Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

Mác 15:1-5: "Người có tên là Phi-lát"



Những khuôn mặt quanh thập tự giá
Người có tên là Phi-lát

Mác 15:1-5
Đây là một nhân vật khác mà hết thảy chúng ta đều muốn gặp gỡ. Thuộc về ông ta là một câu chuyện nói tới một người bị kéo vào một tình thế chẳng đặng đừng rất tồi tệ. Vô luận chúng ta đọc bao nhiêu lần câu chuyện nầy, kỳ thực vẫn chưa rõ ràng ở chỗ không biết ông ta đã nghĩ gì và thực sự ông ta cảm thấy như thế nào!?! Tên của ông ta là Bôn-xơ Phi-lát. Ông ta là người đã trao Chúa Jêsus cho người ta đem đóng đinh trên cây thập tự.
Chúng ta biết rất nhiều về lai lịch của ông ta. Các trước giả Tin Lành gọi ông ta là quan “tổng đốc” xứ Giu-đê. Tước phẩm của ông ta phải gọi là “thái thú Lamã”. Trong hệ thống của người Lamã, các quan thái thú là những người nào xuất thân từ giai cấp chuyên làm xiếc trên lưng ngựa, người “lính canh Lamã”. Nói như thế có nghĩa là họ là hạng người thuộc giai cấp trung lưu, họ có một số tài sản. Họ thường được bổ nhiệm vào những vùng lãnh thổ nhỏ cần phải coi chừng thật kỹ lưỡng.
Phi-lát là vị thái thú thứ 5 của xứ Giu-đê. Hoàng đế Tiberius đã chỉ định ông ta theo cách riêng vào năm 26SC. Ông ta lập căn cứ đầu não tại thành Caesarea thuộc Lamã nằm trên bờ biển Địa Trung Hải, nơi Hê-rốt xây một cung điện thật lớn. Nhưng bất cứ lúc nào người Do thái có một sự tập trung đông đảo tại thành Jerusalem, ông ta sẽ đến đó để biết chắc mọi sự đang ở dưới sự phong tỏa.
Đấy là công việc chính của các quan Tổng đốc Lamã: Để giữ cho mọi việc trong vòng kềm tỏa, chọn lọc các thứ thuế rồi giữ sao cho yên ổn. Để làm được điều đó, người Lamã thường để cho dân địa phương giữ lấy phần tôn giáo của chính họ, và nếu có thể được, quản lý mọi vụ việc của riêng họ.
Cũng vì thế nên Phi-lát đã từ Rome đến Israel khoảng 7 năm trước đó. Ít nhứt, ở một phương diện, ông ta là một người Lamã điển hình. Khi ông ta đến, ông ta chẳng biết gì về luật lệ và thông tục của người Do thái. Bằng chứng cho thấy rằng ông ta đã làm rất ít để khắc phục thiếu sót đó. Rồi, xem như đấy là một vấn đề rõ ràng, những gì chúng ta biết về Phi-lát đưa chúng ta đến chỗ kết luận rằng ông ta đã xem khinh người Do thái và họ trả lại bằng sự quý mến. Một vài sự việc không may đã xảy ra — một vài chuyện đổ máu không cần thiết, một vài sự quấy rối khiêu khích — khiến cho người Do thái xem ông ta là một kẻ độc ác và vô tâm.
Bầu không khí rắc rối
Giờ đây là mùa lễ Vượt Qua và Bôn-xơ Phi-lát đang có mặt tại thành Jerusalem. Chắc chắn ông ta đang ở trong cung điện của Hê-rốt. Hê-rốt cũng đang có mặt trong thành phố, mặc dù về chuyên môn đây không phải là khu vực của ông ta. An-ne, thầy cả thượng phẩm, và Cai-phe, thầy cả đương niên cũng có mặt ở đó. Cũng một thể ấy, có hàng ngàn khách hành hương người Do thái, họ đã đến từ các phần khác trong xứ Israel. Có ai đó cũng có mặt trong thành phố. Chúa Jêsus đang ở đây với các môn đồ Ngài. Hết thảy đều đang tụ tập lại. Thảm kịch sau cùng đã bắt đầu.
Phi-lát biết rõ Chúa Jêsus như thế nào là một thắc mắc mà chúng ta không dám chắc trả lời. Nhưng chúng ta có thể cho rằng ông ta biết rõ một số điều về Ngài. Rốt lại, đấy là công việc của viên quan tổng đốc. Ông ta đã biết về sự Chúa Jêsus được lòng dân rồi. Ông ta đã biết thầy cả thượng phẩm và các thầy thông giáo chẳng có ích chi cho ông ta hết. Ông ta đã nghe nhiều tiếng đồn đại lan rộng khắp cả xứ rồi. Đây là công việc của một nhà chính trị cần phải biết rõ những sự việc nầy và, như chúng ta sẽ thấy, Phi-lát là một nhà chính trị rất tinh ranh. Ông ta luôn luôn biết rõ gió đang thổi ở chiều nào.
Tòa án trò hề
Các trước giả Tin Lành nhấn mạnh rằng cuộc xét xử Chúa Jêsus đã diễn ra vào buổi sáng sớm. Phiên xử đã xảy ra theo cách ấy vì các quan tổng đốc Lamã rất giống với những quan tòa hiện đại lắm. Họ thích khởi sự thật sớm, hoàn tất sớm rồi có thì giờ dành cho một cuộc tiêu khiển nào đó vào buổi trưa.
Chúa Jêsus đã bị bắt vào khoảng trưa ngày thứ Năm. Ngài đã có một phiên tòa ở trước mặt An-ne, rồi trước mặt Cai-phe, và sau cùng ở trước mặt Tòa Công Luận, Tòa Án Thượng Thẩm của người Do thái. Họ đã tìm cách gán tội phạm thượng trên Ngài. Phạm thượng có thể bị hình phạt bằng sự chết, và thực sự đấy là điều mà họ đang mong muốn — một cuộc hành quyết, chớ chẳng phải một cuộc xét xử công bằng. Nhưng có một sự cản trở duy nhứt. Người Do thái có thể xét đoán một người phải chết, song họ không thể thi hành án ấy được. Người Lamã đã tước cái quyền ấy khỏi họ. Trước khi Chúa Jêsus chịu án, Phi-lát phải đồng ý với án đó. Điều nầy là lý do tại sao vào sáng sớm ngày thứ Sáu, họ đã đưa Chúa Jêsus tới pháp đình.
Pháp đình là sảnh đường phán xét, là địa điểm mà ở đó quan tổng đốc sẽ lắng nghe các vụ kiện rồi đưa ra bản án. Lúc bấy giờ là vào khoảng giữa 6 và 7 giờ sáng. Hết thảy họ đều có mặt ở đó. Thầy cả thượng phẩm, các thầy thông giáo, người dòng Pharisi, hết thảy họ. Và họ đưa Chúa Jêsus theo với, trói lại như một tội phạm.
Người Lamã đã theo một thủ tục nhất định trong mọi cuộc xét xử của họ. Vị thẩm phán sẽ yêu cầu một phát biểu theo hình thức về bản án. Khi ấy ông ta sẽ hỏi bên kiện và bên bị. Những người làm chứng sẽ đứng ở phía trước, đưa ra luận chứng của họ và được xem xét. Sau khi nghe làm chứng rồi, vị thẩm phán sẽ lui về phòng làm việc của mình, hội ý với các đồng sự, rồi trở lại với phần quyết định. Bản án sẽ được đưa ra ngay tức thì. Phi-lát đã theo sát thủ tục nầy khi Chúa Jêsus được đưa đến trước mặt ông ta.
Bản tường trình nói rõ về các sự kiện trong buổi sáng thứ Sáu đó. Phi-lát đã đưa ra các câu hỏi theo thủ tục — đại loại như: “Đâu là bản án nghịch lại người nầy?” Giăng nói cho chúng ta biết người Do thái không muốn trả lời trực tiếp. Vấn đề, ấy là chẳng có một luật nào của người Lamã nghịch lại tội phạm thượng cả. Đấy là chuyện của người Do thái. Họ không thể nói: “Người nầy xưng mình là Đấng Mêsi”, vì Phi-lát sẽ khoác tay và chắc phải là như thế. Phi-lát không ưa thích người Do thái, không thực sự hiểu luật pháp của họ, và không muốn bị kéo vào một cuộc tranh cãi theo kiểu xoi mói của tôn giáo.
“Lẽ thật là gì?”
Đoạn, ông ta quay sang thắc mắc với Chúa Jêsus. Tất cả bốn sách Tin Lành đều nhất trí với câu hỏi đầu tiên mà Phi-lát đưa ra — "Ấy chính ngươi là Vua dân Giu-đa phải không?” Đấy là những gì các cấp lãnh đạo Do thái đang tố cáo, ông ta nói. Đấy là một việc đối với họ, song là một việc khác đối với người Lamã. Câu trả lời của Chúa Jêsus thật là khó hiểu: “Thật như lời”, nghĩa là: “Phải, ta là vua, song không phải loại vua mà ngươi đang nghĩ đâu”.
Thế nào, Ngài là vua hay không phải vua? Một lần nữa, Giăng cung ứng một số chi tiết mà các trước giả khác bỏ sót. Vấn đề, ấy là đối với Phi-lát, tước hiệu “Vua dân Giu-đa” ám chỉ một cấp chỉ huy quân sự, nhưng đối với người Do thái, đó có nghĩa là Đấng Mêsi. Các thầy tế lễ cả có ý làm cho Phi-lát phải lúng túng trong suy nghĩ Chúa Jêsus là một loại lãnh tụ cách mạng, và nhơn đó là một mối đe dọa đối với Rome. Việc nầy chẳng có hiệu quả vì Chúa Jêsus đã nói với ông ta: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy. Ví bằng nước ta thuộc về thế gian nầy, thì tôi tớ của ta sẽ đánh trận, đặng ta khỏi phải nộp cho dân Giu-đa; nhưng hiện nay nước ta chẳng thuộc về hạ giới” (Giăng 18:36).
Chính tại điểm nầy Phi-lát đưa ra câu hỏi kiếm được cho ông ta một chỗ đứng trong lịch sử. Khi Chúa Jêsus phán: “Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe lấy tiếng ta”. Phi-lát hỏi: “Lẽ thật là cái gì?” Không một ai biết chính xác ông ta muốn nói điều gì. Có phải thắc mắc của ông ta là một ao ước cố ý muốn biết rõ lẽ thật chăng? Phải chăng đấy là sự giễu cợt theo triết lý? Có phải đây là một trò đùa hay thực sự không hiểu biết? Có phải ông ta đang cáu tiết hay đang dửng dưng? Có phải ông ta đang nói ra từ một nhu cần sâu sắc ở bên trong? Không có cách nào để biết chắc lý do tại sao Phi-lát đã đưa ra câu hỏi đó. Nhưng chúng ta biết nhiều về điều nầy. Ngay giây phút ấy, Phi-lát đã đứng gần với lẽ thật hơn ông ta đã từng đứng trước đây và sẽ gần hơn bao giờ hết.
Baraba hay Jêsus?
Giây phút ngắn ngủi đã trôi qua và các cấp lãnh đạo người Do thái đã bắt đầu tố cáo Chúa Jêsus. Kinh Thánh nói rất đơn giản: “Song Đức Chúa Jêsus không đáp lại một lời gì, đến nỗi làm cho quan tổng đốc lấy làm lạ lắm” (Mathiơ 27:14). Điều đó khiến cho chúng ta cảm thấy hối tiếc cho Phi-lát. Rõ ràng, ông ta chẳng muốn có phần nào trong đám đông kia. Không giận dữ, không đe dọa, chỉ lấy làm lạ và bối rối sâu sắc. Người nầy là ai chứ? Tại sao ông ta lại có mặt ở đây? Và lý do tại sao người Do thái muốn ông ta phải chết chứ?
Phải làm gì bây giờ đây? Phi-lát có được một ý tưởng. Một ý định cầu may, thực vậy, nhưng nó sẽ đưa ông ta ra khỏi chỗ căng thẳng ấy. Có một tục lệ vào thời buổi ấy dành cho quan tổng đốc tha cho một tù phạm trong dịp Lễ Vượt Qua hàng năm. Điều nầy làm tăng uy thế cho người Lamã. Đây là một trong vài việc mà Phi-lát đã làm mà người Do thái rất ưa thích. Người ta có thể nhìn thấy tia sáng lóe lên trong óc của Phi-lát khi ý tưởng nầy ụp lấy ông ta. Có thể ông ta sẽ tuyên bố Jêsus người nầy vô tội — và rồi để cho Ngài đi. Ông ta có thể làm cho tình huống lắng dịu đi một cách thật nhẹ nhàng, với một chút ồn ào thôi.
Chỉ là bế tắc tạm thời mà thôi. Dân chúng phải đồng ý. Đây chẳng phải là sự lựa chọn của ông ta. Vì vậy, ông ta đưa ra cho họ hai người — Chúa Jêsus và một tội phạm khét tiếng có tên là Baraba. Baraba là một kẻ sát nhân. Đấy là mọi sự mà bạn có thể nói về hắn ta. Hắn là một tay giết người, một tên khủng bố, một kẻ chuyên giết người không chút tình cảm chi hết. Theo những tiêu chuẩn bình thường, hắn là người sau cùng mà dân Do thái muốn loại bỏ trên những đường phố. Ai nấy đều chợp mắt được đôi chút với Baraba ở đàng sau các chấn song. Nhưng đây là một ngày quái dị và lạ lùng khi các giá trị đương thời bị úp đổ hết. Có nhiều việc không còn như trước nữa. Phi-lát, hy vọng có một phương thức tránh thoát dễ dàng, đã hỏi đám đông một câu thật đơn giản: “Các ngươi muốn ta tha ai — Baraba hay Jêsus?”
Vợ của Phi-lát
Hiển nhiên là dân chúng không trả lời cách mau mắn. Họ vòng quanh đó trong chốc lát, và sau đó sứ điệp kỳ lạ ra từ vợ của Phi-lát, nàng đã nằm chiêm bao về Chúa Jêsus và giấc chiêm bao ấy làm cho nàng phải chao đảo. Nàng gửi lời cho chồng đừng làm hại chi đến người.
Không có một lý do nào để nghĩ vợ của Phi-lát đã từng gặp gỡ hay đã nghe Chúa Jêsus giảng dạy. Chắc chắn nàng đã biết nhiều về Ngài rồi. Đấy là những gì khiến cho câu chuyện đáng để ý đến. Trong giây phút ngắn ngủi đó, trước khi bản án được đưa ra, vợ của Phi-lát đã gửi một sứ điệp đến từ Đức Chúa Trời.
Chúng ta ao ước chúng ta muốn biết thật nhiều từ chỗ nầy. Chắc chắn Phi-lát đã dừng lại trong giây lát. Chắc chắn sứ điệp gửi từ vợ ông ta đến đã làm lay động ông ta. Có lẽ ông ta nhìn trừng trừng lên khoảng không trong đôi ba phút. Mathiơ cung ứng phần ấn tượng cho thấy Phi-lát chỉ ngồi thừ ở đó. Ông ta đã đưa ra câu hỏi, rồi trong khoảnh khắc ấy sứ điệp đã đến từ vợ của mình. Bây giờ, ông ta đang suy nghĩ về chuyện đó.
Nhưng không một ai có thể suy nghĩ về Chúa Jêsus cho đến đời đời được. Sẽ có một thời điểm khi quyết định phải được đưa ra. Phi-lát không có suy nghĩ sâu xa chi khác hơn ngày nghỉ cuối tuần. Ông ta phải quyết định ngay khi ấy. Và giống như nhiều người khác đã làm, ông ta chẳng làm chi hết.
Nhân vật biết quá nhiều
Từ trên xuống, các cấp lãnh đạo bắt đầu kích động đám đông, lay động họ với hành động quyết định. Từ từ những tiếng kêu la dậy lên, lúc đầu thấp giọng và chậm chạp, rồi lớn tiếng và nhanh hơn: “Hãy trao cho chúng tôi Baraba. Chúng tôi muốn Baraba”.
Giây phút cho sự quyết định đã trôi qua. Dân chúng đã lên tiếng. Họ muốn con người tội phạm được buông tha. Họ muốn Jêsus phải chịu chết.
Chắc chắn Phi-lát là một con người đang rơi vào chỗ bối rối. Từ điểm thuận lợi của những năm 2.000, thật chẳng khó khi cảm thấy hối tiếc cho ông ta. Ông ta không hề thắc mắc về tình trạng khủng khiếp nầy. Ông ta không hề có ý định buông tha cho một kẻ chuyên giết người. Trong lý trí, ông ta biết Jêsus là vô tội. Ông ta biết rõ như thế. Vợ ông ta đã trao cho ông ta sứ điệp của Đức Chúa Trời. Nhưng dân chúng đã xin kẻ giết người. Thêm một lần nữa, ông ta cố gắng: “Thế thì, ta sẽ làm gì với Jêsus?” Đây là hành động của một con người đang lâm cảnh tuyệt vọng. Ông ta biết rõ điều mình sẽ làm, song lại sợ không dám làm điều đó.
Thật vậy, nếu bạn gắn những câu chuyện Tin Lành lại với nhau, thì thấy rõ rằng Phi-lát đã cố gắng đến bốn lần để tránh không kết án Chúa Jêsus phải chết. Lần thứ nhứt, ông ta bảo người Do thái phải lo chuyện của họ. Lần thứ hai, ông ta chuyển vụ việc sang cho Hê-rốt. Lần thứ ba, ông ta tìm cách xoa dịu người Do thái bằng cách đánh đòn Chúa Jêsus thay vì đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Lần thứ tư, ông ta cố gắng tạo ra một sự thỏa thuận, song thay vì thế dân chúng lại chọn Baraba.
Hăm dọa!
Ngay tại điểm nầy câu chuyện của Phi-lát trở nên hấp dẫn thêm. Nhiều lần các trước giả Tin Lành nhấn mạnh rằng ông ta thấy Chúa Jêsus là vô tội. Nhưng ông ta sẽ làm gì chứ? Tôi nghĩ trước mọi áp lực, Phi-lát vẫn muốn tha Chúa Jêsus với chỉ một sự đánh đòn trừ ra một việc. Người Do thái đã chơi lá bài chủ của họ. Họ nói với Phi-lát: “Ví bằng quan tha người nầy, thì quan không phải là trung thần của Sê-sa” (Giăng 19:12). Phi-lát vốn biết chính xác họ có ý nói gì rồi.
Hoàng đế Tiberius đã lâm trọng bịnh, hay nghi ngờ và thường tỏ ra bạo lực. Ông ta sẽ chẳng thích việc tiếp lấy một báo cáo xấu nói tới một trong những quan tổng đốc của ông ta. Và Phi-lát đã có nhiều thứ muốn che đậy. Quá khứ của ông ta sau cùng đã bắt kịp ông ta.
Đó là một sự hăm dọa, đơn sơ và rõ ràng. Và nó đã tác động. Bạn thấy đấy, nếu sự chọn lựa là đơn giản giữa Chúa Jêsus và người Do thái, Phi-lát sẽ để cho Chúa Jêsus đi. Nhưng việc đó không chính xác là điều đã xảy ra. Sự hăm dọa khiến phải đưa ra một sự lựa chọn giữa Chúa Jêsus và Rome. Một người sẽ làm nhiều việc để cứu lấy chỗ đứng của mình. Cuối cùng, phải đặt lợi ích riêng lên phần của Phi-lát.
Hai bàn tay đẩm máu: Rửa
Cho phép tôi tóm tắt lại vụ kiện như tôi xem thấy. Phi-lát không thực sự hiểu được Chúa Jêsus, song ông ta cũng muốn kết án tử hình Ngài cho rồi. Ông ta đã bị những lời kêu nài của người Do thái làm cho ngây đi trước luật pháp của người Lamã. Và ông ta biết rõ Chúa Jêsus là vô tội. Ông ta đã nói như thế nhiều lần lắm.
Về cơ bản, sự việc đã xảy ra theo cách nầy: Phi-lát muốn thả Chúa Jêsus nhưng chẳng một giá nào trả cho ông ta về mặt cá nhân. Ông ta muốn thả Ngài đi, song không còn chỗ đứng cho ông ta nữa. Ông ta đã hâm mộ, song chưa đủ để tin theo Ngài. Ông ta sau cùng đã đầu hàng trước lời hăm dọa riêng tư và áp lực của đám đông. Và vì vậy, ông ta đã kết án tử hình Chúa Jêsus.
Nhưng trong hành động sau cùng của một lương tâm bị cấu xé, ông ta đã lấy một chậu nước rồi rửa tay mình. Đây là một hành động mà người Do thái sẽ hiểu rõ vì hành động ấy ra từ Cựu Ước. Thực vậy, hành động ấy ra từ Phục truyền luật lệ ký 21, ở đây Đức Giêhôva đề ra một nghi thức cho trường hợp làm chết người không cố ý. Nó bao gồm việc rửa tay mình trên con bò cái tơ đã bị vặn cổ chết. Nghi thức có ý nói: “Ngài là vô tội và ta cũng thế”.
Cơ bản là Phi-lát hiện đang làm đúng y như thế. Chỉ có một nan đề mà thôi. Phi-lát đang phạm tội. Tất cả nước của một ngàn ngọn thác Niagaras không thể gột sạch được tội lỗi của ông ta. Ông ta đang phạm tội hèn nhát về đạo đức trong giây phút khủng hoảng. Ông ta phạm phải tội bán đứng một người vô tội để cứu lấy chỗ đứng của chính ông ta. Ông ta đang phạm phải tội xét đoán một người mà ông ta biết rõ là vô tội.
Không, Phi-lát ơi, chuyện ấy sẽ không xong đâu. Hãy nhìn đi, nhìn đi, hãy nhìn vào hai bàn tay của ông kìa. Huyết vô tội đang bao phủ chúng. Ông đã đóng đinh Chúa Jêsus trên thập tự giá bằng sự do dự, sự dao động, sự hèn nhát, sự ích kỷ của ông. Mặc dù ông sống để rồi trở thành một cụ già, già lắm, ký ức nầy sẽ ám ảnh ông cho đến đời đời. Những tiếng kêu gào từ đồi Gôgôtha sẽ rung lên trong tai ông cho tới ngày ông qua đời. Và rồi đây, tên tuổi của ông sẽ là một biểu tượng cho mọi điều ác đã được làm ra cho Chúa Jêsus.
Việc ấy đã xảy ra. Chính ngày nầy, trong hàng trăm hàng ngàn Hội Thánh, Cơ đốc nhân đã đọc lại bài tín điều các sứ đồ. Chỉ có ba danh xưng được thấy có trong bài tín điều ấy — Chúa Jêsus, Mary và … Bài tín điều đọc như sau: “Sanh bởi nữ đồng trinh Mary, chịu thương khó dưới tay Bônxơ Phi-lát”. Tuy nhiên, Phi-lát đã biết rõ Chúa Jêsus là vô tội. Ông ta đã cố gắng những bốn lần hòng thả Ngài đi — và đã nói: “Ta chẳng thấy người có tội lỗi gì cả”. Đấy là lẽ mầu nhiệm và rất khó hiểu trong câu chuyện của ông ta.
Một người yếu đuối và đáng thương
Ông ta đã rửa tay mình, song huyết sẽ chẳng sạch được. Ông ta đã bỏ qua trách nhiệm, song nó lại trở đến ông ta. Ông ta tìm cách đưa ra một thỏa thuận, song cuộc diện không thành. Ông ta đã tìm cách thỏa hiệp rồi kết thúc ở chỗ bị hăm dọa. Cuối cùng, Phi-lát dường như đáng thương, sợ hãi, yếu đuối, không thể làm được điều mà ông ta biết là đúng.
Phi-lát ơi, ông đã nói gì với vợ ông trong đêm đó? Ông giải thích thế nào về những điều ông đã làm? Ông đã rửa tay mình ở trước mặt nàng sao?
Có nhiều điều bi thảm trong câu chuyện nầy, nhưng có lẽ cái điều bi thảm nhất là đây: Phi-lát không hề muốn dính dáng vào. Và ông ta không hề ghét bỏ Chúa Jêsus. Ông ta chỉ muốn giữ lấy sự hòa thuận, đổ dầu ra trên vũng nước rối rắm, làm cho mọi người nguôi ngoai đi.
Ông ta biết rõ lẽ thật, mặc dù về sự ấy, đã trì trệ quá lâu. Phi-lát đã có cơ hội của mình mà không nắm lấy. Ông ta nói: “Lẽ thật là cái gì?”, khi Đấng Chơn Thật đang đứng cách ông ta chỉ có mấy cm. Ông ta không thể nhìn thấy điều đó; ông ta vốn chẳng hiểu được điều đó; ông ta sẽ không tin lẽ thật ấy, và vì thế, ông ta đã không bước theo lẽ thật. Ông ta đã ở gần đủ để chìa tay ra rồi chạm đến Đấng Chơn Thật, nhưng ông ta đã không làm được điều đó.
“Ta sẽ làm gì với Jêsus?”
Câu hỏi sau cùng của Phi-lát với đám đông vẫn còn rung lên qua nhiều thế kỷ: “Thế thì, ta sẽ làm gì với Jêsus?” Đấy, câu hỏi của nhiều thế đại và từng người chắc chắn phải đưa ra câu trả lời.
Chỉ có hai câu trả lời khả thi. Tôi có thể tôn vinh Ngài hoặc tôi sẽ đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Chẳng có câu trả lời nào khác nữa, không có một chỗ đứng trung lập đâu.
Chúng ta hãy đưa câu hỏi ấy đi vòng quanh rồi lập nó sao cho thật cá nhân hơn: “Ta sẽ làm gì với Jêsus?” Nếu Ngài là Con của Đức Chúa Trời, vậy thì hãy tôn cao Ngài là Chúa trong đời sống của bạn rồi dâng tấm lòng của bạn cho Ngài. nếu Ngài là kẻ lừa lọc, vậy thì với bất cứ giá nào hãy đóng đinh Ngài trên cây thập tự đi.
Song tôi không thể quyết thay cho bạn được. Không một ai có thể trả lời cho câu hỏi đó trừ ra bạn. Bạn hữu của Chúa Jêsus không thể trả lời thay cho bạn đâu. Những kẻ thù của Ngài cũng thế. Phi-lát đã tìm cách rửa tay mình, nhưng nước sẽ không rửa sạch được loại huyết ấy. Bạn không thể xưng mình trung lập được. Một là tham gia vào với những kẻ đã đóng đinh Ngài trên thập tự giá hoặc tham gia vào với những kẻ bước theo Ngài.
Tôi đưa ra câu hỏi thêm một lần nữa: Bạn sẽ làm gì với Chúa Jêsus? Hãy trả lời câu hỏi ấy, đừng bỏ qua. Trước khi mỗi một người chúng ta rời khỏi địa điểm nầy, ai nấy phải đưa ra một quyết định về Chúa Jêsus hoặc chống lại Ngài.
Lời lẽ sau cùng của tôi cho bạn là đây: Nếu bạn chọn Chúa Jêsus, bạn sẽ không bao giờ hối tiếc. Một người lấy làm lạ, không biết Phi-lát nghĩ gì về mọi vụ việc trong buổi sáng thứ Sáu đó. Khi ông ta nhìn lại ba mươi năm sau đó, ông ta có hối tiếc về sự do dự của mình không? Có phải ông ta nhũ thầm: “Phải chi nếu mình mạnh mẽ hơn?” Đây là một điều luật tốt lành của cuộc sống để sống, hầu cho bạn chẳng có gì phải hối tiếc về sau. Nói như thế có nghĩa là hãy bước theo lẽ thật khi Đấng Chơn Thật đang đứng trước mặt bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét