Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Giăng 14:1-3; II Phierơ 3:3-10: "Bài Tín Điều Các Sứ Đồ: Đấng Christ Sẽ Tái Lâm: “Từ đó, Ngài sẽ trở lại để xét đoán kẻ sống và kẻ chết”



Bài Tín Điều Các Sứ Đồ

Đấng Christ Sẽ Tái Lâm: “Từ đó, Ngài sẽ trở lại để xét đoán kẻ sống và kẻ chết”
Giăng 14:1-3; II Phierơ 3:3-10

Bạn không bao giờ biết bạn sẽ tìm gặp lẽ thật thuộc linh ở chỗ nào!?! Cách đây mấy ngày, tôi có nhận một bức thư gửi đến từ Mary Jo Lynch. Cách đây 35 năm, bà đã sống với chồng là Dudley ở thị trấn quê hương tôi là Russellville, Alabama. Dudley Lynch làm quản nhiệm một Hội Thánh Trưởng Lão nhỏ xây dựng gần khu mỏ nằm trên đường siêu tốc 24 giữa Russellville và Belgreen. Đây là ngôi nhà thờ xây bằng gạch ở một thị trấn nhỏ. Tôi nhớ có đến dự mấy buổi thờ phượng ở đó một vài lần. Tôi nghĩ nếu họ có 60 người thì hôm ấy được xem là buổi nhóm đông nhất rồi. Dudley đã lao động với những việc làm phụ để giúp đỡ cho gia đình ông. Vào một thời điểm kia, ông đã mở một cửa hiệu bán bánh sandwich kế bên Hayes Oldsmobile, ở đây họ bán loại hamburger lớn nhứt ở nước Mỹ — bánh Lynchburger. Tôi nhớ có ngồi bên quầy trao đổi về Kinh Thánh trong khi Dudley lo chu tất các hóa đơn đặt hàng. Đấy là phần khởi đầu cho sự hiểu biết lẽ đạo Kinh Thánh của tôi. Tôi không hề nhìn thấy ông mà không có một nụ cười trên gương mặt.
Dudley đã qua đời vào năm 1992. Mary Jo đã viết một bức thư ngắn sau đó. Tôi không nghe nói gì về bà mãi cho tới tuần lễ nầy. Giờ đây, bà đã 71 tuổi và đang sống gần Lexington, Kentucky. Bà đã viết thư cho tôi vì khi tìm kiếm trong thư viện của nhà thờ, bà tìm thấy một quyển sách của tôi. Vì thế, bà viết thư chào thăm, để nói cho tôi biết con trai của bà là Paul và con gái là Joanna đang sinh sống thể nào, và ở cuối thư bà thêm vào mấy suy nghĩ nầy:
“Với bất cứ một sự phân biệt nào mà tôi có vào thời điểm nầy trong cuộc đời, đối với tôi dường như đây là thời điểm tốt nhứt trong mọi thời điểm và tệ hại nhất trong mọi thời điểm. Thời điểm tốt nhứt, vì Hội Thánh thật của Đức Chúa Trời còn sống động và mạnh giỏi và Đức Thánh Linh đang sử dụng một số phương thức không ngờ được để lôi kéo sự chú ý của hạng người bị hư mất ở chung quanh chúng ta. Ai dám nghĩ rằng Mel Gibson sẽ thực hiện một cuốn phim khiến cho nhiều người một là lo phủi bụi khỏi quyển Kinh Thánh mà họ đang có, hoặc kiếm mua một quyển rồi đọc lấy đọc để câu chuyện mà Kinh Thánh nói tới sự Chúa chịu đóng đinh trên thập tự giá?
Còn thời điểm tệ hại nhứt, vì không bao giờ trong lịch sử của xứ sở chúng ta thấy sự ổn định của gia đình, đặc biệt là hôn nhân, đã bị đe dọa như hiện nay. Tôi hy vọng và nguyện rằng sẽ có một phong trào quay trở lại với những giá trị Cơ đốc và với một sự hiểu biết Đức Chúa Trời trong xã hội nói chung. Nhưng xin là đừng quá trễ đối với sự ấy. Tôi mới cảm nhận được điều nầy, là Đức Chúa Trời đang đổ ra ân điển của Ngài trên chúng ta trong những ngày sau rốt nầy trước khi Ngài sẽ đổ cơn thạnh nộ của Ngài trong kỳ Đại Nạn. Ngài không bằng lòng để cho người nào bị hư mất song muốn cho mọi người đều ăn năn”.
Khi tôi đọc bức thư đó, tôi nhũ thầm: “Ngươi có một đề tài rất hay ở đây”. Thời điểm tốt nhứt, thời điểm tệ hại nhứt, những ngày sau rốt, Kỳ Đại Nạn, và Đức Chúa Trời không bằng lòng để cho người nào bị hư mất. Tôi muốn chạy theo những tư tưởng nầy sâu sắc thêm một chút nữa và nhìn thấy chỗ mà chúng đang dẫn tới.
A. Thời điểm tốt nhứt
Chúng ta có thể khởi sự ở chỗ mà bạn tôi đã khởi sự, với sự thành công đáng kinh ngạc của cuốn phim Sự Thương Khó của Đấng Christ do Mel Gibson khởi quay. Không những cuốn phim đã kiếm được gần 600 triệu $US, nó còn bắt lấy sự chú ý của giới truyền thông nữa. Trong một thời gian ngắn, Chúa Jêsus đã trở thành quen thuộc lắm trên nước Mỹ. Mỗi nhà bình luận truyền hình trên từng kênh đã nói về Chúa Jêsus — Ngài là ai, tại sao Ngài đã đến và tại sao Ngài đã chịu chết. Một việc như thế chưa từng xảy ra trước đây. Kế đó, có sự thành công khó tin của quyển Sống Có Mục Đích của Rick Warren, và cách đây mấy năm người ta rất ưa thích Lời Cầu Nguyện Của Giabê tác giả là Bruce Wilkinson, và cuộc chạy đáng kinh ngạc của quyển Để Lại Sau Lưng của Tim LaHaye và Jerry Jenkins. Ngay cả sự thành công về thương mại của cuốn Mật Mã Da Vinci (một quyển sách tấn công Cơ đốc giáo) chỉ ra sự khao khát thuộc linh (và sự nhầm lẫn thuộc linh) của thế hệ nầy.
Và thật là tốt đẹp khi chúng ta có một người trong Nhà Trắng, ông thực sự tin theo Đức Chúa Jêsus Christ, ông đọc Kinh Thánh, cầu nguyện xin sự dẫn dắt, và công khai khẳng định đức tin Tin Lành của ông. Phần lớn sự thù ghét cay đắng đối với Tổng Thống Bush đều bắt nguồn từ sự cởi mở của ông trong việc nói tới đức tin của ông. Và ở mặt kia, sự xôn xao về quan điểm phá thai của John Kerry đã khiến giới truyền thông phải nói tới ai được và không được phép nắm lấy xã hội. Chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ điều chi như thế nầy trước đây.
David Brooks, chủ nhiệm biên tập của tờ tuần báo Standard, mới đây đã viết về On Paradise Drive, một phân tích về xã hội hiện đại. Ông đưa đến kết luận nầy khi để ý thấy 43 triệu người Mỹ chuyển đổi chỗ ở hàng năm: “Chúng ta lao động khó nhọc hơn bất cứ một dân tộc nào khác trên bề mặt địa cầu. Chúng ta đang tìm kiếm gì ở trên đất chứ? Và tôi nghĩ câu trả lời, ấy là chúng ta đang tìm kiếm thiên đàng. Chúng ta đang tìm kiếm paradise”. Chúng ta cứ chuyển từ chỗ nầy đến chỗ kia là vì chúng ta không thể tìm được sự hạnh phúc mà chúng ta đã tìm kiếm. Chúng ta hy vọng tìm được thiên đàng — thậm chí dù chúng ta không nói tới thiên đàng bằng lời lẽ đó.
Một dẫn giải sau cùng. Cách đây không lâu, tôi có nhận một e-mail từ anh thanh niên đã đọc sách của tôi, quyển Beyond All You Can Ask or Think. Sau khi trải qua một kinh nghiệm đầy khó khăn trong mối quan hệ hẹn hò, anh ấy viết cho tôi biết một mảng trong câu chuyện của anh:
“Tôi đã có một khởi đầu khá rắc rối trong cuộc sống và tôi luôn luôn có thì giờ rối rắm với sự cầu nguyện và với đức tin, tôi được nuôi dạy là một người Công giáo, nhưng tôi không biết mình đang đứng ở đâu nữa. Tôi thấy khao khát đức tin và tôi ganh tỵ với những ai có nó, sâu lắng ở bên trong tôi là ước ao Đức Chúa Trời sẽ là một phần trong cuộc đời của tôi. Hôm nay tôi muốn làm chứng về đời sống tôi được thay đổi và trở thành người mà tôi muốn trở thành. Từ chỗ thất vọng, tôi đến với một hiệu sách địa phương để tìm kiếm một sự dẫn dắt nào đó. Tôi bắt gặp quyển sách của ông và tôi quyết định mua nó. Tôi chưa hề nghe nói về ông hoặc có một manh mối nào về Hội Thánh của ông cho tới chừng cách đây một tiếng đồng hồ. Tôi không biết có phải đây là sự tình cờ không nữa, nhưng tôi sống ở thị trấn Oak Park và tôi chỉ nghĩ đấy là một số phận nho nhỏ khi bắt gặp một quyển sách do một tác giả thuộc địa phương viết ra. Mỗi ngày trong cuộc đời tôi là một chiến trận, sau cùng tôi đang thưởng thức một sự thành công nào đó với sự nghiệp của tôi nhưng tôi lại trống không về mặt tâm linh. … Tôi sẵn sàng tiếp nhận Đức Chúa Trời và ý chỉ của Ngài vào trong đời sống của tôi; tôi đã bị tước đi về mặt tâm linh quá lâu rồi. Tôi cầu xin rằng sự tình cờ nầy sẽ đem tôi đến gần Đức Chúa Trời hơn; hôm nay là ngày đầu tiên tôi cầu nguyện thật là lâu. Cảm ơn vì tìm được quyển sách của ông, tôi đang thực hiện một nổ lực để bước theo Đức Chúa Trời. Cảm ơn ông vì thì giờ của ông và tôi tán thưởng những lời cầu nguyện của ông”.
Lời lẽ của anh ấy nhắc cho tôi nhớ tới Truyền đạo 3:11, ở đây chép rằng Đức Chúa Trời đã đặt cõi đời đời vào trong từng tấm lòng. Chúng ta được dựng nên để nhìn biết Đức Chúa Trời, để yêu mến Ngài và để hầu việc Ngài. Theo lời nói của Augustine: “Lạy Chúa, tấm lòng của con được dựng nên là cho Ngài, và chúng con sẽ không yên nghỉ cho tới chừng chúng con tìm được sự yên nghỉ trong Ngài”.
B. Thời điểm tệ hại nhứt
Quả là chẳng khó khăn gì trong việc tìm gặp bằng chứng về mặt tiêu cực trong cuộc sống. Có lẽ điển hình rõ ràng nhất là cuộc tấn công vào hôn nhân và gia đình với hình thức gọi là “hôn nhân vui vẻ”. Giả sử chúng ta vặn đồng hồ lui lại chỉ 12 tháng thôi — đến ngày Mẫu Thân năm rồi. Ai dám tin xứ sở chúng ta đã hướng nhanh đến hôn nhân vui vẻ là dường nào không? Mối quan tâm của tôi ở điểm nầy không phải với người ta ở mặt kia. Rốt lại, họ chỉ đang hành động theo những điều giả định trước của họ thôi. Tại sao chúng ta lại lấy làm ngạc nhiên khi hạng người hư mất hành động giống như hạng người hư mất? Hôn nhân vui vẻ chỉ là sự tỏ ra cuối cùng của nhân loại trong sự loạn nghịch hết mức chống lại Đấng Tạo Hóa của họ. Mối quan tâm lớn lao hơn của tôi là với hạng người trong Hội Thánh, họ có thể biết rõ hơn. Có quá nhiều Cơ đốc nhân, một là họ không nhìn thấy đây là nan đề lớn lao (“Hãy để cho họ làm điều họ muốn làm. Chẳng nhằm nhò gì tôi cả”) hay họ không muốn dính dáng vào (“Tôi không thích cãi cọ”). Nhưng đây là một trận chiến mà ở đó Cơ đốc nhân cần phải chỉ huy cuộc chiến vì những giá trị đạo đức trong xã hội của chúng ta. Có nhiều người trong chúng ta đã giữ im lặng quá lâu.
Chúng ta có thể thêm tình trạng khiêu dâm trên Internet vào danh sách. Một phụ nữ kia, gia đình của bà đã bị tan nát vì một thành viên trong gia đình đã trở nên nghiện ngập với tình trạng khiêu dâm trên Internet, bà nài xin tôi phải cảnh báo dân sự về mối nguy hiểm. Đây là cuộc khủng hoảng đang dấy lên, nó đe dọa chúng ta vì nó xảy ra trong chỗ kín đáo, trong gia đình, trong chỗ riêng tư của màn hình máy tính cá nhân. Chúng ta có thể thêm sự sẩy thai và sự phá thai hợp pháp của người chưa ra đời vào danh sách. Như vậy, có sự phân cách sâu đậm ngày càng lớn trong nước Mỹ — “những tiểu bang xanh” và “các tiểu bang đỏ”. Sự phân chia ấy vượt xa hơn các đảng chính trị trước sự phân chia giữa người nào tin theo đạo đức tuyệt đối và người nào không tin.
Chắc chắn chúng ta có thể thêm vào sự dấy lên của Hồi giáo và Kỷ nguyên khủng bố đã nhận chìm chúng ta cả thảy tính từ ngày 11/9. Cách đây mấy ngày Marlene lái xe đưa tôi ra phi cảng O’Hare để tôi có thể bắt chuyến bay đến Nữu Ước. Khi chúng tôi đến đường River, tôi thấy một đám mây đen dày đặc xuất phát từ vùng phụ cận của phi trường. Tư tưởng đầu tiên của tôi là gì chứ? Những tên khủng bố đã đánh vào phi cảng. Trước ngày 11/9 sự việc nầy dường như cường điệu lắm. Còn bây giờ, nhìn biết những gì là cường điệu lại là việc khó. Chúng ta đang sống trong thời buổi mà lớp vỏ an ninh bên ngoài đã bị lột đi, và chúng ta hầu như đã trở nên tê cóng khi có bom rơi, có thêm một hành động hung bạo, có thêm hình ảnh chết chóc và hủy diệt.
Gắn với mọi sự ấy là sự hỗn loạn thần học đang thịnh hành về ơn cứu rỗi: Có phải Chúa Jêsus là con đường duy nhứt dẫn tới thiên đàng không? Cách đây 6 hay 7 năm tôi có nghe Erwin Lutzer tiên đoán rằng đây sẽ là vấn đề thống trị đầu thế kỷ thứ 21. Những biến cố kể từ dạo ấy đã chứng minh ông nói đúng. Cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus đã bị chính thức cấm ở nhiều nơi nhóm lại công khai. Giờ đây, chúng ta hay được rằng Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do thái giáo hết thảy đều thờ lạy cùng một Đức Chúa Trời, và người nào xưng danh Jêsus là cách duy nhứt được gọi là kẻ cuồng tín mù quáng.
Cho phép tôi thêm một phần quan sát riêng ở điểm nầy. Như một kết quả của tất cả các yếu tố nầy, huyết áp quốc gia đã lên tới 100 điểm kể từ ngày 11/9. Chúng ta là một quốc gia giận dữ, cáu kỉnh, bị kích thích. Nền an ninh riêng thường nhật của chúng ta đã bị thế chỗ bởi tình trạng không nhẫn nhịn được. Tôi nhìn thấy sự ấy mỗi ngày khi tôi lái xe ra đường. Vào những ngày xưa kia, nếu bạn dừng lại trong một giây khi đèn đã bật xanh, người ta kiên nhẫn chờ đợi. Bây giờ, họ nhấn kèn và rồi họ lại nhấn kèn nữa. Chúng ta mau chóng nổi giận, và khi chúng ta nổi giận, chúng ta đã thực sự nổi giận. Tôi nhận rằng tôi cũng nhìn thấy sự thay đổi trong bản thân mình nữa.
Bài Tín Điều Các Sứ Đồ
Bạn tôi là Mary Jo Lynch hỏi không biết có việc gì muộn màng lắm hay không, trừ ra sự phán xét hầu đến khi Chúa Jêsus tái lâm. Và điều nầy đưa chúng ta trực tiếp đến với cụm từ nầy từ Bài Tín Điều Các Sứ Đồ: “Tôi tin … Ngài sẽ trở lại để xét đoán kẻ sống và kẻ chết”. Cụm từ đơn sơ nầy khẳng định hai lẽ thật rất cơ bản:
1) Chúa Jêsus sẽ tái lâm.
2) Chúa Jêsus sẽ tái lâm để xét đoán kẻ sống và kẻ chết.
Tân Ước đề cập tới sự tái lâm của Đấng Christ trong hơn 300 câu. Nói như thế có nghĩa là cứ một trong 13 câu xử lý với phương diện nào đó về sự tái lâm của Chúa chúng ta với đất. Vấn đề nầy là trọng tâm của Tân Ước đến nỗi Cơ đốc nhân ở khắp mọi nơi đều luôn tin rằng Chúa Jêsus một ngày kia sẽ tái lâm. Mặc dù chúng ta khác biệt (và tranh luận!) về những chi tiết, Cơ đốc nhân trong sự đa dạng đều hiệp một trong sự tin chắc rằng chính mình Đấng Christ sẽ tái lâm trên đất. Chúa Jêsus đã phán ở Giăng 14:3: “ta sẽ trở lại”. Sau đây là 5 từ giúp cho chúng ta hiểu nói như thế có nghĩa gì. Sự tái lâm của Ngài sẽ là …
Riêng tư (chính Chúa Jêsus chớ không phải ai khác)
Đúng như thế (chớ không phải hiện thấy hay chiêm bao)
Thấy được bằng mắt thường (“mọi mắt sẽ trông thấy”)
Thình lình (chớ không phải trở lại từ từ đâu)
Bất ngờ (giống như tên trộm trong ban đêm).
Công Vụ các Sứ đồ 1:11 nói rõ ràng rằng chính mình Chúa Jêsus một ngày kia sẽ trở lại với đất. Chính “Chúa Jêsus” nầy Ngài sẽ trở lại. Hai lần trong một câu, Luca sử dụng từ ngữ “chính” để nói cho chúng ta biết đôi điều cụ thể về Sự Tái Lâm. Chính Jêsus nầy là Đấng đã ra đi một ngày kia sẽ trở lại. Và Ngài sẽ trở lại với chính cách thức mà Ngài đã ra đi. Nếu tiếng Anh đơn giản có thể có bất kỳ ý nghĩa nào, những chữ nầy dạy cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus đang trở lại theo cách riêng tư, cụ thể, thấy được bằng mắt thường và về phần xác thể. Chúng ta cũng phải nói thêm rằng sự đến của Ngài sẽ là thình lình và bất ngờ lắm. Luca 24:50-52 cho chúng ta biết Chúa Jêsus đã chìa tay Ngài ra để chúc phước cho các môn đồ Ngài, Ngài bắt đầu được cất lên khỏi bề mặt của đất — rõ ràng không có một lời cảnh báo nào cả. Chúng ta có thể cho rằng sự tái lâm của Ngài với đất sẽ chẳng có nhiều kinh ngạc lắm đâu.
Chính Jêsus nầy
Đây thực sự là một tư tưởng đáng kinh ngạc. Chính Jêsus nầy là Đấng đã chào đời tại thành Bếtlêhem sẽ tái lâm. Chính Jêsus nầy là Đấng đã lớn lên tại thành Naxarét sẽ tái lâm. Chính Jêsus nầy là Đấng biến nước thành rượu sẽ tái lâm. Chính Jêsus nầy là Đấng đi bộ trên mặt biển sẽ tái lâm. Chính Jêsus nầy là Đấng đã chữa lành con trai quan thị vệ sẽ tái lâm. Chính Jêsus nầy là Đấng làm cho Laxarơ sống lại sẽ tái lâm. Chính Jêsus nầy là Đấng đã vào thành Jerusalem vào ngày Chúa nhật lễ lá sẽ tái lâm. Chính Jêsus nầy là Đấng đã bị Giuđa phản bội sẽ tái lâm. Chính Jêsus nầy là Đấng đã bị đánh bằng roi, bị quất, bị khạc nhổ vào mặt, bị chế giễu, và bị xét xử cho đến chết sẽ tái lâm. Chính Jêsus nầy là Đấng đã chịu chết trên Đồi Sọ sẽ tái lâm. Chính Jêsus nầy là Đấng đã sống lại từ kẻ chết vào sáng Chúa nhựt phục sinh sẽ tái lâm. Chính Jêsus nầy là Đấng đã thăng thiên về trời sẽ tái lâm.
Đấy là những gì chúng ta muốn nói khi chúng ta nói rằng Chúa Jêsus sẽ tái lâm. Nhân vật lịch sử đã sống cách đây 2.000 năm ở bên kia thế giới sẽ trở lại với đất thêm một lần nữa. Đúng là điều nầy đang thổi mạnh vào tâm trí của bạn, có phải không? Đang chờ đợi ở đó trong tương lai là một biến cố thật lạ lùng, đáng giật mình, và phước hạnh hơn bất cứ điều gì đã xảy ra trong 2.000 qua. Tôi nói về sự trở lại cụ thể, trông thấy được và về thuộc thể của Đấng Christ đối với đất. Không một biến cố nào long trọng hơn nữa cho những người nam người nữ hiện đại; không một biến cố nào chắc chắn hơn theo ánh sáng của Kinh Thánh.
Hãy giữ mắt của bạn nhìn về vùng Trung Đông
Điều nầy đưa chúng ta đến với một thắc mắc rất quan trọng: Chúng ta đang ở đâu trên thời khóa biểu của Đức Chúa Trời? Tôi đưa ra hai câu trả lời thật đơn giản. Ở một mặt, chẳng ai biết ngày hay giờ tái lâm của Ngài, và thật là nguy hiểm khi xem xét những “dấu hiệu của thời đại”. Ở mặt kia, Kinh Thánh cung ứng một bức tranh đến từng chi tiết nói tới các biến cố xoay quanh Sự Tái Lâm. Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho chúng ta thấy toàn bộ bức tranh nói tới các biến cố của thế giới trong những ngày dẫn tới sự tái lâm của Đấng Christ. Việc đơn giản nhất tôi dám nói là, Hãy giữ mắt của bạn nhìn về vùng Trung Đông. Đấy là nơi mà câu chuyện đã khởi sự, và đấy là nơi mà câu chuyện sẽ kết thúc. Cho nên không có sự tình cờ khi mọi mắt của thế gian sẽ tập trung vào vùng Trung Đông vào chính thời điểm nầy. Hành động quan trọng sau cùng của lịch sử con người sẽ diễn ra — không phải ở Đông Kinh, Nữu ước hay Luân đôn đâu — mà là ở Jerusalem, và ở các nước vây quanh Israel. Có phải chúng ta đang sống trong những ngày sau rốt không? Không một ai biết chắc. Nhưng hãy xem xét các sự kiện sau đây:
1. Có một khuôn mẫu rõ ràng chỉ ra các biến cố được đề ra trong Kinh Thánh về những ngày sau rốt. Nếu bạn ghép lại với nhau những sự dạy có tính tiên tri từ Cựu và Tân Ước, bạn khám phá ra một bức tranh rất chi tiết nói tới bối cảnh chung kết đời — về đạo đức, về chính trị, về thuộc linh, về quân sự và về kinh tế.
2. Có một sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa thế giới của chúng ta và thế giới mà Kinh Thánh mô tả vào kỳ chung cuộc. Nếu bạn nghi ngờ, hãy cầm Kinh Thánh lên ở tay nầy và tờ báo ở tay kia. Hãy nhìn xem chúng khít khao với nhau dường bao!
3. Nếu đấy là sự thật, thì chúng ta quả thực phải là dòng dõi được ơn nhìn thấy sự tái lâm của Đức Chúa Jêsus Christ.
4. Từng dấu hiệu chỉ về một hướng — sẽ không còn lâu nữa đâu.
Một lời từ Phierơ
Nhưng trước khi chúng ta bán đi nhà cửa của mình rồi lên núi để chờ đợi sự trở lại của Chúa, như có người đã bị dẫn dụ sai lầm đã thực hiện trong quá khứ, chúng ta hãy ấp ủ lời lẽ của II Phierơ 3:3-10. Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, Phierơ đã đưa ra một thắc mắt rất đáng ngạc nhiên — một thắc mắc đã quấy rối các tín đồ trong thế kỷ đầu tiên và gây rối cho hạng người biết suy nghĩ hôm nay. Tại sao Chúa chưa trở lại? Ngài còn chờ đợi chi nữa? Sự trễ nãi 2.000 năm có ý nói rằng Ngài sẽ không trở lại, có phải như thế không? Chúng ta sẽ từ bỏ niềm hy vọng Cơ đốc sao? Hãy lắng nghe câu trả lời của Phierơ:
“Trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm chê, dùng lời giễu cợt, ở theo tình dục riêng của mình, đến mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng thế. Chúng nó có ý quên lững đi rằng buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất, đất ra từ Nước và làm nên ở giữa nước, thế gian bấy giờ cũng bị hủy phá như vậy, là bị chìm đắm bởi nước lụt. Nhưng trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét và hủy phá kẻ ác. Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày. Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn. Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chết bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả”(II Phierơ 3:3-10).
Phân đoạn Kinh Thánh nầy chứa đầy đủ lẽ thật quan trọng đáng được xem xét cẩn thận. Đây là ba điểm phải suy gẫm:
1) Dù những kẻ hay gièm chê nghĩ gì, Sự Tái Lâm là chắc chắn vì Đức Chúa Trời hứa như thế.
Những kẻ hay gièm chê sẽ luôn có mặt với chúng ta. Họ sẽ nói: “Hai mươi thế kỷ đã đến rồi đi và Chúa Jêsus vẫn chưa đến. Thôi bỏ đi. Ngài sẽ chẳng đến đâu”. Đối với lối nói như vậy, Phierơ đáp: “Hãy suy nghĩ về trận lụt thời Nôê”. Trước nước lụt, người ta đã sống trong sự không đếm xỉa gì đến Đức Chúa Trời. Họ đã sống giống như thể ngày mai sẽ không bao giờ đến. Họ đã phạm tội trong từng cách thức khả thi. Nhưng một ngày kia các từng trời đổ nước xuống và các sông suối lớn đều mở ra, và nước đã bao phủ toàn bộ đất. Nếu Đức Chúa Trời có thể từng làm như thế, Ngài có thể làm điều đó một lần nữa đấy — chỉ lần nầy sự tái lâm của Đấng Christ sẽ mang lại sự phán xét bằng lửa cho cả đất.
2) Sự tái lâm sẽ dẫn tới ngày phán xét cho kẻ bất kỉnh.
Hãy chú ý chuỗi những từ ngữ: nước, hủy diệt, phán xét, lửa. Giống như Đức Chúa Trời đã từng hủy diệt thế gian với nước, lần tới Ngài hủy diệt nó bằng lửa. Đối với kẻ bất kỉnh, quả thực Sự Tái Lâm của Đấng Christ sẽ là những tin tức tồi tệ lắm.
3) Sự Tái Lâm bị trì trệ để cung ứng cho con người một cơ hội để đến với Đấng Christ.
Đây là những tin tức tốt lành. Sự “chậm trễ” mà những kẻ hay gièm chê nói tới thực sự là một tặng phẩm của Đức Chúa Trời đang ban cho họ. Ngài cố ý làm chậm trễ sự tái lâm của Chúa để cung ứng cho nhiều người nam người nữ có thêm thời gian để mà ăn năn. Câu 9 tỏ ra tấm lòng dịu dàng của Đức Chúa Trời đối cùng kẻ bị mất. Ngài chẳng lấy làm khoái lạc nơi sự chết của kẻ dữ. Ngài không vui thích khi bỏ người ta vào địa ngục. Ngược lại với dư luận của quần chúng, Ngài không phải là một cụ già lẩm cẩm với hàm râu trắng xóa, đang cười vui khi ông bung ra những tia sấm chớp trên địa cầu. Trong 2.000 năm, Ngài giữ lại sự phán xét sau cùng để cung ứng cho những người nam người nữ loạn nghịch một cơ hội để đưa hai tay đầu hàng và đặt lòng trung thành với Đức Chúa Jêsus Christ.
Theo như Bài Tín Điều Các Sứ Đồ chép: Đấng Christ chắc chắn sẽ xét đoán người sống và kẻ chết. Hết thảy phải đứng trước mặt Ngài mà trình sổ. Không một ai tránh thoát được ngày ấy. Cách đây không lâu, tôi đã nói với một người lính đã hồi hưu, ông nầy đã phục vụ trong các lực lượng vũ trang của Mỹ. Ông đã phục vụ xứ sở mình ở những địa điểm nguy hiểm khắp toàn cầu. Khi tôi hỏi ý kiến của ông về khủng hoảng thế giới mới đây, ông đưa ra lời bình đáng kinh ngạc: “Người Mỹ không e sợ đánh nhau đâu. Chúng ta đã được huấn luyện tốt, được trang bị tốt nhứt, lực lượng chiến đấu tinh nhuệ nhất trên thế giới. Binh lính của chúng ta đã sẵn sàng đánh nhau, với bất cứ ai, bất cứ nơi nào. Nhưng vấn đề cơ bản của chúng ta thì khác lắm. Chúng ta sợ chết”. Khi tôi bảo ông xem lại vấn đề cho chắc, thì rõ ràng rằng ông không thực sự có ý nói binh lính của chúng ta (phần nhiều trong số họ đều đã sẵn sàng đưa ra sự hy sinh tối đa). Ông đã nói tới nước Mỹ trong vai trò một quốc gia. Chúng ta sợ chết vì chúng ta thịnh vượng đến nỗi thế giới nầy đã trở nên giống như thiên đàng, đối với chúng ta là như thế đấy. Chúng ta yêu mến sự giàu có của mình nhiều đến nỗi chúng ta không thể để cho nó qua đi. Vì thế, chúng ta không thông cảm với người nào chẳng có gì để sống, đã tự làm nổ tung mình vì lời hứa của một vài trinh nữ ở đời sau.
Terry Platt
Nhưng sự chết chẳng chóng thì chày nó xảy đến với hết thảy mọi người — và nó xảy đến với một số người trong chúng ta còn mau hơn chúng ta mong đợi nữa. Terry Platt đã qua đi vào sáng sớm thứ Năm. Khi ông ấy bị chẫn đoán với chứng bạch cầu cách đấy mấy tháng, ông biết ông đang có một chiến trận ở trước mặt mình. Từ tháng Giêng, ông đã chịu đựng ba vòng hóa trị rất khó nhọc — mỗi vòng đã gây ra đủ loại triệu chứng. Ông nằm trong bịnh viện để hóa trị vòng thứ tư (hay 8) khi ông qua đời. Terry đã phục vụ trong ban trị sự của Hội Thánh nầy vào thập niên 80 trong vai trò Mục Vụ Giáo dục Cơ đốc. Sau đó, ông có một sự nghiệp rất thành công hoạt động cho Gospel Light. Công việc của ông đã khiến ông phải đi khắp miền Đông của Hoa kỳ, giảng dạy và lãnh đạo các thần học viện. Ông làm bạn với tôi rất sớm trong chức vụ của tôi tại Hội Thánh nầy. Trong mấy năm đầu tiên của tôi ở đây, chúng tôi đã ăn trưa với nhau trong mấy tháng và tôi hiểu ông rất rõ. Về sau ông và Barb trở về Hội Thánh nầy rồi mỗi Chúa nhựt ông có mặt trong thị trấn, ông và Barb ngồi trong chính hàng ghế ấy, hàng ghế sau cùng ở dãy giữa, về phía Đông, gần cửa ra vào. Thường thì tôi hay dừng lại và trao đổi với ông giữa những buổi thờ phượng. Luôn luôn Terry đều có sự vui vẻ, một câu châm biếm, một câu chuyện, rồi luôn luôn có một nụ cười nở ra trên gương mặt.
Khi Marlene và tôi bước vào buổi thờ phượng Lễ Giáng Sinh đầu tiên vào tháng Chạp vừa qua, chúng tôi nhìn thấy Terry và Barb. Ông ấy cười tủm tỉm nói: “Tôi tưởng tôi đã nghe giọng nói của ông”. Khi tôi hỏi sức khỏe ông lúc nầy thế nào rồi, ông đổi sang long trọng hơn rồi đáp: “Các bác sĩ cho tôi biết tôi sẽ sống chừng một năm nữa thôi”. Ông đã vật vã với quyết định to lớn về sự chịu đựng hóa trị khó nhọc là dường nào một khi có khả năng cách điều trị ấy sẽ giết ông chết. Ông và Barb hiển nhiên đã quyết định cứ điều trị, và sau khi quyết định rồi, Terry không hề ngó lại sau. Có nhiều lúc — thực ra là nhiều lần lắm — nổi đau của ông cứ dằn vặt, làm khổ luôn. Từng việc tồi tệ có thể xảy ra, đã xảy ra cho ông. Chứng bạch cầu gấp hai lên, gây đau nhức nơi miệng và cổ họng, sốt cao, máu xấu đi, thân thể ông lạnh giống như nước đá vậy rồi trở nóng lên, cứ nhiều lần như thế. Nhưng ông không hề than phiền. Ông nói cho tôi biết hơn một lần rằng ông đã nói với bác sĩ chuyên khoa ung thư của mình: “Tôi muốn sống bao lâu tôi có thể vì tôi sẽ ở trong thiên đàng trong một thời gian dài, dài lắm”. Khi vị bác sĩ hỏi làm sao ông biết mình sẽ được ở trong thiên đàng, Terry đã cười rồi nói: “Bây giờ ông đang ở trong lãnh thổ của tôi”. Và rồi ông chia sẻ đức tin của mình nơi Đấng Christ. Mỗi lần Terry nhắc tới câu chuyện đó, ông đã mĩm cười với suy tưởng ấy. Ông cứ tiếp tục lo liệu công việc và sắp đặt từ giường bịnh của mình. Khi bịnh càng nặng thêm, ông phải bỏ công việc qua một bên.
Một phiên bản của Giăng 14:6
Khi hay tin ông ấy đang ở trong bịnh viện, tôi đã gọi cho ông vào buổi sáng Phục sinh từ văn phòng của tôi ở nhà thờ, ngay trước buổi thờ phượng lễ 1. Giọng nói của ông yếu đi khi ông trả lời điện thoại, nhưng khi ông nhìn biết đó là tôi, ngay lập tức ông nói: “Ngài đã sống lại rồi! Quả thật, Ngài đã sống lại rồi!” Và kế đó: “Mục sư ơi, Lễ Phục Sinh Phước Hạnh”. Ông đầy dẫy đức tin và hy vọng nơi Chúa. Trước khi chúng tôi treo máy, Terry đã chia sẻ với tôi một phiên dịch riêng của ông về Giăng 14:6, dựa theo nghiên cứu của ông trên bản Kinh Thánh Hylạp. Sau đó, ông ghi cho tôi một chú thích, và đó là email sau cùng ông gửi cho tôi:
“Ngày 24 tháng 5 năm 2004
“Chào Ray,
“Tôi về nhà từ bịnh viện mới mấy ngày nay. Không thể tin được là đã trải qua 1/3 năm. Tôi rất được phước khi tôi đến nhóm lại với Hội Thánh. Kèm theo với bài giảng của ông, tôi suy nghĩ ông giống như một phiên bản mở rộng của Giăng 14:6. Đây là một phiên dịch riêng từ sự nghiên cứu tiếng Hylạp khi [tôi còn] ở Trường Kinh Thánh.
“’Chính Đức Chúa Jêsus Christ đã phán: Ta là đường đi, và phải nói đấy là con đường duy nhứt, Ta là lẽ thật, và phải nói đấy là lẽ thật duy nhứt, và Ta là sự sống, và phải nói đấy là sự sống duy nhứt. Bất cứ ai muốn đến nơi Cha ở, tuyệt đối khó cho họ trừ phi họ phải nhờ Ta’. Như thế là rõ ràng hơn!
Chúa chúc phước cho ông,
Terry Platt”
Ông ấy đã nói đúng. Nói như thế thì rõ ràng hơn nhiều. Terry đã khư khư đưa cuộc sống của mình bám chặt vào lẽ thật của mấy câu nầy — và giờ đây ông đã gặp Chúa mặt đối mặt. Có khi trong những giờ rất sớm của sáng thứ Năm, ông đã nhắm mắt mình lại ở trên đất rồi mở chúng ra ở trên trời. Ông hiện sống hơn là hôm nay ông từng sống.
Ông đã sống là một Cơ đốc nhân, ông đã chết là một Cơ đốc nhân, và giờ đây ông đã ở trên thiên đàng. Ông là một người có đức tin, ông đã qua đời với đầy đủ đức tin ấy. Ông thường nói: “Tôi đã sẵn sàng qua đời nếu đấy là điều Chúa muốn”. Khi Chúa phán: “Terry ơi, đã đến lúc về quê hương rồi” ông không phải luận bàn chi nữa. Ông chỉ về quê hương với Chúa Jêsus thôi.
Barb nói cho tôi biết: “Tôi rất vui sướng khi nổi đau của ông ấy đã qua đi”. Cảm tạ Đức Chúa Trời chẳng có hóa trị liệu nào cả ở trên trời, không có chứng ung thư, và chẳng có một bịnh viện nào hết. Chẳng có mộ địa nào được đào lên trên sườn đồi thiên đàng. Đối với Terry, điều tệ hại nhất đã qua đi, ánh mặt trời rực rỡ của cõi đời đời hiện đang chiếu rạng nơi gương mặt của ông, và đâu đó ở nơi ấy, ông đang đứng trên tòa giảng, thuật lại những câu chuyện, mĩm cười, ca hát, ngợi khen, rồi nói với hết thảy chúng ta: “Đừng lo về tôi nữa. Tôi đã bình yên rồi. Tôi sẽ gặp lại các bạn”.
Bạn đã sẵn sàng chưa?
Bạn tôi là Gary Olson thích chào tiếp mọi người với câu nói nầy: “Chúa Jêsus sẽ tái lâm. Bạn đã sẵn sàng chưa?” Tôi ghim câu nói nầy vào ve áo của mình: “Bạn đã sẵn sàng chưa?” để tự nhắc nhớ mình rằng tôi sẽ không ở đây cho đến đời đời được. Terry Platt đã sẵn sàng khi Chúa đến gọi ông vào sáng thứ Năm. Còn bạn thì sao? Bạn đã sẵn sàng chưa?
Tôi đồng ý với Mary Jo Lynch. Đây là thời điểm tốt nhứt trong mọi thời điểm; đây là lúc tồi tệ nhất trong mọi thời điểm. Và tôi nghĩ đến tình huống tốt nhất và tồi tệ nhất mà các tín đồ sẽ nhận lấy khi chúng ta hướng đến đỉnh cao của lịch sử con người. Cho phép tôi nói một cách đơn giản rằng tôi không biết khi nào Chúa Jêsus sẽ tái lâm. Tôi không biết và tôi sẽ không đề ra ngày tháng. Tôi mong Ngài sẽ đến không bao lâu nữa. Ngày có thể đến hôm nay. Tôi biết rõ điều nầy: Chúa Jêsus sẽ trở lại khi mọi sự đã sẵn sàng trong chương trình của Đức Chúa Trời. Không một phút nào sớm hơn, không một giây nào trễ hơn.
Chúng ta đang ở gần với ngày trọng đại ấy là dường nào khi tiếng kèn trổi lên, kẻ chết trong Đấng Christ sẽ sống lại, và chúng ta sẽ được cất lên với họ để gặp Chúa trên không trung, có phải không? Có lẽ rất gần rồi. Chắc chắn gần hơn chúng ta tưởng nữa là.
Một lời nói sau cùng. Nếu Chúa Jêsus phải trở lại hôm nay, liệu bạn có sẵn sàng để gặp Ngài chưa? Nếu bạn nói: “Tôi mong là như thế” hay “Tôi chưa dám chắc”, bạn thực sự chưa sẵn sàng gì cả đâu. Nếu bạn chưa biết Ngài, bạn chưa sẵn sàng để gặp Ngài. Nhưng bạn có thể sẵn sàng bằng cách mở lòng mình ra, tin cậy Ngài làm Cứu Chúa và Chúa của mình. Hãy chạy đến thập tự giá. Hãy nắm chặt lấy huyết đổ ra của Con Đức Chúa Trời. Hãy đặt mọi kỳ vọng của bạn vào những gì Đức Chúa Jêsus Christ đã làm khi Ngài chịu chết trên thập tự giá và đã sống lại từ kẻ chết. Hãy đặt hết trọng lượng của mình lên Chúa Jêsus — hãy trao mọi kỳ vọng của bạn cho Ngài. Hãy gạt qua một bên sự bạn tin cậy vào việc gì đó mà bạn đã tin và hãy tin cậy chỉ một mình Đức Chúa Jêsus Christ mà thôi.
Chúng ta phải đối diện tương lai với chủ nghĩa lạc quan. Thế gian nhìn vào mọi nan đề rồi nói: “Có hy vọng không?” Đối với những người nhìn biết Đức Chúa Jêsus Christ, có hy vọng lớn lắm. Nếu Ngài đến hôm nay, chúng ta đắc thắng. Nếu Ngài đến trong 50 năm nữa, chúng ta đắc thắng. Nếu Ngài đến trong 1.000 năm nữa, chúng ta đắc thắng. Đây là những ngày trọng đại cần phải sống cho, những ngày trọng đại nhất trong toàn bộ lịch sử của nhân loại. Hãy suy nghĩ về điều đó xem. Chúng ta có thể là dòng dõi được ơn để nhìn thấy sự tái lâm của Đức Chúa Jêsus Christ. Nếu đây thực sự là dòng dõi sau cùng, việc nhỏ nhất bạn có thể làm là dâng đời sống mình 100% cho Đức Chúa Jêsus Christ. Hãy tin cậy Ngài thật hoàn toàn hầu cho nếu Ngài đến hôm nay hoặc ngày mai hay tuần tới hoặc một trăm năm nữa, bạn sẽ chẳng có chút gì hối tiếc nhưng sẽ sẵn sàng để gặp Ngài khi Ngài trở lại. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét