Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

I Các Vua 8:22-43; Thi thiên 84; Giăng 6:56-69; Êphêsô 6:10-20: "Những lời sống đời đời"



Những lời sống đời đời
I Các Vua 8:22-43; Thi thiên 84; Giăng 6:56-69; Êphêsô 6:10-20
Đâu là mục tiêu của đức tin? Có người đã viết nói về thư tín của Giăng mà chúng ta gọi là sách Khải huyền giống như một bức thư nói tới "kỳ tận thế" vậy, nhiều thế kỷ đã xóa nhòa đi các biến cố trong thời của Giăng. Dù vậy, sao những tín đồ lại gánh chịu những sự bắt bớ ghê gớm để bảo tồn và ghi chép một thứ không thích đáng như thế chứ? Có nhiều mối quan tâm đè nặng hơn là chỉ có lo lắng về một tương lai xa khi địa cầu sẽ bị hủy diệt. Họ đã giữ lấy bức thư, đọc nó, rồi chuyển nó đi vì họ thấy nó thích đáng đối với sự bắt bớ của họ và nổi khốn khó dưới thời Hoàng đế Domitian và những nhà cầm quyền sau đó nữa của Lamã. Sách Khải huyền nói họ sống với đức tin vững vàng trong sự đắc thắng trọn vẹn của Đấng đã đối mặt với thập tự giá, sự chết và rồi đã sống lại thắng hơn bạo lực của những kẻ thù nghịch Đức Chúa Trời. Điều nầy có thể áp dụng vào đời sống hàng ngày của họ với Đức Chúa Trời — nó tạo ra một sự khác biệt trong phần đáp ứng của họ với các áp lực của việc sống làm chứng trung tín.
Cùng một tâm trạng tương tự, có mục đích cho việc Solomon xây dựng Đền Thờ tại thành Jerusalem. Đây chẳng phải là một biểu tượng cho tương lai. Đây chẳng phải là biểu tượng của quá khứ. Đây chẳng phải là sự thần phục với một thực tại cao siêu nào. Đây còn hơn là một tòa nhà dành cho họ để trân trọng và gìn giữ. Đây là một sự khẳng định về sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa vòng dân Israel. Đền thờ là một sự nhắc nhớ thấy được bằng mắt thường cả về lời hứa của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của dân sự. Yahweh (Đức Giêhôva) sẽ thành tín với lời hứa giao ước, duy trì một kẻ kế tự cho David trên ngai vàng. Tuy nhiên, lời hứa ấy là lời hứa có điều kiện trên dân sự chịu bước đi trung tín trong những đường lối của Đức Chúa Trời.
Đền thờ hiện hữu là để nói với dân tộc và thế gian. Nó hiện hữu để kêu gọi mọi người nhìn biết và phục vụ Yahweh với sự đầu phục chơn thật. Đền thờ không có ý nói về Đức Chúa Trời đang ở mãi trên trời đâu. Đền thờ nói tới mối quan hệ liên tục giữa Yahweh và Israel. Là dân sự của Yahweh có nghĩa là đi theo khuôn mẫu sự sống mà Yahweh đề ra trước mặt họ. Họ có thể đếm luôn các ơn phước của Đức Chúa Trời, nhưng chỉ khi họ hướng vào Đức Chúa Trời trong sự phục vụ trung tín, từng ngày một. Đức Chúa Trời đã hiện diện, nhưng không được xem thường.
Có một mục đích ở đàng sau việc làm dân sự của Đức Chúa Trời. Có một mục đích cho đền thờ sâu xa hơn là một nơi nhóm lại cho cộng đồng Israel. Đền thờ hiệu hữu làm dấu hiệu cho sự đầu phục đôi khi rất khó nghe và thậm chí khó chu toàn nữa. Đền thờ hiện hữu để chỉ cho dân sự nhìn biết bản thân họ, tình cảm, mối quan tâm của họ đối với những điều Đức Chúa Trời quan tâm.
Chúa Jêsus đã đến như đền thờ con người của Đức Chúa Trời Chí Cao. Tin Lành của Giăng bắt đầu bằng cách nói Chúa Jêsus là Lời của Đức Chúa Trời mặc lấy xác thịt. Tuy nhiên, lời ấy không luôn luôn dễ nghe theo đâu. Các môn đồ do dự trước lời lẽ của Ngài mọi lúc mọi khi. Thế rồi một lần nữa, mục tiêu của chúng không đem đến sung sướng cho mọi người. Chúa Jêsus chẳng lo lắng quá mức về việc bước đi trên cái tôi hay những cảm xúc của ai khác. Ngài bận bịu với việc chỉ cho người ta thấy lẽ thật của Tin Lành và sống có trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời. Nếu có ai đó bị mất lòng nơi lời lẽ của Ngài, họ không phải đi theo Ngài trong chức vụ môn đồ. Tuy nhiên, họ vẫn sẽ trình sổ trước mặt Đức Chúa Trời về đời sống của họ.
Chúa Jêsus vốn biết rõ rằng lời lẽ của Ngài ở Giăng 6 đã vang dội theo kiểu ăn thịt đồng loại ở bề mặt. Ngài vốn biết rõ rằng nhiều người sẽ khó chịu đối với lời lẽ của Ngài khi cứ nhắc đi nhắc lại như thế. Ngài cũng biết có người chăm tìm kiếm Đức Chúa Trời sẽ nhìn qua bên kia bề mặt để tìm ý nghĩa sâu xa hơn. Thật vậy, Ngài đòi hỏi chúng ta tìm kiếm sao cho sâu hơn, tạo nổ lực để hiểu cho rõ, và đầu tư chính đời sống của mình trong việc học hỏi những vụ việc và các đường lối của Đức Chúa Trời. Ngài sẽ nói: "Có phải lời nói của ta làm mất lòng ngươi, bộ ngươi định lui đi sao?"
Một đáp ứng thật tình cảm với lời lẽ của Chúa Jêsus đang làm thay đổi lẽ thật trong sứ điệp của Ngài. Phản ứng của một người không làm thay đổi thực tại nằm ở đàng sau lời lẽ của Chúa Jêsus. Một người có thể xây khỏi Chúa Jêsus, nhưng vẫn phải trả lời với Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta muốn sống đời đời trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, thì hãy sấp mình xuống trước sự hiện diện và địa vị Chủ Tể của Chúa Jêsus là Đấng Christ mà chẳng phải chọn lọc gì nữa hết. Chúng ta phải sống như Chúa Jêsus đã dạy hoặc qua cõi đời đời mà không có Đức Chúa Trời. Sau mọi sự đã nói và làm, đây là mục đích của ơn cứu rỗi. Chúng ta được cứu từ Đấng ấn định cho chúng ta phải trở thành dân sự của Đức Chúa Trời.
Phaolô đã hình thành vấn đề sống trung thành như thế nầy bằng cách khác. Ông nói đến việc mặc lấy toàn bộ khí giáp của Đức Chúa Trời theo ánh sáng của một chiến trận thuộc linh. Tuy nhiên, nói tới chiến trận thuộc linh, trước tiên ông đã nhắc cho người thành Êphêsô nhớ rằng cuộc chiến thật không phải là cuộc chiến có liên quan tới họ. Họ chiến đấu với sự chống đối và xung đột của con người. Họ vốn biết rõ về sự bắt bớ từ nhiều mặt khiến cho cuộc sống thêm phần khó khăn. Rốt lại, đây là sự bắt bớ đã buộc Phaolô phải rời khỏi Êphêsô sau ba năm phục vụ ở đó. Họ đã hiểu rõ phải chiến đấu để có được quyền lực, sự giàu có, và ảnh hưởng. Họ rất thành thạo trong các chiến thuật nham hiểm và cách sử dụng sự lừa đảo để đạt được mục tiêu ao ước. Tuy nhiên, không một điều nào trong số nầy nhắc tới các nan đề thật cả. Chúng là những công cụ sai lầm dành cho cuộc chiến sai lầm.
Sự bắt bớ mà họ đối diện với là về quyền lực và quyền điều khiển. Các thứ vũ khí họ quen biết từ kinh nghiệm của họ trong thế gian là không xứng hiệp cho các vấn đề thực sự là nan đề. Họ cần phải bỏ đi các chiến thuật của xã hội ở quanh họ rồi sử dụng áo giáp cùng các thứ vũ khí thích ứng cho các vấn đề thuộc linh. Bao lâu họ tập trung vào những vấn đề mà thế gian tưởng là quan trọng, họ sẽ thua trận chiến thực sự — cuộc chiến thực sự thích đáng và có ý nghĩa. Một khi họ nhắm vào các thực tại thuộc linh, vào những cuộc chiến sâu sắc hơn của cuộc sống, họ có cơ hội dành lấy chiến thắng quan trọng — chiến thắng thực sự tạo ra một sự khác biệt.
Họ cần phải đứng với lẽ thật thay vì sự dối trá — lẽ thật của Đức Chúa Trời. Họ cần phải đứng với sự công bình của Đấng Christ, chớ không đứng với những cách làm nham hiểm. Họ cần phải đứng với một sứ điệp bình an, chớ không phải tranh cạnh. Họ cần phải đứng với đức tin, thay vì bất tín và sợ hãi. Họ cần phải mặc lấy ơn cứu rỗi, chớ không phải cái lốt sống mà không có Đấng Christ. Họ cần phải vận dụng sự hiện diện của Thánh Linh Đức Chúa Trời, chớ không phải các thứ vũ khí tranh chiến của con người. Sự cầu nguyện và sự cầu thay với Đức Chúa Trời cần phải cai quản mọi hành vi của họ. Họ cần phải sống và hành động giống như họ đã nhìn thấy Phaolô sống vậy, luôn luôn nói ra sự mầu nhiệm của Tin Lành, đầy đức tin, tình yêu thương, sự tha thứ, và sự phục hòa với Đức Chúa Trời. Họ cần phải đương diện với những khó khăn và xung khắc của cuộc sống trong chính tư thế mà Chúa Jêsus đã đối diện với chúng.
Như đền thờ do Solomon xây dựng có ý nói, đặc điểm mọi hành động của chúng ta phải công bố ra sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở giữa vòng chúng ta. Phương thức mà các tín hữu Êphêsô đã làm và tác động là phác họa ra sự hiện diện của Đức Chúa Jêsus Christ, đang sống trong tấm lòng của họ và đụng chạm đến đời sống của họ. Đây là cuộc chiến thật chúng ta được kêu gọi phải dự phần. Đây là cuộc chiến trong đó chúng ta bị vướng vào, dù chúng ta có công nhận thực tại và tầm quan trọng của nó hay không!
Có một câu nói mà chúng ta gọi là thử vịt. Chúng ta nói rằng nếu một con chim trông giống như con vịt, lội bơi như con vịt, và kêu quang quác như con vịt, thì có lẽ đấy là con vịt. Nếu nó không giống, không bơi lội, và kêu quang quác như con vịt, thì sao chúng ta lại tin đấy là con vịt chứ? Những định nghĩa về chữ vịt chiến đấu chống lại việc áp dụng tên ấy cho cái gì ngược lại với bản chất của con chim.
Cũng một thể ấy, là Cơ đốc nhân, chúng ta cần phải sống, nói năng, và hành động giống như Đức Chúa Jêsus Christ — là Đấng mà chúng ta gọi là Chúa. Mục đích của việc sống với Đấng Christ là mời gọi và phản ảnh sự hiện diện của Đức Chúa Trời trước mặt thế gian ở chung quanh chúng ta. Nếu chúng ta không phản ảnh được Đức Chúa Jêsus Christ, có thể chúng ta nên thực sự xem xét lại bản thân Cơ đốc nhân của mình? Nếu chúng ta hành động không giống như Chúa Jêsus, nói năng không giống như Chúa Jêsus, và hành động không giống như Chúa Jêsus, những lời xưng nhận của chúng ta chỉ là những câu nói sáo rỗng không có sự sống đời đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét