Mác 11:1-11
NẦY, VUA NGƯƠI ĐẾN CÙNG NGƯƠI!
Phần giới thiệu: Chúng ta đã đến tận điểm mấu chốt của sách Mác. Chúa Jêsus đang ở trên Núi Ôlive nhìn phía bên kia thành Jerusalem. Chúa Jêsus đã đến đây mấy lần rồi, thực vậy, Ngài đã có mặt ở thành phố dưới kia rất nhiều lần. Khi Ngài xuống từ Núi Ôlive trong ngày nầy, Ngài sẽ bị đặt vào chỗ dính dáng tới những biến cố sẽ lên tận chung điểm của nó với sự chết của Ngài trên thập tự giá và sự sống lại của Ngài từ kẻ chết.
Các biến cố chúng ta đang nghiên cứu hôm nay đã diễn ra vào thời điểm nào đó trong ngày Chúa nhựt. Trước khi mặt trời lặn vào thứ Sáu kế đó, Chúa Jêsus sẽ bị đóng đinh trên thập tự giá rồi bị đem chôn. Trước khi mặt trời mọc lên vào sáng Chúa nhựt tới, Chúa Jêsus sẽ thắng hơn sự chết, âm phủ và mồ mả bằng cách sống lại từ kẻ chết. Những biến cố trong ngày nầy, đánh dấu sự khởi đầu Tuần Lễ Thương Khó của Chúa chúng ta.
Lên tới điểm nầy trong chức vụ của Chúa Jêsus, Ngài luôn luôn nói cho người của Ngài biết họ phải giữ im lặng về lai lịch của Ngài. Thường thì khi Ngài chữa lành cho dân chúng, Ngài bảo họ hãy đi đường mình rồi giữ im lặng về những gì đã xảy ra cho họ, Mác 7:36; 8:30; 9:9; Luca 8:56. Giờ đây, có một sự thay đổi trong chiến lược của Chúa. Vào ngày nầy, Chúa Jêsus bắt đầu kéo sự chú ý về chính mình Ngài. Tại sao chứ? Ngài làm vậy vì Ngài sắp sửa làm ứng nghiệm một lời tiên tri xưa. Ngài làm thế vì Ngài sắp sửa giới thiệu chính mình Ngài cho dân Israel trong vai trò Vua của họ.
Hàng trăm năm trước, tiên tri Xachari đã viết ra mấy lời nầy: “Hỡi con gái Si-ôn, hãy mừng rỡ cả thể! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trổi tiếng reo vui! Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công bình và ban sự cứu rỗi, nhu mì và cỡi lừa, tức là con của lừa cái” (Xachari 9:9). Chúa Jêsus sắp sửa làm ứng nghiệm lời tiên tri ấy đến từng chi tiết.
Tôi muốn chúng ta cùng nhau xem xét phân đoạn Kinh Thánh nầy hôm nay. Tôi tin rằng có một số lẽ thật quí báu có thể thu lượm được từ giờ phút nầy trong đời sống của Cứu Chúa chúng ta. Tôi muốn mượn đề tài nầy từ câu nói trong sách Xachari. Ông nói: “Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi”. Tôi muốn giảng cho bạn biết về vị Vua nầy. Tôi muốn bạn nhìn thấy Thân Vị của vì Vua nầy; Sự tỏ ta vì Vua nầy và Mục đích của vì Vua nầy.
I. THÂN VỊ CỦA VÌ VUA NẦY (các câu 1-6)
(Minh họa: Khi chúng ta quan sát Chúa trong mấy câu nầy, chúng ta có được cái nhìn thoáng qua sự vinh hiển của Ngài. Hãy tưởng tượng ra bối cảnh nếu bạn muốn:
Lúc ấy, vào sáng sớm, Chúa Jêsus đang lo sửa soạn để đi lên thành Jerusalem. Ngài sẽ di chuyển qua hai ngôi làng nhỏ gần đỉnh núi. Ngài đang ở trong thành Bê-pha-giê, có nghĩa là: “Nhà đầy lá vả còn xanh” và Bê-tha-ny, có nghĩa là “Nhà đầy quả chà là”. Chúa Jêsus có một vài bạn hữu ở tại làng Bêthany, Mary, Mathê và Laxarơ, Ngài đã ở lại với họ trong những ngày cuối cùng ở trên đất. Thật vậy, Chúa Jêsus mới vừa làm ra một trong những phép lạ đáng nhớ nhất của Ngài khi Ngài làm cho Laxarơ sống lại từ kẻ chết, Giăng 11.
Bây giờ, Chúa Jêsus đang đứng trên đỉnh Núi Ôlive, sửa soạn đi xuống thành phố ở bên dưới. Từ đỉnh ngọn núi ấy, là nơi có cao độ khoảng 2.600 feet trên mặt nước biển trung bình, Chúa Jêsus có thể nhìn thấy thành phố xinh đẹp đang bày ra ở trước mặt Ngài.
Hãy in trong trí những biến cố ấy đã diễn ra trong tuần lễ dẫn tới Lễ Vượt Qua. Các sử gia cho chúng ta biết rằng dân cư thành Jerusalem có khoảng 80.000 người lúc bấy giờ. Trong Lễ Vượt Qua, giữa hai đến ba triệu người sẽ tụ tập trong thành phố để dự lễ. Dân chúng đã vào trong thành thật sớm; họ trông mong Đức Chúa Trời làm một việc gì đó đang khi họ có mặt ở đó. Đức Chúa Trời sẽ làm công việc lớn lao nhất của Ngài trong mọi việc ở lễ Vượt Qua nầy, nhưng hầu hết mọi người đều đã bỏ sót việc ấy.
Chúa Jêsus đã chọn giờ phút nầy để bày tỏ chính mình Ngài ra cho dân Israel. Ngài đã chọn thời điểm nầy để khiến cho dân Israel nhìn biết rằng Vua của họ đã đến. Hãy chú ý cách thức Ngài được tỏ ra trong mấy câu nầy).
A. Phẩm cách của Ngài – Minh họa: Nội dung – Chúa Jêsus sai hai trong số các môn đồ của Ngài vào một ngôi làng để bắt lấy một con lừa con. Ngài nói cho họ biết chính xác nơi mà họ sẽ tìm gặp nó và người ta ở xung quanh sẽ nói chi với họ. Thậm chí Ngài còn cung ứng cho họ một số chi tiết về con vật nữa. Khi người của Ngài ra đi để hoàn tất phần việc nầy, họ thấy được mọi sự đúng y như Chúa Jêsus đã phán dạy vậy.
Làm sao Chúa Jêsus biết rõ điều nầy chứ? Một số trước giả cho rằng Chúa Jêsus đã từng là chủ của con lừa nầy và đã sắp xếp để sử dụng con vật. Họ tin Chúa Jêsus dàn dựng sự việc nầy trước rồi. Tôi nghĩ họ tin Chúa Jêsus dàn dựng mọi việc giống như con cá mà Phierơ đã bắt được với đồng tiền nộp thuế trong miệng nó vậy, Mathiơ 17:27.
Phải, Ngài đã dàn dựng sự việc ấy, song không phải về mặt thuộc thể đâu. Ngài đã dàn dựng sự việc theo sự tể trị của Ngài! Những biến cố nầy nhắc cho chúng ta nhớ rằng Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời và Ngài đang nắm quyền tể trị trên mọi sự, Êphêsô 1:11; Êsai 46:10-11! Điều đó khích lệ tôi! Vậy, những câu nầy minh chứng rằng Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời!
(Lưu ý: Hai môn đồ nào đã tìm ra con lừa? Kinh Thánh không có nói! Bạn thấy đấy, bao lâu Chúa được vinh hiển thì ai làm chẳng phải là vấn đề đâu!
Tôi lấy làm lạ không biết hai người đó có than phiền về phần việc của mình hay không!?! Nếu họ là hàng tín đồ Tin Lành. Tôi có thể nghe họ nói: “Ông có tin điều nầy không? Rốt lại, chúng ta đã làm việc cho Ngài; Chúa Jêsus bắt lấy chúng ta để làm phần việc bẩn thỉu nầy”. Họ không nhận ra rằng họ là những công cụ Ngài sử dụng để làm ứng nghiệm lời tiên tri. Họ đang làm một việc còn to lớn hơn họ có thể nhìn thấy nữa.
Chúng ta thường như thế đấy! Khi chúng ta dấn thân vào công việc Chúa, chúng ta dấn thân vào công việc rất là to lớn!)
B. Quyền phép của Ngài – Mấy câu nầy cũng rỏ ra quyền phép và uy quyền của Chúa chúng ta. Hãy chú ý những gì Chúa Jêsus phán ở câu 3. Ngài phán: “hãy đáp lại: Chúa cần dùng nó”. Chúa Jêsus gọi chính mình Ngài là “Chúa”! Đấy là một câu nói chỉ ra uy quyền của Ngài và quyền phép của Ngài trong tình huống nầy.
Tôi mới vừa nhắc cho bạn nhớ rằng Ngài vẫn là “Chúa” hôm nay. Ngài vẫn có mọi thẩm quyền, dù loài người có công nhận Ngài và sấp mình xuống trước mặt Ngài hay không. Sẽ có một ngày họ sẽ sấp mình xuống, Philíp 2:9-11. Sẽ có một ngày bạn sẽ sấp mình xuống! Tại sao không làm việc ấy ngay hôm nay khi sấp mình xuống trước mặt Chúa Jêsus có thể kết quả trong sự cứu rỗi của bạn đấy?
(Lưu ý: Chúa Jêsus được người dân trong mấy ngôi làng nầy biết rõ lắm. Rốt lại, Ngài mới vừa làm cho Laxarơ sống lại từ kẻ chết kia mà. Ngài là nhân vật nổi tiếng ở địa phương ấy. Khi người chủ nghe được chính Chúa Jêsus là Đấng đang cần con lừa, ngay lập tức họ liền trao nó cho Ngài).
(Lưu ý: Hãy nhìn vào câu nói ở câu 3: “Chúa cần dùng nó”. Đấy là một câu nói đáng kinh ngạc! Khi nào thì Đức Chúa Trời “cần” một thứ gì đó? Nhưng, đấy là sự nghịch lý trong đời sống của Chúa chúng ta trên đất. Ngài vốn giàu có, tuy nhiên Ngài đã trở nên nghèo, II Côrinhtô 8:9.
+ Ngài có mọi sự, thế mà Ngài chẳng sở hữu chi hết. Ngài đã dựng nên các vì sao, thế mà Ngài chẳng có chỗ để gối đầu, Mathiơ 8:20.
+ Ngài làm nên muôn vật từ chỗ không không, thế mà Ngài phải mượn một chiếc thuyền để giảng Tin Lành từ đó.
+ Ngài đã dựng nên từng giọt nước đang hiện hữn trong thế gian, thế mà Ngài lại kêu lên: “Ta khát” khi Ngài hấp hối trên thập tự giá, Giăng 19:28.
+ Ngài đã dựng nên từng cây cối, thế mà Ngài chịu chết trên một cây thập tự mượn.
+ Ngài đã dựng nên từng vầng đá, thế mà Ngài phải mượn một ngôi mộ để được chôn cất trong đó.
+ Ngài đã sử dụng những đám mây làm xe ngựa của Ngài, Thi thiên 104:3, thế mà Ngài phải mượn một con lừa để cỡi nó.
+ Đấy là sự nghịch lý trong đời sống của Ngài!
+ Ngài tuy giàu, thế mà làm cho mình ra nghèo để những ai tin Ngài sẽ vui hưởng những sự giàu có của Ngài!)
(Lưu ý: Chúng ta hãy nói về con lừa ấy trong một vài phút đồng hồ. Chúa cần con lừa ấy để chu toàn sứ mệnh của Ngài ở đây trên đất. Điều đó há có ngạc nhiên không? Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời và Ngài đã làm điều nầy với bất cứ thứ chi Ngài chọn làm, nhưng Ngài lại chọn sử dụng con lừa con ấy.
Đồng thời, Ngài vẫn còn sử dụng những con lừa con để thực thi công việc của Ngài ở trên đất. Ngài sử dụng những kẻ giống như bạn và tôi. Ngài đã hoạch định phần việc cho hàng thiên sứ, nhưng Ngài lại chọn làm việc qua những công cụ loài người. Tôi rất vui sướng khi trở thành một phần trong công việc của Ngài. Tôi rất vui sướng khi Ngài có thể sử dụng một con lừa con giống như tôi!
Cho phép tôi nhắc tới một số sự kiện quan trọng về con lừa nầy trước khi chúng ta để nó lại sau lưng.
+ Con lừa ấy đã được chuộc – Xuất Êdíptô ký 13:13; 34:20. Con lừa con ấy còn sống và hữu dụng cho Chúa vì nó đã được chuộc bởi huyết của một chiên con. Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời, đấy là lý do tại sao tôi có sự sống hôm nay. Đấy là lý do duy nhứt bạn và tôi có sự ích lợi cho Chúa hôm nay. Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời vì quyền phép cứu chuộc của huyết Chúa Jêsus!
+ Con lừa ấy phải được thả ra – Nó bị cột và phải được thả ra trước khi Chúa có thể sử dụng nó. Trước khi bạn và tôi có thể có ích cho Ngài, những xiềng xích tội lỗi của chúng ta phải bị phá vỡ và chúng ta phải được buông tha. Tôi ngợi khen Danh Ngài, đấy đúng là những gì Ngài đang làm cho các thánh đồ Ngài, Rôma 6:14; Giăng 8:36.
+ Con lừa ấy phải được chế ngự – Có người phải chịu trách nhiệm trên con lừa đó. Câu 2 cho chúng ta biết rằng con lừa chưa hề có ai cỡi nó. Tuy nhiên, nó tự thuần phục Chúa Jêsus và phục theo sự điều khiển của Ngài. Con lừa ấy không sợ hãi bởi những đoàn dân đông hay bởi tiềng ồn ào của họ. Bản thân nó tự đầu phục thật hoàn toàn đối với Chúa. Đấy là những gì Ngài trông mong nơi chúng ta! Ngài đang tìm kiếm sự đầu phục và vâng phục thật hoàn toàn, Rôma 12:1-2.
Chúa có thể cứu hạng tội nhân rồi hoàn tất công việc của Ngài trên đất cũng tốt đẹp mà chẳng cần chúng ta. Tuy nhiên, Ngài chọn sử dụng những công cụ con người yếu đuối cho sự vinh hiển của Ngài. Khi chúng ta sống giống như con lừa ấy, được chuộc, được buông tha và được chế ngự, Ngài cũng có thể đại dụng chúng ta nữa).
(Lưu ý: Ở câu 6, cụm từ “Hai người trả lời theo Đức Chúa Jêsus đã dặn; thì họ để cho đi”, ý nói: “Chúa sẽ gửi trả lại con lừa ngay sau khi Ngài xong việc với nó”. Nói khác đi, Chúa Jêsus nói cho người của Ngài biết phải nói với người chủ con lừa rằng Ngài sẽ trả lại tài sản của họ sau khi Ngài xong việc với nó.
Khi con lừa đó trở lại, nó còn tốt hơn khi nó được dắt đi nữa. Khi nó bị dắt đi, nó chưa được thuần hóa. Khi nó trở lại với nguyên chủ, nó đã sẵn sàng cho cỡi. Đấy đúng là điều mà Chúa đang làm! Ngài bắt lấy khi chúng ta dâng cho Ngài rồi khi Ngài ban nó lại, nó còn tốt hơn khi Ngài nhận lấy nó nữa.
+ Hãy dâng cho Ngài một Ápram, một kẻ tà giáo bị hư mất, Ngài sẽ ban lại cho bạn một Ápraham, một nhân vật có đức tin rất mạnh mẽ.
+ Hãy dâng cho Ngài Giacốp của bạn, một tên đầu sỏ đầy mưu mẹo, và Ngài sẽ ban lại cho bạn một Israel, Vương Tử của Đức Chúa Trời.
+ Hãy dâng cho Ngài Saulơ người Tạtsơ của bạn, một con người độc ác và Ngài sẽ ban lại cho bạn một Phaolô, vị Sứ đồ toàn năng của Đức Chúa Trời.
+ Hãy dâng cho Ngài Si-môn của bạn, một con người yếu đuối, hay dao động, thì Ngài sẽ ban lại cho bạn một Phierơ, là vầng đá cho Chúa Jêsus.
+ Hãy dâng cho Ngài đời sống đầy vết thẹo tội lỗi, tan vỡ của bạn, thì Ngài sẽ ban lại cho bạn một khởi sự mới, một đời mới và một quê hương ở trên trời!)
II. SỰ TỎ RA CỦA VÌ VUA NẦY (các câu 7-10)
(Minh họa: Chúng ta đã lướt qua Thân Vị của Vì Vua nầy trong biến cố nầy. Chúng ta cũng được phép xem qua Sự Tỏ Ra Của Vì Vua Nầy trong mấy câu Kinh Thánh đó.
Các môn đồ ra đi rồi dắt con lừa về. Họ trở lại với Chúa Jêsus rồi đặt áo ngoài của họ trên lưng con thú. Chúa Jêsus leo lên lưng con lừa rồi khởi sự đi xuống núi. (Minh họa: Sự thực cho thấy rằng con thú mà Chúa Jêsus đang cỡi chưa hề được dạy dỗ, bản thân nó là một phép lạ rồi. Tất nhiên, Thi thiên 8:6-8 nói cho chúng ta biết rằng Ngài có quyền quản trị trên tạo vật nầy).
Nhà Vua của Israel sắp sửa tỏ chính mình Ngài ra cho cả nước.
A. Ngài là nhân vật thấp hèn – Như tôi đã nói trước đây, Chúa Jêsus đang làm ứng nghiệm lời tiên tri xưa ở Xachari 9:9. Một phần lời tiên tri ấy nói rằng Đấng Mêsi sẽ là “thấp hèn”. Đấy là điều chúng ta đang nhìn thấy ở đây. Chúng ta thấy một Con Người hạ mình đang ngồi trên lưng một con thú thấp hèn, đưa ra một lời công bố thấp hèn về lai lịch của Ngài.
Hãy tưởng tượng đám rước ấy xem. Chúa Jêsus đang ngồi trên lưng con lừa và Ngài bị vây quanh bởi cả một đoàn dân đông. Như một trước giả đã nói, đó là một “đám rước của hạng người cùng khổ”. Dân chúng đang vẫy những nhánh cây chà là chớ chẳng phải gươm. Ngài đang ngồi trên những chiếc áo choàng cũ chớ không phải trên yên ngựa. Ngài đang cỡi một con lừa con chớ không phải một con ngựa chiến. Ngài bị vây quanh bởi đám người hỗn tạp khố rách áo ôm chớ không phải những chiến binh mạnh sức. Những tên lính Lamã nào nhìn thấy cuộc diễu hành nầy sẽ cười nhạo Nhân Vật nầy sẽ trở thành Vua của dân Do thái.
Những binh sĩ đã nhìn thấy đoàn diễu hành thắng trận vào thành Rôma. Trong đám rước long trọng ấy, những vị tướng lãnh Lamã chiến thắng sẽ trở về từ bãi chiến trường với nhiều chiến lợi phẩm. Các vua và binh lính bại trận sẽ bị đem ra diễu hành khắp thành phố. Đoàn quân chiến thắng sẽ đi qua nhiều đám đông đang vui mừng hớn hở. Những con voi, cọp và sư tử sẽ diễu hành qua đó nữa. Vị tướng chiến thắng sẽ cỡi trên chiến xa tốt nhứt do bầy ngựa chiến kéo đi. Hàng ngàn người sẽ vui mừng và Rôma nhảy mừng với những tiếng hô của dân chúng ngợi khen Caesar và các thần linh của người Lamã. Nhưng, cuộc diễu hành nầy, cuộc diễu hành nầy đã trở thành một sự vui cười cho hết thảy những ai trông thấy nó.
Đám rước nhỏ nhoi nầy chỉ mới là bắt đầu! Những biến cố đã bắt đầu ngày nầy một ngày kia sẽ làm lung lay cả Đế quốc Lamã. Một ngày kia, Vì Vua thấp hèn nầy sẽ đem Rôma đến với hai đầu gối của nó! Đồng thời, vị tướng lãnh Lamã chỉ có thể có một cuộc diễu hành chiến thắng nếu ông ta đã giết hơn 5.000 binh lính kẻ thù ở chiến trường. Không bao lâu sau đó, Vua Jêsus sẽ xưng mình có hơn 8.000 tân tín hữu, Công Vụ các Sứ Đồ 2:41; 4:4.
Hãy nhìn lại đám dân đông nầy xem. Ai có mặt ở đó khi dân chúng vẫy những nhánh chà là trước mặt Chúa Jêsus và lót đường với áo xống của họ? Tôi nghĩ Batimê có mặt ở đó. Tôi hình dung Xa-chê có mặt ở đó. Tôi tưởng tượng Laxarơ đã có mặt tại đó, cùng với Mary và Mathê. Đám đông ấy đầy ắp những người mà Ngài đã chữa lành, đã giải phóng và đã phục vụ cho và họ đang ca ngợi Ngài. Tôi cũng có mặt trong đám rước ấy nữa đấy! Đó là một đám rước thật dài, thật đông, nhưng đám rước ấy cứ diễu hành mãi hướng tới cõi đời đời với Chúa Jêsus đang dẫn đầu. Người nào nhận biết Ngài vẫn đang ngợi khen danh Ngài và đang thờ lạy Ngài là Đấng trở nên nghèo để chúng ta được giàu có trong Ngài!
B. Ngài là Đấng cao quý – Khi dám dân đông từ sườn núi Ôlive đi xuống, dân chúng đang ngợi khen Chúa. Họ đang hát “đối đáp” với nhau. Những người đi phía trước sẽ nói một câu và những người đi phía sau sẽ đáp lại họ. Chúng ta được truyền cho biết những gì họ đã nói ở các câu 9-10. Từ ngữ “Hôsana” có ý nói “cứu ngay bây giờ”. Đây là tiếng kêu la dành cho Đấng Mêsi đến giải phóng dân sự Ngài. Nó cũng được sử dụng như tiếng hô ngợi khen, giống như “Halêlugia” vậy.
Dân chúng đang ca ngợi danh của nhà Vua, giống như tác giả Thi thiên đã nói trước họ sẽ ca ngợi ở trong Thi thiên 118:25-26. Dân chúng đang tôn cao Chúa Jêsus là Vua của họ, và họ đang làm đúng những gì phải làm!
Mác không nói tới điều nầy, nhưng Luca có nói. Luca nói cho chúng ta biết rằng người dòng Pharisi đã chao đảo vì sự tỏ ra nầy. Họ muốn Chúa Jêsus bảo các môn đồ Ngài thôi đừng hô lớn tiếng như thế nữa. Chúa Jêsus bảo họ rằng nếu dân sự nầy giữ im lặng, thì chính những hòn đá kia sẽ reo lên, Luca 19:39-41. Nói khác đi, lời tiên tri sẽ được ứng nghiệm và Chúa sẽ có sự ca ngợi Ngài. Ngài sẽ có sự ca ngợi trên cả đất!
Cho phép tôi nói rằng bao lâu Chúa cứu hạng tội nhân và để các thánh đồ Ngài sống trên đất nầy, sẽ có một số người ca ngợi Ngài. Và, Ngài xứng đáng nhận lãnh loại ca ngợi đó! Chúng ta được truyền cho phải ca ngợi Ngài. Chúng ta có từng lý do để ngợi khen Ngài. Tôi không muốn những hòn đá phải làm những điều mà tôi có khả năng làm. Xấu hổ giáng trên chúng ta khi chúng ta không thể tìm được lời lẽ, sự dạn dĩ và những lý cớ để ngợi khen Chúa! Ngài vẫn là Đấng cao quý và Ngài vẫn xứng đáng để được ngợi khen trên thế gian và đặc biệt trong Hội Thánh của Ngài.
III. MỤC ĐÍCH CỦA VÌ VUA (câu 11)
(Minh họa: Chúa Jêsus song hành với đám rước nầy để làm ứng nghiệm Lời của Đức Chúa Trời, nhưng Ngài có mục đích khác trong những điều Ngài sẽ lo làm. Thực vậy, Ngài có mục đích gồm có hai phần. Hãy nhìn xem những gì Ngài đã làm).
A. Thử nghiệm thành phố – Mác không nói tới việc nầy, nhưng Luca có nói, Luca 19:41-44. Khi Chúa Jêsus đến gần thành phố, Ngài nhìn thấy thành Jerusalem. Ngài nhìn thấy tương lai của họ.
+ Ngài biết rõ trong bốn mươi năm, quân Lamã sẽ đến bao vây thành phố.
+ Ngài biết rõ hơn 30.000 người Do thái sẽ bị đóng đinh trên thập tự giá khi quân đoàn Lamã diễu hành hướng tới thành phố.
+ Ngài biết rõ thành phố sẽ chống cự trong nhiều tháng trời, đang khi dân chúng chịu không nổi bởi hàng ngàn người bị bịnh tật và đói kém.
+ Ngài biết rõ họ sẽ ném thi thể người chết qua các bức tường thành Jerusalem.
+ Ngài biết rõ Tướng Lãnh Lamã là Titus sẽ nhìn thấy hàng đống thi thể gục chết nằm bên ngoài các bức tường thành Jerusalem và Ngài đã giơ tay hướng lên trời kêu cầu Đức Chúa Trời như một chứng nhân ấy chẳng phải lỗi của Ngài và thành ấy không đáng phải chịu như vậy.
+ Chúa Jêsus biết rõ rằng quân Lamã sẽ chinh phục thành phố, Đền Thờ và thành phố sẽ bị hủy diệt hoàn toàn.
+ Ngài cũng biết rõ dân chúng sẽ bị tan rãi như bốn ngọn gió của đất.
+ Ngài biết rõ tất cả những việc nầy và nhiều hơn nữa, nên Chúa Jêsus đã bật khóc về thành phố.
Hãy tiếp lấy hình ảnh ấy vào trong lý trí của bạn! Dân chúng đang hô to, nhảy múa và ca hát. Họ đang ca ngợi Đức Chúa Trời và Chúa Jêsus. Họ rất phấn khích và họ lớn tiếng trong nổi phấn khích của họ. Tuy nhiên, Chúa Jêsus là một con người với tấm lòng tan vỡ. Ngài biết dân Israel sẽ chẳng tiếp nhận Ngài, Giăng 1:11. Ngài biết họ sẽ chối bỏ và đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Ngài biết họ bị đề cử cho sự phán xét và ở giữa sự hân hoan kia, Chúa Jêsus đã bật khóc! Đấy là lý do tại sao Ngài được gọi là “thống khổ nhân”, Êsai 53:3.
(Lưu ý: Bạn có bao giờ lấy làm lạ về điều Chúa Jêsus nhìn thấy khi Ngài nhìn xuống thành phố của chúng ta không? Chúng ta nhìn thấy sự suy giảm về kinh tế. Chúng ta nhìn thấy người nào có lòng tốt, song họ không quan tâm đến những vụ việc của Đức Chúa Trời. Chúng ta nhìn thấy hạng người mà chúng ta phải bực tức. Chúng ta nhìn thấy những triễn vọng cho Hội Thánh chúng ta. Chúng ta nhìn thấy bạn bè, kẻ láng giềng, cả thánh đồ và hạng tội nhân. Nhưng, Chúa Jêsus nhìn thấy điều gì?
Chúa Jêsus nhìn thấy những ai đang chịu khổ. Chúa Jêsus nhìn thấy những ai đang bị hư mất. Chúa Jêsus nhìn thấy những ai sẽ phải đi địa ngục. Ồ, chúng ta cần phải nhìn thấy người ta trong thành phố của chúng ta giống như Chúa Jêsus nhìn thấy họ dường bao. Khi chúng ta nhìn thấy, chúng ta sẽ bật khóc về họ giống như Ngài đã bật khóc về thành Jerusalem. Khi chúng ta khóc y như Ngài đã khóc, chúng ta sẽ bị tác động muốn đem Tin Lành đến với họ. Bạn nhìn thấy dân chúng trong thành phố nầy như thế nào vậy?)
B. Để thử nghiệm Đền Thờ – Việc sau cùng Chúa Jêsus đã làm trong ngày ấy là thăm viếng Đền Thờ. Ngài đã dành thì giờ để nhìn vào “mọi sự”. Ngài nhìn thấy vẻ đẹp của các tòa nhà. Ngài nhìn thấy vàng, bạc và tất cả những lễ phục tôn giáo. Ngài nhìn thấy dòng thầy tế lễ đang thực thi mọi nghi thức của họ. Ngài nhìn thấy dân chúng đem những của lễ đến dâng cho các thầy tế lễ. Ngài nhìn thấy hết mọi sự, nhưng bạn sẽ chú ý là họ không nhìn thấy Ngài.
Ồ, họ đã trông thấy Ngài, ít nhất họ đã nhìn thấy thân thể vật lý của Ngài, song họ không nhìn thấy Ngài! Nhà Vua đã bước vào Đền thờ và họ chẳng biết gì về sự ấy. Chúa Vinh Hiển đã thăm viếng nhà của Ngài và họ chẳng biết đến sự hiện diện của Ngài. Ngài đã nhìn thấy họ chẳng có một chỗ nào cho Ngài trong Đền Thờ của họ, vì thế Ngài đã bỏ đi.
(Lưu ý: Chúa Jêsus nhìn thấy điều gì khi Ngài đến tại nhà thờ của chúng ta? Ngài đang hiện diện ở đây hôm nay, Mathiơ 18:20! Ngài nhìn thấy điều chi vậy? Có phải Ngài nhìn thấy kẻ nào đến đặng tìm kiếm Ngài, hay có phải Ngài nhìn thấy hạng người đến đấy vì những động lực nào đó không? Có phải Ngài nhìn thấy những kẻ đang thờ lạy Ngài và ca ngợi Ngài, hay có phải Ngài nhìn thấy hạng người bị cuốn vào những nghi thức không?
Chúa Jêsus nhìn thấy điều gì trong nhà thờ nầy hôm nay? Quan trọng hơn, Chúa Jêsus nhìn thấy điều chi trong tấm lòng của bạn vậy? Có phải Ngài nhìn thấy gương mặt người ấy phản ảnh Ngài? Có phải Ngài nhìn thấy một tấm lòng đầy dẫy với lòng kính mến Ngài? Có phải Ngài nhìn thấy một người thờ phượng sốt sắng không? Hay có phải Ngài nhìn thấy bạn đang bị hư mất? Có phải Ngài nhìn thấy bạn cần phải về quê hương? Có phải Ngài nhìn thấy mọi sự chẳng chút gì suông sẻ trong tấm lòng của bạn? Chúa nhìn thấy điều gì tại Hội Thánh nầy hôm nay?
Câu hỏi lớn lao là, có phải chúng ta nhìn thấy Ngài không? Ngài đang hiện diện ở đây, nhưng có phải được đang được thờ lạy không? Có phải nhà Vua đang được công nhận?)
Phần kết luận: Xachari đã bảo dân Israel phải sẵn sàng. Ông nói: “Vua ngươi đến cùng ngươi”. Ngài đã đến với họ và họ chưa chuẩn bị cho sự đến của Ngài. Một vài người đã tiếp nhận Ngài, nhưng như một tổng thể, cả dân Israel đã chối bỏ Vua của họ. Họ đã xua Ngài đi và họ đã đóng đinh Ngài trên thập tự giá.
Có phải bạn nhìn biết nhà Vua sắp đi ngang trong lúc bây giờ không?
+ Ngài đang hiện diện ở đây để tiếp nhận người nào chịu đến với Ngài bởi đức tin.
+ Ngài đang hiện diện ở đây để phục hồi người nào sẽ về với quê hương.
+ Ngài đang hiện diện ở đây để làm cho người nào yếu đuối được vững vàng.
+ Ngài đang hiện diện ở đây để ban thưởng cho người nào trung tín.
+ Ngài đang hiện diện ở đây để làm cho người nào khát khao được no đủ hơn.
Ngài đang hiện diện ở đây vì bạn! Thắc mắc là, bạn sẽ làm gì với Ngài? Bạn sẽ sấp mình xuống trước mặt Ngài, hay bạn sẽ xua Ngài đi? Nhà Vua đang hiện diện ở đây! Nguyện chúng ta công nhận sự hiện diện của Ngài và làm vinh hiển Ngài ngay hôm nay!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét