Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Luca 1.39-56: "SỰ THỜ PHƯỢNG CỦA HAI PHỤ NỮ"



Phần giới thiệu.
Những lời bình mang tính cách giới thiệu.
Bối cảnh.
Những nét đặc biệt của Êlisabét.
Những đặc điểm trong lời ca tụng của Êlisabét.
Bài ca tụng của Mary.
Những nét đặc biệt của Mary.
Kết luận
BÀI 2
SỰ THỜ PHƯỢNG CỦA HAI PHỤ NỮ
(Luca 1.39-56)
Phần giới thiệu
Khi suy nghĩ về nữ giới thuộc thế hệ thời xa xưa, phản ứng trước tiên về mặt tình cảm của chúng ta thường thường là thương hại. Sự thương hại nầy rất thực trong thế giới của người Do thái vào thời buổi mà Chúa chúng ta thêm lòng nhân đạo vào Thần tính của Ngài và bày tỏ chính mình Ngài ra cho nhân loại. Có nhiều việc mà nữ giới không thể làm được, hay ít nhất họ không được phép làm. Có thể chúng ta nghĩ sự mặc khải của Kinh Thánh có những giới hạn, được sắp xếp bởi những người có học, họ đã xem ai là đờn bà chỉ là một sự rủa sả mà thôi. Giới mày râu chuyên nắm giữ vai trò lãnh đạo, đặc biệt trong các vấn đề thuộc linh. Nữ giới dường như chỉ thích đáng với việc dọn bàn ăn và nuôi dạy con cái. Có lẽ một ít người nữ “được ơn” do sự giàu có về tiền bạc và địa vị xã hội, có thể có khả năng thưởng thức một số lợi ích của giới mày râu.
Trong khi có một số sự thật nào đó trong bức tranh khá ảm đạm như tôi đã mô tả, cũng không hoàn toàn hết như vậy đâu. Chúng ta cần phải đọc qua chương sau cùng của sách Châm ngôn để nhìn thấy nữ giới, ít nhất theo Kinh Thánh đã được ban cho nhiều đặc ân và trách nhiệm cao cả. Cấp độ nữ giới bị hạ thấp là do chồng và nền văn hoá của họ làm cho bị hạ thấp.
Luca nổi tiếng vì ông có sự quan tâm lớn đối với phụ nữ và vì sự nổi bật mà ông dành cho họ. Trong hai câu chuyện, chúng ta thấy trường hợp nổi bật đầu tiên ông dành cho phụ nữ ở phần câu gốc trong chương một của sách tin lành Luca, ở đây cao điểm hướng trực tiếp vào hai phụ nữ có đời sống tin kính. Hai người nữ nầy là Êlisabét – là người sắp làm mẹ của Giăng Báptít, và Mary – người sắp làm mẹ của Đấng Mêsi, là hai người nữ cao trọng và có đời sống rất tin kính. Cả hai đều là những phụ nữ khiêm nhường không có một địa vị nào trong xã hội hay về kinh tế cả. Êlisabét là vợ của một thầy tế lễ chẳng có gì nổi tiếng. Cả bà và Xachari đều là dân bản xứ, họ sống trong một ngôi làng không có tên tuổi trong vùng đồi xứ Giuđa. Bà là người mang mặc cảm không có con cái gì hết (son sẻ). Không nghi ngờ chi nữa trong lý trí của một số người họ đã bị Đức Chúa Trời trừng phạt vì một tội lỗi nào đó. Mary cũng là một thiếu nữ rất khiêm nhường sống trong vùng đồng quê. Nàng chẳng có một địa vị gì trong xã hội thích ứng với nguồn gốc tổ phụ hay giai cấp của nàng, thậm chí trong trường hợp tuổi tác của Êlisabét và Xachari cũng không có gì thích hợp cả. Tuy nhiên sự thờ phượng của hai người phụ nữ nầy với mọi chi tiết ấy cho thấy họ là những gương mẫu cho mọi môn đồ thật của Chúa chúng ta.
Những lời bình mang tính cách giới thiệu
Trước khi chúng ta bắt đầu xử lý phần Kinh Thánh nầy, có một số lời bình mang tính cách giới thiệu có thể minh chứng là chúng rất hữu ích. Thứ nhất, cần phải lưu ý có một vài việc mà Luca không nói hết cho chúng ta biết, đây chính là những điều mà chúng ta muốn biết, nhưng lại không thấy có trong câu chuyện rất hay nầy. Đấy là những điều sau đây:
Mary đã có thai hay là chưa!?! Chẳng có một điều gì nhắc đến việc Mary đã có thai hay chưa khi lần đầu tiên nàng đến tại nhà của Êlisabét và Xachari. Cả Êlisabét, Mary và Luca cũng không đề cập gì đến cái thai đang ở trong lòng của Mary, trong khi chúng ta đặc biệt được thuật lại cho biết Giăng đã nhảy nhót trong lòng mẹ khi Êlisabét nghe được lời chào của Mary (Luca 1.41). Theo ý của tôi thì Mary đã có thai trong thời gian nàng ở lại với Êlisabét và Xachari. Nàng đã biệt mình riêng ra đối với Giôsép, trong suốt thời gian đó Êlisabét và Xachari đã lo bảo hộ cho nàng. Điều nầy sẽ giúp đóng vai trò như bằng chứng cho con trẻ Christ được thai dựng theo cách thiêng liêng và được sanh ra bởi một nữ đồng trinh.
Êlisabét và Mary đã có một thông báo nào trước khi Mary đến hay không!?! Đáp ứng tức thì của Êlisabét trước sự đến thăm của Mary phải được giải thích bởi một thông báo trước giữa hai người (thí dụ: viết thư cho Êlisabét hay nàng sẽ đến và mọi điều thiên sứ Gápriên truyền cho mình về việc trở thành mẹ của Đấng Mêsi). Luca không nói cho chúng ta rõ về một sự thông tin nào, và cảm tưởng của độc giả có khuynh hướng cho rằng chẳng có một thông tin nào trước về sự đến thăm của nàng, ít nhất là Mary đã được thiên sứ thăm viếng. Luca không nói cho chúng ta biết điều gì trừ ra Mary “chờ dậy, lật đật đi trong miền núi” (1.39), cho thấy rằng không có thời gian đủ cho bất kỳ một sự thông tin nào xảy ra hết.
Trong tất cả những trường hợp nầy chúng ta phải nhớ rằng Luca đã lựa chọn có mục đích, dưới sự dẫn dắt và điều khiển của Đức Thánh Linh, vừa tính đến vừa loại bỏ một số chi tiết. Những việc mà Luca không nói cho chúng ta biết không phải là sự chúng ta phải bận tâm, để xử lý với chúng là “những điều mầu nhiệm không lý giải được” vì đó chúng ta phải có câu trả lời. Thay vì thế, chúng ta phải tập trung vào những việc mà Luca đã tính đến, vì những điểm nầy chỉ ra phần nhấn mạnh trong sự biện bác của ông. Tôi phải xưng nhận với bạn rằng tôi hay chú đến những điều không được nói ra, hơn là tập trung vào những điều đã ghi lại.
Sau hết, có những người chịu chấp nhận cách diễn đạt của một số phân đoạn tối tăm rồi kết luận rằng chính Êlisabét chứ không phải Mary, mới là người sáng tác ra “bài ca tụng”, bài thánh ca ngợi khen từ câu 46 đến câu 55. Lý do chính cho lập trường nầy, theo ý kiến của tôi, là chỗ giống nhau của “bài ca tụng” với lời ngợi khen của Anne trong I Samuên chương 2. Khi các hoàn cảnh của Anne rất giống với hoàn cảnh của Êlisabét, có người vội vàng kết luận rằng chính bà, chớ không phải Mary, mới là người sáng tác ra bài thánh ca khen ngợi nầy. Đây là một lý thuyết có ít người ủng hộ, và là một lý thuyết dễ bị gạt qua một bên.
Bối cảnh
Sau khi trình bày mục đích của mình trong việc viết ra sách tin lành nầy trong các câu 1-4, Luca ngay lập tức bắt đầu câu chuyện của mình bằng cách giới thiệu Xachari, người sắp làm cha của Giăng Báptít. Xachari cùng với vợ là Êlisabét cả hai đều là dòng dõi của Arôn (câu 5), và đã sống “công bình trước mặt Đức Chúa Trời” (câu 6). Tuy nhiên, họ chẳng có một mụn con nào hết, và lúc bấy giờ họ đã cao tuổi rồi, cần phải có một phép lạ thì họ mới có con được.
Trong quá trình thi hành các chức năng thầy tế lễ của Xachari, ông bắt thăm được ơn dâng hương trong đền thờ của Chúa (các câu 8-9). Trong khi thi hành chức vụ, thiên sứ Gápriên đã hiện ra cùng ông khi ông còn ở bên trong nơi thánh. Xachari được truyền cho biết rằng lời cầu nguyện của ông (một lời cầu nguyện tôi giả định cho sự đến của Đấng Mêsi) đã được nhậm rồi, và ông cùng với vợ đều được ơn và thoả lòng khi mang thai đứa con trai sẽ dọn đường cho sự xuất hiện của Đấng Mêsi (các câu 13-17). Đức tin của Xachari đã chao đảo, và kết quả ông đã cầu xin một dấu hiệu, một minh chứng cho thấy lời hứa của thiên sứ sẽ ứng nghiệm. Sự cầu xin nầy đem lại một lời quở trách, và tạm thời thì ông bị câm, không nói được, điều nầy đóng vai trò như một dấu lạ cho dân sự đã nhóm lại tại đền thờ, cho biết rằng có một việc gì đó rất quan trọng sắp sửa xảy ra. Xachari trở về nhà cùng với vợ mình, bà đã đi ẩn mình trong 5 tháng trời (các câu 24-25).
Sáu tháng sau, Gápriên hiện ra cùng Mary, thông báo cho nàng biết rằng nàng sẽ là mẹ của Đấng Mêsi của Ysơraên. Bởi hành động kỳ diệu của Đức Thánh Linh, nàng sẽ chịu thai, và con trai thánh của nàng sẽ được gọi là “Con Đức Chúa Trời” (câu 35). Ngài sẽ là Con của Đấng Rất Cao, sẽ được ban cho ngôi của Đavít tổ phụ Ngài, từ đó Ngài sẽ cai trị (các câu 32-33). Phản ứng của Mary là một sự bày tỏ ra đức tin như sau:
“Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!” (Luca 1.38).
Niềm tin và sự thuận phục mau mắn của Mary, một cô thiếu nữ thôn quê đơn sơ đối với ý chỉ của Đức Chúa Trời được đem sánh với lời thỉnh cầu lưỡng lự của Xachari xin một dấu lạ, một nhân vật là thầy tế lễ nhiều năm trời trong cuộc sống của mình. Khi phản ứng của Mary vượt trỗi hơn phản ứng của Xachari, cũng một thể ấy sự cao trọng của phép lạ ra đời bởi một nữ đồng trinh của Đấng Mêsi sẽ trỗi hơn phép lạ tạo ra một đứa con trai cho thầy tế lễ cao tuổi với vợ của ông. Cũng thế, sự cao trọng của Đấng Mêsi và chức vụ của Ngài sẽ luôn cao trọng hơn chức vụ của Giăng Báptít, người tiền khu của Đấng Mêsi.
Những nét đặc biệt của Êlisabét
Khi Gápriên công bố sự ra đời qua nữ đồng trinh của Đấng Mêsi nhờ Mary cô thôn nữ nầy, thiên sứ nói cho nàng biết về sự mang thai của Êlisabét, cho thấy rằng đây là một dấu lạ nói đến khả năng của Đức Chúa Trời làm được những việc khó (Luca 1.36-37). Trong khi chẳng có một hướng dẫn nào được cung ứng ở đây, phần suy luận rất rõ ràng: Êlisabét sẽ là một niềm khích lệ cho Mary, và là một phụ nữ mới hiểu được những gì Đức Chúa Trời đang làm trong đời sống của một trinh nữ. Thế là Mary mau chóng lo sửa soạn rồi ra đi đến thăm người bà con của mình đang sống trong một ngôi làng vô danh thuộc vùng đồi núi xứ Giuđa (câu 39).
Khi Mary là nhân vật chính trong phân đoạn nầy, Êlisabét người bà con của nàng cũng được tỏ ra là một phụ nữ đáng nhớ. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách tập trung vào Êlisabét, như Luca đang hướng vào phần phản ứng của bà trước sự đến thăm của Mary, là người sắp làm mẹ của Đấng Mêsi. Vài sự quan sát về phản ứng của Êlisabét trước sự đến của Mary sẽ giúp cho chúng ta nắm bắt được những nét đặc biệt của người đờn bà nầy, như tôi đang tin Luca có dụng ý buộc chúng ta phải làm vậy.
Những đặc điểm trong lời ca tụng của Êlisabét
(1) Êlisabét dường như muốn ngợi khen Mary trước khi Mary có cơ hội giải thích mọi việc cho bà biết. Mary lập tức rời khỏi gia đình đến ở tại nhà của Êlisabét và Xachari, và chuyến đi chắc phải tốn khá nhiều thời gian. Từ đầu câu chuyện mà Luca cho chúng ta biết, Mary chỉ được cho hay rằng người bà con của mình đã mang thai trong lúc tuổi đã cao, điều nầy làm chứng chắc rằng không có gì quá khó đối với Đức Chúa Trời (Luca 1.36-37). Câu chuyện không cho chúng ta biết thiên sứ đã báo cho Mary hay đứa con do Êlisabét sanh ra sẽ là người tiền khu của Đấng Mêsi. Mary lấy làm lạ không biết Êlisabét phản ứng như thế nào trước các tin tức mà bà có phần vào đó. Nàng cũng không biết thiên sứ Gápriên có nói về sự đến thăm của nàng hay không nữa.
Người ta có thể hình dung được Mary đã suy nghĩ gì trên con đường đến nhà của Êlisabét khi lần đầu tiên nàng gặp mặt bà. Nếu Mary đã có một sự dè dặt như vậy, chúng sẽ bị xua tan đi một cách mau chóng! Ngay giây phút nàng bước vào nhà và đưa ra lời chào thăm như thường lệ, Êlisabét đã chúc phước cho Mary là mẹ Chúa của bà.
(2) Êlisabét đầy dẫy Đức Thánh Linh và lời nói của bà được thốt ra với sự cảm thúc thiêng liêng. Gápriên đã thông báo cho Xachari biết con trẻ sẽ được đầy dẫy Đức Thánh Linh đang khi còn ở trong lòng mẹ (Luca 1.15). Bây giờ câu chuyện cho thấy rằng cả mẹ và con cả hai đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh cùng một lúc. Giăng “đã nói” qua việc nhảy nhót trong lòng mẹ (1.41), trong khi Êlisabét dường như nói thay cho Giăng. Người ta lấy làm lạ không hiểu Êlisabét được Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự vào bằng cách nào, và làm sao bà hiểu thấu được từ Kinh Thánh. Chúng ta không dám nói chắc, nhưng chúng ta có thể khẳng định tại chỗ nầy rằng mọi sự bà đã thốt ra là do sự cảm thúc thiêng liêng.
Không những Êlisabét theo một ý nghĩa nào đó đã nói thay cho Giăng, bà cũng nói giống như Giăng vậy. Chúng ta học biết từ các sách tin lành khác rằng Giăng rất mau công nhận và công bố tính siêu việt của Đấng Christ (Giăng 1.19-28), và vì thế chấp nhận vai trò phụ thuộc là “người tiền khu” cho Đấng Mêsi. Ông đã dạn dĩ khích lệ các môn đệ của mình hãy rời khỏi ông mà đi theo Đấng Christ (Giăng 1.35-37). Êlisabét cũng sẵn sàng công nhận phước hạnh cao tột đã giáng trên Mary, và vui mừng về ơn phước ấy. Mẹ con giống hệt nhau. Tôi tin rằng Êlisabét là nguyên mẫu của con trai bà về vấn đề nầy.
(3) Lời ngợi khen của Êlisabét không phải dành cho sự ứng nghiệm và phước hạnh nơi cá nhân bà trong việc có mang một đứa con, mà còn ở ơn phước giáng trên bà qua sự thăm viếng của Mary. Lời công bố của Êlisabét không tập trung vào phước hạnh của đứa con mà bà sẽ mang thai (Giăng), mà vào ơn phước của Đức Chúa Trời trong sự thăm viếng của Mary, là người sẽ trở thành mẹ của Đấng Mêsi. Nói ngắn gọn, Mary là tiêu điểm, chớ không phải Êlisabét. Chúng ta sẽ khảo sát tỉ mỉ nền tảng lời chúc phước của Êlisabét cho Mary về sau nầy, nhưng bây giờ chúng ta hãy lưu ý sự đến thăm của Mary là cơ hội để Êlisabét khen ngợi, chớ không phải sự xuất hiện của Giăng không lâu sau đó.
(4) Lời nói của Êlisabét quan trọng ở chỗ khích lệ cho Mary. Lời chào thăm của Êlisabét khích lệ cho Mary dường bao. Thay vì tìm cách giải thích cho Êlisabét biết mọi điều thiên sứ đã phán với nàng về sự có thai Đấng Mêsi tuy còn đồng trinh, Mary mới hay được Êlisabét đã biết hết rồi. Vì thế, lời khen ngợi của Êlisabét đóng vai trò như một sự khẳng định lời nói của Gápriên. Bây giờ đã có hai nhân chứng, Mary hoàn toàn thoải mái chia sẻ mọi chi tiết về sự mặc khải của thiên sứ, không có một sự ngần ngại nào hết. Êlisabét đã biết rõ, đã tin và vui mừng nơi lẽ thật của Đức Chúa Trời, do thiên sứ Gápriên phán ra.
(5) Êlisabét ngợi khen Đức Chúa Trời còn nhiều hơn những việc mà Xachari đã được truyền cho nữa. Khi chúng ta xem bản tường trình của Luca về mọi điều thiên sứ Gápriên đã phán với Xachari, thật đơn giản đứa con mà Đức Chúa Trời ban cho ông sẽ là người tiền khu cho Đấng Mêsi. Không thấy nói gì trong câu chuyện nầy Đấng Mêsi sẽ đến với trần gian bằng cách nào. Làm sao Êlisabét biết được Chúa Jêsus sẽ do một nữ đồng trinh sanh ra, và nữ đồng trinh ấy không ai khác hơn là Mary – người bà con của mình?
Trước tiên chúng ta thẳng thắn nhìn nhận rằng không ai nói cho chúng ta biết làm sao Êlisabét biết được mọi điều bà khẳng định là do sự cảm thúc thiêng liêng. Tuy nhiên, đây là ý kiến riêng của tôi, bà không phải là phát ngôn viên cho Đức Thánh Linh, bà chẳng biết mọi điều Đức Chúa Trời sẽ thực hiện đâu. Tôi tin Êlisabét vốn biết rõ từ Kinh Thánh rằng Đấng Mêsi vừa là người vừa là trời, và Ngài sẽ do một nữ đồng trinh sanh ra. Với mọi việc đã được biết rõ rồi (dù bởi sự soi sáng của Đức Thánh Linh về Kinh Thánh), Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã báo cho Êlisabét, có lẽ ngay giờ phút đó, rằng Mary là người mà qua nàng Đấng Mêsi sẽ ra đời.
(6) Lời ngợi khen của Êlisabét cho thấy bà đã có sẵn một tri thức thuộc linh về Kinh Thánh rất sâu sắc hơn cả chồng của bà. Khi chúng ta so sánh câu chuyện của Luca, ở phần giới thiệu Xachari – thầy tế lễ già nua (và tin kính) nầy không được đặt gần với ánh sáng cho bằng vợ ông, là Êlisabét. Mọi điều bà nói ra trỗi hơn cả những gì chúng ta đã biết thiên sứ Gápriên phán với Xachari nữa. Tôi có khuynh hướng xem đây là phương thức của Luca thông báo cho chúng ta biết có một số phụ nữ vốn trỗi hơn nam giới về mặt thuộc linh. Thực vậy, tôi tin Luca đang báo cho chúng ta biết những người làm vợ không bị hạn chế đối với cấp độ thuộc linh của người bạn đời của họ. Lời khen ngợi của Êlisabét trỗi hơn lời Xachari cầu xin một dấu lạ. Lời lẽ của Êlisabét trỗi hơn sự mặc khải chúng ta đã biết khi Gápriên ban bố cho Xachari. Phụ nữ có thể bị giới hạn về chức vụ công khai của họ, nhưng tình trạng thuộc linh và sự quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời của họ thì đáng quan tâm hơn. Êlisabét là một phụ nữ rất cừ khôi của chúng ta, theo ý kiến của Luca.
Bài ca tụng của Mary
Dường như Mary phản ứng ngay lập tức với lời ngợi khen của Êlisabét bằng cách đưa ra lời chúc tụng của nàng dâng lên Đức Chúa Trời. Trong khi chúng ta đặc biệt không biết Mary đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh khi nàng thốt ra mấy lời nầy, chúng ta dám chắc như vậy. Có lẽ có một lời nói bóng gió ở đây cho thấy bài ca tụng của Mary đã được cảm thúc cách thiêng liêng, nhưng tác phẩm là bài nàng sáng tác, là tác phẩm của sự ngợi khen và tin kính của nàng, trong sự đáp ứng lại phần mặc khải của thiên sứ. Lời lẽ của Êlisabét không phải là lời lẽ của sự suy gẫm đâu, mà được thốt ra từ môi miệng nàng theo cách không ngờ được. Trong khi Êlisabét “nói ra lớn tiếng” (1.42), còn Mary có lẽ điềm tĩnh hơn. Đây là một số những lời lẽ đẹp đẽ nhất trong Lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy suy nghĩ về những lời ấy.
(1) Bài ca tụng của Mary tỏ ra cách sử dụng thuật ngữ và thần học Cựu ước rất thông thường. Thực ra mỗi nhà giải kinh đều đồng ý lời ca tụng của Mary dầm thấm với những ám chỉ bóng gió trong Cựu ước. Khi đem đối chiếu với bài “thi ca” của Giôna trong Giôna chương 2, bài thi ca của Mary là một kiệt tác rất tráng lệ. Không những bài ấy sử dụng thuật ngữ của các Thi thiên, mà còn thần học nữa. Mary đã sống theo bổn tánh của Đức Chúa Trời, đặc biệt là ân điển của Ngài, là ơn giáng trên người biết hạ mình và bị áp bức. Cũng có một phần tương ứng khác biệt với bài ca ngợi của Anne trong I Samuên chương 2. Các tham khảo bên lề của Kinh Thánh cho thấy có nhiều ám chỉ và tương ứng khác nữa. Có người thắc mắc làm sao một thiếu nữ sống ở vùng nông thôn đơn sơ như thế lại nắm rất rõ kinh Cựu ước. Geddenhuys cho biết:
Trong phần bàn bạc về thi ca ngợi khen nầy, một số nhà phê bình đã thắc mắc không biết có phải Mary đã mở quyển kinh Cựu ước ra xem trước khi nàng thốt ra bài ca tụng đó hay không!?! Họ quên rằng tất cả những người Do thái tin kính ngay từ thuở còn ấu thơ đã biết rõ các bài ca trong Cựu ước và thường hát chúng lên ở trong nhà cũng như trong các kỳ lễ. Mary đã dầm thấm trong văn chương thi phú của xứ sở nàng, và thực vậy bài ca tụng của nàng cũng mang lấy những dấu ấn không sai sót của thi ca đó.
(2) Bài ca tụng của Mary bắt đầu bằng đáp ứng tràn ngập lòng biết ơn đối với ân sủng của Đức Chúa Trời đã bày tỏ ra cho nàng, là một tôi tớ khiêm nhường của Chúa. Trong các câu 46-49, Mary ngợi khen Đức Chúa Trời vì lòng thương xót của Ngài đã được tỏ ra cùng nàng. Nàng vui mừng trong Chúa, Ngài là Cứu Chúa của nàng (câu 47). Trong khi điều nầy không những đề cập tới công tác cứu rỗi mà Đấng Mêsi sẽ đến để hoàn thành. Chắc chắn sự cứu ấy có cả lòng thương xót nầy. Đức Chúa Trời đã đoái xem tình trạng hạ mình của nàng với lòng thương xót; vì vậy nàng sẽ được xem là có phước bởi các thế hệ trong tương lai (câu 48). Lòng thương xót của Đức Chúa Trời giáng trên nàng đã tỏ ra cả quyền phép lẫn sự thánh khiết của Ngài (“Đấng Toàn Năng” “danh Ngài là thánh” câu 49).
Không cứ cách nào đó, Mary đã không xem mình là tốt hơn hay thánh khiết hơn người nào khác. Nàng tự nhận mình là một tội nhân, là người cần có sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, và là tôi tớ của Chúa, sự hạ mình của nàng chính là cơ hội để nhận lấy ơn thương xót và ân sủng của Ngài. Không có một ám chỉ nào cho rằng nàng nghĩ Đức Chúa Trời đã chọn mình làm mẹ của Đấng Mêsi là phù hợp với sự được ơn của mình, mà đúng hơn sự được ơn của nàng chính là kết quả của sự chọn lựa tối thượng và giàu ơn của Đức Chúa Trời để sử dụng nàng làm công cụ của Ngài. Trong câu 48, sự được ơn của nàng được xem là kết quả của ân điển Đức Chúa Trời.
(3) Trong câu 50 lời ca ngợi của Mary mở rộng ra, xem ơn của Đức Chúa Trời đối cùng nàng là một phản ảnh các mục đích độ lượng của Ngài dành cho Ysơraên, là dân sự Ngài. Đức Chúa Trời không biệt riêng Mary ra để chúc phước cho, rồi để nhiều người khác lại sống trong tình trạng đáng thương của họ. Mary đã xem tình trạng được phước của mình chỉ là một nét minh hoạ mà thôi, một trường hợp của ân sủng Đức Chúa Trời, khiến cho nàng phải ngợi khen Chúa vì ân điển của Ngài giáng cho hết thảy những ai biết kính sợ Ngài, từ đời nầy qua đời khác. Mary đi từ cái đặc trưng đến cái tổng thể, từ những lợi ích riêng tư của mình đến ơn phước mà toàn thể dân sự Đức Chúa Trời (những ai biết “kính sợ Ngài”) đang kinh nghiệm.
(4) Trong các câu 51-55, lời ca tụng của Mary hướng vào sự thành tín của Đức Chúa Trời cùng với mọi lời hứa và các mục đích của Ngài, đặc biệt là giao ước của Ngài với Ápraham cùng dòng dõi của ông. Nếu câu 50 bày tỏ ra nguyên tắc Đức Chúa Trời ban phước cho dân sự Ngài, từ đời nầy sang đời kia, các câu 51-55 cung ứng một số phương thức đặc biệt mà nguyên tắc nầy đã và sẽ được thực hiện.
Chúng ta có thể nhìn thấy các động từ trong những câu nầy đều ở thì quá khứ hoàn thành [past perfect]. Thắc mắc mà vấn đề nầy dấy lên: ấy là tại sao phải sử dụng thì quá khứ hoàn thành đó. Ý kiến của tôi: sự giải cứu vừa được mô tả, nó đã tỏ ra rồi trong lịch sử dân Ysơraên, ở một cấp độ nào đó, nhưng rốt lại họ sẽ nhận biết đầy đủ trong tương lai, là kết quả của sự Đấng Mêsi hiện đến. Đa số có lẽ là hầu hết, mọi điều nầy sẽ được ứng nghiệm trong lần đến thứ hai của Đấng Mêsi, hơn là trong lần đến thứ nhất của Ngài. Trong lần đến thứ nhất, Đấng Mêsi đã đến để bày tỏ Đức Chúa Trời ra cho con người, và để hoàn thành sự cứu chuộc đời đời cho hết thảy những ai bằng lòng tin. Trong lần đến thứ hai, Đấng Mêsi sẽ đến để “làm cho mọi việc ra ngay thẳng” để đem lại sự công bình cho đất và sự phán xét cho kẻ ác. Sách Khải huyền nói rất nhiều về các lẽ đạo nầy, và nói tiên tri về sự ứng nghiệm của chúng.
(5) Lời ca tụng của Mary góp phần như một sự khích lệ cho Êlisabét, cũng như lời ngợi khen của Êlisabét là một sự khích lệ cho Mary vậy. Nhiều người đã lưu ý những điểm tương tự trong bài ca tụng nầy của Mary với bài ca ngợi của Anne trong I Samuên chương 2. Rõ ràng là có người đã bị cám dỗ xem Êlisabét là người sáng tác bài Tụng Ca ấy, chớ không phải Mary. Tôi tin rằng sự giống nhau của bài ca tụng với bài ngợi khen của Anne có tác dụng khích lệ Êlisabét, sự khen ngợi riêng của bà đã nhắm vào Mary, và không nhắm vào niềm vui riêng của mình khi có con trong lúc tuổi già. Đấy là loại tác dụng chéo trong sự ca ngợi của cả hai người đờn bà, vì mỗi người bày tỏ ra sự ngợi khen riêng, nhưng có tác dụng gây dựng lẫn nhau.
(6) Bài ca tụng của Mary không nhắm vào con trẻ nàng sẽ cưu mang, mà nhắm vào Đức Chúa Cha là Đấng đã sai Đấng Mêsi Ngài đến. Geldenhuys lưu ý:
Chúng ta phải chú ý: Mary trong bài ca ngợi nầy không nói ra lời trực tiếp liên quan đến Đức Chúa Con đã được hứa cho nàng. Tuy nhiên, nàng quả quyết Ngài thực sự đã được hứa cho mình. Bài ca tụng của nàng được sự thật nầy cảm thúc.
Đối với tôi đây là một sự kiện rất quan trọng. Chúng ta trông mong Mary in trí với sự thật nàng sẽ có một đứa con, và con trẻ nầy sẽ trở thành Con Đức Chúa Trời. Trong khi điều nầy chắc chắn là sự thật, Mary chọn nhắm vào những điều con trẻ sẽ trở thành và hoàn tất như một người trưởng thành, mà không nhắm vào những điều con của nàng sẽ trở thành như một đứa trẻ. Nói cách khác, bài ca tụng của Mary không nhắm vào tình trạng được ơn ngay lúc nàng có con, mà nhắm vào kết quả của việc Đấng Mêsi hiện đến. Nàng đã nhìn xa hơn chớ không nhìn theo một giới hạn ngắn ngủi. Nàng xem sự cố nầy theo các giới hạn của quá khứ xa xôi, theo những giới hạn của những lời hứa mang tính giao ước của Đức Chúa Trời, trong mọi giới hạn của lịch sử Ysơraên, đến chỗ mà lòng thương xót của Đức Chúa Trời đã bày tỏ ra từ đời nầy đến đời kia, và theo các giới hạn của tương lai xa xôi, khi trong lần đến thứ hai của Đấng Mêsi, Ngài sẽ làm cho mọi việc ra ngay thẳng. Ở lần đến nầy trật tự của xã hội sẽ nằm trong cảnh đảo lộn bạo lực, quyết liệt lắm. Kẻ kiêu căng sẽ bị đánh hạ và người khiêm nhường sẽ được nhấc cao lên (các câu 51-52). Người đói sẽ được no lòng và kẻ no nê sẽ đói khát. Người nghèo khổ sẽ được vùa giúp, song kẻ giàu có sẽ bị đuổi về tay không (câu 53).
(7) Mary nhắm vào các kết quả lần đến thứ hai của Đấng Christ hơn là nhắm vào lần đến đầu tiên. Khi bạn suy gẫm đến các kết quả đặc biệt của sự Đấng Mêsi hoá thân thành nhục thể như đã được tóm lược trong bài ca tụng của Mary, mọi kết quả ấy phải hiệp với những gì xảy có trong lần đến thứ nhì của Đấng Christ, hơn là với lần đến thứ nhất của Ngài. Tôi e rằng Mary vốn ý thức sẵn về sự kiện Đấng Christ sẽ đến với trần gian nầy những hai lần, để đạt được hai mục đích đặc biệt. Để nhấn mạnh hơn cho vấn đề, tôi e rằng Mary vốn hiểu rõ mục đích cứu chuộc của lần đầu tiên Đấng Christ đến sẽ đạt được qua sự chết của Ngài trên cây thập tự, chết bởi tay của hạng người gian ác. Thậm chí đây là sự tỏ ra của ân điển Đức Chúa Trời, vì ở ngay điểm nầy của thời gian, sự hiểu biết như thế đã khiến cho Mary phải gánh chịu nổi đau quá sớm và không cần thiết. Lời lẽ của Simêôn trong chương 2 (câu 35) ám chỉ đến nỗi đau nầy, nhưng không giải thích điều chi là nguyên nhân cho nổi đau đó. Đức Chúa Trời giàu ơn dường bao trong mọi điều Ngài không tỏ ra cho chúng ta biết, cũng như trong mọi điều Ngài đang lo thực hiện.
(8) Thần học của Mary, như đã được phản ảnh trong bài ca tụng của nàng rất siêu việt hơn thần học của các văn sĩ và người Pharisi, họ sẽ trở thành hạng kẻ thù quái quăm của Chúa chúng ta. Khi tôi nghiên cứu bài ca tụng của Mary, thì tôi thấy thần học của nàng rất giống với thần học của Con nàng, và tương tự, thần học ấy rất khác biệt với thần học của các văn sĩ và người dòng Pharisi. Tôi sẽ không theo đuổi vấn đề nầy về chi tiết ở đây, nhưng hãy để tôi chỉ ra vài lãnh vực khá tương phản giữa thần học, sự hiểu biết Cựu ước của Mary, và mọi điều thuộc các văn sĩ và người Pharisi. Mary không nói tới luật pháp Môise, Giao ước Môise, mà chỉ nói tới lời hứa của Đức Chúa Trời cho Ápraham, Giao ước với Ápraham. Mary vốn hiểu rõ hy vọng của Ysơraên bắt rễ trong Giao ước với Môise. Các văn sĩ và dòng người Pharisi dường như họ chỉ suy tưởng và nói năng theo các giới hạn của Luật pháp Môise mà thôi. Nhiều người đã xem xét cách ứng xử của Đức Chúa Trời theo ánh sáng của ân điển Ngài; các nhà lãnh đạo tôn giáo chỉ suy diễn theo các giới hạn mọi công việc của loài người.
Nhiều người hiểu rõ các lẽ đạo quan trọng trong Cựu ước, tỉ như lòng thương xót của Đức Chúa Trời, mối quan tâm của Chúa đối với người nghèo khổ. Đây là những lẽ đạo trong các sách tiên tri của Cựu ước. Tuy nhiên, chúng không phải là lẽ đạo của các văn sĩ và người dòng Pharisi. Trong lời quở trách của Ngài đối với các văn sĩ và người dòng Pharisi, Chúa Jêsus thường đề cập tới các lẽ đạo quan trọng nầy, và với sự kiện Do thái giáo theo luật pháp đã làm tổn hại cho họ (đối chiếu Mathiơ 23). Mary cũng hiểu rõ lắm các mục đích của Đức Chúa Trời là một chương trình mà Ngài sẽ bày tỏ ra xuyên suốt lịch sử của Ysơraên. Nàng đã xem lịch sử theo ánh sáng của chương trình nầy. Tuy nhiên, các văn sĩ và người dòng Pharisi dường như chỉ biết nắm chặt lấy một số điểm đặc biệt nào đó thôi, mà bỏ qua chương trình. Họ “bỏ qua con ruồi” song họ lại nuốt trọng hết mấy con lạc đà. Mary đã bắt lấy mấy con “lạc đà” và những nhà lãnh đạo tôn giáo chỉ lo níu lấy mấy “con ruồi” mà thôi.
Những nét đặc biệt của Mary
Có một số người đã bóp méo lẽ thật của lời Đức Chúa Trời về Mary, và xem nàng được phước cao hơn hết thảy giới nữ, đã tôn nàng cao cả trên nhân loại, thờ lạy nàng và cầu nguyện với nàng khi xem nàng với cấp độ của một vị thần linh, hoặc cao hơn cả Đấng Mêsi. Điều nầy rõ ràng trong sự người ta coi thường công tác giảng dạy của chúng ta. Tuy nhiên, nhiều người khác đã phản ứng lại với chỗ sai lầm nầy bằng cách không xem người nữ nầy là một môn đồ gương mẫu. Tôi tin Charles Talbert đã đúng khi xem Mary là một “môn đồ gương mẫu”. Chúng ta hãy xét qua một số trường hợp mà Mary cung ứng cho chúng ta chức năng môn đồ mẫu mực của nàng trong đó.
(1) Mary là một môn đồ gương mẫu trong niềm tin đặt nơi Lời của Đức Chúa Trời, và theo sự đầu phục của nàng với ý chỉ của Đức Chúa Trời. Mary không phải là một mẫu mực cho các môn đồ trong việc làm mẹ Đấng Mêsi. Sự thật cho thấy Êlisabét đã chúc phước cho Mary là Mẹ Chúa của bà (1.42), và các thế hệ trong tương lai cũng sẽ chúc phước cho nàng như vậy (1.48). Trong khi điều nầy là thực, thì nó vẫn được duy trì trong sự hiểu biết thích ứng. Chúa chúng ta rất cẩn thận khi tỏ ra sự vâng phục theo ý chỉ của Đức Chúa Trời và lời của Ngài thì rất quan trọng hơn là quan hệ với Ngài về mặt con người:
“Mẹ và anh em Ngài đến, đứng ngoài sai kêu Ngài. Đoàn dân vẫn ngồi chung quanh Ngài. Có kẻ thưa rằng: Nầy, mẹ và anh em thầy ở ngoài kia đang tìm thầy. Song Ngài phán cùng họ rằng: Ai là mẹ ta, ai là anh em ta? Ngài lại đưa mắt liếc những kẻ ngồi chung quanh mình mà phán rằng: Kìa là mẹ ta và anh em ta! Ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, nấy là anh em, chị em, và mẹ ta vậy” (Mác 3.31-35, đối chiếu Mathiơ 12.46-50; Luca 8.19-21).
Trong một câu khác chúng ta đọc:
“Đức Chúa Jêsus đang phán những điều ấy, có một người đàn bà ở giữa dân chúng cất tiếng thưa rằng: Phước cho dạ đã mang Ngài và vú đã cho Ngài bú! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Những kẻ nghe và giữ lời Đức Chúa Trời còn có phước hơn!” (Luca 11.27-28).
Khi cưu mang Đấng Mêsi là đặc ân dành cho Mary, nàng đã được ngợi khen vì đức tin và sự vâng phục của mình. Điều nầy rất rõ ràng trong lời chúc phước do Êlisabét công bố, khi đối chiếu niềm tin của Mary với sự vô tín của Xachari:
“Phước cho người đã tin, vì lời Chúa truyền cho sẽ được ứng nghiệm!” (Luca 1.45).
Để đi sâu thêm vào vấn đề vâng phục của Mary, không những nàng vâng phục theo tính mệnh lệnh trong lời của Đức Chúa Trời, mà còn vâng theo tính luận suy có trong lời ấy nữa. Thiên sứ không truyền cho Mary phải đi đến nhà của Êlisabét, mà chỉ nói rằng Êlisabét đã mang thai trong lúc tuổi đã già, cho thấy rằng không có việc gì là khó đối với Đức Chúa Trời cả (Luca 1.36-37). Tuy nhiên, Mary tiếp thu lấy và không có lệnh truyền phải làm gì thì đã ngay lập tức đi tới nhà của Êlisabét, dù ở một khoảng cách rất xa và bất tiện.
(2) Mary là một môn đồ gương mẫu trong sự quen thuộc sâu sắc với Lời của Đức Chúa Trời. Một người không thể đọc bài ca tụng của Mary mà chẳng nhận ra nàng đã rút tỉa khá sâu sắc thuật ngữ và thần học của Cựu ước. Không những nàng đang suy tưởng theo Kinh Thánh, nàng còn tự tỏ bày ra theo các giới hạn của Kinh Thánh.
(3) Mary là một môn đồ gương mẫu trong sự bám chắc vào ân điển của Đức Chúa Trời, và trong thái độ biết ơn Đức Chúa Trời vì đã đổ ân sủng ra trên nàng. Nếu có một tư tưởng nào chú về tinh thần và tính chất Đức Chúa Trời xử lý với loài người thì đó là tư tưởng về ân điển. Bài ca tụng của Mary tỏ ra chiều sâu của sự Mary bám lấy ân điển Đức Chúa Trời, không những ân điển đã được tỏ ra cho nàng, mà còn cho hết thảy dân sự của Đức Chúa Trời, và từ đời nầy qua đời khác nữa. Ân điển là cốt lõi của đạo thật và là thuốc giải cho điều gì là giả dối. Như tác giả thơ Hêbơrơ đã nói:
“Anh em chớ để cho mọi thứ đạo lạ dỗ dành mình; vì lòng nhờ ân điển được vững bền, ấy là tốt, chớ không phải nhờ đồ ăn, là sự chẳng ích chi cho kẻ làm như vậy” (Hêbơrơ 13.9).
Những văn sĩ và người Pharisi trong thời của Chúa Jêsus đều là hạng người dõi theo luật pháp, họ chuyên hướng vào văn tự của luật pháp, mà bỏ qua ân điển của Đức Chúa Trời trong đó. Còn Mary thì không phải như vậy.
(4) Mary là một môn đồ gương mẫu trong việc bám lấy mọi hàm ý của Tin lành về mặt xã hội. Phierơ mau quên tin lành vốn liên kết chặt chẽ không bứt rời được với các bổn phận xã hội, và vì thế Phaolô đã quở trách ông (đối chiếu Galati 2.11-21). Mary vốn hiểu rõ các tin tức tốt lành nói về sự đến của Đấng Mêsi sẽ kết quả trong sự đảo lộn lớn trong xã hội. Trong chức vụ của Ngài, Chúa Jêsus sẽ mở rộng các lẽ đạo về mặt xã hội trong bài tụng ca của Mary:
“Đức Chúa Jêsus bèn ngước mắt ngó môn đồ, mà phán rằng: Phước cho các ngươi nghèo khó, vì nước Đức Chúa Trời thuộc về các ngươi! Phước cho các ngươi hiện đang đói, vì sẽ được no đủ!… Song, khốn cho các ngươi và người giàu có, vì đã được sự yên ủi của mình rồi! Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang no, vì sẽ đói! Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang cười, vì sẽ để tang và khóc lóc!” (Luca 6.20-21a; 24-25).
Trong các thơ tín Tân ước, các sứ đồ đều khẳng định Cơ đốc nhân không thích nghi với các thực hành gian ác của xã hội trong thời của họ, mà phải sống theo các tiêu chuẩn xã hội của tin lành, Mary đã đề cập tới các tiêu chuẩn đó, và Chúa chúng ta cũng có dạy dỗ. Cho nên Giacơ đã có những lời lẽ rất mạnh mẽ vào đề tài phân biệt nghịch lại người nghèo và tỏ ra thiên vị với kẻ giàu (đối chiếu Giacơ 2.1-13; 5.1-12).
(5) Mary là một môn đồ gương mẫu trong việc bám lấy các mục đích và lời hứa của Đức Chúa Trời. Bài ca tụng của Mary hướng nhiều vào sự được ơn của mình khi cưu mang Đấng Mêsi. Thực vậy, nàng không nhắm vào đứa trẻ, thay vì thế, nàng nhắm vào các kết quả của sự Đấng Mêsi hiện đến. Chúng ta bây giờ nhận biết điều nầy bao gồm cả lần đến thứ nhất và lần đến thứ hai của Ngài. Mary có một sự hiểu biết rất rộng rãi. Nàng nhìn lại đàng sau, về các giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập với Ápraham và với dân sự của Ngài trong Cựu ước. Nàng nhìn về đàng trước đến sự công bình tối hậu sẽ được thiết lập khi Đấng Mêsi ngự trên ngôi Đavít. Mary có một ý thức về lịch sử rất tốt và bám chặt các mục đích và lời hứa của Đức Chúa Trời. Không có một từ ngữ địa phương nào được thấy có trong lời ca tụng của nàng.
(6) Mary là một môn đồ gương mẫu trong phản ảnh và suy gẫm rõ ràng của nàng về những vụ việc thuộc Đức Chúa Trời. Mọi sự chúng ta đang nhìn thấy trong một số lời khen ngợi nầy chỉ ra sự thật Mary đã suy gẫm luôn về Lời và về mọi công việc của Đức Chúa Trời. Chúng ta có phần làm chứng về điều nầy từ hai câu nói khác nhau do Luca đưa ra:
“Ma-ri nghe nói thì bối rối, tự hỏi rằng lời chào ấy có nghĩa gì” (Luca 1.29, nhấn mạnh “tự hỏi”). “Đoạn, Ngài theo về thành Na-xa-rét và chịu lụy cha mẹ. Mẹ Ngài ghi các lời ấy vào lòng” (Luca 2.51, nhấn mạnh “vào lòng”).
Mary không sống giống như một số người cho rằng nàng đã sống, nhưng nàng là một tấm gương rất xuất sắc về địa vị môn đồ. Nàng là một phụ nữ biết nắm lấy Lời của Đức Chúa Trời, hay suy gẫm, biết vâng theo, cả trong mệnh lệnh và trong những suy luận của Lời ấy. Nàng là một phụ nữ có một sự hiểu biết thấu đáo những gì Đức Chúa Trời đang làm trong lịch sử và trong xã hội. Mary là một môn đồ gương mẫu.
(7) Mary là một môn đồ gương mẫu, lời ca tụng của nàng không những là một sự bày tỏ cá nhân về sự thờ lạy, mà còn là sự gây dựng cho thế gian. Chúng ta phải đi đến kết luận là lời ca tụng của Mary đã được thốt ra trong khi Êlisabét đang lắng nghe, cũng như lời khen ngợi của Êlisabét đã được nói ra với Đức Chúa Trời, nhưng vì ích cho Êlisabét. Trong cả hai trường hợp, sự khen ngợi Đức Chúa Trời đã được nói ra trước người khác đã được thực hiện theo một phương thức để gây dựng và khích lệ cho người đang lắng nghe.
Kết luận
Có một số phương thức trong đó sự thờ lạy của hai phụ nữ nầy có quan hệ với Cơ đốc nhân đương thời. Khi chúng ta kết luận, hãy để tôi đề nghị một số ứng dụng đặc biệt trong bài học của chúng ta:
Thứ nhất, bài học của chúng ta dạy cho chúng ta biết nhiều về đề tài phụ nữ, tình trạng thuộc linh và sự thờ lạy của họ. Xã hội ngày nay, theo như chúng ta biết, đã được “giải phóng” ra khỏi hình thức bá quyền xa xưa của thế giới cổ. Ngay cả Hội thánh đã thực hiện nhiều sự nhượng bộ đối với phong trào giải phóng phụ nữ. Vì cớ đó, những sinh hoạt của Hội thánh chúng ta thường bị xem là sỉ nhục đối với nhiều người nữ, và một số nam giới. Tuy nhiên, chúng ta tin chắc rằng các nguyên tắc của Hội thánh thời Tân ước đều thích đáng và chặt chẽ hôm nay cũng như chúng đã có trong thời của Phaolô.
Đây là quan điểm tôi muốn đưa ra ở đây: ấy là những “hạn chế” mà Tân ước lập ra trên giới nữ và vai trò của họ trong sự thờ phượng chung không phải là bất lợi cho đời sống và sự phát triển thuộc linh của giới nữ. Sự thờ phượng của hai người phụ nữ nầy không phải là sự thờ phượng chung, mà là sự thờ phượng riêng. Tuy nhiên, sự ngợi khen của họ là làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và nó được bảo tồn để làm sự gây dựng cho chúng ta.
Sự thật cho thấy rằng sự thờ lạy của hai phụ nữ nầy bị hạn chế nhiều hơn sự thờ lạy của nam giới chẳng có một ngăn trở nào cho sự tấn tới và phát triển về mặt thuộc linh của họ. Thực vậy, dường như là trong trường hợp của Êlisabét, nếu không phải cũng là trường hợp của Mary, tình trạng thuộc linh của bà đã trổi hơn tình trạng thuộc linh của chồng mình. Êlisabét không bị hạn chế đối với cấp độ thuộc linh của chồng bà, sự thể hiện công khai đời sống thờ phượng của bà cũng không bị hạn chế khiến cho bà luôn kinh nghiệm mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời của bà.
Cũng một nguyên tắc ấy ứng dụng vào một cấp độ khác. Sự kiện Xachari là một thầy tế lễ “chuyên nghiệp” và vợ ông cùng với Mary chỉ là “nhân sự” không khiến cho Xachari phải được đặt cao hơn người khác. Một thầy tế lễ cao niên có đức tin kém hơn một thiếu nữ sống vùng nông thôn, và lời chúc phước của Êlisabét cho Mary vì đức tin của nàng nơi lời hứa của Đức Chúa Trời chứa một lời quở trách dịu dàng cho người chồng có lòng hồ nghi của bà, là người không tin theo lời nói của thiên sứ.
Thứ hai, lời khen ngợi của Mary cung ứng cho chúng ta một tấm gương về sự thờ phượng và ngợi khen của chúng ta. Lời ca tụng Chúa của Mary về Êlisabét đã đi xa hơn là chỉ biết ơn đối với sự ban cho con trẻ. Lời ca tụng của Mary đã khởi sự với kinh nghiệm riêng của nàng, nhưng mau chóng liên kết kinh nghiệm nầy với bổn tánh và hành động của Đức Chúa Trời trong quá khứ (các đường lối của Ngài) và rồi với giao ước và mọi lời hứa của Ngài về tương lai.
Những lời cầu nguyện và ngợi khen của chúng ta nông cạn dường bao khi đem ví sánh với lời cầu nguyện và ngợi khen của hai người phụ nữ tin kính nầy. Lời khen ngợi của chúng ta có khuynh hướng dựa theo mọi kinh nghiệm đem lại cho chúng ta sự vui thích. Lời ca tụng của chúng ta có khuynh hướng nhắc vào mọi điều Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta. Chúng ta phải tìm cách sống theo bổn tánh của Đức Chúa Trời nhiều hơn nữa, về mọi lời hứa giao ước của Ngài, và về hành động của Ngài trong lịch sử, cũng như trong tương lai. Ngôn ngữ ngợi khen của chúng ta phải lộ ra một sự dầm thấm Kinh Thánh liên tục và sự suy gẫm theo các giới hạn và thần học của Kinh Thánh.
Lời ca ngợi của chúng ta trong mùa lễ Giáng sinh nầy phải rập khuôn đặc biệt theo khuôn mẫu của Mary, nàng không nhắm vào con trẻ mà nàng sẽ bồng ẵm trong đôi vòng tay của mình, nhưng nhắm vào Đức Chúa Trời là Đấng đã sai phái Đấng Mêsi và vào mục tiêu của sự Ngài đến với trần gian. Điều nầy bao gồm mục tiêu cứu chuộc và cứu rỗi, nhưng đặc biệt sự đến ấy gồm có cả việc “sửa ngay” lại những việc nào là gian ác và bất công. Mọi điều nầy hãy còn ở thì tương lai đối với chúng ta, như chúng đã ở trong thì tương lai đối với Mary, vì chúng sẽ thành tựu hết trong lần tái lâm của Chúa chúng ta.
Lời ca tụng của chúng ta giống như lời tụng ca của Êlisabét và Mary, không những tìm cách tôn cao Đức Chúa Trời, mà cũng làm sự gây dựng cho những ai có thể nghe được lời ấy. Tôi cũng e rằng, chúng ta thấy mình chỉ làm xiếc trước mặt người khác, sử dụng lời khen ngợi để nói với con người, chứa đựng một sứ điệp nào đó cho họ, hơn là cho Đức Chúa Trời. Lời ca tụng của Mary đã nhắm vào Đức Chúa Trời, nhưng trong sự tha thiết với Đức Chúa Trời nàng cũng khích lệ và gây dựng cho Êlisabét nữa, y như lời tụng ca của Êlisabét cũng khích lệ cho nàng. Như sứ đồ Phaolô đã viết: “hãy làm hết thảy cho được gây dựng” (I Côrinhtô 14.26).
Thứ ba, câu chuyện mà Luca đã cung ứng cho chúng ta về sự thờ lạy mật thiết của Mary có sự dự phần của Êlisabét sẽ dạy dỗ và tác động chúng ta bước vào kỷ luật của hàng môn đồ. Chúng ta nên phấn đấu để trở thành học viên của Lời Đức Chúa Trời, suy gẫm luôn các giới hạn và thần học của Lời ấy, tìm cách sống vâng phục các mệnh lệnh và mọi hàm ý của Lời ấy.
Sau cùng, chúng ta phải phấn đấu để nhìn xuyên qua sự giáng sinh của con trẻ đến tận cứu cánh mà vì đó con trẻ đã hiện đến – để phục hồi và phục hoà hạng người sa ngã cho Đức Chúa Trời và cho nhau. Trong khi sự đến của Đấng Christ còn có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ cứu nhân loại ra khỏi tội lỗi của họ, đây là sự khởi đầu tiên quyết cho mọi sự mà Ngài sẽ hoàn thành.
Phép lạ về sự ra đời bởi một nữ đồng trinh, là nền tảng và là khởi điểm cho sự khen ngợi của hai phụ nữ nầy, là giống với phép lạ của sự tái sanh mà mỗi người nam, người nữ, và con trẻ phải kinh nghiệm để có sự sống đời đời và để sống loại đời sống mà Chúa chúng ta đang đòi hỏi.
Có một nguyên tắc đang thể hiện ở đây trong hai chương đầu của sách Luca có thể thấy được bất cứ đâu trong Kinh Thánh. Nguyên tắc nầy có thể được trình bày theo cách nầy:
MỘT NHÂN VẬT LẠ LÙNG
BẮT ĐẦU VỚI SỰ RA ĐỜI LẠ LÙNG
Xuyên suốt kinh Cựu ước, các chức vụ kỳ diệu của những công cụ được Đức Chúa Trời lựa chọn thường bắt đầu bằng một sự ra đời kỳ diệu hay bất thường. Sự ra đời của Ápraham (Sáng thế ký 12-21), Samuên (I Samuên 1-2), và Samsôn (Các quan xét 13) là các trường hợp của những lần ra đời lạ lùng. Cho nên chẳng có gì phải ngạc nhiên khi thấy sự ra đời của cả Giăng và Chúa Jêsus là lạ lùng cả, vì đời sống của hai nhân vật nầy đều là lạ lùng. Trong khi chúng ta không thể nói mỗi đời sống lạ lùng đã bắt đầu với một sự ra đời lạ lùng, tôi nghĩ tôi dám nói chắc rằng mỗi sự ra đời lạ lùng đều kết quả trong một đời sống và chức vụ thật lạ lùng.
Ngày nay có nhiều người dường như suy nghĩ rằng họ có thể sống theo những tiêu chuẩn và nguyên tắc của Kinh Thánh bằng cách chuyên tâm vào đó. Chẳng phải như vậy đâu. Kinh Thánh đòi hỏi rằng loài người sống một đời sống phải cho thật lạ lùng, một đời sống rất khó sống về mặt con người (đối chiếu Rôma chương 7). Có một phương thức duy nhất điều nầy có thể xảy ra, và đó là bởi kinh nghiệm một sự “sanh lại” thật lạ lùng. Đây là lý do tại sao Chúa Jêsus đã phán với Nicôđem rằng ông phải “sanh lại”, mặc dù ông là một giáo sư lỗi lạc trong Ysơraên (đối chiếu Giăng chương 3).
Có nhiều “Cơ đốc nhân” hữu danh đang tìm cách sống một đời sống rất khó sống “lạ lùng”, tuy nhiên họ chưa được “sanh lại”. Tôi e một số người trong các bạn có thể đang tìm cách để sống một đời sống lạ lùng, nhưng lại chưa có điều kiện tiên quyết là “sanh lại” đó. Nguyện tôi đang khích lệ các bạn kinh nghiệm sự sanh lại nầy nhờ đức tin nơi Đấng Christ trong chính thì giờ nầy.
Trong khi có người nghĩ rằng họ sẽ trở thành một Cơ đốc nhân bằng “cách chịu khó sống một đời sống nhơn đức” họ cần phải học biết rằng trở thành một Cơ đốc nhân, sự “sanh lại” đã được phác hoạ bởi sự ra đời của con trẻ của Mary, trong khi tìm cách sống theo tôn giáo nhờ các việc lành đã được phác hoạ qua sự ra đời của Giăng Báptít. Giăng Báptít đã ra đời qua các hành động của Êlisabét và Xachari, mà Đức Chúa Trời đã làm ra qua sự mang thai và sinh nở một cách siêu nhiên. Tuy nhiên, đây không phải là cách mà nhân loại được cứu rỗi đâu. Sự cứu rỗi không kết quả từ mọi gắng sức của chúng ta, là điều Đức Chúa Trời chúc phước cách kỳ diệu. Sự cứu rỗi của chúng ta đến theo cùng một cách mà con trẻ của Mary đã được thai dựng – hoàn toàn bởi công tác tối thượng của Đức Chúa Trời, Mary chẳng có một gắng sức nào trong đó cả. Đức Chúa Trời làm công tác sản sinh ra sự sống trong chúng ta, cũng như Ngài đã làm về sự sống trong Mary. Chúng ta cần phải tin theo và chấp nhận công việc của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta phải để công việc lại cho Ngài, chớ không phải cho chúng ta. Sự cứu rỗi là công tác lạ lùng của Đức Chúa Trời trong chúng ta, sản sinh ra sự sống mới.
Dân Ysơraên cảm thấy mối ràng buộc về phần xác của họ với Ápraham là đủ để cứu rỗi họ, nhưng họ đã sai lầm, và Giăng về sau đã thách thức niềm tin giả dối ấy (Luca 3.8). Giống như chính Chúa chúng ta đã phán sau đó, người nào vâng theo Lời Ngài đều là chị em, anh em, và là mẹ của Ngài. Mối quan hệ theo phần xác với Đấng Christ không quan trọng cho bằng mối quan hệ về mặt thuộc linh. Đâu là mối quan hệ thuộc linh của bạn với Đức Chúa Trời?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét