Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Lêvi ký 16: "Bài Tín Điều Các Sứ Đồ: Con dê đực của Đức Chúa Trời: “Bị chôn”



Bài Tín Điều Các Sứ Đồ
Con dê đực của Đức Chúa Trời: “Bị chôn”
Lêvi ký 16

“Tôi tin Jêsus Christ chịu thương khó dưới tay Bônxơ Philát, bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết, và chôn”. Bài Tín Điều Các Sứ Đồ
Đây là một bài giảng căn cứ vào một câu nói dường như không cần thiết. Chúng ta biết Chúa Jêsus đã chịu chết. Chúng ta biết Ngài đã sống lại từ kẻ chết. Nếu chúng ta biết những gì đã xảy ra vào ngày thứ Sáu và chúng ta biết những gì đã xảy ra vào ngày Chúa nhựt, tại sao còn phải rắc rối thêm chữ “chôn” vào làm gì? Tất nhiên là Ngài đã được chôn — là điều có ý nghĩa đây. Đấy là điều bạn làm với những thi hài đã chết. Bạn chôn cất họ. Chúa Jêsus đã chịu chết vì tội lỗi của chúng ta. Ngài đã sống lại vào ngày thứ ba. Chắc chắn phần đấy chính là vấn đề của chúng ta. Chúng ta cho rằng Ngài đã được chôn khoảng 40 giờ đồng hồ. Trong bài tín điều, những từ ngữ đã được sử dụng rất dè xẻn ở đó, toàn bộ lãnh vực giáo lý được tải đi ở đó trong sự thầm lặng, ở đó toàn bộ chức vụ dạy dỗ của Đấng Christ và tất cả các phép lạ của Ngài thậm chí còn chẳng được nhắc tới, tại sao bài tín điều nói Ngài bị chôn chứ? Tại sao điều nầy được trình bày rõ ràng, còn nhiều việc khác thì chẳng thấy nói tới?
Khi đặt vấn đề ra theo cách nầy, tôi không có ý liệt các trước giả của Bài Tín Điều Các Sứ Đồ vào một chỗ không được hay lắm. Rốt lại, họ đã sống gần gũi với các biến cố trong đời sống của Đấng Christ hơn là chúng ta nữa, vì thế họ đã có một sự tán thưởng về tầm quan trọng của những sự việc có lẽ chúng ta đang thiếu sót 2.000 năm sau đó. Thật luôn luôn dễ cho rằng chúng ta biết nhiều hơn những người xưa về điều chi thực sự là vấn đề — nhưng trong sự việc nầy, cũng như trong nhiều sự việc khác, chúng ta đang sai sót nhiều chớ không phải là đúng luôn đâu. Nếu họ nghĩ đúng là quan trọng khi phải kể từ ngữ “chôn” vào trong bài tín điều, thế thì chữ ấy rất quan trọng, và đáng phải là một việc cho chúng ta cần suy nghĩ đến ở đây. Khi tôi suy gẫm vấn đề nầy, cái điều xảy đến với tôi, ấy là tôi chưa hề nghe giảng một bài nào về sự chôn cất Chúa Jêsus hết. Hầu hết chúng ta, khi chúng ta đọc câu chuyện nói tới đời sống của Chúa Jêsus, đều có khuynh hướng đi thẳng từ sự chết của Ngài đến với sự sống lại của Ngài. Gần như là không suy nghĩ chi hết, chúng ta đi từ chỗ “Ngài trút linh hồn” cho đến “Sáng sớm ngày đầu tuần lễ” giống như thể chẳng có gì quan trọng đã xảy ra ở khoảng giữa hết. Nhưng đúng ở điểm nầy, bài tín điều buộc chúng ta phải dừng lại rồi có một cái nhìn khác vào phân đoạn Kinh Thánh. Từ ngữ đơn sơ “chôn” nói cho chúng ta biết nhiều điều về những gì đã xảy ra với thi hài của Chúa Jêsus. Nó cảnh giác chúng ta ở một lãnh vực của lẽ thật trong Kinh Thánh mà chúng ta hay bỏ sót.
Ở điểm nầy, tôi nhớ lại cách đây nhiều năm, Mục sư Ed McCollum đã trao cho tôi một quyển sách ông viết và cho in nói tới sự chôn cất Chúa Jêsus. Tôi ước có thể nói tôi đã tham khảo quyển sách ấy khi sửa soạn sứ điệp nầy, nhưng trong nhiều lần chuyển nhà, tôi không biết cất nó ở đâu và không nhìn thấy nó hơn 20 năm rồi. Tôi không nhớ đúng những gì tôi đã nói, nhưng tôi nhớ Anh Ed ngồi xuống với tôi rồi nói cho tôi biết rằng sự chôn cất Chúa Jêsus mới là vấn đề, và chúng ta phải chú ý nhiều vào những gì Kinh Thánh chép về sự chôn đó.
Ba phân đoạn Kinh Thánh chính
Trước khi chúng ta nhìn vào những sự thực nói tới việc chôn cất Ngài, chúng ta hãy xem xét ba phân đoạn Kinh Thánh đưa vấn đề vào phạm trù rộng rãi hơn:
1) Êsai 53 chứa lời tiên tri có phạm vi rộng rãi trong Cựu Ước nói tới sự chết của Chúa chúng ta. Câu 9 chứa một tham khảo cụ thể nói tới sự chôn cất Ngài —mặc dù điều nầy dường như kín nhiệm ngay thời điểm được viết ra — 700 năm trước khi Đấng Christ ra đời. “Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng hề làm điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng”. Khi người Lamã dành sự đóng đinh trên cây thập tự cho hạng tội phạm tệ hại nhất và cho những kẻ thù của nhà nước, họ ít quan tâm đến những gì đã xảy ra cho các thi thể đã chết sau khi họ được đem xuống khỏi thập tự giá. Họ bị quăng vào một cái mương nào đó và bị thú hoang ăn thịt hoặc họ sẽ bị ném vào một đống rác đang un khói nào đó chẳng hạn. Chắc chắn các cấp lãnh đạo Do thái, những kẻ thù ghét Chúa Jêsus đã “ấn định” số phận hầy cho Ngài trong lý trí của họ. Nhưng Ngài đã kết thúc ở chỗ được chôn trong mộ địa của một người giàu có — mặc dù không một người nào có thể lường trước được sự việc nầy.
2) I Côrinhtô 15:1-6 chứa một tóm tắt rất súc tích về Tin Lành. Phaolô nói ở câu 1: “Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin Lành mà tôi đã rao giảng”. Thế rồi ông tiếp tục nhấn mạnh về Tin Lành ở các câu 3-5: “Vả trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh; và Ngài đã hiện ra cho Sê-pha, sau lại hiện ra cho mười hai sứ đồ”. Hãy chú ý ông đề ra sứ điệp Tin Lành rất rõ ràng là dường nào:
A) Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá
B) Ngài đã bị chôn
C) Ngài đã sống lại vào ngày thứ ba
D) Ngài đã hiện ra
Hay bạn có thể nhìn vào hai phần:
1. Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá. Minh chứng: Ngài đã bị chôn.
2. Ngài đã sống lại. Minh chứng: Ngài đã hiện ra. Cách nào thì kết quả cũng như nhau. Phaolô xem sự chôn Chúa Jêsus là một phần quan trọng của sứ điệp Tin Lành. Khi ông giảng Tin Lành, ông gộp cả sự chôn Chúa Jêsus vào trong sứ điệp của ông.
3. Mathiơ 26:6-13 ghi lại câu chuyện nói tới Mary đang xức dầu trên đầu Chúa Jêsus với bình dầu rất đắt tiền. Khi Giăng thuật lại chính câu chuyện ấy, ông nói thêm sự kiện Mary cũng xức chơn Chúa Jêsus với “dầu cam tòng”, một thứ dầu thơm thật quí giá làm từ Ấn độ. Cần phải tốn tiền lương cả năm trời mới mua được một lít dầu ấy. Và Mary đổ dầu ấy ra trên đầu và chơn của Chúa Jêsus. Khi các môn đồ (do Giuđa lãnh đạo) tỏ ra giận dữ nơi những hành động phung phí của nàng, Chúa Jêsus đã biện hộ cho Mary và giải thích ý nghĩa sự phung phí của nàng: “Người đổ dầu thơm trên mình ta là để sửa soạn chôn xác ta đó. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, khắp cả thế gian, hễ nơi nào Tin Lành nầy được giảng ra, thì cũng thuật lại việc người ấy đã làm để nhớ đến người” (các câu 12-13). Tôi không nghĩ Chúa Jêsus có ý nói rằng Mary đúng ra đã dự định xức dầu cho Chúa Jêsus với nhận định về sự chết sắp đến của Ngài. Ngài muốn nói rằng trong sự bày tỏ tình yêu cách phí phạm của nàng, nàng đã làm còn hơn nàng nhìn biết nữa — những gì đã làm vào ngày thứ Bảy ở Bêthany sẽ được thực thi cho thi hài đã chết của Chúa Jêsus vào thứ Sáu sau đó khi Ngài được đem xuống khỏi thập tự giá. Hãy chú ý cụm từ “Tin Lành nầy”. Một lần nữa điều nầy cho chúng ta biết sự chôn cất Chúa Jêsus là một phần của sứ điệp Tin Lành.
Vì vậy sự chôn cất Ngài còn hơn cả sự kiện Ngài bị đặt vào trong mộ nữa. Đây là một phần của lời tiên tri và một phần của sứ điệp Tin Lành. Và đấy là lý do tại sao điều nầy lại xuất hiện trong Bài Tín Điều Các Sứ Đồ.
I. Sự chôn cất Ngài được giải thích The details of Jesus’ burial appear in all four gospels: Matthew 27:57-61; Mark 15:42-47; Luke 23:50-56; John 19:38-42. Rather than look each passage individually, I’d like to combine them into one seamless account.
Câu chuyện bắt đầu vào xế chiều ngày thứ Sáu ở bên ngoài các bức tường thành Jerusalem. Chúa Jêsus đã chết lúc 3 giờ chiều. Mặt trời lặn (đánh dấu khởi đầu của ngày sa-bát Do thái) bắt đầu lúc 6 giờ chiều. Rõ ràng là Chúa Jêsus đã chết, có việc cần phải làm với thi thể của Ngài. Trong khoảng thời gian sau khi Ngài gục chết, thi thể Ngài còn treo trên thập tự giá, bởi những sợi dây cột và những cây đinh đóng nơi tay và chơn của Ngài. Hiển nhiên, một người tên là Giôsép người Arimathê bước tới. Mọi sự chúng ta biết về ông đến từ bốn sách Tin Lành. Ông là một người giàu có, một người công bình, và là một thành viên của Toà Công Luận, là hội đồng nhà nước của người Do thái. Nói như thế có nghĩa là ông được nhiều người biết đến và tôn trọng. Các sách Tin Lành cho chúng ta biết ông là một người khôn ngoan và là đấng tiên kiến chuyên tìm kiếm Nước của Đức Chúa Trời. Chúng cũng cho chúng ta biết một sự kiện chính — ông không ưng thuận về sự chết của Chúa Jêsus. Mặc dù ông không ngăn chặn sự đóng đinh Chúa trên thập tự giá, ông đã bỏ phiếu chống lại sự việc nầy. Nhưng sự kiện quan trọng nhất có nhiều người không nhìn biết ở Toà Công Luận: Giôsép là một người tin Chúa Jêsus cách kín nhiệm. Mặc dầu chúng ta không biết việc ấy xảy ra như thế nào, ông đã tin quyết rằng Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của Israel, là Con của Đức Chúa Trời và là Con Người, là sự ứng nghiệm các lời tiên tri trong Cựu Ước. Có lẽ chỉ có gia đình ông mới biết rõ sự sự cam kết của ông. Nếu những người khác nhìn biết, ông sẽ đối mặt với sự phiền nhiễu và chế nhạo.
Mác cho chúng ta biết rằng Giôsép đã bạo gan đến gặp Philát để xin lấy xác của Chúa Jêsus. Từ ngữ “bạn gan” là thích ứng vì Philát chẳng ưa thích gì đối với các cấp lãnh đạo Do thái, và họ cũng chẳng ưa gì ông ta. Giôsép có thể không biết Philát sẽ phản ứng ra sao vào thời điểm quyết định nầy — nhưng dù sao thì ông cũng đến gặp ông ta. Phản ứng đầu tiên của Philát là rất ngạc nhiên khi thấy Chúa Jêsus đã chết. Thường thì người ta kéo dài hơn 6 giờ đồng hồ trên thập tự giá. Chúa Jêsus đã bị đóng đinh trên thập tự giá vào lúc 9 giờ sáng và Ngài đã chết gần 3 giờ chiều. Chắc chắn sự kiện nầy phù hợp với sự đối đãi tồi tệ nhất mà Ngài đã nhận lãnh. Nhưng cách giải thích quan trọng hơn là đây: Ngài không bị giết. Ngài đã tình nguyện phó mạng sống Ngài. Philát triệu thầy đội chịu trách nhiệm (có lẽ là sĩ quan trách vụ) tại thập tự giá và hỏi Chúa Jêsus có thiệt chết chưa!?! Khi ông ta hay rằng Ngài đã chết rồi, ông ta đã cho phép Giôsép đem thi hài Chúa Jêsus xuống khỏi thập tự giá. Ở điểm nầy Giăng đã thêm một việc mà các nhà truyền đạo khác không nhắc tới. Giôsép đã được một môn đồ kín nhiệm khác hiệp tác trong phần việc nầy — ấy là Nicôđem. Giăng 3 thuật lại thể nào Nicôđem (ông cũng là thành viên của Tòa Công Luận) đã đến với Chúa Jêsus lúc ban đêm, vì sợ rằng những người khác sẽ nhìn biết cuộc thăm viếng nầy. Chúa Jêsus nói cho ông biết ông cần phải được “sanh lại từ trên cao”. Đôi khi giữa đêm ấy và ngày thứ Sáu Tốt Lành, Nicôđem đã trở thành một môn đồ kín nhiệm của Chúa chúng ta. Thật là mỉa mai khi hai người lo chăm sóc thi hài của Chúa Jêsus là cấp lãnh đạo Do thái, họ cũng là những tín đồ kín nhiệm nữa.
Đem thi hài xuống được là một công việc rất khó khăn, vì thi hài của Chúa Jêsus đã ở vào hình thể tồi tệ lắm. Máu ứ ra từ những chỗ cắt và rách nát, có một cái lỗ nơi hông Ngài do mũi giáo đâm, và mấy cái lỗ đinh nơi hai bàn tay và hai bàn chơn Ngài. Gương mặt Ngài bị đánh gần như chẳng còn nhận ra. Sau khi làm sạch thi thể, Giôsép và Nicôđem bắt đầu liệm thật chặt với vải gai mịn. Giăng thuật lại cho chúng ta biết họ đã dùng 100 cân một dược hòa với lư hội rãi trộn với vải gai mịn quấn quanh thi hài của Ngài. Việc xức dầu thơm nầy chắc chắn sẽ làm khô cứng cái vỏ bọc bảo hộ thi hài không bị phân hủy nhanh và tạo sự khó khăn ho những kẻ cướp mộ lấy cắp thi thể.
Họ phải vội vả trong việc làm nầy vì theo luật Do thái, họ không thể đụng đến xác chết trong ngày sa-bát. Vì vậy, nếu họ vặn đồng hồ ngược lại, mọi việc nhất định phải xảy ra theo trình tự như sau: Chúa Jêsus gục chết, mấy tên lính nhận ra Ngài đã chết, hông Ngài bị đâm, đám đông bắt đầu giải tán, Giôsép đến gặp Philát, Philát triệu thầy đội đến, ông ta báo cáo Chúa Jêsus đã chết, Philát cho phép Giôsép lấy xác, Giôsép trở lại chỗ thập tự giá, ở đó ông và Nicôđem (chắc chắn đã được mấy tên lính trợ giúp) lấy thi hài xuống khỏi thập tự giá. Họ làm sạch sẽ thi hài và bắt đầu quấn thi hài bằng vải gai mịn. Tất cả mọi sự ấy đã chiếm mất hai tiếng đồng hồ.
Bây giờ là quá 5 giờ chiều rồi. Họ đã hoàn tất công việc của họ chưa đầy 60 phút đồng hồ. Ở một khả năng rất may mà Đức Chúa Trời đã ấn định trong câu chuyện nầy, Giôsép đã mua một ngôi mộ mới vừa được đục trong đá. Chắc chắn ông dự trù sử dụng nó làm nơi chôn cất cho chính ông cùng vợ mình, và có lẽ các thành viên khác trong gia đình của ông. Không những ngôi mộ đã có sẵn và chưa được sử dụng, mà nó còn là một ngôi vườn ở gần Đồi Sọ, nơi Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá. Nếu bạn từng đến với Đất Hứa, hướng dẫn viên du lịch của bạn sẽ đưa bạn đến một nơi được gọi là đồi Gôgôtha của Gordon nằm ở bên ngoài Cổng Đa-mách. Đây là chỗ đá vôi nhô ra mà thời tiết đã chạm khắc thành hình cái sọ. Nhiều người nghĩ đây là địa điểm thực của sự Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá. Ở gần đó — chừng mấy thước — là Ngôi Mộ trong vườn, một địa điểm yên tĩnh, bình an, yên nghỉ với một ngôi mộ của thế kỷ thứ nhứt cắt vào sườn đồi. Ngay cả có một chỗ lõm ở trước ngôi mộ, ở đó hòn đá sẽ được lăn đi ngay trước lối vào. Tôi đã bước vào bên trong ngôi mộ ấy ba lần rồi. Có một gian phòng dành cho khách tham quan và một gian thi hài sẽ được đặt ở đó. Có nhiều người nghĩ đây chính xác là địa điểm thi hài Chúa chúng ta được chôn cất vào ngày thứ Sáu Tốt Lành. Dù sao thì Ngài phải được chôn một là ở đàng kia hay nơi nào đó tương tự. Tôi muốn nói thêm rằng sau khi thăm viếng Ngôi Mộ trong vườn ba lần, tôi có thể xác nhận rằng ngôi mộ ấy trống trơn. Bất cứ ai được chôn cất ở đó đã được dời đi lâu lắm rồi.
Bấy giờ chỉ còn mấy phút trước 6 giờ chiều. Giôsép và Nicôđem cất lấy thi hài của Chúa Jêsus đã rũ xuống, không còn sự sống nữa, rồi khiêng thi hài ấy đến ngôi mộ trong vườn. Thật là dễ thở khi ngôi mộ ấy không xa lắm. Giữa sức nặng của thi thể ¼ vải gai mịn ¼ và thuốc thơm ¼ thi hài ấy phải cân nặng gần như là 250 cân Anh. Đồng thời mặt trời lặn từ từ ở đường chân trời phía Tây. Nhiều bóng tối phủ xuống trên rừng cây ôlive. Hai người — môn đồ kín nhiệm — khiêng thi hài đã chết của Chúa Jêsus đến mộ. Đi gần ở đàng sau là Mary Mađơlen và Mary khác, họ đang khóc. Lối vào mộ rất là hẹp. Nicôđem và Giôsép đã cúi xuống để vào được bên trong. Bên trong ngôi mộ rất tối tăm, gần như là tối đen như mực vậy. Mùi mốc và ẩm ướt. Họ đặt thi thể Chúa Jêsus trên cái gờ rồi trở đi ra. Khi họ ra đến bên ngoài, Giôsép và Nicôđem đã lăn hòn đá chặn ngay lối vào. Mấy người đàn bà ngồi xem ở bên cạnh.
Thế rồi Giôsép và Nicôđem ra về. Lúc đó chỉ còn hai bà Mary kia ở lại thôi. Bóng tối phủ xuống nghĩa trang trong vườn. Ai nấy đều rời khỏi đó. Bên trong ngôi mộ rất là yên lặng. Mùi của sự chết có ở khắp nơi.
Tại sao phải chi tiết nhiều như thế?
Tại sao Kinh Thánh cung ứng nhiều chi tiết như thế về sự chôn của Đấng Christ? Tôi có thể nghĩ đến năm câu trả lời cho câu hỏi đó.
A. Để minh chứng rằng Ngài đã thực sự chết. Đây là một vấn đề rất trọng đại trong Hội Thánh đầu tiên — và vẫn còn y như thế cho hôm nay. Những chi tiết về sự chôn cất Ngài làm củng cố lẽ thật trọng tâm — rằng Chúa Jêsus quả thực và thực sự đã chết trên thập tự giá.
B. Để chỉ ra cái giá thật của ơn cứu rỗi chúng ta. Chúng ta hay nói: “Tội lỗi của chúng ta khiến cho Chúa Jêsus phải bước lên thập tự giá”. Đấy là sự thật, nhưng chúng ta có thể nói mạnh hơn thế. “Tội lỗi của chúng ta đưa Ngài đến với mồ mả”. Ngài bị chôn vì Ngài chịu chết mang lấy gánh nặng tội lỗi và xấu hổ của chúng ta. Sự chôn cất Chúa Jêsus cho chúng ta thấy cứu cánh thật của sự loạn nghịch và tình trạng phi luật pháp của chúng ta. Với cái tôi của mình chúng ta đáng phải kết thúc trong mồ mả — đấy là chỗ mà Chúa chúng ta đã kết thúc sau khi Ngài đã chịu khổ vì tội lỗi của chúng ta.
C. Để dạy chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời không quên chúng ta khi chúng ta qua đời. Chúng ta biết “sự chết của các người thánh. Là quí báu trước mặt Đức Giê-hô-va”. Tuy nhiên, sự chết trong bản thân nó là tăm tối, lạnh lẽo, rất kinh khủng, gây sợ hãi. Sự chết dường như là một việc gì đó chẳng có gì quí báu đối với chúng ta cả. Chúng ta sợ chết, và thật vậy, vì sự chết dứt bỏ chúng ta ra khỏi vùng đất của người sống. Chúa chúng ta đã bị dứt bỏ bởi mạng lịnh của Đức Chúa Cha. Đức Giêhôva vừa lý làm tổn thương Con độc sanh của Ngài (Êsai 53:10). Tuy nhiên, trong việc làm tổn thương ấy, Đức Chúa Trời không lìa bỏ Con của Ngài cho đến đời đời đâu. Những sự phục vụ của Giôsép, Nicôđem và loại quan tâm của mấy người đàn bà buồn rầu là cách nói của Đức Chúa Trời: “Ta không bỏ Con ta trong sự chết của nó”. Chúng ta học được từ điều nầy rằng việc chôn người chết là một bổn phận Cơ đốc và là một sự phục vụ Cơ đốc cho những người thân của chúng ta. Chúng ta lo chăm sóc tốt cho người chết và cung ứng một sự chôn cất tươm tất cho người chết. Nếu Đức Chúa Trời quan tâm đủ đến Con của Ngài khi nhìn thấy Ngài được chôn cất đàng hoàng tử tế, vì vậy chúng ta nên làm y như thế cho những người chúng ta tin yêu.
D. Để làm cho sự chết ấy ra thiêng liêng hầu cho chúng ta không sợ chết nữa. Ở đây, chúng ta đến gần với trọng tâm của Tin Lành hơn. Có nổi sợ nào cơ bản hơn sợ chết không? Có lẽ từng nổi sợ khác chỉ là một tập hợp con của nổi sợ lớn lao đó. Nhưng Chúa Jêsus đã biến đổi sự chết cho những ai tin theo Ngài. Những gì xảy ra cho chúng ta, trước tiên đã xảy ra cho Ngài. Những gì đã xảy ra cho Ngài, một ngày kia sẽ xảy ra cho chúng ta. Ngài đã bước vào miền tối tăm của sự chết và không những đã đánh bại nó. Ngài còn chinh phục nó một lần đủ cả nữa. Bởi chiến thắng của Ngài đối với sự chết, Ngài đã làm cho nó ra thiêng liêng để chúng ta khòng còn phải sợ nó nữa. Ngài đã bước vào ngôi mộ rồi Ngài ra khỏi đó. Vì thế, chúng ta sẽ không sợ bước vào trong, với lòng nhìn biết rằng một ngày kia bởi ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng sẽ được ra khỏi đó nữa.
E. Để phác họa ra sự cất bỏ đi tội lỗi hoàn toàn. Chúng ta biết rằng Chúa Jêsus đã chịu chết hầu cho tội lỗi của chúng ta được buông tha. Nhưng có một phương diện của lẽ thật nầy mà chúng ta thường hay cho qua. Giăng Báptít đã nói về Chúa Jêsus: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1:29). Một trong những từ Hybálai nói tới ơn tha thứ có ý nói tới “nhấc lên rồi đem đi”. Đấy là sự tha thứ. Đức Chúa Trời cất đi gánh nặng tội lỗi của chúng ta, và rồi Ngài đem nó đi thật xa, thật là xa.
II. Sự chôn của Ngài được minh họa
Chúng ta nhìn thấy một minh họa về sự chôn nầy trong câu chuyện nói tới ngày Chuộc Tội từ Lêvi ký 16. Vào một ngày của mỗi năm — Yom Kippur, Ngày Chuộc tội — thầy tế lễ thượng phẩm (và chỉ có thầy tế lễ thượng phẩm) mới bước vào phía sau của bức màn để vào “Nơi Chí Thánh”. Đấy là nơi thánh nhất trong Do thái giáo xưa kia. Nơi ấy chứa Hòm Giao Ước, đây là cái rương nhỏ, được trang trí rất công phu với cái nắp bằng vàng được gọi là “Ngai Thương Xót”.
Một Người — Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm
Một Địa Điểm — Nơi Chí Thánh
Một Ngày — Ngày Chuộc Tội
Vào ngày ấy trong năm, hai con dê đực được đưa đến trước mặt thầy tế lễ thượng phẩm. Qua việc bóc thăm, một con dê sẽ được chọn làm của lễ. Sau khi con dê bị giết rồi, thầy tế lễ thượng phẩm đem huyết của con dê vào Nơi Chí Thánh rồi rải huyết ấy trên Ngai Thương Xót. Điều nầy làm cho huyết ấy ra thiêng liêng, nó được đổ ra vì tội lỗi của cả dân sự. Song đấy là phần duy nhứt trong nghi thức. Khi thầy tế lễ thượng phẩm ra khỏi đền tạm để đứng trước mặt dân sự, con dê thứ hai được dẫn đến cùng ông. Sau khi đặt tay mình lên con dê, ông đã dâng lên lời cầu nguyện xưng tội, kể hết tên tội lỗi của dân Israel. Bạn có thể tưởng tượng sự căng thẳng khi ông xướng lên tội lỗi của dân sự:
Ngoại tình
Gian dâm
Ô uế
Phi luân
Bất khiết
Trộm cắp
Phạm thượng
Cay đắng
Thù hận
Hung ác
Giết người
Tham lam
Tư dục
Ganh ghét
Kiêu ngạo
Tranh cạnh
Phá vỡ lời thề
Cứ như thế và còn nữa, bảng danh sách sẽ kéo dài cho tới chừng tất cả khán thính giả đều bị thuyết phục về tình trạng tội lỗi của chính họ. Chắc chắn lời cầu nguyện sẽ kết thúc. Một người khi ấy nắm lấy con dê — gọi con dê đực — rồi đuổi nó vào trong đồng vắng. Nó cứ đi mãi cho tới chừng nào người Do thái không còn nhìn thấy nó nữa. Khi ấy nó cứ đi cho tới chừng nó tới một chỗ hoang vu, thật xa trong đồng vắng. Chỉ khi ấy người đã thả con dê đực — cho phép nó sống lang thang theo ý muốn riêng của nó. Thế rồi người trở về trại quân mà không có con dê đực kia. Như vậy Đức Chúa Trời đã chứng tỏ rằng Ngài đã tha thứ tội lỗi, Ngài còn cất bỏ chúng ra khỏi chúng ta thật xa như chúng không bao giờ quay trở lại nữa vậy.
Không những được tha thứ. Mà còn được tha thứ và được cất bỏ đi cho đến đời đời nữa.
III. Sự chôn của Ngài được ứng dụng
Bây giờ chúng ta hãy ứng dụng lẽ thật nầy của Cựu Ước cho sự chôn của Chúa chúng ta.
A. Khi Đấng Christ bước vào mộ địa, Ngài đem theo tội lỗi của chúng ta với Ngài.
B. Khi Ngài bước ra khỏi mồ mả, tội lỗi của chúng ta đã không còn có nữa.
Khi John Bunyan đã viết quyển sách thật cổ điển kia, quyển Thiên Lộ Lịch Trình, ông có ghi một tiểu đoạn mô tả rất trọn vẹn lẽ thật nầy. Bản thân quyển sách là một ẩn dụ nói tới một lữ khách tên là Cơ đốc nhân, là người thực hiện chuyến hành trình từ đất lên trời. Nhưng ở đầu câu chuyện, người mang lấy gánh nặng tội lỗi của chính mình. Đây là cách người được buông tha:
Người cứ chạy cho tới khi người đến một nơi cao; và ở nơi chốn ấy có một cây thập tự, và thấp xuống một chút, dưới đáy kia là một ngôi mộ. Thế là tôi đã nhìn thấy trong chiêm bao, rằng giống như Cơ đốc nhân đến với thập tự giá, gánh nặng của người tuột khỏi hai vai người, và người ngã ngửa ra, còn gánh nặng kia cứ lăn tới mãi, cứ như thế cho tới lúc đến ngay miệng ngôi mộ, rồi nó rơi vào trong đó, và tôi không còn nhìn thấy nó nữa.
Hãy suy nghĩ đến câu nói sau cùng kia xem: “Tôi không còn nhìn thấy nó nữa”. Khi tội lỗi của chúng ta được tha và được cất đi, chúng ta không còn nhìn thấy nó nữa. Gánh nặng rõ ràng được “cất đi tại đồi Gôgôtha”, nó được lăn đi mãi hầu cho chúng ta sẽ không còn mang lấy gánh nặng ấy nữa. Kinh Thánh sử dụng một số hình ảnh mô tả thể nào Đức Chúa Trời xử lý với tội lỗi của chúng ta:
Đức Chúa Trời bôi xóa tội lỗi của chúng ta như mây đậm (Êsai 44:22).
Đức Chúa Trời quên tội lỗi chúng ta và không còn nhớ đến chúng nữa (Giêrêmi 31:34).
Đức Chúa Trời đặt tội lỗi của chúng ta ra sau lưng Ngài (Êsai 38:17).
Đức Chúa Trời ném tội lỗi của chúng ta xuống đáy biển (Michê 7:19).
Đức Chúa Trời cất bỏ tội lỗi của chúng ta thật xa giống như phương đông xa cách phương tây vậy (Thi thiên 103:12).
Tôi có thể nghĩ tới một bài ca Tin Lành gắn trực tiếp sự cất bỏ tội lỗi của chúng ta với sự chôn của Đấng Christ. Đây là bài hát mà tôi rất ưa thích trong hơn 30 năm, và mặc dù chúng ta ít khi hát bài ấy hôm nay, bài ca ấy đáng được công nhận. Vào năm 1910, một nhà truyền đạo có tên là J. Wilbur Chapman (ông là một trong những nhà tư vấn cho Billy Sunday) đã viết một bài ca Tin Lành lần theo câu chuyện nói tới đời sống của Đấng Christ từ lúc Giáng Sinh cho đến sự sống, sự chết, sự sống lại, và sự tái lâm của Ngài. Bài ca ấy có đề tựa là “Một Ngày Kia” và giai điệu trải đi như sau:
Sống, Ngài yêu thương tôi; chết, Ngài cứu tôi;
Chôn, Ngài đem tội lỗi tôi đi xa;
Sống lại, Ngài được xưng công bình đến đời đời;
Một ngày kia Ngài tái lâm — Ôi, ngày vinh hiển!
Dòng thứ hai gắn sự chôn của Chúa Jêsus với sự cất bỏ hoàn toàn tội lỗi của chúng ta. Charles Spurgeon gọi Đức Chúa Jêsus Christ là “Con Dê Đực Vĩ Đại” Ngài đứng trong chỗ của chúng ta, gánh lấy tội lỗi của chúng ta, đem chúng đi thật xa. Kế đó, Spurgeon đưa ra một câu hỏi rất riêng tư: “Bạn có dám chắc rằng Ngài mang lấy tội lỗi của bạn không? Khi bạn nhìn xem thập tự giá trên hai vai Ngài, có phải điều đó tiêu biểu cho tội lỗi của bạn không?” Có một cách để dám chắc: “Bạn có đặt bàn tay bạn trên đầu Ngài, xưng ra tội lỗi, rồi tin cậy Ngài không?” Nếu có, thế thì Ngài mang lấy tội lỗi của bạn và bạn không còn mang lấy nó nữa. Đối với tất cả những ai nghe mấy lời nầy, tôi muốn câu hỏi ấy đến thẳng với tấm lòng của bạn. Bạn đã đặt tội lỗi của mình trên Chúa Jêsus chưa? Bạn đã tin cậy Ngài là Đấng đã chịu chết để tha tội cho bạn rồi cất bỏ chúng đi thật xa không? Đừng để cho hình ảnh con dê đực của Đức Chúa Trời ra hư không trong lý trí của bạn cho tới chừng bạn đã đặt gánh nặng mình trên Chúa Jêsus. Hãy vui mừng trong sự bạn được cứu ra khỏi tội lỗi, và hãy tôn kính Đấng Cứu Chuộc là Đấng đã trả giá rồi cất lấy gánh nặng, Ngài đã bước lên thập tự giá và rồi vào trong mồ mả, để cho bạn được buông tha. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét