Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Luca 8.26-39: "GIẢI CỨU NGƯỜI BỊ QUỈ ÁM HAY “NỖI SỢ HÃI BẤT KHIẾT”



“Người Dê”
Tiếp cận sứ điệp
Sự giải cứu người bị quỉ ám
Tóm lược
BÀI 27
GIẢI CỨU NGƯỜI BỊ QUỈ ÁM HAY “NỖI SỢ HÃI BẤT KHIẾT”
(Luca 8.26-39)
“Người Dê”
Khi tôi lớn lên, có một nông trại nằm trên đường chúng tôi đi đến thành phố Tacoma. Nông trại được cai quản bởi một người mà ai cũng biết là “người dê”. “Nông trại” ấy chắc là tàn tệ lắm. Chắc chắn đấy là một mảnh đất khá rộng, chất các thứ vật dụng thặng dư của Quân Đội thành từng đống cao. Tôi có thể nhớ hàng đống gỗ sống, có lẽ hàng trăm cây, chất đống ở trong nông trại đó. Căn nhà của người dê chỉ là một cái lán thôi, với các thứ tiện nghi sơ sài. (Tôi đoán mọi thứ nầy theo ký ức của tôi từ những thứ trên đường phố, khi chúng tôi lái xe đi ngang qua).
Ông ta được gọi là “người dê” do một thứ duy nhất mà ông ta đã nuôi trong nông trại ấy là bầy dê. Tôi có thể nhớ người ấy đang ngồi ngay cửa lán nhỏ đó với cánh cửa đang mở và bầy dê thì đang đi ra đi vào ngôi nhà. Đặc biệt tôi còn nhớ một con dê rất đặc biệt, nó luôn luôn có một con gà trống ngồi trên lưng nó. Tôi đang thuật lại cho quý vị nghe một sự thật. Mỗi lần chúng tôi đến gần ngôi nhà của “người dê” thì có một con dê có một con gà trống đang ngồi trên lưng nó, dù nó có đi tới đi lui. Đó là một cảnh tượng rất nực cười.
Điều thú vị nơi “người dê” ấy là ông ta rất giàu có. Tiếng đồn đãi cho rằng người nầy sở hữu một góc phố Tacoma. Cái điều không thể tin được nơi cách sống của người nầy lâu nay, ông ta ngồi tại cửa lán, bầy dê và gà ở xung quanh, với cái sân đầy những gỗ chất đống, trong khi ông ta có thể sống trong xa hoa và ăn mặc thật lịch sự.
Mỗi địa điểm đều có loại “người dê” riêng của nó. Luôn luôn có một “người điên” nào đó, họ là điều xì xào bàn tán của người lân cận, và họ cung ứng sự tiêu khiển cho hết thảy những ai trông thấy họ. Tôi tin rằng có hai con quỉ đã sống trong khu vực Giêrasê là “điều xì xào bàn tán” trong thời của họ. Đồng thời, những người nầy đã sống trong thànnh phố và có đời sống tương đối bình thường. Rồi có việc đã xảy ra chính thức biến hai người thành hai con thú, họ rất mạnh sức và không làm chủ được bản thân đến nỗi dân chúng không còn dám sử dụng con đường chạy ngang qua chỗ mà họ đang trú ngụ nữa.
Vấn đề cho chúng ta: ấy là chúng ta có được sự nắm bắt được thực tại của mọi điều đã được mô tả ở đây hay không!?! Đa số chúng ta không nhìn thấy những người nam người nữ bị quỉ ám đến nỗi họ đã có sức mạnh rất siêu nhiên, nói năng bằng những giọng nói rất lạ lùng, và dường như là hiện thân của điều ác. Hầu hết chúng ta đều sinh sống tại Hoa Kỳ, chúng ta phải chấp nhận câu chuyện trong Kinh Thánh theo đức tin. Nhưng những việc như thế nầy đang diễn ra, theo Don Baker cho biết, ông là một vị Mục sư đã kinh nghiệm cuộc đối đầu mặt tận mặt với một người bị quỉ ám. Ông đã trải qua một thời gian ngã lòng với một cường độ lớn, cần phải vào viện nằm và một thời gian dài điều trị liệu pháp bởi một chuyên gia tâm lý Cơ đốc. Ông kể lại câu chuyện nầy về một người bị quỉ ám, một thời gian ngắn trước khi ông suy sụp.
… chỉ mấy ngày sau lần gặp đầu tiên của tôi với một người thuộc Satan, tôi trượt ngay vào cái lỗ đen của mình. Đó là một kinh nghiệm thật hãi hùng. Việc xảy ra khi tôi bước vào phòng ở trung tâm hội nghị, ở đây tôi được mời đến giảng dạy trong một tuần lễ. Đứng chắn đường đi của tôi là một thanh niên còn trẻ, 27 tuổi, mặc quân phục.
Anh ta hỏi: “Có phải tên ông là Baker, hay Barker?”
Tôi đáp: “Phải, tên tôi là Baker”.
Anh ta nói: “Người ta bảo tôi đến trao đổi với ông”.
Thái độ của anh ta thật kỳ dị và có ý đe doạ. Giọng nói của anh ta rất nhạt nhẽo và vô vị. Đôi mắt của anh ta lạnh lùng và trống không. Tôi cảm thấy sợ khi tôi nhìn thẳng vào anh ta. anh ta bước vào phòng cùng với tôi, và tôi đã yêu cầu anh ta ngồi xuống. Anh ta đáp: “Không, tôi đứng thôi!” Kế đó, anh ta nói: “Tôi phải nói với ông một việc, nhưng tôi không thể nhìn thẳng vào ông; và ông không nên nhìn thẳng vào mặt tôi”. Với câu nói ấy anh ta liền hướng mặt vào tường, hướng đầu mình vào tấm bảng trên tường, rồi bắt đầu kể lại câu chuyện kỳ quái mà tôi đã từng nghe. Anh ta là một người thờ phượng và là thầy tế lễ của Satan trong 17 năm trời. Việc sùng bái của anh ta đối với điều ác đã đưa anh ta đi khắp xứ sở và gắn anh ta liền với từng cách thờ lạy hình tượng mà con người biết rõ. Cứ 22 ngày thì có một quỉ đến thăm viếng anh ta và buộc phải làm ra những hành động gian ác. Anh ta thù ghét Đức Chúa Trời, anh ta thù ghét Đấng Christ. Anh ta ghét nói chuyện với tôi, nhưng anh ta buộc phải…
Sau hai giờ đồng hồ thình lình anh ta quay sang tôi, đôi mắt anh ta lộ vẻ thù hận, rồi gào lên: “Ông không sợ tôi sao? Ông không biết là tôi sẽ giết ông sao?” Với vẻ bình tĩnh theo cách siêu nhiên, tôi nhìn thẳng vào khuôn mặt điên khùng đó rồi đáp: “Không, anh không thể làm gì được đâu, vì Đấng Christ ở trong tôi cao cả hơn Satan đang ở trong anh” (Giăng 4.4). Ngay lúc ấy anh ta gào lên, một tiếng gào the thé rất gớm ghiếc, anh ta giang hai cánh tay ra, rồi ngã vật xuống sàn nhà. Trong cơn giận dữ không kiềm chế, anh ta nện đầu mình xuống sàn nhà bê tông, tạo ra những tiếng ồn còn khủng khiếp hơn là mô tả nữa. Tôi nhìn quanh cầu cứu trong sự hư không. Tôi kêu cứu, song chẳng có ai đến hết. Tôi ở đấy một mình – một mình với một con quỉ. Mặt đối mặt với kẻ thù lần đầu tiên.
Tôi kêu lên: “Ôi Đức Chúa Trời ơi, con phải làm gì đây?” Tôi quỳ gối xuống bên cạnh hình người đang quằn quại đó, đặt một tay lên giữa trán người ấy và nền nhà bê tông, và tay kia trên lưng người đó. Khi tôi xoa đầu và vai của anh ta, tôi cầu nguyện: “Lạy Chúa Jêsus, hãy giải cứu người nầy ra khỏi Satan”. Tôi cứ tiếp tục cầu nguyện, suốt thì giờ ấy cứ che chắn đầu anh ta đừng đập xuống nền nhà: “Nhơn danh Chúa Jêsus, Chúa của thiên đàng – Chúa của muôn vật – ta truyền cho ngươi, hỡi Satan, hãy ra khỏi thân thể của người nầy”.
Nếu có một công thức đặc biệt, tôi không biết công thức đó là gì. Tôi biết danh của Chúa Jêsus luôn luôn rung lên hồi chuông báo tử cho ma quỉ trong Kinh Thánh. Sau thời gian dường như là cõi đời đời, thân thể anh ta bắt đầu bớt căng thẳng. Anh ta thôi không còn nói lung tung và sùi bọt mép nữa. Tôi giục anh ta nói ra danh Chúa Jêsus – Chúa Jêsus. Mỗi lần tôi nói ra danh đó anh ta nhìn thẳng vào tôi với cặp mắt van nài và rồi chụp lấy cổ họng mình và lưỡi anh ta để tỏ ra rằng anh ta không thể nói được. Lúc tôi quỳ xuống bên cạnh anh ta, ôm chặt anh ta vào người của tôi, tôi lại cầu nguyện: “Lạy Chúa Jêsus, xin cho lưỡi người được thong thả, để anh ta có thể nói ra danh của Ngài”. Sau cùng, điều ấy đã xảy ra. Môi miệng người bắt đầu nói được.
Tôi giục giã: “Hãy nói đi. Hãy xưng danh Ngài ra. Hãy nói Chúa Jêsus đi”.
Anh ta kêu lên: “Tôi không thể”.
Tôi lại cầu nguyện nữa. Sau cùng anh ta ngước đầu lên, tập trung sức lực ít ỏi mà anh ta đang có, rồi kêu lên: “Lạy Chúa Jêsus”. Anh ta quỳ xuống sàn nhà với câu nói đó, bất tỉnh. Tôi đắp chăn cho anh ta, xoa bóp đầu, cùng với đôi vai và lưng anh ta, rồi đợi cho tới lúc anh ta tỉnh lại. Lời nói đầu tiên của anh ta sau khi mở mắt ra là: “Lạy Chúa Jêsus”. Kế đó anh ta đứng dậy, bước tới cạnh giường của tôi, quỳ gối ở đó, rồi dâng đời sống mình cho Chúa Jêsus.
Phân đoạn Kinh Thánh nầy rất quan trọng cho chúng ta vì một vài lý do. Thứ nhất, phân đoạn Kinh Thánh nầy dạy chúng ta nhiều về thế lực ma quỉ đang chống đối Chúa và Hội thánh của Ngài. Phân đoạn Kinh Thánh nầy nhắc cho chúng ta nhớ các thế lực siêu nhiên đang hành động chống nghịch lại Cơ đốc nhân. Nó nhắc cho chúng ta nhớ rõ ràng Đức Chúa Jêsus Christ vốn có uy quyền cao cả hơn các thế lực ma quỉ, thật vậy, thậm chí còn cao cả hơn toàn thể “quân đội” của ma quỉ nữa. Chúng ta mắc một món nợ lớn đối với “Quân Đội”, vì anh ta là minh hoạ khắc nghiệt cho hậu quả sau cùng nơi quyền khống chế của Satan. Phần mô tả nầy về “Quân Đội” cung ứng cho chúng ta một loại “bản sao không thể rờ đụng được” về một con người đang “đầy dẫy tà linh”, hiển nhiên là con người nầy đã bị Satan quản trị, bằng các phương tiện trợ giúp thuộc hàng quỉ sứ của hắn. Sự lừa gạt và huỷ diệt của Satan bị lộ chân tướng, lộ ra trong hình thức rõ ràng và bẩn thỉu nhất của nó. Chúng ta hãy cẩn thận tra xét khi sản phẩm đã hình thành, vì nó rất khác biệt với những gì Satan xưng hắn có thể tạo ra.
Thứ hai, sự giải cứu người bị quỉ ám kéo chúng ta chú ý tới thái độ kính sợ Đức Chúa Trời trước điều chi là bất khiết và không lành mạnh. Nỗi sợ hãi của “Quân Đội”, là nỗi sợ hãi của ma quỉ đang ám ảnh anh ta, và nỗi sợ hãi của dân chúng trong thị trấn quê hương của anh ta, là nỗi sợ hãi bất khiết, nỗi sợ khiến cho nhiều người tránh xa Đức Chúa Trời, hoặc, theo phân đoạn Kinh Thánh, nỗi sợ ấy khiến cho họ xin Con Đức Chúa Trời hãy ra khỏi khu vực của họ. Khi hay biết được người không tin Chúa và người ô uế sẽ kính sợ Đức Chúa Trời thì không gì phải sốc cả. Ở phần kết của sứ điệp nầy, tôi sẽ chỉ ra loại sợ hãi bất khiết nầy, ai cũng thấy có trong “Quân Đội”, trong dân chúng của khu vực đó, cũng có thể thấy có trong Cơ đốc nhân, và chính loại sợ hãi nầy đang ngăn trở, thậm chí chống nghịch lại cơn phấn hưng nữa. Chúng ta hãy lắng nghe cho kỹ phân đoạn Kinh Thánh nầy, vì nó nói rất nhiều về những Cơ đốc nhân đương thời, cũng như cho hạng người không tin Chúa ngày nay.
Tiếp cận sứ điệp
Trong sứ điệp nầy, chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách ôn lại bối cảnh, rồi chúng ta sẽ quan sát các biến cố xoay quanh sự giải cứu người bị quỉ ám theo Luca đã mô tả, được Mathiơ và Mác nhấn mạnh rất rõ nét. Kế đó chúng ta sẽ xem xét “mối căng thẳng của phân đoạn Kinh Thánh”, là chìa khoá cho phần giải thích sự cố nầy cùng ý nghĩa của nó cho chúng ta. Sau cùng, chúng ta sẽ xem xét bản chất nỗi sợ hãi của “Quân Đội” và những người đồng hương của anh ta, và tìm cách học biết làm thể nào nỗi sợ ấy cũng thấy có nơi mọi người, kể cả Cơ đốc nhân.
Sự giải cứu người bị quỉ ám
Ngày ấy bắt đầu với phần dạy dỗ của Chúa chúng ta cho đoàn dân đông từ mạn một chiếc thuyền (có lẽ là chiếc thuyền của một trong các ngư phủ thuộc các môn đồ), neo đậu dọc bờ phía Tây biển Galilê. Việc sử dụng chiếc thuyền chẳng có gì là mới mẻ (đối chiếu Luca 5.3), nhưng phương pháp dạy dỗ của Chúa chúng ta bằng thí dụ mới là mới mẻ (Luca 8.3…). Ở đây, Luca ghi lại thí dụ duy nhất nói về các loại đất (Luca 8.13-18). Ở cuối phần dạy dỗ của Ngài trong ngày ấy, Chúa Jêsus đã bảo các môn đồ Ngài phải di chuyển sang bờ hồ phía bên kia (đối chiếu Mác 4.33-36). Trên đường sang qua bên kia hồ, một cơn bão dữ đã nổi lên, nó đe doạ chiếc thuyền cùng các hành khách trong đó. Sau khi Chúa Jêsus đã quở bão yên lặng, chiếc thuyền tiếp tục đến với bờ hồ bên kia. Chính tại đây mới có câu chuyện cho chúng ta. Khi Chúa Jêsus bước chân ra khỏi thuyền xuống bờ thì người bị quỉ ám xuất hiện.
Trái tim của các môn đồ hãy còn đập thình thịch do nỗi kinh hãi mà họ đã trải qua khi gặp bão. Tỉ lệ nhịp đập của những quả tim ấy có lẽ đã trở lại bình thường rồi. Bây giờ, khi thuyền của họ vừa mới cập nhẹ nhàng vào bờ cát, các môn đồ mới thở ra được một hơi dài khoan khoái. Gần như tôi có thể nghe thấy tiếng thở dài của các môn đồ: “Sau cùng rồi cũng an ninh”. Bấy giờ chuyện gì đã xảy đến cho họ, sau khi họ cập bến an toàn? Vẻ hiu quạnh của bờ biển có lẽ là một bối cảnh đáng hoan nghênh, sau khi đoàn dân đông đã nhóm lại dọc theo bờ biển. Có lẽ không một ai suy nghĩ sao chẳng có một người nào hết, hay tại sao con đường dẫn vào thị trấn gần đó, lại chẳng có một người nào hết!?!
Chiếc thuyền đậu gần bờ có con đường đi ngang qua, con đường nầy dẫn vào một thị trấn gần đó. Trên ngọn đồi gần đấy là một nghĩa trang rất kiểu cách, mặc dù tôi có cảm giác chắc có lẽ người ta đã sử dụng một con đường khác. Tuy nhiên, chẳng có con đường nào khác, cũng chẳng có nghĩa trang nào khác cả, vì một lý do: hai con quỉ đang ở gần đó, và chẳng có ai cảm thấy an ninh khi đi ngang qua, chúng có thể xáp lại gần để kiếm chuyện (Mathiơ 8.28). Trong khi hai người nầy đã từng sống rất bình thường trong thị trấn gần đó (đối chiếu Luca 8.27), bây giờ họ đã sinh sống chẳng khác gì thú vật. Hai người đã bị quỉ ám, và vì vậy họ đã, sẽ và đang rất nguy hiểm. Dân chúng trong thị trấn đó đã tìm cách nhốt và cai quản hai người nầy, thậm chí họ còn sử dụng cả xiềng xích nữa, song sức mạnh phi thường của họ đã minh chứng họ mạnh hơn cả xiềng xích (Luca 8.29; Mác 5.3). Họ không còn mặc quần áo, và họ thường kêu hú lớn tiếng, nhưng không phải tiếng của loài người, thường làm đau thân thể họ bằng cách đập đá (Mác 5.5). Họ rất nguy hiểm không những cho bất kỳ một người đi đường nào, mà còn cho chính bản thân của họ nữa.
Hai người và dân chúng trong thị trấn dường như đã đạt đến một sự hiểu biết. Họ sẽ sống trong nơi hẻo lánh, ở đấy họ sẽ không làm hại ai khác, và dân chúng trong thị trấn sẽ để cho họ sống một mình. Dường như đấy là giải pháp tốt nhất dưới các hoàn cảnh. Hai người tự bỏ đi, để rồi bất cứ lúc nào ma quỉ thích, chúng sẽ hành hại họ, nhưng chẳng làm hại ai khác. Mọi người dường như đều biết rõ nơi Chúa Jêsus cặp bến, và với sự tán thành của mọi người, một đất không người ở.
Một mình Mathiơ thuật lại cho chúng ta biết đã có hai người bị quỉ ám, chớ không phải một đâu, như ở sách Mác và Luca ghi chỉ có một. Mác và Luca họ chỉ thuật lại có một người bị quỉ ám, cũng cho biết rằng chính người nầy, từng được phục hồi tỉnh táo, đã trở thành một môn đồ của Chúa chúng ta. không thấy hai người nhắc tới người bị quỉ ám kia. Mác và Luca thuật lại cho chúng ta biết về một người bị quỉ ám, vì họ nhắm vào đức tin của người nầy, một đức tin mà người kia dường như không có.
Khi chúng ta tìm cách nhớ lại sự việc với người bị quỉ ám và bầy heo, chúng ta cần phải nhớ lại toàn bộ bối cảnh đã được “những người đi tìm kiếm bầy heo” hay “những người chăn heo” chứng kiến, họ đã trông thấy mọi sự từ địa thế phía trên cao. Nếu chúng ta có thể tái diễn lại sự cố theo hình thức phim ảnh, chúng ta cần phải bắt đầu với một máy quay phim màn ảnh rộng. Chúa và các môn đồ Ngài vừa mới đến, và họ đang đứng trên bờ biển Galilê. Gần mé biển dường như là con đường, con đường nầy chạy ngang qua nghĩa trang (hai người bị quỉ ám sống ở đó giữa các ngôi mộ) và con đường dẫn thẳng vào thị trấn gần đó. Cao hơn mé biển một chút, trên mé ngọn đồi (dường như vậy) là nghĩa địa, ở đó hai người bị quỉ ám đang sinh sống. Từ chỗ ở của họ, họ có thể nhìn thấy chiếc thuyền đang vào gần bờ và đoàn người đang đứng trên mạn thuyền vừa cặp bờ. Cao hơn một chút nữa là “bọn chăn heo”, họ đang trông chừng bầy heo, sau đó bầy heo nầy đã nhào xuống bờ rìa khúc dốc mà lao xuống biển Galilê và bị chìm hết.
Trông chừng bầy heo có lẽ chẳng có gì là phải gắng sức lắm, và vì thế bọn chăn phải quan sát bầy từ phía trên cao, và đã nhìn thấy chiếc thuyền đang tới gần. (Có thể họ cũng đã nhìn thấy cơn bão, chính cơn bão đã đe doạ chiếc thuyền nầy và nhiều chiếc thuyền khác đang ở trên biển). Khi họ nhìn biết chiếc thuyền sẽ cặp bờ ở chỗ nầy, trong một “đất không người ở”, họ phải mong mỏi ngày ấy sẽ là một ngày rất thú vị.
Dĩ nhiên, họ biết rõ hai người bị quỉ ám đang có mặt gần đó (không nghi ngờ chi nữa, họ cũng cần phải giữ khoảng cách) và chưa có ai từng sử dụng con đường nầy (Mathiơ 8.28), cũng chưa có ai cặp thuyền vào bờ gần nghĩa địa ấy bao giờ. Tôi có thể nhìn thấy “bọn chăn heo” nầy thúc vào hông nhau mà nói: “Ê, Giôên, hãy xem kìa. Chắc sẽ có chuyện hay đây”.
Họ đã trông thấy hai người bị quỉ ám lao xuống xông vào các môn đồ khi ấy chẳng chút ngờ vực nào hết, họ gào thét theo một phương thức làm cho máu của ai đó phải đông lại. Họ đã cười rúc rích khi họ nhìn thấy các môn đồ tỏ vẻ ghê sợ. Họ chờ đợi hai người đầy thú tính nầy hành hung số người kia, khiến họ phải quay trở lại chiếc thuyền, rồi trở về chốn mà từ đó họ đã đến đây. Họ phải kinh ngạc dường bao khi thấy người bị quỉ ám sấp mình xuống trước mặt Chúa Jêsus. Mặt mày họ thể nào đã tỏ ra nét hoang mang khi họ thoáng nghe thấy các câu nói của hai người nầy, họ gào thét lên lớn tiếng đủ để cho họ nghe thấy, thậm chí ở một khoảng cách xa xa (đối chiếu Mathiơ 8.29; Luca 8.28; Mác 5.7), họ tuyên bố Chúa Jêsus là Con của Đấng Rất Cao (Luca 8.28). Và rồi, quý vị có thể hình dung được nỗi bứt rứt của bọn chăn heo nầy khi họ nom thấy hai người bị quỉ ám đổi hướng, và chỉ thẳng vào bầy heo, rõ ràng đang cầu xin điều chi đó cho họ? Khi ma quỉ rời khỏi hai người bị quỉ ám và ám vào bầy heo, “bọn chăn heo” là những người đầu tiên hiểu rõ, bèn bỏ chạy theo hướng khác. Khi dân chúng trong thị trấn đến hỏi bọn chăn nầy chuyện gì đã xảy ra, họ có thể thuật lại hết mọi sự, vì họ đã nhìn thấy toàn bộ sự việc, khi họ đứng ở phía trên cao của bối cảnh. (Chính từ cao độ nầy bầy heo đã lao xuống, qua mép núi, hay ít nhất qua bờ dốc đứng, mà nhào xuống biển).
Khi người bị quỉ ám lao xuống dốc đồi từ khu mồ mả hướng về Chúa Jêsus, đôi mắt điên dại, gào thét hết cả buồng phổi của mình, đây quả là một cảnh tượng lắm hãi hùng cho các môn đồ. Có lẽ họ nhìn thấy cả nhóm người kia đang giật mình, hy vọng họ hiệp nhau lại mới đủ sức hãm bớt tốc độ của người nầy. Người bị quỉ ám dường như mới trông thấy hoặc quan tâm đến Chúa Jêsus, rồi khi ông ta tiến tới gần, ông ta sấp mình xuống trên hai đầu gối. Khi người nầy nói, ấy không phải là con người, mà đúng hơn là ma quỉ đang nắm lấy quyền khống chế. Cho nên, chính ma quỉ đang nói chuyện với Chúa chúng ta, như chúng ta sẽ còn nhìn thấy nữa.
Người bị quỉ ám ngay lập tức công nhận Chúa Jêsus, thậm chí từ một khoảng xa xa, là Con của Đức Chúa Trời và là Đấng Mêsi của Ysơraên. Trong câu chuyện của Luca, Chúa Jêsus được công nhận là “Jêsus, Con của Đấng Rất Cao” (Luca 8.28). Khi Chúa Jêsus truyền cho ma quỉ phải ra khỏi người nầy, tên của người bị quỉ ám là Quân Đội, ma quỉ đã bắt đầu nói qua con người.
Thật là quan trọng khi chú ý tới điểm nầy, mặc dù người bị quỉ ám sấp mình xuống dưới chơn Chúa Jêsus, song đấy chưa phải là một hành động của sự thờ phượng, câu chuyện sau đó cho thấy, khi ma quỉ bị đuổi ra khỏi người nầy. Ma quỉ đã công nhận lai lịch của Chúa Jêsus, và chúng cũng nhìn nhận tính siêu việt, uy quyền của Ngài cao cả hơn chúng. Thí dụ, chúng đã công nhận rằng Ngài có quyền làm bất cứ điều chi Ngài muốn đối với chúng. Lời thỉnh cầu của chúng thốt ra là những lời lẽ của kẻ bậc thấp đối với Đấng cao cả vô hạn.
Nếu tôi có quyền chỉ ra đặc điểm của sự đáp ứng đối với Chúa Jêsus của kẻ bị quỉ ám, và nhơn đó là đáp ứng của ma quỉ đối với Con Đức Chúa Trời, chỉ có một từ tóm tắt hay nhất chỉ ra phản ứng của chúng đối với Ngài mà thôi – ấy là FEAR [sợ hãi]. Hãy chú ý các đặc điểm sau đây của sự sợ hãi có trong lời nói rõ ràng của “Quân Đội”.
(1) “Quân Đội” vốn sợ hãi về sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Nỗi sợ hãi của “Quân Đội” rất khác biệt với nỗi sợ hãi của các môn đồ, khi ở gữa cơn bão. Các môn đồ thật sợ hãi vì họ không biết Đức Chúa Trời đã hiện diện với họ trên chiếc thuyền. Ma quỉ thật sợ hãi vì chúng biết rõ Đức Chúa Trời đang hiện diện giữa vòng chúng. Lời lẽ đầu tiên của chúng nói về Chúa Jêsus là một bằng chứng cho sự thật chúng đã công nhận Ngài là “Con của Đấng Rất Cao” (Luca 8.28). Chúng phải sợ hãi vì chúng vốn biết rõ Đức Chúa Trời đang hiện diện giữa vòng chúng.
(2) Ma quỉ sợ hành hình, và sự phán xét của Đức Chúa Trời. Tại sao sự xuất hiện của Chúa Jêsus trên bờ biển Galilê lại là nguyên nhân cho ma quỉ phải sợ hãi? Vì chúng vốn biết rõ sự đến của Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời là mang lại sự huỷ diệt cho chúng. Chính Chúa Jêsus đã phán về ma quỉ:
“Hiện bây giờ, có sự phán xét thế gian nầy, và hiện nay vua chúa của thế gian nầy phải bị xua đuổi” (Giăng 12.31).
Lúc ban đầu, Đức Chúa Trời đã phán rằng: “dòng dõi của người nữ” sẽ huỷ diệt Satan:
“Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người” (Sáng thế ký 3.15).
Thật là thú vị khi thấy rằng trong khi ma quỉ kinh hãi về sự hành hại chúng, chúng lại chẳng băn khoăn gì khi hành hại những người mà chúng ám vào.
(3) Ma quỉ sợ hãi do thì giờ hiện đến của Ngài. Vấn đề mà ma quỉ phải dè chừng chính sự thì giờ hiện đến của Ngài. Chúng vốn biết rõ thì giờ của chúng đã đến, song chúng không mong thì giờ ấy đến quá sớm như vậy. Đối với chúng, Chúa Jêsus đã đến quá sớm, ít nhất là theo dự tính về thuyết mạt thế của chúng. Hãy lắng nghe sự chúng ngạc nhiên khi chúng nói: “Có phải Ngài đến đây để làm khổ chúng tôi trước kỳ không?” (Mathiơ 8.29). Ma quỉ vốn biết rõ sự đến của Đấng Mêsi sẽ bày tỏ ra số phận của chúng. Chúng chẳng mong đợi sự Ngài đến quá sớm như thế.
Chúng ta có khuynh hướng để cho Satan và các thế lực gian ác của hắn quá nhiều ảnh hưởng. Chúng ta tưởng rằng cái gì chúng cũng biết hết trong khi chẳng phải là như vậy. Chúng, giống như người Do thái trong thời ấy, và thậm chí giống như các môn đồ của Chúa chúng ta, đã có một cái nắm bắt hời hợt về sự đến của Đấng Mêsi. Họ trông đợi chỉ có một lần đến, chớ không phải hai lần đến. Sợ hãi đang trông đợi “sự tái lâm của Đấng Christ”, nhưng chúng chẳng mong đợi lần đến đầu tiên. Khi Chúa Jêsus xuất hiện, chúng liền bàng hoàng, chúng kinh hãi. Sự thật cho thấy “Quân Đội” đã chạy đến với Chúa Jêsus, hơn là chạy xa khỏi Ngài, cho thấy (giữa nhiều việc khác) sự sợ hãi và nhầm lẫn điên rồ của ma quỉ, do sự xuất hiện bất ngờ của Đức Chúa Jêsus Christ gây ra.
(4) Ma quỉ sợ hãi về hậu quả sự đến của Đấng Christ cho người mà chúng đã ám. Ma quỉ sợ sự giải cứu cho người bị quỉ ám. Các lý do cho vấn đề nầy chúng ta sẽ thấy kế tiếp đây.
(5) Ma quỉ sợ phải bị đuổi ra. Chúa Jêsus ngay lập tức ra lệnh cho ma quỉ phải ra khỏi người nầy. Chúng mau mau nài xin sự “thương xót”. Chúng biết tốt hơn là nài xin Chúa Jêsus cho phép cứ tiếp tục ám vào người nầy, dù đấy là sở thích của chúng. Nếu Chúa Jêsus đuổi chúng ra khỏi người ấy, ít nhất Ngài phải cho phép chúng ám vào thân thể nào đó: “Nếu Ngài đuổi chúng tôi ra, xin cho chúng tôi nhập vào bầy heo”.
Ma quỉ về mặt tự nhiên chúng rất thích ám vào con người hơn. Việc làm mang tính huỷ diệt của chúng đem lại cho chúng nhiều khoái lạc, và chúng thích tỏ mình ra theo cách thức nầy (ma quỉ có thể nói năng qua thanh quản của một người, nhưng chúng ta chưa thấy ma quỉ nói năng qua loài thú bao giờ). Bị truất quyền ám vào thân thể con người, đối với ma quỉ, là một cực hình. Những tà linh bị đuổi ra không thể tỏ mình ra trọn vẹn được và chúng chỉ có thể tỏ ra qua một thân thể mà thôi.
(6) Ma quỉ sợ bị truất quyền tự do tiếp tục công việc gây hại của chúng. Có một sự rất lý thú tỏ ra qua sự so sánh hai câu chuyện tương ứng. Hãy chú ý sự khác biệt giữa hai lời cầu xin của ma quỉ:
“Chúng nó bèn cầu xin Đức Chúa Jêsus đừng khiến mình xuống vực sâu” (Luca 8.31).
“Nó lại van xin Ngài đừng đuổi chúng nó ra khỏi miền đó” (Mác 5.10).
Dường như là khi ghép hai câu nầy lại với nhau chúng ta sẽ phải kết luận rằng đuổi ma quỉ ra khỏi xứ có nghĩa là đẩy chúng vào trong Địa Ngục. Đối với ma quỉ, sự ngăn trở không làm ra điều ác được quả là một cực hình.
Nối kết những gì chúng ta học được từ các phân đoạn khác nhau có thể giúp cho chúng ta hiểu ma quỉ đang kinh hãi điều chi ở đây. Từ Êsai (chương 14), Êxêchiên (chương 28), và Đaniên (10.10…) cho thấy rằng ma quỉ dường như đã có những ranh giới nhất định về mặt địa lý. Nghĩa là, dường như chúng có lãnh thổ hay lãnh vực hoạt động nhất định, chúng không thể vượt qua các lãnh vực ấy. Chúng ta cũng biết từ II Phierơ 2 rằng một số ma quỉ đã bị giam hãm trong “vực sâu” rồi (II Phierơ 2.4), cũng như Satan sẽ bị xiềng xích lại 1.000 năm (Khải huyền 20.1-3) trong tương lai. Cho nên, dường như bị đuổi ra khỏi xứ sẽ có nghĩa là bị ném vào Địa Ngục, vào trong một loại phu tù, bị giam hãm, bị ngăn cấm mọi hoạt động của chúng.
Vì cớ đó, ma quỉ tỏ ra e sợ bất kỳ một sự ngăn cấm nào đối với hoạt động của chúng trong hiện tại, mặc dù chúng biết rõ chúng đang chờ đợi sự phán xét của Đức Chúa Trời trong tương lai. Chẳng có một sự ăn năn nào ở đây, mà chỉ có tiếc nuối nếu chúng bị ngăn cấm không làm được mọi điều mà chúng luôn luôn làm, những điều loạn nghịch chống lại Đức Chúa Trời, hành động chống lại mọi mục đích của Ngài, và hành hại loài người.
Tôi tin rằng sự ma quỉ sợ hãi có thể được tóm tắt bằng câu nói nầy:
MA QUỈ SỢ HÃI SỰ HIỆN DIỆN VÀ QUYỀN PHÉP CỦA ĐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST, VÌ CHÚNG BIẾT RÕ RÀNG SỰ HIỆN DIỆN CỦA NGÀI GIỮA VÒNG CHÚNG SẼ KẾT QUẢ TRONG SỰ THAY ĐỔI, LÀ ĐIỀU MÀ CHÚNG CHẲNG AO ƯỚC.
Ma quỉ rất gian ác. Chúng vui thích trong việc làm ác. Đối với chúng bị ngăn trở không hành hại được loài người là một cực hình. Khi chúng thích làm ác và khi Chúa Jêsus vừa là Đức Chúa Trời vừa là thiện, chúng biết rõ sự đến của Ngài sẽ phải kết quả trong sự ngăn trở chúng không còn tiếp tục làm ra điều chi là gian ác nữa. Đối với một tạo vật gian ác, có khuynh hướng chuyên làm điều ác, điều thiện là một việc đáng e sợ nhất. Ma quỉ gian ác e sợ sự đến của Chúa Jêsus, vì chúng biết rõ sự đến ấy là tốt lành.
Ma quỉ nài xin Chúa đừng hành hại chúng, theo phân đoạn Kinh Thánh cho thấy có hai việc. Thứ nhất, chúng không muốn bị trục xuất. Thứ hai, chúng không muốn bị đuổi ra khỏi xứ. Ma quỉ không muốn bị trục xuất. Dường như một con quỉ không thể tỏ ra đầy đủ bản chất của nó nếu không ám vào một thân thể. Để đưa vấn đề đi xa hơn, dường như không ám được con người, với một cái lưỡi, ma quỉ không thể nói được. Trong khi ám vào một con heo thấp kém hơn con người, ít nhất đó cũng là một thân thể. Vì vậy, ma quỉ đã nài xin Chúa Jêsus cho phép chúng ám vào bầyy heo gần đó một khi chúng bị trục xuất.
Chúa Jêsus đã chấp nhận lời thỉnh cầu của ma quỉ nhập vào bầy heo, rồi khi chúng nhập vào bầy heo rồi, toàn bộ bầy heo đều cắm đầu lao xuống biển. Đối với tôi thật là thích thú khi quan sát các môn đồ e sợ bị chết chìm trong chính vùng biển ấy trước đó một thời gian ngắn, thì bầy heo phải chịu lấy số phận chết chìm đó, chớ không phải các môn đồ.
Khi bầy heo lao xuống biển, có một chút nghi ngờ trước những gì đã xảy ra. Mấy người chăn heo đã bỏ chạy về thuật lại mọi điều họ đã nghe thấy về sự việc đã xảy ra. Cả thị trấn đã chạy ra nhìn xem bối cảnh, và bầy heo, song hầu hết bọn họ chỉ nhìn thấy Con Đức Chúa Trời, Đấng đã đến tại bờ biển của họ.
Quan sát đáp ứng của đoàn dân đông quả là điều rất quan trọng cho chúng ta, và những lý do cho phản ứng của họ. Hãy cẩn thận xem xét tường trình của Luca (song song với tường trình của Mathiơ và Mác):
“Thiên hạ bèn đổ ra xem việc mới xảy ra; khi họ đến cùng Đức Chúa Jêsus, thấy người mà các quỉ mới ra khỏi ngồi dưới chân Đức Chúa Jêsus, mặc áo quần, bộ tỉnh táo, thì sợ hãi lắm. Những người đã xem thấy sự lạ đó, thuật lại cho thiên hạ biết người bị quỉ ám được cứu khỏi thế nào. Hết thảy dân ở miền người Giê-ra-sê xin Đức Chúa Jêsus lìa khỏi xứ họ, vì họ sợ hãi lắm. Ngài bèn xuống thuyền trở về” (Luca 8.35-37).
Có một số vấn đề cần phải thông qua để hiểu rõ lý do tại sao dân sự ở khu vực Giêrasê đã từ chối Chúa Jêsus và đã yêu cầu Ngài lìa khỏi xứ của họ.
1. Hết thảy dân chúng của thị trấn gần đó đều đổ xô để gặp Chúa Jêsus.
“Cả thành liền ra đón Đức Chúa Jêsus; khi vừa thấy Ngài, thì xin Ngài đi ra khỏi xứ mình” (Mathiơ 8.34).
Đây không phải là một nhóm nhỏ, thậm chí không phải là một phái đoàn. Mọi người đã nhóm lại ở đó để nhìn xem Chúa Jêsus. Dân chúng không nhắm vào bầy heo, mà nhắm vào Đấng Cứu Thế.
2. Dân chúng đầy lòng sợ hãi. Sự sợ hãi của dân chúng lên tới cực độ rõ ràng:
“dân sự đổ ra đặng xem điều đã xảy đến. Vậy, chúng đến cùng Đức Chúa Jêsus, thấy người đã bị nhiều quỉ ám, đang ngồi, mặc quần áo, trí khôn bình tĩnh, thì sợ hãi lắm” (Mác 5.15; đối chiếu Luca 8.37 ở trên).
3. Từ nỗi sợ hãi ấy, hết thảy dân chúng đều xin Chúa Jêsus hãy lìa khỏi xứ họ. Đây là một quyết định có sự nhất trí của mọi người trừ ra người đã được cứu khỏi cảnh bị quỉ ám (có phải người bị quỉ ám kia cũng đứng về phe với đám đông không?) – Chúa Jêsus phải ra đi. Họ muốn Chúa Jêsus không những phải ra khỏi thị trấn của họ, mà còn ra khỏi xứ của họ nữa. Họ không muốn thấy Ngài lãng vãng quanh đó. Đây là bằng chứng đáng ngạc nhiên, nhưng thật là dứt khoát.
4. Những nỗi sợ hãi của dân chúng không nằm trong phần đáp ứng với sự bầy heo bị chìm dưới biển, mà ở chỗ sự thay đổi kỳ lạ của “Quân Đội”, người bị quỉ ám đã được giải cứu. Tôi không biết có bao nhiêu lần tôi đã nghe giảng về sự sợ hãi của dân chúng và lời thỉnh cầu của họ buộc Chúa Jêsus phải rời khỏi đó đã được giải thích theo các giới hạn kinh tế. Nếu quan điểm nầy đúng, chúng ta sẽ thấy rằng [những] chủ nhân của bầy heo sẽ tỏ ra quan điểm đó, khi họ đến nơi, họ đã đến và đã trông thấy thi thể của bầy heo, nổi đầy lên trên biển Galilê. Nhưng Kinh Thánh không thuật gì cho chúng ta biết về mọi sự nầy.
Thay vì thế, Kinh Thánh thuật lại cho chúng ta biết rằng dân chúng của thị trấn đã ra đến nơi, và họ đã nhìn thấy người bị quỉ ám đã được giải cứu (chớ không phải bầy heo), và họ biết rõ Chúa Jêsus đã giải cứu ông ta. Ấy không phải vì bầy heo ngã chết mà dân chúng bắt sợ hãi, nhưng vì “Quân Đội” đã được giải cứu. Hãy tưởng tượng điều nầy: từ những hành động và lời nói của dân chúng trong khu vực nầy, họ muốn “Quân Đội” đúng như hắn tự bao giờ, nguy hiểm, phá hoại, chẳng ai điều khiển nổi, hơn là lành lặn, được chữa lành, mặc quần áo đàng hoàng, và là một thành viên góp phần xây dựng xã hội.
Lý do tại sao chúng ta mau chóng chấp nhận cách giải thích theo kiểu kinh tế đối với các hành động của dân chúng là vì chẳng có cách giải thích khả thi nào khác. Chúng ta không thể tìm hiểu làm sao mà dân chúng ở đây đã từ chối và kháng cự Chúa Jêsus vì đã làm lành cho người nầy, và cho cả khu vực của họ. Rốt lại, họ chẳng phải lo lắng gì khi đi lại trên con đường đó.
Ở đây chúng ta nhìn thấy chỗ “căng thẳng của phân đoạn Kinh Thánh”, nan đề của phân đoạn cung ứng cho chúng ta chìa khoá cho sự giải thích cho phân đoạn, và cho việc khám phá ý nghĩa của phân đoạn ấy. Chỗ căng thẳng trong phân đoạn Kinh Thánh là đây:
LÀM SAO DÂN CHÚNG TRONG KHU VỰC NẦY LẠI SỢ HÃI CHÚA JÊSUS HƠN LÀ SỢ MA QUỈ, HỌ ĐÃ ĐƯỢC NHIỀU THỨ HƠN LÀ HỌ ĐANG CÓ, VÀ HỌ ĐÃ BUỘC CHÚA JÊSUS RỜI KHỎI HỌ HƠN LÀ Ở LẠI VỚI HỌ? LÀM SAO DÂN CHÚNG LẠI SỢ CON ĐỨC CHÚA TRỜI VÌ ĐÃ LÀM LÀNH HƠN LÀ HỌ SỢ SATAN CÙNG QUỈ SỨ CHUYÊN LÀM ĐIỀU ÁC?
5. Không một chỗ nào trong Tân ước thuật cho chúng ta biết làm sao người bị quỉ ám lại được chữa lành được như vậy. Trước khi chúng ta đến với giải pháp cho nan đề của chúng ta, chúng ta phải lưu ý rằng Kinh Thánh không cho chúng ta biết cách thức quỉ ám vào người đó. Nghĩa là, người nào được đem đến với Chúa Jêsus mà bị quỉ ám, họ đã được đem đến với Ngài trong tình trạng đó rồi. Chúa Jêsus không hề hỏi: “Làm sao chuyện nầy xảy ra được như vậy?” Có một cách giải thích theo Kinh Thánh rất rõ ràng, như chúng ta sẽ thấy.
6. Nỗi sợ của dân chúng giống như nỗi sợ của người bị quỉ ám, trước khi người ấy được giải cứu ra khỏi tình tạng bị quỉ ám của mình. Người bị quỉ ám ở Giêrasê và các cư dân ở đây đều có chung một điểm trong phân đoạn Kinh Thánh – một sự sợ hãi Đức Chúa Jêsus Christ. Cả hai “nỗi sợ” nầy đều giống nhau. Ma quỉ rất sợ sự đến của Chúa Jêsus, cũng một thể ấy đối với dân chúng trong thị trấn gần đấy. Họ vốn sợ hãi bởi việc lành đã xảy ra cho người bị quỉ ám. Họ sợ rằng Chúa Jêsus sẽ làm ra việc “lành” khác nữa. Họ muốn Chúa Jêsus đi khỏi họ hơn là ở lại giữa vòng họ. Mặc dù Kinh Thánh không nói rõ ràng ở đây, hiển nhiên là họ muốn người bị quỉ ám cứ như nguyên cũ – thậm chí cho dù bất lợi cho họ và làm cho họ kinh hoảng – hơn là lành lặn như hiện nay, mặc quần áo đàng hoàng, và là một thành viên góp phần xây dựng xã hội.
Họ có cùng một nỗi sợ hãi Chúa Jêsus.
Họ có cùng một nỗi sợ hãi việc lành mà Ngài đã làm ra.
Họ sợ những thay đổi do sự đến của Chúa Jêsus gây ra.
Nỗi sợ của họ có chiều kích “khu vực”. Ma quỉ bị trục xuất ra khỏi xứ. Những cư dân của khu vực nầy sợ Chúa Jêsus và buộc Ngài phải ra khỏi lãnh thổ của họ.
Sự đến của Chúa Jêsus với khu vực Giêrasê là một cơ hội cho sợ hãi, cả nơi phần của người bị quỉ ám và nơi phần của dân chúng, họ đã sợ hãi Ngài. Khi người bị quỉ ám sợ việc lành mà Chúa Jêsus sắp sửa làm – nghĩa là sự giải cứu cho ông ta – cũng một thể ấy dân chúng trong khu vực đó đã sợ rằng quyền phép của Chúa Jêsus sẽ làm lành cho họ. Rốt lại, dân chúng sợ rằng sự đến của Chúa Jêsus đem lại một sự thay đổi, không những cho người bị quỉ ám, mà còn cho họ nữa, một sự thay đổi mà họ chẳng mong muốn, mà họ chẳng cần tới. Họ muốn mọi việc như bấy lâu nay, và Chúa Jêsus đã đe dọa nguyên trạng. Loại thay đổi mà Chúa Jêsus sẽ mang lại đang làm cho dân chúng ở địa điểm nầy phải lo lắng. Vì thế, họ muốn Chúa Jêsus phải ra đi vì họ chẳng muốn thay đổi gì hết.
Nếu thực chất của sự ăn năn là thay đổi, thì chúng ta phải kết luận rằng ăn năn là một tư tưởng mà cư dân Giêrasê đang tìm cách loại bỏ ra.
Phản ứng đầu tiên của chúng ta đối với sự nhận biết toàn bộ thị trấn đều muốn Chúa Jêsus phải ra đi vì Ngài là thiện, chúng ta xem phản ứng nầy là điều rất kỳ quặc, là một ngoại lệ so với thói thường. Rốt lại, có phải các thị trấn khác không nài xin Chúa Jêsus ở lại với họ sao (đối chiếu Luca 4.42; Giăng 4.40)? Phần lưu ý kế tiếp nhắm vào thực tại sự loạn nghịch của con người chống nghịch Đức Chúa Trời.
7. Theo một cấp độ nào đó, hết thảy những người chưa được cứu đều bị quỉ ám, với ý nghĩa họ là nô lệ của Satan, và họ bày tỏ ra cùng bản chất và cách ứng xử giống như Satan và bầy quỉ sứ gian ác của hắn. Chúng ta phải công nhận rằng phản ứng của dân chúng đối với Chúa Jêsus không phải là ngoại lệ, mà đúng hơn là nguyên tắc. Chúng ta cần phải biết rằng không phải chỉ có “Quân Đội” mới bị Satan và bầy quỉ sứ của hắn thống trị, mà chính từng người chưa tin Chúa nữa. Hết thảy những ai chưa được cứu đều là nô lệ của Satan qua sự nô lệ cho tội lỗi.
Cái khác biệt giữa “Quân Đội” và cư dân xứ Giêrasê không phải ở chỗ thể loại, mà ở chỗ cấp độ. Đây là lý do tại sao Kinh Thánh không thuật cho chúng ta biết cách thức ma quỉ ám vào người ta. Kinh Thánh đã cung cấp cho chúng ta câu trả lời: Con người sinh ra đều ở trong tội lỗi, trong sự thù nghịch và chống đối Đức Chúa Trời, và có cùng ý chí nhìn về Đức Chúa Trời giống như Satan cùng các quỉ sứ nó.
“đặng mở mắt họ, hầu cho họ từ tối tăm mà qua sáng láng, từ quyền lực của quỉ Sa-tan mà đến Đức Chúa Trời, và cho họ bởi đức tin nơi ta được sự tha tội, cùng phần gia tài với các thánh đồ” (Công vụ các sứ đồ 26.18).
“Các ngươi bởi cha mình, là ma quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa muốn của cha mình. Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8.44).
“cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời” (II Côrinhtô 4.4).
“Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỉ; vì ma quỉ phạm tội từ lúc ban đầu. Vả, Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỉ” (I Giăng 3.8).
“Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế gian đều phục dưới quyền ma quỉ” (I Giăng 5.19).
“Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là ma quỉ và Sa-tan, dỗ dành cả thiên hạ; nó đã bị quăng xuống đất, các sứ nó cũng bị quăng xuống với nó” (Khải huyền 12.9).
Lúc đầu, đa số những người đã nhìn thấy và nghe Đức Chúa Jêsus Christ giảng đạo lúc ban đầu đều hoan nghênh Ngài. Đối với những người đã được sửa soạn bởi chức vụ của Giăng Báptít và đã ăn năn tội lỗi của họ, Ngài đã được xem là Sự Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời. Thế nhưng đối với hầu hết mọi người, Ngài được hoan nghênh lúc ban đầu vì người ta tưởng rằng Ngài sẽ làm theo các quan niệm không đúng của họ, vì Nước của Ngài không “thuộc về đời nầy”, có nhiều người đã rời bỏ Ngài. Chắc chắn là họ đã quyết định chối bỏ Ngài. Với ý nghĩa nầy người Do thái, là dân ở phía bên kia hồ, còn tệ hại hơn dân chúng trong khu vực Giêrasê, dù họ không mến khách – họ tìm cách biệt thế gian ra khỏi Ngài. Họ kết án tử hình Ngài trên thập tự giá của người La mã. Thái độ thù địch và sợ hãi của họ đối với Chúa Jêsus giống như thái độ “Quân Đội” và người đồng hương của ông ta, nhưng chỉ lớn lao hơn ở mức độ mà thôi.
Một trong những lần bày tỏ đầu tiên về sự sa ngã của con người trong vườn Êđen là thái độ sợ hãi Đức Chúa Trời, nó bắt rễ từ trong tội lỗi và sự bất tuân của con người. Trong khi Ađam từng trông đợi sự đến của Đức Giêhôva và sự họ đồng đi với nhau trong vườn, thái độ nầy không còn thực nữa sau khi ông phạm tội:
“Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi lõa lồ, nên đi ẩn mình” (Sáng thế ký 3.10).
Có một thái độ sợ hãi Đức Chúa Trời, thái độ nầy bất khiết, loại sợ hãi chuyên sợ những điều Ngài đang thực hiện và sẽ thực hiện, loại sợ hãi hay sợ điều lành mà Ngài sẽ làm, thứ sợ hãi nầy ngăn trở chúng ta không còn khăng khăng trong những việc làm gian ác của chúng ta nữa. Chính nỗi sợ nầy đã khiến cho “Quân Đội” phải chạy đến với Đấng Christ; chính nỗi sợ hãi nầy đã khiến cho dân chúng địa phương ấy nài nỉ Đấng Christ hãy rời khỏi họ; và chính loại sợ hãi đó đã khiến cho dân sự của chính Chúa chúng ta phải kêu gào lên: “Hãy đóng đinh nó trên cây thập tự! Hãy đóng đinh nó trên cây thập tự!”
Nhưng họ đã kêu lên: “Hãy trừ hắn đi, trừ hắn đi! Đóng đinh hắn trên cây thập tự đi!” (Giăng 19.15).
Philát đẩy vấn đề nầy đi xa hơn: “Ta sẽ đóng đinh Vua các ngươi lên thập tự giá hay sao?”
Đoàn dân đông đã đáp trả câu hỏi nầy: “Chúng tôi không có vua khác, chỉ Sê-sa mà thôi” (Giăng 19.15).
Nước Ysơraên đã bằng lòng đoạn tuyệt vời mọi sự trông cậy của họ về Đấng Mêsi, mọi hy vọng được độc lập, khi lìa bỏ Chúa Jêsus.
Giăng đã tóm tắt phản ứng của con người đối với Đức Chúa Trời hoá thân thành xác thịt, theo một cách thức nhất trí với những gì chúng ta đã nhìn thấy:
“Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài. Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người. Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng. Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài. Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy” (Giăng 1.1-5; 10-11).
Giăng cũng nói cho chúng ta biết rất rõ ràng tại sao con người lại sợ hãi Đức Chúa Trời thánh khiết, và không muốn Ngài ngự giữa vòng họ. Chính vì con người muốn khăng khăng trong tội lỗi mình, và vì thế con người đã xem một Đức Chúa Trời thánh khiết và công bình như một mối đe doạ đối với cách sống của mình. Người nào muốn cố quyết sống trong tội lỗi, họ không hoan nghênh sự đến của Đức Chúa Trời đâu. Họ mong muốn Ngài phải ra đi, thậm chí nếu mong muốn đó buộc rằng họ phải kết án tử hình Ngài trên thập tự giá.
Chính từ sự nô lệ nầy cho Satan, cho tội lỗi, và cho sự chết, mỗi người chưa tin Chúa là một kẻ bị lệ thuộc, nên Chúa Jêsus đã đến để cứu chúng ta:
“Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ” (Hêbơrơ 2.14).
Đấy là lý do tại sao Ngài đã phán, khi nghĩ tới sự chết có tính cách hy sinh của Ngài:
“Hiện bây giờ, có sự phán xét thế gian nầy, và hiện nay vua chúa của thế gian nầy phải bị xua đuổi. Còn ta, khi ta đã được treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta” (Giăng 12.31-32).
Chúa Jêsus đã chịu chết để phá vỡ quyền lực của tội lỗi và của Satan. Ngài đã chịu chết để gánh lấy hình phạt vì cớ tội lỗi của bạn và của tôi. Và hết thảy những ai tin cậy Ngài sẽ sẵn lòng công nhận, với sứ đồ Phaolô, rằng chúng ta đã được cứu ra khỏi quyền lực và sự thống trị của Satan, kẻ mà chúng ta đã hầu việc trước đây:
“Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung tức là thần hiện đang hành động trong các con bạn nghịch. Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác. Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu” (Êphêsô 2.1-5).
Chúng ta mắc một món nợ theo cách biết ơn đối với người bị quỉ ám, vì ông ta cho chúng ta thấy một việc mà chúng ta cần phải biết, một việc mà chúng ta muốn tránh né. Ông ta cho chúng ta thấy tình trạng đáng thương của người nào bị “tà linh ám” và bị Satan cai quản. Hãy chú ý người nầy đã dằn vặt, tự làm hại mình, bị nhiều người khác ghét bỏ và là một mối đe doạ cho xã hội. Người nầy không có một lai lịch thực, và chắc chắn không có một chút tự do nào hết.
Tuần nầy một lần nữa tôi có đọc những lời nầy từ ngòi viết của R. C. Sproul, ông giảng về lời nói thù ghét Đức Chúa Trời từ kẻ [chưa được cứu] chưa đổi mới:
Jonathan Edward đã giảng bài giảng nổi tiếng có thể xem là loại hậu quả của “Hạng tội nhân trong tay của một Đức Chúa Trời giận dữ”. Ông đặt đề tựa cho bài giảng: “Con người tự nhiên là kẻ thù của Đức Chúa Trời”. Nếu tôi đánh bạo đổi đề tựa của Edward, tôi sẽ đề nghị là: “Đức Chúa Trời trong tay của hạng tội nhân hay giận dữ”.
Nếu chúng ta chưa được biến đổi, có một việc chắc chắn như sau: chúng ta đang thù ghét Đức Chúa Trời. Kinh Thánh rất rõ ràng về điểm nầy. Chúng ta là kẻ thù của Đức Chúa Trời. Chúng ta biết sự huỷ diệt của Ngài là thật. Chúng ta tự nhiên thù ghét Đấng Christ giống như mưa làm ướt đất khi nước rơi xuống vậy.
Rôma 5 dạy rất rõ ràng: “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hoà thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta”. Chủ đề trọng tâm của Tân ước là lẽ đạo nói về sự phục hoà. Phục hoà không cần thiết cho những người biết yêu thương nhau. Tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta không có gì phải hồ nghi nữa. Bóng nghi ngờ đang treo trên chúng ta. Vấn đề thắc mắc là tình yêu của chúng ta dành cho Đức Chúa Trời. Tâm trí tự nhiên của con người, Kinh Thánh gọi là “lý trí xác thịt” đang nằm trong chỗ thù nghịch với Đức Chúa Trời.
Chúng ta tỏ ra thái độ thù nghịch tự nhiên đối với Đức Chúa Trời bởi chúng ta chẳng có lòng kính trọng Ngài. Chúng ta xem Ngài chẳng xứng đáng cho sự kính trọng hoàn toàn của chúng ta. Chúng ta chẳng thích thú khi suy gẫm về Ngài. Thậm chí đối với Cơ đốc nhân, sự thờ phượng thường khó khăn và cầu nguyện là một bổn phận quá nặng nề. Xu hướng tự nhiên của chúng ta là trốn chạy cho xa khỏi sự hiện diện của Ngài như có thể được. Lời của Ngài đụng vào đầu óc chúng ta bị bật trở lại giống như một quả bóng rổ bật ngược khỏi bức tường vậy. Bởi bổn tánh, thái dộ của chúng ta đối với Đức Chúa Trời không phải là thái độ dửng dưng. Đó là một thái độ độc ác. Chúng ta chống đối quyền cai trị của Ngài và từ chối không chịu Ngài trị vì trên chúng ta. Tấm lòng thiên nhiên của chúng ta không có tình cảm dành cho Ngài; chúng rất lạnh lẽo, băng giá đối với sự thánh khiết của Ngài. Tự nhiên, tình yêu của Đức Chúa Trời không ở trong chúng ta.
Chúng ta phải tỉ mỉ hơn. Đức Chúa Trời là kẻ thù ghê gớm của chúng ta. Ngài tiêu biểu cho mối đe doạ cao nhất cho mọi ham muốn tội lỗi của chúng ta. Sự Ngài không ưa chúng ta là tuyệt đối, không có một cấp độ nào thấp kém hơn đâu. Không một lượng thuyết phục nơi con người hay một luận chứng nào từ các triết gia hay những nhà thần học có thể xui khiến chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời. Chúng ta xem thường sự hiện hữu của Ngài và sẽ làm bất cứ điều chi với năng lực của mình để biệt thế gian riêng ra khỏi sự hiện diện thánh khiết của Ngài.
Nếu Đức Chúa Trời muốn phó mạng sống Ngài trong tay chúng ta, Ngài sẽ không được an toàn trong một giây đồng hồ. Chúng ta sẽ bất chấp Ngài; chúng ta sẽ tiêu diệt Ngài. Sự việc nầy dường như phi lý và tắc trách cho tới chừng chúng ta xem xét lại những gì đã xảy ra khi Đức Chúa Trời xuất hiện trong Đấng Christ. Đấng Christ không chỉ bị giết thôi đâu, Ngài đã bị giết bởi tay của hạng người có dã tâm. Những đoàn dân đông đã gào thét lên đòi lấy huyết Ngài. Đối với họ, đòi như thế là chưa đủ, còn phải có sự sỉ nhục và chế nhạo kèm theo nữa.
Nhưng chúng ta là Cơ đốc nhân. Chúng ta là hạng người kính sợ Đức Chúa Trời. Chúng ta đã kinh nghiệm sự phục hòa. Chúng ta đã được Thánh Linh sanh ra và đã có lòng kính sợ Chúa rải khắp trong lòng chúng ta. Chúng ta không còn là kẻ thù nữa, mà là bạn hữu. Hết thảy mọi việc nầy đều là thật đối với Cơ đốc nhân. Chúng ta phải cẩn thận, phải nhớ rằng với sự trở lại đạo, bản chất con người tự nhiên của chúng ta chưa bị huỷ diệt. Vẫn còn lại dấu tích của bản chất sa ngã ở đó, chúng ta đang tranh đấu với bản chất ấy hàng ngày. Vẫn còn có trong một góc linh hồn chúng ta sự không ưa thích Đức Chúa Trời ở đấy. Chúng ta nhìn thấy khía cạnh sắc bén của nó trong tội lỗi liên tục của chúng ta và chúng ta nhìn thấy rõ nó trong sự thờ phượng thờ ơ của chúng ta. Tự nó tỏ ra thậm chí trong thần học của chúng ta nữa.
Vô luận Satan dám hứa điều chi, người bị quỉ ám là hình ảnh rất khó coi, qua mọi điều người ấy đang tỏ ra. Chỉ khi nào được giải phóng bởi quyền phép giải phóng của Đức Chúa Jêsus Christ thì người ta mới trở thành người mà họ phải trở thành, là con người trọn vẹn, được tha thứ trọn vẹn, đang thờ lạy tại chơn của Chúa Jêsus. Chúng ta đừng bao giờ quên “Quân Đội” trong nỗi đau thương của ông ta, cũng không quên con người mới với sự tỉnh táo và sự tôn kính Cứu Chúa của ông ta. Chúng ta hãy nhớ rằng đã có người khác bị quỉ ám, người đã được giải phóng khỏi ách thống trị hoàn toàn của Satan, nhưng lại là người chưa được giải phóng khỏi tội lỗi mình, cũng chưa khỏi hẳn quyền quản trị rất tinh vi của Satan, mà người ấy muốn được cứu ra khỏi đó. Nguyện mỗi một người chúng ta đều nhìn xem Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế của chúng ta và là đối tượng của sự tôn sùng của chúng ta.
Lời lẽ của Edward nhắc cho chúng ta nhớ rằng sự cứu rỗi của người bị quỉ ám đòi hỏi chúng ta nhớ rằng sự cứu rỗi của người bị hư mất đòi hỏi một phép lạ giải phóng thiêng liêng, sự kêu gọi thiêng liêng, sự tái sanh và cứu rỗi theo cách thiêng liêng. Cứu rỗi là việc mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền thực hiện. Chúng ta có thể chia sẻ sứ điệp nói về ơn cứu rỗi, và chúng ta phải chia sẻ sứ điệp đó. Chúng ta có thể cầu xin ơn cứu rỗi cho con người, và đây là bổn phận của chúng ta. Nhưng chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền cứu, chỉ có Đấng Christ mới có quyền giải phóng con người ra khỏi sự chết và ra khỏi vòng nô lệ cho Satan, là kẻ thù địch và là kẻ nghịch của chúng ta.
Lời lẽ của Edward cũng nhắc cho chúng ta nhớ rằng Satan chính là kẻ thù ghê gớm nhất đối với hạng thánh đồ. Trong khi quyền hành của hắn bị ngăn chận, trước mắt Cơ đốc nhân, hắn vẫn còn là kẻ thù rất nguy hiểm, hắn chỉ bị quyền phép thiêng liêng đánh bại mà thôi. Kinh Thánh đã nói nhiều với hàng thánh đồ về mọi kế sách và những lần công kích của Satan.
Tôi phải nói rằng tôi, là một Cơ đốc nhân, đôi khi có một nỗi sợ hãi bất khiết đối với Đức Chúa Trời, giống như nỗi sợ hãi của người bị quỉ ám, và như dân chúng của thị trấn quê hương người, và như dân sự nơi quê hương của Chúa Jêsus nữa. Đôi khi tôi lại sợ quyền phép của Đức Chúa Trời giải phóng tôi ra khỏi tội lỗi, tôi cứ mong muốn dầm mình trong đó, cứ nghĩ dại dột rằng tôi đang nhớ đến điều chi đó một khi nó bị cất ra khỏi tôi. Với mọi nổ lực thật mong manh của chính tôi, tôi biết tôi thường kháng cự việc đến gần Đức Chúa Trời, tôi muốn thối lui giống như “Quân Đội” và những kẻ đồng hương của ông ta, họ mong muốn giữ một khoảng cách giữa Chúa Jêsus và họ. Chúng ta hãy nhận ra chính loại sợ hãi đã [và đang] rất rõ ràng trong đời sống của hạng người chưa tin Chúa, nó bắt rễ từ sự loạn nghịch và sự chúng ta không chịu ăn năn, không chấp nhận sự công bình của Đức Chúa Trời, nó bắt rễ trong tội lỗi của chúng ta.
Tôi tin quyết rằng Hội thánh và xứ sở của chúng ta đều cần sự phấn hưng, và sự phấn hưng đó bắt đầu với sự ăn năn. Ăn năn nghĩa là thay đổi, và đó chính là sự thay đổi mà chúng ta có cần cho sự phấn hưng mà chúng ta hầu hết đều sợ hãi. Nguyện Đức Chúa Trời vạch trần mọi nỗi sợ hãi bất khiết của chúng ta, và ban cho chúng ta đức tin để ăn năn và để tìm kiếm những sự đổi thay mà Đức Chúa Trời đang đòi hỏi trong đời sống của chúng ta.
Tóm lược
Mọi điều tôi ráng sức trình bày trong sứ điệp ấy có thể được tóm tắt ngắn gọn như sau: Nỗi sợ của “Quân Đội” cũng chính là nỗi sợ của những người đồng hương của ông ta, một nỗi sợ hãi bất khiết đối với Đức Chúa Trời và đối với quyền phép của Ngài, nó đe doạ làm thay đổi chúng ta và khiến cho chúng ta tránh xa điều ác mà chúng ta cứ luôn muốn làm theo. Loại sợ hãi nầy không phải là bất thường đâu, mà là thứ sợ hãi mà mỗi người chưa tin Chúa đều đang thể hiện ra. Đấy là bằng chứng chỉ ra quyền thống trị của Satan nơi đời sống của một người. Mỉa mai thay, thứ sợ hãi ấy cũng lại thấy có nơi Cơ đốc nhân, làm bằng chứng chỉ ra sự chống đối, dối gạt và ảnh hưởng của Satan.
Người ta nghĩ rằng Satan có thể làm ra và khiến cho một bản sao giả từng điều tốt lành mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể ban hiến cho con người. Bản sao của Satan cho “lòng kính sợ thánh khiết” đối với Đức Chúa Trời, sự kính sợ nầy khiến cho chúng ta thối lui đối với tội lỗi và kéo đến gần Ngài hơn, là một “nỗi sợ bất khiết” cám dỗ chúng ta tránh xa Đức Chúa Trời và chống lại sự Ngài vận hành trên đời sống chúng ta, và cứ bám lấy mọi tội lỗi chúng ta như đấy là tốt lành vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét