Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Hêbơrơ 9-10: "Bài Tín Điều Các Sứ Đồ: Ngày Đức Chúa Trời gục chết: “Bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết”



Bài Tín Điều Các Sứ Đồ
Ngày Đức Chúa Trời gục chết: “Bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết”
Hêbơrơ 9-10
Bài Tín Điều Các Sứ Đồ chứa bốn cụm từ đề cập tới sự chết của Đức Chúa Jêsus Christ:Bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết, và chôn, xuống Âm Phủ.
Nếu bạn suy nghĩ về sự ấy, điều nầy dường như dư thừa, đặc biệt trong một bài tín điều mà ở đó toàn bộ đức tin Cơ đốc được trình bày trong khoảng 110 từ (theo Anh ngữ). Tại sao sáu từ được sử dụng để mô tả cái chết của Đấng Christ khi có một từ đã thuật lại câu chuyện — "chết”. Tại sao bài tín điều không nói “chịu khổ dưới tay Bônxơ Philát, chịu chết, đến ngày thứ ba Ngài sống lại từ kẻ chết?” Có lẽ thật nào được thêm vào qua cách chồng chất những cụm từ có quan hệ tới sự chết của Ngài? Hãy xem xét ba cụm từ đầu tiên: “bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết, và chôn”. Hãy lặp lại lớn tiếng vài lần: Bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết, và chôn.
Nếu bạn nói nhanh câu ấy, thì nghe giống như một cây búa đang đóng cái nắp đậy chiếc quan tài lại vậy. Sở dĩ nói như thế để chúng ta sẽ dừng lại để suy nghĩ về những gì thực sự đã xảy ra cho Chúa chúng ta. Khi bài tín điều sử dụng bốn cụm từ để mô tả sự chết của Đấng Christ, chúng ta sẽ dành thì giờ để xem xét những điều mà chúng muốn nói tới. Hôm nay, chúng ta sẽ xem xét hai từ đầu tiên: “bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết”. Tuần tới, chúng ta sẽ nhìn vào chỉ một từ thôi: “chôn”. Thế rồi trong hai tuần lễ chúng ta sẽ bàn luận cụm từ gây tranh cãi nhiều nhất trong toàn bộ bài tín điều: “xuống âm phủ”.
Nhưng trong một phút, chúng ta hãy thắc mắc một lần nữa, tại sao bài tín điều mô tả sự chết của Đấng Christ theo bốn cách khác nhau. Nếu bạn nghiên cứu lịch sử của Hội Thánh Cơ đốc, bạn khám phá ra là ngay từ đầu, luôn luôn có những kẻ hay chỉ trích, phê phán, họ tấn công Cơ đốc giáo bằng cách cho rằng Chúa Jêsus không hề sống lại từ kẻ chết. Có nhiều phương thức khác nhau để đưa ra lời xưng nhận ấy, một trong số đó cho rằng Chúa Jêsus chưa thực sự chết hẳn. Trong khi tư tưởng ấy rất là kỳ quặc đối với chúng ta, trong Hội Thánh đầu tiên, có một nhóm người được gọi là nhóm Ngộ đạo (Gnostics) cho rằng Chúa Jêsus chưa thực sự chết hẳn theo nghĩa đen. Họ nói Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã nhập vào Chúa Jêsus khi chịu phép báptêm và đã ra khỏi trước khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá. Họ bịa ra lý thuyết nầy vì họ không thể tưởng được Con Đức Chúa Trời lại chịu chết trên thập tự giá.
Hàng trăm năm sau đó, tiên tri Mohammed cho khai sinh ra đạo Hồi, đạo nầy dạy rằng Chúa Jêsus chưa thực chết hẳn trên thập tự giá. Khi tôi nghe cuộc bàn luận trên đài phát thanh với tu sĩ Hồi giáo một thời gian ngắn trước lễ Giáng Sinh, ông ta đã đưa ra chính xác câu nói đó. Ông ta nói: Kinh Koran dạy rằng Chúa Jêsus chỉ xuất hiện để chịu chết trên cây thập tự. Tất nhiên, điều nầy có ý nói rằng Ngài chưa thực sự chết hẳn, Ngài không thực sự sống lại từ kẻ chết. Các học giả đạo Hồi nói trại đi những gì chính xác đã xảy ra cho Chúa Jêsus. Có người nói rằng ở giây phút sau cùng, một người khác đã chiếm lấy chỗ của Ngài trên thập tự giá — có lẽ là Giuđa, có lẽ là Simôn người Si-ren. Họ cho rằng Đức Chúa Trời ném một lá bùa mê trên những kẻ thù của Chúa Jêsus để sự thay đổi có thể diễn ra mà họ chẳng nhìn biết được. Đấy là một ý tưởng rất láu lỉnh tuyệt đối chẳng có một cơ sở nào trong sự kiện của lịch sử.
Cách đây khoảng 30 năm, có người tên là Hugh Schonfield đã viết một quyển sách được đọc rộng rãi với đề tựa là The Passover Plot (Âm mưu trong kỳ lễ Vượt Qua). Ông ta cho rằng Chúa Jêsus chưa thực chết hẳn trên thập tự giá. Ngài đã ngất đi hay bất tỉnh hoặc hôn mê từ những trận đòn và bị đóng đinh trên thập tự giá, các môn đồ, người Do thái và người Lamã hết thảy đều tưởng Ngài đã chết khi thân thể Ngài được lấy xuống từ thập tự giá. Sau đó, khi thân thể Ngài được đem đặt trong ngôi mộ lạnh lẽo, Ngài tỉnh lại, lấy lại được sức lực, dọn mình sạch sẽ, không cứ cách nào đó đã làn hòn đá to kia ra, rồi đi cả buổi sáng Chúa nhựt, trông thật tươi mới, khỏe mạnh, tỉnh táo và hoàn toàn hồi phục — môn đồ đã tưởng Ngài sống lại từ kẻ chết. Lý thuyết ấy quả là rất khéo léo và khá lố bịch. Nếu bạn hiểu rõ bản chất tàn bạo của sự đóng đinh trên thập tự giá, bạn phải kết luận rằng phải có nhiều đức tin mới tin rằng Chúa Jêsus đã chết và đã sống lại từ kẻ chết.
I. Tính chắc chắn của sự chết Ngài
Vào sáng thứ Sáu, tôi nhận được một cú gọi từ đài phát thanh Moody yêu cầu không biết tôi có tham dự cuộc phỏng vấn Nước Mỹ Giờ Cao Điểm (Primetime America) vào buổi trưa hôm ấy hay không!?! Khi Tuần Lễ Thánh chỉ còn cách đó mấy ngày thôi, họ muốn tôi nói về Mùa Chay và Cơ đốc nhân chứng đạo có nghĩa gì thôi! Tôi báo cho họ biết tôi rất vui sướng khi được dự buổi phỏng vấn ấy. Sau khi cúp máy, tôi nhận ra có một vấn đề nhỏ duy nhất. Tôi lớn lên từ giáo hội Southern Baptist, nghĩa là khi tôi lớn lên, chúng tôi chưa hề nghe nói từ Mùa Chay và chưa hề quan sát mùa ấy có hình thái như thế nào nữa. Vì vậy, tôi đã làm những gì tôi thường làm trong những tình huống giống như tình huống nầy — tôi mở Internet ra tìm sự giúp đỡ mà tôi có cần. Phải tốn đến mấy phút để tìm Tự điển Bách khoa Công giáo online. Tôi tiếp thu nhanh về Mùa Chay hơn là tôi đã nhìn biết trong cả cuộc đời của mình. Về mặt cơ bản, tôi khám phá ra truyền thống của việc tuân giữ Mùa Chay là rất cổ xưa. Nó có gốc rễ vào những ngày sớm sủa nhất của Hội Thánh Cơ đốc khi các tuần lễ dẫn tới Lễ Phục Sinh đã được sử dụng để sửa soạn cho các tân tín hữu chuẩn bị chịu phép báptêm. Điều nầy bao gồm cả thời gian chuẩn bị về mặt thuộc linh và kiêng ăn hiển nhiên bao gồm toàn thể hội chúng. Trải qua nhiều thế kỷ, một sự đa dạng các truyền thống và phong tục được dựng lên, phát triển mạnh trong nhiều nhánh khác nhau của Hội Thánh Cơ đốc. Thậm chí cho tới ngày hôm nay, tục lệ Mùa Chay rất khác nhau khá rộng rãi trên khắp thế giới. Khi Greg Wheatley phỏng vấn tôi, tôi bình luận rằng trong khi chẳng có một mạng lịnh nào theo Kinh Thánh phải tuân giữ Mùa Chay, quan niệm sửa soạn bản thân về mặt thuộc linh cho các sự cố của Tuần Lễ Thánh chắc chắn là điều đáng khen. Khi chúng ta được truyền cho phải noi theo các bước chơn của Chúa Jêsus (I Phierơ 2:21), thật là hợp lẽ cho Cơ đốc nhân phải hành trình với Chúa Jêsus khi Ngài trên đường đến với thập tự giá. Ý tưởng “từ bỏ” điều gì đó trong Mùa Chay thực sự là nằm ngoài vấn đề. Chúng ta đối diện với một nan đề sâu sắc hơn, trong đó thế gian là quá nhiều đối với chúng ta và chúng ta là quá nhiều đối với thế gian. Bất cứ điều chi giúp chúng ta phá vỡ cái thòng lọng của thế gian sẽ hoàn toàn đưa chúng ta đến gần với Đức Chúa Trời hơn.
Khi Greg hỏi tôi cuốn phim “Sự thương khó của Đấng Christ” có cái chạm như thế nào vào những sự chuẩn bị thuộc linh của tôi cho ngày Thứ Sáu Tốt Lành và cho Lễ Phục Sinh, tôi nói cho ông ấy biết rằng sau khi xem cuốn phim, tôi thấy mình không bị kéo đến với các sách Tin Lành, mà đến với Êsai 53 — phần mô tả quan trọng nhất trong Cựu Ước nói tới sự chết của Chúa chúng ta. Chương ấy nhấn mạnh hoạt động của Đức Chúa Trời trong các biến cố xoay quanh sự Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá. Chính Đức Giêhôva là Đấng đã chất trên Chúa Jêsus mọi tội lỗi của hết thảy chúng ta. Êsai 53:10 chép rằng Đức Giêhôva Đức Giêhôva đã vừa ý làm tổn thương chính Con của Ngài. Tôi lấy làm lạ nơi chữ “vừa ý” đó và lấy làm lạ không rõ chữ ấy muốn nói lên điều gì! Loại cha nào đã vừa ý làm tổn thương con của mình chứ? Chỉ có hai sự lựa chọn ở đây. Một là người cha ghét chính con ruột mình rồi muốn nhìn thấy nó phải chịu khổ, hoặc người cha hiểu rõ sự chịu khổ là cần thiết để kiếm được một thứ tốt đẹp hơn không thể kiếm được ở đâu khác. Trong trường hợp của Đấng Christ, Đức Chúa Cha ấn định sự chết của Con Ngài để ơn cứu rỗi sẽ đến với thế gian. Và Đức Chúa Con bằng lòng ra đi như chiên con gặp kẻ hớt lông. Ngài gánh chịu thập tự giá và xem khinh sự xấu hổ, tìm kiếm sự vui mừng sẽ đến sau đó qua sự cứu chuộc thế gian (Hêbơrơ 12:1-2). Ngài bước vào cuộc thử thách đau khổ đời đời vì đến cuối cùng: “khi Ngài nhìn thấy kết quả sự khốn khổ linh hồn mình, và lấy làm thỏa mãn” (Êsai 53:11). Lẽ thật nầy đã về đến nhà với tôi trong một phương thức mới trong năm nầy. Những gì đã xảy ra cho Chúa Jêsus đã không xảy ra bởi tình cờ hoặc thậm chí bởi sự kết hợp ngẫu nhiên của các hoàn cảnh. Mọi sự cả thảy đã diễn ra theo chương trình định trước của Đức Chúa Trời. Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá vì Đức Chúa Trời muốn Con Ngài phải bị đóng đinh trên thập tự giá. Ngài chịu chết vì Đức Chúa Trời muốn Ngài phải chịu như thế. Ngài bị chôn vì Đức Chúa Trời ấn định rằng Con của Ngài sẽ bị chôn. Ngài đã trọn vẹn bước vào miền của sự chết — không phải bởi tình cờ mà bởi chương trình thiêng liêng. Các trước giả của Bài Tín Điều Các Sứ Đồ đã hiểu rõ điều nầy và đấy là lý do tại sao họ sử dụng bốn cụm từ trên để mô tả sự chết của Ngài.
Chúa Jêsus có thực sự chết không?
Nếu chúng ta đưa ra câu hỏi: “Chúa Jêsus có thực sự chết không?” Tân Ước đưa ra một câu trả lời rất rõ ràng. Thứ nhứt, Chúa Jêsus đã lặp đi lặp lại, loan báo trước sự chết của chính Ngài. Ở Mathiơ 20:18-19 Ngài phán cùng các môn đồ: “Nầy, chúng ta đi lên thành Giê-ru-sa-lem, và Con người sẽ bị bắt nộp cho các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo, bọn đó sẽ luận giết Ngài. Họ sẽ nộp Ngài cho dân ngoại hầu để nhạo báng, đánh đập, và đóng đinh trên cây thập tự; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại”. Ngài còn phán đặt biệt hơn nữa ở Mác 10:33-34: “Nầy, chúng ta lên thành Giê-ru-sa-lem, Con người sẽ bị nộp cho các thầy tế lễ cả cùng các thầy thông giáo; họ sẽ định Ngài phải bị tử hình và giao Ngài cho dân ngoại. Người ta sẽ nhạo báng Ngài, nhổ trên Ngài, đánh đập Ngài mà giết đi; sau ba ngày, Ngài sẽ sống lại”. Chẳng một điều gì đã xảy ra cho Chúa Jêsus là một sự ngạc nhiên đối với Ngài, Ngài đã nhìn thấy mọi sự ấy sẽ đến, biết rõ đấy là một phần trong chương trình của Đức Chúa Cha dành cho Ngài, và đã cảnh cáo các môn đồ về những gì sẽ xảy ra cho Ngài tại thành Jerusalem.
Thứ hai, Philát đã phó Chúa Jêsus để bị đóng đinh trên thập tự giá. Mặc dù ông ta đã tìm cách rửa tay mình về bất kỳ tội lỗi nào, ông ta không thể rửa sạch được huyết của Chúa Jêsus. Ông ta biết rõ những gì ông ta sẽ làm khi ông ta chịu khuất phục trước đám dân đông. Họ muốn Chúa Jêsus phải chết — và ông ta đã nhượng bộ trước sự thù hằn và sự say mê chém giết của họ.
Thứ ba, người Lamã đã ấn định việc đóng đinh trên thập tự giá là một cách chết đặc biệt rất kinh khiếp. Trải qua nhiều thế kỷ, người Lamã đã phát triển một số cách thức để giết người. Trong nhiều sự chọn lọc, đóng đinh trên thập tự giá là cái chết tệ hại nhất, được dành giữ cho hạng tội phạm tệ lậu nhứt và cho những kẻ nổi loạn chống nghịch nhà nước. Không một công dân Lamã nào sẽ bị đóng đinh trên thập tự giá — và không một nô lệ nào đã được giải phóng chịu lấy hình phạt ấy. Cần phải nói rằng người Lamã đã đóng đinh trên thập tự giá những 250.000 người Do thái. Đôi khi chúng ta đọc các sách Tin Lành và nghĩ rằng những gì đã xảy ra cho Chúa Jêsus là một hình thức phạt vạ có một không hai. Chắc chắn loại hình phạt nầy thông thường đến nỗi ở một vài trường hợp, người Lamã đã đóng đinh hàng trăm người trong cùng một thời điểm. Nếu họ muốn gửi một thông điệp cho quần chúng loạn nghịch, họ sẽ đóng đinh nhiều người mà trước tiên không chế nhạo họ rằng họ sẽ kết thúc tại thập tự giá. Một số người đã bị treo từ 24, 48, hoặc thậm chí 72 giờ đồng hồ — bị phơi ra ngoài môi trường, cho các động vật hoang dã, cho các loài chim sẽ móc mắt của họ — và bị phơi ra cho những kẻ qua đường thấy, họ sẽ mắng nhiếc mấy kẻ nầy khi họ kêu gào và khi người thân của họ đứng quan sát trong kinh hãi.
Thứ tư, người Lamã đã chế nhạo Chúa Jêsus là một phần trong sự chuẩn bị cho đóng đinh trên thập tự giá. Điều nầy gồm cả việc đánh đập Ngài với loại roi bằng gỗ và với những sợi dây da có gắn kèm những hòn đá, kim loại. Việc đánh đòn không những làm suy yếu nạn nhân, nó còn xé rách Ngài ra cho tới khi xác thịt Ngài giống như những miếng giẻ rách.
Thứ năm, thầy đội tuyên bố rằng Chúa Jêsus đã chết rồi — đây là lý do tại sao họ không đánh gãy xương chơn Ngài. Thầy đội là những người lính chuyên nghiệp, là kẻ chẳng quan tâm về Chúa Jêsus theo cách nầy hay cách khác. Họ có một việc phải làm và họ đã làm việc ấy. Trải qua thời gian, họ đã trở thành những quan xét rất giỏi về hạng người họ đóng đinh trên thập tự giá. Họ biết rõ sự khác biệt giữa hôn mê và chết mất. Sau mọi sự mà Chúa Jêsus đã trải qua, Ngài không thể còn sống được nữa. Họ đã thấy Ngài gục chết, họ biết rõ Ngài đã chết, và họ tuyên bố Ngài đã chết.
Thứ sáu, mấy tên lính đã đâm thủng hông Ngài với mũi giáo để biết chắc Ngài đã chết. Hầu hết giới cầm quyền đều tin “nước và huyết” đã tuôn ra từ cái túi bao quanh trái tim Chúa Jêsus. Sự tuôn ra chất lỏng đã cung ứng minh chứng khác Ngài đã chết.
Thứ bảy, mấy người đàn bà đã sửa soạn xác Ngài cho sự chôn cất đã noi theo cách làm của người Do thái. Việc làm nầy gồm có rửa sạch thi hài (một việc khó làm vì nhiều vết thương của Chúa Jêsus), quấn thi hài ấy bẳng vải mịn, rãi nhựa thông và các thứ ướp thơm giữa các lớp vải liệm. Nhựa thông và các thứ ướp thơm kia rắn lại hình thành một loại kén bao quanh thi thể đã chết, cả hai thứ bảo tồn cái xác và để ngăn ngừa những kẻ cướp mộ.
Thứ tám, ngôi mộ đã bị đóng ấn với một tảng đá thật to nặng khoảng 3-5 tấn.
Thứ chín, lính canh Lamã tại ngôi mộ bảo đảm không một người nào có thể nổ lực cướp lấy xác được.
Thứ mười, vào tối thứ Bảy, người Lamã, các cấp lãnh đạo Do thái, và các môn đồ đã nhất trí về một điểm — Chúa Jêsus đã chết. Không một ai tin dù chỉ một phút thôi là không cứ cách nào đó Ngài còn sống sau khi bị đánh đòn, bị chế giễu, đội mão gai, mất nhiều máu, kiệt lực, bị đóng đinh trên thập tự giá, bị phơi ngoài nắng, đau đớn khôn xiết theo phần xác, và suy sụp dần mọi hệ thống trong xác thịt Ngài. Chúa Jêsus không chết trong một góc kẹt nào đó. Ngài đã chết ở chỗ công khai, bên ngoài các bức tường thành Jerusalem, có nhiều binh lính bao quanh, họ đã nhìn thấy nhiều người gục chết, với mẹ Ngài ở gần, các cấp lãnh đạo Do thái quan sát, và một đám dân đông nhìn thấy. Không một ai có thể giả mạo sự chết của Ngài trong tình huống ấy. Chúa Jêsus thực sự đã chết. Mọi bằng chứng đều chỉ về hướng ấy — và bằng chứng có rất nhiều.
Người Lamã rất giỏi trong việc giết người. Đây là một việc làm rất chuyên môn của họ. Họ biết rõ sự khác biệt giữa một người chết và một người bị bất tỉnh.
Tôi nhận ra rằng theo một ý nghĩa, tôi đang “giảng cho ban hát”. Chúng ta không suy nghĩ nhiều về thắc mắc nầy vì đấy không phải là một thắc mắc gì cả đối với những ai đọc các sách Tin Lành. Và đối với những ai trong chúng ta, người nào đã xem cuốn phim “Sự Thương Khó Của Đấng Christ”, chúng ta đều biết sự thực vì chúng ta buộc phải nhìn xem sự thực ấy với từng chi tiết hãi hùng kia. Bất cứ điều chi khác bạn có thể suy nghĩ về cuốn phim, hãy nhớ điều nầy. Đấy chỉ là một cuốn phim. Những gì thực sự xảy đến cho Chúa Jêsus còn tệ hại hơn thế nhiều lắm.
II. Ý nghĩa sự chết của Ngài
Chúng ta hãy có một cái nhìn thật nhanh vào 6 câu trong Hêbơrơ 9 & 10, ở đây tỏ ra ý nghĩa thật sự chết của Chúa Jêsus.
A) Không đổ huyết, không có sự tha thứ. “không đổ huyết thì không có sự tha thứ” (Hêbơrơ 9:22).
B) Huyết thú vật không làm chi được. “Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được” (Hêbơrơ 10:4).
C) Chúa Jêsus đã dâng chính mình Ngài vì chúng ta. “Nhưng hiện nay đến cuối cùng các thời đại, Ngài đã hiện ra chỉ một lần, dâng mình làm tế lễ để cất tội lỗi đi” (Hêbơrơ 9:26).
D) Sự hy sinh của Ngài cất tội lỗi đi. “Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người” (Hêbơrơ 9:28).
E) Chỉ có một của lễ duy nhứt dành cho tội lỗi. “còn như Đấng nầy, đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời” (Hêbơrơ 10:12).
F) Của lễ của Ngài làm cho chúng ta được nên thánh. “Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời” (Hêbơrơ 10:14).
Hãy suy gẫm những câu Kinh Thánh nầy rồi xem xét cái chạm của chúng:
Không đổ huyết, không có sự tha thứ … huyết thú vật không làm chi được hết … Đấng Christ cất tội lỗi đi bằng cách dâng chính mình Ngài … Của lễ của Ngài cất bỏ tội lỗi chúng ta cho đến đời đời … Ngài chịu chết để cất tội lỗi chúng ta đi … của lễ của Ngài làm cho chúng ta được nên thánh. Thế là chúng ta đang nhìn xem trọng tâm của thập tự giá. Khởi sự từ bất cứ chỗ nào trong Kinh Thánh thì kết quả cũng y như nhau — mọi con đường đều dẫn tới thập tự giá. Thập tự giá là giải pháp của Đức Chúa Trời cho tội lỗi của con người. Và một khi tội lỗi là nan đề tối hậu của dòng giống loài người, thập tự giá là giải đáp tối hậu của Đức Chúa Trời.
Có một của lễ dành cho tội lỗi — và một của lễ duy nhứt. Của lễ ấy được dâng lên một lần đủ cả — không bao giờ được lặp lại.
Chúa Jêsus đã dâng chính mình Ngài để cất bỏ tội lỗi đi — không một ai khác có thể làm được những gì Ngài đã làm.
Của lễ của Ngài giải quyết nan đề tội lỗi — chẳng có giải pháp nào khác. Của lễ của Ngài làm cho chúng ta được nên thánh — chẳng có phương thức nào khác để được nên thánh.
Sự chết của Đức Chúa Jêsus Christ vì lẽ đó là biến cố rất quan trọng trong lịch sử thế giới. Mọi sự trước cái chết ấy dẫn tới cái chết ấy. Mọi sự sau cái chết đó phải quay nhìn lạ cái chết đó. Không một điều gì khác đã từng xảy ra có được cái chạm của thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ. Thập tự giá quan trọng là dường nào, có phải không? Chúng ta nhìn thấy câu trả lời trong thời buổi của chúng ta. Mel Gibson làm một cuốn phim nói tới sự chết của Chúa Jêsus — và người ta không thể thôi không nói về sự chết đó.
Chúng ta hãy gói ghém mọi sự là với ba câu nói ứng dụng:
1) Đức Chúa Trời có một chương trình cứu rỗi duy nhứt dành cho toàn thể dòng giống loài người.
Có một chương trình — và một chương trình duy nhứt.
2) Có một con đường duy nhứt dẫn tới thiên đàng — ấy là Đức Chúa Jêsus Christ Chúa chúng ta.
Có một chương trình và một con đường — không có chương trình hay con đường nào khác.
3) Có một của lễ duy nhứt có thể cất bỏ tội lỗi của chúng ta đi và làm cho chúng ta được nên thánh.
Một chương trình, một con đường, một con người, một của lễ. Đấy là ý nghĩa thực sự của những câu Kinh Thánh nầy. Đấy là lý do tại sao tác giả thơ Hêbơrơ nhắc đi nhắc lại ý nghĩa ấy thật nhiều lần. Chúa Jêsus được dâng lên một lần đủ cả, là của lễ trọn vẹn của Đức Chúa Trời cất bỏ tội lỗi chúng ta đi. Chỉ một mình Ngài có thể làm cho chúng ta được nên thánh. Trong trường hợp chúng ta bỏ sót mục tiêu, Hêbơrơ 10 còn trưng dẫn một phân đoạn Kinh Thánh nổi tiếng (nổi tiếng đối với người Do thái trong thế kỷ thứ nhứt, ít nhất là như vậy) từ Giêrêmi 31, ở đây Đức Chúa Trời hứa hai món quà kỳ diệu cho dân sự Ngài: “Chúa phán: Nầy là giao ước ta lập với chúng nó Sau những ngày đó, Ta sẽ để luật pháp ta vào lòng chúng nó và ghi tạc nơi trí khôn, lại phán: Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi gian ác của chúng nó nữa” (Hêbơrơ 10:16-17). Nếu như câu nầy không rõ ràng lắm đối với chúng ta cũng như đối với các độc giả nguyên thủy, cho phép tôi đề ra theo cách nầy:
Giêrêmi 31 (được viết ra 500 năm trước khi Đấng Christ giáng sinh) được trưng dẫn ở Hêbơrơ 10 (được viết ra khoảng năm 65SC) để giúp cho chúng ta hiểu rõ thập tự giá của Đấng Christ (năm 33SC) có ý nghĩa như thế nào vào năm 2004.
Bạn có một trưng dẫn Cựu Ước được sử dụng trong Tân Ước để giải thích sự chết của Đấng Christ hầu cho 2.000 năm sau chúng ta sẽ biết chính xác sự chết ấy thực sự có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta. Toàn bộ mục tiêu, ấy là sự chết của Đấng Christ tạo ra hai việc cho chúng ta mà chúng ta không thể tiếp thu được ở đâu khác:
1) Một tấm lòng mới (luật pháp được viết ra trên bảng lòng của chúng ta),
2) Tha thứ hoàn toàn (Đức Chúa Trời không còn nhớ đến tội lỗi của chúng ta nữa).
Và đấy là lý do tại sao câu 18 cho chúng ta biết nơi nào tội lỗi được tha (qua sự chết của Đấng Christ), “thì không cần dâng của lễ vì tội lỗi nữa” Chúa Jêsus đã làm mọi sự cần thiết để tội lỗi của bạn được tha thứ. Nếu sự chết của Ngài chưa đủ cho bạn, không có Kế Hoạch B đâu. Đức Chúa Trời không phán: “Nếu ngươi không thích những gì Con của ta đã làm cho ngươi, ngươi nghĩ ngươi có thể theo một tôn giáo nào đó sao? Còn về con sinh bằng thú vật thì sao? Có thể ngươi thích trở thành một tín đồ Ấn giáo hay Phật giáo để xem coi sự thể ấy ra sao chăng!” Không, sẽ chẳng có ích chi đâu. Nếu Chúa Jêsus chưa đủ cho bạn, Đức Chúa Trời chẳng hiến cho một điều chi khác nữa đâu. Nếu bạn từ chối không đến với Đấng Christ là Chúa và Cứu Chúa, thế thì cánh cửa thiên đàng sẽ mãi mãi đóng kín đối với bạn rồi đấy.
Bây giờ, khi Chúa Jêsus đã chết, không một của lễ nào khác là cần thiết. Không một của lễ nào khác sẽ được tiếp nhận. Không một của lễ nào là khả thi hết. Của lễ ấy là Chúa Jêsus duy nhứt và chỉ có Chúa Jêsus. Không có sự chết của Ngài, chẳng có sự tha thứ đâu, không có ơn cứu rỗi, và chẳng có hy vọng gì về thiên đàng.
Bạn có muốn lên thiên đàng không? Nếu câu trả lời là có, thế thì đây là ba việc mà bạn cần phải biết. Thứ nhứt, bạn không thể làm điều đó theo sức riêng mình được. Bạn có thể thử, nhưng chắc chắn bạn sẽ thất bại. Bạn sẽ “chết thử xem”. Nổ lực riêng sẽ chẳng đưa bạn đến đâu — thực vậy, bạn sẽ kết thúc còn xa thiên đàng hơn là bạn đang đứng cách đó hôm nay. Bạn không thể tạo con đường riêng cho mình để lên thiên đàng được. Đức Chúa Trời sẽ không chấp nhận con đường ấy đâu, và bạn không thể làm được điều đó. Thứ hai, Đức Chúa Trời đã làm điều đó thay cho bạn. Đây là những tin tức tốt lành thật kỳ diệu, cứu mạng của đạo Tin Lành. Những gì bạn không thể làm cho bản thân mình, Đức Chúa Trời đã làm thay cho bạn qua Đức Chúa Jêsus Christ Con độc sanh của Ngài. Trong sự chết đổ huyết ra của Ngài trên thập tự giá, Chúa Jêsus đã trả đủ cái giá đền bù cho tội lỗi của bạn rồi. Đấy là những gì Ngài muốn nói khi Ngài kêu lên “Mọi sự đã được trọn!” (Giăng 19:30). Công tác cứu rỗi đã hoàn tất. Không một điều chi được thêm vào với giá trị những gì Chúa Jêsus đã làm khi Ngài chịu chết trên cây thập tự. Cái giá ấy đã được trả rồi; Chúa chúng ta đã gánh lấy án phạt của chúng ta trên chính mình Ngài. Những cú đấm nặng nề của sự phán xét đã giáng trên Chiên Con của Đức Chúa Trời.
Thứ ba, khi bạn đến với Chúa Jêsus, huyết của Ngài tẩy sạch tội lỗi của bạn. Hôm qua, Marlene vợ tôi đã để ra mấy tiếng đồng hồ để làm sạch mấy cái phòng nhỏ kia. Khi nàng làm xong, nàng đặt mấy thứ trên bàn ăn tối để nàng dễ tìm thấy khi làm sạch xong mấy phòng ấy. Khi tôi nhìn vào mấy thứ nầy, tôi thấy tấm bìa từ buổi lễ truy điệu Gary Olson vào tháng 11 năm 1999. Tấm bìa ấy có gắn hình ảnh ông ở mặt trước và trình tự của buổi lễ ở mặt sau. Tôi đã không nhìn thấy tấm bìa ấy hơn 4 năm rồi. Gần như một ký ức thoắt hiện lại đối với tôi. Ngay trước khi tôi phân phát sứ điệp trong ngày ấy, Gary Pigg đã hát lên. Ông ấy và Gary Olson là bạn thân với nhau, và mặc dù ông đã chuyển đến Nashville, rõ ràng ông đã có mặt trong thị trấn vào tuần lễ Gary ngã chết đột ngột, vì thế Dawn Olson đã yêu cầu ông hát. Một vài phút trước khi buổi lễ bắt đầu, khi Marlene và tôi bước qua khu vực có tòa giảng, chúng tôi nhìn thấy Gary Pigg đang tìm cách quyết định phải hát bài nào! Sau khi chúng tôi trao đổi trong một phút, Marlene nói: “Gary là một người rất đơn sơ, ông ưa thích nhạc Tin Lành. Hãy hát bài gì có Tin Lành trong đó”. Chúng tôi bước lên nơi Thánh và buổi lễ khởi sự mấy phút sau đó. Chắc chắn là thì giờ đến cho Gary Pigg cất tiếng hát. Tôi sẽ không bao giờ quên được những gì ông đã hát. Khi đàn dương cầm dạo đầu, ông bước lên thềm ở phía trước rồi nói: “Tôi sẽ hát một câu hỏi dành cho quí vị, và tôi muốn quí vị hát câu trả lời sau đó cho tôi”. Thế rồi ông bắt đầu hát: “Điều gì có thể tẩy sạch tội lỗi tôi?” Và toàn thể hội chúng — mấy trăm người — đã hát đối đáp lại: “Không một điều gì cả, trừ ra huyết của Chúa Jêsus”. “Điều gì làm cho tôi được nên thánh?” Một lần nữa, câu trả lời lại đến: “Không một điều gì cả, trừ ra huyết của Chúa Jêsus”. Rồi Gary đã hát phần giai điệu,
Ôi, quí báu thay dòng sông huyết,
phiếu trắng tôi như tuyết.
Tôi biết không có một nguồn sống nào khác,
Trừ ra huyết của Chúa Jêsus.
Tội lỗi của bạn đã được sạch bởi huyết của Chúa Jêsus chưa? Nếu rồi, thế thì hãy vui mừng và dâng lời cảm tạ cho Đức Chúa Trời. Còn nếu câu trả lời là “chưa”, hay nếu bạn không dám chắc, hãy mở lòng mình ra với Đức Chúa Jêsus Christ. Hãy đến với Chúa Jêsus ngay bây giờ đi. Hãy chạy đến với thập tự giá. Đừng đi bộ — hãy chạy đến với thập tự giá! Hãy vòng tay ôm lấy thập tự giá đầy huyết kia của Chúa Jêsus. Hãy nắm chặt lấy Đấng Christ bởi đức tin. Hãy tin cậy Đấng đã đổ huyết ra vì bạn. Nguyện Đức Chúa Trời giúp bạn làm công việc ấy — và hãy làm điều đó ngay bây giờ.
Lạy Đức Chúa Trời giàu ơn, khi chúng con suy gẫm những lời lẽ đơn sơ nầy, xin mở mắt chúng con ra để nhìn thấy những sự lạ lùng trong ân điển của Ngài. Xin giúp chúng con tin theo những sự thực trong Tin Lành của Ngài và biết vòng tay ôm lấy Con độc sach của Ngài, là Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa và Cứu Chúa của chúng con. Nguyện người nào nhìn biết Ngài càng yêu mến Ngài càng hơn. Hãy kéo kẻ bị mất đến với Chúa Jêsus và làm ơn đi, lạy Chúa, hãy làm điều đó ngay bây giờ, vì cớ Đấng Christ, Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét