Mác 4.26-29
CÁC NGUYÊN TẮC CHO SỰ TẤN TỚI CỦA NƯỚC TRỜI
Phần giới thiệu: Thí dụ nầy là một trong nhiều thí dụ Chúa đã phán dạy trong chức vụ của Ngài ở đây trên đất. Giống như một số thí dụ khác, thí dụ nầy nói tới “Nước của Đức Chúa Trời”. Nước của Đức Chúa Trời, là Nước thuộc linh của Ngài đang hiện hữu trong thế gian ngày hôm nay. Mỗi người nào được cứu bởi ân điển là một thần dân ở trong Nước thuộc linh đó.
Ở đây, Chúa Jêsus nói rõ ràng rằng Ngài dự trù mở mang Nước nầy. Thực vậy, khi Ngài phán về Hội Thánh của Ngài với các môn đồ, Ngài nói rất đơn giản rằng dự tính của Ngài là “gây dựng Hội Thánh của Ngài”, Mathiơ 18.16. Giờ đây, có nhiều lầm lẫn trong thế giới của chúng ta về phương thức Ngài sẽ thực hiện điều nầy. Có người nghĩ rằng chúng ta có thể làm cho Hội Thánh tấn tới bằng cách trở nên giống như thế gian. Nhiều người khác nghĩ rằng chúng ta phải làm cho Hội Thánh tấn tới bằng cách tự tách rời ra khỏi thế gian. Tôi nghĩ câu trả lời nằm đâu đó ở giữa hai thái cực ấy.
Trong mấy câu nầy, Chúa Jêsus nói cho chúng ta biết một ít về phương thức Ngài sẽ làm cho Nước được lớn lên. Ở đây, Ngài cung ứng cho chúng ta một số Nguyên tắc về sự tấn tới của Nước Trời. Tôi muốn chỉ ra các nguyên tắc ấy sáng nay. Tôi muốn bạn nhìn thấy rằng Đức Chúa Jêsus Christ dự trù đầy đủ làm cho Nước của Cha Ngài được tấn tới trên đất nầy và bạn sẽ là một chi thể của những điều mà Ngài đang thực hiện! Chúng ta hãy nhìn vào thí dụ nầy khi chúng ta xem xét một số Nguyên tắc về sự tấn tới của Nước Trời.
I. SỰ TẤN TỚI CỦA NƯỚC TRỜI LIÊN QUAN TỚI MỘT CHỨC VỤ (các câu 26-27a)
A. Đây là chức vụ của con người – Hãy chú ý ai đang gieo giống trong câu 26. Giống được gieo ra bởi một “người”. Vì những lý do riêng của Ngài, Đức Chúa Trời đã chọn làm cho Nước của Ngài tấn tới qua các chức vụ của con người. Đức Chúa Trời có thể chọn các thiên sứ lo làm công việc nầy. Ngài có thể dựng nên những hữu thể khác, nhưng Ngài chọn sử dụng chúng ta! Ngài đã cứu chúng ta để sử dụng chúng ta – Êphêsô 2.10; II Côrinhtô 4.7. Mỗi một người chúng ta đều được cứu vì một tín hữu nào đó đã gieo ra hột giống Tin Lành. Hột giống đó rơi vào chỗ đất tốt trong tấm lòng chúng ta. Ở đó nó nảy mầm và tạo ra sự sống, sự sống mới, trong tấm lòng của chúng ta. Giờ đây, chúng ta đã được giao cho phần việc mang hột giống Tin Lành theo bất cứ đâu chúng ta đi và chúng ta cần phải gieo nó ra khi chúng ta ra đi, Mác 16.15; Mathiơ 28.19-20; Công Vụ các Sứ đồ 1.8. (Minh họa: Chuyện kể rằng Thuyền Trưởng Cook, nhà thám hiểm nổi tiếng, ở bất cứ phần đất nào mà ông đặt chân đến, đã đem theo cùng với ông một cái túi nhỏ đựng những hột giống của người Anh, rồi rãi chúng ra trong những chỗ thích ứng. Ông đã rời khỏi bờ biển. Ông chẳng nói chi hết, nhưng thầm lặng rải ra những hột giống bất cứ đâu ông đến, làm như thế ông đã buộc cả thế gian với những loài hoa và cỏ của quê hương ông. Nguyện chúng ta là những công dân của thiên quốc biết gieo ra những hột giống của Tin Lành ân điển bất cứ đâu con đường đưa chúng ta qua trên cả thế gian trần trụi nầy!)
B. Đây là một chức vụ thật khiêm nhường – Sau khi nhà nông vải giống ra, ông đã làm mọi sự mà ông có thể. Ông không thể làm cho sự sống bật từ đất lên, ông chỉ có thể gieo hột giống ra. Ông không thể làm cho nó nảy mầm, ông cũng không thể làm cho nó trổ bông được. Vì thế, ông vải nó xuống đất rồi chờ đợi để nhìn thấy những gì thể hiện ra từ hột giống. Đấy là một công việc rất khiêm nhường! Nhà nông đang ở cạnh sự thương xót của hột giống, đất và các yếu tố khác nữa. Tuy nhiên, ông có thể lo liệu công việc thường ngày của mình mà chẳng lo gì về hột giống. Tại sao chứ? Vì ông biết rõ Đức Chúa Trời đã đặt bên trong hột giống mọi sự chi là cần thiết để tạo ra sự sống! Vì lẽ đó, mặc dù ông không thể làm cho hột giống lớn lên, ông có thể nghỉ ngơi với lòng tin chắc rằng hột giống sẽ làm chính xác những điều mà Đức Chúa Trời đã sửa soạn cho nó để làm! Bạn thấy đấy, hột giống lớn lên hoàn toàn không có bất kỳ một trung gian, môi giới nào của con người! (Minh họa: Điểm khác biệt giữa việc xây một ngôi nhà và trồng một khu vườn. Với ngôi nhà, những đổi thay có thể thấy được từng ngày một và thường là từng giờ một. Với ngôi vườn, không thể thấy được điều gì hết, thường trong khoảng thời gian rất lâu! (Lưu ý: Cũng một thể ấy với Tin Lành ân điển! Người chứng đạo chỉ có thể gieo ra hột giống, rồi để kết quả lại trong tay của Chúa! Bạn thấy đấy, Tin Lành có quyền phép, Rôma 1.16. Đức Chúa Trời đã đặt bên trong hột giống Tin Lành mọi sự cần thiết để làm cho sự sống bật ra từ sự chết. Và, khi hột giống được gieo vào trong một tấm lòng đã dọn sẵn, bạn có thể nghỉ ngơi thoải mái với lòng nhận biết rằng Đức Chúa Trời sẽ tùy nghi làm cho hột giống Tin Lành sản sinh, với sự nhìn biết rằng khi Đức Chúa Trời đưa hột giống tốt của Ngài vào tiếp xúc với một tấm lòng đã dọn sẵn, kết quả sẽ là sự cứu rỗi của linh hồn đó!) (Lưu ý: Tại sao mỗi chứng nhân không sản sinh được một linh hồn được cứu? Không phải hết thảy hột giống đều rơi vào chỗ đất tốt đâu, Mathiơ 13.1-9! Mọi sự người gieo có thể làm là gieo ra hột giống, tình trạng của đất không phải là điều để cho ông lo lắng!)
II. NƯỚC TRỜI LỚN LÊN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN SỰ MẦU NHIỆM (các câu 27b-28a)
A. Đây là sự mầu nhiệm rất lạ lùng (câu 27b) – Không một nhà nông nào, không một nhà khoa học nào và không một triết gia nào có thể lý giải rõ ràng một hột giống nằm im lìm như chết lại có thể sản sinh ra sự sống khi nó bị chôn vùi trong đất. Tuy nhiên, trong một giờ đồng hồ sau khi được gieo ra, lớp vỏ bên ngoài của hột giống bắt đầu vỡ ra vì nó phải rút nước ẩm từ đất lên. Trong vòng 10 tiếng đồng hồ, lớp vỏ của hột giống bắt đầu thay đổi. Và thường thì chưa đầy 24 giờ đồng hồ, hột giống bắt rễ ra ngoài đâm xuống đất rồi khởi sự mọc đứng lên! Đây là sự kín nhiệm đáng kinh ngạc, hột giống sản sinh ra sự sống trong vòng một thời gian ngắn ngủi. (Minh họa: Cũng một thể ấy với Tin Lành! Khi Tin Lành được gieo vào tấm lòng đã được dọn sẵn, đây là sự mầu nhiệm, còn hột giống bắt đầu nảy mầm. Có khi việc nầy xảy ra trong nhiều phút hay nhiều giờ đồng hồ. Ở những thời điểm khác, có thể nó sẽ mất nhiều tháng hay nhiều năm trời, nhưng có sự sống bên trong hột giống ấy và nó sẽ khởi sự nảy mầm bên trong tấm lòng đó. Khi hột giống nảy mầm, sự sống sẽ tuôn tràn ra. Đây là tiến trình mà chúng ta gọi là sự thuyết phục, Giăng 16.7-11; 6.44. Đây là sự mầu nhiệm đáng kinh ngạc, làm thế nào những lời lẽ đơn sơ, được nhận vào lòng của một người, có thể đem lại một sự thay đổi quan trọng như thế. Tuy nhiên, hết thảy những ai đã kinh nghiệm điều ấy đều biết rõ quyền phép của Tin Lành khi nó chạm đến chỗ đất tốt trong tấm lòng!)
B. Đây là lẽ mầu nhiệm riêng tư (câu 28a) – Hãy chú ý cụm từ “vì đất tự sanh hoa lợi”. Hột giống đã được gieo ra và nó nảy mầm sau đó, nhưng mọi kết quả không thể thấy được bằng mắt thường trong nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần lễ. Công việc lúc ban đầu trông rất riêng tư. Vì lẽ đó, nhà nông phải kiên nhẫn chờ đợi mọi kết quả công lao động của mình sẽ đi đến chỗ trông thấy được. Ông không biết hột giống nào sẽ lớn lên và hột giống nào sẽ lụn bại đi. Ông hoàn toàn không biết tình trạng của đất, vì vậy ông phải chờ đợi! (Minh họa: Cũng một thể ấy với những ai đang gieo Tin Lành vào tấm lòng của con người. Chúng ta không biết tình trạng mảnh đất lòng của họ. Chúng ta không biết hột giống nào sẽ lớn lên rồi kết quả và hột giống nào sẽ lụn bại đi. Nhiều ngày, nhiều tuần lễ, nhiều tháng và nhiều năm trời sẽ trôi qua mà chẳng thấy được kết quả nào từ công lao động của chúng ta, song những việc thể ấy không nằm trong nổi lo toan của chúng ta! Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phải lo gieo giống! Mùa gặt là trách nhiệm của Ngài! Tuy nhiên, dù khi mọi kết quả chưa thể thấy được, chúng ta phải tin rằng có quyền phép trong Tin Lành để cứu tấm lòng của người ta!)
C. Đây là lẽ mầu nhiệm rất quí báu (câu 28a) – Câu nầy cung ứng lời hứa cho rằng “đất sanh hoa lợi...”. Nhà nông không thể thấy được hoa lợi ấy, trừ ra thấy được những thay đổi! Dù khi ông ấy không thể thấy được điều chi đang diễn ra, ông ấy hiểu rõ hột giống đang lớn lên, thay đổi thành cây rồi bông sẽ trổ ra! (Minh họa: Khi chúng ta gieo ra Tin Lành, chúng ta phải biết rằng Đức Chúa Trời đang vận hành dù khi chúng ta không thể nhìn thấy minh chứng của công tác đó! (Minh họa: Saulơ người Tạt-sơ. Không ai thấy được điều chi đang diễn ra trong linh hồn ông khi hột giống Tin Lành bắt đầu nảy mầm và bắt rễ trong ông, Công Vụ các Sứ đồ 9.1-6. Nhưng, Đức Chúa Trời đang vận hành ở bên dưới bề mặt, Công Vụ các Sứ đồ 9.5, và đúng kỳ, minh chứng về sự sống đã hiện hữu ở đó cho mọi người xem thấy, Công Vụ các Sứ đồ 9.19-22!)
III. NƯỚC TRỜI LỚN LÊN CÓ QUAN HỆ VỚI MỘT LẼ MẦU NHIỆM (các câu 28b-29).
A. Đây là lẽ mầu nhiệm có tính cách tiệm tiến (câu 28b) – Câu nầy chỉ ra rằng có một chuổi tiệm tiến trong sự lớn lên của cây được tạo ra qua sự nảy mầm của hột giống. Nó khởi sự rất nhỏ bé và mong manh, rồi trong thể trạng đó, nó sẽ dễ bị chèn ép, nhưng đúng kỳ nó trưởng thành và tạo ra bông trái. Nó có khả năng tự nhân rộng nhiều lần một khi nó đạt tới chỗ trưởng thành (Minh họa: Tất nhiên, đây là một hình ảnh nói tới phương thức một Cơ đốc nhân cần phải tấn tới trong ân điển. Sau khi hột giống đã được gieo ra trong mảnh đất lòng rồi, nó nảy mầm và tạo ra sự sống mới. Sự sống mới nầy thật rất mềm mại và dễ bị xâm hại lắm, song khi Chúa ban ân điển cho sự sống đó và khi Ngài tưới tiêu và trưởng dưỡng nó, nó lớn lên mạnh mẽ trong Chúa và kết quả nhiều cho sự vinh hiển của Ngài! Chúng ta hãy dành ra một phút để nhìn vào từng chặng đường đã được nhắc tới ở đây:
1. Cây – Đời sống mới rất mong manh. Khi trải qua nhiều ngày đêm, nó bắt rễ sâu trong đất và ngày càng vững mạnh hơn. Điều nầy nói tới một tân tín hữu. Họ cần phải được trưởng dưỡng và yêu thương khi chúng ta chờ đợi họ lớn lên trong sự trưởng thành.
2. Bông – Ở đây, lời hứa về kết quả trong tương lai đã được nhìn thấy rõ ràng. Vẫn còn nhiều sự tấn tới cần phải lo làm. Điều nầy nói tới các chặng đường ở giữa cuộc sống Cơ đốc. Người tin Chúa thì mạnh mẽ hơn và cho thấy lời hứa của một tương lai kết quả, nhưng có nhiều việc lớn lên cần phải lo làm!
3. Hột – Bây giờ bông trỉu nặng hột ở bên trong. Đây là tiềm năng dành cho sự nhân rộng và lớn lên thật nhiều. Cây nầy có thể được sử dụng để gây dựng nhiều người và nó có thể được sử dụng để tạo ra nhiều cây khác nữa. Điều nầy nói tới sự trưởng thành trong đời sống Cơ đốc! Đây là chặng đường rất vinh hiển, hữu dụng và quang vinh! Chính ở đây mà nhà nông kia nhận được phần thưởng của mình và công lao động của ông ta được đền đáp!
(Minh họa: Quí bạn ơi, đây là loại tấn tới mà Chúa đang trông mong từ con cái của Ngài. Chúng ta cần phải trải qua những chặng đường đầu tiên bước vào sự trưởng thành đầy đủ trong Chúa. Khi chúng ta trải qua đó, Ngài được vinh hiển! Nhiều người khác được nâng đỡ và chúng ta có khả năng tự nhân rộng cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời! Ngài sẽ làm cho chúng ta lớn lên, II Phierơ 3.18; I Côrinhtô 3.1-3; Hêbơrơ 5.12-14! Có phải bạn đang tấn tới trong Chúa không? Phải thành thật nhé! Có phải bạn đang trưởng thành theo như Ngài mong muốn không?) (Minh họa: Đúng là không tự nhiên cho một người cứ như thế mãi trong những chặng đường con trẻ của cuộc sống, I Côrinhtô 13.11).
B. Đây là lẽ mầu nhiệm rất hữu ích (câu 29) – Khi bông kết hột và thời điểm mùa gặt đến, nhà nông kia nhận lãnh phần hồi lại cho cuộc đầu tư của mình và ông tiếp lấy vinh quang của những việc đã làm được! (Minh họa: Khi một người được cứu và sống đời sống mình đến chỗ trọn vẹn nhứt cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, khi người ấy đạt tới khả năng đúng mức cho Chúa Jêsus, đời sống ấy tôn vinh Chúa và đạt được những gì Ngài dự trù bấy lâu nay! Mục tiêu của chúng ta khi chúng ta sống cho Ngài sẽ là đem lại sự vinh hiển và vinh quang cho danh của Chúa, I Côrinhtô 10.31. Chẳng có điều chi tôn vinh Ngài cho bằng một đời sống được chuộc và một đời sống tấn tới trong ân điển và tôn vinh Ngài!)
Phần kết luận: Khi chúng ta xem xét những gì chúng ta đã nghe hôm nay, có một số câu hỏi cần phải được trả lời:
• Nếu bạn được cứu hôm nay, có phải bạn đang gieo ra Tin Lành y như Ngài muốn bạn phải gieo ra khi bạn trải qua đời nầy?
• Nếu bạn được cứu hôm nay, có phải bạn đang tấn tới trong Chúa trong một phương thức làm đẹp lòng Ngài và hồi lại đúng đắn đối với những gì Ngài đã đầu tư cho bạn hay không?
• Nếu bạn chưa được cứu, có phải hột giống đã được gieo vào lòng bạn không? Có phải Đức Chúa Trời đang xử lý với bạn về nơi mà bạn sẽ ở cho đến đời đời không? Bạn có muốn được cứu không?
Nếu có những nhu cần trong đời sống của bạn và trong cách bạn ăn ở với Chúa hôm nay, bàn thờ nầy là nơi để xử lý với hết thảy các nhu cần đó. Bạn hãy đến một khi Ngài đang kêu gọi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét