Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

II Côrinhtô 3:4-6: "Đời sống nương cậy Đức Chúa Trời"



Đời sống nương cậy Đức Chúa Trời
II Côrinhtô 3:4-6
Bạn biết lý do tại sao Đức Chúa Trời đặt bạn ở chỗ bạn đang sống không?
Đấy là một câu hỏi khó trả lời cho một số người trong chúng ta. Bạn có lấy làm lạ về điều đó không? Tại sao Đức Chúa Trời đặt bạn ngay nơi bạn đang sinh sống đây? Bạn có nghĩ, do cơ hội mà bạn sống độc thân (hay đã lập gia thất), với bầy con ở nhà (hay đã dời đi lâu rồi), với một việc làm rất đàng hoàng (hoặc đã rơi vào một hoàn cảnh xấu)? Hay có một mục tiêu lớn lao hơn đang tác động vào đời sống của bạn?
Cho phép tôi đưa ra câu hỏi ấy với một viễn cảnh hoàn toàn khác biệt. Bạn sẽ trình ra điều gì về đời sống của mình khi bạn đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ?
Một việc làm đàng hoàng?
Một chứng chỉ đại học?
Tiền bạc trong ngân hàng?
Nhiều bạn bè?
Danh tiếng tốt?
Sự nghiệp thành công?
Sự khen ngợi của nhiều người khác?
Bản thành tích đạt được?
Một lố phần thưởng?
Chủ tịch ủy ban?
Bí thư và CEO?
Nếu đấy là mọi sự bạn có để trình ra về đời sống của mình, thế thì bạn thực sự chẳng có gì nhiều để nói về bạn. Chẳng sớm thì muộn, bạn sẽ nghĩ, bạn sẽ nằm trong một cái huyệt dưới đất với cỏ mọc ở trên đầu của bạn. Vả những việc bạn đã chịu khó làm lụng lại chẳng thành ra vấn đề chi cả. Người khác sẽ nắm lấy số tiền của bạn và công ăn việc làm của bạn. Tiếng tăm của bạn sẽ phôi phai đi, vinh quang của bạn sẽ biến mất, và mọi sự giờ đây bạn có sẽ thuộc về người khác (và người khác sẽ ngồi vào chỗ, vào hàng ghế của bạn trong nhà thờ). Chắc chắn bạn sẽ bị quên lãng trừ phi những kẻ vấp vào tấm mộ bia của bạn sau 100 năm nữa rồi họ nói: “Ủa, gã nầy là ai vậy cà!?!"
Bạn sẽ trình ra điều gì về đời sống của mình khi bạn đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ?
Howard Hendricks đã nói về vấn đề ấy theo cách nầy: “Chỉ có hai điều trong thế gian nầy là đời đời mà thôi – ấy là Lời của Đức Chúa Trời và con người. Vậy, hãy xây dựng cuộc sống mình quanh những việc nào còn lại cho đến đời đời”. Lời của Đức Chúa Trời sẽ còn lại cho đến đời đời. Con người còn lại cho đến đời đời. Mọi sự khác biến mất.
Ngôi Làng Truyền Giáo
Tôi viết ra mấy lời nầy ở ngôi làng truyền giáo SIM ở Sebring, Florida. Tuần nầy tôi sẽ giảng cho một nhóm các giáo sĩ đã hưu hạ, phần lớn họ đã trải qua 30 hay 40 hoặc 50 năm trên công trường truyền giáo. Và gần như hết thảy họ đều đã sinh sống ở Phi châu, ở các quốc gia như Nigeria, Niger, Burkina Faso, Liberia, Ethiopia và Ghana. Có người cho rằng hầu hết các giáo sĩ SIM đều có nét cứng rắn ở nơi họ. Bạn phải có một quyết tâm thật sâu sắc, gan góc hoặc bạn chẳng làm chi được trên công trường truyền giáo. Là một giáo sĩ dường như có đôi chút lãng mạn nhưng những người yêu dấu nầy (trung bình là 83 tuổi) nói rằng khi đóng vai trò hầu việc Chúa, chẳng có gì là lãng mạn hết về công tác truyền giáo.
Vậy, hãy xây dựng cuộc sống mình quanh những việc nào còn lại cho đến đời đời”
Ngày kia khi tôi đến giảng đường trong buổi thờ phượng sáng, một người dáng dấp thấp mà rắn chắc với mái tóc húi cua đến nói với tôi ông ta rất vui khi sắp nghe sứ điệp tôi rao giảng có đề tựa “Đức Chúa Trời chưa xong việc đâu”, có đông người đã được cứu, hôm nay họ sống xa cách với Đấng Christ nhưng một ngày kia họ sẽ đến với Chúa. Ông ấy nói: “Tôi đã phục vụ ở một xứ Hồi giáo trong 30 năm”. “Chúng tôi nhìn thấy gần như chẳng có ai trở lại đạo hết”. Điều đó là thật cho phần nhiều quí giáo sĩ nào đã hầu việc trong đất Hồi giáo vào thế kỷ thứ 20. Vì nhiều lý do khác nhau, chứng đạo cho người Hồi giáo là công việc rất chậm, thường gặp gỡ sự chống đối rất mạnh mẽ.
Nhưng người kia với mái tóc húi cua vẫn mĩm cười vì, ông nói, hàng ngàn người Hồi giáo sẽ đến với Đấng Christ hôm nay qua truyền hình vệ tinh đến tận nhà họ trên khắp vùng Trung Đông. Vì khi truyền giảng qua vệ tinh các nhà cầm quyền cũng phải mắc công lắm mới chặn được việc ấy. Nhiều người Hồi giáo kinh nghiệm nghe được những tin tức tốt lành lần đầu tiên, họ sẽ đáp ứng lại với những tin tức đó. Người đến nói với tôi điều nầy chẳng tỏ ra một nét gì về hối tiếc trong 30 năm ông trải qua mà gần như chẳng có một người nào quay trở lại đạo hết. Ông ấy đang vui mừng vì ông đã sống thọ đủ để nhìn thấy Đức Chúa Trời vận hành theo một phương thức rất năng động trong việc đem những người Hồi giáo đến với đức tin cá nhân nơi Đức Chúa Jêsus Christ.
Chẳng có gì là lãng mạn hết về công tác truyền giáo
Ông ấy sẽ phải trình ra điều gì khi ông ấy đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ? Trong cõi đời đời ông ấy sẽ được trình làng giống như một vị anh hùng cái thế của đức tin vì những công việc ông làm cho Đấng Christ không rơi vào chỗ hư không. Ông ấy (và hàng trăm người giống như ông) đã gieo ra hột giống một cách trung tín cho mùa gặt mà chúng ta đang nhìn thấy hôm nay.
Đâu là bí quyết của một đời sống giống như đời sống nầy? Tôi dám chắc với bạn rằng ấy chẳng phải là tự nhiên khi trải ra 30 năm làm một giáo sĩ với một vài người trở lại đạo thế mà vẫn vui vẻ và lạc quan. Ở II Côrinhtô 3:4-6 sứ đồ Phaolô đưa ra một lời giải thích rất đơn sơ: Mọi sự ấy quy cho Đức Chúa Trời!
Thật vậy, ông cầu cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời tỏ ra cho chúng ta thấy thể nào đời sống lấy Đức Chúa Trời làm trung tâm, được Đức Chúa Trời dẫn dắt, được Đức Chúa Trời dầm thấm sinh hoạt như thế nào!?! Yếu tố đầu tiên bao gồm sức tin cậy. Ấy chẳng phải là tự tín hay sự năng động nhận thức về bản thân mình đâu.
Tin Chắc Nhờ Đấng Christ
“Nầy là sự tin chắc của chúng tôi nhờ Đấng Christ mà có trong Đức Chúa Trời” (câu 4).
Bạn có thể nói rất nhiều về một người qua cách người ấy thổ lộ về bản thân mình. Trong vòng mục vụ, chúng ta nói nhiều về những bằng cấp của mình và chúng ta nhập học trường nào!?! Chúng ta có bằng BA, MA, DMin và PhD. Phaolô từ chối không tham dự trò chơi ấy. Ông đã nói đến những việc như: "Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi" (Philíp 4:13) và “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Galati 2:20). Thậm chí ông nói rằng mọi thành tựu của ông đều là “rơm rác” khi sánh với việc nhận biết Đấng Christ (Philíp 3:8).
Lời lẽ của James Denney rung lên rất thực đối với tôi: “Không một ai có thể cung ứng ngay ấn tượng mình là người có tài và Đức Chúa Jêsus Christ có quyền cứu”. Bạn có thể dùng tài năng của mình gây ấn tượng cho người ta hay bạn có thể gây ấn tượng Chúa Jêsus cho họ, nhưng bạn không thể làm cả hai việc.
Bạn có thể nói rất nhiều về một người qua cách người ấy thổ lộ về bản thân mình.
Tài Năng Đến Từ Đức Chúa Trời
“không phải tự mình chúng tôi có tài năng mà nghĩ việc gì như bởi chính mình chúng tôi, nhưng tài năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời” (câu 5).
Đây là một câu nói đáng kinh ngạc ra từ Phaolô, một nhân vật sáng láng đã được đào tạo trong Cựu Ước, có khả năng truyền đạt bằng mấy thứ ngôn ngữ, ở quê hương tại thành Jerusalem, Athens và Rome, là một người Do thái hoàn toàn và cũng là một môn đồ thật của Chúa Jêsus. Chắc chắn nếu bất cứ ai có lý do để khoe, thì người ấy chính là Phaolô. Nhưng ông nói ông không có quyền đưa ra bất kỳ một lời xưng nhận nào về chính mình hết. Bất cứ điều tốt lành nào ông đã làm, mọi điều ấy đều đến từ Đức Chúa Trời.
Charles Spurgeon (trong bài giảng “Không đủ, mà lại đủ”) thốt ra một lời đầy quyền lực khi ông nói: “Đừng tin người nào có sự tự tín”. Ông tiếp tục mô tả loại truyền đạo nầy:
Ồ, phải rồi, ông ấy có thể làm điều đó! Đối với ông ấy giảng những bài giảng hay thì là quá dễ rồi. Ông ấy có phước lắm! Ông ấy có thể giảng như thế bất cứ lúc nào, và bất cứ đâu. Ông có thể thuyết phục và biến đổi nhiều linh hồn với bất kỳ số lượng nào. Bạn có đọc kết quả không: “Buổi nhóm thật vinh hiển! Mười tám linh hồn bước lên được cứu rỗi"? Ông ấy đã giảng vào tối hôm ấy. Ông ấy có thể làm cho họ say mê. Chắc chắn các nhà truyền đạo khác nghi ngờ ông ấy; song đấy chỉ là ganh tỵ mà thôi. Ông ấy có thể làm được như thế – ông ấy có thể. Hãy để cho một người như thế về nhà với sự tự hào. Chúa của chúng ta không cậy vào ông ấy đâu.
Tiếp đến ông nói về người mà Chúa chúng ta ưa thích hơn:
Người của Đấng Christ thích khóc lóc hơn là khoe khoang: họ cảm thấy họ bất khả hơn là thấy mình có khả năng. Người nào làm mọi sự cho Chúa là người không thể làm bất cứ việc gì mà không có Chúa. Người nào nhìn biết mình chẳng là gì hết, Đức Chúa Trời sẽ khiến cho người ra gì!
Tôi nghĩ Phaolô sẽ hết lòng đồng ý. Một người đến nói cho bạn biết ông ấy cao trọng là dường nào, thực sự ông ấy cao trọng ở chỗ nào? Sự cao trọng không cần phải giới thiệu. Khi Đức Chúa Trời thực hiện phần giới thiệu, toàn thế gian sẽ phải chú ý đến.
Được Đức Thánh Linh Mặc Lấy Quyền Phép Cho
“và ấy là Ngài đã ban tài năng cho chúng tôi giúp việc giao ước mới, chẳng phải giao ước về chữ, bèn là giao ước về Thánh Linh; vì chữ làm cho chết, song Thánh Linh làm cho sống” (câu 6).
“Giao ước mới” không đề cập tới những gì chúng ta gọi là “Tân Ước” mà đề cập tới chương trình cứu rỗi đời đời của Đức Chúa Trời, bởi đó Ngài sai Thánh Linh Ngài viết luật pháp của Ngài trên bảng lòng của chúng ta (Giêrêmi 31:31-34). Đấy là sự khác biệt cơ bản giữa “văn tự” và “Thánh Linh”. Phaolô không có ý nói rằng luật pháp của Đức Chúa Trời là xấu hay vô dụng. Còn sâu xa hơn thế nữa. Luật pháp có nhiều mục đích tốt lành. Nó ngăn trở tội lỗi, chỉ cho chúng ta thấy con đường nên thánh, và tỏ ra cho chúng ta thấy tình trạng tội lỗi của chính chúng ta. Song tự bản thân luật pháp không thể thay đổi được tấm lòng của tôi. Luật pháp hành động giống như một máy rọi cắt lớp CAT, nó tỏ ra chứng ung thư của tôi, song chẳng làm gì để chữa lành căn bịnh đó. Luật pháp có thể nói cho tôi biết “Chớ tà dâm” và nếu tôi sợ án phạt, nó sẽ giữ tôi không phạm tội tà dâm. Nhưng nó không thể thay đổi những ham muốn của tôi ở bên trong.
Sự cao trọng không cần phải giới thiệu.
Thí dụ, luật pháp nói cho tôi biết tôi không được lái xe dưới ảnh hưởng của rượu. Đấy là một điều luật rất tốt lành cứu được nhiều sinh mạng. Giờ đây, giả sử tôi phạm vào luật đó bằng cách lái xe trong khi tôi say khướt. Và chúng ta hãy giả định thêm tôi bị kéo đi bởi cảnh sát tuần tra trên tuyến giao thông, ông ấy nhìn thấy tôi lạng lách ở trên đường. Ông ấy có thể trao cho tôi một vé phạt và thâu hồi bằng lái xe của tôi. Thẩm phán có thể buộc phải nhốt tù tôi. Có phải luật pháp trong trường hợp đó đã thực thi công việc của nó? Đúng đấy. Nhưng có một việc mà luật pháp không thể làm. Nó không thể ngăn tôi đừng uống rượu và lái xe vào cuối tuần tới khi tôi ra khỏi tù. Bản thân luật pháp là vô quyền không làm thay đổi tấm lòng của tôi được. Nó phạt vạ, nhưng nó không thể làm biến đổi được.
Và ở đây, chúng ta thấy sự khác biệt lớn lao mà Tin Lành đưa ra. Đức Thánh Linh ban cho tôi đời mới và những ham mến mới. Giờ đây tôi đã được thay đổi từ trong ra ngoài. Trong khi cố gắng giải thích điều nầy cho một lớp học cách đây nhiều năm, tôi có một minh họa thật là hay. Tôi lấy cây kẹo Hershey’s Kisses rồi gắn chúng với những điều răn khác nhau: “Chớ trộm cắp”, “Chớ giết người”, “Chớ làm chứng dối”, “Chớ tham lam”, “Chớ tà dâm”, và nhiều nữa. Tôi yêu cầu một người tình nguyện ra đứng trước lớp rồi giang hai cánh tay ra. Khi ấy tôi đặt cây kẹo Hershey’s Kisses lên cánh tay và hai vai của anh ta, biểu hiện sự vâng phục bề ngoài của anh ta đối với luật pháp của Đức Chúa Trời. Tôi nói: “Bây giờ, hãy cử động đi”. Khi anh ta cử động, cây kẹo Hershey’s Kisses rơi xuống, biểu thị sự anh ta bất khả tuân giữ các luật lệ đó. Thế rồi tôi yêu cầu anh ta ăn cây kẹo, là thứ mà anh ta đã ăn với sự thích thú lắm. Bây giờ “luật pháp” đó đã được tiếp thu, anh ta có thể cử động cách thoải mái khắp gian phòng. Đấy là sự khác biệt mà Tin Lành đưa ra. Dưới giao ước cũ, bạn càng chịu khó, bạn càng thất bại. Giờ đây trong Đấng Christ, Đức Thánh Linh đang ngự trong chúng ta, tạo ra một ham mến mới muốn vâng theo luật pháp từ đáy lòng.
Hai Ứng Dụng Thực Tiễn
Cho phép tôi đề nghị hai phần ứng dụng rất thực tế cho người nào sống đời sống biết nương cậy vào Đức Chúa Trời.
1. Chúng ta sẽ không khoe khoang.
Không có một điều gì cho một vị Mục sư phải khoe khoang hầu minh chứng cho giá trị của mình. Nếu một người cứ đến nói cho tôi biết thể nào ông ta làm rất nhiều việc, điều đó có thật không chứ? Mới đây tôi có đọc một quyển sách hay về những vị Mục sư trẻ có đề tựa là Quiet Hints for Growing Preachers tác giả là Charles E. Jefferson. Được viết ra vào đầu thập niên 1900, và tái bản qua nhiều thập kỷ, quyển sách chứa một số lời khuyên rất thực tế cho những ai sắp bước vào mục vụ. Gần cuối quyển sách, Jefferson viết một chương ngắn đề tựa là “Eagles, Race-horses and Plodders”, trong đó ông cho rằng Mục sư phải có “cảm hứng về sự cần cù” vì phần lớn công việc của một vị Mục sư là thường xuyên. Ông nghiên cứu, cầu nguyện, đọc sách, thăm viếng, tính toán, tổ chức và thăm viếng thêm ai đó. Một ngày kia có khuynh hướng trộn lẫn vào nhau. Jefferson nói, nhiều người không thể sống nổi với thông lệ của mục vụ. Một số Mục sư thường sánh họ với anh em (giả sử) thấp kém hơn họ:
Họ sẽ nói dối về tầm cỡ hội chúng của họ và nhồi nhét danh sách thuộc viên Hội Thánh của họ, rồi nói bóng gió xa gần về người đang ở trước mặt họ, rồi đem vào tòa giảng một tấm lòng đầy ganh tỵ và cay đắng, và trở thành một kẻ giả hình bẩn thỉu và đáng ghét giống như những kẻ tà giáo có tấm lòng nông cạn mà Đức Giêhôva giáng sấm sét trên họ cách đây 19 thế kỷ (p. 205).
Đây là một việc rất kinh khủng, sự cám dỗ nầy khoe khoang về tầm cỡ của nó, bung ra những con số giống như thể giá trị của chúng ta được đánh giá bằng kích cỡ của Lớp Trường Chúa Nhựt của chúng ta. Tôi có thể nói đây là một sự cám dỗ rất ghê khiếp vì tôi đã cảm biết nó và cảm thấy nó vẫn còn đấy. Hết thảy chúng ta đều có một nhu cần phải minh chứng về bản thân mình, có phải không? Và hết thảy chúng ta đều thường xuyên bị đánh giá, bị cân đo đong đếm, và khoác lấy một cấp độ nào đó trong tôn ti xã hội của cuộc sống. Chúng ta không thể tránh thoát được vấn đề nầy, và chắc chắn chúng ta không thể ngăn ai đó đừng xét đoán chúng ta, sắp xếp chúng ta, so sánh chúng ta, và còn nhiều điều nữa. Nhưng chúng ta có thể làm điều nầy. Chúng ta có thể tự nhắc nhớ rằng Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh cùng nhau ban cho chúng ta bất cứ điều chi chúng ta có cần để làm bất cứ điều chi Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phải lo làm. Đấy là điều chắc chắn. Và bất cứ điều chi chúng ta hoàn tất, hãy xem đấy là nhỏ mọn trong con mắt của anh em trong chức vụ hay đấy chỉ là loại sự việc kết thúc trong ánh sáng chói chang và khiến cho chúng ta được hoan nghênh rộng rãi, mọi sự ấy đều đến từ nơi Chúa. Và nếu không có Ngài chẳng một điều tốt lành nào người ta sẽ đạt được.
Hết thảy chúng ta đều có một nhu cần phải minh chứng về bản thân mình, có phải không?
Jefferson (bản thân ông là một Mục sư chủ tọa một Hội Thánh có ảnh hưởng lớn trong thành phố Nữu Ước vào thập niên 1900) tóm tắt lại rất hay khi ông nói:
Tiếng tăm chẳng là gì cả, thiên hạ biết đến chẳng là gì cả, được lòng người chẳng là gì cả, hầu việc Đức Chúa Trời bằng cách giúp đỡ người ta là mọi sự (p. 205).
Có ai quan tâm để bàn bạc với câu nói đó không? Nếu chúng ta hầu việc Chúa, chúng ta không cần phải khoe khoang và chắc chắn chúng ta không cần phải đánh hạ ai khác để làm cho mình được khá hơn. Khi chúng ta về đến thiên đàng, Chúa có thể loại bỏ những dị biệt có thực giữa chúng ta, và trong ngày ấy chúng ta có thể lấy làm ngạc nhiên khi nhìn thấy những người dường như đã đạt được ít ỏi trên đất nầy lại nhận lãnh phần thưởng lớn từ Ngài là Đấng đánh giá mấy đồng xu của người đàn bà góa kia trên cả những của dâng lòe loẹt của hạng chuyên gia tôn giáo nọ.
2. Chúng ta sẽ không bỏ cuộc.
Đây là phần ứng dụng chính xác của Phaolô ở II Côrinhtô 4:1: “Vậy nên, chúng tôi nhờ sự thương xót đã ban cho, mà được chức vụ nầy, thì chúng tôi chẳng ngã lòng”. Là Mục sư của giao ước mới, chúng ta có mọi sự chúng ta cần, trọn thời gian và trong từng hoàn cảnh, để làm những điều chúng ta cần phải làm. Giống như khi tôi viết ra mấy lời nầy, tôi được nhắc nhớ về một việc mà Peter Wang, bạn Mục sư người Hoa của tôi, đã nói với tôi hơn một lần. Trong khi bàn luận với nhau về chức vụ, ông ấy nói như sau: “Chúng ta không phải là hạng siêu nhân”. Đấy là một sự nhắc nhớ rất tốt. Trong khi còn sống trong xác thịt nầy, chúng ta đối diện với cùng những giới hạn như bao người khác. Chúng ta mệt mõi và có khi chúng ta ngã lòng. Thường thì chúng ta đối diện với những tình huống vì chẳng có một giải pháp nào là dễ dàng hết. Chúng ta có những thắc mắc mà chúng ta không thể trả lời. Chúng ta có thể đối diện với sự chống đối gây nản chí hay sự bắt bớ triệt để. Có khi những sự phấn đấu trong cuộc sống đe dọa phủ lút chúng ta.
“Chúng ta không phải là hạng siêu nhân”
Nhưng chúng ta không bỏ cuộc.
Đấy là toàn bộ mục tiêu. Chúng ta cứ tiến tới vì lòng tin cậy của chúng ta đặt nơi Đức Chúa Trời, chớ không đặt nơi bản thân mình. Trong cuộc viếng thăm của tôi ở Ngôi Làng Truyền Giáo SIM, tôi đã dùng bữa với John và Anne Ockers. John đến Niger trong vai trò một giáo sĩ vào cuối thập niên 1940. Khi chúng tôi hỏi ông đã làm gì cách đây 60 năm ở Niger, ông nói ông đã trải qua hai từ “gospel treks” (những chuyến đi vất vả vì Tin Lành) ở đó ông và những tín hữu địa phương lái xe băng qua sa mạc trên chiếc Jeep cũ kỹ, tìm kiếm những ngôi làng đầy dẫy với hạng người chưa hề nghe nói tới Tin Lành. “Họ luôn vui mừng khi gặp gỡ chúng tôi. Vì vậy chúng tôi chỉ cho chiếu phim về những truyện tích Kinh Thánh và khi ấy tôi mới giảng Tin Lành”. Nhiều năm về sau ông mở ra một “ngôi trường trong nông trại” ở Niger để lớp thanh niên có thể học biết kiếm sống. Thế rồi sau 15 hay 16 năm, người vợ đầu tiên của ông là Evelyn qua đời tại công trường truyền giáo. Bà đã được chôn cất ở nghĩa trang của hàng giáo sĩ tại Miango Rest Home ở Nigeria. John đã ở đầu 40 tuổi khi bà qua đời. Nhìn lại thời điểm khó nhọc ấy, ông chỉ nói: “Nhưng Đức Chúa Trời đã ban cho ân điển”.
Đúng là đáng buồn và đáng hy vọng nằm trong câu nói của 4 từ đó (theo Anh ngữ) “But God gave grace” “Nhưng Đức Chúa Trời đã ban cho ân điển” (theo Việt Ngữ). Đây là những gì có ý nói tới buồn rầu song không phải như những ai không có hy vọng.
Chúng ta cứ tiến tới vì lòng tin cậy của chúng ta đặt nơi Đức Chúa Trời, chớ không đặt nơi bản thân mình.
Câu nói ấy có giá trị không?
Nó nương vào những gì bạn đang sống cho. Nếu bạn sống để được tán thưởng của thế gian, thì có lẽ những vị thánh đồ cao trọng nầy đã làm việc chi đó khác, với sự sống của họ. Chắc chắn là một vài thành viên trong gia đình đã cảm thấy họ đang phung phí cuộc sống của mình khi bước theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời đến tại châu Phi. Chắc chắn các bác sĩ giáo sĩ có thể kiếm được nhiều tiền bạc hơn khi ở lại trong nước Mỹ.
Không hối tiếc.
Đấy là điều mà tôi đã tìm được tại Ngôi Làng Truyền Giáo SIM vào tuần lễ nầy. Bên cạnh “không hối tiếc” đó, tôi để ý suốt cả tuần một sự xác quyết “lòng vui vẻ” nơi họ. Giống như: “Khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách vui mừng, hãy hát xướng mà đến trước mặt Ngài” (Thi thiên 100:2). Đấy là một mặt của ngôi làng đó. Niềm vui lộ rõ, sự thỏa lòng sâu sắc với phương thức mà mọi việc sẽ biến chuyển. Đấy là sự khỏe mạnh và tốt lành cho linh hồn đang hiện hữu quanh các thánh đồ của Đức Chúa Trời, họ không hề hối tiếc và tấm lòng họ tràn đầy sự vui mừng. Các vị giáo sĩ đều biết rõ sự dự phần của họ đầy khó nhọc, sự ngã lòng, sự chống đối, bịnh tật, mất mát, thất bại, cô đơn, những đau khổ theo phần xác và cuộc chiến thuộc linh. Nhưng họ không neo lại trên các vấn đề nầy. Họ nói với sự phấn khích của việc nhìn thấy Đức Chúa Trời đang vận hành làm thay đổi mọi lòng, những đời sống, nhiều gia đình, nhiều làng mạc và toàn bộ các chi tộc bởi quyền phép của Tin Lành. Họ “kể mọi sự ấy là vui mừng” vì cớ hầu việc Đấng Christ. Và mỗi buổi sáng, họ sốt sắng cầu nguyện xin Đức Chúa Trời sẽ ưng ban đắc thắng càng hơn cho Tin Lành trên khắp thế giới. Đây là nguồn cảm hứng và khiêm nhường đang có ở quanh họ. Thế gian không biết họ đang sống ở đây. Ở trên trời tên tuổi của họ được viết ra bằng vàng.
Có người thể hiện cảm xúc rằng nếu những vị thánh đồ cao tuổi nầy có sức làm việc lại, họ sẽ làm chính công việc ấy và làm công việc ấy cách vui sướng.
Còn nếu sự đầy đủ của tôi đến từ Đức Chúa Trời, tôi thực sự được tự do.
Vì vậy, tôi suy nghĩ về chính đời sống của mình vào tuần nầy. Tôi đã 57 tuổi rồi và, như tôi đã giảng cho họ nghe vào tối qua, tôi đang ở trong “trường tiểu học” khi so sánh với hầu hết những vị ấy. Câu nói ấy đã đem lại một tràng cười vui vẻ. Tôi nói thêm: “Nhưng tôi nhắm theo hướng đi của quí vị”. Tôi thích loại tiếp cận “không màng gian khổ” của họ đối với đời sống Cơ đốc. Tôi nghĩ đây là điển hình cho loài người trong phạm trù của tôi – tôi sẽ không kêu gọi lớp người trẻ cũng không kêu gọi lớp người trưởng thành nữa – phải sống cẩn thận và dè chừng về mọi sự. Nếu tôi có quyền đối với số phận của mình, thì tôi phải xử lý với nó sao cho thật an toàn. Còn nếu sự đầy đủ của tôi đến từ Đức Chúa Trời, tôi thực sự được tự do.
Tôi bất tử cho tới khi nào công việc của tôi trên đất đã lo xong.
Tôi có mọi sự tôi cần để hầu việc Chúa ngay bây giờ.
Vì vậy, chúng ta hãy tấn tới trong sự hầu việc Chúa với sự vui mừng, với mọi sinh lực, và với lòng tin cậy không hạn chế nơi Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể liều bỏ mọi sự cho Đấng Christ, sống với “không hối tiếc” và chẳng giữ lại một điều gì, với sự nhận biết rằng khi thời hạn của chúng ta trên đất đã hết, chính mình Chúa sẽ đón đưa chúng ta vào trong thiên đàng.
Đồng thời, không chút tin cậy nào vào bản thân chúng ta.
Nguyện hy vọng của chúng ta đặt nơi Chúa. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét