Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Mathiơ 1:18-25; Luca 1:26-38: "Bài Tín Điều Các Sứ Đồ:



Bài Tín Điều Các Sứ Đồ
Tại sao Sanh Bởi Nữ Đồng Trinh lại là vấn đề: “Được thai dựng bởi Thánh Linh, sanh bởi nữ đồng trinh Mary”
Mathiơ 1:18-25; Luca 1:26-38
Chúng ta hãy bắt đầu phần nghiên cứu với hai câu Kinh Thánh quen thuộc:
“Song đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao, mà phán rằng: Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh” (Mathiơ 1:20).
“Thiên sứ truyền rằng: Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời” (Luca 1:35).
Câu đầu tiên cho chúng ta biết những gì thiên sứ đã phán với Giôsép để tái khẳng định với ông về tình trạng mang thai của Mary. Câu thứ hai là một phần những gì thiên sứ Gáp-ri-ên đã phán với Mary khi Ngài loan báo nàng sẽ cho ra đời Chúa Jêsus. Hiệp lại với nhau, hai câu nầy hình thành một phần trình bày thích ứng cho tiểu đoạn kế tiếp trong Bài Tín Điều Các Sứ Đồ: “Tôi tin Jêsus Christ … được thai dựng bởi Đức Thánh Linh, sanh bởi nữ đồng trinh Mary”. Ở đây, chúng ta đến mặt đối mặt với sự ra đời bởi nữ đồng trinh của Đấng Christ — một lẽ đạo mà chúng ta có khuynh hướng không suy nghĩ đến trừ ra suốt tháng Chạp. Nhưng chúng ta đang xem xét vấn đề ấy hôm nay vì những Cơ đốc nhân đầu tiên đã đánh giá lẽ thật nầy cao đến nỗi họ đã gồm nó vào trong bài tín điều Cơ đốc đầu tiên. Vì lẽ đó, nó có tầm quan trọng tột bực như một lẽ đạo nền tảng của đức tin chúng ta. Đây là ba câu nói đơn sơ về sự ra đời bởi nữ đồng trinh của Đấng Christ:
1) Điều nầy đã được dạy rõ ràng trong Kinh Thánh. Êsai đã nói tiên tri về sự nầy 700 năm trước khi Đấng Christ ra đời. Mathiơ và Luca đã cụ thể kể đến điều nầy trong các sách Tin Lành của họ.
2) Nói chung điều nầy đã được tin theo. Lẽ đạo nầy được các hệ phái tin theo, tỉ như Chính Thống Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành.
3) Điều nầy cũng được tranh cãi rất nóng bỏng. Cho tới 150 năm trở lại đây, một ít người đã thách thức sự dạy nầy. Với sự dấy lên của Cơ đốc giáo tự do, một số nhà thần học đã tấn công lẽ đạo nầy như một sự mê tín tưởng tượng, hoặc họ cho đây là một truyền thuyết được dựng lên để làm cho Chúa Jêsus dường thiêng liêng hơn, hay họ nói Hội Thánh đã mượn một huyền thoại của tà giáo hoặc một truyền khẩu của người Do thái, hay họ công bố rằng sự im lặng của Tân Ước ngoài Mathiơ và Luca về sự ra đời bởi nữ đồng trinh có ý nói rằng một là câu chuyện chẳng có ý nghĩa gì cả hoặc điều đó không xảy ra. Nếu bạn đi ngược về với những câu chuyện Tin Lành, bạn có thể thấy những gợi ý đó đây thậm chí trong đời sống của Chúa Jêsus, có những tiếng đồn về tư cách cha mẹ bất thường của Ngài. Có người nghĩ Ngài là con hoang. Nhiều người khác cho đây là một hành động phi luân. Một đối thủ tà giáo trong Hội Thánh đầu tiên nói rằng Chúa Jêsus là kết quả của cuộc gặp gỡ về tình dục giữa Mary và một tên lính Lamã. Lời vu cáo đó đã được lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ tải xuống cho đến thời hiện tại đây.
Sự ra đời bởi nữ đồng trinh rơi vào một trong những dòng sai lầm quan trọng của đức tin Cơ đốc. Nó yên nghỉ trên “lằn ranh quan trọng” phân chia những ai tin theo Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, và người nào không tin như thế. Nó phân chia người nào tin vào một Đấng Christ siêu nhiên ra khỏi những ai tin Ngài chỉ là một người nhơn đức, một giáo sư đạo đức, một nhà cách mạng, có lẽ là một vị tiên tri, nhưng không phải là Con của Đức Chúa Trời đến từ trời.
Vì cớ tầm quan trọng của lẽ đạo nầy, chủ yếu là chúng ta nói ra những gì chúng ta tin về sự ra đời của Đấng Christ. Cơ đốc nhân đưa ra lời tuyên xưng về Chúa Jêsus không thể được xưng về bất cứ ai khác: Đời sống của Ngài không bắt đầu với sự ra đời của Ngài hay với sự thai dựng của Ngài. Không giống với từng người khác, sự khởi đầu của họ có thể được lần theo từng giây phút đặc biệt trong thời gian, chúng ta tuyên bố rằng sự sống thật của Đức Chúa Jêsus Christ không có phần khởi đầu. Vì Ngài là đời đời, Ngài tồn tại đời đời với Đức Chúa Cha và Đức Thánh Linh. Đây là một lời xưng nhận hoàn toàn siêu nhiên không thể được lập cho bất cứ ai khác. Để giúp chúng ta suy nghĩ qua những hàm ý của lẽ đạo nầy, đây là ba thắc mắc về sự ra đời bởi nữ đồng trinh của Đức Chúa Jêsus Christ.
I. Điều nầy có ý nói gì?
Chính xác thì chúng ta có ý nói gì khi chúng ta cho rằng Chúa Jêsus được “thai dựng bởi Đức Thánh Linh” và “sanh ra bởi nữ đồng trinh Mary”? Chúng ta muốn nói ít nhất 5 việc: Thứ nhứt, Chúa Jêsus ra đời bởi hành động trực tiếp của Đức Chúa Trời. Rõ ràng là không có ai trông mong một việc như thế nầy cả. Giôsép sắp sửa rơi vào chỗ tệ hại nhất cho tới khi thiên sứ can thiệp. Và Mary bị sốc và bối rối lắm bởi lời lẽ của thiên sứ Gáp-ri-ên. Người Do thái nói chung chẳng có ý niệm gì về một con trẻ thai dựng trong một nữ đồng trinh, là Đấng sẽ đến giải phóng họ. Điều nầy đã xảy ra vì Đức Chúa Trời muốn sự ấy xảy ra — và chẳng vì một lý do nào khác. Đức Chúa Trời đã làm theo cách nầy vì Ngài chọn làm theo cách nầy. Một nữ đồng trinh sanh hạ bởi sự chọn lựa tối cao của Đức Chúa Trời Toàn Năng. Chẳng có một lời giải thích nào khác nữa. Thứ hai, không một người đàn ông nào liên quan đến tiến trình nầy. Giôsép cũng không. Không một tên lính Lamã nào hết. Không có bất kỳ một người đàn ông nào khác nữa. Thứ ba, Chúa Jêsus đã có một người mẹ con người và không có một người cha con người nào hết. Thứ tư, Chúa Jêsus nhơn đó là con người rất trọn vẹn và thiêng liêng một cách trọn vẹn. Ngài là con người rất trọn vẹn vì Ngài ra từ tử cung của Mary. Ngài thiêng liêng một cách trọn vẹn vì Ngài được thai dựng bởi Đức Thánh Linh. Ngài không phải nửa người nửa trời đâu. Ngài là Người-Trời — một người có hai bổn tánh, Đức Chúa Trời hóa thân thành nhục thể trong xác thịt con người. Thứ năm, vì lẽ đó Ngài không có tội lỗi. Luca 1:35 gọi Ngài là “con thánh” ý nói rằng Ngài sẽ chào đời không có một tì vít nào của tội lỗi cả. Ngài chẳng thừa tự tội lỗi từ Ađam, không có bản chất tội lỗi, chẳng có một điều gì trong Ngài khiến Ngài phải phạm tội. Ngài là thánh theo ý nghĩa chơn thật và sâu sắc nhất trong giới hạn ấy. Chẳng có một tội lỗi nào trong Ngài hay về Ngài.
Đây là phương thức khác khi nói ra cùng một lẽ thật đó. Để cho Đấng Christ là Cứu Chúa của chúng ta, ba điều kiện phải được thỏa:
1) Ngài phải là một con người. Một thiên sứ không thể chết vì tội lỗi của chúng ta. Ngài phải thực sự dự phần vào nhân loại chúng ta.
2) Ngài phải là một con người vô hạn. Một người hay chết không thể mang lấy cái giá vô hạn cần phải trả vì tội lỗi của chúng ta.
3) Ngài phải là một người vô tội. Một tội nhân không thể chết vì tội lỗi của nhiều người khác được.
Sự ra đời bởi nữ đồng trinh bảo đảm rằng Chúa chúng ta phu phỉ tất cả ba điều kiện trên. Vì Ngài ra đời bởi Mary, Ngài là một con người trọn vẹn. Vì Ngài được thai dựng bởi Đức Thánh Linh, Ngài là Đức Chúa Trời trọn vẹn. Vì Ngài sanh ra là thánh, Ngài vô tội trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Vì thế Ngài đầy đủ tư cách để làm Cứu Chúa của chúng ta.
II. Làm sao điều nầy xảy ra được?
Thắc mắc thứ hai xoay quanh quá trình đó. Điều chi chính xác diễn ra khi Đức Thánh Linh thai dựng sự sống con người của Đức Chúa Jêsus Christ trong lòng của Mary? Làm thế nào Đức Chúa Trời là Đấng không có giới hạn lại “co mình lại” để trở thành một phần tử cực nhỏ ở trong tử cung của Mary? Câu trả lời chơn thành nhứt là đây: Chúng ta không biết vì những gì đã xảy ra là một phép lạ hoàn toàn. Bởi “phép lạ hoàn toàn”, tôi muốn nói đây là một phép lạ của trình tự cao hơn, có thể được sánh với Đức Chúa Trời phán: “phải có sự sáng”, thì sự sáng bèn hiện ra từ chỗ tối tăm. Sự thai dựng qua nữ đồng trinh của Chúa Jêsus là một phép lạ mang tính sáng tạo trực tiếp của Đức Chúa Trời. Sự ấy cũng có ý nói đây là một sự kín nhiệm mà chúng ta sẽ không bao giờ hiểu trọn được. Vào thời buổi nầy, với sự tiến bộ kỷ thuật đáng kinh ngạc, chúng ta thỉnh thoảng nghe nói về khoa học đang tái hiện lại một “sự ra đời bởi nữ đồng trinh” hôm nay. Nhưng bất luận những gì các khoa học gia có thể làm trong lãnh vực vận dụng di truyền học, dòng vô tính, sự sinh sản đơn tính, hoặc bất cứ một nghiên cứu tiến bộ nào khác nữa, bạn có thể nắm lấy tất cả các khoa học gia từ những phòng thí nghiệm tân tiến nhất, rồi trao cho họ những tài nguyên không giới hạn và một ngàn năm, họ sẽ vẫn không thể sao lại sự thai dựng bởi nữ đồng trinh của Đấng Christ được. Chỉ có chính Đức Chúa Trời mới có thể dựng nên một sự sống con người đúng là con người trọn vẹn, tuy nhiên cũng thiêng liêng trọn vẹn nữa. Đức Chúa Jêsus Christ quả thật là Con “có một và duy nhứt” của Đức Chúa Trời. Đây là một phép lạ và một sự kín nhiệm nằm bên kia sự với tới của khoa học.
Luca 1:35 đưa ra một gợi ý về những gì đã xảy ra khi thiên sứ nói rằng quyền phép của Đấng Rất Cao sẽ “che phủ” Mary. Chính động từ ấy đã được sử dụng trong bản dịch Hylạp ở Xuất Êdíptô ký 40:35: “cho đến nỗi Môi-se vào chẳng đặng, vì áng mây bao phủ ở trên và sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va đầy dẫy đền tạm”. Thi thiên 91:4 sử dụng cũng chính từ ngữ ấy trong một hình ảnh mô tả Đức Chúa Trời “đang che phủ” dân sự Ngài: “Ngài sẽ lấy lông Ngài mà che chở ngươi, Và dưới cánh Ngài, ngươi sẽ được nương náu mình; Sự chân thật Ngài là cái khiên và cái can của ngươi”. Những hình ảnh nầy cung ứng cho chúng ta một ý niệm về những gì đã xảy ra. Đức Chúa Trời đã “che phủ” Mary với sự hiện diện riêng tư, mật thiết hoàn toàn vây phủ nàng giống như đám mây bao phủ, che đậy và đầy dẫy đền tạm vậy. Và sự “che phủ” nầy đã bảo hộ cho nàng tránh được mọi sự tổn hại. Nàng là một nữ đồng trinh trước khi mang thai và sau khi mang thai. Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể làm được điều nầy.
Qua sự ra đời bởi nữ đồng trinh, Đức Chúa Trời đã trở thành người mà không thôi là Đức Chúa Trời. Khi tôi giảng điều nầy vào sáng Chúa nhựt, tôi cởi chiếc áo vét ra rồi đặt nó trên chấn song chỗ ca đoàn. Tôi nói với dân sự rằng cái áo sơmi trắng của tôi tiêu biểu cho thần tính của Đức Chúa Jêsus Christ. Thế rồi tôi hỏi hội chúng: Tôi có phải mặc áo vét để mặc áo sơmi không? Câu trả lời là “không”. Áo sơmi của tôi mặc ở trong áo vét, nhưng tôi có thể mặc nó với hay không có cái áo vét ngoài. Cũng một thể ấy, Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời từ quá khứ đời đời đến tương lai đời đời. Ngài luôn luôn là Con của Đức Chúa Trời. Khi Ngài còn nằm trong máng cỏ, Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Khi Ngài đi bộ trên biển Galilê, Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Khi Ngài chịu chết trên thập tự giá, Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Khi Ngài sống lại từ kẻ chết, Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Khi Ngài trở về trời, Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Khi Ngài tái lâm, Ngài sẽ là Con của Đức Chúa Trời. Không một điều gì có thể thay đổi bản chất cốt yếu của Ngài được. Ngài đã và đang và luôn luôn là Con của Đức Chúa Trời. Sau khi nói như thế, tôi mặc lại cái áo vét rồi nói cho dân sự biết rằng nó tiêu biểu cho bản chất con người mà Đấng Christ đã mang lấy khi Ngài đến với đất. Khi ấy tôi hỏi: “Có phải tôi vẫn còn mặc cái áo sơmi trắng không?” Trả lời: Có. Đây chẳng phải là mưu mẹo ma thuật gì hết và tôi chẳng phải là David Copperfield. Nhưng (và đây là điểm cốt yếu) bạn không thể nhìn thấy áo sơmi trắng theo cách dễ dàng vì nó gần như bị bao phủ bởi cái áo vét của tôi. Nó vẫn có ở đó — tôi đâu có cởi nó ra — nhưng khi tôi mặc cái áo vét, không dễ dàng nhìn thấy cái áo sơmi nữa. Điều đó giải thích lý do tại sao nhiều người không biết Chúa Jêsus là ai. Nhân tính của Ngài đã “làm mờ đi” thần tính của Ngài. Họ đã nhìn thấy Ngài mặc cái “áo vét” nhân tính của Ngài rồi cho rằng chỉ có thế. Nhưng như Giăng 1:14 chép: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta”. Đấng Christ, Lời hằng sống, “mặc lấy” nhân tính theo cùng một cách tôi mặc lấy cái áo vét trước khi tôi đến nhà thờ vào sáng Chúa nhựt. Ngài luôn luôn là Đức Chúa Trời nhưng Ngài đã “thêm” nhân tính qua sự ra đời bởi nữ đồng trinh.
III. Điều nầy tạo ra sự khác biệt gì?
Vấn đề chính với một bài giảng giống như bài nầy có thể là vấn đề mà hầu hết chúng ta đều tin rồi trong sự ra đời bởi nữ đồng trinh. Ngay cả khi chúng ta không hề nghĩ đến vấn đề nầy nhiều, chúng ta biết chúng ta tin điều ấy vì chúng ta nghe nói về điều ấy mỗi tháng Chạp kìa. Vì vậy, thật là dễ đặt một bài giảng như bài nầy vào phạm trù “hay nhưng không thành vấn đề”. Nói như thế sẽ là một lầm lỗi lớn lắm đó. Chúng ta có thể dám chắc rằng những Cơ đốc nhân đầu tiên không cảm thấy theo cách ấy hoặc họ sẽ không kể những câu nầy vào trong bài tín điều. Chúa Jêsus đã được “thai dựng bởi Đức Thánh Linh”, và “sanh ra bởi nữ đồng trinh Mary” đã tạo ra sự khác biệt gì? Đây là ba hàm ý cho chúng ta xem xét.
A. Uy quyền của Kinh Thánh
Kể từ khi cả hai Mathiơ và Luca dạy cụ thể về sự ra đời bởi nữ đồng trinh, ngay lập tức chúng ta phải đối mặt với một thắc mắc chủ yếu như sau: Liệu chúng ta có tin những gì Kinh Thánh dạy cách đơn giản không? Trong nhiều thế kỷ, có ít người đã đưa ra câu hỏi ấy, song cách đây 150 năm, nó đã trở thành một vấn đề chủ lực. Vấn đề cho chúng ta có thể được trình bày theo cách nầy: Mathiơ và Luca cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus đã bước vào thế gian qua một ngả rất siêu nhiên — qua một phép lạ toàn năng của Đức Chúa Trời. Chính các trước giả nầy cho chúng ta biết sự sống trên đất của Chúa Jêsus đã lên tới cao điểm với một phép lạ toàn năng khác — sự sống lại từ kẻ chết theo phần xác của Ngài. Về phép lạ sau ấy, hết thảy chúng ta đều hiểu rõ tầm quan trọng của sự sống lại. Vì Ngài sống, chúng ta cũng sẽ sống. Sự sống lại của Ngài bảo đảm sự sống lại của chúng ta. Nhưng điều đó không cùng một thứ với sự ra đời bởi nữ đồng trinh. Sự ra đời siêu nhiên của Ngài không cho chúng ta biết điều gì về sự ra đời theo phần xác của chúng ta. Và khi chúng ta đã chào đời rồi, thật là dễ xem thường sự ra đời bởi nữ đồng trinh khi chúng ta sánh nó với sự sống lại. Nhưng đấy là một lầm lỗi chủ yếu. Nếu bạn không thể tin vào phép lạ thứ nhứt, làm sao bạn dám tin vào phép lạ sau kia? Nếu bạn hồ nghi sự ra đời bởi nữ đồng trinh, làm sao bạn dám chắc về sự sống lại? Kinh Thánh không trình bày sự sống của Đấng Christ như một loại “phép lạ” tự chọn ở chỗ bạn có thể chọn phép lạ nầy rồi chối bỏ phép lạ kia. Câu chuyện nói tới sự sống trên đất của Chúa chúng ta đến với chúng ta như một tổng thể không có dấu nối. Một là chúng ta chọn hết hoặc là chúng ta chối hết. Chẳng có một mảnh đất trung gian nào ở giữa hết. Vì vậy câu hỏi trở thành — có phải chúng ta tin theo Kinh Thánh hay chúng ta không tin theo? Ở điểm nầy, tôi rất sung sướng dâng lời cảm tạ cho “nhà thần học” nổi tiếng, Mel Gibson. Tối thứ Hai vừa qua, trong cuộc phỏng vấn của ông với Diane Sawyer, ông được phỏng vấn là không biết ông có tin từng lời trong Kinh Thánh là thật hay không!?! Ông đã trả lời với một chữ “yes” liền tức khắc và rõ ràng. Ông nói ông tin từng lời trong Kinh Thánh. Rồi ông nói thêm: “Bạn phải tin mọi điều trong đó. Một là bạn tin mọi điều trong đó hoặc chẳng tin chi hết”. Nguyện Đức Chúa Trời chúc phước cho Mel Gibson. Đấy là một lý do mà sự ra đời bởi nữ đồng trinh là vấn đề. Đó là một thắc mắc về uy quyền của Kinh Thánh.
B. Đức Chúa Jêsus Christ
Sự ra đời bởi nữ đồng trinh buộc chúng ta phải đối mặt với những gì chúng ta tin về Đức Chúa Jêsus Christ. Ngài là ai? Ngài đến từ đâu? Vấn đề là bổn tánh siêu nhiên của Chúa chúng ta. Có phải Ngài thật là Đức Chúa Trời đến từ trời không? Nếu bạn trả lời phải, bạn sẽ chẳng thấy có vấn đề gì với sự ra đời bởi nữ đồng trinh. Nếu bạn trả lời “không”, bạn sẽ chẳng có lý do gì để tin theo sự ấy. Có phải Ngài đúng là một vị tiên tri, hay có phải Ngài “còn hơn là vị tiên tri” nữa? Có phải Ngài là vị giáo sư lỗi lạc và chẳng có gì hơn thế? Có phải Ngài là một người tuận đạo, là kẻ chịu chết vì lý tưởng của mình? Có phải Ngài là một nhà cách mạng, là kẻ không hề dự trù khởi sự một tôn giáo? Có phải Ngài là lãnh tụ thiêng liêng, là kẻ đã đến để dạy cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời? Hay có phải Ngài là Đức Chúa Trời hóa thân thành nhục thể, là Chúa vinh hiển, là Con của Đức Chúa Trời, là Chúa và Cứu Chúa của chúng ta? Sự ra đời bởi nữ đồng trinh buộc chúng ta thôi không lãng tránh về Chúa Jêsus. Nó cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể trung lập và chúng ta không thể nói rằng những truyện tích về sự ra đời của Ngài không nhằm nhò chi hết. Kỳ thực, đây là một phép lạ và một sự mầu nhiệm không để cho chúng ta gặp trở ngại. Người nào với xu hướng chống cự lại sự siêu nhiên sẽ chẳng có ích lợi gì về sự ra đời bởi nữ đồng trinh, và họ sẽ không lý giải nó. Nhưng người nào tin nơi một Đấng Christ siêu nhiên sẽ tìm thấy sự ra đời bởi nữ đồng trinh là một phép lạ mầu nhiệm mà, thay vì hủy diệt đức tin của họ, chắc chắn còn làm cho nó được mạnh mẽ thêm.
Cho phép tôi nhắc lại những gì tôi đã nói ở trên. Ba điều kiện phải được thỏa để Chúa Jêsus là Cứu Chúa của chúng ta. Ngài phải là con người, Ngài phải là Đức Chúa Trời, và Ngài phải là vô tội nữa. Sự ra đời bởi nữ đồng trinh bảo đảm rằng tất cả những điều kiện kia phải được thỏa. Vì thế, có một nối kết trực tiếp giữa chiếc máng cỏ và thập tự giá. Trong mấy ngày tới đây, nhiều người — hàng triệu người — sẽ xem bộ phim mới của Mel Gibson, Sự thương khó của Đấng Christ. Nếu bạn xem phim ấy, bạn sẽ thấy những hình ảnh nói tới sự thương khó sinh động nhất mà bạn từng xem thấy. Nhưng khi bạn xem phim ấy, hãy nhớ rằng không có sự ra đời bởi nữ đồng trinh của Ngài, những sự thương khó của Ngài chẳng có ý nghĩa chi hết. Chính sự ra đời của Ngài làm cho sự chết của Ngài có ý nghĩa. Nếu Ngài không phải là Đấng mà Ngài nói Ngài là Đấng ấy, thế thì sự chết của Ngài là một sai phạm ghê gớm nhất trong lịch sử. Sự ra đời của Ngài thiết lập lai lịch thật của Ngài là Con của Đức Chúa Trời, Đấng Mêsi được hứa cho, và là Cứu Chúa của chúng ta. Hãy chú ý, khi thiên sứ nói cho Giôsép biết rằng con trẻ Mary đang cưu mang đã được thai dựng bởi Đức Thánh Linh, Ngài còn dặn Giôsép phải đặt tên cho Ngài là Jêsus “vì Ngài sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Mathiơ 1:22). Thiên sứ gắn sự ra đời của Ngài với công tác cứu chuộc trên thập tự giá. Vì thế sự ra đời bởi nữ đồng trinh mới là vấn đề quan trọng vì nó cho chúng ta biết Chúa Jêsus là ai và đặt nền tảng cho công tác lớn lao mà Ngài sẽ hoàn thành trên thập tự giá.
C. Sự cứu rỗi
Peter Lewis (The Glory of Christ, pp. 155-157) chỉ ra rằng qua sự ra đời bởi nữ đồng trinh, Đấng Christ bước vào trần gian không có vết tích tội lỗi của Ađam. Ngài trở thành khởi đầu cho nhân loại mới — sự phục hồi dòng giống con người. Vì Ngài được sanh hạ bởi Mary, Ngài thật là con người; vì Ngài được thai dựng bởi Đức Thánh Linh, Ngài được buông tha đối với tội lỗi thừa tự được chuyền xuống từ Ađam. Vì thế Ngài có quyền đứng trong chỗ của chúng ta thật trọn vẹn, gánh lấy tội lỗi, nổi xấu hổ, án phạt của chúng ta. Ngài có thể trả giá cho tội lỗi của chúng ta vì Ngài không có tội lỗi và chẳng có nguyên tội. Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời (II Côrinhtô 5:21). Điều nầy dẫn tới lời lẽ của Phaolô ở Rôma 5:6: “Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội”. Ở điểm yếu đuối của chúng ta, Đấng Christ là mạnh mẽ. Ngài đã thành công ở chỗ Ađam (cùng mọi dòng dõi của Ađam) đã thất bại. Chúng ta sống vô dụng đến nỗi chúng ta không thể làm gì để tự cứu lấy mình. Sự ra đời bởi nữ đồng trinh dạy chúng ta rằng ơn cứu của chúng ta là một ơn hoàn toàn siêu nhiên. Khi Đức Chúa Trời muốn cứu thế gian, Ngài phải nắm lấy thế chủ động sai phái Con của Ngài. Chúng ta rất vô dụng thậm chí không nắm được bước đầu tiên trong tiến trình đem Đấng Christ vào thế gian. Sự ra đời bởi nữ đồng trinh dạy chúng ta rằng ơn cứu rỗi hoàn toàn là bởi ân điển. Đức Chúa Trời làm hết ơn ấy vì chúng ta chẳng thể làm chi được hết.
Leif Jonasen
Và sự ra đời bởi nữ đồng trinh nhắc cho chúng ta nhớ rằng hết thảy chúng ta đều cần tới một Cứu Chúa. Ngày nay, chúng ta muốn một vị giáo sư hay một lãnh tụ hoặc chúng ta có thể nhìn vào một vị Mục sư dẫn dắt chúng ta. Nhưng một ngày hầu đến khi chỉ có Đấng Cứu Thế mới làm được công việc ấy. Khi chúng ta đối mặt với giờ chết, một vị tiên tri sẽ không giúp gì được cho chúng ta. Khi chúng ta đứng nơi cửa sự chết, chúng ta cần một Cứu Chúa dẫn chúng ta an ninh qua bờ bên kia. Cách đây mấy năm, Leif và Nancy Jonasen đã khởi sự nhóm lại ở đây. Họ hầu việc Chúa trong AWANA và Lớp trường Chúa nhựt, và Leif còn hát trong ca đoàn nữa. Chưa đầy hai năm, Leif bị chẫn đoán với chứng bạch cầu. Các bác sĩ nói cho anh biết trước rằng chứng bịnh sẽ lấy đi sinh mạng của anh. Lần đầu tiên tôi đến thăm anh ở bịnh viện Elmhurst, chúng tôi trao đổi công khai về tình trạng nghiêm trọng hoàn cảnh của anh. Anh biết rõ anh sẽ phải chiến đấu vì mạng sống của mình. Nhưng anh nói cho tôi biết với một nụ cười: “Đây là một tình trạng thắng luôn đối với tôi. Nếu tôi được lành, tôi thắng. Nếu tôi chết, tôi thắng vì tôi đi ở với Chúa Jêsus”.
Trải qua mấy tháng kế đó, anh ấy đã chịu lấy chế độ hóa trị liệu rất nghiệt ngã. Các bác sĩ về mặt cơ bản đã làm hết sức mình và đổ ra mọi sự họ có với nổ lực cứu lấy mạng sống của anh. Sau đó anh còn chịu đựng một sự cấy ghép tế bào rất khó khăn với những tế bào mà anh của anh hiến cho, người anh nầy đang sinh sống ở Nauy. Tóc anh rụng hết, giảm cân nhiều, và anh cảm thấy kinh hãi trong nhiều tuần lễ qua. Có những lúc khi sự nôn mữa và bịnh tật dường như phủ lút. Chúng tôi đã không gặp anh ở nhà thờ thường xuyên vì cớ những lần điều trị đó. Nhưng sau cuộc cấy ghép, chứng bạch cầu giảm đi, tóc anh bắt đầu mọc trở lại, và anh đến nhà thờ với Nancy những thường lệ. Bất cứ lúc nào tôi gặp anh, tôi sẽ nói: “Leif ơi, thật là tốt khi gặp anh”. Câu trả lời của anh luôn luôn là như thế. “Thật là phước hạnh khi gặp lại”. Và luôn luôn có một nụ cười ở đó.
Cách đây hai tuần, anh và Nancy đã có mặt ở nhà thờ và tôi thôi không nói hello với họ nữa. Dường như anh lành mạnh hẳn. Cách đây một tuần, vào ngày thứ Năm, bác sĩ gọi đến với một tin xấu. Một xét nghiệm máu cho thấy rằng chứng bạch cầu đã trở lại. Đây là một cú đấm thật nặng nề. Mặc dù họ luôn biết chứng bịnh ấy là như thế, họ hy vọng và cầu nguyện nó sẽ không xảy ra nữa. Chúa nhựt qua, Leif đã đau nặng lắm không thể đi nhà thờ được, vì vậy anh và Nancy đã xem buổi thờ phượng qua Internet. Họ đã ngồi bên máy tính ở nhà, cùng thờ phượng với chúng tôi, và lắng nghe khi tôi giảng về “Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa làm vinh hiển cho Đức Chúa Cha”. Tối hôm ấy Leif trở đau nặng rồi được đưa vào bịnh viện Elmhurst. Ở đỉnh cao của chứng bạch cầu, anh ấy còn phát triển thêm ca viêm phổi nữa. Tình trạng của anh trở xấu hơn trong 24 giờ kế đó, vì vậy các bác sĩ đặt anh bên cửa sổ thông gió rồi chuyển anh đến bịnh viện Đại học đường Tây Bắc ở Chicago. Đến thứ Năm, Nancy e-mail cho tôi biết tình trạng của anh đã xấu lắm rồi. Khi Marlene và tôi đến phòng bịnh của anh ở ICU, chúng ta thấy rằng anh đã dùng nhiều liều an thần để họ có thể điều trị cho anh dễ dàng hơn. Sau khi nói chuyện với Nancy trong vài phút, tôi lấy quyển Kinh Thánh ra rồi đứng kế Leif và bắt đầu nói với anh giống như thể anh còn thức vậy. Tôi đã làm như thế vì tôi không tin thứ thuốc nào hay chứng bịnh nào có thể ngăn trở được Lời của Chúa không thấu vào dân sự của Chúa. “Leif ơi, đây là Mục sư quản nhiệm đây. Tôi muốn đọc cho anh nghe một phân đoạn Kinh Thánh”. Vì vậy, tôi đọc Thi thiên 23: “Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì”. Và Giăng 14: “Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở” và II Côrinhtô 5: “Muốn lìa khỏi thân thể nầy, đặng đi ở với Chúa”. Rồi Philíp 1: “Đối với tôi sống là Đấng Christ, và chết là điều lợi”. Sau cùng, tôi đọc những câu nói kỳ diệu kia từ I Têsalônica 4: “Người chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước tiên”. Khi tôi đọc xong, tôi cầu thay cho Leif. Lời lẽ sau cùng của tôi với anh là: “Chúng tôi sẽ gặp lại anh”.
Đến tối thứ Sáu, Nancy đã gọi đến với những tin tức cho thấy anh đã ở vào những giây phút sau cùng. Đến sáng thứ Bảy, Marlene và tôi đến tại bịnh viên khoảng 10 giờ sáng. Cả gia đình đã nhóm lại quanh giường của Leif. Họ đã hát một trong những bài thánh ca mà anh ưa thích. Rõ ràng là anh chỉ còn một thời gian ngắn ngủi nữa thôi. Tôi đọc mấy câu sau cùng của I Côrinhtô 15 — "Hỡi sự chết, sự thắng của mày ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mày ở đâu?” Từng thành viên trong gia đình chuẩn bị nói lời vĩnh biệt. Cứ mỗi lần như thế, Nancy nghiêng mình xuống thì thầm điều chi đó với chồng yêu dấu mình. Một vài phút sau, họ bắt đầu hát: “Ân điển lạ lùng, thật kỳ diệu thay, ân ấy cứu lấy một kẻ khốn khổ giống như tôi. Tôi từng bị mất, giờ đây đã kiếm được, trước tôi mù, song giờ lại sáng”. Thế rồi câu cuối: “Khi chúng ta có mặt ở đó mười ngàn năm, sáng láng như mặt trời, chúng ta chẳng có mấy ngày để hát ngợi khen Ngài, khi chúng ta bắt đầu trước tiên”. Hết thảy chúng tôi đã nhìn thấy hơi thở của anh lịm dần đi. Vài phút sau anh thở hơi sau cùng. Một cô y tá đến nói: “Anh ấy qua đời rồi”. Tôi nhũ thầm: “Cô ấy đã nói nhiều hơn cô ấy biết”. Bạn tôi Leif Jonasen đã trải qua sự chết mà đến sự sống. Anh ấy đã trải qua từ nổi đau đớn đến với một cuộc sống vui vẻ đời đời. Anh ấy đã trải qua trũng bóng chết bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Jêsus Christ. Anh ấy đã trải qua từ thế giới tối tăm bước vào sự sáng của ban ngày đời đời. Đối với Leif, cái điều tệ hại nhất đã qua rồi. Từ đây, anh ấy chỉ nhận lãnh điều tốt đẹp hơn mà tôi.
Tôi đứng bên chân giường của anh rồi nói: “Thà rời khỏi thân thể nầy mà đi ở với Chúa”. Khi ấy, tôi trưng dẫn một lời hứa quí báu từ môi miệng của chính mình Chúa Jêsus: “Ta là sự sống lại và sự sống. Người nào tin ra sẽ sống, dầu chết rồi; và hễ ai sống và tin Ta sẽ không hề chết” (Giăng 11:25-26). Bạn tôi, Leif vẫn còn nằm ở trên giường, Nancy nhìn thẳng vào mắt tôi, và tôi nói với nàng rằng sau khi Chúa Jêsus thốt ra những lời lẽ kỳ diệu ấy, Ngài đã đưa ra một câu hỏi cực kỳ quan trọng: “Ngươi tin điều nầy chăng?” “Leif đã tin câu nói đó. Tôi tin câu nói đó. Nancy, cô tin câu nói ấy. Hết thảy chúng ta đều tin những gì Chúa Jêsus phán dạy. Vì lẽ đó, chúng ta sẽ không sợ hãi và chúng ta sẽ không nghi ngờ. Leif đang ở với Chúa trong giờ nầy. Và một ngày kia, chúng ta sẽ gặp lại anh ấy”.
Tôi thuật lại cho bạn nghe câu chuyện nầy vì nó khiến cho lẽ thật ra rất thực cho tấm lòng của tôi. Hết thảy chúng ta đều cần một Cứu Chúa chẳng chóng thì chày thôi. Khi bạn đối diện với sự chết, bạn không cần một vị giáo sư — bạn cần một Cứu Chúa. Khi bạn phải băng qua sông mà không trở lại, một huyền thoại không giúp chi cho bạn được — bạn cần một Cứu Chúa. Ngay cả một Mục sư không thể giúp chi cho bạn được trong ngày ấy. Bạn cần một Cứu Chúa. Cảm tạ Đức Chúa Trời, chúng ta có một Cứu Chúa. Danh Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ. Ngài có mặt ở đó khi Leif Jonasen cần đến Ngài. Ngài cũng sẽ ở đó khi bạn cần đến Ngài nữa. Bạn có một Cứu Chúa chưa? Nguyện Đức Chúa Trời giúp cho bạn tin cậy nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Ngài là Cứu Chúa mà chúng ta có cần. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét