Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Luca 7.18-35: "VẤN NẠN CỦA GIĂNG VỚI CHÚA JÊSUS"



Phần giới thiệu
Tiếp cận sứ điệp
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Tại sao Giăng phạm sai lầm
Đáp ứng của Chúa chúng ta đối với sự thách thức của Giăng
Phần kết luận
BÀI 22
VẤN NẠN CỦA GIĂNG VỚI CHÚA JÊSUS
(Luca 7.18-35)
Phần giới thiệu
Mối nguy hiểm đối diện với chúng ta khi chúng ta đến với câu chuyện nói tới phần thắc mắc mà Giăng Báptít chuyển tới Chúa Jêsus, ấy là chúng ta đừng nên quá xem trọng vấn đề như chúng ta đã xem trọng. Có một số vấn đề ngăn trở không để cho chúng ta lĩnh hội được tính nghiêm trọng của trạng huống nầy. Thứ nhất, chúng ta có một vấn nạn với KHUYNH HƯỚNG ĐẠO ĐỨC GIẢ [tôi gọi như thế]. Nghĩa là, chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ rằng vì Giăng Báptít là một tiên tri, ông phải luôn sống đạo đức. Chúng ta phải hiểu rõ quan điểm sai lầm nầy dù sự thật cho thấy rằng hầu hết các vị anh hùng đức tin trong Kinh Thánh đều được mô tả là người hay chết, với cùng xu hướng tội lỗi và những cám dỗ giống như hết thảy chúng ta, và với cách ứng xử không thích đáng ở nhiều thời điểm. Thứ hai, chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng Giăng đang sống trong những hạn chế nhất định vì thái độ ái quốc của ông trong quá khứ. Ông là một người dám công nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi. Ông là người dám nói rằng Chúa Jêsus phải cao lên, còn ông phải hạ xuống. Ông là người khích lệ một số môn đệ của mình trở thành môn đồ của Chúa Jêsus thay vì làm môn đệ của mình. Thứ ba, chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng Giăng rất tích cực, vì những việc tốt lành mà Chúa chúng ta đã nói về ông. Thứ tư, Giăng đã chết cái chết của một vị anh hùng, và nhơn đó chúng ta không muốn nói về ông theo cách làm mờ nhạt đi danh tiếng của ông.
Trong khi Giăng Báptít là một nhân vật cao trọng, ông chưa phải là một con người trọn vẹn. Đây là giây phút tồi tệ nhất trong cuộc đời của Giăng, như Kinh Thánh đã ghi lại. Chúng ta không nhận thức rõ phân đoạn Kinh Thánh nầy cùng tính xác đáng của nó trong đời sống của chúng ta trừ phi chúng ta tìm hiểu tính chất nghiêm trọng của sự sai lầm như đã được mô tả ở đây. Hãy dành một phút gạt qua một bên các quan điểm ở đây về những gì đã xảy ra rồi xem xét thật chính xác điều chi đang diễn ra khi Giăng sai hai trong số môn đệ của ông đến với Chúa Jêsus bằng thắc mắc nầy: “Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?” (Luca 7.19-20).
(1) Thắc mắc mà Giăng đưa ra là thắc mắc của Giăng. Lúc đầu tôi rất ngạc nhiên không biết các môn đệ của Giăng có dậm mắm thêm muối vào thắc mắc của Giăng hay không, nhưng câu chuyện của Luca lặp lại câu hỏi đó. Lần thứ nhất thắc mắc được Giăng nói ra với hai môn đệ của mình. Lần thứ hai các môn đệ đã nói ra thắc mắc đó. Cách nói của hai câu hỏi đều như nhau. Thắc mắc mà các môn đệ của Giăng đến hỏi Chúa Jêsus đúng là thắc mắc mà Giăng đã dạy họ phải đi hỏi.
(2) Thắc mắc của Giăng là kết quả số phận của ông với những gì Chúa Jêsus đang nói và đang làm. Phân đoạn Kinh Thánh bắt đầu bằng những lời lẽ nầy: “Môn đồ của Giăng trình lại hết cả chuyện đó với người” (Luca 7.18). Hai phép lạ đã được ghi lại trong mấy câu trước đây của chương 7 – sự chữa lành cho tôi tớ của thầy đội và sự làm sống lại từ kẻ chết con trai của bà goá – chắc chắn sẽ có đầy đủ trong tường trình mà các môn đệ sẽ báo lại cho Giăng biết. Rõ ràng là Giăng không hài lòng với các tường trình mà ông đã nhận được đối với những việc mà Chúa Jêsus đang nói và đang làm. Thắc mắc mà Giăng chuyển tới Chúa Jêsus qua hai môn đệ của ông đã phản ánh sự khó chịu của Giăng.
(3) Giăng đang thắc mắc Đấng Christ, Đấng Mêsi. Giăng không thắc mắc thẳng thừng với Đức Chúa Trời ở đây, ông cũng không thắc mắc về bản thân hay về chức vụ của mình. Giăng không thắc mắc sự kiện Đấng Mêsi sẽ đến. Giăng thắc mắc không biết Chúa Jêsus có phải là Đấng Mêsi hầu đến hay không!?! Và điều nầy nằm trong ánh sáng của chính lời lẽ của ông như trái ngược lại với quá khứ:
“Giăng lại còn làm chứng nầy nữa: Ta đã thấy Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bò câu, đậu trên mình Ngài. Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Đấng sai ta làm phép báp-tem bằng nước có phán cùng ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Đấng làm phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh. Ta đã thấy, nên ta làm chứng rằng: Ay chính Ngài là Con Đức Chúa Trời” (Giăng 1.32-34).
(4) Thắc mắc của Giăng không hẳn là một thắc mắc – đó là một lời thách thức công khai. Một lần nữa, thắc mắc là đây: “Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?” (Luca 7.19-20). Chữ “chúng tôi”, được ghi ra trong văn mạch của câu chuyện nầy, dường như không những bao gồm cả Giăng và các môn đệ của ông, mà kể cả đoàn dân đông mà tôi tin đang hiện diện ngay thời điểm thắc mắc được chuyển qua cho Chúa Jêsus. Chữ “chúng tôi” ở đây gần như tương đương với cả “Ysơraên”. Đáp ứng của Chúa Jêsus đối với đoàn dân đông về Giăng cũng cho thấy rằng thắc mắc được chuyển qua cho Chúa Jêsus một cách công khai. Khi làm ra phép lạ mà Chúa Jêsus đã làm lúc bấy giờ, Ngài khó có thể ở riêng một mình được, cho nên thắc mắc nầy phải được chuyển cho Chúa Jêsus theo cách riêng, thậm chí hai môn đệ rất muốn làm như thế.
Tuy nhiên, cái khó lớn nhất đối với thắc mắc, là suy luận ở phần cuối của câu nói: “hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?” Có một lời đe doạ ngầm ở đây. Nếu Ngài không trả lời được thắc mắc của chúng tôi một cách thoả mãn, chúng tôi sẽ trông đợi một Đấng khác sẽ là Đấng Mêsi.
(5) Giăng đang tác động, chớ không phải chìu theo Chúa Jêsus. Dĩ nhiên là có theo Chúa Jêsus, như Giăng đã theo trong quá khứ. Giăng đang thúc đẩy Chúa Jêsus phải tuyên bố chính mình Ngài là Đấng Mêsi, và làm theo giống như Giăng đã dự báo. Điều nầy không được nói ra rõ ràng trong câu chuyện của Luca ở đây, như Mathiơ đã nói rõ:
“Song, từ ngày Giăng Báp-tít đến nay, nước thiên đàng bị hãm ép, và là kẻ hãm ép đó choán lấy. Vì hết thảy các đấng tiên tri và sách luật đã nói trước cho đến đời Giăng” (Mathiơ 11.12-13).
Nếu sự hãm ép bắt đầu với thời đại Giăng Báptít và đã bộc lộ ra trong thời kỳ có lời của Chúa Jêsus, chắc chắn Giăng và / hay một số môn đồ đang cố gắng “thúc đẩy chương trình”, phụ giúp cho nhiều việc cứ theo đà mạnh mẽ hướng về phía trước. Tôi tin rõ ràng từ nội dung phân đoạn Kinh Thánh Giăng đang thúc đẩy một cách mạnh mẽ.
(6) Giăng đang thách thức Chúa Jêsus phải làm theo những điều Ngài không dự tính làm. Giăng đang ép Chúa Jêsus phải có một lời tuyên bố, một lời cam kết công khai mình là Đấng Mêsi. Ông đang đòi hỏi Chúa Jêsus phải xưng Ngài là Đấng Mêsi hoặc Giăng và nhiều người khác sẽ chối bỏ Ngài mà xây sang người khác. Rõ ràng là Chúa Jêsus không dự định phải làm chứng về chính mình Ngài theo kiểu cách nầy. Chúa Jêsus không muốn người ta phải tiếp nhận Ngài là Đấng Mêsi vì Ngài tự xưng mình là Đấng Mêsi, nhưng vì bằng chứng đang thuyết phục rằng Ngài là Đấng Mêsi.
“Lời tuyên xưng long trọng” của Phierơ [thường gọi như thế] sẽ đến sau nầy trong các câu chuyện tin lành, nhưng khi Phierơ sau cùng kết luận rằng Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của Ysơraên, không phải vì Chúa Jêsus đã báo cho ông biết như thế:
“Ngài phán rằng: Còn các ngươi thì xưng ta là ai? Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: Chúa là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống. Bấy giờ, Đức Chúa Jêsus phán cùng người rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy” (Mathiơ 16.15-17).
Lý do tại sao Chúa Jêsus từ chối không chịu tuyên xưng công khai mình là Đấng Mêsi vì thịt và huyết không tỏ ra lai lịch Ngài, mà Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ làm điều đó, căn cứ theo những lời tiên tri trong Cựu ước về Đấng Mêsi, và mọi việc làm lẫn lời nói mà Chúa Jêsus đã thực hiện hay nói ra điều chứng minh Ngài là Đấng Mêsi.
Câu chuyện của Luca nói về “lời tuyên xưng long trọng” của Phierơ còn đi xa hơn thế nữa, tỏ ra cho độc giả thấy rằng sau khi Phierơ nhìn nhận Chúa Jêsus là Đấng Christ, Chúa Jêsus không muốn các môn đồ Ngài công bố địa vị Mêsi của Ngài:
“Ngài lại hỏi rằng: Còn về phần các ngươi thì nói ta là ai? Phi-e-rơ thưa rằng: Thầy là Đấng Christ của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jêsus nghiêm cấm môn đồ nói sự ấy với ai” (Luca 9.20-21).
Thắc mắc của Giăng, hay đúng hơn thách thức của Giăng, là không đúng vì nhiều lý do, nhưng một lý do trong số ấy cho thấy chính mục đích của Đấng Christ là không để ai nhận dạng Ngài là Đấng Mêsi cách công khai, đấy chính là việc Giăng đang đòi hỏi, hoặc giả ông và nhiều người khác tự họ sẽ đi tìm “Đấng Mêsi” khác.
Đưa phần thách thức nầy ra với một hình thức không hay lắm, Giăng đang nói với Chúa Jêsus: “Nói ra hay không nói ra! Cũng đủ cho thấy Ngài đang làm gì rồi. Bây giờ một là Ngài công nhận chính mình Ngài là Đấng Mêsi (và tiếp tục thực hiện chương trình, về sự xét đoán và lo sắp xếp để tôi được phóng thích), hoặc chúng tôi sẽ tự mình tìm kiếm Đấng Mêsi khác”.
Gán vấn đề nầy vào những lời nói của Giăng ở đây, hai trong số các môn đệ của ông đã lãnh lấy chúng, chúng ta thấy Giăng đã sa sút rất nhiều. Ông là nhân vật đã từng nhận lãnh vai trò của mình một cách vui sướng, giờ đây đang lên tiếng đe doạ làm thay đổi mọi sự. Ông là người được ban cho đặc ân lớn lao trong việc xác nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi, giờ đây đang thách thức Đấng Mêsi phải tự mình chứng minh, gần giống như sự Satan thách thức trong khi Chúa chúng ta chịu cám dỗ vậy. Ông là người từng khích lệ các môn đồ mình phải đi theo Chúa Jêsus, không phải đi theo Ngài bất cứ đâu Ngài đến, mà là để làm thay đổi hướng đi của Ngài.
Tiếp cận sứ điệp
Trong sứ điệp nầy, chúng ta tìm cách hiểu cho rõ lý do về sự suy thoái thuộc linh của Giăng. Kế đó chúng ta sẽ tập trung vào phần nhấn mạnh của Luca trong phân đoạn nầy, chỉ ra Chúa chúng ta đã đáp ứng thể nào đối với sự thách thức. Sau cùng, chúng ta sẽ tìm cách khám phá thất bại của Giăng thể nào giống như thất bại của chúng ta, và đưa ra sự giảng dạy của Chúa chúng ta, hầu cho chúng ta có thể tránh không rơi vào chính cái bẫy đó.
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Phân đoạn Kinh Thánh có thể được tóm tắt như sau:
Câu 18-23: THÁCH THỨC CỦA GIĂNG và ĐÁP ỨNG CỦA CHÚA JÊSUS.
Câu 24-28: CHÚA JÊSUS KHEN NGỢI GIĂNG.
Câu 29-35: CHỨC VỤ CỦA CHÚA JÊSUS và GIĂNG CÓ NHỮNG ĐIỀU GIỐNG NHAU.
Câu 29-30: Đáp ứng của dân sự đối với Giăng và Đấng Mêsi.
Câu 31-35: Mặc dù có nhiều khác biệt giữa Giăng và Chúa Jêsus, cả hai đều bị đoàn dân đông chối bỏ.
Tại sao Giăng phạm sai lầm
Thật là quan trọng khi chỉ ra rằng trong cả hai câu chuyện ở Luca và Mathiơ đều không có chỗ nào nhấn mạnh hay giải thích tại sao Giăng lại sai lạc ngay thời điểm nầy. Tôi tin có những điều cần phải suy luận trong các sách tin lành, song cũng không có một câu nói hay phần nhấn mạnh nào về các lý do cho tình trạng lập dị của Giăng ở đây. Điều nầy giúp chúng ta xem xét cách ngắn gọn một vài yếu tố góp phần vào các thái độ và hành động của Giăng.
(1) Giăng ít tiếp xúc với Chúa Jêsus. Từ mọi điều Luca thuật lại cho chúng ta biết trong sách tin lành của ông, chúng ta phải đi tới kết luận Chúa Jêsus và Giăng đều là những người thực sự xa lạ. Đã có những cuộc tiếp xúc giữa Mary và Êlisabết, ngay thời điểm Giăng nhảy nhót trong lòng mẹ của ông (Luca 1.41), nhưng rất sớm sủa trong đời sống ông, Giăng bắt đầu sống một đời sống ẩn dật trong đồng vắng. Cách duy nhất Giăng đã công nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi là do Thánh Linh đáp đậu trên Ngài (Giăng 1.29-34). Chúa Jêsus đã tránh không tiếp xúc với Giăng cùng các môn đồ của ông hầu thu nhỏ lại sụ cạnh tranh và xích mích giữa họ (Giăng 4.1-3). Sự việc ấy cứ như thế cho tới khi Giăng bị bắt và chức vụ công khai của Chúa Jêsus chính thức bắt đầu (Mathiơ 4.12, 17). Mục đích ở đây cho thấy Giăng không có một mối quan hệ mật thiết nào với Chúa Jêsus và sự ứng nghiệm mọi lời tiên tri của ông nói về Đấng Mêsi, đặc biệt ở điều ông đã nhấn mạnh.
(2) Chúa Jêsus chưa công khai thừa nhận Ngài là Đấng Mêsi. Không phải từ môi miệng của Chúa Jêsus mà Giăng đã học biết Ngài là Đấng Mêsi đâu, mà từ sự khải thị của Đức Chúa Trời cho Giăng và sự làm chứng của Đức Thánh Linh, trong hình thể chim bồ câu đã giáng xuống đậu trên Ngài khi chịu phép báptêm. Giăng dường như đang tìm kiếm từ Chúa Jêsus những điều mà ông chưa hề nghe nói, ấy là sự làm chứng của chính Chúa chúng ta trước sự thật Ngài là Đấng Mêsi.
(3) Giăng là vị tiên tri cao trọng của Ysơraên, nhưng sự việc cho thấy Chúa Jêsus đang chiếm lấy địa vị của ông. Giăng dường như chẳng màng đến việc có một vai trò thấp kém đối với vai trò của Chúa chúng ta, song quả là một việc làm cho Giăng phải tức tối khi hay rằng Chúa Jêsus đang được mọi người tiếp đón như một vị tiên tri cao trọng. Đây là những gì chúng ta đang nhìn thấy trong phần văn mạch trước đó, trong sự đáp ứng của đoàn dân đông khi đứa con trai của bà goá kia được làm cho sống lại từ kẻ chết:
“Ai nấy đều sợ hãi, và ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: Có đấng tiên tri lớn đã dấy lên giữa chúng tôi, và Đức Chúa Trời đã thăm viếng dân Ngài” (câu 16).
(4) Đã có những khác biệt giữa chức vụ và sứ điệp của Giăng với chức vụ và sứ điệp của Chúa chúng ta. Giăng và Chúa Jêsus là hai con người thật khác biệt. Chúa Jêsus là người nói năng dịu dàng, mềm mại. Giăng thì nói năng như búa bổ, thẳng thắn. Chúa Jêsus thì tiếp xúc nhiều với dân chúng, thường thấy xuất hiện trong các thị trấn, và thường tiếp xúc với hạng tội nhân. Giăng là một người sống ẩn dật. Ông sinh sống trong sa mạc, vì thế dân chúng phải đi ra ngoài để nghe ông giảng, nếu họ muốn nghe ông giảng và muốn chịu phép báptêm. Tình trạng sống ẩn dật của ông bị kéo dài ra do sự ông bị tù, Giăng không dùng nhiều thứ thức ăn, mà chỉ ăn loại “thức ăn hạng C" của đồng vắng. Ngược lại, Chúa Jêsus đã uống rượu và ăn các thứ thức ăn mà Giăng đã và sẽ không ăn (đối chiếu Luca 7.33). Các môn đồ của Giăng đã kiêng ăn, còn các môn đồ của Chúa Jêsus thì không kiêng ăn (Luca 5.33).
Chức vụ của Giăng, như tin lành ghi lại cho chúng ta biết, không bao gồm những phép lạ, những sự chữa lành và các dấu kỳ phép lạ. Thật như thế, có lẽ vì Giăng đã làm ra nhiều dấu kỳ phép lạ, nhưng không có một điều nào được thuật lại cho chúng ta. Mặt khác, Chúa Jêsus thường làm ra nhiều phép lạ. Hai phép lạ được nhắc tới trong phần văn mạch trước đây (sự chữa lành cho tôi tớ thầy đội La mã và làm cho con trai bà goá sống lại từ kẻ chết) chỉ là một tiêu biểu thôi. Thật chẳng khó khăn gì khi thấy chức vụ chữa lành của Chúa Jêsus sẽ làm cho Giăng bối rối nếu bản thân ông không có chức vụ chữa lành. Đồng thời chức vụ của Chúa Jêsus rất phổ thông, trong khi Giăng lại có rất ít hoặc không có gì hết trong khi ngồi tù.
Điểm khác biệt quan trọng giữa Giăng và Chúa Jêsus, như tôi nhìn thấy, và là điểm giải thích tốt nhất tình trạng bất an của Giăng đối với Chúa Jêsus, là sự khác biệt ở phần nhấn mạnh trong sứ điệp của mỗi người. Phần nhấn mạnh của Giăng nhắm vào tội lỗi, sự phán xét và sự kết án, trong khi phần nhấn mạnh của Chúa Jêsus nhắm vào sự chữa lành và sự cứu rỗi. Cả hai người đều nhấn mạnh theo ý của Kinh Thánh và rất quan trọng, song họ lại rất khác nhau trong âm điệu và trong sự thể hiện. Các tiên tri trong Cựu ước đều có nhấn mạnh đến cả mọi lãnh vực, nhưng trong cách thể hiện thực tiễn Giăng đã nhắm vào sự đến của Đấng Mêsi ở khía cạnh xét đoán và Chúa Jêsus đã nhắm vào khía cạnh cứu rỗi.
Phần việc của Giăng là xét đoán mọi tội lỗi của Ysơraên và hâm nóng sự phán xét hầu đến của Đức Chúa Trời. Phần việc ấy cũng kêu gọi người ta (nam hay nữ) phải ăn năn tội lỗi của họ để tránh sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Nan đề của Giăng là ông không hiểu có hai lần đến của Đấng Mêsi, lần đến thứ hai mới là mục đích của sự phán xét, lần đến thứ nhất để trở thành một điều khoản có cần cho sự cứu rỗi của con người bằng cách chịu chết vì tội lỗi của thế gian. Lần đến thứ nhất của Chúa Jêsus là gánh chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời, chớ không phải đem sự ấy đến. Sứ điệp của Giăng là thật, và nó đưa ra mục đích sửa soạn nhiều người cho lần đến thứ nhất của Đấng Christ bằng cách kêu gọi nhiều người ăn năn. Người nào chịu công nhận mình là tội nhân sẽ tìm được ân điển và sự tha thứ. Giăng đã bối rối bởi lòng thương xót và sự chữa lành của Chúa chúng ta, vì mong Ngài đến để thiết lập nước theo một chiều hướng khác.
Sự thách thức của Giăng hòng ra sức thúc đẩy bàn tay của Chúa, buộc Chúa Jêsus phải tuyên bố Ngài là Đấng Mêsi, và để khiến Ngài bắt đầu đem sự phán xét đến cho trần gian. Giăng đã cảnh cáo mọi người rằng Đấng Mêsi sẽ đến với lửa, và Giăng nghĩ đã đến giờ cao điểm cho Chúa Jêsus phải tỏ sự ấy ra, và phải hành động theo như ông đã cảnh báo Đấng Mêsi sẽ hành động. Thất bại của Giăng là không nắm bắt đầy đủ mọi lời tiên tri trong Cựu ước cũng như cả hai lần đến của Đấng Christ, khiến cho ông phải kết luận rằng Chúa Jêsus cần phải giải quyết ngay một việc gì đó. Việc đó chính là điều Giăng đã đề ra phải làm theo, nhưng như chúng ta sẽ thấy, điều nầy đã không xảy ra. Chúng ta hãy bước qua phần kế tiếp để xem xét phương thức Chúa Jêsus xử lý với cơn khủng hoảng nầy, mà Giăng đã không thận trọng.
Đáp ứng của Chúa chúng ta đối với sự thách thức của Giăng
Tôi lấy làm ngạc nhiên không biết chúng ta sẽ chẩn đoán nan đề của Giăng như thế nào hôm nay. Có người nhìn thấy đây chỉ là một “vấn đề tự tưởng tượng” mà thôi. Còn đối với tôi gần như mỗi nan đề hôm nay có quan hệ (bởi chúng ta) với việc tự cho là thấp kém. Tôi ngạc nhiên về tình trạng thừa thải sách báo trên các ngăn kệ của cửa hàng sách Cơ đốc mà chúng ta sẽ gửi đến cho Giăng. Mọi hành động và lời nói của Chúa Jêsus sẽ không phù hợp với những gì chúng ta sẽ nói hay làm. Chúng ta hãy bắt đầu, bằng cách lưu ý tới những gì Chúa Jêsus không làm, cũng như lưu ý tới những gì chúng ta có khuynh hướng làm theo trong chỗ của Ngài.
Chúa Jêsus đã không làm theo những gì Giăng đòi hỏi. Chúa Jêsus đã không đưa ra lời tuyên bố Ngài là (hay Ngài không phải là) Đấng Mêsi. Giăng đã đưa ra tối hậu thư, nhưng Chúa Jêsus không bị quấy nhiễu. Chúa Jêsus đã không dành cho Giăng sự chú ý riêng của Ngài. Có người cảm thấy rằng Giăng đã sống cô độc, đã ngã lòng, và ông cần có ai đó bỏ ra “thời gian xứng đáng” với ông. Chúa Jêsus không nghĩ như vậy. Chúa Jêsus không nói cho Giăng biết mọi giải đáp cho các thắc mắc của ông ta, là những điều làm cho lý trí ông được thoải mái hơn. Sự lĩnh hội các lời tiên tri nói về Đấng Mêsi nơi Giăng không hoàn toàn và bị méo mó. Chúa Jêsus có quyền loại bỏ mọi thiếu sót đó của Giăng. Ngài có quyền chỉ ra toàn bộ “chương trình của mọi thời đại”, nhưng Ngài không làm như vậy. Và Chúa Jêsus, tôi phải nói thêm, đã không thông báo cho Giăng biết không bao lâu nữa ông sẽ chết dưới tay của Hêrốt.
Đáp ứng của Chúa Jêsus đối với Giăng rất là đơn giản. Ngài chỉ bảo cho các phái viên của Giăng về nói lại cho Giăng biết mọi điều họ đã chứng kiến:
“Hãy về báo cho Giăng sự các ngươi đã thấy và đã nghe: kẻ đui được sáng, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại. Tin Lành đã rao giảng cho kẻ nghèo” (Luca 7.22).
Thực ra, Chúa Jêsus đang đưa ra cho Giăng giải pháp cho nan đề của ông. Ngài chỉ nói cho Giăng biết phải làm theo những gì mà mỗi thánh đồ phải lo làm, so sánh các lời tiên tri trong Cựu ước với mọi việc làm và mọi lời tuyên bố của Đức Chúa Jêsus Christ. Nếu Chúa Jêsus làm ứng nghiệm những lời tiên tri nầy, thì Kinh Thánh làm chứng cho sự thật Ngài chính là Đấng Mêsi. Hãy lưu ý mọi lời nói việc làm của Chúa Jêsus so sánh thể nào với các lời tiên tri nói về Đấng Mêsi nầy trong sách Êsai:











Luca 7.22
Êsai 29.18
Êsai 35.5-6
Đoạn, Ngài đáp rằng: Hãy về báo cho Giăng sự các ngươi đã thấy và đã nghe: kẻ đui được sáng, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại. Tin Lành đã rao giảng cho kẻ nghèo
Trong ngày đó, kẻ điếc sẽ nghe những lời trong sách; con mắt của kẻ đui sẽ xem thấy từ sự tối tăm mù mịt
Bấy giờ, những kẻ mù sẽ mở mắt, những kẻ điếc sẽ rỗng tai. Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy như con nai, lưỡi kẻ câm sẽ hát. Vì có những dòng nước trào lên trong đồng vắng, và những suối chảy ra trong nơi sa mạc
Sự bảo đảm cho Giăng biết Chúa Jêsus là Đấng Mêsi sẽ đến từ sự hiểu biết mọi việc làm và lời nói của Chúa Jêsus đã làm ứng nghiệm những lời tiên tri trong Cựu ước, các lời tiên tri nầy nói tới chức vụ chữa lành của Ngài và việc Ngài rao giảng tin lành cho người nghèo và kẻ bị áp bức. Giăng cần phải quay trở lại với Ngôi Lời, Ngôi Lời mà ông đã rao giảng. Không may, Giăng lại có khuynh hướng phân chia những gì Đức Chúa Trời đã kết hiệp. Giăng đã lọc ra các phân đoạn nói tới sự cứu rỗi và sự chữa lành rồi chỉ tập trung vào những chỗ xét đoán mà thôi. Rồi khi chúng ta xem Kinh Thánh, chúng ta thấy hai lẽ đạo đan dệt lại với nhau. Thí dụ, hãy xem xét phần nội dung của phân đoạn Kinh Thánh nầy được coi là lời tiên tri của Êsai:
“Trong ngày đó, kẻ điếc sẽ nghe những lời trong sách; con mắt của kẻ đui sẽ xem thấy từ sự tối tăm mù mịt. Những người nhu mì cũng sẽ được thêm sự vui vẻ trong Đức Giê-hô-va, những kẻ nghèo khổ trong loài người sẽ nhân Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên mà mừng rỡ. Vì người bạo ngược đã bị diệt; kẻ khinh lờn đã mất đi, phàm những kẻ nhân dịp làm sự ác đã bị trừ tiệt, tức những kẻ lấy lời nói định tội người ta, gài bẫy cho những người kiện cáo trước cửa, lấy sự hư không làm khuất công bình” (Êsai 29.18-21).
Có lẽ do khuynh hướng của con người muốn tách biệt lẽ thật ra thành từng phần, Đức Chúa Trời đã kết hiệp hai lẽ đạo nói tới sự thương xót và sự công bình, về sự phán xét và sự cứu rỗi trong một lời tiên tri. Trong khi lời tiên tri nầy chỉ ra hai lần đến hầu cho các lời hứa đều được ứng nghiệm, Đức Chúa Trời muốn dân sự Ngài phải hiểu rằng Đấng Mêsi sẽ hoàn tất cả hai. Ngài sẽ hoàn tất sự cứu rỗi cho những ai chịu tin cậy nơi Ngài; và Ngài sẽ hoàn tất sự báo trả thiêng liêng cho những kẻ cứ khăng khăng trong tội lỗi của họ. Giăng giống như phần nhiều người trong chúng ta, dường như chỉ nhấn mạnh đến một khía cạnh của lời tiên tri và tống khứ khía cạnh kia đi. Cho nên, khi lần đến đầu tiên của Chúa Jêsus được đánh dấu bằng sự thương xót và ân điển. Giăng có khuynh hướng nghĩ mình đã tin quyết vào một Đấng không hẳn là Đấng Mêsi, chớ không nghĩ suy tưởng và thần học của mình không đúng. Lời lẽ của Chúa Jêsus đã đưa Giăng quay trở lại với Quyển Sách. Kinh Thánh là tiêu chuẩn duy nhất cho suy tưởng và thần học của chúng ta. Chức vụ của Chúa Jêsus là một sự ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh, và chính Giăng phải điều chỉnh lại chỗ đứng của ông. Không phải Chúa Jêsus là nhân vật cần phải thay đổi, mà là Giăng.
Chúa Jêsus đã trở thành một vầng đá vấp chơn của Giăng. Và sứ điệp sau cùng của Chúa chúng ta cho Giăng là sứ điệp khích lệ ông đừng vấp phạm vì Chúa chúng ta: “Phước cho kẻ không vấp phạm vì cớ ta!” (Luca 7.23).
Phần kết luận
Có nhiều bài học cho chúng ta phải tiếp thu từ thất bại của Giăng, từ lời lẽ khích lệ và chỉnh đốn của Chúa Jêsus. Hãy để tôi đề nghị một số bài học.
Thứ nhất, sự cố nầy dạy cho chúng ta biết rằng bài học có giá trị cho phần quyết định Chúa Jêsus có phải là Cứu Chúa của thế gian hay không chính là sự học biết về lẽ thật. Có phải Chúa Jêsus và chỉ có Chúa Jêsus mới làm ứng nghiệm mọi lời hứa và lời tiên tri trong Kinh Thánh nói tới Cứu Chúa hầu đến của thế gian không? Nếu mọi việc làm và lời nói của Chúa Jêsus, như đã được các sách tin lành ghi chép lại, đang ứng nghiệm các lời tiên tri trong Cựu ước (những điều mà từng vị trước giả tin lành bảo đảm với chúng ta rằng chúng sẽ ứng nghiệm), thì Chúa Jêsus là Đấng Mêsi, Bài Học Cứu Chúa của Đức Chúa Trời là ai chính là bài học của Kinh Thánh. Hễ ai xưng mình là Đấng Mêsi phải đạt đủ các tiêu chuẩn mà Đức Chúa Trời sẽ đề ra cho người ấy. Chỉ có Chúa Jêsus mới làm thoả mãn các tiêu chuẩn nầy. Chúa Jêsus không đưa ra cho Giăng một lời xưng nhận trực tiếp vì có nhiều người khác đã đưa ra cùng một lời xưng nhận đó. Chúa Jêsus không gắng sức sử dụng sức thu hút cá nhân của Ngài, thay vì thế Ngài đã chỉ ra mọi việc làm mà Ngài đã thực hiện và chỉ ra những phân đoạn Kinh Thánh nói tới việc làm nầy.
Hãy để tôi hỏi quý vị một cách thẳng thừng, các bạn tôi ơi: Quý vị có xem kỹ bằng chứng chưa? Quý vị có tìm kiếm sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời không? Quý vị có ao ước nhận được sự buông tha tội lỗi của mình không? Quý vị có muốn kinh nghiệm ân điển của Đức Chúa Trời, hơn là sự phán xét của Ngài không? Thế thì quý vị có thể thực hiện mọi điều ao ước ấy bằng cách tin cậy vào điều khoản của Đức Chúa Trời, là Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jêsus Christ là ai mới là thắc mắc quan trọng nhất trên thế gian đối với quý vị đấy. Quý vị có đọc những lời tiên tri trong Cựu ước chưa? Quý vị có nghiên cứu những lời lẽ và việc làm của Chúa Jêsus không? Nếu quý vị kết luận rằng Chúa Jêsus là kẻ lừa đảo đến nỗi quý vị không thể tìm kiếm Ngài để được cứu rỗi, nhưng nếu quý vị kết luận rằng chỉ một mình Ngài làm ứng nghiệm Kinh Thánh, thì quý vị phải hướng về Ngài, tin cậy nơi sự chết, sự chôn và sự sống lại của Ngài để quý vị được cứu.
Thứ hai, đối với Cơ đốc nhân, có một số nguyên tắc thích hợp với kinh nghiệm riêng của chính chúng ta. Hãy để tôi kết luận rằng bằng cách nhắc lại một số vấn đề:
(1) Các vị tiên tri, không trọn vẹn. Giăng là một vị tiên tri, đúng là một tiên tri cao trọng nhất trong số các tiên tri của Cựu ước, nhưng Giăng không trọn vẹn, như phân đoạn Kinh Thánh tỏ ra rõ ràng. Phần nhiều các nhà lãnh đạo Cơ đốc quan trọng trong hiện tại và quá khứ đều được biết rõ (ít nhất bởi những ai sống gần gũi với họ) là hạng người với những ý tưởng và cách sống khá kỳ lạ. Hạng Cơ đốc nhân cao trọng không nhất thiết là những người chồng hay cha tốt. Có thể họ sẽ không xoay sở giỏi giống như những người khác. Người nào giỏi giang trong lãnh vực nầy, sẽ không xuất sắc ở lãnh vực kia.
Hơn thế nữa, người nào xuất sắc ở một lãnh vực chắc chắn sẽ có một số nan đề trong chính lãnh vực cao trọng của họ. Giăng là một vị tiên tri, và vì thế chúng ta phải nói rằng chuyên môn của ông là nói tiên tri, nhưng đúng vào chuyên môn nầy lầm lỗi của ông cũng đã phát sinh. Giăng đã thất bại không nắm bắt được sự thật Chúa Jêsus là sự ứng nghiệm lời tiên tri trong Cựu ước. Giăng đang cố gắng loại bỏ sự hoài nghi Chúa Jêsus, khi Giăng không nắm bắt đủ lời tiên tri của mình.
Giăng không phải là đơn độc trong vấn đề nầy, vì Phierơ nói cho chúng ta biết hết thảy các tiên tri trong Cựu ước đã vật vã để nắm bắt ý nghĩa lời tiên tri trong Kinh Thánh. Thật vậy, ngay cả họ cũng đã vật vã nắm bắt ý nghĩa mọi lời nói tiên tri của chính họ:
“Về sự cứu rỗi đó, các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét, và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em: nghĩa là tìm cho biết thời kỳ nào và thời kỳ cách nào mà Thánh Linh Đấng Christ ở trong lòng mình đã chỉ cho, là khi làm chứng trước về sự đau đớn của Đấng Christ và về sự vinh hiển sẽ theo sau. Các đấng ấy đã được tỏ cho rằng chẳng phải vì mình, bèn là vì anh em mà truyền ra những điều đó, là những điều hiện nay đã rao cho anh em, bởi những người nhờ Đức Thánh Linh từ trên trời sai xuống, mà giảng Tin Lành cho anh em; các thiên sứ cũng ước ao xem thấu những sự đó” (I Phierơ 1.10-12).
Những khó khăn của chúng ta trong việc tìm hiểu Kinh Thánh có thể thấy được trong vài lãnh vực. Thứ nhất, có phần giới hạn của “con người thiên nhiên”, chưa được cứu, và không có sự trợ giúp của Đức Thánh Linh (đối chiếu I Côrinhtô 2.6-16). Kế đó, có phần hạn chế trong tình trạng hữu hạn của chúng ta. Ngay cả những người được cứu cũng có những hạn chế đối với những gì họ có thể nắm bắt được ngay bây giờ. Thứ ba, có phần hạn chế trong tình trạng tội lỗi, trong tình trạng bướng bỉnh, và trong quá khứ lệch lạc của chúng ta. Một đứa trẻ bị lạm dụng tình dục (bởi cha nó) sẽ thấy khó đọc các phân đoạn nói tới Đức Chúa Trời là Cha, nó chỉ thích đọc xem các lý tưởng nào bắt rễ từ kinh nghiệm riêng của nó, nhưng đối với Ngôi Lời thì không đúng như vậy.
Sau cùng, chúng ta gặp nhiều khó khăn trong sự nắm bắt đầy đủ lời lẽ của Đức Chúa Trời vì những giới hạn trong lãnh vực ân tứ và chức vụ thuộc linh của chúng ta. Mỗi Cơ đốc nhân đều có một hình thức đặc biệt về “sự được ơn”, mà Đức Chúa Trời đã ban ra để trang bị cho họ vì một loại chức vụ đặc biệt nào đó. Khi chúng ta không có đủ ân tứ, chúng ta tiếp cận Kinh Thánh nhờ vào các ân tứ mà chúng ta hiện có. Thí dụ, khi Phaolô và Banaba có sự bất đồng dữ dội về việc đem Mác cùng đi trên chuyến hành trình truyền giáo kế tiếp của họ (đối chiếu Công vụ các sứ đồ 15.36-41), mỗi người đều có một nhận định dựa theo các ân tứ và sự kêu gọi của riêng mình. Là một sứ đồ hàng đầu, Phaolô đã từ chối không đem theo một người đã thất bại không chịu nỗi áp lực, và quả đúng như vậy. Là một người can đảm, Banaba đã từ chối không chịu rời bỏ người đã từng thất bại, và quả đúng như thế. Mỗi người đều nhận định Mác qua chấn song các ân tứ và sự kêu gọi của riêng mình. Tôi đang chỉ ra chúng ta có thể tiếp cận Kinh Thánh cùng một phương thức ấy, với năng lực và sự yếu đuối thích ứng của chính chúng ta.
Nếu các tiên tri thời Cựu ước – những người qua họ Kinh Thánh được viết ra – không hiểu rõ Kinh Thánh, làm sao chúng ta dám cho là chúng ta hiểu Kinh Thánh một cách hoàn toàn được? Sứ đồ Phaolô cho chúng ta biết Kinh Thánh không thuật lại cho chúng ta biết mọi sự mà chúng ta muốn biết đâu. Kinh Thánh khiến cho chúng ta “xem như trong một cái gương, cách mập mờ” (I Côrinhtô 13.12), chỉ nhận biết đầy đủ khi bước vào trong cõi đời đời.
Những giới hạn của chúng ta trong sự hiểu biết Kinh Thánh tỏ ra một hai lãnh vực ứng dụng. Thứ nhất, chúng ta phải cẩn thận không nên độc đoán quá mức những việc không rõ ràng như pha lê trong Kinh Thánh. Tôi lưu ý, thí dụ, một Cơ đốc nhân có khuynh hướng độc đoán về các quan điểm nào đó về lời tiên tri (thuyết mạt thế). Thí dụ, dù quý vị theo thuyết “tiền hay hậu đại nạn”, là lý thuyết mà người ta có thể tin theo cách tuyệt đối. Nếu Giăng có thể sai lầm về Đấng Mêsi, chúng ta hãy cẩn thận về thuyết mạt thế, và bất kỳ một lãnh vực nào trong lẽ thật Kinh Thánh, nếu lãnh vực ấy chưa được dạy dỗ rõ ràng và dứt khoát trong Kinh Thánh.
Nhìn biết các giới hạn của chính chúng ta trong sự hiểu biết Kinh Thánh, chúng ta hãy tiếp thu các mối nguy hiểm của hình thức biệt lập và sự tự quản trong việc nghiên cứu Kinh Thánh và sống Cơ đốc. Theo ý kiến của tôi, một phần trong nan đề của Giăng là sự biệt lập của ông đối với các tín hữu khác. Ông không có ai thách thức suy nghĩ của ông, và thậm chí cách lý giải Kinh Thánh của ông. Quý vị và tôi cần đến nhau vì nhiều lý do, nhưng lý do tốt nhất chúng ta cần tới người khác là để làm cân đối mọi giới hạn và khiếm khuyết của chính chúng ta. Bất kỳ một giáo sư Kinh Thánh nào không lắng nghe và học hỏi từ các vị giáo sư Kinh Thánh khác, thì không thể tin theo được, theo ý kiến của tôi. Bất kỳ Cơ đốc nhân nào nghĩ họ chỉ cần quyển Kinh Thánh của họ và Đức Thánh Linh thôi, họ sẽ hoá ra cực đoan trong nhận định một số quan điểm Kinh Thánh dạy dỗ. Chúng ta hãy hỏi học nhau để giúp làm cân đối sự chúng ta nắm bắt lẽ thật Kinh Thánh.
Nhìn biết sự chúng ta nắm bắt Kinh Thánh là bất toàn, chúng ta cần phải học hỏi để sống theo bằng cách quả quyết nắm giữ lẽ thật. Giăng, giống như các tiên tri khác, không thể làm cân đối những lẽ thật [dường như mâu thuẫn] nói về sự chịu khổ và đắc thắng của Đấng Christ, về sự phán xét của Đấng Mêsi và sự cứu rỗi của Ngài. Và khi Giăng không thể làm cho hài hoà được, thì Đức Chúa Trời làm được. Không một vị tiên tri nào làm cho các lẽ thật nầy được hài hoà cho tới chừng chúng đã được ứng nghiệm. Chúa Jêsus không giải quyết nan đề của Giăng bằng cách chỉ ra thể nào hết thảy lời tiên tri đều sẽ được ứng nghiệm trong tương lai, bởi một Đấng Mêsi và hai lần đến. Chúa Jêsus đã khích lệ Giăng nghiên cứu và tin theo Kinh Thánh, cho dù các lẽ thật dường như quá căng.
Tôi tin rằng chúng ta cần phải làm theo y như vậy. Thí dụ, chúng ta phải nắm bắt lẽ đạo nói về quyền tể trị của Đức Chúa Trời với lẽ đạo tương ứng nói tới trách nhiệm của con người. Chúng ta không xưng công bình Lời của Đức Chúa Trời bằng cách nắm lấy lẽ thật nầy rồi loại bỏ lẽ thật kia, chỉ vì cớ trong sáng và đơn giản. Chúng ta hãy học hỏi, giống như Giăng, phải nắm bắt các lẽ thật [duờng như đối chọi nhau], cho tới chừng Đức Chúa Trời bày tỏ sự hiệp một và hài hoà của chúng ra trong tương lai.
(2) Có một mối nguy hiểm rất lớn lộ ra do việc trông mong hão huyền. Dòng cuối cho thấy Giăng đã có những trông mong hão huyền, không chính xác về Đức Chúa Trời. Những sự trông đợi về Đấng Mêsi và chức vụ của Ngài đều không đúng, và nhơn đó chúng trở thành xung khắc với chức vụ và sứ điệp của Đấng Christ. Giăng cố tìm cách thay đổi Đấng Christ sao cho phù hợp với mọi điều ông trông đợi, đáng lẽ là phải thay đổi mọi điều ông trông mong.
Chúng ta tự đặt mình vào một vị trí rất mong manh khi chúng ta tự cho phép mình giữ lấy những điều mong đợi hão huyền, về Đức Chúa Trời, về người bạn đời, về con cái, hay về Hội thánh, hoặc về chức vụ của chúng ta. Chúng ta hãy cẩn thận, phải giữ cho lòng trông mong của mình không vượt quá Kinh Thánh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét