Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

I Phierơ 3:18-22: "Đấng Christ Đắc Thắng"



Đấng Christ Đắc Thắng
I Phierơ 3:18-22

Đây là phân đoạn khó nhất trong Tân Ước.
Đấy là điều mà vị Giáo sư người Hylạp của tôi đã nói khi chúng tôi cùng nghiên cứu thư tín I Phierơ trong Thần Học Viện. Tôi nhớ ông nói rằng có nhiều nhận định khả thi về mấy câu Kinh Thánh nầy mà không dám chắc chúng có ý nói tới điều gì. Vấn đề một phần có quan hệ đến chính nguyên bản Hy lạp hay không (Chính xác thì Phierơ đang nói tới điều gì chứ?) và một phần quan hệ tới sự diễn dịch của phân đoạn (Phierơ có ý nói tới điều gì?) Khi Martin Luther phê bình phân đoạn Kinh Thánh nầy, ông đã nói như sau: “Tôi không dám chắc Phierơ có ý nói gì trong phân đoạn Kinh Thánh nầy”. Nhiều nhà giải kinh khác cũng đã nói y như thế.
Cho phép tôi nếu tôi có thể làm cho vấn đề ra rõ ràng cho bạn thấy. Đây là một danh sách các đề tài mà Phierơ phủ lấy chỉ trong 5 câu Kinh Thánh:
Đấng Christ đã chịu chết vì tội lỗi một lần đủ cả để đem chúng ta đến với Đức Chúa Trời.
Ngài đã chịu chết và đã được làm cho sống về mặt thuộc linh (hay trong Đức Thánh Linh).
Ngài đã giảng đạo cho những linh hồn ở trong ngục tù.
Những linh hồn ấy đã bất tuân trong thời Nôê khi con tàu đang được đóng.
Chỉ có tám người được cứu trong chiếc tàu.
Họ được cứu bởi nước.
Nước làm biểu tượng cho phép báptêm.
Phép báp-têm cứu chúng ta.
Nhưng không phải là rửa sạch bề ngoài mà là một sự liên lạc lương tâm tốt với Đức Chúa Trời.
Phép báptêm cứu chúng ta qua sự sống lại của Đấng Christ.
Đấng Christ giờ đây đang ngồi bên hữu của Đức Chúa Trời.
Tất cả mọi uy quyền thuộc linh giờ đây đã được trao cho Ngài.
Khi viết ra danh sách ấy cũng thấy khá lộn xộn rồi. Phierơ đang nói tới chính xác điều gì ở chỗ nầy? Vì vậy, chúng ta hãy rút ngắn bảng danh sách nầy lại một chút:
Đấng Christ đã chịu chết.
Ngài giảng đạo cho những linh hồn bị tù.
Tám người được cứu trong chiếc tàu.
Nước lụt tiêu biểu cho phép báp-têm.
Phép báp-têm cứu qua sự sống lại của Đấng Christ.
Đấng Christ giờ đây đang ngồi bên tay hữu của Đức Chúa Trời.
Như vậy là khá hơn rồi đấy, song có cái gì đó chưa rõ ràng. Tư tưởng duy nhất xuyên suốt qua phân đoạn Kinh Thánh nầy cần phải nhắm vào Đức Chúa Jêsus Christ. Phierơ muốn nhấn mạnh rằng giống như Đấng Christ đã chịu thương khó trong chỗ bất công, thậm chí chúng ta có thể chịu khổ rất bất công nữa. Và ông sử dụng câu chuyện của Nôê gần như là “minh họa kèm” giống như muốn nói: “Điều chi đã xảy ra cho Chúa Jêsus (và cho Nôê nữa) có thể và sẽ xảy ra cho bạn đấy”. Vì thế, nếu chúng ta để riêng phần Nôê qua một bên (trong một lát thôi), chúng ta còn lại với bốn câu nói liên quan tới Đức Chúa Jêsus Christ:
Ngài đã chịu chết (câu 18).
Ngài đã giảng đạo (câu 19).
Ngài đã sống lại từ kẻ chết (câu 21).
Ngài đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời (câu 22).
Phân đoạn Kinh Thánh nầy toàn bộ là nói về Chúa Jêsus. Hãy chú ý thể nào những gì khởi sự với sự thương khó kết thúc với sự đắc thắng. Chúng ta bỏ qua điểm chính nếu chúng ta cứ trụ mãi ở chỗ nói tới nước lụt của Nôê. Chỉ hãy nhớ điều nầy: Nôê đã gánh chịu sự chối bỏ, nhưng đến cuối cùng đã được công nhận là đúng. Đấy là một minh họa nhỏ về những gì đã xảy ra cho Chúa Jêsus theo một phương thức lớn hơn. Ngài đã bị đóng đinh vào thập tự giá, song giờ đây đang ngồi bên tay hữu của Đức Chúa Cha. Và cả hai câu chuyện ấy minh họa những gì xảy ra cho những ai bước theo Đấng Christ. Điều chi khởi sự với “đau thương thất bại” (chịu khổ bất công) kết thúc với “rung động đắc thắng” (được xác nhận qua Đấng đắc thắng). Đấy là mũi nhọn chính của phân đoạn Kinh Thánh nầy. Phierơ giới thiệu cho chúng ta với bốn yếu tố nói tới sự đắc thắng vinh hiển của Đấng Christ.
I. Ngài đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta
“Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời” (câu 18).
Phierơ khẳng định 5 sự kiện quan trọng về cái chết của Đấng Christ. Thứ nhứt, đây là cái chết rất khủng khiếp. Từ ngữ nói tới “chịu chết” trong câu 18 không những nói tới cái chết theo phần xác, mà cũng nói tới sự đau đớn kinh khủng nữa. Năm ngoái khi Mel Gibson làm ra cuốn phim “Sự thương khó của Đấng Christ”, ông đã bị chỉ trích kịch liệt vì tính tàn bạo mà với đó ông mô tả cái chết của Chúa chúng ta. Để đáp lại sự phê phán ấy, ông đưa ra một phiên bản “cắt lại” của cuốn phim nói về ngày thứ Sáu. Nó ngắn hơn 6 phút vì ông đã cắt phần bối cảnh đánh bằng roi và phần bối cảnh đóng đinh trên thập tự giá. Ông cũng thay đổi một số chỗ lồng tiếng và những góc độ mấy cảnh phim để làm dịu đi cú sốc của cuốn phim. Nhưng cách đây 2.000 năm, chẳng một người nào có thể làm dịu đi sự đóng đinh trên thập tự giá dành cho Chúa Jêsus cả. Những gì họ đã làm cho Ngài còn tệ hại hơn bất cứ cuốn phim nào Hollywood đã cho quay. Thứ hai, đây là cái chết có tính cách hy sinh. Ngài đã chịu chết “vì tội lỗi”. Hãy chú ý cho cẩn thận, Phierơ đã nhấn mạnh ở chỗ đó. Ngài không chịu chết vì tội lỗi của chính Ngài, vì Ngài không hề phạm tội. Ngài là con người trọn vẹn duy nhứt đã từng sống. Chúa Jêsus đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta. Thứ ba, đây là cái chết không thể được lặp lại. Khi Phierơ nói Ngài đã chịu chết “một lần đủ cả”, ông có ý nói cái chết của Đấng Christ là đủ cho mọi thời đại và vì lẽ đó không thể được lặp lại bởi bất kỳ ai khác. Thậm chí chính mình Đấng Christ cũng không thể chết một lần nữa vì tội lỗi chúng ta. Những gì huyết của bò đực và dê đực không làm được, Chúa Jêsus đã làm trong sự chết của Ngài trên thập tự giá. Chúa Jêsus đã chịu chết nhằm ngày Lễ Vượt Qua của người Do thái. Nhiều học giả cho rằng 250.000 con chiên sẽ bị giết mỗi năm vào dịp Lễ Vượt Qua. Nhưng dòng sông huyết thú vật lớn lao kia không thể đồng nghĩa với những gì Chúa Jêsus đã đạt được khi Ngài gục chết trên thập tự giá vì chúng ta.
Thứ tư, đây là cái chết mang tính cách thay thế. Sự chết của Ngài là “Đấng công bình thay cho kẻ không công bình”. Ngài đã gánh lấy chỗ của chúng ta, Ngài mang lấy nổi xấu hổ của chúng ta. Ngài đã trả cái giá dành cho mọi tội chúng ta. Cho phép tôi minh họa. Trong mấy tuần lễ vừa qua, tôi đã huấn luyện nhân sự tại First Watch vào những buổi sáng thứ Năm với phương pháp “tin tốt-tin xấu” chia sẻ về Đấng Christ. Điểm đầu tiên của những tin tức tốt lành là “Đấng Christ chịu chết vì chúng ta” và phần Kinh Thánh là Rôma 5:8: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”. Đấy là lẽ thật rất tuyệt vời, nhưng bạn giải thích lẽ thật ấy như thế nào với người ta? Tôi nói cho nhân sự sử dụng minh họa nầy khi họ làm chứng với ai đó về Đấng Christ: Chúng ta giả sử rằng bạn có bịnh ung thư, và chứng ung thư của bạn đã phát triển rất nhiều đến nỗi y sĩ nói cho bạn biết rằng chẳng còn có hy vọng chi nữa. Tất cả những phương pháp chẫn trị đều đã cạn kiệt rồi. Chẳng có việc gì nữa họ có thể lo liệu. Không có một phép lạ, bạn sẽ chết. Vì vậy tôi đến với bạn rồi nói: “Tôi muốn cứu bạn ra khỏi đấy. Tôi muốn lấy từng tế bào ung thư ra khỏi thân thể bạn rồi gắn nó vào thân thể tôi”. Bạn nhìn tôi với một sự kinh ngạc pha lẫn với sự vui mừng khôn tả. Chính chứng bịnh đang giết chết bạn sắp sửa được dời đi ra khỏi thân thể bạn. Sau khi bạn nói thế với người ấy, khi đó bạn hãy đưa ra câu hỏi nầy: “Nếu điều đó khả thi, thì điều chi sẽ xảy ra cho tôi và điều gì sẽ xảy đến cho bạn?” Câu trả lời là: “Tôi sẽ chết và bạn sẽ sống”. Tại sao chứ? Vì tôi đã lấy chứng bịnh gây ra cái chết của bạn rồi đặt nó trên chính mình tôi, và tôi chết đi giống như thay thế cho bạn vậy.
Đấy là điều mà Chúa Jêsus đã làm cho chúng ta. Ngài đã gánh lấy án phạt dành cho tội lỗi của chúng ta rồi Ngài đặt nó trên chính mình Ngài. Điều nầy giải thích lý do tại sao Đấng Christ phải chịu chết. Ngài không chịu chết như một gương tốt, và Ngài không chết để dạy dỗ chúng ta phải sống và phải chết như thế nào đâu. Ngài đã chịu chết vì Ngài đã gánh lấy án phạt của chúng ta trên chính mình Ngài. Một giai điệu ngắn đã mô tả điều đó như sau:
Ngài đã trả món nợ mà Ngài không mắc,
Tôi mắc món nợ mà tôi không thể trả.
Tôi cần ai đó rửa sach tội lỗi tôi
Và giờ đây tôi hát bài ca mới: Ân điển Lạ lùng Vì Chúa Jêsus đã trả món nợ mà tôi không thể trả được.
Thứ năm, đây là cái chết phục hòa. Ngài đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, trong chỗ của chúng ta, để Ngài có thể đem chúng ta đến với Đức Chúa Trời. Trong Cựu Ước, có bức màn thật dày phân biệt Nơi Thánh và Nơi Chí Thánh. Bức màn là một sự nhắc nhớ thấy được bằng mắt thường mà chẳng có ai khác trừ ra Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm mới được bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời, và ông ấy chỉ có thể vào mỗi năm có một lần, và chỉ trong Ngày Chuộc Tội mà thôi, và chỉ với huyết của con bò đực hay con dê. Khi Chúa Jêsus chịu chết, bức màn đã bị xé làm hai, ám chỉ rằng sự chết của Ngài mở ra cánh cửa cho bất kỳ ai tin mà đến với Đức Chúa Trời.
II. Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù
Hầu hết chúng ta đều không nghĩ Chúa Jêsus là một nhà truyền đạo, nhưng Ngài chính là một nhà truyền đạo. Mathiơ 4:23 chép rằng: “Đức Chúa Jêsus đi khắp xứ Ga-li-lê, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng Tin Lành của nước Đức Chúa Trời và chữa lành mọi thứ tật bịnh trong dân”. Luca 20:1 chép rằng trong tuần lễ cuối trước khi bị đóng đinh trên cây thập tự, Chúa Jêsus “đang dạy dỗ dân chúng trong đền thờ và rao truyền Tin Lành”. Vì thế, chắc chắn Chúa Jêsus là một nhà truyền đạo. Đấy là điều khiến cho phân đoạn Kinh Thánh ra hấp dẫn. Câu 19 cho chúng ta biết rất rõ ràng rằng Chúa Jêsus đã đi giảng cho “các linh hồn bị tù”. Giờ đây, có nhiều thắc mắc về vấn đề nầy. Ai là “các linh hồn” nầy, Chúa Jêsus đã giảng cho họ ở đâu và lúc nào? Câu 20 cung ứng cho chúng ta một phần của câu trả lời. Những linh hồn nầy bị tù “tức là kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhịn nhục chờ đợi, chiếc tàu đóng nên”. Câu nầy trợ giúp đôi chút thôi, chớ không phải là nhiều đâu. Chúng ta biết từ sách Sáng thế ký, trong thời kỳ trước nạn lụt, điều ác đã hoàn toàn chế ngự cả thế gian. Đức Chúa Trời đã sai nạn lụt đến trong sự đáp ứng với tình trạng gian ác lan tràn, không kềm chế được trong thời buổi ấy. Con người không những đã chối bỏ Đức Chúa Trời, mà họ còn làm thế công khai, ngang ngược, và bạo hành nữa. Làm sao thế gian mà Đức Chúa Trời đã dựng nên lại trở xấu đi hoàn toàn và nhanh chóng như thế chứ? Sáng thế ký 6:1-2 cung ứng một câu trả lời “Vả, khi loài người khởi thêm nhiều trên mặt đất, và khi loài người đã sanh được con gái rồi, các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ”. Có một vài giải thích cho mấy câu nầy. Sự giải thích xưa nhất cho rằng cụm từ “các con trai của Đức Chúa Trời” đề cập tới các thiên sứ nào nổi loạn nghịch cùng Đức Chúa Trời (chúng ta sẽ gọi họ mà ma quỉ), cư trú trong thân thể loài người, lấy những phụ nữ loài người làm vợ, rồi sanh ra “người cao lớn trên mặt đất” ở câu 4, họ phiêu bạt trên đất giống như những kẻ bạo ngược và hay ức hiếp người khác đời xưa. Ở bề mặt của nó, quan điểm nầy dường như lạ lùng và thậm chí quái lạ, theo suy xét của tôi, đấy là những gì phân đoạn Kinh Thánh nầy đang dạy dỗ. Ở một mặt, cụm từ “các con trai của Đức Chúa Trời” trong Cựu Ước trong tất cả những lần xảy có của nó luôn luôn chỉ đề cập đến hàng thiên sứ. Và sự giải thích nầy rất phù hợp với Sáng thế ký 3:15, là chỗ nhấn mạnh “cuộc chiến” lâu dài của Satan nghịch lại “dòng dõi của người nữ” chắc chắn sẽ tạo ra Đấng Mêsi. Cách tốt nhứt hòng hủy diệt Đấng Mêsi hầu đến là làm suy bại hoàn toàn dòng giống con người qua sự giới thiệu thuyết tin theo ma quỉ? Và đây thực sự là lối giải thích xa xưa nhứt. Đây là cách các học giả Do thái phiên dịch Cựu Ước sang tiếng Hy lạp (bản 70), họ hiểu rõ phân đoạn gốc nầy khoảng 2 thế kỷ trước khi Đấng Christ giáng sinh. Và lối giải thích nầy giúp chúng ta hiểu rõ hai phân đoạn khó hiểu trong Tân Ước.
“Vả, nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên sứ đã phạm tội, nhưng quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét; nếu Ngài chẳng tiếc thế gian xưa, trong khi sai nước lụt phạt đời gian ác nầy, chỉ gìn giữ Nô-ê là thầy giảng đạo công bình, với bảy người khác mà thôi” (2 Phierơ 2:4-5).
“còn các thiên sứ không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình thì Ngài đã dùng dây xích họ trong nơi tối tăm đời đời, cầm giữ lại để chờ sự phán xét ngày lớn. Lại như thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ cùng các thành lân cận cũng buông theo sự dâm dục và sắc lạ, thì đã chịu hình phạt bằng lửa đời đời, làm gương để trước mặt chúng ta” (Giu-đe 6-7).
Cả hai phân đoạn mô tả một sự phán xét rất mạnh mẽ giáng trên những thiên sứ không những họ đã phạm tội mà còn “bỏ chỗ riêng mình” nữa. Hãy chú ý trong phân đoạn thứ nhứt, các thiên sứ được nhắc tới trước tiên, rồi mới tới Nôê và nước lụt. Trong thơ Giu-đe, cụm từ “lại như” gắn các thiên sứ với câu chuyện nói tới thành Sôđôm và Gô-mô-rơ. Và đâu là tội lỗi của thành Sôđôm và thành Gô-mô-rơ? Đây là hình thức “phi đạo đức nặng nề” bao gồm việc chạy theo “xác thịt lạ”. Đây không phải là tham khảo nói tới tình trạng đồng tính luyến ái. Sáng thế ký 19 cho chúng ta biết dân cư thành Sôđôm và Gô-mô-rơ đã sẵn sàng cưỡng hiếp hai thiên sứ đóng vai trò khách viếng xuất hiện theo hình thể con người. Ghép lại với nhau thì câu chuyện sẽ ra như thế nầy đây: Trong thời buổi trước nước lụt, các thiên sứ đã nổi loạn chống nghịch Đức Chúa Trời rồi nhập vào thân thể con người trong hình thái quỉ ám, cưới cho họ những người vợ loài người. Sự ăn ở chung đụng kết quả trong việc tạo ra một hình thái dòng dõi gian ác phiêu bạt trên đất như những gã giềng giàng, bạo ngược và những kẻ tạo ra điều ác rất kinh khủng. Về tội lỗi gớm ghiếc nầy, các thiên sứ bị bỏ vào cái hố sâu tối tăm và thế giới trong thời của Nôê đã bị quét sạch trong cơn đại hồng thủy.
Điều nầy giúp cho nhớ lại trong các sách Tin Lành, chúng ta học biết ma quỉ nài xin thân thể để cư trú vào đó. Khi “quân đội” của ma quỉ bị trục xuất ra khỏi người Gadarene bị quỉ ám, chúng đã nài xin được phép nhập vào một bầy heo (Mác 5:1-20). Khi chúng ta nhìn biết những việc như thế là khả thi, thì chẳng có gì phải ngạc nhiên khi toàn bộ sự chối bỏ Đức Chúa Trời dẫn tới tội lỗi về tình dục quái lạ và một sự nổ ra điều ác chưa từng thấy trong lịch sử thế giới.
Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi toàn bộ sự chối bỏ Đức Chúa Trời dẫn tới tội lỗi về tình dục quái lạ và một sự nổ ra điều ác chưa từng thấy trong lịch sử thế giới.
Giờ đây, chúng ta nhận định được gì ở 1 Phierơ 3:19? Về mặt cá nhân, tôi tin rằng Chúa Jêsus đã giảng cho các linh hồn thuộc về ma quỉ đó và đã công bố sự đắc thắng hoàn toàn đối với họ. Khi nói Ngài “giảng” cho họ thì có nghĩa là Ngài đã hiến ơn cứu rỗi cho họ. Ơn cứu rỗi là dành cho loài người, chớ không dành cho hàng thiên sứ hay ma quỉ. Động từ “giảng” có ý nói đưa ra lời tuyên bố công khai. Đấy là việc một sứ giả sẽ làm khi người đi từ thành nầy đến thành khác lo công bố chiếu chỉ của nhà vua. Tôi tin rằng Chúa Jêsus, một là giữa sự chết và sự sống lại của Ngài hay sau sự sống lại đó, đã công bố sự đắc thắng của Ngài với các linh hồn thuộc về ma quỉ đã loạn nghịch rất lớn chống lại Đức Giêhôva trong thời của Nôê.
III. Ngài đã sống lại từ kẻ chết
Trong các câu 20-21, Phierơ sử dụng câu chuyện nói tới Nôê và chiếc tàu giải thích ơn cứu cao sâu mà Đấng Christ mang lại cho thế gian. Ông chỉ ra rằng Đức Chúa Trời đã “nhịn nhục chờ đợi” trong 120 năm đang khi Nôê lo đóng tàu. Khi Nôê cũng là một nhà truyền đạo, chúng ta biết rằng lúc ông đóng chiếc tàu đồ sộ đó, ông đã rao giảng liên tục cho những kẻ đồng thời với mình, cảnh cáo họ phải tránh sự phán xét hầu đến. Ai nấy đều bất chấp ông, trừ ra gia đình ông. Khi nước lụt xảy đến và bao phủ cả thế gian, chỉ có tám người bước vào tàu — Nôê, Bà Nôê, ba người con trai và vợ của chúng. Chỉ bấy nhiêu thôi. Mọi người khác đều quá bận rộn. Họ lo cưới, gả, ăn, uống (Luca 17:26-27). Điều gì giống như thời của Nôê? Ấy là “làm ăn là bình thường”. Trong khi Nôê nhịn nhục lo đóng tàu và cảnh cáo người ta về sự phán xét hầu đến, họ đã cười nhạo ông rồi nói: “Chuyện ấy có bao giờ xảy ra đâu”. Nôê đã sống trong thời buổi giống rất nhiều với thời buổi của chúng ta — một kỷ nguyên vô tín và chẳng có lòng quan tâm. Nôê càng rao giảng, những kẻ đồng thời của ông càng chế nhạo ông. Họ đã từ chối không tin bất cứ điều chi giống như nạn đại hồng thủy sẽ là khả thi. Ý niệm lố bịch đến nỗi họ không xem Nôê là quan trọng. Với từng ngày trôi qua, cụ Nôê trông giống như một kẻ dại hơn ngày trước đó. Nhưng sau cùng, các từng trời mở ra và mưa trút xuống. Khi Nôê bước vào tàu, tôi dám chắc những người hàng xóm đến đứng nơi cửa rồi nói: “Nôê ơi, chúng tôi lấy làm tiếc quá. Ông đã đúng và chúng tôi sai rồi. Xin mở cửa ra. Cho chúng tôi vào với”. Nhưng quá trễ rồi.
Khi ấy Phierơ giải thích câu chuyện nầy thể nào đã minh họa cho ơn cứu rỗi. Thứ nhứt, nước tiêu biểu cho sự phán xét của Đức Chúa Trời. Nước trong thời của Nôê đã hủy diệt toàn bộ thế giới trừ ra gia đình của Nôê. Đây là nước của sự phán xét đã quét sạch thế gian xưa. Thứ hai, chiếc tàu tiêu biểu cho ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Hãy chú ý, Phierơ nói gì về hòm giao ước: “trong đó có ít người được cứu bởi nước, là chỉ có tám người” (câu 20). Họ đã được cứu “bởi nước”, nhưng nếu họ đã ở “trong” nước chớ không phải “ở trong” chiếc tàu, nước đã cứu họ sẽ hủy diệt họ. Nước đã quét sạch thế gian xưa và đưa họ vào một thế giới mới. Thứ ba, nước tiêu biểu cho phép báptêm. Phierơ có ý nói gì? Cho phép tôi trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi khác. Có bao nhiêu nước thực sự đụng đến gia đình Nôê và gia đình ông? Không một chút nước nào hết. Nước “đã cứu” họ không bao giờ đụng đến họ. Nước chỉ “cứu” họ vì họ đã ở trong chiếc tàu rồi. Phép báptêm bản thân nó không thể cứu được ai. Chính Đấng Christ mới là Đấng cứu chúng ta. Phép báptêm bản thân nó không thể rửa sạch tội lỗi của chúng ta. Chúng ta phải đến với Đấng bởi đức tin để được cứu. Nhưng phép báptêm chỉ quan trọng vì đấy là sự liên lạc lương tâm tốt với Chúa. Phép báptêm giống như lời hứa gắn bó với Đức Chúa Jêsus Christ. Đây là giây phút trong đó chúng ta “băng qua lằn ranh” và chiếm lấy chỗ đứng công khai của chúng ta cho Chúa. Trong các quốc gia theo Hồi giáo, những Cơ đốc nhân trở lại đạo không bị bắt bớ cho tới khi họ chịu phép báptêm. Ở Sudan, Libya, Niger, Saudi Arabia, phép báptêm có thể là một quyết định sống hay chết. Nó có ý nói bạn đã quyết định lìa bỏ thế giới cũ ở sau lưng rồi bước vào Tàu Cứu Rỗi — là Đức Chúa Jêsus Christ.
Vấn đề không phải là: “Bạn đã chịu phép báptêm chưa?” nhưng thay vì thế: “Bạn đã trở thành môn đồ của Chúa Jêsus chưa?” Chúng ta không được cứu bởi nước theo sát nghĩa chẳng khác gì hơn Nôê đã được cứu bởi nước. Nhưng cũng nước ấy hủy diệt nhiều người khác, nó đã cứu ông và gia đình ông vì đã ở trong chiếc tàu.
Vấn đề không phải là: “Bạn đã chịu phép báptêm chưa?” nhưng thay vì thế: “Bạn đã trở thành môn đồ của Chúa Jêsus chưa?”
Khi ấy Phierơ thêm một cụm từ lúc ông nói chúng ta đã được cứu “bởi sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ” (câu 21). Há bạn chẳng vui sướng sao khi Chúa Jêsus sống lại từ kẻ chết? Chúng ta không thờ lạy một Jêsus chết sáng nay đâu. Nếu chúng ta thờ lạy như thế, mọi hy vọng, ước mơ của chúng ta sẽ dãy chết cùng với Ngài. Chúng ta đang thờ lạy Đấng Christ phục sinh. Và giờ đây chúng ta nhìn thấy bức tranh thực sự trọn vẹn là dường nào. Nước của nạn đại hồng thủy phác họa nước của phép báptêm, và nước của phép báptêm chỉ ra sự chết, sự chôn và sự sống lại của Đấng Christ. Ai trong các bạn đã thấy tôi làm phép báptêm cho người khác đều biết rằng mỗi lần tôi làm phép báptêm, tôi luôn nói phép báptêm là một “bài giảng không lời”. Khi một ứng viên chịu phép báptêm đứng trước mặt tôi, người ấy tiêu biểu cho Chúa Jêsus đang chịu chết trên thập tự giá. Nhận họ xuống trong nước tiêu biểu cho Chúa Jêsus bị chôn trong mồ mả. Vực họ dậy ra khỏi nước tiêu biểu cho Chúa Jêsus sống lại từ kẻ chết. Toàn bộ Tin Lành được thấy trong từng phép báptêm, và từng phép báptêm rao giảng sứ điệp Tin Lành.
IV. Ngài thăng thiên về trời
Phierơ kết thúc phần làm chứng của mình với một câu vút bay cao lên nói tới Chúa chúng ta “là Đấng đã được lên trời, nay ngự bên hữu Đức Chúa Trời, các thiên sứ, các vương hầu, các quyền thế thảy đều phục Ngài” (câu 22). Trong Kinh Thánh, bên tay hữu là địa vị vinh dự và uy quyền. Ở bên tay hữu của Đức Chúa Trời có nghĩa là bạn đang ở trong một địa vị nổi bật, chỗ cao nhứt trong cả vũ trụ. Đấng Christ giờ đây ở trên trời vì công tác cứu chuộc của Ngài trên đất hiện đã hoàn tất rồi. Và bởi sự chết và sự sống lại của Ngài, Ngài đã bắt phục mọi tạo vật thuộc linh trước quyền tể trị của Ngài. Động từ Hylạp được dịch “phục” có ý nói xếp hàng dưới quyền ai đó. Đây là một từ quân sự. Ma quỉ phải xếp hàng dưới quyền Chúa Jêsus và nhận lịnh lạc từ nơi Ngài. Mặc dù hắn chiến đấu chống lại Ngài, hắn biết rõ không thể thắng Ngài được.
Ở trên trời, Jêsus là Chúa!
Trong địa ngục, Jêsus là Chúa!
Trên khắp vũ trụ, Jêsus là Chúa!
Một ngày kia, hết thảy chúng ta sẽ sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài. Tại sao chúng ta không khởi sự ngay bây giờ?
Cuộc chiến đã được thắng rồi, chiến tranh qua đi, Chúa Jêsus là Đấng Đắc Thắng. Và Chúa cao cả của vũ trụ đã trở thành một con người, và người ấy đã chịu chết thay tôi. Chúa chúng ta đang ngồi bên hữu Đức Chúa Cha ở trên trời, ma quỉ và chính ma quỉ phải sấp mình xuống trước mặt Ngài. Nhưng đây là điểm tốt nhứt trong mọi luận điểm — Đấng đã chịu chết vì tôi giờ đây đang tể trị cõi vũ trụ, và Ngài là bạn tôi. Ngài làm cho mặt trời chiếu sáng, Ngài dựng nên các vì sao lấp lánh, và Ngài đặt ánh trăng vàng kia vào đúng chỗ của nó. Ngài là Đấng đắc thắng. Ngài là Cứu Chúa của thế gian. Và Ngài là bạn tôi.
Cuộc chiến đã được thắng rồi, chiến tranh qua đi, Chúa Jêsus là Đấng Đắc Thắng.
Bạn có nhìn biết Ngài chưa? Đấy là câu hỏi rất quan trọng. Chúa Jêsus đã thắng hơn tội lỗi, sự chết và các thế lực của ma quỉ trong địa ngục. Bạn có nhìn biết Ngài chưa? Ngài đã đắc thắng và giờ đây đang ngồi bên hữu tay của Đức Chúa Cha ở trên trời. Bạn có nhìn biết Ngài chưa? Ngài là Vua các vua và Chúa các chúa. Bạn có nhìn biết Ngài chưa?
Một bức thư gửi đến từ Lonnie
Mới đây, tôi có nhận một bức thư gửi đến từ một tù phạm, anh ta đã đọc quyển sách của tôi, có đề tựa là Cái Neo Cho Linh Hồn. Đây là một phần những gì anh ta đã viết:
Kính thưa Mục sư,
Xin phép được nói chuyện với ông chừng một giây thôi? Tên tôi là Lonnie và tôi là một tù phạm vì ăn cướp có vũ trang. Tôi chỉ mới có 17 tuổi và họ đã kết án tôi 10 năm. Và tôi đã tìm đủ thứ cách để làm hòa lại với Đức Chúa Trời. Tôi đã được cứu. Tôi đã cầu xin Đức Chúa Trời ngự vào lòng tôi, và tôi đã đọc một quyển sách mà tôi chưa hề biết đến — quyển Kinh Thánh trong 6 tháng. Tôi đã tìm được quyển sách của ông, Cái Neo Cho Linh Hồn. Tôi đã đọc quyển sách trong 7 ngày = một tuần lễ. Quyển sách nầy là quyển sách hay nhứt mà tôi đã từng đọc, tôi có thể hiểu được nó và quyển sách đã cung ứng 10 Điều Răn, cung ứng một lời cầu nguyện, đưa ra nhiều thắc mắc. Chương 8 là chương mà tôi ưa thích nhứt trong quyển sách — "Đến với Đấng Christ”.
Khi ấy Lonnie kể ra một lời cầu nguyện trong bức thư của anh ta:
Tôi rất biết ơn Đấng Christ đến nỗi trong mắt Ngài, tôi chẳng còn tội lỗi nữa. Cảm tạ Ngài vì mọi sự Ngài đã làm cho tôi. Cảm tạ Ngài, Lạy Chúa, vì khiến tôi được sạch và trọn vẹn. Amen.
Tái bút: Xin tha thứ vì bức thư viết tay. Tôi chưa hoàn tất trung học và tôi là một học trò hạng A & B.
Kính, Lonnie
Hãy suy nghĩ về những điều anh ta đã viết trong lời cầu nguyện đó: “Tôi biết ơn Đấng Christ đến nỗi trong mắt Ngài, tôi chẳng còn tội lỗi nữa”. Bạn có thể nói như thế không? Bạn có sự bảo đảm ấy ở trong lòng chưa? “Lạy Chúa, cảm tạ Ngài vì khiến tôi được sạch và trọn vẹn”. Bạn có thể nói ra những lời ấy và hiểu ý của chúng chăng? Chúa có làm cho bạn được sạch và trọn vẹn chưa? Nếu bạn không thể nói ra những lời ấy, bạn có thể đi nhà thờ mỗi ngày Chúa nhựt, nhưng bạn sẽ sống tệ hại hơn Lonnie là kẻ đang sống trong tù trong 10 năm nữa đấy.
Tối qua, tôi đến dự Đêm Tráng Niên ở Trung tâm thể thao Wheaton. Khi tôi bước vào khu vực nhóm lại rồi nhìn thấy người bạn đang băng ngang phòng nhóm, tôi gọi lớn: “Nè, Mike!” Anh ấy xoay người lại, nhìn thấy tôi và mĩm cười, và thay vì đáp: “Chào Mục sư” anh ấy chỉ hô lớn: “Đang chạy đến với thập tự giá!”
Câu nói ấy đúng là một sứ điệp quan trọng. Chạy đến với thập tự giá! Đấy là điều mà Lonnie đã làm. Đấy là những gì hết thảy chúng ta cần phải làm. Đúng là khá tồi tệ có khi chúng ta phải kết thúc trong nhà tù hay trong một loại rắc rối nào khác trước khi chúng ta làm những gì chúng ta mong muốn lâu nay. Khi chúng ta kết thúc sứ điệp nầy, tôi muốn đề nghị một lời cầu nguyện xưng tội và đức tin mà bạn có thể cầu nguyện. Hãy nhớ, chúng ta không được cứu bởi sự cầu nguyện. Chính Đấng Christ mới là Đấng cứu chúng ta. Nhưng lời cầu nguyện có thể là phương tiện bởi đó đức tin của chúng ta với tới Ngài. Đây là lời cầu nguyện:
Lạy Chúa Jêsus, con cần Ngài trong đời sống con. Từ lâu lắm rồi, con đã cố gắng sống mà không có Ngài. Con biết con là một tội nhân và đã phá vỡ luật pháp thánh khiết của Ngài. Lạy Chúa Jêsus, con thực sự tin Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Cảm tạ Ngài vì đã chịu chết trên thập tự giá trong chỗ của con. Cảm tạ Ngài vì đã trả giá án phạt cho tội lỗi của con. Cảm tạ Ngài vì đã sống lại từ kẻ chết vào ngày thứ ba. Ở đây và bây giờ, với hết lòng mình, con tin cậy Ngài làm Cứu Chúa và Chúa của con. Xin ngự vào lòng và giải cứu con. Đây là lời cầu nguyện của con, Trong danh Chúa Jêsus, Amen.
Nếu lời cầu nguyện ấy bày tỏ ra ước ao của tấm lòng bạn, tôi khuyên bạn nên cầu nguyện lớn tiếng đi. Hãy dùng nó làm lời lẽ riêng của bạn. Hãy viết nó ra rồi ký tên trên đó. Hãy gắn nó ở chỗ nào bạn có thể nhìn thấy rõ ràng. Nếu bạn đã cầu nguyện lời cầu nguyện ấy, tôi muốn nghe thấy lời ấy ra từ bạn
Chúa Jêsus đã thắng hơn tội lỗi, thắng hơn sự chết, thắng hơn ma quỉ, và Ngài đã cung ứng ơn cứu rỗi cho hết thảy những ai chịu tin cậy Ngài. Ngày nay, Ngài tể trị từ bên tay hữu của Đức Chúa Cha ở trên trời. Một ngày nào đó không bao lâu nữa, Ngài sẽ trở lại để tể trị trên đất. Ngài là Đấng Christ đắc thắng. Hãy tin cậy Ngài! Hãy yêu mến Ngài! Hãy hầu việc Ngài! Hãy thờ lạy Ngài! Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét