Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Luca 19.28-44: "VÀO THÀNH KHÔNG ĐẮC THẮNG"



Phần giới thiệu
Xuất cứ của phân đoạn Kinh Thánh
Bối cảnh: Chuẩn bị cho Chúa Jêsus bước vào (19.28-34)
Vào thành không đắc thắng (19.35-40)
Phản ứng của Chúa Jêsus trước sự tiếp đón Ngài (19.41-44)
Cuộc tấn công của Chúa Jêsus không phải vào Rôma, mà vào tôn giáo (19.45-48)
Phần kết luận.
Bài 60:

Vào thành không đắc thắng

(Luca 19.28-44)
Mathiơ 21.1-17: “Vừa khi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ gần đến thành Giêrusalem, và đã tới thành Bêphagiê, bên núi Ôlive rồi, thì Ngài sai hai môn đồ, mà phán rằng: Hãy đi đến làng ở trước mặt các ngươi, tức thì sẽ gặp một con lừa cái bị cột, với một con lừa con; hãy mở ra và dắt đến cho ta. Nếu có ai nói chi với các ngươi, hãy trả lời rằng Chúa cần dùng hai con lừa đó; tức thì họ sẽ gởi lừa đi. Vả, điều ấy xảy ra để cho ứng nghiệm lời của đấng tiên tri rằng: Hãy nói với con gái thành Siôn rằng: Nầy, vua ngươi đến cùng ngươi, Nhu mì, cỡi lừa; Và lừa con, là con của lừa cái mang ách. Hai môn đồ bèn đi, và làm y theo lời Đức Chúa Jêsus đã dạy. Hai người dắt lừa cái và lừa con, trải áo mình trên lưng lừa, và nâng Ngài cỡi lên. Bấy giờ phần nhiều trong đám dân đông trải áo mình trên đường kẻ khác chặt nhánh cây mà rải ra giữa đường. Đoàn dân đi trước và theo sau đều kêu lên rằng: Hôsana con vua Đavít! Đáng khen ngợi cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến! Hôsana ở trên nơi rất cao! Khi Ngài đã vào thành Giêrusalem, thì cả thành đều xôn xao, nói rằng: Người nầy là ai? Chúng trả lời rằng: Ấy là Đấng tiên tri Jêsus ở thành Naxarét, xứ Galilê. Đức Chúa Jêsus vào đền thờ, đuổi hết kẻ bán người mua ở đó; đổ bàn của người đổi bạc, và ghế của người bán bò câu. Ngài phán cùng họ rằng: Có lời chép: Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện; nhưng các ngươi thì làm cho nhà ấy thành ra ổ trộm cướp. Bấy giờ, những kẻ mù và què đến cùng Ngài trong đền thờ, thì Ngài chữa cho họ được lành. Nhưng các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo thấy sự lạ Ngài đã làm, và nghe con trẻ reo lên trong đền thờ rằng: Hôsana con vua Đavít! thì họ tức giận, và nói với Ngài rằng: Thầy có nghe điều những đứa trẻ nầy nói không? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Có. Vậy chớ các ngươi chưa hề đọc lời nầy: Chúa đã được ngợi khen bởi miệng con trẻ và con đương bú, hay sao? Đoạn, Ngài bỏ họ, đi ra khỏi thành mà đến làng Bêthani và nghỉ đêm ở đó”.
Mác 11.1-18: “Khi tới gần thành Giêrusalem, bên làng Bêphagiê và làng Bêthani, ngang núi Ôlive, Đức Chúa Jêsus sai hai môn đồ đi, và phán rằng: Hãy đi đến làng ngay trước mặt các ngươi; vừa khi vào đó, thấy một con lừa con đương buộc, chưa có ai cỡi; hãy mở nó ra, dắt về cho ta. Hoặc có ai hỏi các ngươi rằng: Vì sao làm điều đó? hãy đáp lại: Chúa cần dùng nó, tức thì họ sẽ cho dắt lừa về đây. Hai người đi, thì thấy lừa con đương buộc ở ngoài trước cửa, chỗ đường quẹo, bèn mở ra. Có mấy kẻ trong những người ở đó hỏi rằng: Các ngươi mở lừa con đó làm chi? Hai người trả lời theo Đức Chúa Jêsus đã dặn; thì họ để cho đi. Hai người dắt lừa con về cho Đức Chúa Jêsus, lấy áo mình trải trên nó; rồi Ngài cỡi lên. Nhiều người trải áo mình trên đàng; lại có kẻ rải nhánh cây chặt trong đồng ruộng. Người đi trước kẻ theo sau đều la lên rằng: Hôsana! Đáng khen ngợi cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến! Phước cho nước đến, là nước vua Đavít, tổ phụ chúng ta! Hôsana ở trên nơi rất cao! Đức Chúa Jêsus vào thành Giêrusalem, đến nơi đền thờ; đoạn, liếc mắt xem mọi sự chung quanh, thì trời đã tối, Ngài bèn ra, đặng đi tới làng Bêthani với mười hai sứ đồ. Sáng ngày, khi đã lìa làng Bêthani rồi, thì Ngài đói. Vừa thấy đàng xa một cây vả có lá, Ngài đến đó xem hoặc có chi chăng; song, tới gần rồi, chỉ thấy có lá mà thôi, vì bấy giờ không phải mùa vả. Ngài bèn cất tiếng phán cùng cây vả rằng: Chẳng hề có ai ăn trái của mầy nữa! Các môn đồ đều nghe lời ấy. Đoạn, đến thành Giêrusalem; Đức Chúa Jêsus vào đền thờ, đuổi những kẻ buôn bán ở đó, lại lật đổ bàn những người đổi bạc, và ghế những kẻ bán bò câu. Ngài cấm không cho ai được đem đồ gì đi ngang qua đền thờ. Rồi Ngài dạy dỗ chúng mà rằng: Há chẳng có lời chép: Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân hay sao? Nhưng các ngươi đã làm thành cái hang trộm cướp. Các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo nghe mấy lời, bèn kiếm cách diệt Ngài; vì họ sợ Ngài, tại cả đoàn dân cảm động sự dạy dỗ của Ngài lắm”.
Luca 19.28-48: “Sau khi Đức Chúa Jêsus phán điều đó, thì đi trước mặt dân chúng lên thành Giêrusalem. Đức Chúa Jêsus gần đến thành Bêphagiê và Bêthani, ngang núi gọi là ôlive, sai hai môn đồ đi, và dặn rằng: Hãy đi đến làng trước mặt các ngươi; khi vào làng, sẽ thấy một lừa con buộc đó, chưa hề có ai cỡi; hãy mở và dắt về cho ta. Hoặc có ai hỏi sao các ngươi mở nó ra, hãy trả lời rằng: Chúa cần dùng lừa nầy. Hai người được sai ra đi, quả gặp mọi điều y như Đức Chúa Jêsus đã phán. Đang mở lừa con, các chủ lừa hỏi rằng: Sao mở lừa con nầy ra? Hai người trả lời rằng: Chúa cần dùng nó. Hai người bèn dắt lừa về cho Đức Chúa Jêsus; rồi lấy áo mình trải trên con lừa, nâng Ngài lên cỡi. Khi Đức Chúa Jêsus đang đi tới, có nhiều kẻ trải áo trên đường. Lúc đến gần dốc núi Ôlive, cả đám môn đồ lấy làm mừng rỡ, và cả tiếng ngợi khen Đức Chúa Trời về những phép lạ mình đã thấy, mà nói rằng: Đáng ngợi khen Vua nhơn danh Chúa mà đến! Bình an ở trên trời, và vinh hiển trên các nơi rất cao! Bấy giờ, có mấy người Pharasi ở trong đám dân đông nói cùng Ngài rằng: Thưa thầy, xin quở trách môn đồ thầy! Ngài đáp rằng: Ta phán cùng các ngươi, nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên. Khi Đức Chúa Jêsus gần đến thành, thấy thì khóc về thành, và phán rằng: Ước gì, ít nữa ngày nay, mầy đã hiểu biết sự làm cho mầy được bình an! Song hiện nay những sự ấy kín giấu nơi mắt mầy. Vì sẽ có ngày xảy đến cho mầy, khi quân nghịch đào hố xung quanh mầy, vây mầy chặt bốn bề. Họ sẽ hủy hết thảy, mầy và con cái ở giữa mầy nữa. Không để cho mầy hòn đá nầy trên hòn đá kia, vì mầy không biết lúc mình đã được thăm viếng. Đức Chúa Jêsus vào đền thờ rồi, bèn đuổi những kẻ bán ở đó ra, mà phán rằng: Có lời chép rằng: Nhà ta sẽ là nhà cầu nguyện; song các ngươi làm thành ra một cái hang trộm cướp. Hằng ngày Ngài giảng dạy trong đền thờ. Các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo, cùng người tôn trưởng trong dân tìm phương giết Ngài; nhưng họ không biết dùng chước chi, vì dân sự đều chăm chỉ mà nghe Ngài nói”.
Giăng 12.9-19: “Một bọn người Giuđa nghe Đức Chúa Jêsus có tại đó, bèn đến, chẳng những vì Ngài thôi, lại cũng để xem Laxarơ, là người Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại. Các thầy tế lễ cả bèn định giết luôn Laxarơ nữa, vì có nhiều người Giuđa nhơn cớ người mà chia rẽ họ và tin theo Đức Chúa Jêsus. Qua ngày sau, có một đám dân đông đến đặng dự lễ, biết Đức Chúa Jêsus lên thành Giêrusalem, bèn lấy những lá kè ra đón Ngài, và reo lên rằng: Hôsana! Chúc phước cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến, là Vua của Ysơraên! Đức Chúa Jêsus gặp một con lừa con, bèn lên cỡi, y như lời chép rằng: Hỡi con gái thành Siôn, chớ sợ chi, nầy, Vua ngươi đến, cỡi trên lừa con của lừa cái. Môn đồ trước vốn không hiểu điều đó; nhưng đến khi Đức Chúa Jêsus đã được vinh hiển, mới nhớ lại những sự đó đã chép về Ngài, và người ta đã làm thành cho Ngài. Đoàn dân ở cùng Ngài, khi Ngài kêu Laxarơ ra khỏi mộ và khiến từ kẻ chết sống lại, đều làm chứng về Ngài. Ấy cũng tại điều đó mà đoàn dân đi đón Ngài, vì có nghe rằng Ngài đã làm phép lạ ấy. Nhơn đó, người Pharasi nói với nhau rằng: Các ngươi thấy mình chẳng làm nổi chi hết; kìa, cả thiên hạ đều chạy theo người!”
PHẦN GIỚI THIỆU:
Cách đây gần 20 năm tôi có nghe giảng phân đoạn Kinh Thánh nầy, được sử dụng theo một cách bất thường nhứt. Một người bạn vừa mất đứa con gái, nó đã chết như một đứa trẻ mắc bệnh nan y. Ở tang lễ, một trong các trưởng lão của Hội Thánh, Howard Prier, đã đọc phân đoạn Kinh Thánh (tôi không nhớ địa chỉ của các câu chuyện tin lành) mà chúng tôi đã ghi lại trước mặt chúng ta ở các câu 28-34. Làm sao một phân đoạn Kinh Thánh chứa phần thu nhận một con lừa lại có thể mang lại sự yên ủi cho người vừa mất đi một đứa con trong sự chết chứ? Ông Prier đã hướng sự chú ý của chúng tôi vào mệnh đề: “Chúa cần dùng nó”. Câu nói nầy ra từ các môn đồ, và những chủ nhân của hai con thú nầy đã bằng lòng để cho họ dẫn chúng đi. Và mọi sự câu nói ấy đòi hỏi đối với Cơ đốc nhân phải giao con trẻ vào sự chăm sóc và gìn giữ của Đức Chúa Trời là sự hiểu biết rằng, trong ý định tốt lành của Ngài, Đức Chúa Trời đã cần đứa trẻ đó. Quả đây là một lẽ thật rất tốt đẹp. Đây là một sự ứng dụng rất diệu kỳ.
Trong nội dung phân đoạn Kinh Thánh ở trước mặt chúng ta, tôi phải đối mặt với hai chỗ căng thẳng. Chỗ căng thẳng thứ nhứt là đây: Tại sao cả phân đoạn lại nhắm vào việc đem con lừa cái và con của nó về, khi việc nầy dường như là một sự việc vô nghĩa? Chỗ căng thẳng thứ hai phát sinh bởi phần đối chiếu quan trọng giữa sự khen ngợi đầy vui mừng của đám đông và sự than khóc của Chúa Jêsus: Tại sao việc vào thành của Chúa chúng ta dường như là đắc thắng, khi phần đánh giá của Chúa chúng ta về mọi hàm ý của nó là ngược lại? Tại sao dân chúng thì vui mừng, đang khi Cứu Chúa lại khóc lóc?
XUẤT XỨ CỦA PHÂN ĐOẠN KINH THÁNH:
Các sự cố trong khi Chúa vào thành Jerusalem chỉ có thể hiểu theo ánh sáng của một số yếu tố rất quan trọng, mọi việc đều hội tụ tại địa điểm nầy, ngay thời điểm nầy, cùng một lúc. Thứ nhứt, Jerusalem là nơi đến của Chúa chúng ta, có mấy lần Ngài đã hướng vào thành phố nầy. Từ tin lành của Luca, và từ các câu chuyện của Mathiơ và Mác, chúng ta biết rằng Chúa Jêsus đã nhắm tới thành Jerusalem trong một số thời điểm. Kể từ lúc hoá hình của Chúa Jêsus, Ngài đã phán với các môn đồ về việc đi lên thành Jerusalem, ở đây Ngài sẽ bị kết án tử hình (đối chiếu Luca 9.31, 51). Ở một số cấp độ, gần như là công khai, Kinh Thánh cho thấy rằng Ngài không ngừng việc lên thành Jerusalem, đến với sự chết của Ngài (Luca 13.31-35).
Thứ hai, hết thảy Israel đều biết rõ rằng chính ở tại Jerusalem mà Đấng Mêsi sẽ đăng quang làm Vua của họ. Trong bài học trước, tôi đã tóm tắt một vài phân đoạn Cựu ước nói tới chỗ Đấng Mêsi xuất hiện tại thành Jerusalem. Trong lần “vào thành đắc thắng” sự bày tỏ bản thân của Chúa Jêsus cho Israel thấy Ngài là Đấng Mêsi của họ chiếu theo sự ứng nghiệm lời tiên tri trong Xachari 9.9 (đối chiếu Mathiơ 21.4-5). Mọi mắt đều hướng về thành Jerusalem, và Chúa Jêsus đang trên đường của Ngài vào thành Jerusalem.
Thứ ba, Lễ Vượt Qua đã gần tới rồi, lễ nầy khiến cho nhiều lữ khách hành hương tới thành Jerusalem và thêm nhiên liệu vào ngọn lửa thuộc linh cùng những sự mong đợi về Đấng Mêsi. Những người Israel thuộc linh từ khắp mọi nơi trên xứ Israel sẽ hành hương đến thành Jerusalem, cũng như gia đình của Chúa Jêsus vậy, như đã được ghi lại trong Luca chương 2 (các câu 41 trở đi). Edersheim viết:
“Mọi người trong xứ Israel đã suy nghĩ về kỳ lễ trong cả tháng trước, đây là đề tài bàn bạc của trường phái triết học Platon, và, ít nhất là hai ngày sabát sau cùng, là đề tài bài giảng luận trong các Nhà Hội. Mọi người sẽ đi lên thành Jerusalem, hoặc đem theo những người gần gũi và yêu dấu đến đó với họ, hay ít nhất xem các đám rước trong kỳ lễ đến thủ phủ của Do thái giáo. Đây là lần nhóm lại của cả dân Israel, của lễ tưởng niệm đêm ra đời của dân tộc, và tưởng niệm lần ra khỏi Ai cập của dân ấy, khi bạn bè từ khắp mọi nơi sẽ gặp nhau, và bạn bè mới sẽ quen biết nhau; khi các của lễ sẽ được mang tới, và người ta sẽ nhận được lễ tẩy uế — và mọi người đến thờ lạy trong Đền Thờ uy nghi và vinh hiển đó, với nghi thức thật trang trọng của nó. Những cảm xúc tôn giáo và dân tộc được khuấy động lên cùng lúc nhắm về lần giải cứu đầu tiên cũng như lần giải cứu vào lúc sau cùng”.
Giăng đặc biệt nói cho chúng ta biết có nhiều người đến tại thành Jerusalem từ trong xứ, để dự Lễ Vượt Qua:
“Lễ Vượt Qua của dân Giuđa gần đến, có lắm người trong xứ lên thành Giêrusalem trước ngày lễ để tẩy uế” (Giăng 11.55).
Thứ tư, Chúa Jêsus đã làm ra một số phép lạ, những phép lạ nầy đã lôi cuốn nhiều đoàn dân đông và đã nhóm lên nhiên liệu cho lòng sốt sắng về Đấng Mêsi của họ. Người mù Batimê (Mác ghi tên của ông ta, Mác 10.46), cùng với một người mù vô danh khác (Mathiơ 20.30), đã được ban cho sáng mắt tại thành Giêricô (Luca 18.35-43). Tuy nhiên, phép lạ quan trọng nhất là sự làm cho Laxarơ sống lại từ kẻ chết, việc nầy xảy ra gần thành Jerusalem, tại xứ Bethany (Giăng 11.1). Kết quả của phép lạ nầy là sự được lòng người của Chúa chúng ta, với một số tin theo Ngài, và một số khác thì không:
“Có nhiều người Giuđa đã đến cùng Mari và thấy sự Đức Chúa Jêsus làm bèn tin Ngài. Nhưng một vài người trong bọn đó đi tìm người Pharasi, mách cho họ sự Đức Chúa Jêsus đã làm” (Giăng 11.45-46).
Sự được lòng quần chúng nầy đã đánh động người Pharisi, họ nhóm nhau lại bàn bạc về cơn khủng hoảng, và họ, từ ngày đó trở đi, đã dự tính muốn giết Chúa Jêsus, dựa theo âm mưu nầy, do Caiphe nói ra:
“Các ngươi chẳng biết gì hết! Các ngươi chẳng xét rằng thà một người vì dân chịu chết, còn hơn cả nước bị hư mất” (Giăng 11.49b-50).
Vì lẽ đó Chúa Jêsus mới lui đi, tránh bị đưa vào thế bí, cho tới thời điểm thích ứng cho sự chết của Ngài đến. Ngài bèn đi vào trong đồng vắng, đến một thành gọi là Épraim, ở lại đó với môn đồ (Giăng 11.54). Có nhiều người đang tìm kiếm Chúa Jêsus. Ngài là đề tài cho sự trao đổi của những kẻ đang trông đợi tại Đền Thờ (Giăng 11.56). Không những người ta đang tìm kiếm Chúa Jêsus, mà Laxarơ cũng tìm kiếm Ngài nữa, ông đã được Chúa Jêsus khiến cho sống lại từ kẻ chết:
“Một bọn người Giuđa nghe Đức Chúa Jêsus có tại đó, bèn đến, chẳng những vì Ngài thôi, lại cũng để xem Laxarơ, là người Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại. Các thầy tế lễ cả bèn định giết luôn Laxarơ nữa, vì có nhiều người Giuđa nhơn cớ người mà chia rẽ họ và tin theo Đức Chúa Jêsus” (Giăng 12.9-11).
Người ta khó mà nắm bắt được tâm trạng của nhiều người vào thời điểm đó trong lịch sử. Họ đang trông đợi Đấng Mêsi, và Chúa Jêsus gần như là một đại biểu. Đồng thời cũng đúng với thời điểm nữa. Họ tìm kiếm Ngài, quan sát cẩn thận để xác định rõ lai lịch của Ngài. Ngược lại, người Pharisi và các cấp lãnh đạo tôn giáo đã quyết rằng Ngài không phải là Đấng Mêsi, và Ngài không có cơ hội để được đám đông, là những người đã ao ước muốn tôn Ngài làm Vua của họ. Họ đã dự tính buộc Ngài phải chết, và họ chỉ tìm kiếm cơ hội thuận tiện mà thôi. Các đối thủ nầy của Chúa chúng ta rất e dè đối với đám dân đông, và đã tìm cách gạt bỏ Chúa Jêsus ra khỏi con mắt của họ.
Bối cảnh: Chuẩn bị cho Đấng Mêsi bước vào (19.28-34)
“Sau khi Đức Chúa Jêsus phán điều đó, thì đi trước mặt dân chúng lên thành Giêrusalem. Đức Chúa Jêsus gần đến thành Bêphagiê và Bêthani, ngang núi gọi là ôlive, sai hai môn đồ đi, và dặn rằng: Hãy đi đến làng trước mặt các ngươi; khi vào làng, sẽ thấy một lừa con buộc đó, chưa hề có ai cỡi; hãy mở và dắt về cho ta. Hoặc có ai hỏi sao các ngươi mở nó ra, hãy trả lời rằng: Chúa cần dùng lừa nầy. Hai người được sai ra đi, quả gặp mọi điều y như Đức Chúa Jêsus đã phán. Đang mở lừa con, các chủ lừa hỏi rằng: Sao mở lừa con nầy ra: Hai người trả lời rằng: Chúa cần dùng nó”.
Núi Ôlive là một ngọn núi ở phía ngoài thành Jerusalem, Luca thuật lại cho chúng ta ở chỗ khác là “quảng đường ước đi một ngày sabát” từ thành Jerusalem (Công vụ Các sứ đồ 1.12). Đây là địa điểm rất có ý nghĩa. Chính trên Núi Ôlive mà Vua David đã khóc lóc, cùng với những người thân tín theo mình, khi ông trốn ra khỏi thành Jerusalem tránh mặt con trai mình là Ápsalôm (II Samuên 15.30). Theo Xachari 14.4, Đấng Mêsi phải xuất hiện trên Núi Ôlive, là núi sẽ nứt ra làm hai, tạo ra một trũng rất lớn. Chính ở đây mà cuộc “vào thành đắc thắng” được dàn dựng. Trong tuần lễ sau cùng của Ngài, Chúa Jêsus đã qua nhiều đêm trên Núi Ôlive (Luca 21.37). Dường như Chúa Jêsus cũng thăng thiên từ Núi Ôlive (đối chiếu Công vụ Các sứ đồ 1.12).
Chúa Jêsus đã dừng lại tại đây trên Núi Ôlive, trước khi vào thành Jerusalem. Ngài đã sai hai môn đồ đi trước lo đem về một con vật để cỡi. Ấy chẳng phải Chúa Jêsus cần phải cỡi lừa đâu, vì đường vào thành Jerusalem không xa lắm. Theo tôi hiểu, đây là lần đầu tiên Chúa Jêsus được nói tới là đã cỡi trên lưng một con thú. Mục đích của việc cỡi lừa vào thành Jerusalem là để làm ứng nghiệm lời tiên tri, rồi vì cớ đó tuyên xưng lai lịch của Ngài là Đấng Mêsi. Lời tiên tri ấy chính là Xachari 14.4:
“Trong ngày đó, chơn Ngài sẽ đứng trên núi ôlive, là núi đối ngang Giêrusalem về phía đông; và núi ôlive sẽ bị xé ra chính giữa về phía đông và phía tây, đến nỗi thành ra một trũng rất lớn; phân nửa núi dời qua phương bắc, phân nửa dời qua phương nam” (Xachari 14.4).
Toàn bộ câu Kinh Thánh nầy được dành để mô tả các chi tiết quanh việc cỡi lừa cái nầy cùng lừa con của nó trong cả ba sách tin lành (Mathiơ, Mác, và Luca). Một mình Giăng cắt bỏ các chi tiết nầy ra khỏi câu chuyện của ông. Tại sao phải ghi chi tiết trong sách Luca và hai sách tin lành kia? Có thể đưa ra vài đáp ứng như sau:
Thứ nhứt, đây là sự ứng nghiệm quan trọng của lời tiên tri, Chúa chúng ta dự tính về việc làm ứng nghiệm. Trong khi Luca không nhấn mạnh yếu tố lời tiên tri đã ứng nghiệm nhiều như Mathiơ, dù sao đây cũng là một yếu tố. Bởi việc làm của Ngài, Chúa Jêsus đang tuyên bố lai lịch Ngài là Đấng Mêsi.
Thứ hai, quyền phép kỳ diệu của Chúa Jêsus đã được vạch ra. Có người sẽ nghĩ đây là một phép lạ khi hai con vật được giao cho hai môn đồ nầy. Nhưng sự hiểu biết chính xác của Chúa Jêsus về địa điểm có hai con thú đó, cùng sự đáp ứng của mấy người chủ lừa, chỉ ra Chúa chúng ta biết rõ hoàn toàn và đang nắm quyền điều động trong môi trường của Ngài. Sự thật cho thấy rằng con thú (trên đó Chúa Jêsus cỡi), chưa có ai cỡi có thể là một manh mối che giấu thần tính của Ngài. Trong Dân số ký 19.2 và Phục truyền luật lệ ký 21.3, những con thú được người ta đem dâng cho Đức Chúa Trời phải chưa có ai cỡi lên nó. Phải chăng con thú chưa có ai cỡi lên là một manh mối cho sự thật: nó là một của dâng cho Đức Chúa Trời, một con vật được dùng trong sự thờ phượng Ngài hay không? Tôi tin sự lựa chọn của Chúa chúng ta khi cỡi lên một con vật chưa có ai cỡi là một sự cố thật lạ lùng. Gần như tôi có thể nhìn thấy mấy người chủ lừa đã cười khúc khích trong lòng và nói như sau: “Phải đợi cho tới chừng ông ta tập cỡi con vật nầy đã. Liệu nó có nhảy lồng lộn lên không?”
Thứ ba, sự thật cho thấy rằng các môn đồ trước tiên đã không hỏi xin sử dụng hai con vật, mà chỉ đưa ra một lời giải thích quyền hạn của họ khi đến nhận lấy hai con thú mà thôi, là một sự tỏ ra quyền hạn của Chúa khi muốn sử dụng bất cứ thứ gì con người đang sở hữu. Hãy suy nghĩ tới những phương thức khác nhau trong đó có thể tìm được một con vật chưa có ai cỡi. Chính mình Chúa Jêsus sẽ ra đi và xin sử dụng nó. Ngài có thể tự nhận mình là Đấng Mêsi, rồi giải thích rằng Ngài có những lời tiên tri nhất định phải làm cho ứng nghiệm, và sự sử dụng con vật của người chủ đó sẽ là một đóng góp quan trọng cho Vương quốc của Ngài. Hoặc, Chúa Jêsus sẽ sai các môn đồ Ngài làm phần việc tương tự. Một khi họ đã giải thích xong Chúa Jêsus là ai rồi, kế đó họ sẽ hỏi xin sử dụng con vật, chắc chắn họ sẽ nhận được nó. Tất nhiên là họ sẽ hứa đưa con vật trả lại, hay có thể đưa ra lời thuê mướn hoặc mua đứt chúng.
Tuy nhiên, chẳng một điều nào trong các việc nầy đã xảy ra. Thay vì thế, hai môn đồ nầy đi thẳng vào làng, và chẳng có xin phép trước, đã khởi sự bắt lấy hai con vật. Mọi sự nầy đã được làm ra ngay trước mắt của mấy người chủ lừa. Chúng ta dám cho hành động nầy là “gan góc”. Và hãy nhớ rằng hai môn đồ đang thực thi đúng những gì Chúa Jêsus đã bảo họ phải làm. Chúa truyền cho họ biết chỗ ở của hai con vật, đến lấy chúng, rồi đưa ra một lời giải thích duy nhất nếu họ có hỏi tra. Thực thế, mấy người chủ lừa có lẽ đã nói ra một câu như thế nầy, khi họ nhìn thấy mấy con vật bị dẫn đi: “Nè, mấy ông nghĩ mấy ông đang làm gì thế?”
Điều đáng ngạc nhiên đối với tôi là khi nghe thấy câu: “Chúa cần dùng nó”, mấy người chủ lừa thôi không phản kháng nữa, để cho hai môn đồ dẫn hai con vật đi, không đưa ra một câu nói nào về sự chúng trở về nữa. Tôi lấy làm lạ không biết họ có mong nhìn thấy hai con vật nầy trở lại hay không!?! Sự hiểu biết của chúng ta về phần đáp ứng của mấy chủ lừa nầy phải bắt đầu bằng một sự hiểu biết giá trị của hai con vật đối với chủ của chúng. Sự giàu có nơi phần của người thế gian, thường được đánh giá trong các giới hạn gia súc. Đặt vào xã hội ngày nay, lừa cái và lừa con là một thứ giống như đồ vật để đánh đổi vậy. Bạn có thể tưởng tượng khi cho phép hai người lạ đến lấy rồi dẫn chúng đi, với câu nói duy nhất: “Chúa cần dùng nó” thôi sao? Câu nói nầy làm thoả mãn mấy người chủ lừa ở điểm nào?
Chìa khoá được thấy trong chữ “Chúa”, là chữ y như nhau trong từng câu chuyện tin lành. Chữ “Chúa” đem cái gì đến cho dân cư thành Jerusalem, và đặc biệt cho mấy người chủ lừa nầy? Tôi tin rằng chữ “Chúa” nầy mấy người chủ lừa hiểu là nói tới Chúa Jêsus người Nazarét. Sâu xa hơn, tôi cho rằng chữ “Chúa”, dựa theo gốc rễ Cựu ước của nó, ám chỉ đến thần tính của Chúa chúng ta, và vì thế ám chỉ tới quyền tể trị của Ngài trên muôn loài thọ tạo. Chữ “Chúa” đưa đến cho mấy người chủ lừa nầy biết rằng Chúa Jêsus không những là Đấng Mêsi, mà còn là Đức Chúa Trời, và vì thế Ngài có từng quyền hạn sở hữu mấy con vật nầy, cho dù Ngài có trả chúng trở về hay không. Chính uy quyền của Ngài tác động và mặc cho Ngài quyền phép nắm lấy quyền làm chủ trọn vẹn con vật nầy, quyền ấy không bao giờ bị “phá vỡ”, và nó phải để cho Ngài cỡi đi bất cứ đâu Ngài muốn.
Không những hành động cỡi con vật nầy vào thành Jerusalem, mà phương thức nhận được con thú chính là một câu nói thốt ra bởi Chúa chúng ta, Ngài có quyền. Và hãy chú ý vào sự thật: ấy là uy quyền của Ngài, ít nhất trong việc nhận lấy hai con vật, không phải do Chúa trực tiếp thực hiện đâu, mà qua các môn đồ của Ngài, những người được Chúa Jêsus sai đi, trong uy quyền của Ngài. Những phần ám chỉ sau về điều nầy sẽ được Luca nói ra trong sách thứ hai của ông, sách Công vụ Các sứ đồ.
Có phần ứng dụng rất rõ ràng ở đây, khi tôi xem phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta. Chúa Jêsus, là Đấng Mêsi, có từng quyền hạn sở hữu những gì hoàn toàn thuộc về Ngài. Nếu Chúa Jêsus là Đấng Mêsi, nếu Ngài là Con thiêng liêng của Đức Chúa Trời, tại sao Ngài lại thiếu những thứ đó? Tại sao Ngài phải cần mượn chác chi mấy con vật nầy? Tại sao Ngài không tạo ra hai con thú bằng cách làm phép lạ? Những gì chúng ta thấy ở đây là phù hợp với lần đến thứ nhứt của Chúa chúng ta. Cha mẹ của Ngài không có chỗ để sinh con, nơi ấy chỉ là một chuồng chiên mượn đỡ. Chúa Jêsus chẳng có nhà cửa nào riêng hết (đối chiếu Luca 9.58), và không có một sự giúp đỡ nào (Luca 8.1-3). Tôi cho rằng Ngài có lúc đã ở dưới bầu trời đầy sao (Luca 21.37), và có những lúc Ngài ở trong khu nhà mượn. Thậm chí Chúa Jêsus còn được chôn cất trong một ngôi mộ mượn nữa (Luca 23.50-53).
Tại sao Đấng Tạo Dựng nên Quả Đất (Côlôse 1.16) lại tự đặt mình trong chỗ có cần, để Ngài phải đi mượn những gì thuộc về người khác? Trong chỗ thứ nhứt, mọi sự đều thuộc về Ngài. Trong một ý nghĩa, con lừa con và mẹ nó vốn chẳng thuộc về loài người, mà thuộc về Đức Chúa Trời. Họ chỉ là những viên quản gia của mọi vật. Vì thế, khi Con Đức Chúa Trời phải “mượn” những gì thuộc về người khác thực sự chỉ ra Ngài đang sở hữu những gì thuộc về Ngài. Thứ hai, là Đấng Dựng Nên Quả Đất, và là Đấng Dựng Nên con người, Chúa chúng ta cũng sở hữu con người. Con người chưa được tự do. Đức Chúa Trời thì tự do, tự do làm với những gì Ngài đã dựng nên theo như Ngài lựa chọn (đối chiếu Roma 9.19-24). Vì thế, khi Con Đức Chúa Trời đưa ra lời xưng nhận hai con thú nầy là phù hợp với quyền hạn của Ngài, điều nầy cho rằng muôn vật trong sự sáng tạo của Ngài, kể cả con người đều thuộc về Ngài. Chúng ta là tài sản của Ngài, để tùy nghi sử dụng theo sự Ngài lựa chọn.
Trong khi thần học của họ chưa được phát triển bao nhiêu, và trong khi mấy người chủ lừa chưa đủ sốt sắng để cho Chúa sử dụng chúng (có lẽ họ rất vui sướng khi để cho Chúa Jêsus sử dụng chúng), thực ra, họ chẳng vui đâu, họ không thể kháng cự lại ý muốn của Ngài, thậm chí ngay khi mấy con lừa bị hai môn đồ Ngài dẫn đi nữa là.
Nhưng hãy quay trở lại với phần ứng dụng của tôi. Chúng ta có thực sự tin rằng Đức Chúa Jêsus Christ đang sở hữu muôn vật, và Ngài có quyền đòi hỏi chúng, Ngài có quyền sử dụng chúng, không cứ cách nào và bất cứ thời điểm nào không? Tôi nghĩ rằng chúng ta ít có khuynh hướng để cho mọi sự đi dễ dàng hơn mấy người chủ lừa nầy. Hiểu biết Cứu Chúa của chúng ta là “Chúa” là một việc, và là Đấng sở hữu muôn vật; còn sống theo phương thức nầy là một việc hoàn toàn khác. Ngài đã chọn cứ tiếp tục, thậm chí cho đến ngày nay, xưng nhận về quyền sở hữu trên con người. Ngài đã chọn không tỏ bày công việc của Ngài ở trên đất, không tạo nên các phương tiện theo cách siêu nhiên, mà bởi lời xưng nhận đòi hỏi các phương tiện nầy mà Ngài đã đặt để trong hai bàn tay của con người. Sự bằng lòng của chúng ta giao thác mọi của cải vào hai bàn tay của Ngài là một bằng chứng đối với quyền chủ tể của Ngài.
Chúng ta biết rằng khi Nước Trời hiện đến, nhà Vua sẽ đến, và Ngài sẽ sở hữu Vương quốc của Ngài, và mọi sự có trong đó. Không một cái gì được miễn trừ. Người nào đã đoạn tuyệt và kháng cự quyền chủ tể của Ngài sẽ không còn kháng cự Ngài nữa. Những kẻ thù của Ngài sẽ bị đánh bại và bị hủy diệt.
VÀO THÀNH KHÔNG ĐẮC THẮNG (19.35-40)
“Hai người bèn dắt lừa về cho Đức Chúa Jêsus; rồi lấy áo mình trải trên con lừa, nâng Ngài lên cỡi. Khi Đức Chúa Jêsus đang đi tới, có nhiều kẻ trải áo trên đường. Lúc đến gần dốc núi Ôlive, cả đám môn đồ lấy làm mừng rỡ, và cả tiếng ngợi khen Đức Chúa Trời về những phép lạ mình đã thấy, mà nói rằng: Đáng ngợi khen Vua nhơn danh Chúa mà đến! Bình an ở trên trời, và vinh hiển trên các nơi rất cao! Bấy giờ, có mấy người Pharasi ở trong đám dân đông nói cùng Ngài rằng: Thưa thầy, xin quở trách môn đồ thầy! Ngài đáp rằng: Ta phán cùng các ngươi, nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên”.
Tốt nhứt, chúng ta nên khởi sự hiểu sự cố nầy bằng cách công nhận vài chi tiết quan trọng:
(1) Chúng ta biết rằng sự cố nầy là phần ứng nghiệm lời tiên tri của Xachari (14.4), mặc dù Luca không nhấn mạnh quan điểm nầy, giống như Mathiơ và Mác đã nhấn mạnh.
(2) Không phải mọi người ở trong thành Jerusalem đều tham dự vào cuộc vào thành đắc thắng đâu, nhưng chủ yếu là những người được gọi là môn đồ Ngài. Từ hết thảy các câu chuyện, rõ ràng là đang khi có một đoàn dân đông tụ tập lại để chào đón Chúa Jêsus vào thành Jerusalem (đối chiếu Giăng 12.12), có nhiều người trong thành Jerusalem không tham dự. Cả thành phố, Mathiơ cho chúng ta biết họ thảy đều xôn xao (21.10), không phải hết thảy mọi người đều tham dự. Dường như là đại đa số những người tham dự trong lễ rước nầy là những người không phải đến từ thành Jerusalem, mà là những người khách hành hương, họ đã đến tại thành Jerusalem, vừa dự lễ Vượt Qua (Giăng 12.12), hoặc để theo Chúa Jêsus đến đó (Luca 19.37), hay cả hai.
(3) Không một ai thực sự hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của những gì họ đang làm khi họ nghinh đón Chúa Jêsus vào thành Jerusalem. Giăng cho chúng ta biết rằng ngay cả (12) sứ đồ đã không hiểu những gì họ (hay Chúa Jêsus) sắp làm:
“Môn đồ trước vốn không hiểu điều đó; nhưng đến khi Đức Chúa Jêsus đã được vinh hiển, mới nhớ lại những sự đó đã chép về Ngài, và người ta đã làm thành cho Ngài” (Giăng 12.16).
Khi những người thành Jerusalem hỏi điều gì đang xảy ra, và “Jêsus” là ai, đoàn dân đông đã đáp lại Ngài là một vị tiên tri, chớ không phải Ngài là Đấng Mêsi:
“Khi Ngài đã vào thành Giêrusalem, thì cả thành đều xôn xao, nói rằng: Người nầy là ai? Chúng trả lời rằng: Ấy là Đấng tiên tri Jêsus ở thành Naxarét, xứ Galilê” (Mathiơ 21.10-11).
Luca cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus đã được ngợi khen vì các phép lạ của Ngài (Luca 19.37).
Khi chúng ta xem phần đáp ứng của Chúa chúng ta đối với “lần vào thành đắc thắng”, Ngài đã xem đó là một sự chối bỏ, chớ không phải là sự tiếp đón Ngài trong vai trò Đấng Mêsi (đối chiếu Luca 19.41-44). Giống như Chúa Jêsus nói rằng những kẻ đóng đinh Ngài trên thập tự giá “không biết mình làm điều gì” (Luca 23.34), cũng một thể ấy chúng ta thấy đoàn dân đông không biết họ đang làm điều gì ở đây.
Một số môn đồ đã xem việc Chúa Jêsus vào thành Jerusalem là lần đến của Đấng Mêsi, của Vua Israel, nhưng họ không hiểu khi nào thì Nước của Ngài sẽ được dựng lên, hay bằng cách nào. Những người khác dường như đã xem Chúa Jêsus là một nhân vật kém hơn thế. Nhiều người, vốn không biết Ngài là ai, hay việc gì đang xảy ra. Một người lấy làm lạ không biết có bao nhiêu người bị cuốn vào trong sự phấn khích và diễu hành đó, mà rốt lại không biết điều chi đã xảy ra.
Tôi nghĩ rằng có người không xem Chúa Jêsus là Đấng Mêsi, nhưng nghĩ rằng họ có thể chỉ định Ngài làm Vua. Tôi lấy làm lạ một khi có người, theo câu chuyện của Mathiơ (21.11), nghĩ Chúa Jêsus là “tiên tri”, cũng nghĩ rằng họ có thể buộc Ngài phải làm Vua của họ, như dân chúng muốn làm vậy trong Giăng 6.15. Vì lẽ đó Chúa Jêsus không được tôn trọng đủ, mà chỉ là Đấng có khả năng trở thành Vua, nếu dân chúng muốn chỉ định Ngài làm Vua.
(4) Kinh Thánh không nói cho chúng ta biết Chúa Jêsus đã truyền lịnh nầy cho các môn đồ Ngài, mà chỉ biết rằng Ngài đã ngăn cản không cho họ làm như vậy. Tôi không thể xác minh điều nầy, nhưng tôi có ấn tượng rằng Chúa Jêsus không bảo các môn đồ những điều phải làm, khi hai môn đồ trở lại với mấy con lừa. Các phân đoạn Kinh Thánh trong bốn sách tin lành đọc gần giống nhau (ở sách Giăng thì nhất trí ở từng chi tiết). Chúa Jêsus đã bảo hai môn đồ đến gần ngôi làng để dắt hai con lừa mà họ gặp được. Không có một tường trình nào cho thấy Ngài bảo ai phải làm gì khi họ trở lại với mấy con lừa. Một sự giải thích cho sự việc nầy thì không có gì là khó khăn cả. Các môn đồ vốn biết rõ những lời tiên tri nói về Đấng Mêsi. Họ biết rõ lời tiên tri của Xachari, và vì thế, khi Chúa Jêsus sai hai người trong số họ đi dẫn hai con lừa về, phần nối kết giữa mạng lịnh nầy và lời tiên tri của Xachari là quá rõ ràng đối với họ. Họ không cần phải biểu họ điều chi phải làm, họ chỉ đáp ứng lại lời tiên tri mà họ biết là sẽ ứng nghiệm. Và vì thế Chúa Jêsus không cần phải nói cho các môn đồ biết những gì phải làm một khi hai con lừa về đến nơi. Họ đã tự động làm theo những điều họ biết là phải làm trong mọi hoàn cảnh. Chúa Jêsus đã từ chối không ngăn cản các môn đồ Ngài đừng tạo ra sự tiếp đón nầy, nhưng sự thể cho thấy dường như Ngài không ra lịnh cho họ phải làm thế.
Một thắc mắc sẽ ám ảnh chúng ta, ngay tại điểm nầy. Nếu thực tế chuyến “vào thành đắc thắng” là một thất bại, một loại thất bại mà chỉ có Chúa chúng ta mới thực sự hiểu rõ, thế thì tại sao Chúa Jêsus lại cho phép điều đó xảy ra? Thực thế, tại sao Chúa Jêsus lại khiến cho việc ấy xảy ra chứ? Tại sao Chúa Jêsus lại chấp nhận một sự cố như thế, một việc chẳng có gì khác hơn là kích thích những đoàn dân đông, nhưng không dựng nên một nước nào hết?
Tôi tin rằng có vài câu trả lời cho thắc mắc nầy. Đáp ứng thứ nhứt: ấy là tuyệt đối cần thiết cho Chúa Jêsus xác định công khai lai lịch của Ngài là Vua Israel, thậm chí (và chúng ta có thể nói, hầu cho) Ngài sẽ bị chối bỏ và bị kết án tử hình. Có nhiều người đã lấy làm lạ không biết Chúa Jêsus là ai!?! Có nhiều người lấy làm lạ không biết có phải Ngài là Đấng Mêsi hay không!?! Hành động cỡi lừa của Ngài vào thành Jerusalem là cách nói quả quyết của Ngài: “Ta là Vua của Israel”.
Lý do thứ hai tại sao tôi tin Chúa Jêsus vội vã vào thành đắc thắng là để khẳng định không những lai lịch Ngài là Đấng Mêsi, mà còn xác định thần tính của Ngài, và nhơn đó xác định quyền được con người thờ lạy Ngài nữa. Giống như sự phản kháng của mấy người chủ lừa khi các môn đồ đến dẫn chúng đi là cái phông cho uy quyền của Chúa Jêsus sở hữu chúng, cũng một thể ấy những lời phản kháng của người Pharisi trước sự ngợi khen Chúa Jêsus là cái phông cho quyền được ngợi khen của Ngài, là Đấng Mêsi. Tất nhiên là người Pharisi, không những đã từ chối thần tính của Chúa Jêsus (đối chiếu Luca 5.21), mà còn từ chối lai lịch Ngài là Đấng Mêsi nữa. Vậy thì làm sao mà họ sẽ để cho Ngài được ngợi khen chứ? Họ khẳng định rằng Chúa Jêsus phải ngăn cản dân chúng thôi đừng ngợi khen Ngài nữa. Chúa Jêsus đã từ chối. Ngài phán rằng nếu dân chúng im lặng, đá sẽ kêu lên. Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời. Không những Ngài đáng được ngợi khen và thờ lạy, mà sự ấy không thể câm nín được.
Nầy bạn ơi, đấy là những việc mà bạn và tôi phải thực thi ngay bây giờ. Nếu bạn công nhận Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa của riêng bạn, thì Ngài đáng phải được ngợi khen. Làm thể nào một ngày có mưa có thể ngăn trở chúng ta không hội hiệp với người khác trong việc ngợi khen Ngài chứ? Một ngày đẹp trời làm sao có thể ngăn trở chúng ta không làm y như vậy, một khi ngày đẹp trời ấy quyến rũ chúng ta ở bên “bờ hồ”, thay vì hội hiệp với các thánh đồ, để ngợi khen Ngài? Người nào chối bỏ Chúa Jêsus không nhận Ngài làm Chúa, họ không ngợi khen Ngài, thì đây là một việc. Và người nào xưng danh Ngài ra là Chúa và là Vua mà từ chối không thờ lạy Ngài đây là một việc khác. Thiên đàng là một cõi đời đời dành cho sự ngợi khen. Khi Ngài đến làm Vua, mọi đầu gối sẽ quì xuống trước mặt Ngài, và mọi lưỡi sẽ thốt ra lời ngợi khen Ngài (Philíp 2.9-11). Chúng ta đừng nên phạm vào tội giữ im lặng khi chúng ta đáng phải ngợi khen Ngài. Há sự làm chứng của chúng ta về Ngài không phải là một hình thức ngợi khen sao? Có phải chúng ta chối không ngợi khen Ngài khi chúng ta thất bại không làm chứng cho người khác biết về Ngài và về tình yêu của Ngài không? Chúng ta hãy trổi hơn những hòn đá kia chứ!
(5) Lần “vào thành đắc thắng” của Chúa Jêsus đã cung ứng một sức đẩy bắt buộc các cấp lãnh đạo tôn giáo phải loại bỏ Chúa Jêsus. Lần vào thành đắc thắng đã làm cho người Pharisi tin rằng họ phải hành động cả mau chóng và quyết định phải loại bỏ Chúa Jêsus. Ngài đang thu phục nhiều đoàn dân đông. Ngài phải bị ngăn chặn, và ngăn chặn một cách nhanh chóng (Giăng 12.19).
Phản ứng của Chúa Jêsus trước sự tiếp đón Ngài (19.41-44)
“Khi Đức Chúa Jêsus gần đến thành, thấy thì khóc về thành, và phán rằng: “Ước gì, ít nữa ngày nay, mầy đã hiểu biết sự làm cho mầy được bình an! Song hiện nay những sự ấy kín giấu nơi mắt mầy. Vì sẽ có ngày xảy đến cho mầy, khi quân nghịch đào hố xung quanh mầy, vây mầy chặt bốn bề. Họ sẽ hủy hết thảy, mầy và con cái ở giữa mầy nữa. Không để cho mầy hòn đá nầy trên hòn đá kia, vì mầy không biết lúc mình đã được thăm viếng”.
Đúng là một sự trái ngược rất đáng kinh ngạc có ở đây giữa sự tiếp đón Chúa Jêsus rất vui vẻ bởi đám đông với hai hàng nước mắt của Chúa chúng ta. Họ tưởng rằng họ đã tiếp đón Ngài theo một phương thức rất thích ứng rất phù hợp; Chúa Jêsus đã xem sự cố là một tai hoạ, và dẫn tới tai hoạ, cho thành Jerusalem.
Chúa Jêsus đã khóc khi Ngài đến gần thành Jerusalem (câu 41). Lý do cho hai hàng nước mắt của Ngài được cung ứng cho chúng ta trong các câu 42-44. Trước tiên và trên hết, thành Jerusalem đã thất bại không nắm bắt được “những sự làm cho nó được bình an”. “Những sự làm cho nó bình an” là những sự nào vậy? Trong thời của chúng ta, đây là một vấn đề dễ bất đồng và dễ tranh cãi lắm. Phái “diều hâu” nghĩ rằng bình an có được là do sức mạnh, bằng cách vũ trang đầy đủ đóng vai trò như một sự răn đe đối với bất kỳ người nào dám nghĩ tới việc tấn công chúng ta. Phái “bồ câu” nghĩ rằng thiếu vắng vũ khí là câu trả lời. Trong Israel, họ tin rằng Đấng Mêsi sẽ mang lại sự bình an cho dân cho nước khi Ngài xuất hiện. Vì thế, ngay lúc Chúa Jêsus giáng sinh các thiên sứ đã cất tiếng hát về “bình an dưới đất” (Luca 2.14).
Nhưng làm sao mà sự bình an nầy có được? Nói chung, dường như là đại đa số dân chúng đều nghĩ rằng sự bình an nầy sẽ đạt được bằng gươm, bằng sức mạnh. Vì lẽ đó, họ cho rằng khi Đấng Mêsi hiện đến, Ngài sẽ sử dụng sức mạnh quân sự, và Ngài sẽ tháo bỏ xiềng xích của Rôma. Khi Chúa Jêsus khóc vì thành Jerusalem không biết điều chi sẽ đem lại sự bình an, Ngài đã khóc vì Ngài biết rõ những gì có ở đàng trước mặt cho một dân bướng bỉnh, suy nghĩ không đúng nầy. Thay vì sự đến của Đấng Mêsi sẽ đem lại cái chết của Rôma, sự chối bỏ Chúa Jêsus là Đấng Mêsi có nghĩa là sự hủy diệt của thành Jerusalem, trong tay của các binh sĩ La mã. Vì lẽ đó Chúa Jêsus đã phán về sự hủy diệt hầu đến của thành Jerusalem, là điều sẽ diễn ra vào năm 70 SC.
Ấy không phải bởi Đấng Mêsi sử dụng sức mạnh và quyền lực, cũng không phải bởi sự chết của kẻ thù của Đấng Mêsi mà nước sẽ lại lập, mà bởi sự chết của Đấng Mêsi, trong tay của kẻ thù Ngài. Ấy không phải là sự đắc thắng sẽ dựng nên Nước, mà là thảm hoạ (từ một quan điểm của con người) của thập tự giá. Đường lối của Đức Chúa Trời không bao giờ là đường lối của con người. Con người sẽ dựng lên Nước bằng nhiều cách, nhưng con người không bao giờ nghĩ làm được như vậy bằng một thập tự giá, bằng một sự thất bại quá hiển nhiên, bằng sự thương khó của chính mình Đấng Mêsi, vì cớ tội lỗi của dân sự Ngài.
Kế đó, đây là phần ứng dụng thứ ba nói về thần tính của Chúa chúng ta. Nếu Chúa Jêsus là Chúa (nghĩa là, Đức Chúa Trời), không những Ngài có quyền sở hữu tài sản của con người (các câu 28-34), và có quyền sở hữu sự ngợi khen và thờ lạy của con người nữa (các câu 35-40), mà Ngài còn có quyền thiết lập Vương quốc của mình theo cách Ngài lựa chọn, hơn là bởi những phương tiện mà con người vốn ưa thích. Đấng Mêsi sẽ đến đặng sở hữu những gì thuộc về Ngài, để nhận lãnh sự ngợi khen của loài người, và để thiết lập Vương quốc theo đường lối riêng của Ngài. Con người dường như cho rằng Nước Trời sẽ được sáng lập trên các hành động của quyền lực, của sức mạnh và bởi nhiều phép lạ (đối chiếu câu 37), còn Chúa Jêsus dự tính vào việc làm ứng nghiệm ý muốn của Đức Chúa Cha, rồi nhơn đó tạo dựng Vương quốc bằng nỗi đau khổ, sự chối bỏ và sự thương khó riêng. Đó là phương thức thập tự giá của Ngài.
Nầy bạn ơi, sao chúng ta vẫn cứ bám lấy ý tưởng Đức Chúa Trời ở đâu, ở đó sẽ có phép lạ, những dấu kỳ, và sự thịnh vượng, khi đường lối của Chúa chúng ta là đường lối của nhu cần (như về hai con lừa), về sự chối bỏ, sự thương khó và sự đau khổ? Nếu chúng ta muốn trở thành môn đồ của Chúa chúng ta, nhu cần chúng ta không nghĩ tới là vác lấy thập tự giá, như Chúa Jêsus đã phán chăng? Và nhu cần chúng ta không mong đợi là sự chối bỏ và sự thương khó, giống như kinh nghiệm của Ngài chăng? Giống như có nhiều người đã chống cự đường lối của Đức Chúa Trời trong việc mở ra Vương quốc của Ngài, cũng một thể ấy chúng ta tiếp tục chống cự đường lối của Đức Chúa Trời trong khi làm ra nhiều vụ việc.
Cuộc tấn công của Chúa Jêsus: Không phải vào Rôma, mà vào tôn giáo (19.45-48)
“Đức Chúa Jêsus vào đền thờ rồi, bèn đuổi những kẻ bán ở đó ra, mà phán rằng: Có lời chép rằng: Nhà ta sẽ là nhà cầu nguyện; song các ngươi làm thành ra một cái hang trộm cướp. Hằng ngày Ngài giảng dạy trong đền thờ. Các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo, cùng người tôn trưởng trong dân tìm phương giết Ngài; nhưng họ không biết dùng chước chi, vì dân sự đều chăm chỉ mà nghe Ngài nói”.
Có phải người Israel mong Chúa Jêsus ngay lập tức mở một cuộc tấn công vào Rôma, và vào quyền cai trị của Rôma không? Chúa Jêsus đã không làm theo như vậy đâu! Những gì Chúa Jêsus đã làm là tấn công vào bản thân hệ thống tôn giáo của người Do thái, và đoạn tuyệt với mọi sự gian ác của nó. Chúa Jêsus tiến vào đền thờ, đây là lần thứ hai (đối chiếu Giăng 2.13-16) rồi đánh đuổi những kẻ đổi bạc. Đây là mùa lễ, và “công việc làm ăn” ở đó, trong khu vực đền thờ sẽ được quảng cáo rùm beng. Nhưng thay vì sử dụng đền thờ làm một nơi cầu nguyện và thờ phượng, các cấp lãnh đạo tôn giáo đã biến nơi ấy thành một chỗ lợi lộc cá nhân. Chúa Jêsus đã quay trở lại đền thờ mỗi ngày, và dạy dỗ dân sự. Trong một thời gian ngắn, ít nhất, đền thờ sẽ đóng vai trò của mục đích nguyên thủy của nó. Không bao lâu sau đó, đền thờ ấy, như đã được chỉ ra trên đây (các câu 43-44), sẽ bị hủy diệt. Đức Chúa Trời sẽ quan phòng đến nó, không những là đền thờ cũ bị đánh hạ, mà một đền thờ mới sẽ được dựng lên, một đền thờ không phải do tay người ta dựng nên, một đền thờ mà không có một sự phân biệt giữa người Do thái và người dân Ngoại, vì hết thảy họ đều là một trong Đấng Christ (đối chiếu Êphêsô 2.11-22).
Cuộc tấn công của Chúa Jêsus vào hệ thống tôn giáo trong thời của Ngài đã bị phản ứng mạnh mẽ bởi những người hưởng lợi ích ở đó — các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo, và các cấp lãnh đạo của dân sự. Họ không thể giết Chúa Jêsus, vì cớ đoàn dân đông, nhưng họ đã dự tính kết án tử hình Ngài vào một giờ phút khả dĩ sớm sủa nhất. Lằn ranh cuộc chiến đã được vạch ra, nhưng không phải giữa Đấng Mêsi và Rôma, thay vì thế là giữa Đấng Mêsi và tôn giáo, tôn giáo của người Do thái.
PHẦN KẾT LUẬN:
Lần vào thành đắc thắng, không những là lời xưng nhận của Chúa Jêsus, Ngài chính là Đấng Mêsi của Israel, mà còn là một lời tuyên bố rõ ràng về thần tính của Ngài. Ngài cũng là Chúa của Israel. Mọi quyền hạn của Ngài là Chúa vì lẽ đó đã khẳng định và đã được chứng tỏ trong mấy câu Kinh Thánh nầy. Ngài là Đấng Tạo Hoá, có quyền sở hữu mọi của cải của con người. Là một Đức Chúa Trời trọn vẹn và thánh khiết, Ngài có quyền sở hữu mọi lời ngợi khen và sự thờ lạy của con người. Là Chúa, Ngài có quyền tấn công tôn giáo giả trong thời đó, và để thay thế tôn giáo đó. Tất cả những quyền hạn nầy là quyền hạn của Đấng không những là Đấng Mêsi của Israel, mà còn là Đức Chúa Trời của Israel nữa. Chúng là những đặc quyền của một vì thần.
Lời công bố nầy về thần tính của Chúa chúng ta, và về mọi quyền hạn của Ngài là Chúa của Israel là rất quan trọng, trong văn mạch của Luca. Chúa Jêsus sắp sửa bị chối bỏ bởi dân Ngài, bị trao cho dân Ngoại, bị bắt bớ, bị ngược đãi, rồi bị đóng đinh trên thập tự giá. Đối với một số người, dường như là Chúa Jêsus đã có “những hy vọng cao độ”, là những điều không thực tế, và đã thất bại. Đối với một số người, thập tự giá có thể là: một thảm hoạ và một sự thất bại. Song trước khi Ngài chịu chết, Chúa Jêsus đã tuyên bố ra thần tính của Ngài, bày tỏ ra quyền sở hữu của Ngài, để nhận lãnh sự ngợi khen của con người, và để quyết định phương thức Vương quốc được thiết lập. Hết thảy những việc nầy đã xảy ra dưới sự chống đối, nhưng sẽ không thể ngăn chặn được. Sự chết của Chúa Jêsus trên thập tự giá không phải là bằng chứng Chúa Jêsus bị kẻ thù nghịch Ngài thắng hơn, mà là Ngài tình nguyện phó mạng sống Ngài, vì cớ tội lỗi của dân sự Ngài, là phương tiện của Đức Chúa Trời trong việc thiết dựng Vương quốc. Đúng là một lẽ thật quan trọng mà chúng ta đang nhìn thấy được tỏ ra ở đây, trước sự chết của Chúa chúng ta.
Chúng ta không giống như Israel, vì nếu chúng ta đã tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình, chúng ta đã tiếp nhận Ngài làm Chúa, làm Đức Chúa Trời, và làm Đấng Cứu Thế của chúng ta. Chúng ta đã đạt tới mức công nhận Ngài là Vua của Đất, Nước của Ngài không bao lâu nữa sẽ được thiết lập trên đất. Vậy thì tại sao chúng ta lại thất bại không thực thi được những việc tuyên bố mọi đặc quyền của Ngài là Vua? Chúng ta nói rằng Ngài là Chúa, ấy thế mà chúng ta đang chống cự không chịu buông ra mọi của cải của mình, hầu cho Nước Ngài sẽ được mở rộng hơn. Chúng ta nói rằng Ngài là Chúa, thế mà chúng ta lại chần chừ chưa ngợi khen Ngài như chúng ta đáng phải ngợi khen. Khi chúng ta đến nhà thờ, và thậm chí khi chúng ta bước vào một buổi thờ phượng, thường thì tôn giáo của chúng ta lại thuộc dạng tự phát giống như tôn giáo của Israel. Chúng ta thầm nghĩ trong lòng, nhũ lòng, và chẳng biết Ngài là Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hoá, và là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Chúng ta nghĩ tới Nước của Ngài hôm nay ở cùng một giới hạn giống như các môn đồ trong thời Chúa Jêsus đã nghĩ vậy. Chúng ta suy nghĩ trong các giới hạn quyền lực và thanh thế mà chúng ta đang có, thay vì theo các giới hạn của sự ngợi khen mà Ngài đáng phải có. Chúng ta trông mong những dấu kỳ phép lạ, chúng ta muốn nhìn thấy Chúa Jêsus phải thắng hơn kẻ thù của chúng ta, và chúng ta không muốn nghĩ tới thập tự giá, tới sự thương khó hay xấu hổ, hoặc sự chối bỏ bởi con người. Chúng ta muốn tôn giáo của chúng ta phải là thứ tôn giáo tự phát, thay vì loại tôn giáo luôn kêu gọi, hô hào phải hy sinh. Nhưng nếu Chúa Jêsus là Chúa và là Đấng Christ, thì Ngài phải có những đặc quyền của Ngài, Ngài sẽ có mọi đặc quyền của Ngài. Ngài sẽ sở hữu của cải, sự ngợi khen, sự đầu phục của chúng ta theo mọi đường lối bày tỏ ra các mục đích của Ngài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét