Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Luca 3.1-20: "GIĂNG – NGƯỜI LÀM PHÉP BÁPTÊM"



Phần giới thiệu
Tiếp cận với sứ điệp
Giăng, con người
Giăng Báptít – tiên tri cuối cùng trong các tiên tri của Cựu ước
Ý nghĩa sự rao giảng của Giăng cho dân Ysơraên
Ý nghĩa của Giăng và sứ điệp của ông cho Hôm Nay
BÀI 7
GIĂNG – NGƯỜI LÀM PHÉP BÁPTÊM
(Luca 3.1-20)
Phần giới thiệu
Bạn tôi – Brady Pamplin có một kinh nghiệm rất đặc biệt khi trưởng thành từ con của một trưởng công an tỉnh. Cha của anh là trưởng công an của Tỉnh Marlin trong nhiều năm trời, ông đã về hưu mới năm vừa qua. Chính trong thời điểm nầy Brady được người ta thuật lại cho biết một trường hợp đã xảy ra nhiều năm trời trước đó. Một nhà quý tộc ngồi trên chiếc xe lăn trong nhiều năm đã kể lại cho Brady nghe về lần đầu tiên ông ta gặp cha của anh. Có một gánh xiếc đến thành phố và ông đã đi xem. Ông đến quầy mua vé, nhưng khi ông tới gần cổng thì mới hay chiếc xe lăn của ông quá khổ không thể qua cửa vào được. Nhân viên gánh xiếc dường như chẳng có ai muốn làm gì để giúp ông cả. Trưởng công an Pamplin đến tận nơi ngay lúc nầy, và nắm bắt được tình huống đã mau mau đạp cánh cửa ngã xuống. Cánh cửa không được dựng lên lại nữa, và người ta vào xem xiếc từ năm nầy sang năm khác mà không cảm thấy gặp khó khăn gì.
Trưởng công an Pamplin, tôi e là một trong những vị công an sau cùng có lòng tốt mà tôi biết. Những câu chuyện kể về hạng người như vậy vẫn còn được kể đi kể lại, nhưng dường như ngày càng có ít viên chức giống như vậy. Tôi có khuynh hướng nghĩ tới Giăng Báptít là người thuộc loại nầy, một con người có một không hai, với những đức tính anh hùng, và là người sau cùng của một dòng dõi đang tan biến đi, không còn nữa – ấy là tiên tri trong thời Cựu ước.
Giăng Báptít không được giới thiệu với độc giả sách tin lành Luca vào thời điểm ông bắt đầu chức vụ công khai, giống như đã được giới thiệu trong các sách tin lành khác. Bốn chương đầu của sách tin lành Luca đan dệt các câu chuyện kể lại những lời tuyên bố về sự ra đời của cả Giăng và Chúa Jêsus, cùng với các sự cố thời thơ ấu có ý nghĩa. Vì thế, khi chúng ta đến với chức vụ của Giăng Báptít trong chương 3 chúng ta chỉ thấy Giăng nổi bật lên, như ông đã có trước đó, là người tiền khu của Đấng Mêsi. Câu chuyện của Luca thuộc loại giống như chương trình tin tức trước đây của Humtley-Brinkley. Máy thu hình và microphone liên tục xoay nhanh từ “Chet” đến “David”: “Giờ đây, David, tới phiên anh đấy”. trong trường hợp của chúng ta, đây là lúc phải quay trở lại với Giăng.
Các chức vụ của Giăng và Chúa Jêsus được đan dệt với nhau, nhưng các chức vụ ấy không giống hệt nhau được. Cả hai đều bắt đầu chức vụ của mình với lời công bố: “Hãy ăn năn, vì Nước thiên đàng đã đến gần” (Mathiơ 3.2; 4.17). Hết thảy người ta khi ấy (hay ít nhất là môn đồ của họ) đều chịu phép báptêm (Giăng 3.22…). Thực ra, ít nhất hai trong số môn đồ của Giăng đã trở thành môn đồ của Chúa chúng ta (Giăng 1.35-42). Và, dĩ nhiên, có nhiều người trong số họ đã được Giăng làm phép báptêm cho đã trở thành môn đồ của Chúa Jêsus (Giăng 10.40-42; đối chiếu Công vụ các sứ đồ 18.24 – 19.7).
Có nhiều điểm khác biệt giữa Giăng, chức vụ của ông cùng Chúa Jêsus, chức vụ và sứ điệp của Ngài. Gần như chẳng có ngoại lệ, chính Giăng là người đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa ông và Chúa Jêsus, cho thấy Chúa Jêsus cao tột hơn. Giăng rõ ràng đã phân biệt nguồn cội của họ, theo như Luca đã trình bày rất rõ ràng. Chúa Jêsus đã đến từ trên cao, trong khi Giăng ra từ dưới thấp. Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời, trong khi Giăng chỉ là một con người mà thôi.
Qua ngày sau ông nhìn thấy Chúa Jêsus đến cùng mình, và nói: “Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi. Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người đến sau ta, trổi hơn ta, vì người vốn trước ta” (Giăng 1.29-30; đối chiếu 3.31-36).
Chúa Jêsus là chàng rễ; Giăng là bạn của chàng rễ (Giăng 3.29). Trong khi cả hai đều làm phép báptêm, phép báptêm của Chúa Jêsus, Giăng đã xác nhận là lớn lao hơn (Mathiơ 3.11). Chúa Jêsus là Đấng Mêsi; Giăng là người tiền khu của Đấng Mêsi. Sứ điệp của Giăng nhấn mạnh tới sự phán xét hầu đến, trong khi Chúa Jêsus giảng về sự tha thứ và sự cứu rỗi. Tuy nhiên, “phần căng thẳng của phân đoạn Kinh Thánh” xuất hiện tại chỗ nầy, vì trong khi Giăng giảng về sự phán xét hầu đến, ông giảng như vậy vì mặc dù là Đấng Mêsi, Chúa Jêsus sẽ là Quan Án:
“nên Giăng cất tiếng nói cùng mọi người rằng: Phần ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; song có một Đấng quyền phép hơn ta sẽ đến, ta không đáng mở dây giày Ngài. Chính Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa. Tay Ngài sẽ cầm nia mà giê thật sạch sân lúa mình, và thâu lúa mì vào kho; nhưng đốt trấu trong lửa chẳng hề tắt” (Luca 3.16-17).
Phần mô tả của Giăng về chức vụ Chúa Jêsus ở đây dường như không hợp với lời lẽ của Chúa chúng ta, như đã được ghi lại trong sách tin lành Giăng:
“Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu” (Giăng 3.17).
“Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội nữa” (Giăng 8.11). “Các ngươi xét đoán theo xác thịt; ta thì không xét đoán người nào hết” (Giăng 8.15).
Tôi tin rằng mối căng thẳng nầy giữa chức vụ, sứ điệp của Giăng và chức vụ, sứ điệp của Chúa Jêsus không những là mối căng thẳng trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, mà còn là nguyên nhân của những điều Giăng nghi ngờ, như đã được tỏ ra trong việc ông sai môn đồ đến gặp Chúa Jêsus, để hỏi thăm xem Ngài có thực là Đấng Mêsi hay không!?! (đối chiếu Mathiơ 11.21-28; Luca 7.18-35). Giải pháp cho nan đề nầy sẽ cung cấp cho chúng ta chìa khoá để hiểu được mối quan hệ giữa các chức vụ và sứ điệp của cả Giăng và Chúa Jêsus.
Tiếp cận với sứ điệp
Sự tiếp cận của chúng ta với sứ điệp nầy sẽ nhắm trước tiên vào Giăng là con người, kế đó vào Giăng trong vai trò tiên tri sau cùng trong các tiên tri của Cựu ước, rồi kế tiếp xét qua chức vụ của ông quan hệ thế nào với Đấng Christ và tin lành của Tân ước. Chúng ta sẽ khám phá sâu hơn ý nghĩa của Giăng cùng chức vụ của ông như đã được ghi lại trong phân đoạn nầy của sách tin lành Luca. Sau cùng, chúng ta sẽ tìm cách khám phá mối liên quan của Giăng với đời sống của độc giả thời buổi hiện đại nầy. Phân đoạn Kinh Thánh có thể được phân chia như sau:
1./ Bối cảnh, các câu 1-2
2./ Sứ điệp của Giăng, các câu 3-6
3./ Ý nghĩa sứ điệp của Giăng, các câu 7.14
a. Giăng và Đấng Mêsi, các câu 15-17
b. Chức vụ của Giăng kết thúc, các câu 18-20
Giăng, con người
Tôi giả định rằng nếu tôi hỏi con tôi rằng chúng nghĩ gì về Giăng sau khi đọc phân đoạn Kinh Thánh trên, đáp ứng của chúng có thể nên được tóm gọn theo cách nầy: “Ông ta khiếm nhã, thô thiển, công tử bột!” Thật là dễ phân loại Giăng giống như hạng người bất bình thường, và chắc chắn dường như là không đáng ưa nữa. Tuy nhiên, cách phân loại nầy chẳng xem Giăng là một vị tiên tri, và cũng không thấy được các đức tính cao trọng và lạ lùng của con người đặc biệt nầy. Vậy nên, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách xem xét Giăng là một con người.
(1) Giăng là một con người của sự phân biệt. Qua điều nầy tôi muốn nói rằng Giăng là một con người rất đặc biệt, một người đứng ở bên ngoài đám đông. Điều nầy thực rất rõ ràng. Giăng là người thành Naxarét từ thuở sanh ra, và vì thế thức ăn của ông là loại thức ăn rất đặc biệt. Giăng cũng là một “con người hoang dã” nên mới ăn châu chấu và mật ong rừng, là thức ăn của người sống trong sa mạc. Giăng là một vị tiên tri, và vì vậy ông đã mặc áo xống theo cách ăn mặc của tiên tri Êli.
(2) Giăng là một nhà truyền đạo được lòng người và có quyền năng. Câu chuyện của Mác kể về sự khởi đầu chức vụ của Giăng đã nói rõ ràng chức vụ của Giăng ai cũng biết và được mọi người tìm đến:
“Cả xứ Giu-đê và hết thảy dân sự thành Giê-ru-sa-lem đều đến cùng người, xưng tội mình và chịu người làm phép báp tem dưới sông Giô-đanh” (Mác 1.5).
Mác cho chúng ta biết mặc dù Hêrốt rất thích nghe Giăng giảng, mặc dù sứ điệp của Giăng đã đánh mạnh vào mọi tội lỗi của ông ta (Mác 6.20; đối chiếu Luca 4.19). Giăng chỉ là “tiếng kêu trong đồng vắng”, nhưng nhiều người lại chịu nghe theo tiếng kêu nầy. Giăng là một nhân vật giống như E. F. Hutton (ít nhất là những quảng cáo thương mại trên TV muốn chúng ta tin theo): khi ông ta nói, thì nhiều người nghe theo.
Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng sự Giăng được lòng người giống như Chúa chúng ta cũng được lòng người, là một kết quả của các phép lạ mà Ngài đã làm ra ((đối chiếu Giăng 6.26). Tuy nhiên, Giăng muốn cho chúng ta biết một sự thật rất quan trọng:
“Có nhiều kẻ đến cùng Ngài, mà nói rằng: Giăng chưa làm một phép lạ nào, nhưng mọi điều Giăng đã nói về người nầy là thật” (Giăng 10.41).
Khi quý vị thôi không nghĩ tới điều đó, không có một trường hợp nào trong các sách tin lành kể cho chúng ta biết Giăng đã từng làm ra một phép lạ. Giăng không chữa lành, giống như Chúa chúng ta, như phân đoạn Kinh Thánh đang nói cho chúng ta biết. Những người đã chứng kiến chức vụ của Chúa Jêsus, ngay tại chỗ mà Giăng đã giảng đạo và làm phép báptêm trước kia, đều làm chứng rằng Giăng “chưa làm một phép lạ nào”. Điều nầy cho thấy rằng chỉ có sự giảng đạo của Giăng mới lôi cuốn nhiều đoàn dân đông như vậy. Ông đã trở thành nhà truyền đạo. Không nghi ngờ chi nữa bản chất Mêsi trong sứ điệp của ông đã gây ra sự phấn khích như thế. Chức vụ của Giăng dường như cung ứng hy vọng về sự đến của vương quốc, như đáng phải có (đối chiếu Luca 3.15-17).
Kinh Thánh chưa nói đủ khi cho rằng Giăng là một nhà truyền đạo có năng quyền. Có lẽ cần phải nói chính xác hơn: Giăng là một con người có quyền lực. Trong khi sự thật cho thấy rằng Hêrốt, là một nhà chính trị, rất sợ Giăng vì dân chúng đều nghĩ ông là một nhà tiên tri (Mathiơ 14.5). Hêrốt là một người theo tà giáo, rất sợ Giăng vì ông là một con người tin kính:
“Nhưng không thể giết, vì Hê-rốt sợ Giăng, biết là một người công bình và thánh. Vua vẫn gìn giữ người, khi nghe lời người rồi, lòng hằng bối rối, mà vua bằng lòng nghe” (Mác 6.20).
(3) Giăng là một con người có một cái nhìn rất sâu sắc vào bản chất tội lỗi của dân chúng và xã hội. Quý vị sẽ nghĩ rằng một người sinh sống trong vùng nông thôn hoang dã sẽ nắm bắt rất ít những gì đang diễn ra trong “thành phố lớn”. Chức vụ của Giăng tỏ ra ông rất lạc hậu với mọi điều đang diễn ra. Không những Giăng quở trách Hêrốt vì đã lấy vợ của người khác làm vợ của mình, ông cũng quở trách Hêrốt vì “các điều ác vua đã làm” (Luca 3.19). Giăng đã dám chỉ ngón tay mình vào tội lỗi đặc biệt định rõ đặc điểm của hạng người thu thuế, cũng như của hàng binh lính (Luca 3.12-14).
(4) Giăng là một con người ngay thẳng. Giăng đã sống theo những gì ông rao giảng và đã rao giảng mọi điều mà ông đã sống. Sứ điệp của ông không phải là một sứ điệp chỉ có “gãi tai” hàng thính giả, nhưng ông đã công bố ra sứ điệp ấy thật mạnh mẽ và rất thẳng thắn. Ông đã không lôi cuốn với những động lực theo đời nầy, ông cũng không ngần ngại chỉ ra mọi hàm ý của sứ điệp ăn năn mà ông đã rao giảng. Ông không có một kỳ nghỉ nào trên ngàn núi (chúng ta có thể giả định), cũng không có tài khoản kếch xù nào trong ngân hàng, trong khi chỉ lo bảo người khác phải chia sẻ cho người nghèo thiếu (đối chiếu Luca 3.11).
(5) Giăng là một con người của sự cầu nguyện. Tôi đã không suy nghĩ về Giăng như một con người cầu nguyện, nhưng tại sao không chứ!?! Nhiều lần tôi đã xem rao giảng và cầu nguyện là những điều ưu tiên một trong đời sống của chúng ta, đặc biệt những người đang ở trong các địa vị của hàng lãnh đạo (đối chiếu Công vụ các sứ đồ 6.1-6). Tôi thường nghe lại lời cầu xin của các môn đồ: “Chúa ơi, xin dạy chúng tôi cầu nguyện…” song đôi khi tôi lại nghe lời cầu xin nói ra sao cũng được. Các môn đồ của Chúa chúng ta, một số người trong họ là môn đồ trước đây của Giăng (Giăng 1), đã hỏi: “Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện y như Giăng đã dạy các môn đệ mình”. Giăng là một con người của sự cầu nguyện – một sự thật được các môn đồ của Chúa chúng ta lưu ý.
(6) Giăng là một con người của sự khiêm nhường. Sự khiêm nhường sâu sắc của Giăng trở thành bằng chứng đặc biệt trong một vài trường hợp. Lần đầu tiên là khi chức vụ của Giăng đã được hoan nghênh rộng rãi và đồng thời sự trông đợi Đấng Mêsi đã lên tới mức mãnh liệt. Hãy lưu ý đáp ứng của Giăng, như Luca đã ghi lại:
“Bởi dân chúng vẫn trông đợi, và ai nấy đều tự hỏi trong lòng nếu Giăng phải là Đấng Christ chăng, nên Giăng cất tiếng nói cùng mọi người rằng: Phần ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; song có một Đấng quyền phép hơn ta sẽ đến, ta không đáng mở dây giày Ngài. Chính Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa. Tay Ngài sẽ cầm nia mà giê thật sạch sân lúa mình, và thâu lúa mì vào kho; nhưng đốt trấu trong lửa chẳng hề tắt” (Luca 3.15-17).
Thật dễ cho Giăng khi muốn tránh trả lời thẳng ở đây, để cho dân chúng kết luận ông là Đấng Mêsi, chẳng cần phải xưng hô gì hết. Thật dễ cho Giăng kiếm được nhiều tiền bạc, khi lạm dụng vai trò hầu bênh vực cho cái tôi của mình. Nhưng Giăng mau mắn điều chỉnh lại các ý tuởng sai lầm của dân chúng, hướng sự chú ý và lòng tin kính của họ nhắm vào Đấng Mêsi, chớ không nhắm vào chính mình ông.
Trường hợp thứ hai mà sự hạ mình của Giăng rất hiển nhiên là sau sự xuất hiện của Chúa Jêsus, khi chức vụ công khai của Ngài bắt đầu. Ngay lập tức chức vụ của Ngài bắt đầu phủ bóng chức vụ của Giăng. Các môn đồ của Ngài làm phép báptêm nhiều hơn các môn đệ của Giăng, và chức vụ của Ngài lôi cuốn nhiều môn đồ hơn. Giăng có mặt đúng lúc nhất ở đây, như đã được ghi lại trong phần cuối của Giăng chương 3. Giăng quả là một người khổng lồ. Ông đã giàu ơn tiếp nhận vai trò mình và vui mừng trong sự thành công của Cứu Chúa. Quả thực, ông là một con người của sự khiêm nhường sâu sắc.
Là một con người, Giăng cung ứng cho chúng ta với một mẫu mực trong chức vụ. Cuộc đời của ông là bằng chứng cho sự thật mà Giăng đã hết lòng tin theo, ấy là: “Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống” (Giăng 3.30).
Giăng Bápptít – tiên tri cuối cùng trong các tiên tri của Cựu ước
Giăng là một tiên tri, chức vụ của ông bắt rễ từ trong Cựu ước. Trong chỗ thứ nhất, sự xuất hiện và chức vụ của Giăng đã được nói tiên tri trong Cựu ước:
“Có tiếng kêu rằng: Hãy mở đường trong đồng vắng cho ĐỨC GIÊ-HÔ-VA; hãy ban bằng đường cái trong đất hoang cho Đức Chúa Trời chúng ta! Mọi nơi sủng thấp sẽ được cao lên; mọi núi mọi gò sẽ bị hạ xuống; các nơi gập ghềnh sẽ làm cho bằng; các nơi dốc hãm sẽ làm thành đồng nội. Bấy giờ sự vinh hiển của ĐỨC GIÊ-HÔ-VA sẽ hiện ra, và mọi xác thịt đều sẽ xem thấy; vì miệng ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đã phán vậy” (Êsai 40.3-5).
“Vì nầy, ngày đến, cháy như lò lửa. Mọi kẻ kiêu ngạo, mọi kẻ làm sự gian ác sẽ như rơm cỏ; ĐỨC GIÊ-HÔ-VA vạn quân phán: Ngày ấy đến, thiêu đốt chúng nó, chẳng để lại cho chúng nó hoặc rễ hoặc nhành. Nhưng về phần các ngươi là kẻ kính sợ danh ta, thì mặt trời công bình sẽ mọc lên cho, trong cánh nó có sự chữa bịnh; các ngươi sẽ đi ra và nhảy nhót như bò tơ của chuồng. Các ngươi sẽ giày đạp những kẻ ác, vì trong ngày ta làm, chúng nó sẽ như là tro dưới bàn chơn các ngươi, ĐỨC GIÊ-HÔ-VA vạn quân phán vậy. Các ngươi khá nhớ lại luật pháp của đầy tớ ta là Môi-se, mà ta đã truyền cho nó tại Hô-rép, tức là những lề luật và mạng lịnh cho cả Y-sơ-ra-ên. Nầy, ta sẽ sai đấng tiên tri Ê-li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của ĐỨC GIÊ-HÔ-VA chưa đến. Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa sả mà đánh đất nầy” (Malachi 4.1-6).
Chúa chúng ta nói rõ với các môn đồ rằng Giăng là sự ứng nghiệm lời tiên tri của Malachi:
“Môn đồ hỏi Ngài rằng: Vậy thì sao các thầy thông giáo nói rằng Ê-li phải đến trước? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật Ê-li phải đến mà sửa lại mọi việc. Nhưng ta phán cùng các ngươi rằng: Ê-li đã đến rồi, và người ta không nhận biết, song họ lại xử với người theo ý muốn mình; Con người phải chịu khốn khổ bởi họ cũng như vậy. Môn đồ bèn hiểu rằng Ngài nói đó là nói về Giăng Báp-tít” (Mathiơ 17.10-13).
Giăng không chỉ làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Cựu ước, ông đã nói như một tiên tri thời Cựu ước. Sứ điệp của ông cũng chính là sứ điệp mà các tiên tri [khác] trong thời Cựu ước đã công bố. Chúng ta có thể tóm tắt ngắn gọn những điểm tương đồng giữa lời công bố của Giăng và lời công bố của các tiên tri khác, như một sự ví sánh các sứ điệp của họ (một nổ lực đáng giá) sẽ cho thấy sứ điệp và những phần họ nhấn mạnh đều như nhau.
Giăng đã nói tới sự đến của Nước Đức Chúa Trời (thí dụ Mathiơ 3.2), nhưng đúng hơn ông đã giảng về Nước ấy như một thời kỳ phước hạnh, ông đã giảng về sự phán xét, về “cơn thạnh nộ hầu đến” (đối chiếu Mathiơ 3.7). Trong một kiểu cách tương tự, Giôên đã nói trước sự đến của “ngày Đức Giêhôva”, cảnh cáo rằng đấy là thời điểm xét đoán dân Ysơraên, cũng như xét đoán cho các nước nữa (Giôên 1.15; 2.1-3…). Cũng có một lời hứa của ân điển và sự so sánh, dành cho những người biết ăn năn (Giôên 2.12…).
Giăng đã kêu gọi hàng thính giả của mình phải chia sẻ của cải vật chất cho những người đang có cần: “Người đáp rằng: Ai có hai áo, hãy lấy một cái cho người không có; và ai có đồ ăn cũng nên làm như vậy” (Luca 3.11).
Lời lẽ của ông rung lên tiếng chuông quen thuộc, vì đấy là mọi điều mà các vị tiên tri thời xưa đã kêu gọi dân Ysơraên phải lo làm:
“Sự kiêng ăn mà ta chọn lựa, há chẳng phải là bẻ những xiềng hung ác, mở những trói của ách, thả cho kẻ bị ức hiếp được tự do, bẻ gãy mọi ách, hay sao? Há chẳng phải là chia bánh cho kẻ đói, đem những kẻ nghèo khổ đã bị đuổi đi về nhà mình, khi thấy kẻ trần truồng thì mặc cho, và chớ hề trớ trinh những kẻ cốt nhục mình, hay sao? Bấy giờ sự sáng ngươi sẽ hừng lên như sự sáng ban mai, ngươi sẽ được chữa lành lập tức; sự công bình ngươi đi trước mặt ngươi, sự vinh hiển của ĐỨC GIÊ-HÔ-VA sẽ gìn giữ sau ngươi” (Êsai 58.6-8).
Giăng đã kêu gọi Ysơraên phải tỏ ra lòng thương xót với sự công bình thực tế.
“Người nói rằng: Đừng đòi chi ngoài số luật định. Quân lính cũng hỏi rằng: Còn chúng tôi phải làm gì? Người nói rằng: Đừng hà hiếp, đừng phỉnh gạt ai hết, nhưng hãy bằng lòng về lương hướng mình” (Luca 3.13-14).
Tiên tri Malachi giống như các tiên tri khác, kêu gọi thánh đồ Cựu ước phải làm tương tự:
“Ta sẽ đến gần các ngươi đặng làm sự đoán xét, và ta sẽ vội vàng làm chứng nghịch cùng những kẻ đồng bóng, tà dâm, những kẻ thề dối, những kẻ gạt tiền công của người làm thuê, hiếp đáp kẻ góa bụa và kẻ mồ côi, những kẻ làm hại người khách lạ, và những kẻ không kính sợ ta, ĐỨC GIÊ-HÔ-VA vạn quân phán vậy” (Malachi 3.5).
Giăng đã quở trách Hêrốt vì đã lấy vợ của em mình (đối chiếu Luca 3.19). Sứ điệp của ông có thể đã được rút ra từ phân đoạn nầy của Malachi:
“Các ngươi lại còn làm sự nầy: các ngươi lấy nước mắt, khóc lóc, than thở mà che lấp bàn thờ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, nên nỗi Ngài không nhìn đến của lễ nữa, và không vui lòng nhận lấy vật dân bởi tay các ngươi. Các ngươi lại nói rằng: Vì sao? Ấy là vì ĐỨC GIÊ-HÔ-VA làm chứng giữa ngươi và vợ ngươi lấy lúc tuổi trẻ, mà ngươi đãi nó cách phỉnh dối, dầu rằng nó là bạn ngươi và là vợ giao ước của ngươi. Vả, hơi sống của Đức Chúa Trời dầu có dư dật, chỉ làm nên một người mà thôi. Nhưng vì sao chỉ làm một người? Ay là vì tìm một dòng dõi thánh. Vậy các ngươi khá cẩn thận trong tâm thần mình; chớ đãi cách phỉnh dối với vợ mình lấy lúc tuổi trẻ. Vì GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán rằng ta ghét người nào bỏ vợ, và người nào lấy sự hung dữ che áo mình, ĐỨC GIÊ-HÔ-VA vạn quân phán vậy. Vậy hãy giữ trong tâm thần các ngươi, chớ đãi cách phỉnh dối” (Malachi 2.13-16).
Ý nghĩa sự rao giảng của Giăng cho dân Ysơraên
Sứ điệp của Giăng rất giống với sứ điệp của các tiên tri thời Cựu ước trong cùng một phương thức, và phương thức nầy rất quan trọng. Giăng và các tiên tri thời Cựu ước đều nói về tương lai, về Nước của Đức Chúa Trời, về Đấng Mêsi, và về “những việc hầu đến” theo hai cách khác nhau. Các vị tiên tri nói về sự đến của Đức Giêhôva như một thời điểm phán xét, và như thời điểm phước hạnh. Họ nói về Đấng Mêsi là Vua, Đấng sẽ tể trị trên ngai của Đavít, và là Người Tôi Tớ Chịu Thương Khó, Ngài sẽ chịu chết vì tội lỗi của thế gian. Và, quý vị sẽ nhớ lại, đây là cớ cho mối quan tâm và sự chịu khổ nơi phần của các vị tiên tri. Như Phierơ thuật lại cho chúng ta biết:
“Về sự cứu rỗi đó, các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét, và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em: nghĩa là tìm cho biết thời kỳ nào và thời kỳ cách nào mà Thánh Linh Đấng Christ ở trong lòng mình đã chỉ cho, là khi làm chứng trước về sự đau đớn của Đấng Christ và về sự vinh hiển sẽ theo sau” (I Phierơ 1.10-11).
Cũng một thể ấy, chức vụ của Giăng chứa hai lẽ đạo này, hai sứ điệp nầy. Một nói tới sự phán xét, còn cái kia nói tới ân điển và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Một là sự khích lệ khuyên phải giữ luật pháp của Đức Chúa Trời, còn cái kia là lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ cung ứng ơn cứu rỗi ngoài việc tuân giữ Luật pháp của con người. Một sứ điệp nói rằng Ysơraên phải dọn đường cho Chúa, sứ điệp kia nói rằng Chúa sẽ dọn đường cho con người. Vì thế, Chúa Jêsus phán: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14.6).
Khi Giăng nói về sự đến của Đấng Mêsi, đây là một trong hai ý nghĩa: một là quan án, Đấng sẽ đánh hạ kẻ ác rồi lập nên nước của Ngài (điều nầy hãy còn trong tương lai đối với chúng ta), hay “Người Tôi Tớ Chịu Thương Khó” sẽ chịu chết vì tội lỗi của thế gian. Chẳng bao lâu thì thấy rõ rằng Ysơraên không chịu ăn năn. Nhiều người trong số họ đã đến với Giăng để chịu phép báptêm mà chẳng bước xuống nước (Luca 7.29-30). Cho nên, nước của Đức Chúa Trời đã bị chối bỏ, cùng với Vua của Nước ấy! Hết thảy mọi điều nầy đều nằm trong sự ứng nghiệm các lời tiên tri – kêu gọi dân Ysơraên phải ăn năn và phải giữ luật pháp – là một thất bại, giống như mọi tiên tri khác đều thất bại (đối chiếu Mathiơ 23.29-39; Công vụ các sứ đồ 7.52). Chính với chức vụ của Giăng mà việc rao giảng luật pháp của Cựu ước đều bị đình chỉ: “Luật pháp và các lời tiên tri có đến đời Giăng mà thôi; từ đó tin lành của nước Đức Chúa Trời được truyền ra, và ai nấy dùng sức mạnh mà vào đó” (Luca 16.16).
Từ thời điểm nầy trở đi, chính giao ước mới là giao ước mà đặc biệt tiên tri Giêrêmi thời Cựu ước có nói tới (Giêrêmi 31.31-34). Cho nên, Đấng Mêsi phải hiện đến để chịu khổ trong chỗ của hàng tội nhân, bị loài người chối bỏ, và bị Đức Chúa Trời đánh đập.
Chính sự chuyển tiếp nầy, tôi tin đấy là nguồn gốc của sự Giăng nghi ngờ, như đã được ghi chép lại trong Mathiơ 11.21-28 và Luca 7.18-35. Giăng đang hy vọng Ysơraên sẽ ăn năn, giữ Luật pháp, và ơn phước được hứa cho trong Luật pháp sẽ giáng trên Ysơraên. Với việc bị bắt giam, Giăng bắt đầu nhìn thấy sự thất bại của giao ước cũ, và vì thế ông bắt đầu thắc mắc chức vụ của mình và chức vụ của Đấng Mêsi. Lẽ nào ông lại sai? Tại sao, chức vụ ông là một thất bại sao? Tôi tin quyết rằng câu trả lời mà Chúa chúng ta ban ra cho các đại biểu do Giăng sai đến cung ứng chiếc chìa khoá:
“Đoạn, Ngài đáp rằng: hãy về báo cho Giăng sự các ngươi đã thấy và đã nghe: KẺ ĐUI ĐƯỢC SÁNG, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, TIN LÀNH ĐÃ RAO GIẢNG CHO KẺ NGHÈO. Phước cho kẻ không vấp phạm vì cớ ta!” (Luca 7.22-23).
Theo ý kiến của tôi thì câu nầy có dụng ý hướng sự chú ý của Giăng vào mệnh đề thứ hai, nói tới sự đến của Đấng Mêsi – là Cứu Chúa của thế gian. Chức vụ của Chúa Jêsus không phải là chức vụ chuyên phán xét, đánh đổ kẻ thù của Ysơraên, mà là chức vụ cho người nghèo, người đau khổ. Chức vụ của Chúa Jêsus không phải là xét đoán, mà là ban ơn cứu rỗi. Giăng cần phải nhắm vào khía cạnh nầy của chức vụ Ngài, chớ đừng nhắm vào những điều sẽ hiển nhiên trong lần đến thứ hai của Ngài. Thực vậy, đây là chiều kích trong chức vụ của Chúa mà chính mình Giăng đã giới thiệu bằng câu: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1.29).
Chức vụ của Giăng đã bày tỏ ra, một lần đủ cả, phước hạnh của Ysơraên trong sự ứng nghiệm Giao ước với Ápraham, sẽ không bao giờ đạt được qua Giao ước với Môise, qua việc tuân giữ luật pháp của dân Ysơraên. Sự xưng công bình và phước hạnh chỉ đến bằng đức tin trong sự chịu khổ, sự chết, sự chuộc tội, sự sống lại của Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Jêsus Christ.
Chức vụ của Giăng sắp sửa kết thúc, một lần đủ cả, chương lịch sử của Ysơraên đối với Giao ước Môise, về việc tuân giữ luật pháp. Không một ai được cứu do tuân giữ luật pháp, và nước Đức Chúa Trời sẽ không được khai sinh vì tuân giữ luật pháp đâu. Ân điển phải thế chỗ cho luật pháp, sự thương khó của Đấng Mêsi sẽ cung ứng phương tiện cho sự tha thứ và tránh thoát cơn phán xét của Đức Chúa Trời. Chức vụ của Giăng có dụng ý chỉ ra vấn đề nầy, theo một phương thức dứt khoát và tối hậu. Giăng không những đã công bố, một lần sau cùng, một lời kêu gọi phải ăn năn và tuân giữ luật pháp, mà còn giới thiệu Đấng qua Ngài luật pháp sẽ được ứng nghiệm, và qua Ngài ơn cứu rỗi và sự tha thứ sẽ hình thành. Đúng là một đặc ân cho Giăng khi kết thúc một hệ thống tôn giáo, và để giới thiệu một tôn giáo khác.
Đối với độc giả của Luca, sứ điệp đã được chỉ ra. Luca đã viết cho khán giả đa số là dân Ngoại. Đặc biệt, Luca đã viết cho Thêôphilơ (1.3). Thắc mắc mà người dân Ngoại muốn được giải đáp là đây: “Làm sao Đấng Mêsi người Do thái, làm ứng nghiệm các lời tiên tri và lời hứa của người Do thái, lại đem ơn cứu rỗi cho dân Ngoại được?” Giải đáp của Luca, được ủng hộ bởi chức vụ của Giăng Báptít, là đây: “Hệ thống tuân giữ luật pháp của người Do thái đã thất bại. Luật pháp ấy không cứu được người Do thái, nó cũng không có quyền giải cứu quý vị. Cho nên, cả người Do thái và dân Ngoại phải được cứu theo cách khác – qua Đấng Christ”. Đây là giải đáp chính xác trong cương vị sứ đồ của Phierơ, mà Luca ghi lại trong sách Công vụ các sứ đồ.
“Vậy bây giờ, cớ sao anh em thử Đức Chúa Trời, gán cho môn đồ một cái ách mà tổ phụ chúng ta hoặc chính chúng ta cũng chưa từng mang nổi? Trái lại, chúng ta tin rằng nhờ ơn Đức Chúa Jêsus, chúng ta được cứu cũng như người ngoại vậy” (Công vụ các sứ đồ 15.10-11).
Mỉa mai thay, Phaolô thấy cần thiết phải nhắc cho Phierơ nhớ lại điều nầy khi ông thoả hiệp dưới áp lực đến từ người theo Do thái giáo và tự ông phân rẽ không ngồi ăn chung với Cơ đốc nhân dân Ngoại:
“Dầu vậy, đã biết rằng người ta được xưng công bình, chẳng phải bởi các việc luật pháp đâu, bèn là cậy đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ, nên chính chúng tôi đã tin Đức Chúa Jêsus Christ, để được xưng công bình bởi đức tin trong Đấng Christ, chớ chẳng bởi các việc luật pháp; vì chẳng có ai được xưng công bình bởi các việc luật pháp” (Galati 2.16).
Vậy thì, sự thất bại của người Do thái không giữ được luật pháp đã mở ra cánh cửa cho ân điển của Đức Chúa Trời cung ứng một phương thức tốt hơn, phương thức cứu rỗi bởi ân điển, qua đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ. Câu chuyện của Luca nói tới sự thất bại nơi chức vụ của Giăng đề ra bối cảnh cho ân điển của Đức Chúa Trời để cho mọi người đều nhìn biết qua sự đến lần đầu tiên, sự chết, sự chôn và sự sống lại của Đấng Christ.
Tin lành của Luca bày tỏ ra sự chối bỏ không nhận Chúa Jêsus là Vua của Ysơraên, và của Luật pháp, như Ngài đã dạy, vì thế sự quá độ từ Luật pháp sang ân điển, từ một tôn giáo “của người Do thái” sang một tôn giáo [Hội thánh] toàn cầu. Tôi sẽ nghiên cứu tóm tắt vấn đề nầy, vì bài học của chúng ta về sách Luca sẽ tỏ ra vấn đề đó trong nhiều chi tiết hơn. Trong chương 4 Chúa chúng ta đã tự giới thiệu Ngài là Đấng Mêsi của Ysơraên, lời giới thiệu nầy đã được hoan nghênh nồng nhiệt tức thì (Luca 4.22), cho tới khi Chúa Jêsus bộc lộ chức vụ Ngài còn ý nghĩa như thế nào – kể cả sự cứu rỗi cho dân Ngoại (Luca 4.23-27). Điều nầy đã kết quả trong sự bùng nổ giận dữ, và một nổ lực muốn giết Đấng Mêsi (Luca 4.28-29). Cho nên, trong chương 5 (các câu 33-39) Chúa chúng ta đã nói về việc không nên chứa “rượu mới” [chương trình của giao ước mới] trong bầu da cũ [chương trình của giao ước cũ]. Trong chương 7, chức vụ trong giao ước cũ của Giăng đã tỏ ra là “thấp kém” so với chức vụ trong giao ước mới (7.28). Khi tin lành ngày càng tấn tới, chức vụ trong giao ước mới của Chúa chúng ta càng được tỏ ra nhiều hơn, hoàn thành trong sự chết, sự chôn, và sự sống lại của Ngài, thiết lập nên giao ước ấy. Vì thế, câu chuyện của Luca trong sách Công vụ các sứ đồ bày tỏ sự ứng nghiệm lời hứa của Giăng rằng Chúa Jêsus sẽ làm một phép báptêm bằng Đức Thánh Linh. Hơn nữa, trong sách Công vụ các sứ đồ, đặc biệt ở trong chương 18 (Abôlô) và 19 (12 người đã nhận lãnh phép báptêm của Giăng), chúng ta thấy rằng sự chết hy sinh của Đấng Christ đã được lập ra vì ích cho loài người, việc tiếp nhận tin lành của Giăng vẫn chưa đủ. Tin lành của Giăng đã lượng trước theo cách hay nhất mọi điều Đấng Christ sẽ thực hiện, là “Chiên Con của Đức Chúa Trời”. Sau khi Đấng Christ thăng thiên về trời, con người mới được kêu gọi tin tưởng nơi Đấng Christ là Đấng đã đến, và tiếp nhận phép báptêm của Ngài.
Câu chuyện của Luca là độc nhất vô nhị giữa các sách tin lành khác trong nhiều cách thức. Ý nghĩa chức vụ của Giăng theo câu chuyện của Luca sẽ ở một cấp độ nào đó, được rõ ràng bởi các đặc điểm trong bản tường trình của ông. Ba phần đóng góp nầy chúng ta sẽ nhận ra khi đem so sánh câu chuyện của Luca nói về Giăng với các trước giả tin lành khác:
(1) Thứ nhất, chỉ có Luca đề ra chức vụ của Giăng về mặt tôn giáo và chính trị. Hai câu đầu tiên của Luca cung ứng cho chúng ta những nhân vật chính trị và tôn giáo quan trọng trong thời đó. Có lẽ Luca đang đưa ra cho độc giả thấy mặc khải của Đức Chúa Trời không phải qua cấp lãnh đạo về chính trị hay qua cấp lãnh đạo về tôn giáo, mà qua một con người khiêm nhường, sống trong vùng hoang dã, là Giăng. Quyền phép của Đức Chúa Trời không được tỏ ra qua những kẻ môi giới “quyền lực” trong thời buổi ấy. Quyền phép của Đức Chúa Trời hoàn toàn khác biệt với quyền lực của con người. Giăng, mặc dù là một con người cô độc, lại là một con người có quyền lực, không phải vì địa vị của ông đâu, mà vì sứ điệp của ông, và vì sự kêu gọi thiêng liêng của ông. Ở đây, có lẽ, là loại “phân biệt của Hội thánh và nhà nước” mà Đức Chúa Trời đang thể hiện. Sự thật cho thấy rằng số người nầy được kể tên ra không phải là một phần của mặc khải về Đấng Mêsi cũng có thể là một sự gợi nhớ về tình trạng nô lệ của Ysơraên, và về tình trạng tội lỗi của các nhà lãnh đạo tôn giáo, tỏ ra nhu cần không những về sự ăn năn, mà còn về sự giải cứu thiêng liêng nữa.
(2) Thứ hai, Luca hướng sự chú ý của chúng ta vào đoàn dân đông, không hướng vào cấp lãnh đạo tôn giáo cũng không hướng vào hàng ngũ lãnh đạo xứ sở. Trong khi hai câu đầu nhắm vào cấp lãnh đạo “đời nầy” của Ysơraên (kể cả cấp lãnh đạo tôn giáo vô tín), những câu còn lại làm nổi bật sứ điệp của Giăng cho đoàn dân đông. chính “đoàn dân” và “dân chúng” (các câu 7, 10, 15) mà Giăng đã rao giảng một cách đặc biệt cho họ, chỉ ra những tội lỗi đặc biệt mà họ đã phạm phải. Và, quý vị sẽ thấy (Luca 7.29-30), chính từ nhóm người nầy mới có số đông các môn đồ của Giăng. Phần nhấn mạnh của Luca về tin lành cho người nghèo và cho người bị áp bức được thấy rõ ràng ở đây.
(3) Thứ ba, chúng ta thấy câu chuyện của Luca cung ứng phần nhấn mạnh rất đặc biệt vào mối quan hệ mật thiết của tin lành về tiền bạc và vật chất. Khi nói chuyện với đoàn dân đông, kể cả binh lính và người thu thuế, Luca cho chúng ta biết Giăng đã chỉ rõ cách sử dụng thích đáng về tiền bạc và quyền thế. Cho nên chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy tin lành của Luca chứa nhiều thí dụ mang đề tài về tiền bạc. Tin lành sẽ trực tiếp chỉ đạo cách sử dụng của cải vật chất của chúng ta.
Ý nghĩa của Giăng và sứ điệp của ông cho Hôm Nay
Vì Giăng là “tiên tri cuối cùng trong số các tiên tri của Cựu ước”, cuộc sống và chức vụ của ông nói rất ít về những người Mỹ thuộc thế kỷ 20. Cả con người cùng chức vụ tiên tri của ông, Giăng nói rất nhiều với chúng ta ngày nay. Khi chúng ta kết luận sứ điệp nầy, chúng ta hãy tìm cách nghiên cứu một số vấn đề phân đoạn nầy có liên hệ với chúng ta.
(1) Chúng ta phải học hỏi nhiều từ tấm gương và cung cách sống của Giăng Báptít. Sự thúc giục đã tạo ra mô hình mẫu “con người lập dị” với bộ râu mang tấm biển: “Ăn năn hay bị hư mất”. Không nghi ngờ chi nữa Giăng Báptít vốn bị coi là một con người y như thế. Tuy nhiên Giăng, là một nhân vật mẫu mực trong nhiều phương diện. Giăng là một người biết mình là ai và vì thế đã đầu phục và tôn cao chức vụ và nhân cách của Đấng Mêsi, trong khi cùng một lúc ấy làm giảm bớt vai trò của chính mình. Ông là một con người dám tạo ra sự khác biệt, đứng một mình và riêng ra. Ông là một con người không bị một tội lỗi nào đặc thù trong thời của ông bắt phục. Để nói một cách dạn dĩ giống như ông, đời sống của ông đã được kiểm soát thật kỹ lưỡng chống lại bất kỳ một sự ló dạng nào của điều ác. Ở đây ông là một con người mà đời sống và lời nói cả thảy đều có quyền lực.
(2) Chúng ta cũng có thể học hỏi nhiều từ chức vụ của Giăng. Trong khi chức vụ và sứ điệp của Giăng sắp sửa bị thay thế, có nhiều điều chúng ta cần phải tiếp thu từ chúng. Thí dụ, chúng ta có thể học hỏi từ sự dạn dĩ của Giăng trong việc rao giảing sứ điệp của ông. Ông không ngần ngại gọi tội lỗi là tội lỗi, hay cảnh cáo dân chúng về sự phán xét của Đức Chúa Trời. Đối với những ai trong chúng ta có khuynh hướng trở thành hạng Cơ đốc nhân “yếu đuối” (tôi kể luôn mình ở đây), là người dè dặt khi nói với người ta họ là tội nhân, là người khựng lại khi làm chứng với người ta có một địa ngục dành cho hết thảy những ai không chịu tin cậy Đấng Christ, sự dạn dĩ của Giăng sẽ đóng vai trò như một lời quở trách. Và hãy lưu ý rằng chính sự dạn dĩ của ông trong việc rao giảng Lời của Đức Chúa Trời đã làm nâng cao quyền lực sứ điệp của ông. Tin lành là, như Phaolô đã nói: “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rôma 1.16). Vì thế chúng ta hãy rao giảng tin lành một cách dạn dĩ.
Tôi muốn nói thêm rằng sự dạn dĩ và thành thật của Giăng không phải là một hành vi thù nghịch chống lại xã hội đâu. Có một Cơ đốc nhân hay có tánh giận người ta, họ đang tìm kiếm một lỗi lầm để tấn công người khác và để làm cho hả giận mà thôi. Đời sống và chức vụ của Giăng không nhất trí với loại ứng xử nầy. Những điều Giăng đã làm và đã thực hiện xuất phát từ tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời và cho con người (quý vị sẽ nhớ ra, đó là thực chất của luật pháp, đối chiếu Mathiơ 2.37-39). Chúng ta hãy dạn dĩ đối diện với con người, với tội lỗi của họ, với sự phán xét của Đức Chúa Trời và với sự ban hiến ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Đúng là các lẽ thật nầy, với chúng Đức Thánh Linh sẽ thuyết phục con người (Giăng 16.8).
Chức vụ của Giăng đã khiến cho tội lỗi và sự cứu rỗi thành ra rất cá thể. Tôi thường nghe người ta nói: “Mối thông công của tôi với Đức Chúa Trời là một việc rất cá nhân”. Về một phương diện, họ hoàn toàn đúng, nhưng nói chung thì đây là một lầm lỗi, không nên nói với ai về niềm tin của họ. Giăng đã biến tội lỗi thành ra cá thể do đối diện với con người với những thứ tội lỗi mà họ đã phạm. Hêrốt phải giáp mặt với tội lỗi của ông ta, cũng như đoàn dân đông, binh lính, và người thu thuế. Sự cứu rỗi cũng rất cá thể. Mỗi người phải ăn năn tội lỗi mình và xây khỏi những lối ác. Mỗi người cần phải đoạn tuyệt bất kỳ một nền tảng giả dối nào về sự cứu rỗi (thí dụ, “chúng tôi là con cháu Ápraham”, Luca 3.8). Mỗi người được kêu gọi phải thực hiện sự đầu phục phải lẽ với sự công bình và một sự tan vỡ rõ ràng đối với tội lỗi.
Ngoài việc có kinh nghiệm riêng, Giăng cũng đòi hỏi một kinh nghiệm công khai. Sự rao giảng của Giăng là một sự rao giảng công khai, khi ông vạch trần tội lỗi. Phép báptêm về sự ăn năn để được tha tội tương tự là một phép báptêm công khai. Phép báptêm của Giăng phải đi kèm với nó là một sự thay đổi trong đời sống của con người biết ăn năn, là bằng chứng công khai cho nhiều người khác, hầu cho mọi tội lỗi trong quá khứ sẽ bị ném bỏ ở sau lưng.
Nầy bạn tôi ơi, bạn đang nhìn biết hết thảy các sự kiện quan trọng, về tội lỗi, về sự phán xét hiện tại và hầu đến của Đức Chúa Trời, và về sự công bình của Đấng Christ và ơn cưu rỗi mà Ngài đã sắm sẵn hết thảy cho con loài người. Và cũng có thể là bạn chưa bao giờ thực hiện một sự đầu phục cá nhân, công khai đối với Đấng Christ. Nếu chưa, tôi khuyên bạn, giống như Giăng đã thúc giục mấy người nam và nữ kia từ ngàn xưa, phải chiếm lấy một chỗ đứng công khai, nhìn nhận tội lỗi, rồi bày tỏ đức tin mình nơi Đấng Christ làm Cứu Chúa của bạn. Không một người nào được cứu do tu hành, do kế tự, hay do tri thức, mà do một sự đầu phục cá nhân, một sự tự phó thác cá nhân và tương lai đời đời của bạn vào trong tay của Đức Chúa Jêsus Christ, Ngài đã chịu chết vì tội lỗi của bạn, sự công bình của Ngài sẽ trở thành sự công bình của bạn. Hãy đầu phục Chúa ngay hôm nay!
Thật là một chức vụ gương mẫu tuyệt vời mà chúng ta đang nhìn thấy nơi Giăng. Ông rất thoả lòng, “ông vui mừng trọn vẹn” (Giăng 3.29) khi được đóng một vai trò trong việc xây người ta theo Đấng Christ chớ không theo mình. Ông rất vui mừng khi thấy chức vụ mình kết thúc và chức vụ của Đấng Christ mở ra. Ông sẵn lòng trở thành một công cụ, và rồi chịu để cho chức vụ mình qua đi. Thật ít vị Mục sư ngày nay sẽ vui mừng mà chịu chết, khi đã chu tất vai trò của họ.
Trong khi Giăng và chức vụ của ông, theo một phuơng diện, là lịch sử, nguyện chúng ta tìm cách ganh đua với tinh thần và động lực của vị thánh đồ cao trọng xa xưa nầy, và nguyện mọi chức vụ của chúng ta sẽ noi theo gương của ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét