và Gômôrơ, Aicập, và nhiều nữa. Tin lành ngăn cấm rằng chúng ta nên lánh xa bất kỳ ai đúng với dòng giống của họ hay địa vị xã hội của họ, như Phaolô đã quở trách Phierơ (Galati 2.11…) và lời cảnh cáo của Giacơ với Hội thánh (Giacơ 2.1…) đã được xác lập rất rõ ràng. Sự Đấng Christ đồng hoá với con người tội lỗi và hội hiệp với kẻ khiêm nhường (Rôma 12.16). Điều nầy không có nghĩa là chúng ta phải xa lánh người giàu có, như người giàu có, mà đúng hơn chúng ta không thiên vị người giàu vì cớ họ giàu có.
Chúa Jêsus kết thân với người nghèo. Kẻ bệnh, và “hạng tội nhân” và vì thế lập tức đã làm mất lòng kẻ tự xưng công bình (Mác 2.15…). Khi chúng ta đồng hoá với Đấng Christ, chúng ta cũng phải đồng hoá với hạng người mà Ngài đã đồng hoá và đã kết thân với, nghĩa là những ai đang trong cảnh có cần và đã nhìn nhận điều đó, và đã tìm kiếm ân sủng của Ngài. Những ai chịu đến với Đức Chúa Trời để tìm ân điển phải đứng chung hàng với hạng tội nhân, với kẻ ô uế, với người phung, với hạng kỵ nữ và người thu thuế. Người nào từ chối không chịu đồng hoá với hạng người thể ấy chẳng mong muốn gì ân điển, họ cũng không muốn nguồn của ân sủng, là Đức Chúa Jêsus Christ.
Nguyên tắc Bốn: Các vị tiên tri không được trọng đãi vì cớ sứ điệp của họ. Tôi được nhắc nhớ về Michê, một tiên tri trong Cựu ước. Khi Giôsaphát lo cân nhắc kỹ càng không biết là ông có nên đi tham chiến cùng với Aháp, là vua Ysơraên hay không, các tiên tri giả của Ysơraên hết thảy đều bật đèn xanh lên. Tuy nhiên, Giôsaphát không thấy thuyết phục lắm, và muốn biết chắc nên phải tham vấn một vị tiên tri thật. Vì vớ ấy ông đã hỏi: “Ở đây, còn có một đấng tiên tri nào khác của Đức Giê-hô-va, để chúng ta hỏi người ấy chăng?” (II Sử ký 18.6). Aháp đã đáp lại câu hỏi nầy: “Vua Y-sơ-ra-ên đáp với Giô-sa-phát rằng: Còn có một người tên là Mi-chê con trai của Giêm-la, nhờ người ấy ta có thể cầu vấn Đức Giê-hô-va; nhưng tôi ghét người, vì người không hề nói tiên tri lành về tôi, bèn là dữ luôn” (II Sử ký 18.7).
Từ nhận định của Aháp gian ác, Michê không hề nói tới ông ta những điều ông ta muốn nghe. Từ nhận định của Đức Chúa Trời, Aháp không hề muốn nghe những điều Đức Chúa Trời muốn nói. Aháp chỉ muốn Đức Chúa Trời nói quyết và khẳng định những hành động gian ác của Ngài. Các vị tiên tri không được dân sự thuộc loại bất tuân trọng đãi, vì họ không muốn làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời – đó là một sự phật lòng đối với con người tội lỗi hay con người thiên nhiên, họ đang đứng ở thế bất hoà với Đức Chúa Trời.
Cũng một thể ấy với Cơ đốc nhân. Lời lẽ mưu luật và khuyên bảo của chúng ta có thể được một tín hữu hoan nghênh, họ đang tìm cách làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Nhưng lời nói cảnh cáo và khuyên răn chúng ta sẽ bị từ chối bởi hạng người có xu hướng chạy theo điều ác. Các vị tiên tri không được trọng đãi vì họ đang nói cho con người biết những gì cần phải nghe, hơn là những gì họ muốn nghe.
Nguyên tắc Năm: Một trong những ngăn trở lớn lao nhất cho chức vụ tiên tri của chúng ta là ao ước của chúng ta muốn được lòng thế gian, và muốn nhận lấy sự tán thưởng của nó. Nếu tôi thành thật hoàn toàn về những thất bại tội lỗi để làm chứng cho đức tin của tôi, tôi phải xưng nhận rằng cái sợ bị từ chối, sợ không được lòng kẻ đồng thời với mình, là kẻ thù số một của tôi. Nếu chúng ta có khuynh hướng tìm kiếm sự tán thuởng của con người hơn sự tán thưởng của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ giữ im lặng về tin lành, là điều thường hay làm mích lòng người ta (“Bạn muốn nói rằng tôi không tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ, Đức Chúa Trời sẽ cho tôi vào địa ngục sao?”), hoặc chúng ta thay đổi tin lành để khiến cho nó quyến rũ hơn, và vì thế làm cho cái sắc bén của nó phải cùn nhụt đi (tội lỗi, sự công bình, sự phán xét).
Đời sống của Chúa chúng ta là bằng chứng kiên quyết cho ước ao của Ngài muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Cha, hơn là bất kỳ ai khác. Vì thế, mọi hành động cùng những lời lẽ của Ngài luôn luôn được ý chỉ của Đức Chúa Cha cai quản. Chúng ta đã từng xác định thắc mắc chúng ta sẽ hầu việc ai, chúng ta sẽ làm đẹp lòng ai, chúng ta cần phải nắm bắt vấn đề cơ bản nhất phần việc của vị tiên tri. Đức Chúa Trời phán qua Giêrêmi về vấn đề nầy như sau:
“Chớ nói: Tôi là con trẻ; vì ngươi sẽ đi khắp nơi nào ta sai ngươi đi, và sẽ nói mọi điều ta truyền cho nói. Đừng sợ vì cớ chúng nó; vì ta ở với ngươi đặng giải cứu ngươi, Đức Giê-hô-va phán vậy” (Giêrêmi 1.7b-8).
Thể hiện thực tế các nguyên tắc nầy
Trước khi chúng ta rời khỏi phân đoạn Kinh Thánh nầy, hãy để tôi xem lại các nguyên tắc mà chúng ta đã khai phá, giống như “mồi chiếc máy bơm” suy nghĩ của quý vị cách thể hiện thực tế các nguyên tắc đó.
Trong chỗ thứ nhất, phân đoạn Kinh Thánh nầy cung ứng cho chúng ta thấy rõ làm thể nào chúng ta phân biệt được các tiên tri thật và các tiên tri giả. Khi quý vị đọc Kinh Thánh quý vị sẽ khám phá ra các tiên tri giả thì được trọng đãi hơn những tiên tri thật. Các tiên tri giả nói cho người ta biết những gì họ muốn nghe, còn những tiên tri thật nói ra các lẽ thật khó chịu từ Đức Chúa Trời mà con người cần phải nghe. Các tiên tri giả chiều theo xác thịt, chớ không chiều theo Thánh Linh. Họ xưng công bình tội lỗi, hơn là xét đoán nó.
Thứ hai, chúng ta đáng được khích lệ trong việc chia sẻ đức tin của chúng ta, được nhắc nhớ tới sự kiện: con người về mặt tự nhiên không chấp nhận những việc thuộc về Đức Chúa Trời, mà đúng hơn đã từ chối chúng. Tin lành đã truyền giáo hiệu quả trong sự cứu rỗi con người khi Thánh Linh Đức Chúa Trời làm ra một phép lạ trong tấm lòng của họ, thuyết phục họ về sự thật trong lời của Ngài rồi ban cho họ tấm lòng được làm mới lại biết đáp ứng tích cực với Lời ấy. Tôi đã nghe người ta nói: “nếu tin lành đã được truyền đạt rõ ràng, chẳng có ai từ chối nó cả”. Song sự thật thì trái ngược lại. Khi tin lành được truyền đạt rõ ràng, hạng người thiên nhiên luôn luôn chối bỏ nó, trừ phi được Thánh Linh Đức Chúa Trời kích thích. Làm chứng sẽ không cứu được con người, nhưng nó sẽ làm cho họ phát điên lên. Chỉ có công việc của Đức Thánh Linh mới cứu được con người mà thôi.
Thứ ba, vì các tiên tri không được trọng đãi trong quê hương mình, họ bị khích phải công bố tin lành ở ngoài quê hương đó. Nếu nguyên tắc mà Chúa chúng ta đề ra là thật: vì dễ dàng làm chứng ở nơi khác hơn là làm chứng tại quê hương mình. Bước vào “cánh đồng truyền giáo ở nước ngoài” có thể là một sự lôi cuốn cho ai đó tránh né hơi nóng của việc ở lại quê nhà. Có lẽ đây là lý do tại sao Chúa chúng ta đã truyền cho các môn đồ Ngài phải khởi sự làm chứng trước tiên tại quê nhà, rồi mới ra tới ngoài.
Thứ tư, lòng ái quốc có thể xung đột với bổn phận có tính tiên tri của chúng ta. Thực ra, người thành Naxarét đã làm bực dậy ý thức chủ nghĩa yêu nước của Chúa Jêsus, thu hẹp lại từ xứ sở cho đến thành phố quê hương Ngài. Ngay cả từ ngữ được sử dụng cho “thành phố quê hương” trong Luca 4.23 có âm điệu và ý nghĩa tương tự với lòng yêu nước. Lòng trung thành của chúng ta, giống như các thánh đồ Cựu ước đã được nêu danh trong Hêbơrơ 11, được dành cho “quê hương” trên trời, thành thánh ở trên trời. Chúng ta chỉ là kẻ qua đường và lữ khách ở đây. Khi chúng ta đã gắn bó với xứ sở, hay thành phố của chúng ta, chúng ta sẽ thấy nghĩa vụ của mình đối với Đức Chúa Trời sẽ bị che mờ đi. Giôna là một người ái quốc chân thật, nhưng lại là một vị tiên tri đáng thương (cho dù có thành công).
Thứ năm, sự dính díu của chúng ta về phương diện chính trị có thể xung đột với các bổn phận mang tính tiên tri của chúng ta. Trong ánh sáng của nguyên tắc mà Chúa chúng ta đã đề ra, không một vị tiên tri nào tôi biết đã được tuyển vào ngồi trong văn phòng (Đaniên, Đavít, và các viên chức chính trị khác trong các thời Kinh Thánh đều không được tuyển, quý vị có thể nhớ lại). Trong xứ sở của chúng ta, những nhà chính trị phải được lòng dân để kiếm thật nhiều phiếu, hầu được bầu vào ngồi trong văn phòng. Từ lâu, tôi đã nhìn thấy “những tiên tri” (thường là các nhà truyền đạo) thay đổi sứ điệp mang tính tiên tri của họ khi chạy vào văn phòng, vì trở thành một nhà chính trị thành công đòi hỏi phải được lòng dân. Tôi không dám nói trở thành những nhà chính trị là sai đâu, quý vị sẽ không thích, chỉ muốn nói rằng thật là nguy hiểm [lôi cuốn] khi trở thành những nhà chính trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét