Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

Luca 23:1-12: "Người nầy là Vua sao: Đấng Christ phán về tánh tò mò phù phiếm"



Những khuôn mặt quanh thập tự giá
Người nầy là Vua sao: Đấng Christ phán về tánh tò mò phù phiếm
- Luca 23:1-12
Đây là câu chuyện nói tới một người đã có cơ hội song không nắm lấy nó và không bao giờ được hiến cho một cơ hội khác nữa. Tên của người nầy là Hê-rốt An-ti-ba. Vào buổi sáng ngày thứ Sáu tốt lành, Chúa Jêsus đứng trước mặt ông ta trong một phiên xử. Những gì đã xảy ra trong cái ngày định mệnh ấy dẫn trực tiếp tới sự đóng đinh Đấng Christ trên thập tự giá. Nó cũng đóng ấn số phận đời đời cho Hê-rốt.
Khi xem xét câu chuyện nầy, đã có ba sự kiện sẽ giúp cho chúng ta nắm được toàn bộ bối cảnh theo mọi chiều kích của nó. Thứ nhứt, Hê-rốt An-ti-ba là con trai của Hê-rốt khác nữa; nhân vật được lịch sử gọi là “Đại Đế Hê-rốt”. Cái tên được dùng trại đi nói tới ông ta đúng ra phải là “đồ tể Hê-rốt”. Ông ta rất độc ác, có tánh thù hiềm, là người khát máu, ông ta xem mạng sống con người với một giá trị rất thấp. Ông ta là Hê-rốt, là người đã ra lịnh giết các con trẻ tại thành Jerusalem một thời gian ngắn sau khi Chúa Jêsus giáng sinh (Mathiơ 2:16). Khi ông ta qua đời, vương quốc của ông ta bị chia ra làm bốn phần. Con trai ông ta là Hê-rốt An-ti-ba cai trị một trong bốn phần đó. Thứ hai, Hê-rốt An-ti-ba là người đã ra lịnh chặt đầu Giăng Báp-tít. Thứ ba, ông ta người duy nhứt mà Chúa Jêsus từ chối không đáp một lời.
Chúa Jêsus không nói với ông ta!
Sự kiện sau cùng đó là một sự kiện khiến chúng ta phải chú ý. Hãy suy nghĩ trong một phút xem. Có phải chúng ta thường không nói tới Chúa chúng ta là bạn hữu của hạng tội nhân sao? Để cho một kỵ nữ lau chơn Ngài với những giọt nước mắt của nàng và Ngài tuyên bố rằng tội lỗi nàng đã được tha. Để cho một người mù kêu xin sự thương xót và Chúa Jêsus dừng chuyến hành trình lại mà chữa lành cho người. Để cho một người thu thuế trèo lên cây kia để nhìn thấy Ngài và Chúa Jêsus không những bảo ông ta xuống, mà Ngài còn đi đến nhà của ông ta để ăn tối nữa. Ngài hoan nghênh hết thảy mọi người và chẳng hất hủi một ai. Thế mà lại từ chối không chịu nói chi với Hê-rốt.
Người nầy đã làm gì để xứng với cách xử sự như thế từ Con của Đức Chúa Trời? Như Mục sư G. Campbell Morgan đề ra trong quyển The Great Physician {Vị Y Sĩ Đại tài}, câu chuyện nầy có cả sự trang trọng và đáng kinh hãi. Chúng ta đã nghe nói tới tình yêu thương của Chúa Jêsus. Nhưng đây là một câu chuyện nói tới sự thạnh nộ của Chiên Con. Mục sư Campbell lưu ý rằng cách xử sự của Chúa Jêsus với Hê-rốt có thể được tóm tắt trong ba câu nói đơn sơ:
1) Ngài tránh né ông ta.
2) Ngài gửi đến ông ta một sứ điệp quở trách đầy nhức nhối.
3) Ngài không muốn nói một điều gì với ông ta.
Cách xử sự nầy bởi Chúa chúng ta là cách xử sự rất bất thường, vì vậy nó xứng đáng cho chúng ta để ý đến. Chắc chắn có một sứ điệp ở đây mà chúng ta cần phải suy gẫm.
Hê-rốt An-ti-ba đôi khi được nhắc tới trong Tân Ước. Chúng ta thấy ông ta rất rõ ràng chỉ trong hai chỗ — cái chết của Giăng Báp-tít và phiên xét xử Chúa Jêsus một vài giờ đồng hồ trước khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá. Ghép hai sự kiện nầy lại với nhau, một hình ảnh nổi bật lên về Hê-rốt chứa một hỗn hợp những đức tính thật lạ lùng. Ông ta rất kiêu ngạo, hiếu kỳ về mặt thuộc linh, yếu đuối về mặt đạo đức, dễ bị thuyết phục, có khuynh hướng đưa ra những câu nói thiếu suy nghĩ, và không bằng lòng tự mình phục theo lẽ thật.
Khi tôi nghiên cứu những lần gặp gỡ của ông ta với Giăng Báp-tít và với Chúa Jêsus, tôi thấy một người mà đời sống của ông ta đã kết thúc trong thảm họa thuộc linh. Thuộc về ông ta là một câu chuyện mang tính cảnh báo về 7 bước trên đường đến với Địa Ngục.
Bước #1: Phân tâm - Mác 6:17-20
Câu chuyện nói tới sự tự hủy diệt của Hê-rốt không bắt đầu với Chúa Jêsus mà với Giăng Báp-tít. Đây là hai nhân vật dường như chẳng có điểm nào chung hết. Hê-rốt là một vị vua điển hình — rất quyền lực, tự kỷ, và chú trọng vào chính khoái lạc và sự giàu có của riêng mình. Với bất kỳ phương diện nào khác, Giăng là một nhân vật rất lạ lùng, một người tu khổ hạnh đã sinh sống trong sa mạc, mặc áo bằng da lạc đà, rồi ăn châu chấu và mật ong rừng. Những đoàn dân đông đã nhóm lại từ khắp cả xứ Israel để nghe ông giảng đạo. Thế rồi Hê-rốt và Giăng Báp-tít gặp nhau và dường như họ đã trở thành bạn hữu. Mác 6:20 cho chúng ta biết “vì Hê-rốt sợ Giăng, biết là một người công bình và thánh. Vua vẫn gìn giữ người, khi nghe lời người rồi, lòng hằng bối rối, mà vua bằng lòng nghe”.
Hê-rốt ưa thích Giăng, song ông ta có một con mắt ngó về vợ của em mình — một phụ nữ có tên là Hê-rô-đia. Để làm cho các vấn đề ra tệ hại hơn, nàng cũng là cháu gái của ông. Bất chấp mọi hình thái lễ nghi phép tắc, Hê-rốt đã lấy Hê-rô-đia làm vợ mình, vì thế phạm cả hai tội: tà dâm và loạn luân. Giăng gặp ông ta mặt đối mặt, nói cho ông ta biết những gì ông ta đã làm là sai trái. Và dường như ông đã lặp lại sứ điệp ấy thật nhiều lần, là điều sẽ trở thành án tử hình chắc chắn cho bất cứ ai khác, nhưng Hê-rốt đã lắng nghe và đã xem xét lời lẽ của ông. Thậm chí ông ta đã bỏ Giăng vào ngục để bảo hộ cho Giăng tránh khỏi các kế hoạch của Hê-rô-đia.
Đây đúng là hình ảnh nói tới một linh hồn bị hành hại, luôn bối rối và bị dày vò. Một phần trong ông ta nhìn biết rằng Giăng nói ra sự thật. Không giống như những kẻ bợ đỡ đang có mặt ở quanh ông ta, con người nầy chẳng quan tâm gì đến tiếng tăm hay tiền bạc hoặc quyền lực hay bất cứ bổng lộc nào khác theo đến với một vì vua. Giăng chỉ quan tâm đến sự công bình. Vì thế, Hê-rốt đã lắng nghe và lắng nghe hoài. Phần khác trong ông ta đã ao ước cái điều mà Đức Chúa Trời đã phán mà ông ta không nên có — một phụ nữ đã kết hôn với người đàn ông khác.
Vì thế, Hê-rốt làm những gì mà nhiều người khác trước và sau ông đã làm: Ông tìm cách có được cả hai sự ấy. Ông ta bỏ tù Giăng để ông có thể bảo hộ cho Giăng và lấy người đàn bà kia làm vợ mình để phu phỉ mọi ham muốn về xác thịt của ông ta. Nhưng chẳng một người nào có thể sống trung lập cho đến đời đời được. Chẳng sớm thì muộn, bạn phải đưa ra một sự lựa chọn. Rõ ràng Hê-rốt vốn biết rõ sự thực khi ông ta nghe thấy nó. Ông ta đã phạm sai lầm khi giữ lấy sự thực trong một ngăn nhỏ, ở đó nó không thể quấy rối ông ta nhiều được. Nhưng điều đó không có hiệu quả. Sự thực đòi hỏi một quyết định. Ông ta sẽ làm gì bây giờ?
Bước #2: Những lời hứa dại dột - Mác 6:21-28
Khi đối diện với một cơn khủng hoảng, Hê-rốt đã và không thể đưa ra một quyết định. Ông ta không thể bỏ Hê-rô-đia được, nhưng ông ta không kết án tử hình Giăng. Ông ta là một “kẻ phân tâm”, không ổn định trong mọi chiều hướng của mình. Ông ta biết rõ sự thật nhưng không thể tuân theo nó. Ông ta muốn người đàn bà nầy nhưng biết rõ mình không nên lấy nàng. Thế là bị xâu xé bởi những ham muốn kình chống nhau, ông ta sống trong một vùng đất kinh khiếp không người. Ông ta sẽ làm gì đây? Câu trả lời đến tại bữa tiệc sinh nhật.
“Nhưng, vừa gặp dịp tiện, là ngày sanh nhựt Hê-rốt, vua đãi tiệc các quan lớn trong triều, các quan võ, cùng các người tôn trưởng trong xứ Ga-li-lê. Chính con gái Hê-rô-đia vào, nhảy múa, đẹp lòng Hê-rốt và các ngươi dự tiệc nữa. Vua nói cùng người con gái ấy rằng: Hãy xin ta điều chi ngươi muốn, ta sẽ cho. Vua lại thề cùng nàng rằng: Bất kỳ ngươi xin điều chi, ta cũng sẽ cho, dầu xin phân nửa nước ta cũng vậy. Nàng ra khỏi đó, nói với mẹ rằng: Tôi nên xin điều chi? Mẹ rằng: Cái đầu của Giăng Báp-tít. Tức thì nàng vội trở vào nơi vua mà xin rằng: Tôi muốn vua lập tức cho tôi cái đầu Giăng Báp-tít để trên mâm. Vua lấy làm buồn rầu lắm; nhưng vì cớ lời thề mình và khách dự yến, thì không muốn từ chối nàng. Vua liền sai một người lính thị vệ truyền đem đầu Giăng đến. Người ấy đi chém Giăng trong ngục; rồi để đầu trên mâm đem cho người con gái, và người con gái đem cho mẹ mình” (Mác 6:21-28).
Trước tiên, có một bữa tiệc sinh nhựt mà mọi cận thần của ông ta đều đã được mời đến. Chắc chắn rượu được chiêu đãi miễn phí. Hiển nhiên là con gái của Hê-rô-đia (một thiếu nữ có tên là Salome) đến để nhảy múa trước mặt nhà vua. Người Hy lạp cho rằng đây là một buổi biểu diễn đầy nhục dục với ý đồ kích động và làm dậy lên những thứ tình cảm đê tiện nhất của ông ta. Điều đó đã tác động vì nhân vật nầy đã đưa ra một lời thề ngu xuẫn quan trọng. Khi cô gái yêu cầu cái đầu của Giăng Báp-tít, nhà vua bị sốc, nhưng không thể để mất mặt được, vì thế ông ta đồng ý. Không bao lâu sau đó, cái đầu bị chặt đứt rời kia được đem trình cho cô gái, rồi cô ta trình nó cho mẹ mình, là người chắc chắn đã mĩm cười khi bà ta quay mặt đi khỏi cái cảnh bạo lực đó.
Làm sao một việc như thế đã xảy ra được chứ? Có một thứ như lương tâm “chai lì” như thế, là thứ mà bạn đang có khi bạn nghe biết lẽ thật thật nhiều lần mà chẳng làm chi hết về sự ấy. Đây là mối nguy hiểm cực kỳ bị phơi ra trước sự dạy của Lời Đức Chúa Trời khi chẳng có một đáp ứng cá nhân nào hết. Chẳng sớm thì muộn, tấm lòng của bạn trở nên cứng cỏi, lương tâm của bạn bị chai lì, và hai lỗ tai bạn thôi không còn nghe thấy nữa hầu cho lẽ thật không còn chạm đến bạn được. Thật tốt cho Hê-rốt là thà không gặp Giăng Báp-tít hơn là đã nghe sứ điệp của Giăng mà chẳng có một sự đổi thay nào trong đời sống của ông ta cả. Lẽ thật thay vì buông tha cho ông được tự do đã kết thúc trong việc xét đoán ông ta.
Bước #3: Những nỗi lo sợ về tội lỗi - Mác 6:14-16
Phần đạo đức của câu chuyện đáng buồn nầy không nằm ở phần cuối rốt mà nằm ở phần mở đầu. Khi lời đồn đại về quyền năng làm phép lạ của Chúa Jêsus lan ra, có người tưởng rằng Ê-li đã trở lại từ kẻ chết. Nhiều người khác cho rằng đây là một trong những vị tiên tri thời Cựu Ước. Nhưng Hê-rốt đạt tới chỗ kết riêng thật lạ lùng: “Nhưng Hê-rốt nghe vậy, thì nói rằng: Ấy là Giăng mà ta đã truyền chém, người đã sống lại” (Mác 6:16). Ông đã tin chắc rằng Giăng là một người thánh và ông ta biết rõ Giăng đã rao giảng lẽ thật. Khi quay nhìn lại, ông ta nuối tiếc nhiều về lời thề dại dột của mình dẫn tới cái chết của người Đức Chúa Trời. Giờ đây, huyết của một người công bình đang ở trên hai bàn tay ông ta. Tội lỗi thật của ông ta đã dẫn tới nhiều nổi sợ hãi — rằng người mà ông ta chặt đầu đã quay trở lại để ám ảnh ông ta thêm một lần nữa.
Chúng ta hãy tiếp thu từ lẽ thật đáng buồn và trang trọng nầy: Sự sáng đã nhận được dẫn tới thêm nhiều sự sáng hơn. Sự sáng bị chối bỏ chỉ dẫn tới bóng tối tăm mà thôi!
Bước #4: Những chương trình gian ác – Luca 13:31-33
Khi tiếng tăm Chúa Jêsus được lan truyền đi, Hê-rốt muốn gặp Ngài như ông ta đã từng gặp gỡ với Giăng Báp-tít vậy. Nhưng Chúa Jêsus giống như một hình ảnh mờ nhạt trong lớp sương mù. Ngài xuất hiện ở xa xa và rồi biến mất ở ngoài xứ. Lâu ngày, tánh khí Hê-rốt thay đổi và ông ta quyết định Chúa Jêsus là một mối phiền toái rất nguy hiểm, là kẻ phải bị kết án tử hình. Khi người dòng Pharisi cảnh cáo Chúa Jêsus phải rời khỏi khu vực vì sự an ninh của chính Ngài, Chúa đáp lại với những lời lẽ duy nhứt mà Ngài nhắm thẳng vào bản thân Hê-rốt: “Ngài đáp rằng: Hãy đi nói với con chồn cáo ấy rằng: Ngày nay, ngày mai, ta đuổi quỉ chữa bịnh, đến ngày thứ ba, thì đời ta sẽ xong rồi. Nhưng ngày nay, ngày mai, và ngày kia ta phải đi, vì không có lẽ một đấng tiên tri phải chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem” (Luca 13:32-33). Theo suy nghĩ của người Do thái, khi gọi ai đó là “chồn cáo” có nghĩa là họ rất tinh ranh, xảo quyệt, ranh mãnh, mưu mẹo, lén lút và hay lừa đảo. Chúa Jêsus đã nhìn thấy sự gian ác được chôn giấu ở bên dưới qua sở thích và lối phân biệt hời hợt của Hê-rốt. Sứ điệp của Ngài cho “con chồn cáo đó” thật là đơn giản: “Ngươi sẽ chẳng bao giờ giết được ta bất luận ngươi khó nhọc dường nào. Ta đến để làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời và chẳng ai chặn được ta cho tới chừng công tác ta đã hoàn tất”.
Tại sao Hê-rốt muốn giết Chúa Jêsus chứ? Câu trả lời không phải là khó tìm thấy đâu! Những gì chúng ta không nắm bắt được, chúng ta lo sợ. Những gì chúng ta lo sợ, chúng ta tìm cách hủy diệt nó. Bối cảnh giờ đây đề ra cho màn cuối cùng.
Bước #5: Tánh tò mò – Luca 23:8-9
Bấy giờ là sáng sớm ngày thứ Sáu tốt lành. Chúa Jêsus đã bị người Do thái bắt lấy đâu đó lúc nửa đêm. Khi ấy Ngài đã bị đưa trình hết người nầy đến người kia: An-ne, Cai-phe, Tòa công luận. Hết thảy họ đều nhắm vào Ngài. Đồng thời, Ngài đã gánh chịu nhiều chế giễu, sỉ nhục, và những lời vu cáo. Người Do thái muốn Ngài phải chết, song chỉ có người Lamã mới có quyền thi hành án phạt ấy. Thế là Ngài bị giải đến trước mặt Bôn-xơ Phi-lát, quan Tổng đốc xứ Giu-đê. Phi-lát là người Lamã được bổ nhiệm vào chức vụ ấy có rất ít hiểu biết về người Do thái và tôn giáo của họ. Công việc chính của ông ta là lo thu thập các thứ thuế và giữ gìn hòa bình. Khi Chúa Jêsus bị giải đến trước mặt ông ta, một cuộc xét hỏi nhanh chóng chẳng tỏ ra được điều gì xưng công bình cho án tử hình hết. Khi ông ta nghe nói Chúa Jêsus xuất thân từ xứ Galilê, ông ta tìm cách thoát ra khỏi tình thế khó xử ấy. Khi Hê-rốt đang xử lý mọi vấn đề tại xứ Galilê, và khi ông ta có mặt tại thành Jerusalem trong tuần lễ đó, ông ta đã trả Chúa Jêsus về cho Hê-rốt rồi để cho ông ta phán xử vấn đề phức tạp nầy.
Bây giờ, cuối cùng thì Hê-rốt gặp được Chúa Jêsus. Nhưng chẳng phải là điều mà ông ta trông đợi đâu. “Vua Hê-rốt thấy Đức Chúa Jêsus thì mừng lắm; vì lâu nay vua muốn gặp Ngài, nhân đã nghe nói về chuyện Ngài, và mong xem Ngài làm phép lạ. Vậy, vua hỏi Ngài nhiều câu, song Ngài không trả lời gì hết” (Luca 23:8-9). Ông ta “mừng lắm” vì ông ta nghĩ Chúa Jêsus sẽ làm một phép lạ (hay hai hoặc ba) cho ông ta xem. “Jêsus ơi, ta nghe nói ngươi có thể hóa nước thành rượu. Đây, một chậu nước đây. Cho ta xem phần ảo thuật của ngươi đi”. “Họ nói ngươi có thể đi bộ trên mặt nước. Sao ngươi không lướt đi trên hồ bơi ở sau cung điện ta?” Nhiều điều nữa đã được tra hỏi, Hê-rốt đưa ra hết câu nầy đến câu khác cho Chúa Jêsus. Ông ta rất tò mò, phải, nhưng ông ta chẳng phải là một kẻ tìm kiếm lẽ thật. Hê-rốt chẳng gì khác hơn một kẻ tìm kiếm cảm xúc. Tôi dám chắc ông ta đã bị sốc và rồi đã chán nản khi Chúa Jêsus từ chối không nói chi hết với ông ta. Không một người nào dám đối xử với ông ta như thế. Và cảm xúc đổi thành lúng túng và chắc chắn thành ra giận dữ.
Có những lúc trong cuộc sống, khi im lặng nói lớn tiếng hơn là lời nói. Đây là một trong những cơ hội đó. Chúa Jêsus vốn biết rõ rằng Hê-rốt đang vặt vãnh với Ngài và những thắc mắc của ông ta không xuất phát từ một tấm lòng thành. Ngài chẳng có lý do gì để trả lời cả, và vì thế Ngài “không trả lời gì hết”. Có lẽ Ngài nhớ lại Châm ngôn 26:4: “Chớ đáp với kẻ ngu si tùy sự ngu dại nó, E con giống như nó chăng”. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Jêsus đã cảnh cáo chống lại việc đặt ngọc trai trước mặt heo hay trao vật chi thánh cho loài chó (Mathiơ 7:6). Hê-rốt thuộc về giai cấp những kẻ nào cứng cổ như thế trong sự mù loà thuộc linh của họ và lì lợm trong sự họ kháng cự lại lẽ thật đến nỗi chẳng có gì phải nói và chẳng có gì nên nói với họ nữa.
Khi Hê-rốt giết Giăng, ông ta đã giết chết chính linh hồn ông ta. Ông ta mắt khả năng để lắng nghe tiếng phán của Chúa Jêsus. Chẳng có gì Chúa Jêsus có thể nói sẽ tạo ra sự khác biệt nhỏ nhất trong tình huống ấy. Bởi sự im lặng của Ngài, điều đó đang nói: “Ngươi không muốn nghe lẽ thật khi Giăng nói. Ngươi đã đáp “không”. Giờ đây ngươi sẽ không bao giờ nghe thấy lẽ được nữa đâu. Ta chấp nhận câu trả lời “không” của ngươi đấy”.
Bước #6: Chế giễu công khai – Luca 23:10-11a
“Các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo ở đó, cáo Ngài dữ lắm. Bấy giờ vua Hê-rốt và quân lính hầu vua đều đãi Ngài cách khinh dể và nhạo báng Ngài” (Luca 23:10-11a). Khi Chúa Jêsus từ chối không nói chi hết với ông ta, tánh tò mò phù phiếm của Hê-rốt mau đổi thành chế nhạo công khai. Ông ta và quân lính mình hiệp với người Do thái chế giễu Con của Đức Chúa Trời, Ngài đang đứng yên lặng trước mặt họ. Thế là Hê-rốt tỏ ra bản chất thật của ông ta. Bất cứ một sở thích thuộc linh chân chính nào ông ta có thể có đã biến mất từ lâu rồi. Tánh khí ông ta mau chóng thay đổi là dường nào khi Chúa Jêsus từ chối không tham dự trò chơi của ông ta.
Bước #7: Tánh hèn nhát – Luca 23:11b-15
Một trong những cái mỉa mai trong câu chuyện nầy, ấy là cả hai: Phi-lát và Hê-rốt đều biết rõ Chúa Jêsus là vô tội. Sự thực ấy được làm cho rõ ràng bởi lời tuyên bố của Phi-lát khi Chúa Jêsus bị trả về lại cho ông ta lần sau cùng. “đoạn, họ mặc áo hoa hòe cho Ngài, rồi giao Ngài về cho Phi-lát. Trước kia Phi-lát với vua Hê-rốt thù hiềm nhau, nhưng nội ngày ấy trở nên bạn hữu. Phi-lát hiệp các thầy tế lễ cả, các quan đề hình và dân chúng lại, mà nói rằng: Các ngươi đã đem nộp người nầy cho ta, về việc xui dân làm loạn; nhưng đã tra hỏi trước mặt các ngươi đây, thì ta không thấy người mắc một tội nào mà các ngươi đã cáo; vua Hê-rốt cũng vậy, vì đã giao người về cho ta. Vậy, người nầy đã không làm điều gì đáng chết” (Luca 23:11b-15). Hê-rốt chế giễu Chúa Jêsus nhưng ông ta không thể tìm thấy Ngài có lỗi lầm gì hay tội ác nào cả. Phi-lát rõ ràng đã bối rối bởi người nầy xuất thân từ xứ Galilê và muốn tìm cách nào đó để thả Ngài đi. Chẳng ai có thể giúp được gì cho ông ta. Còn Hê-rốt thì dự vào tội ác lớn lao hơn nữa, vì ông ta biết nhiều hơn Phi-lát. Qua Giăng Báp-tít ông ta đã bị phơi bày ra trước lẽ thật. Đối với người nào được ban cho nhiều, người ấy sẽ bị đòi lại nhiều. Trong giây phút lúc sau cùng ông ta gặp gỡ Chúa Jêsus, Hê-rốt đã thất bại một cách hoàn toàn.
Khi chúng ta đưa câu chuyện nầy đến chỗ kết thúc, chúng ta hãy lưu ý bản tường trình thể nào Đấng Christ sốt sắng đáp ứng lại với bất cứ ai kêu cầu Ngài. Ngài tiếp đón hạng kỵ nữ, kẻ say sưa, những người thu thuế bị thù ghét, và người Samari bị khinh dễ. Ngài vui vẻ gặp gỡ với một người Pharisi đến với Ngài trong ban đêm và thậm chí Ngài trả lời cho các thầy thông giáo nào tìm cách gặp Ngài với những thắc mắc hóc búa. Bất cứ lúc nào Đấng Christ tìm được một tấm lòng đang rộng mở, Ngài đáp ứng với ân điển và lẽ thật. Nhưng tấm lòng của Hê-rốt đã đóng kín lại kể từ lúc có cái chết của Giăng Báp-tít. Ông ta không hề kêu cầu Đấng Christ và không hề đến với Ngài với bất cứ điều chi giống như một tấm lòng rộng mở cả. Và đấy là lý do tại sao Chúa Jêsus chẳng nói một lời với ông ta.
Ông ta đã giết Giăng.
Ông ta đã tò mò về Chúa Jêsus.
Ông ta đã tìm cách giết Ngài.
Ông ta đã đối xử với Ngài giống như một cuộc biểu diễn hội hè.
Đến cuối cùng, mọi khả năng đạo đức của ông ta đều bị tê liệt hết. Ông ta không đáp ứng vì ông ta không thể đáp ứng. Số phận đời đời của ông ta đã bị đóng ấn từ lâu trước khi có sự chết đời nầy của ông ta nữa. Sự im lặng của Chúa Jêsus là bản án phán xét của Ngài giáng trên Hê-rốt.
Cái chết thình lình!
Cho phép tôi lặp lại một lần nữa lẽ thật trọng tâm cho mọi người chúng ta suy gẫm. Sự sáng đã nhận được dẫn tới nhiều sự sáng nữa. Sự sáng bị chối bỏ chỉ dẫn đến bóng tối tăm mà thôi. Đức Chúa Trời không bị buộc phải sai Đức Thánh Linh đến hoài với tấm lòng của bạn đâu. Đừng nói: “Ta sẽ đến với Đấng Christ sau. Ta sẽ sống cho Ngài sau khi ta tốt nghiệp, sau khi ta ra trường, sau khi ta có một cuộc vui chơi, sau khi ta kết hôn. Ta sẽ là một Cơ đốc nhân một ngày kia khi sau cùng ta đã ổn định rồi”. Đừng nói: “Ta biết mình cần phải lo toan về Chúa nhưng ta chỉ muốn vui chơi đã”. Bây giờ, đây là thì thuận tiện để đến với Đấng Christ. Bây giờ là ngày tốt nhứt bạn đang có để dâng tấm lòng mình cho Chúa. Bây giờ là giây phút trọn vẹn phải tính toán về việc theo Chúa Jêsus. Mà nầy, bây giờ là ngày cứu rỗi đấy!
Ai biết được? Có lẽ bạn sẽ vào bịnh viện tuần nầy để chịu tiểu phẩu. Thế rồi sau giải phẩu bạn sẽ sống mạnh giỏi và rồi chết thình lình. Chính việc ấy đã xảy ra cho một thuộc viên của Hội Thánh chúng ta vào tuần nầy. Tôi không thổi phồng đâu. Một trong các thuộc viên của chúng ta đã chết thình lình sau giải phẩu. Bà ta dường như sống rất mạnh giỏi và rồi bà ta ra đi. Tôi không sợ về linh hồn của bà ấy vì đức tin của bà đặt rất mạnh mẽ nơi Đấng Christ. Nhưng tôi dám chắc bà ấy không mong chết khi bà ấy qua đời. Tôi nhấn mạnh ở chỗ nầy vì chẳng có ai biết ngày mai sẽ đem lại điều gì. Hãy hầu việc Chúa hôm nay vì hôm nay là mọi sự bạn đang có. Ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến với bạn đâu.
Hê-rốt đã nghe biết lẽ thật rất nhiều lần từ Giăng Báp-tít. Và lẽ thật thay vì đã cứu lấy ông ta lại kết thúc trong việc xét đoán ông ta.
Nghe lẽ thật cũng chưa phải là đủ.
Biết lẽ thật cũng chưa phải là đủ.
Thích lẽ thật cũng chưa phải là đủ.
Nghe lẽ thật nhiều lần cũng chưa phải là đủ.
Thấy rõ về lẽ thật cũng chưa phải là đủ.
Đừng vặt vãnh với Chúa Jêsus!
Thấy rõ về tội lỗi là rất nguy hiểm nếu nó không dẫn bạn đến với sự ăn năn. Thà là kẻ dị giáo ở trong rừng và chưa hề nghe Tin Lành hơn là nghe Tin Lành nhiều lần mà chẳng làm chi hết đối với Tin Lành ấy. Bất chấp sự thuyết phục dẫn tới tình trạng dửng dưng thuộc linh và lương tâm bị chai lì. Đức Chúa Trời sai Đức Thánh Linh đến để thuyết phục bạn về tội lỗi hầu cho bạn sẽ đến với Đấng Christ trong sự ăn năn và đức tin. Nếu sau khi bị thuyết phục về tội lỗi, bạn không đến với Đấng Christ, bạn đang ở trong khuôn khổ tệ hại nhất ở phần cuối rốt hơn là ở phần mở đầu.
Toàn bộ bài giảng của tôi — và sứ điệp cuộc gặp gỡ của Hê-rốt với Chúa Jêsus — có thể được tóm tắt lại trong hai câu ngắn ngủi:
Rất nguy hiểm khi học đòi theo Chúa Jêsus.
Rất nguy hiểm khi vặt vãnh với Con của Đức Chúa Trời.
Chúa Jêsus không có thì giờ cho người nào vặt vãnh với Ngài. Và đấy là lý do tại sao Ngài chẳng nói chi hết với nhiều câu hỏi của Hê-rốt. Êsai đã nói tiên tri về giây phút ấy 700 năm trước, khi ông viết: “Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng” (Êsai 53:7).
Khi tôi suy gẫm bối cảnh nầy với triễn vọng lớn lao hơn, ba tư tưởng sau cùng thoạt đến với lý trí:
1) Chúa Jêsus đã gánh chịu quá nhiều điều trên đường Ngài đến với thập tự giá.
2) Đáng buồn làm sao khi Chúa Jêsus bị kết án tử hình bởi hạng người biết rõ Ngài là vô tội.
3) Lạ lùng làm sao, Đức Chúa Trời đã sử dụng sự hèn nhát về đạo đức của hạng người gian ác để chu cấp ơn cứu rỗi cho chúng ta.
Một ánh sáng thánh khiết quanh thập tự giá
Lúc ấy khoảng 6H30 sáng vào ngày thứ Sáu tốt lành. Sáu phiên xét xử Chúa Jêsus đang đến với mức cuối cùng. Không bao lâu nữa Ngài sẽ bị đánh đòn, bị chế giễu, đổ huyết ra, và bị đội lấy chiếc mão gai. Ngài sẽ dẫn đám rước từ từ qua những con đường hẹp của thành Jerusalem. Khi Ngài vấp ngã dưới gánh nặng, Simôn người Siren được gọi đến từ đám đông để vác lấy cây thập tự. Không lâu sau đó, họ sẽ đến tại Đồi Sọ và những tên lính Lamã sẽ bắt đầu công việc của họ. Lúc 9 giờ sáng, Con của Đức Chúa Trời sẽ bị đóng đinh trên thập tự giá.
Và thế là Chúa Jêsus bị dẫn đi như chiên con trước mặt kẻ hớt lông. Ngài không kháng cự, Ngài không đánh trả, và Ngài không kêu gọi các đạo binh thiên sứ đến để giúp Ngài. Và Chúa đã gánh lấy trên chính mình Ngài mọi tội của chúng ta. Gánh nặng với tội lỗi của thế gian, Chúa Jêsus không được buông tha đối với sự thương khó của Ngài, cho tới chừng Ngài đã hoàn tất ý chỉ của Đức Chúa Cha qua cái chết đổ máu của Ngài trên cây thập tự.
Mọi hành vi của con người tội lỗi và các bậc cai trị hèn nhát kia chìm vào trong cái nền tối tăm. Quanh thập tự giá chiếu ra một tia sáng thánh khiết từ trời. Chúa Jêsus đang ở đây vì Ngài đã vâng theo ý chỉ của Cha Ngài. Không có gì xảy ra do tình cờ, từng chi tiết đều phù hợp với chương trình đã định sẵn của Đức Chúa Trời. Mười ngàn lần mười ngàn lời ngợi khen sẽ dâng lên cho Ngài, là Chúa Jêsus, là Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng gánh lấy tội lỗi của cả thế gian.
Khi tôi soạn bài giảng nầy, lời lẽ của một bài thánh ca xưa đã gán cho Bernard xứ Clairvaux vào thế kỷ thứ 12 cứ rung lên trong lý trí tôi:
Thiết Hữu ôi, tôi sẽ dùng lời nào để cảm tạ Ngài, vì sự buồn rầu nầy, vì sự thương xót không dứt của Ngài sao? Ôi, xin hãy khiến tôi thuộc Ngài; tôi sẽ không chút e thẹn, lạy Chúa, xin khiến tôi yêu mến Ngài luôn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét