Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

1 Giăng 1.5-7: "Bước đi trong sự sáng"



SỐNG TRONG SỰ SÁNG
Bước đi trong sự sáng
1 Giăng 1.5-7
1. Trong trận dịch cúm lớn ở nước Mỹ vào năm 1918, nhiều nhà thờ cùng những nơi nhóm công khai đã được lịnh phải đóng cửa. Hơn bao giờ hết, khi ấy người ta cần đến hy vọng và sự yên ủi. Cảm thấy gánh nặng do không thể đến với người ta trong lúc họ có cần, một vị Mục sư có tài xoay sở đã nghĩ đến những cánh cửa sổ mờ đục làm cho nhà thờ của ông được đẹp đẽ thêm.
Những cánh cửa sổ nầy đối diện với con đường chính, chúng rất rộng và được phối trí có mục đích. Ông đem đặt nhiều ngọn đèn pha ở bên trong nhà thờ; sự chiếu sáng qua khung kính đến với thế giới bên ngoài cung ứng cho khách qua đường đủ hiệu quả của câu chuyện trên cánh cửa sổ. Mọi người có thể nhìn thấy ở đó những mô tả vô đối về Chúa Jêsus. Chúa Jêsus, người chăn hiền lành đang bồng một chiên con ở trong lòng; Chúa Jêsus Đấng Cứu Thế tìm kiếm giải cứu con chiên duy nhứt lạc mất trong khi chín mươi chín con đã yên nghỉ an toàn ở trong ràng; Chúa Jêsus đang cầu nguyện trong vườn Ghếtsêmanê; Chúa Jêsus trên thập tự giá; Chúa Jêsus đắc thắng trong sự vinh hiển phục sinh. Những bài giảng thầm lặng bằng ánh đèn và tấm kính đục mờ kia đã giảng ra một sứ điệp thật hùng biện.
2. Khi chúng ta bắt đầu sứ điệp thứ nhì từ thư tín I Giăng, chúng ta học biết rằng là tín đồ chúng ta được kêu gọi phải "đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng" (câu 7).
3. Tuần qua, chúng ta đã học biết rằng chúng ta được mời đến với mối "giao thông" với Đức Chúa Trời THEO CHIỀU DỌC và với các tín hữu khác THEO CHIỀU NGANG. Chúng ta học biết rằng trong mối "giao thông" đó sự "vui mừng" của chúng ta được "đầy dẫy". Chúng ta chỉ có thể có mối "giao thông" và sự "vui mừng" ấy khi chúng ta sống trong ánh sáng của sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và trong lẽ thật.
4. Chúng ta hãy xem xét ba câu nói liên quan tới thuộc tánh của Đức Chúa Trời, bổn tánh và sự kêu gọi của chúng ta.
I. Thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Ngài là sự sáng (câu 5).
A. Đời sống của Chúa Jêsus là một sứ điệp.
1. Toàn bộ đời sống của chúng ta để lại một thông điệp. Thí dụ, thông điệp nói tới đời sống của Adolph Hitler, ấy là sự kiêu ngạo, nối theo sau nó là đánh giá đầy đủ nhất chỉ ra mọi thứ ác. Mặt khác, thông điệp nói tới đời sống của Mẹ Teresa, ấy là sự khiêm nhường, theo sau đó là đánh giá đầy đủ nhất chỉ ra nhiều điều thiện.
2. Đời sống của Chúa Jêsus cũng là một sứ điệp nữa. Giăng nói cho chúng ta biết "Nầy là lời truyền giảng mà chúng tôi đã nghe nơi Ngài". Sứ điệp được rao ra đặc biệt trong nửa phần cuối của câu 5: “rằng Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu". Đấy là những gì Chúa Jêsus đã đến để nói cho chúng ta biết.
3. Giăng nói rằng "lời truyền giảng" không phải là của ông hay sáng tác của các môn đồ khác. Mà đúng hơn, họ đã "nghe" lời ấy từ "nơi Ngài". Họ có thể "truyền lại" sứ điệp ấy với lòng tin chắc rằng sứ điệp ấy đến từ Chúa Jêsus.
4. Tôi hy vọng rằng bạn không đến đây hôm nay để lắng nghe một sứ điệp ra từ tôi. Những gì tôi phải nói thì chẳng có gì quan trọng hơn những gì bạn phải nói. Tôi hy vọng bạn đến đây hôm nay để lắng nghe từ Đức Chúa Trời. Tôi có thể cung ứng cho bạn sứ điệp của Đức Chúa Trời vì sứ điệp ấy nằm trong Lời của Ngài. Các vị sứ đồ đã cung ứng sứ điệp của Đức Chúa Trời ra trực tiếp từ môi miệng của Con duy nhứt và có một của Ngài.
5. Giăng tóm tắt "lời truyền giảng" bằng một câu nói rất đơn sơ. Một lần nữa, "Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu". Sâu xa như chúng ta biết, đây không phải là lời trưng dẫn trực tiếp từ Chúa Jêsus, mà đây là tóm tắt những sự dạy của Chúa Jêsus về thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Lời nầy tương tự với Giăng 1.4-5: "Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người. Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng".
6. Chúa Jêsus đã giảng ra sứ điệp nầy nói về chính mình Ngài trong Giăng 8.12: "Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống".
7. Trong Giăng 3.19, Ngài công bố: "Vả, sự đoán xét đó là như vầy: sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa".
B. Sự sáng và sự tối tăm có hai ý nghĩa trong Kinh Thánh. Phần đối chiếu "sự sáng" và "sự tối tăm" chạy suốt cả Cựu và Tân Ước. Đây là một hình bóng rất quen thuộc. Trong Kinh Thánh, "sự sáng" và "sự tối tăm" đã được sử dụng theo hai cách.
1. Thứ nhứt, sự sáng tiêu biểu cho SỰ THANH SẠCH, còn tối tăm tiêu biểu cho ĐIỀU ÁC. Trong một cuộc phỏng vấn, tác giả những quyển sách bán chạy nhất thuật lại các câu chuyện tưởng tượng rất kinh khiếp, người ta hỏi Stephen King về công việc sáng tác hàng ngày. Ông nói rằng ông chỉ viết vào buổi sáng mà thôi. Khi được hỏi có khi nào ông viết vào ban đêm không, ông đáp: "Viết vào ban đêm ư? Bạn tính chơi khăm sao? Tôi chẳng viết gì vào ban đêm hết". Ngay cả Stephen King cũng biết rõ quyền lực của sự tối tăm.
a. Đức Chúa Trời được gọi là "sự sáng", còn Satan được đề cập tới là "quyền lực của sự tối tăm" hay vua chúa của sự tối tăm (Luca 22.53).
b. Trong Êsai 5.20, chúng ta đọc: "Khốn thay cho kẻ gọi dữ là lành, gọi lành là dữ; lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối; vật chi cay trở cho là ngọt, vật chi ngọt trở cho là cay!"
c. "Ta là sự sáng đã đến thế gian, để ai tin ta, chẳng ở nơi tối tăm nữa" (Giăng 12.46).
d. Phaolô đã viết cho người thành Êphêsô: "Vả, lúc trước anh em đang còn tối tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng láng trong Chúa. Hãy bước đi như các con sáng láng" (Êphêsô 5.8).
e. Khi Giăng nói rằng "Đức Chúa Trời là sự sáng", ông muốn nói Đức Chúa Trời là thanh sạch, công bình và thánh khiết. Ngài chẳng ở trong lối ác, hư hoại hay tội lỗi nào. Với Ngài chẳng có một bóng tối tăm nào. Ngài không có chút "mờ ám" nào.
2. Thứ hai, sự sáng tiêu biểu cho LẼ THẬT và tối tăm tiêu biểu cho SỰ NGU DỐT.
a. Thí dụ, Thi thiên 119.105 chép: "Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường lối tôi".
b. Châm ngôn 6.23 chép: "Vì điều răn là một cái đèn, luật pháp là ánh sáng, và sự quở trách khuyên dạy là con đường sự sống".
c. II Phierơ 1.19 đề cập tới "lời tiên tri" như một "cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra".
d. Xachari nói tiên tri rằng Chúa Jêsus sẽ đến "để soi những kẻ ngồi chỗ tối tăm và trong bóng sự chết, cùng đưa chân chúng tôi đi đường bình an" (Luca 1.79).
e. Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 8.12: "Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống".
f. Bản chất của sự sáng là soi rọi để chiếu sáng sự tăm tối. Khi Giăng nói: "Đức Chúa Trời là sự sáng", ông muốn nói rằng Đức Chúa Trời là chơn thật và trong Ngài chẳng có "bóng tối tăm" hay sai lầm nào.
C. Sự sáng có ba mục đích. Trong các mục đích nầy chúng ta có thể nhìn thấy rõ thuộc tánh của Đức Chúa Trời.
1. Thứ nhứt, sự sáng TỎ RA.
a. Sự sáng soi rọi. "Chiếu sáng" trên một đồ vật là chia sẻ tri thức quí báu. "Đem một điều chi đó ra ánh sáng" là học biết điều đó nhiều hơn, có tri thức rõ ràng hơn.
b. Có một hiệu nữ trang nhỏ trong thị trấn của tôi với người thợ kim hoàn đã lớn tuổi. Tôi thường quan sát ông khi xem xét những viên đá quí bằng miếng kính rất đặc biệt và một ngọn đèn sáng. Ánh sáng sẽ tỏ ra bất cứ vết dơ nào có trong các hòn đá quí ấy..
c. Cần phải nói rằng khi mua một cái bình gốm, đặc biệt ở các cửa hàng nhỏ ở vùng Trung Đông, người đi mua hàng có tánh cẩn thận sẽ luôn đưa chiếc bình ra chỗ có ánh mặt trời để cho ánh sáng tỏ ra chiếc bình có vết nứt nào hay không.
Ray Stedman thuật lại một câu chuyện nói tới việc đi từ Texas đến miền nam California với hai người bạn cách đây nhiều năm. Họ quyết định đi một chuyến để ngắm xem thác Grand Canyon. Do không có đủ tiền để thuê phòng trọ, họ đã lái xe liên tục đến công viên quốc gia, rồi đến tại đó lúc nửa đêm. Họ lấy những túi ngủ ra, rồi nằm dưới bóng cây gần bên vệ đường. Khi họ thức dậy lúc sáng sớm, ánh mặt trời tỏ ra rằng họ đã nằm ngủ trong chiều dài của một nhánh của thác có độ sâu 500-foot.
d. Chúng ta có thể nói theo cách nầy: "Ánh sáng tỏ ra, còn tối tăm thì che giấu". Thuộc tánh của Đức Chúa Trời là sự sáng. Đức Chúa Trời tỏ ra. Ngài tỏ ra sự thực về chúng ta. Ngài tỏ ra tội lỗi và sự bất toàn của chúng ta. Đấy là lý do tại sao Giăng 3.19 chép: "…người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa".
2. Thứ hai, sự sáng ĐÁNH GIÁ .
a. Bạn có bao giờ kiểm tra độ thẳng có một khúc gỗ chưa? Trước khi mua một khúc gỗ 2x4, bạn cầm nó lên rồi ngắm xem để biết chắc nó không bị cong. Ánh sáng cho phép bạn xem xét như thế. Ánh sáng chiếu thẳng và nó tỏ ra bất cứ thứ chi là cong quẹo.
b. Thiết bị nghiên cứu được sử dụng bắt lấy ánh sáng mặt trời, để đo khoảng cách và các góc. Những nhà xây dựng sử dụng tia sáng laser để đánh giá chiều kích của căn phòng. Ánh sáng đánh giá, đo đạc.
c. Đức Chúa Trời là sự sáng và theo một ý nghĩa, Ngài là một cây thước đo. Thí dụ, có phải bạn đang gặp các nan đề về hôn nhân chăng? Hãy kiểm tra mối hôn nhân của bạn bằng ánh sáng của Đức Chúa Trời đã tỏ ra trong Lời của Ngài. Kinh Thánh sẽ tỏ ra rõ ràng những chỗ cong quẹo trong mối quan hệ của bạn.
3. Thứ ba, sự sáng TIẾP SINH LỰC CHO.
a. Còn nhớ môn khoa học ở lớp 5 không? Có nhớ sự quang hợp không [photosynthesis]? Đây là tiến trình tự nhiên bởi đó năng lượng bức xạ của mặt trời tác động các hoá chất trong thực vật tạo ra sự lớn lên và kết quả. Sự sáng tiếp sinh lực cho!
b. Có bao giờ bạn để ý thấy có ai đó đã được sanh lại rồi bắt đầu một sự biến đổi triệt để đời sống của họ không? Dường như là trải qua một thời gian ngắn đời sống của họ trở nên khác biệt hoàn toàn. Tôi có thể chỉ ra một vài người giống như vầy trong hội chúng của chúng ta hôm nay. Điều chi đã xảy ra vậy? Đức Chúa Trời đang tiếp sinh lực cho họ. Khi họ bước đi trong sự sáng của Ngài, họ tấn tới và kết quả.
c. Có thể bạn nói như sau: "Phải, thưa Mụcsư, tôi nhìn thấy điều đó nơi một số người, nhưng tôi biết có nhiều người xưng mình là Cơ đốc nhân, họ không có được như vậy. Họ rất khó chịu, hay giận dữ, cay đắng, không đáng tin cậy, tự cao tự đại, v.v…Tại sao Đức Chúa Trời chưa tiếp sức sống cho họ?"
d. Tôi rất vui khi được bạn hỏi như thế. Có rất nhiều người đã được cứu, nhưng thay vì bước đi trong năng lượng sự sáng của Đức Chúa Trời, họ vấp ngã trong bóng tối tăm.
II. Bổn tánh của chúng ta. Vấp ngã trong tối tăm (câu 6).
A. Có một sự khác biệt giữa mối quan hệ và mối tương giao.
1. Tại sao một số Cơ đốc nhân dường như được biến đổi bởi sự họ tiếp xúc với Đấng Christ và nhiều người khác lại chẳng thấy khác biệt cho lắm? Câu trả lời nằm trong câu 6. Có một số người nói họ "được giao thông với Ngài" nhưng "còn đi trong sự tối tăm" hay tội lỗi và sai quấy.
2. Có mối quan hệ với Đức Chúa Trời là điều khả thi, nhưng chưa có mối giao thông với Đức Chúa Trời. I Giăng 5.12 nói rất rõ như sau: "Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống". Câu ấy nói về một mối quan hệ.
3. Khi bạn đã được cứu, Đức Chúa Trời bắt đầu một mối quan hệ với bạn. Ngài đã chuộc lấy bạn, đã tái sanh bạn, đã xưng công bình cho bạn rồi đặt Thánh Linh Ngài ở trong bạn. Giăng 10.28-29 cho chúng ta biết chẳng một ai có thể "cướp" chúng ta ra khỏi tay của Đức Chúa Cha.
4. Tuy nhiên, nhiều người có mối quan hệ với Đức Chúa Trời nhưng chẳng có mối giao thông nào với Ngài vì họ "còn bước đi trong tối tăm". Stedman nói theo cách nầy: "Bạn sẽ không bao giờ có mối giao thông cho tới chừng nào bạn đã thiết lập mối quan hệ, nhưng bạn có thể chắc chắn có mối quan hệ mà không có mối giao thông… Mối quan hệ đặt chúng ta vào trong gia đình của Đức Chúa Trời, nhưng mối giao thông cho phép sự sống của gia đình đó chiếu toả ra. Mối quan hệ là được ở ‘trong Chúa’ còn mối giao thông là phải ‘mạnh mẽ trong Chúa và có sức toàn năng của Ngài …’. Quan hệ có nghĩa là mọi sự Đức Chúa Trời có chắc chắn là của bạn, còn giao thông có ý nói bạn đang rút lấy mọi sự ấy … Quan hệ là bạn sở hữu Đức Chúa Trời; giao thông là Đức Chúa Trời đang sở hữu bạn".
5. Hết thảy chúng ta đều có những thành viên trong gia đình, với họ chúng ta có mối quan hệ huyết thống, nhưng thực sự ít giao thông. Có lẽ thí dụ quan trọng nhất trong Kinh Thánh về sự ấy là Người Con Trai Hoang Đàng (Luca 15).
B. Nhiều tín đồ đang bước đi trong tối tăm.
1. Chúng ta thường nghĩ ơn cứu rỗi là câu trả lời cho mọi sự. Nếu ai đó gặp phải một nan đề, chúng ta hỏi: "Bạn có chắc mình được cứu chưa?" Thường thì nan đề không phải là mối quan hệ, mà là mối giao thông. Họ đã được cứu, nhưng lại chọn "bước đi trong tối tăm".
2. "Bước đi trong tối tăm" có nghĩa là dập tắt đi ánh sáng của Đức Chúa Trời, rồi sống giống như thể chẳng có Đức Chúa Trời. Chúng ta từ chối không tự mình bày tỏ Ngài ra.
3. Khi chúng ta "bước đi trong tối tăm" chúng ta "nói dối và không làm theo lẽ thật". Chúng ta đang sống theo một sự dối trá. Chúng ta đang nói dối với ai vậy? Ai bị lừa dối? Chẳng phải Đức Chúa Trời đâu, Ngài vốn biết rõ mọi sự. Chúng ta tìm cách dối gạt tha nhân, nhưng chúng ta tự dối gạt mình (đối chiếu Galati 6.7-8).
C. Sáu cách chúng ta vấp ngã trong tối tăm.
1. Thứ nhứt, chúng ta thôi không đi nhà thờ nữa. Chúng ta lẫn tránh ánh sáng của sự giảng dạy Lời Đức Chúa Trời.
2. Thứ hai, chúng ta thất bại không đọc Kinh Thánh. Đây là một trong những cách chắc chắn nhất dập tắt ánh sáng và hủy diệt mối giao thông với Đức Chúa Trời.
3. Thứ ba, chúng ta không dự phần trong sự thờ phượng. Trong khi nhiều người khác ca hát và ngợi khen Đức Chúa Trời, chúng ta lằm bằm hay suy nghĩ đến chuyện khác. Chúng ta quên mất sự sáng vốn có trong sự thờ phượng chung.
4. Thứ tư, chúng ta tránh tự xét mình. Chúng ta gật đầu hoặc nói "Amen" ở nhiều chỗ thích ứng trong sứ điệp, nhưng không hề thắc mắc chúng ta phải áp dụng thế nào sự sáng ấy vào đời sống của mình. Chúng ta không hề tự hỏi mình: không biết chúng ta có sống gần với Đức Chúa Trời hơn cách đây 6 tháng hoặc có sự tấn tới và kết quả trong đời sống của chúng ta hay không!?! Giacơ 1.21-25 dạy chúng ta không phải chỉ là những người "nghe" thôi, mà phải là những người "làm theo Ngôi Lời" nữa.
5. Thứ năm, chúng ta sánh mình với người khác. Thay vì xem xét đời sống của mình theo ánh sáng của lẽ thật và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, chúng ta sánh mình với ai đó, họ làm cho chúng ta trông tốt đẹp hơn.
6. Thứ sáu, chúng ta không bao giờ công nhận những phấn đấu của mình. Chúng ta khoác lấy cái mặt nạ rồi giả vờ mọi thứ đều suông sẻ. Đây là sự bất công rất lớn đối với những tín hữu còn non nớt hơn. Cái mặt nạ thay cho tiêu chuẩn không đạt tới được.
III. Sự kêu gọi của chúng ta. Bước đi trong sự sáng (câu 7).
A. Bước đi trong sự sáng kiến tạo mối giao thông với Đức Chúa Trời. Khi chúng ta "bước đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng" chúng ta đang ở "trong sự sáng" với Ngài. Chúng ta đang có cả hai: mối quan hệ và mối giao thông.
B. Bước đi trong sự sáng kiến tạo mối giao thông với các tín hữu khác. Giăng cũng nói: "chúng ta giao thông cùng nhau". Thiếu mối giao thông với các tín hữu khác dựa theo việc thiếu mối giao thông với Đức Chúa Trời (đối chiếu I Giăng 3.14). Khi sự sáng soi rọi trên chúng ta, nó cũng phản chiếu trên nhiều người khác nữa!
C. Bước đi trong sự sáng, tạo ra niềm vui mừng.
1. Giăng nói: "huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta". Chúng ta không thể "bước đi trong tối tăm" mà không cảm thấy tội lỗi. Tội lỗi tạo ra sự ngã lòng. Ngã lòng có thể mang lại chứng mất ngủ, sự béo phì, ung nhọt và nan đề khác nữa. Sống ngoài mối giao thông với Đức Chúa Trời có thể tạo ra đủ thứ nan đề.
2. Khi chúng ta "bước đi trong sự sáng" chúng ta thôi không tự dối gạt mình nữa. Chúng ta thôi không làm bộ làm tịch và giả vờ nữa. Chúng ta thành thực đem tội lỗi ra ánh sáng rồi công nhận chúng với Đức Chúa Trời. Mọi tội lỗi của chúng ta đã được sự sáng làm cho thấy rõ ràng và chúng ta xử lý chúng. Chúng ta tìm được sự thanh tẩy, sự tha thứ, ân điển, sự chữa lành. Nói một lời, sự "vui mừng" của chúng ta được "đầy dẫy". Một cậu bé nhìn thấy những thánh đường nổi tiếng của châu Âu cùng với gia đình mình. Vị giáo sư hỏi nó: "Như thế nào là một vị thánh đồ?" Khi nhớ lại những cánh cửa sổ mờ đục kia, nó đáp: "Thánh đồ là người mà Đức Chúa Trời chiếu ánh sáng qua".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét