Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Bài Tín Điều Các Sứ Đồ: " Thiết Hữu trên các nơi cao: “Ngài thăng thiên, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha”



Bài Tín Điều Các Sứ Đồ
Thiết Hữu trên các nơi cao:
“Ngài thăng thiên, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha”
Đây là một trong những câu nói đáng nhớ nhất trong Bài Tín Điều Các Sứ Đồ và đây cũng là một trong những lãnh vực bị bỏ bê nhất trong giáo lý Cơ đốc. Mặc dù chúng ta (cùng với hết thảy Cơ đốc nhân) đều tin vào sự thăng thiên của Đấng Christ, chúng ta có khuynh hướng không suy nghĩ đến việc ấy bao nhiêu, ít nhất khi được sánh với sự chết và sự sống lại của Chúa chúng ta. Mặc dù chúng ta không hề nói đến sự ấy theo cách nầy, có lẽ điều nầy dường như hoàn toàn chẳng quan trọng đối với chúng ta. Chúng ta biết rằng Chúa Jêsus đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại từ kẻ chết vì sự cứu rỗi chúng ta, và chúng ta biết chúng ta không thể được cứu nếu không có ngày thứ Sáu Tốt Lành hay ngày Chúa nhựt Phục Sinh. Như vậy sự Thăng Thiên phù hợp với chỗ nào? Đối với nhiều người dường như đây chỉ là chất kem bôi vào sứ điệp chính của Tin Lành — có lẽ một phương thức thích nghi cho Đấng Christ trở lại với Thiên đàng. Nhưng thực sự điều nầy có trở làm vấn đề cho hôm nay không? Và nó có quan trọng cho đức tin Cơ đốc của chúng ta không?
Chúng ta đối mặt với những khó khăn khi chúng ta xem xét sự thăng thiên của Chúa chúng ta. Bản thân biến cố chỉ được trình bày vắn tắt bởi Mác, Luca và sách Công Vụ các Sứ đồ. Bằng cách đối chiếu cả hai: sự đóng đinh trên thập tự giá và sự sống lại được mô tả bởi bốn trước giả Tin Lành trong chi tiết. Và vì bản thân biến cố lại bất thường nữa, cho nên thật khó cho chúng ta có cái nhìn chính xác những gì đã xảy ra. Tuy nhiên, hiếm thấy có người nào nghi ngờ sự thăng thiên của Đấng Christ. Những cuộc tranh cãi sôi nổi dậy lên quanh sự sống lại, còn sự thăng thiên không phải là đề tài của nhiều sự bàn bạc. Có lẽ hầu hết mọi người đều không suy nghĩ về việc có đáng phải tranh cãi hay nghi ngờ gì về vấn đề nầy.
Nhưng một cái liếc nhìn thật nhanh vào lịch sử Hội Thánh cho chúng ta biết rằng có nhiều điều ở đây hơn là chỉ làm thỏa mãn cho con mắt. Về một việc, từng tín điều Cơ đốc chủ yếu bao gồm cả sự thăng thiên của Đấng Christ. Bạn tìm gặp điều nầy trong Bài Tín Điều Các Sứ Đồ, bài tín điều Nicene, và bài tín điều Athanasian. Tờ lịch thờ phượng bao gồm cả Ngày Lễ Thăng Thiên — luôn luôn nhằm vào ngày thứ Năm — luôn luôn là 40 ngày sau Lễ Phục Sinh. Năm nay ngày Lễ Thăng Thiên rơi vào ngày 20 tháng 5. Và cả hai biến cố và giáo lý ở đàng sau đó là thuộc về Kinh Thánh. Đây không phải là bài giảng đầu tiên mà tôi đã giảng về sự thăng thiên đâu. Nhưng khi tôi sửa soạn cho tuần nầy, tôi đã đạt tới chỗ tán thưởng thật tươi mới về việc rất nhiều lần các trước giả Tân Ước nhắc tới sự thăng thiên cùng những hậu quả của nó. Sau đây là một vài câu cần phải xem xét:
Luca 24:50-52: “Kế đó, Ngài đem môn đồ đi đến nơi xung quanh làng Bê-tha-ni, giơ tay lên mà ban phước cho. Đang khi ban phước, Ngài lìa môn đồ mà được đem lên trời. Môn đồ thờ lạy Ngài rồi trở về thành Giê-ru-sa-lem, mừng rỡ lắm”.
Công Vụ các Sứ đồ 1:9: “Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên trong lúc các người đó nhìn xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa”.
Giăng 3:13: “Chưa hề có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, ấy là Con người vốn ở trên trời”.
Giăng 16:10: “vì ta đi đến cùng Cha, và các ngươi chẳng thấy ta nữa”.
Giăng 16:28: “Ta ra từ Cha mà đến thế gian; nay ta lìa bỏ thế gian mà về cùng Cha”.
Êphêsô 4:10: “Đấng đã xuống tức là Đấng đã lên trên hết các từng trời, để làm cho đầy dẫy mọi sự”.
I Timôthê 3:16: “Mọi người đều cho sự mầu nhiệm của sự tin kính là lớn lắm: Đấng đã được tỏ ra trong xác thịt, Thì đã được Đức Thánh Linh xưng là công bình, Được thiên sứ trông thấy, Được giảng ra cho dân ngoại, Được thiên hạ tin cậy, Được cất lên trong sự vinh hiển”.
Hêbơrơ 4:14: “Ấy vậy, vì chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời, thì hãy bền giữ đạo chúng ta đã nhận tin”.
Hêbơrơ 7:24-26: "Nhưng Ngài, vì hằng có đời đời, nên giữ lấy chức tế lễ không hề đổi thay. Bởi đó Ngài có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy. Ấy đó thật là thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta có cần dùng, thánh khiết, không tội, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội, được cất lên cao hơn các từng trời”.
I Phierơ 3:21-22: “Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng đã được lên trời, nay ngự bên hữu Đức Chúa Trời, các thiên sứ, các vương hầu, các quyền thế thảy đều phục Ngài”.
Có nhiều câu khác nói tới sự tôn cao của Đấng Christ ở bên tay hữu Đức Chúa Cha ở trên trời, và đúng là những gì lẽ thật nầy muốn nói với các tín đồ. Tôi thấy điều nầy, ấy là bài tín điều dành nhiều chỗ cho sự thăng thiên y như nó dành nhiều chỗ cho thập tự giá và cho sự sống lại. Có lẽ chúng ta sẽ làm theo cách khác, nhưng những Cơ đốc nhân đầu tiên đã tin rằng sự thăng thiên đứng trên một nền tảng tương xứng với các biến cố của ngày thứ Sáu Tốt Lành và Chúa nhựt Phục sinh. Lẽ thật nói tới sự thăng thiên của Đấng Christ trả lời cho ba thắc mắc quan trọng:
Điều chi đã xảy ra với Chúa Jêsus?
Ngài đi đâu?
Ngài đang làm gì bây giờ?
Đây là ba câu nói giải đáp cho ba thắc mắc ấy.
I. Ngài thăng thiên về trời
Chúng ta có thể nói những gì chúng ta biết về bản thân sự cố với những từ ngữ đơn giản. Trong khi Chúa Jêsus đang phán với các môn đồ ở làng Bêthany (cách đông Jerusalem vài dặm), Ngài chúc phước cho họ, rồi được cất lên trên trời ngay trước mắt họ. Họ đã có mặt ở đó, họ đã nhìn thấy sự cố đó, sự kiện ấy thực sự đã xảy ra. Đấy chẳng phải là mảng tưởng tượng hay chiêm bao hoặc họ hiện thấy. Không giống như sự sống lại, là điều chẳng có ai thấy khi sự kiện xảy ra, các môn đồ đã nhìn thấy Chúa Jêsus cụ thể thăng thiên về trời. Cả hai sách Luca và Công Vụ các Sứ đồ đều nói rằng Chúa Jêsus đã được “cất lên” trên trời. Động từ có ý tưởng được cất thẳng lên vào khoảng không kia. Họ đã nhìn thấy Ngài được cất lên, rồi họ nhìn thấy Ngài biến mất trong một đám mây, rồi họ không còn nhìn thấy Ngài nữa. Hãy lưu ý, Ngài đã thăng thiên theo phần xác — chớ không phải là một hồn linh, mà trong thân thể đã được làm cho vinh hiển. Chính thân thể ấy đã bị đóng đinh trên thập tự giá, rồi chính thân thể ấy đã sống lại không hay hư nát, trong thân thể ấy Chúa chúng ta đã thăng thiên về trời.
Chúng ta nói gì về sự kiện nầy? Khi Chúa Jêsus phán cùng các môn đồ trên phòng cao, Ngài nhấn mạnh rằng Ngài sẽ trở lại với Cha Ngài ở trên trời. Giăng 16:28 chép Ngài đã rời khỏi Cha Ngài mà đến với thế gian, và giờ đây Ngài rời thế gian trở về cùng Cha Ngài. Chúng ta có thể tóm tắt đời sống của Chúa chúng ta theo cách nầy:
Ở trên trời
Ở trên đất
Ở trên trời một lần nữa.
Bằng phương tiện thăng thiên, sự Chúa Jêsus trở về trời trong đắc thắng cho thấy rằng những ngày thương khó của Ngài sau cùng đã qua rồi. Không còn có mão gai nữa. Không còn có sỉ nhục hằn học nữa. Không còn đánh đập nữa. Không còn roi vọt nữa. Không có đám đông nào la hét đòi huyết Ngài nữa. Không có phản bội nữa. Không có nhiếc móc nữa. Không có ai khạc nhổ trên mặt Ngài nữa. Không bao giờ có những mũi đinh được đóng xuyên qua tay chơn Ngài nữa. Không bao giờ có mũi giáo đâm vào hông của Ngài nữa. Không bao giờ Ngài kêu la: “Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” Mẹ Ngài không bao giờ bật khóc khi Ngài chết nữa. Thi thể đã chết của Ngài không bao giờ được đem xuống khỏi thập tự giá nữa. Ngài sẽ không bao giờ được sửa soạn để đem chôn nữa. Ngài sẽ không hề qua đêm trong phần mộ nữa. Chúa Jêsus đã trải qua đủ “thì giờ trong mộ” rồi. Sự chết và mồ mả đang ở sau lưng Ngài cho đến đời đời. Hãy rút bỏ cây roi, cái búa, những mũi đinh, và gấp vải liệm lại. Bạn không cần đến nó nữa mà chi. Ngài là Đấng đã chịu khổ nhiều hơn bất kỳ một người nào, sẽ không còn phải chịu khổ nữa cho đến đời đời.
Đấng Christ “không giới hạn”
Nhưng có nhiều điều phải xem xét. Vì Chúa Jêsus đã trở về trời, giờ đây Ngài đã được tự do đối với những giới hạn về không và thời gian. Có phải bạn từng ước ao sẽ có một số thì giờ với Chúa Jêsus mặt đối mặt không? Có những giây phút trong đời, khi tôi nhũ thầm: “Nếu tôi chỉ gặp được Ngài, trò chuyện cùng Ngài, nếu tôi chỉ gặp riêng Chúa Jêsus, nếu tôi chỉ nghe tiếng của Ngài và biết rõ rằng ấy là Chúa của tôi, điều ấy sẽ tạo ra một sự khác biệt cho tôi”. Trong những giây phút ấy, tôi cảm thấy rằng nếu tôi có thể gặp được Ngài, tôi sẽ mạnh mẽ ở bề mặt của sự rối rắm. Nếu tôi chỉ gặp được Ngài, tôi sẽ can đảm ở bề mặt của sự nguy hiểm. Nếu tôi chỉ gặp được Ngài, những lần phấn đấu của tôi sẽ thành ra hư không. Nếu tôi chỉ có mấy phút trong thì giờ của Ngài, điều đó sẽ tạo ra một sự khác biệt. Và thậm chí tôi nhũ thầm: “Mình sẽ không cần gặp Ngài lâu. Ba mươi phút cũng đủ cho 50 năm tới”. Nếu tôi có thể gặp Ngài rồi nghe Ngài phán cùng tôi thì tốt biết bao. Tôi giả sử hết thảy chúng ta đều có những tư tưởng như thế. Cuộc sống có thể là khó nhọc, linh trình thì khó khăn, và những lần phấn đấu có khi dường phủ lút. Gặp được Ngài sẽ là điều kỳ diệu lắm. Cảm nghĩ như thế chẳng có gì sai trái đâu — rốt lại, một ngày kia chúng ta sẽ gặp Ngài mặt đối mặt. Có một sự khát khao trong từng tấm lòng được chuộc, muốn gặp Chúa Jêsus thật gần gũi và riêng tư. Và khi ấy tôi xem thấy Chúa Jêsus phán: “Ta đi là tốt cho ngươi đấy”. Làm sao như thế được chứ? Tại sao Ngài không thể ở đây với chúng ta kìa? Câu trả lời đại loại như thế nầy: bao lâu Chúa Jêsus còn ở đây trên đất, Ngài bị ràng buộc với những giới hạn về thời gian và không gian. Là một con người, Ngài chỉ có thể có mặt ở một nơi vào một thời điểm. Nếu Ngài có mặt ở Oak Park, Ngài không thể có mặt ở Cicero. Nếu Ngài có mặt ở Cicero, Ngài không thể có mặt ở Harvey. Nếu Ngài có mặt ở Harvey, Ngài không thể có mặt ở Winnetka. Và nếu Ngài có mặt ở Tokyo, Ngài không thể có mặt ở Johannesburg. Bây giờ Ngài đã trở về trời, lời của Ngài đã trở nên hiện thực. Bằng cách sai Đức Thánh Linh đến cùng chúng ta, giờ đây Ngài hiện diện với chúng ta trọn thời gian. “Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Mathiơ 28:20). Thật lấy làm tốt khi biết rõ rằng Chúa chúng ta không hề lìa khỏi chúng ta. Khi chúng ta vấp ngã, Ngài hiện diện ở đó. Khi chúng ta sa ngã, Ngài hiện diện ở đó. Khi chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Ngài, Ngài hiện diện ở đó. Khi chúng ta nghĩ Ngài lìa khỏi chúng ta, Ngài hiện diện ở đó. Khi chúng ta nghi ngờ Ngài, Ngài hiện diện ở đó. Khi chúng ta quên Ngài, Ngài hiện diện ở đó. Khi chúng ta nhượng bộ sự cám dỗ, Ngài hiện diện ở đó. Khi chúng ta cần đến Ngài nhất, Chúa Jêsus luôn luôn hiện diện ở đó. Nhưng điều đó chỉ có thể trở nên hiện thực vì Ngài đã thăng thiên về trời.
II. Ngài đang ngồi bên tay hữu Đức Chúa Cha
Tân Ước sử dụng ba từ ngữ mô tả Chúa Jêsus, tình trạng ở trên trời:
Ngài được tôn cao.
Ngài được vinh hiển.
Ngài được ngồi trên ngôi.
Trong thế giới thời xa xưa, khi một vì vua muốn tôn cao ai đó, người dành cho họ một chỗ ngồi bên tay hữu của người. Chỗ ngồi đó là chỗ ngồi cao nhất, vinh dự lớn lao nhứt, và là sự vinh quang tối thượng mà nhà vua có thể trao tặng cho bất cứ ai. Nói Chúa chúng ta giờ đây đang ngồi bên tay hữu của Đức Chúa Cha là có ý nói tới điều gì? Thứ nhứt, nó có ý nói Ngài có một chỗ thường trực ở trên trời. Khi Ngài trở về trong đắc thắng, Ngài được ban cho một chỗ thường trực gần bên ngôi của Đức Chúa Cha. Chúa chúng ta không phải tìm kiếm một chỗ ở trên trời. Khi Ngài về đến nơi, đã có một chỗ với danh Ngài ghi trên đó (phải nói như thế). Chỗ đó bên tay hữu Đức Chúa Cha là thuộc về Ngài cho đến đời đời.
Thứ hai, nó có ý nói rằng công tác cứu chuộc của Ngài giờ đây đã hoàn tất. Trong khi Ngài còn ở trên đất, Ngài thường phán về “công việc” của Đức Chúa Cha (Giăng 4:34; 9:4; 17:4). Công việc của Ngài đã lên tới cao điểm khi Ngài bị treo trên thập tự giá, gánh lấy tội lỗi của thế gian. Kinh Thánh chép rằng khi Ngài chết, Ngài trở nên tội lỗi vì chúng ta (II Côrinhtô 5:21). Khi Ngài chết, Đức Chúa Trời đổ cơn thạnh nộ của Ngài trên Chúa Jêsus mặc dù Chúa Jêsus là trọn vẹn, thanh sạch và hoàn toàn vô tội. Nhưng là Đấng thay thế vô tội, Ngài gánh lấy án phạt mà tôi đang phải nhận lãnh hầu cho tôi được buông tha. Ngay trước khi Ngài chết, Đấng Christ đã hô to: “Mọi sự đã được trọn” (Giăng 19:30), cụ thể có ý nói “đã trả đủ”. Công tác đã hoàn tất; món nợ đã được trả. Tôi không còn bị kết án với tội lỗi của tôi nữa vì Chúa Jêsus đã trả hết rồi. Sự thăng thiên là dấu hiệu cho thấy Đức Chúa Cha đã tiếp nhận công tác của Con Ngài. Một khi Đức Chúa Trời đã tiếp nhận Đấng Christ, không một điều gì được thêm vào những gì Ngài đã làm khi Ngài chịu chết trên thập tự giá và đã sống lại từ kẻ chết. Hêbơrơ 10:11 nhắc cho chúng ta nhớ rằng không có một cái ghế nào trong đền tạm vì các thầy tế lễ không được phép ngồi xuống. Họ phải đứng để thực thi công việc của họ vì công việc của họ không hề làm xong. Mỗi ngày thầy tế lễ sẽ giết con sinh khác — cho thấy rằng cái giá của tội lỗi chưa được trả xong. Thế nhưng khi Đấng Christ trở về trời lại, Ngài đã ngồi xuống vì Ngài đã hiến chính mình Ngài làm của lễ cho tội lỗi đến đời đời. Cảm tạ Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus đã được ngồi ở trên trời.
Thứ ba, nó có ý nói giờ đây Ngài đang ngồi ở vị trí tối thượng và vinh dự cao cả nhứt trong vũ trụ. Đức Chúa Trời đã tôn cao Ngài và ban cho Ngài một danh trên hết mọi danh (Philíp 2:9-11). Khi nghe đến danh Jêsus mọi đầu gối sẽ phải quì xuống và mọi lưỡi một ngày kia sẽ xưng ra Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa mà tôn vinh hiển cho Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha. Hãy xem xét điều ấy có nghĩa gì:
Nạn nhân đã trở thành người chiến thắng.
Mão gai được thay thế bằng mão triều thiên vinh hiển đời đời.
Mũi giáo được thay thế bằng cây trượng của quyền uy.
Bằng cách đặt Con Ngài ngồi bên tay hữu mình, Đức Chúa Cha đang phán với cả thế gian: “Con ta được công nhận chính đáng hoàn toàn”. Giờ đây, sau cùng Chúa Jêsus tiếp nhận những gì Ngài đáng được.
Ngài không đáng bị đối xử tồi tệ.
Ngài không đáng chịu chế giễu và sỉ nhục.
Ngài không đáng bị phản bội.
Ngài không đáng bị đánh đập.
Ngài không đáng với búa và những mũi đinh.
Ngài không đáng với cái chết của một tội phạm.
Ngài không đáng bị chôn trong ngôi mộ mượn.
Nhưng giờ đây, lúc sau cùng, Chúa chúng ta đang nhận lãnh những gì Ngài đáng được — vinh hiển, tôn quí và danh dự. Philíp 2:5-7 cho chúng ta biết rằng Đấng Christ đã “tự bỏ mình đi” về thần tánh bề ngoài để nắm lấy hình thể của một con người. Ngài đã hạ mình xuống bằng cách rời khỏi các cung điện trên trời để giáng sanh trong chuồng chiên máng cỏ tại thành Bếtlêhem. Ngài đã che đậy sự vinh hiển của mình rồi sống một đời sống khiêm nhường. Mọi người trong chúng ta đều cảm thấy quả là bất công cho Vua các vua phải chịu đối xử tệ hại như thế bởi những kẻ mà Ngài hiện đến để cứu họ. Có phải bạn nhớ lại rằng khi Ngài bị treo trên thập tự giá, những kẻ đứng xem kia đã chế nhạo khi sự sống Ngài đang tàn tạ dần đi? Họ đã cười nhạo nơi sự đau đớn của Ngài và họ kêu lên: “Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy tự cứu lấy mình đi” (Mác 15:29-30). Sự thăng thiên có ý nói rằng Chúa Jêsus đã được công nhận là chính đáng trong mọi sự mà Ngài hiện đến để lo làm và những ngày hạ mình của Ngài đã qua đi cho đến đời đời. Vào năm 1871, Frances Ridley Havergal đã viết một bài thánh ca về sự thăng thiên của Ngài có đề tựa là “Golden Harps are Sounding” (Khúc Kim Cầm), bài hát nắm bắt lẽ thật nầy:
Réo rắc bấy khúc kim cầm.
Sứ thánh ca ly kỳ,
Cửa ngọc kia mở toang rồi,
Rước Thánh Vương trị vì;
Kìa, Christ, Vua rất hiển vang,
Lòng từ ái chứa chan.
Về trời ca khúc khải hoàn.
Được tiếp lên ngai vàng,
Đấng đã đến cứu muôn người,
huyết đổ, tim tan tành.
Đấng hiện đương khoác kim miện
Ở bên Cha nhơn lành
Từ rày đâu còn đớn đau
Đời đời sống hiển vinh
Jêsus Vua vinh hiển kìa
Từ đất lên Thiên đình
Chúa vẫn thế các con Ngài
Khẩn Chúa Cha đêm ngày
Giúp bầy chiên những ơn lành
Đến nơi vinh quang Ngài
Ngài dự bị Thiên quốc cung
Dành phần kẻ tín trung
Jêsus Christ Vua vĩnh tồn
Ngài mến ta vô cùng
Cứu Chúa đã mãn công rồi,
chúng tôi vui khen ngợi.
Ngài hồi loan trên cõi trời.
Thật hiển vinh muôn đời (TC 118)
III. Ngài cầu thay cho các thánh đồ
Đây là chỗ lẽ thật nói tới sự thăng thiên của Đấng Christ chạm đến đời sống mỗi ngày. Thứ nhứt, vì Ngài đã sống trên đất và gánh chịu nổi thương khó rất sâu sắc, Ngài biết những gì phải nếm trải. Tuần nầy, có một người bạn đến nói cho tôi biết: “Tôi đã học biết mình có thể tin cậy Chúa Jêsus mặc dù Ngài biết rõ mọi sự về tôi”. Hãy suy nghĩ về sự ấy trong một phút xem. Ngài biết rõ bạn từng chút một. Ngài biết bạn đã ở đâu tối qua, những gì bạn làm, và những gì bạn nghĩ mình sắp làm nữa kìa. Ngài biết hết từng việc mà bạn chưa nói ra và chưa làm (và suy nghĩ nữa) vào tuần tới — mà Ngài vẫn yêu thương bạn. Đấy là những tin tức tốt lành cho hạng người bất toàn, họ hay vấp ngã và đi đường riêng mình qua cuộc sống.
Thứ hai, vì Ngài giờ đây đang ở trên trời, Ngài cầu thay cho chúng ta với Đức Chúa Cha. Cụm từ “cầu thay” có ý nói tới việc nói ra vì ích cho người khác. Đấng Christ giờ đây đang ở trên trời cầu thay cho chúng ta. Đây quả thật là một tư tưởng thật diệu kỳ — và đúng là thứ nhựa thơm cho những linh hồn đang trong chỗ hoạn nạn. Khi tôi vấp ngã, Chúa Jêsus cầu thay cho tôi. Khi tôi chùn bước dưới gánh nặng, Chúa Jêsus cầu thay cho tôi. Khi đức tin tôi thối lui, Chúa Jêsus cầu thay cho tôi. Khi tôi đánh một trận hòng chống lại sự cám dỗ, Chúa Jêsus cầu thay cho tôi. Thậm chí còn nhiều việc hơn thế nữa. Thường thì khi tôi được yêu cầu phải cầu thay cho ai đó, dường như tôi không tìm thấy những lời lẽ thích ứng và tôi cảm thấy không biết lời cầu nguyện của mình có rơi vào chỗ hư không hay không nữa! Nhưng Chúa Jêsus ở trên trời đến bên cạnh, nắm lấy những lời cầu nguyện của tôi rồi đổi chúng thành những lời thỉnh cầu đầy năng lực ở trước ngôi của Đức Chúa Trời. Khi tôi không thể cầu nguyện, khi lời lẽ không đạt, Chúa Jêsus cầu thay cho tôi. Hêbơrơ 7:24-25 thêm tư tưởng đầy khích lệ vì Chúa Jêsus sống đời đời, Ngài cầu thay đời đời, đấy là lý do tại sao chúng ta được cứu cho đến đời đời. Trong Cựu Ước, các thầy tế lễ sẽ chết mãi. Những người nhơn đức qua đời và những kẻ xấu xa qua đời. Ngay thời điểm bạn cần một thầy tế lễ thượng phẩm, ông ta qua đời và người khác nắm lấy chức vụ của ông ta. Nhưng một khi Chúa Jêsus sống đời đời, chúng ta dám chắc rằng Ngài không thôi cầu thay cho chúng ta. Và vì Ngài không hề thôi cầu thay cho chúng ta, Ngài cứu chúng ta một cách hoàn toàn — cho đến cuối cùng.
Con Người của chúng ta ở trên trời
Hêbơrơ 4:14-16 gọi Đấng Christ là thầy tế lễ thượng phẩm, là Đấng đã vào trong các từng trời. Vì Ngài bước đi trên đất với chúng ta, Ngài biết những gì chúng ta đang nếm trải và Ngài có thể đồng cảm với chúng ta trong trận chiến của chúng ta. Vì Ngài giờ đây đang ở trên trời, Ngài có thể cứu giúp trong mọi sự hoạn nạn của chúng ta. Khi chúng ta đến với ngôi thi ân, chúng ta không phải lo lắng mình sẽ bị xua đi vì chính mình Đấng Christ đang ngự ở đó để gặp gỡ chúng ta. Ngài có ân điển cứu giúp trong lúc có cần. Người nào sống trong các thành phố lớn đều hiểu rõ nguyên tắc nầy. Chúng ta xử lý với nhiều bộ phận chính quyền khác nhau — địa phương, tiểu bang và liên bang — cái điều không tránh được, ấy là chẳng sớm thì muộn chúng ta sẽ rơi vào chỗ rắc rối không cách nầy cũng cách kia. Trong giờ phút đó, chỉ có một thắc mắc thoạt đến trong trí: “Tôi biết ai là người có thể giúp tôi qua được?” Nếu bạn quen biết ai đó ở City Hall, thình lình mọi nan đề của bạn bắt đầu trở thành hư không. Hoặc có thể bạn quen biết ai đó biết người ấy, và nếu bạn của bạn sẽ gọi một cú điện thoại thôi, mọi sự sẽ OK ngay. Để sống còn với thế giới ngày hôm nay, bạn cần một số bạn bè có chức vụ cao — một người tay trong, người nào đó quen biết bạn và bằng lòng giúp bạn thoát ra khỏi. Hãy thử đến làm ăn ở Chicago mà không có vài người bạn ở chức vụ cao xem. Bạn sẽ ngụp lặn trong một đại dương nhiều bó buộc.
Cái điều chúng ta cần ở Chicago, chúng ta có rồi ở trên trời. Chúng ta đã có một Thiết Hữu trên các nơi cao — Nơi Cao Nhất trong vũ trụ. Chúng ta đã có một người tay trong, Ngài có thể cứu giúp thoát ra mọi nan đề của chúng ta. Hãy suy nghĩ sự ấy theo cách nầy: Khi bạn lâm vào cảnh rối rắm, ban cần hai việc: 1) Ai đó quan tâm đến mọi nan đề của bạn, và 2) Ai đó có thể giúp bạn ra khỏi. Nếu bạn của bạn quan tâm nhưng không ở trong một địa vị có thể giúp đỡ cho bạn, bạn sẽ được cảm thông song chẳng có một sự giúp đợ cụ thể nào hết. Nếu bạn của bạn có thể giúp, nhưng không quan tâm đến nan đề của bạn, phải, như thế cũng như chẳng có bạn bè chi hết thôi. Cái điều bạn cần là ai đó quan tâm và đang ở trong một địa vị có thể tháo gở mọi sự cho bạn kìa. Đấy là những gì Chúa Jêsus đang có — một Thiết Hữu trên các nơi cao, Ngài thích đến làm Đấng trợ giúp cho dân sự của Ngài.
I Giăng 2:2 thêm lẽ thật đáng khích lệ vào, ở đây cho rằng Đấng Christ là trạng sư của chúng ta ở trên trời. Ngài là trạng sư của chúng ta, là Đấng nói với Đức Chúa Cha lời biện hộ cho chúng ta. Khi ma quỉ đến rồi tố cáo nghịch cùng chúng ta, Chúa Jêsus trình bày vì ích cho chúng ta và huyết Ngài được trình ra để biện hộ cho chúng ta. Đức Cha nhìn vào Đức Con, nhìn thấy hai bàn tay bị đinh thủng của Ngài, rồi phán: “Trường hợp được thông qua”. Cho phép tôi trình bày cho bạn thấy phần tốt nhứt của lẽ thật nầy: Cho tới nay Ngài chưa hề thua vụ kiện nào hết. Bất luận bạn chi trả bao nhiêu tiền cho luật sư đời nầy, bạn không hề dám chắc về kết quả của trường hợp kiện tụng của bạn. Có nhiều việc có thể xảy ra trong phòng xử mà bạn không thể kiểm soát được. Ngay cả các luật sự giỏi nhất đó đây đã thua cuộc. Nhưng vì Chúa Jêsus đã được tôn cao bên tay hữu Đức Chúa Cha, Ngài đang ở trong chỗ uy quyền cao nhứt trong vũ trụ. Ngài không hề nài xin một quyết định của Tòa Án Tối Cao. Ngài là Quan Án Tối Cao — và Ngài có mặt ở đó vì bạn và tôi trọn thời gian. Tôi dám chắc, bạn đã nghe cách nói “24-7" rồi — nó có nghĩa là 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Đấy là điều Chúa Jêsus đang biểu thị cho. Ngài là trạng sư của chúng ta 24-7 ở trên trời. Công Vụ các Sứ đồ 7 cho chúng ta thấy điều nầy tác động như thế nào!?! Khi Êtiên đứng ra giảng bài giảng của ông thật dạn dĩ trước mặt Toàn Công Luận Do thái (Tòa Án Tối Cao của Israel), ông gợi lại lịch sử của dân tộc, chỉ ra thể nào người Do thái khăng khăng chối bỏ các sứ giả của Đức Chúa Trời. Ông nói cho họ biết họ đã giết Con Công Bình của Đức Chúa Trời (câu 52)! Những người cầm quyền không thích loại nói năng như thế nên họ đã nghiến răng với ông. Nhưng Êtiên kêu lên: “Tôi thấy trời mở ra và Con Người đang đứng bên tay hữu của Đức Chúa Trời” (Công Vụ các Sứ đồ 7:56). Nói như thế có nghĩa gì chứ? Ở trên đất Êtiên đang đứng trước toà án bại hoại của con người, nhưng ở trên trời có một Quan Án khác. Sẽ có một cuộc xét xử khác, nhưng lần nầy quan án cũng là trạng sư cho phần biện hộ. Trong pháp đình của người Lamã, những quan tòa đứng để công bố bản án. Khi Êtiên sắp chết, Chúa Jêsus đứng để công bố bản án ở trên trời. Sự thể cho thấy giống như Chúa Jêsus đang phán: “Họ có thể giết ngươi ở trên đất, nhưng ta sẽ biện hộ cho ngươi ở trên trời”. Thế gian kêu la: “Tội lỗi!” còn Chúa Jêsus phán: “Ngươi là con ta. Huyết của ta che đậy mọi tội lỗi của ngươi. Ta đảo ngược bản án ở trên đất. Ngươi được hoan nghênh ở trên trời cho đến đời đời. Hãy đến rồi bước vào Vương quốc của Ta”.
Cho phép tôi nhắc lại một phương diện sau cùng của lẽ thật nầy mà bạn chưa xem xét qua. Khi Chúa Jêsus thăng thiên về trời, Ngài giữ lấy phần nhân tính của Ngài đã được làm cho vinh hiển. Thân thể vật lý của Đấng Christ giờ đây đang ở trên trời, có nghĩa là một ngày kia khi chúng ta được sống lại từ kẻ chết, chúng ta sẽ không sống lại như những linh hồn mà như con người thật với thân thể vật lý của chúng ta đã được làm cho vinh hiển giống như Chúa Jêsus vậy. Không những Ngài đã chuộc lấy linh hồn của bạn, mà Ngài còn chuộc lấy thân thể của bạn nữa. Nếu bạn đang ở trong Đấng Christ, bạn có lời hứa của Ngài rằng xác thịt bạn sẽ được làm mới lại và được dấy lên trong vinh hiển trong sự sống lại. Khi ấy hết thảy chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài như vốn có thật vậy, và chúng ta sẽ ở với Ngài cho đến đời đời. Sự thăng thiên bảo đảm số phận Cơ đốc của chúng ta. Vì Ngài đã sống lại, chúng ta cũng sẽ được sống lại. Vì Ngài đã thăng thiên, chúng ta cũng sẽ thăng thiên nữa. Vì Ngài đang ở trên trời, chúng ta sẽ hiệp với Ngài ở đó một ngày kia. Chúng ta sẽ có mặt nơi Ngài đang hiện diện, và chúng ta biết Ngài ở đâu vì Ngài đã thăng thiên về trời. Ở giờ phút qua đời, con cái của Đức Chúa Trời có thể yên nghĩ với sự biết chắc rằng về mặt thân thể Đấng Christ đã thăng thiên về trời sẽ đem họ theo với Ngài — và một ngày kia sẽ dấy thân thể họ đến chỗ bất tử và không hay hư nát (I Côrinhtô 15:52-53).
Sự kéo giật của Thiên đàng
Cho phép tôi kết thúc với tư tưởng nầy. Vì cớ sự thăng thiên, chúng ta có thể dám chắc rằng tôn giáo của Đấng Christ là thật. Đức Chúa Trời đã tiếp nhận Ngài và vì Đức Chúa Trời tiếp nhận Ngài, Ngài sẽ tiếp nhận hết thảy những ai đặt lòng tin cậy nơi Ngài. Vì Ngài đã được an toàn ở trên trời, một ngày kia chúng ta sẽ được an toàn ở trên trời. Chúng ta sẽ ở nơi mà Ngài hiện đang ở bây giờ.
Sự thăng thiên cho chúng ta thấy phương thức chúng ta sử dụng đời sống của mình — nhìn lên. Câu chuyện thuật lại về cậu bé kia đi ra ngoài vào một ngày mùa xuân lộng gió để thả con diều của nó. Khi gió thổi lên, con diều bay cao hơn lên cho tới chừng sau cùng nó biến mất trong các đám mây trên cao không còn nhìn thấy nó nữa. Sau vài phút đồng hồ, người đứng bên cạnh hỏi: “Làm sao cháu biết được con diều vẫn còn dính với sợi dây chứ?” “Cháu cảm thấy nó đang kéo mạnh sợi dây”, cậu bé đáp. Cũng thực như thế cho chúng ta hôm nay. Đấng Christ đang kéo chúng ta hướng về thiên đàng. Ngài đang kéo chúng ta ra khỏi đất hướng về quê hương đời đời của chúng ta. Chúng ta có thể không nhìn thấy Ngài bằng hai con mắt của chúng ta, nhưng chúng ta cảm thấy lực kéo của Ngài ở trong tấm lòng chúng ta. Chúng ta biết rõ Ngài đang ở đâu và chúng ta biết nơi Ngài ở, một ngày kia chúng ta sẽ ở đó.
Mỗi ngày Chúa Jêsus lôi kéo tấm lòng của chúng ta, kéo chúng ta lên hướng về trời hầu cho khi chúng ta ở đó vào lúc sau cùng, chúng ta sẽ không cảm thấy như những khách lạ. Không bao lâu nữa, một ngày kia Chúa sẽ ban cho chúng ta một lần kéo mạnh sau cùng và chúng ta sẽ có mặt ở trên trời cho đến đời đời. Cho đến khi ấy, nguyện dân sự của Đức Chúa Trời luôn luôn vui mừng. Đấng Christ đã đắc thắng! Ngài đã đạt được chiến thắng và đã đánh bại từng kẻ thù. Đây là những gì chúng ta muốn nói khi chúng ta nói: “Ngài thăng thiên ngồi bên hữu Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha”. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét