Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Luca 14.1-24: "BỮA ĂN TẠI NHÀ NGƯỜI PHARISI"



Phần giới thiệu
Một người bệnh, một sự chữa lành trong ngày sa-bát, và một sự im lặng ảm đạm (14.1-6)
Thứ bậc trên dưới và địa vị: Một thí dụ về sự nghịch ly (14.7-11)
Nguyên tắc chỉ đạo cho danh sách thực khách (14.12-14).
Chúa Jêsus chuyển sang tiệc yến lớn (14.12-14)
Phần kết luận.
BÀI 48
BỮA ĂN TẠI NHÀ NGƯỜI PHARISI
(Luca 14.1-24)
Luca 14.1-24: “Một ngày Sa-bát, Đức Chúa Jêsus vào nhà một người kẻ cả dòng Pha-ri-si để dùng bữa, những người ở đó dòm hành Ngài. Số là có một người mắc bịnh thủy thũng ở trước mặt Ngài. Đức Chúa Jêsus cất tiếng hỏi thầy dạy luật và người Pha-ri-si rằng: Trong ngày Sa-bát, có nên chữa bịnh hay không? Họ đều làm thinh. Ngài bèn đem người bịnh chữa lành, rồi cho về. Đoạn, Ngài phán cùng họ rằng: Nào có ai trong các ngươi, đang ngày Sa- bát, nếu có con trai hay là bò mình té xuống giếng mà không kéo liền lên sao? Họ không đối đáp gì về điều đó được. Ngài thấy những kẻ được mời đều lựa chỗ ngồi trên, nên phán cùng họ thí dụ nầy: Khi người ta mời ngươi dự tiệc cưới, chớ ngồi chỗ cao nhất, vì e rằng trong những khách mời có ai tôn trọng hơn ngươi, người đứng mời sẽ đến nói cùng ngươi rằng: Hãy nhường chỗ cho người nầy ngồi, mà ngươi xấu hổ vì phải xuống chỗ chót chăng. Nhưng khi ngươi được mời, hãy ngồi chỗ chót, người đứng mời sẽ đến nói cùng ngươi rằng: Hỡi bạn, xin ngồi lên cao hơn. Vậy thì điều đó sẽ làm cho ngươi được kính trọng trước mặt những người đồng bàn mình. Bởi vì ai tự nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên. Ngài cũng phán với người mời Ngài rằng: Khi ngươi đãi bữa trưa hoặc bữa tối, đừng mời bạn hữu, anh em, bà con và láng giềng giàu, e rằng họ cũng mời lại mà trả cho ngươi chăng. Song khi ngươi đãi tiệc, hãy mời những kẻ nghèo khó, tàn tật, què, đui, thì ngươi sẽ được phước, vì họ không có thể trả lại cho ngươi; đến k" kẻ công bình sống lại, ngươi sẽ được trả. Một người đồng tiệc nghe lời đó, thì thưa Ngài rằng: Phước cho kẻ sẽ được ăn bánh trong nước Đức Chúa Trời! Nhưng Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Có người kia dọn tiệc lớn, mời nhiều người ăn. Khi đến giờ ăn, sai đầy tớ mình đi nói với những kẻ được mời rằng: Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi. Song họ đồng tình xin kiếu hết. Người thứ nhất nói rằng: Tôi có mua một đám ruộng, cần phải đi coi; xin cho tôi kiếu. Kẻ khác rằng: Tôi có mua năm cặp bò, phải đi xem thử; xin cho tôi kiếu. Kẻ khác nữa rằng: Tôi mới cưới vợ, vậy tôi đi không được. Đầy tớ trở về, trình việc đó cho chủ mình. Chủ bèn nổi giận, biểu đầy tớ rằng: Hãy đi mau ra ngoài chợ, và các đường phố, đem những kẻ nghèo khó, tàn tật, đui, què vào đây. Sau lại đầy tớ trình rằng: Thưa chủ, điều chủ dạy, đã làm rồi, mà hãy còn thừa chỗ. Chủ nhà lại biểu rằng: Hãy ra ngoài đường và dọc hàng rào, gặp ai thì ép mời vào, cho được đầy nhà ta. Vì, ta nói cùng các ngươi, trong những kẻ đã mời trước, không có ai được nếm bữa tiệc của ta đâu”.
Phần giới thiệu
Bàn tiệc là (hay ít nhất là) bàn đặt ở giữa ngôi nhà. Hãy suy nghĩ tới một số ký ức nồng ấm nhất của quý vị, và đa phần trong số đó được kết với bữa ăn. Lễ Cảm Tạ, Lễ Giáng Sinh, và Lễ Phục Sinh, thường có một số ký ức về bữa ăn, sự thông công và vui vẻ.
Trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, cả đoạn đều tựu trung vào bàn tiệc. Một kẻ cả thuộc dòng Pharisi đã mời Chúa Jêsus đến dự tiệc tại nhà mình. Một số việc đã diễn ra tại bàn tiệc, song chẳng có một điều nào là vui vẻ hết. Thực vậy, tôi có khuynh hướng nghĩ rằng khi hầu hết mọi người đều ngồi vào bàn tiệc nầy trở về nhà ngay lập tức hoặc bước ngay vào tiệm thuốc tây để mua thuốc xổ. Dĩ nhiên là họ không có thuốc xổ đâu, nhưng nếu họ gặp phải những việc như vậy, họ sẽ sử dụng ngay sau khi ăn xong. Rốt lại, đây là trường hợp chẳng vui chút nào hết. Đây không phải là lúc để trò chuyện thân mật và tiếp đãi hậu hỉ. Đây là lúc ủ rũ, ảm đạm, về sự bạc bẽo, về sự thủ lợi nơi phần của những người thuộc dòng Pharisi đang có mặt. Đây là thời điểm quở trách và cảnh cáo nhẹ từ môi miệng của Chúa chúng ta. Đây không phải là một bữa ăn vui vẻ. “Chỗ căng thẳng trong phân đoạn Kinh Thánh” (như đôi lúc tôi đã đề cập tới) ở đây là mối căng thẳng hiện hữu giữa Chúa Jêsus và những người đang ngồi tại bàn tiệc với Ngài.
Bữa ăn diễn ra vào ngày Sabát. Các vấn đề đã được đưa ra với phần đối chất về tình trạng hợp pháp của sự chữa lành một người vào ngày Sabát (các câu 1-6). Người dòng Pharisi yên lặng và rầu rĩ đứng xem khi Chúa Jêsus chữa lành cho một người mắc bệnh thuỷ thủng. Họ vẫn giữ im lặng khi Chúa Jêsus hỏi họ chữa lành vào ngày Sabát có được hay không, và họ càng im lặng thêm khi Chúa Jêsus chỉ ra tình trạng giả hình của họ đối với việc tuân giữ ngày Sabát.
Khi thực khách dành lợi không chính đáng về phía mình tại bàn tiệc, Chúa Jêsus cũng phán về điều ác nầy (các câu 7-11). Trong khi họ tin rằng “chiếm chỗ cao nhất” về mặt xã hội đòi hỏi sự tự khẳng định và tìm kiếm địa vị, Chúa Jêsus nói cho họ biết phương thức ngồi chỗ cao nhất là nên ngồi ở chỗ thấp nhất. Địa vị mà người ta kiếm được phải bằng cách từ bỏ nó. Một người được tôn cao là do tự hạ mình xuống, Chúa Jêsus phán vậy.
Khi ấy Chúa tiếp tục phán, đặc biệt nhắm thẳng vào chính chủ tiệc (các câu 12-14). Ông ta đã đứng mời tất cả hạng người xuất chúng đến dự trong cơ hội nầy. Chúa Jêsus phán cùng ông ta rằng trong khi có nhiều người dường như muốn nhận lãnh nhiều hơn khi đứng mời bạn bè, gia đình, và hạng người nổi bật đến dự tiệc, vì họ sẽ được mời trả lại. Người ta sẽ được Đức Chúa Trời ban thưởng theo thông lệ của thiên đàng khi họ đứng mời những người chẳng có chi để mời trả lại – kẻ nghèo khó, người tàn tật, kẻ què, và người đui.
Những lời nói sau cùng của Chúa chúng ta trong phân đoạn nầy sẽ là những lời lẽ gây rắc rối nhất cho những ai đang hiện diện tại bàn tiệc (các câu 15-24). Lúc bấy giờ, tôi tin rằng có nhiều việc rất căng, nên quý vị sẽ muốn cắt bầu không khí ấy bằng một con dao. Những lời lẽ sau cùng của Chúa Jêsus phá vỡ sự im lặng và chẳng chút chi là thoải mái hết (và trong lời đáp của Ngài, phần nào Ngài có nhắc tới “sự sống lại của người công bình”, câu 14), có người đã kêu lên: “Phước cho kẻ sẽ được ăn bánh trong nước Đức Chúa Trời” (câu 14). Lời đáp của Chúa Jêsus càng gây cho họ bực mình thêm. Ngài tiếp tục thuật lại một thí dụ cho khán thính giả của Ngài biết rằng trong khi đến dự tại bàn tiệc của thiên đàng (nghĩa là, nước Đức Chúa Trời) sẽ là một ơn phước, đó là một ơn phước mà họ sẽ kinh nghiệm. Thực vậy, Chúa Jêsus chỉ ra rằng hạng người nổi bật sẽ xem thường những lời mời đưa ra cho họ và thực khách sẽ là những người mà họ không biết trước, thực vậy, họ không hề được mời vào bàn tiệc đâu.
Tôi gọi đề tựa của sứ điệp nầy là “Trao Đổi Nơi Bàn Tiệc”, song chẳng có sự thân mật, tuỳ tiện, “trao đổi bên lò lửa”, họ đang có những lời lẽ châm chích quở trách những kẻ chưa tiếp nhận Chúa Jêsus làm Đấng Mêsi của Israel. Đó là câu nói gây sốc cho những ai tự coi mình là hạng người nổi bật trong nước của Đức Chúa Trời thậm chí họ không có mặt tại đó nữa.
Một lần nữa, lời lẽ của Chúa chúng ta đặc biệt nhắm thẳng vào dân Israel. Tuy nhiên, điều nầy không có nghĩa là lời lẽ ấy chẳng có liên quan tới chúng ta. Sự hiểu sai của mấy người Do thái xuất chúng nầy rất giống với những người đương thời trong vòng tôn giáo và Cơ đốc ngày nay. Và trong khi chúng ta thấy thất vọng nhiều và đau buồn nơi thất bại của các cấp lãnh đạo “Cơ đốc” trong những ngày mới đây, phân đoạn Kinh Thánh nầy sẽ nhắc cho chúng ta nhớ là chúng ta đừng lấy làm lạ khi thấy các cấp lãnh đạo thường thất bại, và đau khổ. Chúng ta hãy xem qua phân đoạn Kinh Thánh rồi lắng nghe cho kỹ sự dạy của Thánh Linh Đức Chúa Trời khi chúng ta tìm cách hiểu biết phân đoạn nầy và phần ứng dụng phân đoạn ấy vào đời sống của chúng ta ngày nay.
Một người bệnh, một sự chữa lành trong ngày Sabát, và một sự im lặng ảm đạm (14.1-6)
“Một ngày Sa-bát, Đức Chúa Jêsus vào nhà một người kẻ cả dòng Pha-ri-si để dùng bữa, những người ở đó dòm hành Ngài. Số là có một người mắc bịnh thủy thũng ở trước mặt Ngài. Đức Chúa Jêsus cất tiếng hỏi thầy dạy luật và người Pha-ri-si rằng: Trong ngày Sa-bát, có nên chữa bịnh hay không? Họ đều làm thinh. Ngài bèn đem người bịnh chữa lành, rồi cho về. Đoạn, Ngài phán cùng họ rằng: Nào có ai trong các ngươi, đang ngày Sa- bát, nếu có con trai hay là bò mình té xuống giếng mà không kéo liền lên sao? Họ không đối đáp gì về điều đó được”.
Đó là ngày Sabát, trong một thị trấn vô danh của Israel. Không nghi ngờ chi nữa, Chúa Jêsus đã có mặt ở nhà hội trong ngày đó, để dạy dỗ. “Nhà truyền đạo” được mời tới nhà của một kẻ cả thuộc dòng Pharisi dùng bữa tối. Tôi có ấn tượng là bầu không khí có vẻ thù nghịch và chẳng vui vẻ chỉ ngay từ lúc khởi đầu. Theo ý của tôi, Chúa Jêsus không muốn làm cho sự trao đổi tại bàn ăn ra xấu đi bằng cách nói về việc dễ gây mích lòng. Chúa Jêsus dường như không được mời vì sự mến khách, mà vì sự thù nghịch trong bữa tiệc hôm ấy. Tôi tin rằng lời lẽ của Chúa Jêsus đã đến với dòng người Pharisi nầy rồi, và họ vốn biết Ngài đang muốn xung đột với các tín điều và với cách hành đạo của họ. Sứ điệp của Ngài trong ngày ấy có lẽ đã khẳng định mọi sự ngờ vực của họ. Dường như Ngài được họ mời để đưa ra cho Ngài thấy một số cấp độ chống nghịch đang có đối với Ngài. Luca chỉ nói cho chúng ta biết: “những người ở đó dòm hành Ngài” (Luca 14.1).
Câu chuyện cho thấy danh sách thực khách toàn là kẻ cả thuộc dòng người Pharisi, và một số ít những người khác. Có lẽ, tôi muốn nói, chỉ có một người khác mà thôi – là người đã mắc bệnh thuỷ thủng (câu 2). Dường như ông ta có mặt tại đó trong sự tình cờ. Tôi nghĩ từ suy luận ra rõ ràng là người nầy đã được người ta đem đặt ở đó, họ biết tình trạng bệnh tật của ông ta quá rõ ràng rồi, và lòng thương xót của Chúa Jêsus có thể mô tả được, chắc chắn Ngài sẽ chẳng bỏ qua ông ta đâu.
Tôi có thể hình dung ra sự im lặng cao độ khi hết thảy họ đều thấy ánh mắt Chúa Jêsus đang nhắm vào gương mặt đau khổ của người bệnh nầy, do bệnh tật của ông ta. Ánh mắt của họ bắt gặp ánh mắt của những người bạn đồng sự của họ, họ biết rõ cái bẫy đã được giăng ra. Chúa Jêsus chẳng bỏ sót mọi điều nầy. Trước khi chữa lành cho người kia, Ngài quay sang những kẻ hay chỉ trích phê bình đang im lặng nầy rồi hỏi họ luật pháp có cho phép chữa lành vào ngày Sabát hay không (câu 3).
Đây là một vấn nạn dễ đụng chạm. Truyền khẩu, các sự dạy của họ, rõ ràng ngăn cấm sự chữa lành như vậy. Tuy nhiên, luật pháp Môise, không ngăn cấm sự chữa lành vào ngày Sabát. Thực thế, nếu ngày Sabát đã được dựng nên vì con người, vì ích và vì phước hạnh trong ngày Sabát, nếu người nầy có khả năng được chữa lành chứ!?!
Họ không trả lời câu hỏi. Và tại sao không chứ? Sở dĩ như vậy là vì họ không có các tín điều hay sự dạy nào về vấn đề nầy. Có lẽ họ không tranh luận vấn đề vì họ đã nghe nói rằng Chúa Jêsus sẽ dễ dàng tỏ ra sự dại dột nơi phần của họ. Chắc chắn họ không muốn tranh luận vấn đề, mà họ muốn hỏi từ nơi Ngài, và nhơn đó làm thay đổi lý trí của họ. Trong khi giữ im lặng, họ đã suy nghĩ, có lẽ kết quả của sự Ngài chữa lành người kia, và nếu họ đã suy nghĩ về điều nầy thì họ đã đúng.
Người kia được chữa lành mà chẳng cần nghi thức chi hết, và rồi được cho về (câu 4). Nhưng tại sao người nầy lại được cho về? Bữa ăn dường như chưa được dọn (đối chiếu câu 7 trở đi). Ngài chưa ăn uống gì cả. Thường thì, người nào được Chúa chữa lành cũng đều muốn được ở lại cùng Ngài, để thờ lạy và tôn cao Ngài. Tại sao người nầy không ở lại để làm như vậy ở đây chứ? Tôi nghĩ trong chỗ thứ nhất, chính vì người kia không được đưa đến đây để ăn uống đâu, mà chỉ là “miếng mồi” để câu nhữ Chúa Jêsus mà thôi. Nhận biết rõ điều nầy, Chúa Jêsus đã cho người kia về ngay lập tức. Ông ta đã đóng đúng vai và đã thực thi đúng chức năng của mình rồi, ít nhất là cho sự quan tâm của người Pharisi.
Tuy nhiên, Chúa Jêsus vốn có nhiều lý do khác khi cho người kia ra về. Tôi tin người nầy đã được đại dụng rồi. Tình trạng bệnh tật của ông ta là rất rõ ràng, và có lẽ rất kỳ cục nữa. Nói thẳng ra, sự bất toàn của người nầy đã được người Pharisi “tận dụng”. Chúa Jêsus giàu ơn chữa lành cho người, nhưng Ngài không để ông ta lại đó để bị bẽ mặt. Nhưng ông ta bị bẽ mặt như thế nào mới được? Chúa Jêsus đã lôi kéo ai nấy chú ý tới điểm sai của người dòng Pharisi khi sự việc có quan hệ tới vấn đề chữa lành trong ngày Sabát. Giờ đây Chúa Jêsus sắp tỏ ra cho họ thấy tình trạng giả hình của họ qua cách hành đạo của chính họ. Tôi tin rằng Chúa Jêsus không muốn người nầy có mặt giữa vòng những kẻ sắp bị quở trách, và có lẽ bị xấu hổ khi sử dụng một người vốn bệnh tật, và vì thế Ngài đã cho ông ta về. Đây là một hành động thương xót và giàu ơn, cũng một thể ấy cho sự chữa lành.
Khi người kia ra về rồi, lúc bấy giờ Chúa Jêsus đưa ra một câu hỏi thứ hai cho người Pharisi. Câu thứ nhất là vấn đề về nhận thức; câu thứ hai là vấn đề về thực hành. Chúa Jêsus cùng những kẻ chỉ trích Ngài đều bất đồng về nguyên tắc, đây là một việc. Có một việc khác nữa, là những kẻ hay phê phán nầy bất đồng trong những gì họ nói ra (và đòi hỏi nơi người khác) và những gì họ thực hành. Thế là Chúa Jêsus chỉ ra tình trạng giả hình của họ (không nhất quán) bằng lời lẽ nầy:
“Nào có ai trong các ngươi, đang ngày Sa- bát, nếu có con trai hay là bò mình té xuống giếng mà không kéo liền lên sao?”
Bất luận những người Pharisi nầy đã dạy và đòi hỏi điều chi nơi người khác, họ đã lập cho họ những điều ngoại lệ. Nếu có một trong các con trai họ, hoặc thậm chí bò của họ té xuống giếng trong ngày Sabát và họ sẽ “làm việc” để kéo nó lên. Họ sẽ làm việc ấy ngay lập tức, không một chút lưỡng lự hay bâng khuâng chi hết. Vậy thì, nếu họ chạy đến giúp cho con trai hay cho bò của họ được, lẽ nào Chúa Jêsus không được phép chữa lành cho kẻ tàn tật sao? Tình trạng giả hình của người dòng Pharisi, một lần nữa đang tỏ ra. Kết quả là sự rầu rĩ im lặng cố ý. Nếu họ không bằng lòng tranh luận vấn đề, họ cũng chẳng có chú ý chi về việc công nhận sự họ giả hình. Im lặng là hình thái tích cực của sự loạn nghịch, nhưng đấy chính là sự loạn nghịch hiển nhiên.
Thứ bậc trên dưới và địa vị: Một thí dụ về sự nghịch lý (14.7-11)
“Ngài thấy những kẻ được mời đều lựa chỗ ngồi trên, nên phán cùng họ thí dụ nầy: Khi người ta mời ngươi dự tiệc cưới, chớ ngồi chỗ cao nhất, vì e rằng trong những khách mời có ai tôn trọng hơn ngươi, người đứng mời sẽ đến nói cùng ngươi rằng: Hãy nhường chỗ cho người nầy ngồi, mà ngươi xấu hổ vì phải xuống chỗ chót chăng. Nhưng khi ngươi được mời, hãy ngồi chỗ chót, người đứng mời sẽ đến nói cùng ngươi rằng: Hỡi bạn, xin ngồi lên cao hơn. Vậy thì điều đó sẽ làm cho ngươi được kính trọng trước mặt những người đồng bàn mình. Bởi vì ai tự nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.
Trong xứ Israel, bàn tiệc đóng một vai trò rất quan trọng, không những trong gia đình, mà cũng trong xã hội nữa. Khi một người Israel dọn bữa ăn cho thực khách, thậm chí là khách lạ, dọn tiệc không những tỏ ra lòng mến khách của chủ nhà, mà còn tỏ ra sự bảo hộ của chủ nhà nữa. Lót, quý vị sẽ nhớ lại (Sáng thế ký 19), đã mời các thiên sứ của Đức Chúa Trời vào trong nhà mình rồi dọn một bữa ăn cho họ. Khi người thành Sôđôm muốn làm hại các thực khách nầy, Lót đã dâng mấy người con gái của ông cho họ để ngược đãi về tình dục, trong một nổ lực ngăn ngừa không cho họ xâm phạm các thực khách nầy. Câu chuyện nầy gây sốc cho chúng ta, nhưng nó cho chúng ta biết ý nghĩa của bữa ăn.
Cũng trong xứ Israel, (ở một chỗ khác), bàn tiệc cũng kết buộc với địa vị xã hội. “Thứ bậc trên dưới” được tính theo địa vị mà người ta có tại bàn tiệc. Những chỗ ngồi nơi bàn tiệc như “ghế” chẳng hạn – hết thảy chúng đều có thứ bậc. Trong trường đại học của tôi, cũng như ở những trường khác, có một chỗ “ghế hạng nhất”, rồi “ghế hạng nhì”, “hạng ba” và cứ thế mà tính tới. Hết thảy chúng tôi đều sốt sắng tìm cách ngồi vào chiếc “ghế hạng nhất” đó. Có người tin rằng ở bữa “tiệc thánh” Giuđa đã ngồi vào chiếc ghế danh dự.
Người dòng Pharisi nào đến dự bữa tiệc nầy (không nói tới nhiều người khác) dường như nghĩ rằng chỗ ngồi nơi bàn không những phản ảnh địa vị của khách dự, mà còn tạo ra địa vị ấy nữa. Cho nên, người ta dùng tiểu xảo để chiếm chỗ cao tại bữa tiệc, để họ ngồi vào chiếc ghế danh dự. Giống như chiếc ghế dành cho ban nhạc, trừ phi không có ban nhạc.
Tôi lớn lên ở một nơi, cuộc đua thuyền không giới hạn là một bộ môn thể thao rất phổ thông. Cuộc đua lãnh Cúp Vàng thường diễn ra trên Hồ Washington. Tôi nhớ rất rõ loại thuyền như Slo Mo IV và Slo Mo V. Các chiếc thuyền sẽ băng qua mức khởi hành khi nghe tiếng súng hiệu. Họ được phép “khởi sự như bay”, có nghĩa là tất cả họ phải luyện tập gian khổ nơi hồ, rồi bắt đầu băng qua mức khởi hành khoảng 160 dặm một giờ. Chiếc thuyền đầu tiên băng qua mức khởi hành (đôi khi họ bứt đi quá sớm và như vậy là bất hợp lệ) luôn luôn có ưu thế về khoảng cách. Có điều chi băng qua mức khởi hành nhanh, nó sẽ để những chiếc thuyền còn lại không những theo gót nó, mà còn phải theo đuôi sóng nước do nó tạo ra, tạo ra sự khó khăn, và có khi bị chết máy nữa.
Tôi thích nghĩ về bối cảnh của bữa tiệc, nơi Chúa Jêsus có mặt khi có việc dùng tiểu xảo để ngồi trên ngồi trước đã diễn ra trong các cuộc đua lãnh Cúp Vàng. Quý vị có thể tưởng tượng những trò hài hước mà Chúa Jêsus đã trông thấy khi hầu hết các thực khách cố dùng hết tiểu xảo của họ để chiếm lấy các chỗ ngồi tốt nhất không? Đã gần đến giờ ăn rồi. Các thực khách không bao lâu sau đó đã ngồi xuống hết. Mọi người bắt đầu chảy nước miếng, muốn chiếm lấy chỗ đứng bên cạnh chỗ ngồi vinh dự kia. Chẳng có chút tế nhị nào hết. Chúa Jêsus đã trông thấy mọi sự, và đã phán dạy về việc ấy.
Khi tôi nghĩ nhiều về sự cố nầy nơi bàn tiệc, tôi lấy làm lạ không biết Chúa Jêsus đang ngồi ở chỗ nào!?! Ngài đây rồi, Đấng Mêsi của Israel, đang ngồi ở một cái bàn. Đúng là một nguyên mẫu trọn vẹn của nước Đức Chúa Trời. Phải chăng Chúa Jêsus đang ngồi ở chỗ vinh dự cao nhất? Có phải Ngài đang ngồi trên chiếc ghế của người chủ tiệc? Tôi không thể hình dung được. Sự thể cho thấy rằng trong khi nhiều người khác mau mắn tìm lấy chỗ cho mình, Chúa Jêsus ngồi ở phía sau, Ngài quan sát. Khi sau cùng Ngài đến bên bàn tiệc, chỉ còn một chỗ duy nhất mà thôi – chỗ vinh dự thấp nhất. Đây là Vua của Israel, đang ngồi, trong chỗ của người thấp hèn nhất. Đáng buồn dường bao, theo một ý nghĩa, và thật là thích ứng phải đưa ra lời kêu gọi của Ngài (đối chiếu Philíp 2.4…)
Chúa Jêsus không xử lý trực tiếp với việc tìm kiếm chỗ ngồi, song chỉ đáp ứng về mặt cơ bản khi tìm kiếm chỗ ngồi. Thay vì thế, Ngài kể một ví dụ. Dĩ nhiên, hết thảy họ đều biết rõ Ngài đang đề cập tới điều chi rồi. Ngài bảo họ nên tránh việc kiếm một chỗ ngồi vinh dự, vì khi làm như vậy họ tự làm cho mình bị bẽ mặt mà thôi. Giả sử có một nhân vật quan trọng mới tới, sau khi họ đã tự mình ngồi trên chiếc ghế của cá nhân ấy. Người chủ tiệc sẽ bảo họ ngồi sang chỗ khác, và chỗ duy nhất còn chừa lại sẽ là chỗ thấp hèn nhất. Thật là bẽ mặt dường bao, trước mặt mọi người khác, khi phải bị sắp đặt chỗ ngồi theo tư thế như vậy. Như mấy đứa con của tôi đã nói, đây sẽ là một sự “hạ thấp” thực sự.
Mặt khác, nếu có ai vào ngồi chỗ thấp kém nhất, tôi phải chịu dời đi chỗ khác. Người chủ tiệc khi ấy sẽ đến với quý vị và dời quý vị lên ngồi chỗ cao hơn, trước mặt mọi người. Thật là phước hạnh dường bao, được tôn cao công khai trước mặt mọi người.
Trong câu 11 , Chúa Jêsus đi từ ví dụ đến một nguyên tắc nhấn mạnh sự dạy dỗ của Ngài:
“Bởi vì ai tự nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.
Quả thật đây là một nghịch lý. Con đường đi lên cao là phải đi xuống thấp. Tìm cách “lên cao” là liều mình đi “xuống thấp”. Người nào muốn được tôn cao phải biết hạ mình xuống rồi tìm kiếm một chỗ thấp kém. Người nào phấn đấu để đạt được chỗ ngồi cao sẽ bị bẽ mặt. Đường lối của Chúa chúng ta và vương quốc của Ngài không phải là đường lối của con người.
Nguyên tắc chỉ đạo cho danh sách thực khách (14.12-14)
“Ngài cũng phán với người mời Ngài rằng: Khi ngươi đãi bữa trưa hoặc bữa tối, đừng mời bạn hữu, anh em, bà con và láng giềng giàu, e rằng họ cũng mời lại mà trả cho ngươi chăng. Song khi ngươi đãi tiệc, hãy mời những kẻ nghèo khó, tàn tật, què, đui, thì ngươi sẽ được phước, vì họ không có thể trả lại cho ngươi; đến kỳ kẻ công bình sống lại, ngươi sẽ được trả”.
Lời lẽ của Chúa chúng ta trong các câu 7-11 đều nhắm trực tiếp vào thực khách, họ đang dùng tiểu xảo chiếm lấy chỗ tốt nhất trong bàn tiệc. Tuy nhiên, người chủ tiệc không cần phải làm như vậy, vì chiếc ghế của ông ta đã được bảo đảm. Ông ta đã có chỗ dành sẵn cho mình rồi. Nhưng có điều xấu xa cần phải tỏ ra nơi phần người chủ tiệc nầy, vì những người ông ta mời là những người đến cổ vũ địa vị của ông ta. Chính tinh thần nầy được thấy có nơi phần người chủ tiệc, nhưng theo một phương thức khác, và Chúa Jêsus cũng phải xử lý với điều nầy nữa. Ngài phải phanh phui tội lỗi của người ấy ra.
Một người ngồi vào chỗ nào trong bàn tiệc không những tỏ ra địa vị của người đó, mà còn chỉ ra đang ngồi với ai tại bàn ấy nữa. Tôi nhớ có người nói rằng có địa vị mới được ngồi trong phòng hình bầu dục với Tổng Thống Hoa Kỳ, có dây điện thoại màu đỏ, và Tổng Thống sẽ trao máy cho quý vị, ông nói: “Cuộc nầy gọi cho quý vị đây”.
Tôi không biết đây là sự thực, nhưng sự việc nầy đã xảy đến cho tôi khi tôi nghiên cứu phân đoạn nầy, ấy là người Do thái trong thời đó chưa được giới thiệu với việc “có gì ăn nấy”. Hết thảy chúng ta đều biết rằng “có gì ăn nấy” là một bữa ăn mà ai nấy đều góp phần. Bữa ăn nầy đã trở thành một phần trong nền văn hoá của chúng ta, và thường thì chúng ta mời ai đó đến dự tiệc và họ yêu cầu món ăn mà họ mang theo. Dường như tư tưởng nầy chưa hề xảy ra cho người ta trong thời của Chúa Jêsus. Nếu người ta dự tiệc “có gì ăn nấy” thì không cần phải mời lại, nhưng theo câu chuyện, khi có ai đó mời người khác đến dùng bữa, họ đã dọn toàn bộ bữa ăn, và thực khách sẽ mời lại và họ cũng làm tương tự. Dường như đây là nền tảng cho mọi điều mà Chúa Jêsus đang nói đến trong phân đoạn Kinh Thánh.
Khi chuẩn bị một bữa tiệc, sự cám dỗ là lo mời những người biết dọn đồ ăn đổi lại giống như mình đã dọn vậy. Vì thế, người ta nghĩ trước tiên là lo mời các thành viên trong gia đình hay bạn bè giàu có, họ sẽ mời lại với sự tử tế. Chúng ta bị cám dỗ ban cho để mà nhận lãnh. Chúa Jêsus dạy rằng cách làm nầy không những phải xét lại, mà còn phải đảo ngược lại nữa. Trong thế giới nầy, người ta hay mời bè bạn và người giàu có, để mong kiếm được sự mời trả lại và sự tiếp đãi của họ. Trong nền kinh tế của Đức Chúa Trời, người ta phải giàu ơn với hạng người vô dụng và với những người không thể trả lại cho họ, để khi nước của Đức Chúa Trời được lập trên đất (nơi sự sống lại của người công bình), Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho họ. Cho nên, Chúa Jêsus đã chủ trương mời “thực khách” đến bàn tiệc của chúng ta phải là kẻ nghèo khó, người tàn tật, kẻ què, người đui (câu 13). Làm như vậy bảo đảm cho chúng ta về các ơn phước của Đức Chúa Trời trên thiên đàng.
Trong khi lời lẽ của Chúa chúng ta trong các câu 7-14 đáng phải xem trọng và ứng dụng theo nghĩa đen, chúng ta hãy chú ý vào sự thật là Chúa Jêsus đang nói ra một ví dụ (câu 7, đối chiếu câu 12). Ví dụ và nguyên tắc của ví dụ cần phải được đem ứng dụng rộng rãi hơn.
Chúa Jêsus chuyển sang tiệc yến lớn (14.15-24)
“Một người đồng tiệc nghe lời đó, thì thưa Ngài rằng: Phước cho kẻ sẽ được ăn bánh trong nước Đức Chúa Trời! Nhưng Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Có người kia dọn tiệc lớn, mời nhiều người ăn. Khi đến giờ ăn, sai đầy tớ mình đi nói với những kẻ được mời rằng: Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi. Song họ đồng tình xin kiếu hết. Người thứ nhất nói rằng: Tôi có mua một đám ruộng, cần phải đi coi; xin cho tôi kiếu. Kẻ khác rằng: Tôi có mua năm cặp bò, phải đi xem thử; xin cho tôi kiếu. Kẻ khác nữa rằng: Tôi mới cưới vợ, vậy tôi đi không được. Đầy tớ trở về, trình việc đó cho chủ mình. Chủ bèn nổi giận, biểu đầy tớ rằng: Hãy đi mau ra ngoài chợ, và các đường phố, đem những kẻ nghèo khó, tàn tật, đui, què vào đây. Sau lại đầy tớ trình rằng: Thưa chủ, điều chủ dạy, đã làm rồi, mà hãy còn thừa chỗ. Chủ nhà lại biểu rằng: Hãy ra ngoài đường và dọc hàng rào, gặp ai thì ép mời vào, cho được đầy nhà ta. Vì, ta nói cùng các ngươi, trong những kẻ đã mời trước, không có ai được nếm bữa tiệc của ta đâu”.
Người Pharisi vốn quan tâm đến địa vị của họ tại bàn tiệc, không những bàn tiệc của người chủ tiệc, mà còn quan tâm tới bàn tiệc trong nước của Đức Chúa Trời nữa. Các môn đồ cũng bị nhiễm về sự giữ chỗ trước bằng địa vị, như chúng ta nhìn biết từ các câu chuyện Tin Lành. Lời lẽ của Chúa Jêsus đã khiến cho hết thảy mọi người có mặt ở đó một sự bất an lớn lắm. Chúa Jêsus đã vạch trần và quở trách tham vọng xấu xa của họ. Sau khi nghe nói tới “sự sống lại của người công bình”, một tham khảo rõ ràng đến nước Đức Chúa Trời hầu đến, có người đã nhận ra cách xoa dịu tình thế vì vậy ông ta đã hô lên: “Phước cho kẻ sẽ được ăn bánh trước nước Đức Chúa Trời”.
Có một việc sai lầm trầm trọng với câu nói của người nầy: ông ta nói từ quan điểm lợi thế của người đang ngồi tại bàn tiệc ấy. Người nầy, giống như những người Pharisi khác, đã cho rằng nếu ai đó có mặt tại bàn tiệc của Đấng Mêsi nầy, bàn tiệc của nước Đức Chúa Trời, thì sẽ là ông ta. Họ đã có mặt tại đây rồi, họ đã dùng tiểu xảo để có được địa vị trong một nước mà họ sẽ không có phần trong nước đó.
Chúa Jêsus phán ra lời cảnh cáo cho người nầy và những người giống như ông ta bằng một ví dụ khác trong các câu 16-24. Ngài kể về người kia dọn tiệc lớn, cho mời nhiều người, hết thảy đều là những khách mời mà ông ta muốn mời. Chúng ta sẽ kết luận rằng Đức Chúa Trời là chủ tiệc, bữa tiệc là nước của Đức Chúa Trời, và lời mời chính là những lời hứa giao ước trong Cựu Ước, cùng với mọi lời công bố của các vị tiên tri trong thời Cựu Ước, kể cả Giăng Báptít, tiên tri sau cùng trong các tiên tri. Những khách được mời, chúng ta biết rõ, chính là tuyển dân Israel, người Do thái.
Có người cho rằng hết thảy các vị khách được mời đều ngụ ý cho rằng bởi lời nói và việc làm của họ, họ sẽ là một phần trong nước được hứa cho của Đức Chúa Trời. Chỉ khi lời công bố được đưa ra cho thấy bữa tiệc đã sẵn sàng rồi, các khách được mời đều “dông” hết. Dĩ nhiên, tất cả họ đều cáo lỗi. Người kia tự cáo lỗi để đi xem đất mà ông ta vừa mới mua, trước khi mua ông ta chưa xem kỹ càng. Người khác rút lui để đi xem “thử” đôi bò, ông ta chưa thử khi mua sắm chúng. Người thứ ba phải ở lại nhà với vợ mình, là người mà anh ta mới vừa cưới về.
Các vị khách mời nầy – những người Israel – Đức Chúa Trời đã mời họ và họ tỏ ra là người được dự phần vào trong nước của Đức Chúa Trời, họ không chấp nhận lời mời khi tiệc đã dọn sẵn rồi. Họ đã có những việc tốt hơn, quan trọng hơn để lo làm. Đáp lại, giờ đây Đức Chúa Trời khiến mọi ơn phước của việc dự phần vào trong nước của Ngài cho những kẻ chẳng đáng được xem là khách mời nữa, là hạng người (nghèo khổ, tàn tật, mù đui, và què quặt, câu 21), Đức Chúa Trời đã bảo chủ tiệc của Ngài phải mời họ đến dự tiệc (câu 13). Không những họ là người bị chối bỏ, hạng người hạ cấp trong xứ Israel đã được mời, mà còn là hạng người không xứng đáng, sống bên vỉa hè đã bị buộc phải đến. Đức Chúa Trời sẽ không thấy chữ “không” trong câu trả lời từ nơi họ. Không phải họ được chọn để trở nên một phần trong nước của Đức Chúa Trời đâu, mà Đức Chúa Trời đã chọn để lập họ làm một phần trong nước ấy. Chính mục đích tối cao của Đức Chúa Trời đã thắng hơn, chớ không phải sự khôn ngoan sâu sắc nơi phần của dân Ngoại đâu. Vì thế, chẳng có một cơ sở nào để kiêu ngạo cả.
Đây quả đúng là một lời dành cho độc giả dân Ngoại, Luca đã viết cho họ. Điều nầy giải thích cho dân Ngoại biết thể nào người dân Ngoại có thể kinh nghiệm được ơn phước của người Do thái, và thể nào đại đa số người Do thái đã thất bại (ngay thời điểm đó) không nắm bắt được điều Đức Chúa Trời đang làm hoặc chấp nhận điều đó.
Đúng là một lời mà Chúa Jêsus đã đưa ra cho khán thính giả Do thái của Ngài! Hãy khiến cho những kẻ phấn đấu để dành chỗ hạng nhất trong Nước Trời biết chắc rằng họ sẽ có mặt ở đó.
Phần kết luận
Lời lẽ của Chúa Jêsus trong phân đoạn nầy đúng là một bài học dành cho người Do thái trong thời ấy. Họ cho rằng họ đã có một chỗ tại “bàn tiệc”, ở trong nước của Đức Chúa Trời, và mối quan tâm duy nhất của họ chỉ là chỗ nào mà thôi. Họ vốn quan tâm tới địa vị của họ trong Nước Trời, trong khi họ chẳng quan tâm gì tới việc phải chiếm lấy Nước ấy. Những người Do thái nầy không phải là hạng người vô thần, cũng không phải là hạng “tội nhân” gì lớn lao ở bề ngoài (tỉ như người thu thuế và hạng kỵ nữ, trong lý trí của một số người), họ là hạng người rất tôn giáo, đúng ra họ là các cấp lãnh đạo trong tôn giáo của họ. Họ không nghi ngờ chi về sự cứu rỗi của họ, nhưng họ đã sai lầm. Phần sau cùng của phân đoạn là một lời cảnh báo nghiêm trọng cho người Do thái là họ sẽ bị loại ra khỏi điều mà họ tưởng họ đã có.
Đối với hàng độc giả dân Ngoại của Tin Lành nầy, họ tìm được một sự giải thích về lý do tại sao dân Ngoại lại được ơn bước vào các ơn phước mà Đức Chúa Trời đã hứa cho tuyển dân của Ngài, là dân Israel. Tuy nhiên, đây không phải là câu nói tâng bốc đâu, một câu nói chế nhạo người Do thái vì sự vô tín của họ và là câu nói khen ngợi dân Ngoại vì sự phân biện của họ, như đã được chứng tỏ bởi đức tin của họ đặt nơi Đấng Mêsi của Israel để được cứu. Dân Ngoại là những người bị buộc phải đến, từ ngoài đường cho tới dọc hàng rào. Họ là, mà thực vậy, “những kẻ vô công rỗi nghề” đang sống dọc theo lề đường.
Cũng hãy chú ý, phần hiểu biết mà chúng ta nhận được từ phân đoạn nầy về sự tác động hỗ tương giữa quyền tể trị của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của con người. Phân đoạn Kinh Thánh gắn sự thất bại của dân Israel không bước vào các phước hạnh của Nước Trời cho sự họ chối bỏ lời mời đã được trao cho họ. Luca không nói cho chúng ta biết là người Do thái bị giữ lại ở ngoài Nước là do sự chọn lựa của Đức Chúa Trời (sự lựa chọn – quý vị hiểu đấy, chính là một lẽ thật trong Kinh Thánh), chớ không phải do sự lựa chọn của họ đâu. Mặt khác, sự cứu rỗi của dân Ngoại không được gắn cho sự lựa chọn của họ, mà là do sự ép buộc của Chúa. Quyền tể trị của Đức Chúa Trời nhơn đó được nhấn mạnh với sự tôn kính dành cho ơn cứu rỗi; trách nhiệm của con người với sự tôn kính dành cho sự phán xét. Cả hai lẽ đạo đều là chơn thật, mặc dù chúng bị giữ trong sự căng thẳng. Chúng ta hãy giữ lấy quan điểm và phần nhấn mạnh mà chúng ta tìm gặp trong câu chuyện của Luca. Luca không đánh đổi quyền tể trị của Đức Chúa Trời để lấy ý chí tự do của con người, và ngược lại. Thực ra, ông đang giữ cả hai trong tình trạng căng thẳng (đối chiếu Công vụ Các Sứ đồ 2.23).
Xin cho phép tôi ngừng ở đây một chút. Lý do tại sao người Do thái đánh mất nước Đức Chúa Trời là vì họ đã chối bỏ lời mời quá rõ ràng của Đức Chúa Trời trong thân vị của Đức Chúa Jêsus Christ, là Vua của Israel. Đấng Christ vẫn là chìa khoá cho sự cứu rỗi của con người, hay tôi có thể nói, một cách thẳng thừng hơn, cho sự cứu rỗi của quý vị. Con đường duy nhất con người đi thẳng vào thiên đàng (vào trong Nước Trời – ngồi tại bàn tiệc, như phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta đã chỉ ra một cách bóng bẩy) là qua việc tiếp nhận Đức Chúa Jêsus Christ là Con Đức Chúa Trời, là Nhà Vua của Đức Chúa Trời, là Chúa Cứu Thế của Đức Chúa Trời.
Trong cách sách Tin Lành, Đức Chúa Trời đang công bố cho quý vị một lời mời gọi “đến dự tiệc tại nhà của Ngài”, thực vậy, để trở thành một thuộc viên trong Nước Ngài, để ngồi tại bàn tiệc của Ngài cho đến đời đời, được tha tội, được sự công bình theo mắt Ngài qua công tác của Đấng Christ, và được tự do thưởng thức mối thông công mật thiết với Ngài. Nếu tôi thất bại không làm cho lời mời nầy ra rõ ràng với quý vị trong sự trình bày rõ ràng Tin Lành của Luca, xin cho phép tôi làm điều đó ngay bây giờ. “Các tin tức tốt lành” của Tin Lành (vì đây là những gì “Tin Lành” nói tới) là Đức Chúa Trời muốn quý vị thưởng thức mối thông công với Ngài, trong vương quốc của Ngài, cho đến đời đời. Chấp nhận Con Ngài trong lời mời của Ngài là nhận lãnh ngay quyền bước vào trong. Còn chối bỏ Con Ngài, hay bác bỏ quyết định tiếp nhận Ngài, là lý do bị xét đoán phải phân rẽ đời đời ra khỏi Ngài và Nước của Ngài.
Cách đây một vài năm, tôi đã dạy một buổi học Kinh Thánh tại nhà chúng tôi. Đó là buổi nghiên cứu sách Tin Lành Giăng. Một người trong cặp vợ chồng kia đến dự đã tin Chúa trong buổi học đó. Khi người chồng chia sẻ, làm chứng với tôi, ông đã mô tả sự biến đổi của mình theo một phương thức mà tôi chưa hề nghe trước đó. Người nầy nói rằng ông không thể nhận ra thời điểm đặc biệt khi mình được cứu, mặc dù ông ta biết mới chỉ có mấy tuần lễ thôi. Ông ta nói rằng sự biến đổi của ông đã đến “đâu đó giữa chương 3 và 7” (tôi phải nhận rằng, tôi đã quên mình giảng ở chương nào).
Thật là thú vị khi quan sát sự trở lại đạo của một người, và đấy là một điều rất hợp lý, cho người nào đã nghiên cứu qua một câu chuyện Tin Lành đặc biệt. Các câu chuyện Tin Lành đã được viết ra để gây dựng nên một sự kết luận. Chúng được viết ra để đem chúng ta tới những kết luận chắc chắn, giữa vòng chúng là một kết luận: chúng ta là tội nhân và chúng ta được cứu chỉ do tin cậy Chúa Jêsus là con Đức Chúa Trời, là Đấng đã chịu chết trong chỗ của chúng ta, gánh lấy hình phạt của chúng ta. Tôi nguyện rằng khi quý vị đã đi qua các chương của Tin Lành Luca, sự sáng giáng xuống không cứ cách nào đó, và quý vị giờ đây nhìn biết rằng quý vị cũng là con cái của Đức Chúa Trời, được đảm bảo có một chỗ trong bàn tiệc của Ngài.
Còn có một bài học khác nữa, có thể đem áp dụng cho mọi người hôm nay như đã áp dụng cho người Do thái nào đã nghe những lời mà Chúa Jêsus đã phán ra trong nhiều thế kỷ qua. “Chất keo dán bên ngoài” của phân đoạn Kinh Thánh, cung ứng cho nó một sự thống nhất, là bàn tiệc. Mọi sự đã được nói ở đây đều đã được thốt ra ngay hay gần bàn tiệc, và về bàn tiệc. Nhưng có một “chất keo bên trong” cũng được nhận ra nữa, cung ứng cho chúng ta một sự hiệp một sâu sắc hơn. “Sợi dây bạc” đó là quan niệm về sự tư lợi. Hãy suy nghĩ về các phương thức mà tư lợi sẽ được tìm thấy trong đó, ngay trọng tâm của mỗi tội lỗi mà Chúa chúng ta xét đoán trong những câu nầy.
Trong các câu 1-6, tính tư lợi nằm ở trọng tâm các hành động và thái độ tội lỗi của người dòng Pharisi. Tính tự lợi đã khiến cho người Pharisi phải chối bỏ Chúa Jêsus, họ đã nổi giận vì Ngài đã dùng nhiều thời gian và sức lực với hạng “tội nhân” và hạng người bất xứng, hơn là với họ. Tính tư lợi đã khiến người dòng Pharisi muốn Chúa Jêsus phải đi chỗ khác, e rằng Ngài sẽ đạp đổ hệ thống của họ, và ngăn trở họ “vênh mặt lên” đối với những gì đã được hiến cho họ. Tính tư lợi chính là lực tác động cho việc họ mời Chúa Jêsus đến dự tiệc, và vì việc “tận dụng” nỗi đau khổ của người bệnh với nỗ lực gài bẫy Chúa Jêsus vi phạm một số điều luật. Vì vậy, chính tính tư lợi đã khiến cho người Pharisi giả hình phải miễn thứ cho các hành động làm việc của họ (kéo con trai hay con bò của họ ra khỏi giếng) vào ngày Sabát.
Cũng chính tính tư lợi đã tác động mỗi người phải tìm cách ngồi vào những chỗ vinh dự tại bàn tiệc (các câu 7-11), điều nầy khiến cho Chúa Jêsus phải ngồi ở chỗ thấp nhất, phù hợp với Philíp 2 nói về sự hạ mình của Đấng Christ, dẫn tới thập tự giá.
Một lần nữa, tính tư lợi là một thủ phạm, là điều ác có gốc rễ, trong các câu 12-14. Lý do tại sao chúng ta bị cám dỗ khi mời bạn bè, người thân, và người có địa vị, đến dự tiệc của chúng ta, ấy là họ sẽ mời trả lại chúng ta. Tính tư lợi luôn luôn mời những người có thể trả lại, mời lại chúng ta, hơn là một bữa ăn “phí” cho người quá nghèo hay không thể trả ơn lại.
Sau cùng trong các câu 15-24, chính tính tư lợi đã khiến cho người Do thái trong thời của Chúa Jêsus phải chối bỏ không nhận Ngài là Đấng Mêsi. Trong thí dụ mà Chúa Jêsus đã thuật lại (các câu 16-24), ba cá nhân đã được nhắc tới, họ đã chấp nhận (ít nhất là như vậy) lời mời đến dự tiệc, thế rồi lại xin kiếu vì không đến dự, tất cả đều là vấn đề của tư lợi (ích kỷ, nếu quý vị thích dùng).
Chính tính tư lợi giữ con người không chạy đến với Đấng Christ để được cứu. Người ta muốn bước vào trong Nước Trời, nhưng không muốn tạo ra bất kỳ một nỗi đau, bất an hay hy sinh nào cho bản thân họ. Cho nên, tính tư lợi đóng một vai nổi bật trong việc giữ người ta cách xa Đấng Christ và nhơn đó cách xa bàn tiệc của Ngài, là Nước Đức Chúa Trời.
Nền văn hoá của chúng ta có lẽ đã bị tính tư lợi thấm sâu vào hơn bất kỳ một dân tộc nào khác, ở một thời điểm nào khác hơn trong lịch sử. Chúng ta có một tờ báo trên giá của cửa hàng kia có tên là “Bản Ngã”. Chúng ta sẽ bật cười nơi những trò hề qua đó người Pharisi tiếp lấy những chỗ tốt nhất tại bàn tiệc, nhưng chúng ta cũng đăng ký vào các lớp học dạy chúng ta làm cách nào để khẳng định chính mình, để chúng ta có thể thành công hơn. Mỗi nan đề mà con người đang kinh nghiệm hôm nay giờ đây đã được gắn chặt (theo một lẽ mầu nhiệm nào đó) với một khái niệm nghèo nàn về cái tôi. Khái niệm đang hành hại thế giới không phải là tìm kiếm cái tôi, mà đúng hơn là do thiếu lòng tự ái và thiếu sự tự khẳng định. Chúng ta thực sự là một xã hội tự định hướng, đúng y như Phaolô đã mô tả nền văn hoá của thế gian trong những ngày sau rốt (II Timôthê 3.1-5).
Nhưng tôi không muốn trụ lại ở chỗ tự định hướng của thế giới vô tín, như đây là tội ác vậy. Tôi muốn kéo sự chú ý của quý vị nhìn về cách mà tính tư lợi đã trở thành một động lực chính trong Hội Thánh, và trong đời sống của vô số Cơ đốc nhân (kể cả tôi nữa). Trong khi chúng ta không phấn đấu vì chiếc ghế vinh dự tại bàn tiệc (chỉ vì chẳng có ai xứng đáng), chúng ta sẽ thấy Cơ đốc nhân xếp hàng vào các lớp học đào tạo cấp lãnh đạo, để có được những địa vị nổi bật và ai cũng nom thấy. Đồng thời, các phần việc đó đang kêu gọi phần phục vụ của hàng tôi tớ, vì sự công nhận hay ít thế lực hoặc ít sự nổi bật dường như phải ăn mày những kẻ trung tín đang nắm lấy chức vụ chẳng lấy gì quyến rũ lắm. Chúng ta tránh né chức vụ có sự đổi lại ngay tức thì rất ít (tỉ như sự khen ngợi, hay số lượng tăng thêm). Chức vụ cho hạng người không thể hồi trả lại cho chúng ta, thậm chí với lòng biết ơn, bị lẫn tránh giống như dịch lệ vậy. Các chức vụ mà người ta dường như không tán thành mấy nơi chúng ta và sự đóng góp của chúng ta mau bị bỏ lại sau lưng, được thế chỗ bằng một số chức vụ “đầy dẫy” hơn.
Tôi nói với quý vị là “tính tự lợi” đang vây lấy Hội Thánh và trong đời sống của chúng ta. Đây là một trong những lý do có sự tranh cạnh mà các trước giả Tân Ước đã mô tả (đối chiếu Philíp 2). Phaolô phải khó nhọc lâu dài lắm mới tìm được một người giống như Timôthê, là người “thật lòng lo về việc anh em” (Philíp 2.20). Lý do cho vấn đề nầy đã được Phaolô đưa ra trong cùng phân đoạn đó:
“ai nấy đều tìm lợi riêng của mình, chớ không tìm của Đức Chúa Jêsus Christ” (Philíp 2.21).
Đúng là một lời phê đáng buồn!
Chúng ta hãy công nhận tính tư lợi đang làm tê liệt và làm hư hỏng chức vụ, sự thờ phượng, và cách ăn ở Cơ đốc của chúng ta. Chúng ta hãy tiếp thu từ phân đoạn Kinh Thánh rằng phần thưởng của chúng ta ở trên trời sẽ lớn lắm, và phần thưởng ấy đến với người nào “bỏ sự sống họ” để nhận lại sự sống ấy, trong khi người nào tìm cách cứu sự sống họ sẽ mất chúng. Nguyện Thánh Linh Đức Chúa Trời hành động qua Lời Đức Chúa Trời thay thế tính tìm kiếm tư lợi bằng sự tự hy sinh, cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và vì ích cho chúng ta nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét