Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

12 GIỌNG NÓI TRONG DỊP LỄ PHỤC SINH.



12 GIỌNG NÓI TRONG DỊP LỄ PHỤC SINH.
Trong giờ đau buồn tăm tối của Đấng Christ, từ khi Ngài bị bắt trong vườn cho đến cái chết đau đớn của Ngài trên thập tự giá, bạn bè và các môn đồ đều bỏ Ngài lại và những kẻ thù đã đánh mắng Ngài. Tuy nhiên, các giọng nói của đức tin và kính yêu vẫn còn vang vọng giữa vòng các diễn viên không có gì nổi tiếng lắm trong câu chuyện Phục sinh – một tội phạm, một tên lính La mã và một lữ khách yếu đuối.
Câu chuyện Phục Sinh đòi hỏi một sự phán quyết. Sự mâu thuẫn trong tư tưởng đối cùng Chúa Giêxu, như Philát đã học biết, là vô tín. Bạn có chịu dự phần vào giọng nói của Mary Mađơlen, Cơlêôba, Thôma và nhiều người khác, rồi công nhận Chúa Giêxu là Chúa Phục Sinh, là Cứu Chúa của con người tội lỗi không? Giống như Phierơ, bạn sẽ khám phá ra Chúa Giêxu vốn ước ao hiến cho bạn ơn tha thứ và cơ hội thứ nhì
***
1./ GIUĐA, GIỌNG PHẢN BỘI
Mathiơ 26. 14-16 Mathiơ 26. 47-50 Mathiơ 27. 3-5
Tôi đứng gần bờ vực, sợi dây quấn quanh cổ tôi; đầu kia cột vào một nhánh cây to trên cây ấy. Những tư tưởng tối tăm tràn đầy lý trí tôi. Tôi lấy làm lạ, không biết tại sao phải như vầy!?!
Tôi đáng phải là một vị lãnh tụ rồi. Tôi có tên là Giuđa, theo tên vị tộc trưởng Giuđa, chi phái hàng đầu trong 12 chi phái Israel. Tôi đáng phải là người thứ nhứt trong 12 người, chớ không phải Phierơ đâu! Nhưng không có một phương thế nào khác nữa! Tôi đã làm một việc không thể nói ra được. Tôi đã phản bội Thầy của tôi. Tôi là giọng nói phản bội. Tôi đáng phải chết lắm! Phải, chết là điều cuối cùng.
Ít nhất là không có ai sẽ sử dụng tôi nữa! Tôi không thích người ta sử dụng tôi. Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã tìm cách sử dụng tôi. Mọi sự họ muốn là dịp tiện để bắt Giêxu mà chẳng gây ra một cuộc bạo loạn. Tôi đã cung ứng cho họ cơ hội đó. Họ đã sử dụng tôi. Họ đã trả tiền công cho tôi.
Tôi nghĩ Giêxu cũng muốn sử dụng tôi nữa đấy! Ông ta muốn sử dụng tôi để xây dựng Vương Quốc của ông ta. Và ông ta muốn làm thay đổi tôi. Tôi có thể nhìn thấy điều đó qua ánh mắt của ông ta mỗi lúc tiền trong hộp bị thiếu hụt đi. Giêxu biết tôi đánh cắp tiền. Ông ta biết rõ về tôi và đã thù ghét tôi. Tôi có thể qua mặt mọi người khác, trừ ra ông ta. Tôi càng thấy thù ghét ông ta. Cành cây nầy và bờ vực nầy sẽ đặt một dấu chấm hết cho mọi chương trình của họ. Ông ta cần tới tôi, nhưng chỉ theo các phạm vi của ông ta mà thôi. Tôi sẽ không thuộc về ai khác. Tôi sẽ không trở thành tài sản của bất kỳ ai. Đúng vậy, tôi không phải là đồ dùng của ông ta trong lúc nầy đâu! Không phải là một đứa trẻ chuyên bị sai vặt đâu! Chẳng có ai phụ giúp ông ta trong lúc nầy. Họ cần ông ta đấy!
Sự việc đến với tôi trong dịp lễ Vượt Qua. Chúng tôi đã nhóm lại trên một phòng cao với Giêxu để dùng tiệc kỷ niệm. Một mục tiêu rõ ràng đang đột ngột phủ lút tôi; một cách giải quyết mạnh mẽ rất đáng ngạc nhiên. Tôi có thể nhìn thấy mọi chuyện đang ùa nhau đến. Chuyện đó dễ quá mà. Tôi biết mình đã được dựng nên để làm gì rồi!
Mọi chuyện quá hoàn hảo. Cuộc trò chuyện quanh chiếc bàn đều nói về buổi lễ trong tuần. Một hay hai người đã có chuyện đề cập tới những người La mã hay gây phiền toái. Nhưng hầu hết cuộc trò chuyện đều nói về sự thành tín của Đức Chúa Trời, Đấng đã cứu chuộc Israel ra khỏi Ai cập từ ngàn xưa. Tôi đã im lặng. Giêxu liếc nhìn tôi mấy lần, song tôi đã nhìn qua chỗ khác.
Kế đó Giêxu ngắt ngang cuộc trò chuyện bằng cách tuyên bố rằng một người trong chúng tôi không bao lâu nữa sẽ phản người. Căn phòng vẫn im phăng phắc. Các gương mặt quanh chiếc bàn, hết thảy đều đổi sang vẻ ngạc nhiên. Tất nhiên, ai nấy đều đã nghe thấy cuộc trao đổi mà các cấp lãnh đạo toà công luận tỏ ra khi họ được dẫn đường bắt Giêxu, nhưng chẳng có ai trong số họ tưởng tượng ra ai là người đã phản bội Giêxu. Từng người một, mỗi môn đồ đều thắc mắc không biết ai là người đó. Dĩ nhiên là tôi cũng thắc mắc nữa! Những giọng nói chùng xuống đưa bàn tiệc đến chỗ bàn bạc lo lắng. Bữa ăn vẫn tiếp tục. Khi tôi đặt tay vào đĩa, Giêxu đã nói vài câu gì đó cho hai người ngồi kế ông ta, là Phierơ và Giăng. Họ ngước mắt nhìn vào tôi, sự cảnh giác hiện lên trên gương mặt họ, và tôi nhận ra Giêxu đã nói gì với họ. Tôi không biết làm sao ông ta nhận ra được, nhưng tôi đã tới gặp thầy tế lễ thượng phẩm rồi và đã hiến kế phản Giêxu. Không cứ cách nào đó ông ta đã nhận ra sự phản bội ấy.
Tôi liền đi ra khỏi chỗ đó. Tôi chổi dậy rồi chạy ùa ra khỏi căn phòng. Chính lúc ấy. Tôi mong họ đi ra vườn Ghếtsêmanê sau buổi ăn tối. Bất cứ lúc nào chúng tôi viếng qua thành Jerusalem, là nơi ông ta rất ưa thích. Ông ta thích ở một mình khi cầu nguyện. Tôi đi thẳng đến gặp thầy tế lễ cả rồi thúc họ hãy mau mau lên. Nếu các môn đồ khác đoán được ý đồ của tôi, họ sẽ ngăn cản mọi sự. Tôi nói: “Bây giờ chúng ta hãy hành động đi". Họ đều đồng ý. Một vài người đi kiếm mấy tên cảnh vệ trong đền thờ. Phần còn lại trong chúng tôi đi đến đồn quân La mã, ở đấy các thầy tế lễ đang buộc một tốp lính cùng đi với chúng tôi.
Tôi dẫn đường. Khi ấy phấn khởi lắm. Tôi đang nắm lấy quyền bính. Không có ai sử dụng tôi cả. Kìa, ai nấy đều đi theo tôi. Tôi đã có quyền lực. Khi chúng tôi ra tới khu vườn, như tôi mong đợi, Giêxu đang cầu nguyện. Những người khác đều chìm vào giấc ngủ. Giêxu đã nghe biết chúng tôi đến, ông ấy đã đánh thức các môn đồ dậy. Tôi bước tới phía trước ra khỏi chỗ bóng tối. Trời tối lắm và mấy ngọn đuốc không cung ứng đủ ánh sáng. Tôi đã sắp đặt một dấu hiệu để chỉ ra Giêxu trong bóng tối. Tôi đã hôn gò má rồi chào hỏi ông ta: "Thưa Thầy". Tôi đã chào ông ta theo cách đó cả trăm lần rồi; hết thảy chúng tôi đều đã chào như vậy! Với thói quen hàng ngày, một dấu hiệu chào kính vô tội vạ, tôi đã phản bội Thầy.
Ông ta luôn luôn muốn làm Thầy, muốn được người ta phục sự. Đối với mọi chuyện ông ta nói ra về sự phục vụ người khác, ông ta luôn luôn là bậc Thầy. Giống như ông ta sanh ra là để làm Vua hay đại loại giống như thế! Phải, giờ đây họ bắt ông ta, loại vương quốc nào bạn nghĩ ông ta sẽ thừa hưởng chứ? Lãnh đạo một ít các môn đồ và các nông dân nghèo là một việc khi mặt trời còn chiếu rọi ánh sáng bên triền núi. Nhưng hãy xét xem có ai đi theo ông ta khi đêm xuống và mọi sự rơi vào bóng đêm chứ!?! Không ai có thể trị vì từ một cây thập tự bao giờ. Phải, tôi sẽ không phục sự đâu. Tôi không phải là một gã khờ. Rồi sau cùng, với hành động nầy, tôi đang sống tự do, không bị ai khác sử dụng. Tự do. Một cái khăn quấn quanh cổ, đứng bên bờ vực nầy. Không bao lâu nữa tôi sẽ được tự do.
Rồi tôi lấy làm lạ. Cái chết của một người có thể giải quyết gì được không!?! Tôi muốn nói, nếu một người tự mình tìm cái chết, một cách tự do, không có ai có quyền cất sự ấy ra khỏi người, người tự mình tìm tới cái chết có đạt được điều gì không? Một người chết trên cây có đạt được mục đích gì không? Tôi sẽ tìm cho ra. Tôi đã bước một bước xa rời sự tự do.
2./ PHIERƠ: GIỌNG CHỐI BỎ
Mathiơ 26.32-35 ; Mathiơ 26.57-58 ; Mathiơ 26.69-75
Bạn có nghe thấy tiếng ấy chưa? Tiếng con gà gáy đó! Tiếng gà gáy đó có làm cho bạn thức giấc không? Con gà trống ấy! Tôi vẫn còn nghe thấy tiếng gà gáy đó. Kìa! Có phải nó cất tiếng gáy một lần nữa không? Không, không, không. Tôi tỉnh táo mà! Tôi đoán là nó chỉ làm cho tôi giật mình đấy thôi. Tôi đã bật dậy suốt cả đêm. Tôi không biết trời đã sắp sáng rồi. Nhưng trời hãy còn tối mà. Mấy giờ rồi nhỉ? Ồ, trễ rồi. Trời lạnh lắm ở đây. Bạn đang làm gì trên đường phố thế? Phải, tôi đến từ xứ Galilê. Tại sao mỗi người phải thể hiện công khai cách ứng xử của mình chứ? Xin lỗi. Đấy không phải là lầm lỗi của bạn đâu!
Tôi là một ngư phủ. Tôi có nghe nhiều tiếng gà gáy trước đây rồi, tôi có thể nhớ là lâu lắm rồi. Chúng tôi đã đánh cá suốt cả đêm. Chúng tôi đã nghe tiếng gà gáy lúc bình minh khi đã đến lúc phải đem lưới ra biển. Khi tôi còn ở tuổi thiếu niên, tôi hay ngủ trên thuyền, tôi có nghe tiếng gà gáy sáng và khi thức giấc tôi nghe tiếng của cha tôi và mấy người khác đang bàn bạc về việc đánh lưới lúc ban đêm. Ông hay nhìn vào tôi trong ánh mắt màu xám và ánh mắt của chúng tôi giao nhau.
Tiếng gà gáy có ý nói bóng đêm và trời lạnh đã hết. Tiếng gà gáy có ý nhắc tới ngôi nhà ấm áp và thức ăn. Thế nhưng không phải như thế trong đêm nay. Tôi đã ở với Chúa Giêxu. Họ đã dẫn Ngài nhốt vào nhà ngục của Caiphe, tôi nghĩ thế. Tôi sợ hãi. Bây giờ lính La mã nhập cuộc cùng với họ rồi.
Thầy đã cảnh cáo tôi. Ngài phán Satan sẽ sàng sảy tôi như nhà nông sàng sảy lúa mì vậy. Nhưng Chúa Giêxu phán Ngài đã cầu nguyện cho tôi để đức tin tôi không chao đảo. Ngài nói cho chúng tôi biết Ngài sẽ phải chết. Tôi nói: "Không, tôi sẽ chết thế cho Thầy”. Lời nói thật dũng cảm thay! Bây giờ tôi là giọng nói của sự chối bỏ.
Lúc đầu hôm tôi đã tìm cách biện hộ cho Ngài trong vườn Ghếtsêmanê. Đột nhiên chúng tôi bật thức tỉnh. Đã có những ngọn đuốc, nhiều tên lính, một đoàn dân đông cùng với gậy gộc. Tôi có một con dao găm và tôi đã nhún nhảy thật sinh động. Tôi đã chém vào một người trong số bọn ấy, nhưng anh ta né đầu qua một bên và tôi đã chém đứt tai của anh ta. Chúa Giêxu đã quở trách tôi, Ngài bảo tôi cất lưỡi dao đi. Tên lính liền túm lấy tôi từ phía sau lưng. Rồi có tiếng ồn ào và hỗn loạn. Họ đã bắt lấy Ngài và gần như họ giẫm đạp lên cả chúng tôi nữa. Trong vườn chẳng có một chỗ tối nào để ngồi trốn ở đó hết. Lúc đấy, chúng tôi phải tự lo lấy mình, họ đã đi hết rồi.
Giăng và tôi đã chạy theo, ở xa xa. Họ đưa Ngài vào trong thành. Chúng tôi bươn theo các con đường tối, ngồi ở một khoảng xa xa sau lưng mấy tên lính. Suốt con đường vào thành phố. Không lâu sau đó, chúng tôi đoán họ sẽ đưa Ngài đến đây, dinh của thầy tế lễ cả. Nhưng để làm gì mới được chứ? Toà Công Luận không thể nhóm vào buổi tối. Các thầy tế lễ và mấy thầy thông giáo canh chừng từ cổng vào đến trong sân. Thầy đội La mã đặt một lính gát rồi dẫn tốp lính còn lại đi qua.
Chúng tôi dừng lại đúng ngay lối đi hình mái vòm ở cổng ngoài. Thế nhưng cô gái gác cổng nhận ra Giăng. Tôi có thể nói cô ta đã có nhiều nghi ngờ về tôi, nhưng cô ta để cho chúng tôi đi qua cổng ngoài mà vào trong sân. Chúng tôi đã vào phía trong sân nhà thầy tế lễ cả. Giăng theo đường riêng vào trong sảnh đường, ở đó có một đám đông tụ tập lại. Tôi chưa bao giờ ở trong ngôi nhà nào giống như ngôi nhà nầy trước đây. Tôi đã ở lại ngoài sân với mấy tên tôi tớ. Tôi mong rằng chẳng có ai thắc mắc về tôi nữa. Tôi không biết mình nên làm gì hay phải trả lời ra sao nữa. Rồi có một cơ hội, ai đó đã nhận ra tôi. Sẽ ra sao nếu mấy tên lính gát đền thờ nhận ra tôi là người có con dao găm? Sẽ ra sao nếu tên đầy tớ bị tôi chém đứt vành tai kia trông thấy và tố cáo tôi?
Thế rồi tấm lòng tôi bắt ớn lạnh. Kìa hắn kìa! Nạn nhân của tôi kia! Nhưng hắn quay mặt đi, và tôi nhìn thấy chiếc tai lành mạnh, nằm đúng chỗ của nó. Tôi đã chém anh ta trong ánh sáng của ngọn đuốc. Có lẽ tôi sẽ được an toàn nếu tôi cứ ở lại trong bóng tối. Mọi sự yên ổn cho tới khi cô gái gác cổng đi từ cổng tới chỗ có ngọn lửa. Ánh mắt của cô ta chiếu ngay vào tôi từ ngoài bóng tối, cô ta nói: "Ngươi là một trong đám môn đồ của người nầy, có phải không?” Mọi người ngồi thành vòng tròn ấy đã quay ngó lại tôi. Tôi không thể nói: “phải đấy” được. "Không phải ta! Ta không phải là môn đồ của Chúa Giêxu".
Tôi quay chỗ khác tránh cô ta, lòng mong muốn cô ta hãy cút đi chỗ khác. Cô ta còn ở đó trong một lúc, nói thì thầm với người bạn của cô ta và chỉ tay về phía tôi. Người nữ gác cổng rời khỏi chỗ có ngọn lửa, nhưng không lâu sau đó, người bạn của cô ta lên tiếng hỏi: “Người nầy là một trong bọn ấy. Hắn đã ở với Giêxu người Nazarét". Các giọng nói khác rộ lên đồng ý, họ cáo tôi là môn đồ của Chúa Giêxu. Giận dữ và xấu hổ dấy lên trong tôi giống như một độc tố vậy. Tôi đáp: “Nầy ông kia, ta không biết ngươi đang nói gì”. Có lẽ câu nói đó đã làm cho họ hài lòng. Họ ngồi xuống tiếp tục câu chuyện gẫu, đồn đãi về các sự cố tối nay. Có nhiều việc đã được liệu định rồi. Tôi mong tôi chẳng có gì đối với họ. Hai lần chối chắc chắn đủ để cứu lấy cái cổ của tôi rồi.
Bóng tối càng lúc càng tối thêm. Có chuyện gì xảy ra trong sảnh đường vậy kìa? Tôi cố gắng nghe ngóng. Rõ ràng toà công luận đã nhóm lại rồi đây! Họ đang làm gì vậy? Tôi càng tới gần sảnh đường hơn, đứng nhón chân cho cao hơn ở chỗ tôi có thể trông thấy phía trong. Tôi không biết Giăng đang đứng ở đâu. Sau cùng tôi tìm được một chỗ, từ đây tôi trông thấy Chúa Giêxu, Ngài đang đứng trước mặt toà công luận, đầu Ngài cúi xuống, hoàn toàn im lặng, tiếng ồn ào và hỗn loạn ở chung quanh.
Tôi hỏi người đang đứng gần tôi xem chuyện gì đã xảy ra. Ông ta xây lại đáp: “Ồ, ngươi cũng là người Galilê à?" Có mấy người quay ngó lại. Tôi nhận ra hai hay ba người đang đứng bên ngọn lửa. "Nầy ông kia, ta không biết ngươi đang nói gì”. Giận dữ và như bị kích động, tôi bắt đầu rủa sả bản thân mình. Tôi đã thề tôi chưa hề biết Chúa Giêxu.
Lời nói nghẹn ngào trong cổ họng tôi. Từ chỗ Chúa Giêxu đứng trước toà công luận, Ngài ngó ra phía ngoài sân và trong ánh sáng vàng vọt đó, ánh mắt chúng tôi giao nhau. Đúng y như Ngài đã nói trước. Ngài bảo tôi rằng tôi sẽ chối Ngài ba lần. Tôi đáp điều đó sẽ không xảy ra đâu! Phierơ, vầng đá. Người môn đồ trung tín và là người bảo vệ chính của Thầy. Tôi đã trở thành giọng nói của sự chối bỏ. Tiếng gà gáy đã tỏ cho tôi biết tôi thực sự là ai. Tôi là kẻ vô ơn. Những người khác sẽ khinh bỉ tôi. Tên của tôi sẽ trở thành một lời rủa sả.
Tôi chạy ùa ra cổng thành. Người gác cổng để cho tôi đi ra, tất cả sự ấm áp, bạn bè, và ánh sáng ở đàng sau lưng của tôi. Trễ rồi. Trời ở đây lạnh quá. Tôi đã làm buồn lòng Ngài. Tôi là đầu trong số 12 người, và tôi đã làm buồn lòng Ngài. Ba lần tôi làm cho Ngài thất vọng. Là kẻ Ngài yêu thương như vậy, sao tôi lại thất bại như thế chứ? Giờ đây tôi lấy làm ngạc nhiên, tôi có thực tâm yêu Ngài không? Tình yêu chơn thật lẽ nào lại tạo ra một kiểu thất bại như thế chứ? Nhưng tôi yêu mến Ngài. Có phải không? Nếu tôi yêu Ngài, tôi phải giữ lời của Ngài. Tôi không được thất bại. Tôi có yêu Ngài chăng? Tiếng gà gáy làm chứng nghịch cùng tôi. Lời lẽ của tôi làm chứng nghịch cùng tôi. Tấm lòng của tôi đang xét đoán tôi. Tôi là người lãnh đạo giữa vòng 12 sứ đồ. Tôi đã xưng nhận Ngài trên núi, nhưng tôi đã chối bỏ Ngài trong bóng đêm. Từ đây về sau người ta sẽ biết tôi là giọng nói của sự chối bỏ mà thôi.
3./ THẦY TẾ LỄ CẢ: GIỌNG NÓI GIAN DỐI
Mathiơ 27.22-26 ; Mathiơ 28.11-15
Tên tôi là Abisua. Tôi là một trong các thầy tế lễ cả tại thành Jerusalem. Chúng tôi có quyền cao hơn các chức phận khác trong đền thờ. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là dâng các thứ của lễ trong đền thờ cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và sự chuộc tội cho dân sự. Đây là chức vụ cao nhất ở trong xứ, cùng với các thầy thông giáo, chúng tôi là các cấp lãnh đạo tôn giáo quyền lực nhất trong xứ Israel.
Quyền thế của chúng tôi thì chẳng có gì phải thắc mắc nữa. Ai nấy đều biết rõ gia phổ của chúng tôi. Kể từ thời Arôn, chúng tôi là những cái bình được chọn của Đức Chúa Trời, là những chức dịch của Ngài. Luôn luôn là như vậy đấy! Và cũng sẽ như thế luôn! Chúng tôi tra xét bất kỳ một hoàn cảnh nào muốn làm đảo lộn trật tự với mối quan tâm sâu sắc.
Trường hợp mới đây về kẻ gây rắc rối đến từ xứ Galilê đang làm rõ mục tiêu của tôi. Bạn hiểu đấy, những sự dạy của ông ta đã làm cho dân chúng rối lên và thậm chí còn gọi những cách hành lễ trong đền thờ là đáng thắc mắc nữa. Một kẻ cực đoan quá khích. Ông ta đã thách thức giới chức và cách hành đạo hiện hữu trong thời của chúng tôi, là kiểu cách đã được thiết lập và tán thưởng theo tập quán lâu đời.
Chắc chắn chúng tôi đã gặp phải những thách thức tương tự trước đây; những kẻ đội lốt, tự hủy diệt mình dưới sự ngụy tạo cải chánh. Thế nhưng chẳng có ai nguy hiểm cho bằng Giêxu người Nazarét hết. Các môn đồ và những kẻ có cảm tình với ông ta có số lượng lên tới hàng ngàn người. Thậm chí có người cho rằng ông ta có thể là Đấng Mêsi mà ai nấy đều trông đợi lâu nay. Nhưng nếu thực như thế, chúng tôi dòng thầy tế lễ sẽ phải có mặt giữa vòng những người đầu tiên đến tung hô và tôn vinh ông ta. Không, tôi e rằng dân chúng cũng bị đánh lừa một cách dễ dàng. Bạn thấy đấy, chúng tôi vốn dè dặt về con người nầy hoàn toàn. Và không một lượng thông tin nào xác nhận mấy lời xưng nhận tắc trách nầy.
Trước tiên chúng tôi lưu ý ông ta dính líu với các vụ việc của Giăng Báptít, phải nói như thế. Những kẻ cung cấp tin tức cho chúng tôi hay rằng Giêxu đã chịu phép báptêm, có người chứng kiến tại chỗ báo cáo về một dấu lạ đến từ trời khi ông ta ra khỏi nước. Nếu bạn tin tưởng những việc như thế, có lẽ bạn sẽ ưa thích phần bất động sản mà tôi đang có ở Biển Chết.
Nhưng lời đồn đãi đã lan rộng mau chóng và người ta trong vòng hạng bình dân đã dễ dàng đem lòng tin tưởng, và những đám dân thưa thớt bắt đầu kéo đến ngày càng đông hơn. Rõ ràng là ông ta quá nguy hiểm. Thí dụ như, bạn có nghe nói rằng ông ta đã chữa lành một người với bịnh teo tay vào ngày sa bát, một sự vi phạm trắng trợn về nghi thức mà ai cũng phải tuân giữ. Nhưng khi người ta nhắc tới lỗi lầm của ông ta để cho ông ta phải chú ý, ông ta lại xưng nhận mình là Chúa của ngày sa bát! Rồi khi ông ta đi lên thành Jerusalem, ông ta tạo ra một bối cảnh rùng rợn ngay đền thờ. Ông ta đánh đuổi những kẻ đổi tiền và lật đổ hết bàn đổi bạc. Bạn phải thông cảm cho tôi, tôi không thích cất giọng mình lên đâu, nhưng có một số việc không thể chịu đựng được. Đền thờ và các bức tường là trách nhiệm của chúng tôi. Rồi để nổ lực sửa chữa mà chẳng cần thông qua giới chức có thẩm quyền thì đúng là kẻ có tội.
Ông ta biết chúng tôi rất giận dữ và vì vậy ông ta đã tìm cách ngụy trang các mục tiêu của mình. Ông ta ra khỏi thành Jerusalem rồi dạy dỗ dân trong xứ, sử dụng các thí dụ hầu che dấu thâm tâm của ông ta. Chúng tôi không nhàn rỗi để chờ đợi đâu! Chúng tôi nổ lực trong một vài cơ hội hầu làm mất mặt ông ta ngay trước mặt số dân mà ông ta đang làm cho lầm đường lạc lối. Và chúng tôi đã tra xét một loạt các kế hoạch hầu dẹp bỏ ông ta đi.
Một cơ hội tự nó đưa đến ngay đúng lúc trước Lễ Vượt Qua, khi một trong các môn đồ của ông ta đến với chúng tôi và đã hiến kế phản ông ta. Hắn là một môn đồ tồi có tên là Giuđa, một người tầm thường ở Cheroth. Nhưng người ta phải nắm lấy mọi cơ hội của một người bất cứ đâu họ tìm được chúng. Và anh ta đã đến để đặt ra một giá rất hời. Chỉ có ba mươi miếng bạc, hắn đã đồng ý giao ông ta cho chúng tôi. Đây là thì thuận tiện của chúng tôi.
Đó là buổi tối của Lễ Vượt Qua. Chúng tôi vẫn còn ngồi dựa nơi bàn ăn khi Giuđa đến gõ cửa. Hắn đã đến thẳng từ ngôi nhà mà Giêxu cùng các môn đồ của ông ta hay nhóm lại. Giuđa cho chúng tôi hay rằng không lâu nữa họ sẽ lên đường vào thành phố qua cổng phía Đông, băng ngang qua khe Kítrôn mà vào Vườn Ghếtsêmanê. Đây là cách làm theo thông lệ của họ. Và cách làm nầy phù hợp chính xác với mục đích của chúng tôi. Một cuộc diễu hành đã được sắp đặt. Một số người có vũ khí, điều nầy được cho là rất khôn khéo.
Giuđa dẫn đường chúng tôi vào ngôi vườn và hắn ôm hôn “thầy” của hắn theo cách chào hỏi thông thường. Đấy là dấu hiệu của chúng tôi. Sự bắt giữ ông ta có hiệu quả và ông ta bị dẫn thẳng tới nhà của thầy tế lễ cả. Ở đây ông ta nghe Anne giáo điều trước khi bị thử thách và sau cùng ông ta đã đứng trước mặt Caiphe để trả lời cho những lời tố giác của chúng tôi.
Cuộc thử thách diễn ra rất kịch liệt. Chúng tôi phải làm việc mau chóng và cẩn thận. Những lời cáo giác của chúng tôi nghịch lại Giêxu phải được nhiều người chứng kiến. Thật đáng tiếc là, chúng tôi buộc phải trả tiền cho những nhân chứng vì sự làm chứng của họ. Chứng cớ của họ không hấp dẫn theo như mong muốn, song nó mở ra phương thức để xét đoán trực tiếp, và không lâu sau đó ông ta bị kết án do môi miệng của ông ta. Ông ta đã phạm thượng công khai trước Toà Công Luận.
Sau khi kiếm được lời công tố của Caiphe, mọi sự chúng tôi cần là quan tổng đốc La mã, Bontu Philát. Chúng tôi không được phép thực thi sự trừng phạt mà không có sự đồng ý của chức quyền của Đại Đế. Chúng tôi đã học biết phải trình sự vụ ra trước người La mã là thể nào rồi. Mọi sự quan tổng đốc quan tâm tới là chính quyền của Rôma. Mọi sự chúng tôi phải lo làm là thuyết phục ông ta tin rằng Giêxu nầy là tên phản loạn rất nguy hiểm.
Trời vừa hừng sáng. Chúng tôi đến tại dinh của quan Tổng đốc rồi kêu cửa. Thật là vô tư và ngáy ngủ, Philát đã nghe thấy lời cáo giác của chúng tôi. Chúng tôi đã chịu đựng mấy phút đồng hồ khi Philát đóng vai tên La mã ngu ngốc, thông qua trường hợp Giêxu chẳng có làm gì sai quấy. Rõ ràng nói như vầy là không được rồi. Chúng tôi muốn tiến sát tới giải pháp sau cùng. Chúng tôi đã trả tiền công cho một môn đồ đặng làm phản ông ta. Chúng tôi đã trả tiền công cho những kẻ làm chứng. Chúng tôi không thể dừng lại trong khi chỉ còn một bước nữa là đạt được mục tiêu.
Khi Philát phỏng vấn người Naxarét, chúng tôi băng mình qua đám đông, sắp đặt một sự thống nhất có tính thuyết phục. Vì thế Philát đã đưa ông ta đến trước mặt chúng tôi, đám đông trả lời với chỉ một giọng nói mà thôi. Quyền kết án thuộc về chúng tôi. "Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự". Âm điệu dâng tràn qua đám đông giống như những chuyển động như lượn sóng của con rắn đang giận dữ. Quan Tổng đốc nhận lấy sứ điệp của chúng tôi. Giêxu phải chết thôi.
Philát không dự tính có một trận chiến đâu! Ông ta thả Giêxu ra cho đám đông và hắn bị bắt từ thành phố dẫn ra chỗ Sọ, rồi bị đóng đinh trên thập tự giá như một tên tội phạm. Công việc của chúng tôi đã xong rồi.
Philát làm một điệu bộ sau cùng, một tấm bảng đặt trên đầu của Giêxu khi hắn bị treo trên thập tự giá. Câu nói được viết ra bằng tiếng Aram, tiếng Latinh và tiếng Hy lạp cho cả thế giới đều đọc được: "Giêxu người Nazarét, Vua dân Giuđa".
Chúng tôi chống báng. Đừng viết 'Vua dân Giuđa'. Thay vì thế hãy viết: 'Hắn nói: Ta là Vua dân Giuđa'". Nhưng Philát đã từ chối. Tên La mã nầy thật là dại dột và ngoan cố. Chuyện nhỏ thôi. Giêxu đã chết trên thập tự giá. Tất nhiên, theo một phương thức rất kinh khủng, chẳng cần thắc mắc chi nữa. Nhưng chúng tôi xem đấy là một sự đắc thắng lớn lao. Mối đe doạ đối với địa vị tế lễ đã được chỉ định của Đức Chúa Trời đã thất bại rồi. Địa vị và chức năng của chúng tôi đã được bảo đảm. Chức năng thầy tế lễ tiếp tục dâng của lễ cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và sự chuộc tội cho dân sự Ngài. Câu chuyện là thế đấy!
4./ CAIPHE: GIỌNG XÉT ĐOÁN
Mathiơ 26.59-68
Có người gọi tôi là con rối. Nhưng tôi không phải là con rối đâu. Người nào coi chúng tôi là con rối rõ ràng là chẳng biết gì hết về sức mạnh của các mối quan hệ gia đình. Họ chẳng hiểu biết gì hết về lòng trung thành của tôi đối với cha tôi, hoặc đối với cha vợ của tôi, theo như quí vị gọi ông ấy vậy. Ông là sức mạnh ảnh hưởng trên tôi dù ông là cha của tôi. Anne là một nhân vật quyền lực, có lẽ là người Do thái quyền lực nhất trong xứ Palestine. Ông là thầy tế lễ thượng phẩm đương nhiệm do Tổng đốc Quirinius chỉ định cách đây 25 năm. Trong suốt thời hạn nầy, Toà Công Luận có ít người hơn hội đồng luật pháp của riêng ông nữa là. Cho dù ông đã bị hạ bệ hơn 15 năm qua, ông hãy còn cai quản nhà hội và dòng thầy tế lễ. Luôn luôn có một sự vận động đặng làm theo ý muốn của ông. Ông đạt tới sự thành công khi chuyển chức vụ của mình sang cho con trai là Eleazer, để phục vụ trong vai trò thầy tế lễ thượng phẩm. Và sau đó, ông đã lo làm những việc để tôi nhận lấy tước hiệu. Và các mục đích của ông không kết thúc với tôi đâu. Vẫn có bốn người con trai khác và một người cháu nội nối theo sau.
Cha tôi là một nhân vật quyền thế. Tôi không nghi ngại chi khi thấy mỗi người con đều ăn ý với sự phục vụ trong vai trò thầy tế lễ thượng phẩm. Cha tôi muốn như thế. Và bây giờ, mặc dù Anne đang nắm quyền, tôi đang có chức vụ. Tôi làm nhiều việc mà ông muốn tôi phải lo làm, và ông chắc mẫm tôi biết rõ mọi điều mà ông muốn làm.
Vì vậy quí vị thấy đấy, các sự cố trong buổi tối hôm ấy không hoàn toàn là việc làm của tôi. Một đoàn dân đông đổ xô vào sân nhà của chúng tôi, kéo theo một tội phạm bị xiềng xích. Trước tiên họ đưa ông ta đến gặp cha vợ tôi. Tôi thường là người thứ hai. Khi nào có một sự tranh cãi để cho thầy tế lễ cả quyết định, vấn đề sẽ được mang tới tôi cứu xét, nhưng chỉ sau khi Anne đã nghe xong vấn đề đó.
Trời tối rồi, khoảng nửa đêm hay muộn hơn. Tôi đã lên giường ngủ rồi. Rõ ràng là Anne vẫn còn thức. Ông ấy đã phỏng vấn tên tội phạm trong khi tôi mặc quần áo. Tôi đi xuống sảnh đường và giơ tay chào các thầy tế lễ. Ngay khi ấy một số trưởng lão của thành phố và nhiều thành viên của Toà Công Luận vừa đến nơi. Người bị bắt dẫn theo đám đông là Giêxu người Nazarét.
Họ đệ trình lời tố giác của họ. Ông ta là một kẻ phạm thượng và trường hợp của ông ta phải được định ngay tức thì. Phạm thượng. Một sự xúc phạm. Tôi phải nói cho quí vị biết, tôi chẳng thích thú gì lắm về công việc nầy, nhưng tôi đưa mắt tìm cha tôi. Kìa, ông ấy kia!
Tôi mau mau triệu tập một buổi nhóm của Toà Công Luận, có nhiều người đến đây rồi. Chúng tôi cũng đã nghe làm chứng. Nói thẳng ra, không có chúng cớ gì nhiều. Cuộc trao đổi sơ bộ với Anne chẳng đem lại một điều gì chúng tôi có thể tận dụng được. Rõ ràng là chúng tôi còn cần nhiều chứng cớ hơn nữa nếu chúng tôi muốn kết án cho nhanh. Tôi không thích nghe một trường hợp tử hình mà chẳng có đủ toà công luận.
Vì thế tôi đã cho hoãn toà công luận lại để chúng tôi có thể thẩm tra thêm khi có thêm nhiều người có mặt tại đó. Tôi ra lịnh cho các quan chức đưa Giêxu xuống nhà ngục ở cái tháp thấp nhất trong ngôi nhà của tôi, rồi xích ông ta lại ở đó, đàng sau các chấn song, cho tới chừng chứng cớ đã thu thập xong và cả toà công luận cũng có đủ mặt. Tôi không biết phải làm chi khác nữa với ông ta.
Vào buổi sáng ngay trước lúc bình minh, chúng tôi tái nhóm lại. Hầu hết các thành viên Toà Công Luận đều có mặt, cùng với trưởng lão của dân sự, cả thầy tế lễ lẫn các thầy thông giáo. Và cũng có một số nhân chứng, những người tự xưng đã nghe Giêxu thốt ra những lời lẽ phạm thượng. Nhưng mấy người làm chứng không nhất trí. Không có hai câu chuyện khớp nhau nhiều việc đâu. Nếu chúng tôi không thể thu thập được một số bằng chứng thực sự, chúng tôi phải gạt bỏ vụ án.
Sau cùng, một thành viên của Toà Công Luận đến hỏi ông ta trực tiếp: "Nếu ngươi là Đấng Christ, hãy nói cho chúng ta biết đi”.
Sự việc là thế đấy. Có thể tên tù nầy sẽ cung ứng bằng chứng của riêng mình. Nhưng phản ứng của ông ta không thẳng thừng. Ông ta nói: "Nếu ta nói cho các ngươi biết, các ngươi sẽ không tin ta”. Kế đó ông ta nói đôi điều về Con Người sẽ ngồi bên tay hữu quyền phép của Đức Chúa Trời. Điều đó đã chọc tức toà công luận. Một người trong số họ đã hỏi: "Vậy thì ông là Con Đức Chúa Trời chăng?" Đối với câu hỏi nầy, lời đáp của ông ta là trực tiếp: "Ta là Đấng ấy".
Căn phòng dậy lên tiếng bàn bạc. Nhiều giọng nói vang dội: "Hắn phạm thượng! Đồ phản nghịch! Đồ tà giáo!" Toà Công Luận đã rơi vào chỗ hỗn loạn. Thế nhưng ông ta vẫn giữ im lặng.
Tất nhiên mọi sự đều là sai lầm hết! Chúng ta sẽ xoay sở tình thế nầy bằng cách nào đây? Đây không phải là xét xử đâu! Ở chỗ thứ nhất, luật pháp của chúng ta không cho phép một cuộc xét xử sẽ được tổ chức vào ban đêm, và chúng tôi đã đứng gần như suốt cả đêm. Và kế đó chúng tôi có con người ở trước mặt chúng tôi chỉ vì một món hối lộ đã được chuyển cho một trong số các môn đồ của ông ta. Hơn nữa, người ta yêu cầu chúng tôi đưa chính ông ta ra toà. Như thế rất tiện theo luật pháp của chúng tôi. Và tôi đã có mặt ở đó, để kết án tử hình, dù luật pháp chúng tôi không cho phép một vụ án được công bố ra cho tới chừng ngay sau đó. Chúng ta đang suy nghĩ gì thế?
Tôi có câu chuyện mà quí vị chẳng ai mong nghe tới. Tôi cảm thấy ánh mắt của cha tôi đang nhìn chằm chặp vào tôi. Trong lý trí tôi, tôi mong mình có một cơ hội để bước ra khỏi cái bóng của ông, để lên tới một trình độ cao hơn về sự công bình và nắm bắt trường hợp nầy. Nhưng đã có Anne. Ý định của ông ta sẽ giáng trên tôi giống như mặt trời nóng nực mùa hè vậy. Thực sự tôi chẳng có một sự lựa chọn nào hết, một phải theo ý đồ của ông và làm đẹp lòng thầy tế lễ cả. Tôi biết mình phải làm gì rồi, mà tôi cũng đã biết tôi phải làm gì.
Tôi là một trong 12 giọng nói của Lễ Phục Sinh. Giọng xét đoán là giọng của tôi. Chính giọng nói của tôi đã tuyên bố người Nazarét vô tội kia mắc phải tội phạm thượng. Tôi phải làm gì đây? Bộ quí vị không hiểu quyền lực của gia đình tôi sao? Hoặc quí vị không hiểu tầm quan trọng của chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm sao? Tôi không phải là một con rối. Tôi là một người con biết vâng lời. Trong căn phòng đó vào buổi sáng, có một con người đơn sơ tự mình phục theo ý chỉ của cha mình. Chuyện là thế đấy!
5./ PHILÁT: GIỌNG THOÁI THÁC
Mathiơ 27.11-26
Đây không phải là đời sống mà tôi mong muốn đâu! Tôi là một công dân La mã; gia đình tôi rất giàu có. Tên tuổi của tôi được nhiều người kính trọng. Suốt những năm tháng trưởng thành, tôi đã nhắm vào quyền lực tinh túy nhất của Roma. Tôi tự khẳng định mình để nhận lãnh sự chỉ định từ lòng tin cậy của Caesar. Vinh quang của tôi là làm theo mạng lịnh của ông ta, là một phần của đế quốc rộng lớn nhất mà thế giới đã từng biết qua. Các vì vua và các đế quốc rồi qua đi, nhưng Rôma thì đang tồn tại. Vinh quang của tiếng tăm tôi – là phục vụ cho Caesar.
Nhưng Hoàng đế đã phái tôi tới đây, đến xứ Giuđê. Có vinh quang hay thế lực gì trong việc thống trị thứ sắc dân điên khùng nầy không? Người Do thái đang thần phục uy quyền của người La mã, nhưng họ không nằm trong tâm trí của người La mã. Tại Rôma, chúng ta tạo ra nguồn tri thức chung, hoà bình và thịnh vượng có trật tự. Thế nhưng giống dân nầy – họ rất quá quắc. Họ không biết điều, hay loạn nghịch, luôn khuấy động, lại cuồng tín nữa. Ở nơi họ, chẳng có một thứ gì đáng khen hay đáng ngưỡng mộ hết. Chẳng có một điều gì cao quý, chẳng có một điều gì hay ho. Rôma không cai trị ở đây, Rôma chỉ là người giữ trẻ hộ mà thôi.
Họ có những nhận thức tôn giáo rất khó hiểu. Họ ngoan cố lắm trong việc tuân giữ những lời truyền khẩu cổ xưa mà chẳng một ai có thể giải thích rõ ràng cho được, và lẽ tất nhiên, họ lại thù ghét tôi. Sự thù ghét đó không làm cho tôi phải âu lo. Nếu tôi được giống dân điên khùng nầy yêu mến, thì điều đó mới làm cho tôi phải lo lắng. Họ chẳng có một ý niệm nào về Rôma và đế quốc rộng lớn kia nữa.
Họ phải được dạy dỗ, nhưng họ không chịu tiếp thu. Tôi đã làm nhiều việc với mục tiêu làm cho họ giận dữ lên. Tôi đã lấy mọi tài sản trong đền thờ của họ để chi trả cho việc xây dựng một cống dẫn nước mà tôi đứng ra thiết kế. Lần khác tôi đã đem tiêu chuẩn của La mã vào trong thành Jerusalem tại đền thờ của họ. Tất cả những cái khiên bằng vàng có khắc những hình ảnh và danh hiệu của các vì thần của chúng ta. Họ đã kêu thét lên vì sự ô uế và sự báng bổ thánh thần. Họ làm cho sự nghiệp của tôi ở đây khốn khổ là ngần nào. Tôi cố bắt họ phải thần phục Rôma.
Trời vào xuân, và tôi đã hít thật sâu không khí biển đang thổi từ Địa Trung Hải vào tận cung điện tôi ở Caesarea. Nhưng mùa xuân luôn luôn bị kỳ lễ Vượt Qua cướp mất. Tôi mong người Do thái không tạo ra một điều chi rắc rối trong khi kỳ lễ được tổ chức. Có lẽ mùa xuân nầy sẽ rất khác với các mùa xuân khác. Đấy là những gì tôi kỳ vọng.
Tôi đi lên thành Jerusalem, song tôi lại thấy sự rối rắm như ở gần một bên. Quí vị thấy đấy, kỳ lễ của họ tưởng niệm một sự giải cứu trong phần lịch sử xa xưa của họ, và dân tộc họ vẫn ngấm ngầm mong một đấng cứu tinh sống ngoài sa mạc, là đấng sẽ thắng hơn đế quốc La mã. Sự khôn ngoan đòi hỏi một con mắt biết quan sát các mùa lễ khi tinh thần dân tộc dâng cao.
Tôi thức dậy thật sớm vào buổi sáng, ngay sau khi mặt trời mới mọc, do tiếng ồn của Toà công luận, là nhà hội của họ, các thầy tế lễ thượng phẩm cùng các trưởng lão, và một đám đông giận dữ đến đứng ngay cổng cung điện tôi. Tôi nhận ra ngay tinh thần của họ, rất nguy hiểm và khó lay chuyển. Họ đang cố gắng xin hành hình một tên nào đó. Tôi phải đùa với thời gian và cố làm cho tinh thần họ nguội xuống, trước khi chúng tôi định liệu sự việc.
Cánh cổng mở ra và họ ùa hết vào trong sân. Từ chỗ đứng tôi đi chầm chậm xuống. Lúc ấy rất cần phải bình tỉnh. Khử nạn nhân của họ là điều rất dễ dàng. Hắn đứng ngoài kia, làm mục tiêu cho họ, làm đối tượng cho cơn giận dữ của họ. Nhiều người đang đứng vây quanh hắn. Tôi hỏi cấp lãnh đạo của họ: Họ cần cái gì? Ông ta nói người nầy đang làm cho dân Do thái phải lầm lẫn, người nầy bảo họ đừng nộp thuế cho Caesar và xưng nhận mình chính là Đấng Mêsi của họ.
Thật là mỉa mai cho những người Do thái nầy khi nghe nói như vậy, họ vốn thù ghét không chịu nộp thuế cho Rôma, họ đang kết án một kẻ nằm trong số họ với lời nói nghịch lại các thứ thuế của người La mã. Chắc chắn mối bất bình thực của họ đều có khắp mọi nơi. Phải, hắn ta đang ra sức quyên góp tiền bạc để làm của riêng nếu hắn tự nghĩ mình là Vua Mêsi của họ. Tôi có hỏi trực tiếp hắn: “Có phải ngươi thực là Vua dân Do thái không?” Tôi muốn mọi người đều nghe thấy sự châm chọc trong lời nói của tôi. Đây là bản án rất lố bịch; Giêxu ở Nazarét nầy, là Vua của người Do thái.
Toà Công Luận cùng các thầy tế lễ thượng phẩm đều mù quáng hết trước sự dại dột của họ. Tôi có thể nói người nầy đã phạm vào tội ác nghiêm trọng và tôi cũng đã nói với những người Do thái nhận lấy đất đai như thế. Không, họ khẳng định, Giêxu đã khiến cho bình an ở khắp mọi nơi, từ xứ Galilê cho tới thành Jerusalem.
Tôi hỏi: “Có phải hắn ta là người xứ Galilê không?” Tôi đã nhìn thấy một cơ hội khiến cho họ phải nghĩ khác đi. Galilê ở dưới quyền tài phán của Herod Antipas, vua nầy vừa mới đến tham quan thành Jerusalem. Hêrốt biết rất tỉ mỉ, nên chăng họ cứ đến gặp ông ta. Ông ta không có đủ thẩm quyền, nhưng ông ta là người thuộc giai cấp quý tộc, và Rôma sử dụng hạng người như ông ta trong những lúc có cần.
Tôi sai nhóm người cuồng giận nầy đến với Hêrốt. Và tôi cũng sai một quan phụ tá đi theo để quan sát, rồi thông báo lại cho tôi những gì cần biết. Tôi rất sung sướng khi thoát khỏi nan đề trong khi tạo ra nan đề cho Antipas thân mến kia!
Nhưng trước khi họ quay trở lại. Dường như Hêrốt, đã rút tỉa được từ sự khôn khéo sâu sắc và sự luyện tập đầu óc chính trị sắc sảo của mình, đã chế giễu Giêxu và đã mắng nhiếc hắn, Hêrốt đòi Giêxu phải làm ra nhiều phép lạ. Khi tên tội phạm không chịu làm, Hêrốt đã chán ngắt môn thể thao của mình. Vì thế ông ta đã khoác cho Giêxu bằng một chiếc áo xống rực rỡ rồi gửi hắn trở lại toà xét đoán của tôi.
Tôi phải nói chiếc áo xống kia Giêxu mặc trông đẹp hơn Hêrốt mặc nhiều lắm. Thực vậy, Vua của người Do thái. Một lần nữa, các thầy tế lễ thượng phẩm và các quan cai trị của dân sự đã đòi mở toà xét xử. Thái độ thù hận của họ đối với người nầy không hề nguội lạnh chút nào.
Một lần nữa, tôi đã làm những gì tôi có thể để dứt bỏ vụ việc nầy của họ. Tôi đã xét xử lại tên tội phạm nầy. Quí vị biết đó, sự việc chẳng dễ dàng chút nào cả, việc xét xử nầy đấy! Luật pháp không luôn luôn thoả đáng với trường hợp. Chẳng có gì hay ho trong việc xử lý với Giêxu tại toà án cả. Tôi cũng nhận thức rõ về mọi thất bại của mình nữa. Vậy thì họ nói sao? "Một tội phạm vô tội kết án một quan toà phạm tội”. Phải, tôi mong đây không phải là lần cuối cùng.
Vợ tôi đã can thiệp vào, làm cho vấn đề thêm phần rắc rối. Nàng đã mời tôi ra gặp cách khẩn cấp. Nàng đã làm cho tôi phải e sợ. Trông nàng giống như sắp chết vậy. Nàng nói nàng đã có chiêm bao về người nầy rồi bảo tôi không được làm một điều gì động đến người đó. Nàng lấy làm kinh khiếp. Tôi xưng nhận, điều nầy làm cho tôi phải tức giận. Nhưng một người không thể bỏ đế quốc mà chạy đi vì những giấc chiêm bao hay hiện thấy cả.
Tôi không muốn xử trí gì nữa hết. Tôi bảo họ tôi chẳng thấy lỗi lầm gì nơi tên tội phạm nầy. "Hắn không phải là một mối đe doạ cho Rôma". Họ nói: “Ồ, không phải chỉ là thuế má thôi đâu, Giêxu còn phạm vào một số điều khoản trong luật tôn giáo của họ nữa”. Tôi đáp: “Thôi được rồi. Hãy đưa hắn sang toà công luận của các ngươi. Đừng đưa luật tôn giáo của người Do thái vào trong toà án của người La mã”. Họ nổi giận dữ lên. Họ nói luật của họ buộc phải kết án tử hình.
Tôi phải sử dụng đến chiến thuật nghi binh. Hêrốt đã không ngồi xử án. Toà Công Luận của họ không xét xử vụ án. Tôi đã lãng tránh hai lần rồi, thế nhưng có một số việc cứ thừ ra đấy.
Tôi không nghĩ họ thực sự khăng khăng nhắm vào việc đóng đinh trên cây thập tự. Rôma đóng đinh người Do thái để quyết chắc mọi người đều hiểu rõ ai đang cầm quyền cai trị thế giới. Người Do thái không được phép đóng đinh một người Do thái. Từng cây thập tự nhắc cho họ nhớ tới một vị vua mà họ không mong muốn và không thể đánh bại được. Tôi chỉ cần giúp cho họ một lối thoát. Tôi biết chắc họ sẽ rút lui. Vì thế tôi đưa ra một thoả hiệp.
Tôi đã theo thông lệ thả một tên tù mỗi năm vào lúc nầy. Tôi đã làm như vậy để bày tỏ ra lòng tử tế và ý tốt của người La mã. Tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ phóng thích Giêxu cho họ là tên tù phạm đó.
Các thầy tế lễ thượng phẩm chẳng chịu như thế. Đoàn dân đông kêu la xin tha cho Baraba, một tên bẩn thỉu, được tha thay vì là Giêxu. Tôi không thể tin vào lỗ tai của mình nữa. Họ thù ghét người Nazarét nầy dường bao! Tôi không còn thoái thác được nữa. Tôi đã tha Baraba. Và tôi vẫn phải xử lý với Giêxu.
Suy nghĩ kế đó của tôi là Giêxu kia phải bị trừng phạt. Có lẽ một ít máu sẽ làm cho họ thoả lòng chăng!?! Binh lính La mã sử dụng một cây roi kết bằng nhiều sợi dây da với những mãnh chì hay đồng có mũi nhọn ở đầu. Họ lột trần lưng Giêxu ra. Trong một khoảng thời gian ngắn da thịt của Giêxu hằn lên nhiều vết roi, những đường gân và mạch máu nổi lên. Tôi giao Giêxu cho đám dân đông. Chắc chắn huyết của Giêxu sẽ làm thoả cơn khát của họ.
Nhưng tôi lại sai lầm rồi. Họ đã thét gào đòi Giêxu phải chịu chết. Lần thứ ba tôi bảo họ hắn vô tội. Nhưng đám đông ấy bắt đầu la hét lên: "Đóng đinh hắn trên cây thập tự, Đóng đinh hắn trên cây thập tự!" Họ sẽ được thoả lòng với không một điều gì khác hơn là sự hành quyết Giêxu. Không còn một chỗ nào để thoái thác cả.
Sau cùng, tôi nhận ra rằng phương thức duy nhất cần phải làm với nan đề nầy là giao Giêxu cho đám dân đông. Tôi bảo người nhà đem cho tôi một cái chậu rồi rửa tay mình về tội hay sự vô tội của Giêxu cho ai nấy đều xem thấy. Kế đó, tôi giao Giêxu cho đám dân đông. Giêxu đã bị họ đóng đinh trên cây thập tự.
Tôi không thể làm chi để lái sự việc theo hướng khác được nữa. Nan đề Giêxu luôn quay trở lại với tôi. Đây là một việc chẳng có gì phải tự hào hết. Cũng không phải là cách thức phục vụ cho Caesar nữa. Nhưng tôi không nhìn thấy mình có thể làm chi khác hơn. Tôi đoán, chỉ hên xui thôi. Tôi tự yên ủi lòng với tư tưởng “ít có ai biết rõ vấn nạn nầy”; một việc nhỏ của một dân điên khùng ở một tỉnh thành tù túng mà thôi. Tiếng tăm của tôi, khi nhớ lại, sẽ được nhớ với vinh quang và vinh dự của Caesar, người đang thống trị cả đất, và Rôma, đế quốc sẽ còn mãi cho đến đời đời. Giọng nói của tôi, một giọng thoái thác, sẽ ngày càng thầm lặng hơn, nhưng tiếng tăm của tôi sẽ được ghi nhớ trong danh dự, và không phải vì một con người bất hạnh nào đó đã chịu khổ dưới tay Bôntu Philát.
6./ ĐOÀN DÂN ĐÔNG: GIỌNG CĂM HỜN
Mathiơ 27.15-26
Jerusalem là thủ phủ, thành phố chính trong xứ của chúng tôi. Thành phố nầy tràn ngập dân chúng vào bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng đặc biệt là vào các kỳ lễ. Người Do thái từ khắp mọi nơi đổ về Jerusalem để giữ các kỳ lễ nhất định. Thành phố của chúng tôi đầy dẫy với nhiều đoàn dân đông. Và không phải mất nhiều thì giờ để biến một đoàn dân đông thành một đám đông hỗn tạp. Một đám đông là một số người tụ tập lại gắn bó với nhau bằng tình yêu thương. Còn đám đông hỗn tạp là số người tụ tập lại với lòng thù hận. Tôi có mặt trong một hay hai đám đông hỗn tạp. Tôi đã có mặt ở đó khi đám đông hỗn tạp cất lên giọng thù hận của nó.
Thành phố đầy ắp với người Do thái, họ về đây đặng giữ Lễ Vượt Qua. Tôi đã có mặt trên đường phố hơi trễ trong đêm lễ, khi ấy tôi có nhìn thấy một tốp thầy tế lễ cùng các thuộc viên của Toà Công Luận đang trên đường hướng tới đồn Antonio của người La mã. Họ đi ngang qua chúng tôi với một tư thế thật là vội vã. Một số dân chúng bươn theo ở đàng sau, có vẻ tò mò và phấn khích lắm. Có việc gì lớn đây rồi!
Tôi mau chân tìm hiểu xem họ nói gì, không lâu sau đó tôi mới hay rằng sắp có một sự bắt bớ, và một cuộc thử thách. Có ai đó sắp phải chết.
Chúng tôi dừng lại bên cổng thành rồi đợi cho tới lúc các thầy tế lễ đều vào hết trong đồn. Một số lính gát đền thờ đã có mặt ở đây. Những người cầm đuốc và gậy gộc xuất hiện, họ đi xuyên qua đám đông. Một đám đông kéo theo một đám đông, quí vị biết đấy, và không lâu sau đó, đã có những nhóm người trong chúng tôi, nhiệt thành, năng nổ, trông ngóng.
Các thầy tế lễ đi xuyên qua cổng đồn cùng với một tốp lính rồi dẫn chúng tôi ra khỏi thành về phía đông. Những ngọn đuốc của chúng tôi chiếu một ít ánh sáng vào bóng tối đen kịt kia. Chúng tôi bị luồng gió lạnh tối tăm nuốt chửng, và sự phấn khích vội vã, có người vấp ngã. Chúng tôi đến một ngôi vườn rồi nhìn thấy người mà họ cần bắt.
Tôi cảm thấy kỳ kỳ. Tôi nghĩ với số lính tráng và đoàn dân hỗn tạp nầy, chúng tôi sẽ có mặt ở đó để làm cho những kẻ tội phạm phải kinh ngạc. Tôi đã sẵn sàng để chiến đấu. Thế nhưng họ truy đuổi một người, người nầy trông hoàn toàn tầm thường quá. Chắc hắn là một rabi, là người đã cầu nguyện ở đó, trong vườn cùng với môn đệ của mình.
Hắn ta bước tới gần chúng tôi với một cái chào bình an. Kế đó hắn bước tới gần tôi, chỉ tay và nói hắn là Giêxu người Nazarét. Tôi nhận ra danh xưng đó. Hắn ta đã gây ra một số rắc rối trong đền thờ và các cấp lãnh đạo tôn giáo đều quyết định làm cho hắn phải im lặng.
Giêxu bị vây lấy rồi bị kéo lôi từ ngôi vườn trở vào thành, đến cung điện của thầy tế lễ thượng phẩm. Một vài người trong chúng tôi bước vào trong sân nhà của Caiphe. Chúng tôi nhóm lại quanh ngọn lửa, trao đổi những ước đoán về điều chi sẽ xảy ra cho tên tội phạm ở trong kia.
Khi đêm xuống, tôi tìm một góc nằm nhìn ngọn lửa. Tôi đã ngủ gà ngủ gật. Thình lình, tôi bật tỉnh giấc. Tiếng ồn ào và sự lộn xộn, xô đẩy nhau. Chúng tôi đã có mặt trên đường. Chen lấn qua những con đường hẹp, người va vào các bức tường đá, chúng tôi đang hướng về đồn một lần nữa.
Chúng tôi dừng lại ở bên ngoài sảnh đường xét xử của quan Tổng đốc và hô to lên đòi gặp Philát. Toà Công Luận đã xét đoán Giêxu về tội phạm thượng. Họ muốn có một cuộc hành hình. Chúng tôi phải biết chắc quan Tổng đốc có chịu ký vào án tử hình hay không thôi!?! Giêxu đến đứng trước mặt quan Tổng đốc, bị đánh đòn và người đầy máu. Nhưng Philát đã thấy khó xử. Điều nầy làm sôi cơn giận dữ của chúng tôi lên.
Philát đã thách thức chúng tôi. "Ta không tìm thấy người nầy có tội gì. Các ngươi muốn ta làm chi cho người?" Các thầy tế lễ thượng phẩm bắt nhịp: "Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự! Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự!" Chúng tôi mau chóng nhập vào việc nầy ngay. Có lẽ quí vị chưa bao giờ biết chất chứa sự căm hờn. Căm hờn có một sức mạnh mà chẳng có một quyền lực nào có thể kháng cự lại. Tôi đã gào lên với nhiều người khác: "Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự! Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự!Hãy giết hắn đi! Hắn đáng phải chết". Hết thảy mọi điều nầy dành cho một con người mà tôi chưa hề quen biết.
Philát bảo mấy tên lính La mã đánh đòn hắn. Khi Philát đem hắn đến trước mặt chúng tôi và chỉ cho chúng tôi thấy kết quả, chúng tôi đã lao vào cơn điên cuồng mù quáng. Tôi có thể nhìn thấy Philát đã rúng động. Hắn là của chúng tôi.
Philát đã giao Giêxu cho chúng tôi, hắn phải vác cây thập tự ra khỏi thành đến tại đồi Gôgôtha. Những đoàn dân đông kéo thành hàng dài trên đường phố, chế giễu và nhạo báng. Từng cảm xúc căm hờn và khinh khi bất cứ ai có đều sỉ nhổ trên con người đó. Hắn phải đổ máu. Hắn vấp ngã. Hắn té xuống. Sau cùng, thầy đội La mã ra lịnh cho người kia vừa về tới xứ, đến gần vác lấy thập tự giá cho hắn ta. Suốt đường đi, chúng tôi đã rủa sả và mắng nhiếc nghịch lại Giêxu nầy.
Sau cùng, chúng tôi cũng ra đến đường đi qua cánh cổng của thành phố rồi tới nơi mà người La mã gọi là đồi Gôgôtha, các tội phạm đều bị đóng đinh trên cây thập tự ở đó, họ bị treo trên thập tự giá cắm trên đất rồi bị bỏ lại cho đến chết. Mấy tên lính La mã đã đóng đinh hắn xong, họ dựng cây thập tự đứng thẳng lên, cắm ngay vào lỗ đã đào sẵn trên mặt đất. Quí vị có thể nghe thấy tiếng rên rỉ của người Nazarét khi gánh nặng cơ thể hắn kéo ngược lại mấy mũi đinh nơi tay và chân của hắn.
Đoàn dân đông hỗn tạp đứng dọc theo sườn đồi quan sát. Đa số là những con người giống như tôi, họ đang rủa sả con người đang bị treo trên thập tự giá. Hắn đã tự xưng mình là Đấng Cứu Thế. Chúng tôi đã mắng nhiếc hắn, yêu cầu hắn tuột xuống khỏi cây thập tự và tự cứu lấy mình đi.
Nhưng cũng có mấy người đờn bà đứng ở đó nữa, họ đang đấm ngực và than khóc cho hắn. Quí vị có thể nói từ nỗi thống khổ trong những tiếng kêu la của họ, một số người là môn đệ của hắn. Nhưng những tiếng mắng nhiếc của chúng tôi đã át hẳn giọng nói của họ.
Các cấp lãnh đạo tôn giáo Do thái đều có mặt tại đó, họ đang chế giễu hắn. Mấy tên lính La mã đã chế nhạo hắn. Chúng tôi muốn hắn phải chết mất. Chúng tôi lấy làm thích thú trước nỗi đau khổ của hắn. Có một việc kỳ lạ là, khi quan sát một người đang chết. Một sự kinh khủng hấp dẫn lắm. Chẳng có một vẻ nghiêm trang gì trên thập tự giá hết, khi bị treo ở trước quần chúng. Đoàn dân đông tan dần đi, và tôi chỉ là một con người, đang ngắm xem một người khác chết. Người hắn toàn là máu và mồ hôi.
Hai người kia thì thào, rủa sả, và xin sự thương xót, còn người nầy thì khác hẳn. Hắn đã nói từ trên cây thập tự, nhưng không nói trong cơn giận dữ, cũng không nói năng trong nỗi cay đắng. Hắn đã nói với sự thương xót dành cho một trong hai tên cướp đang bị treo kề bên hắn. Hắn nói với một người đờn bà mà tôi đoán là mẹ của hắn. Có lời nói cho một người nữa cùng với bà ấy. Có những lời xin xỏ với mấy tên lính. Rồi khi hắn bị treo ở đó gần chết, hắn ngửa mặt lên trời mà nói. Tôi có nghe hắn gọi Cha của hắn tha thứ cho chúng tôi, là những người đứng chung với đám đông. Nhưng sao kỳ vậy, sao hắn lại cầu nguyện cho chúng tôi được tha thứ sau những gì chúng tôi đã làm cho hắn cà? Sao hắn lại lấy tình yêu thương mà đáp trả với sự căm hờn của chúng tôi vậy?
Phải, tôi đã có mặt trong đám đông ấy. Một phần của đoàn dân đông giận dữ đó. Chúng tôi đã cất cao tiếng kêu gào của mình trong sự căm hờn. Nhưng con người trên thập tự giá kia đã đáp lại sự căm hờn của chúng tôi bằng tình yêu thương và sự tha thứ. Tôi không hiểu nỗi. Hắn đã không sống lâu đủ để ghi nhớ giọng kêu gào của tôi, nhưng tôi còn sống bao lâu, tôi không bao giờ quên được lời lẽ của hắn.
7./ TÊN CƯỚP: GIỌNG ĐỨC TIN
(Mathiơ 27.27-44)
Tôi chẳng còn bao nhiêu thì giờ nữa. Hơi thở đến thật là khó nhọc. Cái chết gần kề rồi, tôi mong như thế. Không một người nào quen biết tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy đời tôi kết thúc như thế nầy, trên một cây thập tự của người La mã. Tôi đã cướp bóc, lừa đảo, và trộm cắp cả cuộc đời mình. Ngay từ khi tôi còn nhỏ, tôi đã chạy băng qua khu chợ, chôm chỉa trái cây từ mấy người bán dạo. Trong khi những đứa trẻ khác ngồi học trong các nhà hội, chúng học nghề buôn bán, tôi đã trở thành một tên trộm cướp thành nghề. Tôi sẽ cướp của bất cứ ai, bất cứ lúc nào, bất kỳ chỗ nào.
Tôi không hề biết mặt cha tôi. Tôi ao ước tôi không bao giờ nhận biết mẹ tôi. Từ lâu tôi đã học biết không tin cậy một ai hết. Không một người nào lưu ý đến tôi. Nếu tôi không ăn cắp, tôi sẽ chẳng có một thứ gì. Thậm chí tôi đã ăn cắp của mấy tên lính La mã nữa. Tôi có thể lấy bất cứ thứ gì rồi bỏ đi với thứ đó. Còn người La mã, họ xấu lắm. Tôi luôn thù ghét họ. Mọi người khác cũng xấu nữa. Tôi căm ghét mọi người. Tôi sẽ chẳng tin cậy một ai.
Tôi tin mình sẽ không bao giờ bị bắt. Ý tôi muốn nói, tôi đã bị bắt trước đây rồi, nhưng họ không tìm thấy một thứ gì cả. Tôi tin họ không bao giờ tìm thấy được. Tôi đã lầm. Tôi đang bị treo ở đây, bị kết án tử hình phải chết trên thập tự giá nầy. Một tấm bảng dán trên đầu tôi tuyên bố tội lỗi của tôi cho hết thảy những ai đi ngang qua đều nhìn thấy: "Tên trộm thành Elirab hay Jerusalem".
Hai người khác cũng bị treo ở đây cùng với tôi. Matthan, một tên cướp giống như tôi. Tôi đã gặp hắn trong một vài vụ. Tôi thích đánh cướp dưới bầu trời tăm tối; còn Matthan hắn có thể lừa quí vị trong lúc ban ngày.
Người ở chính giữa thì tôi chưa hề biết. Ông ta là Giêxu. Có người đã gọi ông là Đấng Mêsi. Nhiều người khác gọi ông ta là một thầy phù thủy. Ông ta đã làm cho người ta sống lại từ kẻ chết. Các thầy tế lễ dường như thù ghét ông ta, đúng như thế. Ông ta đã tạo ra một số rắc rối trong đền thờ. Tôi quen với mấy người đổi bạc mà ông ta đã đuổi ra.
Thế nhưng không biết ông ta mắc tội gì? Thầy đội La mã đã gắn một tấm bảng trên cây thập tự của ông ta, có ghi mấy hàng chữ: "Giêxu người Nazarét, Vua của người Do thái". Lúc bấy giờ, làm vua là một tội phạm đấy thôi!
Tôi sắp chết. Có người đã chết ở trên giường, vây chung quanh là những người yêu mến họ, họ kéo tấm chăn phủ người chết lại để yên ủi, để làm nguôi đi nổi buồn đau. Cách đây một thời gian dài, tôi đã hình dung chẳng có một người nào ở bên cạnh khi giờ của tôi đến, để nói ra lời yên ủi hoặc làm lắng dịu mọi nổi lo sợ của tôi đi. Người ta khi bị đóng đinh trên thập tự giá không có một lời yên ủi nào hết. Ở đó chỉ có chế giễu và khinh miệt. Họ chửi rửa, nhiếc móc, sỉ nhục. Sự ấy biến chúng tôi thành một tấm gương. Tôi nhận ra mình rất sợ chết. Không một người nào xuống khỏi thập tự giá mà còn sống. Chắc là tôi cũng thế thôi, nhưng ít nhất tôi cũng biết chắc là như thế. Tôi không biết điều chi sẽ xảy ra cho mình khi tôi tắt thở.
Ngày mai là ngày sabát, vì thế trưa hôm nay họ sẽ đánh gãy ống chân tôi và tôi sẽ không có khả năng để thở nữa. Tôi nghĩ: "Mình sẽ chết. Mình không muốn chết. Mình sợ lắm!" Khi ấy tôi nghĩ có lẽ Giêxu là một vị tiên tri. Có lẽ ông ta sẽ làm ra một phép lạ. Có lẽ ông ta sẽ phán ra một lời và chúng tôi sẽ được một đạo quân của Đức Chúa Trời vây quanh giống như cụ Êli đời xưa vậy. Ngài sẽ giải cứu hết thảy chúng tôi. Trong một phút, tôi mong mỏi như thế! Nhưng Giêxu trông chẳng giống như lúc ông ta đang trong tình trạng cứu người ta. Mấy tên lính đã đánh đập hết thảy chúng tôi, trừ ra ông ta. Tôi chưa hề thấy việc gì giống như thế trước đây. Mấy tên lính nhiếc móc ông ta: "Hãy tự cứu lấy mình đi!" Các thầy tế lễ thượng phẩm mắng nhiếc ông ấy: "Hắn đã cứu nhiều người, song hắn không thể tự cứu mình được".
Tôi có thể nhìn thấy niềm hy vọng của mình thật là hư không. Tôi nghĩ thầm: "Nếu ông là Con Đức Chúa Trời, hãy xuống khỏi cây thập tự đi. Nguyện Đức Chúa Trời giải cứu ông ngay lúc nầy!" Matthan đã mắng ông ta cũng một cách thức ấy. Nhưng tôi chặn lại. Sao ông ta chẳng tỏ ra một cơn giận dữ nào hết vậy cà? Sao ông ta không rủa sả những kẻ đã rủa sả ông ta?
Thế rồi, khi Matthan cứ tiếp tục sỉ nhổ, tôi đã quở trách hắn: "Bộ ngươi chẳng sợ Đức Chúa Trời sao? Bộ ngươi không thấy chúng ta đáng bị hình phạt sao, còn người nầy đã làm gì sai đâu? Sao ngươi cứ tiếp tục mắng nhiếc ông ta hoài vậy?”
Rồi bóng tối tăm đến. Lúc giữa trưa mà giống như khi nửa đêm vậy. Thật là quái gở. Giêxu nầy còn hơn là một con người nữa. Ông ta phải là Đấng Mêsi. Giêxu sắp chết rồi. Ông ta sẽ đến cùng Đức Chúa Trời. Ông ta sẽ đi, và tôi sẽ chết một mình. Cuối cùng rồi ông ta sẽ bỏ tôi lại. Tôi không thể tưởng tượng được nữa.
Lấy hết sức lực mà tôi có thể, tôi xây sang phía ông ta rồi nói: "Lạy Chúa, xin nhớ đến tôi khi Ngài vào trong Nước của Ngài". Ngài là Vua của người Do thái. Tôi là một tên cướp, nhưng một vị vua có thể tha thứ cho tên cướp nếu Ngài muốn tha. Ngài phán: "Hôm nay ngươi sẽ ở với ta trong nơi paradise".
Có người chết ở trên giường, có những kẻ yêu mến người vây quanh, họ biết làm nguôi nỗi buồn đau rồi kéo chăn phủ mặt người chết để làm sự yên ủi. Nhưng không có ai chết cùng với Ngài bên cạnh Ngài, nói ra những lời yên ủi giống như vậy, hoặc làm giảm bớt nỗi lo sợ một cách trọn vẹn được.
Ngài đã chết cách đây vài phút. Mấy tên lính cũng không để ý. Trước đó, họ sẽ đến để đánh gãy xương chân tôi và tôi sẽ chết. Nhưng tôi tin những gì Chúa Giêxu đã nói. Tôi là giọng nói của đức tin. Và tôi tin Ngài đã vào trong paradise trước, rồi tôi sẽ vào đó với Ngài. Ngay chính lúc bây giờ đây!
8./ THẦY ĐỘI: GIỌNG KHẲNG ĐỊNH
Mathiơ 27.54
Tôi là thầy đội người La mã. Tôi đang phục vụ, không phải ở quê hương xứ sở của tôi, mà trong một xứ chỉ có đá và bọ cạp mà Đức Chúa Trời đã bỏ quên. Tôi có khoảng 100 người dưới quyền. Nhưng đừng quá ấn tượng nhé! Tôi chỉ giữ một chức vụ nhỏ trong quân đội La mã mà thôi. Tôi làm những gì người ta bảo tôi làm. Một người lính có bổn phận của mình. Làm lính không phải là một việc làm thú vị đâu, nhưng chúng tôi sẽ ở đâu nếu không có quân đội chứ? Hãy tự hỏi mình về câu hỏi đó! Gươm giáo của người La mã là nền tảng duy nhất cho hoà bình trên thế giới nầy. Có lẽ một ngày kia có ai đó sẽ điều khiển thế giới mà chẳng cần tới quân đội. Tôi muốn nhìn thấy bối cảnh ấy. Tôi không nói rằng tôi thích mọi sự mà tôi được lịnh phải lo làm. Nhưng bạn sẽ thích việc ấy đấy! Bạn đã mất đi mọi nhạy cảm trải qua nhiều năm tháng. Tôi nghĩ tôi rất khó chịu giống như bất kỳ người lính nào khác. Cho tới ngày đó.
Sự việc đã bắt đầu vào cái đêm trước khi cấp chỉ huy của tôi chuyển lịnh cho trại chúng tôi phải có mặt tại đồn Antonio. Người Do thái đã đến tại đồn, họ làm lộn xộn, ồn ào về kẻ phản nghịch mà họ muốn bắt giữ. Họ muốn binh lính La mã cùng đi với họ.
Không ai biết chắc thực sự họ muốn làm gì nữa! Bạn không làm sao biết được thứ cuồng tín điên khùng nào bạn phải đối đầu trong vùng đất bị rủa sả nầy. Đây là thời điểm dành cho kỳ lễ tưởng niệm sự giải cứu của họ, và không phải vận dụng nhiều đầu óc để tưởng tượng ra một "đấng cứu tinh" nào đó đang tạo ra một cuộc đánh úp Roma như một phần trong các kỳ lễ của họ.
Vì vậy tôi đem theo mấy trăm lính cùng đi với tôi. Chúng tôi đi về phía đông thành phố ngang qua trũng Kidron đến một vườn ôlive. Một nhóm người lạ đang tới đó, một người đưa tin có tên là Giuđa dẫn đầu, theo sát gót hắn là một nhóm thầy tế lễ cùng các cấp lãnh đạo tôn giáo, trông họ có vẻ tức giận lắm, một đám đông với gậy gộc và đuốc sáng. Họ có một số cảnh vệ đền thờ đi theo. Tôi lấy làm lạ: "Cái thứ tạo phản nào phải cần bắt bằng cả lính La mã và các thầy thông giáo Do thái, gậy gộc, đuốc đốt sáng kèm theo gươm giáo sắc bén của chúng tôi?"
Chúng tôi đến tại vườn Ôlive và tôi có cái nhìn đầu tiên vào kẻ tạo phản nầy. Chúng tôi đã đến với một bộ phận quân đội chỉ vì người nầy sao?
Giuđa đã hôn ông ta; đó là dấu hiệu. Thế rồi với cái vẫy tay, một làn sóng người tràn qua tôi ụp đến. Toàn bộ đội quân bị chấn động trong một phút hỗn loạn và loạng choạng ở phía sau; đã có những binh lính phủ khắp nơi trên đất. Nếu có một lực lượng chống đối trong vườn đêm hôm ấy, chúng tôi sẽ không làm chi được trước tình trạng lộn xộn như thế nầy.
Tôi hô lớn lịnh lạc và các toán quân của tôi tự che chắn lấy nhau. Người Nazarét đã bị bắt, rồi bị giải tới nhà thầy tế lễ cả thượng phẩm của người Do thái. Tôi cảm thấy có một đội tuần tra nhỏ gần đó nên dẫn những người khác quay trở về đồn. Nhưng đến đây vẫn chưa phải là kết thúc cuộc diện đâu!
Trời đã gần sáng khi người Do thái đưa tội nhân của họ đến tại sảnh đường xét xử của quan Tổng đốc, họ kêu la đòi gặp Philát. Người Do thái đã hoàn tất cuộc xét xử của họ và muốn quan Tổng đốc cho thực thi bản án.
Philát không phê chuẩn; đây là vấn đề của tôn giáo họ. Khi ấy họ đưa vấn đề vào các lãnh vực chính trị. Giêxu tự xưng mình là Vua của người Do thái. Họ đòi hỏi Philát kết án tử hình ông ta vì lý do chống lại Caesar.
Thật là dễ nhìn thấy nhân vật nầy không phải là mối đe doạ cho Rome. Quan Tổng đốc chẳng tin rằng Giêxu đã phạm vào bất kỳ một tội nào. Nhưng Philát muốn nhân nhượng người Do thái, vì vậy ông ta bảo tôi cho đánh đòn người Nazarét. Tôi đã gật đầu.
Lính của tôi đã dùng roi đánh ông ta, mở áo ông ta ra để cho mọi người nhìn thấy những vết thương sâu oắm, xé thịt cho tới lúc thành từng mãnh nhỏ -- đúng đấy, nếu bạn từng nhìn thấy một trận đòn của người La mã, bạn không cần tới lời lẽ của tôi đâu!
Nhưng đánh bằng roi là chưa đủ cho người Do thái. Họ kêu la phải đóng đinh ông ta trên cây thập tự. Philát sau cùng đã nhượng bộ. Giống như họ muốn thưởng thức một môn thể thao vậy. Trước tiên chúng tôi đưa ông ta vào trong đồn Praetorium rồi cho tập trung toàn bộ đơn vị lại. Họ đã chế giễu tù nhân vì ông ta đã nói ông ta là Vua của người Do thái. Một người trong số họ đã nhổ cả bụi gai bên cạnh bức tường rồi đương thành một chiếc vương miện.
Tôi đã trông thấy thứ mão nầy trước đây. Nhưng lần đầu tiên trong nhiều năm trời, tôi đã cau mày lại khi họ đặt chiếc mão ấy lên đầu của ông ta. Họ đã tát tai, khạc nhổ trên mặt, rồi rủa sả ông ta. Tôi biết chúng tôi đang làm việc phải lẽ và tôi đã đánh trận chống lại những cảm xúc mới xuất hiện ở trong lòng. Bạn phải cai trị với quyền lực và sự sợ hãi, hoặc bạn không thể cai trị. Ít nhất, đấy là những gì chúng tôi tiếp thu luôn luôn.
Tôi hướng dẫn chi tiết cuộc hành quyết ra đến ngọn đồi nằm ở bên ngoài thành phố. Giêxu phải vác lấy cây thập tự của ông ta, giống như tội phạm khác vậy. Chúng tôi đã đóng đinh ông ta trên cây thập tự cùng với hai người khác, họ đã bị kết án. Một trong số các thầy tế lễ thượng phẩm đã có mặt ở đó; một khán giả bất thường chứng kiến công việc đóng đinh trên thập tự giá.
Họ chưa chế giễu xong đâu. Họ còn nói: "Nếu người quả là hạng người mà ngươi tự xưng nhận, hãy tuột xuống khỏi thập tự giá đó đi và tự cứu lấy mình đi”. Lính của tôi cũng giễu cợt nữa. "Nếu ngươi là Vua dân Do thái, hãy tự cứu lấy mình đi".
Tôi cũng thường tham gia nữa. Nhưng tôi không thể. Người nầy không phải là tội phạm. Và ông ta không rên rỉ hay van nài giống như mấy người khác. Tôi chưa hề thấy người nào biết rõ cách phải chết cả. Không rủa sả, không giận dữ, không sợ hãi. Tôi muốn nói, mọi người đều không còn thần kinh hay sức phấn đấu hoặc rên rỉ. Điều đó là rất tự nhiên. Nhưng ông ta thì không phải vậy. Tôi không có ý nói ông ta không đau đớn đâu! Mọi người đều chịu đau đớn. Đấy mới đúng là phương thức mà ông ta đã nhận lãnh. Họ rủa sả hoặc họ kêu la. Họ phạm thượng đến thần thánh của họ. Tôi đã nhìn thấy những tên tội phạm cứng rắn nhất đã kinh khủng, khiếp đãm lắm. Bạn thấy ngay một người thực sự tin gì trên thập tự giá. Bạn thấy người ấy là ai chứ!?! Và người nầy rất khác biệt.
Cảm giác khang khác mà tôi đã có ở chỗ hành hình càng lớn mãi trong tôi, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mặc dù tôi đã được đào tạo để tin rằng đóng đinh trên thập tự giá là cách duy nhất để cai trị, đó là giải pháp sau cùng dành cho mọi tội ác của con người – nhưng khi quan sát ông ta trên thập tự giá đó – đây không phải là sự công bình của người La mã.
Lúc giữa trưa, bóng tối tăm hiện đến. Tôi không có ý nói mặt trời đã bị che tối đâu! Tôi muốn nói bóng tối tăm đen như mực kìa! Phần nhiều khán giả đã mất đi thần kinh của họ và đã bỏ ra về. Nhưng dĩ nhiên, một người lính dự phần hành quyết phải ở lại cho tới khi mấy tên tội phạm đã chết hẳn. Rõ ràng là chúng tôi không thể để cho bạn hữu của tù phạm đưa bạn mình xuống trước khi công việc hoàn tất.
Chúng tôi thường luân phiên nhau quan sát vì những kẻ mạnh sức có thể hai hay ba ngày sau mới chết hẳn. Nhưng khi nhiều giờ trôi qua, tôi có thể thấy người nầy thực sự đã chết rồi. Tôi đã đứng thật gần và nhìn ngắm. Ông ta đã ngước mặt lên trời rồi nói: "Lạy Cha, con xin giao linh hồn lại trong tay Cha". Rồi kế đó ông ta chết. Tôi muốn nói, ông ta đã chọn lấy giờ giấc. Sự chết đã không xảy đến với ông ta, không kéo lôi ông ta đi, không nắm giữ được ông ta. Giống như một người chọn lấy hành động kế đó của mình, chọn một phút để ngủ hay hát hoặc ăn, ông ta đã chết. Có ý đồ. Đúng y như thế đó. Không một người nào có loại quyền lực cao hơn sự chết đâu. Đây là một phép lạ. Tôi nghe lòng tôi nói: "Chắc thật đây là một người công bình".
Tôi đã có một cái nhìn khác kể từ đó. Tôi sẽ không bao giờ nhìn vào thập tự giá cùng một cách thức đó. Vùng đất mà Đức Chúa Trời đã bỏ quên nầy. Những người thánh và loài bọ cạp. Tôi không mong rằng một người trên thập tự giá có thể làm thay đổi tôi như thế. Đó là cách ông ta dãy chết. Tôi không phải là một người lính La mã cứng lòng như tôi từng như thế nữa. Tôi đã trông thấy sự chết của một nhân vật thực sự công bình. Giờ đây tôi sẽ yên nghỉ cho tới chừng tôi tìm đặng Ngài là ai!
9./ GIÔSÉP ARIMATHÊ: GIỌNG CAN ĐẢM
Mathiơ 27.57-60
Đôi lúc bạn không có việc gì để làm cả. Ít nhất là tôi đã cảm nhận như thế trong đêm hôm ấy. Đêm cuối cùng của tôi ở tại nhà hội. Tôi chưa hề thấy Toà Công Luận bị động với một cơn ám ảnh thật bực dọc như vậy bao giờ. Tôi lấy làm lạ không biết có ai đó là mục tiêu của họ, người nầy đã nói hay làm việc gì đó chống cự lại họ.
Chúng tôi được triệu tập với sự khẩn cấp tới nhà của Caiphe. Hoàn toàn là bất thường cho toà cấp cao của người Do thái. Ở bên trong là các quan án cùng những nhà làm luật của Israel. Ở ngoài sân là cảnh vệ của đền thờ và một đám dân đông. Rồi ở đàng kia trước mặt chúng tôi, có một người đứng ở đó mà tôi nhận ra ngay vì tôi biết người. Ấy là Jesus người Nazarét. Tôi đã tin rằng Ngài chính là Đấng Mêsi của Israel, là Đấng mà chúng tôi đã chờ đợi lâu nay.
Và còn hơn thế nữa. Tôi đã chứng kiến Ngài chữa lành cho kẻ đau và cho người đói ăn. Tôi đã nghe Ngài giảng dạy trong đền thờ. Ngài đã . . . phải, tôi càng nghe Ngài giảng dạy, tôi càng lấy làm lạ, tôi càng yêu mến Ngài thêm. Ngài phán Ngài đã đến để cứu những kẻ bị hư mất.
Tôi là một thành viên được kính trọng tại Toà Công Luận. Tôi đã giữ một chức vụ cao trong giáo quyền. Nhiều người khác trong Toà Công Luận đã chế giễu những lời xưng nhận của Ngài: "Hãy để cho hắn tìm kẻ bị hư mất rồi cứu họ nếu hắn có thể, chỉ cần hắn để cho chúng ta yên mà thôi! Chúng ta luôn luôn noi theo đường lối của Đức Chúa Trời!" Nhưng đấy không phải là mọi điều mà Chúa Giêxu muốn nói đâu! Ngài đã phán ra những lời lẽ của chính Đức Chúa Trời. Người nầy là Cứu Chúa đã được xức dầu vì cớ Israel.
Nhưng tôi không phải là một con người dũng cảm. Tôi chưa hề tỏ ra can đảm nhiều trong trận bão tranh luận bao giờ. Tôi đã đi theo Chúa Giêxu một cách kín nhiệm vì tôi vốn e sợ những người khác trong Toà Công Luận. Họ sẽ khi dễ đức tin của tôi, chế nhạo tôi, rồi gạt tôi ra khỏi nhà hội. Rồi điều chi sẽ xảy đến cho một người ở tuổi của tôi? Sẽ chẳng còn gì cho tôi khi quay về lại Arimathê sau nhiều năm tháng phục vụ ở đó. Vì vậy cho dù tôi tin rằng Jesus người Nazarét là Đấng Mêsi, là Cứu Chúa của Israel, tôi chưa hề nói với ai về niềm tin ấy.
Rồi khi Ngài đứng trước mặt tôi và nhiều người khác tại nhà hội. Những giọng nói giận dữ nhạo báng Ngài cùng những lời vu cáo đặt điều nói về Ngài. Giọng nói của tôi đã ở trong chỗ nín lặng. Một số người trong nhà hội chống đối, họ cho rằng cuộc xét xử nầy là bất hợp pháp. Tôi đã gật gù đồng ý. Những kẻ chống đối đã bị đẩy qua một bên. Các cấp lãnh đạo của chúng tôi đã xét đoán Ngài và chuyển Ngài sang cho Tổng đốc Philát để nhận án tử hình.
Philát đã thông qua bản án rồi chuyển Ngài ra chỗ đồi Sọ, ở đấy họ đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Tôi đã trông đợi Nước Trời đúng y như những người Do thái trung tín trông đợi. Tôi nghĩ chắc chắn Giêxu nầy sẽ nhóm các môn đồ Ngài lại bên cạnh mình, đánh đuổi những kẻ xâm lược La mã rồi dựng nên Nước Trời. Nhưng giờ đây mọi hy vọng của tôi đã bị đóng đinh trên một cây thập tự.
Tôi chưa hề chú tâm nhiều đến những cuộc đóng đinh vào thập tự giá trước đây. Một việc làm thật khủng khiếp. Nhưng lần nầy tôi đã chứng kiến. Giêxu bị treo trên thập tự giá rất đau thương, nỗi đau khổ rất kinh khủng mà tôi chưa hề hình dung ra. Tôi đứng trong chỗ kín đáo, sợ đến gần lắm. Tôi không muốn ai nhìn thấy tôi. Tôi trông thấy Ngài với hai cánh tay giang rộng ra như muốn ôm lấy cả thế gian. Tôi thấy Ngài đau đớn. Tôi đã thấy Ngài gục chết.
Tôi tin giờ đây Ngài sẽ tuột xuống khỏi cây thập tự đó rồi tự cứu lấy mình ra khỏi nỗi đau đớn thống khổ kia. Nhưng Ngài đã chấp nhận cơn đau đớn ấy như chấp nhận ý chỉ của Đức Chúa Trời vậy. Trước khi Ngài chết, Ngài đã dấy giọng nói của Ngài lên trong sự tha thứ. Tha thứ. Có quyền lực hơn quân đội của Rôma và mọi chiến lược của hết thảy các cấp lãnh đạo của chúng tôi. Tha thứ.
Có điều chi đó đã thay đổi ở trong tôi. Tôi quyết định rằng chỗ ngồi của tôi trong nhà hội chẳng là gì để ấp ủ nữa hết; nó chẳng bao giờ đem lại cho tôi một vinh quang nào. Tôi quyết định rằng đã quá muộn để tôi cất lên giọng nói của mình. Có lẽ sự im lặng của tôi sẽ trở thành một cái gì đó hay hơn – một giọng nói can đảm.
Mấy tên lính người La mã cho rằng Chúa Giêxu đã chết. Tôi rời khỏi đồi Gôgôtha rồi đi thẳng đến Tháp Antonio. Tôi hỏi thăm một người đứng gác ở đó xin gặp Philát. Vì địa vị của tôi trong cộng đồng Do thái, ông ta chịu tiếp tôi. Tôi lấy hết can đảm rồi xin Philát cho lấy xác chết của Chúa Giêxu để cho tôi lo liệu.
Philát rất đỗi kinh ngạc khi hay tin Chúa Giêxu đã chết rồi. Quí vị có biết không, có khi nạn nhân chịu đựng trong mấy ngày rồi mới chết. Tôi không dám chắc Philát sẽ làm gì. Tôi biết đủ về luật pháp La mã rằng người nào bị kết án tử hình không được quyền chôn cất. Liệu Philát có buộc phải thi hành luật lệ của họ không? Tôi cũng biết rằng Philát vốn thù ghét chúng tôi là những người Do thái. Ông ta chẳng được lội lộc gì khi chấp nhận cho tôi một đặc ân. Nhưng ông ta đã ký nhận cho phép. Có thể ông ta đã nhìn thấy nơi tôi một cơ hội quay trở lại với Toà Công Luận để ép ông ta vào công việc nầy.
Tôi không dám nấn ná tán gẫu với ông ta về việc ấy nữa. Tôi nhắn lời với bạn tôi là Nicôđem đến gặp tôi tại đất thổ mộ của gia đình tôi. Tôi vội vã quay trở lại nơi đóng đinh với lịnh cho lấy xác của Philát. Tôi trình lịnh nầy cho thầy đội rồi yêu cầu ông ta cho hạ xác Chúa Giêxu xuống khỏi cây thập tự. Ông ta trợn mắt nhìn tôi rồi sai lính đi lo công việc. Một số môn đồ của Chúa Giêxu đang đứng gần đó, họ quan sát chúng tôi, vì vậy tôi đến yêu cầu một hai người trong số họ đến giúp chúng tôi đem xác xuống. Chúng tôi đưa thi hài đến ngôi mộ gia đình của chúng tôi, vốn ở gần đó.
Nicôđem đã có mặt ở đấy rồi. Ông ấy mang theo vải liệm, nhũ hương và thuốc thơm, một hợp chất nhựa thơm và lư hội. Chúng tôi không ướp xác của Chúa Giêxu giống như người Ai cập ướp đâu, nhưng chúng tôi rửa xác, làm sạch sẽ, lau chùi các vết thương, đầu, hông, lưng của Ngài. Rồi chúng tôi quấn vải liệm sau khi xức hương liệu cho xác. Bấy giờ trời ngả về chiều rồi và chúng tôi vội vã hoàn tất trước ngày sabát.
Mộ địa của gia đình tôi không phải là một hang động tự nhiên đâu, mà đúng hơn, nó được đào sâu vào chỗ đá cứng. Sau khi chúng tôi đặt thi thể của Chúa Giêxu vào trong mộ rồi, Nicôđem và những người khác giúp tôi lăn hòn đá chận ngay lối vào. Đó là một tảng đá thật lớn không dễ gì di chuyển nó được. Sau đó Philát đã cho niêm mộ lại rồi ra lịnh cho mấy tên lính La mã đến gát ở đó. Các cấp lãnh đạo của tôi không muốn một ai đến gần xác của Chúa Giêxu.
Khi tôi suy gẫm lại các việc nầy, điều làm tôi ngạc nhiên nhất: ấy là tôi đã có can đảm để làm những việc mà tôi đã làm. Tôi biết rõ rằng mọi hành động của tôi có nghĩa là kết thúc những gì tôi có ở Toà Công Luận – kết thúc danh tánh tốt đẹp của tôi trong cộng đồng, kết thúc mọi sự mà tôi nghĩ là quan trọng trong cuộc đời của tôi bấy lâu nay. Toà Công Luận biết rõ, cả thế giới đã nhìn biết rằng tôi là một người tin theo Giêxu Đấng Mêsi. Nhưng những gì họ nghĩ không còn là vấn đề đối với tôi nữa. Trong lúc đau buồn, tôi đã hồi hộp tìm kiếm giọng nói của mình. Và đúng là một sự kinh ngạc đầy sung sướng khi tìm thấy đấy chính là một giọng nói của sự can đảm.
10./ MARY MAĐƠLEN: GIỌNG NÓI TÔN THỜ
Mathiơ 28.1-11
Tôi là một trong 12 giọng nói của Lễ Phục Sinh. Thuộc về tôi là giọng nói của sự tôn thờ. Chúa Giêxu đã thay đổi đời sống tôi. Ngài yêu thương tôi, khi chẳng có ai yêu thương tôi hết. Hầu như tôi đã quên phứt những ngày tháng trước đây. Tôi sẽ không nói về chúng. Tôi sẽ nói về Ngài.
Tôi đã theo Ngài bất cứ đâu Ngài đi đến. Tôi luôn luôn có mặt trong đám đông khi Ngài dạy dỗ. Tôi đã thấy Ngài làm cho kẻ chết sống lại và chữa lành kẻ đau. Người mù thấy được, kẻ què đi được, người điếc nghe được, kẻ câm nói được. Những người ấy bị tà linh ám đã được buông tha bởi lịnh của Ngài. Tôi là một trong mấy phụ nữ đi theo Ngài. Chúng tôi không được ở gần Ngài giống như 12 sứ đồ kia – Phierơ, Anhrê, Giacơ và Giăng cùng nhiều người khác nữa – nhưng chúng tôi thường cảm thấy sự ấm áp nơi nụ cười của Ngài cùng sự tử tế trong giọng nói của Ngài. Ngài yêu thương chúng tôi nhiều cũng như chúng tôi yêu Ngài vậy.
Nhưng rồi các cấp lãnh đạo ở thành Jerusalem đã bắt Ngài rồi giết Ngài chết đi. Tôi đã đứng bên chân thập tự giá của Ngài và đã nhìn thấy Ngài gục chết. Tôi đã khóc khi thấy Ngài chịu thương khó. Mấy tên lính La mã rất là độc ác. Các cấp lãnh đạo của chúng tôi chẳng khá gì hơn. Mấy thầy tế lễ thượng phẩm cùng các thầy thông giáo đã chế nhạo Ngài khi Ngài chịu thương khó; họ vốn thù ghét Ngài. Nhưng Chúa Giêxu đã dạy chúng tôi trước đó rằng đây là thời điểm mà vì đó Ngài đã đến từ Đức Chúa Cha. Ngài đã phán Ngài sẽ phó mạng sống Ngài theo ý của Ngài, rằng chẳng một ai có thể cướp sự sống ấy ra khỏi Ngài. Chúng tôi ở lại đó suốt cả ngày. Từ sáng khi họ đóng những mũi đinh xuyên qua tay chân Ngài dính vào thập tự giá, cho tới lúc tên lính đâm mũi giáo vào sườn của Ngài.
Cuối buổi trưa hôm ấy, có một việc lạ đã xảy ra. Một thành viên của Toà Công Luận đến gần thầy đội đang có nhiệm vụ ở đó. Có người nói ông ta là Giôsép, người đến từ Arimathê, một thị trấn cách đấy 20 dặm đường. Ông ta trình cho viên thầy đội một tờ trát, và mấy tên lính đã đem thi thể của Ngài xuống giao cho ông ta. Ông ta sẽ làm gì với thi thể ấy chứ?
Chúng tôi đi theo ông ta khi họ đưa thi thể vào trong phần mộ gần đó. Người nhà giàu khác nữa đón ông ta và họ cùng làm việc với nhau một cách mau chóng, họ lo tẩn liệm cho thi thể; trời đã sắp bước sang ngày sabát. Họ không có thì giờ để hoàn tất. Họ có thì giờ chỉ để tẩy rửa và quấn khăn liệm mà thôi. Họ đặt thi thể Ngài trong một ngôi mộ mới; ngôi mộ ấy đã thuộc về một gia đình giàu có. Chúng tôi đã nhìn thấy, và đã nhớ rõ địa điểm ấy. Chúng tôi muốn quay trở lại và xức dầu cho thi thể theo đúng tục lệ.
Chúng tôi ở cả ngày buồn rầu ủ rũ với nhau. Không bao lâu khi mặt trời mọc lên, các cửa tiệm đều mở cửa. Mary mẹ của Giacơ, Mary vợ của Cơlêôba, Gioanna, Susannơ cùng nhiều người khác trong chúng tôi đã vội vã vào thành Jerusalem và mang theo thuốc thơm mà chúng tôi cần để xức xác cho Chúa Giêxu. Chúng tôi quyết định đi vào sáng hôm sau, vào lúc sáng sớm, khi chúng tôi đi mà chẳng có ai để ý.
Chúng tôi đã chổi dậy khi trời còn lạnh và tối, và ra đi. Mặt trời vẫn còn ở đàng rau các rặng núi xứ Môáp khi chúng tôi bắt theo con đường đi xuống ngõ tối vào mộ địa của Giôsép. Có người thắc mắc không biết làm sao chúng tôi có thể dời đi tảng đá. Đúng thế. Chúng tôi đã thấy Giôsép cùng nhiều người khác chận lối vào mộ bằng một tảng đá thật to. Làm sao chúng tôi dời được tảng đá ấy. Và có báo cáo cho biết mấy tên lính La mã đã đóng chốt để canh giữ ngôi mộ. Chúng tôi sẽ làm gì đây?
Nhưng khi chúng tôi đến tại ngôi mộ, chúng tôi đã bị sốc: Tảng đá không còn có ở đó, cũng không thấy một tên lính nào. Tảng đá đã bị lăn ra ngoài – đúng vị trí trước khi ngăn chận cửa mộ.
Khi chúng tôi đứng lặng kinh ngạc trước những gì đã xảy ra cho tảng đá, có hai người nam mặc áo toàn trắng thình lình xuất hiện. Loại áo xống nầy không phải là loại áo choàng ngoài của mấy tên lính người La mã đâu, chúng cũng không phải là loại áo dài của người dòng Pharisi. Rốt lại đây cũng phải là loài người nữa, mà họ là thiên sứ của Đức Chúa Trời.
Chúng tôi thấy mất tinh thần và chúng tôi phủ phục xuống mặt đất. Nhưng hai thiên sứ đã tái khẳng định với chúng tôi. Họ nhắc cho tôi nhớ thể nào Chúa Giêxu đã phán rằng Ngài sẽ sống lại. Một trong các thiên sứ đó ngăn chúng tôi đừng nhìn vào trong mộ nữa mà hãy nhìn lại lòng mình. Tôi bỏ chạy về thật nhanh như tôi có thể, để thuật lại cho Phierơ và Giăng biết. Khi chúng tôi trở lại, mấy bà kia đã đi đâu mất rồi. Chúng tôi nhìn vào trong mộ. Trống không. Tôi tin quyết rằng có ai đó đã cướp thi thể của Chúa Giêxu đi. Tấm vải mà Giôsép đã liệm Ngài đang nằm ở đàng kia, gần như được xếp lại đúng chỗ của chúng. Nhưng ngôi mộ đã trống không.
Phierơ và Giăng bỏ chạy ra khỏi khu vườn, còn tôi đứng lại đó. Tôi không biết phải đi đâu. Điều chi đã xảy ra cho Chúa chứ? Lẽ nào Ngài đã sống lại từ kẻ chết, hay mấy tên lính đã lấy xác Ngài đi rồi? Tấm lòng tôi như rạn nứt một lần nữa với sự buồn khổ. Tôi còn đứng ở đó, bật khóc.
Thế rồi tôi có nghe một giọng nói sau lưng tôi hỏi: "Hỡi đờn bà kia, cớ sao ngươi khóc?” Tôi tưởng đấy là người làm vườn. "Thưa ông, ông đã làm gì với Ngài vậy?" Tôi vừa hỏi vừa lau nước mắt.
Trời đã sáng rồi, nhưng hai hàng nước mắt đã làm nhoà mắt tôi. Tôi xây lại, nhưng không thể nhìn thấy rõ ràng được. Thế rồi Ngài gọi đích danh tôi. "Mariam". Đấy là tên của tôi theo tiếng Aram, cái tên mà bố mẹ tôi cùng bạn bè tôi đã gọi tôi. Một người làm vườn sẽ không nói bằng tiếng Aram với tôi đâu! Một người La mã vốn không biết tên thật của tôi. Tôi biết rõ giọng nói ấy. Tôi ngước nhìn lên. Tôi trông thấy Ngài. Đó là Chúa Giêxu. Tôi đáp lại bằng tiếng Aram: "Rabboni!" Tôi phủ phục xuống dưới chơn Ngài, bật khóc, bật cười, không tin mà cũng tin. Thầy của tôi, Chủ của tôi, Cứu Chúa của tôi, Chúa của tôi. Ngài đang đứng ở đó, còn sống.
Tất nhiên là tôi đã trở thành một giọng nói trong 12 giọng nói của Lễ Phục Sinh. Một giọng nói đầy kinh ngạc và lạ lùng. Giọng nói con người đầu tiên của sự tôn thờ. Ngài bảo tôi phải ra đi thuật lại cho những người khác biết, và tôi đã làm theo y như thế. Những tin tức kỳ diệu. Một sự kỳ diệu trổi hơn mọi sự kỳ diệu. Đức Chúa Trời đã hoàn thành những việc lớn ở giữa vòng chúng tôi. Chúa Giêxu đã sống lại từ kẻ chết!
11./ CƠLÊÔBA: GIỌNG TIN CHẮC
Luca 24.13-40
Con đường đi trước mặt chúng tôi gồ ghề và trắng bệt. Trời khi ấy là mùa xuân, nhưng chúng tôi như bị điếc không còn nghe thấy tiếng chim hót trên những cành cây. Chúng tôi như bị mù chẳng thấy những bông hoa đua nở ngoài đồng ruộng. Mặt trời chẳng còn ấm áp nữa. Bầu trời chẳng có chút sắc màu nào hết. Chúa Giêxu người Nazarét đã chết rồi.
Chúng tôi đầy những thắc mắc và hồ nghi. Chúng tôi đã có mặt tại thành Jerusalem để dự Lễ Vượt Qua. Chỉ còn mấy dặm đường nữa là về tới làng Emmaus của chúng tôi rồi. Nhưng thay vì dự Lễ Giải Cứu với sự vui vẻ, chúng tôi đã chứng kiến cảnh đóng đinh Đấng Cứu Tinh của chúng tôi trên thập tự giá với lòng đầy thất vọng. Chúng tôi đã có mặt tại đồi Gôgôtha. Chúng tôi đã nhìn thấy Ngài gục chết.
Tôi đã đạt tới mức tin Giêxu nầy chính là Đấng Mêsi. Bạn tôi và tôi cả hai đều là môn đệ của Ngài. Tuy không được chọn vào vòng 12 sứ đồ, nhưng chúng tôi cũng là môn đồ đấy! Chúng tôi đã đi theo Ngài. Chúng tôi đã lắng nghe Ngài rao giảng. Chúng tôi phục theo sự dạy dỗ của Ngài. Chúng tôi tin theo những lời dạy của Ngài. Chúng tôi mong nhìn thấy Ngài được lập lên như vị vua của Đức Chúa Trời được xức dầu trên đất, là sự trông cậy của Israel, và là ánh sáng cho mọi dân mọi nước. Thay vì thế, chúng tôi đã nhìn thấy Ngài bị đóng đinh trên cây thập tự, bị vu cáo bởi các cấp lãnh đạo của chúng tôi và đã bị người La mã hành quyết. Ngài đã chết rồi. Khi Ngài chết, mọi sự trông cậy của chúng tôi cũng ngã chết theo.
Cuộc xử đóng đinh trên thập tự giá là ngày thứ Sáu. Chúng tôi ở lại trong thành cho qua ngày sabát. Gánh nặng sự chết của Ngài lớn lên trong chúng tôi mỗi giờ cho đến khi dường như chúng tôi bị chà nát hoàn toàn. Đến sáng ngày thứ nhứt, chúng tôi sửa soạn trở về làng Emmaus. Chẳng còn gì để làm trong thành Jerusalem. Có một vài cơ hội để nhà cầm quyền bắt bớ bất cứ một môn đồ nào của Chúa Giêxu mà họ sẽ tìm gặp. Người nào còn ở lại trong thành sẽ ẩn mình cách kín giấu.
Khi chúng tôi sửa soạn ra đi, chúng tôi có nghe đồn rằng ngôi mộ Ngài bị bỏ trống trơn. Có người đã nghe thấy tiếng xì xào rằng mấy người đờn bà đã nhìn thấy Ngài còn sống. Người khác nữa thì nhận được tin rằng Phierơ và Giăng đã đến tại mộ và đã nhìn thấy ngôi mộ trống. Nhưng có ai biết chắc đâu? Chẳng có cách gì để biết chắc cả!
Chúng tôi lên đường. Chúng tôi đi bộ một khoảng xa xa, vừa đi vừa nói chuyện trong sự buồn bã. Lúc đó chúng tôi nghe thấy có tiếng bước chân theo ở đàng sau; một người đi bộ. Chúng tôi để ông ta bắt kịp rồi cùng đi. Ông ta hỏi chúng tôi đang nói chuyện gì đó!?! "Sao trông quí ông có bộ buồn bực vậy?" Ông ta hỏi. Lúc đầu tôi và bạn tôi đều chẳng muốn đáp trả chi hết. Liệu ông ta có đồng cảm hay ông ta sẽ phản bội chúng tôi đây?
Sau cùng, tôi lên tiếng: “Có phải chỉ ngươi là khách lạ ở thành Giêrusalem, không hay việc đã xảy đến tại đó cách mấy bữa rày sao?” Lẽ nào có người sống trong mấy dặm thành phố nầy lại không biết việc gì đã xảy ra sao? Đây không phải là một cuộc hành quyết bình thường mà! Ba giờ đồng hồ bóng tối dầy đặc đã bao phủ đất. Chưa hề có một trận động đất nào kèm theo một cuộc xử đóng đinh trên thập tự giá cả. Lẽ nào người lạ nầy chẳng biết mọi điều nầy? Nhưng dường như ông ta rất thành thật. Chúng tôi nói với ông ta rằng Đấng mà chúng tôi đã trông mong đến cứu chuộc Israel đã bị đóng đinh trên thập tự giá rồi bị đặt trong một ngôi mộ. Cái chết của Ngài là sự kết thúc mọi niềm mong đợi của chúng tôi. Giờ đây sẽ chẳng còn có một sự giải cứu nào nữa. Thậm chí chúng tôi nói cho ông ta biết về những tiếng đồn đãi: rằng mấy người đờn bà đã ra tới mộ sáng hôm ấy và thấy ngôi mộ trống trơn. Phierơ và Giăng cũng có đi nữa. Nhưng đã có việc gì đó xảy cho thi thể? Ai đã có lý do gì đó nên mới dời thi thể đi chăng? Còn mấy tên lính La mã thì sao? Chúng tôi nhìn nhận mọi câu chuyện đều rất khó mà tin theo được.
Người lạ kia đã lắc đầu khi nghe thấy mọi điều nhầm lẫn của chúng tôi. Ông ta quở chúng tôi vì không tin các lời hứa trong Kinh Thánh có liên quan tới Đấng Mêsi. Thế rồi ông ta đã dạy dỗ chúng tôi. Ông ta trưng dẫn hết phân đoạn nầy sang phân đoạn khác, bắt từ Môise và các vị tiên tri, rồi đến David, ông ta chỉ cho chúng tôi thấy các lời hứa phải ứng nghiệm: thể nào Đấng Mêsi trước tiên phải chịu thương khó trước khi Ngài bắt đầu sự trị vì của mình. Thể nào sự chết của Ngài sẽ chuộc tội, và Đức Chúa Trời sẽ không bỏ Ngài ở lại trong mồ mả, mà sẽ làm cho Ngài sống lại từ kẻ chết. Tấm lòng của chúng tôi mau mắn lắng nghe những lời hứa hẹn nầy và sự trông cậy mới mẻ.
Khi chúng tôi đến tại làng rồi, trời đã quá trưa. Ra đi lúc trời tối là rất nguy hiểm vì trộm cướp trên đường, vì vậy khi chúng tôi thấy người lạ nầy dự định đi một mình, chúng tôi đã khuyên ông ta nên ở lại. Ông ta chấp nhận lời mời của chúng tôi rồi vào dùng bữa cùng với chúng tôi. Chúng tôi cùng ngồi vào bàn ăn. Người khách lạ cầm lấy bánh, chúc phước cho nó, bẻ ra rồi chúng tôi bắt đầu ăn.
Khi ấy tôi mới để ý chúng – những dấu trên hai bàn tay của ông ta. Khi ông ta bẻ bánh, tôi cố nén hơi thở mình lại. Tôi nói: "Xin cho tôi xem hai bàn tay của ông". Ông ta chìa tay ra và lật lên cho chúng tôi xem. Những dấu đinh. Tôi ngẩn đầu lên nhìn ông ta tận mặt. Đôi mắt ông ta nhìn thẳng vào tôi. Và tôi đã biết Ngài. Trái tim tôi đập thình thịch trong ngực tôi. Tôi đã nhìn tận mặt Đấng Cứu Chuộc của Israel, là Chúa Giêxu, là Đấng Mêsi, là Thầy của chúng tôi, còn sống ngoài mồ mả. Mấy người đờn bà đã nói đúng. Phierơ và Giăng không nói dối. Ngài hãy còn sống, đang ở trong nhà tôi, đang dùng bữa tại bàn tôi. Tôi liếc mắt nhìn qua bạn tôi. Ông ta cũng đã nhìn ra Thầy của mình.
Khi chúng tôi nhìn lại, Chúa Giêxu đã đi rồi. Tôi mau mắn đứng dậy: "Chúng ta phải lên thành Jerusalem. Chúng ta phải thuật lại cho họ biết chuyện gì đã xảy ra".
Bạn tôi nói: "Anh có điên không? Chúng ta vừa đi đường cả ngày mà bây giờ mặt trời đã lặn rồi. Đi đường nguy hiểm lắm”.
Tôi với lấy cây gậy đi đường của mình. Chúng tôi bỏ mọi sự lại sau lưng rồi vội vã lên thành Jerusalem. Chuyến đi 7 dặm đó là chuyến đi thú vị nhất trong cuộc đời của tôi. Nếu có trộm cướp, chúng tôi chưa bao giờ trông thấy chúng.
Trong thành phố, chúng tôi đã tìm được chỗ mà các môn đồ đương ẩn núp. Chúng tôi bước vào. Phierơ, Giacơ, Giăng cùng nhiều người khác nữa – chúng tôi nói cho họ biết. Khi ấy chúng tôi cũng kể lại cho họ nghe một lần nữa. Họ nói với chúng tôi những gì họ đã nhìn thấy. Căn phòng nhỏ đó có thể chứa hết chúng tôi.
Phải, tôi là một trong 12 giọng nói của Lễ Phục Sinh. Tôi là Cơlêôba, và thuộc về tôi là giọng nói tin chắc. Ngày hôm nay tôi nói cho quí vị nghe những điều tôi biết là sự thật. Chúa Giêxu hãy còn sống. Tôi đã nhìn thấy Ngài. Tôi đã trông thấy Đấng Christ phục sinh tận mặt. Tôi đã nghe Ngài dạy dỗ. Tôi đã ăn bánh do hai bàn tay có dấu đinh của Ngài bẻ ra. Giờ đây chẳng còn có gì thắc mắc nữa. Không có gì hồ nghi nữa. Chỉ có lời tin chắc nầy: Tôi đã trông thấy Ngài. Ngài còn sống.
12./ THÔMA: GIỌNG NÓI NGHI NGỜ
Giăng 20.19-29
Ngài đã đi rồi. Thầy của tôi, đã đi rồi. Đã chết rồi. Hết thảy mọi chương trình của chúng tôi đều đổ vỡ hết. Hết thảy mọi sự trông cậy của chúng tôi đều tan rã hết. Ngài đã bị đóng đinh trên một cây thập tự và đã chết. Rồi họ đã hạ Ngài xuống, đem thi thể Ngài đặt trong một ngôi mộ. Chỉ bấy nhiêu đó.
Tôi là Thôma, một trong 12 sứ đồ. Tôi rất yêu mến Ngài. Tôi tôn kính Ngài. Tôi tin Ngài. Thực ra, tôi sẵn sàng chịu chết thay cho Ngài. Khi tin tức cho hay rằng Laxarơ bạn Ngài đã chết, Chúa Giêxu đã nói cho chúng tôi biết Ngài sẽ đến làng Bêthany, cả gia đình sống ở đó. Nhưng đi như thế rất nguy hiểm, những kẻ thù nghịch Ngài sẽ tới đến, và những kẻ muốn Chúa Giêxu chết sẽ tìm đặng cơ hội của họ. Vì vậy tôi không muốn để cho Ngài đi một mình. Tôi thấy ai nấy đều nhất trí về việc nầy, và chúng tôi cùng đi với Ngài dù là có phải chết khi đi như thế. Chắc chắn cái chết sẽ dành cho Ngài.
Tất nhiên, bây giờ tôi mới nhớ lại sự dạy của Ngài. Giờ đây tôi hiểu rằng Ngài dạy cho chúng tôi biết điều nầy sẽ xảy ra. Nhưng không một ai trong chúng tôi có thể nhận định được. Ngài phán Ngài sẽ ra đi sắm sẵn cho chúng tôi một chỗ. Chúng tôi không biết Ngài muốn nói gì. Tôi đã hỏi: "Lạy Chúa, chúng tôi không biết Ngài đi đâu, làm sao chúng tôi biết đường?" Tôi không có ý nghi ngờ đâu; tôi chỉ không hiểu mà thôi. Tôi luôn luôn biết tiếp thu khi muốn biết một việc gì đó đi kèm theo lời nói. Cuối cùng, tôi đã nhìn thấy. Một việc cùng đi kèm với lời lẽ của Ngài về sự rời khỏi chúng tôi. Sự khủng khiếp của đồi Gôgôtha.
Sau đó, chúng tôi đã bỏ trốn. Chúng tôi sợ hãi vì mạng sống của chúng tôi. Chúng tôi nghĩ các thầy tế lễ thượng phẩm hay mấy tên lính La mã sẽ liệu tính kế đó là các môn đồ của Ngài. Vì vậy chúng tôi ẩn trốn sau mấy khu nhà quanh thành Jerusalem cho qua ngày sabát.
Sáng hôm sau Phierơ và Giăng cùng mấy người đờn bà ra khu mộ. Họ trở về nói rằng ngôi mộ trống trơn, họ xưng nhận rằng Chúa Giêxu đã sống lại từ kẻ chết. Đêm hôm ấy tất cả kín đáo gặp nhau, và sau đó họ nói cho tôi biết rằng Chúa Giêxu đã đến thăm họ rồi biến mất.
Còn tôi không thể tin nổi việc ấy. Một người đã chết ra khỏi mồ mả, còn sống sao? Tôi nhớ lại Laxarơ đã bước ra khỏi mồ mả. Nhưng Laxarơ không xuất hiện cách kín nhiệm rồi biến mất qua mấy cánh cửa đã khóa kín. Và Laxarơ đã có một – phải rồi, ông ta đã có một thân thể đầy đủ. Lưng ông ấy không bị đòn vọt. Hông của ông ấy không bị ngọn giáo La mã đâm thủng. Không, tôi nói, trừ phi tôi tra tay vào dấu đinh nơi bàn tay Ngài, trừ phi tôi có thể nhìn thấy và chạm vào cái lỗ giáo bên hông Ngài, trừ phi tôi tận mắt mình nhìn thấy và tay tôi chạm vào và đã chứng thực Ngài hãy còn sống, tôi không thể tin đâu!
Các môn đồ khác vẫn cứ khăng khăng rằng họ đã trông thấy Ngài còn sống. Hai trong số họ đã đi đường về làng Emmaus. Mary Mađơlen thuật lại một lần nữa thể nào cô ấy đã gặp Ngài ở trong vườn. Họ đã thúc giục tôi bằng kinh nghiệm riêng cá nhân họ. Nhưng tôi không thể tin mà chưa tận mắt nhìn trông thấy. Tôi phải thấy tận mắt mình chứ! Tôi không muốn nghe nói về Ngài; Tôi muốn nhìn thấy Ngài và rờ đến Ngài, chính mình phải biết rõ Ngài còn sống. Tôi là giọng nói của sự nghi ngờ.
Một tuần sau hết thảy chúng tôi nhóm lại trên cùng căn phòng ấy, ở đấy những người khác xưng nhận họ đã thấy Ngài trước đó. Thình lình, Ngài đã có mặt tại nơi ấy. Chúa Giêxu đã hiện ra giữa vòng chúng tôi. Tôi biết Ngài đến không đi ngang qua cánh cửa. Cánh cửa đã bị khoá vì chúng tôi rất đỗi sợ hãi. Ngài đến chào chúng tôi. Kế đó Ngài xây qua phía tôi. Trái tim tôi đập thình thịch. Đôi mắt Ngài nhìn thẳng vào mắt của tôi. Ngài chìa tay ra rồi nắm lấy tay tôi trong tay Ngài. Ngài gọi tên tôi: “Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta, chớ cứng lòng, song hãy tin!”
Ngài vốn biết tôi đã có lòng hồ nghi. Ngài biết rõ tôi đã nói gì. Tôi đã nói tôi sẽ không tin trừ phi tôi nhìn thấy dấu đinh nơi hai bàn tay của Ngài. Ngài phán: "Hãy xem bàn tay Ta". Tôi nói cho các môn đồ biết tôi sẽ không tin trừ phi tôi tra ngón tay mình vào các dấu đinh đó. Ngài phán: "Hãy tra ngón tay ngươi vào đây". Tôi đã nói tôi sẽ không tin trừ phi tôi đặt bàn tay mình vào sườn Ngài. Ngài phán: "Hãy giơ bàn tay ngươi ra đặt vào sườn ta”.
Và tôi đã chạm vào mấy dấu hiệu đó. Các dấu hiệu của mấy tên lính và các thầy tế lễ cả. Những dấu hiệu của con người, của những kẻ đã chối bỏ Ngài, khinh bỉ Ngài, ngược đãi Ngài một cách nghiệt ngã. Chúng là những dấu hiệu của con người, của những kẻ không chịu tin. Những dấu hiệu của sự vô tín. Những vết sẹo của sự nghi ngờ. Chúng là những dấu hiệu của tôi. Tôi có gì khác biệt đâu? Tôi là người không chịu tin. Thuộc về tôi là những mũi đinh. Thuộc về tôi là ngọn giáo. Những vết sẹo là các dấu hiệu của sự tôi vô tín. Tôi đã quì gối xuống và nói: "Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi”.
Còn quí vị thì sao? Đối với bất kỳ ai trong quí vị, là người nghi ngờ, Chúa Giêxu hãy còn sống; đối với ai có lòng hồ nghi, Ngài là Chúa phục sinh, hằng sống; đối với ai nghi ngờ, Ngài là Đức Chúa Trời, tôi nói đừng nghi ngờ nữa, song hãy tin. Ngài đã quở trách tôi một cách nhẹ nhàng như nhiều người đã nhìn thấy. Ngài phán tôi tin vì tôi đã thấy, nhưng Ngài phán người nào không thấy như tôi mà chịu tin thì có phước hơn. Khi quí vị đến mặt đối mặt với Đấng Christ phục sinh, giọng nói nghi ngờ sẽ bị câm bặt đi. Nó sẽ nhường đường cho giọng nói của đức tin và hy vọng, vì Chúa Giêxu nầy, Chúa nầy, Đức Chúa Trời nầy không ở trong một ngôi mộ nào của thành Jerusalem. Ngài còn sống. Còn tôi ư? Tôi không còn nghi ngờ nữa. Và mọi sự trông cậy của tôi lại sống. Giờ đây các lời hứa của Đức Chúa Trời đã thành ra hiện thực. Quả thực Chúa đã sống lại rồi!
***








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét