Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Khải huyền 2:8-11: "HỘI THÁNH NHỎ, GIÀU, KHỐN KHỔ"



Khải huyền 2:8-11
HỘI THÁNH NHỎ, GIÀU, KHỐN KHỔ

Phần giới thiệu: Thành phố Simiệcnơ nằm cách thành Êphêsô khoảng 35 dặm về phía Bắc. Đây là một thành phố rất thịnh vượng với dân cư hơn 100.000 người trong thời của Giăng. Địa điểm đó có dân cư sinh sống đã hơn 3.000 năm và không một người nào biết chắc ai đã sáng lập Simiệcnơ hoặc nó được sáng lập vào lúc nào!?! Thành phố bị hủy diệt bởi một trận động đất lớn cách mấy năm trước khi Chúa Jêsus giáng sinh, nhưng thành phố đã được tái thiết và rất phát đạt. Nó có một hải cảng rất an toàn, nơi đó tàu bè từ khắp nơi trên thế giới đến để mua bán các thứ hàng hóa. Nó được gọi là “Thành Phố Vương Miện” vì đồi núi bao chung quanh nó giống như một cái vương miện vậy. Nó cũng được gọi là “Đóa Hoa của Á châu” nữa. Khi thành phố chọn khẩu hiệu để được khắc trên đồng tiền của họ, họ đã chọn câu “Đầu Tiên Ở Á Châu Về Tầm Cỡ Và Vẻ Đẹp”.
Một vài đặc tính đã làm cho thành phố ra đặc biệt trong thời của nó. Thứ nhứt, nó nổi tiếng vì sản phẩm nhũ hương. Chất liệu nầy có được từ một loại cây bụi tạo ra chất gôm đắng. Khi lá của cây nầy bị chà nát, chúng rỉ ra mùi thơm ngát. Nhũ hương đã được dùng như một loại dầu thơm bởi người sống và là loại thuốc ướp dành cho người chết. Nhũ hương được nhắc tới trong sự gắn bó với đời sống và chức vụ của Đức Chúa Jêsus Christ, Mathiơ 2:11; Mác 15:23; Giăng 19:39. Từ ngữ “nhũ hương” có nghĩa là “cay đắng” và nó gắn sát với sự thương khó và sự chết.
Giữa vòng các yếu tố khác đã làm cho thành phố Simiệcnơ ra đặc biệt phải kể đến sự thực đây là một thành phố được xây dựng rất có kế hoạch. Hầu hết các thành phố vào thời ấy cứ mọc lên mà chẳng có một kiểu thiết kế nào cả. Simiệcnơ và các đường phố của nó đã được sắp đặt cho đến từng chi tiết nhỏ nhất. Đây là một thành phố rất tôn giáo với nhiều đền thờ được cung hiến cho các nam và nữ thần mà họ thờ phượng. Đã có những đền thờ được hiến cho thần Zeus, Cybele, Asklepios, Apollo, và Aphrodite, giữa vòng các thần khác. Thật vậy, có một con đường được lát bằng vàng chạy từ đền thờ thần Zeus đến đền thờ thần Cybele. Trong khi các thứ tôn giáo giả nầy quản trị sinh hoạt của Simiệcnơ, cũng có một cộng đồng người Do thái thịnh vượng ở đó nữa.
Simiệcnơ là một thành phố tự do. Họ tự quản, nhưng rất trung thành với Rome. Ở một cơ hội, các công dân của Simiệcnơ cởi bỏ áo họ đang mặc rồi gửi đi, cùng với mọi thứ thực phẩm mà họ có thể tìm được, cho các binh lính Lamã nào bị đói và lạnh ở chiến trường.
Trong thành phố xinh đẹp, giàu có ngoại giáo nầy, đã có một cộng đồng Cơ đốc ở đó. Hội Thánh ở Simiệcnơ đang gánh chịu sự bắt bớ khinh miệt rất căng. Chúa Jêsus đến với họ bằng một lời yên ủi cho những ngày tăm tối của họ. Ngài nói cho họ biết dù họ yếu đuối và khốn khổ như thế, thật ra họ rất giàu có trổi hơn mọi suy tưởng.
Về mặt tiên tri, Hội Thánh nầy phác họa sự bắt bớ kinh khiếp giáng trên các tín hữu bởi những hoàng đế Lamã giữa những năm 100SC và 312SC. Về mặt thực tế và cá nhân, có một lời ở đây dành cho người nào đã hay sẽ từng chịu khổ vì cớ Chúa Jêsus. Chúng ta hãy nhìn vào lời lẽ của Chúa chúng ta gửi cho hội chúng nhỏ bé, họ đang phấn đấu, để tìm sự khích lệ mà chúng ta có cần hầu có thể đứng vững khi mọi người khác đang nghịch với chúng ta. Tôi muốn lấy mấy câu nầy rồi rao giảng với tư tưởng Hội Thánh nhỏ, giàu, khốn khổ.
I. SIMIỆCNƠ LÀ MỘT HỘI THÀNH BỊ CHÀ ĐẠP (các câu 9b-10a)
(Minh họa: Thật dễ nhìn thấy Hội Thánh đang nếm trải nhiều nan đề căng thẳng vì sự họ làm chứng cho Chúa Jêsus. Họ đã làm cho ánh sáng của họ chiếu sáng trong một thế giới tối tăm và họ bị bắt bớ vì cớ đó. Hãy chú ý họ bị chà đạp là dường nào).
A. Họ đối diện với sự bắt bớ – Hoạn nạn – Từ ngữ có ý nói tới “áp lực”. Từ nầy được sử dụng trong thời ấy ám chỉ đến việc chà nát một món đồ dưới sức nặng của nhiều tảng đá lớn. Từ ngữ “hoạn nạn” (tribulation) ra từ chữ Latinh “tribulum”. Nó đề cập đến những bánh xe bằng đá được sử dụng chà xát lúa để tách hạt gạo ra khỏi vỏ trấu. Hội Thánh nầy đã trả giá vì sự họ trung thành với Chúa Jêsus. Áp lực cứ tiếp diễn và họ đang chịu khổ.
Sự bắt bớ nầy đã không riêng đến từ kẻ tà giáo ở Simiệcnơ. Câu 9 cho chúng ta biết rằng họ cũng chịu khổ nơi tay của người Do thái nữa. Người Do thái ở Simiệcnơ đã bắt tay với những kẻ thờ lạy hình tượng trong thành phố ấy để đánh bại và hủy diệt những Cơ đốc nhân bằng bất kỳ phương tiện nào thấy là cần thiết. Chúa Jêsus gọi họ là “hội quỉ Satan” và tố cáo họ về sự gièm pha nghịch lại các tín hữu nầy. Tại sao dân chúng ở Simiệcnơ thù ghét các tín đồ như thế chứ? Có một vài lý do.
1. Người Do thái và những kẻ theo tà giáo đã vu cáo Cơ đốc nhân về tục ăn thịt người. Các Cơ đốc nhân đã giữ lễ tiệc thánh và một phần của sự tuân giữ ấy là ăn bánh và uống chén. Những điều nầy tiêu biểu cho thân thể bị tan nát và huyết đổ ra của Chúa Jêsus, I Côrinhtô 11:24-26.
2. Khi Cơ đốc nhân nhóm nhau lại, họ thường giữ những gì họ gọi là “tiệc yêu thương”. Những bữa “tiệc yêu thương” nầy chẳng là gì hết ngoài thời gian tương giao, ở đó các tín đồ thưởng thức mối thân hữu với nhau. Tuy nhiên, những người theo tà giáo đã tố cáo Cơ đốc nhân về việc dấn thân vào thú vui điên cuồng.
3. Các Cơ đốc nhân bị thù ghét vì các tín điều và cách sống đạo của họ thường gây chia rẻ các gia đình. Đây là những gì Chúa Jêsus đã phán sẽ xảy ra, Mathiơ 10:34-36. Vì thế, Cơ đốc nhân bị tố cáo là sống kình chống lại gia đình.
4. Các Cơ đốc nhân bị tố cáo là theo độc thần giáo vì họ không thờ lạy nhiều thần ngoại giáo và vì họ không sử dụng tượng hình trong sự thờ phượng riêng của họ. Vì thế, bất cứ một thảm họa nào khác trong thiên nhiên đều bị đỗ cho Cơ đốc nhân trong sự nhận lãnh án phạt cơn thạnh nộ của các thần.
5. Cơ đốc nhân bị tố cáo là kẻ thù chính trị của Rome vì họ từ chối không chịu nói: “Caesar là Chúa tể!” Mỗi công dân Lamã bị buộc phải xướng lên điều nầy mỗi năm. Không chịu làm như thế đã đem lại án phạt nặng nề và ngay cả sự chết nữa.
B. Họ đối mặt với sự nghèo khổ – nghèo khổ – Từ ngữ nầy nói tới việc “tuyệt đối cơ cực”. Hạng người khốn khổ nầy chẳng có một thứ gì là tiện nghi trong đời nầy vì mối quan hệ của họ với Chúa Jêsus. Người ta từ chối mọi công ăn việc làm và sự thăng tiến đối với họ vì cớ họ làm chứng về Chúa. Hạng người nầy chẳng có được một thứ gì ở trong thành phố. Hãy tưởng tượng xem Satan đã chế giễu hạng người nầy đến thế nào. Khi họ đi ngang qua các đền thờ trang hoàng lộng lẫy và đi xuống con đường lát vàng đó, chắc chắn hắn đã nói: “Hầu việc Jêsus khiến ngươi phải trả giá mọi sự đấy!” Bạn có thể nghe hắn thì thào với họ: “Hãy nhìn vào các ngươi kìa! Các ngươi chẳng ra gì hết và các ngươi chẳng có gì hết. Thôi đừng theo Jêsus nữa. Các ngươi đang đói khát! Hãy chối bỏ hắn thì được thịnh vượng ngay!”
C. Họ đối mặt với tù đày – Ở câu 10, Chúa Jêsus nói cho họ biết rằng có nhiều rắc rối ở trước mặt! Họ sẽ đối mặt với nhiều sự bắt bớ. “Mười ngày” được nhắc tới ở đây có ý đề cập tới 10 sự bắt bớ mà Cơ đốc nhân đã gánh chịu dưới quyền người Lamã. Hay, nó có ý nói rằng những sự bắt bớ của họ sẽ nghiệt ngã lắm, nhưng ngắn ngủi thôi. Dù là cách thế nào, họ được thông báo cho biết có nhiều đau khổ sẽ đến trên đường lối của họ.
Bây giờ, ngục tù trong thời ấy chẳng giống với ngục tù thời nay đâu. Khi người ta bị tù dưới hệ thống của người Lamã, họ không nhận được một nền giáo dục cấp đại học, tiếp thu một nghề khéo rồi sử dụng thời gian họ có để viết sách và xem TV. Khi một người bị tù trong thời buổi ấy, chắc là đợi bị hành hình mà thôi. Cách duy nhứt bạn ra khỏi đó là chết. Và, chết thường là một việc rất khủng khiếp. Bạn phải bị giết bằng gươm, bị thiêu sống, bị ném cho loài thú dữ ăn thịt, hay bất kỳ phương pháp nào trong hàng tá phương pháp hành hình nghiệt ngã và nổi đau khổ mà họ đã nghĩ ra. Đây là một hội chúng chịu thương khó!
(Minh họa: Một trường hợp thương khó của họ đến với chúng ta từ lịch sử, đúng mấy năm sau khi họ nhận được thư tín nầy. Vào năm 155SC, Giám mục Hội Thánh Simiệcnơ, một người có tên là Polycarp, ông là một môn đồ của Giăng “người yêu dấu”, đã tuận đạo vì Chúa Jêsus. Người nầy bị bắt theo yêu cầu của một đám dân đông, họ kêu la trong giận dữ: “Hãy bắt lấy Polycarp!”
Cụ truyền đạo, lúc bấy giờ đã được 86 tuổi, đã được cung ứng cho cơ hội đoạn tuyệt với Chúa Jêsus. Vị quan tòa, là kẻ không muốn nhìn thấy cụ già phải gục chết, đã nói: “Có gì hại đâu khi thốt ra Caesar là Chúa tể?” Thế nhưng, Polycarp đã từ chối! Khi họ bước vào đấu trường, nơi những cuộc hành hình sẽ diễn ra, họ đã tìm cách nói lại một lần nữa “Hãy thề với vận mệnh của Caesar; hãy ăn năn, rồi nói: trở lại với những kẻ vô thần”. Polycarp đã nhướng mắt nhìn vào đám dân đông đó, vẫy tay mình với họ rồi nói: “Thôi đi, hỡi những kẻ vô thần!” Vị quan tòa một lần nữa nổ lực buộc Polycarp đoạn tuyệt với đức tin mình rồi nói: “Hãy thề đi, thì tôi sẽ trả tự do cho cụ ngay, hãy quở trách Đấng Christ đi”. Đối với câu nói đó, cụ giả kêu lên: “86 năm tôi đã hầu việc Ngài, và Ngài chưa hề làm cho tôi một tổn thương nào: làm sao tôi có thể xúc phạm đến Vua và Cứu Chúa của tôi cho được chứ?”
Sau vài nổ lực nữa để buộc cụ truyền đạo nầy đoạn tuyệt với Chúa Jêsus, họ đã dẫn ông lên giàn giáo để thiêu sống ông. Họ sắp đóng đinh ông vào cây cột, còn Polycarp thì nói: “Hãy để tôi y như vậy; vì Ngài đã ban cho tôi sức lực để chịu đựng ngọn lửa, cũng sẽ giúp tôi, không cần có những mũi đinh ấy, vẫn đứng vững không chao đảo ở chỗ nầy”. Vì vậy, họ không đóng đinh ông, và họ cứ châm lửa. Khi ngọn lửa bùng lên ở quanh ông, người ta nghe thấy ông cầu nguyện và vui mừng trong Chúa Jêsus. Ông đã chịu chết vì đức tin mình và khi chịu như thế ông đã để lại một ấn tượng còn mãi trong cái khung của thời gian).
(Lưu ý: Cho phép tôi đưa ra một câu nói ở đây. Người nào chịu sống với một đời sống thánh khiết, biệt riêng, dâng hiến cho Đức Chúa Jêsus Christ, dù là ở thế hệ nào, sẽ đối mặt với sự bắt bớ, II Timôthê 3:12. Điều nầy không gây sốc cho chúng ta, nó cũng chẳng làm cho chúng ta phải kinh ngạc. Chúa Jêsus đã phán về điều nầy ở Giăng 15:18-25; Mác 13:13; Giăng 16:33.
Lý do mà thế gian thù ghét tín đồ ngày hôm nay cũng chính là lý do mà thế gian thù ghét các tín hữu khi ấy. Họ sử dụng mọi thứ mà tôi đã nhắc tới ở trên, nhưng dân chúng ở Simiệcnơ đã thù ghét các tín đồ chỉ vì một lý do duy nhứt: họ yêu mến Chúa Jêsus! Đấy cũng là lý do tại sao thế gian thù ghét chúng ta tối nay! Đấy là lý do tại sao phái tự do thù ghét chúng ta. Đấy là lý do tại sao những kẻ đồng tính luyến ái, những kẻ ưa thích đồng dục nữ, phòng phá thai và phần còn lại những kẻ bỏ đạo, những ai không tin theo đạo, và những kẻ sống như địa ngục thù ghét chúng ta. Đấy là lý do tại sao đám đông ưa rượu chè ma túy thù ghét chúng ta. Đấy là lý do tại sao người theo đạo Hồi, người Do thái và người sống theo tôn giáo thù ghét những tín đồ của Chúa.
Họ thù ghét chúng ta vì chúng ta nói cho họ biết có một con đường dẫn đến Đức Chúa Trời và danh Ngài là Jêsus. Họ thù ghét chúng ta vì chúng ta nói cho họ biết họ đang hướng tới địa ngục nếu như họ không chịu ăn năn. Họ thù ghét chúng ta vì chúng ta sẽ không hiệp với họ và nhìn nhận họ trong những sự gớm ghiếc của họ. Họ thù ghét chúng ta vì chúng ta sống khác biệt; chúng ta không khoan nhượng và không sợ nói như thế. Họ thù ghét chúng ta ngày hôm nay, nhưng mọi việc ngày càng tệ hại hơn!
Thường thì phải trả giá khi nhắc đến danh của Chúa Jêsus. Bây giờ, quí vị có thể gọi họ là Cơ đốc nhân và làm theo những gì đám dân đông ở quanh họ sẽ làm. Tôi nghĩ ngày hầu đến khi ngọn lửa bắt bớ sẽ hừng hực quanh chúng ta. Tôi nghĩ Đức Chúa Trời sẽ sử dụng sự thù ghét của nhân loại chống nghịch Con của Ngài là Chúa Jêsus để luyện lọc Cô Dâu của Đấng Christ trước khi nàng được cất về quê hương trong sự vinh hiển. Tôi không phải là nhà tiên tri chuyên về số phận đâu, song tôi nghĩ có một số ngày khó khăn ở trước mặt cho người nào trung tín, là hạng người thuộc về Đức Chúa Trời!)
I. Simiệcnơ là một Hội Thánh bị chà đạp
II. SIMIỆCNƠ LÀ MỘT HỘI THÁNH KIÊN ĐỊNH (câu 9a)
(Minh họa: Dù khó khăn, họ đã trả một giá thật đắt cho lòng trung thành và sự phục vụ dành cho Chúa Jêsus, hạng người nầy không thối lui khỏi chỗ đứng của họ. Họ đã trụ lại trên đường chạy và đã chứng tỏ một sự làm chứng trung tín cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Hãy nhớ rằng Simiệcnơ rất nổi tiếng về nhũ hương. Chỉ khi nào lá của cây đó bị chà nát thì mới tỏa ra mùi hương của chúng. Hạng người nầy đã bị chà xát dưới áp lực kinh khủng của sự bắt bớ và họ tỏa ra mùi hương của tình yêu và lòng trung thành dành cho Chúa Jêsus trong bầu không khí của Simiệcnơ. Chúng ta hãy xem xét sự làm chứng của họ trong một vài phút).
A. Họ đã có phần làm chứng rất tích cực – Chúa Jêsus đã gửi 7 thư tín cho 7 Hội Thánh khác nhau. Năm trong bảy Hội Thánh đã nhận được lời lẽ quở trách và chỉnh sửa. Chỉ có Hội Thánh nầy và Hội Thánh tại Philađenphia là không nhận một lời chỉnh sửa nào hết. Chúa đã quan sát cách ăn ở của họ và Ngài rất đẹp lòng. Họ đã sống rất kiên định!
(Lưu ý: Nếu Ngài phê phán Hội Thánh chúng ta, liệu Ngài có lời chỉnh sửa nào cho chúng ta, hay Ngài có thể đến với chúng ta bằng một lời khích lệ tích cực chăng?)
B. Họ đã có phần chứng đạo đầy quyền năng – Chúa Jêsus phán với họ: “Ta biết công việc ngươi” – Từ ngữ “công việc” đề cập tới “công việc chiếm lấy đời sống của một người”. Dù có nhiều tối tăm ở xung quanh họ, hạng người nầy cứ tiếp tục trở thành ánh sáng cho Chúa Jêsus ở giữa một thế giới từng bị tối tăm. Họ không bị kẻ thù ngăm dọa; chẳng sợ hãi bởi sự thù ghét của đối thủ mình. Họ đã minh chứng họ sống chân thật và đức tin của họ vốn rất thực bởi phương thức sống mà họ có trong xã hội đó. Sự làm chứng của họ rất có năng quyền vì họ trụ lại trên đường và lo làm phần việc vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời! Họ là một Hội Thánh kiên định!
(Lưu ý: Mọi việc làm của chúng ta nói gì về chúng ta trong vai trò một Hội Thánh? Mọi việc làm của bạn nói gì về bạn trong vai trò một cá nhân? Trong một thế giới giống như thế giới của chúng ta, bóng tối tăm, sự gian ác, sự chống báng ràng rịt trên con đường sống của chúng ta; có một khuynh hướng hờ hững với sứ điệp, làm cho mọi việc phải giảm tốc. Hội Thánh lui đi ra khỏi quảng trường công khai, ra khỏi những trường công và ra khỏi chỗ đông người. Chúng ta đã chuyển vào bên trong các bức tường của tòa nhà nầy, ở đó chúng ta được an toàn không bị chỉ trích và tránh những kẻ thù của lẽ thật. Cái điều chúng ta không nhìn thấy, ấy là chúng ta không thể chạm vào thế gian nếu chúng ta không đương diện với thế gian. Nếu sứ điệp của chúng ta được duy trì trong mấy bức tường của Hội Thánh chúng ta và không hề được chia sẻ với một thế giới hư mất đang dãy chết, chúng ta không bao giờ tạo ra một sự khác biệt cho sự vinh hiển của Chúa.
Chúng ta cần phải bước ra khỏi khu vực an nhàn và bước trở lại vào thế gian với sứ điệp nói tới ơn cứu rỗi. Chúng ta cần phải rao giảng cách công khai, không sợ hãi, Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Jêsus Christ. Chúng ta cần phải chiếm lấy chỗ đứng vì Chúa Jêsus một lần nữa và phải bằng lòng chịu khổ hay chịu chết, nếu cần thiết, vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đấy là ao ước của Phaolô, Philíp 3:8-10. Đấy đáng phải là ước ao của chúng ta nữa!
Nếu chúng ta muốn trở thành một chứng nhân đầy năng quyền cho Chúa Jêsus, thì chúng ta phải rời khỏi chức nghiệp của mình, bất chấp là giá nào. Những người nào đồng đi với Chúa Jêsus đã trả một giá khủng khiếp vì đức tin của họ. Từng môn đồ một, với Giăng là ngoại lệ, đã chết một cái chết khủng khiếp vì sự làm chứng của họ. Trải qua nhiều năm tháng, khoảng 70 triệu tín đồ đã chịu chết vì đức tin của họ đặt nơi Chúa Jêsus. Mỗi năm khoảng 300.000 tín đồ đã tuận đạo vì cớ đức tin của họ. Một ngày kia, sẽ đến phiên của chúng ta phải chiếm lấy một chỗ đứng cho Chúa Jêsus. Nếu ngày ấy đến, có phải bạn sẵn sàng để đứng cho Ngài không? Có phải bạn sẵn sàng chịu chết nếu là cần thiết? Có phải bạn đã sửa soạn để phát lộ phần làm chứng đầy năng quyền của mình?)
(Lưu ý: bất chấp điều gì đến trên đường lối của chúng ta, chúng ta nên cầu xin Chúa giúp đỡ chúng ta sống thật kiên định và trung tín với Ngài. Khi chúng ta nghĩ đến mọi sự mà Ngài đã làm cho chúng ta, Ngài xứng đáng ít nhất đối với mọi sự phát xuất từ chúng ta!)
I. Simiệcnơ là một Hội Thánh bị chà đạp
II. Simiệcnơ là một Hội Thánh kiên định
III. SIMIỆCNƠ LÀ MỘT HỘI THÁNH ĐƯỢC YÊN ỦI (các câu 8-11)
(Minh họa: Chúa Jêsus đến với Hội Thánh nhỏ, bị vây phủ nầy rồi ban cho họ một sứ điệp yên ủi mà họ cần được nghe trong tuyệt vọng. Chúng ta hãy nhìn vào sứ điệp quí báu của Chúa chúng ta ban cho Hội Thánh bị bắt bớ nầy).
A. Họ vốn quan tâm đến thiên đàng (câu 9a) – Chúa Jêsus phán: “Ta biết công việc ngươi” – Chúa Vinh Hiển quan tâm đến Hội Thánh ở Simiệcnơ. Từ ngữ “biết” nói tới “biết qua kinh nghiệm”. Chúa Jêsus đang phán: “Ta biết các ngươi đang gặp phải khó khăn; nhưng các ngươi cần phải biết ta đang ở đây với các ngươi. Ta kinh nghiệm mọi sự mà họ đang làm cho các ngươi. Khi họ làm điều đó cho các ngươi, họ đang làm điều đó cho ta!” Ngài đang nói cho họ biết những gì họ đang nếm trải còn lớn lao hơn thế nữa. Ngài đang nói cho họ biết Satan đang sử dụng hạng người gian ác ở Simiệcnơ để tấn công Chúa Jêsus qua Hội Thánh của Ngài. Ngài chỉ muốn họ nhìn biết rằng họ không phải một mình trong sự phấn đấu của họ đâu.
(Lưu ý: Tôi không biết về bạn, song điều đó khích lệ tôi! Tôi rất vui sướng vì Chúa ở với chúng ta từng bước trên đường, Hêbơrơ 13:5. Khi chúng ta bị công kích, Ngài biết mọi sự về sự công kích đó vì nó cũng chạm đến Ngài nữa, Hêbơrơ 4:15. Cảm tạ Đức Chúa Trời, Ngài có thể giúp chúng ta hứng chịu giông bão và chịu đựng nổi đau khổ. Ngài luôn luôn có mặt ở đó để vùa giúp cho các thánh đồ của Ngài, họ đang chịu thương khó, Hêbơrơ 2:18; Giăng 14:16-18).
B. Họ có quan hệ với thiên đàng (câu 8) – Khi Chúa Jêsus đến với Hội Thánh nầy, Ngài đến trong vai trò “đầu và rốt”. Ngài đến trong vai trò Ngài “đã chết, và đang sống”.
Nếu bạn nhớ lại từ chương một, tước hiệu “đầu và rốt” xác định Chúa Jêsus là Đấng “TA LÀ”. Tước hiệu ấy gắn Ngài là Đấng đang nắm quyền tể trị trên muôn vật. Dân sự trong Hội Thánh ở Simiệcnơ đã tưởng mọi việc đều nằm ngoài tầm kiểm soát, nhưng họ đang ở trong tay của Chúa. Chúa Jêsus vẫn là Đấng Chủ Tể! Hãy để cho ma quỉ làm bất cứ điều chi hắn đẹp lòng, hắn chẳng làm chủ được một việc gì cả! Đức Chúa Trời là Đấng kêu gọi mọi nổ lực và hãy để Satan có quyền tự do mà hắn đang thực thi khi chống lại dân sự của Đức Chúa Trời. Hắn là một con sư tử bị xiềng xích và đấy là mọi sự, I Phierơ 5:8.
Câu nói: “là chết, mà nay sống” xác định Chúa Jêsus là Đấng đã có mặt ở đó. Ngài đang nói cho các thánh đồ nầy biết Ngài biết rõ mọi điều họ đang đối diện với vì Ngài đã đối diện với nó rồi. Dân chúng thù ghét Ngài. Họ bắt bớ Ngài. Họ đã đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Họ đổ hết ra mọi sự giận dữ, thù ghét của họ đối với Ngài; và Ngài đã đắc thắng! Một khi Ngài là Đấng đã nếm trải mọi sự thử thách và đã thắng hơn hết thảy chúng, Ngài có quyền giúp đỡ cho dân sự Ngài khi họ đối diện với những ngọn lửa bắt bớ và thù ghét, Hêbơrơ 2:18; Giăng 10:29; II Timôthê 1:12.
(Lưu ý: Không ai trong chúng ta biết mình được kêu gọi như thế nào trước khi chúng ta để thế gian nầy lại sau lưng. Nhưng, chúng ta có sự đảm bảo phước hạnh rằng bất luận điều gì xảy đến trên đường lối của chúng ta, Chúa chúng ta đã có mặt ở đó rồi. Ngài đã bảo đảm rồi chiến thắng cho chúng ta và Ngài sẽ gặp chúng ta ở đó khi chúng ta đến tại địa điểm đó. Chúng ta “nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần”, Rôma 8:37. “Song tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài làm cho chúng tôi được thắng trong Đấng Christ luôn luôn, và bởi chúng tôi, Ngài rải mùi thơm về sự nhận biết Ngài khắp chốn!”, II Côrinhtô 2:14. Vinh hiển quy về Đức Chúa Trời, tôi có thể đối mặt với bất cứ điều gì nếu tôi biết Ngài sẽ ở cùng tôi! “Đã vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao? Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?” Romans 8:31)
(Minh họa: Cách đây nhiều trăm năm, vào thời mà con người chỉ mới bắt đầu đi biển, bản đồ của họ không tỏ hết thế giới như chúng ta biết ngày nay. Bản đồ của họ chỉ có thể tiêu biểu những địa điểm mà con người đã dong buồm đến rồi. Ở những địa điểm mà con người chưa hề đến đó, ở những nơi chưa được khám phá, ở các khu vực chưa biết tới, họ sẽ viết trên tấm bản đồ của họ: "Có rồng ở đây", và điều đó cho thấy rằng nơi đó chưa được biết đến, họ chẳng biết điều chi có ở đó.
Khi bạn và tôi hải hành trên đại dương sự sống, và khi bạn đến với những địa điểm mà bạn chưa hề đến trước đây bao giờ; khi bạn đến với những địa điểm chưa được biết tới trong cuộc sống, bạn có thể viết ra trên tấm bản đồ của mình: "Đây là Chúa Jêsus". Bất cứ đâu bạn đi, Đức Chúa Jêsus Christ đã có mặt ở đó và Ngài đang hiện diện ở đó. Vì vậy, với Hội Thánh ở Simiệcnơ Chúa phán: “Ta muốn khích lệ các ngươi với Thân Vị của ta, ta là đầu tiên và là cuối rốt, ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời”).
C. Họ đã có sự đầu tư vào thiên đàng (câu 9b) – Chúa Jêsus phán: “ta biết…sự khốn khó nghèo khổ ngươi”. Họ khốn khổ vì niềm tin, nhưng rồi Ngài thêm vào câu nầy: “dầu ngươi giàu có mặc lòng”. Họ có thể thiếu thốn mọi tiện nghi của đời nầy, song đức tin họ và sự tỏ ra lòng trung thành qua sự làm chứng của họ đã mua lấy cho họ nhiều của cải ở trên trời. Họ tuy nghèo khó ở đây, song họ lại giàu có ở chỗ kia! Thế gian có thể tước lấy mọi sự họ có ở đây, nhưng họ có nhiều của cải ở bên kia, của cải của họ được an toàn tránh khỏi bàn tay của bất cứ kẻ thù nào, Minh họa: Mathiơ 6:19-21. Số người nầy chẳng có chi hết, tuy nhiên họ lại có mọi sự, II Côrinhtô 6:10.
(Minh họa: Có một tín đồ bị bắt trong những ngày khủng khiếp của cơn đại nạn. Họ nổ lực đe dọa người phải từ bỏ đức tin nơi Chúa Jêsus. Vì vậy, họ nói với người: “Nếu ngươi không từ bỏ đức tin, chúng ta sẽ trục xuất ngươi”. Và Cơ đốc nhân nói: “Hãy làm điều chi ngươi muốn với ta vì Chúa Jêsus của ta đã phán: ‘Ta sẽ chẳng lìa, cũng chẳng bỏ ngươi đâu’”. Vị quan tòa khi ấy nói: “Chúng ta tước hết mọi của cải và tài sản ngươi khỏi ngươi”. Người thánh đồ trung tín kia đáp: “Không, ông không thể làm điều đó được đâu, tài sản của tôi đã được chất chứa ở trên trời, trên đó bàn tay của con người không thể với tới được đâu”. Vị quan tòa nói: “Nếu ngươi không đoạn tuyệt với Jêsus, chúng ta sẽ kết án tử hình ngươi”. Người ấy đáp: “Ông cũng không thể làm thế được đâu. Tôi đã chết với Chúa Jêsus trong 40 năm, sự sống của tôi được giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời và ông không thể chạm tới sự sống đó được đâu”).
(Lưu ý: Ngày hầu đến khi thế gian nầy muốn tước đi chúng ta và tài sản của chúng ta. Ngày sẽ đến khi họ đe dọa chúng ta với sự chết. Ngày sẽ đến khi phần chứng đạo của chúng ta trở thành bản án tử hình trong thế gian nầy. Nếu ngày ấy sắp xảy đến, hãy nhận lấy sự yên ủi vì mọi sự bạn sẽ bị mất mát vào thời điểm đó. Ngay cả mọi sự bạn đang có cũng sẽ bị cất đi, kể cả sự sống, của cải bạn chất chứa trên thiên đàng được an toàn và linh hồn bạn sẽ được tự do bay về miền vinh hiển. Vì lẽ đó, hãy làm theo như Chúa Jêsus đã phán dạy ở câu 10: “Khá giữ trung tín cho đến chết”.
Quí bạn ơi, mọi sự chúng ta có là những gì chúng ta cung hiến cho Chúa Jêsus. Minh họa: Một tín đồ chắc thật giàu có đã dâng hiến nhiều tiền bạc trải qua nhiều năm tháng. Khi thị trường chứng khoán sụp đổ, người mất đi phần tài nguyên còn lại và chẳng còn một xu dính túi. Một người đến hỏi tín đồ đó câu nầy: “Có phải ông không buồn khi ông dâng hiến hết tiền bạc rồi không?” Người đáp: “Ồ không đâu! Những gì tôi dâng hiến là mọi sự mà tôi để dành đấy chứ!” Nguyện đời sống của chúng ta sẽ là một sự đầu tư vào công việc của Vương Quốc của Cứu Chúa!)
D. Họ có một cơ nghiệp ở trên trời (các câu 10b-11) – Đức tin của họ đã mua cho họ nhiều hơn một bằng chứng có ở đây. Đức tin của họ đã mua lấy sự sống đời đời cho họ trên thiên đàng. Chúa Jêsus đang nói cho họ biết trong khi họ có thể bị mất hết mọi sự ở đây, có thể họ mất sự sống của họ, nhưng họ sẽ sống đời đời ở chỗ kia. Có thể họ gánh chịu địa ngục ở trên đất trong một thời gian ngắn, song sẽ chẳng có địa ngục nào cho họ trong cõi đời đời hết. Ngài đang nói cho họ biết họ không thể chết một lần nữa!
Ngài hứa với họ “mũ triều thiên của sự sống”. Từ ngữ nói tới mão triều thiên đề cập tới “stephanos” hay vòng nguyệt quế được trao cho những kẻ chiến thắng trong cuộc thi đấu ở Hylạp thời xưa. Bạn thấy đấy, Hội Thánh nầy trông giống như một đám những kẻ thua cuộc đối với thế giới ở chung quanh họ. Trong thực tế, họ là những nhà chiến thắng mạnh mẽ, được hưởng công cán thuộc linh trong danh của Đức Chúa Jêsus Christ! Ngày sẽ đến khi họ và đức tin của họ sẽ được minh chứng là đúng!
Người thua sẽ chịu chết hai lần. Người ấy sẽ sống mà không có Đức Chúa Trời trong thế gian nầy và người sẽ chết. Sau khi chết, người sẽ vào trong địa ngục. Khi ấy người sẽ đứng trước mặt Chúa tại Ngai Trắng Phán Xét Lớn và người sẽ bị kết án trong Hồ Lửa cho cả cõi đời đời, Khải huyền 20:11-15. Đấy là sự chết thứ hai. Các thánh đồ của Đức Chúa Trời không cần phải sợ hãi điều chi sẽ xảy đến cho họ. Họ đã qua từ sự chết đến sự sống, Giăng 5:24. Đức tin của họ đã mua lại cho họ sự sống đời đời và họ sẽ được đội mão miện với chiến thắng và vinh hiển khi họ về đến quê hương. Cảm tạ Đức Chúa Trời, có sự chờ đợi chúng ta ở đó thật sâu xa hơn chúng ta có thể suy tưởng ở đây!
Phần kết luận: Hỡi Hội Thánh, có thể thấy tồi tệ lắm ở đây trước khi chúng ta rời khỏi thế gian nầy. Có thể có nhiều thử thách và có nhiều hoạn nạn. Có thể có đau khổ và sẽ có lắm bắt bớ. Thế nhưng, tôi muốn bạn nhìn biết rằng, ở cuối con đường, chúng ta sẽ về quê hương để ở với Chúa Jêsus. Vì vậy, hãy cứ tiến tới đi người anh em của tôi! Hãy cứ tiến tới đi người chị em của tôi! Con đường sẽ không dài lắm đâu và chúng ta sẽ để thế gian nầy lại đàng sau và chúng ta sẽ bước vào mãnh đất quí báu của bài ca!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét