Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Luca 2.1-20: "SỰ GIÁNG SINH CỦA ĐẤNG MÊSI"



Phần giới thiệu.
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh.
Bối cảnh.
Sự giáng sinh của Chúa Jêsus (2.1-7).
Lời công bố của thiên sứ và sự thăm viếng mấy gã chăn chiên lúc ban đêm (2.8-20).
Phần kết luận
BÀI 4
SỰ GIÁNG SINH CỦA ĐẤNG MÊSI
(Luca 2.1-20)
Phần giới thiệu
Bạn tôi và tôi tuần qua đã nhắc lại một câu chuyện vui có quan hệ tới bài học của chúng ta. Một người khách bàng quang với tánh tò mò đứng quan sát người thợ rèn với một sự thích thú lắm. Người thợ rèn đang dùng búa nện vào chiếc móng ngựa. Ông ta vừa làm xong một chiếc móng và đang làm nguội nó. Không cần phải suy nghĩ, người khách bàng quang kia mới nhặt chiếc móng lên nhìn cho gần hơn, rồi lại mau mau đặt nó xuống. Với một cái nháy mắt, người thợ rèn lên tiếng hỏi: “Nóng không, sếp?” Người kia liền đáp với giọng không vui lắm: “Không, chỉ đủ cho tôi kiểm tra mấy cái móng ngựa không lâu được”.
Một người có thể nói rằng Luca không có đủ thì giờ để ghi lại về sự ra đời của con trẻ, khi xem lại chiều dài của câu chuyện ông kể lại về sự giáng sinh của Chúa Jêsus. Và hãy nhớ rằng câu chuyện Luca kể về sự giáng sinh của Chúa chúng ta là câu chuyện rất cảm động duy nhất đã được ghi lại trong các sách tin lành. Ngay cả Mác và Giăng cũng không chiếu cố nhiều vào sự ra đời hay thời thơ ấu của cả Giăng Báptít và Chúa Jêsus, mà bắt đầu với lời giới thiệu chức vụ công khai của Giăng mà thôi. Mathiơ thuật lại cho chúng ta biết về sự thiên sứ thăm viếng Giôsép, ưu tiên cho sự giáng sinh của Chúa Jêsus, là điều khiến cho ông phải cưới Mary, hơn là nàng phải bị để, như ông đã dự trù. Ông cũng thông tin cho chúng ta biết sự thăm viếng của các thầy bác sĩ, về nổ lực muốn giết con trẻ của Hêrốt, và về sự trốn tránh của gia đình thánh sang Aicập cho tới khi Hêrốt đã qua đời. Tuy nhiên, Mathiơ thuật cho chúng ta biết những gì về sự giáng sinh của Chúa. Chỉ có Luca mô tả các sự cố về sự giáng sinh của Chúa chúng ta mà thôi. Vì thế, khi chúng ta nhắm vào sự ngắn gọn của sách Luca, chúng ta thấy câu chuyện duy nhất nói tới sự giáng sinh của Đấng Christ cũng là một câu chuyện rất vắn tắt. Sự vắn tắt nầy rất có ý nghĩa, khi chúng ta tìm cách làm bật ra cứu cánh của sứ điệp.
Trong hết thảy những việc mà Luca đã thuật lại cho chúng ta biết về sự giáng sinh của Chúa Jêsus, ông đã chọn đưa ra một câu chuyện vắn tắt nói tới các yếu tố hình thành sự giáng sinh của Chúa Jêsus ở Bếtlêhem (chiếu chỉ của Sêsa, cuộc điều tra dân số, nơi sinh của Chúa Jêsus phải là Bếtlêhem), và thể nào mấy gã chăn chiên gần đó đã tới chứng kiến sự Đấng Mêsi hiện đến. Các sự cố nầy do tính chất hấp dẫn của sự thật, dù chúng được tuyển chọn từ nhiều người ghi chép lại nhưng không được viết ra, lại rất quan trọng đối với Cơ đốc nhân, đặc biệt là những tín đồ dân Ngoại, kể cả chúng ta. Chúng ta hãy tìm cách tiếp thu ý nghĩa và phần ứng dụng của sự Chúa giáng sinh, như đã được ghi lại duy nhất bởi Luca, là nhà chép sử đã được Đức Chúa Trời cảm thúc.
Phần cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Luca chương 2 có ba phần chính. Câu 1-20 mô tả sự giáng sinh của Chúa Jêsus, sự thờ lạy và chứng kiến của mấy gã chăn chiên. Câu 21-40 mô tả một câu chuyện giới thiệu Chúa Jêsus tại thành Giêrusalem, và phần làm chứng cảm động của Simêôn và Anne. Phần thứ ba và là phần sau cùng của chương mô tả một sự kiện đã diễn ra tại thành Giêrusalem khi Chúa Jêsus được 12 tuổi, ngay thời điểm Ngài còn ở lại tại đền thờ, là “nhà của Cha” Ngài, bận rộn với công việc của Cha Ngài (Luca 2.41-52).
Bài học của chúng ta, Luca 2 câu 1-20 cũng có ba phần. Câu 1-7 giải thích cơ hội để Chúa Jêsus ra đời tại thành Bếtlêhem, và đặc biệt cho các hoàn cảnh kèm theo sự giáng sinh của Ngài, Ngài được quấn bằng khăn và được đặt trong cái máng ăn của gia súc. Câu 8-14 mô tả sự thiên sứ thăm viếng mấy gã chăn chiên ngay bối cảnh giáng sinh. Câu 15-20 ghi lại sự thăm viếng của mấy gã chăn chiên và sự làm chứng của họ sau khi gặp được Cứu Chúa.
Bối cảnh
Sau lời giới thiệu của tin lành Luca (1.1-4), Luca bắt đầu đan dệt sự đến của Giăng Báptít và Chúa Jêsus, bắt đầu với lời công bố sự ra đời của họ, và sau cùng một số trường hợp quan trọng về thời thơ ấu. Sự ra đời của Giăng và “mối hận gia đình” về sự đặt tên cho đứa trẻ là đề tài cho phần nghiên cứu sau cùng của chúng ta.
Có một số sự cố xen giữa mà Mathiơ đã ghi lại cũng giúp cho chúng ta hiểu được những gì đã diễn ra trong bài học của chúng ta. Câu chuyện của Mathiơ ghi lại về sự thiên sứ thăm viếng Giôsép dường như xảy ra rất ngắn ngủi sau khi Mary trở về nhà mình ở Naxarét từ nhà của Êlisabét và Xachari (đối chiếu Luca 1.39-56). Theo ý kiến của tôi thì Mary đã mang thai do tác động kỳ diệu của Đức Thánh Linh trong khi nàng ở lại với Êlisabét cùng chồng của bà, là Xachari. Trên đường về nhà nàng đã chịu thai gần ba tháng. Nhận thấy ba tháng mang thai của nàng là một cú sốc và thất vọng lớn lao cho Giôsép. Không một chuyên gia nào về môn sinh vật chịu công nhận rằng phụ nữ tự người đó có thai bao giờ, và thế là Giôsép buộc phải kết luận rằng nàng đã có một sự quan hệ tình dục với một người đờn ông khác. Ly dị là điều không thể tránh được, Giôsép biết rõ thế, nhưng ít nhất ông lại muốn quyết định như thế theo cách riêng mình, chớ không muốn tỏ ra công khai với Mary.
Ngay tại thời điểm nầy khi thiên sứ đến viếng Giôsép trong một giấc chiêm bao, Mathiơ thuật cho chúng ta biết (Mathiơ 1.18-25), thiên sứ cho Giôsép biết Mary không có một sự ăn ở nào trái phép, mà con trẻ nàng đang mang trong bụng chính là Đức Chúa Trời hoá thân thành xác thịt, là Emmanuên. Như là kết quả của sự khải thị nầy, Giôsép đã đem Mary về làm vợ mình, tiếp trợ và bảo hộ nàng, rồi sau đó đóng vai trò là cha của đứa trẻ lạ lùng mà nàng đã cưu mang.
Mary trở thành vợ của Giôsép trong một đường lối khá đặc biệt, để thích ứng với tình trạng chịu thai của nàng. Theo thói thường thì một người nam và một người nữ Do thái trở thành chồng vợ bởi sự kết hiệp theo phần xác. Là một phần của nghi thức cưới xin người chồng và vợ phải bước vào túp lều của họ, và chỉ xuất hiện lại sau khi cặp hôn nhân đã ân ái mặn nồng với nhau. Mary đã không có một nghi thức cưới hỏi như thế, vì Mathiơ có cho chúng ta biết rằng họ chẳng có một quan hệ tình dục nào cho tới sau sự giáng sinh của Chúa Jêsus (Mathiơ 1.25). Vì thế, khi Mathiơ đề cập tới việc Mary và Giôsép ăn ở với nhau, ông đang nói về mặt chức năng, vì từ thời điểm nầy trở đi họ đã sống chung với nhau như vợ chồng. Nhưng khi Luca nói tới cặp vợ chồng nầy, trên đường đi tới Bếtlêhem, ông đang nói tới họ như thể họ vẫn còn hứa hôn, và chưa cưới xin gì cả. Hãy để vấn đề nầy lại cho vị bác sĩ cứu xét về mặt chuyên môn. Dù vậy, ông đã đúng về mặt chuyên môn, vì chỉ sau khi sanh Chúa Jêsus thì Mary và Giôsép mới ăn ở với nhau đúng theo ý nghĩa vợ chồng.
Sự giáng sinh của Chúa Jêsus tại Bếtlêhem (2.1-7).
Luca dựng lên câu chuyện nói tới sự giáng sinh của Chúa Jêsus với một tường trình về các điều kiện trong đó Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời sẽ ra đời, và những lý do của loài người dành cho họ. Bảy câu đầu tiên nầy về bề ngoài rất là “đời thường”. Chẳng thấy nói gì tới bàn tay của Đức Chúa Trời, cũng không thấy nói gì tới một sinh hoạt “thuộc linh” nào đặc biệt cả. Thực vậy, phân đoạn kết thúc hầu như với một lưu ý về bi kịch của con người. Hãy suy nghĩ về phần kết ấy, Con Đức Chúa Trời, được bọc bằng mấy tấm tả rách, và được đặt nằm trong một cái máng ăn của gia súc! Chúng ta có thể phản kháng, chẳng thích đáng gì hết, thê thảm làm sao! Có thể thê thảm lắm, trừ ra “mặt kia của những tin tức”, được thấy rõ trong các câu 8-20. Mọi cảnh ngộ dường như quá thê thảm, quá buồn rầu, song chúng lại minh chứng rất quan trọng. Trước tiên chúng ta hãy xét qua mặt đời thường của các tin tức, rồi hãy nhắm thẳng vào chiều kích của mặt thuộc linh.
Các câu 1-3 cung ứng một sự giải thích theo đời thường về hoàn cảnh khó khăn thật thảm hại của con trẻ Christ. Sêsa đã đưa ra một chiếu chỉ, đòi hỏi một cuộc điều tra dân số, không nghi ngờ chi nữa vì Sêsa chuẩn bị cho một kỳ thu thuế sau đó. Muốn đăng ký trong cuộc điều tra dân số nầy người dân phải chịu cực khổ lắm, không những vì đi đăng ký là một sự bất tiện, mà đó còn là một sự nhắc nhớ rằng dân sự của Đức Chúa Trời là dân Ysơraên, dù sinh sống trong đất Hứa, họ không sinh sống trong sự tự do; họ phải chịu dưới sự cai trị của một thế lực ngoại giáo. Một điều luật của người La mã, do kẻ cai trị theo ngoại giáo lập ra, buộc dân Ysơraên phải làm theo. Người Do thái khẳng định rằng họ không thần phục một ai hết (Giăng 8.33), sự khẳng định nầy cho thấy họ từ chối hiển nhiên trước một sự kiện quá đau lòng như thế.
Thành thật mà nói, phần thông tin trong các câu 1-3 chẳng có thú vị nhiều đối với độc giả Cơ đốc đương thời. Có ai quan tâm đến việc Sêsa chịu trách nhiệm về việc kê sổ dân, dù là một người thôi? Có ai quan tâm đến Qui-ri-ni-u không? Theo ý kiến của tôi, Thêôphilơ mới là người đáng quan tâm đấy. Từ ngữ “quý nhơn” mà Luca sử dụng trong chương 1 (câu 3), cũng được Luca sử dụng ba lần trong sách Công vụ các sứ đồ (23.26; 24.3; 26.25), mỗi lần đều có đề cập tới một quan chức có địa vị cao về mặt chính trị. Điều này cho thấy rằng Thêôphilơ cũng là một người có địa vị cao về mặt chính trị. Thông tin của Luca, trong khi chẳng có thú vị gì nhiều đối với chúng ta, thì phải có ý nghĩa đối với Thêôphilơ. Ở giữa mọi việc nầy, Luca đang tỏ ra gốc rễ về mặt lịch sử của đức tin Cơ đốc. Không giống như sự xuất hiện của các “thần” khác thuộc những tôn giáo kia, sự xuất hiện của họ tiềm ẩn trong loại từ ngữ “ngày xửa ngày xưa”, còn sự đến của Đấng Christ là một biến cố có thật vào một thời điểm thật. Những sự kiện do Luca cung cấp đều rất quan trọng cho một người, đức tin của người ấy rất có giá trị về mặt lịch sử.
Trong phần phân tích sau cùng, chiếu chỉ của Sêsa có dụng ý về mặt thiêng liêng khiến cho một đôi vợ chồng phải thực hiện chuyến hành rình đầy khó khăn từ thị trấn quê hương của họ là Naxarét ở Galilê đến nơi chôn nhau cắt rốn của họ, thành Bếtlêhem nằm trong xứ Giuđa. Vị tiên tri thời xưa đã nói tiên tri rằng Đấng Mêsi đã sanh ra tại thành Bếtlêhem, một sự kiện mà người Do thái ai cũng biết rõ:
“Vua bèn nhóm các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo trong dân lại mà tra hỏi rằng Đấng Christ phải sanh tại đâu. Tâu rằng: Tại Bếtlêhem, xứ Giuđê; vì có lời của đấng tiên tri chép như vầy: HỠI BẾTLÊHEM, ĐẤT GIUĐA! THẬT NGƯƠI CHẲNG KÉM GÌ CÁC THÀNH LỚN CỦA XỨ GIUĐA ĐÂU, VÌ TỪ NGƯƠI SẼ RA MỘT TƯỚNG, LÀ ĐẤNG CHĂN DÂN YSƠRAÊN, TỨC DÂN TA” (Mathiơ 2.4-6, trích dẫn Michê 5.1).
Tuy nhiên, mục đích của Luca không phải nhấn mạnh ở chỗ ứng nghiệm lời tiên tri trong Cựu ước, như Mathiơ muốn đâu, vì tin lành của ông được viết ra cho dân Ngoại, có lẽ họ không quen thuộc với những lời tiên tri của Cựu ước. Mục đích của Luca là bày tỏ ra những hoàn cảnh khiêm hạ của sự Đấng Mêsi ra đời. Vì thế, Luca thông báo cho chúng ta biết Giôsép và Mary đã thực hiện chuyến đi đến thành Bếtlêhem, phải mất ít nhất ba ngày đường khoảng hơn 60 dặm. Thành Naxarét nằm trong xứ Galilê, ở phía Bắc xứ Giuđê. Như Luca cho chúng ta biết, chuyến đi đến Bếtlêhem là chuyến “đi lên” (“Vì Giôsép… cũng từ… xứ Galilê… lên thành Đavít” 2.4), vì Bếtlêhem nằm trong vùng đồi núi, chừng 6 dặm phía nam thành Giêrusalem, 100 feet cao, 2704 feet so với mặt nước biển trung bình. Chuyến đi nầy không phải là chuyến đi dễ dàng, đặc biệt đối với một phụ nữ đang có mang, cũng không phải là một dịp để vui mừng, vì điều tra dân số không nghi ngờ chi nữa chính là phần đầu của kỳ thu thuế, cho nên Mary và chồng mình sẽ phải lánh xa khỏi bạn bè thân thuộc, trong trường hợp đứa trẻ phải ra đời khi họ đến thành Bếtlêhem.
Nhiều hình ảnh đã trở thành một phần của Lễ Giáng Sinh và truyền khẩu về Chúa giáng sinh đã được cung ứng bởi “sự lấp đầy các khoảng trống” trong câu chuyện của Luca. Những gì chúng ta biết: ấy là không còn một phòng trống nào trong “nhà quán” cả, rồi kết quả là con trẻ Jêsus được bọc bằng khăn, được đặt nằm trong cái máng ăn của gia súc. Chúng ta không biết Chúa Jêsus đã ra đời trong một chuồng chiên hay trong một hang đá. Có thể cái máng ăn gia súc đã được mượn của nhà quán, để đứa trẻ có thể ra đời dưới bầu trời đầy sao. Mary lại ưa thích sự kín đáo. Chiếc máng đã cung ứng được một chỗ mềm mại cho đứa trẻ nằm ngủ và cái khăn được quấn quanh đứa trẻ, sẽ giữ ấm cho, đặc biệt nếu gia đình thánh phải “đóng trại” ở chỗ rộng rãi đó.
Lời công bố của thiên sứ và sự thăm viếng mấy gã chăn chiên lúc ban đêm (2.8-20).
Luca đã thông báo cho chúng ta biết khá nhiều việc, thật khó nhìn thấy được bàn tay của Đức Chúa Trời trong các biến cố nầy. Mary và Giôsép xuất hiện chỉ như một cặp vợ chồng không may buộc phải thực hiện một chuyến hành trình mà họ chẳng mong muốn đến Bếtlêhem, rồi ở đó, thật tệ hại, Mary đã sanh con, trong hoàn cảnh đáng thương nhất trong mọi hoàn cảnh. Phần kết luận của chúng ta, nếu sự thể xảy ra ở đây thì: “Đáng buồn lắm! Đáng thương lắm. Tệ hại quá Đấng Mêsi của Ysơraên, Vua của dân Dothái”.
Hai câu nói chủ yếu thiên về mô tả của Luca trong câu 7 giờ đây bị chất vấn, và ý nghĩa thuộc linh của chúng được tỏ ra qua mấy câu theo sau. Mary và Giôsép vừa “hạnh phúc” được ở gần một cánh đồng có mấy gã chăn chiên đang chăn bầy của họ ở đó. Có người cho rằng các bầy chiên nầy là các thú vật được nuôi để làm con sinh ở thành Giêrusalem. Mấy gã chăn chiên nầy cũng bị người đồng hương của mình xem thường. Những người làm nghề chăn chiên, như quý vị sẽ nhớ lại, bị “gớm” đối với người Aicập (Sáng thế ký 43.32; 46.34); họ cũng bị anh em của họ coi là thấp kém. Geldenhuys nhắc cho chúng ta nhớ rằng:
“Người hành nghề chăn chiên là hạng người bị xem khinh. Họ bị nghi là không phân biệt nổi cái nào là ‘của tôi’, cái nào là ‘của anh’; vì lý do nầy, họ cũng bị tước đi quyền làm chứng tại toà án”.
Mặc dù họ mang tiếng là hạng người thấp kém, mấy gã chăn chiên nầy dường như là những con người tin kính, là hạng người trông mong sự đến của Đấng Mêsi của Ysơraên. Hết thảy những người khác trong số những người được trực tiếp thông báo về sự giáng sinh của Đấng Mêsi trong sách Mathiơ và Luca đều được mô tả là hạng người tin kính, và điều nầy cũng là thật đối với mấy gã chăn chiên. Sau hết, các tin tức nói về sự đến của Ngài sẽ không là “sự vui mừng lớn” (câu 10) nếu họ không tìm kiếm Ngài. Sự vội vàng của mấy gã chăn chiên đến tận nơi Đấng Christ chào đời (các câu 15-16) cũng biểu lộ được thái độ sửa soạn sẵn và sốt sắng về mặt thuộc linh đối với sự đến của Đấng Mêsi. Thái độ nầy như ngược lại với phần đáp ứng của người thành Giêrusalem trước các tin tức nói về sự ra đời của Đấng Mêsi, như đã được nói tiên tri trong Kinh Thánh của họ và do mấy thầy bác sĩ công bố:
“Khi Đức Chúa Jêsus đã sanh tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đang đời vua Hê-rốt, có mấy thầy bác sĩ ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem, mà hỏi rằng: Vua dân Giu-đa mới sanh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương, nên đến đặng thờ lạy Ngài. Nghe tin ấy, vua Hê-rốt cùng cả thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối” (Mathiơ 2.1-3).
Thiên sứ của Đức Chúa Trời đã hiện ra cùng mấy gã chăn chiên khiêm nhuờng nầy trong một sự vinh hiển chói loà, khiến cho họ rất đỗi sợ hãi. Thiên sứ quyết chắc với họ rằng Ngài đem đến cho họ những tin tức tốt lành, rồi nói cho họ biết về sự giáng sinh của Đấng Mêsi. Đây là nguyên nhân của sự “vui mừng lớn” cho mọi người. Tôi đưa điều nầy ra để thấy rằng thiên sứ muốn nói là mọi người, mọi nước, chớ không riêng gì dân Ysơraên sẽ được phước do sự Ngài giáng sinh. Bỗng chốc có muôn vàn thiên binh thiên sứ, một đạo quân thiên sứ, hát lên một bài hát ca ngợi sự bình an. Đây là sự khẳng định thiêng liêng trong lời công bố của thiên sứ.
Thiên sứ đã hứa một dấu hiệu cho mấy gã chăn chiên. Dấu hiệu là đây: họ sẽ nhìn thấy con trẻ quấn bằng khăn, đặt nằm trong máng cỏ (câu 12). Dấu ấy không có ý thuyết phục mấy gã chăn chiên về sự thật trong lời công bố của thiên sứ. Chắc chắn sự chói lọi của thiên sứ, hiệp với thiên binh thiên sứ ở trên trời, là đủ để thuyết phục rồi. Tôi tin “dấu lạ” nầy chỉ để cho mục đích xác định lai lịch. Từ câu chuyện của Mathiơ nói về việc tàn sát ở thành Bếtlêhem (Mathiơ 2.16-18), rõ ràng là đã có một số con trẻ ở thành Bếtlêhem lúc bấy giờ. Cách mà họ sẽ nhận ra Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời là bởi Ngài được quấn bằng khăn và bởi cái “máng” bất thường của Ngài. Không một đứa trẻ nào được tìm thấy trong một bối cảnh như thế.
Vậy nên hai yếu tố cảm động trong sự giáng sinh của Chúa chúng ta, là “quấn khăn” và “máng cỏ”, chứng minh đúng là những việc biệt đứa trẻ nầy ra khác với những đứa trẻ khác, và mấy gã chăn chiên nhơn đó dễ nhận dạng được Ngài. Một trong những danh xưng của Đấng Mêsi là “Emmanuên”, nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”. Bối cảnh Chúa chúng ta giáng sinh giúp cho mấy gã chăn chiên mau nhận ra Ngài. Dường như trên chỗ Ngài nằm chẳng có mái che, không có cửa nẻo gì hết. Mấy gã chăn chiên cũng vậy, chúng ta được thuật lại cho biết, họ đã ngủ dưới bầu trời đầy sao, khi họ trông coi bầy chiên của mình (câu 8). Chúa Jêsus vốn nghèo nàn và chẳng có danh tiếng chi hết, cũng như họ vậy. Và Chúa Jêsus, Ngài vừa là “Chiên Con của Đức Chúa Trời” (đối chiếu Êsai 53.4-6; Giăng 1.29) và là “Đấng Chăn Nhơn Lành” (đối chiếu Thi thiên 23.1 Êxêchiên 34.23; Giăng 10.14), đồng nhất với mấy gã chăn chiên nầy khi họ tìm thấy Ngài đang nằm trong chiếc máng cỏ. Liệu họ có thể bị coi là ô uế do sự họ va chạm với loài vật không? Cũng một thể ấy đối với Ngài!?! Quả là một hình ảnh đẹp đẽ về sự khiêm nhường và đồng hoá của Chúa với loài người, thậm chí là người khiêm nhường nhất trong vòng những người khiêm nhường, trong vòng những người bị khinh dễ và chối bỏ.
Với lòng sốt sắng và mau mắn nhất (các câu 15-16) mấy gã chăn chiên liền vào thành Bếtlêhem, ở đây họ “thấy Mary, Giôsép, và thấy con trẻ đang nằm trong máng cỏ”. Tôi nghĩ thật là quan trọng khi công nhận lời thiên sứ công bố sự giáng sinh và địa điểm của Đấng Mêsi, không những mấy gã chăn chiên đã chứng kiến trường hợp lịch sử, và thờ lạy Vua của họ, mà còn có thể thuật lại cho người khác biết – trở thành những chứng nhân – về sự giáng sinh của Đấng Mêsi.
Trước hết hãy suy nghĩ về sự mấy gã chăn chiên đến và lời tuyên bố của họ tác động trên Mary và Giôsép. Họ đã thuật lại con trẻ đã được cưu mang thật lạ lùng trong lòng của Mary, chính là Đấng Mêsi, là Cứu Chúa được hứa cho. Nhưng cần phải có nhiều năm tháng mới hiểu được sự kiện nầy, cũng như cần có nhiều thời gian cho các môn đồ hiểu được. Chúa Jêsus là ai? Họ tiếp tục ngạc nhiên và lấy làm lạ nơi những điều Chúa Jêsus đã nói và làm, nhưng không kết được mọi sự lại với nhau cho tới sau sự chết, sự chôn, sự sống lại của Ngài và sự giáng lâm của Đức Thánh Linh như đã được hứa cho (đối chiếu Giăng 16.12…). Vì vậy Mary và Giôsép cũng rất đỗi ngạc nhiên qua sự đến của mấy gã chăn chiên và bởi sự họ đã chia sẻ lại về lời công bố và ca hát của thiên sứ. Trong khi ai nấy nghe được sự nầy đều lấy làm lạ, còn Mary, theo một cách thức nào đó, “ghi nhớ mọi lời ấy và suy nghĩ trong lòng”. Trong các giới hạn của máy vi tính, dữ liệu thông tin của nàng cứ tiếp tục tăng lên và nàng rất bền đỗ hướng về các dữ liệu nầy, tìm hiểu ý nghĩa và mọi hàm ý của chúng. Về mặt cá nhân tôi thấy rằng chính sự đến của mấy gã chăn chiên sau cùng đã mang mọi hoàn cảnh bất tiện và khốn khó của sự Chúa Jêsus giáng sinh vào trong ánh sáng thuộc linh chân thật của nó. Mọi điều đã hiện hữu chỉ là một chuỗi các biến cố không may, giờ đây được tỏ ra là bàn tay của Đức Chúa Trời đang hành động qua lịch sử để hoàn thành ý chỉ của Đức Chúa Trời.
Sự làm chứng của mấy gã chăn chiên cũng có một tác động lớn trên dân sự trong khu vực đó, họ là những người đang trông mong Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời đến. Luca cho chúng ta biết mấy gã chăn chiên “vội vàng đi đến đó” với Mary, Giôsép và con trẻ, nhưng làm sao điều nầy xảy ra được? Chúng ta không biết chính xác, nhưng ít nhất tôi có thể tưởng tượng làm thể nào sự việc xảy ra theo một cách khiến cho ai nấy đều nhận biết sự Đấng Mêsi hiện đến!?!
Đối với tôi, sự tìm kiếm con trẻ Mêsi tại thành Bếtlêhem của mấy gã chăn chiên cũng giống như một cuộc săn lùng vậy. Những “đầu mối” họ có thể phăng ra là: (1) có một đứa trẻ mới sanh; (2) đứa trẻ ấy là một con trai; và (3) đứa trẻ ấy đang nằm trong máng cỏ, quấn bằng khăn. Tôi có thể hình dung mấy gã chăn chiên nầy, tụ tập lại trên thị trấn Bếtlêhem, lúc nửa đêm (các câu 8, 15-16), họ gõ nhiều cửa nhà, tìm cách gặp cho kỳ được đứa trẻ nào thoả mãn những điều họ mô tả. Nếu có ai quan sát thị trấn từ một khoảng xa xa có thể nhìn thấy được toàn thị trấn hết nhà nầy đến nhà khác đang đốt đèn sáng lên, họ bị khuấy động bởi các tin tức mà mấy gã chăn chiên đem đến. Từ mỗi nhà mà họ không tìm gặp con trẻ, có lẽ đã có thêm các nhóm khác đang truy tìm đứa trẻ. Có lẽ cả thị trấn đã bị đánh thức và dính dáng vào cuộc truy tìm trước khi đứa trẻ được tìm thấy. Mọi sự nầy góp phần làm cho tin tức nói tới sự giáng sinh của con trẻ Christ cho mọi người đều biết, cũng như đã tạo ra được một bầu không khí tò mò và trông ngóng. Ít nhất, ở mỗi căn nhà, đều có lời yêu cầu họ quay trở lại cho biết khi có tin tức về nơi Đấng Mêsi được tìm thấy.
Sau khi mấy gã chăn chiên tìm gặp con trẻ rồi chia sẻ với Mary và Giôsép những gì đã xảy ra, có lẽ họ đã trở lại thị trấn Bếtlêhem, đem những gì họ đã nhìn thấy ở đó nói cho dân chúng biết. Vì lẽ đó Luca thuật lại cho chúng ta biết: “Ai nấy nghe chuyện bọn chăn chiên nói, đều lấy làm lạ” (câu 18). Mấy gã chăn chiên nầy, họ thuộc về một giai cấp trong xã hội bị cấm không cho làm chứng ở trước toà án, lại là những người Đức Chúa Trời chọn làm chứng cho sự giáng sinh của Con Ngài. Tại sao vậy? Vì, tôi nghĩ, Đức Chúa Trời luôn luôn chọn những việc “yếu đuối và dại dột” thuộc đời nầy để làm cho người khôn ngoan phải bẽ mặt, và vì sứ giả không phải là vấn đề, mà sứ điệp mới là vấn dề. Nếu Chúa Jêsus đến để đem sự cứu rỗi và sự giải phóng cho kẻ nghèo, kẻ bị áp bức trong đời nầy, tại sao không dùng những kẻ bị khinh dễ và bị chối bỏ loan báo sứ điệp đó? Các vị sứ đồ của Chúa chúng ta cũng đúng là hạng người thể ấy thôi (đối chiếu Công vụ các sứ đồ 4.13).
Phần kết luận.
Có bốn bài học mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây, tôi tin là đã tiếp thu được trong bài học nầy. Chúng ta hãy xem xét với sự khẩn nguyện Đức Chúa Trời đã phán dạy chúng ta điều chi từ phân đoạn nầy:
(1) Uy quyền của Đức Chúa Trời trong lịch sử. Luca là một sử gia, và câu chuyện lịch sử của ông nói về sự giáng sinh của Đấng Christ chắc chắn đang tìm cách bày tỏ ra uy quyền của Đức Chúa Trời trong lịch sử. Trong 7 câu đầu của phân đoạn, mọi sự đều được xem xét qua mạng lưới “đời nầy”. Vị vua ngoại đạo đưa ra một chiếu chỉ, và dân Ysơraên tuân theo chiếu chỉ ấy bằng cách tìm về đăng ký nơi sanh quán của họ. Trong quá trình đó, một phụ nữ có thai buộc phải thực hiện một hành trình dài cùng với chồng, mang một đứa trẻ xa nhà và không có những tiện nghi của một gia đình.
Luca khi ấy mới vén bức màn lên, chỉ cho chúng ta thấy hết thảy các sự cố đáng buồn nầy xảy ra để Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời sanh hạ trong mối quan hệ gần gũi với mấy gã chăn chiên, và biệt Ngài riêng ra đối với những đứa trẻ khác trong thành Bếtlêhem. Mấy gã chăn chiên nầy được dẫn tới gặp Đấng Mêsi bởi một thiên sứ và một ban hát thiên sứ, để họ góp phần gây dựng và khích lệ Mary và Giôsép cùng công bố sự giáng sinh của Đấng Mêsi cho mọi người sinh sống tại khu vực ấy.
Quý vị sẽ thấy chẳng có một điều gì được đưa ra nhắc tới sự ứng nghiệm lời tiên tri ở Michê 5.1 đặc biệt được Luca nhắc tới vì người tiếp nhận câu chuyện, là Thêôphilơ là một người Ngoại, có lẽ ông đang nắm giữ một địa vị chính trị rất cao. Trong khi Thêôphilơ không quan tâm về phương diện ứng nghiệm lời tiên tri nói tới câu chuyện giáng sinh của Luca, ông lại có ấn tượng sâu đậm khi học biết Đức Chúa Trời đang tể trị, Ngài có thể hoàn thành mọi mục đích và làm ứng nghiệm các lời hứa của Ngài bằng các phương tiện thế lực ngoại đạo, thậm chí thế lực chính trị cao cấp nhất trong thời đó - là Sêsa. Thêôphilơ rất có ấn tượng bởi sự thật nầy, là điều Luca đang cẩn thận bày tỏ ra.
(2) Luca cung ứng cho chúng ta một bài học torng sự truyền đạt Tin lành. Luca đang viết ra một câu chuyện nói tới tin lành ở đây, và trong khi viết câu chuyện ấy ông cung ứng cho chúng ta một số bài học trong việc truyền đạt Tin lành cho người khác. Luca bỏ qua cơ hội làm nổi bật sự ứng nghiệm Michê 5.1, vì điều nầy không tác động mạnh vào dân Ngoại như nó tác động vào người Do thái. Luca nhấn mạnh uy quyền của Đức Chúa Trời trên lịch sử và trên một vị vua ngoại đạo, là uy quyền có một tác động mạnh trên Thêôphilơ. Qua những gì Luca viết hay không viết, ông dạy chúng ta rằng chúng ta không dám làm thay đổi tin lành, nhưng chúng ta nên cẩn thận chọn tập trung vào các chi tiết của Tin lành có tác động lớn vào thính giả của chúng ta.
(3) Câu chuyện của Luca nói tới sự giáng sinh của Đấng Christ nhắc cho chúng ta nhớ tới nguyên tắc cân đối. Chúng ta đã chỉ ra rồi một mình Luca ghi lại các chi tiết nói tới sự sự giáng sinh của Chúa chúng ta. Chỉ có một tin lành trong bốn câu chuyện mô tả sư giáng sinh của Đấng Christ, trong khi cả bốn câu chuyện đều mô tả cẩn thận sự chết của Ngài. Để thiên về vấn đề nầy, chỉ có một vài câu mô tả trong các sự cố vây quanh sự giáng sinh của Đấng Christ trong khi vài chương trong mỗi sách tin lành được dành cho phần mô tả sự bị bắt, sự thách thức, sự đóng đinh trên thập tự giá, sự chôn, sự sống lại và sự thăng thiên của Chúa chúng ta. Nguyên tắc cân đối dạy chúng ta rằng nhiều thời gian và khoảng trống được dành cho điều chi là quan trọng nhất, trong khi có ít thời gian và khoảng trống được dành cho những gì kém quan trọng hơn. Trên cơ sở của nguyên tắc đơn sơ nầy chúng ta phải kết luận rằng sự chết của Đấng Christ là quan trọng hơn sự giáng sinh của Ngài đối với các trước giả TIN LÀNH. Tại sao phải như vậy chứ? Vì chính sự chết, sự chôn, và sự sống lại của Đấng Christ mới cứu chúng ta, chớ không phải thời thơ ấu của Đấng Christ. Như vậy, Đấng Christ cần phải khoác lấy xác thịt con người trước khi Ngài bày tỏ Đức Chúa Trời ra cho nhân loại và giải cứu họ, nhưng chính công tác chuộc tội của Ngài trên thâp tự giá ở đồ Gôgôtha mới cứu lấy chúng ta.
Tại sao truyện tích Giáng sinh rất quan trọng đối với nhiều người ngày hôm nay, thậm chí cả những người không tin nơi Đấng Christ để được cứu? Bởi vì, tôi e là, con trẻ nằm trong máng cỏ kia ít đe doạ hơn là Đấng Christ trong các sách tin lành, Ngài giải thích và ứng dụng luật pháp, Ngài xét đoán tội lỗi và Ngài phán về đức tin nơi huyết của Ngài. Con trẻ trong máng cỏ kia rất dễ thương và thích được nâng niu và “dễ điều khiển”. Con trẻ nằm trong máng cỏ là một loại “Đức Chúa Trời ở trong hộp”, một Đức Chúa Trời mà chúng ta thích tới gần, thích nghĩ đến, ngay cả thích thờ lạy nữa. Nhưng Đấng Christ bị treo trên thập tự giá không phải là một hình ảnh đẹp, Ngài không phải là Đấng mà chúng ta muốn tới gần, Ngài gợi lên trong chúng ta những cảm xúc mờ nhạt. Nhiều người đã nhìn xem con trẻ nằm trong máng cỏ rất tầm thường vì đây là loại “thần” mà họ muốn phục sự, một vị “thần” yếu đuối, vô dụng, “thần” ấy cần chúng ta, chớ không phải như Đức Chúa Trời, là Đấng đang tể trị, Ngài đòi hỏi sự vâng phục, sự thờ phượng, mọi sự của chúng ta.
Đâu là loại “Thần” mà quý vị đang phục sự? Đấng Christ có giống với Đấng mà bạn đang thờ lạy không? Thờ lạy con trẻ “đang nằm trong máng cỏ” chưa phải là đủ, vì đây mới chỉ là cách Ngài đến thôi. Ngài đã được Giăng mô tả theo cung cách đời đời trong sách Khải huyền:
“Giăng gởi cho bảy Hội thánh ở xứ A-si: nguyền xin ân điển và sự bình an ban cho anh em từ nơi Đấng Hiện Có, Đã Có Và Còn Đến, cùng từ nơi bảy vị thần ở trước ngôi Ngài, lại từ nơi Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng làm chứng thành tín, sanh đầu nhất từ trong kẻ chết và làm Chúa của các vua trong thế gian! Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng! A-men. KÌA, NGÀI ĐẾN GIỮA NHỮNG ĐÁM MÂY, MỌI MẮT SẼ TRÔNG THẤY, CẢ ĐẾN NHỮNG KẺ ĐÃ ĐÂM NGÀI CÙNG TRÔNG THẤY; HẾT THẢY CÁC CHI HỌ TRONG THẾ GIAN SẼ THAN KHÓC VÌ CỚ NGÀI. QUẢ THẬT VẬY. A-MEN!” (Khải huyền 1.4-7).
Theo sách Khải huyền và các lời tiên tri trong Kinh Thánh, Chúa Jêsus là Đấng đã đến lần đầu tiên là một con trẻ, Ngài sẽ còn đến nữa, là Đấng báo thù và là một quan án công bình, hình phạt kẻ ác và ban thưởng cho người công bình. Đây không phải là loại Jêsus mà quý vị muốn nghĩ tới hay phục sự, nhưng Jêsus đó đã đến với Bếtlêhem. Sự đến lần thứ hai của Ngài sẽ rất khác với sự xuất hiện lần đầu tiên của Ngài. Ngài đã đến với sự tự hạ mình, chịu chết trên thập tự giá, và để cứu rỗi. Lần tới, Ngài đến để xét đoán. Có phải quý vị đang sẵn sàng đối diện với Jêsus nầy, phủ phục trước mặt Ngài trong sự thờ phượng chăng? Đây là Jêsus nằm trong máng cỏ. Đây là Vua hầu đến. Tôi khuyên quý vị hãy tiếp nhận Đấng Christ khi Ngài đến lần đầu tiên, làm Cứu Chúa của quý vị, và rồi sốt sắng chờ đợi Ngài, khi Ngài đến lần thứ hai, để làm cho mọi việc ra ngay thẳng, để thiết lập Nước Ngài ở trên đất, và để cai trị mọi loài thọ tạo. Chúng ta hãy tiếp thu từ câu chuyện của Luca rằng con trẻ trong máng cỏ chính là Cứu Chúa của thế gian, là Đấng mà chúng ta tiếp nhận làm Cứu Chúa của mình.
(4) Sau cùng, chúng ta học biết các mục đích của Đức Chúa Trời thường đạt được qua sự chịu khổ, và các mục đích của Đức Chúa Trời trong sự chịu khổ của chúng ta thường không thể hiện ngay lập tức đâu. Mọi sự chịu khổ, bất tiện, và bất an do chiếu chỉ của Sêsa gây ra không được nhìn nhận là bàn tay tể trị của một Đức Chúa Trời yêu thương, Ngài đã bày tỏ ra các mục đích của Ngài, theo một phương thức vì ích cho người nào biết chịu khổ. Chúng ta hãy tiếp thu từ Mary và Giôsép những nỗi khổ đau dường như là “đời thường” trong cuộc sống hầu như là những công cụ trong tay của Đức Chúa Trời, là những điều mà thời gian hay cõi đời đời sẽ làm sáng tỏ cho chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét