Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Khải huyền 1:12-18, 20: "CHÚA VINH HIỂN"





Khải huyền 1:12-18, 20
CHÚA VINH HIỂN
Phần giới thiệu: Vừa qua, chúng ta đã thấy bạn chúng ta là Giăng, ông đã được “Đức Thánh Linh cảm hóa, nhằm ngày của Chúa”, câu 10. Khi ông thờ phượng, Giăng nghe đàng sau có tiếng kêu vang, như tiếng loa. Tiếng nầy bắt lấy sự chú ý của ông và ông xây lại nhìn thấy nguồn của tiếng vang nầy.
Khi Giăng xây lại, ông nhìn thấy hai điều. Thứ nhứt, ông nhìn thấy bảy chân đèn vàng, câu 12. Kế đó, ông nhìn thấy một người mà ông mô tả giống như “Con Người”, câu 13. Cụm từ nầy xuất hiện trong Cựu Ước, và ở Đaniên 7:13-14, cụm từ nầy được sử dụng để nói tới Đấng Mêsi hầu đến. Tước hiệu nầy cũng là tước hiệu mà Chúa Jêsus rất ưa thích khi Ngài phán về chính mình Ngài trong Tân Ước. Chúa Jêsus đã sử dụng cụm từ nầy 81 lần trong các sách Tin Lành. Khi Êtiên bị ném đá, ông ngước mắt nhìn lên trời và ông đã nom thấy Chúa Jêsus, là Đấng ông nói tới là “Con Người”, Công Vụ các Sứ Đồ 7:56.
Vì vậy, khi Giăng xây lại, ông nhìn thấy Đức Chúa Jêsus Christ. Bây giờ, đây là lần đầu tiên Giăng đã nhìn thấy Chúa trải qua hơn 60 năm. Và, chắc ông không nhìn thấy một điều chi khác hơn ông thường nhìn thấy! Giăng vốn biết Chúa Jêsus rất rõ. Kinh Thánh dường như chỉ ra ở Mác 15:40-41 và Giăng 19:25 rằng mẹ của Giăng và mẹ của Chúa Jêsus là hai chị em ruột. Nếu đấy là sự thật, thế thì họ là anh em bà con. Vì lẽ đó, có lẽ Giăng biết rõ Chúa Jêsus khi còn nhỏ. Ông biết rõ Chúa Jêsus là một giáo sư, một người hay làm phép lạ, một tôi tớ, và một người chinh phục linh hồn. Ông đã quan sát khi Chúa Jêsus đang phục vụ và ông đã quan sát khi Chúa Jêsus chịu chết trên thập tự giá. Giăng đã nhìn thấy ngôi mộ trống và ông đã nhìn thấy Đấng Christ phục sinh. Giăng có mặt ở đó khi Chúa Jêsus thăng thiên về trời. Và, thậm chí Giăng đã tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly. Giăng vốn biết Chúa Jêsus rất rõ. Lời làm chứng của ông có thể được thấy ở I Giăng 1:1.
Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, Giăng nhìn thấy Chúa Jêsus giống như ông chưa hề nhìn thấy Ngài trước đó. Trong mấy câu nầy, Giăng nhìn thấy Chúa của sự vinh hiển. Ông nhìn thấy Đấng Christ đã được vinh hiển, and Giăng cố gắng thực hiện một điều rất khó; ông ra sức mô tả Chúa của sự vinh hiển cho chúng ta biết. Tôi muốn hiệp với Giăng khi trong sự lạ lùng ông nhìn xem Chúa Của Sự Vinh Hiển. Tôi muốn chúng ta nên đọc về Đấng mà chúng ta sẽ tự mình nhìn thấy ở cuối con đường sự sống. Chúng ta hãy chú ý những phương thức mà Giăng đang mô tả Chúa Của Sự Vinh Hiển cho chúng ta hôm nay.
I. CHÚA VINH HIỂN TRONG VẺ OAI NGHI CỦA NGÀI (các câu 12-16)
A. Ngài oai nghi trong hoạt động của Ngài (các câu 12-13a) – Khi Giăng xây lại, ông nhìn thấy bảy chân đèn bằng vàng. Mấy chân đèn nầy, hay cây đèn có 7 ngọn, đã có mặt ở chỗ những ngọn đèn dầu được đặt để thắp sáng phòng ốc. Người Do thái gọi chúng là “menorah”. Ngọn đèn menorah có 7 nhánh và được sử dụng trong Đền tạm, Xuất Êdíptô ký 25:31. Cây đèn có 7 ngọn được làm bằng vàng, là thứ kim loại quí báu nhất, và được châm đầy dầu rồi được gắn bấc vào để thắp lên cung ứng ánh sáng. Đèn 7 ngọn tượng trưng cho Đức Thánh Linh và khả năng của Ngài chiếu ánh sáng vào trong thế gian. Đèn 7 ngọn là kiểu mẫu nói tới Đấng Christ. Chúa Jêsus đã đến trong thế gian nầy như một người, nhưng là một người được đầy dẫy Thánh Linh của Đức Chúa Trời, và Ngài đã phục vụ như Sự Sáng của thế gian, Giăng 8:12.
Ở đây, chúng ta thấy Chúa Jêsus đang “ở giữa những chân đèn”. Đèn 7 ngọn trong phân đoạn Kinh Thánh nầy được xác định cho chúng ta ở câu 20. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng chúng tiêu biểu cho 7 Hội Thánh được nhắc tới ở Khải huyền 1:11.
Đèn 7 ngọn đều bằng vàng, tiêu biểu cho bản chất quí báu của Hội Thánh. Chẳng có một thể chế nào trên đất là quí báu và xinh đẹp như Hội Thánh được! Hội Thánh rất quí báu đối với Đức Chúa Trời đến nỗi Chúa Jêsus đã bằng lòng mua lấy nó bằng chính huyết của Ngài!
Có 7 chân đèn. Một lần nữa, 7 là con số của sự trọn vẹn hay hoàn toàn. Bảy chân đèn nầy chỉ về các Hội Thánh thật, nhưng chúng cũng tiêu biểu cho các Hội Thánh địa phương trải qua các thời đại.
Tuy nhiên, sứ điệp thật nói tới các chân đèn nằm trong mục đích của chúng. Đèn 7 ngọn phác họa Hội Thánh giống như “sự sáng của thế gian”, Philíp 2:15; Êphêsô 5:8; Mathiơ 5:16.
Vì thế, điều đó đưa tôi đến với những gì tôi muốn nói về câu Kinh Thánh nầy. Chúa Jêsus được phác họa là đang ở giữa các Hội Thánh của Ngài. Khi chúng ta nhóm lại, Ngài luôn ở đây với chúng ta, Mathiơ 18:20. Ngài hiện đang ở đây vùa giúp chúng ta; đang phán dạy chúng ta; đang bảo hộ chúng ta; đang dẫn dắt chúng ta; đang chúc phước cho chúng ta; đang khích lệ chúng ta và đang thách thức chúng ta. Ngài ở giữa dân sự Ngài khi chúng ta sinh sống, thờ phượng và đang hướng tới sự vinh hiển. Có những lúc chúng ta có thể công nhận sự hiện diện của Ngài và có những lúc chúng ta quên Ngài đang hiện diện ở đây. Ngài vẫn ở với chúng ta y như thế. Nếu chúng ta từng quên đi nhóm; lịch phục vụ; những mối quan tâm của chúng ta; và hãy công nhận sự hiện diện của Chúa trong Hội Thánh của Ngài, điều đó sẽ làm biến đổi những buổi lễ thờ phượng của chúng ta.
Cảm tạ Đức Chúa Trời, Ngài yêu thương chúng ta và mong muốn gặp gỡ chúng ta! Bạn và tôi có thể không có mặt tại nơi thờ phượng, nhưng Chúa Jêsus không hề bỏ sót một buổi thờ phượng nào cả!
B. Ngài oai nghi trong dáng dấp của Ngài (các câu 13b-16) – Đây là chỗ mà Giăng bắt đầu nổ lực thực hiện điều rất khó ấy. Ông cố gắng mô tả Chúa của Sự Vinh Hiển bằng những từ ngữ mà chúng ta có thể hiểu được.
1. Áo của Ngài (câu 13b) – Chúa Jêsus “mặc áo dài, thắt đai vàng ngang trên ngực”. Đây là y phục của cả hai: Vua và Thầy Tế Lễ. Là Vua, Chúa Jêsus là Chủ Tể Tối Cao. Ngài đang cầm quyền tuyệt đối và Ngài đang tể trị hôm nay, thậm chí dù thế gian không công nhận Ngài, Khải huyền 17:14. Chúa Jêsus đang tể trị trên các Hội Thánh của Ngài và trên thế gian.
Là Thầy Tế Lễ, Chúa Jêsus là “nhân vật nơi người bề trong” của chúng ta. Ngài là Đấng Cầu Thay của chúng ta; Ngài là Đấng cầu thay cho chúng ta ở trên trời hết ngày nầy sang ngày khác, Hêbơrơ 7:25; Rôma 8:34; I Timôthê 2:5; I Giăng 2:1. Khi chúng ta trông thấy Ngài, chúng ta sẽ nhìn thấy Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và Vua của chúng ta.
2. Đầu và Tóc của Ngài (câu 14a) – Điều nầy nói tới sự thanh sạch và tình trạng thái cổ của Ngài. Chúng ta được nhắc cho nhớ rằng Ngài là vô tội, Hêbơrơ 7:26; II Côrinhtô5:21; I Phierơ 2:22. Chúng ta cũng được nhắc cho nhớ rằng Ngài không có tuổi tác! Cái thấy nầy về Chúa Jêsus đồng hóa Ngài với “Đấng Thượng Cổ” ở Đaniên 7:9. Ngài là Đấng luôn luôn hằng hữu! Con Trẻ Jêsus đã được đặt trong máng cỏ ở thành Bếtlêhem cũng chính là Đấng đã đứng ở chỗ không không và đã dựng nên muôn vật từ lúc sáng thế! Ngài là vô hạn và đời đời!
Giăng đang nói cái đầu của Ngài. Cái đầu ấy đã được đặt nơi ngực của Mary để được yên ủi như một đứa con. Cái đầu ấy khi là một người trưởng thành không có một chỗ nào để nghỉ ngơi. Cái đầu ấy bị đội cho chiếc mão đan bằng gai và huyết của chính Ngài bị pha trộn với nước bọt của kẻ thù Ngài. Cái đầu ấy đã được đặt trong một mộ địa bằng đá tăm tối và được quấn với vải lịm. Ngày kia, một ngày vinh hiển, cái đầu ấy sẽ được tôn tặng với thật nhiều mão triều thiên!
3. Đôi mắt của Ngài (câu 14b) – Chúng nói tới sự toàn tri của Ngài; sự thông thái và sáng suốt của Ngài, Hêbơrơ 4:13; Châm ngôn 15:3. Không một điều gì có thể giấu kín khỏi mắt Ngài! Xachê trèo lên cây, Phierơ bên ngọn lửa, tấm lòng của người Pharisi ngạo mạn kia cũng không giấu được Ngài! Không, Ngài nhìn thấy từng động lực, tội lỗi và kín nhiệm trong tấm lòng và trong đời sống của chúng ta. Đôi mắt ấy từng nhòa lệ dành cho Laxarơ, cho thành Jerusalem và cho chúng ta. Đôi mắt ấy vẫn nhìn thấy mọi sự trong đời sống chúng ta hôm nay!
4. Hai bàn chân của Ngài (câu 15a) – Đồng, trong Kinh Thánh nói tới sự phán xét. “Con rắn bằng đồng”, Dân số ký 21, là biểu tượng tội lỗi của dân sự bị xét đoán bởi sự sửa phạt của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus xuất hiện ở đây giữa các Hội Thánh Ngài là Đấng đang cầm quyền phán xét. Ngài nhìn thấy mọi sự và khi Ngài nhìn thấy điều chi không đẹp lòng Ngài, Ngài thực thi quyền bính của mình trong vai trò là Vua và là Chúa, Ngài hành động trong sự phán xét để sửa ngay lại mọi việc.
Hai bàn chân quí báu của Chúa Jêsus đã chạm đến đất nầy lần đầu tiên khi Ngài chỉ là một đứa trẻ. Chúng đã đưa Ngài dọc theo những con đường bụi bặm trong xứ Israel khi Ngài phục vụ và giảng dạy cho dân chúng. Chúng đưa Ngài lên đỉnh đồi Gôgôtha, ở đó hai bàn chân ấy đã cảm nhận nổi đau của những mũi đinh đóng xuyên qua chúng. Hai bàn chân ấy đã được trông thấy lần sau cùng khi Ngài trở lại với ngôi của Cha Ngài. Trong 2.000 năm qua hai bàn chân ấy chẳng cảm nhận được gì trừ ra những con đường bằng vàng của thành ấy. Không bao lâu nữa, hai bàn chân ấy sẽ cỡi những đám mây trở lại với thế gian nầy khi Chúa Jêsus kêu gọi cô dâu của Ngài đến với chính mình Ngài. Thế thì một ngày kia, hai bàn chân ấy một lần nữa sẽ chạm đến thế gian nầy. Ngài sẽ đến trong năng quyền để phán xét tội lỗi, Satan và con người tội lỗi khi Ngài giày đạp thùng rượu thạnh nộ của Đức Chúa Trời Toàn Năng. Ngài đến trong vai trò một Quan Xét!
5. Tiếng của Ngài (câu 15b) – Khi Giăng lần đầu tiên nghe thấy Chúa, tiếng của Ngài được mô tả vang dội giống như tiếng loa, câu 10. Tiếng của Ngài đã đến đòi hỏi sự chú ý của Giăng. Còn bây giờ, Giăng mô tả tiếng của Chúa giống như “tiếng nước lớn”. Tôi chưa hề đến Thác Niagara, nhưng người nào đó thuật cho tôi biết tiếng của những dòng nước tuôn xuống rất khác biệt. 12 triệu m3 nước chảy trong một phút đổ xuống cái thác lớn ấy và giống như dòng nước đó đập mạnh vào những vầng đá bên dưới, nó tạo ra tiếng vang duy nhứt mà người ta nghe thấy được, và chỉ có tiếng ấy mới thực sự là vấn đề.
Tiếng vang ấy được kể giống với tiếng của Chúa Jêsus. Ngày nay, có nhiều người đang xây cái lỗ tai điếc đối với tiếng phán của Ngài; nhưng có một ngày hầu đến khi Ngài sẽ phán và tiếng của Ngài sẽ là một tiếng chẳng ai có thể bỏ qua được. Ngày kia, từng đầu gối sẽ phủ phục xuống và mọi lưỡi sẽ xưng Ngài là Chúa khi nghe thấy tiếng vang dội ấy. Đây cũng chính là tiếng đã phán với thế gian nầy để nó được tồn tại. Đây chính là tiếng đã công bố công tác cứu chuộc đã được trọn, Giăng 19:30. Đây cũng chính là tiếng sẽ vời Cô Dâu lên trong sự vinh hiển, I Têsalônica 4:16-17. Tiếng nầy rất nghiệt ngã nhất sẽ rơi vào hai lỗ tai của kẻ bị hư mất, Mathiơ 7:23. Nhưng, tiếng ấy sẽ là tiếng quí báu nhất mà những ai được cứu bởi ân điển sẽ nghe thấy, Mathiơ 25:23.
Tôi rất vui sướng khi nghe được tiếng ấy kêu gọi tôi đến với Ngài một ngày kia. Tôi rất vui sướng khi tôi nghe tiếng ấy từng ngay một khi tôi đang trên đường hướng tới sự vinh hiển. Tôi rất biết ơn vì tôi sẽ nghe tiếng ấy ở cuối con đường khi Ngài phán: “Mừng ngươi về đến quê hương!”
6. Hai bàn tay của Ngài (câu 16a) – Trong bàn tay phải của Ngài, là bàn tay nói tới quyền lực, Chúa Jêsus đang cầm lấy 7 ngôi sao. Các ngôi sao nầy được xác định ở câu 20. Chúng là các “thiên sứ của 7 Hội Thánh”. Có người tin mấy ngôi sao nầy có ý nói tới một thiên sứ canh gát được ban cho quyền hành trên từng Hội Thánh. Nhiều người khác cảm thấy rằng mấy ngôi sao có ý nói tới quí Mục sư của các Hội Thánh nầy. Riêng tôi thì nghiêng hẳn về sự giải thích sau.
Chúa Jêsus được phác họa là đang cầm lấy các tôi tớ Ngài trong tay Ngài, bảo hộ họ bởi quyền phép của Ngài. Giăng đang viết cho hạng người đã gánh chịu sự bắt bớ nghiệt ngã. Họ cần sự tái bảo đảm nầy khi họ phấn đấu. Nhưng, cũng thế cho bạn và tôi! Thật là yên ủi cho tấm lòng của tôi khi biết rằng mình được an ninh ở trong tay Ngài, Giăng 10:28-29! Hai bàn tay ấy đã nắn đúc ra con người từ bụi đất; đã rờ đến người phung; đã mở mắt kẻ mù; đã cho đoàn dân đông ăn và chắc chắn đã bị đóng đinh trên thập tự giá chính là hai bàn tay đang nắm giữ bạn và tôi ngày nay! Khi bạn ở trong tay Ngài, bạn đang ở trong một nơi thật an ninh tuyệt đối và trọn vẹn!
7. Miệng của Ngài (câu 16b) – Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng “thanh gươm hai lưỡi” thò ra từ miệng của Đấng Christ vinh hiển. Điều nầy nhắc cho chúng ta nhớ rằng Ngài không đến với lời lẽ bình an và phước hạnh đâu; mà với lời lẽ công bình và xét đoán. Khi Chúa Jêsus đến lần đầu tiên, Ngài đã đến với một sứ điệp thật bình an và cứu rỗi. Lần tới Ngài đến, Ngài sẽ xét đoán thế gian với một lời ra từ miệng Ngài. Giống như cái đâm của thanh gươm nhọn có thể xoáy tận xương cốt và đem lại sự chết tức thì; một ngày kia Chúa Jêsus sẽ phán và kẻ thù Ngài sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, Khải huyền 19:15. Giống như Ngài đã phán: “Phải có sự sáng” thì có sự sáng; Ngài phán thì việc liền có!
Lời của Đức Chúa Trời, bị rủa sả bởi kẻ vô thần, bởi kẻ theo thuyết bất khả tri, bởi kẻ không tin đạo, và bởi kẻ theo phái ý chí tự do, một ngày kia sẽ là tiêu chuẩn bởi đó mọi người sẽ bị phán xét! Lời của Đức Chúa Trời sẽ xét đoán con người một ngày kia, Khải huyền 20:12; Giăng 12:48.
8. Mặt của Ngài (câu 16c) – Giăng nói rằng mặt của Chúa vinh hiển trông giống như mặt trời khi soi sáng hết sức. Giăng đã nhìn thấy gương mặt nầy trước đây rồi. Khi Chúa Jêsus hóa hình trong Mathiơ 17, Giăng có mặt ở đó mà. Khi Chúa Jêsus đến với trần gian nầy và sống tại thành Bếtlêhem, Ngài đã che giấu sự vinh hiển của Ngài bên dưới chiếc áo xác thịt con người. Khi Ngài đến lần thứ nhứt, người ta có thể tiếp cận Ngài. Bất cứ ai muốn bước vào sự hiện diện của Ngài khi ấy, và nhiều người đã làm được. Những đứa trẻ nhỏ, vị quan giàu có, các cấp lãnh đạo tôn giáo, người nghèo, kẻ đau bịnh, thậm chí kẻ bị xã hội ruồng bỏ như người phung, đều có thể tiếp cận Chúa Jêsus bất cứ khi nào họ muốn. Nhưng, khi Ngài lại đến, hạng người tội lỗi thậm chí sẽ không được nhìn đến Ngài, nói chi đến tiếp cận Ngài.
Khi Chúa Jêsus đến lần thứ nhứt, mặt Ngài là gương mặt của một con người bình thường, Êsai 53:2. Kẻ thù Ngài đã rứt bánh ra khỏi mặt Ngài và chúng khạc nhổ vào gương mặt ấy, Êsai 50:6. Mặt Ngài bị đánh đập và dọc ngang đầy máu của chính Ngài. Thế nhưng, chính gương mặt ấy đã khiến cho Êsai phải kêu lên mà nói: “Khốn nạn cho tôi!”, Êsai 6:5. Chính gương mặt ấy đã khiến cho Gióp phải nói: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài: Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi” Gióp 42:5-6. Một ngày kia, hạng người gian ác sẽ kêu lên vì núi non sẽ úp đổ trên họ mà giấu họ khỏi mặt Ngài, Khải huyền 6:16.
Một ngày kia, chúng ta sẽ nhìn thấy gương mặt ấy! Khi chúng ta nhìn thấy, sẽ chẳng có một vết thâm tím, chẳng có máu chảy dọc ngang ở đó nữa. Khi chúng ta nhìn thấy gương mặt ấy, chúng ta sẽ thấy Ngài trong sự vinh hiển của Ngài và chúng ta sẽ có quyền nhìn ngắm sự vinh hiển của Ngài, vì chúng ta sẽ giống như Ngài trong ngày đó, I Giăng 3:2.
I. Chúa vinh hiển trong vẻ oai nghi của Ngài
II. CHÚA VINH HIỂN TRONG ƠN THƯƠNG XÓT CỦA NGÀI (câu 17a)
A. Phản ứng của Giăng – Giăng đang làm cái việc mà bất kỳ tội nhân nào cũng sẽ làm trong sự hiện diện của Chúa: ông ngã xuống đất như chết! Hạng người bị hư mất hay khoe khang và cung bàn tay họ lại trước mặt Đức Chúa Trời; nhưng ngày hầu đến khi từng kẻ ghét bỏ Đức Chúa Trời và chối bỏ Đấng Christ sẽ quì gối của họ (nam hay nữ) xuống trong sự hiện diện của Đức Chúa Jêsus Christ. Giăng chỉ tỏ ra cho chúng ta thấy những gì mà hết thảy tội nhân sẽ làm một ngày kia. Bây giờ có thể bạn chưa hiểu hết được điều nầy đâu, nhưng có một ngày hầu đến khi địa ngục sẽ trở thành nơi tiếp đón dành cho hạng tội nhân hư mất, họ phải đứng trước mặt Chúa Jêsus trong sự phán xét một ngày kia, Minh họa: Philíp 2:9-11; Khải huyền 20:11-15.
Đồng thời, tôi rất vui sướng khi tôi đã quì gối xuống rồi trước mặt Ngài và công nhận Ngài là Chúa, là Đức Chúa Trời và là Vua! Tôi rất biết ơn khi mỗi ngày tôi, chẳng có lưỡng lự chi hết, quì gối trước mặt Ngài và xưng Ngài là Chúa của tôi. Còn bạn thì sao?
B. Sự tái bảo đảm của Đấng Christ – Khi Giăng ngã xuống như chết, Chúa Jêsus làm việc mà Ngài luôn luôn làm: Ngài phán bình an cho con cái Ngài! Hãy suy nghĩ về điều nầy xem! Chúa Jêsus sử dụng bàn tay hữu của Ngài, là bàn tay với nó Ngài bảo hộ các tôi tớ Ngài. Ngài sử dụng bàn tay ấy và dịu dàng chạm đến Giăng. Thế rồi Ngài phán cùng Giăng. Chính tiếng nói ấy sấm sét với quyền bính và oai lực; chính tiếng nói ấy một ngày kia sẽ phán xét các nước; chính tiếng nói ấy phán bình an cho tấm lòng của Giăng! Đây chẳng phải là lần đầu tiên Giăng đã nghe Ngài phán “Bình an!” Giăng đã nghe Ngài phán: “Hãy êm đi, lặng đi”, Mác 4:39, và cả vùng biển thịnh nộ nằm xuống dưới chơn Ngài giống như một con búp bê vậy. Sự bình an đó xua tan đi nổi lo sợ mà các môn đồ đã cảm nhận trong đêm ấy. Ông đã nghe Ngài phán: “Bình an cho các ngươi”, Giăng 20:19, vào cái ngày mà Ngài đã sống lại từ kẻ chết. Sự bình an ấy xua tan đi hết mọi nghi ngờ và sợ hãi mà các môn đồ đã có sau cái chết của Ngài. Bây giờ, Giăng đang nghe Ngài phán “bình an” một lần nữa. Lần nầy từ ngữ bình an khiến cho Giăng nhìn biết rằng ông chẳng có gì phải lo sợ đối với Chúa Jêsus cả. Chúa Jêsus không đến như Quan Xét đối với Giăng; mà là Đấng Cứu Chuộc và là Bạn hữu của ông! Halêlugia, đúng là Cứu Chúa!
Chúa Jêsus có thể là Vua các vua; song Ngài là Thiết Hữu của chúng ta! Có thể Ngài là Chủ Tể Tối Cao của vũ trụ; song Ngài là người Anh Cả của chúng ta! Có thể Ngài là Đức Chúa Trời, là Đấng hành động trong năng quyền và vinh quang, hoàn thành nhiều việc mà suy tưởng của chúng ta không sao hiểu tới nổi; song Ngài vẫn có thì giờ để cho các nhu cần của chúng ta chạm đến, Hêbơrơ 4:15, và Ngài vẫn đưa bàn tay của Ngài xòe ra trong đời sống của chúng ta để khích lệ chúng ta và để phán bình an cho tấm lòng chúng ta.
I. Chúa vinh hiển trong vẻ oai nghi của Ngài
II. Chúa vinh hiển trong ơn thương xót của Ngài
III. CHÚA VINH HIỂN TRONG CHỨC VỤ CỦA NGÀI (các câu 17b-18)
(Minh họa: Tiểu đoạn sau cùng phác họa Chúa Jêsus trong công tác của Ngài. Mấy câu nầy cho chúng ta biết Ngài là ai và Ngài đang làm gì).
A. Ngài là Đấng đang tể trị – Ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng – Giăng được nhắc nhớ rằng Chúa Jêsus là Đấng “Tác Giả và Thành Toàn” của muôn vật. Ngài là Đấng luôn luôn hiện hữu và là Đấng luôn hằng hữu. Chúa Jêsus đứng như Đầu và là Cuối của lịch sử. Các bậc vua chúa sẽ đến rồi đi, còn Chúa Jêsus đã, đang và sẽ trị vì cho đến đời đời. Ngài là vô hạn và Ngài là đời đời!
B. Ngài là Đấng Phục Sinh – là Đấng Sống, ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời, Amen; - Chúa Jêsus đã làm một việc mà chẳng có ai khác làm được: Ngài đã bước vào sự chết theo thời khắc của chính Ngài, theo phương thức của chính Ngài và Ngài đã bước ra khỏi sự chết khi Ngài đã sẵn sàng. Ngài đã chịu chết trên thập tự giá và rồi Ngài đã sống lại từ kẻ chết, Mathiơ 28:1-6. Cảm tạ Đức Chúa Trời: “Ngài sống! Ngài sống! Chúa Jêsus sống hiện rày! Đi chung trò chuyện suốt lối hẹp hòi. Tâm tôi vui mừng thơ thái! Ngài sống! Ngài sống! Để ban ơn cứu ta đấy. Nếu hỏi chứng cứ Chúa sống đâu nào? Rằng Chúa sống trong lòng nầy!”
C. Ngài là Đấng Cứu Chuộc – “là Đấng Sống, ta đã chết” – Chúa Jêsus đã chết, nhưng cái chết của Ngài chẳng giống với cái chết nào khác trong lịch sử của thế giới. Ngài đã chết, không phải vì Ngài, mà Ngài đã chịu chết cho nhiều người khác. Ngài bước lên thập tự giá đó để trả cái giá mà Ngài không mắc; vì một dân mắc một giá mà họ không thể trả được. Ngài đã phó mọi sự của Ngài cho những kẻ chẳng có gì để dâng lên. Ngài đã trả toàn bộ cái giá để chuộc lấy dân sự Ngài ra khỏi tội lỗi của họ, Êsai 53:4-6; I Phierơ 1:18-19; Khải huyền 1:5. Ngài đã hoàn thành một của lễ mà hàng triệu gallons máu con sinh đã không bao giờ có thể, cũng sẽ không bao giờ có thể đủ trọn được. Ngài đã trả cái giả đủ cứu chuộc cho những ai sẽ kêu cầu Ngài bởi đức tin, Hêbơrơ 10:10-14; Hêbơrơ 9:12; 25-28.
D. Ngài là Đấng y như nguyên cũ – kìa nay ta sống đời đời – Khi từng bậc chủ quyền và từng kẻ bị trị nhạt nhòa dần đi qua cái khung thời đại; khi từng người giàu có và mỗi người nghèo khó bị xóa đi khỏi ký ức của thời gian; khi từng đế quốc và từng việc làm phai dần đi bởi dòng lịch sử; Đức Chúa Jêsus Christ vẫn sẽ là Chúa Tể và Ngài vẫn sẽ là Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng y như nguyên cũ! Đừng lo về việc gì sẽ xảy ra cho Ngài! Khi bụi thời gian bị quét vào cái thùng rác của cõi đời đời, Chúa Jêsus vẫn sẽ là Vua các vua và Chúa các chúa! Điều đó đã đem lại sự yên ủi cho từng con cái của Đức Chúa Trời và giáng sự kinh khiếp vào lòng của từng ma quỉ và tội nhân.
E. Ngài là Đấng giải phóng – Ta cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ – Chìa khóa nói tới lối vào và quyền hành. Tôi có nhiều chìa khóa ngay ở đây. Vì tôi có chúng, tôi có lối vào với những vật kia. Vì tôi có mấy chiếc chìa khóa, tôi có thể vào những nơi mà người khác không được phép vào. Cũng thực sự một thể ấy với Chúa Jêsus!
Đức Chúa Jêsus Christ quyết định mọi vấn đề của sự sống và sự chết. Ngài quyết định ai sống và ai chết. Vì Chúa Jêsus đã bước vào sự chết và đã thắng hơn nó, Ngài có những chìa khóa của sự chết. Vì Ngài đã bước vào chỗ mà người chết đang ở và đã bước ra khỏi đó, Ngài đang cầm lấy chìa khóa của địa ngục. Chúa Jêsus là nhân vật chính! Ngài là một người nhơn đức để người ta phải nhìn biết! Vì tôi nhìn biết Ngài, tôi không thể đi địa ngục, Ngài đã khóa cánh cửa ấy rồi! Vì tôi nhìn biết Ngài, tôi sẽ vào thiên đàng; Ngài đã mở toang hai cánh cổng của thành ấy cho con cái của Ngài.
Có phải bạn biết rõ Ngài đang cầm lấy những chiếc chìa khóa và từng mồ mả trong thế gian không? Ngài có quyền làm cho những người thân của bạn sống lại từ kẻ chết, I Têsalônica 4:13-18. Có phải bạn nhìn biết rằng Ngài đã mở cánh cửa giữa sự sống và sự chết cho hết thảy dân sự Ngài không? Khi tôi đi đến mức cuối của sự sống, tôi sẽ có quyền bước ra khỏi sự sống đời nầy mà bước vào trong sự sống thiên thượng đó vì Ngài đã mở cánh cửa ra rồi.
Phần kết luận: Một người cha đang cố gắng đọc tờ báo ngày Chúa nhựt. Đứa con gái nhỏ của ông ta, như mấy đứa trẻ nhỏ thường làm, thường xuyên ngắt ngang ông rồi đưa ra mấy câu hỏi với ông. Sau cùng, không muốn nó quấy rối nữa, ông cắt tấm bản đồ thế giới, trao cho nó, và bảo nó ghép lại với nhau. Ông nghĩ điều nầy sẽ làm cho nó không làm rộn ít nhất cũng là một thời gian nào đó. Tuy nhiên, chỉ trong mấy phút nó quay trở lại với tấm bản đồ và từng mảnh kia được ráp vào đúng chỗ.
Người cha lấy làm kinh ngạc lắm rồi nói: “Làm sao mà con ráp nối mấy mảnh ấy nhanh thế? Con đâu có biết gì về địa lý, có phải không”. Đứa bé gái kia đáp: “Dạ phải, bố ơi, có một bức tranh về Chúa Jêsus ở mặt kia kìa, và con biết con ráp khuôn mặt ấy cho đúng chỗ, thì cả thế giới cũng sẽ y khuôn mà”.
Đúng là một sự thực! Đấy là điều mà Giăng đang ra sức làm ở đây, ngay mỗi chặng đường của sách Khải huyền. Ông đang cố gắng buộc chúng ta phải nhìn xem Chúa Jêsus y như Ngài vốn có thật vậy! Ngài không phải là con người khiêm hạ xứ Galilê nữa. Ngài là Vua các vua và Chúa các chúa và Ngài đáng được thờ lạy, đáng được phục sự và đáng được vinh hiển. Khi Ngài đang ngự ở đúng chỗ, toàn bộ thế gian cũng sẽ được an bài. Cho tới khi ấy, thế gian sẽ mất cân đối và sẽ tiếp tục chao đảo dưới những tác dụng của tội lỗi và sự loạn nghịch, cho tới chừng Chúa Jêsus ngự đến và sắp đặt lại mọi việc.
Có việc gì ở đây dành cho bạn không? Có việc nầy đây: Có phải Chúa Jêsus ngự vào đúng vị trí trong tấm lòng và đời sống của bạn không? Nếu Ngài đang ở đó, thế thì bạn đã được cứu và bạn đang hạ mình phục sự Ngài. Nếu Ngài chưa có ở đó, như vậy có nghĩa là đời sống của bạn đang mất cân đối và giống như cái ruột xe không có hơi và đang hướng tới sự hủy diệt.
Bạn và tôi đều có cơ hội để đến trước mặt Ngài hôm nay để ngợi khen Ngài vì Ngài là ai. Chúng ta có cơ hội sấp mình xuống trước mặt Ngài; để cảm tạ Ngài và tôn vinh Ngài. Hôm nay, chúng ta có thể làm điều ấy một cách tự nguyện, vì nhiều người rồi đây sẽ bị buộc phải sấp mình xuống đấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét