Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Nước, Rượu, Gió, Lửa:



Nước, Rượu, Gió, Lửa:
Bốn hình ảnh nói tới Đức Thánh Linh
Bạn có bị Đức Thánh Linh [The Holy Spirit] làm cho lo sợ không?
Có lẽ tôi nên nói: “Có phải bạn bị Đức Thánh Linh [The Holy Ghost] làm cho hốt hoảng không?” Bạn biết đấy, có nhiều Cơ đốc nhân đã bị rồi đó. Họ nói ra những việc đại loại như: “Tôi biết về Đức Chúa Cha, và tôi biết về Chúa Jêsus, còn Đức Thánh Linh là một sự kín nhiệm đối với tôi”. Có thể bạn nhớ lại câu chuyện nói tới một cậu bé ưa hù người khác bằng cách nói: “Hù! Ta là Đức Thánh Linh đây”.
Câu chuyện ấy rất hay vì Đức Thánh Linh (“Ghost” là một thuật ngữ xưa hơn) làm cho nhiều Cơ đốc nhân phải kinh hãi. Có thể họ nghe nói hay nhìn thấy nhiều việc trên vô tuyến truyền hình. Hoặc có lẽ ý tưởng về một “Đức Thánh Linh” dường như khó nắm bắt được lắm. Chúng ta hiểu quan niệm nói tới Đức Chúa Trời Đấng Tạo Hóa, và chắc chắn chúng ta biết rõ về Chúa Jêsus là Đấng đã bước đi giữa vòng chúng ta cách đây 2000 năm. Nhưng Đức Thánh Linh là vấn đề khác. Ngài thích ứng ở chỗ nào?
Cách đây nhiều năm, người ta yêu cầu tôi viết một quyển sách chuyên về những danh xưng của Đức Thánh Linh. Thực ra, đấy là quyển sách đầu tiên mà tôi đã từng viết ra. Nhà in Moody đã trao cho tôi đề tài và để cho tôi được tự tiện. Không biết phải viết cái gì, tôi đã lùng sục một vài quyển thần học mà không tìm thấy nhiều về danh xưng của Đức Thánh Linh. Và theo ý riêng của tôi, tôi đã đến với chữ “Thánh” rồi “Linh” rồi “Đấng Yên Ủi”. Khi nhận ra ba danh xưng nầy không thể viết thành một quyển sách dày được, tôi đã ngồi xuống bàn làm việc của mình với quyển Kinh Thánh mở ra ở một bên và quyển sách dẫn (concordance) ở một bên. Rồi tôi khởi sự ở Sáng thế ký, lần qua cả Kinh Thánh, tìm kiếm những danh xưng (hay tước hiệu hoặc biểu tượng) của Đức Thánh Linh. Tôi tìm được danh xưng đầu tiên trong câu thứ hai của Kinh Thánh (“Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước", Sáng thế ký 1:2). Tôi tìm gặp danh xưng khác ở Sáng thế ký 2 và danh khác nữa ở Sáng thế ký 6. Rồi cứ lần theo từng trang như thế. Khi tôi hoàn tất, tôi đã tìm được hơn 100 danh xưng nói tới Đức Thánh Linh, danh xưng sau cùng có ở trong Khải huyền 19:10: “Vì sự làm chứng cho Đức Chúa Jêsus là đại ý của lời tiên tri”.
Thế là tôi đã hoàn thành quyển sách (Danh xưng của Đức Thánh Linh), tôi lấy làm ngạc nhiên và bị phủ lút vì thấy rất nhiều lần Ngài xuất hiện trong các trang Kinh Thánh. Tôi nhận ra rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải biết nhiều về Đức Thánh Linh vì Ngài nói cho chúng ta biết về Ngài ở nhiều địa điểm khác nhau như thế.
Một trong những lời cầu nguyện xưa nhất của Hội Thánh chỉ có ba từ: “Come, Holy Spirit” (Xin Đức Thánh Linh ngự đến). Đây là sự trớ trêu hoàn toàn của sứ điệp nầy. Vì Đức Thánh Linh mở mắt chúng ta để nhìn xem lẽ thật thuộc linh, chúng ta cần Đức Thánh Linh để hiểu Đức Thánh Linh! Vì vậy chúng ta cầu xin “Xin Đức Thánh Linh ngự đến, và giúp chúng tôi nhìn biết Ngài nhiều thêm. Amen".
Kinh Thánh cung ứng cho chúng ta nhiều hình ảnh, biểu tượng nói tới công tác của Ngài. Để giúp đỡ cho chúng ta, tôi đã chọn bốn trong những hình ảnh được biết đến nhiều nhất của Đức Thánh Linh. Mỗi hình ảnh tỏ ra một phương diện khác về chức vụ của Ngài trong đời sống của chúng ta.
NƯỚC
“Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy” (Giăng 7:38).
Lời lẽ thật xúc động nầy đã ra từ môi miệng của Chúa Jêsus khi Ngài phán với một đám đông nhóm lại tại thành Jerusalem trong ngày sau cùng và trọng đại nhất của Lễ Lều Tạm. Khi đoàn dân đông ấy lắng nghe lời lẽ của Ngài – có người thì tò mò, nhiều người khác thì phê phán, vẫn có những người khác nữa cảm động bởi nhu cần bề trong sâu sắc – Chúa Jêsus hiến cho họ một thứ mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể chu cấp được – "sông nước hằng sống” sẽ tuôn chảy từ bên trong họ ra đến thế giới ở chung quanh họ. E chúng ta hiểu sai lời lẽ của Ngài, Giăng nói cho chúng ta biết ở câu 39 rằng: “Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh”. Nói ngắn gọn, Chúa Jêsus đang hiến cho một điều rất mới mẻ trong lịch sử thế gian, một sự biến đổi hoàn toàn ở bên trong bởi phương tiện Đức Thánh Linh.
Lời lẽ của Chúa Jêsus đã gây sốc cho khán thính giả của Ngài với tính cách đơn sơ cực kỳ của chúng: “Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống" (câu 37). Câu nói ngắn gọn ấy chứa cốt lõi của sứ điệp Tin Lành. Cốt lõi đó tựu trung vào một Thân Vị – ấy là Đức Chúa Jêsus Christ. Câu nói ấy ban ra cho mọi người không hạn chế – Nếu người nào. Câu nói đó chiếu theo nhu cần của con người – Nếu người nào khát. Câu nói ấy đòi hỏi một sự đáp ứng cá nhân – Hãy đến cùng Ta. Câu nói đó mời mọc cá nhân dự phần – mà uống.
Đúng là một bức tranh thật kỳ diệu nói tới cách thức Đức Thánh Linh đang tác động trong tấm lòng của con người. Người nào đến với Đấng Christ tìm được “nước hằng sống” làm thỏa mãn cơn khát sâu sắc ở bên trong. Qua việc Đức Thánh Linh ngự vào, “nước hằng sống” ấy tạo ra một sự sống mới sôi lên ở bề mặt và nhìn thấy rất rõ ràng đối với những người khác. Nước hằng sống không trở thành loại nước bị tù đọng đâu. Nó luôn luôn tạo ra một sức sống mới, năng động, dư dật và đầy phấn khích.
Người nào đáp ứng với sự kêu gọi nhận lãnh Đức Thánh Linh như một sự hiện diện thường trực, ở trong lòng, làm thay đổi đời sống. Nói tới “sông nước hằng sống” làm nổi bật lên bốn sự kiện về chức vụ của Đức Thánh Linh nơi người tín đồ:
*Ngài chiếm lấy nơi ở bên trong “linh hồn”.
*Ngài “tuôn đổ” với một sự chu cấp không hề cạn.
*Ngài đem lại sự sống của Đức Chúa Trời cho linh hồn.
*Ngài làm thỏa cơn khát sâu sắc bên trong từng tấm lòng.
Sau cùng, bức tranh bằng lời nầy dường như cũng ám chỉ một sự “dốc đổ” ra từ bên trong người tín đồ đến với những đời sống ở chung quanh người (nam hay nữ). Khi “nước hằng sống” tuôn đổ ra từ bên trong, người khát khác nữa sẽ lấy làm lạ, “Ông ấy (hay bà ấy) thường khao khát giống như tôi mà. Vậy thì nước ấy đến từ đâu chứ?"
Nếu chúng ta sắp chết trong sa mạc, việc quan trọng nhất trong thế gian là một chén nước lạnh. Chúa Jêsus hứa còn nhiều hơn một cái chén đó nữa. Ngài hứa một dòng sông nước hằng sống chảy không hề dứt, nước ấy thật trong sạch, thật mát mẻ. Những dòng sông không bị ô nhiễm. Những dòng dông không hề khô cạn.
Đấy là những gì Đức Thánh Linh chu cấp cho chúng ta. Ngài sẽ làm đầy dẫy đời sống của chúng ta với nước hằng sống. Nếu chúng ta có khát, chúng ta được mời đến để uống và nhìn xem cho bản thân mình.
Có bao giờ bạn cảm thấy “khô hạn” về mặt thuộc linh chưa? Có bao giờ bạn cảm thấy “khát” lắm về Chúa chưa? Có bao giờ bạn cảm thấy trống không và cần được làm cho đầy dẫy không?
Đức Thánh Linh là câu trả lời của Đức Chúa Trời cho cơn khát sâu sắc của chúng ta ở bên trong. Khi Ngài ngự vào đời sống của chúng ta, Ngài đến giống như một dòng dông đang tuôn tràn qua vùng đất khô hạn. Ngài đổ ra nhiều ơn phước của Ngài và nhiều đời sống của chúng ta bắt đầu lại trổ hoa.
Không một nhu cần nào cứ mãi “khô hạn” hay “trống không” hoặc “khát” mãi cho đến đời đời. Chúng ta không được dựng nên để sống trong sa mạc. Dòng sông của Đức Chúa Trời được gọi là Đức Thánh Linh có thể tuôn chảy qua đời sống của chúng ta, dập tắt cơn khát của chúng ta, lầm đầy dẫy sự trống không của chúng ta, bao phủ vùng đất khô cằn với nước sự sống.
RƯỢU
“Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Êphêsô 5:18).
Rượu là một trong những biểu tượng bất thường liên quan tới Đức Thánh Linh. Trong hai phân đoạn cụ thể trong Tân Ước, một sự ví sánh được rút ra giữa các tác dụng của rượu và những tác dụng của Đức Thánh Linh. Vào ngày lễ Ngũ Tuần trong Công Vụ các Sứ đồ 2, Đức Thánh Linh đã ngự đến với sức mạnh rất lớn ở nơi các tín đồ đang nhóm lại. Các dấu hiệu siêu nhiên đi kèm với sự giáng lâm của Đức Thánh Linh – một âm thanh giống như ngọn gió thổi ào ạt, sự hiện ra của một thứ giống như mấy cái lưỡi bằng lửa, và khả năng lạ lùng nói các thứ tiếng khác công bố ra lẽ thật của Kinh Thánh. Đây là lần tỏ ra sau cùng bắt lấy sự chú ý của đoàn dân đông người Do thái đến nhóm lại tại thành Jerusalem trong ngày lễ Ngũ Tuần. Họ sững sờ khi nghe thấy số người không học vấn từ xứ Galilê nói năng lưu loát bằng các thứ tiếng ngoại quốc mà họ chưa hề biết trước đó. Rõ ràng các môn đồ đã nói ít nhứt 15 thứ tiếng hay thổ ngữ trong ngày ấy. Không một ai có thể chối bỏ một việc bất thường như thế đã diễn ra.
Nhưng thường là trường hợp khi những người không tin Chúa gặp gỡ công tác của Đức Chúa Trời, họ tìm cách giải thích sự việc ấy bằng những thuật ngữ tự nhiên. Họ nghĩ các môn đồ đã uống rượu quá nhiều và lảm nhảm dưới ảnh hưởng của rượu. Lời lẽ đầu tiên trong bài giảng của Phierơ khẳng định sự thực nầy: “Những người nầy chẳng phải say như các ngươi ngờ đâu, vì bây giờ mới là giờ thứ ba ban ngày!” (Công Vụ các Sứ đồ 2:15). Ông tiếp tục nói, những gì đã xảy ra là một sự ứng nghiệm (ít nhứt là từng phần) của Giôên 2:28‑32, là điều đã nói trước về sự tuôn đổ của Thánh Linh Đức Chúa Trời trong “những ngày sau rốt".
Về các mục tiêu của chúng ta, hãy chú ý là những người chưa tin Chúa đã lẫn lộn sự đến của Đức Thánh Linh với quyền lực của rượu. Một sự ví sánh tương tự xảy ra ở Êphêsô 5:18: “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh". Đâu là mục đích của sự so sánh giữa rượu và Đức Thánh Linh? Chắc chắn vấn đề là ảnh hưởng hay sự kềm chế. Một người ở dưới ảnh hưởng của rượu kinh nghiệm cách xử sự có khác. Người (nam hay nữ) có thể nói năng hay làm ra những việc mà người ấy không làm lúc bình thường. Những tình cảm có thể dâng cao trong một thời gian ngắn, khiến cho người kinh nghiệm sự giận dữ theo sau mau chóng bởi cơn phấn chấn, rồi theo sau mau chóng nữa là sự chán chường. Nếu người uống nhiều rượu, diễn biến về trí khôn của người sẽ bị tác động và sự quyết định -- khiến khả năng thay đổi – hầu như là luôn luôn với một kết quả tiêu cực.
Tương tự, sự đầy dẫy Đức Thánh Linh tạo ra một sự thay đổi trong cách ứng xử. Trong sách Công Vụ các Sứ đồ, các môn đồ từng nhút nhát đã trở thành những nhà truyền đạo bốc lửa cho Đức Chúa Jêsus Christ. Ở Êphêsô 5:19‑21, Phaolô nhắc tới ba kết quả cụ thể của sự đầy dẫy Đức Thánh Linh: Ca hát, một tấm lòng cảm tạ, và một thái độ đầu phục luôn. Kết quả sau cùng là quan trọng nhất vì sự đầu phục chơn thật luôn luôn gắn với việc từ bỏ quyền kiểm soát trong từng tình huống. Khi chúng ta thuận phục từ tấm lòng, chúng ta đang nói: “Tôi không chủ động trong mọi thời điểm”. Chỉ có tấm lòng được chạm đến bởi Đức Thánh Linh mới có thể giữ được thái độ như thế trong từng mối quan hệ của cuộc sống.
Hai phân đoạn Kinh Thánh khác cũng chiếu ánh sáng vào biểu tượng nầy. Khi Chúa Jêsus cảnh cáo chống lại việc đổ rượu mới vào bầu da cũ (Mathiơ 9:16‑17), Ngài đang dạy cho chúng ta biết rằng Tin Lành mới nói tới ân điển không thể chứa đựng trong những hình thái cũ của luật pháp được. Ở Giăng 2, Chúa Jêsus hóa nước thành rượu ở tiệc cưới trong thành Cana. Phép lạ nầy chứng tỏ quyền phép của Chúa Jêsus đối với thiên nhiên, mà nó còn khẳng định sự vui mừng mà Chúa Jêsus mang lại cho đời sống con người qua chức vụ biến đổi của Đức Thánh Linh. Trong khi Môise hóa nước thành huyết là một dấu hiệu nói tới sự phán xét của Đức Chúa Trời (Xuất Êdíptô ký 7:14‑24), Chúa Jêsus hóa nước thành rượu như một dấu hiệu cho thấy rằng ơn cứu rỗi sau cùng đã đến với thế gian.
Vì thế, có cả hai ý tích cực và tiêu cực cho rượu khi nó có quan hệ tới Đức Thánh Linh. Về mặt tiêu cực, rượu có thể điều khiển tâm trí và thân thể của con người, dẫn tới sự say sưa và trác táng. Về mặt tích cực, nó phác họa sự vui mừng mà Đức Chúa Jêsus Christ mang lại khi ơn cứu rỗi của Ngài đến với tấm lòng của con người. Nó cũng chỉ ra sự thay đổi hiển nhiên khi Đức Thánh Linh đầy dẫy chúng ta.
Khi cảnh sát bắt ai đó vì lái xe đang lúc say xỉn, bản án được gọi là DUI – Driving Under the Influence {Lái xe dưới ảnh hưởng}. Có lẽ chúng ta nên cầu nguyện để người khác thấy mình là LUI – Living Under the Influence of the Holy Spirit {Sống Dưới Ảnh Hưởng Của Đức Thánh Linh}.
GIÓ
“Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động; nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy” (Giăng 3:8).
Gió góp phần như một biểu tượng đặc biệt rất đẹp về Đức Thánh Linh. Như Chúa Jêsus chỉ cho Nicôđem thấy, gió với bản chất tự nhiên của nó là không thể thấy và không hề nói trước. Gió thổi hôm nay từ phía Bắc có thể thổi từ phía Nam ở ngày mai hay từ phía Đông hoặc phía Tây hay chẳng tùy thuộc vào phía nào cả. Chúng ta cảm thấy tác dụng của nó và nghe biết nó đang thổi qua những chiếc lá, nhưng bản thân gió thì hoàn toàn tự do ở ngoài tầm điều khiển của con người. Gió tồn tại ở khắp nơi trên đất, nó liên tục chuyển động, và có thể kinh nghiệm được ở mọi cấp độ – từ thoang thoảng nhẹ đến ào ạt mạnh mẽ và có sức mạnh hủy diệt của một cơn lốc xoáy.
Trong một căn phòng đóng kín, bầu không khí bị tù lại. Nhưng khi cửa sổ được mở ra, ngọn gió lùa vào bên trong. Vào một ngày nắng nóng mùa hè, một cơn gió mát làm cho ai nấy được khỏe khoắn.
Ở Giăng 20:22, Chúa Jêsus đã hà hơi trên các môn đồ rồi nói: “Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh”. Vào ngày lễ Ngũ Tuần trong Công Vụ các Sứ đồ 2:2, Đức Thánh Linh đã đến với âm thanh như “tiếng gió thổi ào ào”. Giống như gió đầy dẫy cả ngôi nhà nơi họ đang nhóm lại, các môn đồ đều thấy họ đầy dẫy với Đức Thánh Linh. Phierơ sử dụng hình ảnh ngọn gió phác họa các trước giả Kinh Thánh đã được Đức Thánh Linh cảm động (II Phierơ 1:21). Giống như ngọn gió di chuyển, cũng vậy Đức Thánh Linh đã cảm động các tiên tri hầu cho những gì họ nói ra là chính xác những gì Đức Chúa Trời mong muốn.
Theo nhà thần học Hà lan Abraham Kuyper: “Đức Thánh Linh chẳng để lại một dấu vết nào cả". Giống như ngọn gió có ở khắp mọi nơi trên thế gian, cũng một thể ấy công việc của Đức Thánh Linh rất bao quát, không bị hạn chế trong một quốc gia, khu vực, hay dòng giống con người. Tương tự với tính cách không nói trước được của ngọn gió, không một ai có thể nói chắc Đức Thánh Linh sẽ thổi ở đâu với sức mạnh lớn lao hôm nay hay ngày mai. Giống như gió vượt quá quyền điều khiển của con người, cũng một thể ấy chẳng có người nào có thể điều khiển được công việc của Đức Thánh Linh. Giống như gió đang thổi từ trên các từng trời, cũng vậy Đức Thánh Linh được sai đến từ trời.
Có bao giờ bạn tìm cách bắt gió nhốt vào cái chai chưa? Khi tôi còn nhỏ, chúng tôi đã thực hiện một chuyến đi bằng xe hơi, tôi đưa cái chai ra ngoài cửa xe, hy vọng bắt lấy gió không cứ cách nào đó. Song việc ấy không thể thực hiện được. Cũng thực như thế về Đức Thánh Linh. Ngài đang tể trị và sẽ không bị ai bắt nhốt được. Tôi nói với một người rất đỗi vui mừng khi có người bạn đáp ứng với Tin Lành sau chỉ một lời mời gọi: “Có khi ông phải làm chứng với một người hết lần nầy tới lần khác, và thậm chí họ chẳng đáp ứng. Ông có biết tôi muốn nói gì không?” Phải, tôi biết chứ. Tại sao một người đáp ứng ngay tức thì trong khi nhiều người khác phải cần tới nhiều lần thuyết phục? Trong khi có nhiều cách giải thích, một phần trong câu trả lời là Đức Thánh Linh. Giống như gió, Ngài thổi ở đâu Ngài muốn, và không ai có thể điều khiển được mọi chuyển động của Ngài.
Biểu tượng nầy của Đức Thánh Linh là ngọn gió của Đức Chúa Trời khích lệ chúng ta rất là nhiều. Chúng ta cần ngọn gió tươi mới của Đức Thánh Linh cho hôm nay là dường nào! Một mình Ngài có thể đánh thức tình trạng mê ngủ thuộc linh của chúng ta. Một mình Ngài có thể xua tan các làn khói độc vô tín và xác thịt. Một mình Ngài có thể đem lại hương vị ngọt ngào của thiên đàng vào trong đời sống của chúng ta.
LỬA
“Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình” (Công Vụ các Sứ đồ 2:3).
Lửa là một trong những hình ảnh thường thấy nhất trong Kinh Thánh nói tới sự hiện diện của Đức Chúa Trời với dân sự Ngài. Sự nối kết được thiết lập trong các phân đoạn như Xuất Êdíptô ký 3:1‑5 (Môise và bụi gai cháy); Xuất Êdíptô ký 13:21 (trụ lửa); Lêvi ký 9:24 (lửa từ Đức Giêhôva giáng xuống thiêu đốt của lễ); I Các Vua 18:24 (“Thần nào đáp lời bằng lửa – Ngài là Đức Chúa Trời”); Êsai 6:1‑8 (những cục than gắp ra từ bàn thờ ở trên trời); Mathiơ 3:11 (“Ngài sẽ làm phép báptêm cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa”); Công Vụ các Sứ đồ 2:3 (“Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra”); I Têsalônica 5:19 (“Chớ dập tắt Thánh Linh”); và Hêbơrơ 12:29 (“vì Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt”).
Đức Chúa Trời đã sai “những cái lưỡi bằng lửa” hiện đến trong ngày lễ Ngũ Tuần như một dấu hiệu cho thấy Ngài sắp đổ Đức Thánh Linh ra trong một phương thức mới mẻ và đầy năng quyền. Giống như trụ lửa tiêu biểu cho sự hiện hiện của cá nhân Đức Chúa Trời với dân sự Ngài, Đức Thánh Linh chiếm lấy nơi ở trong mọi tín đồ. Nhưng giờ đây, sự hiện diện của Đức Chúa Trời sẽ là sự hiện diện riêng tư và cá nhân – như “những cái lưỡi bằng lửa” đậu trên mỗi người theo cách riêng. Trong trường hợp sự hiện diện của Đức Chúa Trời đến với dân tộc như một tổng thể trong Cựu Ước, ngày nay từng người tin Chúa đều có đặc ân cao cả mang lấy sự hiện diện cá nhân của Đức Chúa Trời qua sự ngự vào lòng của Đức Thánh Linh. Và giống như trụ lửa cung ứng phương hướng rõ ràng ở bề ngoài, cũng vậy Đức Thánh Linh ban cho từng tín hữu phương hướng ở bên trong. Điều nầy tiêu biểu cho sự cải tiến to lớn trong chương trình của Đức Chúa Trời dành cho dân sự Ngài. Ở chỗ Ngài từng hành động chủ yếu trong và qua một quốc gia, giờ đây Ngài hành động trong và qua những cá nhân.
Khi tham khảo đến Đức Thánh Linh, lửa tiêu biểu cho:
* Sự hiện diện của Đức Chúa Trời với dân sự Ngài.
* Sự bảo hộ của Đức Chúa Trời cho dân sự Ngài.
* Sự thanh tẩy của Đức Chúa Trời cho dân sự Ngài.
* Sự phán xét của Đức Chúa Trời cho dân sự Ngài.
* Sự mặc lấy quyền phép của Đức Chúa Trời cho dân sự Ngài.
* Hoạt động giàu ơn của Đức Chúa Trời trong sự nhóm lại của dân sự Ngài.
Một số ứng dụng bản thân chúng mau mắn đề xuất từ học thuyết nầy. Thứ nhứt, Đức Thánh Linh là đại biểu luyện lọc của Đức Chúa Trời, thiêu đốt những cáu cặn của tội lỗi và làm sạch chúng ta đặng phục vụ. Thứ hai, khi chúng ta phục theo Đức Thánh Linh, Ngài đầy dẫy chúng ta với ngọn lửa hiện diện của Đức Chúa Trời. Thứ ba, trong các thời điểm phấn hưng, Đức Thánh Linh lan ra giống như ngọn lửa, nhiều gia đình, Hội Thánh, cộng đồng, và cả xứ. Sau cùng, Đức Thánh Linh là ngọn “lửa” mà chúng ta có cần để sự sáng của chúng ta soi rọi rực rỡ cho Đức Chúa Jêsus Christ.
Khi tôi lớn lên, chúng tôi thường nói tới việc “ở trên ngọn lửa” cho Chúa Jêsus. Nói như thế có nghĩa là cứ sôi nổi về Chúa đến nỗi Ngài hiện diện thường xuyên trong tư tưởng của chúng ta. Khi ấy chúng ta sẽ hát một bài có đề tựa là Pass It On (Chuyển đi tình yêu ấy), bài hát bắt đầu như thế nầy đây:
Chỉ cần một tia lửa làm cho ngọn lửa bắt lên,
Không lâu sau đó mọi người ở chung quanh có thể sưỡi ấm trong hơi nóng hực của nó.
Khi ấy bài hát ghi tiếp: “Đấy là cách sống với tình yêu của Đức Chúa Trời, bạn đã kinh nghiệm tình yêu ấy. Bạn muốn rao truyền tình yêu ấy cho mọi người. Bạn muốn chuyển đi tình yêu ấy”. Mặc dù bài hát chẳng sâu sắc lắm, nó tạo ra một điểm rất quan trọng. Khi Đức Thánh Linh bắt đầu ung đốt ở bên trong, chúng ta sẽ bị bắt lấy trong sự sốt sắng thánh khiết muốn chia sẻ Chúa Jêsus với mọi người chúng ta gặp gỡ. Cách đây mấy ngày, tôi có trao đổi với một người bạn, ông hầu việc Chúa cách đây cả ngàn dặm, ở mặt bên kia của thế giới, trong một đất mà ở đó Cơ đốc nhân không luôn luôn được hoan nghênh. Cách đây một tuần, khi ông đến nhóm lại với hội chúng của ông ấy trong một buổi nhóm cầu nguyện, một viên công an đến tại chỗ nhóm rồi bắt đầu đưa ra một số câu hỏi: “Quí vị làm gì ở đây? Ai chủ trì?” Sau đó, ông ta gửi lời nhắn, ông ta muốn gặp vị Mục sư. Vì vậy, trong mấy ngày nữa, bạn tôi sẽ gặp viên công an đó. Ông ấy có lo sợ không? Ông ấy cho tôi biết rằng mới đây Đức Chúa Trời đã ban cho ông ấy một gánh nặng lo chia sẻ Đấng Christ với mọi người mà ông gặp gỡ. “Tôi đã dẫn dắt 3 người đến với Đấng Christ kể từ khi Chúa ban cho tôi gánh nặng nầy”. Nói về viên công an kia, ông nói: “Tôi chẳng lo, mà cũng không sợ. Tôi muốn gặp và chia sẻ Tin Lành với ông ta vì tôi không lấy làm xấu hổ vì Tin Lành đâu, vì đấy là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin".
Nếu bạn đứng lùi lại và nhìn vào bốn bức tranh nầy nói về Đức Thánh Linh, hết thảy chúng đều dẫn tới cùng một hướng.
Là nước, Đức Thánh Linh trở thành một dòng sông ở bên trong chúng ta, tuôn tràn ra đến những người ở chung quanh chúng ta.
Là gió, Đức Thánh Linh thổi ngang qua xứ, làm thức tỉnh người ta đối với Đức Chúa Trời trong từng quốc gia.
Là rượu, Đức Thánh Linh đầy dẫy chúng ta với quyền phép mới mẻ.
Là lửa, Đức Thánh Linh thiêu đốt mọi cáu cặn của tình trạng thế gian và đầy dẫy chúng ta với một sự sốt sắng thánh khiết muốn chiếu sự sáng ra cho Đấng Christ.
Thiệt là đơn sơ.
Và sâu sắc quá.
Vì vậy chúng ta hãy cầu nguyện để nhìn biết Đức Thánh Linh càng sâu sắc hơn nữa vì Ngài là . . .
Nước hằng sống,
Rượu mới,
Làn gió mát,
Ngọn lửa sáng rực từ trời.
Ngài đem Đấng Christ đến với chúng ta và ban cho chúng ta mọi sự chúng ta có cần. Có bao giờ bạn dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời vì sự ban cho Đức Thánh Linh không? Tại sao không làm điều đó ngay bây giờ chứ?
Lạy Cha giàu ơn, cảm tạ Ngài vì sự ban cho Đức Thánh Linh. Nguyện những sông nước hằng sống tuôn tràn qua chúng con để nhiều người khác đang khao khát muốn nhận biết Ngài. Hãy ưng ban rượu mới Thánh Linh, mặc lấy quyền phép cho chúng con hôm nay. Nguyện ngọn gió của Đức Chúa Trời thổi qua Hội Thánh Ngài. Lạy Chúa, xin đặt chúng con trên ngọn lửa, với tình cảm thánh khiết dành cho Ngài.
Lạy Chúa Jêsus, xin làm đầy dẫy chúng con càng nhiều thêm Thánh Linh hầu cho chúng con có thể làm rạng danh Ngài trên khắp đất. Amen.
Những thắc mắc phải suy xét
1. Tại sao chúng ta không biết nhiều về Đức Thánh Linh? Điều chi xảy ra cho một Hội Thánh khi người ta không biết đến Đức Thánh Linh?
2. Đức Thánh Linh đóng vai trò nào trong công cuộc truyền giáo? Công việc của Ngài tác động thế nào vào phương thức chúng ta chia sẻ Đấng Christ với tha nhân?
3. Về bốn bức tranh trong bài giảng nầy, bức tranh nào nói nhiều nhất đến nhu cần cá nhân của chính bạn?
4. Đâu là sự nối kết giữa việc say sưa với rượu và sự được đầy dẫy Đức Thánh Linh?
5. Điều chi sẽ xảy ra nếu Ngọn Gió của Đức Chúa Trời ngự đến thổi qua đời sống của bạn trong tuần lễ nầy?
6. Hãy đọc Êphêsô 4:29-32. Những tội lỗi nào làm buồn lòng Đức Thánh Linh?
Các phân đoạn Kinh Thánh cần tra cứu
Giăng 16:8-11
Công Vụ các Sứ đồ 2:1-21
Galati 5:16-26.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét