Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Luca 2.39-52: "NGÀY CHÚA JÊSUS VẮNG MẶT KHÔNG PHÉP"



Phần giới thiệu.
Sự biến mất, sự khám phá, và sự công bố của Chúa Jêsus (2.39-52).
Câu chuyện nầy có ý muốn nói ra điều gì?
Mục đích của sứ điệp
Phần ứng dụng
BÀI 6
NGÀY CHÚA JÊSUS VẮNG MẶT KHÔNG PHÉP
(Luca 2.39-52)
Phần giới thiệu
Mùa hè lại đến và chúng tôi hướng về miền Tây Bắc, chúng tôi đến thăm viếng gia đình và bạn hữu ở đây. Đây là một chuyến đi dài, đặc biệt với năm cô gái, và cần phải có nhiều sự chuẩn bị lắm. Như thường lệ, chúng tôi lo sửa soạn đến cả đêm, rồi đến sáng sớm hôm sau, sau cùng chúng tôi đã chất mọi thứ vào xe hơi khoảng 4 giờ sáng. Mấy đứa nhỏ đều ngủ ở băng sau xe khi chúng tôi khởi sự lên đường. Vợ tôi đề nghị rằng chúng tôi nên “trực chỉ” khi ra đi. Chắc chắn là chúng tôi sẽ đi con đường ngắn nhất. Trên chuyến về nhà, một trong mấy đứa trẻ đã bò ra khỏi xe không bị phát hiện và trở lại giường mình mà nằm ngủ. Sự thể nầy làm cho chúng tôi phải mất mấy tiếng đồng hồ trên đường trước khi phát hiện ra sự cố.
Tôi tưởng tượng đa số quý vị có thể gặp phải cùng một vấn đề tương tự, về sự một đứa con hay một thành viên trong gia đình bị để lại ở phía sau, giống như ở câu chuyện nầy vậy. Vì lẽ ấy chúng ta hay có khuynh hướng nhìn vào câu chuyện nói tới sự vắng mặt của Chúa chúng ta tách rời khỏi gia đình trong đoàn người lữ hành ấy giống như một kiểu “tai vạ”, là hình thức mà nhiều gia đình nói về những năm tháng hầu đến vậy.
Câu chuyện nói tới sự vắng mặt Chúa Jêsus là một câu chuyện rất khác biệt trong nhiều phương diện. Thứ nhất, chúng ta hãy nhớ rằng đây là một trường hợp rất cảm động, ghi lại trong Kinh Thánh về những năm thiếu thời của Chúa chúng ta. Mathiơ ghi lại trường hợp mấy thầy bác sĩ đến thăm viếng cùng nổ lực của vua Hêrốt muốn giết con trẻ Jêsus, và cuộc trốn tránh sang Aicập, nhưng ở Luca 2 câu chuyện thuật lại những năm tháng thiếu thời của Chúa chúng ta có khác hơn trường hợp lên đền thờ lúc Chúa chúng ta được 12 tuổi, trong khi chẳng có sách nào khác ghi lại về những năm tháng thiếu thời của Chúa Jêsus. Có thể là Luca cảm thấy câu chuyện nầy thực rất quan trọng, là trường hợp duy nhất thời niên thiếu đã được ghi lại trong tin lành của ông.
Thứ hai, trong câu chuyện nầy có ghi lại những lời nói đầu tiên của Chúa Jêsus. Tất nhiên là chẳng có một lời nào ghi lại từ lúc ra đời và ấu thơ của Đấng Christ hết. Phần nhiều những câu nói của Chúa chúng ta đã được ghi lại từ chức vụ về sau của Ngài. Nhưng những câu nói của Chúa chúng ta trong phân đoạn Kinh Thánh nầy là những câu nói đầu tiên của Ngài đã được ghi lại, và chúng quả thực là những lời nói rất quan trọng.
Thứ ba, đây là lần sau cùng Giôsép được nhắc tới trong đời sống của Chúa chúng ta. Thường thì người ta cho rằng Giôsép đã qua đời sau trường hợp nầy, trước khi Chúa chúng ta bắt đầu chức vụ công khai của Ngài. Cũng có thể lần nhắc tới Giôsép sau cùng nầy chính là đầu mối cho tầm quan trọng của phân đoạn Kinh Thánh, và của trường hợp đã được ghi lại.
Sau cùng, theo lý trí của cha mẹ đời nầy của Ngài, Mary và Giôsép, mọi hành động của Chúa chúng ta tỏ ra là sai lầm. Mấy câu nói của Mary và Giôsép rõ ràng muốn ám chỉ một sự thừa nhận việc làm sai trái của Ngài, và vì thế được xét rõ ràng là quở trách, song lại rất nhẹ nhàng. Nếu con trẻ nầy là một ai khác hơn Chúa Jêsus, chúng ta hết thảy đều sẽ đồng ý rằng Ngài sai lầm ngay. Vậy thì, điều chi đã làm cho mọi hành động của Chúa Jêsus ra đúng, một khi những đứa trẻ 12 tuổi khác không có?
“Mối căng thẳng của phân đoạn Kinh Thánh” (mối căng thẳng nầy được rút ra từ các chi tiết của phân đoạn Kinh Thánh, và nó chứng minh đấy là chìa khoá cho sự lý giải) sẽ được thấy ở đây. Trong khi chúng ta nhìn nhận rằng Chúa Jêsus không có tội lỗi, mọi hành động của Ngài ở đây không phải là sai lầm sao, trong khi cha mẹ Ngài đã xem là sai lầm? Tại sao mọi hành động của Chúa Jêsus đối với Ngài không phải là sai lầm, khi chúng là sai đối với bất kỳ một cậu bé Do thái nào khác (hay dân Ngoại về vấn đề nầy)?
Tôi phải nói cho quý vị biết đây là một trong những bài học “gút mắc” nhất đấy. Khi tôi còn nhỏ, chúng tôi có một con chó thuộc giống Ê-cốt. Không giống như thứ chó có đầu to và khoẻ đâu, là loài chó chuyên chạy tới, nhìn thẳng mắt quý vị, rồi cắn quý vị ngay, chó Ê-cốt của chúng tôi thường nép mình phía sau quý vị, rất bình tĩnh, rồi thình lình quý vị sẽ cảm nhận hai hàm răng của nó tiếp xúc với chỗ kín đáo nhất của quý vị. Câu chuyện nầy cũng giống như thế đấy. Lúc đầu thì câu chuyện dường như có một va chạm ít thôi. Tuy nhiên, câu chuyện đã đưa ra một số vấn đề quan trọng về Chúa Jêsus, nhưng lại có ít phần ứng dụng cho chúng ta. Hãy coi chừng đấy! Phần bài học nầy không bao lâu sẽ có tác động lớn trên quý vị, và nó dạy một bài rất quan trọng, với những ngụ ý to lớn.
Sự biến mất, sự khám phá, và sự công bố của Chúa Jêsus (2.39-52)
Câu chuyện thực ra rất đơn giản. Cha mẹ của Chúa chúng ta đã đi lên thành Giêrusalem để giữ Lễ Vượt Qua, đúng như họ đã từng giữ mỗi năm vậy (2.41-42). Câu chuyện không nói rõ ràng, nhưng tôi lại có ấn tượng rằng Chúa Jêsus đã được đem theo đi cùng suốt những năm tháng thiếu thời của Ngài. Lần nầy, Ngài đã được 12 tuổi. Nương theo phần nghiên cứu cho thấy, ở độ tuổi 12 hay 13 đứa trẻ Do thái đã được lập làm “đứa con của luật pháp” rồi (theo các kinh văn Do thái). Những khách hành hương phải thực hiện hành trình đến thành Giêrusalem rồi trở về thường đi chung với nhau thành những đoàn lữ hành. Vì thế, gia đình, bạn hữu, cùng những người quen biết khác đến từ thành Naxarét và khu vực xung quanh dường như hình thành một đoàn lữ hành như thế. Kỳ lễ đã kết thúc, đoàn lữ hành bắt đầu cuộc di hành trở về nhà, và giữa vòng họ là Mary và Giôsép (có lẽ với con cái của họ nữa), nhưng không có Chúa Jêsus ở đấy.
Chúa Jêsus chưa bị khám phá là vắng mặt ngay lập tức đâu. Có lẽ vì một số lý do nào đó. Thứ nhất, Chúa Jêsus là một đứa trẻ đáng tin cậy tuyệt đối. Là Con của Đức Chúa Trời, Ngài vốn không có tội lỗi, và vì thế cha mẹ Ngài không có sự bận tâm như các bậc phụ huynh khác có. Nhiều người đờn ông và đờn bà cũng đã di hành từng nhóm riêng. Theo như chúng ta biết thì phụ nữ và trẻ con thường đi ở đàng trước, với những tốp đờn ông đi bọc hậu phía sau. Vì thế mỗi người làm cha làm mẹ đều giả định rằng Chúa Jêsus có mặt với cha hay với mẹ của mình. Hiển nhiên là sự thiếu vắng Chúa Jêsus đã được lưu ý rồi, và sau khi tìm kiếm giữa vòng đoàn người lữ hành và hoàn toàn thấy không có Ngài, Mary và Giôsép mới trở lại thành Giêrusalem, làm mất đi một ngày đường nữa.
Trong ba ngày họ đã đi tìm con trẻ Jêsus. Có những người nghĩ rằng ba ngày tìm kiếm phải kể cả thời gian có cần để tìm Ngài trong đoàn lữ hành, cũng như thời gian quay trở lại thành Giêrusalem. Tôi có khuynh hướng đọc sách Luca theo một cuộc tìm kiếm ba ngày đã diễn ra rồi vậy, bắt đầu từ thời điểm họ vào lại thành Giêrusalem. Đây là một cuộc tìm kiếm lâu dài, sôi nổi lắm, nó sẽ dẫn tới một sự quan tâm và sửng sốt ngày càng tăng, cũng như sự thất bại càng thêm lên, dường như rất rõ ràng trong phản ứng đầu tiên của cha mẹ đối với Chúa Jêsus, khi tìm gặp Ngài rồi.
Sau cùng, như là một phương án cuối cùng, cha mẹ đã tìm gặp Chúa Jêsus trong đền thờ. Và Ngài đang có mặt ở đó, ngồi giữa mấy thầy thông giáo, bận rộn lắm trong sự đối đáp. Vai trò của Ngài chủ yếu là một người đến nghe và học, Ngài đã đưa ra nhiều câu hỏi rất sắc sảo và thích đáng. Rõ ràng là Ngài cũng đưa ra một số đáp ứng, vì những người có mặt quanh đó đều lấy làm lạ về sự đối đáp của Ngài.
Quý vị hãy tưởng tượng xem về một người trong cha mẹ của Chúa Jêsus ngay thời điểm nầy. Phải tỏ ra thành thật nhất đấy. Hãy tưởng tượng về mối lo ngày càng tăng theo thời gian trôi qua, và khi con trẻ chưa tìm được. Hãy xem lại những nỗi lo sợ đang tăng cao khi quý vị nhớ lại tình trạng đáng tin cậy tuyệt đối với nơi Chúa Jêsus và nơi sự khôn ngoan của Ngài. Và rồi quý vị tìm gặp Ngài, dường như quá thoải mái trước mọi căng thẳng mà Ngài đã gây ra, đang tranh luận về thần học (có lẽ như Ngài đã thường làm ở Naxarét vậy) trong đền thờ. Bây giờ, giữa tình trạng đó, quý vị sẽ nổi giận với Ngài, giống như tôi đã từng nổi giận vậy.
Mọi lo toan, căng thẳng do sự vắng mặt Chúa Jêsus gây ra giờ đây trở lại, tin chắc là với sự thất vọng và giận dữ lắm. Mẹ Ngài đang gắt gỏng với Ngài, có lẽ nhẹ nhàng thôi (trước mặt mấy thầy thông giáo, họ đang quan sát), nhưng trong lời nói của bà có ý quở trách. Ngay lúc nầy, Mary đã hoàn toàn quên rằng Chúa Jêsus là một đứa trẻ hoàn toàn khác biệt với bất kỳ một đứa trẻ nào khác. Mọi sự kỳ lạ mà bà đã nói ra và đã nhìn thấy, những điều bà đã “ghi ở trong lòng” có lẽ là những điều đã bị sự thất vọng phủ lấp nhất thời mà thôi. “Hỡi con, sao con làm cho hai ta thể nầy?”. Dường như là cốt lõi trong lời đầu tiên của bà: “Nầy cha và mẹ đã khó nhọc lắm mà tìm con”.
Người ta có thể trông mong đứa trẻ sẽ nhìn xuống, bị cắn rứt bởi lời quở trách, bởi sự dại dột và thiếu suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp, vì đáp ứng của Chúa Jêsus đã chuyển đổi tiêu điểm từ sai lầm của Ngài trở thành sai lầm của họ. Trong phần đáp ứng lại lời quở trách của mẹ Ngài, có một lời quở trách nhẹ nhàng trong câu hỏi của chính Ngài: “Cha mẹ kiếm tôi làm chi?” Dường như Ngài muốn hỏi: “Bộ cha mẹ không biết chỗ phải tìm gặp con sao?” Và có lẽ rất sâu sắc trong câu đáp với lời nói của Mary ám chỉ Giôsép là cha của Ngài, Chúa Jêsus đã nói rằng Ngài đã ở trong nhà Cha của Ngài, đúng là nơi mà Đức Chúa Con sẽ ở.
Không có một sự phân giải nào, lý do cho thấy là cả Mary và Giôsép thực sự đều không nắm bắt được những gì đang diễn ra, cũng không nắm bắt được những gì Con “của họ”, là Chúa chúng ta đã nói ra. Sự việc kết thúc với Mary (cùng với Giôsép) một lần nữa đã bối rối với mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời bà có liên quan tới con trẻ nầy. Mọi sự bà có thể làm là đặt những việc nầy cùng với những việc khác mà bà đã kinh nghiệm, chờ đợi cho tới ngày nào ý nghĩa của mọi sự nầy sẽ tỏ ra rõ ràng. Nếu ký ức về các biến cố kín nhiệm trong sự giáng sinh của Chúa Jêsus bắt đầu làm cho lý trí của Mary và Giôsép phải bị che mờ đi, sự việc nầy một lần nữa đưa chúng hồi trở lại trong lý trí của họ.
Vấn đề qua mau như sự việc đã xảy ra. Chúa Jêsus liền đi với họ, trở về lại lại thành Naxarét, cùng sống chung với họ, và trong sự đầu phục thẩm quyền của họ. Tuy nhiên, mọi việc không hoàn toàn như thế, tôi nghĩ vậy. Chúa Jêsus cứ tiếp tục lớn lên, về thuộc thể, về thuộc linh, và về xã hội. Nhiều năm trời trôi qua cho tới khi chức vụ công khai của Chúa Jêsus bắt đầu, nhưng trong suốt khoảng thời gian nầy Chúa Jêsus vẫn cứ tiếp tục tấn tới, đang được sửa soạn cho ngày xuất hiện công khai của Ngài là Đấng Mêsi của Ysơraên. Ý thức về mục đích và sự kêu gọi của Ngài hướng tới sự định trước nầy có thể thấy được, thậm chí trong câu chuyện thuở ấu thơ nầy.
Câu chuyện nầy có ý muốn nói ra điều gì?
Xem xét phần Kinh Thánh nầy theo cách ngẫu nhiên, không vật vã nắm bắt được ý nghĩa của nó thì rất sơ xuất lắm đấy. Hãy nhớ, đây không phải là một trong những truyện tích mà chúng ta đã nghe kể về một đứa con bị thất lạc đâu, chính trong câu chuyện duy nhất của Luca nói tới một sự cố trong những năm tháng thiếu thời của Đấng Mêsi của Ysơraên, là Cứu Chúa của chúng ta. Câu chuyện có thể được giải thích theo vài cách thức. Chúng ta hãy xem lại những cách chọn lựa của mình rồi quyết định cách nào chỉ ra ý nghĩa của phân đoạn Kinh Thánh nầy.
(1) Lựa chọn đầu tiên của chúng ta là chỉ xem câu chuyện nầy đơn giản là một giai thoại thôi, một trường hợp trong đời sống của Đấng Christ, với câu chuyện đó chúng ta có thể đồng cảm với mọi sự. Mỗi sự việc đã được trình bày ra trong các sách tin lành đều có phần quan trọng hết thảy.
(2) Lựa chọn thứ hai không được chấp nhận: ấy là hiểu Chúa Jêsus phạm sai lầm khi ở lại thành Giêrusalem, ít nhất không có nói cho cha mẹ Ngài biết về những việc Ngài sẽ làm. Khi Chúa Jêsus là Con của Đức Chúa Trời, trong Ngài chẳng có tội lỗi chi hết, thì Ngài không thể phạm sai lầm ở đây, dù là con trẻ.
(3) Lựa chọn thứ ba: ấy là xem Chúa Jêsus là một kiểu Đấng Mêsi “hay đãng trí”, Ngài quá bận tâm với đền thờ và Kinh Thánh đến nỗi Ngài đã quên bẳng đi đoàn lữ hành, rồi vì thế mà bị bỏ lại ở đàng sau. Dường như đây là quan điểm ít nhất của một nhà giải kinh. Tôi biết vài câu chuyện nói tới “sự đãng trí bậc thầy” từ những năm tháng trong Thần học viện. Một câu chuyện loại ấy nói về một giáo sư, ông đứng sau cánh cửa, suy nghĩ, đôi khi lại gõ gõ, mà không biết mình đang đứng ở ngoài cửa nhà mình hay nhà người lân cận, nơi mà ông muốn vào. Câu chuyện khác kể lại về vị giáo sư lái xe mình đến Houston, bang Texas, nơi ông phải giảng dạy, rồi dùng phi cơ bay về nhà, quên bẳng đi là mình đã lái xe tới đó.
Chúa Jêsus như đã nói quá bận tâm với “công việc của Cha Ngài”, và lời quở trách của cha mẹ Ngài đã đến như một cú sốc vậy. Tuy nhiên, đây là một điều rất khó tin. Tôi khó mà tin được “câu chuyện Jêsus đãng trí” lại thích ứng ngay sau khi Luca đưa ra lời bình rằng Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm. Lời nói của Chúa Jêsus cho thấy rằng Ngài đã có ý định ở lại thành Giêrusalem (“tôi phải…”, câu 49). Chúng ta biết rõ Chúa Jêsus là đứa con lớn nhất, giữa vòng mấy đứa trẻ khác (Mathiơ 13.55-56) và thế là Ngài phải có phần việc trông coi chúng, và có lẽ đưa chúng đi cùng với đoàn lữ hành. Khi ngày đầu tiên trong đền thờ sắp kết thúc, rõ ràng Ngài bị tách riêng ra với cha mẹ, thế mà Ngài chẳng lấy làm bận tâm, chẳng có một nổ lực nào để tìm cách kết hiệp với họ lại, và rõ ràng là họ chẳng hề tìm kiếm Ngài. Đãng trí có thể không là tội, nhưng không phải là không tỏ ra lanh lợi. Chúa Jêsus không phải bị đãng trí ở đây.
(4) Lựa chọn thứ tư: ấy là cha mẹ Chúa Jêsus quá lơ đểnh, và họ phải chịu trách nhiệm khi rời khỏi Giêrusalem mà không có Chúa Jêsus. Làm sao họ rời khỏi thành Giêrusalem mà không có Chúa Jêsus chớ? Làm sao họ có thể tin Ngài phải gánh lấy trọng trách như vậy được chớ? Điều nầy cũng không đúng với câu chuyện. Nếu Chúa Jêsus cùng lên đường với cha mẹ Ngài trước đó (như tôi đã có nói), thì Ngài phải quen thuộc với đường xá, Ngài phải chứng minh mình có khả năng trên các cuộc hành trình trước đó. Một sự giám sát nơi phần của cha mẹ vẫn không lý giải được sự chủ ý của Chúa chúng ta trong việc ở lại đàng sau. Thậm chí nếu Ngài không thành công trong việc ở lại đàng sau, Ngài quyết làm như vậy, và không có xin phép hay thông báo cho họ biết các dự tính của Ngài.
(5) Lựa chọn sau cùng của chúng ta: ấy là Chúa Jêsus đã đúng trong mọi việc Ngài đã làm, và cha mẹ Ngài đã sai khi nổi giận và quở trách Ngài. Chúa Jêsus có ý định ở lại thành Giêrusalem, mà không xin phép cha mẹ, và không cần thông báo cho họ biết về mọi hành động của Ngài. Thắc mắc là, tại sao?
Trong ánh sáng phần còn lại của đời sống Đấng Christ và của sự mặc khải trong Tân ước, tôi tin rằng chúng ta có thể nhận ra vài lý do cho các hành động của Chúa Jêsus, những lý do mà Mary và Giôsép đã không có khả năng nắm bắt được ngay khi ấy.
Thứ nhất, Chúa Jêsus đã ở lại đàng sau trong thành Giêrusalem để học biết về Đức Chúa Trời. Tôi không thể giải thích làm sao mà Chúa chúng ta, Ngài vừa là Đức Chúa Trời và là con người trọn vẹn lại cần phải học hỏi, cần phải phát triển khả năng nắm bắt Lời Đức Chúa Trời, nhưng tôi tin đấy là sự thật. Những câu nói giới thiệu và tóm tắt phân đoạn Kinh Thánh nầy khiến cho sự tấn tới của Chúa chúng ta thành một trong những sự nổi bật nhất trong câu:
“Con trẻ lớn lên, và mạnh mẽ, được đầy dẫy sự khôn ngoan, và ơn Đức Chúa Trời ngự trên Ngài” (Luca 2.40).
“Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Luca 2.52).
Thế thì càng dễ tin rằng Chúa Jêsus lớn lên về phần xác thể hơn là tin Ngài tấn tới về phần trí khôn và về thuộc linh, nhưng phân đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Ngài đã tấn tới theo mọi chiều kích. Sự trao đổi giữa Chúa chúng ta cùng mấy thầy thông giáo tại đền thờ tỏ ra cả sự sốt sắng muốn học hỏi của Chúa (vì Ngài đang hỏi và nghe họ – tư thế của người đang tiếp thu), và chiều sâu sự khôn ngoan mà Ngài đã có được rồi.
Thứ hai, sự việc cho thấy rằng Chúa Jêsus đã ở lại trong thành Giêrusalem để học biết từ mấy thầy thông thái những sự việc mà cha mẹ Ngài không có dạy cho Ngài biết. Có một ý nghĩa rộng rãi, trong đó mỗi người đều cần tới chức vụ của người khác trong “thân thể của Đấng Christ”, và bậc phụ huynh không thể và không nên giữ miếng với tánh ganh tị về sự dạy dỗ con cái mình bằng cách giữ nó [nam hay nữ] tránh xa chức vụ của người khác. Tuy nhiên, ở đây, tôi tin có một sự việc đang diễn ra. Chúa Jêsus đã có mặt trong thành Giêrusalem trong suốt kỳ lễ Vượt Qua (Luca 2.41). Tôi có khuynh hướng nghĩ rằng Ngài đặc biệt muốn biết về ý nghĩa của lễ Vượt Qua, một khi kỳ lễ ấy được ứng dụng vào Ngài. Các thầy thông giáo ở đền thờ có thể giải đáp thắc mắc cho Chúa chúng ta nhiều về mặt lý thuyết và theo cách khách quan. Cha mẹ của Chúa chúng ta chắc chắn không để cho lý trí của họ phải suy nghĩ về sự hy sinh của chính đứa con mình. Vì lẽ đó Chúa Jêsus đã ở lại trong thành Giêrusalem để học biết từ người khác mọi điều Ngài không thể học được từ cha mẹ của mình.
Thứ ba, tôi tin rằng Chúa Jêsus đã ở lại trong thành Giêrusalem vì Ngài sẽ không được phép ở lại đó. Hãy suy nghĩ về vấn đề nầy trong một phút. Quý vị nghĩ Mary và Giôsép sẽ nói sao khi đáp ứng lại câu hỏi nầy: “Con có thể ở lại thànhh Giêrusalem trong vài ngày để tranh luận về Cựu Ước và thần học với các giáo sư hàng đầu của Ysơraên không?” Mãi cho tới bây giờ, chẳng ai sẽ gặp gỡ và nghe trẻ con nói bao giờ. Tôi không thể hình dung cha mẹ theo đời nầy của Chúa chúng ta lại đồng ý cho Ngài làm theo mọi điều Ngài cần phải làm. Vì thế, Ngài đã không xin phép họ.
Sau cùng, và hầu như là quan trọng nhất, Chúa Jêsus đã không xin phép để ở lại thành Giêrusalem bởi vì Ngài chính là Đức Chúa Trời. Ở một cấp độ, cấp độ mà Mary và Giôsép đã nhìn thấy, Chúa Jêsus chỉ là một cậu bé con, một cậu bé không có khả năng đưa ra những quyết định quan trọng, một cậu bé chưa đủ tuổi để tự mình ở lại trong thành Giêrusalem, một cậu bé còn quá nhỏ không thể tranh luận Kinh Thánh với các bậc giáo sư tài giỏi nhất trong Ysơraên. Thế nhưng khi Ngài là một con người, một cậu bé chỉ có 12 tuổi, Ngài cũng là Đức Chúa Trời trong loài xác thịt, y như thiên sứ đã phán với Mary và Giôsép nhiều năm trước đó (Mathiơ 1.20-25; Luca 1.32, 35). Ở một cấp độ thiêng liêng, Đức Chúa Trời không cần sự được phép của con người mới hành động theo phương thức nào Ngài thấy thích hợp, cũng không nhất thiết đòi hỏi Đức Chúa Trời phải giải thích mọi hành động của Ngài cho con người biết. Thực vậy, Đức Chúa Trời hoàn toàn tự do làm theo những việc khiến cho con người phải sửng sốt và đau khổ. Câu chuyện cho thấy rằng Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời trọn vẹn (cũng như là con người trọn vẹn), câu chuyện ấy giải thích thể nào Ngài có thể hành động như Ngài đã hành động và không có gì sai lầm khi hành động như thế. Nếu đấy là một đứa trẻ khác, chúng ta sẽ đứng chung phía với các bậc phụ huynh, song khi đứa trẻ đó là Con của Đức Chúa Trời, chúng ta phải mau mau công nhận Ngài là đúng. Chúa Jêsus, không như những đứa trẻ 12 tuổi khác trong lịch sử, chính là Đức Chúa Trời.
Mục đích của sứ điệp
Thật là phấn khởi khi giờ đây chúng ta hiểu rõ lý do tại sao Chúa Jêsus đã làm và nói mọi điều Ngài đã làm trong bối cảnh xảy ra tại đền thờ. Thắc mắc vẫn là: “Tại sao Luca chỉ ghi lại sự kiện nầy trong thời thơ ấu của Chúa chúng ta?” Điều chi là quan trọng trong sự cố nầy để nó xứng đáng trở thành một phần trong bản tường trình thiêng liêng nói về cuộc đời của Đấng Christ? Phân đoạn đưa ra vài chức năng quan trọng, như tôi vừa hiểu được nó.
(1) Phân đoạn khẳng định cả nhân tính và thần tính của Chúa chúng ta. Trong Đấng Christ nhân tính được thêm vào thần tính. Xuyên suốt lịch sử của Hội thánh (bắt đầu rất sớm trong lịch sử Hội thánh), con người thường nhấn mạnh một mặt trong hai bổn tánh của Chúa chúng ta (thần tánh và nhân tánh của Ngài) theo sự tiêu hao của mặt kia. Một hình thức sai lầm (thí dụ, lý thuyết Doce) có khuynh hướng nhắm vào thần tính của Đấng Christ, song lại thu nhỏ phần nhân tính của Ngài. Lý thuyết cực đoan khác (thí dụ, lý thuyết Adoption) nhấn mạnh nhân tính của Chúa Jêsus, nhưng lại thu nhỏ thần tính trọn vẹn của Ngài.
Trong Luca chương 2, Luca nhấn mạnh cả thần tính và nhân tính của Chúa chúng ta. Sự kiện Chúa Jêsus là con người trọn vẹn được làm chứng hiển nhiên bởi sự thật Ngài đã được sanh ra và Ngài là một đứa trẻ, Ngài lớn lên và phát triển như bao đứa trẻ bình thường khác, về mặt thể chất, về trí khôn và về thuộc linh. Chúa Jêsus đã ở lại trong đền thờ để học hỏi, chớ không phải để dạy dỗ (mặc dù những câu trả lời của Ngài cho những thắc mắc làm sững sờ những kẻ chứng kiến cuộc trao đổi nầy). Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời cũng rất hiển nhiên trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta. Sự khôn ngoan của Chúa Jêsus được đem đối chiếu trong phân đoạn Kinh Thánh nầy với sự thiếu hiểu biết của cha mẹ Ngài, khi họ không nắm bắt được Ngài là ai và tại sao Ngài lại hành động như Ngài đã hành động, thậm chí với mặc khải về Ngài mà họ đã được ban cho. Chúa Jêsus đã nói Đức Chúa Trời là Cha của Ngài, và đã có mặt trong đền thờ vì đấy là chỗ mà phần “việc của Cha Ngài” được tỏ ra. Nỗi kinh ngạc của những kẻ chứng kiến sự khôn ngoan của Ngài, cũng như sự kinh ngạc của cha mẹ Ngài, là bằng chứng sâu xa cho sự lạ lùng của Ngài. Ngài có thể làm và nói ra những điều mà không một đứa trẻ ở độ tuổi 12 có thể làm và nói, bấy nhiêu cũng đủ chứng minh cho thần tính của Ngài. Vô luận có nhiều cuộc tranh luận và bàn luận trong lịch sử Hội thánh, ai nấy đều nhất trí phần giới thiệu Đấng Christ của Luca đã được dự trù để mô tả Ngài là Người – Trời, thậm chí khi còn là một đứa trẻ 12 tuổi.
(2) Phân đoạn Kinh Thánh nhắc cho chúng ta nhớ tới nguyên tắc của sự tấn tới. Về nhân tính trọn vẹn của Ngài, Chúa chúng ta đã lớn lên, về mặt thể chất, về mặt lý trí, về mặt xã hội, và về mặt thuộc linh. Chúa Jêsus không đến với trần gian và ngay lập tức bắt đầu phục vụ đâu. Chúng ta biết rõ từ các sách tin lành Chúa Jêsus đã gần hay hơn 30 tuổi trước khi chức vụ công khai của Ngài bắt đầu. Sự cố tại đền thờ đã xảy ra sau 12 năm lớn lên nơi phần của Chúa. Chức vụ công khai của Ngài đòi hỏi thêm 18 năm tuổi tấn tới nữa.
Nếu cần thiết cho Đức Chúa Trời đang hoá thân thành xác thịt phải lớn lên và trưởng thành, trong sự chuẩn bị cho chức vụ của Ngài, tại sao chúng ta quá thiên về tình trạng thuộc linh, sự trưởng thành ngay lập tức!?! Có những người muốn chúng ta phải nghĩ tới một số sự cố quan trọng nào đó, một kinh nghiệm thuộc linh kỳ lạ nào đó, là chìa khoá cho sự trưởng thành và sự phục vụ cấp bách. Nếu điều đó không thật cho Chúa chúng ta, thì điều đó cũng không thật cho chúng ta. Chúng ta có thể có được những kinh nghiệm lạ thường và rất vinh hiển, nhưng những kinh nghiệm nầy không tạo ra được sự tấn tới hay trưởng thành cấp bách. Chúng ta đừng trông mong hoặc đòi hỏi nhiều hơn chính mình Chúa và đã kinh nghiệm. Đức Chúa Trời cũng chẳng có gì phải vội vàng cả.
(3) Phân đoạn Kinh Thánh nhắc cho chúng ta nhớ tới mối quan hệ giữa thần tính và quyền bính. Chúa Jêsus có thể làm mọi điều Ngài đã làm vì Ngài là Đức Chúa Trời, và là Đức Chúa Trời Ngài có uy quyền. Quyền bính của Ngài đã cho phép Ngài làm mọi điều mà cha mẹ Ngài không tán thành. Quyền bính của Ngài cho phép Ngài quở trách họ vì thiếu đức tin và sự hiểu biết (ít nhất họ đã phải hiểu từ mọi điều họ đã được cho biết Ngài sẽ ở trong đền thờ). Quyền bính của Ngài cũng cho phép Ngài làm ra những điều quấy rầy họ và khiến cho họ phải lo âu nhiều.
(4) Phân đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết mối quan hệ giữa quyền bính và uy quyền. Nếu Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời thì Ngài cũng có quyền bính. Nếu Ngài có quyền bính, thì uy quyền của Ngài là tối hậu, và thẩm quyền làm cha mẹ của Mary và Giôsép thuộc về loại quyền hạn kém cõi hơn. Uy quyền của Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời trỗi hơn thẩm quyền làm cha mẹ của Mary và Giôsép. Đấy là lý do tại sao Chúa Jêsus cho mình có quyền cao hơn và thắng hơn thẩm quyền làm cha mẹ. (Tôi muốn nói thêm, vì không một đứa trẻ nào dám làm như thế, chỉ có con trẻ Jêsus mới dám làm như vậy thôi, vì Ngài là Đức Chúa Trời).
Thật dễ xưng công bình mọi hành động của Chúa Jêsus trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, và lấy làm lạ tại sao Mary và Giôsép lại không thể nắm bắt được chuyện gì đã xảy ra. Nhưng hãy để tôi đề nghị: quý vị và tôi nên đáp ứng lại với quyền bính của Đức Chúa Trời theo cùng một cách chính xác. Khi Đức Chúa Trời đưa nghịch cảnh vào cuộc sống của chúng ta, khi Ngài khiến cho chúng ta phải đau khổ, chúng ta cũng trở nên giận dữ. Khi Ngài làm ra những điều mà chúng ta không hiểu được, chúng ta cảm thấy thất vọng và chao đảo. Chúng ta muốn Đức Chúa Trời giải thích mọi lý do cùng các mục đích của Ngài làm cho chúng ta biết, giống như Mary và Giôsép mong đợi Chúa Jêsus xưng công bình các hành vi của Ngài vậy.
Mary và Giôsép đã sai lầm vì họ quên bẳng đi loài người (tôi nói chung chung) thẩm quyền của họ không thể cao hơn đứa trẻ 12 tuổi mà Đức Chúa Trời đã phó thác cho họ chăm sóc một cách tạm thời. Và cho dù chỉ có một trường hợp nầy đã được tường thuật lại về thời thơ ấu của Chúa chúng ta khi uy quyền và lai lịch của Chúa Jêsus đã được mọi người xác nhận (phân đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết Ngài đã trở về với cha mẹ và chịu lụy họ sau sự việc nầy, câu 51), Ngài là Đức Chúa Trời trọn vẹn và vì thế có thể hành động cách độc lập, có quyền bính, nếu Ngài chọn làm như vậy và nếu sự việc phù hợp với ý chỉ của Cha Ngài. Chúa Jêsus đã nhắc cho cha mẹ Ngài nhớ Ngài là Con Đức Chúa Trời, đầu tiên và trước hết, trong sự vâng phục đối với Đức Chúa Trời, và được kêu gọi để bày tỏ ra “công việc của Cha Ngài”. Thì giờ sẽ đến khi Mary có lẽ không cho phép “con trai” bà phải lên thập tự giá, nhưng Ngài phải thực hiện điều nầy, trong sự vâng phục Cha chân thật của Ngài.
Bất cứ lúc nào quý vị và tôi thắc mắc về công việc của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta, bất cứ lúc nào chúng ta giận dữ (là điều chúng ta thường “thuộc linh” thú nhận) với Đức Chúa Trời, chúng ta tỏ ra rằng chúng ta đã đảo ngược sợi dây uy quyền thiêng liêng. Chúng ta thường hành động y như Đức Chúa Trời phải ở trong sự thuận phục với ý muốn của chúng ta, hơn là công nhận chính chúng ta phải thuận phục theo ý chỉ của Ngài, dù điều đó đem lại đau khổ, hay phiền phức, nếu chúng ta không hiểu những gì Ngài đang làm ra hay lý do tại sao. Giáo lý về quyền bính của Đức Chúa Trời nói rằng Đức Chúa Trời sẽ hành động y theo Ngài chọn lựa, không cần phải giải thích mọi hành động của Ngài cho con người biết, hoặc phải hỏi xin phép chúng ta.
Gióp nhất thời đã quên đi sự kiện nầy, và ở giữa nổi đau khổ ông bắt đầu chất vấn Đức Chúa Trời. Như James Dobson nói: Làm như vậy là quên “ai đang nắm quyền tể trị”. Chỉ khi Gióp được nhắc nhớ về quyền bính của Đức Chúa Trời, ông mới mau mau thôi không còn than vãn và chống đối nữa, và cầu xin sự tha thứ. Chúng ta hãy làm theo y như vậy.
Phần ứng dụng
Chúng ta phải cẩn thận trong cách thức chúng ta ứng dụng sự dạy dỗ của phân đoạn nầy. Chúng ta cần phải phân biệt giữa việc nào quan hệ với Chúa chúng ta, là Emmanuên, Đức Chúa Trời trong loài xác thịt, và những việc trong đó Chúa chúng ta là một tấm gương cho mọi người. Một cuộc tìm kiếm nhỏ về điều nầy sẽ xác minh sự ích lợi. Chúng ta hãy làm theo bằng cách thiết lập vài nguyên tắc từ những gì chúng ta đã học được, và rồi khảo sát tỉ mỉ mọi hàm ý của chúng.
Chỉ có Chúa chúng ta mới được gán cho Ngài là Đức Chúa Trời và là Người, rồi vì thế có thể hành động ngược lại với sự chấp thuận của cha mẹ Ngài, như Ngài đã làm qua việc ở lại thành Giêrusalem. Con cái của chúng ta không dám lấy Chúa Jêsus làm gương cho mọi hành vi của chúng với lý tưởng cha mẹ chúng sai quấy thì chúng được tự do làm theo mọi sở thích riêng của mình. Sự đầu phục của Chúa liên tục đối với cha mẹ của Ngài sau sự việc nầy có ảnh hưởng chống lại mọi quyết định như thế.
Và rồi ở đây có một nguyên tắc, nó quản trị mọi hành động của Chúa chúng ta, và nguyên tắc ấy cũng quản trị mọi hành vi của chúng ta nữa. Nguyên tắc ấy là: NẾU ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA CHÚNG TA, THÌ CHÚNG TA PHẢI HOÀN TOÀN ĐẦU PHỤC NGÀI, VÀ KHÔNG ĐẦU PHỤC BẤT KỲ MỘT UY QUYỀN NÀO THUỘC VỀ ĐỜI NẦY, KHI PHẢI LỰA CHỌN TRONG CẢ HAI.
Khi con người chọn bước theo Đức Chúa Trời, họ phải làm như vậy bằng cách bước theo thẩm quyền tuyệt đối, tối cao trong đời sống của họ. Khi thẩm quyền thuộc đời nầy trực tiếp đòi hỏi họ, thì phải nói như các sứ đồ: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công vụ các sứ đồ 5.29). Chúa chúng ta đã thực hiện câu nầy rất rõ ràng, tôi tin khi Ngài đòi hỏi điều đó nơi các môn đồ chịu bước theo Ngài, phải đặt Ngài cao hơn hết mọi quyền bính và bó buộc của đời nầy:
“Vì từ nay về sau, nếu năm người ở chung một nhà, thì sẽ phân li nhau, ba người nghịch cùng hai, hai người nghịch cùng ba; cha nghịch cùng con trai, con trai nghịch cùng cha; mẹ nghịch cùng con gái, con gái nghịch cùng mẹ; bà gia nghịch cùng dâu, dâu nghịch cùng bà gia” (Luca 12.52-53).
“Có đoàn dân đông cùng đi với Đức Chúa Jêsus; Ngài xây lại cùng họ mà phán rằng: Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta” (Luca 14.25-26; cũng đối chiếu Mác 10.7, 29-30; Luca 9.59-62).
Nguyên tắc nầy có phần ứng dụng cho bậc làm cha mẹ, cũng như cho con cái. Nguyên tắc ấy muốn rằng ai trong chúng ta là những người đã có con cái, giống như Mary và Giôsép, đều công nhận rằng Đức Chúa Trời sẽ dẫn dắt họ trong một đường lối thật đắt giá và nhiều khó nhọc đối với chúng ta, nhưng đấy lại là ý muốn của Đức Chúa Trời. Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ không đứng trên con đường theo Chúa của con cái chúng ta. Chúng ta không nên buộc con cái mình phải vâng theo Đức Chúa Trời chống lại mọi sự dạy dỗ của chúng ta (dù ám chỉ hay tuyên bố ra).
Có một nguyên tắc thứ hai rất hiển nhiên trong phân đoạn Kinh Thánh: KHÔNG MỘT ĐIỀU GÌ NGĂN TRỞ CHÚNG TA KHÔNG TIẾP CẬN ĐƯỢC VỚI NHỮNG VIỆC GÓP PHẦN VÀO SỰ TẤN TỚI THUỘC LINH CỦA CHÚNG TA.
Trong khi tôi không nguỵ tạo ra là đã nắm lấy đầy đủ bằng cách nào hay tại sao Chúa chúng ta đã lớn lên, rõ ràng đối với tôi ấy là tại đền thờ và có cơ hội hỏi han các thầy thông giáo nhiều câu hỏi là rất quan trọng cho sự lớn lên của Chúa chúng ta. Điều nầy rất quan trọng đối với Ngài đến nỗi Ngài thấy thật là cần thiết phải hành động ngược lại với mọi ước muốn của cha mẹ mình.
Nếu sự lớn lên của Chúa chúng ta quan trọng như thế đối với Ngài, lẽ nào sự tấn tới về mặt thuộc linh lại không quan trọng đối với chúng ta? Ở trong đền thờ, trao đổi với các thầy thông thái trong thời đó, là một phương tiện cho sự lớn lên của Chúa chúng ta, giữa vòng nhiều việc khác (tiếp xúc với Kinh Thánh, sự dạy dỗ của cha mẹ…). Đức Chúa Trời đã cung ứng phương tiện nào cho sự lớn lên của chúng ta, mà chúng ta không để cho các việc khác xen vào? Tôi muốn đề nghị vài phương tiện cho sự tra xét của quý vị, rồi quý vị có thể thêm vào những điều khác nữa. Kinh Thánh rất quan trọng cho sự lớn lên của chúng ta, cho nên chẳng có một điều chi cản trở không cho chúng ta tiếp xúc với Kinh Thánh hết (Thi thiên 19.7-14; 119 [toàn thể Thi thiên nầy]; Công vụ các sứ đồ 20.32; Rôma 16.25-26; II Timôthê 3.14-17; Hêbơrơ 13.9; Giacơ 1.21-22; I Phierơ 2.2; II Phierơ 2.2-4). Cũng một thể ấy, sự gây dựng và dạy dỗ do nhiều người khác trong thân thể của Đấng Christ cũng đòi hỏi sự nhóm lại và tham dự đều đặn trong sự thờ phượng của Hội thánh (đối chiếu Thi thiên 73.17; Rôma 14-15; I Côrinhtô 12-14; Êphêsô 4.1-16; Hêbơrơ 10.23-25). Cầu nguyện là phương tiện quan trọng khác cho việc việc tương giao với Đức Chúa Trời và cho sự lớn lên (Êphêsô 6.18; I Têsalônica 5.18). Sau cùng, sự vâng phục mọi điều chúng ta biết là ý chỉ của Đức Chúa Trời chính là chìa khoá cho sự tấn tới sâu xa hơn của chúng ta (đối chiếu Mathiơ 7.24-27; Mác 4.21-25). Không một điều chi ngăn trở chúng ta không tiếp cận với các phương tiện quan trọng cho sự tấn tới như thế nầy.
Còn có nguyên tắc khác rất hợp lý và thích đáng trong đời sống Cơ đốc, hiện hữu rõ ràng ở đây: THẬT KHÓ CHO NGƯỜI TIN CẢ CHÚA VÀ CON NGƯỜI, HỌ CÔNG NHẬN CẢ HAI MÀ KHÔNG CHỊU HY SINH BÊN NẦY HAY BÊN KIA.
Cha mẹ của Chúa chúng ta đã vất vả không biết phân biệt các khía cạnh của bổn tánh của Chúa chúng ta, nhân tánh và thần tánh của Ngài. Trong phân đoạn Kinh Thánh, nhân tánh của Chúa Jêsus đã vượt cao hơn hẳn mọi sự suy tưởng của họ đến nỗi họ quên tính đến thần tánh của Ngài, là nền tảng cho mọi hành động và đáp ứng của Chúa Jêsus đối với họ.
Không cứ cách nào, Đức Chúa Trời có quyền đan dệt nhân tánh và thần tánh lại với nhau. Vì thế, trong sự tỏ bày ra chương trình cùng mọi lời hứa thiêng liêng của Ngài, Đức Chúa Trời có quyền sử dụng chiếu chỉ của vị vua ngoại đạo để sắp đặt cho Đấng Mêsi đến tại thành Bếtlêhem, hơn là tại thành Naxarét. Đức Chúa Trời sau đó sử dụng các nhà lãnh đạo tôn giáo của Ysơraên và chính quyền La mã để đưa tới cái chết mang tính cách hy sinh, thay thế của Con Ngài.
Vấn đề khó giải quyết đối với chúng ta: ấy là phương thức Đức Chúa Trời đan dệt nhân tánh và thần tánh lại với nhau trong kinh nghiệm riêng của chính chúng ta. Quý vị và tôi đang có cùng một cuộc tranh chiến, tôi tin, với sự công nhận cả hai yếu tố nhân tánh và thần tánh trong đời sống Cơ đốc của chúng ta. Một minh hoạ cho điều nầy: ấy là xác nhận mối căng thẳng giữa yếu tố uy quyền của Chúa, cùng với yếu tố trách nhiệm của con người. Quý vị thấy đấy, cuộc tranh chiến của Mary và Giôsép không phải là duy nhất như đã được tỏ ra. Có một loại hoá thân thành nhục thể đang diễn ra trong đời sống của từng Cơ đốc nhân. Chúng ta không chối bỏ thần tính cũng không chối bỏ nhân tính trong những gì Đức Chúa Trời đang thực hiện trong đời sống của chúng ta.
Nguyên tắc sau cùng mà tôi tin là chìa khoá cho toàn thể phân đoạn Kinh Thánh: VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG NHẤT, VẤN ĐỀ QUYẾT ĐỊNH MỌI SỰ KHÁC TRONG CUỘC SỐNG, LÀ TRẢ LỜI CÂU HỎI: “ĐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST LÀ AI?”.
Hãy thiết lập sự kiện Đức Chúa Jêsus Christ chính là Đức Chúa Trời trọn vẹn, cũng như là con người trọn vẹn, và mọi sự trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta có ý nghĩa ngay. Thật dễ nhìn xem tại sao Chúa Jêsus phải có mặt trong nhà của Cha Ngài, và đồng thời dễ đồng cảm với cuộc tranh chiến đã được tạo ra nơi Mary và Giôsép.
Chấp nhận hay chối bỏ Chúa Jêsus trong sự trưởng thành về đời nầy và chức vụ của Ngài có thể lên tới cao điểm khi trả lời một câu hỏi duy nhất: “Đức Chúa Jêsus Christ là ai?” Sự chối bỏ Đấng Christ bởi các thầy thông giáo và người Pharisi, họ đã kiến tạo ra cái chết của Ngài, được giải thích bằng sự kiện cho rằng họ đã chối bỏ lời xưng nhận của Ngài là Con Đức Chúa Trời (đối chiếu Giăng 8). Họ khăng khăng thách thức mọi hành động và sự dạy của Ngài bằng cách đòi phải biết rõ bởi thẩm quyền nào đang dạy dỗ. Tương tự, Chúa Jêsus đã hỏi các môn đồ: Ngài là ai?!? (Mathiơ 16.13-15).
Chấp nhận sự kiện Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời thì mọi điều khác chẳng còn có ý nghĩa gì nữa hết, bất quá chỉ là lý lẽ thôi, mọi điều Ngài đã làm đều hợp lý, phải lẽ, không thể bài bác được. Chối bỏ chỉ một sự kiện nầy thôi quý vị phải chối bỏ Ngài một cách hoàn toàn. Tôi mạn phép hỏi quý vị: “Đức Chúa Jêsus Christ là ai?” Quý vị nghĩ Ngài là ai chứ? Câu trả lời cho thắc mắc nầy sẽ an bài số phận đời đời của quý vị, và sẽ thiết lập một lần đủ cả vấn đề uy quyền trong đời sống của quý vị. Câu trả lời ấy sẽ tái sắp xếp lại mọi ưu điểm và giá trị của quý vị. Câu trả lời: “Đức Chúa Jêsus Christ là Con Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời đã hoá thân thành xác thịt, Ngài đã trở nên con người, ở giữa loài người và bày tỏ Đức Chúa Trời ra cho họ, bày tỏ ra tội lỗi của họ, và để trả giá hình phạt thay cho tội lỗi của họ bằng cái chết của Ngài trên thập tự giá tại đồi Gôgôtha”. Câu trả lời thừa nhận Đấng Christ cũng quyết định lai lịch của quý vị, là quý vị có thuộc về cha mình, là ma quỷ (đối chiếu Giăng 8.31-47), hay Cha của quý vị chính là Đức Chúa của vũ trụ (Rôma 8.12-17).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét