Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Mác 1.9-11: "PHÉP BÁP TÊM CỦA NGƯỜI ĐẦY TỚ"



Mác 1.9-11
PHÉP BÁP TÊM CỦA NGƯỜI ĐẦY TỚ
Phần giới thiệu. Phân đoạn Kinh Thánh nầy ghi lại lần xuất hiện đầu tiên của Chúa Jêsus trong Lời của Đức Chúa Trời kể từ khi người ta gặp Ngài trong Đền Thờ lúc được 12 tuổi. Mọi sự chúng ta biết về 18 năm sống kế đó của Ngài đã được Luca tóm tắt lại như vầy: “Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Luca 2.52). Những năm tháng thầm lặng của đời sống Chúa Jêsus là những năm tháng lo chuẩn bị về trí khôn, về thể chất và về thuộc linh cho công việc của Ngài là Đấng Mêsi và Cứu Chúa.
Kinh Thánh cho chúng ta biết ở câu 9 rằng Chúa Jêsus đã đến “trong những ngày đó”. Tại sao Chúa Jêsus lại chọn thời điểm nầy để khiến cho nhiều người nhìn biết lai lịch và sứ mệnh của Ngài chứ? Ngài đã đến lúc bấy giờ vì thời điểm đã chín muồi rồi. Giăng Báptít đã loan báo rồi trong vai trò người tiền khu của Chúa. Những đoàn dân đông của Giăng Báptít rất lớn và chức vụ của ông đã lên tới đỉnh điểm của nó. Chúa Jêsus đã đến vào thời điểm nầy vì Giăng Báptít đã hoàn tất công việc của mình và thời khắc lui đi của ông đã đến rồi. Chúa Jêsus đã đến vì đây là thời điểm mà Đức Chúa Trời đã ấn định cho Ngài phải được tỏ ra.
Cụm từ kế đó, “Đức Chúa Jêsus đến”. Khi Đức Chúa Jêsus Christ thực hiện lần xuất hiện công khai của Ngài ở đó, bên bờ sông Giôđanh, đây là giây phút đã làm thay đổi thế gian cho đến đời đời. Kể từ lúc Ađam phạm tội trong vườn Êđen, nhân loại đã ngóng trông một Đấng Cứu Chuộc, Ngài sẽ đến và làm cho con người được hòa lại với Đức Chúa Trời. Kể từ buổi bình minh của thời gian, nhân loại sa ngã đã trông đợi sự xuất hiện của con người trọn vẹn dám thách thức tội lỗi và Satan để giải phóng linh hồn con người ra khỏi vòng nô lệ cho tội ác. Mỗi người nào từng sống cho tới ngày ấy đúng là linh hồn sa ngã. Con người chưa bao giờ có khả năng tạo ra một Đấng có thể giải phóng họ ra khỏi tình trạng hư mất của họ. Nhiều ngàn mặt trời đã mọc lên và chiếu trên một thế giới đang bị tội lỗi siết chặt lấy. Nhưng, ngày Chúa Jêsus đến, mọi sự đà thay đổi! Khi Chúa xuất hiện, chẳng một việc gì còn giữ nguyên hiện của nó. (Minh họa: Chỉ dành ra vài phút để hỏi thăm Xachê; người Gaderene bị quỉ ám; người đàn bà với bịnh mất huyết; ba bạn Hêbơrơ; Đaniên; Saulơ người Tạtsơ; Simôn Phierơ; và bất kỳ đời sống nào Ngài đã chạm đến trong Lời của Đức Chúa Trời).
Hôm nay, chúng ta sẽ nhìn vào mấy câu nầy rồi xem xét các biến cố xoay quanh phép báptêm của Đức Chúa Jêsus Christ. Có một số ơn phước quan trọng trong những câu nầy nếu chúng ta chịu để thì giờ ra mót lấy chúng. Có một số thắc mắc được giải đáp cho chúng ta nữa. Chúng ta hãy để ra vài phút để quan sát Phép báptêm của Người đầy tớ và tìm ra một số trợ giúp cho linh hồn chúng ta qua mấy câu nầy. Tôi nghĩ có một lời ở đây dành cho từng người trong phòng nhóm nầy, nếu bạn chịu tiếp lấy lời ấy hôm nay: Phép báptêm của Người đầy tớ.

I. SỰ XUẤT HIỆN CỦA ĐỨC CHÚA CON (câu 9)
Minh họa: Như tôi đã nhắc rồi, đây là sự xuất hiện đầu tiên của Chúa Jêsus đã được ghi lại trong 18 năm. Khi Ngài xuất hiện, Ngài đến với Giăng Báptít để chịu Giăng làm phép báptêm cho. Bây giờ, câu 4 cho chúng ta biết phép báptêm của Giăng là: “phép báp-tem ăn năn, cho được tha tội”. Nói cách khác, người nào đến với Giăng đều đã công khai xưng ra tội lỗi của họ và phục theo phép báptêm như một dấu hiệu nói tới đời sống của họ đã được thay đổi.
Vậy thì, sao Chúa Jêsus lại chịu phép báptêm? Khi Ngài đến với Giăng để chịu phép báptêm, Mathiơ thuật lại cho chúng ta biết rằng lúc đầu Giăng đã từ chối không làm báptêm cho Chúa, Mathiơ 3.13-15. Bạn thấy đấy, Giăng và Chúa Jêsus là hai anh em bà con. Có lẽ Giăng đã biết rõ loại đời sống mà Chúa Jêsus đã sống. Giăng vốn biết rõ nếu có ai là thánh thì đó chính là Chúa. Thế nhưng, Chúa Jêsus đã phán: “Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy” (Mathiơ 3.15). Cụm từ “làm cho trọn mọi việc công bình” có ý nói rằng Chúa Jêsus đã chịu phép báptêm “để làm tròn từng quy định của Đức Chúa Trời”. Nói cách khác, Đức Chúa Trời đang làm việc qua Giăng Báptít trong những ngày đó và Chúa Jêsus muốn tự xác định Ngài với mọi sự thuộc về Đức Chúa Cha.
Chúa Jêsus không đến với Giăng để xưng ra mọi tội lỗi của Ngài và chịu phép báptêm để biểu hiện sự Ngài ăn năn. Chúa Jêsus chẳng có một tội lỗi nào cần phải ăn năn hết, II Côrinhtô 5.21; I Phierơ 2.22. Chúa Jêsus đã chịu phép báptêm vì một vài lý do. Hãy cho phép tôi chỉ ra một số lý do đó.
A. Ngài xuất hiện với sự công bố – Khi Chúa Jêsus tỏ mình để chịu phép báptêm, Ngài đang đưa ra một lời tuyên bố công khai về một số sự kiện quan trọng:
1. Chúa Jêsus đã chịu phép báptêm để chứng thực cho chức vụ của Giăng Báptít. Hãy xem lại những gì Giăng đã rao giảng, các câu 7-8. Chúa Jêsus đã đến với Giăng để đóng dấu ấn thiêng liêng của Ngài trên những gì Giăng đã nói. Giăng đã rao giảng cho dân chúng sứ điệp nầy: “Nước Đức Chúa Trời đã đến gần! Đấng Mêsi đang đến”. Chúa Jêsus đã đến để chịu phép báptêm của Giăng để nói với Giăng và dân chúng: “Ta là Đấng Mêsi!”
2. Chúa Jêsus đã chịu phép báptêm để cho Giăng nhìn biết rằng Chúa Jêsus là Đấng Mêsi, Giăng 1.33; Mác 1.10.
3. Ngài đã chịu phép báptêm để đóng ấn phần khởi đầu của chức vụ công khai của Ngài.
Vì vậy, phép báptêm của Chúa Jêsus là một lời tuyên bố công khai cho thấy Ngài thực sự là Đấng Mêsi đã được hứa cho; rằng Ngài là Cứu Chúa đã được phái đến giảng hòa giữa Đức Chúa Trời và con người (Minh họa: Ngài vẫn là con đường duy nhất đến với Đức Chúa Trời – Giăng 14.6; Công Vụ các Sứ đồ 4.12).
B. Ngài xuất hiện với sự tận hiến – Trong phép báptêm của Ngài, Chúa Jêsus đã bằng lòng và công khai chấp nhận sứ mệnh mà Cha Ngài đã giao cho. Chúa Jêsus đã bước vào thế gian nầy vì mục đích thể hiện chương trình của Đức Chúa Trời lo cứu chuộc hạng tội nhân. Chúa Jêsus đã đến để ban Nước cho Israel và phó sự sống Ngài trên thập tự giá làm giá chuộc cho tội lỗi, Mác 10.45; Giăng 18.37. Israel đã chối bỏ sự ban hiến Đấng Mêsi của họ, còn Đức Chúa Trời đã tiếp nhận sự phó thác mà Đấng Christ đã thực hiện trên thập tự giá, I Giăng 2.2; Êsai 53.11. Vì vậy, Chúa Jêsus đã ra khỏi những bóng tối mù mờ dấn thân vào sứ mệnh công khai của Ngài để “tìm và cứu kẻ bị mất”, Luca 19.10.
C. Ngài xuất hiện với sự chứng minh – Phép báptêm của Chúa Jêsus cũng góp phần tỏ ra Ngài đồng hóa với chính hạng người mà Ngài ngự đến để giải cứu. Từng người trong số những kẻ đã đến với Giăng để chịu phép báptêm đang tìm kiếm một đời mới. Họ đang tìm kiếm sự tha thứ cho tội lỗi của họ và một mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jêsus Christ đã đến để ban những việc ấy cho hạng người bị hư mất. Ngài đã ra đời trong một hình hài con người để Ngài có thể sống giữa vòng chúng ta rồi chết thay cho chúng ta. Ngài đã chịu phép báptêm để đồng hóa với chúng ta. Phép báptêm của Ngài đã đồng hóa Ngài với dòng giống sa ngã mà Ngài ngự đến để cứu vớt họ.
Phép báptêm của Ngài cũng chỉ ra sự chết và sự sống lại của chính Ngài. Giống như nước của sông Giôđanh đổ xuống an định trong Biển Chết, những ngày sống của Chúa Jêsus đã đưa Ngài hướng tới một ngày hẹn với sự chết. Khi Chúa Jêsus phục theo phép báptêm của Giăng, Ngài đã tỏ ra những gì sẽ xảy ra cho Ngài một ngày kia. Ngài sẽ bước vào sự chết trên thập tự giá và Ngài sẽ lại sống trong sự sống lại. Ngài biết rõ Ngài đang hướng tới một phép báptêm gọi là sự chết, Luca 12.50. Cho nên, Đức Chúa Jêsus Christ đang chứng tỏ quyết tâm quan trọng của Ngài là phó mạng sống Ngài trên thập tự giá vì cớ tội lỗi của chúng ta.
(Minh họa: Cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài đã đến để cứu chúng ta! Chúng ta bị định phải diệt vong và phải ở trong Địa ngục và chúng ta không thể tự cứu mình được. Chúa Jêsus đã lìa bỏ sự vinh hiển trên thiên đàng để sống và chết trong cái thế giới nghiệt ngã nầy, tự đồng hóa với chúng ta, để cho chúng ta sẽ được cứu.
Ray Steadman đưa ra phần minh họa sau đây: “Ông bước vào phòng của cháu. Một nụ cười thật tươi nở ra trên gương mặt nồng ấm, tử tế của ông. Ông gọi: "Davy", rồi giang rộng hai cánh tay để ôm lấy nó.
Từ trong cái cũi, đứa trẻ 2 tuổi vui mừng gọi: "Ông ơi!" "Ông ơi, ẳm"
Ông nói: "Nào ngoan nhé! Ông sẽ ẳm lấy cháu đây Davy". Rồi, ông cụ với tay ra ẳm lấy cháu nội mình ra khỏi cũi, ông bồng đứa trẻ trong hai cánh tay mạnh sức của mình. Sau đó, ông đặt đứa cháu xuống, ở ngoài cái cũi, giữa những món đồ chơi của nó, và họ bắt đầu cùng chơi đùa với nhau.
Một lát sau, mẹ đứa trẻ bước vào phòng. Bà gắt tiếng: "Davy! Con biết đấy, mẹ để con trong cái cũi kia vì con hay nghịch ngợm lắm! Con không nên năn nỉ ông Nội ẳm con ra đấy nhé!"
Mắt Davy ngước lên, rồi nó bắt đầu khóc. Ông nội ngay khi ấy cảm thấy lo lo. Ông không biết cháu nội ông đã có một thời gian ở trong cái cũi là một hình phạt. Giờ đây, ông đã làm cho cháu ông phải ở trong một tình huống còn tệ hại hơn.
"Ông ơi, chơi với cháu đi!" đứa trẻ đã nói với giọng nài nĩ làm tan vỡ tấm lòng của ông cụ.
Nhưng người mẹ vẫn cứng rắn: "Davy, con biết đấy, con phải vào trong cũi thôi". Bà mẹ ẳm lấy nó rồi đặt nó vào lại trong chỗ giam riêng nó. Đứa trẻ bật khóc trong thất vọng.
Thế rồi ông cụ sẽ làm gì đây? Ông biết rõ ông không thể cản được mẹ của đứa trẻ. Nhưng tấm lòng ông cảm thông với đứa cháu của mình. Ông cụ có một ý hay. Người mẹ nói: "Bố ơi! Bố nghĩ bố sẽ làm gì chứ?"
"Việc duy nhứt bố có thể làm", ông cụ nói khi ông trèo vô trong cái cũi với cháu nội của mình. Đứa trẻ đã bị phạt, và đúng như thế. Cách duy nhứt ông cụ có thể tỏ ra lòng thương xót cho đứa cháu là bằng cách bước vào tình huống của Davy và tự gánh lấy hình phạt của Davy.
Và đấy là những gì đã xảy ra trong đời sống của bạn và tôi vào cái ngày Chúa Jêsus ngự đến.
Chúa Jêsus đã bước vào đồng vắng của đời sống chúng ta, trở nên một với chúng ta, chấp nhận những hạn chế của sự sống trong hình thể con người, chấp nhận án phạt của chúng ta, và gánh lấy nổi khổ của chúng ta. Chúa Jêsus đã đến để chúng ta có được sự sống – sự sống dư dật.

(Lưu ý: Bởi đó, Chúa Jêsus cũng đã nêu ra một gương cho dân sự của Ngài. Nếu Ngài nhìn thấy nhu cần phải chịu phép báptêm để đóng ấn phần khởi đầu chức vụ mới của Ngài; Ngài mong chúng ta cũng chịu phép báptêm để cho thế gian nhìn thấy chúng ta đã chết với tội lỗi của chúng ta và được sống lại với đời mới ở trong Ngài).

II. SỰ XỨC DẦU CỦA ĐỨC THÁNH LINH (câu 10)
(Minh họa: Khi Chúa Jêsus chịu phép báptêm, một việc kỳ lạ đã xảy ra. Mác nói cho chúng ta biết “các từng trời mở ra” và Đức Thánh Linh, trong hình thể chim bồ câu, đã đáp đậu trên Đức Chúa Jêsus Christ. Cụm từ “các từng trời mở ra” sát nghĩa có ý nói rằng “bầu trời chia ra thành nhiều mảnh”. Đức Thánh Linh đã ngự xuống qua việc chia bầu trời ra như thế nầy đáp đậu trên Chúa Jêsus với một hình thể trông thấy được bằng mắt thường. Chúng ta cần dành ra một phút để xem xét Đức Thánh Linh và những gì Ngài đã làm trong đời sống của Chúa Jêsus. Mấy câu nầy giúp chúng ta mót lấy một ít hiểu biết về mối quan hệ của họ).
A. Một hình ảnh nói tới sự hy sinh – Đức Thánh Linh ngự đến trong hình thể “chim bồ câu”. Chim bồ câu là của lễ của người nghèo, Lêvi ký 5.17. Hai “chim bồ câu con” là của lễ mà Mary và Giôsép đã dâng khi họ đem Con Trẻ Jêsus lên đền thờ, Luca 2.24. Trong lý trí của người ta, chim bồ câu được kết với sự hy sinh.
Như vậy, khi Chúa Jêsus ngự đến trong thế gian nầy, Ngài đã đến để sống một đời sống tự hiến. Ngài không đến để sống cho chính mình Ngài, Ngài đã đến để sống và chết cho tha nhân. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã xức dầu cho Chúa Jêsus để có một đời sống tự hiến.
Chim bồ câu là loài chim được kết với hòa bình, dịu dàng và khiêm hạ. Đây là mọi thuộc tính đánh dấu chức vụ trên đất của Đức Chúa Jêsus Christ. Đừng quên rằng Đức Chúa Jêsus Christ là Đức Chúa Trời ở trong xác thịt con người! Ngài có thể bước vào thế gian nầy như một con người của chiến tranh, quyền lực và sự phán xét. Thay vì thế, Ngài đã đến trong vai trò Chúa Bình An, Êsai 9.5. Ngài có thể đến để hủy diệt thế gian và xét đoán hàng tội nhân. Thay vì thế, Ngài đã đến để chịu chết trên thập tự giá để Ngài có thể làm biến đổi hạng tội nhân. Ngài có thể gọi lửa của Đức Chúa Trời giáng xuống từ thiên đàng để thiêu đốt tất cả các kẻ thù của Đức Chúa Trời. Thay vì thế, Ngài đã tiếp lấy ngọn lửa thạnh nộ của Đức Chúa Trời trên chính mình Ngài tại thập tự giá để cho hạng tội nhân sẽ được cứu! Khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời đến xức dầu cho Chúa Jêsus, Ngài đã xức dầu để Chúa Jêsus có một đời sống tự hiến.
B. Một sự chuẩn bị cho sự phục vụ – Có thể chúng ta sẽ lấy làm lạ tại sao Chúa Jêsus, Ngài là Đức Chúa Trời ở trong loài xác thịt, lại cần đến Đức Thánh Linh. Phải chăng Ngài không có đủ quyền phép của Đức Chúa Trời? Đúng! Phải chăng Ngài chẳng phải là Đức Chúa Trời ở trong loài xác thịt? Đúng! Phải chăng Ngài chẳng phải Đấng Tạo Hóa của vũ trụ hóa thân thành nhục thể? Đúng! Tại sao Chúa Jêsus lại cần sự xức dầu của Đức Thánh Linh? Chúa Jêsus cần đến quyền phép của Đức Thánh Linh vì Ngài không đến với thế gian nầy để sống như Đức Chúa Trời, nhưng vì Ngài đã đến với thế gian nầy để sống như một con người.
Khi Đức Chúa Trời dựng nên Ađam và ban cho ông quyền quản trị trên đất, Ađam đã phạm tội và khiến cho mọi loài thọ tạo phải ở dưới sự rủa sả của tội lỗi, Rôma 5.12. Chúa Jêsus đã đến như Ađam thứ hai. Ngài đã đến để làm những gì Ađam thứ nhứt thất bại không làm được. Ngài đã đến để sống đời sống của Ngài là một con người trọn vẹn. Đang khi Ngài sống ở đây trên đất, Chúa Jêsus đã gạt qua một bên sự vinh hiển của Ngài và sự sử dụng độc lập các đặc quyền thiêng liêng của Ngài, Philíp 2.5-8. Ngài cần đến quyền phép của Đức Thánh Linh để hoàn tất đời sống ấy.
Mọi sự Chúa Jêsus đã làm, Ngài đã làm như một người được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Là một người được đầy dẫy Đức Thánh Linh, Ngài đã sống một đời sống trọn vẹn. Ngài làm thỏa mãn mọi đòi hỏi công bình của Luật pháp Đức Chúa Trời. Ngài đã giữ trọn từng điều luật và từng điều lệ. Thế rồi, là một con người, Ngài bước lên thập tự giá để chịu chết hầu cho Ngài có thể đổ huyết vô tội, trọn vẹn của Ngài ra như một sự chuộc lấy tội lỗi của chúng ta.

(Minh họa: Đời sống của Chúa Jêsus nêu ra một gương cho phần còn lại chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ sống loại đời sống trọn vẹn vì chúng ta có một thứ mà Chúa Jêsus không có: ấy là bổn tánh tội lỗi. Chúng ta phạm tội và chúng ta thiếu mất, nhưng nếu chúng ta chịu phục theo quyền phép của Thánh Linh Đức Chúa Trời rồi để cho Ngài làm đầy đời sống chúng ta theo như chúng ta cầu xin, Êphêsô 5.18, Ngài sẽ tỏ ra “trái Thánh Linh” nơi chúng ta, Galati 5.22-23, và chúng ta sẽ sống loại đời sống quyền phép sẽ đem lại sự vinh hiển cho danh của Đức Chúa Trời.
Khi Chúa Jêsus còn ở đây, Ngài phán điều nầy: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha” (Giăng 14.12). Chúa Jêsus đúng là một người đã được đầy dẫy với Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Khi Ngài thăng thiên về trời, Ngài đã sai Đức Thánh Linh đến ngự trong từng thánh đồ của Ngài. Giờ đây, có khả năng cho người nào được cứu để sống một đời sống đầy dẫy Thánh Linh, được Đức Thánh Linh cai quản. Khi chúng ta sống đời sống ấy, chúng ta làm vinh hiển cho Ngài; chúng ta lo làm công việc của Ngài; và chúng ta hoàn thành nhiều việc trong thế gian nầy. Chúng ta cần phải tìm kiếm mặt Ngài để được đầy dẫy Thánh Linh Ngài!
Đừng hiểu lầm ý của tôi. Khi bạn được cứu, bạn đã được ban cho Đức Thánh Linh, Rôma 8.9; I Côrinhtô 12.13. Khi Ngài tể trị trên đời sống của bạn, Ngài sẽ không biến thành trò cười hay khiến cho bạn phải xử sự cách điên rồ đâu. Ngài sẽ khiến cho bạn ra giống như Chúa Jêsus hơn và Ngài có quyền sử dụng bạn trong các phương thức quan trọng hơn bạn có thể suy tưởng nữa. Ngài sẽ sử dụng chúng ta giống như Ngài đã sử dụng Chúa Jêsus. Nghĩa là, Ngài sẽ khiến chúng ta biết sống loại đời sống tự hiến. Ngài sẽ khiến chúng ta sống loại đời sống đem lại sự tôn trọng và vinh hiển cho Chúa).

C. Một sự trọn lành theo Kinh Thánh – Đức Thánh Linh đã giáng trên Chúa Jêsus để làm ứng nghiệm lời tiên tri xưa nói về Đấng Mêsi. Các tiên tri trong Cựu Ước đã nói rằng Đấng Mêsi sẽ là một người được đầy dẫy Đức Thánh Linh, Êsai 11.1-5.
Người Do thái đang trông mong Đấng Mêsi. Các thầy thông giáo của họ đã nói cho họ biết sự đăng quang của Ngài sẽ rất là huy hoàng.
Trong các giao ước của 12 vị tộc trưởng, bài làm chứng về Lêvi (18.6-8) chép: “Các từng trời sẽ mở ra, rồi từ đền thờ vinh hiển sự hiển thánh sẽ đến trên người với giọng nói của Cha, giống như từ Ápraham nói với Ysác vậy. Và sự vinh hiển của Đấng Chí Cao sẽ rộ ra trên người. Và thần hiểu biết và nên thánh sẽ ngự trên người [trong nước]. Vì người sẽ làm sự vinh hiển của Chúa cho những ai là con của Ngài thật sự cho đến đời đời”.
Khi các biến cố trong phép báptêm của Chúa Jêsus diễn ra, người Do thái đều công nhận các dấu lạ nầy là một sự ứng nghiệm các lời tiên tri có quan hệ với Đấng Mêsi.

III. ĐỨC CHÚA CHA TÁN THƯỞNG (câu 11)
Minh họa: Biến cố thứ ba đã diễn ra khi Chúa Jêsus chịu phép báptêm là giọng nói của Cha thiên thượng toát ra từ trên trời. Khi Đức Chúa Trời phán dạy, Ngài thốt ra sự tán thưởng về Chúa Jêsus là Con của Ngài.
 Từ ngữ “Ngươi” có thể được nói theo cách nầy: “Ngươi và chỉ một mình ngươi”. Điều nầy xác định Chúa Jêsus là “Con độc sanh của Đức Chúa Trời”.
 Từ ngữ “là” có ý nói “luôn luôn là”. Chúa Jêsus không những làm đẹp lòng Đức Chúa Cha chỉ vì Ngài đã chịu phép báptêm. Chúa Jêsus còn làm đẹp lòng Đức Chúa Cha cho đến đời đời. Không một phút chốc nào mà Ngài không làm đẹp lòng Cha của Ngài.
 Từ ngữ “yêu dấu” chỉ ra dây yêu thương đặc biệt hiện tồn tại giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.
Chúng ta hãy xem xét lời công bố nầy bởi Đức Chúa Cha khi Ngài quan sát lễ báptêm của Con Ngài. Đức Chúa Trời đang tỏ ra sự tán thưởng về đời sống và chức vụ của Chúa Jêsus. Hãy chú ý ba tư tưởng từ câu Kinh Thánh nầy:
A. Một sự tán thưởng công khai – Đức Chúa Cha đang khiến cho Giăng Báptít và mọi người khác, những kẻ đang lắng nghe Ngài nói đều biết rõ Ngài đã đẹp lòng với Chúa Jêsus. Ngài đang đặt dấu ấn tán thưởng thiêng liêng của Ngài trên đời sống và chức vụ của Chúa Jêsus. Đây chẳng phải là lần cuối cùng Đức Chúa Cha phán để khiến cho người ta nhìn biết rằng Chúa Jêsus đã có sự tán thưởng của Ngài. Trên Núi Hóa Hình, Mathiơ 17.5, Đức Chúa Trời phán: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường; hãy nghe lời Con đó!”
Khi Đức Chúa Trời phán rằng Ngài đã “đẹp lòng” nơi Đức Chúa Con, Ngài đã nói thật nhiều rồi. Từ ngữ “đẹp lòng” có ý nói “tìm được khoái lạc”. Trong bốn ngàn năm, Đức Chúa Trời đã nhìn xuống con người và mọi sự Ngài nhìn thấy đều là tội lỗi, thất bại và yếu đuối. Khi Ngài nhìn xem Chúa Jêsus, Ngài nhìn thấy sự thánh khiết, sự trọn lành và năng lực. Đức Chúa Trời phán để cho thế gian nhìn biết rằng Đức Chúa Con và chức vụ của Ngài đã có dấu ấn tán thưởng của Ngài.
B. Một sự tán thưởng riêng tư – Khi Đức Chúa Trời phán trong ngày đó, Ngài cũng phán dạy vì ích của Đức Chúa Con. Trong ba mươi năm, Đức Chúa Cha đã dõi theo Chúa Jêsus khi Ngài lớn lên và trưởng thành. Ngài quan sát Chúa Jêsus đang tương tác với Mary và Giôsép. Ngài đã quan sát Chúa Jêsus khi Ngài sinh hoạt với các em của Ngài. Ngài quan sát Chúa Jêsus ở tại nhà riêng, trong nhà hội, ở sân chơi, ngoài thị trấn và trong xứ sở. Đức Chúa Cha đã quan sát Chúa Jêsus từng ngày trong đời sống của Ngài. Ngài quan sát Chúa Jêsus trong chỗ kín nhiệm khi Ngài cầu nguyện. Ngài lắng nghe từng cuộc trò chuyện. Ngài đọc thấy từng tư tưởng, nghĩ suy. Ngài đã nghe thấy từng lời một. Giờ đây, sau ba mươi năm quan sát, Đức Chúa Trời chuyển quyết định của Ngài về đời sống trên đất của Chúa Jêsus. Đức Chúa Trời nhìn chăm vào Chúa Jêsus rồi phán: “Đẹp lòng ta mọi đàng!”
Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời ở trong xác thịt. Thế nhưng, Ngài cũng là con người. Giống như bất kỳ đứa trẻ nào khác, Ngài cần đến sự tán thưởng của Cha Ngài. Khi Ngài nghe thấy mấy lời nầy đến từ trời, quyết tâm trong linh hồn Ngài muốn thể hiện ra ý chỉ của Đức Chúa Cha càng lúc càng lớn lao hơn bao giờ.

(Lưu ý: Tôi cũng muốn Đức Chúa Cha ban cho tôi thấy được có một sự tin cậy như thế! Ngài sẽ làm như thế từng hồi từng lúc và tôi vui mừng mỗi lần Ngài đến rồi nói “Amen!” với những gì tôi đang làm. Nhìn biết lúc nào bạn biết làm đẹp lòng Chúa thì phước hạnh biết bao!)

C. Sự tán thưởng rất sâu sắc – Khi Đức Chúa Trời loan báo sự tán thưởng của Ngài về Đức Chúa Con, Ngài cũng thốt ra sự tán thưởng của Ngài về hết thảy những ai đang ở trong Đức Chúa Con nữa. Khi có người được cứu, sự công bình của Chúa Jêsus được “truyền đạt vào” cho họ, Rôma 4.22-24. Nói cách khác, khi Đức Chúa Trời nhìn vào một thánh đồ đã được chuộc của Đức Chúa Trời, Ngài không nhìn thấy tội lỗi gian ác của chúng ta và những đường lối xấu xa. Ngài nhìn thấy Con của Ngài và sự thánh khiết của Con Ngài. Ngài nhìn xem chúng ta giống như chúng ta chưa hề phạm tội vậy! Làm sao có được điều nầy chứ? Có được như thế là vì khi Đức Chúa Trời cứu chúng ta, Ngài cũng xưng công bình cho chúng ta nữa, I Côrinhtô 6.9-11. Nghĩa là, Ngài gạt bỏ tội lỗi ra khỏi chúng ta cho đến đời đời, Thi thiên 103.12; I Giăng 1.7. Ngài công bố chúng ta đã được xưng công bình rồi và khi Ngài thấy chúng ta, Ngài không nhìn thấy tình trạng khổ sở của chúng ta, Ngài đang quan phòng sự công bình của Đấng Christ. Khi Đức Chúa Trời nhìn xuống con cái, Ngài phán: “Nầy là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đường”.
Đấy là sự thực duy nhứt nếu bạn đang ở “trong Chúa Jêsus”. Đấy là lý do tại sao Phaolô đã nói khi ông muốn được tìm gặp “ở trong Ngài”, Philíp 3.9. “Ở trong Ngài” thì chẳng một “sự xét đoán” nào cả, Rôma 8.1. “Ở trong Ngài” có ơn cứu rỗi, Giăng 3.16. “Ở trong Ngài” có một tạo vật mới, II Côrinhtô 5.17. “Ở trong Ngài” có sự sống đời đời, Giăng 10.28. “Ở trong Ngài” có sự tiếp nhận, Giăng 6.37. “Ở trong Ngài” có hy vọng, có sự cứu giúp và có một quê hương ở trên trời. Có phải bạn đang “ở trong Ngài”? Nếu chưa, bạn cần phải ở trong và bạn có thể ở trong Ngài nếu bạn chịu đến với Ngài.

Phần kết luận: Nhiều việc đã diễn ra trong ngày Đức Chúa Jêsus Christ chịu Giăng làm phép báptêm cho ở sông Giôđanh. Việc lớn lao nhứt là phần khởi đầu của một chức vụ sẽ kết thúc với Chúa Jêsus trên thập tự giá chịu chết vì cớ tội lỗi của chúng ta. Cảm tạ Đức Chúa Trời vì đời sống mà Ngài đang sống, chức vụ mà Ngài đã hoàn thành và món quà mà Ngài đã trao cho.
Có phải bạn tin cậy Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của bạn không? Nếu chưa, Ngài đã chịu chết thay cho bạn và bạn sẽ được cứu nếu bạn chịu chạy đến với Ngài.
Có phải bạn sống đời sống của mình dưới sự tể trị của Đức Thánh Linh không? Hay, có phải bạn cần cầu xin Đức Chúa Trời thanh tẩy cái bình của bạn để Ngài làm cho nó được đầy tràn hôm nay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét