Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010

Mác 6.30-34: "Đấng Cứu Thế, Ngài chăm sóc"



Mác 6.30-34
Đấng Cứu Thế, Ngài chăm sóc
Phần giới thiệu: Thường thì người ta có một ấn tượng không hay về Đức Chúa Trời là ai. Có người xem Ngài quá cao cả và thánh khiết đến nỗi Ngài chẳng có thì giờ dành cho hạng người giống như bạn và tôi. Nhiều người khác xem Ngài giống như một cụ cố, là Đấng nhắm mắt làm ngơ đối với tội lỗi và nhìn xem loài thọ tạo của Ngài với vẻ thích thú để coi điều chi sẽ xảy ra kế đó.
Phải, Đức Chúa Trời vốn là một Đức Chúa Trời cao cả và thánh khiết! Ngài “biệt riêng ra đối với hạng tội nhân”. Sự gian ác của chúng ta không thể chạm đến Ngài và Ngài không thể nhìn xem tội lỗi của chúng ta. Chắc chắn Ngài không nhắm mắt làm ngơ đối với tội lỗi của chúng ta rồi ngồi dựa đó khi vũ trụ lo làm công việc riêng của nó. Ngài là một Đức Chúa Trời là Đấng đang nắm quyền tể trị muôn vật suốt mọi thời đại. Nhưng, giống như một cụ cố biết yêu thương, Ngài là một Đức Chúa Trời, là Đấng hay chăm sóc.
Đúng là một sự ngạc nhiên khi có người nghĩ về Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời hay chăm sóc. Ngài thường được phác họa là một Đức Chúa Trời của sự thạnh nộ và phán xét. Đấy là một phương diện của bổn tánh Ngài. Tuy nhiên, Ngài cũng là một Đức Chúa Trời của sự yêu thương, hay thương xót và rất mật thiết. Ngài là một Đức Chúa Trời, là Đấng hay chăm sóc.
Một lý do cho thấy Ngài hay chăm sóc là vì Ngài biết chúng ta đối diện với điều gì trong cuộc sống. Ngài biết rõ như vậy vì Ngài đã đến với thế gian nầy và đã sống giữa vòng chúng ta trong một thời gian. Đức Chúa Trời Toàn Năng hiển nhiên đã mặc lấy xác thịt con người hầu cho Ngài sống giữa vòng loài người rồi chịu chết trên thập tự giá vì cớ tội nhân, Philíp 2.5-8; Giăng 1.1; 14.
Trong khi Ngài còn ở đây, Ngài đã gánh chịu nhiều hơn sự Ngài dự phần vào nổi đau khổ, nghèo khó. Ngài biết rõ không có chỗ gối đầu là thể nào, Mathiơ 8.20. Ngài biết rõ thể nào là bị chối bỏ, Giăng 1.11. Ngài biết rõ bị thù ghét là thể nào. Ngài biết rõ chịu đựng đau khổ là thế nào rồi. Ngài biết rõ thế nào là đói khát và cô đơn. Ngài biết rõ điều chi giống như sự chết. Chúa Jêsus đã bước đi qua thế gian nầy và đã kinh nghiệm những gì Ngài đã kinh qua hầu cho Ngài có thể giúp đỡ cho bạn trong khi bạn có cần, Hêbơrơ 4.15.
Khi chúng ta tiếp tục nghiên cứu về Tin Lành Mác hôm nay, chúng ta sẽ đối mặt với một phân đoạn Kinh Thánh rất tuyệt vời. Những câu Kinh Thánh nầy nói cho chúng ta biết không chút nghi ngờ rằng Chúa Jêsus đang chăm sóc chúng ta. Tôi muốn chỉ ra hai nhóm người mà Chúa đang chăm sóc. Tôi muốn rao giảng với đề tài Đấng Cứu Thế Hay Chăm Sóc. Khi tôi giảng luận, nguyện Ngài dạy cho bạn biết rằng Ngài đang chăm sóc bạn hôm nay.
I. NGÀI CHĂM SÓC CÁC TÔI TỚ ĐANG CHỊU KHÓ LÀM VIỆC (các câu 30-32)
A. Hoạt động của họ (câu 30) – Những biến cố trong câu 30 diễn ra ngay sau các biến cố ở câu 13. Chúa Jêsus đã sai 12 môn đồ đi ra giảng dạy và chữa lành. Chức vụ của họ là một sự thành công tuyệt đối và họ trở về với Chúa rồi thuật lại cho Ngài biết mọi sự về chức vụ của họ trong các ngôi làng ở quanh đó.
Họ rất phấn khích về mọi sự mà họ đã chứng kiến và về lẽ đạo mà họ đã rao giảng. Tôi có thể hình dung ra họ đang nhóm lại ở quanh Ngài đang khi hết thảy họ đều ra sức nói cùng một lúc. Đây là thời điểm rất thú vị trong đời sống của những người nầy.
(Minh họa: Chẳng có gì thực sự rung động trong cuộc sống cho bằng phục vụ Chúa khi Ngài chúc phước cho công việc đó. Khi bạn dừng lại để xem xét bạn xuất thân từ đâu và thể nào Ngài đã cứu linh hồn bạn. Khi ấy, với suy nghĩ rằng Ngài đã để cho bạn một phần nhỏ trong công việc của Nước Ngài, đấy là một phước hạnh quá to lớn không sao hiểu nổi.
Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rất rõ ràng; Chúa đã cứu chúng ta để phục vụ Ngài. Ngài cố ý chuộc lấy chúng ta để chúng ta lo phục vụ Ngài trong thế gian nầy, Êphêsô 2.10. Khi Ngài cứu chúng ta, Ngài trang bị cho chúng ta để đảm nhận một chỗ đặc biệt trong công tác của Nước Ngài, I Côrinhtô 12.6-26. Sự chúng ta phục vụ Chúa minh chứng thực tại kinh nghiệm cứu rỗi của chúng ta, Giacơ 2.18; 1 Giăng 1.7.
Cứ mãi bận rộn cho Chúa đúng là một việc rất tuyệt vời! Được phép hầu việc Ngài là quả là một ơn phước. Và, chẳng có một phần việc nào là nhỏ nhoi trong vương quốc của Ngài, Minh họa: thái độ của David – Thi thiên 84.10. Bạn đang làm gì cho Chúa Jêsus trong lúc bây giờ?)
(Minh họa: Có người nói, họ không thể hầu việc Chúa vì họ không được huấn luyện chi hết. Hãy nhìn vào các môn đồ xem! Họ được sai đi với một ít dạy dỗ cùng tri thức có hạn về những vụ việc của Đức Chúa Trời. Đừng chờ đợi cho tới chừng bạn biết phải làm gì đó cho Chúa. Hãy bắt tay làm việc theo những gì bạn biết rõ và tin cậy Chúa dạy dỗ cho bạn khi bạn ra đi).
B. Lời dặn dò của Ngài (các câu 31-32) – Khi Chúa Jêsus nghe họ tường trình rồi nhìn thấy sự sốt sắng của họ, Ngài ban ra cho họ một lời khuyên thật lạ lùng. Một số người đã tưởng rằng đây là lúc để nắm bắt cơ hội. Dân chúng đang lắng nghe, đoàn dân đông lại đến. Dường như đấy là lúc thuận tiện để sai phái các môn đồ đi ra một lần nữa để rao giảng cùng chữa lành và làm tăng thêm số lượng của đám đông. Mặt khác, Chúa Jêsus kêu gọi các môn đồ hãy đi tẻ ra trong đồng vắng một chút để nghỉ ngơi và lấy lại sức.
Tôi nghĩ có vài bài học cho thấy tại sao Chúa đã làm như vậy với người của Ngài. Tôi nghĩ những lý do nầy vẫn còn hiệu lực hôm nay. Cho phép tôi chia sẻ chúng với bạn nhé!
+ Lực căng về chức vụ rất là lớn – Khi các môn đồ trở về với Chúa Jêsus, họ thấy Ngài bị nhiều đám dân đông vây quanh, họ đang cần đến Ngài. Dân chúng đang đổ đến với một tỉ lệ rất cao đến nỗi Chúa Jêsus và người của Ngài thậm chí không có thì giờ để có được bữa ăn nữa. Loại căng thẳng thường trực ấy sẽ làm cho ai nấy đều thấm mệt.
Chúa Jêsus vốn biết rõ người của Ngài cần nghỉ ngơi phần thân thể của họ nếu họ muốn làm việc cho Ngài được thật nhiều hiệu quả. Vì vậy, Ngài đưa họ qua bên kia hồ để họ có thể lấy lại sức lực.
Có một lời ở đây dành cho Cơ đốc nhân hiện đại nữa. Đức Chúa Trời không thiết kế loại thân thể nầy phải chạy như chúng ta buộc chúng phải chạy đâu! Ngài không hề dự trù cho chúng ta phải chạy qua thế gian nầy với cái điện thoại di động đeo bên tai, kế hoạch trong ngày nắm trong tay của chúng ta và chương trình hành động đầy dẫy đến nỗi không một ai có thể làm cho xiết được. Đức Chúa Trời trông mong chúng ta dành thì giờ mà thân thể chúng ta có cần để nghỉ ngơi.
Những ngày, tháng, năm của chúng ta hết thảy đều được khám phá ra qua sự quan sát. Một vòng của quả đất được gọi là một ngày. Một vòng quay của mặt trăng được gọi là một tháng. Một vòng của quả đất quanh mặt trời được gọi là một năm. Thế nhưng, có bao giờ bạn để ý rằng tuần lễ 7 ngày không nằm trong sự lưu ý của con người không? Tuần lễ 7 ngày là ý tưởng của Đức Chúa Trời, Sáng thế ký 2.2-3; Xuất Êdíptô ký 20.9-10. Đức Chúa Trời đã truyền lịnh rằng con người sẽ lao động trong 6 ngày rồi nghỉ một ngày. Ngày thứ bảy yên nghỉ là một sự ban cho của ân điển! Đức Chúa Trời biết rõ thân thể của chúng ta không được định cho phải làm việc suốt mà chẳng có sự nghỉ ngơi. Ngài biệt riêng một ngày trong tuần cho chúng ta miễn trừ lao động theo phần xác và chỉ có nghỉ ngơi. Bạn cần phải nghỉ ngơi!
Có người cho rằng 45 phút giảng dạy khó nhọc tương đương với sự căng thẳng trong lý trí và phần xác thể khi lao động 8 tiếng đồng hồ. Tôi sẽ làm việc có hiệu quả hơn vào ngày Chúa nhựt nếu tôi có được sự nghỉ ngơi mà tôi cần vào tối thứ Bảy. Tôi sẽ tỉnh táo và có khả năng hơn để hầu việc Chúa thật kết quả. Khi làm việc quá tải, nó sẽ gây tổn thương cho một số người trong các bạn, bạn cần phải lên giường ngủ sớm một chút mới được!
Đức Chúa Trời muốn chúng ta hầu việc Ngài, nhưng Ngài không muốn chúng ta phải tự giết mình trong quá trình ấy! Chúng ta phải dành thì giờ cho thân thể chúng ta, chúng cần được nghỉ ngơi nữa. Có người đã viết ra một bài thơ đại loại như vầy:
Mary có một chiên con nhỏ.
‘Chiên con nầy được trao cho nàng để gìn giữ,
Nhưng rồi chiên con ấy
hiệp với Hội Thánh địa phương,
Và chịu chết vì thiếu ngủ.
+ Các môn đồ đã ở trong mối nguy hiểm khi ngước lên trong sự kiêu ngạo thuộc linh – Nếu số người nầy được sai đi liền, và họ nhìn thấy những kết quả tương tự hay lớn lao hơn, có một mối nguy hiểm khi họ khởi suy nghĩ rằng họ là cái gì đó đặc biệt lắm. Kỳ thực là họ chẳng làm chi hết! Họ đã thành công với ý thức Chúa Jêsus đã thành công qua họ. Mọi sự họ đã làm là đi ra với quyền phép của Ngài và Ngài đã thực thi công việc. Ấy chẳng phải là do họ đâu, mà mọi sự là do Ngài! Vì thế, Chúa Jêsus đã dời họ ra khỏi chỗ nổi bật trong một lúc để giúp họ giữ lấy những vụ việc cho viễn cảnh thích ứng.
Một lần nữa, có một lời ở đây cho chúng ta ngày nay. Chúng ta đừng bao giờ đạt tới chỗ mà ở đó suy nghĩ sự việc nầy là do chúng ta. Hỡi quí truyền đạo, khi bạn rao giảng sứ điệp quan trọng đó, hãy dâng cho Ngài sự vinh hiển! Hỡi quí giáo sư, khi mọi việc tiến triển suông sẻ trong lớp học của mình, hãy dâng cho Ngài sự vinh hiển! Hỡi các ca viên, khi quí vị đứng vào hàng ngũ rồi và Chúa chúc phước cho việc ca hát, hãy dâng cho Ngài sự vinh hiển.
Nếu chúng ta không thực sự cẩn thận, chúng ta có thể rơi vào cái bẫy suy nghĩ rằng chúng ta là cái gì đó đặc biệt lắm. Nếu chúng ta không cẩn thận, chúng ta có thể ngước lên trong sự kiêu ngạo rồi quên rằng bất cứ điều chi tốt lành ra từ đời sống của chúng ta đều đến từ hai bàn tay của Chúa.
Cho phép tôi nhắc cho bạn nhớ rằng thứ tốt đẹp nhứt chúng ta có thể tạo ra đều là rác rưỡi, Êsai 64.6. Nhưng, nếu chúng ta biết phục theo Chúa, Ngài có thể sử dụng chúng ta trong những phương thức thật diệu kỳ, Galati 2.20. Ngài là nguồn sức lực của chúng ta, Philíp 4.13. Và Ngài đáng được mọi sự vinh hiển, Công Vụ các Sứ Đồ 17.28. Khi chúng ta khởi suy nghĩ rằng sự thành công trong chức vụ của chúng ta là kết quả của sức riêng và khả năng của chúng ta, chúng ta đã nhắm tới một sự vấp ngã rồi đấy, I Côrinhtô 10.12; Châm ngôn 16.18.
Mọi sự tôi dám nói, ấy là chúng ta phải nhớ những phước hạnh của sự phục vụ ra từ đâu!?! Nó không ra từ nhà truyền đạo, giáo sư hay bất kỳ ai khác đang khoác lấy chiếc áo xác thịt. Những ơn phước của chúng ta đều đến từ Chúa và một mình Ngài xứng đáng nhận lãnh mọi sự vinh hiển.
II. NGÁI CHĂM SÓC CON CHIÊN BỊ MẤT (các câu 33-34)
(Minh họa: Chúa Jêsus và người của Ngài thực hiện việc thoát ra khỏi đám dân đông, nhưng họ không sao tránh được sự để ý của dân chúng. Dân chúng nhìn thấy họ rời đi và nhìn biết chiếc thuyền chở Chúa Jêsus. Dân chúng chạy quanh bờ hồ rồi đứng đợi Ngài khi Ngài đến bờ bên kia.
Con đường dài khoảng 4 dặm khi băng qua hồ bằng thuyền. Trong một ngày không có gió, phải tốn thời gian khi thực hiện chuyến đi đó. Chuyến đi phải tốn khoảng 10 dặm quanh bờ hồ. Những người đi bộ nhanh sẽ thực hiện chuyến đi nhanh hơn chiếc thuyền. Đây đúng là những việc đã xảy ra trong ngày ấy. Khi Chúa Jêsus và người của Ngài đến gần bờ, họ trông thấy một đoàn dân đông đã đứng đợi để đón họ. Theo câu 44, đám đông nầy có thể đếm được giữa 15.000 và 20.000 người!
Nhiều người sẽ nổi giận nếu chương trình nghỉ ngơi của họ bị ngắt ngang bởi đám đông nầy. Nhiều người đã xem đoàn dân đông như một sự gián đoạn và phiền phức. Có người sẽ bất chấp dân chúng và nhu cần của họ. Chúa Jêsus vốn chẳng phải như vậy!
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus “đã động lòng thương xót đến”. Khi bạn gặp một người với một nhu cần, có vài đáp ứng về tình cảm mà bạn có thể có. Cho phép tôi liệt kê chúng ra một cách vắn tắt:
+ Hờ hững – Cụm từ nầy đề cập tới sự thiếu vắng tình cảm. Bạn nhìn thấy nhu cầu, song bạn chẳng quan tâm. Bạn không thấy cảm động về nhu cầu ấy. Có nhiều sự hờ hững trong thế giới của chúng ta ngày nay.
+ Thương cảm – Cụm từ nầy đề cập tới sự hài hòa trong cảm xúc. Nói cách khác, bạn nhìn thấy một nhu cầu và bạn biết họ cảm nhận thế nào vì bạn cũng đã cảm nhận thể ấy nữa.
+ Thấu cảm – Cụm từ nầy nói tới một thứ tình cảm mạnh hơn thương cảm. Khi bạn thấu cảm với ai đó, điều nầy có nghĩa là bạn cùng tổn thương với họ. Nói như thế có nghĩa là bạn chia sẻ nỗi đau mà họ đang có.
+ Thương xót – Từ ngữ thương xót, khi nó được dùng trong Kinh Thánh thì có ý nói: “Rung cảm nơi bề trong; tỏ lòng thương yêu với sự thương xót dịu dàng, tình cảm và thấu cảm”. Nó đề cập tới những cảm xúc sâu sắc nhất khả thi. Cụm từ: “động lòng thương xót” có nghĩa là rung động với “những bộ phận bên trong”. Nó có cùng ý tưởng qua cách diễn đạt hiện đại của chúng ta: “tận đáy lòng”.
Có người định nghĩa sự thương xót là “cảm thông đi đôi với ước muốn cứu giúp”. Khi cảm thông có ý nói tới “khả năng chia sẻ những cảm xúc, bước vào chính cảm xúc đó, cảm nhận cùng một việc”. Vì thế, thương xót là “dự vào những cảm xúc của người khác rồi có ước muốn cứu giúp họ trong tai vạ của họ”.
Khi Chúa Jêsus nhìn thấy dân chúng, Ngài bị chạm đến bởi nhu cần của họ và Ngài rung động bởi ước muốn phải làm sao thỏa mãn được nhu cần của họ. Chúng ta hãy xem xét lòng thương xót của Chúa dành cho bầy chiên lạc mất nầy.
A. Những lý do để Ngài quan tâm (các câu 33-34a) – Khi Chúa Jêsus nhìn thấy dân chúng, Ngài nhìn thấy họ giống như bầy chiên lạc mất vậy. Ngài thấy rung động bởi cái nhìn nơi họ như những con chiên vô dụng, chẳng có ai quan tâm đến họ hết.
Ồ, họ có các cấp lãnh đạo tôn giáo đấy chứ. Thế nhưng, những người ấy có quan tâm đến dân sự đâu. Người Pharisi, các thầy thông giáo và người Sađusê chỉ quan tâm đến hạng người biết làm theo đường lối của họ mà thôi. Họ muốn người ta phải diễu hành theo nhịp trống của họ; vâng theo mọi luật lệ và biết lót đầy mấy cái túi tiền của họ, vì thế họ cứ tiếp tục sống theo những lối sống hậu hĩ của họ. Loại chức năng lãnh đạo nầy đã bị Đức Chúa Trời xét đoán rất mạnh mẽ ở Êxêchiên 34.1-10.
Khi các cấp lãnh đạo tôn giáo Do thái nhìn vào dân chúng Israel, mọi sự họ trông thấy là một dân tồn tại để phục vụ cho họ. Khi Chúa Jêsus nhìn thấy dân chúng Israel, Ngài nhìn thấy họ y như họ vốn có thật vậy: bầy chiên lạc mất đang có cần một người chăn.
Hình ảnh con người bị lạc mất giống như bầy chiên là một hình ảnh có tác động rất mạnh. Như bạn biết đấy, chiên là loại thú không biết nói trên địa cầu. Chúng chẳng có ý thức gì về phương hướng. Chúng cũng tuyệt đối không biết tự vệ. Chẳng có một loài thú nào cũng khốn cùng và nương dựa vào con người như con chiên. Khi Chúa Jêsus đề cập đến hạng người bị hư mất giống như bầy chiên, Ngài không ra sức để sỉ nhục họ đâu, Ngài chỉ nói ra sự thật mà thôi!
+ Chiên không có người chăn không thể tìm được đường đi – Tẻ tách ra khỏi chức vụ của Đấng Chăn Chiên Thiên Thượng, không một con người nào bị hư mất tìm được con đường dẫn đến Đức Chúa Trời, Êphêsô 2.1-3. Kẻ bị mất hư mất trong vô vọng và họ cần một Đấng Chăn Giữ đến và giải cứu họ. Cảm tạ Đức Chúa Trời, đấy đúng là những gì Ngài đang làm, Minh họa: Luca 15.3-7.
+ Chiên không có người chăn tuyệt đối chẳng tự vệ được – Tẻ tách ra khỏi sự can thiệp của Đấng Chăn Chiên Thiên Thượng, không một con người nào bị hư mất có khả năng tránh được cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời và lửa địa ngục. Kẻ bị mất đang ở trong mối nguy hiểm rất khủng khiếp! (Minh họa: Địa ngục – Thi thiên 9.17; II Têsalônica 1.8-9. Minh họa: cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, Giăng 3.18; 36, Hêbơrơ 10.31). Sinh hoạt tôn giáo, các việc lành, những dự định và là một người nhơn đức sẽ không bao giờ đạt tới mức đầy đủ để giữ bạn ở ngoài địa ngục được. Phương thuốc chữa duy nhứt cho độc tố tội lỗi là huyết quí báu của Đức Chúa Jêsus Christ, I Phierơ 1.18-19. Ngài là nguồn hy vọng duy nhứt và và phương thức cứu rỗi duy nhứt, Giăng 14.6. Khi con chiên lạc mất đến với Ngài để được cứu, họ nhận được sự an ninh tuyệt đối, I Phierơ 1.5; Giăng 10.28; Giăng 6.37-40.
+ Chiên không có người chăn là chiên câm – Tẻ tách ra khỏi chức vụ của Đấng Chăn Chiên Thiên Thượng, người bị hư mất thậm chí không biết mình bị hư mất nữa. Sự thực nầy phải được tỏ ra cho họ qua công tác thuyết phục của Đức Thánh Linh, Giăng 6.44; 16.7-11; Minh họa: Êphêsô 2.1.
B. Tầm với mối quan tâm của Ngài (câu 34a) – Khi tôi đọc câu nầy, tôi có ý tưởng khi Chúa Jêsus nhìn thấy đám dân đông, Ngài cũng nhìn thấy nhiều hơn thế nữa. Chúa Jêsus đã nhìn thấy một nhóm thật đông người, nhưng Ngài cũng nhìn thấy những cá nhân trong đám đông ấy. Khi Ngài nhìn xuyên qua đám đông đó, Ngài nhìn thấy từng tấm lòng tan vỡ, từng nổi đau theo phần xác, từng nhu cần về mặt tình cảm, từng nan đề về mặt thuộc linh; Ngài nhìn thấy hết thảy mọi sự ấy! Ngài nhìn thấy đứa trẻ bị què. Ngài nhìn thấy người vợ kia bị ngược đãi. Ngài nhìn thấy người cha quá đà. Ngài nhìn thấy thanh thiếu niên loạn nghịch. Ngài nhìn vào đám đông, nhưng Ngài nhìn thấy từng cá nhân một!
Điều đó khích lệ tôi hôm nay! Tôi ngợi khen Chúa vì tôi đang phục sự một Đức Chúa Trời, là Đấng biết rõ mọi sự, Hêbơrơ 4.13; Châm ngôn 15.3. Đức Chúa Trời của chúng ta nhìn thấy mọi sự đang xảy ra trong thế gian nầy, nhưng Ngài vẫn có khả năng nhìn thấy từng cá nhân một. Quí bạn ơi, Ngài đang quan phòng đến bạn và đến mọi nhu cần trong đời sống của bạn. Bạn có thể đến với Ngài và tìm được sự cứu giúp mà bạn có cần bất chấp bạn đang đối diện với nan đề nào, I Phierơ 5.7; Mathiơ 11.28-30.
(Minh họa: Một nghiên cứu nhanh về các sách Tin Lành cho thấy tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn của Cứu Chúa chúng ta. Ngài đang quan phòng, Hêbơrơ 4.15-16!
+ Ngài có lòng thương xót đối với những kẻ bị tản lạc - Mathiơ 9.36; 15.32
+ Ngài có lòng thương xót đối với những ai đang phạm tội – Minh họa: Mathiơ 18.23-35
+ Ngài có lòng thương xót đối với những ai đang bịnh tật - Mác 1.40-45
+ Ngài có lòng thương xót đối với những ai đang đau khổ - Luca 7.11-13
+ Ngài có lòng thương xót dành cho những ai đang tìm kiếm - Mác 10.17-22
(Lưu ý: Tại sao Chúa Jêsus có thể thương xót đối với nhiều hạng người khác nhau trong những hoàn cảnh và tình huống khác nhau như vậy chứ? Vì Chúa Jêsus, dù Ngài biết rõ mọi lỗi lầm của họ, những điều đó không làm lệch hướng lòng thương xót và sự tỏ ra tình yêu thương của Ngài!
Ngài không nhìn những gì ở bề mặt, Ngài có khả năng nhìn vào số người nầy và nhìn thấy nhu cần sâu sắc nhất của họ! Ngài yêu thương họ với cấp độ sâu sắc nhứt trong tấm lòng Ngài; kết quả là, Ngài không hề mất kiên nhẫn với họ hoặc những nhu cần của họ làm phiền lòng Ngài.
Minh họa: Chúng ta nhìn người ta như thế nào đây? Chúng ta thường dựa vào phần đánh giá những gì chúng ta nhìn thấy nơi mắt mình hay nghe thấy nơi hai lỗ tai mình về một người (Minh họa: Một số sự kiện khả thi!)
Cái điều chúng ta cần phải tiếp thu là nhìn qua bề ngoài của một người để thấy họ như họ vốn có thực vậy. Chúng ta phải nhìn thấy mọi nhu cầu của họ trước khi chúng ta có thể tỏ ra lòng thương xót đối với họ! Nguyện chúng ta học biết nhìn thấy họ giống như Chúa Jêsus nhìn thấy vậy! Đấy là cốt lõi của Philíp 2.4; Galati 6.2; Mathiơ 22.39).
C. Phần đáp ứng của sự Ngài quan tâm (câu 34b) – Số người nầy đã đến với Chúa Jêsus xin cứu giúp và Ngài không xua đuổi họ đi. Kinh Thánh chép: “Ngài bèn khởi sự dạy dỗ họ nhiều điều”. Ở đó, tại địa điểm ấy, Chúa Jêsus đã rao giảng về bàn tiệc thuộc linh với một bữa tiệc nói tới lẽ thật đời đời. Ngài đã dẫn dắt bầy chiên lạc mất đó vào những cánh đồng cỏ xanh tươi của Lời Ngài thật trọn vẹn, dịu dàng, và no nê. Ngài khiến cho họ nằm xuống bên cạnh dòng nước yên tĩnh sự mặc khải kỳ diệu của Ngài.
Chúa Jêsus đã nhóm lại bầy chiên lạc mất trong ngày đó rồi chỉ cho họ thấy Đức Chúa Trời. Chắc chắn Ngài đã nói cho họ biết con đường thật sự dẫn tới sự cứu rỗi. Chắc chắn Ngài đã nói cho họ biết tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho kẻ bị mất. Chắc chắn Ngài đã nói cho họ biết về hy vọng, sự sống, sự bình an và vui mừng, mọi sự đều sẵn có nơi Ngài. Ngài muốn giúp đỡ và Ngài có quyền cứu giúp họ. Vì thế, Ngài chìa tay ra và giúp đỡ họ!
(Minh họa: Bạn có nhớ cái ngày mà Đấng Chăn Chiên Hiền Lành đã tìm được bạn đang phiêu bạt trên vùng đồi núi tối tăm tội lỗi không? Bạn có nhớ khi Ngài nhấc bạn ra khỏi tình trạng tuyệt vọng, rồi vác bạn trên vai, Ngài ẳm bạn đến một chốn bình an, an toàn và phước hạnh không? Bạn có nhớ Ngài thay đổi đời sống của bạn vào lúc nào không?
Nếu bạn có thể nhớ được, thì bạn nên vui mừng trong những gì Ngài đã làm cho bạn. Còn nếu không nhớ, bạn nên đến với Chúa Jêsus rồi để cho Ngài thay đổi đời sống của bạn. Ngài đang chăm sóc bạn đấy. Ngài có khả năng cứu giúp bạn. Ngài sẽ cứu bạn nếu bạn chịu đến với Ngài bởi đức tin).
Phần kết luận: Sứ điệp nầy tìm gặp bạn ở đâu hôm nay vậy? Có phải bạn đang mệt mõi trong công việc của Chúa không? Có phải bạn đánh mất niềm vui trong sự cứu rỗi của Ngài? Có phải những vụ việc của Đức Chúa Trời trở thành một nỗi vất vả cho bạn chăng? Có phải bạn chỉ thấm mệt về mặt thuộc linh và kiệt sức? Hãy đến với Chúa Jêsus; hãy để Ngài phục hồi linh hồn bạn. Ngài biết cách thức đặt mùa xuân trở lại cho bước chân của bạn. Ngài biết cách ban cho bạn sự vui mừng một lần nữa. Ngài đang quan phòng bạn và những gì đang xảy ra trong đời sống của bạn!
Có phải bạn là con chiên lạc mất hôm nay không? Có phải bạn đang ở ngoài kia, trên vùng đồi núi hoang dã tội lỗi, xa cách Đức Chúa Trời và chỉ có một mình? Đấng Chăn Chiên đang quan phòng bạn đấy! Nếu bạn chịu đến với Ngài, Ngài sẽ đưa bạn vào trong ràng của Ngài rồi ban cho bạn sự bình an, niềm vui mừng và sự an ninh mà bạn đang có cần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét