Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Mác 6.45-54: "NHỮNG BỨC CHÂN DUNG TRONG GIÔNG BÃO"



Mác 6.45-54
NHỮNG BỨC CHÂN DUNG TRONG GIÔNG BÃO
Phần giới thiệu: Đúng là một ngày bận rộn cho Chúa Jêsus cùng các môn đồ. Họ đã phục vụ cho đoàn dân đông suốt cả ngày. Chúa Jêsus đã dạy dỗ họ Lời của Đức Chúa Trời, và rồi khi trời quá trưa rồi, Chúa Jêsus đã tỏ ra quyền phép và sự vinh hiển của Ngài bằng cách cho khoảng 15.000 đến 20.000 người ăn với 5 cái bánh quy và 2 con cá mòi. Giờ đây, buổi chiều tối đến thật nhanh, Chúa Jêsus sai các môn đồ dong buồm ra đi qua bên kia bờ hồ.
Có hai lý do mà Chúa Jêsus đã sai người của Ngài đi lúc bấy giờ. Lý do thứ nhứt phải lo liệu với đàm dân đông mà Chúa Jêsus mới vừa cho họ ăn. Giăng 6.15 cho chúng ta biết rằng dân chúng rất phấn khích bởi phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều đến nỗi họ đã tìm cách nắm lấy Chúa Jêsus rồi tôn Ngài làm vua của họ. Chúa Jêsus vốn biết rõ thời điểm chưa đến cho sự ấy, vì vậy Ngài sai người của Ngài ra đi để cất bỏ khỏi họ loại ý tưởng đó. Chúa Jêsus không muốn họ bị lôi kéo vào chỗ ngông cuồng qua những phép lạ. Đồng thời, người ta chỉ muốn tôn Ngài làm vua vì Ngài đã ban cho họ bánh ăn, Giăng 6.26. Ngày nay cũng thực y như thế! Người ta bước vào phòng đầu phiếu rồi chọn người nào hứa với họ hầu hết là về tiền bạc.
Lý do khác Chúa Jêsus sai các môn đồ ra đi là để Ngài dành thì giờ ở riêng với Cha Ngài. Chúa Jêsus đã nhận ra một sự đổi hướng trong chức vụ của Ngài. Ngài vốn biết rõ các phép lạ và sự được lòng dân của Ngài sẽ đưa Ngài trực chỉ đến chỗ xung đột với các cấp lãnh đạo tôn giáo. Ngài vốn biết rõ sự bắt bớ khắc nghiệt và hiển nhiên cái chết đã gần kề một bên rồi. Ngài cần phải tìm kiếm Cha Ngài trong sự cầu nguyện. Đúng là một bài học cho chúng ta! Chúng ta phải trở thành hạng người cầu nguyện, tìm kiếm sự trợ giúp của Chúa ở mỗi ngã rẽ trên con đường sự sống.
Một lý do thứ ba cho các môn đồ phải được sai đi đã tác động thẳng vào chính các môn đồ. Sau khi họ đã nhìn thấy Chúa Jêsus làm mọi sự đó rồi, họ vẫn còn cảm xúc với nhiều nghi ngờ và không tin. Chúa Jêsus đã sử dụng cơn bão nầy để tỏ ra thần tính và quyền phép của Ngài cho các môn đồ Ngài thêm một lần nữa.
Khi phép lạ được rao giảng, phần nhấn mạnh luôn luôn được đặt vào những giông bão trong cuộc sống. Chúng ta, những nhà truyền đạo thích nhấn mạnh lẽ thật Chúa Jêsus giúp đỡ cho kẻ bị tổn thương. Loại sứ điệp đó đã được tiếp nhận rất mau vì chúng ta đang sống trong một thế giới đầy hạng người bị tổn thương. Hơn hai trăm năm qua, một nhà truyền đạo có tên là Philip Brooks đã nói: “Nếu bạn giảng cho hạng người bị tổn thương, bạn sẽ không bao giờ thiếu một hội chúng”. Sự thực là thế đấy! Đang khi câu nói đó là một ứng dụng khả thi cho sứ điệp nầy, đấy không phải là câu nói duy nhứt đâu. Nó cũng chẳng phải là sự giải thích chính yếu nữa.
Tôi muốn tiếp cận phân đoạn Kinh Thánh nầy theo một cách mới hôm nay. Tôi muốn lấy mấy câu Kinh Thánh nầy rồi chỉ cho bạn thấy một vài ứng dụng khác biệt có thể được tìm thấy ở đây. Tôi muốn rao giảng về đề tài: Những chân dung trong giông bão. Có một lời ở đây dành cho những ai có tấm lòng tan vỡ. Có một lời ở đây dành cho Cô Dâu của Đấng Christ. Có một lời ở đây dành cho những người nào tự cho phép mình bị mù lòa trước quyền phép và thân vị của Đức Chúa Jêsus Christ. Cho phép tôi chia sẻ những bức chân dung nầy với bạn hôm nay!
I. CHÂN DUNG CỦA KẺ ĐẦY GÁNH NẶNG
(Minh họa: Có một lời yên ủi long trọng ở đây dành cho những ai đang nếm trải một cơn giông bão trong cuộc sống. Như hết thảy chúng ta đều đã nghe thấy, bạn đang ở trong một trong ba chỗ trong đời sống bạn hôm nay. Một là bạn đang ở trong cơn bão, ra khỏi cơn bão hay đang hướng vào cơn bão.
Có những cơn bão về thuộc thể, giông tố trong lý trí, cơn bão tình cảm và bão táp thuộc linh. Có giông bão trong gia đình, trong hôn nhân, nơi sở làm và tại nhà thờ. Có những cơn bão cuồng nộ rất công khai và có những cơn bão tự tỏ ra trong những chỗ kín đáo của tấm lòng.
Giông bão là một phần trong sự sống của con người chúng ta, Gióp 14.1, Truyền đạo 2.23. Giông bão chạm đến từng phần trong đời sống của chúng ta. Hết thảy chúng ta đều thấy mình ở trong những tình huống bão tố từ lúc nầy đến lúc khác. Mấy câu Kinh Thánh nầy hiến cho một số trợ giúp và hy vọng cho những ai đang vượt qua thời điểm bão táp trong cuộc sống).
A. Cách thức Ngài sai phái họ (câu 45) – Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus đã “giục” người của Ngài lên một chiếc thuyền rồi băng qua biển. Chữ “giục” có ý nói “thúc đẩy”. Họ không muốn đi và Chúa Jêsus đã đẩy họ lên thuyền rồi bảo họ đi!
Có phải Ngài biết một cơn bão đang xảy đến không? Tất nhiên! Kỳ thực, tôi e rằng Ngài đã dự trù cơn bão đó cho chính cơ hội nầy.
Cái điều mà bạn và tôi cần phải ghi nhớ hôm nay, khi chúng ta đối diện với những thời khắc bão tố của chính mình, là sự thực Đức Chúa Trời đứng ở đàng sau tất cả những giông tố trong đời sống của chúng ta. (Minh họa: Thi thiên 37.23; Êsai 45.7; Minh họa: Gióp – Gióp 2.3).
Nếu chúng ta đang ở trong một cơn bão, sở dĩ như thế là vì Chúa đã sai chúng ta bước vào đó. Một số người có nhiều nan đề với lẽ thật ấy, nhưng điều nầy chắc chắc cung ứng cho tôi sự yên ủi lớn lắm!
Nếu chỉ có một lãnh vực trong đời sống chúng ta đang ở ngoài tầm điều khiển của Ngài hôm nay, thế thì chúng ta đang ở trong rắc rối trầm trọng rồi. Nếu Satan, thế gian và xác thịt có khả năng phá vỡ đời sống tôi, ở ngoài sự được phép của Đức Chúa Trời, thế thì không một lãnh vực nào trong cuộc sống là an toàn hết. Tuy nhiên, nếu Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị, và tôi tin Ngài đang nắm quyền tể trị, thì bất luận điều chi Ngài đưa vào đời sống của tôi hay của bạn sẽ luôn luôn hiệp lại vì ích cho chúng ta và cho sự vinh hiển của Ngài, Rôma 8.28; II Côrinhtô 4.15-18.
B. Các thức Ngài nhìn thấy họ (các câu 46-48a) – họ đang ở trên biển, ở giữa đêm giông bão tối tăm. Chúa Jêsus thì ở cách đó nhiều dặm đường, trên một ngọn núi, đang cầu nguyện với Cha của Ngài. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng “Ngài thấy họ”. Câu nầy chỉ ra hai lẽ thật cần phải được nhắc tới về sự quan phòng của Chúa đối với dân sự của Ngài.
1. Sở thích của Ngài – Mặc dù Ngài bị chiếm hữu với những vấn đề của cõi đời đời, Ngài vẫn chú ý đến người của Ngài và mọi nan đề của họ. Ngài thấy họ đang “chèo khó nhọc”. Từ ngữ nầy sát nghĩa có ý nói tới “khổ sở lắm”. Số người nầy đã rơi vào chỗ căng thẳng khó tin khi họ chèo chống nghịch lại với biển cả. Thậm chí cơn gió lại thổi “ngược” nữa. Từ ngữ nầy có ý nói “thẳng vào mặt”. Họ đang đánh trận vì chính mạng sống họ trên mặt biển và Chúa Jêsus đã nhìn thấy hết mọi sự. Chúa Jêsus biết rõ tình trạng của họ. Ngài biết rõ họ đang đối mặt với điều gì. Và Ngài đã chăm sóc họ và khiến cho họ được an ninh.
Các thánh đồ có cùng sự bảo đảm ấy khi chúng ta trải qua những cơn bão trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta có một Cứu Chúa là Đấng chú ý đến tình trạng của chúng ta và những gì chúng ta đang đối diện với trong cuộc sống. Thực vậy, Chúa chúng ta đã cảm thương bởi những trận bão mà chúng ta được gọi đến đối diện với, Hêbơrơ 4.15; Mathiơ 12.20. Ngài lo lắng về những gì chúng ta đang đối mặt với, I Phierơ 5.7! Hãy đem những trạng huống bất khả thi đến cho Ngài rồi nhìn xem Ngài vận dụng chúng theo quyền phép của Ngài!
2. Sự can thiệp của Ngài – Chúa Jêsus còn ở trên núi, nhưng Ngài không phung phí thì giờ của Ngài. Ngài đã ở trong sự cầu nguyện. Chắc chắn Ngài đã cầu nguyện về hướng đi của chức vụ Ngài, nhưng tôi cũng tin chắc rằng Ngài đã cầu thay cho những người đang vật vã trong cơn bão trên mặt biển dưới kia.
Hỡi thánh đồ của Đức Chúa Trời, bạn không bị bỏ rơi trong những giông bão của đời sống bạn đâu! Chính mình Chúa đang cầu thay cho bạn ở trước ngôi của Đức Chúa Trời, Rôma 8.34; Hêbơrơ 7.25. Tôi không thể chứng thực cho bạn, nhưng cái điều yên ủi cho tấm lòng tôi khi biết rằng Chúa đang cầu thay cho tôi trong Thiên đàng! (Minh họa: Một số bối cảnh khả thi).
C. Cách thức Ngài giải cứu chúng ta (các câu 48b-51) – Chúa Jêsus không những sai số người nầy ra đó đặng chết trong cơn bão ấy. Và, không những Ngài quan sát từ một khoảng cách an toàn đang khi họ vật vã lắm. Chúa Jêsus đã nắm lấy phần năng động trong sự giải cứu họ. Hãy chú ý Chúa Jêsus đã phục vụ người của Ngài như thế nào trên vùng biển có giông tố đó.
1. Sự hiện diện của Ngài (câu 48) – Họ không bị bỏ lại phấn đấu một mình đâu. Chính mình Chúa đã đến với họ sử dụng chính những làn sóng họ lo sợ làm phương tiện của Ngài (Minh họa: Hãy hình dung bối cảnh!)
Ngài đã hứa với chúng ta rằng chúng ta có thể biết rõ về sự hiện diện của Ngài nữa, Hêbơrơ 13.5; Mathiơ 28.20; Thi thiên 37.25; Êsai 41.10; Phục truyền luật lệ ký 31.8. Ngài sẽ ở cùng chúng ta và nâng đỡ chúng ta qua mọi giông bão của cuộc sống. Chúng ta sẽ không bao giờ một mình lo khắc phục giông bão đâu!
2. Sự bình an của Ngài (các câu 49-50) – Khi các môn đồ nhìn thấy Chúa Jêsus đang đi bộ trên mặt biển, họ tưởng họ đang nhìn thấy một con ma. Chữ “ma” trong câu 49 cung ứng cho chúng ta chữ “phantom” (ma). Họ lấy làm kinh khủng mà “la lên”. Cụm từ nầy sát nghĩa có ý nói “thét lên”. Họ đã thét lên lớn tiếng vì họ dám chắc họ đang nhìn thấy một con ma đang đi bộ trên mặt biển. Cụm từ “đi bộ đến cùng họ” có ý nói Chúa Jêsus đã bước ra nơi mà họ đang chèo chống rồi bắt đầu đi bộ song song với thuyền của họ. Những người nầy tưởng họ là những người đã chết rồi!
Chúa Jêsus nhận ra tình trạng mệt lã của họ nên tức thì tìm cách yên ủi họ. Ngài tự xác nhận mình bằng cách nói: “Ta đây”. Chữ “Ta” là một đại danh từ có tính cách nhấn mạnh. Đây cũng là từ ngữ Ngài đã phán khi Ngài nói: “Ta là bánh hằng sống”; “Ta là cái cửa”; “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống”; v.v… Đây là cách nói của Ngài: “Hỡi các ngươi, Đấng TA LÀ vĩ đại vừa đến đây”. Khi ấy, Ngài truyền cho họ “thôi đừng sợ và đừng bao giờ sợ nữa”. Nếu họ nắm bắt được Đấng đang ở với họ là ai, họ sẽ nhìn biết chẳng có một lý do gì để mà sợ hãi nữa!
Há điều đó chẳng thật sao khi giông bão cuộc đời đang làm cho chúng ta phải kinh khủng? Há chẳng thật sao, Chúa thường đến với chúng ta, bước đi trên chính những lượn sóng mà chúng ta lo sợ, và thậm chí chúng ta không nhận ra Ngài? Há chẳng thật sao khi chúng ta công nhận sự hiện diện của Ngài, Ngài sẽ phán bình an cho linh hồn chúng ta?
Tôi không biết về bạn, nhưng tôi cảm tạ Đức Chúa Trời vì có những lúc Ngài đã “thỏ thẻ sự bình an dịu dàng với tôi” ở giữa một trận bão trong đời sống tôi! Nếu chúng ta chỉ học biết công nhận sự hiện diện của Ngài, thậm chí khi chúng ta đang ở trong giông bão, chúng ta có thể có sự bình an “vượt quá mọi sự hiểu biết”, Philíp 4.6-7.
3. Quyền phép của Ngài (câu 51) – Chúa Jêsus vừa bước lên thuyền đang khi có nhiều lượn sóng. Khi Ngài lên thuyền rồi, sóng biển đình chỉ ngay. Giăng nói cho chúng ta biết trong sách Tin Lành của ông rằng khi Chúa Jêsus lên thuyền rồi, ngay lập tức thuyền đã đến bờ hồ bên kia, Giăng 6.21. Đúng là một phép lạ! Một phút họ đang ở giữa vùng biển đầy thịnh nộ. Phút kế đó họ ở trên vùng biển bình tịnh ngay nơi họ phải đến! Đấy là quyền phép của Chúa chúng ta!
Nếu bạn đang ở trong bão tố hôm nay trong cuộc đời của bạn, bạn cần phải biết rằng Chúa có thể quở gió và sóng biển bình tịnh. Ngài có thể làm cho cơn bão của bạn được bình tịnh. Ngài có quyền phép để làm sự ấy. Mặt khác, Ngài sẽ chọn làm ở bạn những gì Ngài đã làm nơi Phaolô. Ngài sẽ chọn để bạn ở trong cơn bão và làm cho nỗi lo sợ trong tấm lòng bạn được bình tịnh, II Côrinhtô 12.9. Cách nào đi nữa thì cơn bão không là vấn đề khi Ngài chứng tỏ quyền phép của Ngài. Ngài có quyền, Êphêsô 3.20!
II. CHÂN DUNG CỦA CÔ DÂU
(Minh họa: Trong khi phép lạ nầy vẽ ra bức chân dung rõ ràng những thời kỳ chịu đựng gian khổ và khó khăn đó, nó cũng vẽ ra chân dung của Cô Dâu của Đấng Christ khi nàng chờ đợi Chàng Rễ của mình. Cô Dâu của Đấng Christ được thành hình bởi từng tín đồ đã được cứu kể từ ngày lễ Ngũ Tuần cho tới Sự Cất Lên của Hội Thánh. Nếu bạn đã được cứu, bạn là một chi thể trong Cô Dâu của Đấng Christ, II Côrinhtô 11.2-3; Êphêsô 5.22-33. bạn đã được đặt ở trong Cô Dâu của Đấng Christ khi bạn được cứu, I Côrinhtô 12.13. Cho phép tôi chỉ ra bức chân dung của Cô Dâu của Đấng Christ trong mấy câu Kinh Thánh nầy).
A. Cách thức Ngài giải cứu Cô Dâu của Ngài (câu 45) – Giống như mấy người nầy được “giục” phải lên thuyền, mỗi người nào là chi thể của Cô Dâu của Đấng Christ đều bị “buộc hay bị thúc đẩy” đến với Chúa Jêsus. Không một ai được cứu hôm nay vì họ đưa ra một sự lựa chọn về Ngài. Nếu bạn đã được cứu hôm nay, sở dĩ như thế là vì Ngài đã đưa ra sự lựa chọn về bạn, Giăng 15.16. Nếu bạn đã được cứu hôm nay, sở dĩ như thế là vì Ngài đã đến với bạn trong tình trạng hư mất, dãy chết của bạn, Êphêsô 2.1. Bạn đã được cứu vì Đức Chúa Trời kéo bạn đến với Con của Ngài, Giăng 6.44. Khi Ngài kêu gọi, bạn chạy đến và Ngài không xua bạn đi, Giăng 6.37, nhưng Ngài đã cứu lấy linh hồn bạn. Bạn đang ở trong “Con Thuyền Siôn Cũ Kỹ” kia, vì Chúa Jêsus đã đặt bạn lên đó!
Đồng thời, có nhiều chỗ cho những người khác trong con thuyền nầy. Nếu bạn chưa bao giờ được cứu, và Chúa đang kêu gọi bạn hãy đến với Ngài, bạn có thể đến và tìm được ơn tha thứ, và sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ!
B. Cách thức Ngài sai phái Cô Dâu của Ngài (câu 45) – Giống như các môn đồ, Ngài đã khiến chúng ta khởi sự trên một chuyến hành trình. Chúng ta không hướng đến bờ hồ bên kia; chúng ta định hướng đến Thiên đàng. Chúng ta hướng tới một quê hương bình an, yên nghỉ và xinh đẹp mà Ngài đang sửa soạn cho chúng ta ở đó, Giăng 14.1-3.
Người nào nhận biết Chúa Jêsus thì không thuộc về thế gian nầy, I Phierơ 2.11. Thế gian đứng nghịch lại Cô Dâu của Đấng Christ và đôi khi biển cả phải nổi thịnh nộ. Đấy là trường hợp ở nước Mỹ ngay lúc bây giờ đây.
Bạn nhìn thấy khắp nơi Cơ đốc giáo đang chịu sự tấn công. Thế giới nầy không tấn công Hồi giáo, họ sẽ phản ứng bằng bạo lực. Thế giới nầy không tấn công Phật giáo. Tín đồ đạo Phật không phải là mối đe dọa đối với thế giới nầy. Thế giới nầy không tấn công Ấn độ giáo. Người theo đạo Ấn không phải là mối đe dọa cho thế giới nầy. Cô Dâu của Đấng Christ là mối đe dọa cho thế giới nầy, và thế giới phản ứng với những cuộc tấn công đầy hận thù, tàn sát và dã man chống lại những tín đồ thật trong Đức Chúa Jêsus Christ.
Tại sao chứ? Thế gian nầy thù ghét Chúa Jêsus vì con đường của Ngài là con đường hẹp, Mathiơ 7.13-14. Chúa Jêsus dạy rằng có một con đường cứu rỗi duy nhứt và thế gian nầy không thể và sẽ không chấp nhận như thế, Giăng 14.6; Acts 16.31! Thế gian thù ghét Chúa Jêsus vì con đường của Ngài là con đường thánh khiết, II Côrinhtô 6.17. Thế gian chối bỏ Cơ đốc giáo vì nó đòi hỏi một sự tan vỡ hoàn toàn đối với tội lỗi; thế gian sẽ không hề chấp nhận điều đó! Cô Dâu của Đấng Christ có thể trông mong biển cả thịnh nộ trong những ngày và những năm có ở trước mặt.
C. Cách thức Ngài nâng đỡ Cô Dâu của Ngài (các câu 46-51) – Chẳng ai để ý tới những lần vật vã của chúng ta! Chúa Jêsus nhìn thấy mọi sự chúng ta đang đối diện với và Ngài nâng đỡ chúng ta qua đại dương sóng đào của đời nầy. Hãy nhìn vào những sự tiếp trợ mà Ngài ban cho chúng ta khi chúng ta dong buồm ra khơi.
1. Bởi sự cầu nguyện của Ngài – Tôi đã nói rồi về điều nầy, nhưng Chúa cầu thay cho dân sự Ngài và Ngài cũng cầu thay cho Hội Thánh của Ngài nữa. Ngài đã chịu chết để chuộc lấy Hội Thánh cho chính mình Ngài và Ngài ở gần chúng ta trong những ngày tăm tối, nguy hiểm nầy.
2. Bởi sự hiện diện của Ngài – Đây là những ngày tối tăm dành cho Hội Thánh. Như tôi đã nói rồi, Cô Dâu đang ở dưới sự tấn công bởi những thế lực muốn nhìn thấy nàng thất bại và bị hủy diệt. Hơn nữa, những cuộc tấn công xảy đến từ bên ngoài, cũng có những nan đề bên trong Hội Thánh trong những ngày nầy nữa.
Hội Thánh hiện đại đã bị nắm chặt bởi ảnh hưởng xấu khủng khiếp của sự hờ hững và tự mãn. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên Laođixê, Khải huyền 3.14-22. Nhiều thuộc viên của Hội Thánh địa phương đã tự mãn và bước đi theo lối riêng của họ. Họ chống lại bất kỳ một loại thay đổi nào và hầu hết đều hài lòng đến nhóm lại một hay hai buổi thờ phượng trong một tuần. Họ nổi loạn khi bạn tìm cách buộc họ làm việc nhiều hơn. Họ tự mãn lắm! Bao lâu còn có nhiều người trên các hàng ghế và tiền bạc trong nhà băng, thì họ hãy còn vui sướng.
Khi bạn tìm cách mở rộng chức dịch trong Hội Thánh, nhiều người trong số tự mãn, hờ hững nầy sẽ dấy lên trong phản kháng! Một số sẽ thôi không đến nhóm nữa. Một số sẽ thôi không dâng hiến nữa. Gần như hết thảy đều than vãn và buồn rầu. Đấy là một lối chú giải đáng buồn đối với Hội Thánh hiện đại, nhưng điều nầy vẫn rất thực đấy!
Đồng thời, nếu bạn thôi không đến nhóm với Hội Thánh và nếu bạn thôi không dâng hiến và nếu bạn bị chao đảo vì Hội Thánh đang phát triển, bạn đang có một số nan đề thuộc linh sâu sắc cần phải được giải quyết. Việc nầy xảy ra để đưa bạn đến trước mặt Chúa và để cho Ngài giúp đỡ cho bạn!
Tôi ngợi khen Đức Chúa Trời có một số dân sót ngày nay vẫn tìm kiếm Chúa để làm một việc gì đó! Số người đó không biết thất vọng! Chúa Jêsus phán: “Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ” (Mathiơ 18.20). Không cần phải có đông người! Nếu có một ít người ao ước muốn nhìn thấy Chúa vận hành với quyền phép và làm vinh hiển cho danh của Ngài, Ngài sẽ nhóm lại với họ, chúc phước cho họ với sự hiện diện của Ngài.
3. Bởi quyền phép của Ngài – Chúa Jêsus cũng biết phải làm sao cho Cô Dâu được bình tịnh trong cơn bão mà nàng đang đối diện với. Ngài có thể đến với Hội Thánh của Ngài rồi thì thầm bình an với nàng ở giữa những thử thách đó. Ngài có quyền làm cho cơn bão nàng đang đối diện phải bình tịnh, nếu Ngài chọn làm như thế.
a. Ngài có quyền làm cho Hội Thánh Ngài phải ổn định – Lịch sử đã chứng tỏ nhiều lần rằng Chúa có thể ban cho Hội Thánh Ngài sự bình an cả thể thậm chí trong thời điểm khó khăn nhất. Ngài có quyền để cho dân sự Ngài thờ phượng, thậm chí trong khi giông bão đang thịnh nộ ở chung quanh họ.
b. Ngài có quyền đến vì Hội Thánh của Ngài – Giống như Ngài đã đi bộ trên mặt biển đến với các môn đồ Ngài trong cơn bão đó, một ngày kia Chúa Jêsus sẽ đến và giải phóng Hội Thánh Ngài ra khỏi giông bão của đời nầy! Đấy là lời hứa của Ngài, Giăng 14.3; I Têsalônica 4.13-18, và đấy là hy vọng của chúng ta. Chúa Jêsus sẽ tái lâm! Có thể chúng ta sẽ tiếp lấy giông tố trong đại dương nầy trước hết, nhưng Ngài sẽ hồi lai. Hãy nhìn xem người lữ khách, không bao lâu nữa Chúa sẽ xuất hiện và đưa chúng ta về quê hương đặng ở với Ngài!
c. Ngài có quyền đưa Hội Thánh về quê hương – Chúa Jêsus đã giải cứu các môn đồ Ngài cách an toàn tới nơi họ phải đến và Hội Thánh có thể trông đợi Ngài làm y như vậy cho nàng. Thế gian nầy sẽ không hủy diệt được Hội Thánh! Ma quỉ sẽ không hủy diệt được Hội Thánh. Những kẻ nổi loạn bên trong các bức tường của một tòa nhà sẽ không hủy diệt được Hội Thánh. Tôi đã nhìn thấy nhiều Hội Thánh địa phương bị xé ra thành từng mảng nhỏ vì cớ sự cay đắng và bất đồng nào đó, song Hội Thánh thật, Cô Dâu của Đấng Christ, sẽ về đến Thiên đàng an toàn một ngày kia. Nàng sẽ nhóm lại trước ngôi của Ngài và ngợi kkhen Ngài vì ân điển, sự cứu chuộc và sự giải cứu của Ngài, Khải huyền 4-5. Hội Thánh không đi xuống đâu; nàng sẽ đi lên kìa!
III. CHÂN DUNG CỦA NGƯỜI MÙ
(Minh họa: Chân dung thứ ba là những gì phép lạ nầy thực sự đang nói tới. Chúa Jêsus đã sai môn đồ Ngài vào trong cơn bão để ban cho họ một bài học về đức tin. Ngài đã sai họ ra đó để họ đạt tới mức hiểu biết Ngài thực sự là ai. Trong nhiều cách thức, các môn đồ đã bị mù đối với quyền phép và thân vị của Chúa Jêsus.
Cũng thực như thế giữa vòng những ai xưng mình nhìn biết Ngài hôm nay. Có nhiều người xưng mình đã được cứu và kính mến Chúa, nhưng họ không thực sự hiểu Ngài là ai và Ngài đang làm gì. Những câu Kinh Thánh nầy có đôi điều để dạy cho cả người mù nữa).
A. Những sự dạy của đức tin (các câu 45-51) – Họ đã ở ngoài biển rồi, lấy làm kinh khủng và sợ hãi vì mạng sống của họ. Mọi sự đều thình lình cả, Chúa Jêsus vừa hiện ra và chứng tỏ quyền phép cả thể của Ngài trên thiên nhiên. Ngài không trồi lên sụt xuống theo những lượn sóng biển. Ngài không lắc lư bởi các luồng gió mạnh. Ngài đang thong dong bước đi bên ngoài chiếc thuyền và chắc chắn giống như Ngài đang đi bên lề đường vậy. Thế rồi, khi Ngài đặt chân lên thuyền của họ, các lượn sóng biển ngay tức khắc thôi không ồn ào nữa!
Mấy người nầy hết thảy đều có bằng chứng họ cần để tin rằng Chúa Jêsus là Đấng mà Ngài đã xưng nhận, tuy nhiên 11 người trong số họ chưa hiểu rõ hoàn toàn Chúa Jêsus là ai cho tới chừng Ngài chịu chết trên thập tự giá rồi sống lại từ kẻ chết. Một trong số họ là Giuđa, không bao giờ tiếp thu được sự ấy và ông ta đã ngã chết hư mất trong tội lỗi của mình.
Dù không có phép lạ nầy, các môn đồ của Ngài đã nhìn biết Ngài là ai. Hãy xem xét mọi điều mà họ đã trông thấy rồi.
+ Họ đã nhìn thấy Ngài đuổi quỉ – Mác 1.23-26; 1.32; 5.1-20.
+ Họ đã nhìn thấy Ngài chữa lành các thứ tật bịnh – Mác 1.29-32; 1.40-45; 2.1-12; 3.1-5; 5.24-34; 6.5.
+ Họ đã nhìn thấy Ngài quở bão bình tịnh – Mác 4.37-41.
+ Họ đã nhìn thấy Ngài làm cho một bé gái sống lại từ kẻ chết – Mác 5.21-43.
+ Họ đã nhìn thấy Ngài sử dụng họ trong một phương thức đáng kinh ngạc – Mác 6.7-13; 30.
+ Họ đã nhìn thấy Ngài cho hàng ngàn người ăn với một lượng thức ăn ít ỏi – Mác 6.35-44.
Chúa Jêsus đã cho số người nầy biết một bài học rất sâu rộng về quyền phép và khả năng của Ngài, nhưng họ không hề tiếp thu lấy bài học đó cách hoàn toàn. Bất chấp mọi sự họ đã nhìn thấy Ngài thực hiện, họ vẫn hồ nghi quyền phép của Ngài và đã nghi ngờ khả năng Ngài ứng dụng cho hoàn cảnh mới.
(Minh họa: Chúng ta đừng quá khó chịu đối với số người nầy. Chúng ta cũng dở tệ y như họ thôi. Rốt lại, há chúng ta chẳng thấy Chúa vận hành trong đời sống chúng ta với quyền phép cả thể sao? Nếu bạn đã được cứu, bạn là kẻ dự phần vào phép lạ lớn lao nhứt mà Đức Chúa Trời có thể thực hiện! Nếu Ngài đã cứu linh hồn và thay đổi đời sống bạn, điều ấy cho thấy Ngài có thể làm bất cứ việc gì! Hơn thế nữa, há Ngài không đáp trả những lời cầu nguyện của bạn sao? Há Ngài không dời đi những ngọn núi thay cho bạn sao? Há Ngài không chúc phước cho bạn thật nhiều sao? Há Ngài không minh chứng quyền phép của Ngài nhiều lần sao?)
Vậy, tại sao dường như chúng ta lại thấy rắc rối nhiều khi tin cậy Ngài chứ? Tại sao chúng ta dường như gặp rắc rối nhiều khi bước theo Ngài bất cứ đâu Ngài dẫn dắt chúng ta? Chúng ta thực sự là một dân ít đức tin!
Hãy nghĩ đến sự ấy xem? Ngài sẽ sai chúng ta đến trường, giống như Ngài đã sai các môn đồ nầy vậy, cho tới chừng chúng ta tiếp thu được sự ấy! Ngài sẽ cứ giữ việc huấn luyện chúng ta để tin cậy Ngài bởi đức tin cho tới chừng tiếp thu được là Ngài có khả năng.
Chúa Jêsus đã làm thế với các môn đồ Ngài. Đức Chúa Trời đã làm chính việc ấy với Israel, (Minh họa: Mọi thử thách mà họ đã đối diện với – Biển Đỏ; Aicập; nước đắng ở Mara; đói khát; kẻ thù, v.v…). Ngài sẽ làm y như thế với Hội Thánh Ngài và với dân sự Ngài. Ngài quyết đưa chúng ta đến chỗ phải tin cậy hoàn toàn, nương cậy và vâng phục. Ngài quyết biến chúng ta ra giống theo ảnh tượng của Con Ngài, Rôma 8.28-29; Êphêsô 4.13. Chúng ta càng tiếp thu lẽ thật nầy lâu chừng nào, chúng ta sẽ phải chịu đựng nhiều giông bão lâu chừng ấy!
B. Những quá phạm của đức tin (các câu 51-52) – Câu 51 cho chúng ta biết các môn đồ đã nhìn thấy phép lạ trên biển cả và họ “lấy làm lạ”. Cụm từ nầy có ý nói “kinh ngạc”. Nó có ý tưởng “làm cho ai đó phải há hốc mồm ra mà kinh ngạc”. Họ không thể tin nơi mắt họ khi họ nhìn thấy Chúa Jêsus thực hiện những điều mà Ngài đã làm. Nhưng, họ đã lấy làm lạ ư? Tất nhiên là không rồi! Câu 52 cho chúng ta biết họ không thể tin sự ấy vì họ không muốn tin như thế! Họ đã nhìn thấy mấy cái bánh và hai con cá đã nhân rộng thêm nhiều ở trong hai bàn tay của Chúa, Mác 6.41. Họ đã nhìn thấy Ngài lấy bữa ăn trưa đủ cho một cậu bé rồi sử dụng bữa ăn đó cho hàng ngàn người ăn. Ở điểm nầy, họ đã có thể tin Ngài có thể làm được mọi sự, nhưng họ có “lòng cứng cõi” đối với phép lạ ấy. Nói cách khác, những gì họ trông thấy Chúa Jêsus làm với mấy cái bánh và hai con cá chẳng có ý nghĩa gì khi họ đối diện với thử thách kế đó.
(Minh họa: Chúng ta chẳng có gì hay hơn họ cả! Một lần nữa, có bao nhiêu người trong chúng ta đã nhìn thấy Ngài làm việc khó làm hết lúc nầy đến lúc khác, thế mà chúng ta vẫn thất bại không tin Ngài có thể đưa chúng ta đến chỗ mà chúng ta phải trở thành?
Bạn biết nan đề của chúng ta là gì rồi, có phải không? Chúng ta sống y như các môn đồ kia; chúng ta có đức tin nhỏ bé và Đức Chúa Trời của chúng ta thì quá nhỏ bé!
Bao lâu Chúa muốn khiến sự hiểu biết của chúng ta về Ngài là ai thích ứng với những điều Ngài muốn làm, chúng ta được an toàn. Nhưng, khi Ngài bắt đầu thử nghiệm và trải rộng đức tin của chúng ta và khi Ngài bắt đầu làm những việc mà chúng ta không hiểu, chúng ta bắt đầu lui đi khỏi Ngài.
Bao lâu Đức Chúa Trời còn ở trong cái hộp mà chúng ta đã cấu trúc cho Ngài, chúng ta rất thoải mái, thế nhưng khi Ngài bắt đầu hành động theo những phương thức chúng ta không hề thấy Ngài hành động trước đây, chúng ta đóng kín lòng mình lại đối với Ngài và những gì Ngài muốn làm nơi chúng ta và qua chúng ta. Kết quả của nhận định bé nhỏ của chúng ta, chúng ta thường bỏ sót những việc lớn mà Chúa muốn làm trong đời sống chúng ta và trong Hội Thánh của chúng ta.
Việc chúng ta thiếu đức tin thực sự giới hạn quyền phép của Ngài hành động giữa vòng chúng ta, Thi thiên 78.41; Mác 6.1-6. Quyền phép của Ngài không bị thu nhỏ lại ở chỗ ít nhất, nhưng Ngài thường không tỏ ra quyền phép ấy ở giữa một dân từ chối không tin cậy Ngài bởi đức tin! Chúng ta có thể có một Đức Chúa Trời cả thể là Đấng di dộng trong những phương thức cả thể, hoặc chúng ta có thể có một Đức Chúa Trời nhỏ bé, là Đấng hiếm khi tỏ ra và không bao giờ thể hiện, nhưng chúng ta không thể có cả hai! Chúng ta cần phải quyết định những điều chúng ta mong muốn ở quanh đây!
C. Bằng chứng của đức tin (các câu 53-56) – Không bao lâu sau đó họ qua đến bờ hồ, Chúa Jêsus một lần nữa tìm cách dời đi mọi hồ nghi ta khỏi tâm trí của số người nầy. Như họ nom thấy, dân chúng địa phương đem đến những kẻ đau bịnh của họ. Những người nầy còn có đức tin nhiều hơn các môn đồ nữa! Họ tin rằng nếu họ chỉ chạm đến vạt áo của Ngài thì họ sẽ được lành ngay. Nhiều người đã rờ đến Ngài và họ được lành ngay tức thì! Chúa đã sử dụng các môn đồ để chữa lành trước đây, Mác 6.12-13. Ở đây, Ngài tự mình chữa lành. Họ đã chịu khổ từ lòng cứng cỏi và thiếu đức tin.
Chúa sẽ hoàn thành công tác của Ngài dù với chúng ta hay không có chúng ta. Chúa Jêsus không cần các môn đồ của Ngài. Ngài đã chọn làm việc qua họ. Dường như đối với tôi quả là dễ hơn nếu chỉ một mình Ngài thực thi phần chữa lành. Ngài cũng không cần đến bạn và tôi. Ngài chọn hành động qua chúng ta. Há đấy chẳng phải là một phước hạnh sao?
Khi chúng ta đồng đi với Ngài bởi đức tin, như chúng ta đáng phải có, Ngài có quyền sử dụng chúng ta theo một phương thức cả thể, Minh họa: Mác 6.12-13. Khi chúng ta không đồng đi bởi đức tin, Ngài không thể sử dụng chúng ta như Ngài muốn được. Nếu Ngài không thể sử dụng chúng ta, thì Ngài sẽ tìm những người khác mà Ngài có thể sử dụng! Chúng ta hãy quyết định, chúng ta sẽ trở thành người mà Ngài có thể sử dụng cho sự vinh hiển của Ngài!
Phần kết luận: Có phải bạn đang có gánh nặng hôm nay không? Chúa biết và Ngài đang quan tâm. Hãy đem cơn bão của bạn đến với Ngài rồi để Ngài ban cho bạn sự bình an mà bạn đang tìm kiếm.
Có phải bạn là một chi thể của Cô Dâu không? Quí bạn ơi, hãy nhìn xem kìa, Chúa Jêsus sắp hiện đến để tiếp lấy dân sự Ngài. Nếu bạn chưa được cứu, tôi mời bạn đến với Chúa Jêsus hôm nay đi. Hãy để cho Ngài thay đổi đời sống bạn và biến bạn thành một con cái của Đức Chúa Trời.
Có phải bạn bị mù đối với thân vị, quyền phép và khả năng của Ngài? Có phải bạn đóng kín tâm trí mình với những gì Chúa muốn làm trong đời sống bạn và trong ngôi nhà thờ nầy? Có phải Ngài đã chạm đến một hoàn cảnh nào đó với bạn hôm nay không? Nếu Ngài đã phán cùng bạn, hãy đến với Ngài và để cho Ngài thực thi đường lối của Ngài trong đời sống của bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét