Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Luca 18.31-19.10: "TỪ CAO THƯỢNG ĐẾN LỐ BỊCH"



Phần giới thiệu
Xuất xứ
Sự hy sinh tối hậu (18.31-34)
Sự chữa lành của người đui (18.35-43)
Chúa Jêsus buộc người thu thuế phải trèo lên cây (19.1-10)
Phần kết luận
Bài 58:

TỪ CAO THƯỢNG ĐẾN LỐ BỊCH

(Luca 18.31 – 19.10)
“Kế đó, Đức Chúa Jêsus đem mười hai sứ đồ riêng ra mà phải rằng: Nầy, chúng ta lên thành Giêrusalem, mọi điều mà các đấng tiên tri đã chép về Con người sẽ ứng nghiệm. Vì Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại; họ sẽ nhạo báng Ngài, mắng nhiếc Ngài, nhổ trên Ngài, sau khi đánh đòn rồi, thì giết Ngài đi; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại. Song các môn đồ không hiểu chi hết; vì nghĩa những lời đó kín giấu cho môn đồ nên không rõ ý Đức Chúa Jêsus nói là gì. Đức Chúa Jêsus đến gần thành Giêricô, có một người đui ngồi xin ở bên đường, nghe đoàn dân đi qua, bèn hỏi việc gì đó. Người ta trả lời rằng: Ấy là Jêsus, người Naxarét đi qua. Người đui bèn kêu lên rằng: Lạy Jêsus, con vua Đavít, xin thương xót tôi cùng! Những kẻ đi trước rầy người cho nín đi; song người càng kêu lớn hơn nữa rằng: Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi cùng! Đức Chúa Jêsus dừng lại, truyền đem người đến. Khi người đui lại gần, thì Ngài hỏi rằng: Ngươi muốn ta làm gì cho? Thưa rằng: Lạy Chúa, xin cho tôi được sáng mắt lại. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy sáng mắt lại; đức tin của ngươi đã chữa lành ngươi. Tức thì, người sáng mắt, đi theo Đức Chúa Jêsus, ngợi khen Đức Chúa Trời. Hết thảy dân chúng thấy vậy, đều ngợi khen Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jêsus vào thành Giêricô, đi ngang qua phố. Tại đó, có một người tên là Xachê, làm đầu bọn thâu thuế, và giàu có. Người đó tìm xem Đức Chúa Jêsus là ai, nhưng không thấy được, vì đoàn dân đông lắm, mà mình lại thấp. Vậy, Xachê chạy trước, trèo lên cây sung, để ngó thấy Đức Chúa Jêsus, vì Ngài phải đi qua đó. Đức Chúa Jêsus đến chỗ ấy, ngước mắt lên mà phán rằng: Hỡi Xachê, hãy xuống cho mau, vì hôm nay ta phải ở nhà ngươi. Xachê vội vàng xuống và mừng rước Ngài. Ai nấy thấy vậy, đều lằm bằm rằng: Người nầy vào nhà kẻ có tội mà trọ! Song Xachê đứng trước mặt Chúa, thưa rằng: Lạy Chúa, nầy, tôi lấy nửa gia tài mình mà cho kẻ nghèo, và nếu có làm thiệt hại ai, bất kỳ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư. Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hôm nay sự cứu đã vào nhà nầy, vì người nầy cũng là con cháu Ápraham. Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất”.
PHẦN GIỚI THIỆU:
Cha tôi đang và đã là một người ăn mặc rất lôi thôi. Ông là một giáo viên đã nghỉ hưu. Khi tôi lớn lên, ông là hiệu trưởng của một trường tiểu học nhỏ. Khi tôi lên trung học, tôi lãnh làm một việc ở kho phụ tùng xe hơi. Suốt mùa hè, tôi đã làm việc trọn thời gian. Một mùa hè kia, việc làm ở nhà kho phụ tùng không có bao nhiêu, vì vậy ông chủ cho tôi hay là tôi sẽ không làm trọn thời gian nữa, mà chỉ làm khi họ cần đến tôi mà thôi. Tôi qua bên kia đường đến tiệm Dairy Queen để nhận một việc làm thứ hai, lái chiếc xe scooter ba bánh nhỏ, với cái thùng kem ở phía sau. Tôi đã bán “Dilly Bars” là loại kem tròn nhỏ có que cầm tay ở bên trong, có sôcôla bao ngoài.
Đây hoàn toàn là một kinh nghiệm. Tôi đã có cảm giác như đang cố sức trèo lên những dãy núi dốc đứng, rồi bị thương khi cố gắng leo lên, với cái thùng kem ở phía sau chiếc xe scooter của tôi. Thường thì có nhiều đứa trẻ bu quanh tôi, hết thảy chúng đều muốn ăn một cây kem Dilly Bar, và chỉ có vài đứa trong số chúng là có tiền mà thôi. Tôi cũng bị mấy con chó háu ăn đuổi theo nữa — có mấy con to lớn lắm — chúng tìm cách cắn tôi, lủi thủi theo tôi ở phía sau. Tôi cứ tìm cách tránh thoát, đá vào mấy con thú luôn luôn khi tôi bỏ chạy. Nói chung, đây không phải là một việc thích ứng.
Vấn đề xảy đến khi tôi có hai công việc cùng một lúc. Cha tôi thì bằng lòng giúp đỡ tôi, nhưng ông không ở lâu trong mấy chiếc xe hơi, và vì thế ông không thể thế chỗ của tôi ở nhà kho phụ tùng được. Điều nầy chỉ còn có một sự lựa chọn mà thôi — chiếc scooter bán kem Dilly Bar. Đến bây giờ tôi mới nghĩ ra là để cho cha tôi đánh chiếc xe bò đi quanh vùng lân cận, bầy trẻ và mấy con chó sẽ chạy theo ở đàng sau. Nhưng có sự cố xảy ra, ấy là ngày mà một người đờn bà kia đến gần chiếc xe bò để mua kem Dilly Bar. Trước sự lúng túng của cha tôi, và trước sự kinh ngạc của người đờn bà đó, họ đã nhận ra nhau. Người đờn bà nầy là vợ của một trong những thành viên ban giám hiệu nhà trường, và cha tôi là hiệu trưởng. Cha tôi luôn luôn xử lý rất hay trong các tình huống giống như vầy, thế là ông mau mắn nói với người đờn bà đó: “Có muốn mua một cây kem Dilly Bar rồi giúp cho một đứa trẻ đi học không?”
Phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta chứa ba tiểu đoạn, mỗi tiểu đoạn có quan hệ tới một lượng nhục nhã rất lớn. Sự Chúa Giêxu bị dân sự Ngài chối bỏ, sự chế giễu, nhục mạ, khạc nhổ của những kẻ bắt bớ Ngài, và cái chết khủng khiếp của Ngài trên thập tự giá của người La mã là sự nhục nhã nặng nề nhất. Người đui kia nhận được ánh sáng đã trải qua một kinh nghiệm hạ mình để nhận được sự chú ý của Chúa Giêxu, mặc dù có những lời cảnh cáo nghiêm khắc của những kẻ muốn ông ta phải im lặng. Còn Xachê, người giàu mà thấp lùn kia, ông ta không thể thấy được gì qua đám đông, đã tự hạ mình xuống để leo lên cây sung để thu hút sự chú ý của một người đến từ thành Nazarét, Ngài là Đấng sẽ trở thành Đấng Mêsi.
Tôi tin rằng sự nhục nhã ràng buộc mỗi sự cố khác nhau nầy lại với nhau. Hơn nữa, tôi nghĩ người ta có thể cho rằng cũng có sự hiểu sai về tất cả ba sự cố nầy là điều tất nhiên thôi. Những câu nói rõ ràng của Chúa Giêxu về sự chối bỏ, bắt bớ và sự hành hình Ngài sắp tới mà các môn đồ Ngài không thể hiểu nổi. Và các mục đích của Đấng Christ cũng chẳng ai hiểu, như chúng ta có thể nhìn thấy trong hai tiểu đoạn kế, trong cả hai trường hợp, có những người đang ra sức ngăn cản người ta đến gần Chúa Giêxu (như họ đã làm với người đui), hoặc không bằng lòng Đấng Christ đến với họ (như Chúa Giêxu đi đến nhà của Xachê). Mục đích của Chúa Giêxu là: “tìm và cứu kẻ bị mất” (19.10), mà chẳng một ai nắm bắt được hết.
XUẤT XỨ
Chủ đề sự đến của Nước Trời hầu đến đã nằm trong chỗ nhận thấy được khi thắc mắc lúc nào thì Nước sẽ đến đã được người Pharisi khơi dậy trong chương 17. Trong chương 18, tiêu điểm đã thay đổi từ chỗ quyết định thời gian và các hoàn cảnh của Nước Trời sắp tới, đến chỗ ai sẽ là người được vào trong Nước đó. Chúa Giêxu dạy rằng người được vào trong Nước Trời sẽ không phải là người vốn mong mỏi được vào trong Nước đó. Và vì vậy người Pharisi tự xưng công bình không được xưng công bình, còn người thu thuế biết ăn năn thì được xưng công bình (18.9-14). Chúa Giêxu dạy các môn đồ Ngài rằng, trong khi chàng trai trẻ giàu có, và những kẻ giống như anh ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc muốn vào Vương quốc (18.18-27), người nào giống như con trẻ sẽ được vào đấy (18.15-17).
Chàng trai trẻ giàu có đã buồn rầu bước ra khỏi sự hiện diện của Chúa hằng sống vì những điều mà anh ta không hiểu. Anh ta vốn hiểu rằng tài sản của anh ta đã không đến trước Chúa của anh ta. Kỳ lạ thay, các môn đồ cứ tiếp tục đi theo Chúa Giêxu, mà họ thực sự không hiểu. Phierơ, rõ ràng là nói thay cho phần còn lại của các môn đồ, ông nói với Chúa: “nầy chúng tôi đã bỏ sự mình có mà theo thầy” (Luca 18.28). Câu nầy phải kết luận như vầy: “Lạy Chúa, chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo Ngài. Chúng tôi sẽ được gì nào?”
Câu trả lời của Chúa thật là giàu ơn và rất khích lệ. Ngài nói cho họ biết rằng họ chưa bỏ mọi sự nầy như một sự hy sinh to lớn, vì thực sự họ đang kiếm được rất nhiều, không những trên thiên đàng, mà cũng trong đời hiện tại nữa. Họ sẽ nhận lãnh rất nhiều trong đời nầy, và sự sống đời đời nữa (các câu 29-30).
SỰ HY SINH TỐI HẬU (18.31-34)
Tôi tin rằng sự khải thị của Chúa chúng ta cho các môn đồ Ngài trong các câu 31-34 đã được dự trù để đặt “sự hy sinh” của họ vào viễn cảnh. Có phải họ nghĩ rằng họ đã bỏ mọi sự vì Nước Trời không? Thực ra, họ không từ bỏ, mà đang kiếm được, như những lời nói trước đó của Chúa chúng ta đã chỉ ra. Thực sự chỉ có một sự hy sinh mà Vương quốc được đặt trên đó mà thôi, và đó là sự hy sinh mà Chúa Giêxu đã làm ra — sự hy sinh bằng chính huyết báu của Ngài, để cứu chuộc tội lỗi của thế gian.
Trước khi chúng ta xem xét lời tiên tri nói tới sự chết của Chúa chúng ta mà Ngài đã ban ra cho các môn đồ ở đây, chúng ta hãy làm mới lại tâm trí mình trước các câu nói đặc biệt mà Chúa Giêxu đã thốt ra rồi, do Luca ghi lại. Phần sau đây không những là các tham khảo đến cái chết của Chúa, mà chúng còn là tham khảo trực tiếp nữa:
Luca 6.20-23: “Đức Chúa Jêsus bèn ngước mắt ngó môn đồ, mà phán rằng: Phước cho các ngươi nghèo khó, vì nước Đức Chúa Trời thuộc về các ngươi! Phước cho các ngươi hiện đương đói, vì sẽ được no đủ! Phước cho các ngươi hiện đương khóc lóc, vì sẽ được vui mừng! Phước cho các ngươi khi vì cớ Con người, thiên hạ sẽ ghét, đuổi, mắng nhiếc các ngươi, bỏ tên các ngươi như đồ ô uế! Ngày đó, hãy vui vẻ, nhảy nhót và mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi trên trời sẽ lớn lắm; bởi tổ phụ họ cũng đối đãi các đấng tiên tri dường ấy”.
Luca 9.20-31: “Ngài lại hỏi rằng: Còn về phần các ngươi thì nói ta là ai? Phierơ thưa rằng: Thầy là Đấng Christ của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jêsus nghiêm cấm môn đồ nói sự ấy với ai, và phán thêm rằng: Con người phải chịu nhiều điều khốn khổ, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, và các thầy thông giáo bỏ ra, phải bị giết, ngày thứ ba phải sống lại. Đoạn, Ngài phải cùng mọi người rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ cứu. Nếu ai được cả thiên hạ, mà chính mình phải mất hoặc hư đi, thì có ích gì? Vì nếu ai hổ thẹn về ta và lời ta, thì Con người sẽ hổ thẹn về họ, khi Ngài ngự trong sự vinh hiển của mình, của Cha, và của thiên sứ thánh mà đến. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, một vài người trong các ngươi đương đứng đây sẽ không chết trước khi chưa thấy nước Đức Chúa Trời. Độ tám ngày sau khi phải các lời đó, Đức Chúa Jêsus đem Phierơ, Giăng và Gia-cơ đi với mình lên trên núi để cầu nguyện. Đương khi cầu nguyện, diện mạo Ngài khác thường, áo Ngài trở nên sắc trắng chói lòa. Và nầy, có hai người nói chuyện cùng Ngài; ấy là Môise và Êli, hiện ra trong sự vinh hiển, và nói về sự Ngài qua đời, là sự sẽ phải ứng nghiệm tại thành Giêrusalem”.
Luca 9.43-45: “Ai nấy đều lấy làm lạ về quyền phép cao trọng của Đức Chúa Trời. Khi mọi người đang khen lạ các việc Đức Chúa Jêsus làm, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Về phần các ngươi, hãy nghe kỹ điều ta sẽ nói cùng: Con người sẽ bị nộp trong tay người ta. Nhưng các môn đồ không hiểu lời ấy, vì đã che khuất cho mình để chẳng rõ nghĩa làm sao; và sợ không dám hỏi Ngài về lời ấy”.
Luca 12.43-45: “Phước cho đầy tớ ấy khi chủ nhà về, thấy làm như vậy! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ cho nó quản lý cả gia tài mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy tự nghĩ rằng: Chủ ta chậm đến; rồi cứ đánh đập đầy tớ trai và gái, ăn uống say sưa”.
Luca 13.33-35: “Nhưng ngày nay, ngày mai, và ngày kia ta phải đi, vì không có lẽ một đấng tiên tri phải chết ngoài thành Giêrusalem. Hỡi Giêrusalem, Giêrusalem, ngươi giết các tiên tri, và quăng đá các đấng chịu sai đến cùng ngươi, ghe phen ta muốn nhóm họp con cái ngươi, như gà mái túc và ấy con mình dưới cánh, mà các ngươi chẳng muốn! Nầy, nhà các ngươi, các ngươi sẽ bỏ hoang. Ta nói cùng các ngươi, các ngươi không còn thấy ta nữa cho đến chừng nào sẽ nói rằng: Phước cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến!”
Luca 17.24-25: “Vì như chớp nháng lòe từ dưới phương trời nầy đến dưới phương trời kia, thì Con người trong ngày Ngài cũng như vậy. Nhưng Ngài trước phải chịu đau đớn nhiều, và bị dòng dõi nầy bỏ ra”.
Trong tin lành Luca, chúng ta thấy một sự tỏ ra tiệm tiến về sự chối bỏ, ngược đãi, đóng đinh trên thập tự giá, và sự sống lại của Chúa chúng ta. Luca đã nói cho chúng ta biết Chúa Giêxu sẽ bị các cấp lãnh đạo Do thái chối bỏ (9.21-23), bị học trò của mình phản bội (9.43-45), bị thế hệ mình chối bỏ (17.24-25), và giờ đây bị dân Ngoại chối bỏ và đóng đinh trên thập tự giá (18.31-34). Luca, khi viết sách tin lành nầy cho khán thính giả dân Ngoại, không muốn bỏ sót vai trò của chính họ trong sự chối bỏ và đóng đinh Đấng Mêsi trên thập tự giá. Lời tiên tri nói về sự thương khó và sự chết của Ngài, được đưa ra trong 18.31-34 là lời rất đặc biệt và rất chi tiết. Lời nầy hoàn toàn khác biệt với các lời tiên đoán của các thuật sĩ và các tiên tri giả.
Đối với tôi, điều ngạc nhiên, ấy là ngay cả với lời tiên tri đặc biệt nầy, các môn đồ không có ý kiến gì về những điều Chúa Giêxu đang nói tới (câu 34). Lý do cho sự thiếu hiểu biết của họ đã được đưa ra trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta: ý nghĩa đã được giấu kín khỏi họ — Đức Chúa Trời đã giấu nó. Họ chưa sẵn sàng cho việc ấy. Họ chỉ hiểu sự chối bỏ, sự đóng đinh trên thập tự giá, và sự chết theo sau là sự sống lại của Ngài mà thôi.
Không có cách nào để cho các môn đồ dám đưa ra thắc mắc về ý của Ngài muốn nói tại điểm nầy. Ở chỗ thứ nhứt, những điều Chúa Giêxu đã nói ra không phải là những gì họ muốn nghe. Đó là điều mà họ không thích. Điều đã được nói ra không phù hợp với những điều mong đợi của họ (theo con người, đối chiếu Mathiơ 16.23). Phierơ cố gắng kéo Chúa Giêxu ra khỏi chỗ khó khăn khi lần đầu tiên Ngài nói rõ về cái chết sắp tới của Ngài, và ông đã bị quở trách rất kịch liệt. Tôi có thể nhìn thấy các môn đồ đang nhìn nhau, với ánh mắt bối rối, song cũng trao cho nhau một dấu hiệu gì đó, chớ không đưa ra một thắc mắc nào hoặc ra sức làm thay đổi lý trí của Chúa. Họ đã thử làm như vậy trước đây một lần rồi, và không muốn làm lại một lần nữa. Họ đã tiếp thu bài học dành cho mình.
Tôi muốn dừng lại một phút ở điểm nầy. Tại đây trong đời sống của họ, các môn đồ đã hiểu rất ít những gì Chúa Giêxu đang nói, họ cũng không nắm bắt được Ngài đến để làm gì nữa! Mãi cho đến khi Chúa chúng ta đã làm ứng nghiệm phần việc Ngài trên đồi Gôgôtha, chớ không phải sau khi Ngài đã sống lại từ kẻ chết, không phải khi chính mình Chúa Giêxu đã dạy cho họ biết (đối chiếu Luca 24.27), không phải chờ đến lúc Đức Thánh Linh giáng lâm, mà các môn đồ mới có thể kết mọi sự nầy lại với nhau.
Lời tiên tri không được nắm bắt đầy đủ cho tới sau khi có sự ứng nghiệm. Chúa Giêxu không ra sức giải thích cho các môn đồ Ngài biết những gì sắp xảy ra, hầu cho họ có thể hiểu được và tâm trí họ được thanh thản khi mọi sự trong lời tiên tri đã diễn ra. Mục đích của Chúa chúng ta là nhấn mạnh và lôi kéo sự chú ý của họ nhìn vào biến cố đặc biệt về sự chết của Ngài trước thời điểm, hầu cho sau khi sự ấy ứng nghiệm rồi, họ sẽ hiểu đấy là việc gì, thực vậy, lời tiên tri đã được cảm thúc.
Tại sao có nhiều Cơ đốc nhân nghĩ rằng họ có thể giải thích tương lai thật rõ ràng, phải chăng họ trở thành hạng chuyên gia về lời tiên tri đến nỗi họ có thể vạch ra hết thảy các chi tiết của sự đến lần thứ hai? Tại sao chúng ta nghĩ chúng ta có thể hiểu rõ các sự nầy khi chẳng có ai khác trong lịch sử hiểu được? Thậm chí các vị tiên tri, bản thân họ cũng không lúng túng bởi các tác phẩm của họ, và lấy làm kinh ngạc về ý tứ của họ (đối chiếu I Phierơ 1.10-12).
Nếu Chúa chúng ta bị xếp loại bởi một trong những bậc sư chuyên thuyết pháp (khoa giảng dạy) trong thần học việc, có lẽ Ngài sẽ thất bại, vì phần nhiều những điều Chúa Giêxu nói ra khán thính giả của Ngài đã không hiểu được. Nếu chính mình Chúa không làm cho mọi sự Ngài giảng dạy ra rõ ràng, làm sao chúng ta mong mình sẽ giảng dạy rõ ràng hơn!?! Nếu Chúa chúng ta không làm cho mọi sự ra rõ ràng, với vài ứng dụng hiển nhiên, tại sao chúng ta dám nghĩ mình phải làm như vậy chứ?
Nói thẳng ra, có nhiều việc đáng phải tiếp thu từ việc nghe hay đọc mà chúng ta chẳng hiểu. Ở chỗ thứ nhứt, chúng ta phải (hay đáng phải) hạ mình xuống trước sự thật chúng ta không hiểu hết mọi sự chúng ta đang lắng nghe. Hầu hết chúng ta đều gặp phải nan đề: ấy là chúng ta nghĩ chúng ta biết quá nhiều, thay vì nghĩ chúng ta biết quá ít. Không hiểu rõ giúp chúng ta suy gẫm và cầu nguyện để mong thấu đáo được Lời của Đức Chúa Trời. Không hiểu rõ mọi sự chúng ta đọc hay nghe giúp chúng ta biết ngước mắt nhìn lên trời, vì chính ở đó chúng ta mới biết rõ được mọi sự. Tuy nhiên, khi nói tới chỗ nầy, chúng ta vẫn còn kháng cự lại quan điểm chúng ta cần phải nghiên cứu những việc mà chúng ta chưa hiểu, và chúng ta không thích chờ đợi cho tới sau nầy mới biết điều đó có ý nghĩa gì!?! Các môn đồ đã biết rất ít, nhưng họ đã biết một điều, ấy là Đức Chúa Trời đã sai phái Chúa Giêxu, và Ngài vốn yêu thương, quyền phép và tử tế. Họ đã biết đủ để đi theo Ngài. Đấy là tất cả những gì chúng ta thực sự phải nhìn biết. Phần còn lại là lớp kem phủ lên chiếc bánh. Chúng ta hãy học hỏi hầu được thoả lòng với những gì chúng ta chưa biết.
SỰ CHỮA LÀNH CỦA NGƯỜI ĐUI (18.35-43)
“Đức Chúa Jêsus đến gần thành Giêricô, có một người đui ngồi xin ở bên đường, nghe đoàn dân đi qua, bèn hỏi việc gì đó. Người ta trả lời rằng: Ấy là Jêsus, người Naxarét đi qua. Người đui bèn kêu lên rằng: Lạy Jêsus, con vua Đavít, xin thương xót tôi cùng! Những kẻ đi trước rầy người cho nín đi; song người càng kêu lớn hơn nữa rằng: Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi cùng! Đức Chúa Jêsus dừng lại, truyền đem người đến. Khi người đui lại gần, thì Ngài hỏi rằng: Ngươi muốn ta làm gì cho? Thưa rằng: Lạy Chúa, xin cho tôi được sáng mắt lại. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy sáng mắt lại; đức tin của ngươi đã chữa lành ngươi. Tức thì, người sáng mắt, đi theo Đức Chúa Jêsus, ngợi khen Đức Chúa Trời. Hết thảy dân chúng thấy vậy, đều ngợi khen Đức Chúa Trời”.
Câu chuyện của Luca thuật lại sự cố nầy không phải là không tương ứng với tin lành của Mathiơ (20.29-34) và Mác (10.46-52). Câu chuyện của Mathiơ cho chúng ta biết có hai người mù được chữa lành trong dịp nầy; câu chuyện của Mác cho chúng ta biết danh tánh của người, ấy là Batimê, và cả cha của người nữa (Timê).
Đây là một bối cảnh vừa vui mà vừa buồn. Batimê đang ngồi bên cạnh con đường dẫn tới thành Giêricô (câu 35). Những người ăn xin luôn luôn có những địa điểm nhất định thường có sự nhộn nhịp người qua lại, và ở đó, vì một lý do nào đó, người ta dường như tỏ ra rất hào phóng (thí dụ, ở ngoài đền thờ). Ông ta không thể trông thấy được, vì vậy cách ăn xin của ông ta phải thật nhanh nhẩu so với những gì ông ta nghe — một bước chân, âm thanh trò chuyện của những người đi ngang qua đó, v.v… Người đui đã nghe nói Chúa Giêxu đang đến gần thành Giêricô. Ông ta đã nghe thấy đám đông nói tới việc nầy từ một khoảng xa xa. Ông ta đã hỏi han những người đứng quanh mình để biết chuyện gì đã diễn ra. Có người nói cho ông ta biết Chúa Giêxu người Nazarét sắp đi ngang qua đó.
Batimê vốn biết rõ về Chúa Giêxu, có lẽ từ những gì ông ta đã nghe nói khi ông ta ngồi dọc theo đường phố. Quí vị có thể hình dung nhiều tiếng đồn đã xây quanh Chúa Giêxu giữa vòng kẻ bịnh tật và yếu sức, đặc biệt về các phép lạ chữa lành của Ngài. Batimê bắt đầu kêu la đòi gặp Chúa Giêxu. Ông ta muốn được lành và ông ta đã hết lòng tin theo Chúa Giêxu. Ông ta đã không gọi Chúa Giêxu theo cái tên mà người ta đã nói cho ông biết — Giêxu người Naxarét — thay vì thế ông ta đã gọi Ngài bằng cái tên đồng hoá Ngài chính xác hơn — Giêxu, Con Vua David. Người đui đã có một sự ngăn trở theo phần xác là tình trạng mù loà, nhưng ông ta vốn biết rõ Chúa Giêxu còn hơn cả một con người; Ngài chính là Đấng Mêsi. Vì thế, Batimê đã gọi Chúa Giêxu là Đấng Mêsi, vì Ngài có thể chữa lành kẻ đau và ban ánh sáng cho người mù. Batimê đã nài xin một việc, việc ấy chạm đến tấm lòng của Đức Chúa Trời công bình đang hướng vào một tội nhân không xứng đáng — đó là lòng thương xót. Ông ta chẳng đáng được một việc chi hết, nhưng ông ta đã nài xin được thương xót.
Người nào đang dẫn đầu con đường vào thị trấn — có lẽ là các trưởng lão thành Giêricô — họ bực tức bởi sự gián đoạn và sự náo động không đúng lúc mà Batimê đã gây ra. Ở đây ông ta đã căng phồng hết cả hai lá phổi của mình. Ông trở thành một kẻ gây phiền phức. Vì lẽ đó, họ bảo ông ta: “Hãy nín đi!” Họ nghiêm khắc cảnh cáo ông ta phải im lặng. Phải chăng họ sẽ bỏ tù ông ta vì đã làm mất trật tự đường phố không? Làm thế nào Chúa Giêxu, một nhân vật quan trọng, lại bị bối rối bởi những phiền phức như thế chứ? Ngài không muốn dừng lại vì cớ một người mù. Người mù ấy phải im lặng thôi!
Dường như Chúa Giêxu không bao giờ muốn thích ứng với những điều con người mong đợi. Ngài dừng lại, rồi ra lịnh cho người ta đem kẻ đui kia đến gặp Ngài. Ở tại điểm nầy, Mác chỉ ra tình trạng giả hình của những kẻ từng ra sức buộc Batimê phải im lặng, vì lúc bấy giờ họ đến bảo ông ta “hãy vững lòng” (10.49). Mác cũng thuật lại cho chúng ta biết rằng người mù chổi dậy, ném bỏ áo ngoài, rồi bước tới gặp Chúa Giêxu. Ông ta không muốn dừng lại ở đó. Khi Chúa Giêxu hỏi ông ta muốn gì, ông ta đáp ngay, không lâu lắc gì hết. Ông ta muốn nhìn thấy. Ngay lập tức Chúa Giêxu chữa lành cho ông ta, Ngài nói cho ông ta biết đức tin ông ta đã chữa lành cho ông ta (câu 42). Batimê bắt đầu đi theo Chúa Giêxu, và ông không hề dừng lại. Ông ta cũng dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời, là điều cũng không bao giờ kết thúc. Hết thảy những ai ngó thấy, đều dâng lời ngợi khen Đức Chúa Trời.
CHÚA GIÊXU BUỘC NGƯỜI THU THUẾ PHẢI TRÈO LÊN CÂY (19.1-10)
Chúa Giêxu đã vào thành Giêricô và sắp đi ngang qua đó. Có một người hiện diện ở đấy tên là Xachê; ông là đầu bọn thu thuế và rất là giàu có. Ông ta muốn biết Chúa Giêxu là ai, nhưng là một người thấp bé, ông không thể thấy được, vì cớ đám đông. Vì vậy, ông đã trèo lên một cây sung để nom thấy Ngài, một khi Chúa Giêxu đang đến trong ngày đó. Khi Chúa Giêxu đi đến nơi, Ngài ngước mắt nhìn lên và phán cùng ông: “Hỡi Xachê, hãy xuống cho mau, vì hôm nay ta phải ở nhà ngươi”. Vì thế, ông ta lật đật tuột xuống và vui mừng tiếp đón Ngài. Hết thảy mọi người đều nhìn thấy cảnh nầy và lằm bằm: “Người nầy vào nhà kẻ có tội mà trọ!” Nhưng Xachê vụt đứng dậy thưa với Chúa: “Lạy Chúa, nầy, tôi lấy nửa gia tài mình mà cho kẻ nghèo, và nếu có làm thiệt hại ai, bất kỳ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư”. Chúa Giêxu phán cùng ông: “Hôm nay sự cứu đã vào nhà nầy, vì người nầy cũng là con cháu Ápraham”.
Bọn thu thuế thì chẳng có gì là lạ đối với Chúa Giêxu. Ngay từ đầu chức vụ của Ngài, Chúa Giêxu đã hấp dẫn, và tệ hại hơn (theo con mắt của người Pharisi), đã nhiệt liệt tiếp nhận họ. Trong Luca 5.30, Chúa Giêxu đã bị người Pharisi vu cáo vì đã ăn và uống với “bọn thu thuế và tội nhân”. Dường như hai từ ngữ “bọn thu thuế” và “tội nhân” là đồng nghĩa đối với người Pharisi. Những kẻ phản bội nầy có lối sống thật là thấp kém. Chúa Giêxu đã làm phật lòng người Pharisi khi Ngài thốt ra thí dụ nói về “người thu thuế” biết ăn năn và người “Pharisi” tự xưng công bình trong chương 18 (các câu 9-14), đặc biệt là khi người thu thuế biết ăn năn quay trở về được xưng công bình, còn người Pharisi trở về không được xưng công bình.
Xachê là “đầu bọn thu thuế”. Ông rất giàu có (câu 19), và sự giàu có nầy là do những phương thức cong quẹo của ông (đối chiếu 3.12-13). Vì một lý do nào đó không giải thích được, Xachê rất muốn nhìn thấy Chúa Giêxu. Ông ta đã khao khát về điều nầy rất lâu, nhưng ông ta đã thực hiện một nổ lực rất khôn khéo để nhìn xem Chúa Giêxu khi Ngài đi ngang qua thành Giêricô.
Nhưng Xachê đã có một nan đề — ông ta là một người thấp. Tôi có thể hình dung ông ta đang nhón chân, đứng trên đầu ngón chân, ông ta đang tìm cách nhìn xem ở chỗ cao hơn người cao lớn trong đám đông ở trước mặt ông ta. “Suỵt, suỵt, suỵt” ông ta gần như giống với một nhân vật trong phim hoạt hình, nhưng nổ lực của ông ta chẳng được gì hết. Sau cùng, ông đi tới một chương trình. Ông ta nhìn xuống phố, ông biết Chúa Giêxu sẽ đi ngang qua đó. Ồ kia rồi! Một cây sung. Có lẽ cây chẳng to lớn gì lắm, nhưng là một cây sung. Ông ta bèn trèo lên cây ấy và Chúa Giêxu sắp đi ngang qua.
Sự thể thật là buồn cười, tôi nghĩ, nhìn thấy người nhà giàu nầy đang hì hụp leo lên cây đó. Cảnh tượng nầy ngược lại với phương thức chàng trai trẻ giàu có đã đến với Chúa Giêxu. Tôi hình dung anh ta đang lái xe tới, như thật vậy, trên một chiếc Mercedes limousine có tài xế lái. Còn ở đây, ông nhà giàu thấp người Xachê đang hì hụp trèo lên cây sung, có lẽ tuột lên tuột xuống một hai lần, nhưng sau cùng đã lên tới chỗ cao đủ để nhìn thấy Chúa Giêxu. Có lẽ đã có một hai dòng mồ hôi chảy dài trên gương mặt của ông ta. Áo xống của ông ta dính đầy đất hay bị dơ, cũng có khi đã bị rách xước. Nhưng giờ đây ông ta đã có thể nhìn thấy Chúa Giêxu rồi.
Đang khi ông nhà giàu thấp người nầy hoàn toàn khác biệt, ở nhiều phương diện, đối với người mù ăn xin Batimê, ông ta cũng tương tự như Xachê. Cả hai người đều muốn nhìn thấy Chúa Giêxu. Cả hai người không bị những ngăn trở chận đứng. Và cả hai người đều đã được Chúa ban thưởng. Điểm khác biệt giữa hai người: ấy là Batimê đã kêu la với Chúa Giêxu. Ông ta muốn được chú ý và được triệu đến với Chúa Giêxu. Còn Xachê, ông ta muốn không có ai để ý tới mình. Đây là một việc không xứng đáng, đối với ông ta. Chúng ta có thể nói nghĩ như thế thì giống như một đứa trẻ vậy (đối chiếu 18.15-16).
Chúa Giêxu đã lưu ý tới Xachê, mặc dù Kinh Thánh không nói cho chúng ta biết lý do tại sao. Ngài đã dừng lại, ngước mắt nhìn lên, gọi ông bằng tên hẳn hòi, rồi bảo ông rằng Ngài phải đến nhà ông. Chữ “phải” nầy có cùng cảm xúc mà Giăng đã mô tả trong tin lành của mình: “thì Ngài lìa xứ Giuđê trở về xứ Galilê. Vả, Ngài phải đi ngang qua xứ Samari” (Giăng 4.3-4, tôi muốn nhấn mạnh).
Tại sao Chúa Giêxu thổ lộ tính cần thiết của việc ở tại nhà của Xachê? Tại sao lại là “phải” chứ? Có cần kíp chi khi phải đến nhà của Xachê?
Là một tay thu thuế (đầu bọn thu thuế), Xachê bị coi là một tội nhân, cũng như một người dân Ngoại. Người Pharisi cho rằng một người như vậy không được tiếp nhận theo kiểu mến khách vào nhà của ai đó (đối chiếu Luca 5.29-30). Một người đàng hoàng chắc chắn không thèm bước vào nhà của một người như thế, nhận lãnh sự mến khách và ăn thức ăn của họ. Trong quá trình ấy, một người tự làm ô uế mình, giống như vi phạm luật pháp, theo học thuyết Pharisi giải thích. Không những Chúa Giêxu chấp nhận lời mời, Ngài tự mời mình. Điều nầy tạo ra một phản ứng mạnh mẽ, ngay tức khắc: “Ai nấy thấy vậy, đều lằm bằm rằng: Người nầy vào nhà kẻ có tội mà trọ!” (câu 7).
Đây không những là phản ứng của một số ít người. Luca thuật lại cho chúng ta biết hết thảy họ đều bắt đầu lằm bằm. Phải chăng sự nầy cũng bao gồm luôn các môn đồ? Có lẽ vậy!
Phần giải thích mọi hành động của Chúa chúng ta đến từ câu 10:
“Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hôm nay sự cứu đã vào nhà nầy, vì người nầy cũng là con cháu Ápraham. Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất” (câu 9-10).
Mục đích sự đến của Chúa chúng ta vẫn chưa rõ ràng. Trước tiên và trên hết, Chúa Giêxu đã đến để cứu hạng tội nhân. Phải, sau đó Ngài sẽ thiết lập Nước Trời ở trên đất, nhưng nền tảng của Nước nầy, là điều mà Đấng Christ phải hoàn tất nơi sự đến lần đầu tiên của Ngài, là sự tha thứ tội lỗi của con người. Có nhiều người sẽ không bước vào Nước Trời với tình trạng tội lỗi của họ. Chúa Giêxu đã đến để gánh lấy hình phạt tội lỗi của con người, và để cung ứng cho họ sự công nghĩa của Ngài. Đây là nền tảng của Vương quốc.
Chúa Giêxu đã đến để tìm và cứu tội nhân. Ngài không đến để hiệp với người giàu và kẻ có quyền thế. Ngài không đến để cung ứng địa vị và quyền lực cho các môn đồ. Ngài đã đến để cứu tội nhân. Muốn làm như thế, Ngài phải hội hiệp với hạng tội nhân. Vì thế, trong khi sự hội hiệp đó có thể làm phật lòng nhiều người trong xã hội thời của Ngài, Chúa Giêxu sẽ đi đến nơi hạng tội nhân sinh sống, vì vậy tin lành sẽ đến với họ và họ sẽ được cứu. Nếu mục tiêu của một người là giải cứu hạng tội nhân, thì việc ở với hạng tội nhân chỉ là một phương tiện cho mục tiêu ấy. Chức vụ của Chúa Giêxu do mục tiêu tìm và cứu tội nhân của Ngài ảnh hưởng. Phải chăng Xachê nghĩ rằng ông đã tìm gặp Chúa? Ông đã tìm đặng Chúa rồi. Còn Chúa cũng đã tìm gặp ông.
Thật là một bức tranh đẹp đẽ nói tới sự căng thẳng được duy trì ở đây giữa quyền tể trị của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của con người. Người mù đã kêu la với Cứu Chúa xin được thương xót và đã nhận lãnh sự thương xót đó. Xachê không kêu cầu nơi Chúa, thế nhưng Chúa đã kêu gọi ông. Kinh Thánh dạy rõ ràng rằng không một ai thực sự đến với Chúa Giêxu để được thương xót, trên cơ sở của đức tin, họ sẽ bị gạt đi. Kinh Thánh cũng dạy rằng bất kỳ ai chịu đến với Đấng Christ để được cứu, không phải họ tự động đến đâu, mà do Đức Chúa Trời kéo đến.:
“AI KÊU CẦU DANH CHÚA THÌ SẼ ĐƯỢC CỨU” (Roma 10.13, xem Giôên 2.32).
“Phàm những kẻ Cha cho ta sẽ đến cùng ta, kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoài đâu” (Giăng 6.37).
Vì cớ ấy, chính Đức Chúa Trời là Đấng vừa bắt đầu mà cũng vừa hoàn tất công tác cứu rỗi, và người nầy không ở trong thế bị động:
“tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ” (Philíp 1.6).
“Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Philíp 2.13).
“nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin (Hêbơrơ 12.2).
“và bởi vinh hiển nhơn đức ấy, Ngài lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời. Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhơn đức, thêm cho nhơn đức sự học thức” … (II Phierơ 1.4-5...) .
Quyền tể trị của Đức Chúa Trời không cất bỏ trách nhiệm của chúng ta ở hai phần: tìm kiếm Đức Chúa Trời và vâng theo Ngài. Và khi chúng ta làm theo, chúng ta biết rằng chính vì Đức Chúa Trời đã cảm động lòng chúng ta vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài. Không một ai thực sự tìm kiếm Đức Chúa Trời là Cứu Chúa, họ sẽ bị gạt ra ngoài. Người nào tìm kiếm, sẽ thấy rằng họ đã được Ngài tìm kiếm trước, Ngài là Đấng đã tìm và cứu tội nhân.
Sau khi ghi lại sự lằm bằm của hết thảy những kẻ đã trông thấy Chúa Giêxu đi vào nhà của một tên “tội nhân” giống như Xachê, Luca cũng thông báo cho chúng ta biết về sự thay đổi mà đức tin mang lại cho nhân vật nầy. Dường như là ngay trước khi Chúa Giêxu bước vào nhà của ông, Xachê đã đứng lại rồi nói với Chúa Giêxu về các dự tính của ông, như một kết quả của sự Chúa Giêxu đến ngự vào đời sống của ông vậy. Ông ta nói, ông sẽ bố thí phân nửa gia sản cho người nghèo. Hơn nữa, ông sẽ bồi thường 1/4 cho bất kỳ ai mà ông đã làm hại cho (câu 8).
Việc đầu tiên mà tôi thấy: ấy là Xachê đã đưa ra cách xử lý thật tốt đối với người nghèo, nhưng không phải với hết thảy tài sản của ông. Tại sao chỉ có phân nửa thôi? Phải chăng Chúa Giêxu không buộc chàng trai trẻ giàu có kia phải bán đi hết thảy? Hãy để ý là sự bố thí của Xachê hoàn toàn là tình nguyện. Chúa Giêxu không áp đặt trên ông một loại điều kiện nào cả. Ông ta đã quyết định làm ra sự nầy, như một hành động biết ơn, chớ không phải như một bổn phận mà ông phải miễn cưỡng thực thi.
Thứ hai, tôi tin rằng ông đã hiến phân nửa tài sản của mình cho người nghèo vì một lý do rất thực tế — trả lại cho những người mà ông đã lừa gạt, việc nầy sẽ đòi hỏi phần còn lại sự giàu có của ông. Theo tôi nghĩ, Xachê đã bố thí mọi thứ mà ông đã có: phân nửa cho người nghèo, và phân nửa kia cho những người mà ông đã lừa đảo.
Thứ ba, tôi thấy nhân vật nầy trả lại của bồi thường gấp bốn lần những gì ông đã thâu tóm rất là thú vị. Khi tôi xem các phân đoạn Cựu ước ghi lại phần bồi thường xứng đáng với những gì chúng ta đã lấy, tôi thấy rằng phần bồi thường tối thiểu, như Kinh Thánh ghi, là khi trả lại phần đã lấy, phải phụ thêm 20% số nộp phạt — một loại tiền lời (đối chiếu Lêvi Ký 6.1-5). Ở những chỗ khác, phần bồi thường những thứ đã lấy cắp được quyết định trả lại hay không trả lại (đối chiếu Xuất Êdíptô ký 22.1-5). Sự việc gây ấn tượng cho tôi về phần cung hiến của Xachê: ấy là ông không hứa đưa ra phần bồi thường tối thiểu, mà là phần bồi thường tối đa. Xachê đã bằng lòng thừa nhận tội ăn cắp của mình là một thứ tồi tệ nhất, và bằng lòng sửa ngay lại mọi việc với quyết toán nầy. Ông đã không thu nhỏ tội lỗi mình.
Điều nầy dẫn tôi đến một phần lưu ý khác: trong khi sự cứu rỗi không phải bởi việc làm, khi sự cứu rỗi chân chính đến với một người, đời sống của người nầy hoàn toàn thay đổi. Sự cứu rỗi là một biến cố chắc chắn, đem con người từ tối tăm qua sáng láng, từ sự chết qua sự sống, và từ gian ác sang sự công bình. Sự trở lại đạo chân chính tạo ra sự thay đổi trong đời sống của người được cứu. Xachê đang chứng tỏ một sự trở lại đạo chân chính bởi sự thay đổi mà ai cũng nhìn thấy — một sự thay đổi đột ngột trong trường hợp của ông — trong các hành động của ông. Nguyện mọi sự nầy cũng xảy đến chúng ta y như vậy. Có nhiều người không hiểu được sự thay đổi đã diễn ra trong đời sống của chúng ta khi chúng ta gặp Chúa rồi được cứu, thế nhưng họ sẽ nhìn thấy sự thay đổi. Đấy là một phần của những gì sách Giacơ đã nói tới.
Tội nhân, Xachê, giờ đây là một thánh đồ. Sự cứu rỗi đã vào trong nhà của ông. Ông sẽ không bao giờ sống như trước đây nữa. Và trong khi đám đông sau cùng rất đỗi vui mừng và ngợi khen Đức Chúa Trời vì ánh sáng mà người mù Batimê đã nhận được (18.43), không có một chỗ nào ghi lại về bất kỳ một sự ngợi khen nào cho Đức Chúa Trời vì sự cứu rỗi của Xachê. Ít nhất, tôi mong là sẽ có một tiếng thở dài khuây khoả.
PHẦN KẾT LUẬN:
Có hai việc gây ấn tượng nơi tôi trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, thêm vào với những gì tôi đã nói rồi. Thứ nhứt: ấy là đôi khi Chúa Giêxu được người ta hiểu rõ. Các môn đồ Ngài đã không hiểu những lời tiên đoán thẳng thừng của Ngài nói về sự chối bỏ, sự thương khó, và sự chết của Ngài (đối chiếu 18.34). Các cấp lãnh đạo đã không hiểu tấm lòng của Chúa Giêxu, rồi vì thế đã tìm cách buộc người mù phải im lặng và giữ không cho ông ta đến gần Chúa Giêxu. Và dường như chẳng có ai hiểu “tìm và cứu tội nhân” có ý nghĩa gì nữa!?! Rồi vì thế cứ lằm bằm khi tự mình Chúa Giêxu mời Ngài đến nhà của một tội nhân. Trước khi đến với thập tự giá, và trước khi Đức Thánh Linh giáng lâm, khán thính giả của Ngài nắm bắt rất ít mọi điều Ngài đã phán dạy, kể cả các môn đồ thân tín nhất của Ngài.
Điều nầy há chẳng đến với chúng ta như một sự ngạc nhiên, khi chúng ta sống như Cơ đốc nhân mà chúng ta không hiểu gì hết sao? Sứ đồ Phierơ về sau nói cho độc giả của ông biết sự hiểu sai thế nào cũng có, vì đường lối của Đức Chúa Trời không phải là đường lối của con người:
“Ngày trước cũng đã đủ làm theo ý muốn người ngoại đạo rồi, mà ăn ở theo tà tịch, tư dục, say rượu, ăn uống quá độ, chơi bời, và thờ hình tượng đáng gớm ghiếc. Họ thấy anh em chẳng cùng họ theo sự dâm dật bậy bạ ấy, thì họ lấy làm lạ và gièm chê. Nhưng họ sẽ khai trình với Đấng đã sẵn sàng xét đoán kẻ sống và kẻ chết…Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót” (I Phierơ 4.3-5, 12-13).
“Con đường thập tự giá” buộc phải có sự hiểu lầm, bị kháng cự và bị chối bỏ. Đấy là những gì Chúa chúng ta đã kinh nghiệm, và đó là những gì các môn đồ Ngài sẽ nhận lấy làm kinh nghiệm của họ nữa.
Sau cùng, tôi thấy rằng tất cả ba tiểu đoạn nầy trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta chứa lẽ đạo phổ thông nói về sự chối bỏ và sự nhục nhã. Sự chết chuộc tội của Chúa Giêxu vì tội lỗi của thế gian đòi hỏi không những sự chết, mà còn đòi hỏi sự chối bỏ và sự nhục nhã nữa. Thuộc về Ngài là cái chết nhục nhã. Ít nhất theo một ý nghĩa, cái chết nầy chẳng có gì là vinh hiển hết. Người mù đã tự hạ mình xuống, chịu lấy sự chối bỏ và chống cự của đám dân đông. Ông ta không chịu im lặng. Ông ta không chịu dừng lại. Ông ta đã nhận lãnh sự thương xót. Nhưng ông ta phải đến với Chúa Giêxu qua sự nhục nhã. Cũng vậy, đối với ông nhà giàu Xachê. Không giống như chàng trai trẻ giàu có, là người dường như đến cùng Chúa Giêxu với sự giàu có và tự hào của mình, anh ta đã chống lại sự khinh bỉ và lằm bằm của đám dân đông, còn Xachê đã trèo lên cây sung. Thuộc về ông ta là kinh nghiệm sự chối bỏ và khinh bỉ.
Thập tự giá của Đức Chúa Giêxu Christ là thập tự giá của sự chối bỏ và nhục nhã. Chúa chúng ta đã bằng lòng vác lấy thập tự giá nầy. Nhưng con đường đi đến thập tự giá ấy thường phải đi qua sự chối bỏ và sự nhục nhã. Thế nhưng con đường ấy lại là con đường phước hạnh, khi nó dẫn chúng ta đến với CÁI GIÁ của SỰ SỐNG, đến với sự tha tội, và đến với sự thương xót của Ngài. Chúng ta hãy vui sướng tìm kiếm thập tự giá qua trũng chối bỏ và nhục nhã, vì đây là con đường mà Chúa chúng ta đã đến với thập tự giá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét