Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Luca 2.21-40: "BÀI CA TỤNG CỦA SIMÊÔN VÀ LỜI CÔNG BỐ CỦA ANNE"



Phần giới thiệu
Phần văn mạch
Các nghi thức
Bài ca tụng của Simêôn
Lời tuyên bố của Anne (2.36-38).
Ý nghĩa và sứ điệp của Simêôn và Anne
Ứng dụng cho Cơ đốc nhân đương thời
BÀI 5
BÀI CA TỤNG CỦA SIMÊÔN VÀ LỜI CÔNG BỐ CỦA ANNE
(Luca 2.21-40)
Phần giới thiệu
Tôi có nghe kể câu chuyện nói về con khỉ trong sở thú, nó cầm trong tay nầy quyển Kinh Thánh và ở tay kia là quyển sách nói về căn nguyên của muôn loài do Darwin viết. Khi người bảo vệ sở thú hỏi nó đang làm gì thế, nó mới đáp rằng: “Ta đang quyết định ta là người giữ em ta, hay em ta là người giữ ta”.
Tôi nghĩ đến câu chuyện nầy trong sự kết hợp với Simêôn là người chắc chắn sẽ có nhiều bối rối ở một số việc mà ông ta có thể đọc thấy hôm nay. Thí dụ, quý vị có thể hình dung Simêôn – một người mà chúng ta xem là đã cao tuổi lắm rồi, ông đang đọc một quyển sách nói về cơn khủng hoảng giữa đời. Dù nội dung của quyển sách là gì đi nữa, tôi nghĩ Simêôn sẽ thấy đọc như thế thì không thể tin nổi được. Thực ra, tôi không dám chắc có ai từng gặp khủng hoảng ở giữa cuộc đời cho tới mới đây thôi (cùng với một số tai vạ đương thời). Cơn khủng hoảng giữa đời, theo tôi hiểu, thường giáng cho con người ở độ tuổi trung niên vì họ nhận thấy mục tiêu mà họ đã định cho cuộc sống của họ (hoặc xã hội đã bắt họ phải gánh chịu) đều không đạt được. Cơn khủng hoảng giữa đời xảy đến vì chúng ta thấy sức lực và tiềm năng của chúng ta đang tàn lụi và các mục tiêu của chúng ta thoáng xa dần đi không còn với tới được nữa.
Simêôn và Anne có được nhiều điều so với nền văn hoá của chúng ta, và đặc biệt đối với những Cơ đốc nhân nào hiện đang thuộc về nền văn hoá ấy. Sự xuất hiện của hai thánh đồ rất tin kính trong đền thờ, ở đó họ nhìn nhận và xưng Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của Ysơraên, là sự cố mà Luca đã chọn để làm nổi bật tình tiết quan trọng nhất trong tuổi ấu thơ của Đấng Christ, thêm vào với sự thăm viếng của mấy gã chăn chiên cách đó ít ngày. Sự trung tín của họ trong việc trông mong vào sự mau đến của Chúa quả thực là một lời quở trách và là một niềm khích lệ cho mỗi Cơ đốc nhân. Các mục tiêu và những điều ưu tiên một, cùng sự thể hiện bền đỗ về sự công bình của họ đều hoàn toàn thẳng thắn chân thành trong sự trực tiếp chống lại những gì nền văn hoá của chúng ta tán thành. Thực vậy, họ cũng sống trong sự đối kháng với các quan điểm cùng các giá trị nổi bật và thịnh hành nhất trong nền văn hoá Cơ đốc của chúng ta. Chúng ta cần phải suy nghĩ cho thật kỹ về phân đoạn nầy, vì nếu chúng ta phải noi theo gương của Simêôn và Anne thì các mục tiêu của chúng ta sẽ thay đổi, cung cách sống của chúng ta sẽ phải đơn giản hoá, và cơn khủng hoảng giữa đời của chúng ta sẽ biến thành hơi nước tan đi.
Phần văn mạch
Chương thứ nhất của sách Tin lành Luca đề cao sự xuất hiện người tiền khu của Đấng Mêsi, là Giăng Báptít. Được kết với câu chuyện nói tới sự ông ra đời cùng các biến cố chọn lọc trong đời sống của ông là tường trình về sự thăm viếng Mary bởi thiên sứ Gápriên, Ngài thông báo cho nàng biết về sự thai dựng kỳ diệu qua nữ đồng trinh của con trẻ sẽ sanh ra bởi nàng, là Đấng Mêsi của Ysơraên, là Người – Trời và sự Mary chia sẻ điều nầy với Êlisabét. Trong các câu 1-20 của chương hai Luca đã ghi lại sự giáng sinh của Chúa chúng ta và lời công bố Đấng Christ ra đời của thiên sứ cho mấy gã chăn chiên, họ đã mau mau đến nhìn xem con trẻ thánh, quấn bằng khăn và được đặt nằm trong máng cỏ.
Phần còn lại của chương hai sách Luca mô tả hai sự cố quan trọng trong thời thơ ấu của Chúa chúng ta, cả hai đều diễn ra trong đền thờ tại thành Giêrusalem, được phân ra trong khoảng 12 năm. Câu 21-40 nhắm vào Simêôn và Anne, hai người nhìn nhận con trẻ Jêsus là Đấng Mêsi được hứa cho Ysơraên, và cả hai công khai ngợi khen Đức Chúa Trời vì sự ban cho nầy và công bố ra các tin tức tốt lành cho những người nào đang trông đợi sự ứng nghiệm mọi lời hứa của Đức Chúa Trời cho dân Ysơraên của Ngài. Phần sau cùng của chương diễn ra 12 năm sau đó, khi Chúa Jêsus cùng với cha mẹ Ngài lên thành Giêrusalem, và rồi đã ở lại đàng sau, vì công việc của Cha Ngài trong Nhà của Cha Ngài.
Chương thứ hai của sách Luca chứa câu chuyện duy nhất trong Kinh Thánh nói về sự giáng sinh của Chúa Jêsus. Tin lành Mathiơ cung cấp câu chuyện khác duy nhất trong Kinh Thánh nói về một sự cố thời thơ ấu của Đấng Mêsi. Ông ghi lại sự đến viếng của các thầy bác sĩ, tính đa nghi của Hêrốt đã khiến ông ta ra lệnh giết các con trẻ ở Bếtlêhem với nổ lực tìm giết Đấng Mêsi, và cuộc trốn tránh của gia đình thánh sang Aicập, để bảo toàn sanh mạng cho con trẻ. Các học giả Kinh Thánh không dám chắc về hai câu chuyện đã được ghi lại trong Kinh Thánh, câu chuyện thuật lại về các thầy bác sĩ trong sách Mathiơ và câu chuyện thuật lại về Simêôn và Anne có một sự liên tiếp về mặt thứ tự theo thời gian hay không?!? Kinh Thánh cho biết rằng ngay sau khi Chúa Jêsus giáng sinh, mấy gã chăn chiên đã đến thăm, sau đó không lâu thì Chúa Jêsus chịu phép cắt bì, rồi được đem dâng trên đền thờ, ở đây đã có Simêôn và Anne. Gia đình đã tìm được chỗ trọ thường trực (đối chiếu ‘nhà’ trong Mathiơ 2.11) tại thành Bếtlêhem, ở đây mấy thầy bác sĩ sau một thời gian đã đến viếng, có lẽ khoảng chừng hai năm (đối chiếu Mathiơ 2.7, 16). Khi ấy gia đình mới trốn sang Aicập, và trên đường họ trở lại, họ chuyển vào Naxarét, chớ không vào Bếtlêhem để làm ứng nghiệm Kinh Thánh (Mathiơ 2.19-23). Luca không ghi lại một số biến cố xen giữa nầy, mà chỉ nói cho chúng ta biết gia đình của Chúa Jêsus đã trở về Naxarét (Luca 2.39), ở đây Đấng Mêsi đã sống khoảng thời gian thiếu thời. Luca ưu tiên cho lần thăm viếng đền thờ của Ngài lúc 12 tuổi (Luca 2.41…).
Những nghi thức
Đã đến lúc phải phân biệt ba nghi thức đã được đề cập đến trong bài học của chúng ta vì chúng ta có khuynh hướng hay lẫn lộn các nghi thức nầy thành một trường hợp, hơn là xem chúng theo cách riêng, cả về thời điểm và về trình tự. Nghi thức đầu tiên: đó là phép cắt bì, được đề cập tới trong câu 21. Sự cố nầy có lẽ đã diễn ra tại nơi gia đình sinh sống, chớ không phải tại đền thờ. Phép cắt bì nầy diễn ra vào ngày thứ 8, theo quy định mà Đức Chúa Trời đã truyền cho Ápraham (Sáng thế ký 17.9-14) và theo quy định bởi luật pháp Môise (Lê vi ký 12.3). Kết với phép cắt bì là việc đặt tên cho con trẻ (đối chiếu Luca 1.59-63, 2.21).
Phần trình dâng đứa con đầu lòng là nghi thức thứ hai mà bài học chúng ta ghi lại. Nghi thức nầy cũng là một đòi hỏi của luật pháp, mà Luca có kể đến:
“Hễ con trai đầu lòng, phải dâng cho Chúa” [theo bản Kinh Thánh Anh ngữ câu nầy đọc như sau: HỄ CON TRAI ĐẦU MỞ TỬ CUNG NGƯỜI MẸ PHẢI ĐƯỢC GỌI LÀ THÁNH CHO ĐỨC GIÊHÔVA”] (Luca 2.23; trích từ Xuất Êdíptô ký 13.2; đối chiếu Dân số ký 18.15-17).
Từ nội dung của câu chép từ sách Xuất Êdíptô ký chúng ta biết rõ trong lúc trận dịch sau cùng mà Đức Chúa Trời đã giáng xuống Aicập, hết thảy con trai đầu lòng ở Aicập đều bị giết chết, cả loài người và loài thú, trong khi những con trai đầu lòng của dân Ysơraên (nghĩa là, gia đình nào có bôi huyết Chiên Con Lễ Vượt Qua trên mày cửa) đều được sống. Sự chuộc lấy con trai đầu lòng bị Đức Chúa Trời đòi hỏi vì con trai đầu lòng được Ngài buông tha và vì thế phải thuộc về Ngài. Khi một gia đình Ysơraên chuộc lấy con trai mình, họ đã công nhận rằng con trẻ nầy đã thuộc về Đức Chúa Trời.
Giá chuộc cho con trai Ysơraên đầu lòng hơn một tháng tuổi là 5 siếc lơ bạc theo nơi thánh trong Dân số ký 18.16. Rõ ràng lễ trình dâng đứa con dầu lòng đã diễn ra sớm hơn 31 ngày sau khi ra đời. Vì thế, lễ trình dâng con trẻ và lễ làm cho tinh sạch người mẹ (nghi thức thứ ba), đã được thực hiện chung với lần thăm viếng đền thờ.
Nghi thức thứ ba là lễ làm tinh sạch cho Mary, luật pháp đòi hỏi sau khi sanh một đứa con. Trong sách Lê vi ký chương 12 chúng ta được thuật lại cho biết rằng người đờn bà theo nghi thức bị ô uế sau khi sinh con. Đối với việc sanh con trai, người đờn bà bị ô uế trong 7 ngày (12.2), và không được vào trong nơi thánh trong vòng 33 ngày khác (12.4). Đối với việc sanh con gái, thời gian nhân đôi lên. Người đờn bà chịu ô uế trong 14 ngày và không được vào trong nơi thánh trong vòng 66 ngày (12.5). Điều nầy có nghĩa là Chúa Jêsus mới được khoảng 6 ngày tuổi lúc làm lễ dâng con. Của lễ là hai con chim bồ câu cho thấy rằng Mary và Giôsép là người nghèo, theo điều khoản dành cho người nghèo (Lê vi ký 12.6-8).
Đó là nghi thức thứ hai, lễ dâng Chúa Jêsus tại đền thờ, là điều nổi bật nhất của câu chuyện Luca viết (Luca 2.27). Chính tại cơ hội nầy mà Simêôn và Anne mới xuất hiện, làm chứng và tuyên bố con trẻ Jêsus là Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời, Cứu Chúa của thế gian.
Lễ cắt bì của Con Trẻ (2.21)
Phép cắt bì cho Con Trẻ Christ không nổi bật lắm trong phân đoạn, nhưng phép ấy đáng chú ý. Thứ nhất, phép cắt bì nầy ghi lại những điều xác nhận sự thật cha mẹ của Chúa chúng ta: “đã làm trọn mọi việc theo luật pháp Chúa rồi” (Luca 2.39). Thứ hai, phép cắt bì của Đấng Christ tương đương với phép cắt bì của Giăng, đã được mô tả ở trên (Luca 1.59…). Sau cùng, chính tại phép cắt bì của Đấng Christ mà tên của Ngài mới được đặt theo hình thức. Tên Jêsus, là tên đã được xác định khi Ngài ra đời, cả cho Giôsép và Mary:
“Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là JÊSUS, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Mathiơ 1.21).
“Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là JÊSUS” (Luca 1.31).
Hình thức Hêbơrơ của danh Chúa Jêsus là “Jeshua” (đối chiếu Joshua [Giôsuê]), được rút ra do sự kết hợp hai chữ gốc, có nghĩa là “Chúa Giêhôva” và “giải cứu”. Cho nên, Jêsus có nghĩa là “Đức Giêhôva là sự cứu rỗi”. Tôi tin rằng danh Jêsus, mà Luca thuật lại cho chúng ta theo hình thức đã được ban cho Cứu Chúa vào thời điểm chịu phép cắt bì của Ngài, là một trong những biểu hiện của Simêôn rằng con trẻ nầy, Jêsus (sự cứu rỗi của Đức Giêhôva), chính là Đấng Mêsi được hứa cho. Vì vậy Simêôn nói:
“Vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài” [nghĩa là, Jêsus, sự cứu rỗi của Đức Giêhôva] (Luca 2.30).
Lễ dâng Chúa Jêsus tại đền thờ (2.22-38)
Kết hợp với lễ dâng Chúa Jêsus tại đền thờ là sự xuất hiện của Simêôn và Anne, và họ nói ra những lời được sự cảm thúc thiêng liêng, nhìn nhận con trẻ Christ là Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy xem xét hai thánh đồ cao thượng nầy để khám phá có điều chi nơi họ mà Luca thấy xứng đáng có một chỗ vinh dự trong tình tiết hiếm hoi của câu chuyện ông viết về thời thơ ấu của Đấng Christ.
Bài ca tụng của Simêôn
Simêôn là một con người rất giống với Mênchixêđéc trong Cựu ước, không biết ông ở đâu hiện đến. Chúng ta được thuật lại rất ít về con người Simêôn nầy. Chúng ta không biết ông thuộc vào chi phái nào, mặc dù rõ ràng ông là một người Do thái. Chúng ta không biết điều chi về gia đình ông, ông có lập gia đình hay có con cái chưa. Chúng ta không được thuật cho biết ông làm nghề gì, nhưng rõ ràng ông không phải là thầy tế lễ, vì ông đã được Đức Thánh Linh hướng dẫn trực tiếp phải đi đến đền thờ.
Nhưng việc duy nhất chúng ta được thuật lại cho biết về Simêôn là những việc có tầm quan trọng đối với Đức Chúa Trời mà thôi – những việc có quan hệ với đức tin và bổn tánh của ông, những việc thuật lại cho biết về mối tương giao của ông với Đức Chúa Trời. Chúng ta được thuật cho biết Simêôn là người công bình đạo đức (câu 25), là điều nói tới cách ăn ở cá nhân của ông với Đức Chúa Trời và tính ngay thẳng của ông giữa vòng dân sự. Thêm nữa, ông là một con người có đức tin và sự trông cậy, vì ông: “trông đợi sự yên ủi của dân Ysơraên” một mệnh đề tóm tắt đức tin của thánh đồ Cựu ước nơi các lời hứa của Đức Chúa Trời về sự phục hưng Ysơraên qua sự đến của Đấng Mêsi.
Sau cùng, Simêôn là một con người đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Chính Đức Thánh Linh là Đấng đã bày tỏ cho Simêôn thấy ông sẽ không chết cho tới chừng nào ông nhìn thấy Đấng Christ của Chúa (câu 26), là Đấng Chịu Xức Dầu của Đức Chúa Trời, là Đấng Mêsi của Ysơraên. Cũng chính Đức Thánh Linh đã hướng dẫn Simêôn vào đền thờ vào cái ngày rất đặc biệt khi cha mẹ Chúa Jêsus đem Ngài dâng cho Chúa Giêhôva. Rốt lại, trong một đường lối không rõ rệt, chính Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã tỏ cho Simêôn biết rằng con trẻ nầy quả thực chính là Đấng Mêsi. Không nghi ngờ chi nữa, danh Jêsus là một bằng chứng, nhưng còn thêm một sự khẳng định nữa, vì không có nhiều con trẻ nam được đặt theo cái tên đặc biệt nầy trong ngày đó.
Cách dùng thuật ngữ mà bởi đó Simêôn có khả năng công nhận đứa trẻ 6 tuần tuổi nầy phân biệt với những đứa trẻ khác thì không được thuật lại cho chúng ta, theo chúng ta biết vì Luca vốn không chú ý nhiều đến chỗ làm sao mà Ngài đã được công nhận, nhưng Ngài đã được nhìn nhận bởi một nhân vật tin kính, một người đầy dẫy Đức Thánh Linh, là Đấng Christ của Chúa Giêhôva.
Sự công nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi, nhân vật cao tuổi nầy đã bồng lấy con trẻ trên tay mình mà ngợi khen Đức Chúa Trời. Sau một thời gian tìm kiếm Đấng Mêsi, một người khó có thể tưởng tượng nổi niềm vui mừng của Simêôn vào thời điểm nầy. Hãy suy nghĩ về sự mừng vui ấy, một người vốn biết rõ Đức Chúa Trời đã bồng ẵm mình trong lòng bàn tay của Ngài, bây giờ đang bồng lấy Đức Chúa Trời trong hai vòng tay của mình! Đức Chúa Trời toàn năng là một đứa bé nhỏ xíu, dường như chẳng có sức lực gì hết. Lời ngợi khen của Simêôn bày tỏ ra niềm vui sâu sắc của ông trong chính thì giờ đó, một niềm vui thật trọn vẹn và hoàn toàn cho cả cuộc đời ông đến nỗi ông sẵn sàng chịu chết:
“Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ Chúa được qua đời bình an, theo như lời Ngài; Vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài” (Luca 2.29-30).
Tuy nhiên, sự cứu rỗi mà Simêôn đã nhìn thấy không phải chỉ một mình ông nhìn thấy, vì vậy ông mới nói thêm rằng đó là một sự cứu rỗi mà nhiều người sẽ nhìn thấy và dự phần:
“Vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài, Mà Ngài đã sắm sửa đặng làm ánh sáng trước mặt muôn dân, SOI KHẮP THIÊN HẠ, Và làm vinh hiển cho dân Y-sơ-ra-ên là dân Ngài” (Luca 2.30-32).
Đối với những việc mà Simêôn đã chứng kiến, chúng không giấu kín đối với người khác. Người ta có thể xác nhận đấy là việc của Đức Chúa Trời, nhưng mọi người ở thành Giêrusalem, theo như Mathiơ đã thuật lại cho chúng ta biết, ho đều biết Đấng Mêsi mà mấy thầy bác sĩ đã đi tìm, nhưng thay vì phải vui mừng dân sự lại thấy “bối rối” (Mathiơ 2.3). Như chúng ta đã được thuật lại cho biết, không một ai từ thành Giêrusalem chịu thực hiện hành trình dễ dàng đến Bếtlêhem để nhìn xem con trẻ mới ra đời, được ngôi sao bên đông phương chứng thực cho.
Trong khi Simêôn là một người Do thái tin kính, ông đã không xem sự đến của Đấng Mêsi chỉ là ích lợi cho dân Do thái thôi đâu. Đấng Mêsi là Vua của Ysơraên, Ngài sẽ “ngồi trên ngôi Đavít tổ phụ Ngài”, là sự vinh hiển của Ysơraên, nhưng Đấng Mêsi cũng là “ánh sáng soi khắp thiên hạ”. Nghĩa là, Đấng Mêsi đã đến làm sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại, chớ không riêng cho người Do thái. Lẽ thật nầy đã được truyền dạy trong Cựu ước, và lời nói của Simêôn dường như tỏ ra tri thức của ông về những lời tiên tri trong Cựu ước nói về ơn cứu rỗi cho dân Ngoại cũng như cho dân Ysơraên. Thí dụ, hãy xét qua các câu nầy, với chúng Simêôn rất quen thuộc, và ông đã nói bóng gió trong lời ngợi khen của mình:
“ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đã tỏ cho biết sự cứu rỗi Ngài, Và lộ ra sự công bình Ngài trước mặt các nước. Ngài đã nhớ lại sự nhân từ và sự thành tín của Ngài đối cùng nhà Y-sơ-ra-ên; Các đầu đất đã thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời chúng tôi” (Thi thiên 98.2-3).
“Ta, ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, đã kêu gọi ngươi trong sự công bình; ta sẽ nắm tay ngươi và giữ lấy ngươi. Ta sẽ phó ngươi làm giao ước của dân nầy, làm sự sáng cho các dân ngoại, để mở mắt kẻ mù, làm cho kẻ tù ra khỏi khám, kẻ ngồi trong tối tăm ra khỏi ngục. Ta là ĐỨC GIÊ-HÔ-VA; ấy là danh ta. Ta chẳng nhường sự vinh hiển ta cho một đấng nào khác, cũng không nhường sự tôn trọng ta cho những tượng chạm! (Êsai 42.6-8, đối chiếu 49.6).
“ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đã tỏ trần cánh tay thánh Ngài trước mắt mọi nước; mọi đầu cùng đất đã thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời chúng ta!” (Êsai 52.10).
“Hãy dấy lên, và sáng lòe ra! Vì sự sáng ngươi đã đến, và vinh quang ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đã mọc lên trên ngươi. Nầy, sự tối tăm vây phủ đất, sự u ám bao bọc các dân; song ĐỨC GIÊ-HÔ-VA dấy lên trên ngươi, vinh quang Ngài tỏ rạng trên ngươi. Các dân tộc sẽ đến nơi sự sáng ngươi, các vua sẽ đến nơi sự chói sáng đã mọc lên trên ngươi” (Êsai 60.1-3).
Hãy tưởng tượng phần tác động mà các hành động và khẳng định của Simêôn đã có trên Giôsép và Mary. Luca chỉ tóm tắt điều nầy bằng câu:
“Cha mẹ con trẻ lấy làm lạ về mấy lời người ta nói về con” (Luca 2.33).
Kinh ngạc lắm. Thêm một ít lạ lùng. Chắc chắn có người đến nhìn xem Ngài: “Đứa bé đáng yêu lắm” “Hãy nghe đây, đây là một đứa trẻ không bình thường, đây là Cứu Chúa của thế gian”. Nhưng đấy là một việc hoàn toàn khác khi một người có lẽ hoàn toàn là một người lạ đang bước lên và chỉ ra đứa con của quý vị, một đứa con giống như đứa bé trai 6 tuần tuổi nào khác, là Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời.
Có lẽ trong phản ứng lại với nét kinh ngạc trên gương mặt của Mary và Giôsép, Simêôn bước tới chúc phước cho họ, và đưa ra một lời tiên tri rất đặc biệt cho Mary:
“Si-mê-ôn bèn chúc phước cho hai vợ chồng, nói với Ma-ri, mẹ con trẻ rằng: Đây, con trẻ nầy đã định làm một cớ cho nhiều người trong Y-sơ-ra-ên vấp ngã hoặc dấy lên, và định làm một dấu gây nên sự cãi trả; còn phần ngươi, có một thanh gươm sẽ đâm thấu qua lòng ngươi. Ấy vậy tư tưởng trong lòng nhiều người sẽ được bày tỏ” (Luca 2.34-35).
Có phải Simêôn chỉ nói với Mary, trong khi ông chúc phước cho cả Mary và Giôsép có ngụ ý đấy là lời tiên tri kín đáo nói về cái chết của Giôsép không? Ít nhất chúng ta đang nhìn thấy một sự chính xác gây ấn tượng trong lời nói của Simêôn.
Tới thời điểm nầy, mọi lời nói có quan hệ đến Chúa Jêsus đều rất lạc quan, chỉ ra sự cai trị của Ngài trên ngôi Đavít, sửa ngay lại mọi việc sai lầm, đem sự bình an và sự cứu rỗi đến cho loài người. Nhưng Simêôn lúc nầy để lộ ra khía cạnh khác của câu chuyện, cũng là một phần của những lời tiên tri trong Cựu ước, tỉ như những câu nói trong Thi thiên 22 hay Êsai 53, những lời tiên tri nói tới sự chối bỏ, sự đóng đinh trên thập tự giá, và sự chết của Đấng Mêsi, những lời tiên tri nói tới sự chuộc tội mang tính cách thay thế của Ngài. Vì thế lời tiên tri của Simêôn nhận định sự đến của Đấng Christ như bày tỏ ra tấm lòng của nhiều người, và để phân rẽ con người, hầu cho câu chuyện nói về Ngài sẽ làm một cớ cho nhiều người vấp ngã hay dấy lên. Hơn nữa, lời nói của Simêôn sửa soạn Mary cho nỗi đau mà nàng phải gánh chịu, như sự nhiều người chối bỏ Con của nàng sẽ khiến cho nàng phải chứng kiến sự chết của Ngài trên thập tự giá. Quả thực điều nầy sẽ là một thanh gươm đâm thấu linh hồn nàng.
Lời tuyên bố của Anne (2.36-38)
Anne là một người đờn bà rất khác thường. Trong khi chúng ta được kể lại rất ít về những gì bà đã nói ra, chúng ta được cung cấp nhiều thông tin về lai lịch của bà hơn là Simêôn. Anne là một người Dothái, thuộc chi phái Ase, một trong 10 “chi phái bị hư mất” của Ysơraên, bị tản lạc trong cuộc phu tù ở Asiri. Bà cũng là một nữ tiên tri. Bà là một người đờn bà đã đứng tuổi, ít nhất là 84 tuổi, theo lời Luca ghi lại. Bà đã lập gia đình trong 7 năm trước khi chồng bà mất, và đã sống phần còn lại của đời mình như một goá phụ. Ngày và đêm bà đã ở trong đền thờ, cầu nguyện và kiêng ăn. Bà đã cầu nguyện và kiêng ăn vì việc gì? Luca không nói cho chúng ta biết, nhưng rõ ràng là bà, giống như Simêôn, đang trông đợi sự đến của Đấng Mêsi. Tôi tin Anne đã hiểu từ Cựu ước rằng “ngày của Đức Giêhôva” là một ngày xét đoán thiêng liêng, và Đấng Mêsi sẽ đến xử lý tội lỗi của Ysơraên. Cho nên, sự cầu nguyện và kiêng ăn là bằng chứng cho sự bà than khóc tội lỗi của dân Ysơraên.
Hãy xét qua những lời cầu nguyện và kiêng ăn của Anne theo ánh sáng của những lời nầy từ tiên tri Giôên:
“Hãy thổi kèn trong Si-ôn; hãy thổi vang ra trên núi thánh ta! Hết thảy dân cư trong đất khá đều run rẩy! Vì ngày của ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đến, ngày ấy đã gần: tức là ngày mờ mịt và tối tăm, ngày của mây và sương mù… ĐỨC GIÊ-HÔ-VA phán: Bây giờ cũng hãy hết lòng trở về cùng ta, kiêng ăn, khóc lóc và buồn rầu. Hãy xé lòng các ngươi, và đừng xé áo các ngươi. Khá trở lại cùng GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời các ngươi; vì Ngài là nhân từ và hay thương xót, chậm giận và giàu ơn, đổi ý về sự tai vạ. Ai biết được Ngài sẽ chẳng xây lòng đổi ý, chẳng để lại phước lành sau mình…” (Giôên 2.1-2a, 12-14a).
Anne rõ ràng là một phụ nữ tin kính, một phụ nữ vốn ý thức về tội lỗi của Ysơraên, một phụ nữ đang trông đợi về sự mau đến của Đấng Mêsi. Các chi tiết trong cuộc đời Anne không được cung ứng để làm thoả mãn tánh tò mò của chúng ta, nhưng là những đầu mối cho bổn tánh của bà. Tôi tin rằng Luca đã dự trù cho độc giả phải suy ra bổn tánh lạ thường của người đờn bà nầy bằng cách tra xem các chi tiết mà ông đã cung ứng cho. Là goá phụ trẻ, việc tự nhiên cho Anne phải làm là lấy chồng. Bà đã có nhiều cơ hội. Là một thành viên của chi phái Ase bị hư mất, đấy là một động cơ mạnh mẽ để lấy chồng và sanh con cái, một khi chi phái nầy sắp sửa nằm trong mối nguy hiểm bị tuyệt chủng. Phần đóng góp lớn lao nhất của bà về phái yếu, cũng như sự chu toàn của bà về phần phụ nữ, dường như chỉ là lấy chồng và sanh con. Tuy nhiên, bà đã ở độc thân, đã sống cuộc đời mình trong đền thờ, chỉ lo cầu nguyện và kiêng ăn mà thôi.
Simêôn đã được cảm thúc mà lên đền thờ; Anne thì luôn luôn ở trong đó. Vì vậy bà “đã thình lình” đến ngay bối cảnh Mary, Giôsép, con trẻ Jêsus và Simêôn, ngay lúc Simêôn đang làm chứng con trẻ là Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời. Bà cũng bắt đầu cảm tạ Đức Chúa Trời. Còn hơn cả sự cảm tạ, bà bắt đầu loan báo các tin tức tốt lành cho hết thảy những ai trông đợi sự cứu chuộc của thành Giêrusalem. Sự thật cho thấy rằng bà vốn được mọi người nhìn biết là nữ tiên tri rồi, khiến cho phần làm chứng của bà càng có tác động lớn lao hơn.
Ý nghĩa và sứ điệp của Simêôn và Anne
Luca đã có nhiều tình tiết mà ông đã ghi lại cho Cơ đốc nhân biết, tuy nhiên ông lại chọn sự dâng con trẻ Jêsus cùng những lời công bố của Simêôn và Anne. Mục đích của ông trong việc lồng câu chuyện nầy vào bản tường trình thiêng liêng là gì, đâu là những lý do buộc ông phải đưa các sự ấy vào trong Kinh Thánh? Sứ điệp của phân đoạn nầy cho các thánh đồ đời này là gì, và cũng cho chúng ta nữa? Chúng ta hãy xét qua mục đích của phân đoạn nầy. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách đưa ra vài lưu ý.
(1) Tình tiết diễn ra trong đền thờ. Lễ dâng Chúa Jêsus đã diễn ra bình thường tại đền thờ trong thành Giêrusalem, nhưng có ý nghĩa rất đặc biệt cho sự xuất hiện của Ngài tại đền thờ, cả thời điểm dâng con và lúc 12 tuổi. Các tiên tri trong Cựu ước đã nói về sự xuất hiện của Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời tại đền thờ:
“Nầy, ta sai sứ giả ta, người sẽ dọn đường trước mặt ta; và Chúa mà các ngươi tìm kiếm sẽ thình lình vào trong đền thờ Ngài, tức là thiên sứ của sự giao ước mà các ngươi trông mong. Nầy, Ngài đến, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (Malachi 3.1).
Lần viếng đầu tiên của Chúa Jêsus trong đền thờ tại thành Giêrusalem, như đã được ghi lại trong sách tin lành Giăng (Giăng 2.13-25), đã bắt đầu với sự tẩy sạch đền thờ, và với những lời quở trách mạnh mẽ, giống như một người vốn quen thuộc với những lời tiên tri trong Cựu ước về sự xuất hiện của Đấng Mêsi đã được trông đợi. Sự xuất hiện lần đầu tiên của Chúa Jêsus tại đền thờ, đã diễn ra ngay lúc dâng con trẻ là một sự cố rất quan trọng.
(2) Những lời lẽ của Simêôn và Anne đã hoàn toàn làm mờ nhạt nghi thức dâng con trẻ của Đấng Christ. Cơ hội cho sự xuất hiện của Chúa chúng ta tại đền thờ là lễ dâng con trẻ, nhưng chẳng có nói gì về nghi thức nầy hết. Chúng ta chẳng có một tường trình nào ở đây về nghi thức, chúng ta cũng không được cung ứng cho tên tuổi của vị tiên tri nào dính dáng với nghi thức cả. Chúng ta chỉ được kể lại về Simêôn và Anne, cùng những lời công bố của họ. Ấy không phải nghi thức, lễ dâng con trẻ của Chúa Jêsus là quan trọng đâu, mà những lời công bố của hai vị thánh đồ nầy mới là quan trọng nhất.
(3) Trong khi dự tính chủ yếu của Giôsép và Mary là chu toàn những đòi hỏi của luật pháp liên quan tới sự ra đời của Chúa Jêsus mà thôi (đối chiếu Luca 2.39), mục đích của phân đoạn là đưa ra hai lời công bố được sự cảm thúc thiêng liêng về lai lịch của con trẻ nầy là Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời. Điều cốt yếu trong những hành động của Simêôn và Anne là nhìn nhận con trẻ là Đấng Mêsi, là Đấng Chịu Xức Dầu của Đức Chúa Trời, là Sự Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời. Về mặt chức năng, những lời lẽ của Simêôn và Anne đã thông báo cho những người Do thái tin kính, những ai đang trông đợi Đấng Mêsi đến, là Ngài đã đến.
(4) Simêôn và Anne nổi bật lên vì đời sống tin kính của họ, và được mô tả là hàng môn đồ gương mẫu, là hạng người mà chúng ta phải bắt chước. Nói theo con người, Simêôn và Anne đã có ít người khen ngợi họ. Hiển nhiên là họ không phải là hạng người có địa vị và quyền thế. Họ không phải là “hạng người xuất sắc” trong thời đó. Theo ý kiến riêng của tôi là đối với nhiều viên chức trong đền thờ, Simêôn và Anne đều bị coi là lập dị, sự tin kính của họ chỉ là hư không mà thôi. Rốt lại, hạng người nầy không làm một điều chi có ích lợi cả, đặc biệt là Anne, bà đã có mặt ở đó mỗi ngày, nhưng chỉ trong giờ cầu nguyện mà thôi.
Tôi có khuynh hướng suy nghĩ rằng các viên chức tôn giáo đã nhìn vào hạng người như Anne với cái nhìn khinh thường. Bà luôn luôn có mặt ở đó, luôn luôn ở ngay bệ thờ. Và loại người siêu thuộc linh của bà có lẽ bị coi là đang tạo ra một môi trường thuộc linh. Sau hết, nếu bà than khóc và xưng ra mọi tội lỗi của Ysơraên, thì bà đang tát ngược sự xét đoán về phía các nhà lãnh đạo tôn giáo. Khi Anne là một goá phụ, và Chúa xét đoán các nhà lãnh đạo tôn giáo trong việc lấn lướt hạng người goá bụa (thí dụ như “nuốt nhà đờn bà goá”, Mathiơ 23.14), có thể Anne đã từng là nạn nhân của các nhà lãnh đạo tôn giáo mà bà đã từng giáp mặt hàng ngày.
Ứng dụng cho Cơ đốc nhân đương thời
Có nhiều cách trong đó bài học nầy và đặc biệt đời sống của Simêôn và Anne được đem ứng dụng cho đời sống Cơ đốc đương thời. Thứ nhất là một sự nhắc nhớ điều chi mới thực là vấn đề trong cuộc sống. Đối với Simêôn, công việc của ông không phải là điều quan trọng nhất, vì chúng ta không được thuật cho biết công việc trong đời sống của ông là công việc gì. Thậm chí không phải là “sự phục vụ Cơ đốc trọn thời gian”, mà một số người gọi đấy là công việc trong cuộc sống. Điều chi đã biệt riêng Simêôn ra đối với nhiều người khác, kể cả các nhà lãnh đạo tôn giáo tại đền thờ (không một ai trong số họ được nêu đích danh trong câu chuyện nầy), cho thấy ông là một nhân vật biết tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ông vâng theo Lời của Ngài, ông trông đợi Nước của Ngài, và Đức Thánh Linh đã chiếm ngự và dẫn dắt ông. Cái điều thực sự là vấn đề trong đời sống của Anne không phải là hôn nhân hay gia đình, mà là sự trung tín với Đức Chúa Trời. Những sinh hoạt dường như không thấy kết quả gì hết như kiêng ăn và cầu nguyện, hiện vẫn còn là việc rất quan trọng. Hội thánh đầu tiên rất tận tình đối với các sinh hoạt như thế (đối chiếu Công vụ các sứ đồ 2-4). Các vị sứ đồ đã lập sự cầu nguyện và rao giảng Lời của Đức Chúa Trời là ưu tiên một trong chức vụ của họ (đối chiếu Công vụ các sứ đồ 6.1-6).
Sự đến của Nước Đức Chúa Trời là một niềm hy vọng to lớn, một động lực lớn lao, một công tác quan trọng của hai vị thánh đồ nầy, và sự đến ấy cũng thuộc về chúng ta nữa. Chúa chúng ta đã dạy chúng ta rằng chúng ta nên cầu nguyện:
“Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời!” (Mathiơ 6.10).
Phierơ cũng viết như sau:
“Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào, trong khi chờ đợi trông mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu tán, các thể chất sẽ bị thiêu mà tan chảy đi!” (II Phierơ 3.11-12).
Và Giăng đã thêm vào:
“Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy. Ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch” (I Giăng 3.2-3).
Quyển sách cuối cùng trong Kinh Thánh là một bản tường trình ghi lại các biến cố sẽ xảy ra trong những ngày sau rốt, trong thời điểm đó Chúa sẽ hiện đến và thiết lập Nước đời đời của Ngài. Sự đến của Ngài đáng phải là vấn đề bận tâm trong đời sống của chúng ta. Anne nắm giữ các tiêu chuẩn rất cao của Đức Chúa Trời cho những người sống độc thân, cũng như nắm giữ được đặc ân và sự kêu gọi cao trọng cho đời sống độc thân. Chúng ta mau bước qua lời khích lệ của Phaolô trong I Côrinhtô 7 để xét qua đời sống độc thân, nhưng Anne là một bằng chứng sống cho sự đóng góp lớn lao mà con người có thể thực hiện, họ biết dâng đời sống mình cho Đức Chúa Trời. Không có gì phải ngạc nhiên, Phaolô có thể giáo huấn các Hội thánh phải ủng hộ tài chính cho giới phụ nữ đó (đối chiếu I Timôthê 5.3-10).
Nói như vậy không phải ai cũng bắt chước theo Anne đâu, vì như chúng ta biết Simêôn là một người đã lập gia đình, có lẽ là một người đã có vợ, ông cũng có một công ăn việc làm theo đời thường và vì thế có quan hệ nhiều với thế giới đời thường. Tuy nhiên, ưu điểm cao nhất của ông là kính mến và hầu việc Đức Chúa Trời, và với sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, ông đã có mặt ở đền thờ, ở đấy ông được ơn công nhận và xưng Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời.
Phân đoạn nầy tỏ ra chất lượng hảo hạng của đời sống Cơ đốc nhân, là người biết chắc mình sẽ chết, và đức tin của người đặt nơi Đức Chúa Trời là Đấng sẽ làm cho kẻ chết sống lại. Simêôn đã sẵn sàng, có lẽ rất nhiệt thành để qua đời, vì bấy giờ ông đã nhìn thấy Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời, ông đã sẵn sàng rời bỏ sự sống đời nầy lại sau lưng, với sự nhận biết mọi lời hứa của Đức Chúa Trời đều dành cho người sống và kẻ chết. Thật đáng buồn dường bao khi tuần lễ nầy nghe được những báo cáo mới của nhà truyền đạo nổi tiếng, ông nói rằng Đức Chúa Trời sẽ cất đi mạng sống ông nếu ông đem dâng 8 triệu đôla vào tháng ba nầy. Tại sao cứ nổ lực để sống còn quá điên rồ như vậy nếu đức tin của một người đem đặt nơi Đức Chúa Trời. Simêôn đã sẵn sàng chịu qua đời vì ông đã nhìn thấy Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời; chúng ta phải sẵn sàng đối diện với cái chết vì khi chúng ta dám đối diện như vậy chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài. Như chính Phaolô đã viết, ông trích dẫn Cựu ước, sự chết đã mất đi cái nọc của nó rồi (I Côrinhtô 15.55; Ôsê 13.14).
Quý vị sốt sắng muốn nhìn thấy Đấng Christ “mặt đối mặt” ra sao nào? Quý vị đối diện với sự chết không thể tránh được như thế nào? Có phải cuộc sống đang buộc quý vị vào mục đích đầy dẫy nhất không? Đối với Cơ đốc nhân, Đức Chúa Jêsus Christ là tiêu điểm chính trong cuộc sống, là nguyên tắc cai quản và là ưu tiên một trong cuộc sống. Nếu quý vị chưa tin cậy Ngài là Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời, tôi khuyên quý vị nên lưu ý sự làm chứng của Simêôn và Anne, và nên tin cậy Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời, là Đấng đã đến để cứu hết thảy những ai kêu cầu Ngài, và tin cậy Ngài là phương tiện cứu rỗi duy nhất của Đức Chúa Trời, bằng cách gánh lấy hình phạt của quý vị trên thập tự giá ở đồi Gôgôtha, và bằng cách sống lại từ kẻ chết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét