Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

II Côrinhtô 5:8: Bài Tín Điều Các Sứ Đồ: Luôn luôn là mùa xuân trên thiên đàng: "Tôi Tin Sự Sống Đời Đời"



Bài Tín Điều Các Sứ Đồ
Luôn luôn là mùa xuân trên thiên đàng:
Tôi Tin Sự Sống Đời Đời
II Côrinhtô 5:8
Đây là sứ điệp sau cùng trong loạt bài giảng nói về Bài Tín Điều Các Sứ Đồ. Khi chúng ta khởi sự vào tháng Giêng, giờ đây đã có tuyết phủ trên mặt đất rồi. Chúng ta kết thúc vào ngày Chúa nhựt mùa hè nóng nực vào tháng Bảy. Chủ đề của Hội thánh chúng ta cho năm nay là “Trở Lại Với Những Điều Cơ Bản”, và câu gốc của chúng ta là Giuđe 20: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, về phần anh em, hãy tự lập lấy trên nền đức tin rất thánh của mình”. Trong bài giảng đầu tiên của loạt bài nầy, tôi đã chỉ ra rằng “tự lập lấy” là một mạng lịnh đến từ Đức Chúa Trời. Sự tấn tới thuộc linh không phải là một sự chọn lọc dành cho người tin Chúa, và điều đó chẳng xảy đến do tình cờ đâu. Nếu bạn lớn lên trong Chúa năm nay, một là điều đó sẽ xảy ra hoặc nó sẽ chẳng đi tới đâu hết. Chúng ta được truyền cho phải tự lập lấy trên nền đức tin rất thánh của mình, nhưng sự tấn tới thuộc linh không phải là một trò ảo thuật. Sự tấn tới ấy đòi hỏi một sự cam kết long trọng từ phía chúng ta hoặc giả sẽ chẳng có chi hết.
Hôm nay, chúng ta đến với cụm từ sau cùng của bài tín điều: “Tôi tin … sự sống đời đời. Amen”. Để nắm bắt được lẽ thật nầy, chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về cụm từ sau cùng của bài tín điều, câu nói sau cùng của bài tín điều, và là tư tưởng sau cùng dựa theo mọi sự mà chúng ta đã tiếp thu từ loạt bài nầy.
I. Cụm từ sau cùng của Bài Tín Điều Các Sứ Đồ —"Sự sống đời đời”
“Vậy tôi nói, chúng ta đầy lòng tin cậy, muốn lìa bỏ thân thể nầy đặng ở cùng Chúa thì hơn” (II Côrinhtô 5:8). Thắc mắc: Đâu là quê hương dành cho bạn? Hôm qua, Marlene và tôi đã đến cửa hàng của Dominick để mua sắm thức ăn cho quí Tư của chúng tôi. Khi chúng tôi đến với quầy dưa hấu, chúng tôi thấy một phụ nữ đang gõ vào những quả dưa hấu hết trái nầy đến trái khác. Bà ta gõ nhẹ, lắng nghe rồi giải thích cho một người bạn biết quả nào mọng nước và ngọt ngào khi lắng nghe âm thanh nơi những quả dưa hấu ấy. Trọn đời tôi đã nghe người ta nói về việc làm ấy, nhưng bản thân tôi không có khả năng làm điều đó. Vì vậy, tôi thường chăm chú quan sát rồi lắng nghe. Khi chúng tôi rời khỏi đó, tôi nghe bà ấy nói với người khác: “Tôi đã học được cách làm đó từ ông Nội tôi ở Alabama”. Vì thế, tôi xây lại nói: “Bà có ở Alabama sao?” “Thưa có”. “Tôi cũng ở đó đấy. Bà ở chỗ nào tại Alabama?” “Troy”. Khu vực ấy nằm ở phía Nam Alabama — là xứ trồng dưa hấu rất là ngon. Tôi thì ở phía bên kia của bang — ở góc tây bắc thì chẳng có nhiều dưa hấu lắm đâu. Không cần tôi phải thúc giục, bà chia sẻ một mảng câu chuyện trong đời sống của bà: “Tôi sinh ra ở Alabama và sống ở đó trong 21 năm. Tôi đã sống ở Chicago trong 18 năm, nhưng tôi chẳng quen biết nhiều về nó lắm đâu. Quá lớn, quá đông, quá nhiều người. Mỗi năm tôi về quê nhà ở Alabama trong một lần tụ họp gia đình, nhưng tôi không thể về trong năm nay”. Tôi dám nói bà ấy rất buồn về việc đó. Tôi nói: “Vậy bà đã học được về dưa hấu từ ông nội của bà ở Alabama”. Bà đáp: “Tôi đã học được nhiều thứ ở Alabama”. Tới đó, chúng tôi chia tay, nhưng tôi cứ suy nghĩ về những điều bà ta đã nói. Bà ta đã ở Chicago lâu rồi, song bà ấy không cảm nhận như đang ở quê nhà tại đây. Quê hương đối với bà ấy là ở Alabama kìa. Đấy là nơi gia đình bà sinh sống. Đấy là nơi chôn nhau cắt rốn của bà ta. Nếu bạn hỏi bà ấy: “Bà đến từ đâu?” có lẽ bà sẽ đáp: “Tôi sống ở Chicago, nhưng tôi đến từ Alabama”. Giả sử tôi cảm nhận về quê nhà cũng y như thế thôi.
Và hết thảy chúng ta đều hiểu mọi điều mà bà ấy muốn nói. Tháng tới là kỷ niệm lần thứ 15 tôi làm Mục sư, và năm thứ 15 tôi đã sinh sống ở Oak Park. Nếu người ta hỏi tôi sống ở đâu, tôi nói cho họ biết tôi sống ở Oak Park. Và tôi nói cho họ biết nhà cửa tôi ở tại Oak Park. Tôi nghĩ tôi cảm nhận mình đang ở tại quê nhà nhiều hơn người phụ nữ kia cảm nhận ở Chicago. Nhưng tôi không thấy mình đang ở quê nhà giống như nhiều người khác. Chicago là một thành phố xinh đẹp, một trong những phố thị lớn của thế giới, và người ta đến đây bởi hàng trăm ngàn hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng có một sự khác biệt giữa việc dời đến đây sinh sống và được sanh ra ở đây. Bạn có thể nhìn thấy điều đó trong nhiều phương thức, nhưng tôi nghĩ bạn có thể nhìn thấy điều đó rất rõ nét vào ngày cuối tuần nầy khi quảng trường White Sox và Cubs đầy ắp người ở Wrigley Field. Đó là chỗ dành cho các fan hâm mộ môn bóng chày, và đó là một chỗ thực sự dành cho người trọn đời sống ở Chicago. Tôi học được về tầm quan trọng của môn bóng chày ở Chicago rất sớm trong khi làm Mục sư ở đây. Trở lại năm 1989 đội Cubs lọt vào trận chung kết hiếm hoi vào cuối tháng Chín, và hầu như mọi người đều đổ về để lắng nghe Harry Caray tường trình trận đấu. Thậm chí đối với một người mới tới, đấy là những ngày đầy khích lệ. Tôi nói: “hầu như mọi người” đều đổ về. Phải, không phải là mọi người vì có đội khác nữa trong thành phố — đội South Side, đội White Sox. Một người từ Hội thánh kéo tôi qua một bên rồi giải thích cho tôi biết sự thể đã có từ những ngày xa xưa ấy. Bạn có thể là fan hâm mộ của đội Sox hay đội Cubs, ông ấy nói, hoặc bạn chẳng quan tâm gì đến môn bóng chày. Nhưng bạn không thể thực sự là một fan hâm mộ đội Cubs và đội Sox cùng một lúc được. Điều đó không thể khả thi được — và có lẽ như thế là trật đường rầy. Bạn phải chuẩn bị tâm tư của mình. Đối với tôi thì điều đó luôn luôn là thật đấy. Và tôi nhìn biết rằng thậm chí sau 15 năm, tôi chẳng phải là lỗi thời đâu, tôi ưa thích cả hai đội, nhưng tôi không sống và chết với đội nào cả. Ai thắng trận đấu chung kết trong loạt thi đấu thực sự đối với tôi không thành vấn đề.
Alabama, Montana, Oak Park
Robert Frost nói rằng “quê nhà là chỗ, khi bạn đến đó, họ phải mời đón bạn”. Oak Park cảm nhận như là quê nhà đối với tôi. Cái điều chạm đến tôi vào tuần nầy, ấy là tôi đã sống ở đây lâu hơn bất cứ đâu khác tôi đã ở trừ ra những năm tháng tôi lớn lên ở Alabama. Đã qua 30 năm kể từ khi tôi sống trong một thị trấn nhỏ ấy ở Alabama và khi tôi về đó, tôi biết rất nhiều người, nhưng có nhiều người giờ đây tôi chẳng quen và họ không biết tôi. Bố mẹ tôi được chôn cất trong nghĩa trang ở phía Tây thị trấn, điều nầy kéo tôi trở lại mãi nơi ấy, đến nơi mà tôi đã lớn lên.
Không phải là như thế với Marlene đâu. Nàng xuất thân từ Montana, và mặc dù nàng lớn lên phần lớn ở Arizona, Montana đối với nàng y như Alabama đối với tôi vậy. Đó là quê nhà, đó là nơi nàng đã chào đời, đó là nơi bà con của nàng đang sinh sống. Và điều đó lại khác với các con trai của tôi. Josh và Mark đều chào đời ở California, và Nick thì sanh ra ở Dallas. Nhưng nếu bạn hỏi chúng sinh sống ở đâu, chúng sẽ nói là Oak Park, và chúng muốn nói ra điều đó theo một tư thế khác hơn là Marlene và tôi nói. Đây là thị trấn mà chúng lớn lên ở đó. Đối với chúng nơi đây là Montana đối với Marlene và Alabama đối với tôi. Ba mươi hay bốn mươi năm tính từ lúc bây giờ, chúng vẫn sẽ trở lại chốn nầy, thị trấn nầy, và với con người riêng của chúng.
Từng hồi từng lúc tôi gặp gỡ những con người không xuất thân từ đâu cả. Họ đã sống ở nhiều nơi đến nỗi không một chốn nào là quê nhà đối với họ. Hay bạn sẽ nói rằng họ có nhiều quê. Nhưng nếu bạn có nhiều quê, thì thực sự bạn chẳng có một quê nào cả đâu. Và hết thảy chúng ta đều có kinh nghiệm quay trở về quê nhà, dù đó là ở đâu, và nhận ra rằng mình chẳng cảm xúc theo cách họ nhớ nhung nó. Tôi có thể quay lại với thị trấn nhỏ nơi tôi đã lớn lên, và tôi có thể đi xuống dốc con phố, mà chẳng có ai nhận ra tôi. Ngay khi bạn về quê, thì quê ấy không luôn luôn cảm nhận giống như là quê nhà đâu.
Đấy là những gì Hêbơrơ 13:14 nói tới, khi ở đó chép như sau: “Vì dưới đời nầy, chúng ta không có thành còn luôn mãi, nhưng chúng ta tìm thành hầu đến”. Bản Kinh thánh NLT dịch cụm từ đầu theo cách nầy: “Thế gian nầy không phải là nhà của chúng ta”. Và điều ấy đem vào tâm trí lời lẽ của một bài ca tin lành quen thuộc: “Thế gian nầy không phải là nhà của tôi, tôi chỉ là khách bộ hành. Của cải tôi được chất chứa đâu đó bên kia bầu trời xanh. Các thiên sứ vẫy tay đón tôi từ cánh cửa mở rộng của thiên đàng, và tôi không thể cảm thấy như đang ở nhà nữa trong thế gian nầy”. Thật quá đi chứ!
Thế gian nầy không phải là nhà của tôi. Victor Hugo đã nói chúng ta sử dụng 40 năm rời khỏi nhà, rồi 40 năm kế chúng ta về nhà. Chúng ta chào đời với câu nói “Hello” [chào], và phần còn lại của cuộc sống là một câu “goodbye” [vĩnh biệt] thật là dài. Tình bạn đến rồi đi, có người bước vào cuộc sống của chúng ta trong một thời gian ngắn rồi họ đi mất biệt. Chúng ta chuyển từ nhà nầy sang nhà khác, việc làm nầy sang việc làm khác, nhà thờ nầy sang nhà thờ khác, đôi khi chúng ta chuyển từ người bạn đời nầy sang người bạn đời khác, luôn luôn trông ngóng, tìm kiếm, hy vọng về một nơi mà ở đó chúng ta sau cùng sẽ cảm nhận như mình đang ở tại quê nhà vậy. Một nơi mà ở đó chúng ta có thể thoải mái và là chính mình. Nơi là chúng ta không cần phải giả vờ hoặc chịu khó gây ấn tượng với người khác. Ở đó chúng ta dám nói: “A, đây là nơi mà ta thuộc về”.
Thiên đàng là nơi Chúa Jêsus đang ngự
Đối với Cơ đốc nhân, nơi ấy được gọi là thiên đàng. Là một nơi có thật, đầy dẫy với những con người thực. Và ngược lại với dư luận, thực sự đấy không phải buổi thờ phượng kéo dài, không dứt. Còn sâu xa hơn cả thế nữa. Kinh thánh nói rằng khi chúng ta về đến thiên đàng, chúng ta sẽ được “ở với Chúa”. Nói như thế có nghĩa gì vậy? Chúa Jêsus phán với tên cướp trên thập tự giá: “Hôm nay ngươi sẽ ở với Ta trong nơi barađi” (Luca 23:43). Trọng tâm của thiên đàng là sự hiện diện của Chúa Jêsus. Thiên đàng là nơi Ngài đang hiện diện, và khi chúng ta có mặt trên thiên đàng, chúng ta sẽ ở với Ngài cho đến đời đời. Tuần lễ nầy tôi có mặt ở Atlanta trong mấy ngày để dự Hội Nghị Christian Booksellers. Vào ngày thứ Ba, tôi gọi Marlene và để lại một tin nhắn trên máy cho biết tôi đang hướng về nhà. Giờ đây, tôi không có ý nói rằng tôi đang hướng về ngôi nhà ở số 300 đại lộ Wesley ở Oak Park đâu. Đấy là nơi tôi sinh sống, nhưng khi tôi về nhà vào tối thứ Ba, tôi không bước vào và ôm lấy đống ra trải giường rồi nói: “Đống ra giường ơi, ta rất vui sướng khi nhìn thấy các ngươi”. Và tôi không nói với tấm thảm dưới sàn nhà kia: “Ôi, thảm ơi, ta nhớ mi nhiều lắm”. Ngôi nhà thật xinh đẹp, nhưng đây là nhà vì những người tôi yêu thương đang sống ở đó. Nhà đối với tôi là nơi họ đang ở đó, và nếu họ không có ở đó, thì dường như nó chẳng giống gì với “nhà” cả.
Cụm từ “sự sống đời đời” cho chúng ta biết nhà của chúng ta không phải trong thế gian nầy. Nhà của chúng ta là một chỗ khác kìa. Và chúng ta sẽ không thực sự ở tại nhà trong thế gian nầy vì chúng ta thường xuyên nói “goodbye” [vĩnh biệt] với những người mà chúng ta yêu nhiều nhất. Họ lìa khỏi chúng ta, hay chúng ta lìa khỏi họ. Con cái của chúng ta lớn lên, chúng rời khỏi nhà, chúng trở về để thăm viếng, và chẳng bao lăm chúng lại rời đi. Khi năm tháng trôi qua, những lần thăm viếng ấy mỏn lần đi. Sự thực ấy sẽ hiển nhiên bao lâu chúng ta còn sống trên hành tinh địa cầu nầy. Nếu bạn tìm kiếm một nơi mà ở đó bạn không phải nói câu “goodbye”, bạn sẽ không tìm được nó ở đó. Bạn sẽ phải đi đến một nơi khác. Tôi nghĩ Đức Chúa Trời sẽ lo liệu theo cách ấy với mục tiêu chúng ta xuất thân từ đâu thì chẳng thành vấn đề, chúng ta chưa hề thực sự cảm nhận là đang ở tại nhà dù là ở đâu. Những lời chào “goodbye” của đời nầy sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy muốn bịnh khi ở trong thiên đàng.
Có một câu tôi muốn chia sẻ và rồi chúng ta sẽ tiếp tục. Khi Chúa Jêsus cầu nguyện trên phòng cao vào buổi tối trước khi Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giá, Ngài công bố: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3). Chúa Jêsus xác định sự sống đời đời là nhìn biết Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Jêsus Christ. Nếu bạn nhìn biết Chúa Jêsus, thế thì bạn có sự sống đời đời rồi. Chúng ta nghĩ sự sống đời đời có nghĩa là “sống đời đời”. Phải, nó có ý nói như thế đấy, nhưng nó còn nói nhiều hơn thế nữa. Sự sống đời đời tận cốt lõi của nó là một mối quan hệ. Sự sống đời đời không những là sống trong 100.000 năm và không hề chết. Nếu bạn nhìn biết Chúa Jêsus, bạn đang có “sự sống đời đời” ở đây và ngay bây giờ. Sự sống ấy bắt đầu ngay giây phút bạn tin, và nó tiếp tục ngay qua sự chết của bạn, và nó đưa bạn suốt con đường về đến thiên đàng.
Theo luồng gió thổi
John Eldredge chỉ ra rằng phần lớn Cơ đốc nhân đã có một thời khó nhọc với thiên đàng. Chúng ta xem đấy là một chương trình dự phòng, là điều sẽ xảy ra một thời gian dài tính từ bây giờ. Đồng thời, chúng ta bận rộn ra sức dựng nên một mảng thiên đàng ở trên đất. Nhưng chúng ta nhiều lần thấy thất vọng. Và khi chúng ta thành công, chẳng có điều chi kéo dài cho đến tận đời đời cả. Eldredge mô tả điều đó khá chua xót: “Đức Chúa Trời phải dẹp bỏ cái thiên đàng mà chúng ta dựng nên, hoặc nó sẽ trở thành địa ngục của chúng ta”. Có cả một sách trong Kinh thánh giải thích tư tưởng ấy. Sách ấy được gọi sách Truyền đạo. Solomon đã kinh nghiệm với đủ thứ mà cuộc đời hiến cho: tiền bạc, tình dục, của cải, rượu chè, phụ nữ, ca hát, tiệc tùng, học vấn, xây dựng, sách vỡ, quân đội, nhiều dự án vĩ đại và các khu vườn bao la. Ông đã nhúng tay vào mọi sự và trở thành nhân vật giàu có nhất trên thế gian. Đây là phần kết luận của ông: “Hư không của sự hư không. Thay thảy đều hư không” (Truyền đạo 1:1). Mọi thành tựu của ông đã lên tới một chỗ chẳng khác gì theo luồng gió thổi. Thậm chí ông còn nói: “Ta ghét đời sống” (Truyền đạo 2:17). Nếu ghét đời sống khiến cho bạn xây lại với Đức Chúa Trời, thì đó là một việc đáng phải nói ra.
Có bao giờ bạn lấy làm lạ tại sao có nhiều người phải ở chỗ tận cùng bằng số trước khi họ xây lại với Chúa không? Đấy chẳng phải là một sự ngẫu nhiên đâu — đấy là cách Đức Chúa Trời dựng nên mọi sự đó. Chúng ta nghĩ cuộc đời thực gồm những thứ chúng ta có và những gì chúng ta đạt được. Nhưng việc trèo lên đỉnh cao, chúng ta thấy dù là thành công vĩ đại nhất vẫn để chúng ta lại trống không ở bên trong. Cần phải tốn thật nhiều năm tháng cho một số người chúng ta nhận ra như vậy. Và bạn có thể nếm trải bốn hay năm sự nghiệp, hai hay ba cuộc hôn nhân trước khi bạn nhận chân ra như thế.
Cho phép tôi trình bày cho bạn thấy nhé:
1) Thế gian nầy không phải là quê hương thật của chúng ta, và chúng ta không bao giờ thực sự cảm thấy như đang ở nhà tại đây đâu.
2) Mọi sự trong cuộc sống là một lời “goodbye” thật dài.
3) Không một thứ chi trong đời nầy có thể làm thỏa mãn chúng ta theo cách trọn vẹn đâu.
4) Ngay cả những việc thực sự tốt lành mà chúng ta vui hưởng không được dài lâu.
5) Chúng ta nên tận hưởng các thứ tốt lành kia mà chẳng nắm giữ chúng vì chúng ta không thể giữ chúng cho đến đời đời được, cho dù là cách nào.
6) Chúng ta sẽ không thực ở tại nhà cho tới chừng chúng ta ở với Chúa trên thiên đàng.
7) Phần lớn chúng ta đều phải tiếp thu điều nầy bằng một phương thức rất khó nhọc.
8) Sự sống đời đời bắt đầu ngay giây phút chúng ta tin, chớ không phải ngay giây phút chúng ta qua đời đâu.
9) "Sự sống đời đời” và “thiên đàng” hết thảy đang nói tới việc nhìn biết Chúa Jêsus.
10) Nếu chúng ta nhìn biết Chúa Jêsus, thiên đàng đã bắt đầu rồi cho chúng ta dù chúng ta chưa có mặt ở đó một cách trọn vẹn cho tới chừng chúng ta gặp Chúa Jêsus mặt đối mặt.
11) Cụm từ “sự sống đời đời” trả lời cho cả sự hư không của đời nầy và cho lẽ mầu nhiệm những gì xảy ra khi chúng ta qua đời.
Thomas Kelly bắt lấy lẽ thật nầy trong câu sau cùng của bài thánh ca nổi tiếng của ông: Praise the Savior, Ye Who Know Him [Hỡi những ai nhìn biết Ngài, hãy ngợi khen Cứu Chúa]:
Rồi đây chúng ta sẽ ở nơi mà chúng ta sẽ ở,
Chúng ta sẽ trở thành những gì
mà chúng ta phải trở thành,
Những việc ấy chưa tới
cũng chưa thành trong lúc bây giờ,
Không bao lâu nữa sẽ thuộc về chúng ta.
II. Chữ cuối cùng trong Bài Tín Điều Các Sứ Đồ —"Amen”
Vấn đề của chúng ta với chữ “Amen”, ấy là chúng ta nghe chữ ấy thường xuyên đến nỗi nó mất hết ý nghĩa đi. Đối với hầu hết chúng ta, “Amen” một là có ý nói: “Lời cầu nguyện đã xong” hay “Đến lúc ăn rồi”. Và khi chúng ta nhìn thấy nó ở cuối bài tín điều, thì nó giống như toa bếp ở cuối chiếc xe lửa vậy. Nó chỉ có ý nói bài tín điều giờ đây đã hết rồi. Nhưng các tác giả của bài tín điều còn có điều chi đó ở trong trí. Bản thân chữ nầy đến từ Cựu Ước và có ý nói: “Nguyện sẽ được như vậy” hay “tôi đồng ý” hoặc “Vâng, đây là sự thực”. Đây không phải là một từ dùng rồi bỏ đi đâu. Chữ “Amen” dạy chúng ta ba việc quan trọng:
A. Những việc nầy thực sự là thật. Với sự kính trọng đó, nói Amen thì giống như tổng thống ký vào một sắc lịnh rồi chuyển qua Thượng và Hạ viện. Chúng ta nói Amen vì bài tín điều là thật — và từng chi tiết của nó là thật.
Tôi tin Đức Chúa Trời Toàn năng là Cha —Amen!
Là Đấng dựng nên trời đất — Amen!
Tôi tin Jêsus Christ là Con độc sanh của Chúa chúng ta — Amen!
Được thai dựng bởi Đức Thánh Linh, sanh ra bởi nữ đồng trinh Mary — Amen!
Chịu thương khó dưới tay Bônxơ Philát — Amen!
Bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết, và chôn — Amen!
Ngài xuống âm phủ — Amen!
Đến ngày thứ ba, Ngài từ kẻ chết sống lại — Amen!
Ngài thăng thiên, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha — Amen!
Từ đó Ngài sẽ trở lại để xét đoán kẻ sống và kẻ chết — Amen!
Tôi tin Thánh Linh — Amen!
Tôi tin Hội thánh phổ thông — Amen!
Sự cảm thông của thánh đồ — Amen!
Sự tha tội — Amen!
Sự sống lại của thân thể — Amen!
Và sự sống đời đời — Amen!
Hội thánh Cơ đốc nói “Amen” với toàn bộ bài tín điều và từng chi tiết trong bài tín điều vì những việc nầy thực sự có thật.
B. Sự thật đòi hỏi một đáp ứng của cá nhân. Chỉ nói hay đọc lại bài tín điều hết Chúa nhựt nầy đến Chúa nhựt khác là chưa đủ. Ở một điểm nào đó, bạn phải quyết định bạn có thực sự tin những điều bạn đang nói hay không!?! Sức mạnh của chữ “Amen” khiến bạn phải đưa ra một sự lựa chọn.
C. Lẽ thật hoàn toàn được gói ghém trong Chúa Jêsus. Bạn có biết chữ “Amen” là một trong những danh xưng của Chúa chúng ta trong Kinh thánh không? Ở Khải huyền 3:14 Ngài còn được gọi là “Đấng A-men, Đấng làm chứng thành tín chân thật”.
Nếu bạn nói Amen ở cuối Bài Tín Điều Các Sứ Đồ, bạn đang nói: “Lạy Chúa, những việc nầy là có thật và con thực sự tin chúng và con thực sự tin Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa và là Cứu Chúa của con”. Đừng nói ra chữ ấy nếu bạn không có ý muốn nói như thế. Hãy lưu ý, bài tín điều bắt đầu với cụm từ “tôi tin”, và kết thúc với chữ “Amen”. Đây còn hơn là một câu nói chuyên về giáo lý nữa. Đây là lời công bố sự cam kết riêng tư của bạn đối với những gì bài tín điều chép. Bạn có thể nói: “Tôi tin” và “Amen” với Bài Tín Điều Các Sứ Đồ không?
III. Tư tưởng sau cùng
Giờ đây, chúng ta đã hoàn tất với Bài Tín Điều Các Sứ Đồ. Chuyến hành trình sáu tháng của chúng ta khởi sự với Đức Chúa Trời và kết thúc với sự sống đời đời. Ở khoảng giữa, chúng ta đã chạm đến các lẽ đạo chính của đức tin chúng ta. Để biết chắc, chúng ta tin nhiều vào Bài Tín Điều Các Sứ Đồ, chớ chúng ta không tin kém hơn. Đây là phần tối thiểu Cơ đốc nhân luôn luôn tin theo, không còn rút bớt được nữa. Bài tín điều nhắc cho chúng ta nhớ rằng Cơ đốc giáo có một nền tảng về giáo lý. Mặc dù chúng ta nói nhiều về mối quan hệ cá nhân với Chúa Jêsus, đó còn hơn là một cảm xúc hay một kinh nghiệm cá nhân. Đây là mối quan hệ dựa trên lẽ thật đã được tỏ ra trong Kinh thánh. Tối thứ hai vừa qua ở Atlanta, tôi đến dự kỷ niệm “Banquet of Crossway Books” lần thứ 30. Một phần trong cuốn phim rút ngắn từ Francis Schaeffer đang nói về tầm quan trọng của việc đứng cho lẽ thật trong kỷ nguyên hòa bình và sung túc. Tôi được nhắc nhớ lại thể nào ông thực sự là một vị tiên tri. Ông đã nói trước vào giữa thập niên 70 rằng thời kỳ sẽ đến khi cái điều không thể tưởng được sẽ được nghĩ đến và thậm chí có thể chấp nhận trong xã hội của chúng ta. Lời lẽ của ông đã thành ra hiện thực trong thời buổi của chúng ta. Rồi đã có một đoạn phim ngắn nói tới Edith Schaeffer giờ đây bà đã 90 tuổi. Với giọng nói từ tốn, rõ ràng bà nói: “Việc duy nhứt là vấn đề: đó là sự thật”. Bà đã nói đúng về việc ấy.
Sự thật mới là vấn đề. Đấy là lý do tại sao tôi phải tốn đến 6 tháng để trải qua Bài Tín Điều Các Sứ Đồ. Tôi biết chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên kình chống của lý trí, nhưng sự thật chính là vấn đề. Tôi nhìn biết rằng trong phong trào truyền giáo, chúng ta đã nâng cao kinh nghiệm cá nhân hầu như đến cấp độ của chính Kinh thánh, nhưng sự thật mới là vấn đề. Sự thật đứng cao hơn kinh nghiệm cá nhân của chúng ta và đứng trong sự xét đoán mọi ý kiến cá nhân chúng ta. Nếu chúng ta không biết lẽ thật, thế thì chúng ta sẽ làm mồi cho tất cả hệ tư tưởng giả dối trong thời buổi của chúng ta. Nếu chúng ta không dạy con cái chúng ta về lẽ thật, có nhiều người ở đàng kia kìa, họ sẽ sẵn lòng dạy cho chúng điều sai trái.
Lời lẽ sau đây đến từ phần cuối của bài giảng đầu tiên trong loạt bài nầy từ tháng Giêng. Dường như chúng rất thích ứng cho hôm nay hơn:
Sự nhầm lẫn về đạo đức và về thuộc linh trong thời buổi nầy hiến một cơ hội khó tin cho Hội thánh của Đức Chúa Jêsus Christ. Chính sự thật chúng ta đang sống trong bóng tối tăm thuộc linh như vậy cho thấy rằng khi sự sáng chiếu đến, nó thực sự soi sáng. Đừng ngã lòng bởi nổi khó của phần việc. Thay vì thế, chúng ta hãy lấy làm khích lệ bởi các cơ hội của thì giờ nầy. Phần việc của chúng ta là “Trở Lại Với Những Điều Cơ Bản” trong năm nay hầu cho chúng ta sẽ thực sự nhìn biết những điều chúng ta đang tin. Quả là một năm trọng đại khi chúng ta hành trình qua các lẽ đạo quan trọng của Kinh thánh. Tôi không thể chờ đợi để nhìn thấy những gì Đức Chúa Trời sẽ thực hiện.
Vì vậy, giờ đây chúng ta đang ở giữa chừng của năm. Tôi càng tin hơn nữa “sự thật mới là vấn đề”. Trong ba tuần, tôi bắt đầu phần nghiên cứu từng câu một qua sách I Phierơ để giúp chúng ta hiểu rõ sống cho Đấng Christ là thể nào trong một thế giới loạn nghịch. Sau mùa thu nầy, chúng ta sẽ đến với đề tài hôn nhân và gia đình, phần thách thức sống thanh sạch về đạo đức, và toàn bộ thắc mắc về hôn nhân đồng giới tính từ quan điểm nhận định của Kinh thánh. Tôi sẽ hướng tới đàng trước lo chia sẻ lẽ thật của Đức Chúa Trời với bạn và với cộng đồng của chúng ta.
Mãi cho tới khi ấy, hãy nhớ rằng bạn chưa sống trong nhà. Trong từng lời nói và trong từng hành động, hãy gây dựng đời sống của bạn trên Lời của Đức Chúa Trời, phải dạn dĩ vì cớ đức tin của bạn, và hãy hướng mắt nhìn xem Chúa Jêsus, với lòng nhận biết rằng một ngày kia bạn sẽ được ở với Chúa. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét