Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010

Một Hội thánh đầy dẫy Đức Thánh Linh - Lẽ mầu nhiệm của Thân Thể (Eph 5.22-33)



Êphêsô – Những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời đã được tỏ ra
Một Hội thánh đầy dẫy Đức Thánh Linh -Lẽ mầu nhiệm của Thân Thể
Êphêsô 5.22-33
1. Phân đoạn Kinh thánh ở trước mặt chúng ta là một trong những phân đoạn có sức hấp dẫn nhất trong Tân Ước vì nó đan dệt lẽ mầu nhiệm nói tới Đấng Christ và thân thể của Ngài, là Hội thánh Ngài với sự mầu nhiệm nói tới mối quan hệ hôn nhân. Trong nhiều lần tôi đã giảng dạy qua phân đoạn Kinh thánh nầy, tôi đã nhấn mạnh vấn đề hôn nhân. Tuy nhiên, trong phần nghiên cứu từng câu một sách Êphêsô, chúng ta đã học biết rằng lẽ đạo đắc thắng của quyển sách là sự mầu nhiệm của thân thể Đấng Christ. Vì cớ đó, hôm nay chúng ta sẽ xét qua lẽ mầu nhiệm của thân thể, là Hội thánh và tuần tới chúng ta sẽ áp dụng những gì chúng ta đã tiếp thu về mối quan hệ của chúng ta với Đấng Christ vào các mối quan hệ của chúng ta trong hôn nhân.
2. Vì chúng ta đã lần theo sách Êphêsô trong mấy tuần qua, tôi muốn làm cho sự hiểu biết của quí vị được tươi mới hơn về lẽ đạo của thư tín, là lẽ mầu nhiệm. Theo thuật ngữ của Kinh thánh, một "lẽ mầu nhiệm" là điều từng được giấu kín nhưng giờ đây đã được tỏ ra rồi. Mặc dầu có vài lẽ thật trong Tân Ước đã được mô tả là mầu nhiệm, lẽ mầu nhiệm chủ chốt chính là thân thể của Đấng Christ. Chúng ta hãy mau mau ôn lại lẽ đạo nầy trong thư tín.
A. Hãy mở ra ở 1.9-10. Ở đây chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã "khiến chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài" "để làm sự định trước đó trong khi kỳ mãn, HỘI HIỆP [làm một thân] muôn vật lại trong Đấng Christ, cả vật ở trên trời [những tín đồ đã qua đời] và vật ở dưới đất [những tín đồ còn đang sống]".
B. Hãy đọc các câu 18-23. Chúa Jêsus là Đấng "cao hơn hết mọi quyền, mọi phép, mọi thế lực, mọi quân chủ cùng mọi danh…", Đức Chúa Cha đã bắt "muôn vật phục dưới chân Đấng Christ, và ban cho Đấng Christ làm đầu Hội thánh, Hội thánh là thân thể Ngài…".
C. Trong 2.11-12, Phao-lô viết về những dân Ngoại, họ là "người Ngoại… ngoại quyền công dân… ở thế gian không có sự trông cậy và không có Đức Chúa Trời" nhưng nhờ “huyết Đấng Christ mà được gần rồi".
D. Chúng ta hãy đọc kỹ ở các câu 14-16. Chúa Jêsus là "sự hoà hiệp" của chúng ta, Ngài đã hiệp "cả hai [người Do thái và dân Ngoại] lại làm một" Ngài đã "phá đổ bức tường ngăn cách". Như vậy, khi làm cho hòa nhau, “Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới [nhân loại mới] trong Ngài”. Ngài đã khiến cả hai hiệp thành một thể "mà làm hoà thuận với Đức Chúa Trời". Trong các câu 19-22, chúng ta thấy rằng những ai đang ở trong "một thân" nầy, họ được mô tả là "người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời". Chúng ta là "một đền thờ thánh trong Chúa… trở nên nhà ở của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh".
E. Giờ đây, hãy nhìn qua 3.1-6. Một lần nữa, "lẽ mầu nhiệm" ấy là "dân Ngoại là kẻ đồng kế tự, là các chi của đồng một thể". Câu 10 chép "ý định" ấy là "sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời cậy Hội thánh… theo ý định đời đời" của Đức Chúa Trời.
F. 4.4 chép: "Chỉ có một thân" cũng như chỉ có "một Thánh Linh… một sự trông cậy, một Chúa, một đức tin, một phép báptêm, một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người…".
G. Galati 3.28 chép: "Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà; vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một".
H. Chúa Jêsus đã phán về thân thể nầy trong Giăng 10.16: "Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng này; ta cũng phải dẫn nó về nữa, chiên đó sẽ nghe tiếng ta, rồi sẽ chỉ có một bầy, và một người chăn mà thôi".
I. Chính "thân thể" nầy gồm những người Do thái và dân Ngoại trong mọi thời đại vẫn là đối tượng cho cuộc thử nghiệm hôm nay.
3. Chúng ta hiểu rõ trong một số phân đoạn Kinh thánh, thân thể của Đấng Christ là đồng nghĩa với từ ngữ "Hội thánh". Trong 115 lần xuất hiện của từ ekklesia hay "Hội thánh" trong Tân Ước, hầu như tất cả đều nói tới cá nhân, hội chúng địa phương đặc biệt (nghĩa là, Hội thánh ở thành Cô-rinh-tô, Êphêsô, Sạt-đe, Hội thánh Galati). Tuy nhiên, có một ít trường hợp trong đó từ ngữ "Hội thánh" có một ý nghĩa rộng rãi hơn hội chúng địa phương. 1.22-23 nói tới: "…Hội thánh là Thân thể của Đấng Christ". Cô-lô-se 1.18 chép Chúa Jêsus là: "đầu của thân thể, tức là đầu Hội thánh". Trong câu 24, Phao-lô nói tới "thân thể Đấng Christ, là Hội thánh".
Mục sư J.M. Pendleton, thuộc hệ phái Báptít đã viết: "Trong phần áp dụng từ ngữ ấy cho [a] các môn đồ của Đấng Christ [từ ngữ ‘Hội thánh’] thì thường thường, nếu không luôn luôn được sử dụng để chỉ ra [b] một hội chúng đặc biệt gồm các thánh đồ hay người được chuộc nhóm lại với nhau [tổng số người được chuộc]. Từ ngữ nầy được sử dụng theo ý [b] trong vài phân đoạn Kinh thánh, thí dụ như, khi Phao-lô nói: "Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh;…đặng tỏ ra hội thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài’ (Êphêsô 5.25-27). Trong những chỗ nầy và một vài chỗ khác, từ ngữ nầy sẽ không hợp lý khi định nghĩa từ ngữ ‘Hội thánh’ như muốn nói tới một hội chúng Cơ đốc đặc biệt nhóm lại ở một chỗ đặng thờ lạy Đức Chúa Trời" (Christian Doctrines, p.329).
4. Thật là nâng đỡ khi hiểu sự khác biệt như Hội thánh chức năng và Hội thánh hình thức.
A. Hòn đá góc là Hội thánh chức năng. Chúng ta là một nhóm các tín hữu đã chịu phép báptêm nhóm nhau lại để truyền giảng, môn đồ hoá, thờ phượng, tương giao và truyền giáo.
B. Tuy nhiên, Hội thánh hình thức là thân thể đời đời của Đấng Christ gồm các tín đồ thuộc mọi thời đại ở trên trời và dưới đất, các thánh đồ đã được kêu gọi và biệt riêng ra khỏi thế gian và một ngày kia sẽ hội hiệp lại ở trên trời khi tận thế (Hê-bơ-rơ 12.22-23).
5. Quí vị có thể suy nghĩ: "Thưa Mục sư, tại sao ông giảng luận mọi sự nầy từng chi tiết như vậy?" Phân đoạn Kinh thánh ở trước mặt chúng ta đang nói về "sự mầu nhiệm lớn" (câu 32). "Thân thể", "Hội thánh" được nói tới ở đây không phải là một Hội thánh địa phương, mà là Hội thánh hình thức, "Hội thánh là Thân thể của Ngài".
6. Tầm quan trọng của "sự mầu nhiệm lớn" ấy là hết thảy các tín đồ đều là MỘT ở trong Chúa Jêsus. Chúng ta là MỘT với Chúa Jêsus và là MỘT với nhau. Vì cớ mối tương giao nầy, chúng ta có sự thân mật, hiệp một, yêu thương, tôn trọng và sự đầu phục đối với Đấng Christ. Các mối tương giao về mặt con người của chúng ta với nhau sẽ phải có những đặc điểm nầy.
7. Như 2.14 nói, Chúa Jêsus đã phá đổ "bức tường ngăn cách". Bất cứ bức tường nào phân cách chúng ta trong Hội thánh nầy được đặt ở đó bởi con người. Bất cứ bức tường nào phân cách mối hôn nhân của chúng ta, chúng ta gây dựng. Bất cứ bức tường nào phân cách chúng ta đối với con cái chúng ta, chúng ta gây dựng. Bất cứ bức tường nào ngăn trở những mối quan hệ làm việc của chúng ta với các tín hữu khác, chúng ta gây dựng. Lẽ mầu nhiệm của thân thể áp dụng trong từng phương diện đời sống của chúng ta.
8. Để nắm bắt các lẽ thật nói tới mối tương giao của con người trong mấy câu nối theo sau, chúng ta hãy đào thật sâu hôm nay nơi phần quan trọng của lẽ mầu nhiệm của thân thể.
I. Đấng Christ là đầu, là Cứu Chúa của Thân thể Ngài (các câu 23-24).
A. Chúa là Đầu của Thân thể Ngài (câu 23).
1. Câu nầy có ý nói gì khi nó nói: "Đấng Christ là đầu của Hội thánh?" "Đầu" có nghĩa là "có quyền hơn". Nó chỉ ra uy quyền và sự điều khiển. Đầu điều khiển cả thân.
H.G. Weston, một nhà văn xưa đã nói: "Hội thánh là thân thể của Đấng Christ. Mối quan hệ của Hội thánh với đầu không những là một đầu não hay đại biểu, về đạo đức hay tiêu chuẩn xử thế, mà còn là một mối liên lạc rất quan trọng, thực tế, trong đó thân thể con người là dáng dấp. Có giữa cái đầu và thân thể, sự hiệp một của sự sống, của tâm linh, của bản chất, và cái đầu cảm thúc, cai trị, hướng dẫn, chống đỡ… Sự hiệp một rất quan trọng và riêng tư, tính đồng nhất rất trọn vẹn, đến nỗi Hội thánh được gọi là Đấng Christ – không phải Đấng Christ trong tính cách phân biệt của Ngài, mà là bao gồm Hội thánh trong chính mình Ngài như thân thể sống của Ngài … chúng ta là chi thể của thân thể Ngài, của thịt Ngài, và của xương Ngài" (Ecclesiology, p.321).
2. Là đầu của chúng ta, Chúa Jêsus ban sự sống cho thân thể. Không có Ngài chúng ta chết mất. Chúng ta tuyệt đối nương cậy nơi Ngài trong mọi sự.
3. Chúng ta nhìn thấy nhiều thân thể vật lý không đáp ứng với cái đầu của chúng. Chúng ta thấy những người bị bại liệt, què quặt hay bị co cứng. Có một số người là những tín đồ bại liệt trong thân thể Đấng Christ vì họ đã thôi không còn đáp ứng với Chúa Jêsus, là "Đầu".
4. Chức năng làm đầu đặc biệt được thấy ở Hội thánh địa phương. Có phải Đầu trông giống như Ngài cùng đi với thân thể không?
B. Chúa Jêsus là Cứu Chúa của thân thể Ngài (câu 23).
1. Không những Chúa Jêsus là "đầu của Hội thánh" Ngài còn là "Cứu Chúa của thân thể" nữa. Chúng ta trở thành chi thể của thân Đấng Christ vì được cứu trong Chúa Jêsus.
2. Trong Công vụ các Sứ đồ 20.28 khi Phao-lô mô tả chúng ta cho các trưởng lão thành Êphêsô là "Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình". Chúa Jêsus đã đổ chính huyết của Ngài ra để trả giá tội lỗi và cứu những ai là "Hội thánh là thân thể Ngài".
3. Ngài yêu thương, chịu chết cho, chăm sóc đến, bảo hộ, tiếp trợ, và hiển nhiên sẽ làm vinh hiển cho thân thể Ngài. Ngài cứu chúng ta ra khỏi án phạt của tội lỗi (thì quá khứ), quyền lực của tội lỗi (hiện tại) và sự hiện diện của tội lỗi (tương lai).
Có ông kia đi bách bộ với đứa cháu nội. Ông nội hỏi: "Chúng ta đã đi khỏi nhà xa chưa?" Đứa trẻ đáp: "Thưa ông, con không biết". Ông nội hỏi: "Được, cháu đang ở đâu vậy?" Một lần nữa, đứa trẻ đáp: "Cháu không biết". Khi ấy ông nội nói: "Ta nghe giống như con đang đi lạc vậy". Đứa trẻ đáp: "Không đâu, cháu không thể lạc được. Cháu đang đi với ông mà". Ở trong thân kết hiệp chúng ta với Chúa Jêsus. Nếu Ngài là Cứu Chúa của chúng ta, chúng ta không thể bị hư mất được.
C. Thân thể phục theo Chúa Jêsus (câu 24). Vì Chúa Jêsus là "Đầu" và là "Cứu Chúa" của chúng ta, chúng ta phải "phục" Ngài. Chúa Jêsus đã phục tùng hay tự hạ mình xuống để cứu chúng ta. Nếu Ngài có thể "vâng phục" để làm thoả mãn nhu cần quan trọng nhất của chúng ta, thì chúng ta có thể "phục" theo Ngài và chúng ta cũng có thể "vâng phục" để làm thoả mãn các nhu cần của người khác ở trong thân (câu 21).
II. Đấng Christ đã yêu thương và phó chính mình Ngài vì thân thể của Ngài (các câu 25-27).
A. Chúa Jêsus yêu thương thân thể Ngài (câu 25). Bổn tánh của Ngài là sự yêu thương. Ngài yêu thương chúng ta mặc dầu chúng ta không đáng yêu và hoàn toàn không xứng đáng với tình yêu của Ngài. Tình yêu của chúng ta thường là tình yêu có điều kiện, chúng ta yêu người khác nếu họ yêu chúng ta hoặc có thể làm một việc gì đó cho chúng ta. Chúa Jêsus yêu thương chúng ta khi chúng ta không yêu mến Ngài. Rôma 5.8 chép: "Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết". Tình yêu của Chúa Jêsus là tình yêu có tính cách hy sinh. Ngài "đã phó chính mình Ngài" để làm thoả mãn nhu cầu lớn lao nhất của chúng ta. Tình yêu của chúng ta thường là ích kỷ lắm. I Cô-rinh-tô 13.
B. Chúa Jêsus đã phó chính mình Ngài cho thân thể Ngài (câu 25). Ngài đã phán trong Giăng 15.13: "Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình". Hãy đọc Phi-líp 2.5-8. Hai lý do Ngài phó chính mình Ngài:
1. Thứ nhứt, Chúa Jêsus đã phó chính mình Ngài để LÀM NÊN THÁNH và làm cho thân thể Ngài được TINH SẠCH (câu 26a). "Làm nên thánh" ra từ cùng một chữ là "thánh đồ" và chữ nầy có nghĩa là "biệt riêng ra". "Tinh sạch" có nghĩa là làm cho sạch ròng. Trong sự cứu rỗi, Chúa Jêsus đã luyện lọc chúng ta từng phần và bởi công tác của Đức Thánh Linh chúng ta được nên thánh hay được thanh tẩy một cách thực tế. Khi chúng ta áp dụng "Lời" của Đức Chúa Trời vào đời sống của chúng ta, giống như "lấy nước rửa" hết thảy mọi dơ bẩn vậy.
2. Chúa Jêsus đã phó chính mình cho thân thể Ngài để Hội thánh sẽ trở thành một Hội thánh VINH HIỂN (câu 27a). "Vinh hiển" ra từ một chữ Hy lạp có nghĩa là "rực rỡ, lộng lẫy". Hãy chú ý bốn mô tả về cô dâu nầy ở câu 27. Hội thánh phải không "vết" hay "nhăn". Hội thánh phải "thánh" (thanh sạch hoàn toàn) và phải "không chi giống như vậy". Câu nầy vẽ ra hai bức tranh cụ thể..
a. Thứ nhứt, đây là bức tranh của NGƯỜI DO THÁI. Trong ngày cưới, một cô thiếu nữ Do thái trong thời của Chúa Jêsus phải đi tắm theo nghi thức cưới xin đánh dấu sự đồng trinh của nàng. Bạn bè của nàng giúp cho nàng mặc lấy chiếc áo cưới xinh đẹp, thêu thùa bằng vải gai mịn và mang giầy. Nàng phải thật vinh hiển, thanh sạch, không có một tì vết nào cả.
Sau đó trong ngày cưới, chú rễ và bạn bè mình sẽ đưa cô dâu từ nhà cha nàng, rồi đem nàng vào nhà chú rễ. Đây là một kiểu cách của đám rước dâu. Bức tranh cho thấy cô dâu đang đợi chàng rễ đến rước.
Một số người trong quí vị thuộc nữ giới, không nghi ngờ chi nữa đang có những ký ức cụ thể về ngày cưới của mình. Hãy nhớ tới việc mặc chiếc áo cưới ấy, làm tóc lại cho thật đẹp, chờ đợi thì giờ đón rước với sự nín thở, khóc lóc nơi viễn cảnh rời khỏi đời sống cũ của mình và bắt đầu một đời mới trong vai trò một cô dâu!
b. Thứ hai, đây là bức tranh CÓ TÍNH TIÊN TRI. Nó mô tả một số người trong chúng ta là người đã được cứu, đã được chuộc, là thân thể, và là Hội thánh hình thức. Chúng ta đã được làm cho tinh sạch, và thánh khiết từng phần bởi sự chết của Ngài trên thập tự giá. Chúng ta đã được làm cho không vết, không nhăn và không chi giống như vậy một cách thực tế bằng cách lấy Ngôi Lời "rửa". Chúng ta phải chờ đợi với chính tư thế đó đến ngày mà chúng ta sẽ được trình diện Chúa Jêsus như cô dâu "vinh hiển" của Ngài. Quí vị có lo không? Có phải quí vị đang trông không?
Thưa quí bà, có phải quí vị đang kiếm quyền trở thành cô dâu chăng? Không đâu! Quí vị đã được chọn. Cũng một thể ấy với hình ảnh thân thể của Đấng Christ, Hội thánh của Ngài là cô dâu của Ngài. Chúng ta không trở thành chi thể của cô dâu Ngài bằng những việc làm hay bằng sự trung tín, mà bởi ân điển. Chúng ta là cô dâu của Ngài, là sự vinh hiển của Ngài, và là dân sự Ngài vì cớ ơn yêu thương của Ngài mà Chúa Jêsus đã chọn chúng ta.
III. Đấng Christ nuôi nấng và săn sóc thân thể Ngài (các câu 25-27).
A. Chúa Jêsus nuôi nấng thân thể Ngài (câu 29a).
1. "Nuôi nấng" mang ý niệm "trưởng dưỡng cho đến trưởng thành". Từ ngữ nầy có ý nói cung cấp thức ăn dinh dưỡng, nghỉ ngơi thích ứng, ăn mặc và ăn ở phù hợp hầu cho thân thể của một người được lành mạnh.
2. Phao-lô nói thẳng: "Vì chẳng hề có người nào ghét [chễnh mãng] chính thân mình". Khi thân thể chúng ta có nhu cầu, chúng ta đáp ứng ngay. Khi chúng ta đói chúng ta ăn, khi mệt mõi chúng ta nghỉ ngơi, v.v…
3. Sự săn sóc nầy là điều đúng "như Đấng Christ đối với Hội thánh". Vì chúng ta là thân thể của Ngài, Ngài làm thoả mãn từng nhu cần của chúng ta! Ngài cho chúng ta ăn uống, cho chúng ta mặc, và bảo hộ chúng ta tránh mọi thương tổn.
B. Chúa Jêsus săn sóc thân thể Ngài (câu 29b).
1. "Săn sóc" sát nghĩa là "sưỡi ấm" nhưng mang ý tưởng ấp ủ, giống như một con gà mẹ vậy. Thưa quí bà, có phải quí vị từng biết người đàn ông nào lo ấp ủ thân thể của họ chưa?
2. Chiếc xe hơi đầu tiên của tôi là chiếc Chevy Chevelle cũ kia. Nó trông chẳng đẹp bao nhiêu, nhưng nó là của tôi. Tôi săn sóc chiếc xe đó. Tôi "ấp ủ" chiếc xe đó. Tôi luôn giữ cho nó được sạch, bóng láng và bảo dưỡng nó.
3. Đây là cách Chúa Jêsus cảm nhận về chúng ta. Ngài ấp ủ chúng ta. Ngài biết từng tư tưởng của chúng ta, quan sát từng cử động của chúng ta, và quan tâm đến các nhu cần nhỏ nhất của chúng ta. Tình yêu của Ngài dành cho thân thể Ngài là thế đấy.
C. Lý do Chúa Jêsus nuôi nấng và săn sóc thân thể Ngài (câu 30).
1. Các câu 30-31 dường như không quan trọng mấy, nhưng chẳng phải vậy đâu. Thực vậy, có thể chúng là trọng tâm của phân đoạn Kinh thánh nầy.
2. Tại sao Chúa Jêsus phải chú ý đến chúng ta như vậy, tại sao Ngài nuôi nấng và săn sóc chúng ta như thế? Vì "chúng ta là các chi thể của thân Ngài". Chúng ta là "thịt và là xương của Ngài".
Điều nầy đưa hết thảy chúng ta lần trở lại với Sáng thế ký đến Vườn Êđen. Đức Chúa Trời phán rằng sự sáng tạo của Ngài là "rất tốt lành" trừ một việc, người nam đầu tiên là Ađam chỉ có một mình và ở một mình thì "không tốt". Khi Đức Chúa Trời quyết định tạo cho Ađam một người bạn đời, Ngài sẽ dựng nên người nữ từ bụi đất giống như Ngài đã làm với Ađam, nhưng Ngài không làm. Ngài đã dựng nên nàng từ chiếc xương sườn của Ađam. Từ ngữ Hy bá lai nói tới người nam là ish. Người nữ là isha, có nghĩa là "từ người nam mà ra". Khi Ađam nhìn thấy Êva, ông đã nói ở Sáng thế ký 2.23: "Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có". Ađam thứ hai, Chúa Jêsus cũng "bị đặt nằm ngủ" trong mộ địa. Hông Ngài vỡ ra, nhưng chúng ta không được rút ra, mà chúng ta được đặt vào. Chúng ta đang "ở trong Đấng Christ".
3. Đức Chúa Trời đã chọn sự thiết lập hôn nhân làm biểu tượng cho sự hiệp một thân mật của Đấng Christ với dân sự của Ngài. Câu 31 phát ra vang dội Ngôi Lời trong cuộc hôn nhân đầu tiên tại vườn Êđen: "… và hai người cùng nên một thịt".
4. Hãy chú ý cụm từ kế đó nơi phần đầu của câu 32. Hãy nhớ chẳng có một sự ngắt câu trong bản Kinh thánh gốc: "Sự mầu nhiệm ấy là lớn". Đâu là sự mầu nhiệm? Ấy là chúng ta, người được cứu, người được chuộc đã trở thành "một thịt" với Đấng Christ. Phao-lô nói: "Tôi nói về Đấng Christ và Hội thánh vậy".
5. Mối quan hệ của chúng ta gần gũi lắm, mật thiết lắm, sâu sắc lắm đến nỗi Phao-lô chỉ có thể nói, chúng ta là "một thịt". Chúng ta từng được hội hiệp với Ngài.
Một thiếu nữ đang chia sẻ Tin lành với mấy người bạn. Cô ấy nói tới ơn cứu rỗi và thể nào Chúa Jêsus đã làm thay đổi đời sống của cô. Cô kết luận bằng cách trưng dẫn lời của Chúa Jêsus trong Giăng 10.28-29: "Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta. Cha ta là Đấng lớn hơn hết đã cho ta chiên đó, và chẳng ai cướp nổi chiên đó khỏi tay Cha". Một người bạn có tánh nghi ngờ nói: "Giả thử bạn tuột khỏi mấy ngón tay Ngài thì sao?" Cô ấy đáp nhanh như chớp: "Không bao giờ, không bao giờ! Bạn thấy đấy, tôi là một trong mấy ngón tay của Ngài!" Cô không nói theo thuật ngữ của thần học, mà cô ấy hiểu rõ rằng cô là một chi thể trong thân của Ngài, là một thịt với Ngài.
PHẦN KẾT LUẬN. Chúng ta hãy xét qua bốn phần ứng dụng thực tế về lẽ mầu nhiệm nói tới thân của Đấng Christ, là Hội thánh của Ngài.
1. Thứ nhứt, không một điều gì có thể phân rẽ chúng ta ra khỏi Chúa Jêsus.
2. Thứ hai, Ngài luôn luôn săn sóc từng nhu cần của chúng ta.
3. Thứ ba, chúng ta là "một thịt" với Ngài bởi ân điển, chớ không phải bởi việc làm.
4. Thứ tư, chúng ta chia sẻ mối quan hệ thân mật nầy theo chiều thẳng đứng và theo chiều ngang. Chúa Jêsus đã đến để phá đổ bức tường ngăn cách. Chúng ta không xây lại bức tường đó trong Hội thánh địa phương, trong hôn nhân, trong gia đình hay trong bất kỳ một mối quan hệ nào khác.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét