Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Philíp 2:9-11: "Bài Tín Điều Các Sứ Đồ:



Bài Tín Điều Các Sứ Đồ
Đấng Christ không ai sánh được: “Jêsus Christ, là Con độc sanh của Đức Chúa Trời và Chúa chúng ta”
Philíp 2:9-11
Jêsus Christ là ai vậy? Trong tất cả những câu hỏi được đưa ra cho những người nam người nữ hiện đại, không một câu nào là quan trọng hơn câu nầy. Thật chẳng có gì là cường điệu khi nói rằng đây là câu hỏi chính trong lịch sử và là vấn đề quan trọng nhất mà bất kỳ ai cũng sẽ đối diện với. Jêsus Christ là ai chứ? Ngài đến từ đâu? Tại sao Ngài đến? Việc Ngài đến tạo ra điều khác biệt gì trong đời sống của tôi? Đến cuối cùng, từng người một phải xử lý với Jêsus Christ. Không một người nào tránh thoát được Ngài. Bạn có thể tránh né câu hỏi, hay trì hưỡn nó, hoặc chần chừ, hay ngăn trở nó, hoặc cứ giả vờ là bạn không nghe thấy. Nhưng chẳng chóng thì chầy, bạn phải trả lời câu hỏi đó.
Đây chắc chắn không phải là một câu hỏi mới mẻ gì đâu. Nó xưa cũ y như sự đến với trần gian của Đấng Christ. Có lần khi Chúa Jêsus đem các môn đồ Ngài lui vào nghỉ ngơi ở một chỗ có tên là Sêsarê Philíp, Ngài hỏi họ: “Người ta nói Ta là ai?” Họ đã đưa ra bốn câu trả lời: Giăng Báptít, Êli, Giêrêmi, hay một trong những vị tiên tri (xem Mathiơ 16:13-16). Thậm chí khi Ngài còn bước đi trên đất nầy, người ta thường hay nhầm lẫn về lai lịch thật của Ngài.
Trải qua nhiều thế kỷ, cuộc tranh luận hãy còn tiếp tục cho đến ngày nầy. Hãy viếng qua phòng chat tôn giáo trên Internet thì bạn sẽ thấy một loạt những ý kiến về Chúa Jêsus. Đây là một số những giải đáp đương thời cho câu hỏi: “Jêsus Christ là ai vậy?” Một người nhơn đức … Con Đức Chúa Trời … Một tiên tri … Một rabi người xứ Galilê … Một giáo sư dạy Luật pháp của Đức Chúa Trời … Tình yêu của Đức Chúa Trời mặc lấy xác thịt … Một bậc thầy tâm linh hóa thân thành nhục thể … Nhà cách mạng … Đấng Mêsi của Israel … Đấng Cứu Thế … Một nhân vật khôn ngoan của thế kỷ thứ nhứt … Một người giống như bao người khác … Vua các vua … Một giáo sư bị hiểu lầm … Chúa tể của vũ trụ … Một cấp lãnh đạo tôn giáo … Con Người … Một bịa đặt của Hội Thánh đầu tiên.
Nhiều bộ mặt của Jêsus
Bạn sẽ đưa ra câu trả lời nào? Trước khi bạn trả lời, cho phép tôi nói rằng bạn có thể tìm ai đó hôm nay, họ sẽ cung ứng từng câu trả lời trong những câu trả lời khả thi kia. Điều đó có làm bạn ngạc nhiên không? Chắc là không, có phải không? Chuyện thuật lại rằng vào thời buổi trước khi Elvis Presley qua đời, ông ấy đang đọc một quyển sách có đề tựa là Nhiều Bộ Mặt Của Jêsus. Đề tựa ấy đứng như một biểu tượng thích ứng cho sự nhầm lẫn bao quanh Chúa Jêsus trong thời của chúng ta. Hai ngàn năm đã trôi qua và chúng ta vẫn lấy làm lạ về nhân vật có tên là Jêsus.
Vấn đề đưa chúng ta trở lại với thành Sêsarê Philíp. Sau khi Chúa Jêsus hỏi dò dư luận của nhiều người khác, Ngài xây qua người của Ngài rồi hỏi về câu trả lời của họ: “Còn các ngươi, các ngươi nói Ta là ai?” Cuối cùng, từng người trong chúng ta đối diện với chính câu hỏi nầy. Chúng ta không thể loay quay với việc trưng dẫn ý kiến của nhiều người khác. Bạn phải quyết định trong lý trí của mình kìa.
Vì thế, chúng ta hãy quay lại với câu hỏi gốc kia. Jêsus Christ là ai vậy? Và câu trả lời của bạn sẽ sánh thế nào với Kinh Thánh? Đấy là câu hỏi quan trọng thứ nhì vì nói: “Tôi tin Jêsus” là chưa đủ. Hàng triệu người xưng mình tin Jêsus, họ chẳng có manh mối nào về những gì Kinh Thánh nói về Ngài. Bạn đang tin Jêsus nào vậy?
Mọi sự về Jêsus
Cảm tạ Chúa, chúng ta không phải lấy làm lạ về Jêsus là ai! Trong 2.000 năm, Cơ đốc nhân đã khẳng định đức tin của họ nơi Chúa Jêsus với lời lẽ nầy từ Bài Tín Điều Các Sứ Đồ: “Tôi tin … Jêsus Christ, là Con độc sanh của Đức Chúa Trời, và Chúa chúng ta”. Với câu nói nầy, chúng ta bước vào tiểu đoạn chính thứ nhì trong Bài Tín Điều. Bài Tín Điều bản thân nó chỉ ra Ba Ngôi Đức Chúa Trời hiệp một — với một tiểu đoạn dành cho Đức Cha, một tiểu đoạn dành cho Đức Con, và tiểu đoạn sau cùng dành cho Đức Thánh Linh. Trong 110 chữ của Bài Tín Điều (theo bản Anh Ngữ), 70 chữ xảy ra trong tiểu đoạn có liên quan tới Đức Chúa Jêsus Christ. Điều đó cho chúng ta biết một việc rất quan trọng. Đức tin Cơ đốc nhắm thẳng về Chúa Jêsus! Ngài là trọng tâm và là cốt lõi, là tiêu chuẩn của mọi sự chúng ta tin. Bạn có thể mắc sai lầm về những vấn đề phụ thuộc mà vẫn là Cơ đốc nhân, nhưng nếu bạn sai lầm về Chúa Jêsus, bạn đang sai lầm ở chỗ tệ hại nhất khả thi. Đức tin của chúng ta nơi Chúa Jêsus còn nhiều hơn chỉ là một kinh nghiệm về cảm xúc của việc “có Chúa Jêsus ở trong lòng”. Đức tin của chúng ta phải đặt trên lẽ thật đã được tỏ ra về Đức Chúa Jêsus Christ, Con độc sanh của Đức Chúa Trời, và Chúa chúng ta.
Nếu chúng ta lấy mệnh đề nầy từ Bài Tín Điều rồi xem xét nó, chúng ta có thể thấy nó có bốn câu nói:
· Tôi tin Jêsus.
· Tôi tin Ngài là Đấng Christ.
· Tôi tin Ngài là Con độc sanh của Đức Chúa Trời.
· Tôi tin Ngài là Chúa.
Mỗi một câu nói nầy xứng đáng cho sự xem xét kỷ lưỡng. Mục sư J. I. Packer lưu ý rằng khi Bài Tín Điều gọi Đức Chúa Trời là “Đấng dựng nên trời đất”, nó tách ra đối với Ấn độ giáo và bởi sự mở rộng ra, với tất cả các tôn giáo Đông phương. Khi nó công bố Jêsus là Đấng Christ, là Con độc sanh của Đức Chúa Trời, và Chúa chúng ta, nó tách ra với Hồi giáo và Do thái giáo. Điều nầy khiến cho Chúa Jêsus dựng nên Cơ đốc giáo với một sự hoàn toàn có một không hai.
Những đề tựa nầy đã được sử dụng rất phổ thông bởi Hội Thánh đầu tiên để mô tả đức tin của họ. Đôi khi họ sử dụng biểu tượng con cá rất quen thuộc, trong tiếng Hylạp là IXTHUS. Những mẫu tự ấy là chữ đầu của bốn từ được thấy có trong Bài Tín Điều:
Mẫu tự I là chữ đầu tiên nói tới “Jêsus” trong tiếng Hylạp.
Mẫu tự X là chữ thứ hai nói tới “Christ” trong tiếng Hylạp.
Các mẫu tự TH đứng thay cho chữ đầu tiên nói tới “God” (Đức Chúa Trời) trong tiếng Hylạp.
Mẫu tự U là chữ đầu tiên nói tới “Son” (Đức Chúa Con) trong tiếng Hylạp.
Mẫu tự S là chữ đầu tiên nói tới “Savior” (Đấng Cứu Thế) trong tiếng Hy lạp.
Vì vậy chữ IXTHUS (và biểu tượng con cá) đứng như lối tốc ký thay cho:
Jêsus Christ, Con Đức Chúa Trời, Cứu Chúa chúng ta.
Jêsus Christ là ai chứ? Bài Tín Điều Các Sứ Đồ cung ứng cho chúng ta bốn câu trả lời:
I. Ngài là Cứu Chúa
Danh Jêsus có nghĩa là “Đức Chúa Trời cứu”. Nhiều học giả cho chúng ta biết rằng chắc chắn đây là danh xưng phổ thông giữa vòng người Do thái trong thế kỷ đầu tiên. Có ít nhất 10 người khác có tên “Jêsus” họ sống trong xứ Giuđê cùng thời điểm với Chúa chúng ta. Có ít nhất 5 thầy tế lễ thượng phẩm có tên là “Jêsus”. Bản thân danh xưng ấy trong bản Cựu Ước Hylạp là “Joshua”. Nó nói tới sự thực Đức Chúa Trời đã bước vào dòng giống con người với một sứ mệnh giải cứu từ trời. Đấy là lý do tại sao thiên sứ phán cùng Giôsép: “Ngươi khá đặt tên là Jêsus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Mathiơ 1:21). Khi chúng ta nói chúng ta tin Chúa Jêsus, chúng ta có ý nói rằng Ngài là con người trọn vẹn, tuy nhiên cũng là thần linh trọn vẹn nữa — một người giống như chúng ta, mà còn là một người có những thuộc tính của chính mình Đức Chúa Trời nữa. Ngài là Người-Trời. Và Ngài đã đến để cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi chúng ta.
II. Ngài là Đấng Christ
Chúng ta hãy hãy lướt nhanh qua với một ý tưởng: “Christ” không phải là họ của Chúa Jêsus. Ngài không lớn lên trong gia đình của “Christ”. Christ không phải là danh xưng của gia đình; mà đấy là một tước hiệu. Để cho rõ ràng thêm, chúng ta sẽ gọi Ngài là “Jêsus Đấng Christ”. Khi bạn thấy Tổng Thống Bush trên TV, bạn biết ngay “Tổng Thống” không phải là tên tự của ông rồi, mà đó là tước hiệu của ông ấy, danh xưng của chức vụ mà ông đang nắm giữ. Cũng một thể ấy, thuật ngữ “Christ” mô tả một trong những tước hiệu được chỉ định rất thiêng liêng của Chúa Jêsus. Chữ “Christ” ra từ một chữ Hylạp mà bản thân nó ra từ một chữ Hybálai có nghĩa là “Đấng chịu xức dầu”. Chúng ta thường dịch từ ngữ nầy là “Đấng Mêsi”. Trong Cựu Ước, các vị tiên tri, thầy tế lễ và các vì vua đều được xức dầu khi họ về mặt hình thức bắt đầu chức vụ của họ phục vụ Đức Chúa Trời. Việc xức dầu là một dấu hiệu cho rằng Đức Chúa Trời kêu gọi họ vào chức vụ đó. Khi gọi Chúa Jêsus là “Đấng Christ” có ý nói Ngài là Đấng mà Đức Chúa Trời đã hứa sai đến đặng giải phóng dân Israel và đem sự cứu rỗi đến cho thế gian. Trong dịp Lễ Giáng Sinh, khi chúng ta hát “Hãy đến, Jêsus ơi, Ngài là Đấng mà từ lâu người ta đã mong đợi”, chúng ta đang đề cập tới lẽ thật nầy. Một dòng lịch sử kết nối từ Sáng thế ký đến Khải huyền, trải ra hàng ngàn năm và hàng trăm thế hệ. Người nào tin theo Kinh Thánh đã bàn bạc rất lâu rằng mặc dù Kinh Thánh có 66 sách được viết ra bởi nhiều người khác nhau trải hơn 1.500 năm, nó chỉ có một sứ điệp duy nhứt: chương trình của Đức Chúa Trời đem lại ơn cứu rỗi cho thế gian qua Đức Chúa Jêsus Christ. Dù là thế nào, mọi sự trong Kinh Thánh đều phù hợp với chính lẽ đạo quan trọng ấy.
Cựu Ước — Đề phòng
Các sách Tin Lành — Sự hóa thân thành nhục thể
Công Vụ các Sứ đồ — Công bố
Các thư tín — Giải thích
Khải huyền — Hoàn thành
Cựu Ước nói: “Ngài sẽ đến!” Các sách Tin Lành nói: “Ngài đang hiện diện ở đây!” Sách Công Vụ các Sứ đồ nói: “Ngài đã đến!” Các thư tín nói: “Ngài là Chúa!” Sách Khải huyền nói: “Ngài sẽ tái lâm!”
Cựu Ước chứa nhiều lời hứa về sự đến của Ngài:
1) Ngài sẽ là “dòng dõi của người nữ” – Sáng thế ký 3:15
2) Ngài sẽ là dòng dõi của Sem – Sáng thế ký 9:26
3) Ngài sẽ là dòng dõi của Ápraham – Sáng thế ký 12:2-3
4) Ngài sẽ là dòng dõi của Ysác – Sáng thế ký 22:18
5) Ngài sẽ là dòng dõi của Giacốp – Sáng thế ký 28:14
6) Ngài sẽ ra từ chi phái Giuđa – Sáng thế ký 49:10
7) Ngài sẽ là dòng dõi của David – II Samuel 7:11-16
8) Ngài sẽ sanh ra bởi một người nữ đồng trinh – Êsai 7:14
9) Ngài sẽ chào đời tại thành Bếtlêhem – Michê 5:2
Ai sẽ thích ứng với tất cả những thuộc tính nầy? Nhiều người có thể thích ứng với vài câu đầu trong bảng danh sách, nhưng chỉ có một người trong lịch sử thích ứng với cả thảy chúng: ấy là Đức Chúa Jêsus Christ. Vì thế, chúng ta hãy nói với những người bạn Do thái của mình, bằng sự yêu thương và với sự tôn trọng: “Đấng mà bạn đang trông đợi đã đến với trần gian rồi. Ngài đã đến cách đây 2.000 năm. Ngài là Đấng Mêsi của bạn. Danh Ngài là Jêsus Christ”.
Khi nói Jêsus là Đấng Christ có ý nói Ngài là Đấng được sai phái từ Đức Chúa Trời để đem Đức Chúa Trời đến với chúng ta và để đem chúng ta đến với Đức Chúa Trời.
III. Ngài là Con độc sanh của Đức Chúa Trời
Cụm từ nầy nói tới mối quan hệ của Ngài với Đức Chúa Cha. Chữ “độc sanh” cho chúng ta biết một việc rất cụ thể về Chúa chúng ta. Trong bản King James về Giăng 3:16, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con “độc sanh” của Ngài. Cụm từ “độc sanh” có nghĩa gì chứ? Nó ra từ chữ Hylạp monogenas. Phần mono có ý nói: “một” hay “duy nhứt”, giống như trong chữ “monologue” (kịch một vai), một người nói cho nhiều người nghe. Phần genas có quan hệ với những từ Anh ngữ “gene” (gien) và “genetics” (di truyền) và “gender” (giống). Khi cả hai phần được ghép chung với nhau, “độc sanh” có nghĩa là “có một và duy nhứt” hay “tuyệt đối có một không hai” hoặc “một loại một và không hề có loại nào khác nữa”. Từ ngữ nhấn mạnh bản chất có một không hai rất tuyệt đối của Đức Chúa Jêsus Christ.
Vì Đức Chúa Con dự phần cùng một bổn tánh với Đức Chúa Cha, Chúa Jêsus mới dám nói: “Ta với Cha là một” (Giăng 10:30). Các độc giả người Do thái hiểu rõ Ngài đang xưng mình là đồng đẳng với Đức Chúa Trời. Khi gọi Chúa Jêsus là “Con độc sanh của Đức Chúa Trời” có ý nói Ngài đang dự phần cùng bổn tánh quan trọng y như Đức Chúa Cha. Từ lẽ thật nầy mà ra giáo lý Ba Ngôi Đức Chúa Trời — một Đức Chúa Trời hằng hữu đời đời trong ba Thân Vị thiêng liêng — Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh. Một giáo phụ Hội Thánh đã giải thích mối quan hệ giữa Đức Cha và Đức Con theo cách nầy: Giống như dòng sông không phải là dòng suối, và dòng suối không phải là dòng sông, tuy nhiên chính một dòng nước chảy qua cả hai, như vậy Đức Cha không phải là Đức Con và Đức Con không phải là Đức Cha, nhưng họ dự phần cùng một bổn tánh thiêng liêng.
Bài Tín Điều Nicene chép rất súc tích khi nó gọi Đức Chúa Jêsus Christ “chính là Đức Chúa Trời của chính Đức Chúa Trời”. Ngài không “tương tự” với Đức Chúa Trời. Khi gọi Ngài là “Con độc sanh của Đức Chúa Trời” thì có ý nói rằng Ngài là “Đức Chúa Con”, và nhơn đó xứng đáng nhận lãnh cùng sự thờ lạy, tôn kính, ngợi khen và tôn trọng mà chúng ta dâng cho Đức Chúa Cha.
Ngày nay có nhiều người, kể cả các nhà thần học và nhiều Cơ đốc nhân thuộc phái tự do, đang đánh trận nghịch lại lẽ thật nầy. Họ muốn một Đấng Christ rất thiêng liêng song thực sự chẳng phải là Đức Chúa Trời. Họ muốn một Jêsus là một tấm gương nhơn đức song họ không muốn Ngài là Đức Chúa Trời của họ. Một người nhơn đức ư? Phải. Con Đức Chúa Trời đến từ trời ư? Tuyết đối không. Nhưng đấy chẳng phải là điều khả thi nếu chúng ta xem trọng Kinh Thánh. Mục sư C. S. Lewis đã giải thích ý kiến của chúng ta theo cách nầy:
Tôi đang cố gắng ở đây hầu ngăn chặn bất cứ ai nói ra một việc thực sự dại dột mà người ta thường hay nói về Ngài: “Tôi sẵn sàng tiếp nhận Jêsus là một bậc thầy đạo đức rất lỗi lạc, nhưng tôi không chấp nhận Ngài xưng mình chính là Đức Chúa Trời”. Đấy là một việc mà chúng ta không nên nói ra. Một người kia chỉ là một con người và đã nói ra một loạt những việc Chúa Jêsus đã phán sẽ không phải là bậc thầy đạo đức lỗi lạc đâu. Người ấy một là mất trí — với một cấp độ cùng với kẻ nói mình là quả trứng luộc — hoặc giả người sẽ là Ma Quỉ của Địa Ngục. Bạn phải đưa ra sự lựa chọn của mình. Một, người nầy đã và đang là Con Đức Chúa Trời; hoặc giả là một kẻ điên hay thứ gì đó tệ hại hơn. Bạn có thể khóa mồm Ngài lại vì là một kẻ dại, bạn có thể khạc nhổ vào Ngài hay giết Ngài như một con quỉ; hoặc bạn có thể sấp mình xuống nơi chơn của Ngài rồi gọi Ngài là Chúa và Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta không đến với bất kỳ một phong cách vô nghĩa khi cho Ngài chỉ là một bậc thầy lỗi lạc con người. Ngài không để việc ấy rộng mở cho chúng ta. Ngài chẳng dự trù làm thế. (C. S. Lewis, Mere Christianity)
IV. Ngài là Chúa chúng ta
Tước hiệu sau cùng trao cho Chúa Jêsus có liên quan tới bạn và tôi. Ngài là “Chúa chúng ta”. Từ ngữ Hylạp là kurios. Từ ngữ nầy xảy ra nhiều lần trong Tân Ước, và nó cũng rất phổ thông khắp cả Đế quốc Lamã. Ý nghĩa cơ bản của nó là “đấng cai trị tuyệt đối”. Khi gọi Jêsus là “Chúa” có ý nói Ngài đang tể trị trên toàn cõi vũ trụ, và Ngài có quyền trị vì trên cả bạn và tôi. Rôma 10:9 chép rằng “nếu miệng ngươi xưng ‘Jêsus là Chúa’, và tin ở trong lòng rằng Đức Chúa Trời đã làm cho Ngài sống lại từ kẻ chết, thì ngươi sẽ được cứu”. Hãy chú ý cụm từ rất đơn sơ ấy — "Jêsus là Chúa”. Xưng bằng miệng còn có ý nghĩa nhiều hơn là nói ra nhiều lời. Nói như thế có nghĩa là đồng ý từ tấm lòng rằng bạn tin những điều bạn đang thốt ra. Để hiểu cho thích đáng điều nầy, chúng ta cần biết một số điều cho thấy cách người Lamã trị vì trong đế quốc rộng lớn của họ. Vì đế quốc trải dài từ châu Âu đến Trung Đông rồi băng qua bờ biển phía Bắc của châu Phi, nó bao gồm nhiều tỉnh lỵ và nhơn đó bao gồm nhiều tôn giáo địa phương nữa. Các học giả nói tới những “tôn giáo kín nhiệm” đã được tìm thấy trong nhiều phần của đế quốc. Từng tôn giáo nầy đều có phương cách xử sự riêng, kinh sách riêng, khuôn mẫu thờ phượng riêng, hình thức của lễ, nghi thức long trọng, chức vụ tế lễ, và còn nhiều nữa. Vì các tôn giáo nầy có khuynh hướng giữ dân sự trong sự hòa bình, người Lamã đã để cho họ yên nếu có thể được. Rôma chỉ đòi hỏi những thứ thuế phải giao nộp và mọi người buộc phải nói: “Caesar là Chúa”. Thế đấy — chỉ có ba từ đơn giản mà thôi. Nói “Caesar là Chúa” rồi cứ tiếp tục lo liệu công việc làm ăn của mình. Khẳng định Caesar là tối cao và rồi làm theo bất cứ tôn giáo nào thích ứng với bạn. Đối với nhiều người trong Đế quốc, điều ấy chẳng có gì là nặng nề hết. Nhưng Cơ đốc nhân đã khăng khăng từ chối không chịu nói: “Caesar là Chúa”. Họ không muốn nói ra câu ấy. Làm sao họ dám nói: “Caesar là Chúa” khi đức tin của họ dạy cho họ biết rằng “Jesus là Chúa” chứ? Họ không thể và sẽ không chối bỏ Đấng Christ được. Và đấy là lý do tại sao trong thời buổi bị bắt bớ, Cơ đốc nhân đã bị tàn sát, bị giết chóc tới hàng ngàn người, bị đóng đinh trên thập tự giá, bị thiêu cháy trên giàn hỏa, bị đâm bằng gươm, rồi bị ném cho bầy dã thú. Đây là lằn ranh phân chia quan trọng mà Cơ đốc nhân không thể băng qua.
Mục sư Chuck Colson lưu ý rằng trong thế kỷ đầu tiên, nếu bạn đứng tụ tập công khai rồi hô lên lớn tiếng: “Jêsus là Đức Chúa Trời!” không một ai sẽ khó chịu hết. Nhưng nếu bạn hô to: “Jêsus là Chúa!” bạn đã khởi sự một cuộc nổi loạn rồi đó. Chúng ta phải hiểu cho rõ ràng về điều nầy. Rôma không bắt bớ Cơ đốc nhân vì họ tin vào thần tính của Đấng Christ, hay Chúa Jêsus là Đấng Mêsi được hứa cho, hoặc Chúa Jêsus chịu chết trên thập tự giá và đã sống lại từ kẻ chết. Rôma không giết Cơ đốc nhân vì họ nói Chúa Jêsus là con đường cứu rỗi duy nhứt đâu. Đấy là những “tín điều tôn giáo” không có gì đe dọa nhà nước cả. Nhưng khi Cơ đốc nhân công bố: “Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa chúng ta, và chẳng có ai khác hết!” đấy là một cuộc tấn công trực tiếp vào sự thờ lạy Caesar, và thế là bị hành hình cho đến chết.
Đấy là lý do tại sao địa vị Chủ Tể của Đấng Christ lại là nan đề nặng nề như thế. Gọi Ngài là “Chúa” có ý nói rằng chúng ta đem mọi sự chúng ta có mà phục Ngài, và chúng ta theo Ngài cách vui sướng bất cứ đâu Ngài đưa tới, với bất cứ giá nào.
Chúng ta hãy trở lại với câu hỏi nguyên thủy của chúng ta trong một phút xem. Jêsus Christ là ai vậy? Khi phần nghiên cứu nầy đã tỏ tường rồi, những câu trả lời nửa vời sẽ chẳng có hiệu lực đâu.
Ngài là Cứu Chúa!
Ngài là Đấng Mêsi!
Ngài là Con độc sanh của Đức Chúa Trời!
Ngài là Chúa chúng ta!
Chúng ta sẽ nói gì về mọi sự nầy? Trước tiên, đấy là những gì trực thuộc với Kinh Thánh. Thứ hai, đấy là những gì trực thuộc vào lịch sử. Thứ ba, đấy là sự thật. Điều nầy phản ảnh những gì Kinh Thánh muốn nói, những điều Hội Thánh luôn luôn nói, và thật ra đấy là sự thực về Đức Chúa Jêsus Christ. Tôi biết là chẳng thích ứng khi đưa ra những câu nói như thế hôm nay. Hầu hết mọi người — thậm chí có một số Cơ đốc nhân nữa — không thích nhấn mạnh các vấn đề mấu chốt về đức tin Cơ đốc. Chắc chắn đây không phải là điều chỉnh về mặt chính trị khi nói về Chúa Jêsus bằng những thuật ngữ nầy. Có người nói: “Ông đang cố gắng chia rẻ mọi người”. Phải, đúng là tôi làm thế đấy. Có khi chúng ta cần phải chia ra. Thà là chia rẻ đối với lẽ thật hơn là kết hiệp quanh sự sai lầm.
Khi chúng ta nói: “Tôi tin … Jêsus Christ, là Con độc sanh của Đức Chúa Trời, và Chúa chúng ta”, chúng ta đang công bố cho thế gian biết đây là điều mà chúng ta tin chắc và giữ mãi tận cốt tủy của tâm trí chúng ta. Chúng ta xưng nhận điều nầy là thật bất chấp người khác sẽ chọn tin điều chi khác, và chúng ta xưng điều ấy ra cho dù có sự chống đối nào sẽ xảy đến trên đường lối chúng ta.
Danh trên hơn hết mọi danh
“Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Philíp 2: 9-11).
Đức Chúa Trời đã ban cho Chúa Jêsus “danh trên hết mọi danh”. Đức Chúa Trời đã ấn định một ngày kia Con của Ngài sẽ được công nhận là Chúa ở trên trời và bên dưới đất. Nhiều người không công nhận Ngài khi Ngài còn ở đây trên đất. Người ta ngày hôm nay vẫn không nhìn biết Ngài là ai. Thế nhưng một ngày hầu đến khi sự ấy sẽ thay đổi cho đến đời đời. Khi ngày ấy sau cùng xảy đến, “mọi đầu gối sẽ quì xuống” và “mọi lưỡi thảy đều xưng” Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa. Mọi loài thọ tạo sẽ sấp mình xuống trước mặt Con của Đức Chúa Trời và công nhận địa vị Chủ Tể của Ngài. Hãy lưu ý cả vũ trụ nầy sẽ như thế nào đây!?! Khi ấy tất cả các loài thọ tạo “ở trên trời, dưới đất và bên dưới đất”, bao gồm các thiên sứ và các thánh đồ ở trên trời, tất cả loài sống trên mặt đất, kẻ chết, ma quỉ và chính Satan ở bên dưới đất nữa. Không chừa một ai hết — hết thảy sẽ công bố chung nhất rằng Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa. Quì gối xuống có ý nói tới sự thần phục đối với Ngài là Chúa. Xưng ra bằng lưỡi có ý nói chẳng có Chúa nào khác trừ ra Chúa Jêsus.
Phải gắn tư tưởng nầy sao cho rõ ràng trong lý trí của bạn. Chúa Jêsus sẽ có lời sau cùng! Ngài sẽ được công nhận trước mặt cả vũ trụ. Thậm chí những kẻ thù của Ngài sẽ sấp mình xuống trước mặt Ngài. Đến cuối cùng, chẳng có một sự chống đối nào nghịch lại Ngài mà còn đứng vững. Đây không phải là sự cứu rỗi bao quát đâu, mà là sự tuyên xưng của cả vũ trụ. Không phải mọi người đều được cứu, mà là tất cả những ai chịu tuyên xưng Jêsus là Chúa.
Cái bàn tròn của Quí Mục sư
Ba ngày trước Lễ Giáng Sinh, tôi dự phần vào chiếc “bàn tròn của quí Mục sư” ở một trạm phát thanh Cơ đốc địa phương. Khi tôi nhận lời mời, tôi nghĩ chúng tôi sẽ nói về ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh. Một công việc rất hay, rất thiết. Khi ấy họ nói cho tôi biết rằng có ba nhân vật được đưa ra hội thảo — một rabi Do thái, tôi và một tu sĩ Hồi giáo. Tôi thở một hơi thật sâu khi tôi nghe nói như thế. Mọi sự suy nghĩ của tôi về món ăn giáng sinh và những cây can bằng kẹo đã qua đi rồi. Họ để cho chúng tôi ngồi cạnh nhau bên cái bàn trong ngày ấy — vị rabi Do thái, tôi, và vị tu sĩ đạo Hồi ngồi kế tôi. Vị tu sĩ đạo Hồi đã đến trong bộ y phục kiểu mẫu vùng Trung Đông. Ông để hàm râu và mặc cái áo dài rộng thùng thình. Chúng tôi để giờ đầu tiên trao đổi về chính trị và bối cảnh vùng Trung Đông theo ánh sáng của ngày 11/9. Trong giờ thừ nhì, cuộc bàn bạc chuyển sang các vấn đề thuộc linh. Người tổ chức muốn biết người Do thái, người Hồi giáo và Cơ đốc nhân hết thảy có thờ lạy chung một Đức Chúa Trời hay không!?! Vị rabi Do thái và tôi cả hai đều đáp “không”, vị tu sĩ đạo Hồi kia lại nói “có”. Kế đó ông ta đi vào một chi tiết tìm cách chứng minh rằng hết thảy đang thờ lạy cùng một Đức Chúa Trời. Tôi nói ngược lại bằng cách cho rằng Cơ đốc nhân tin ông ta không thể nói về Đức Chúa Trời mà không nói về Con của Ngài, là Đức Chúa Jêsus Christ. Chúng ta không tin nói thế nầy là đúng: “Chúng ta có Đức Chúa Trời với Chúa Jêsus, và ông có Đức Chúa Trời mà không có Chúa Jêsus”, giống như thể Chúa Jêsus là một loại công cụ tùy ý vậy, giống như một cái bánh xe bằng thép hay chất chrome trên mui xe của bạn vậy — đẹp nhưng không cần thiết. Bạn không thể nói về Đức Chúa Trời mà cũng không nói về Con của Ngài.
Cuộc bàn luận cứ tới lui bấy nhiêu đó. Thế rồi vị tu sĩ đạo Hồi kia nói rằng Hồi giáo cũng kính mến Chúa Jêsus nữa. Họ tán thưởng Ngài và tôn trọng Ngài là một tiên tri của Đức Chúa Trời, và thậm chí họ tin nơi sự ra đời bởi nữ đồng trinh của Ngài và các phép lạ của Ngài nữa. Nhưng họ không tin Ngài là Con của Đức Chúa Trời vì Đức Chúa Trời không thể có con được. Và họ không tin Ngài chịu chết trên thập tự giá, họ tin Ngài chỉ hiện ra để chịu chết mà thôi. Vì lẽ đó, họ không tin vào sự sống lại. Nhưng (đây là lời của tôi, chớ không phải của ông ấy) trừ ra những “chi tiết” đó, họ cũng kính mến Chúa Jêsus nữa. Tất nhiên, các “chi tiết” đó (lời của tôi, chớ không phải của ông ấy) bao gồm tấm lòng và linh hồn Jêsus thực sự là ai kìa. Tới điểm nầy, người tổ chức quay về phía tôi rồi nói: “Thưa Mục sư, tôi đoán đến cuối cùng thì mọi người đều sấp mình xuống trước mặt Chúa Jêsus, có phải không? Ngài thực sự là chính điểm. Ông có đồng ý như thế không?” Không những tôi đồng ý với điều đó, tôi đã nói rằng đến cuối cùng, Chúa Jêsus là vấn đề chính của dòng giống con người. Mỗi một người chúng ta một ngày kia phải trình sổ về những gì chúng ta đã làm với Chúa. Có phải chúng ta kính mến Ngài, hầu việc Ngài là Cứu Chúa và Chúa không? Hay có phải chúng ta chọn theo cách khác? Khi ấy vào thời điểm thích ứng, tôi bắt đầu trưng dẫn Philíp 2:9-11. “Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha”. Nếu ngày nào đó chúng ta sấp mình xuống, thờ lạy Ngài và xưng Ngài là Chúa, tôi không muốn chờ đợi đâu. Tôi muốn quì gối xuống ngay bây giờ và thờ lạy Ngài là Chúa của tôi.
Đây là những sự lựa chọn của bạn:
A) Bạn có thể xưng Ngài ngay bây giờ với sự vui mừng là Chúa và Cứu Chúa của bạn,
B) hay, một ngày kia bạn sẽ xưng Ngài là Chúa trong sự xấu hổ và kinh hãi.
Chúng ta phải công bố điều nầy, đặc biệt với những người không muốn nghe điều ấy. Mới đây, có một người bạn đến nói cho tôi biết về gia đình kia, một thành viên trong đó đã nói rất long trọng: “Nếu ông dám nhắc tới Jêsus với tôi một lần nữa, tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với ông nữa”. Khi những giờ phút ấy đến, chúng ta cần phải phản ứng với lời lẽ đại khái như sau: “Tôi không muốn đánh mất tình bạn của ông, nhưng tôi phải nói cho ông biết sự thật. Ông đã được Đức Chúa Jêsus Christ dựng nên. Ông mắc nợ sự sống của ông đối với Ngài. Một ngày kia, ông sẽ đứng trước mặt Ngài trong vai trò Quan Án của bạn. Chẳng sớm thì muộn, mọi đầu gối sẽ quì xuống trước mặt Ngài và xưng nhận Ngài là Chúa. Ông có thể quì xuống trước mặt Ngài hôm nay là Cứu Chúa của ông hay ông sẽ đối diện với Ngài một ngày kia trong vai trò Quan Án của ông. Nhưng ông không thể tránh thoát được Ngài. Sự chọn lựa thuộc về ông đấy”. Mọi đầu gối thảy đều quì xuống và mọi lưỡi thảy đều xưng nhận. Như thế, bao gồm cả hai đầu gối của bạn và cái lưỡi của bạn nữa đấy. Một là ở trong tình yêu thương và lòng tôn kính hoặc sẽ ở trong những giây phút kinh khủng trước khi bạn bị quăng vào địa ngục đời đời?
Chúa Jêsus phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Mathiơ 11:28). Ngài là Cứu Chúa của bạn. Ngài yêu thương bạn. Ngài mời bạn đến với Ngài. Ngài đã phó chính mình Ngài cho bạn. Ngày nay là ngày cứu rỗi. Ngày mai là ngày phán xét. Bạn há chẳng đến với Ngài hôm nay chăng?
“Tôi tin Jêsus Christ, là Con độc sanh của Đức Chúa Trời, là Chúa chúng ta”. Đây là Jêsus của Kinh Thánh. Đây là Đấng Christ mà chúng ta đang thờ phượng hôm nay. Đây là Jêsus mà chúng ta gọi là Chúa và Cứu Chúa. Đây là Đấng Christ chơn thật của đức tin Cơ đốc. Chẳng có ai khác giống như Ngài vì chỉ một mình Ngài là Đức Chúa Trời hóa thân thành nhục thể. Lời lẽ của Ngài có thẩm quyền thiêng liêng vì chúng là lời lẽ của Đức Chúa Trời Toàn Năng. Một ngày kia toàn thể vũ trụ sẽ sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài. Chúng ta chẳng có Cứu Chúa nào khác và chúng ta chẳng theo một Chúa nào khác. Những người tuận đạo đã qua đời vì họ sẽ không thờ lạy ai khác. Chúng ta sẽ không đánh đổi Đức Chúa Jêsus Christ để lấy một ai khác hay bất cứ vật gì khác.
Một mình Ngài là Chúa. Ồ, tấm lòng chúng ta sẽ ca hát ngợi khen Ngài. Đức Chúa Trời muốn ngày ấy mau đến, cho tới chừng mọi đầu gối sẽ quì xuống và mọi lưỡi thảy đều xưng Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét