Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Khải huyền 1:12-18: "CHÚA VINH HIỂN TRONG CHỨC VỤ CỦA NGÀI"



Khải huyền 1:12-18
CHÚA VINH HIỂN TRONG CHỨC VỤ CỦA NGÀI
Phần giới thiệu: Trong lần nhóm lại vừa qua, chúng ta đã xem xét sứ điệp của các câu 12-17a. Trong những câu ấy, Đức Chúa Jêsus Christ được phác họa ra trong mọi sự vinh hiển của Ngài. Ở các câu 12-16, Giăng mô tả Chúa vinh hiển trong vẻ oai nghi của Ngài. Giăng nổ lực mô tả Chúa Jêsus phục sinh, đã được làm cho vinh hiển. Khi ông mô tả, ông phác họa cho chúng ta thấy Chúa Jêsus mà chúng ta sẽ nhìn thấy khi chúng ta về đến quê hương ở trên trời. Tôi không biết về bạn, nhưng tôi đã nhìn thấy trước cái ngày khi tôi gặp Ngài như Ngài vốn có thật vậy, vì tôi sẽ ra giống như Ngài trong ngày ấy, 1 Giăng 3:1-2.
Tiếp đến, ở câu 17a, Giăng chỉ cho chúng ta thấy Chúa vinh hiển trong ơn thương xót của Ngài. Giăng nhìn thấy Chúa Jêsus và ngã xuống đất như chết. Chúa Jêsus, trong ân điển và sự thương xót, vực tôi tớ Ngài dậy rồi phán bình an cho tấm lòng của Giăng. Đúng là một Cứu Chúa mà chúng ta đang có! Tôi ngợi khen danh Ngài vì những thời điểm Ngài với xuống cùng tôi rồi nhấc tôi lên trong tấm lòng của tôi! Quí bạn ơi, chúng ta sẽ ở đâu nếu Chúa không hiện diện trong tấm lòng của chúng ta để “thì thào sự bình an ngọt ngào” ấy với linh hồn chúng ta?
Trong tiểu đoạn sau cùng nầy, Giăng mô tả Chúa vinh hiển trong chức vụ của Ngài. Sau khi đã nói cho chúng ta biết về cách thức Chúa Jêsus xuất hiện và cách thức Ngài khích lệ các thánh đồ của Ngài; mấy câu nầy cho chúng ta biết Chúa Jêsus là ai và Chúa Jêsus đang làm gì!
I. NGÀI LÀ ĐẤNG ĐANG TỂ TRỊ
A. “ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng” – Giăng được nhắc nhớ rằng Chúa Jêsus là “Đấng Tác Giả và Thành Toàn” của muôn vật. Ngài là Đấng đã có và là Đấng luôn hằng hữu. Ngài hiện diện ở đó trước khi sáng thế và Ngài sẽ hiện diện ở đó sau khi tận thế. Chúa Jêsus đứng như cột trụ của cả hai đầu lịch sử. Các vì vua đã đến và họ sẽ ra đi, nhưng Chúa Jêsus đã, đang và sẽ trị vì cho đến đời đời. Ngài là vô hạn và Ngài là đời đời!
B. Cái điều chúng ta hiện có ở đây chẳng có gì khác hơn một lời Chúa Jêsus xưng nhận rõ ràng về thần tính. Tước hiệu: “Trước hết và Sau cùng” được thấy trong Cựu Ước ba lần: Êsai 41:4; 44:6; 48:12. Đây là tước hiệu đề cập tới Giêhôva Đức Chúa Trời. Tước hiệu nầy được Chúa Jêsus sử dụng ba lần trong sách Khải huyền: 1:17; 2:8; 22:13. Ngài đang nói cho chúng ta là dân sự Ngài biết rằng Ngài đồng đẳng với Đức Chúa Cha. Ngài đang nhắc cho chúng ta nhớ rằng Ngài là Đức Chúa Trời và Ngài đang nắm quyền tể trị!
(Minh họa: Tôi rấy vui sướng chắc chắn rằng Ngài có quyền cao chức trọng!)
(Minh họa: Trong thời trước đây của xe hơi, chiếc Ford kiểu Model-T của một người bị nằm ụ ở giữa đường. Ông ta không thể khởi động máy được, bất luận ông ta sử dụng tay quay rất khó nhọc ngần nào, ông ta cũng không thử đánh lửa hay điều chỉnh các bộ phận dưới capô. Ngay khi ấy một chiếc limousine có tài xế lái đậu ở phía sau ông ta, và một người rắn chắc, năng nổ bước ra khỏi ghế sau rồi hiến cho ông ta sự giúp đỡ. Sau khi loay quay mấy phút người kia nói: "Giờ thử đề máy xem!" Ngay lập tức máy nổ ngay. Người ăn mặc bảnh bao đó khi ấy tự nhận mình là Henry Ford, ông ta nói: "Tôi đã thiết kế và lắp ráp loại xe nầy, vì vậy tôi biết phải làm gì khi có chi đó sai trật". Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa đang ở với chúng ta để "chỉnh" điều chi bị hỏng trong đời sống của chúng ta, Hêbơrơ 13:5).
C. Dân sự của Chúa không phải sợ bất cứ điều gì phát sinh trong cả sự sống hay sự chết, vì Chúa Jêsus đứng ở cả hai đầu và Ngài cũng đang tể trị ở giữa nữa! Chúa Jêsus là trọng tâm quanh nó chiếc bánh xe thời gian đang xoay vần. Ngài hiện hữu trước muôn vật, trên muôn vật, dưới muôn vật, quanh muôn vật, và đàng sau muôn vật. Ngài là mọi sự trong mọi sự! Ngài là nguồn cội và là toàn bộ của muôn vật! Ngài đang nắm quyền tể trị trong cuộc sống và không một điều gì xảy ra mà không có sự chấp thuận của Ngài, Rôma 8:28.
II. NGÀI LÀ ĐẤNG CỨU CHUỘC
A. “là Đấng Sống, ta đã chết” – Chúa Jêsus đã chết, nhưng sự chết của Ngài không giống với cái chết nào khác trong lịch sử của thế gian. Ngài đã chết, không phải cho chính mình Ngài, nhưng Ngài đã chịu chết vì tha nhân. Ngài bước lên thập tự giá để trả một giá mà Ngài không mắc; vì một dân họ nợ một giá mà họ không thể trả được. Ngài phó hết mọi sự của Ngài cho những kẻ chẳng có gì để dâng. Ngài đã trả toàn bộ cái giá để chuộc dân sự Ngài ra khỏi tội lỗi của họ, Êsai 53:4-6; I Phierơ 1:18-19; Khải huyền 1:5. Ngài đã tự đặt mình vào giữa chúng ta và tội lỗi của chúng ta!
(Minh họa: Đức Chúa Trời phán: Chúng ta hãy làm nên con người theo hình chúng ta. Thế gian nói: Chúng ta phải làm cho con người thích nghi với hình ảnh của chúng ta. Ma quỉ nói: Ta sẽ làm cho con người phải méo mó bởi tội lỗi. Giáo dục nói: Chúng ta hãy làm cho con người thấm nhuần bởi tri thức. Xã hội nói: Chúng ta sẽ cải tạo con người bằng văn hóa. Chỉ có Đấng Christ phán: Ta sẽ biến đổi con người bằng tình yêu cao sâu của ta và bởi cái chết của ta trên thập tự giá).
B. Ngài đã hoàn thành qua một sự cung hiến mà hàng triệu gallons huyết con sinh không thể làm được, cũng không bao giờ có thể làm được. Ngài đã trả trọn cái giá cứu chuộc cho hết thảy những ai biết bởi đức tin mà kêu cầu Ngài, Hêbơrơ 10:10-14; Hêbơrơ 9:12; 25-28.
(Minh họa: Trong nhiều năm trời ở khu chợ tại Rotterdam, Hà lan, có một ngôi nhà sừng sững ở đó ai cũng biết là "ngôi nhà của hàng ngàn điều khiếp sợ". Vào thế kỷ thứ 16, Vua Philip II cứ Tây ban Nha cai trị xứ Hà lan. Trong cuộc chiến với Hà lan, ông đã hành hình, làm cho bị thương tích, bỏ tù, và lưu đày cả ngàn người. Khi dân chúng dấy lên chống đối, ông đã gửi một đạo quân người Tây ban Nha dưới quyền của Công Tước xứ Alva để đánh dẹp cuộc nổi loạn.
Thành Rotterdam đã dũng cảm cầm cự trong một thời gian, rồi sau cùng họ thất thủ trước đạo quân Tây ban Nha. Những kẻ chiến thắng đã lục soát từng nhà một, tìm kiếm từng người một, rồi giết chết họ tại nhà của họ. Ở một ngôi nhà kia, một nhóm nhiều người nam, người nữ và trẻ em đã hội ý với nhau, cả ngàn điều khiếp sợ nắm chặt lấy tấm lòng của họ khi mấy tên lính Tây ban Nha đến gần.
Thình lình, thanh niên kia có một ý rất hay. Bắt lấy một dê con của người chủ nhà, anh ta giết nó, rồi bôi huyết nó dưới ngạch cửa của ngôi nhà. Khi ấy họ nín thở chờ tiếng bước chân đến gần. Lúc đó mấy tên lính Tây ban Nha đến ngay cánh cửa. Rồi họ nghe một tên lính nói: "Hãy xem máu đang chảy dưới cửa kìa. Anh em ơi, thôi đi đi, công việc ở đây đã được làm rồi!"
Một lát sau toán lính đã rút đi, cả tốp người trong ngôi nhà dâng lời cảm tạ, họ bước ra, an toàn và vui vẻ. Họ đã sống vì một dê con đã chịu giết).
C. Halêlugia! Chính huyết của chiên con đã khiến cho thiên sứ sự chết vượt qua con cái Israel mà vào xứ Aicập, Xuất Êdíptô ký 12. Chính huyết của bò đực, dê đực, bồ câu, đã chuộc tội của Israel trong hàng mấy trăm năm. Nhưng, chính huyết của Chúa Jêsus, và chỉ có huyết của Chúa Jêsus, mới tẩy sạch những vết uế tội lỗi và khiến cho con người trở thành một con người mới! Chính huyết của Chúa Jêsus mới có thể cứu một tội nhân hư mất và khiến người trở thành một thánh đồ của Đức Chúa Trời! Chỉ có huyết Chiên Con mới có thể làm được sự ấy mà thôi, I Phierơ 1:18-19!
(Minh họa: Cách đây nhiều năm ở Detroit, Michigan, nhà truyền đạo nổi tiếng, Mục sư Charles Finney, đã rao giảng với đề tài "Huyết của Đức Chúa Jêsus Christ, Con Đức Chúa Trời, làm sạch mọi tội chúng ta" (I Giăng 1:7). Sau buổi thờ phượng, một người kia đến mời Mục sư Finney đi về nhà với ông ta. Được khuyên đừng đi theo hắn bởi các viên chức trong nhà thờ, vì họ biết rõ hắn, Mục sư Finney không cứ cách nào đó đã đi theo hắn.
Sau khi dẫn nhà truyền đạo vào phía sau tòa nhà, người kia khóa cửa lại, đút chìa khóa vào túi, rồi nói: “Đừng sợ. Tôi sẽ không làm hại ông đâu. Tôi chỉ muốn hỏi một vài câu. Ông có tin những điều ông đã giảng tối nay chứ?”
Mục sư Finney đáp: "Tôi tin chắc như thế".
Người kia nói tiếp: "Chúng ta đang ở phía sau một quán rượu. Tôi là chủ ở đây. Có nhiều bà mẹ đến đây, đặt con trẻ họ lên quầy, rồi nài xin tôi đừng bán rượu cho chồng của họ. Tôi xây cái lỗ tai điếc trước sự kêu nài của họ. Chúng tôi thấy khi người ta rời khỏi đây với tình trạng say khướt. Thế rồi một tối kia, có người rời khỏi đây đã bị xe đụng chết. Mục sư Finney, hãy nói cho tôi biết, Đức Chúa Trời có thể tha thứ co một người như tôi không?"
Mục sư Finney đáp: "Tôi có thẩm quyền duy nhứt, Lời Đức Chúa Trời có phán: 'Huyết của Đức Chúa Jêsus Christ, Con Đức Chúa Trời, làm sạch mọi tội chúng ta'".
Người kia nói thêm: "Nhưng như thế vẫn chưa đủ đâu. Trong một phòng khác, chúng tôi tổ chức đánh bạc. Nếu một người không xài tiền mình vào rượu, chúng tôi đưa người ấy tới đây và với những lá bài có đánh dấu, người ấy sẽ thua đến đồng đôla cuối cùng, chúng tôi để cho người ấy về với gia đình đói khát chẳng còn một xu dính túi. Mục sư Finney, tôi là chủ quán đây. Hãy thành thật nói cho tôi biết Đức Chúa Trời có thể tha thứ cho một người với tấm lòng giống như thế không?"
Một lần nữa, Mục sư Finney đáp: "Tôi chỉ có một thẩm quyền duy nhứt, Lời của Đức Chúa Trời chép: 'Huyết của Đức Chúa Jêsus Christ, Con Đức Chúa Trời, làm sạch mọi tội chúng ta'".
Người kia lại nói nữa: "Như thế vẫn chưa đủ đâu. Bên kia đường là nhà của tôi, ở đó vợ tôi và đứa con gái nhỏ sinh sống. Trong năm năm trời nay bà ấy chẳng nói với tôi một lời tử tế. Thân thể mang lấy những con dấu vũ lực tàn bạo của tôi. Mục sư Finney, ông có nghĩ Đức Chúa Trời có thể tha thứ cho một người với tấm lòng như thế không?"
Cái đầu của Mục sư Finney hạ thấp xuống. Đôi mắt ông đẫm nước mắt khi ông nói: "Ông ơi, ông đã vẽ ra một trong những bức tranh tối tăm nhất mà tôi đã từng liếc qua, nhưng tôi vẫn có một thẩm quyền, thẩm quyền ấy nói: 'Huyết của Đức Chúa Jêsus Christ làm sạch mọi tội chúng ta'".
Người kia bèn mở cửa ra, dẫn nhà truyền đạo đi trong bóng đêm, và không rời khỏi căn phòng ấy cho tới rạng sáng. Ông ta không ra khỏi đó cho tới chừng nào ông ta đập nát mấy cái bàn đánh bạc, đổ hết mấy cái thùng bia đi và mấy tủ rượu. Sau khi ông ta làm xong, ông ta khoá quán lại rồi băng qua đường, bước vào nhà của mình rồi ngồi xuống trong phòng khách.
Đứa con gái nhỏ của ông ta gọi: “Bố ơi, mẹ nói bữa điểm tâm sẵn sàng rồi". Khi ông trả lời tử tế với đứa con gái, nó bèn chạy lại với mẹ nó: "Bố nói chuyện tử tế với con! Có chuyện gì vậy mẹ!" Người mẹ theo đứa con gái nhỏ đó ra phòng khách. Người kia ra hiệu cho cả hai. Ôm chầm lấy mỗi người mỗi bên đầu gối, ông giải thích trước sự kinh ngạc của họ rằng họ vừa có một người chồng mới và người cha mới: "Bố đã thôi không làm công việc bên kia đường nữa!" Người ấy sau đó đã trở thành một thuộc viên, rồi là một chức sắc trong Hội Thánh Detroit. Khi được yêu cầu nói cho biết làm thể nào đời sống ông đã thay đổi như vậy, ông sẽ đáp: "Huyết của Đức Chúa Jêsus Christ, Con Đức Chúa Trời, làm sạch mọi tội chúng ta".
D. Dân sự của Chúa không cần phải sợ hãi tội lỗi, Satan hay án phạt gán cho tội lỗi, vì Chúa Jêsus đã đánh bại quyền lực của tội lỗi; vua chúa của sự tối tăm và Ngài hủy bỏ án phạt giáng trên tội lỗi. Chúa Jêsus đã bước vào sự chết với ý muốn tự do của chính Ngài. Ngài đã bước vào sự chết, và trong giây phút yếu đuối nhất của Ngài, Ngài đã thắng hơn mọi kẻ thù của linh hồn cho đến đời đời!
III. NGÀI LÀ ĐẤNG PHỤC SINH
A. là Đấng Sống, ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời – Một lần nữa, Chúa Jêsus sử dụng một tước hiệu thiêng liêng để mô tả chính mình Ngài. Ngài phán: “Ta là Đấng Sống”. Tước hiệu nầy đã được dùng bởi người Do thái thời xưa để phân biệt Đức Giêhôva với các tà thần. Họ là gỗ, đá và kim loại chết; Đức Giêhôva là Đấng tự hữu đời đời!
B. Chúa Jêsus đã làm một việc mà chẳng có ai khác làm được: Ngài đã bước vào sự chết theo thời khắc của chính Ngài, theo phương thức của chính Ngài, sau khi đã hoàn tất từng việc Ngài đã đến với trần gian nầy để làm và rồi Ngài bước ra khỏi sự chết khi Ngài đã sẵn sàng, Giăng 10:17-18.
Ngài đã chịu chết trên thập tự giá và rồi Ngài đã sống lại từ kẻ chết, Mathiơ 28:1-6. Cảm tạ Đức Chúa Trời: “Ngài sống! Ngài sống! Chúa Jêsus sống hiện rày! Đi chung trò chuyện suốt lối hẹp hòi. Tâm tôi vui mừng thơ thái. Ngài sống! Ngài sống!Để ban ơn cứu ta đấy. Nếu hỏi chứng cớ Chúa sống đâu nào? Rằng Chúa sống trong lòng nầy!”
C. Bạn có muốn biết phép lạ lớn lao nhất trong câu chuyện cứu chuộc là phép lạ nào không? Phép lạ lớn lao nhất không phải là Chúa Jêsus đã sống lại từ kẻ chết đâu. Rốt lại, “Đấng Sống” khó mà bị giữ trong một ngôi mộ lắm. Phép lạ lớn lao nhứt, ấy là Đức Chúa Trời đã bước vào nhân thế; sống giữa vòng loài người; chịu thương khó của thập tự giá và “đã vì mọi người nếm sự chết”, Hêbơrơ 2:9. Phép lạ lớn lao nhứt trong câu chuyện cứu chuộc là Đức Chúa Trời ở trong loài xác thịt “làm cho thế gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người”, II Côrinhtô 5:19. Phép lạ lớn lao nhứt, ấy là Đức Chúa Trời “đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự”, Philíp 2:8.
D. Dân sự của Chúa không cần phải sợ sự chết, vì Chúa Jêsus đã chinh phục sự chết cho họ.
IV. NGÀI LÀ ĐẤNG KHÔNG HỀ THAY ĐỔI
A. Kìa, nay ta sống đời đời – Chúa Jêsus công bố chính mình Ngài là Đấng sẽ không bao giờ nếm sự chết nữa! Ngài sống và Ngài sẽ sống cho đến đời đời!
(Minh họa: Các thành ẩn náu – Người nào trốn đến thành ẩn náu để được bảo hộ, người ấy được phép ở lại trong thành ấy cho tới khi Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm qua đời, Dân số ký 35:25. Người tuyệt đối được an toàn và được bảo hộ; sự sống của người được kể với sự sống của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. Quí bạn ơi, người nào đã trốn đến với Chúa Jêsus để ẩn náu hưởng lấy sự an ninh và bảo hộ bao lâu Chúa Jêsus, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta còn sống, Hêbơrơ 7:25. Một khi Ngài không bao giờ chết nữa, chúng ta được tuyệt đối an ninh cho đến đời đời, Giăng 10:28-29; 6:37-40!)
B. Khi từng bậc chủ quyền và từng kẻ bị trị nhạt nhòa dần đi qua cái khung thời đại; khi từng người giàu có và mỗi người nghèo khó bị xóa đi khỏi ký ức của thời gian; khi từng đế quốc và từng việc làm phai dần đi bởi dòng lịch sử; Đức Chúa Jêsus Christ vẫn sẽ là Chúa Tể và Ngài vẫn sẽ là Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng y như nguyên cũ! Đừng lo về việc gì sẽ xảy ra cho Ngài! Khi bụi thời gian bị quét vào cái thùng rác của cõi đời đời, Chúa Jêsus vẫn sẽ là Vua các vua và Chúa các chúa! Điều đó đã đem lại sự yên ủi cho từng con cái của Đức Chúa Trời và giáng sự kinh khiếp vào lòng của từng ma quỉ và tội nhân.
C. Dân sự của Đức Chúa Trời không cần phải sợ hãi cuộc sống, vì Chúa Jêsus đang sống; Ngài ở với họ và Ngài sẽ chăm sóc họ.
V. NGÀI LÀ ĐẤNG PHÓNG THÍCH
A. Ta cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ – Chìa khóa nói tới lối vào và quyền hành. Tôi có nhiều chìa khóa ngay ở đây. Vì tôi có chúng, tôi có lối vào với những vật kia. Vì tôi có mấy chiếc chìa khóa, tôi có thể vào những nơi mà người khác không được phép vào. Cũng thực sự một thể ấy với Chúa Jêsus!
B. Đức Chúa Jêsus Christ quyết định mọi vấn đề của sự sống và sự chết. Ngài quyết định ai sống và ai chết. Vì Chúa Jêsus đã bước vào sự chết và đã thắng hơn nó, Ngài có những chìa khóa của sự chết. Vì Ngài đã bước vào chỗ mà người chết đang ở và đã bước ra khỏi đó, Ngài đang cầm lấy chìa khóa của địa ngục. Chúa Jêsus là nhân vật chính! Ngài là một người nhơn đức để người ta phải nhìn biết! Chữ “âm phủ” trong câu nầy là từ Hylạp “hades”. Từ ấy không đề cập đến chỗ của hình phạt, mà đề cập đến miền của sự chết. Bạn thấy đấy, chết là tình trạng và âm phủ là nơi chốn và Chúa Jêsus nắm lấy chìa khóa của cả hai nơi!
Đức Chúa Jêsus Christ đang sở hữu những chiếc chìa khóa cho từng mồ mả, mộ địa và nơi chôn cất trong thế gian. Ngài biết rõ từng thi thể, từng khúc xương, từng tro bụi đang nằm ở đâu trên đất nầy.
Một ngày kia, Chúa Jêsus sẽ mở toang mọi mồ mả ra. Dân sự của Ngài sẽ sống lại và hiệp với Ngài trong sự vinh hiển Ngài, Giăng 5:28-29; I Têsalônica 4:13-18. Hãy ngợi khen Chúa, chúng ta không phải lo lắng về những người thân của chúng ta, họ đã chết ở trong Ngài!
Tuy nhiên, người nào đã qua đời trong tội lỗi của họ cũng sẽ bước ra khỏi mồ mả của họ một ngày kia; nhưng họ sẽ đối diện với Chúa Jêsus trong sự phán xét, Khải huyền 20:11-15; Giăng 5:29b.
Quí bạn ơi, phải trả giá để nhìn biết Đức Chúa Jêsus Christ! Ngài là Nhân Vật Chính! Vì tôi nhìn biết Ngài, tôi không thể đi địa ngục, Ngài đã khóa cánh cửa ấy rồi! Vì tôi nhìn biết Ngài, tôi sẽ vào thiên đàng; Ngài đã mở toang hai cánh cổng của thành ấy cho con cái của Ngài.
C. Có phải bạn biết rõ Ngài đang cầm lấy những chiếc chìa khóa và từng mồ mả trong thế gian không? Ngài có quyền làm cho những người thân của bạn sống lại từ kẻ chết, I Têsalônica 4:13-18. Có phải bạn nhìn biết rằng Ngài đã mở cánh cửa giữa sự sống và sự chết cho hết thảy dân sự Ngài không? Khi tôi đi đến mức cuối của sự sống, tôi sẽ có quyền bước ra khỏi sự sống đời nầy mà bước vào trong sự sống thiên thượng đó vì Ngài đã mở cánh cửa ra rồi, II Côrinhtô 5:1-8.
D. Dân sự của Chúa không cần phải sợ hãi cõi đời đời, vì Chúa Jêsus nắm giữ chìa khóa của sự chết và âm phủ. Ngài đang nắm quyền tể trị mọi vụ việc của sự sống và sự chết.
Phần kết luận: Khi Chúa Jêsus hiện ra với Giăng trên đảo Bátmô, Giăng bị phủ lút bởi sự hiện diện và dáng dấp của Chúa và ông ngã ra như chết. Trong ân điển và sự thương xót của Ngài, Chúa đã đặt tay trên Giăng mà phán “Đừng sợ”. Cụm từ nầy nằm trong một thì có nghĩa là: “Thôi, đừng sợ hãi và đừng bao giờ sợ hãi nữa!”
Nếu bạn nhìn biết Chúa Jêsus, bạn không phải e sợ sự sống, sự chết, tội lỗi, Satan, hay cõi đời đời. Nếu bạn nhìn biết Chúa Jêsus, bạn đang nhìn biết “Chúa Bình An”. Và Chúa Bình An có quyền đùa đi hết mọi lo sợ.
Có thể bạn đang có một số lo sợ mà bạn muốn Ngài ban cho sự yên nghỉ hôm nay. Bạn có thể đem chúng đến với Ngài và bạn có thể tìm được sự cứu giúp mà bạn đang có cần, Mathiơ 11:28; I Phierơ 5:7. Có thể bạn đang xử lý với nỗi lo sợ lớn lao nhứt trong mọi lo sợ. Có thể bạn lấy làm lạ không biết có điều gì xảy ra cho bạn khi bạn qua đời. Chúa Jêsus có thể ban cho bạn sự bình an trong lãnh vực ấy hôm nay. Có thể đời sống của bạn đầy dẫy với nhiều thắc mắc hơn những câu trả lời. Nếu có một nhu cần về sự bình an dù là ở cấp độ nào, Chúa Jêsus có thể ban sự bình an ấy cho bạn ngay hôm nay. Ngài có thể bắt lấy những sợ hãi của bạn rồi biến đổi chúng thành không sợ hãi nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét