Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Luca 18.1-14: "LÒNG MỘ ĐẠO, BỀN ĐỔ, ĂN NĂN, VÀ CẦU NGUYỆN"



Phần giới thiệu
Nội dung phân đoạn Kinh Thánh
Quan án không công bình và người góa bụa “không chịu bỏ cuộc” (18.1-8)
Người Pharisi phô trương và người thu thuế biết ăn năn (18.9-14)
Phần kết luận
Ứng dụng.
Bài 56:

LÒNG MỘ ĐẠO, BỀN ĐỖ, ĂN NĂN, VÀ CẦU NGUYỆN

(Luca 18.1-14)
“Đức Chúa Jêsus phán cùng môn đồ một thí dụ, để tỏ ra rằng phải cầu nguyện luôn, chớ hề mỏi mệt: Trong thành kia, có một quan án không kính sợ Đức Chúa Trời, không vị nể ai hết. Trong thành đó cũng có một người đờn bà góa, đến thưa quan rằng: Xin xét lẽ công bình cho tôi về kẻ nghịch cùng tôi. Quan ấy từ chối đã lâu. Nhưng kế đó, người tự nghĩ rằng: Dầu ta không kính sợ Đức Chúa Trời, không vị nể ai hết, song vì đờn bà góa nầy khuấy rầy ta, ta sẽ xét lẽ công bình cho nó, để nó không tới luôn làm nhức đầu ta. Đoạn, Chúa phán thêm rằng: Các ngươi có nghe lời quan án không công bình đó đã nói chăng? Vậy, có lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét lẽ công bình cho những người đã được chọn, là kẻ đêm ngày kêu xin Ngài, mà lại chậm chạp đến cứu họ sao! Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội vàng xét lẽ công bình cho họ. Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng? Ngài lại phán thí dụ nầy về kẻ cậy mình là người công bình và khinh dể kẻ khác: Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pharasi và một người thâu thuế. Người Pharasi đứng cầu nguyện thầm như vậy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi. Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. Người ta cũng đem con trẻ đến cùng Đức Chúa Jêsus, cho được Ngài rờ đến chúng nó. Môn đồ thấy vậy, trách những người đem đến. Nhưng Đức Chúa Jêsus gọi họ mà phán rằng: hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn cấm; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những người giống như con trẻ ấy. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai không nhận lãnh nước Đức Chúa Trời như một đứa trẻ, thì sẽ không được vào đó”.
PHẦN GIỚI THIỆU:
Trong phần nghiên cứu Luca 18, thật lấy làm tốt phải dừng lại để xem xét Tin lành Luca từ điểm thuận lợi của sách Công vụ các Sứ đồ. Bác sĩ Luca đã viết cả hai sách nầy như hai người bạn đồng hành. Đôi khi chúng ta nghiên cứu hay giảng dạy, chúng như song hành với nhau, chúng ta nên giảng dạy như thế. Hai quyển sách nầy được viết ra một số năm sau sự chết, sự chôn, sự sống lại và sự thăng thiên của Chúa chúng ta. Chúng đã được viết ra ở một thời điểm khi Hội thánh mới ra đời và đang lớn lên nhanh chóng. Khi đó cũng là thời điểm mà Hội thánh phần lớn là dân Ngoại, nhưng khi những kẻ thuần Do thái giáo chịu khó làm việc để biến những người chịu theo Do thái giáo phải giữ theo luật pháp và đối xử với họ như là hạng công dân phụ thuộc trong Nước của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, đấy là thời điểm khi thế hệ tín hữu đầu tiên, kể cả các sứ đồ, sắp sửa chuyển mình từ bối cảnh nầy.
Các sách Luca và Công vụ các Sứ đồ tạo ra một sự đóng góp to lớn cho Hội thánh bằng nhiều cách thức, nhưng hãy dừng lại với tôi để xem xét hai lãnh vực đặc biệt, chúng sẽ chiếu sáng trên những gì chúng ta sắp sửa nghiên cứu trong sách Luca. Thứ nhứt, rõ ràng là Nước Đức Chúa Trời không bắt đầu mau chóng như một số người nghĩ và trông mong. Như chúng ta biết rõ rồi, có một khoảng thời gian chậm trễ giữa lần đến đầu tiên và lần đến thứ hai của Chúa chúng ta. Nước của Đức Chúa Trời sẽ được thiết lập, nhưng không phải tức thì đâu. Khi Luca viết sách tin lành, các thánh đồ sẽ đi tới phần kết nầy, và tác phẩm của Luca được dự trù để tỏ ra sự chậm trễ nầy thực sự được ám chỉ trong lời lẽ của Chúa chúng ta nói với các môn đồ Ngài. Phân đoạn Kinh thánh của chúng ta từ câu 1 - 8 chỉ ra sự chậm trễ nầy và mọi hàm ý của nó.
Thứ hai, Hội thánh mà Luca mô tả trong sách Công vụ các Sứ đồ thường bị săn lùng, chống cự, và chối bỏ bởi những người Do thái thiên về luật pháp, họ muốn các thánh đồ dân Ngoại phải theo Do thái giáo và Hội thánh tránh không thân thiện với và xem họ như hạng công dân phụ thuộc trong Nước Đức Chúa Trời. Sự chống đối Hội thánh như thế nầy bởi những người theo Do thái giáo là một lẽ đạo thường trực trong sách Công vụ các Sứ đồ, và Luca mô tả gốc rễ cùng phương cứu chữa của lẽ đạo ấy trong câu chuyện tin lành mà ông đã viết. Bằng cách mô tả sự chống đối Chúa chúng ta bởi người dòng Pharisi trong sách tin lành, Luca sửa soạn chúng ta cho sự chống đối Hội thánh bởi người theo Do thái giáo trong sách Công vụ các Sứ đồ. Giống như người dòng Pharisi xem khinh Chúa Giêxu và hạng “tội nhân” mà Ngài đã lôi cuốn và tiếp nhận trong tin lành Luca, người theo Do thái giáo đã xem khinh Phaolô cùng các Cơ đốc nhân dân Ngoại. Tại sao, sau khi đọc sách Luca, chúng ta lại bị sốc khi nhìn thấy sự chống đối của người Do thái đối với Hội thánh trong sách Công vụ các Sứ đồ? Hơn nữa, trong tin lành Luca của ông, Luca đã viết để chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng là khi người dòng Pharisi (không phải nhắc tới người Do thái nói chung, kể cả các môn đồ) đã chối bỏ và kháng cự ân sũng của Đức Chúa Trời đã được hiến cho dân Ngoại (đặc biệt là người Samari! — đối chiếu Luca 4.16-30; 9.51-56), thì Chúa Giêxu ngay từ đầu đã dự trù cứu lấy họ, và Ngài đã bị ngăn trở không làm được sự đó (đối chiếu Luca 4.24-27).
Mục đích của tôi là muốn chúng ta hiểu cho rõ phân đoạn nầy trong sách Luca và, quả thực cả sách tin lành, không những theo ánh sáng của những gì đã xảy ra trước đó, mà còn theo ánh sáng của những điều sẽ xảy ra nữa (những gì cần được xử lý trong sách Công vụ các Sứ đồ). Chúng ta phải hiểu sách Công vụ các Sứ đồ theo ánh sáng của tác phẩm dọn đường trước là tin lành Luca. Nhơn đó, sách Luca thực sự chính là điều kiện tiên quyết để hiểu biết sách Công vụ các Sứ đồ. Phần lớn sai lầm khi giải thích sách Công vụ các Sứ đồ có thể là kết quả của sự nắm bắt không đúng sách Luca cùng sứ điệp dọn đường của sách ấy.
Phân đoạn Kinh thánh nầy chứa hai tiểu đoạn chính. Yếu tố chung nhất chính là sự cầu nguyện, đây là lẽ đạo cho cả hai tiểu đoạn. Trong tiểu đoạn thứ nhứt (các câu 1-8), chúng ta có sự cầu nguyện hay thỉnh cầu của người goá bụa bền đỗ thường được đặt trước mặt viên quan án không công bình. Trong tiểu đoạn thứ hai (các câu 9-14), chúng ta có lời cầu nguyện của người Pharisi tự xưng công bình đối chiếu với lời cầu nguyện ăn năn của người thâu thuế.
Hãy chú ý rằng trong phân đoạn Kinh thánh của chúng ta Chúa Giêxu đang dạy dỗ các môn đồ Ngài hai bài học tương phản. Bài học thứ nhứt, nói về sự kiên trì trong khi cầu nguyện, được dạy dỗ bằng cách đối chiếu Đức Chúa Trời, là Quan Án công bình, Ngài sẽ mau chóng đem sự công bình đến với trần gian, với viên quan án không công bình, ông ta chần chừ, câu nhữ buộc người goá phụ khăng khăng kia phải xác minh và làm công bình cho những gì bà ta cầu xin. Trong tiểu đoạn thứ hai, Chúa Giêxu đã dạy thái độ cần có trước hết cho mọi lời cầu nguyện — sự hạ mình. Vì thế, chúng ta thấy sự tự xưng công bình rất tự mãn của người Pharisi được đem đối chiếu với tình trạng hối hận ăn năn của người thâu thuế. Tâm thần của cả hai người đã bị bày ra qua lời cầu nguyện của họ.
Trong phân đoạn nầy, chúng ta có thể tiếp thu rất nhiều điều cho bản thân mình từ đời sống cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta cũng sẽ thấy rõ rằng Chúa Giêxu đã dạy dỗ chúng ta rất nhiều về loại cầu nguyện xứng đáng với hạng thánh đồ, là người đang trông đợi Nước hầu đến. Chúng ta sẽ xem xét cẩn thận các lời lẽ nầy do Chúa chúng ta nói ra và được ghi lại dưới sự cảm thúc của Đức Thánh Linh bởi Luca để dạy dỗ và gây dựng chúng ta hầu cho chúng ta có thể sống trong một phương thức làm đẹp lòng Ngài, bởi ân sũng của Ngài.
NỘI DUNG PHÂN ĐOẠN:
Lỗ hỗng giữa Chúa Giêxu và người dòng Pharisi bắt đầu rất sớm trong sách tin lành Luca (chương 5) và được cơi rộng ra khi chức vụ và sứ điệp của Đức Chúa Giêxu Christ mở ra. Người Pharisi đã quyết định rồi: ấy là Chúa Giêxu không phải là Đấng Mêsi của họ, và vì thế họ đã khởi sự tìm kiếm nhiều dịp tiện để đoạn tuyệt với Ngài một cách công khai (11.53-54). Sự họ chống đối Chúa Giêxu thêm lên từ chỗ thắc mắc (11.53-54, v.v…) đến lằm bằm (15.1-2), đến chế giễu (16.14). Chúa Giêxu không nao núng bởi các sự nầy, Ngài cũng không muốn hơn thua với họ. Ngài đã phán ra một vài lời nói, đoạn tuyệt thẳng thừng với sự kiêu ngạo và giả hình của họ (đối chiếu 11.37-52). Thêm nữa, Ngài đã nói ra nhiều thí dụ đặt người Pharisi vào một chỗ tồi tệ (đối chiếu chương 15 và 16).
Một trong các nan đề của học thuyết Pharisi: ấy là sự giả hình (12.1, v.v…). Sự giả hình của họ bắt rễ từ chỗ khát khao muốn làm đẹp lòng loài người hơn là Đức Chúa Trời, nó kết quả từ chỗ phù hợp với các tiêu chuẩn và giá trị của con người hơn là luật pháp của Đức Chúa Trời (16.14-18). Điều nầy kết quả ở phần xem trọng bề ngoài hơn là các thái độ của tấm lòng (16.15). Chúa Giêxu đã nhìn ở một ánh sáng khác. Chúa Giêxu phán thật hứa hẹn cho những ai sẽ chịu xét đoán trên cơ sở bề ngoài nhất thời. Talbert chỉ ra phương thức trong đó Chúa chúng ta lật đổ hệ thống giá trị đương thời, như Luca đã tóm tắt:
Câu chuyện phù hợp với lẽ đạo đảo lộn địa vị trong tin lành thứ ba. Phong Trào Kỷ Nguyên Mới sẽ làm đảo lộn mọi giá trị và cấu trúc của kỷ nguyên gian ác hiện tại. Chúng ta gặp gỡ lẽ đạo nầy trong truyện tích giáng sinh (1.51-53) và trong Bài Giảng Nơi Đồng Bằng (6.20-26). Trong truyện tích khi đi đây đi đó (9.51–19.44) sự dạy của Chúa Giêxu cho biết trước sự đảo lộn theo thuyết mạt thế nầy khi đảo lộn bảng đánh giá điều chi là tốt và điều chi là xấu. Hãy xem 10.29-37 (người Samari nhơn lành/thầy tế lễ và người Lêvi xấu xa); 10.38-42 (Mary thụ động tốt/Mathê năng động xấu); 11.37-41 (ô uế tốt/thanh sạch xấu); 12.13-34 (nghèo tốt/giàu xấu); 14.7-11 (hạ mình tốt/lên mình xấu); 15.11-32 (em hoang đàng tốt/anh xấu); 16.19-31 (Laxarơ tốt/người giàu xấu); 18.8-30 (nghèo tốt/giàu xấu). Trong phần văn mạch có chủ đề (18.9-14) (người thâu thuế tốt/người Pharisi xấu) là trường hợp khác của sự Chúa Giêxu làm đảo lộn các giá trị. Sao lại như thế chứ? Sao lại là sai với người Pharisi rõ ràng là một người tốt chứ? Sao lại là đúng đối với một người thu thuế rõ ràng là xấu chứ?
Trong chương 17 của tin lành Luca, mục tiêu đã thay đổi đối với sự đến của Nước Trời, đã được giới thiệu bởi thắc mắc của người Pharisi về thời điểm sự đến của Vương quốc (17.20). Chúa Giêxu đã trả lời vắn tắt thắc mắc của họ rồi hướng sự chú ý của Ngài sang các môn đồ, Ngài giới thiệu cho họ biết về Vương quốc. Đề tài vẫn là Nước Trời khi chúng ta bước qua chương 18. Các câu 1-8 nói tới nhu cần của môn đồ phải kiên gan trong sự cầu nguyện cho sự đến của Vương quốc (dù có trễ nãi), và nghịch cảnh, sự bắt bớ, và sự bất công cho thấy rằng sự đến của Vương quốc và sự thiết lập sự công bình trên đất dường như không giống nhau. Tiểu đoạn thứ hai trong chương 18 chuyển từ sự cầu nguyện xin sự công bình đến cầu nguyện xin sự thương xót. Ở đây, lời cầu nguyện tự xưng công bình của người Pharisi được đem đối chiếu với lời cầu nguyện ăn năn của một người thâu thuế. Chúa Giêxu hướng vào hai tấm bảng một lần nữa bằng cách nói rằng người thu thuế biết ăn năn sẽ ra về được xưng công bình, chớ không phải người Pharisi có bề ngoài kỉnh kiền kia.
QUAN ÁN KHÔNG CÔNG BÌNH VÀ NGƯỜI GOÁ BỤA “KHÔNG CHỊU BỎ CUỘC” (18.1-8)
“Đức Chúa Jêsus phán cùng môn đồ một thí dụ, để tỏ ra rằng phải cầu nguyện luôn, chớ hề mỏi mệt: Trong thành kia, có một quan án không kính sợ Đức Chúa Trời, không vị nể ai hết. Trong thành đó cũng có một người đờn bà góa, đến thưa quan rằng: Xin xét lẽ công bình cho tôi về kẻ nghịch cùng tôi. Quan ấy từ chối đã lâu. Nhưng kế đó, người tự nghĩ rằng: Dầu ta không kính sợ Đức Chúa Trời, không vị nể ai hết, song vì đờn bà góa nầy khuấy rầy ta, ta sẽ xét lẽ công bình cho nó, để nó không tới luôn làm nhức đầu ta. Đoạn, Chúa phán thêm rằng: Các ngươi có nghe lời quan án không công bình đó đã nói chăng? Vậy, có lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét lẽ công bình cho những người đã được chọn, là kẻ đêm ngày kêu xin Ngài, mà lại chậm chạp đến cứu họ sao! Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội vàng xét lẽ công bình cho họ. Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?”
Phân đoạn Kinh Thánh trên đây cho thấy rằng Chúa Giêxu vẫn còn đang phán với các môn đồ, Chúa Giêxu: “phán cùng môn đồ một thí dụ.…”. Sự đến của Vương quốc Đức Chúa Trời vẫn đang còn ở trước mặt, và các môn đồ là khán thính giả chính của Ngài. Trước khi chúng ta xem xét ý nghĩa của thí dụ, lý trí chúng ta nhận ra rõ ràng thí dụ nầy và sứ điệp của nó đang nói đến cái gì rồi. Luca bắt đầu thí dụ, bằng cách nói cho chúng ta biết ý nghĩa của thí dụ ấy là: “tỏ ra rằng phải cầu nguyện luôn, chớ hề mỏi mệt” (câu 1).
Thí dụ nói về “quan án không công bình”, cứ gọi như thế, thì chính xác hơn (thí dụ nhấn mạnh điều nầy) thí dụ nói tới người đờn bà goá kiên trì, hay như đã được đề xuất trong đề tựa ở trên, ấy là “người đờn bà goá không chịu bỏ cuộc”. Chúa chúng ta đã đưa ra phần ứng dụng: ấy là sự cầu nguyện không thôi. Nhưng ở đây có hàm ý một vài điểm thực tế, những điểm thực tế rất hiển nhiên trong thời điểm viết ra sách tin lành nầy. Thứ nhứt, sự đến của Vương quốc sẽ không diễn ra ngay lập tức khi các môn đồ ao ước nước ấy sẽ đến ngay (đối chiếu Công vụ Các sứ đồ 1.6). Đã có một nhu cần nhỏ đối với Chúa chúng ta khi dạy các môn đồ Ngài phải bền đỗ trong sự cầu nguyện nếu Nước sẽ đến cách mau chóng. Hàm ý ở đây: ấy là sẽ có một sự chậm trễ (nói theo con người) trước khi Nước Trời đến.
Thứ hai, sẽ có một số ngày khốn khó cho các môn đồ trước khi Nước Trời đến. Lý do là các môn đồ đã “mỏi mệt” (câu 1) vì sự bắt bớ, chống đối, bất công sẽ có cường độ lớn, rồi vì thế họ sẽ có khuynh hướng lấy làm lạ (từ những việc bề ngoài) không biết sự công bình có được thiết lập trên đất hay không!?! Cách sử dụng từ “mỏi mệt” trong phần còn lại của Tân ước thường được gắn liền với nghịch cảnh, rồi vì thế chữ ấy xuất hiện ở đây cũng có ý nghĩa đó, theo ý kiến của tôi (đối chiếu II Côrinhtô 4.1, 16; Galati 6.9 (lưu ý “ngã lòng”); Êphêsô 3.13 (“ngã lòng nhơn sự hoạn nạn”); II Têsalônica 3.13 (“chớ chán mệt sự làm lành”).
Thí dụ nói tới người đờn bà goá bền đỗ là do sự đến của Chúa Giêxu sẽ không xảy có tức thì, nhưng sự đến đó sẽ xảy ra một thời gian về sau nầy. Hơn nữa, trong lần “chậm trễ” nầy, có nhiều người sẽ phản ứng và chống cự Cơ đốc nhân đúng y như họ đã làm với Đấng Christ vậy. Vì thế, có một mối nguy hiểm thực sự của các môn đồ Đấng Christ khi ngã lòng và thôi không cầu nguyện về sự đến của Nước Trời như họ đáng phải thực thi. Điều nầy đã được đề xuất ngay phần mở đầu cũng như ở phần cuối của tiểu đoạn. Những từ sau cùng của Chúa chúng ta trong tiểu đoạn là: “Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?”
Tôi tin Chúa Giêxu đang phán đôi điều giống như vầy: “Các ngươi phải nương vào sự thật là ta sẽ trở lại và ta sẽ đem lại sự công bình trên đất khi ta đến. Vấn đề các ngươi lấy làm lo là không biết ta có làm ứng nghiệm các lời hứa của ta hay không mà thôi, nhưng khi ta trở lại, không biết các ngươi có còn trung tín hay không nữa đấy thôi!” Chúng ta không nên lo lắng về sự thành tín của Chúa, mà chỉ lo về sự trung tín của mình.
Có một sự suy luận khác từ tiểu đoạn nầy, chúng ta cần phải chú ý cho cẩn thận. Lời lẽ của Chúa chúng ta cho thấy không có sự công bình thực, hoàn toàn, và trọn vẹn ở trên đất cho tới chừng Ngài trở lại và thiết lập sự công bình đó trên mặt đất. Lý do mà chúng ta phải bền đỗ cầu nguyện về sự công bình mà đừng mỏi mệt: ấy là sẽ có nhiều điều bất công lắm cho tới chừng Ngài tái lâm. Có một số người dường như cho rằng trong những ngày nầy Đấng Christ sẽ đến với trần gian sau khi chúng ta (Hội Thánh) đã lập ra sự công bình. Nói như thế quyết không thật đâu, trong phân đoạn nầy hay phần còn lại của Kinh Thánh liên quan tới sự đến của Nước Ngài. Bài Giảng Trên Núi nói tới nỗi khổ, than khóc, bắt bớ, và buồn rầu trong hiện tại, cùng ơn phước trọn vẹn khi Ngài đến với Nước của Ngài. Chúng ta đừng nên nhầm lẫn ở điểm nầy.
Và lời nhận xét sau cùng: Chúa Giêxu không kéo sự chú ý của môn đồ đến với lời lẽ của người đờn bà goá, mà đến với lời lẽ của viên quan án không công bình: “Đoạn, Chúa phán thêm rằng: Các ngươi có nghe lời quan án không công bình đó đã nói chăng?” ( câu 6).
Tại sao Chúa Giêxu lôi kéo sự chú ý đến với lời lẽ của viên quan án không công bình, thay vì nhắm vào người đờn bà mà gương của người các môn đồ phải noi theo? Chúng ta hãy giữ lấy thắc mắc nầy trong trí khi chúng ta nghiên cứu thí dụ nầy.
Câu chuyện của Luca khi thuật lại thí dụ bắt đầu với phần giải thích đã cung ứng rồi (câu 1). Thí dụ không bắt đầu với người đờn bà goá, mà bắt đầu với viên quan án không công bình. Sự chú ý được đưa ra nhắm vào viên quan án nầy ở hai chỗ: phần bắt đầu và phần cuối của thí dụ, tôi muốn nói Chúa Giêxu buộc chúng ta phải xem ông ta là nhân vật chính. Viên quan nầy, ở phần phân tích của Chúa chúng ta (câu 2) và bởi phần suy đoán của con người (câu 4), không phải là một người tốt; ông ta không kính sợ Đức Chúa Trời cũng chẳng xem trọng ai. Chính ở chỗ tính tình của viên quan nầy, Chúa chúng ta muốn nhắm vào đó.
Viên quan án không công bình, vô tình nầy liên tục bị người đờn bà goá quấy rầy. Dường như bà ta bị người khác đối xử bất công, và bà ta vì thế kêu nài với quan án hầu cho được xét lẽ công bình. Cái điều đáng mong đợi nơi viên quan án nầy, trên danh nghĩa sự công bình, sẽ công bố đặc ân của bà ta và sẽ buộc kẻ đối xử không đúng với bà ta phải sửa ngay lại mọi sự.
Nói thẳng ra, viên quan án không màng chi đến Đức Chúa Trời và con người. Vì thế ông ta bất chấp, chẳng sợ Đức Chúa Trời cũng chẳng màng gì đến tình cảm nào khác dành cho con người. Chúng ta có thể nói, ông ta rất “vô tư”. Dường như đã có một thời gian trôi qua. Việc sai lầm làm cho người đờn bà goá thì viên quan nầy chẳng cần biết tới, cũng như những lời cầu xin van nài thường xuyên của bà ta. Nếu ông ta bỏ qua hết, viên quan án sẽ chẳng hề quan tâm tới người đờn bà nầy. Thế nhưng bà ta không những chỉ có kêu van thôi đâu! Bà ta bền đỗ, khẩn trương, và kiên trì. Bà ta xin xét lẽ sự công bình.
Viên quan án xiêu lòng trước những lời kêu nài thường trực đó. Ông ta cũng nhận ra mọi hành động của bà ta có ý gây tổn hại cho ông ta như thế nào đó. Bà ta chắc chắn là một mối khó chịu, và thậm chí bà ta như có thái độ đe doạ ông ta nữa. Từ ngữ được dịch: “khuấy rầy ta” trong câu 5 đúng ra nên dịch là “đụng ngay mũi ta” trong phần chú thích của bản Kinh Thánh NASB. Tôi e rằng người đờn bà nầy thực sự có mòi đe doạ, nhưng bà ta dường như đã tỏ ra một thứ đe doạ nào đó. Giờ đây ý đồ tốt nhất của viên quan muốn dành cho người đờn bà những gì bà ta đang có cần, vì vậy ông ta chấp lời thỉnh cầu của bà ta, không phải vì động lực tích cực gì mà vì động lực ích kỷ, muốn bảo vệ mình.
Trước lời thỉnh cầu của các môn đồ, Chúa Giêxu đã dạy cho họ biết rồi một bài học về sự bền đỗ cầu nguyện (đối chiếu Luca 11.1-13, cũng xem các câu 5-9). Các môn đồ được dạy cho biết câu chuyện nói về người bạn, người nầy bởi sự bền đỗ cứ gõ cửa nhà bạn mình, mong sẽ nhận được những gì ông ta cần. Thế thì tại sao Ngài lại dạy dỗ bài học nầy ở đây? Vấn đề nằm trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta đặc biệt là lời cầu nguyện có quan hệ tới sự đến của Nước Đấng Christ. Tôi tin ở đây không phải là sự bền đỗ của người goá phụ là đích nhắm đâu, mà đúng hơn là bổn tánh của Đức Chúa Trời đang cảm động và ban thưởng cho sự bền đỗ.
Viên quan án không công bình đã chấp nhận xét lẽ công bình cho người góa phụ, không phải vì đó là việc phải làm, không phải vì luật pháp Cựu ước đòi hỏi sự công bình, và không phải vì một người goá bụa vô dụng yêu cầu sự công bình đó, mà chỉ vì ý thích của ông ta muốn làm như vậy mà thôi. Viên quan án không công bình chịu xét lẽ công bình, điều ích cho người goá bụa kia vì ông ta sống thật ích kỷ.
Mục tiêu của thí dụ nầy không đặt nơi người đờn bà goá, mà đặt nơi viên quan án không công bình, vì bản chất của ông ta được sử dụng để dạy dỗ chúng ta bằng cách đối chiếu với bổn tánh của Đức Chúa Trời. Người đờn bà cứ khăng khăng trong sự thỉnh cầu của mình vì viên quan kia là một con người gian ác, ông ta chỉ hành xử theo tính tư lợi, và bà ta đã quấy rầy ông ta. Bà ta đã nhận được những gì bà ta muốn từ ông ta vì ông ta sống gian ác muốn đặt sự thoải mái và nhẹ nhàng lên trên mọi sự khác.
Trong sự đối chiếu, Cơ đốc nhân được dạy dỗ phải bền đỗ trong sự cầu nguyện vì cớ bổn tánh của Đức Chúa Trời, bổn tánh nầy ngược lại với bản chất của viên quan kia. Đức Chúa Trời là công bình; còn viên quan kia thì không công bình. Đức Chúa Trời đã chọn lấy các môn đồ Ngài — họ được gọi là “những kẻ đã được chọn” (câu 7), và Ngài quan tâm đến các môn đồ Ngài vì Ngài đã chọn lấy họ. Còn viên quan án không công bình không có một cảm xúc nào và không có một mối liên hệ nào với người goá bụa kia. Ông ta chẳng có chút thương xót gì đối với bà ta, trong khi Đức Chúa Trời có lòng thương xót rất lớn đối với những kẻ mà Ngài đã chọn. Viên quan án không công bình đã chần chừ vì ông ta bất chấp cả con người và Đức Chúa Trời; Chúa Giêxu chần chừ chưa tỏ lòng thương xót cho hạng người có tội, Ngài ban cho họ thì giờ để ăn năn và được cứu. Viên quan án không công bình chỉ lo toan làm sao để làm giảm thiểu đi “nỗi đau” của ông ta mà thôi, trong khi Đấng Quan Án công bình đã đến để gánh chịu nỗi đau khổ của mọi người — cơn thạnh nộ công bình của Đức Chúa Trời — hầu cứu vớt hạng người sa ngã. Viên quan án không công bình đã thể hiện sự công bình một cách chậm chạp và lưỡng lự, còn Đấng Quan Án công bình của toàn thế gian sẽ mau chóng làm ra sự công bình khi Ngài trở lại với đất.
Đây là điểm rất thực về lý do tại sao hạng người tội lỗi từng bày tỏ ra sự công bình. Nói thẳng ra, họ chỉ làm ra sự công bình vì tính tư lợi của riêng họ mà thôi. Đấy không phải là sự công bình giục giã con người cư xử theo sự công bình, mà là tính tư lợi. Các quan chức chính phủ có bổn phận phải thực thi sự công bình, nhưng nếu sự công bình họ bị buộc phải hành xử không nằm trong lợi ích riêng của họ, họ không thu xếp để sự công bình ấy diễn ra, ít nhất một cách mau chóng. Nếu hạng người không công bình không xét lẽ công bình vì sự công bình đó chẳng hứa với họ một sự khoái lạc hay lợi ích nào, thì sự khăng khăng sẽ buộc họ phải hành động theo tư lợi để làm giảm nỗi đau vì cớ sự bền đỗ của chúng ta.
Thật là khác biệt dường bao đối với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là tốt lành. Đức Chúa Trời là ngay thẳng và công nghĩa. Đức Chúa Trời không cần phải bị các thánh đồ Ngài buộc phải tỏ ra sự công bình. Đức Chúa Trời đã hứa làm sự công bình, và Ngài sẽ làm. Tình cảm Ngài dành cho sự công bình, tình cảm Ngài dành cho những kẻ thuộc về Ngài (và lòng thương xót Ngài dành cho kẻ bị áp bức) khiến cho Ngài phải hành động để tỏ ra sự công bình. Chính phương diện tích cực nầy trong bổn tánh Ngài khuyến khích sự bền đỗ của các thánh đồ trong lúc cầu nguyện, khi chính sự gian ác của viên quan án không công bình đòi hỏi sự khăng khăng từ người goá bụa kia. Bổn tánh của Đức Chúa Trời là động lực của chúng ta, nó làm cho chúng ta không được ngã lòng mà cứ luôn luôn ở trong sự cầu nguyện xin cho sự đến của Ngài và sự thiết lập lẽ công bình ở trên đất.
NGƯỜI PHARISI PHÔ TRƯƠNG VÀ NGƯỜI THU THUẾ BIẾT ĂN NĂN (18.9-14)
“Ngài lại phán thí dụ nầy về kẻ cậy mình là người công bình và khinh dể kẻ khác: Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pharasi và một người thâu thuế. Người Pharasi đứng cầu nguyện thầm như vậy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi. Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên”.
Có một số điểm khác biệt cơ bản trong tiểu đoạn thứ hai nầy khi đem so sánh với tiểu đoạn thứ nhứt. Cả hai tiểu đoạn đều chia sẻ lẽ đạo nói về sự cầu nguyện, nhưng những điểm khác biệt rất là lớn. Trong tiểu đoạn thứ nhứt, các môn đồ được nói tới; trong tiểu đoạn thứ hai, thì sự tự xưng công bình được nói tới. Đây là hạng người “cậy mình là người công bình và khinh dể kẻ khác” (câu 9). Trong khi hạng người nầy rất đông hơn người Pharisi, chắc chắn cũng kể luôn người Pharisi trong đó. Trong tiểu đoạn thứ nhứt, chính bổn tánh của Ngài là Đấng mà người ta dâng lời cầu xin được nhắm đến; ở đây, chính bản chất của người đang cầu nguyện được chiếu sáng. Trong tiểu đoạn thứ nhứt, thì sự công bình được người ta tìm kiếm; trong tiểu đoạn thứ hai, thì sự thương xót và sự tha thứ.
Có ba đặc điểm trong nhóm nầy, Chúa Giêxu đang đề cập tới:
(1) Họ đang tin cậy vào bản thân mình và không tin cậy nơi Đức Chúa Trời.
(2) Họ đang tin cậy vào sự công bình riêng của họ, không tin cậy vào ơn thương xót và ân sũng của Đức Chúa Trời.
(3) Họ đang xem khinh nhiều người khác.
Chúa Giêxu đã tô vẽ một bức tranh bằng lời nói về hai con người, Ngài dạy một bài học bằng cách đối chiếu. Cả hai người đều lên đền thờ để cầu nguyện. Người thứ nhứt là một người dòng Pharisi. Ông ta rõ ràng là người bày tỏ ra ba đặc điểm mà Chúa chúng ta mô tả như được tóm tắt trên đây. Còn người kia là một người thu thuế. Bởi những thứ bề ngoài phù hợp với hệ thống giá trị của người dòng Pharisi, chẳng có một thắc mắc nào về ai là người công bình và ai là tội nhân, không có gì phải nghi ngờ về ai sẽ vào Nước Trời và ai sẽ bị loại ra.
Chúa Giêxu đã chất chứa một nỗi kinh ngạc nơi phần khán thính giả của Ngài, như thường lệ. Ngài tiếp tục với câu chuyện, bắt đầu với phần mô tả lời cầu nguyện của người Pharisi. Người Pharisi nầy đi lên đền thờ, ông ta đứng mà cầu nguyện, rồi như thường lệ, người thu thuế cũng làm y như vậy (câu 13). Người Pharisi đứng cách xa người thu thuế (câu 13) và chúng ta biết mọi sự từ nội dung câu chuyện (Luca 14.7), tôi cho rằng người Pharisi nầy đã tìm một chỗ nổi bật nhất, trong khi người thu thuế đã tìm một chỗ tránh con mắt của quần chúng. Người Pharisi muốn người ta trông thấy mình và muốn được nhiều người vỗ tay tán thưởng (16.15); người thu thuế không như vậy, ngay cả không dám ngước mắt nhìn lên trời nữa (18.13).
Theo tôi hiểu phân đoạn Kinh Thánh, thì lời lẽ gán cho người Pharisi nầy là lời lẽ mà ông ta đã nói ra, mà đúng hơn là những điều mà ông ta nghĩ về bản thân mình. Chúa Giêxu vốn biết rõ tư tưởng của con người (5.22; 6.8; 12.16-19) và có thể bày tỏ chúng ra. Người Pharisi kia lắm mưu mẹo đến nỗi không nói ra những gì mà ông ta suy nghĩ. Lời lẽ của ông ta nghe chưa đủ sự kỉnh kiền. Ông ta ao ước, giả hình đến nỗi ông ta cần phải tỏ ra mình thật là kỉnh kiền cho những người chỉ nhìn thấy dáng dấp bề ngoài của mọi việc. Vì thế, trong câu chuyện của Mathiơ chúng ta đọc thấy sự tố giác nầy từ nơi Chúa:
“[Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pharisi, là kẻ giả hình! vì các ngươi làm bộ đọc lời cầu nguyện cho dài mà nuốt nhà đờn bà góa; vì cớ đó, các ngươi sẽ bị đoán phạt nặng hơn.]” (Mathiơ 23.14).
Chúa Giêxu đã vạch trần mọi sự nầy bằng cách chỉ ra người Pharisi thực sự đang suy tính gì khi ông ta tỏ ra mình như đang khẩn nguyện. Vì cớ đó Luca cho chúng ta biết rằng người Pharisi nầy đang “đứng cầu nguyện thì thầm” (câu 11). Từ dáng dấp bên ngoài, người Pharisi trông dường như muốn ăn năn vậy. Từ chiều dài của lời cầu nguyện của ông ta, người ta sẽ nghĩ ông ta đang xưng ra các thứ tội lỗi hoặc ít nhất đang cầu nguyện cho “nhiều tội lỗi” của người khác. Câu chuyện vốn mô tả như thế.
Hãy xem xét cùng với tôi vài đặc điểm trong lời “cầu nguyện” của người Pharisi:
(1) Thái độ của người Pharisi là thái độ tự tín, tự xưng công bình, và là sự khinh miệt đối với người khác. Đây chính là các thái độ mà Chúa Giêxu đã nhấn mạnh ngay lúc khởi đầu của thí dụ. Đây là các thái độ đã đánh dấu khán thính giả của Chúa Giêxu và người dòng Pharisi.
(2) Tiêu chuẩn bởi đó người Pharisi xét lẽ công bình và không công bình là tạm thời, chỉ tựu trung vào các việc làm bề ngoài hơn là trong tấm lòng. Đây là một danh sách chọn lọc những thứ tội lỗi mà người Pharisi đã liệt kê ra, cũng y như “những việc làm công bình” đã được chọn lọc vậy. Cho nên chẳng có gì phải ngạc nhiên khi thấy người nầy chọn nhắm vào những gì ông ta tưởng là sức mạnh của mình và thu nhỏ hoặc bất chấp tội lỗi của mình.
(3) Người Pharisi đã tự mình xét đoán trong những giới hạn của các tội lỗi kia, là những điều mà xã hội thấy không thể chấp nhận được. Nói cách khác, người Pharisi suy tưởng trong các giới hạn của “lỗi lầm” hơn là trong các giới hạn của “tội lỗi”. Lừa đảo, bất công, tà dâm, và những người thu thuế hết thảy được xem là “không thật thà”. Một lần nữa, các tiêu chuẩn của con người được chú trọng đến. Những việc mà người Pharisi xem nhẹ là lỗi lầm chính là những việc mà xã hội xem là không thể chấp nhận (đối chiếu Luca 16.14-18).
(4) Tiêu chuẩn mà người Pharisi đã sử dụng là tương đối, chớ không phải tuyệt đối. Người Pharisi đã không sử dụng Luật pháp làm tiêu chuẩn của mình để đánh giá sự công bình; mà đúng hơn, ông ta đã tự ví sánh mình với người thu thuế. Ông ta đã nhìn thấy mình là công bình chỉ vì ông ta, theo ý của ông ta, là tốt hơn người thu thuế.
(5) Người Pharisi dạn dĩ đến gần Đức Chúa Trời, dường như không màng chi đến sự thánh khiết của Ngài hoặc với một ý thức về sự nên thánh của chính mình. Ông ta dường mong mỏi Đức Chúa Trời phải biết ơn về sự hiện diện cùng những lời cầu nguyện của ông ta.
(6) Người Pharisi đã cảm tạ Đức Chúa Trời không gì khác hơn những điều ông ta đã làm, trong và thuộc về ông ta. Không có nhắc gì tới sự giàu ơn của Đức Chúa Trời, không có một sự nhìn biết nào về sự được Đức Chúa Trời chúc phước cho. Mọi sự nầy người Pharisi đã cảm tạ Đức Chúa Trời vì đấy là những gì ông ta đã đạt được cho bản thân mình.
(7) Người Pharisi không cầu xin Đức Chúa Trời một thứ gì, vì ông ta không tin rằng ông ta có thiếu thốn một thứ gì đó. Người Pharisi là kẻ tự mãn. Ông ta chỉ tin cậy vào bản thân mình, và ông ta nghĩ mình đầy đủ rồi; vì thế ông ta chẳng xin Đức Chúa Trời một điều chi hết. Trong khi một số người trong chúng ta sẽ xin quá nhiều hay quá thường xuyên, con người nầy đã không xin một thứ gì cả.
(8) Người Pharisi nầy không những nhìn thấy chính mình như tuân theo đầy trọn đối với Luật pháp, nhưng ông ta đã suy nghĩ rằng ông ta đã vượt trỗi hơn luật pháp rồi. Luật pháp không đòi hỏi mọi thứ mà người Pharisi nầy xưng là đã làm ra cho Đức Chúa Trời trong việc tuân giữ luật pháp, với sự chú trọng vào các hành động bề ngoài của sự thờ lạy và phục vụ tôn giáo. Đây là hình ảnh thu nhỏ của sự kiêu căng. Luật pháp đã được ban ra làm một tiêu chuẩn cho sự công bình, để tỏ ra cho mọi người thấy họ là hạng tội nhân. Luật pháp giới thiệu cho con người với một tiêu chuẩn khó thực hiện, nó tỏ ra rằng việc làm không thể giải cứu và con người phải ném mình trên sự thương xót và ân sũng của Đức Chúa Trời. Nhưng người Pharisi nầy không những nhận lãnh một điểm “A” trong sự vâng phục đối với luật pháp, ông ta tưởng mình đang có điểm “A+”.
(9) Người Pharisi đang tràn ngập với lòng tự ái, song lại thiếu tình cảm dành cho Đức Chúa Trời và tình cảm đối với con người. Trong thời của chúng ta, chúng ta đang được truyền dạy cho biết nan đề của con người: ấy là con người nghĩ quá ít về bản thân mình. Tự đánh giá thấp kém bị ai đó nhìn biết là nguyên nhân của căn bịnh của từng người một. Người Pharisi nầy có nhiều điều trổi hơn cả lòng tự ái nữa, nhưng ông ta có tình cảm dành quá ít cho cả Đức Chúa Trời và con người. Người nào nói cho chúng ta biết trước hết chúng ta phải yêu bản thân mình, trước khi chúng ta có thể kính yêu Đức Chúa Trời hoặc yêu thương kẻ lân cận như mình, người ấy cần phải xem lại điều mà họ đang tin.
Người thu thuế thì ngược lại. Dường như ông ta tránh né sự chú ý của công chúng, và khán thính giả duy nhất mà ông ta nghĩ tới chính là Đức Chúa Trời. Ông ta không dám nhìn lên trời. Ông ta biết mình là một tội nhân, và ông ta ăn năn một cách thành thật. Ông ta là người được phước, là người hiện đang “than khóc”, như Chúa chúng ta đã nói trong Bài Giảng Trên Núi (Luca 6.21). Ông ta chẳng trông vào bất kỳ một sự công bình nào mà ông ta đã có được, mà chỉ trông vào những gì Đức Chúa Trời ưng chuẩn phát xuất từ ân điển và lòng thương xót mà thôi! Ông ta chẳng dâng gì cho Đức Chúa Trời, trừ ra sự ăn năn của mình. Ông ta cầu xin Đức Chúa Trời thương xót và tha thứ cho mọi tội lỗi của ông ta. Ông ta cũng chẳng để ý tới người Pharisi đang đứng ở đàng kia, cũng chẳng để ý tới ai khác. Ông ta không có một sự so sánh nào để đưa ra giữa bản thân mình và người khác. Ông ta chỉ nhìn thấy bản thân mình đang đi ngược lại với tiêu chuẩn Luật pháp và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời khi ông đang đứng trước sự hiện diện của Ngài. Thực vậy, ông ta nhìn thấy tội lỗi của mình lớn lao đến nỗi ông cho rằng mình chính là “tội nhân”. Trong lý trí của ông ta, chẳng có ai đáng sánh với ông ta trong sự sa ngã, trong khi lý trí của người Pharisi, chẳng có ai đáng sánh với sự công bình của ông ta hết. Người thu thuế không dám đưa ra một lời hứa nào là mình sẽ làm gì trong tương lai. Thực ra đây là sự hạ mình, thành thật, và ăn năn chân chính.
Giống như Chúa Giêxu đã phán, Ngài tỏ ra mọi tư tưởng của con người, cũng một thể ấy Ngài hiện đang phán dạy về Đức Chúa Trời. Người Pharisi sẽ ra về y như ông ta đến, kiêu ngạo, tự xưng công bình, và hay xét đoán. Còn người thu thuế biết ăn năn sẽ ra về được xưng công bình, vì ông ta đã đến với Đức Chúa Trời như một tội nhân trên cơ sở bổn tánh của Đức Chúa Trời — ân điển, sự thương xót của Ngài — và sự tiếp trợ của Ngài (về sự cứu rỗi qua sự chuộc tội).
Theo Chúa Giêxu, không một người nào tội lỗi quá quắt đến nỗi không thể cứu được, mà chỉ quá công bình thôi! Không những người Pharisi không muốn nhận lấy ân điển của Đức Chúa Trời, ông ta còn xem khinh ân điển đó nữa. Trong lý trí của tôi, lý do là ông ta không cần ân điển ấy, vì cớ sự công bình của ông ta (trong việc tuân giữ luật pháp như ông ta đã xác định) là đủ rồi, thực thế, còn hơn là đủ nữa. Tội nhân biết ăn năn ra về được xưng công bình, bởi ân điển, trong khi người Pharisi ra về bị xét đoán, bởi việc làm và lời nói của chính mình.
PHẦN KẾT LUẬN:
Có hai yếu tố cơ bản nằm trong lời cầu nguyện của chúng ta. Thứ nhứt, theo các câu 1-8, là sự bền đỗ dựa theo bổn tánh của Đức Chúa Trời. Thứ hai, theo các câu 9-14, là sự ăn năn (hạ mình, ăn năn, dựa theo bản chất của chúng ta, hoặc tôi phải nói là thiếu ăn năn). Hai phân đoạn nói về sự cầu nguyện phải đi chung với nhau, tôi tin như thế, vì sẽ có một sự cân đối trong phương thức chúng ta tiếp cận Đức Chúa Trời. Mặt khác, chúng ta có thể cầu nguyện với sự bền đỗ xin cho Nước Trời mau đến và cho việc lập lại sự công bình ở trên đất, với sự nhận biết bổn tánh của Đức Chúa Trời đảm bảo với chúng ta rằng Ngài sẽ đến, Ngài đang lắng nghe và đáp trả cho lời cầu nguyện của chúng ta, Ngài sẽ mau mau đem lại sự công bình.
Mặt khác, chúng ta không bỏ qua sự thật là khi chúng ta đến với Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện chúng ta phải đến với nhận thức của bổn tánh sa ngã của chúng ta. Vì thế, trong khi chúng ta cầu nguyện xin cho có sự công bình, chúng ta cũng cầu nguyện xin sự thương xót nữa, vì chúng ta hoàn toàn không xứng nhận được bất cứ điều chi khác trừ ra cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Tôi e rằng một người Pharisi tự xưng công bình có thể nói “Amen” với những điều Chúa Giêxu đã dạy dỗ trong các câu 1-8. Có lẽ họ đã lấy làm tự hào nơi những lời cầu nguyện bền đỗ của họ về sự đến của Nước Trời. Nhưng Nước mà họ tìm kiếm là một loại vương quốc hoàn toàn khác biệt. Đó là một Nước mà họ mong kiếm được và trong lý trí của họ, họ xứng đáng nhận được. Đó là một Nước mà Đức Chúa Trời đưa đến trên đất như một nghĩa vụ dựa theo sự vâng phục đầy đủ (thực ra, còn hơn thế nữa) luật pháp của họ.
Chúng ta đừng bao giờ cho rằng người dòng Pharisi tự xưng công bình chắc sẽ được cứu. Họ không được cứu đâu. Bởi lời tuyên xưng của chính ông, một trong những người Pharisi tự xưng công bình nhất đã được cứu để trở thành một sứ đồ cho dân Ngoại, một sứ đồ đã bị ân điển của Đức Chúa Trời bắt làm phu tù. Thế nhưng để được cứu, Saulơ, là người đã trở thành Phaolô, đã cho rằng hết thảy “vốn quý” trong việc tự xưng công bình của mình mà ông từng lấy làm tự hào trước kia chỉ là “của nợ”, giống như “rác rưỡi”, không hơn không kém. Phaolô giờ đây cảnh báo hạng độc giả của ông nên chống lại những kẻ dạy sự công bình bởi việc làm:
“Hãy coi chừng loài chó; hãy coi chừng kẻ làm công gian ác; hãy coi chừng phép cắt bì giả. Vì, ấy chính chúng ta là kẻ chịu phép cắt bì thật, là kẻ cậy Đức Thánh Linh Đức Chúa Trời mà hầu việc Đức Chúa Trời, khoe mình trong Đấng Christ, và không để lòng tin cậy trong xác thịt bao giờ. Ấy chẳng phải tôi không có thể cậy mình trong xác thịt đâu. Ví bằng kẻ khác tưởng rằng có thể cậy mình trong xác thịt, thì tôi lại có thể bội phần nữa, tôi chịu phép cắt bì ngày thứ tám, về dòng Ysơraên, chi phái Bêngiamin, người Hêbơrơ, con của người Hêbơrơ; về luật pháp, thì thuộc phe Pharasi; về lòng sốt sắng, thì là kẻ bắt bớ hội thánh; còn như về sự công bình của luật pháp, thì không chỗ trách được. Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy. Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin; cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết. Ấy không phải tôi đã giựt giải rồi, hay là đã đến nơi trọn lành rồi đâu, nhưng tôi đương chạy hầu cho giựt được, vì chính tôi đã được Đức Chúa Jêsus Christ giựt lấy rồi. Hỡi Anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quyên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Philíp 3.2-14).
Nước của người Pharisi là một Nước riêng biệt. Đó là một Nước mà hạng “tội nhân” bị loại ra khỏi Nước đó. Những kẻ giống như người thu thuế và, tệ hại như người Samari và người dân Ngoại, sẽ không có phần gì trong Nước nầy. Nước của họ, đã cho phép, đúng ra là khích lệ họ phải xem khinh những ai chưa sạch đang ở bên ngoài. Nước của họ không có một điều gì phải làm với ân điển và lòng thương xót, mà chỉ với công trạng của họ mà thôi, và vì vậy những ai thất bại không sống nổi với các tiêu chuẩn của hệ thống Pharisi đều bị lẫn tránh, và đúng như thế trong lý trí của họ.
Một hệ thống cứu rỗi nhắm vào việc làm dẫn tới sự kiêu ngạo, và sự kiêu ngạo dẫn tới chỗ xem khinh người khác. Ân điển thì ngược lại. Ân ấy nhìn xem mọi người như bị xét đoán bởi luật pháp, mà chẳng có một sự phân biệt, một sự ngoại lệ nào. Ân ấy nhìn xem mọi người như đang được cứu chỉ vì ân điển của Đức Chúa Trời, qua huyết của Đấng Christ đã đổ ra:
“Vả, chúng ta biết rằng những điều mà luật pháp nói, là nói cho mọi kẻ ở dưới luật pháp, hầu cho miệng nào cũng phải ngậm lại, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời; vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi. Nhưng hiện bây giờ, sự công bình của Đức Chúa Trời, mà luật pháp và các đấng tiên tri đều làm chứng cho, đã bày tỏ ra ngoài luật pháp; tức là sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi sự tin đến Đức Chúa Jêsus Christ, cho mọi người nào tin, chẳng có phân biệt chi hết, vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Roma 3.19-24).
Đây là lý do Phaolô đã phản ứng khá mạnh với Phierơ khi ông lui ra không ăn với người Ngoại, để chiều theo người Do thái, là những người đã đến đó, họ rất xem khinh người dân Ngoại. Đối với Phaolô, hành động như thế là một kiểu hành động sai lầm tệ hại, vì đó là một sự chối bỏ tin lành và sự bình đẳng mà tin lành đem lại cho hết thảy những ai đã được cứu chỉ duy bởi ân điển (đối chiếu Galati 2.14-21).
Một trong những nhà giải kinh về phân đoạn nầy đã chỉ ra một chỗ “cong” thú vị trên phần giải thích và ứng dụng phân đoạn Kinh Thánh nầy về người Pharisi tự xưng công bình. Để chỉ ra trong nền văn hoá của chúng ta, người Pharisi và người thu thuế đã làm thay đổi nhiều địa vị, T. W. Manson kể rằng giờ đây tội nhân cảm tạ Đức Chúa Trời vì người không còn tự mãn và giả hình mà tự xưng công bình nữa, giống như người Pharisi vậy.
“‘Đây là một trong những dấu hiệu của thời buổi chúng ta cho thấy người Pharisi và người thu thuế đã làm thay đổi nhiều địa vị; và đây là người thu thuế trong thời hiện đại đã nghe giảng, ông ta đã cảm tạ Đức Chúa Trời vì ông ta không sống giống như kẻ bịp bợm giả hình, đạo đức giả, và không biết tới sự vui mừng kia; sự ngăn trở chủ yếu của họ, ấy là họ đã lấy tôn giáo của họ làm trọng. Người thu thuế nầy là kẻ xấu xa; và ông ta vốn biết rõ như thế. Ông ta đã cầu xin sự thương xót của Đức Chúa Trời vì sự thương xót là việc duy nhất mà ông ta dám cầu xin mà thôi’ ”.
Chẳng có gì hấp dẫn trong việc trở thành một tội nhân biết ăn năn hoàn toàn, dù trước đó là một kẻ giả hình. Có người, thấy sự giả hình là một tội hay có, nhưng không thể dung chịu được (nơi người khác), đã đạt tới chỗ tự hào khi bày tỏ công khai, thậm chí khi lên tới điểm khoe khoang tội lỗi của họ. Chẳng có gì tốt đẹp về sự khoe khoang nầy.
ỨNG DỤNG:
Một số ứng dụng có trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta. Cho phép tôi kết luận bằng cách chỉ ra những phần ứng dụng nầy cho quí vị xem xét:
(1) Chúng ta không nên trông mong một hệ thống cầm quyền theo dị giáo hành xử phát xuất từ những gì tốt đẹp, tin kính, hay hiệu quả, vì họ sẽ hành xử phát xuất từ chỗ tư lợi mà thôi. Viên quan án theo dị giáo, trong khi chỉ là một nhân vật trong thí dụ, lại là một kiểu mẫu để nói tới những ai đang ở trong các địa vị quyền lực trong chính phủ. Chúng ta tự dối mình khi chúng ta nghĩ con người sẽ làm theo điều chi là đúng vì điều ấy đúng. Nói chung, con người làm theo điều chi đúng khi việc ấy góp phần vào mọi tư lợi của họ. Tôi thấy bạn bè của tôi, những nghị sĩ hay chú ý tới các bức thư và những cú gọi từ những cuộc bầu cử của họ, chủ yếu vì họ muốn tái đắc cử. Khi chúng ta tìm cách khuyên các viên chức chính quyền nên hành xử vì cớ sự công bình, chúng ta hãy nhớ rằng họ sẽ hành động theo một phương thức họ tin sẽ đem lại nhiều lợi ích cho họ nhất.
(2) Phong trào truyền giáo, ai cũng biết là “phong trào tái thiết”, dường như không thích ứng với sự thật Chúa chúng ta luôn luôn nói về một thế giới bất công cho tới chừng nào Ngài đến, khi ấy Ngài sẽ mang theo sự công bình. Có những người muốn nói cho chúng ta biết rằng chúng ta phải đem lại sự công bình ở trên đất, và rồi Nước Đức Chúa Trời sẽ đến. Tôi hiểu sự nầy theo một trình tự ngược lại: Chúa Giêxu đến, và rồi Ngài thiết lập sự công bình. Cho tới lúc đó, chúng ta đừng ngã lòng, nhưng chúng ta phải liên tục trong sự cầu nguyện cho sự đến của Nước Trời. Chúng ta không thôi tranh đấu để thực thi và khuyến khích sự công bình, nhưng chúng ta không nên tự lừa dối mình khi suy nghĩ rằng chúng ta sẽ đem sự công bình đến, mà không cần sự tái lâm của Chúa.
(3) Thí dụ nói về người Pharisi và người thu thuế cung ứng cho chúng ta sự hiểu biết có giá trị, cùng sự quan tâm đến việc tự đánh giá. Nếu ai đó “yêu cái tôi của mình”, người Pharisi đã có thứ tình cảm đó, mà lại nhiều nữa. Nếu ai đó có “tự nhận thức về bản thân nghèo khó”, người thu thuế đã có hình ảnh đó. Sao chúng ta ưa nói “tự nhận thức về bản thân nghèo khó” là một sự rủa sả và “tự nhận thức về bản thân tốt lành” là một ơn phước khi Chúa Giêxu phán theo chiều ngược lại? “Tự nhận thức về bản thân nghèo khó” là một khái niệm chắc chắn, vì chúng ta là hạng tội nhân, và nhận thức đó sẽ là sự khởi đầu của ơn phước kỳ diệu nhất mà Đức Chúa Trời từng ban cho con người — đó là sự cứu rỗi. Ơn cứu rỗi bắt đầu với sự nhận biết chúng ta là hạng tội nhân, không xứng đáng với ơn phước của Đức Chúa Trời, và vì thế chúng ta phải tìm kiếm Ngài trên cơ sở ân điển và sự thương xót của Ngài, và không chiếu theo điều “giá trị” của chúng ta. Tôi e rằng đối với nhiều người, giống như người Pharisi, một sự “tự nhận tốt đẹp về mình” được kết với việc tự xưng công bình. Chúng ta để cho Chúa chúng ta xác định một sự “tự nhận thức về mình tốt đẹp” thực sự tốt và xấu ở chỗ nào!?!
(4) Một ngày sắp tới đây khi mọi tư tưởng của lòng chúng ta sẽ được bày tỏ ra cách công khai. Kinh Thánh thường nói tới sự thật rằng không phải tất cả tội lỗi đều tỏ tường ngay tức khắc đâu (thí dụ, I Timôthê 5.24), nhưng một ngày kia chúng sẽ bị đưa ra tỏ tường (Roma 2.15-16; I Côrinhtô 4.5; II Côrinhtô 10.17-18). Chúng ta phải biết chắc rằng tội lỗi chúng ta sẽ chỉ ra chúng ta, hay tôi muốn nói rằng tội lỗi chúng ta sẽ bị bày ra. Chúng ta không cần chờ đợi cho tới khi ấy, vì Thánh Linh của Đức Chúa Trời (I Côrinhtô 2) và Lời Đức Chúa Trời đã được ban ra để phơi bày mọi tội lỗi kín nhiệm hầu cho chúng cần phải bị xử lý ngay bây giờ mà không phải về sau (đối chiếu Hêbơrơ 4.12-13). Chúng ta hãy, giống như David, nhìn xem Đức Chúa Trời làm cho mọi tội lỗi kín nhiệm của chúng ta bị phơi bày ra, hầu cho chúng ta có thể tìm kiếm ân điển Ngài trong sự tha thứ và trong sự quên lãng đối với chúng (đối chiếu Thi thiên 19.12; 139.23-24).
(5) Không có sinh hoạt nào là “thiêng liêng” được miễn trừ không có các động lực và hành động tội lỗi. Người Pharisi trông dường “kỉnh kiền” kia bị coi là gian ác cực độ khi mọi tư tưởng và động lực của ông ta đã được Chúa chúng ta tỏ ra. Thậm chí trong hành vi “cầu nguyện” (hay ít nhất với dáng vẻ bề ngoài của sự ấy) sẽ là tội lỗi lớn lao lắm. Một số Cơ đốc nhân dường như nghĩ rằng các sinh hoạt nào đó là kỉnh kiền một cách máy móc, thí dụ như giảng đạo chẳng hạn. Họ bị sốc khi sự kiêu ngạo, hoặc quyền lực nhỏ nhặt, hay tham lam, hoặc phi đạo đức của các nhà truyền đạo bị bày ra. Họ không nên ngây thơ như vậy. Không một hành động nào được miễn trừ khỏi sự cám dỗ và sự sa ngã của con người. Từng hành động, thậm chí là kỉnh kiền nhất, đã bị nhơ nhuốc bởi tội lỗi chúng ta. Chúng ta hãy tỉnh thức khi cho rằng có những sinh hoạt không cứ cách nào đó được miễn trừ không có tội lỗi.
Nguyện Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự khiêm nhường, sự ăn năn, đời sống cầu nguyện, và ân điển mà Ngài đã ban cho người thu thuế nầy. Và nguyện Đức Chúa Trời giải cứu chúng ta ra khỏi thái độ kiêu ngạo và tự xưng công bình của người Pharisi. Nguyện Đức Chúa Trời đem lẽ công bình và sự thương xót đến, vì cớ Ngài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét