Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Luca 12.1-12: "MỐI NGUY CỦA SỰ GIẢ HÌNH CHO CÁC SỨ GIẢ CỦA TIN LÀNH"



Phần giới thiệu
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh.
Bối cảnh: Sự giả hình và môi trường thù nghịch (12.1)
Phần bàn bạc đầu tiên của Chúa nghịch lại sự giả hình (12.2-3).
Phần bàn bạc thứ hai của Chúa nghịch lại sự giả hình (12.4-7).
Phần bàn bạc thứ ba của Chúa nghịch lại sự giả hình (12.8-10).
Phần bàn bạc thứ tư và sau cùng của Chúa nghịch lại sự giả hình (12.11-12).
Phần kết luận.
BÀI 41
MỐI NGUY CỦA SỰ GIẢ HÌNH CHO CÁC SỨ GIẢ CỦA TIN LÀNH
(Luca 12.1-12)
Luca 12.1-12: “Khi ấy, dân chúng nhóm lại kể hàng ngàn người, đến nỗi giày đạp nhau, Đức Chúa Jêsus mới trước hết phán cùng môn đồ rằng: Hãy giữ mình về men của người Pha-ri-si, là sự giả hình. Chẳng có sự gì giấu mà không phải lộ ra, chẳng có sự gì kín mà không được biết. Vậy nên mọi điều mà các ngươi đã nói nơi tối, sẽ nghe ra nơi sáng; mọi điều mà các ngươi đã nói vào lỗ tai trong buồng kín, sẽ giảng ra trên mái nhà. Ta nói cùng các ngươi, là bạn hữu ta: Đừng sợ kẻ giết xác rồi sau không làm gì được nữa. Song ta chỉ cho các ngươi biết phải sợ ai: phải sợ Đấng khi đã giết rồi, có quyền bỏ xuống địa ngục; phải ta nói cùng các ngươi, ấy là Đấng các ngươi phải sợ! Người ta há chẳng bán năm con chim sẻ giá hai đồng tiền sao? Nhưng Đức Chúa Trời không quên một con nào hết. Dầu đến tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm cả rồi. Đừng sợ chi, vì các ngươi trọng hơn nhiều chim sẻ. Ta nói cùng các ngươi, ai sẽ xưng ta trước mặt thiên hạ, thì Con người cũng sẽ xưng họ trước mặt thiên sứ của Đức Chúa Trời. Nhưng ai chối ta trước mặt thiên hạ, thì họ sẽ bị chối trước mặt thiên sứ của Đức Chúa Trời. Ai nói nghịch cùng Con người, thì sẽ được tha; song kẻ nói lộng ngôn phạm đến Đức Thánh Linh, thì không được tha đâu. Khi người ta đem các ngươi đến nhà hội, trước mặt quan án và quan cai trị, thì chớ lo về nói cách nào để binh vực mình, hoặc nói lời gì; bởi vì chính giờ đó Đức Thánh Linh sẽ dạy các ngươi những lời phải nói”.
Phần giới thiệu
Tôi có nghe nói ở đâu đó rồi, có lẽ là một câu chuyện trên đài phát thanh, kể rằng một người nam và một người nữ dừng chân đứng lại để mua thịt gà (hay một số thức ăn nhanh khác) và sau khi họ đã trả tiền cho thức ăn nầy rồi, người ta trao cho họ một túi giấy, họ nghĩ là có chứa đồ ăn họ mới mua ở trong đó. Khi họ đến nơi mà họ dự định ngồi xuống ăn, họ mở gói giấy ra và thấy nó chứa các thứ gì khác, chớ không phải thức ăn của họ. Người nam kia bèn đóng cái túi lại, đi trở lại chỗ mà người ta trao cái túi giấy cho, rồi đòi thối lại tiền, vì cho rằng người kia đã trao không đúng cái túi của mình.
Viên quản lý công việc buôn bán lấy làm thích thú nơi sự thành thật của người đờn ông ấy, đến nỗi họ muốn làm cái chi đó để tôn ngợi người nầy. Họ bắt đầu gọi nhà báo đến, thợ chụp ảnh cũng đến chụp hình nữa. Người kia không thích sự việc xảy ra như vậy. Sau cùng, vì họ muốn có nhà báo không cứ cách nào, người kia mới giải thích sự ngần ngại của mình như sau: “Người đờn bà đi với tôi không phải là vợ tôi”.
Tình trạng đạo đức giả đang hiện hữu ở chung quanh chúng ta. Theo văn mạch của Tin Lành Luca, Chúa chúng ta vừa mới quở trách người Pharisi về tình trạng đạo đức giả của họ. Trong phân đoạn Kinh Thánh chúng ta nghiên cứu bài học nầy, Chúa Jêsus cảnh cáo các môn đồ Ngài phải tránh “men của người Pharisi”, Ngài phán, là tình trạng đạo đức giả. Có hai thắc mắc hiện ra trong trí chúng ta xem xét lời lẽ của Chúa chúng ta: “Hãy giữ mình về men của người Pharisi, là sự giả hình”.
(1) Men giống với sự giả hình như thế nào? Và
(2) Sự giả hình của người Pharisi là mối nguy hiểm cho các môn đồ như thế nào?
Trong phần nghiên cứu của chúng ta, chúng ta sẽ tìm cách khám phá ra câu trả lời cho hai câu hỏi nầy. Muốn làm như vậy, chúng ta sẽ tìm cách làm bật ra bản chất của sự giả hình, và khám phá ra hình thức giả hình mà khi thực thi sẽ là mối nguy hiểm cho các môn đồ. Chúng ta sẽ học hỏi từ Chúa chúng ta tại sao giả hình có cả hai thứ: dại dột và gian ác, và là phương tiện Đức Chúa Trời đã cung ứng để người ta phải lẫn tránh nó.
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Phân đoạn Kinh Thánh nằm ngay ở phần khởi sự một chương mới. Trong Luca 12.1-53, Chúa chúng ta đang phán với các môn đồ Ngài. Có ba tiểu đoạn chính:
Môn đồ và sự bắt bớ – 12.1-12
Môn đồ và của cải – 12.13-34
Môn đồ và tình trạng sửa soạn cho lần đến thứ hai của Đấng Christ – 12.35-53
Ở câu 54 Chúa Jêsus bắt đầu phán với đoàn dân đông, khởi sự với chính đề tài tái lâm của Ngài (12.54-59). Trong 13.1-9, cũng chính cơ hội ấy, Chúa Jêsus đã tỏ ra cho người Do thái thấy rằng tội lỗi của họ (người Do thái) chẳng khác gì tội lỗi (của dân Ngoại) mà người ta đã phạm như vua Hêrốt, vì dân Israel cứ mãi thất bại không tạo ra được trái của sự công bình.
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh có thể được tóm tắt như sau:
Bối cảnh: sự giả hình – câu 1
Sự dại dột và hư không của sự giả hình – câu 2-3
Sự giả hình và nổi sợ hãi của chúng ta – câu 4-7
Sự giả hình và Tin Lành – câu 8-10
Sự giả hình và sự biện giải của tôn giáo – câu 11-12
Bối cảnh: Sự giả hình và môi trường thù nghịch (12.1)
Câu thứ nhất rất khó hiểu, vì câu nầy đặt sự dạy của Chúa chúng ta cho các môn đồ ở giữa một đám đông người có tánh ngang ngạnh:
“Khi ấy, dân chúng nhóm lại kể hàng ngàn người, đến nỗi giày đạp nhau, Đức Chúa Jêsus mới trước hết phán cùng môn đồ rằng: Hãy giữ mình về men của người Pha-ri-si, là sự giả hình” (Luca 12.1).
Trong quyển “Nhà tù Shantung” Langdom Gilkey kể lại về cuộc sống trong một trại giam dành cho người Tây phương ở Trung quốc suốt Đệ II Thế Chiến. Do một số người vi phạm luật lệ, một trong các sĩ quan Nhật bản vào trong trại, quở trách các nhóm tù nhân thậm tệ, rồi đe doạ sẽ có những hậu quả không hay nếu có bất kỳ một sự bạo hành nào xảy ra. Gilkey mô tả thể nào nhóm của ông, gồm một số cựu binh, thường “ăn to nói lớn” lại bị gã lùn có giọng nói sang sảng cùng khẩu súng tiểu liên làm cho hoảng sợ. Khi hắn “gây sợ hãi” đủ cho nhóm của Gilkey, hắn bước sang xà lim bên cạnh, và tiếp tục công việc của y cho nhóm thầy tu ở đó.
Gilkey lấy làm lạ không biết sao nhóm thầy tu nầy lại có thể chịu đựng được những lời đe doạ, nóng nảy của viên sĩ quan Nhật ấy. Một lát sau ông nghe tiếng cười rộ xuất phát từ hướng đó, và vì vậy ông đã bắt đầu tìm hiểu. Viên sĩ quan Nhật đã hấp tấp trừng phạt xà lim ấy và nhóm thầy tu đã ôm hông cười nhạo tên sĩ quan Nhật nầy. Nhóm thầy tu mặc áo dài thùng thình. Râu ria xồm xoàm nầy đã đứng vây quanh gã lùn nầy để lắng nghe hắn ta nói. Thế rồi, theo tín hiệu của một trong các thầy tu, tất cả họ đều di chuyển vào phía trong, càng lúc càng chật chội hơn. Sau cùng, viên sĩ quan kết nhóm của Gilkey vào giữa nhóm đông người nầy, những người thánh. Và hắn bị họ làm cho hoảng sợ. Viên sĩ quan đi xuyên qua đám đông ấy rồi bỏ chạy. Nhóm thầy tu đó đã làm cho viên sĩ quan nầy hoảng sợ, là kẻ trước đó đã làm cho nhiều người phải sợ hãi. Một đám đông có thể là quá lớn đối với một người.
Tôi nghĩ là câu chuyện nầy giúp cho chúng ta hiểu các môn đồ đã cảm nhận như thế nào khi họ nhìn biết mình đã bị vây lấy bởi đám đông hàng ngàn người, và dường như không phải là một đám đông có tính cách thân hữu. Luca thuật lại cho chúng ta chúng ta biết đám đông nầy đã giày đạp nhau. Đôi khi các đám đông có khuynh hướng chuyển thành một nhóm thù nghịch. Chúng ta biết những cuộc bạo loạn đã nổ ra tại các sự cố thể thao, có nhiều người mang thương tích ở đó. Đám đông ngang ngạnh nầy đã cung ứng cho các môn đồ một cảm xúc không hay. Chúa Jêsus vừa bị các nhà lãnh đạo tôn giáo tấn công, các nhà lãnh đạo mà họ xem là thánh khiết, các nhà lãnh đạo mà họ rất tôn trọng. Có phải đám đông đang đe doạ sẽ trở thành thù nghịch chăng?
Tôi tin rằng Chúa chúng ta đã bắt lấy cơ hội nầy là một phút cơ hội cho việc dạy dỗ các môn đồ. Không bao lâu sau đó, Chúa Jêsus cùng các môn đồ sẽ có mặt tại thành Giêrusalem, và sẽ có một đám đông thù nghịch, đòi tha cho Baraba và đóng đinh Chúa Jêsus trên thập tự. Sự thù nghịch của nhóm người ấy chứng minh nhiều việc cho các môn đồ, là những người dường như đã trốn chạy, và cho Phierơ, là người đã chối Chúa của mình (đối chiếu Luca 22.54-62). Chúa Jêsus nhơn đó mới tìm cách chuẩn bị cho các môn đồ Ngài đối diện với một đám đông thù nghịch, vì không bao lâu nữa dân chúng sẽ chối bỏ họ. Một đám đông giận dữ (ít nhất là ngang ngạnh) là bối cảnh cho Chúa chúng ta dạy dỗ các môn đồ về sự họ dạn dĩ rao giảng Tin Lành trong các hoàn cảnh như vậy. Đám dân đông đã nghe đạo của Chúa Jêsus, song lời của Ngài đã được giảng dạy cho các môn đồ của Ngài. Đó là thời điểm sửa soạn họ cho sự bắt bớ chắc chắn và sẽ mau xảy đến.
Đề tài Chúa Jêsus rao giảng là sự giả hình, và người Pharisi vừa cung ứng một trường hợp nói tới việc nguy hại của sự giả hình đó. Ở bề ngoài, trông họ rất tốt lành. Những lời cầu nguyện dài, âm điệu nghe tin kính lắm, và tất cả họ đều khoác lấy những bộ lễ phục thánh khiết nhất của con người, thế nhưng ở bề trong, Chúa Jêsus phán, họ “đầy sự trộm cướp và điều dữ” (11.39). Nhưng làm thế nào các môn đồ lại có thể bị cám dỗ mà sống giả hình, giống như người Pharisi chứ?
Tôi tin, câu trả lời là đây: ấy là hình thức giả hình sẽ cám dỗ các môn đồ rất khác với hình thức giả hình đánh dấu người Pharisi. Chúa Jêsus đã chỉ ra hình thức giả hình của người Pharisi và đã chỉ ra đó là điều ác. Thực vậy, tất cả các hình thức giả hình đều là điều ác, cho nên, Chúa Jêsus cảnh cáo các môn đồ nên chống lại tình trạng giả hình, nhưng khi Ngài tiếp tục giảng dạy thì đâu là hình thức giả hình mà các môn đồ sẽ bị cám dỗ mà mắc phải chứ!?!
Trước khi chúng ta nhận dạng hình thức giả hình nào là nguy hiểm cho các môn đồ, trước tiên chúng ta hãy quan sát các đặc điểm là thông thường cho từng hình thức giả hình. Chúng ta hãy xét qua “các nguyên tắc cơ bản của sự giả hình”.
(1) Giả hình là tuân thủ theo các giá trị và dự tính của người khác. Đặc điểm nầy không biểu hiện ngay lập tức đâu, song chắc chắn nó sẽ biểu hiện sau một thoáng suy nghĩ kỹ. Chúng ta đang sống giả hình vì một số giá trị của người khác. Giả hình là cúi đầu trước hình tượng giá trị của người khác, là những gì không thực sự thuộc về chúng ta. Giả hình là làm cho chết mái đầu xanh của chúng ta nếu nhóm thuộc linh mà chúng ta là một phần tử đều có mái tóc xanh, với sự nhận thức ở trong lòng mái tóc xanh không có việc chi phải làm với sự tin kính hết. Những kẻ giả hình lo điều chỉnh và kiến tạo bề ngoài của họ theo những gì người ta suy nghĩ hay cảm nhận.
(2) Giả hình là một sự mâu thuẫn. Giả hình là một sự trái ngược giữa cái hình như và cái có thật, giữa cái dường như và cái hiện hữu. Người Pharisi bề ngoài rất tôn giáo, song thực tế bên trong họ sống rất gian ác.
(3) Giả hình là một sự dối gạt có cân nhắc kỹ càng. Giả hình là sống không như thật. Giả hình không phải là ngẫu nhiên, mà là có chủ ý. Giả hình là một trò chơi ú tim. Bề ngoài không tương xứng với thực chất, chắc chắn là như thế.
(4) Giả hình, là sự dối gạt bởi hành động và lời nói của chúng ta. Giả hình thường thể hiện ra qua một phương thức mà người ta sẽ đi tới kết luận không đúng. Điều nầy là thực đối với người Pharisi ở một cấp độ rất lớn. Lời nói của chúng ta cũng một thể ấy, nó tiêu biểu cho sự không thật nơi chúng ta. Phần nghiên cứu của chúng ta còn chỉ ra nhiều cái giả hình khác nữa.
(5) Giả hình là tội lỗi.
(6) Giả hình là một sự lừa dối có cân nhắc kỹ càng, với động lực vừa tích cực vừa tiêu cực. Nói chung, chúng ta giả hình vừa để có sự ngợi khen của con người vừa để tránh sự họ bắt bớ.
Điểm sau cùng nầy là chìa khóa cho sự hiểu biết cái khác biệt giữa sự giả hình của người Pharisi và sự giả hình sẽ cám dỗ môn đồ của Chúa chúng ta. Người ta đang sống theo cách giả hình có chủ ý, họ có một mục tiêu ở trong đầu. Đối với người Pharisi, mục tiêu là tích cực. Họ sống giả hình để họ nhận lấy sự khen ngợi của con người. Còn đối với các môn đồ, động lực cho sự giả hình là tiêu cực – để tránh sự bắt bớ của những người vốn ghét bỏ sự công bình thật, họ sẽ chối bỏ và đóng đinh Chúa Jêsus, là Đấng Mêsi, và họ cũng sẽ bắt bớ và giết nhiều môn đồ của Ngài.
Sự giả hình của các môn đồ là cố gắng không thể hiện mình là công bình, để tránh sự bắt bớ của một dân loạn nghịch. Đám đông thù nghịch vây quanh các môn đồ chỉ là một hình bóng nói trước về sự loạn nghịch của cả nước sẽ chối bỏ không nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi. Trong khi người Pharisi mong muốn sự khen ngợi của con người khi thể hiện mình là công bình (giả hình), các môn đồ bị cám dỗ tìm cách lẫn tránh cơn giận và sự bạo hành của đám dân đông bằng cách không thể hiện mình là công bình, là môn đồ của Đấng Christ.
Nội dung văn mạch của phân đoạn Kinh Thánh nhấn mạnh thêm tố chất thật của loại giả hình nầy. Chúa Jêsus đã phán với các môn đồ Ngài về sự sợ hãi, sợ chết, là một cơn sợ hãi theo ánh sáng sự thù nghịch của dân Israel đối với Chúa Jêsus cùng các môn đồ Ngài. Chúa Jêsus cũng phán với các môn đồ về đáp ứng của họ khi được đem ra trước nhà hội, là phần đáp ứng chúng ta biết rõ sẽ xảy ra từ sách Công vụ Các Sứ đồ. Người ta sẽ sống giả hình bằng cách tự thể hiện mình là công bình, khi họ không thể hiện, người khác sẽ cố gắng đội lốt công bình của họ cùng mối quan hệ của họ với Đấng Christ, để tránh sự bắt bớ vì cớ Ngài. Rõ ràng đây là một hình thức khác của sự giả hình lưu xuất ra từ người Pharisi, nhưng vẫn là giả hình.
Phần bàn bạc đầu tiên của Chúa nghịch lại sự giả hình (12.2-3)
Sau khi đã học biết thể nào một môn đồ sẽ bị cám dỗ mà sống giả hình, giờ đây chúng ta sẽ thấy phần còn lại trong lời lẽ của Chúa chúng ta càng dễ hiểu hơn. Trong câu 2 và 3 Chúa Jêsus đưa ra lý do thứ nhất cho thấy tại sao giả hình là dại dột và hư không:
“Chẳng có sự gì giấu mà không phải lộ ra, chẳng có sự gì kín mà không được biết. Vậy nên mọi điều mà các ngươi đã nói nơi tối, sẽ nghe ra nơi sáng; mọi điều mà các ngươi đã nói vào lỗ tai trong buồng kín, sẽ giảng ra trên mái nhà” (Luca 12.2-3).
Được tóm lại như một nguyên tắc, lời dạy của Chúa Jêsus có ý nghĩa như thế nầy: GIẢ HÌNH, CHE GIẤU LẼ THẬT, LÀ HƯ KHÔNG, VÌ LẼ THẬT KHÔNG THỂ VÀ SẼ KHÔNG CHE GIẤU ĐƯỢC LÂU. Tìm cách che giấu lẽ thật là việc làm giống như cố gắng che đậy một cái thai vậy: sớm hay muộn rồi thì nó sẽ lộ ra thôi. Phaolô nói như thế nầy:
“Có người thì tội lỗi bị bày tỏ và chỉ người đó ra trước khi phán xét; còn có người thì sau rồi mới bị bày tỏ ra. Các việc lành cũng vậy: có việc thì bày ra, lại có việc thì không bày ra, mà sau rồi cũng không giấu kín được” (I Timôthê 5.24-25).
Nói chắc một câu, sự thật không thể giấu lâu được. Một số sự thật mau được nhìn thấy hơn những sự thật khác, song sớm hay muộn tất cả sự thật đều sẽ bày hiện ra hết thôi. Giả hình là dại dột và hư không vì nó tìm cách tránh né điều không thể tránh né được.
Lời lẽ của Chúa chúng ta trong các câu 2 và 3 có thể phân tích theo vài cách:
(1) Chúa Jêsus đang phán rằng hạng người gian ác chắc chắn sẽ bị chỉ ra.
(2) Chúa Jêsus đang phán rằng những tin tức tốt lành của Tin Lành sẽ được bày tỏ ra, bất chấp sự giả hình của chúng ta.
(3) Chúa Jêsus đang phán rằng tất cả sự thật, tốt hay xấu, sẽ được bày ra.
Chúng ta có thể nhìn thấy cả hai sự lựa chọn đều là thật cả. Cả điều thiện điều ác người ta làm ra đều sẽ được biết hết. Thắc mắc là, tư tưởng nào trong những dòng tư tưởng nầy Chúa Jêsus đang tìm cách nhấn mạnh? Tôi thấy chắc chắn là ở phần thứ hai. Trong chỗ thứ nhất, Chúa Jêsus đang phán với các môn đồ Ngài, chớ không phải phán với hết thảy mọi người đâu. Không phải các môn đồ sẽ không phạm tội, nhưng ở chỗ thứ nhất nầy càng thích ứng hơn khi được nhắm vào người Pharisi. Thứ hai, phần nhấn mạnh ở đây không nhắm vào các việc làm của các môn đồ (mà Phaolô đã nhấn mạnh ở trên), mà nhắm vào lời nói của họ. Thứ ba, mọi lời lẽ Chúa chúng ta sử dụng đều nhắm vào Tin Lành. Hãy chú ý lời lẽ của Chúa chúng ta trong phân đoạn bên dưới, cả hai đều sử dụng cùng một hình ảnh như chúng ta thấy trong Luca 12, và cả hai đều nói tới sự kín giấu của Tin Lành, đã bị che giấu một thời gian:
“Không ai đã thắp đèn tại lấy thùng úp lại, hay là để dưới giường; nhưng để trên chân đèn, hầu cho ai vào nhà đều thấy sáng. Thật không có điều gì kín mà không phải lộ ra, không có điều gì giấu mà chẳng bị biết và tỏ ra” (Luca 8.16-17).
“Vậy, các ngươi đừng sợ; vì chẳng có việc gì giấu mà chẳng phải bày ra, cũng chẳng có việc gì kín nhiệm mà sau sẽ chẳng biết. Cho nên lời ta phán cùng các ngươi trong nơi tối tăm, hãy nói ra nơi sáng láng; và lời các ngươi nghe kề lỗ tai, hãy giảng ra trên mái nhà” (Mathiơ 10.26-27; đối chiếu Mác 4.21-22).
Sự giả hình mà các môn đồ bị cảnh cáo: ấy là tìm cách che giấu Tin Lành mà họ đã nhận tin, che giấu chức năng môn đồ của họ. Chúa Jêsus dạy cho họ biết rằng Tin Lành sẽ được công bố cách công khai – Tin Lành không thể bị che giấu được. Tìm cách che giấu Tin Lành giống như tìm cách che giấu mặt trời vậy. Cho nên, giả hình là hư không.
Phần bàn bạc thứ hai của Chúa nghịch lại sự giả hình (12.4-7)
Chúng ta đã đánh dấu sự giả hình như có động lực vừa tích cực (ngợi khen) hay tiêu cực (bắt bớ). Động lực để cho các môn đồ phải sống giả hình bằng cách che giấu đức tin của họ trong Đấng Christ sẽ là động lực tiêu cực – nỗi sợ hãi bị các anh em người Do thái bắt bớ. Nổi sợ hãi bình thường là nỗi sợ của con người, và nổi sợ ấy chính là sợ chết về phần xác thịt (đối chiếu Hêbơrơ 2.15). Chúa Jêsus đã xoa dịu nổi sợ hãi bằng cách chỉ ra rằng các môn đồ Ngài nên sợ Đức Chúa Trời là hơn:
“Ta nói cùng các ngươi, là bạn hữu ta: Đừng sợ kẻ giết xác rồi sau không làm gì được nữa. Song ta chỉ cho các ngươi biết phải sợ ai: phải sợ Đấng khi đã giết rồi, có quyền bỏ xuống địa ngục; phải ta nói cùng các ngươi, ấy là Đấng các ngươi phải sợ! Người ta há chẳng bán năm con chim sẻ giá hai đồng tiền sao? Nhưng Đức Chúa Trời không quên một con nào hết. Dầu đến tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm cả rồi. Đừng sợ chi, vì các ngươi trọng hơn nhiều chim sẻ” (Luca 12.4-7).
Từ ngữ “bạn hữu” của Chúa chúng ta nói tới các môn đồ đặt ra âm điệu cho tiểu đoạn nầy. Trong khi có một nhận thức đúng đắn trong đó người ta phải “kính sợ” Đức Chúa Trời, đây là một cái “sợ” rất khác với cái sợ của con người hoặc cái sợ sự chết. Các môn đồ của Chúa Jêsus, như Ngài đã phán ở nhiều chỗ khác, không phải là hạng nô lệ của Ngài, mà là bạn hữu của Ngài.
Lý do tại sao các môn đồ phải sợ hãi con người đủ để tìm cách che giấu đức tin của họ trong Đấng Christ, ấy là họ có thể bị giết chết vì cớ niềm tin của họ, giống như đa số các vị tiên tri vậy. Chúa Jêsus không tìm cách thu nhỏ sự thật cho rằng nhiều người trong số họ sẽ ngã chết, nhưng đã tìm cách đặt sự chết ấy vào trong nhận thức. Ngài dạy cho các môn đồ biết rằng chết theo phần xác chẳng phải là điều đáng sợ đâu, mà sự chết thuộc linh mới là điều đáng sợ – phải ở đời đời trong địa ngục. Người ta chỉ có thể cất đi sự sống về phần xác của một người, nhưng Đức Chúa Trời mới là Đấng có quyền ném người ta vào địa ngục. Cho nên, nổi sợ loài người, có khuynh hướng đưa con người vào sự giả hình, sẽ bị Đức Chúa Trời làm cho lu mờ đi. Ngài kêu gọi phải sống cho thành thật, sống cho dạn dĩ.
Mặt khác, trong khi nổi sợ của các môn đồ đáng phải là kính sợ Đức Chúa Trời, phần nhấn mạnh càng hơn trong lời lẽ của Chúa Jêsus về đức tin mà các môn đồ cần phải có nơi Ngài. Người ta phải sợ Đấng ấy cũng là Đấng có một tình yêu sâu sắc và một thái độ quan tâm mật thiết đối với các môn đồ của Ngài. Ngài biết rõ và chăm sóc loài chim sẻ, là loài có ít giá trị hơn loài người. Ngài cũng biết rõ những sợi tóc trên đầu của con người. Môn đồ không cần phải sợ (như con người sợ) vì Ngài có giá trị rất lớn đối với Đức Chúa Trời, là Đấng chăm sóc Ngài. Thế thì chẳng có một điều gì sẽ xảy ra cho môn đồ, thậm chí cả sự chết, họ không ở ngoài sự hiểu biết, tình yêu và sự quan phòng vô hạn của Đức Chúa Trời. Và từ khi Đức Chúa Trời có những chiếc chìa khoá, quả thật vậy, của thiên đàng và địa ngục, sự chết chỉ có thể dẫn lối cho môn đồ bước vào trong sự hiện diện của Ngài mà thôi. Vậy thì, cần gì phải sợ con người, và tìm cách sống giả hình mà chi chớ?
Phần bàn bạc thứ ba của Chúa nghịch lại sự giả hình (12.8-10)
Có một lý do khác cho thấy tại sao các môn đồ của Chúa phải đề phòng về sự im lặng giả hình, về việc tìm cách cho người ta thấy mình không phải là một môn đồ:
“Ta nói cùng các ngươi, ai sẽ xưng ta trước mặt thiên hạ, thì Con người cũng sẽ xưng họ trước mặt thiên sứ của Đức Chúa Trời. Nhưng ai chối ta trước mặt thiên hạ, thì họ sẽ bị chối trước mặt thiên sứ của Đức Chúa Trời. Ai nói nghịch cùng Con người, thì sẽ được tha; song kẻ nói lộng ngôn phạm đến Đức Thánh Linh, thì không được tha đâu” (Luca 12.8-10).
Ở bề ngoài, tiểu đoạn nầy dường như cảnh cáo môn đồ rằng người ta sẽ mất đi sự cứu rỗi do chối bỏ Cứu Chúa, do sự giả hình của mình. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp. Có vài lý do cho thấy tại sao đây không thể là trường hợp.
(1) Sự cứu rỗi của con người không căn cứ trên những việc làm, hay sự trung tín của họ, mà căn cứ trên huyết đổ ra của Đấng Christ và sự trung tín của Ngài.
(2) Kinh Thánh dạy quyết rằng con người không chọn Đức Chúa Trời, mà Đức Chúa Trời đã chọn con người, và người nào được cứu được an ninh cho đến đời đời.
(3) Trong phân đoạn Kinh Thánh, có một sự thay đổi hiển nhiên từ ngôi thứ hai (“các ngươi”) sang ngôi thứ ba (“ai” “kẻ” “họ”).
(4) Tội lỗi không được tha, được đề cập đến ở câu 10, ở chỗ khác nói rõ là một tội mà người không tin Chúa từng phạm phải, nó chấm dứt không còn có cơ hội để cho kẻ ấy được cứu nữa.
Vì lẽ đó theo nhận định nầy thì không phải là các môn đồ, mà là những kẻ đáp ứng với sứ điệp để được cứu. Tôi tin rằng Chúa Jêsus đang phán dạy, cũng như các sứ đồ, điều đã được rao giảng trong sách Công vụ Các Sứ đồ (2.38-41), và các thư tín dạy dỗ (Rôma 10.9-10), rằng muốn được cứu một người phải công khai đồng hoá mình với Đấng Christ, điều nầy theo tôi hiểu, là bởi sự xưng nhận và bởi phép báptêm, thường xảy ra chung với nhau.
Nhưng sự thể nầy có tác dụng với các môn đồ như thế nào? Tại sao Chúa chúng ta dạy các môn đồ Ngài đừng sống giả hình khi đề cập tới những điều kiện tất yếu Đức Chúa Trời có cho sự cứu rỗi của một người? Rất là đơn giản. Các môn đồ sẽ kêu gọi người ta phải tuyên xưng công khai đức tin của họ nơi Đấng Christ như thế nào nếu cùng lúc họ đang tìm cách che giấu đức tin của mình? Trong những thời điểm bắt bớ, như những ngày đầu của Hội Thánh, một quyết định tin cậy Đấng Christ rất không thích ứng, và có thể dẫn người ta tới sự bắt bớ và sự chối bỏ của gia đình họ nữa. Các môn đồ không chao đảo trong sự dạn dĩ của họ, vì họ phải đề ra và làm gương cho những người sẽ chạy đến với đức tin.
Phần bàn bạc thứ tư và sau cùng của Chúa (12.11-12)
Lần nầy, lời lẽ sau cùng và là lần thứ tư của Chúa gắn liền với lời lẽ của các môn đồ khi họ bị đem ra trước các nhà cầm quyền, họ bị kết án ở đó, và ngay khi ấy họ bị kết án tử hình:
“Khi người ta đem các ngươi đến nhà hội, trước mặt quan án và quan cai trị, thì chớ lo về nói cách nào để binh vực mình, hoặc nói lời gì; bởi vì chính giờ đó Đức Thánh Linh sẽ dạy các ngươi những lời phải nói” (Luca 12.11-12).
Chúa đang phán với các môn đồ Ngài về sự họ bị các anh em người Do thái chối bỏ. Họ bị dẫn tới các nhà hội, trước mặt những bậc cầm quyền, các nhà cai trị, họ sẽ bị dẫn ra trước các thế lực của người Do thái. Sách Công vụ Các Sứ đồ ghi lại các trường hợp như thế. Sau khi Phierơ và Giăng công khai và dạn dĩ tuyên xưng Chúa Jêsus là Đấng Christ, là Đấng Mêsi của Israel (Công vụ Các Sứ đồ 3), các nhà cầm quyền Do thái đã bắt nhốt họ vào ngục:
“Phi-e-rơ và Giăng đang nói với dân chúng, thì các thầy tế lễ, quan coi đền thờ, và người Sa-đu-sê thoạt đến, tức mình vì hai người dạy dân chúng và rao truyền, nhân Đức Chúa Jêsus, sự từ kẻ chết sống lại. Họ bắt hai người giam vào ngục cho đến bữa sau, vì bấy giờ đã tối rồi. Dầu vậy, có nhiều người đã nghe đạo thì tin, số tín đồ lên đến độ năm ngàn. Bữa sau, các quan, các trưởng lão, các thầy thông giáo nhóm tại thành Giê-ru-sa-lem, với An-ne, là thầy cả thượng phẩm, Cai phe, Giăng, A-léc-xan-đơ và hết thảy mọi người thuộc về họ thầy cả thượng phẩm. Họ bắt Phi-e-rơ và Giăng đến hầu trước mặt mình, và hỏi rằng: Bởi quyền phép nào hay là nhân danh ai mà các ngươi làm điều nầy?” (Công vụ Các Sứ đồ 4.1-7).
Huấn thị của Chúa Jêsus cho các môn đồ Ngài ít nhất không phải là sự giả hình.
Lời lẽ của Chúa chúng ta chứa vài lẽ thật quan trọng, có liên quan tới sự giả hình che đậy địa vị môn đồ của một người và Tin Lành.
Thứ nhất, lời lẽ của Chúa nói tới các môn đồ rất rõ ràng, là họ sẽ gánh chịu sự chối bỏ và bắt bớ vì cớ đức tin họ đặt nơi Ngài. Chúa Jêsus không phán với họ: “Nếu các ngươi bị đem tới nhà hội…”, mà là “Khi người ta đem các ngươi đến nhà hội…”. Sự bắt bớ sẽ xảy đến.
Thứ hai, lời lẽ của Chúa phán với các môn đồ Ngài phải cẩn thận đừng suy nghĩ hay lo lắng chi về thời điểm cần phải biện hộ. Trong khi Chúa Jêsus đang nói trước với các môn đồ về thời điểm họ sẽ bị bắt bớ và chống cự vì sự rao giảng Tin Lành của họ, Ngài không có ý nói để họ phải lo lắng về điều nầy, hoặc phải dành thì giờ để suy nghĩ biện bác ra sao! Một mặt, họ chưa biết được đấy là lúc nào, bối cảnh nào, để đưa ra lời biện bác sao cho thích ứng. Mặt khác, họ có khuynh hướng hoặc bị cám dỗ mà sống giả hình – không dạn dĩ hay quả quyết như họ đáng phải có. Và khi họ nghĩ về những nguy hiểm có ở truớc mặt, cùng phản ứng của họ, họ càng bị cám dỗ muốn tránh né đương diện, rồi lui đi không muốn rao giảng Tin Lành nữa.
Thí dụ, quý vị có tưởng tượng một chính trị gia đang diễn thuyết, vận động nhiều tuần lễ trước khi bầu cử không? Thật là dại dột làm sao! Một người sẽ chuẩn bị thất bại khi hoạt động để thắng cử theo kiểu như vậy. Cũng một thể ấy với các môn đồ. Sửa soạn cách ăn nói biện bác là hoạch định cho tình trạng tệ hại nhất. Chúng ta không nên mượn cái rắc rối của ngày mai, cho dù tình trạng xấu xảy tới. “Điều ác đủ cho một ngày rồi”.
Thứ ba, lời lẽ của Chúa cho các môn đồ Ngài tái khẳng định với họ rằng lúc họ có cần, Đức Thánh Linh sẽ dạy cho họ đúng lời lẽ phải nói khi biện hộ. Các môn đồ của Chúa chúng ta cần phải chuyên tâm nhiều vào việc rao giảng Tin Lành cho con người hơn là lo biện hộ cho chính bản thân mình. Đức Thánh Linh, Chúa Jêsus phán, sẽ phục vụ theo một phương thức đặc biệt cho những ai bị tố giác, hầu cho họ có thể giảng Tin Lành rõ ràng và đầy quyền năng hơn.
Chúng ta thấy một số trường hợp về sự nầy trong sách Công vụ Các Sứ đồ. Phierơ và Giăng, khi bị bắt, đã dạn dĩ rao giảng Tin Lành lúc họ nói lời biện hộ (Công vụ Các Sứ đồ 4). Êtiên, khi bị bắt và bị kết án trước đám dân đông, đã rao giảng Tin Lành thật đầy năng quyền lúc ông nói lời biện hộ (Công vụ Các Sứ đồ 6-7). Cũng một thể ấy với Phaolô (đối chiếu Công vụ Các Sứ đồ 22). Đức Thánh Linh là ân tứ đặc biệt của Đức Chúa Trời ban cho người nào lâm vào các hoàn cảnh khó khăn như thế. Theo tôi hiểu, Ngài ban cho những người bị giam cầm một ý thức đặc biệt về sự hiện diện của Đức Chúa Trời (đối chiếu Công vụ Các Sứ đồ 7.55-56), để an ủi và tái khẳng định với họ. Ngài cũng ban cho con người lời lẽ để nói, và quyền để nói cho họ cách dạn dĩ. Lời lẽ của Êtiên thật là như búa bổ, mặc dù người ta không chịu nghe. Khi Đức Thánh Linh cung ứng và mặc lấy quyền phép cho lời nói của con người, lời nói biện hộ của họ rất đáng sợ, cho dù có bị chối bỏ. Vì thế chúng ta phải nhường sự biện hộ lại cho Ngài, và chúng ta phải trung tín rao giảng Tin Lành, với lòng nhận biết rằng giảng Tin Lành sẽ dẫn tới sự bắt bớ, thậm chí cả sự chết nữa.
Phần kết luận
Ở phần đầu bài học nầy tôi có nhắc tới hai câu hỏi dấy lên từ phân đoạn Kinh Thánh, căn cứ vào câu nói nầy của Chúa chúng ta: “Hãy giữ mình về men của người Pharisi, là sự giả hình”.
Hai thắc mắc nầy là:
(1) Men giống với sự giả hình như thế nào? Và
(2) Sự giả hình của người Pharisi là mối nguy hiểm cho các môn đồ như thế nào?
Khi chúng ta kết thúc bài học nầy, chúng ta hãy tìm cách giải đáp chúng. Tôi tin rằng chúng ta phải bắt đầu bằng cách lưu ý rằng Chúa chúng ta không xử lý với tình trạng giả hình theo hình thức rộng rãi nhất của nó, mà đặc biệt đối với các môn đồ, căn cứ theo sự cố ý giả hình hay không cố ý giả hình tác động vào sự rao giảng Tin Lành, về sự ấy họ đã được báo trước. Giả hình, theo nội dung nầy, giống như “men”, trong cái chạm của sự giả hình có thể làm cho Tin Lành phải sa bại. Chính sự giả hình của người Pharisi, mặc lấy sự kỉnh kiền bề ngoài, nhưng có một tấm lòng bất kỉnh và gian ác, tấm lòng nầy khiến cho họ phải xuyên tạc sứ điệp của Cựu Ước thành một Tin Lành của việc làm, hơn là Tin Lành nói về đức tin, một Tin Lành tìm kiếm một loại Mêsi khác. Cho nên, người Pharisi, họ tưởng họ đang dẫn người ta vào sự sống đời đời, song thực ra họ đang làm cho người ta lạc xa khỏi đấy (đối chiếu Luca 11.52).
Sự giả hình trong đời sống của các môn đồ cũng một cái chạm có tính tàn phá trên Tin Lành mà họ phải rao giảng. Điều nầy cho thấy lý do tại sao Phaolô đã phản ứng mạnh mẽ đối với “sự giả hình của Phierơ” và những người chạy theo ông trong việc phân rẽ với dân Ngoại và ăn uống với chỉ người Do thái, như đã được mô tả trong chương 2 sách Galati. Tại sao một sai lầm nhỏ như thế lại biến thành một nan đề lớn chứ? Phaolô đã biến điều nầy thành nan đề lớn, công khai kêu gọi Phierơ phải thực thi, là vì, ông nói, đó là một sự chối bỏ Tin Lành. Tất cả họ đều lo rao giảng Tin Lành, cho người Do thái và cho dân Ngoại, đều như nhau, họ bị hư mất trong tội lỗi, chẳng có một điều gì họ đáng được khen ngợi trước mặt Đức Chúa Trời. Tin Lành ban hiến ơn chửng cứu cho mọi người, cả Do thái và dân Ngoại, theo cùng một nền tảng: đức tin nơi huyết đổ ra của Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng đã chịu chết vì tội lỗi của con người trên thập tự giá ở đồi Gôgôtha. Đối xử ưu đãi với người Do thái và tránh né người Ngoại là muốn ám chỉ rằng người Do thái đang ở trên chiếc phi cơ thuộc linh cao hơn dân Ngoại, rồi vì thế chối bỏ Tin Lành, là Tin Lành biến mọi tín hữu ra đồng đẳng với nhau (đồng đẳng hư mất, đồng đẳng được cứu). Phaolô đã bộc lộ mọi sự ra từ một chút men nầy.
Giacơ, cũng nói nhiều về sự giả hình trong thư tín của ông (sách Giacơ). Trong chương hai của thư tín Giacơ kể ra hai trường hợp giả hình (mặc dù trong chương nầy không nhắc đến từ giả hình). Khi nói rằng chúng ta là Cơ đốc nhân mà còn phân biệt giữa người nghèo và kẻ giàu trong Hội Thánh thì là giả hình (Giacơ 2.1-13). Hơn nữa, khi nói rằng người nầy có đức tin rồi không chu cấp các nhu cần cho kẻ không may thì cũng là giả hình. Đức tin ấy là không có giá trị. Giả hình trong các lãnh vực nầy là chối bỏ Tin Lành, lối sống ấy không nhất quán với Tin Lành, và nhơn đó khiến cho người ta phải lơ đi đối với Tin Lành vì không nhìn thấy giá trị hay lợi ích thực sự.
Phân đoạn Kinh Thánh dạy chúng ta nhiều bài học. Hãy cho phép tôi đưa ra một số ở đây:
(1) Chống đối Tin Lành thì sẽ chống đối luôn đời sống tin kính. Tin Lành chưa hề, và không bao giờ là một điều vui thích cho hai lỗ tai của con người thiên nhiên. Chỉ khi nào Đức Thánh Linh làm cho tấm lòng tội lỗi của chúng ta thấy ấm áp với sứ điệp của Tin Lành khi sứ điệp được ban phát ra. Ngày nay, cũng như trong thời buổi của Chúa chúng ta và các sứ đồ Ngài, sứ điệp của Tin Lành sẽ tạo ra sự chống đối. Chúng ta rất dại dột và suy nghĩ không theo Kinh Thánh khi mong mỏi sự thể khác (đối chiếu II Timôthê 3.10-12). Nếu chúng ta là môn đồ của Ngài và lo rao giảng Tin Lành của Ngài, cần phải lượng tính trước sự chống đối nầy.
(2) Phải tin có sự giả hình. Nếu sự giả hình là việc mà Chúa Jêsus cảnh báo cho các bạn hữu cùng các môn đồ thân thiết của Ngài (và khi Tân Ước cho chúng ta biết đó là một thực tại trong đời sống của họ), chắc chắn chúng ta sẽ tin rằng sự giả hình thường tìm cách ngóc cái đầu xấu xí của nó lên trong đời sống của chúng ta. Thực vậy, sự giả hình đan dệt thành tấm thảm trong đời sống và trong xã hội của chúng ta.
(3) Sự chống đối sẽ khoác lấy một hình thức khác mà các môn đồ sẽ kinh nghiệm. Lời lẽ của Chúa Jêsus phán cho các môn đồ nói rõ ràng sự chống đối họ gặp sẽ xuất phát rộng rãi từ những người Do thái không tin Chúa. Vì thế họ được cảnh báo rằng họ sẽ bị “đem đến các nhà hội, những quan cai trị, các bậc cầm quyền” (Luca 12.11). Hình thái giả hình của người Pharisi rất khác với sự giả hình của các môn đồ, cũng vậy hình thái trong đó sự chống đối chúng ta gặp phải cũng khác với sự chống đối mà các môn đồ đã kinh nghiệm. HÌNH THÁI MÀ SỰ CHỐNG ĐỐI DIỄN RA TRONG THỜI CỦA CÁC MÔN ĐỒ LÀ NẮM ĐẤM ĐƯA CAO LÊN. HÌNH THÁI MÀ SỰ CHỐNG ĐỐI DIỄN RA TRONG THỜI CỦA CHÚNG TA LÀ CHIẾC LÔNG MÀY NHƯỚNG LÊN. Đối với người Do thái sứ điệp của thập tự giá là một vầng đá vấp chơn – “lời quyền phép”, đối với người không tin Chúa lời giảng về thập tự giá chỉ là điên dại (I Côrinhtô 1.18-25).
Mối nguy hiểm dành cho các môn đồ, theo tôi hiểu, là lui đi không “giảng y theo lời ấy”. Sứ điệp của thập tự giá bị những người Do thái không tin Chúa chống cự mạnh mẽ thì người ta rất dễ giữ im lặng không nói nữa, hoặc nói sai đi các góc cạnh của sứ điệp ấy. Ở một số cấp độ, dường như đây là mối nguy hiểm mà sách Hêbơrơ nhắc tới cho một số người. Nhưng đối với chúng ta, mối nguy hiểm là một sự khác biệt nhỏ. Chúng ta có thể giữ im lặng về đức tin của mình, vì chúng ta không muốn bị ai nghĩ mình là kẻ dại dột, nhưng chúng ta cũng bị cám dỗ mà sửa lại Tin Lành, hầu cho nói theo ý họ muốn tình trạng khôn ngoan, uy tín, sở thích, quyền thế, sự giàu có, hay bất cứ chi khác. Phaolô gọi loại giả hình nầy là “cắt xén Tin Lành” giả mạo Lời của Đức Chúa Trời, “mồi hấp dẫn” (II Côrinhtô 3.17; 4.2). Hình thái giả hình nầy cắt xén trọng tâm của Tin Lành, vì điều chi làm mích lòng lý trí của người Ngoại chính là trọng tâm và quyền phép của Tin Lành:
“thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là dồ dại; song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” (I Côrinhtô 1.23-24).
Bởi sự giả hình, chúng ta rơi vào sự cám dỗ, khi chúng ta được kêu gọi để rao giảng Tin Lành, nó khoác lấy hình thái giữ im lặng, hoặc hình thái vặn cong Tin Lành. Cả hai loại giả hình nầy đều giống như men và tội ác, và chúng được công nhận là tội lỗi và cần phải ăn năn. Sự giả hình của chúng ta sẽ bị bày ra, và Tin Lành sẽ được rao giảng. Chúng ta cần phải rao giảng với sự dạn dĩ đáng sánh với sự dạn dĩ mà con người dùng để đáp ứng công khai với Tin Lành đó.
Trong ánh sáng của mọi điều nầy tôi có thể bắt đầu tán thưởng vai trò mà phép báptêm đã đóng trong Hội Thánh đầu tiên. Phép báptêm, theo một thanh niên trong nhà thờ mà tôi đến nhóm, anh ta cho là “được quảng cáo”. Tôi biết có nhiều người nói: “Đức tin tôi là chuyện cá nhân, là việc tư riêng”. Nhưng, các bạn tôi ơi, tôi tin rằng Chúa Jêsus không cho như vậy đâu. Đức tin của một người, trong sự giảng dạy của các sứ đồ, phải được tuyên xưng công khai. Nếu quý vị chưa hề công khai đồng hoá với Đấng Christ, tôi tin Kinh Thánh phán quý vị phải làm điều đó. Nếu quý vị chưa đồng hoá với Ngài qua phép báptêm, tôi tin Kinh Thánh đòi hỏi điều đó, nếu không phải vì để được cứu rỗi (phép báptêm không cứu chúng ta), vì địa vị môn đồ. Trong thời buổi và thời đại nầy khi mọi người “bước ra khỏi buồng kín” có phải đấy là lúc Cơ đốc nhân phải thực thi tuyên xưng công khai mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời qua Đấng Christ không?
Sự dạn dĩ mà Đấng Christ muốn có trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, sự dạn dĩ trong việc trung tín rao giảng lẽ thật, không thể xuất phát từ bên trong chúng ta, từ sức lực riêng của chúng ta. Chúa Jêsus phán trong phân đoạn Kinh Thánh rằng sự dạn dĩ nầy xuất phát từ Đức Thánh Linh chẳng có sự giả hình chi hết. Chúng ta hãy thôi đừng lo lắng về các hậu quả của sự chúng ta dạn dĩ và hướng sự chú ý của mình nhìn về nguồn cội của sự dạn dĩ ấy – Thánh Linh của Đức Chúa Trời.
Có một hình thái giả hình nguy hiểm nhất cho mọi người. Sự giả hình ấy không bị một môn đồ phạm phải, mà do một người hành động (và có lẽ suy nghĩ về mình) như thể mình là một Cơ đốc nhân thực, song lại không phải thế. Sự giả hình nầy là đáng trách! Khi con người đứng trước ngai phán xét của Đấng Christ, mọi lời tuyên xưng giả dối về đức tin sẽ được chỉ ra là giả hình, và người nào giả dối xưng mình là một trong các con cái của Đức Chúa Trời sẽ bị xét đoán ở trong sự tối tăm, đoạ đày địa ngục cho đến đời đời. Như vậy việc làm cũng như lời xưng nhận của quý vị chẳng hưởng được sự sống đời đời mà Đức Chúa Trời đã hiến cho trong Con của Ngài, là Đức Chúa Jêsus Christ. Nếu Thánh Linh của Đức Chúa Trời làm chứng cho lẽ thật chắc chắn nầy, sâu lắng trong tâm hồn của quý vị, hãy đến với Ngài ngay hôm nay. Hãy nhìn nhận tội lỗi của mình và tiếp nhận sự chết của Đấng Christ là vì ích cho quý vị. Hãy gạt bỏ đi sự giả hình đang dẫn người ta đến với địa ngục, một lần đủ cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét