Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Mác 2.18-22: "TIẾNG XẤU LIÊN QUAN ĐẾN KIÊNG ĂN"



Mác 2.18-22
TIẾNG XẤU LIÊN QUAN ĐẾN KIÊNG ĂN
Phần giới thiệu: Chúa Jêsus đang bận bịu với rối rắm đang dấy lên! Kể từ lúc Ngài xuất hiện và bắt đầu chức vụ ở trên đất, cho đến giờ phút Ngài thăng thiên trở về trời lại, Chúa Jêsus rất bận rộn lo đảo lộn mọi truyền khẩu và lật đổ những con bò thiêng. Người Do thái để ý thấy Chúa Jêsus dính dáng vào việc tôn giáo nầy đến việc tôn giáo khác.
Chúa Jêsus đã làm phật lòng những người Do thái tôn giáo khi Ngài công khai tha tội cho một người, 2.5. Tiếp đến, họ rối tung lên vì Ngài đến dự bữa tiệc tại nhà của Mathiơ, 2.16. Mathiơ là một nhân viên thu thuế và họ không hiểu nổi tại sao người Do thái rất tôn giáo nầy lại để thì giờ ra ngồi chung với hạng tội nhân. Vì thế, có tiếng xấu liên quan đến hạng tội nhân.
Những câu Kinh Thánh chúng ta đã đọc hôm nay mở ra thứ tiếng xấu khác giữa Chúa Jêsus và các cấp lãnh đạo tôn giáo. Lần nầy có liên quan đến mọi truyền thống của họ. Chúa Jêsus đã dám bất chấp mọi nghi thức của họ và một lần nữa, họ bị mất lòng!
Đối với tôi, dường như không có một loại người nào khó xử lý cho bằng hạng người tôn giáo. Bạn hãy đến với người nào đang bị giữ lấy trong cái nắm bắt của truyền thống, nghi thức, và hình thức thiên về với Luật pháp xem; nếu bạn chịu bước theo hệ thống tín điều nhỏ bé của họ, không bao lâu sau đó bạn sẽ khám phá ra hầu hết chúng đều là phương tiện cho ma quỉ. Chẳng phải đợi đến một giây mới nhìn thấy tôn giáo của họ không hề dầm thấm tấm lòng của họ và mang lại ơn cứu rỗi và sự tin kính thực bao giờ.
Đấy là loại người mà Chúa Jêsus đang đối diện với qua mấy câu Kinh Thánh nầy. Ngài đang đối mặt với hình thái phê phán từ một nhóm người không nhìn biết Đức Chúa Trời. Họ biết luật lệ, nghi thức và những vụ việc họ đã được nhiều người khác dạy dỗ, nhưng họ không biết quyền phép thay đổi đời sống của mối quan hệ cá nhân với Đức Chúa Trời, II Timôthê 3.5.
Chúng ta đã nhìn thấy Cứu Chúa đầy tai tiếng khi Ngài đã vướng vào Tiếng xấu liên quan đến tội nhân. Trong mấy câu nầy, chúng ta sẽ quan sát Chúa đối diện với Tiếng xấu liên quan đến kiêng ăn.
“Kiêng ăn” là “một nghi thức tôn giáo”. Thường thì người nào giữ sự kiêng ăn tin rằng nghi thức đem lại ân sũng của Đức Chúa Trời trên những ai tuân giữ nghi thức. Thí dụ, có người tin rằng phép báptêm có thể cứu linh hồn. Những bạn bè công giáo Lamã của chúng tôi tuân giữ 7 sự kiêng ăn mà họ tin sẽ tạo ra sự cứu rỗi. Trong thực tế, ơn cứu rỗi và phước hạnh của Đức Chúa Trời chỉ đến qua ân điển mà thôi!
Chúng ta hãy để ý đến những lẽ thật tự trình bày ra trong phân đoạn Kinh Thánh nầy khi chúng ta quan sát Cứu Chúa vướng vào Tiếng xấu liên quan đến sự kiêng ăn.
I. CHÚA JÊSUS VÀ LỜI QUỞ TRÁCH (câu 18)
A. Nghi thức – Kinh Thánh cho chúng ta biết trong câu nầy rằng người dòng Pharisi và các môn đệ của Giăng Báptít đã tuân giữ sự kiêng ăn như một phần trong đời sống của họ. Kiêng ăn là thời gian tự chối bỏ mình. Kiêng ăn góp phần tập trung tâm trí với nổ lực tấn tới về mặt thuộc linh. Trong thời gian kiêng ăn, xác thịt bị chối bỏ và luôn chú ý tìm kiếm mặt của Đức Chúa Trời. Người nào đang kiêng ăn phải cố nhịn ăn hoặc các loại phu phỉ khác theo phần xác trong một thời gian.
Kiêng ăn không hề được truyền dạy trong Luật pháp. Thực vậy, chỉ có một chỗ mà nó được chỉ ra. Trong những quy tắc về Ngày Chuộc Tội, Đức Chúa Trời dạy dân sự phải “ép linh hồn mình”, Lêvi ký 16.29. Nhưng, đến thời của Chúa Jêsus, kiêng ăn đã trở thành một phần rất lớn trong sinh hoạt của người Do thái.
Thí dụ, người Pharisi đã kiêng ăn một tuần hai ngày (đối chiếu Luca 18.12). Họ đã kiêng ăn mỗi Thứ Hai và Thứ Năm từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Tuy nhiên, sự kiêng ăn của họ không được thực thi trong một nổ lực thành thực hầu tìm kiếm Chúa. Họ đã kiêng ăn với nổ lực gây ấn tượng cho Đức Chúa Trời và người ta. Họ sẽ kiêng ăn trong thời gian hai mươi bốn giờ và sau đó trở thành những kẻ hám ăn sau thời gian kiêng ăn.
Người Pharisi tin rằng Đức Chúa Trời sẽ nhìn thấy họ đang chối bỏ mình và chúc phước cho họ vì sự hy sinh của họ. Họ cũng làm mọi sự họ có thể để biết chắc rằng nhiều người khác nhìn biết họ đang kiêng ăn, Mathiơ 6.16-18. Họ sẽ làm cho gương mặt họ nhợt nhạt ra; phủ tro lên đầu; mặc áo quần lộn xộn thấy rõ; không tắm gội; họ cố gắng để cho người khác thấy họ buồn bã và như đang khóc than vậy. Họ muốn mọi người nhìn biết họ đang làm gì! Không những các người Do thái tôn giáo thực hành và đều đặn kiêng ăn, họ truyền cho người khác cũng phải làm theo như thế nữa. Họ mong mỏi hạng người bình thường phải làm theo sự họ hướng dẫn và kiêng ăn giống như họ đã làm vậy. Hạng người nầy đã nâng cao truyền thống của con người cho tới khi nào nó có uy quyền y như Luật pháp.
Trong khi chúng ta đang nhắm vào đề tài, cho phép tôi cung ứng cho bạn một vài suy tưởng về vấn đề kiêng ăn nầy:
1. Kiêng ăn không có một chỗ nào được truyền dạy trong Kinh Thánh. Nhưng, nó cũng không bị cấm đoán.
2. Kiêng ăn là dành thì giờ bình thường được sử dụng để ăn uống, ngủ nghỉ, hoặc vui hưởng một khoái lạc nào đó theo phần xác,và sử dụng thì giờ đó để cầu nguyện, học Kinh Thánh hay suy gẫm.
3. Kiêng ăn là kết quả của những khả năng thuộc linh thích đáng. Thịt trong Lời Chúa và những giờ phút trong sạch của mối tương giao với Đức Chúa Trời còn quan trọng hơn các nhu cần theo phần xác của chúng ta. Kiêng ăn công nhận ưu tiên nầy.
4. Kiêng ăn không gây ấn tượng với Đức Chúa Trời và nó không thuyết phục được Đức Chúa Trời đâu.
5. Kiêng ăn chỉ có công trạng nếu nó được sử dụng để tìm kiếm mặt Đức Chúa Trời cho thời điểm tấn tới của cá nhân về mặt thuộc linh.
B. Lời quở trách – Trở lại với câu 18, Chúa Jêsus và các môn đồ Ngài đang tận hưởng một bữa tiệc tại nhà của Mathiơ. Có thể là bữa ăn nầy đã được tổ chức vào ngày thứ Hai hay ngày thứ Năm, một trong những ngày kiêng ăn của người Do thái. Điều nầy làm cho người Pharisi phải bực dọc.
Các môn đệ của Giăng cũng bực dọc nữa. Hãy nhớ, cấp lãnh đạo của họ đã bị bắt và có thể đã chết lúc bấy giờ. Họ đang than khóc sự vắng mặt của Giăng và họ bực dọc khi thấy Jesus chẳng màng gì đến!
Đây là nan đề của họ. Chúa Jêsus không giữ theo luật lệ của họ! Ngài không bước đi theo nhịp trống của họ. Những người nầy đã quyết định rồi người nhơn đức phải sống như thế nào mới là người nhơn đức. Chúa Jêsus đã từ chối không để cho người ta ép Ngài vào một cái khuôn khổ tôn giáo của họ. Ngài đã từ chối không cho phép các nghi thức dãy chết kia trở thành tiêu điểm của đời sống và chức vụ của Ngài.
(Minh họa: Chẳng có gì sai với việc kiêng ăn hay với một việc nhỏ bé tôn giáo nào khác mà người ta đang làm. Chính các nghi thức trở nên lề thói không có sự sống mà rắc rối phát sinh. Nghi thức thường đến để chiếm lấy chỗ của Đức Chúa Trời như tiêu điểm của sự thờ phượng. Cho nên, nghi thức có thể giữ một người hư mất không tin cậy Đức Chúa Trời vì nghi thức là đủ cho người nào biết giữ theo nó. Nó cũng có thể giữ tín đồ không kinh nghiệm được mối giao thông chân chính với Đức Chúa Trời.
Một số nghi thức là xấu ở cốt lõi của chúng. Những việc như đốt nến cho người chết và cầu nguyện cho các thánh và hình tượng là tà giáo! Nhưng, ngay cả những việc như cầu nguyện, ca hát, đi nhà thờ, và đọc Kinh Thánh có thể trở thành những việc chẳng khác gì các lề thói không có sự sống và không nhắm vào Chúa).
II. CHÚA JÊSUS VÀ PHẢN ỨNG CỦA NGÀI (các câu 19-20)
A. Một lời giải thích (câu 19) – Chúa Jêsus phản ứng với lối phê phán của họ bằng cách nói về một đám cưới. Cưới hỏi trong thời đó chẳng khác gì như hôm nay. Bây giờ, khi đám cưới được nghĩ đến, đôi hôn phối phải dự kỳ trăng mật của họ. Trong thời của Chúa Jêsus, mọi việc đều khác hết. Bao lâu sau khi đám cưới xong rồi trong thời ấy, đôi hôn phối đã đãi gia đình và bạn bè của họ trong một tuần lễ tiệc tùng. Họ để ra bảy ngày tiệc tùng và được đối xử giống như vua và hoàng hậu vậy.
Sinh hoạt trong vùng đất sa mạc rất khó khăn. Người ta làm việc từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn chỉ để sống qua ngày. Khi đám cưới đến, đôi tân hôn được đối xử rất hoàng gia trong một tuần lễ. Đấy là tuần lễ vui sướng nhất trong cuộc đời họ và họ tận hưởng đầy đủ tuần lễ ấy.
Chúa Jêsus nói với những kẻ hay phê phán kia biết rằng sự hiện diện của Ngài giữa vòng dân sự thì giống như sự hiện diện của chàng rễ giữa vòng bạn bè của chàng rễ vậy. Ấy chẳng phải là thời điểm cho sự than khóc, chối mình hay buồn rầu đâu. Ấy là thời điểm để tiệc tùng và vui sướng. Phải buồn rầu, khóc than, kiêng ăn khi Chúa còn hiện diện sẽ là trái lẽ với những gì Chúa đang làm trong những ngày đó.
Có hai bài học mà chúng ta thu lượm được từ câu nầy.
+ Người Do thái bị lọt vào trong các nghi thức và truyền khẩu của họ đến nỗi họ bỏ quên thực tại phước hạnh ở ngay trước mặt họ. Nếu họ nhìn biết Chúa Jêsus là ai, họ sẽ thôi không còn kiêng ăn và thôi không còn dính dáng vào việc kiêng ăn nữa!
Đôi khi chúng ta phạm phải một việc y như thế! Chúng ta làm công việc của nhà thờ theo thói quen và chẳng nhìn biết sự hiện diện của Đức Chúa Trời đang ở cùng chúng ta mọi lúc mọi khi, Hêbơrơ 13.5; Mathiơ 28.20; 18.20. Nếu chúng ta có thể học biết công nhận sự hiện diện thường trực của Ngài với chúng ta, điều đó sẽ làm thay đổi từng giây phút trong đời sống của chúng ta. Chúng ta sẽ thôi không còn lằm bằm và than phiền, và chúng ta sẽ bước đi trong sự vui mừng. Chúng ta sẽ nhìn thấy một sự thay đổi trong phương thức chúng ta đến với nhà thờ. Chúng ta sẽ đến để tìm kiếm Chúa Jêsus. Chúng ta sẽ đến đặng thờ lạy!
+ Sự kiêng ăn của người Do thái có thể gây ấn tượng cho những ai trông thấy họ, nhưng sự kiêng ăn ấy chẳng gây ấn tượng gì cho Chúa cả! Ngài vốn biết rõ tấm lòng của họ. Ngài biết rõ họ chẳng tìm kiếm Ngài và Ngài biết rõ họ vẫn bị bẫy trong tội lỗi của họ.
Những việc lành chúng ta làm trong danh xưng tôn giáo và thờ phượng chẳng khác gì hơn sự giả hình nếu chúng không được làm từ tấm lòng thành thật tìm kiếm Chúa. Hát những bài ca thánh, đi nhà thờ, giảng dạy, v.v…, mọi sự trở nên giả hình nếu chúng không phát sinh từ một ao ước chân chính muốn thờ lạy và làm vinh hiển cho Chúa!
B. Một sự mong đợi (câu 20) – Sau khi đưa vấn đề ra rồi, Chúa Jêsus bảo hết thảy mọi người đang lắng nghe rằng có một ngày sẽ đến, khi Chàng Rễ sẽ bị cất đi. Các môn đồ của Ngài sẽ kiêng ăn và buồn thảm trong ngày ấy.
Cụm từ “phải đem đi” nói tới “một sự cất đi thình lình”. Chúa Jêsus đang đề cập tới ngày mà Ngài sẽ bị cất đi và bị đóng đinh trên thập tự giá. Trong ngày tối tăm và khủng khiếp đó, các môn đồ của Ngài sẽ khóc than và kiêng ăn. Ngày ấy sẽ là ngày buồn rầu cho dân sự của Ngài.
Ngày ấy sẽ đến, nhưng trong lúc bây giờ, các môn đồ của Chúa đều có quyền vui thích và mừng rỡ trong sự hiện diện của Ngài. Kiêng ăn phát sinh từ một tấm lòng biết buồn rầu và tan vỡ. Nhưng, khi sự hiện diện của Chúa đang có giữa vòng dân sự Ngài, chẳng có chỗ nào cho đau buồn, rầu rĩ hết. Khi Chúa hiện diện, dân sự của Ngài cần phải công nhận Ngài với ca hát, reo hò và tiệc tùng!
Nếu chúng ta biết nắm bắt lấy lẽ thật ấy, điều đó sẽ cách mạng hóa những buổi thờ phượng của chúng ta. Chúng ta sẽ bỏ đi những truyền thống dãy chết, khô khan kia, chúng chẳng tôn cao Chúa và chúng ta sẽ tìm kiếm những phương thức để bày tỏ ra sự phấn khích và vui mừng của mình về Ngài là ai và Ngài đã làm gì cho chúng ta!
III. CHÚA JÊSUS VÀ SỰ MẶC KHẢI CỦA NGÀI (các câu 21-22)
(Minh họa: Để làm cho luận điểm của Ngài ra trong sáng rõ ràng hơn, Chúa Jêsus sử dụng hai hình ảnh minh họa từ sinh hoạt hàng ngày. Ngài muốn người Do thái phải hiểu rõ là Ngài không đến để rao giảng một Do thái giáo mới đã được cải thiện đâu. Ngài muốn họ nhìn biết rằng Ngài đã không đến để bọc mới lại thứ tôn giáo của họ đã bị hao mòn rồi. Ngài muốn họ phải nhìn biết rằng Ngài đã đến để gạt bỏ cái cũ và đem lại thứ hoàn toàn mới. Ngài muốn họ phải nhìn biết rằng tôn giáo, nghi thức, luật lệ của họ tuyệt đối chẳng có một chỗ nào trong những gì Ngài sắp thành tựu.
Chúa Jêsus muốn hạng người nầy nhìn biết rằng những gì Ngài sắp làm và những gì họ đang làm khác biệt nhau đến nỗi chúng không thể nối kết với nhau được. Ngài muốn họ tiếp thu lấy sứ điệp nói rằng Tin Lành của Ngài không thể dung chứa trong loại bầu của tôn giáo của họ. Chúa Jêsus không đến để làm mới lại Do thái giáo đâu, Ngài đã đến để thiết lập ra Cơ đốc giáo).
A. Minh họa về cái áo (câu 21) – Minh họa đầu tiên Chúa Jêsus sử dụng là hình ảnh mà họ hết thảy đều quen thuộc với. Trong thời buổi ấy, áo quần không bị vứt bỏ khi chúng bị rách. Mỗi người mẹ là một thợ may và bà sẽ vá lại mấy cái áo đó để tuổi thọ của chúng được kéo dài ra.
Hầu hết chúng ta đều chẳng nghĩ gì đến việc vứt bỏ mấy chiếc áo cũ khi chúng bị rách đi. Nhưng, tôi dám chắc có người ở đây có thể nhớ lại việc phải mặc cái áo với các miếng vá trên chúng vì gia đình của bạn không thể mua sắm áo mới. Đấy là tình huống gần như là trong từng gia đình vào thời của Chúa Jêsus.
Nếu một người cầm chiếc áo bị rách lên rồi vá một miếng vải mới vào, lần đầu tiên nó sẽ bị ẩm rồi khô đi, miếng vải mới sẽ rút lại. Khi nó rút lại, nó sẽ chằng cái áo cũ, yếu ớt hơn và chổ rách sẽ trông càng tệ hại hơn trước đó. Cả miếng vải mới và chiếc áo cũ sẽ bị hư đi.
Nguyên tắc thuộc linh ở đây rất là rõ ràng. Chiếc áo cũ không thích hợp với miếng vá mới! Do thái giáo, với mọi nghi thức và luật lệ bề ngoài của nó sẽ không chịu được Cơ đốc giáo với chú trọng của nó nhắm vào mối quan hệ bên trong với Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus không đến để trộn sự dạy của Ngài với những sự dạy của Luật pháp. Chúa Jêsus đã đến để làm ứng nghiệm Luật pháp và giải cứu dân sự của Ngài ra khỏi vòng nô lệ cho mọi luật lệ, phép tắc do con người lập nên.
(Lưu ý: Có một số người trong Hội Thánh đầu tiên, họ đã tìm cách vá Cơ đốc giáo vào chiếc áo Do thái giáo. Mấy người nầy được gọi là “những người theo đạo Do thái”. Họ dạy rằng chỉ có thể được cứu rỗi khi một người chịu tin theo Chúa Jêsus và cũng biết tuân giữ Luật pháp nữa. Họ dạy rằng bạn phải tin đạo Tin Lành, nhưng bạn cũng phải chịu phép cắt bì; vâng theo những điều luật về sự ăn uống; vâng giữ ngày Sa-bát; và sống y như một người Do thái. Họ dạy rằng Cơ đốc giáo là một sự mở rộng của Do thái giáo, Công Vụ các Sứ đồ 15.1.
Cấp lãnh đạo trong Hội Thánh đầu tiên đụng phải nan đề nầy và cung ứng cho chúng ta những huấn thị rõ ràng về vấn đề nầy, Công Vụ các Sứ đồ 15.19-21. Các tân tín hữu đã bị cấm không được làm những việc mất lòng những người Do thái đã được chuộc giữa vòng họ, nhưng họ không bị buộc phải tuân giữ Luật pháp. Phaolô cũng xử lý với hạng người nầy và đã nói rõ tình huống rất trọn vẹn, Galati 5.1-12.
Đây là bài học mà chúng ta cần phải tiếp thu hôm nay: Những luật lệ, nghi thức của người Do thái xưa kia không còn có hiệu lực nữa! Chúng ta bị buộc phải tuân giữ Luật pháp để làm đẹp lòng Chúa hay để được cứu. Chúa Jêsus đã làm ứng nghiệm từng đòi hỏi của Luật pháp và chúng ta không phải cố gắng pha trộn Luật pháp cũ với ân điển mới. Trong Chúa Jêsus, chúng ta được tự do đối với những đòi hỏi của Luật pháp! Minh họa: Côlôse 2.13-17.
Ngay cả những việc làm tôn giáo tốt đẹp nhứt của người Do thái kỉnh kiền nhứt đều chẳng khác gì hơn miếng giẻ rách ở trước mặt Đức Chúa Trời, Êsai 64.6. Chúa Jêsus đã đến để ban cho hạng người bị hư mất chiếc áo xống công bình khiến cho họ đứng vững trọn vẹn và thành toàn ở trước mặt Đức Chúa Trời!)
B. Hình ảnh về bầu da rượu (câu 22) – Minh họa kế tiếp Chúa Jêsus sử dụng, mọi người nghe Ngài giảng trong ngày ấy cũng đều hiểu rõ. Chúa Jêsus sử dụng hình ảnh về bầu da rượu. Những cái chai thủy tinh và plastic không có trong thời buổi đó. Người xưa thường sử dụng da của con dê làm bầu chứa rượu của họ.
Khi một con dê bị giết, da nó được cắt ở quanh cổ và bốn chân rồi gấp cả thân lại thành một miếng. Ống chân sẽ được khâu kín lại. Và phần cổ của con dê sẽ được dùng như cái vòi. Thế là chúng ta có cái bầu rượu. Khi ấy, phần bên trong kia sẽ được dùng để chứa rượu, gọi là bầu rượu. Phần trong ấy sẽ co dãn và nở rộng khi rượu lên men ở bên trong.
Loại bầu da nầy khô đi qua thời gian và giòn rụm. Nếu rượu mới được đổ vào bầu cũ và nó khởi sự lên men, bầu cũ không thể dãn được nữa, không thể điều chỉnh được với lớp gas thải ra do rượu lên men và bầu sẽ vỡ ra. Rượu và bầu rượu cả hai đều bị hư mất. Vì thế, tai vạ sẽ lớn gấp bằng hai. Bầu chứa thích hợp cho rượu mới phải là bầu da mới.
Một lần nữa, nguyên tắc thuộc linh rất là rõ ràng. Do thái giáo, với mọi luật lệ và phép tắc của nó, không thể chứa chức vụ và sứ điệp của Đức Chúa Jêsus Christ. Ngài không đến để đổ rượu mới Thánh Linh Ngài vào những tấm lòng đang ra sức làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng cách tuân giữ các phép tắc và truyền thống của con người. Chúa Jêsus đã đến để ban sự sống mới cho hạng tội nhân bị hư mất. Ngài đã đến để cất bỏ bầu da cũ xác thịt của chúng ta rồi dựng chúng ta nên mới bởi quyền phép của Ngài. Khi Ngài biến đổi chúng ta qua sự sanh lại, chúng ta cần phải sẵn sàng để tiếp nhận rượu mới Thánh Linh Ngài. Chỉ người nào đã được cứu bởi ân điển và đã được lại sanh mới là bầu chứa thích ứng cho Thánh Linh của Đức Chúa Trời!
(Minh họa: Chúng tôi có hai cây sồi cũ ở trước sân nhà. Chúng cung ứng bóng mát vào những tháng mùa hè, nhưng chúng cũng gây lắm bực mình. Hai cây nầy không rụng lá của chúng vào mùa thu. Những cái lá héo, chết khô kia cứ bám mãi vào nhánh cây cho tới thời điểm mùa xuân đến.
Khi mùa xuân đến, nhựa cây phát sinh ở trong thân. Những lộc mới bắt đầu đơm ra từ cuối nhánh cây, rồi những chiếc lá cũ buộc phải rụng đi. Sự sống mới trong cây ấy mở rộng ra và khiến cho thứ chi chết chóc phải rụng mất đi!
Đấy chính xác là những gì Chúa Jêsus muốn làm trong đời sống chúng ta! Những đường lối cũ của tội lỗi và bản ngã sẽ đeo bám mãi bao lâu chúng có thể. Tôn giáo, các nghi thức của tôn giáo và các lời truyền khẩu của con người sẽ không sửa chữa được con người cũ; những việc ấy chỉ bám vào họ trong một thời gian ngắn mà thôi.
Khi Chúa Jêsus bước vào, Ngài tạo ra một sự sống mới bên trong bạn. Sự sống mới Ngài đặt để bên trong bạn bắt đầu làm việc theo cách thức của nó. Thế rồi, những gì Chúa đã làm ở bên trong bắt đầu thấy rõ ràng ở bên ngoài khi Ngài thay đổi người cũ thành người được dựng nên mới cho sự vinh hiển của Chúa. Rượu mới của Chúa Jêsus ở bên trong sẽ làm vỡ bầu da con người cũ mà lộ ra ngoài. Xác thịt cũ nầy không thể chứa được công việc của Đức Chúa Trời ở trong tấm lòng!
Khi Chúa Jêsus đầy dẫy bầu da của đời sống chúng ta, Ngài căng chúng ta ra theo những giới hạn mới. Áp lực bên trong của sự hiện diện Ngài thế chỗ cho những thứ không cần thiết và đầy dẫy từng lãnh vực trong đời sống của chúng ta. Sự sống mới nầy rất có quyền phép, năng động và khác biệt đến nỗi bầu da cũ tôn giáo và các đường lối sống cũ phải nhường đường cho sự sống mới mà Ngài đặt để ở bên trong chúng ta.
Cho phép tôi nói rõ ràng rằng Chúa Jêsus không đến để hủy diệt Luật pháp, Ngài làm trọn Luật pháp ấy, Mathiơ 5.17. Chúa Jêsus đã làm trọn bộ luật đạo đức mà Ngài đã gìn giữ từng chữ ở trong đó. Chúa Jêsus đã làm trọn bộ luật nghi thức mà Ngài tuyệt đối chu toàn trọn vẹn từng dòng chữ, từng biểu tượng và từng của lễ. Chúa Jêsus đã làm trọn hết bộ luật của pháp luật mà Ngài là hiện thân trọn vẹn của sự công bình. Khi Ngài đến, Ngài đến với sự trọn vẹn như thế, cho nên chẳng phải ao ước chi về cái áo cũ hay bầu da cũ nữa mà chi.
Sự thể giống như cái hột kia. Bạn có thể lấy hòn đá hay cây búa đập vỡ nó ra, hoặc bạn có thể gieo chính cái hột ấy rồi để nó mọc thành cây sồi. Không cứ cách nào đó, cái hột bị hủy diệt. Nếu bạn đập vỡ nó, nó sẽ chết mất đời đời. Nếu nó mọc lên thành cây sồi, nó đã đạt được mục tiêu trọn vẹn nhất của nó.
Chúa Jêsus ngự vào tấm lòng của chúng ta không phải để đặt chúng ta dưới ách của Luật pháp, mà khiến chúng ta sống theo ý muốn trọn vẹn của Ngài qua quyền phép của Đức Thánh Linh. Chúa Jêsus không đập vỡ chúng ta ở dưới Luật pháp; Ngài đặt Luật pháp của Ngài trong lòng chúng ta rồi giúp chúng ta đạt được sự tốt nhứt của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta. Ngài ngự vào để giúp cho chúng ta sống đời sống của chúng ta cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Luật pháp không bao giờ làm được như thế!)
Phần kết luận: Chúa Jêsus không đến để pha trộn đường lối mới của Ngài với những đường lối cũ của việc sống và tin. Chúa Jêsus đã đến để chuộc lấy hạng tội nhân rồi ban cho họ sự sống mới ở trong Ngài. Đấy là lý do tại sao sự cứu rỗi được đề cập tới như một sự “sanh lại”, Giăng 3.3, 7.
Có nhiều người đang ra sức vá miếng vải Cơ đốc giáo vào chiếc áo cũ đời sống của họ. Làm thế chẳng được gì đâu! Chúa Jêsus không muốn sửa đổi lại đời sống cũ của bạn; Ngài muốn dựng bạn thành một con người mới! Có nhiều người muốn Chúa Jêsus đổ đầy bầu da hệ thống tín điều cũ của họ. Họ muốn Chúa Jêsus, nhưng họ không muốn tất cả những thay đổi mà Ngài mang lại. Làm thế cũng chẳng được gì cả! Khi Chúa Jêsus ngự vào, những thay đổi Ngài tạo ra cũng mở rộng, đầy năng quyền, và năng động đến nỗi chúng hoàn toàn hủy diệt cái cũ và chỉ để lại cái mới mà thôi.
Bạn không thể trộn Chúa Jêsus lẫn với tôn giáo của bạn được đâu. Bạn không thể trộn Chúa Jêsus lẫn với đường lối sống của bạn được đâu. Muốn được cứu, bạn phải đến với Chúa Jêsus và hoàn toàn rời bỏ các thứ khác. Khi bạn làm như thế, bạn sẽ khám phá ra rằng Ngài có quyền biến đổi bạn từ chỗ bạn như thế nào cho đến chỗ mà bạn không thể tưởng tượng được mình sẽ như thế ấy.
Bạn có kinh nghiệm sanh lại chưa? Bạn được cứu chứa?
Có phải bạn cứ cố tình trộn cái cũ với cái mới không? Có phải bạn đang cố gắng gắn miếng vá Cơ đốc giáo vào chiếc áo cuộc sống của bạn chăng? Làm thế chẳng được gì đâu! Bạn cần phải đến với Chúa Jêsus và bạn cần phải được cứu.
Có thể bạn đã làm theo hết thảy những nghi thức. Bạn đã chịu phép báptêm. Bạn đã dự Tiệc Thánh. Bạn đã tham gia vào trong Hội Thánh. Bạn đã làm hết mọi chuyện rồi, nhưng bạn chưa hề sấp mình xuống như một tội nhân bị hư mất, ăn năn về tội lỗi của mình và cầu xin Chúa Jêsus ngự vào tấm lòng của bạn. Bạn có tôn giáo, nhưng bạn không có Chúa Jêsus. Bạn là một người Báptít, nhưng bạn chưa phải là Cơ đốc nhân. Ngày nay, hãy thay đổi đi! Hãy đến với Chúa Jêsus ngay bây giờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét